Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:41:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 75290 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:54:49 pm »

Địa hình ở Hạ Lào, nhiều khe suối. Mưa một trận, nước đổ thành sông, nhưng đến mùa khô, chỉ còn sỏi đá. Thỉnh thoảng mới gặp một vũng nước đọng bên rừng cây khô, lá rụng. Các loài muông thú, ếch nhái và cả người cũng dựa vào các vũng nước thiên nhiên hiếm hoi, bẩn thỉu đó để sống qua mùa khô hạn. Bộ đội hành quân, mỗi người phải mang theo hai ống nước trên lưng dùng cho cả ngày. Trong chiến đấu, có đồng chí bị lạc, cứ đi mãi không tìm thấy nước, chịu chết khát giữa rừng. Ở Hạ Lào có nhiều cây me chua, anh em hái quả cho vào ba lô, thỉnh thoảng lấy ra nhấm nháp cho đỡ khát. Rau xanh rất hiếm. Có một loại rau dại, trông tựa như rau muống, nhưng có cuống dài như rau khoai, một số anh em ăn, bị say ngoắc ngoải. Anh em đã phải đặt câu vè:

Cây rau muống, cuống rau khoai
Nhìn lành, ăn độc, xin ai chớ lầm.

Cao nguyên Bô-lô-ven có khí hậu mát như Đà Lạt. Bản nào cũng có vườn mít, xoài, cà phê… cây cối xanh tốt. Chăm-pát-xắc là vựa lúa của Hạ Lào. Nhân dân, nhiều người ở nhà sàn rất to, có nhà chứa được cả đại đội. Bà con sẵn sàng nuôi thương binh, bộ đội cả tháng không lấy tiền. Mỗi nhà đều có gian buồng hẹp giành riêng cho con gái không ai được tự tiện bước vào. Thế nhưng, trước ngày giải phóng, chính các cô gái ấy tự tay đưa anh em thương binh ta vào trong buồng để che mắt địch khi chúng đi lùng sục.

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình và sự hợp tác của nhân dân, ở đây, bộ đội ta cũng lập được một số chiến công mới: trận tập kích đồn Pa-xắc diệt gần 80 địch, trận đánh giao thông ở Xu-khu-ma bắt sống cả đoàn xe trên 30 chiếc chở đầy lương thực, vũ khí.

Bọn Pháp có một kho xăng và đạn ở Kỳ-nặc, cạnh đường 13. Trung đoàn 101 đã dùng cối, pháo, bắn vào phá hủy hoàn toàn. Xăng cháy, đạn nổ ùng oàng suốt ba ngày đêm. Trận này gây thiệt hại lớn cho địch, vì quân Pháp, ngụy ở Trung, Hạ Lào và cả ở Thượng Lào cũng dùng xăng ở kho này.

Ngoài ra, còn có một số vị trí nhỏ, lẻ, từng trung đội ngụy đều bị bộ đội ta diệt hoặc buộc phải rút hết. Hạ Lào đã được hoàn toàn giải phóng. Địch chỉ còn cụm lại ở Xa-ra-van và một số vị trí trên đường 13 lên đến Xa-van-na-khẹt.

Khi đại bộ phận quân ta xuống Hạ Lào và trung đoàn 66 về nước, địch quay trở lại chiếm Thà Khẹt. Lúc đó, chúng tôi muốn tập trung bộ đội về giải phóng lần thứ hai. Nhưng theo chỉ thị của Tổng Quân ủy, chúng tôi phải tiếp tục phát triển xuống Đông Cam-pu-chia để giam chân địch ở đó.

Thế là chúng tôi lại tiếp tục thực hiện kế hoạch đợt 3 của chiến dịch.

Vùng Hạ Lào - Đông Cam-pu-chia đất rộng, người thưa. Làng này sang làng khác phải đi mất nửa ngày. Nhiều vùng đất hoang, đồi là là, cây lúp xúp. Cũng có chỗ rậm rạp, um tùm. Từng quãng có những cánh đồng nho nhỏ, gần đó, có độ bốn, năm chục nóc nhà của dân ở. Nhân dân ở đây sống bằng nghề làm ruộng. Mỗi năm, họ chỉ làm một vụ là đủ ăn, vì ruộng nhiều và tốt. Những ngày rỗi rãi công việc đồng áng, họ đi bắn con chim trong rừng, bắt con cá, con cua dưới khe suối. Cuộc sống của họ đơn giản, thoái mái, tự cung tự cấp. Dọc sông Mê-kông có nhiều Việt kiều. Nghề nghiệp của họ chủ yếu là đánh bắt cá và cuộc sống tương đối đầy đủ.

Kế hoạch đợt ba của chiến dịch ở Đông Cam-pu-chia. Sau khi bàn bạc với Ban cán sự Hạ Lào - Đông Cam-pu-chia, chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân. Nhiệm vụ của các đơn vị:

- Tiểu đoàn 319, do tiểu đoàn trưởng Dương Bá Nuôi phụ trách, vượt sông Mê-kông sang Chăm-pát-xắc. Sau khi quét hết địch ở đó, tiểu đoàn phải có kế hoạch giúp bạn xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng. Cần tranh thủ thời gian, hành quân xuống phối hợp với trung đoàn ở phía tây sông Mê-kông, giải phóng Xtung Treng.

- Tiểu đoàn 436 hành quân xuống Vôn-xai, bao vây địch ở đó. Nếu có điều kiện thì tiểu đoàn tiêu diệt địch và giải phóng Vôn-xai. Nếu giải phóng được Vôn-xai, tiểu đoàn tiến thẳng xuống Lam-phát, đánh địch, rồi vòng lên đường 13 phối hợp với trung đoàn giải phóng Xtung Treng.

- Tiểu đoàn 328 và các đơn vị trợ chiến, cùng cơ quan đoàn bộ đi dọc theo sông Xê-không xuống Xiêm păng đánh địch và tiến sang Xtung Treng, vì hai bên đường có bụi bờ ẩn nấp kín đáo.

Ngồi trên lưng ngựa, đủng đỉnh theo hàng quân, tôi lo lo, không biết tiểu đoàn 319 có đến nơi hợp điểm đúng thời gian không? Tiểu đoàn 436 có giải phóng được Vôn-xai không? Địch ở Xiêm-păng ra sao? Tôi cũng biết lo như vậy không giải quyết được gì, nhưng không sao cắt đứt được mối lo ấy trong đầu óc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:55:31 pm »

Đến Xiêm-păng, trinh sát cho biết địch ở đây mới được tăng cường thêm một đại đội. Vị trí của chúng có công sự vững chắc, có nhiều hàng rào dây thép gai. Chúng tôi thấy tiểu đoàn 328 đánh không chắc thắng. Chiến trường xa hậu phương, quân bổ sung khó, phải hết sức tránh những trận đánh có thể thương vong cao. Bộ đội phải giữ sức để đánh dài ngày. Chúng tôi để một bộ phận nhỏ bao vây Xiêm-păng, đại bộ phận tiểu đoàn 328 và các đơn vị trợ chiến phục kích đánh viện binh địch từ Xtung Treng lên.

Sau hai ngày, viện binh địch đến với 30 xe chở đầy lính, đi vào trận địa phục kích của ta. Một trận đánh quyết liệt xảy ra. Kết quả: bộ phận địch bị tiêu diệt và trên 20 xe bị phá hủy. Địch ở Xiêm păng hoảng sợ rút chạy. Tiểu đoàn 328 đuổi theo, tiêu diệt được một bộ phận của địch. Xiêm păng được giải phóng. Đường xuống Đông Miên được mở rộng.

Khi địch ở Xiêm păng bị đánh thì địch ở Lam Phát đưa một đại đội lên tăng cường cho Vôn xai. Tiểu đoàn 436 bắt gặp. Một cuộc tao ngộ chiến diễn ra. Kết quả đại đội địch bị tiêu diệt. Địch ở Vôn-xai hoang mang. Thưa thắng, tiểu đoàn 436 đánh chiếm Vôn-xai. Sáng ngày hôm sau, tiểu đoàn phát triển xuống giải phóng luôn thị trấn Lam Phát. Địch ở Lam Phát rút chạy. được lệnh trên, tiểu đoàn 436 nhanh chóng tiến thẳng xuống Kơ-ra-chi-ê đánh địch ở đó. Nhưng vì hết gạo, phải trụ lại trên đường 13 giữa Kơ-ra-chi-ê - Xtung Treng. Ở đây, thỉnh thoảng có những đoàn xe năm, bảy chiếc đi qua. Tiểu đoàn phục kích đánh một trận giao thông diệt 50 tên địch, phá hủy 5 xe, bắt sống 25 tên khác. Không ngờ bọn này hầu hết là sĩ quan và hạ sĩ quan mới tốt nghiệp ở Pháp. Chúng đưa bọn này sang để tăng cường cho quân chiếm đóng của chúng ở Lào. Trận phục kích thắng lợi lớn, nhưng mục đích tìm gạo chưa đạt. Vừa lúc đó, có 2 xe gạo của một thương gia chạy đến. Bộ đội ta chặn lại và hỏi mua một số gạo. Họ liền vui vẻ biếu luôn cho anh em ta một xe ba tấn không lấy tiền. Có được gạo, tiểu đoàn lập tức hành quân xuống Kơ-ra-chi-ê. Địch ở đây đã mất tinh thần. Được tin bộ đội ta đến, chúng liền bỏ chạy. Ta đuổi đánh, diệt được một số và chiếm lĩnh Kơ-ra-chi-ê.

Xiêm-păng, Vôn-xai, Lam Phát, Kơ-ra-chi-ê được giải phóng. Xtung Treng bị cô lập. Lúc ấy, tiểu đoàn 319 cũng đã xuống đến phía tây sông Mê-kông, đối diện với Xtung Treng. Chúng tôi sử dụng tiểu đoàn 436 và tiểu đoàn 328 cùng các đơn vị trợ chiến tấn công Xtung Treng.

Khi bộ đội ta chưa đến nơi, địch ở đây đã rút chạy. Trung đoàn hoàng gia GM52 do Xi-ha-núc chỉ huy từ Phnôm Pênh lên để cứ nguy cho đồng bọn. Bộ đội ta đuổi địch ở Xtung Treng chạy, vừa gặp GM52. Không cho địch có thì giờ củng cố, đơn vị đi đầu của ta tổ chức tấn công ngay, làm cho địch hoảng hốt tán loạn. Cả địch ở Xtung Treng và GM52 chạy thẳng về Phnôm Pênh. Thế là toàn bộ tỉnh Xtung Treng được giải phóng.

Lúc này, chúng tôi tranh thủ chấn chỉnh bộ đội, giải quyết vấn đề tiếp tế, tổ chức nuôi dưỡng anh em thương binh, chuẩn bị cho đợt tấn công mới.

Chúng tôi cũng đã góp ý kiến với các đồng chí cán bộ địa phương của bạn về việc xây dựng và bảo vệ vùng mới giải phóng.

Đi sâu vào nội địa Xtung Treng, tôi thấy đời sống của nhân dân ở hai bên bờ các con sông lớn: Mê-kông Xê-kông, Xê-năng… tương đối đầy đủ. Nhưng ở các nơi khác, nhiều gia đình lắm lúc phải ăn cháo hoặc ăn củ rừng. Tinh thần cách mạng của nhân dân khá cao. Mặc dầu nghèo khổ, thiếu ăn nhưng họ sẵn sàng góp gạo giúp bộ đội. Những nơi đang còn bị giặc Pháp kìm kẹp, họ vẫn tìm cách đến với anh em ta. Một hôm, bộ đội đang đóng ở trong rừng thì thấy một số dân địa phương từ trong vùng bị chiếm có cả đàn ông, đàn bà vác đòn càn đi đến. Người đàn ông cao tuổi nhất nói với anh em ta: “Dân bản thương bộ đội, đem gạo muối cho bộ đội”. Những người trong đoàn hạ đòn càn xuống, lúc lắc gạo trong ống tre rơi ra từ một khe nhỏ. Để hết gạo, bà con lại mở các mo cơm, lấy ra từng gói muối đưa cho bộ đội và nói: “Địch nó khám kỹ lắm, không đem đi nhiều được”. Mới gặp lần đầu nhưng tinh thần tương trợ, đoàn kết chiến đấu của quân dân hai nước biểu lộ rất chân tình, sâu đậm.

Được tin ở Liên khu V giải phóng Công Tum, chúng tôi cử cán bộ xuống liên hệ và đề nghị phối hợp giải phóng luôn Buôn Ma Thuột. Anh Nguyễn Chánh viết thư trả lời, Liên khu V đang gặp khó khăn về lương thực, không thể đảm bảo tiếp tế cho lực lượng chúng tôi. Vì thế, đề nghị của chúng tôi không thể thực hiện.

Chúng tôi tính đến chuyện phát triển xuống Công-pông-chàm, Công-pông-thom. Chúng tôi cho một tổ trinh sát đi trước xuống nắm tình hình ở vùng ấy và bắt liên lạc với bộ đội ta ở Nam bộ. Trong lúc đang chuẩn bị đợt tấn công mới thì tin chiến thắng Điện Biên Phủ bay về. Vô cùng phấn khởi. Tiếp đó, chúng tôi lại được tin ngừng bắn và lui quân của Tổng Quân ủy vì hiệp định Giơ-ne-vơ đã ký kết. Chúng tôi chuẩn bị cho bộ đội về nước.

Chiến dịch Trung - Hạ Lào và Đông Cam-pu-chia đến đây kết thúc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:55:59 pm »

Chiến dịch ấy đã đánh dấu một bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành của bộ đội Bình Trị Thiên. Từ chiến dịch Lê Lai, Phan Đình Phùng đến chiến dịch, này, quy mô tổ chức, phạm vi hoạt động ngày càng lớn. ý nghĩa đối với chiến dịch ngày càng quan trọng.

Nhiệm vụ của chiến dịch đã hoàn thành tốt đẹp. Nó đã kéo một lực lượng cơ động lớn của địch từ chiến trường chính đến đây và đã tiêu diệt được một bộ phận. nó đã đóng góp xứng đáng vào sự toàn thắng của chiến cuộc Đông - Xuân năm 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Chiến dịch này cũng đã biểu thị tinh thần quốc tế cao cả của bộ đội ta đối với nhân dân hai nước Lào và Cam-pu-chia.Gần một năm trời, lực lượng vũ trang hai nước bạn chiến dịch chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Cuộc liên minh chiến đấu này đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, từ Trung Lào đến đông bắc Cam-pu-chia, hàng chục vạn ki-lô-mét vuông. Gần một trăm năm, dân ở đó mới bắt đầu được hưởng độc lập, tự do. Qua đó, chúng ta đã giúp bạn xây dựng các lực lượng vũ trang, xây dựng vùng giải phóng vững mạnh, góp phần tích cực đưa cách mạng của nhân dân ba nước tiến lên giai đoạn mới.

Trước khi lên đường về nước, chúng tôi họp với Ban cán sự Hạ Lào - Đông Cam-pu-chia một số vấn đề giúp bạn sau khi bộ đội ta rút. Vấn đề đặt ra và thảo luận sôi nổi giữa chúng tôi là công tác trọng tâm sắp tới là thành thị hay nông thôn? Chúng tôi cho rằng cách mạng Lào và Cam-pu-chia sẽ có nhiều khả năng phát triển khác nhau, rất phức tạp. Nhưng bất cứ trong tình huống nào,vấn đề cơ bản vẫn do sự giác ngộ của quần chúng nhân dân quyết định. Vì vậy, việc tiếp tục củng cố, xây dựng các lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở trong vùng giải phóng nhất thiết không được coi nhẹ. Nhưng, trong tình hình mới, việc tuyên truyền phát động quần chúng, tập hợp các tầng lớp trong xã hội để đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ thì công tác thành thị trở nên vô cùng quan trọng. Sự kết hợp chặt chẽ giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp nhân dân thành một sức mạnh tổng hợp thống nhất sẽ đưa cách mạng tiến tới giành những thắng lợi mới.

Được tin chiến tranh kết thúc, bộ đội sắp về nước, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều hân hoan ca khúc khải hoàn. Anh em chia tay nhau đi chào nhân dân quanh vùng. Tối đến, đốt lửa trại liên hoan cùng bà con. Cuộc họp mặt rất vui. Khi chia tay, mọi người đều lưu luyến. Mặc dầu đêm đã khuya, bà con vẫn tiếp tục buộc chỉ vào tay cán bộ, chiến sĩ ta hết người này đến người khác. Bà con nói:

- Hết chiến tranh, bộ đội về nhà, nhưng đừng quên chúng tôi.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến từ biệt nhân dân ở một bản gần nơi đóng quân, dân bản tiếp đón rất niềm nở và chúng tôi bị giữ lại mất nửa ngày. Bà con mổ lợn, ăn liên hoan với chúng tôi. Tất cả chủ và khách đều ngồi xuống sàn nhà quanh mấy mâm xôi thịt và mấy vò rượu nếp thơm phức. Bữa ăn, tuy không linh đình nhưng ấm cúng, thân mật. Tôi nhớ mãi câu nói của một cụ giả trong bản:

- Giặc đi thì bộ đội về với cha mẹ, giặc đến thì bộ đội phải sang ngay, giúp chúng tôi đánh giặc.

Khi chia tay, kẻ ở người đi rất bịn rịn. Nhân dân bạn đối với bộ đội ta rất nồng nàn, thân thiết, chẳng khác gì nhân dân ta đối với bộ đội khi chiến đấu ở trong nước.



Chúng tôi gấp rút chuẩn bị cuộc hành quân sớm ngày nào hay ngày nấy để tránh mùa mưa lũ ở vùng Đông Cam-pu-chia và Trung Hạ Lào. Nhưng một cuộc hành quân đi bộ hàng nghìn ki-lô-mét phải giải quyết nhiều vấn đề. Những khó khăn lớn nhất của chúng tôi lúc bấy giờ là tiếp tế và thương binh.

Vấn đề tiếp tế, bảo đảm cho hơn 5.000 quân đi trên một con đường dài hàng tháng, có nhiều núi rừng, khe suối không phải chuyện dễ. Nhưng nhờ có nhân dân bạn hết lòng giúp đỡ, đi đến đâu, họ cho gạo ăn đến đó. Nhờ thế mà cuộc hành quân đi đến nơi về đến chốn.

Thương binh là vấn đề khó khăn nhất. Nếu để anh em ở lại chạy chữa cho lành mạnh rồi sẽ về nước thì không phù hợp với tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nếu tổ chức cho an hem cùng về thì đường xa, sợ trèo đèo, lội suối, đi không nổi. Nhưng nhờ có sự can thiệp của Bộ Tổng tư lệnh và sự đấu tranh của chúng tôi, buộc bọn Pháp ở Xa-ra-van phải nhận đưa gần 70 thương binh của ta về Đồng Hới bằng máy bay.

Cuộc hành quân của chúng tôi lên khỏi Xa-ra-van thì mưa to. Anh em cứ tiếp tục đi dưới trời mưa dầm dề như trút, hết ngày này sang ngày khác. Nếu dừng lại, chờ hết mưa thì sợ mưa không hết mà gạo lại hết. Gần đường 12, nước sông Xê-băng-phai lên cao, tràn ngập mênh mông như biển, không có cách gì đi được. Bộ đội phải dừng lại. Anh em công binh và những đồng chí trong đơn vị đã trổ hết tài nghệ của mình nhưng không thể qua sông được. Trời vẫn tiếp tục mưa to, không ngớt. Gạo trên lưng bộ đội đã ăn hết. Vùng này, dân cư lại thưa thớt. Tình thế rất gay go. Chúng tôi phải cầu cứu lên Tổng Quân ủy. Anh Văn điện cho tôi Liên khu 4 tìm mọi cách tiếp tế cho đại đoàn 325. Đến ngày thứ ba, Liên khu IV đã đưa gạo lên đường 12, nhưng không thể đến tay bộ đội vì không qua sông Xê-băng-phai được. Các đồng chí bơi lội giỏi trong đơn vị lấy ống tre lội qua sông, cho gạo vào ống, nút kín miệng ống, đưa về từng ít một. Đến ngày thứ năm, nước rút, chúng tôi mới ra được đường 12.

Cuộc hành quân ròng rã gần một tháng rưỡi, vô cùng gian khổ. Có lẽ đây là cuộc hành quân lịch sử của bộ đội Bình Trị Thiên, trong thời kỳ chống Pháp.

Về đến Châu Phong (Hà Tĩnh) anh em nghỉ lại đó ít ngày để lấy sức rồi vào tập kết tại sân bay Đồng Hới. Đại đoàn về đến Đồng Hới vào giữa tháng 10 năm 1954. Anh em thương binh ở Lào cũng đã về đây từ cuối tháng 9. Trong thời gian chúng tôi chiến đấu ở Lào, trung đoàn 95 được Bộ Tổng tư lệnh điều động ra chiến đấu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phối hợp với đại đoàn 320 và các lực lượng vũ trang Liên khu III, trung đoàn đã tiêu diệt và bắt sống gần 2000 địch, đập tan tuyến phòng thủ của chúng trên đường số 10 và tham gia giải phóng các thị xã Ninh Bình, Nam Định, Phủ Lý. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trung đoàn 95 về Đồng Hới trước đó một thời gian ngắn. Đại đoàn 325 lúc này mới được tập trung đầy đủ. Với những thành tích đã đạt được ở Trung - Hạ Lào, Đông Cam-pu-chia và thắng lợi của cuộc hành quân vừa rồi, cán bộ, chiến sĩ gặp lại đồng bào, đồng chí trên dải đất thân yêu Bình Trị Thiên của mình, vừa vui mừng, vừa xúc động kể sao cho xiết.

Sau khi chấn chỉnh nơi ăn, chốn ở, các đơn vị bắt tay vào việc kỷ niệm ngày 22-12-1954, mừng Quân đội ta tròn mười tuổi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:56:28 pm »

XXIV. VÀI DÒNG SUY NGHĨ

Trong những ngày còn đánh Mỹ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã gợi ý cho tôi nên viết lại cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Trị Thiên. Tôi thấy cũng cần. Đáng tiếc là cả thời kỳ đánh Pháp ở Bình Trị Thiên, tôi không ghi nhật ký. Song những ấn tượng về cuộc đấu tranh gian khổ và anh dũng của quân dân Bình Trị Thiên trong thời kỳ đó vẫn còn in đậm trong ký ức tôi, không thể nào quên được.

Đã hơn 30 năm qua, mỗi lần có dịp nhắc đến cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi lại nhớ đến những gì đã diễn ra trên chiến trường Bình Trị Thiên. Cũng ít thấy một chiến trường nào, đất hẹp, núi biển gần sát nhau, hai đầu hai ngọn đèo cao chặn lại, bị kẻ thù chiếm đóng, khủng bố, đánh phá ác liệt liên miên, mà lại có một sức sống, chiến đấu kiên cường, bền bỉ như thế!

Đầu năm 1947, sau khi mặt trận Huế vỡ, thế giặc đang thịnh, tràn đến đâu, chiếm đóng đến đó, tàn sát dân lành, đốt phá nhà cửa, xây đồn bốt, lập hội tề. Lực lượng kháng chiến bị dồn ép cùng cục. 2.500 đảng viên trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ chỉ còn non 1.000. Chính quyền cách mạng ở thôn xã đại bộ phận bị mất. Quần chúng hầu hết nằm trong vùng chúng kiểm soát. Mỗi tỉnh chì còn vài nghìn người chạy dạt lên núi, sống trong cải đói rét. Quân và dân gặp vô vàn khó khăn chồng chất, tưởng chừng không có cách gì vượt qua nổi. Anh Nguyễn Chí Thanh gọi đó là “thời kỳ tan rã”.

Thế nhưng cuộc kháng chiến khôn bị dập tắt, mà vẫn tồn tại, khôi phục và phát triển. Chỉ hai năm sau “thời kỳ tan rã”, số đảng viên đã lên tới ba vạn. Cơ sở chính quyền thôn xã khôi phục lại gần hết. Quần chúng trong vùng ta kiểm soát từ chỗ vài nghìn lên đến 5 vạn trong mỗi tỉnh.

Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân đều phát triển. Phong trào tự túc lương thực, tự túc vũ khí, xóa nạn mù chữ được đẩy mạnh khắp nơi.

Do đâu có được những thắng lợi to lớn ấy? Đại hội đại biểu Đảng ở Liên khu IV năm 1949 đã biểu dương phong trào kháng chiến Bình Trị Thiên và rút ra mấy bài học chính. Đó là tinh thần tự lực tự cường, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn và dũng cảm chiến đấu. Đúng. Ở một dải đất hẹp, kinh tế nghèo, hạn hán, lũ lụt thường xuyên đe dọa, địch o ép bốn phía, trong lúc sự chi viện của Liên khu IV cũng như của Trung ương còn hạn chế, quân và dân Bình Trị Thiên không còn cách nào khác là phải tự khắc phục để sống và chiến đấu. Những đức tính ấy vốn là bản chất truyền thống của quân dân Bình Trị Thiên. Nhưng làm cho bản chất và truyền thống ấy trở thành sức mạnh thực tế trong điều kiện chiến trường lúc bấy giờ trước hết hết phải nói là do sự lãnh đạo của Đảng ta. Đường lối, chính sách dúng đắn của Đảng được các Tỉnh ủy của ba tỉnh Bình Trị Thiên xây dựng một cách tài tình và sáng tạo trong tình hình cụ thể của tỉnh mình. Do đó đã đoàn kết được mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, miền xuôi miền ngược, trong Đảng ngoài Đảng, chính quyền, quân đội thành một khối vững chắc tựa thành đồng. Sự đoàn kết nhất trí ấy đã giúp cho quân và dân Bình Trị Thiên, vượt qua mọi hoàn cảnh hiểm nghèo, tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó cũng chính là sự thể hiện một nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng lực lượng cách mạng của nhân dân ta mà Hồ Chủ tịch luôn luôn nhắc đến.

            Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
            Thành công, thành công, đại thành công.

Có nhân dân anh hùng mới có quân đội anh hùng. Và quân đội anh hùng lại làm vẻ vang thêm truyền thống cách mạng của quê hương. Đồng bào Bình Trị Thiên rất lấy làm tự hào về lực lượng vũ trang mình. Anh bộ đội Bình Trị Thiên mang trong người đầy đủ phẩm chất cao quý của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mà đồng bào cả nước đã gọi một cách trìu mến “Anh bộ đội Cụ Hồ”.

Kinh tế của Bình Trị Thiên chưa phát triển. Những năm đầu kháng chiến bộ đội ở đây vẫn phải chân đất, mũ nan đi đánh giặc, cướp vũ khí của giặc để trang bị cho mình. Dù có lúc phải ăn đói mặc rách, bộ đội vẫn một lòng “trung với Đảng, hiếu với dân”. Trong đơn vị thì cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi luôn luôn chia ngọt sẻ bùi, nhường cơm xẻ áo, nhượng nhịn, giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Đối với kẻ thù thì cương quyết tấn công không lùi một bước. Đối với nhân dân thì kính yêu, thân thiết như người con, người em hiếu thảo.

Là quân đội chiến đấu và đội quân công tác, bộ đội Bình Trị Thiên biết cách đánh giặc bằng quân sự, lại biết các đánh giặc bằng địch vận, biết cách giúp cán bộ địa phương xây dựng cơ sở cách mạng, biết giúp đồng bào tăng gia sản xuất và biết dạy cho các em nhỏ học hành ca múa.

Hình ảnh cao quý “Anh bộ đội Cụ Hồ” cũng như kỷ niệm đầm ấm về tình quân dân đoàn kết chiến đấu luôn luôn là nguồn động viên sâu sắc với người dân Bình Trị Thiên. Điều đó đã giúp cho đồng bào tăng thêm lòng tin, tăng thêm sức mạnh, vượt qua muôn vàn thử thách, kiên trì đấu tranh với một tinh thần dũng cảm hy sinh không bờ bến suốt trong 3.000 ngày chống Pháp rồi đến 20 năm chống Mỹ, góp phần cùng với cả nước đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đến toàn thắng.

Bình Trị Thiên đã trở thành biểu tượng về một chiến trường gian khổ, ác liệt, giàu tinh thần chiến đấu bất khuất. Đồng bào cả nước đã dành cho Bình Trị Thiên những tình cảm thương yêu, quý mến.

Trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân Bình Trị Thiên phát huy truyền thống của mình, đang cố gắng đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng. Truyền thống đó là toàn quân một ý chí, quân với dân là một ý chí, không ngừng nâng cao sức mạnh và sẵn sàng chiến đấu, tích cực tham gia xây dựng kinh tế, làm tròn nhiệm vụ, mãi mãi xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, của nhân dân.

*
*   *

Với tập sách nhỏ này, tôi không có tham vọng kể lại toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Trị Thiên. Tôi chỉ muốn nêu lên một số chuyện về hoạt động của các lực lượng vũ trang nhân dân ở đó. Xin chân thành cảm ơn các đồng chí, các bạn trong và ngoài quân đội đã giúp tôi hoàn thành cuốn sách này.

Hà Nội, 1984
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM