Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:17:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91120 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #230 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 02:47:28 am »

Trung úy Paul O’Dowd là một quan sát viên của tiểu đoàn pháo dã chiến số 15, trong phần lớn thời gian, anh chạy lên chạy xuống với các đơn vị khác nhau, và giờ anh được phối thuộc vào trung đoàn Chín, sư đoàn Hai bộ binh. Anh là một trong vài sỹ quan Mỹ biết được sự kiện Unsan, rằng quân Trung Hoa đã nện một trung đoàn ưu tú của Mỹ một đòn đau. Giờ đây, khi quân Mỹ tiến lên phía bắc Bình Nhưỡng, O’Dowd thường xuyên bay trên một chiến phi cơ tuần thám bé tý nhằm tìm xem có dấu hiệu nào của quân Trung Hoa, để cố trả lời cho câu hỏi rằng họ đã đi đâu sau trận tấn công đầu tiên ở Unsan. Vào một ngày họ giáng một đòn nặng vào quân Mỹ, và rồi họ biến mất. O’Dowd thích tự hào về sức nhìn của anh. Bạn cần phải có sức nhìn tốt mới làm quan sát viên pháo binh được; nhưng chiến hữu của anh, Valdez, người lái phi cơ tuần thám và là một đại úy, còn có sức nhìn tốt hơn, như mắt chim ó. Valdez có phong cách riêng cũng như tố chất riêng: cứ mỗi khi bị súng mặt đất bắn lên và có vài viên trúng máy bay, khi về tới căn cứ anh sẽ tìm xem có lỗ đạn nào trên thân máy bay, và khi thấy, anh sẽ vẽ một trái tim quanh lỗ đạn đó. Chính Valdez đã phát hiện ra quân  Trung Hoa ở khoảng cách cực xa mà lúc đó O’Dowd không thấy gì cả. Sau trận Unsan, ngày qua ngày, họ sục sạo miền quê này để tìm dấu vết kẻ thù. Chiếc phi cơ nhỏ bé của họ không có tỏa nhiệt, và để có tầm nhìn tốt hơn, đôi khi họ mở toang cửa, và họ thường xuyên bị lạnh muốn đông thành đá – nhưng họ vẫn không nhìn thấy gì. Thật kỳ lạ, O’Dowd nghĩ; cả một quân đội hiện hữu đã biến mất. Đôi khi Valdez có thể thấy những thứ gì trông như dấu chân trên tuyết, họ bay xuống cực thấp, đó thực sự là dấu chân, và dường như chúng dẫn đến một căn lều. Thế là họ gọi pháo bắn vào túp lều, nhưng khi đạn bắn tới không có ai ở đó cả. Sau này họ được cánh tình báo cho biết là quân Trung Hoa có áo trùm đầu paca màu trắng, do đó trong dịp hiếm hoi quân Mỹ bay trên đầu lính Trung Hoa, chúng có thể nằm sấp bụng xuống, không di chuyển và những người phát hiện mục tiêu trên máy bay sẽ không nhận dạng được, cho dù có sức nhìn tốt hay không. Trong những ngày đó, đại tá Charles (Chin) Sloane, trung đoàn trưởng trung đoàn Chín, để hết tâm trí vào hoạt động trinh sát đường không của họ, ông rất hiểu về mối nguy to lớn. Khi họ thực hiện những chuyến bay trinh sát dài ba hay bốn giờ, ông thường dành sẵn sô-cô-la nóng cho họ cũng như nóng lòng đợi tin tức về quân Trung Hoa. Những ngày dài, lạnh cóng, O’Dowd  nghĩ, và không một tên lính Trung Hoa nào hiện ra. Nhưng O’Dowd chắc chắn rằng chúng ở đâu đó ngoài kia. Phải là như vậy. Điều này làm những quân nhân như Sloane rất lo lắng: một quân đội vừa nghiền nát một trong những đơn vị giỏi nhất của Mỹ đã hầu như biến mất khỏi mặt đất.

Tại sở chỉ huy sư đoàn, người ở đó cũng lo lắng. John Carley là một đại úy trẻ thuộc phòng G-3, phòng tác chiến; rời trường West Point chỉ mới 5 năm, và đã quá muộn để tham gia thế chiến II ở vị trí sỹ quan. Giờ đây anh có được một cuộc chiến nhỏ hơn nhiều, nhưng đó cũng là một cuộc chiến tranh quá đủ cho bất cứ ai muốn. Dù rằng sư đoàn Hai không có bất cứ đụng độ nào với quân Trung Hoa, nhưng vẫn có tin đều đều về phòng G-2 rằng những đơn vị khác có gặp chúng. Những câu hỏi trong suy nghĩ của anh và của rất nhiều sỹ quan bình báo là: Chúng đi đâu? Nếu chúng đã có lần xuất hiện đầy bất ngờ với một số lượng quân rất lớn, thì liệu rằng chúng lẽ nào không làm điều đó lần nữa? Họ tiến đến một nơi mà người Triều Tiên gọi là Xứ Hổ, có thể đoán chừng là do hổ đã từng sống thực sự ở đây. Những ngọn núi vây quanh thật khổng lồ. Vào cuối tháng Mười Một, cái lạnh đã chấn vỡ cửa chắn gió trên chiếc phi cơ tuần thám bé nhỏ mà Carley thường dùng đi trinh sát. Thật tệ, đôi khi vào cuối tháng Mười  Một, có lẽ quanh ngày 20, sương mù xanh thường xuyên phủ mờ cảnh vật và dường như không bao giờ tan đi. Carley không là một chuyên gia thời tiết, nhưng anh đã từng thấy sương mù như vậy khi còn nhỏ ở vùng Richton, Missisippi, lúc anh đi săn với bạn bè trong những buổi sáng lạnh giá và họ phải đốt lửa để sưởi ấm. Sau này anh xác quyết rằng các đội tuần tra Trung Hoa đã đốt nhiều đám cháy lớn ở khắp vùng để hạn chế việc trinh sát đường không của phía Mỹ. Anh và những sỹ quan trẻ khác trong phòng G-2 và G-3 đau khổ hiểu được rằng tuyến tiếp vận của họ mong manh tới mức nào, và rằng sư đoàn đang tiến lên phía bắc trên một con đường sỏi hẹp với những khúc cua đột ngột vặn xoắn, rẽ ngoặc. Những con đường như vậy là những địa điểm lý tưởng cho việc phục kích. “Bạn phải hiểu chúng tôi có nhiều nhược điểm như thế nào” nhiều năm sau anh nói “chúng tôi vượt qua một dãy núi và dường như có thêm một dãy khác mỗi ngày, và các dãy núi càng giảm khả năng hỗ trợ chúng tôi mỗi ngày”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #231 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 02:50:53 am »

Một sỹ quan cao cấp dường như chia sẽ cùng mối lo lắng với anh là trung tá Ralph Foster, trưởng phòng G-2 sư đoàn Hai. Foster là một người kỹ tính, miễn nhiễm với những áp lực của cấp trên, và như Carley, cảm giác của ông về sự lo lắng tăng lên từng ngày. Bắt đầu từ đầu tháng Mười Một, ông đã lo, đến giữa tháng, lo lắng dồn thành cục. Những bản đồ của họ cho thấy phía bắc dòng Áp Lục lỗ chỗ những lá cờ đỏ đại diện cho các sư đoàn Trung Hoa, và rồi quân Trung Hoa tấn công ở Unsan. Dutch Keiser sư đoàn trưởng, không chia sẽ nổi sợ của ông. Malcom MacDonald, một đại úy trẻ công tác trong phòng G-2 của Foster, nhận thấy sếp của anh thêm phần thất vọng bởi ông không có khả năng tác động được Keiser. Người trong bộ phận tình báo hiểu về áp lực khổng lồ đè lên ông từ các sở chỉ huy cao hơn nhằm thúc tiến lên. Nhưng với Foster, có cảm giác như thể có ai đó ngoài kia đang quan sát họ và đợi đến đúng thời điểm sẽ công kích. “Bạn có thể cảm thấy được sự căng thẳng trong sở chỉ huy” ông nói “Chúng tôi cảm thấy được điều gì đó kinh khủng sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi không thể bắt được ai phản ứng với việc đó”.

Hồi đầu tháng Mười một, thượng úy Sam Mace, trung đội trưởng trung đội Bốn thuộc đại đội xe tăng số 38 trong sư đoàn Hai, một đơn vị dưới quyền Jim Hinton, mang theo lính, xe tăng của anh cùng với vài lính bộ binh khác để làm một chuyến tuần tra trinh sát dài. Lúc đó họ đã đi lên khá xa phía bắc Bình Nhưỡng. Mace thích nhớ lại chuyến đi đó như nhớ một ngày hội âm nhạc. Nó bắt đầu bằng những thủ tục thường lệ. Có một lần chạm súng ngắn ngủi với vài tay lính Bắc Triều Tiên, nhưng hỏa lực vượt trội của xe tăng đã đánh bại quân Triều Tiên tương đối dễ dàng. Chừng tám lính Triều Tiên bị bắt, nhưng có một bị thương. Lính của Mace băng bó cho thương binh, trói tù binh, bỏ chúng lại trong một căn lều và tiếp tục đi lên hướng bắc để hoàn thành nhiệm vụ. Tới lúc này thì mọi việc vẫn như lệ thường, nhưng rồi có hai việc xảy ra làm Mace giật mình và cẩn trọng, cẩn thận hơn. Sam Mace nghĩ nhờ sự thận trọng mà anh còn sống sót. Jim Hinton, đại đội trưởng của anh, cho rằng Mace là một người lính giỏi thật sự, khá có thể là người lính giỏi nhất mà anh từng cộng tác. Anh có thể làm mọi thứ, sửa chữa mọi thứ, và phù hợp với bất kỳ hoàn cảnh nào. Về thể chất, anh ta thật đáng nể, hầu như không bao giờ biết mệt mỏi, điều này quan trọng bởi bạn không thể ngưng đánh giữa trận bởi tình trạng thể chất của bạn. Và anh ta cũng thông minh bằng với sức khỏe. Mace là người trong quân đội cả đời, Hinton đã vài năm thúc anh trở thành một sỹ quan, nhưng anh luôn từ chối, Hinton chắc là anh ta sợ phải cạnh tranh với những người có bằng cấp vì tất cả những gì anh ta có là bằng tiểu học. Anh bị thương nặng trong trận Naktong, phải vào bệnh viện với 78 mảnh đạn trong lưng, nhiều đến mức các y tá cá nhau xem con số cuối cùng là bao nhiêu. Lúc bị các mảnh đạn bắn tới, anh đang cuộn tròn người, Mace xác quyết đó là may mắn của anh. Khi Mace còn trong bệnh viện, Hinton tiếp tục triển khai các công tác giấy tờ để chuyển anh ta thành sỹ quan, và khi Mace trở lại đơn vị, anh thấy mình đã là trung úy. Anh chấp nhận cơ hội này có phần không nhỏ bởi anh mệt mỏi khi làm việc với các sỹ quan, trừ Hinton, bởi những người kia dù chẳng biết mẹ gì về chiến tranh nhưng vẫn nhìn trịch thượng xuống bạn bởi cấp bậc quân ngũ – và dĩ nhiên, có những đãi ngộ mà lính trơn chỉ có thể mơ thôi. Khi quân Trung Hoa tấn công đơn vị của anh vào ngày 25 tháng Mười Một, lúc đó anh là sỹ quan được 36 tiếng đồng hồ.

Sam Mace cảm thấy anh đã từng trải qua mọi thứ. Khi còn bé, đó là trong thời kỳ Đại khủng hoảng, anh lớn lên ở West Virginia, một nơi nghèo nhất của đất nước trong thời kỳ đói khổ. Ngay từ đầu cha anh đã trầm mê, ông là một người dân West Virginia thất học, nhưng còn tệ hơn, ông không thể làm việc trong hầm mỏ được, một nghề dành cho những người dân nghèo West Virginia, bởi ông bị chứng sợ không gian hẹp. Ông phải luôn đi tìm việc, buộc phải di cư từ thị trấn nhỏ này sang thị trấn nhỏ khác cùng với gia đình mình, nhận lấy những công việc lương thấp nhất, nếu có việc. Bởi vậy nên đường học vấn của Sam Mace dừng lại ở tiểu học; họ sống trong nhiều thị trấn quá nhỏ đến mức không có nổi trường học. Và cũng không ngạc nhiên thấy anh nhảy vào quân đội ngay khi có cơ hội, đó là vào năm 1939, họ tuyển binh, ở tuổi 15. Anh nói, thời đó, họ nhận bất kỳ ai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #232 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 02:55:48 am »

Mace đã là một lính tăng trong những ngày đầu chuyển đổi từ ngựa sang xe tăng. Anh là một người lính xuất sắc ngay từ đầu, nhưng anh cũng có một chút hoang đàng trong những ngày sớm sủa đó và thế là cấp bậc của anh cứ dập dềnh lên xuống giữa trung sĩ và hạ sỹ, tùy thuộc vào cách cư xử ngoài-công-việc của anh. Sam Mace thích nói rằng anh là một trong những người Mỹ có uy tín lớn trong việc phục kích, bởi anh từng trải qua ba lần như vậy: một lần là ở Kunuri – đó coi như là lần ông cụ của tất cả, một nữa là trận Bulge trong thế chiến II cũng khá gần với một trận phục kích, và một trận nặng nhất, và anh có trong đó, một trận kinh hoàng ở một địa phương mà quân Mỹ gọi là Thung lũng Thảm sát vào giữa tháng Hai năm 1951. Trận Bulge vẫn còn trong tâm trí anh: anh ở đó với một đơn vị thiết giáp Mỹ chậm chạp và may mắn, đóng cách 20 dặm về phía đông bắc của một nơi tên là Bastogne, hồi tháng 12 năm 1944, tất cả mọi người quanh anh chắc ăn rằng cuộc chiến đã tới hồi kết thì quân Đức tấn công. Anh còn nhớ sương mù lúc đó dày đặc như thế nào. Vào thời điểm ấy, anh là một hạ sỹ, mới vừa bị giáng từ cấp trung sỹ xuống, và họ ở ngay trên hướng công kích của lực lượng xe tăng Đức.

Ở ngày đầu tiên, quân Mỹ có 17 chiếc tăng trong đơn vị của anh, và họ đã mất sạch số tăng đó trừ hai chiếc vào cuối ngày. Anh xoay sở thoát ra được chiếc tăng của mình khi nó trúng đạn, và chiến đấu như một bộ binh trong những ngày kế tiếp, một kiểu địa ngục mà anh chưa bao giờ trải qua, bom đạn ác liệt, mỗi một quả đạn pháo đều mang đến một nổi kinh hoàng. Rét không chịu nổi, ở Triều Tiên anh vẫn thường nhớ về lúc đó, bởi anh nghĩ cái rét ở Đức là nhứt hạng trên thế giới, nhưng rồi rốt cuộc Triều Tiên còn rét tệ hơn cả Ardennes, dài hơn và tác động tới cuộc sống mà cái lạnh ở Ardennes chưa bao giờ như vậy.  Ở Ardennes luôn tin rằng cái rét sẽ kết thúc vào một ngày nào đó; nhưng còn Triều Tiên thì không bao giờ. Đầu tháng Mười Một 1950, khi dẫn đầu đội hình tiến quân của sư đoàn Hai, sự thận trọng Mace học được từ Ardennes vẫn còn trong anh. Anh không tin vào bất kỳ thứ gì anh không thể tự mình xác nhận hay từ bất kỳ sỹ quan nào thiếu trách nhiệm. Mọi người chung quanh có thể nghĩ việc này dễ dàng như một điệu nhảy thưởng bánh, nhưng anh vẫn lo lắng, chúng ẩn sâu đâu đó trong thứ anh gọi là vùng đất da đỏ, và chẳng thể có điệu nhảy nào trong một cuộc chiến.

Sau khi họ băng bó cho tù binh Triều Tiên, người của Mace leo qua một số ngọn đồi trước khi đến một cây cầu nhỏ bắc qua một lạch nước khô cạn. Đó là nơi họ định sẽ quay về. Những bộ binh thuộc quyền trải ra trên một bán kính rộng, nhưng Mace có cảm giác là họ đang là những mục tiêu tốt và anh chẳng có chút ý tưởng nào về những gì ở phía trước. Cứ mỗi thước họ đi tới là một thước vào trong vùng lạ. Khi đến cây cầu, thì họ ở trong một thung lũng sâu, rộng mọc đầy thực vật và loại cây giống như cây bách xù và dường như chúng ở đó chỉ để che dấu quân thù khỏi tầm mắt của anh. Thế rồi nhạc trỗi lên. “Một thứ nhạc lạ lùng nhất mà tôi từng nghe”, anh nhớ lại. Anh lệnh cho lính lái tăng tắt ngay động cơ để anh có thể nghe được thứ âm thanh ngoại lai đó, hầu như những âm thanh ma quái đó khá rõ ràng. “Thật lạ. Dường như chỉa thẳng vào tôi và lính của tôi. Trông như kẻ thù đang theo dõi chúng tôi, đánh dạ khúc cho chúng tôi nghe và đồng thời diễu cợt chúng tôi. Trông như thể cái thung lũng đó đang hát nhạc cho chúng tôi” anh nói “và dường như nó đến từ khoảng không – có thể ngay trên đầu ngọn cây. Nó làm tóc gáy tôi dựng đứng lên”. Sau này, sau khi quân Trung Hoa tấn công tập đoàn quân Tám trên một chiến trường rộng và tất cả họ học được rằng quân Trung Hoa dùng nhạc để ra mệnh lệnh, Mace được thuyết phục rằng đó chính là chỉ huy của phía Trung Hoa, ở đâu đó trên các ngọn đồi phía trên anh, nói với quân của mình rằng, dù họ thấy xe tăng của Mace và lính của anh chung quanh trong tầm nhìn, nhưng thời điểm chưa hợp lý để tấn công.

Khi Mace và anh em trở lại căn lều nên họ để tù binh của mình lại, một tù binh không bị thương đột nhiên bỏ chạy. Họ bắn hạ hắn ta. Họ khá bối rối trước việc nỗ lực trốn chạy của hắn – bởi nhìn chung họ đối xử tốt với  tù binh, đã cấp cứu cho họ. Thế rồi họ lục soát thi thể kẻ chạy trốn, để tìm giấy tờ, và hắn ta không có gì cả. Bản thân điều này là khá bất thường bởi đa số lính Triều Tiên dường như mang theo rất nhiều thư từ và giữ trong người. Thế rồi dưới lớp quân phục Triều Tiên, họ phát hiện ra một quân phục khác, của lính Trung Hoa, và đó là một chiếc áo sỹ quan. Ngay cả trước khi họ soát quần áo, lính Nam Hàn phối thuộc trong đơn vị anh đã khăng khăng rằng đó là người Trung Hoa. Đầu tiên là tiếng nhạc, rồi sau đó là một người bị giết có thể là sỹ quan Trung Hoa: Mace nghĩ, chẳng có điều nào là tốt lành cả. Sau ngày đó Mace nói với cánh tình báo rằng anh nghĩ họ đã giết một người lính Trung Hoa. Nhưng dường như chẳng ai quan tâm.

Thế rồi từ đó, mỗi lần tiến lên phía bắc, anh càng cẩn thận hơn. Lúc đó, sư đoàn Hai ở đầu cánh phải của tập đoàn quân Tám. Phía đông sư đoàn là dãy núi Taebaek, và phía đông dãy núi là quân đoàn Mười. Như vậy nếu bị đánh thì cũng sẽ chẳng giúp được gì – dù theo lý thuyết sẽ có thể giúp nhau nếu có xảy ra vấn đề. (Cũng như vậy với tư lệnh sư đoàn ở phía bên kia dãy Taebaek, thuộc đội hình quân đoàn Mười, thiếu tướng O.P. Smith sư đoàn TQLC số Một, ông cũng có sườn trái trống trải).

Cuối tháng Mười Một, tiểu đoàn Ba thuộc trung đoàn 38, năm chiếc tăng của Mace đang nằm trong đó, ở cánh phải của sư đoàn Hai. Họ ở một ngôi làng có chừng 15 túp lều tên là Somin-dong. Mace bố trí xe tăng của anh ở những vị trí tốt nhất có thể để hỗ trợ được cả ba đại đội của tiểu đoàn. Anh bối rối khi thấy họ chuyển sở chỉ huy tiểu đoàn về đóng rất gần với các đại đội bộ binh, quá gần, anh nói, đến mức có thể chọi đá trúng được. Nhưng lúc đó, không ai tính trước sự cố.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #233 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 02:59:55 am »

Trên thực tế, quân Trung Hoa đang kiên nhẫn chờ đợi, họ nắm được mỗi bước di chuyển của quân LHQ, nơi đóng quân của từng đơn vị, và hơn hết, những đơn vị Nam Hàn nào hỗ trợ ở bên các sườn của họ. Trong số 30 vạn quân họ đã bí mật đưa vào Bắc Triều Tiên chỉ trong một tháng, ước chừng có 18 vạn đang đợi dọc theo sườn tây của mặt trận, trong vùng được chỉ huy bởi Johnnie Walker, nơi quân đoàn Một và quân đoàn Chín bố trí, và khoản 12 vạn ở xa bên cánh đông, sẵn sàng và đợi quân đoàn Mười của Ned Almond tiến lên phía bắc. Quân LHQ tiến lên, bị vướng víu bởi hàng đống máy móc khổng lồ, họ là những mục tiêu rất rõ ràng. Nhưng quân đội Cộng sản đang chờ đợi, có tới 30 sư đoàn, vẫn cơ bản vô hình; theo cách dùng từ rất hay của S.L.A (Slam) Marshall, một sử gia quân đội là “một con ma không thấy bóng”.

Có một bộ phận lớn trong quân đội, phần không bị Douglas MacArthur khống chế, biết rắc rối sắp xảy ra, trong khi một bộ phận khác vẫn tiếp tục bắc tiến. Vào ngày Lễ Tạ Ơn, tướng Al Gruenther đến thăm Dwight Eisenhower, cựu sếp của ông hồi ở châu Âu, tại nơi ở của Eisenhower trong trường Đại học Comlumbia. Con trai cả của Gruenther, Dick, lớp 1949 của West Point, là một đại đội trưởng thuộc sư đoàn Bảy, quân của đơn vị này đang ở rất xa phía bắc và trực chỉ sông Áp Lục. Ngày 17 tháng Mười Một, bốn ngày trước khi các sỹ quan thượng cấp của anh đến được và đái xuống sông Áp Lục, Dick Gruenther (anh tin chắc là họ đã và đang đánh nhau với quân Trung Hoa) bị thương khá nặng ở dạ dày do một trong những trận đánh nhỏ trước trận đại công kích của quân Trung Hoa. Al Gruenther là cựu tham mưu trưởng của Eisenhower thời ở châu Âu, và vừa kết thúc một nhiệm kỳ công tác trong cương vị giám đốc ban tham mưu một-trăm-người của Hội đồng Tham mưu liên quân, điều này có nghĩa là ông biết được tất cả những dấu hiệu cảnh báo mà giờ MacArthur đang bỏ qua.

Lúc đầu John Eisenhower, con trai của Dwight, nghĩ thiệt là lạ khi Gruenther ăn lễ Tạ ơn ở đây, bởi ông ta cũng có gia đình của mình. Nhưng sau anh xác quyết rằng Gruenther ở đây bởi Eisenhower vẫn là người để mọi người đến trao đổi khi có điều gì đó sai sót nghiêm trọng ở cấp rất cao, Eisenhower có một vị trí đặc biệt. John Eisenhower nhớ rằng có sự u ám trong bữa ăn Lễ tạ ơn đó, những điều mà bản thân anh không hiểu rõ lúc ấy. Gruenther nói với cha anh rằng các lực lượng Mỹ phơi ra quá nhiều và cũng cực nhiều điểm dễ tổn thương. Khi Gruenther về, Eisenhower quay sang con trai và nói “Cha chưa bao giờ bi quan như thế về cuộc chiến này trong đời”. John Eisenhower lúc đó đang dạy ở West Point, và khi anh rời nơi ở của cha mình để về lại viện, anh bật radio lên và nghe được một báo cáo rằng MacArthur hứa hẹn cuộc chiến sẽ kết thúc trước Giáng Sinh. Ngày hôm sau, quân Trung Hoa tấn công.

Đó là vào đêm 25 tháng Mười Một, cuối cùng quân Trung Hoa tấn công. Hiếm khi có một đội quân quá lớn như vậy lại gây ra một kiểu bất ngờ đến thế với đối phương. Phía Trung Hoa có tin tình báo chính xác về quân Mỹ, còn lục quân Mỹ ở bờ tây – TQLC ở bờ đông lanh lẹ và được lãnh đạo tốt hơn – về bản chất là mù với cái bẫy mà họ đang bước vào. Khi quân Trung Hoa tấn công, mới thấy rõ rằng những gì đã dẫn dắt các lực lượng của MacArthur không giống như là một chiến lược mà là trò cá cược may rủi – rằng quân Trung Hoa sẽ không tham chiến. Bài đã hạ, và những người khác giờ phải trả giá cho sự kiêu ngạo và tự đắc kinh khủng đó. Nhưng thế vẫn chưa hết tệ, vụ gá bạc này còn có một chút tháu cáu thảm hại bên trong, đó là có một số rất ít sỹ quan cao cấp Mỹ tin rằng quân đội Nam Hàn đã trở thành một lực lượng chiến đấu chấp nhận được, có khả năng tự trụ được trước quân Trung Hoa. Quân Nam Hàn chiến đấu tuyệt đối tệ hại trước quân Trung Hoa, và như có thể đoán trước được, hầu hết các đơn vị của họ đơn giản là tan vỡ và biến mất ngay trong đợt công kích đầu tiên. (Có trường hợp ở một trung đoàn, như Slam Marshall viết, có chừng năm trăm lính biến mất cùng với hầu như toàn bộ vũ khí của họ, nhưng cũng có vài sỹ quan vẫn xoay sở về lại được Seoul và mang cho Lý Thừa Vãn một chai đựng đầy nước sông Áp Lục). Những chỉ huy trên chiến trường đều biết lính Nam Hàn chưa sẵn sàng tiếp nhận chiến đấu nếu quân Trung Hoa nhảy vào, nhưng với những nhân vật ở Dai Ichi, với việc quân của mình trải ra quá mỏng, thì các bản đồ sẽ trông tốt hơn nếu điền tên các đơn vị Nam Hàn vào. Việc họ biến mất khỏi những vị trí quan trọng ở bên các sườn của quân Mỹ và các đơn vị LHQ khác đồng nghĩa với việc quân Trung Hoa có một loạt các lộ tuyến hầu như thông suốt chọc thẳng đến trung tâm các vị trí quân LHQ.

Cũng không phải chỉ huy quân Mỹ ở Tokyo đã cho phép hoặc chuẩn bị cho quân mình vào điều kiện mà quân Trung Hoa có thể chiến đấu – ít tấn công trực diện, di chuyển bằng chân trong đêm và lẻn qua sườn các đơn vị địch, tìm vị trí yếu, đồng thời chiếm những vị trí phía sau nhằm cắt đường rút. Không ai nghiên cứu đủ kỹ về việc họ di chuyển nhanh chóng, ngay cả trong màn đêm và không có đường sá. Họ ít bị vướng víu bởi vũ khí hạng nặng, đạn dược, lương thực hơn lính Mỹ, nhanh nhẹn chính là sức mạnh của họ (và rốt cuộc cũng là điểm yếu của họ). Có một niềm tin sai lầm ở Dai Ichi rằng quân Trung Hoa sẽ phơi mình ra như là những mục tiêu ngon ăn cho không quân Mỹ. Ý tưởng rằng họ biến mất vào ban ngày xem như không có mặt trong các toan tính ở Dai Ichi. Quân Trung Hoa tỏ ra hiểu rất tốt về những điểm yếu của mình. Họ không làm nhiều thứ, nhưng những gì họ làm, họ sẽ làm tốt. Trong những ngày đầu, trước khi phía Mỹ tìm ra được cách đánh nhau với họ, họ đã xoay sở để biến những gì dường như là thế mạnh của quân Mỹ – phụ thuộc vào vũ khí hạng nặng, và như vậy cũng phụ thuộc vào đường sá – thành điểm yếu. Với những ai từng quan tâm những gì đã diễn ra ở Trung Hoa trong những năm ngay sau thế chiến II, thì chẳng có nhiều ngạc nhiên với cung cách chiến đấu của họ.

(Hết chương 27)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #234 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 03:06:17 am »

Chương 28

Đại tá Paul Freeman, trung đoàn trưởng trung đoàn 23, chắn rằng quân của ông đang đối mặt với quân Trung Hoa từ hồi họ đến Sunchon. Lúc quân Trung Hoa tấn công, ông hoàn toàn tin chắc rằng chúng đã ở quanh ông ít nhất cả hai tuần rồi, quan sát quân của ông, nhưng không hành động gì. Các đội tuần tra thám báo của ông vẫn báo cáo đều về những tiếp xúc khác lạ nhất với quân Trung Hoa – một kiểu cho-thấy-nhử-đòn-và-chờ đợi. Chừng mười ngày trước ngày họ tấn công, một trong những đại đội trưởng giàu kinh nghiệm nhất của ông, đại úy Sherman Pratt, đã triển khai một cuộc tuần tra trinh sát với một đơn vị cấp đại đội, trực chỉ hướng bắc đến Kanggye. Khi họ đi được chừng năm dặm lên phía bắc, họ thấy được những bóng người ở phía đường chân trời trước họ, nhưng luôn ở khoản cách xa. Pratt và một số lính của anh xác quyết rằng, theo quân phục của chúng, thì đó là quân Trung Hoa. Thế là anh dừng chuyến tuần tra, lịnh cho quân không được bắn, quay xe để họ có thể thoát ra nhanh chóng, và không đi quá xa lên phía bắc nữa. Cuối cùng, khi về được trung đoàn bộ, anh báo cáo cho cả Claire Hutchin, tiểu đoàn trưởng, và Freeman về những gì đã diễn ra. Ngày kế, Freeman lại đưa một đội tuần tra khác ra, và lúc này quân Mỹ tiến đến ngay tuyến dường như là ranh giới của quân Trung Hoa đưa ra, nên quân Trung Hoa khai hỏa. Vài quân Mỹ bị thương, đội tuần tra buộc phải rút lui, để lại vài thương binh phía sau. Ngày thứ ba, Freeman lại gửi một đội nữa đi, chỉ nhằm để tìm kiếm những thương binh của chuyến thứ hai đang nằm trên đường, tất cả được băng bó và quấn vào trong chăn.

Có những dấu hiệu khác về sự hiện diện của quân Trung Hoa khi Lễ Tạ Ơn đến gần, Freeman tin chắc rằng quân Trung Hoa đã ở khắp nơi và quan sát. Các cán bộ tình báo của ông cũng thế. Nhưng, như sau này ông ghi lại, họ “hình như không thuyết phục được bất kỳ ai ở Bộ Tư lệnh Viễn đông”. Do những năm phục vụ tại Trung Hoa trong xuốt thời chiến tranh, nên Freeman nói được tiếng Hoa, hiểu được cách chiến đấu của đội quân Mao Trạch Đông, và xem trọng những lời đe dọa của họ rằng sẽ tham chiến. Tâm trạng của ông là cực kỳ bi quan. Cá nhân ông cho rằng việc vượt qua vĩ tuyến 38 là một sai lầm thảm khốc, rằng lãnh đạo Mỹ đã đặt cả tập đoàn quân Tám vào hiểm cảnh, và lãnh đạo Mỹ đã chơi dưới màu người Nga – họ phải chiến đấu trong một cuộc chiến không thể chiến thắng ở châu Á trong khi người Nga đứng bên lề. Trớ trêu thay, cảm giác này, linh tính điềm gở này của ông hầu như chính xác với những gì George Kennam nghĩ. Tâm trạng của Freeman, vốn tăm tối hơn qua từng ngày khi sư đoàn và trung đoàn của ông tiếp tục bắc tiến, thể hiện rõ trong những lá thư ông viết về cho vợ và những câu từ mang tính cảnh báo đến các tiểu đoàn trưởng của ông, rằng phải chuẩn bị mỗi đêm cho tình huống xấu nhất.

Những lá thư ông viết về nhà là một ghi chép rất hấp dẫn của một vị chỉ huy quan trọng, viết ra ở một thời điểm kinh khủng. Ông tin rằng thượng cấp của mình đã tính sai và ông bất lực với việc đó. Ngày 25 tháng Chín, lúc hầu hết mọi người khác phởn phơ trước thành công của việc đột phá tuyến Naktong, thì Freeman vẫn rất thận trọng “Anh vẫn e dè” ông nói trong một lá thư viết ở ngày ấy “về việc bọn Mãn Châu tràn xuống từ phương bắc”. Ngay cả trước khi các lực lượng LHQ vượt vĩ tuyến 38, Freeman rất lo lắng bởi việc bắc tiến phụ thuộc không chỉ vào sức mạnh quân Mỹ – sức mạnh này rõ ràng là tự có giới hạn – mà còn phụ thuộc vào ý định của người Trung Hoa, và họ đã nói rằng có ý định tham chiến.

Câu trả lời, như ông đã quan ngại – kết thúc những lo lắng riêng mà ông đã nuôi dưỡng – trận Unsan đã xảy ra. Những lá thư của ông cho thấy tâm trạng u ám của mình, và càng lúc càng bi quan. Sức khỏe ổn, ông viết cho vợ, trừ cái lạnh kinh hoàng của Bắc Triều Tiên không chịu nổi. Nhưng cảm xúc của ông thì cạn kiệt “Anh không thể thấy bất kỳ giải pháp nào cho tình huống khó xử quái dị này mà các lực lượng của ta đang dính vào. Chắc là phải có ai đó có cách, và anh hi vọng rằng có vài phép màu nào đó giải thoát cho bọn anh khỏi tình trạng không thể bảo vệ được này. Việc các lãnh đạo của bọn anh quá ngây thơ, không có bất kỳ kế hoạch hoặc đảm bảo nào để quân Trung Hoa không can thiệp, làm anh không thể tin nổi. Và vì vậy anh không thấy một giải pháp nào”.

Ngày 11 tháng Mười một, trung đoàn 23 được lệnh tiến đến một điểm tập trung và từ đó sẽ tiến bước cuối đến sông Áp Lục. Freeman tin rằng họ bị bỏ rơi bởi chính sách và quan điểm hữu lý. “Đó là tình trạng quái dị nhất tôi có thể tưởng tượng ra cho Hoa Kỳ. Dường như chúng ta đang bị Liên Xô quay và lún sâu vào bãi lầy châu Á. Tôi không thích điều này tí nào” ông viết. Những lá thư bi quan nhất ông viết vào ngày 13 tháng Mười Một, chỉ 11 ngày trước trận tấn công của quân Mỹ bắt đầu và 12 ngày trước ngày Trung Quốc công kích. Ông tin đó là một sai lầm to lớn đã đưa đến hạn chế với các đơn vị và nguy hiểm phía trước, và đó chính là quyết định vượt vĩ tuyến 38 thay vì tìm ra một kiểu dàn xếp nào đó. “Ngay cả trong những ngày đen tối nhất ở bên bờ Naktong, khi chiến đấu cho sự tồn tại của chúng tôi, tôi vẫn luôn thấy một tia hi vọng, một giải pháp. Nhưng khi chúng ta vượt qua vĩ tuyến 38, tôi cho rằng quá mức quái dị khi chúng ta lại nhận lấy nguy cơ để không được gì cả. Giờ đây tôi thấy như chúng ta đang trong một cuộc Thập tự chinh thứ hai, một cuộc hành quân của Napoleon đến Moscow, và một Battaan. Tôi không thấy khả năng kết thúc trừ xảy ra Thế Chiến III, và việc hi sinh tất cả các lực lượng của chúng ta ở đây cho điều đó có lẽ là một sai lầm khổng lồ. Ngay cả nếu chúng ta chiến đấu để đến được Áp Lục với giá cực lớn và bằng sự khống chế được những trở ngại hậu cần hầu như na ná với lúc ở Miến Điện, chúng ta có thể đạt đỉnh cao nhưng cũng không có cơ hội nào để thoát ra. Đây là một đống cực kỳ lộn xộn và tôi cảm thấy ở dưới lớp bùn quanh đó”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #235 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2013, 03:09:01 am »

Trong đêm trước khi các lực lượng LHQ bắt đầu trận tấn công lớn, Freeman và Claire Hutchin đến ăn tối với Dutch Keiser, sư đoàn trưởng, một người bạn cũ của Freeman. Cả Freeman và Hutchin nói rằng họ hoàn toàn không thể hiểu nổi việc gì đang diễn ra. Mọi thứ họ biết đều chỉ ra rằng quân Trung Hoa đã ở trong khu vực và có thể tấn công. Điều tệ nhất mà các lực lượng LHQ có thể làm là tiếp tục trận tấn công. Lời giải thích duy nhất cho một trận tấn công hướng thẳng đến một mối đe dọa như thế, Freeman nói, là tướng MacArthur có, theo ngôn từ của ông, “vài thông tin rất tuyệt mật rằng phía Trung Quốc thực ra sẽ không kháng cự, nhưng [sẽ] cho phép chúng ta đẩy họ qua lại bên kia sông”. Có lẽ, ông thêm, thông tin tuyệt mật đó biểu lộ rằng người Trung Hoa đã ở đây, nhưng không muốn ở đây, và muốn quân Mỹ đẩy họ về lại sau dòng sông. Sự ám chỉ này nói một cách ngắn gọn là: “cho thấy dứt khoát không là vấn đề”.

Vì thận trọng, nên Freeman giữ cho trung đoàn của ông tập trung chặt chẽ nhất có thể, và lịnh tất cả các tiểu đoàn trưởng của ông phải sẵn sàng tốt vào ban đêm. Trong đêm đầu tiên quân Trung Hoa tấn công, trung đoàn 23 đã trụ được khá ổn. Những vị trí của họ nhìn chung là mạnh mẽ, kết cục họ cũng gây được thiệt hại lớn cho quân Trung Hoa và bắt được chừng 100 tù binh, số lượng lớn nhất Freeman nhớ đã bắt được trong suốt cuộc chiến. Bởi nói được tiếng Hoa, nên ông có thể thẩm vấn tù binh, và nhận ra rằng hầu hết tù binh nói theo một ngôn ngữ địa phương của miền nam [Trung Hoa]. Ông dành hết phần còn lại của ngày hôm ấy để ráng củng cố trung đoàn của mình. Đêm đó quân Trung Hoa tấn công lần nữa và rốt cuộc cũng chiếm được sở chỉ huy trung đoàn 23, dù trung đoàn có thể lấy lại được vị trí này vào ngày kế tiếp. Điều gây ấn tượng với Freeman khi thẩm vấn tù binh là không phải đa số họ muốn có mặt ở đây. Một số họ còn sợ hãi trước những thiết bị chiến trường của Mỹ. Đó là một nỗi sợ, Freeman ghi, bắt đầu biến mất nhanh chóng, bởi quân đội Mỹ đã thể hiện quá tệ hại trong vài ngày đầu tiên đó – trái ngược lại với những gì có thể thể hiện nếu được đào hầm hào và chuẩn bị tốt trước khi quân Trung Hoa tấn công

(Hết chương 28)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #236 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2015, 05:00:29 pm »

Chương 29

Đại úy Alan Jone là sỹ quan S-2 (cơ cấu bên dưới của phòng G-2 ở cấp sư đoàn) thuộc trung đoàn Chín, trung đoàn đảm nhận sườn cực đông của sư đoàn Hai khi quân Trung Hoa tiến đánh. Trong vài hôm trước ngày 25 tháng Mười Một, dù nhìn chung mức kháng cự là khá nhẹ, nhưng số lượng các cuộc giao tranh nhỏ với vài đơn vị nghi là quân Trung Hoa tăng lên. Jones nói “Bản đồ của tôi dày đặc màu đỏ”. Anh nghĩ, áp lực lên bộ phận tình báo là rất thật, và anh cho rằng áp lực đó cũng bằng với cánh bộ binh hầu như đang đứng ở đầu sóng ngọn gió của tập đoàn quân Tám.

Đây không phải là lần đầu Alan Jones – khóa West Point 1943 – ở trong một trận tấn công lớn của quân thù cùng thời tiết giá lạnh. Cũng như Sam Mace, anh đã có mặt trong trận Bulge khi là một sỹ quan trẻ thuộc sư đoàn 106, lúc đó quân Đức đã bất giờ tấn công và gần như dành được chiến thắng trước các lực lượng Đồng Minh trong trận tấn công lớn sau cùng của chúng trong thế chiến. Cha của anh, thiếu tướng Alan Jones Lớn, tư lệnh sư đoàn 106, cũng không thấy thoải mái với việc có con mình trong đơn vị, nhưng do cậu Alan trẻ muốn thoát khỏi một đơn vị dường như không có nhiệm vụ chiến đấu và muốn tham gia vào một đơn vị ở tuyến đầu. Anh đã có được điều đó, mà còn hơn thế nữa. Cha anh, trong đêm trước trận đánh, đã rất lo về việc sư đoàn ông trải ra quá rộng. Ông đã đúng, xe tăng Đức đã chọc thủng cả hai cánh sư đoàn 106. Thông điệp từ sở chỉ huy cấp trên gọi các đơn vị lùi về đã bị chậm trễ bởi lưu lượng truyền tin dày đặc, và trung đoàn của Alan Jones Nhỏ, trung đoàn 423, đã hoàn toàn bất ngờ, họ đã chiến đấu cật lực trước khi cạn đạn dược và bị hợp vây. Alan Jones Nhỏ là một tù binh của Đức chừng bốn tháng rưỡi, và anh thề sẽ không là tù binh chiến tranh một lần nữa, một lời thề anh lặp lại với sự sôi nổi khi đáp xuống Triều Tiên và nghe được những câu chuyện về sự hung bạo của Bắc Triều Tiên với lính Mỹ cùng lính Nam Hàn.

Jones cho rằng tư lệnh trung đoàn Chín, đại tá Chin Sloane, đã bố trí các lực lượng có hạn của mình một cách khá hợp lý. Cả ba tiểu đoàn đều nằm trên các điểm cao, không trải ra quá rộng, và dưới các điều kiện bình thường họ có thể hỗ trợ nhau. Nhưng không có gì là bình thường với những gì đã diễn ra đêm đó. Sườn đông của họ, do lính Nam Hàn phụ trách, hầu như sụp đổ ngay lập tức, và rồi họ bị hàng lớp hàng lớp lính Trung Hoa tấn công. Sau này Jones xác quyết rằng  như thể đột nhiên có một cuộc chiến mới với trận tấn công vào tiểu đoàn Một – nó hơn hẳn một trận thăm dò. Thế rồi một đợt tấn công mới nổ ra vào khoảng nửa đêm. Lúc đó Jones ở sở chỉ huy trung đoàn, thế là anh nghe thấy những báo cáo đến từ cả ba tiểu đoàn, báo cáo này nối tiếp báo cáo kia, không hẳn là hoang mang, nhưng gay gắt, nhức óc với sự kinh hoàng trong từng từ: “ chúng đang đánh chúng tôi… Chúa ơi, chúng ở mọi nơi… chúng tôi đang phòng thủ, nhưng chúng ở mọi chỗ … mỗi khi chúng tôi ngăn được thì chúng lại đến nhiều hơn … chúng tôi không thể giữ nổi nữa, bọn chúng đông quá… đây có lẽ là thông điệp cuối cùng các anh nhận được từ chúng tôi…”. Không phải từ một giọng nói, mà là một số, và những giọng nói đó thay đổi khác nhau khi người lính thông tin bị trúng đạn, nhưng tất cả đều cung cấp cùng một thứ, đó là âm thanh của một trung đoàn quân Mỹ bị xé toạc ra bởi một lực lượng Trung Hoa đông hơn nhiều. Không có cách nào để sở chỉ huy trung đoàn vốn khá biệt lập xác định được xem việc gì đang diễn ra – trừ việc hiểu rằng chuyện này ở quá xa so với nhận thức của họ. Jones nghĩ đại tá Sloane đã khá ổn trong vài giờ đầu. Ông không bao giờ đánh mất sự trầm tĩnh, không kinh hoảng, và làm tốt nhất có thể để đưa những gì còn lại của trung đoàn lui về hướng sư đoàn, lui về một nơi mà họ hi vọng là an toàn hơn, một nơi có tên là Kunuri.

Có những thảm họa quân sự rất kinh hoàng nhưng ít ra chỉ là nhất thời. Những điều kinh khủng sẽ xảy ra với một đơn vị chọn vị trí kém hoặc lãnh đạo tồi, và đơn vị đơn lẻ đó sẽ chịu tác hại rất ghê, nhưng rồi với sự may mắn thì điều đó sẽ kết thúc, đặc biệt với khả năng của quân đội Mỹ khi phối trí lại quân và bảo vệ những nơi đang bị tấn công. Nhưng đây là một dạng thảm họa khác. Nó mạnh lên từng giờ, như một cơ thể sống. Trong những giờ đầu đó, một số các đại đội của trung đoàn 23 và trung đoàn Chín hầu như đã bị quét sạch. Áp lực vô cùng lớn đặt lên các đơn vị tiếp giáp, lên những tiểu đoàn, trung đoàn mà các đơn vị đó trực thuộc, và làm cả sư đoàn Hai ngập tràn nguy cơ; không hẳn như là kiểu ngã đổ domino, nhưng cũng khá gần với điều đó, một mô tả chính xác cho những gì đang bắt đầu diễn ra.

Điểm đầu mút nhô ra xa nhất đại diện cho sư đoàn Hai là trung đoàn Chín, và xa nhất của trung đoàn là đại đội Love của tiểu đoàn Ba, ở đỉnh chóp đại đội Love chính là trung đội Hai, do trung úy Gene Takahashi đến từ Cleveland bang Ohio chỉ huy. Takahashi – Tak, như quân của anh gọi, chứ không phải Gene – là một người Mỹ gốc Nhật, thời niên thiếu của anh trong thế chiến II trải qua ở trại tập trung California. Ấn tượng trước danh tiếng lẫy lừng của đơn vị chiến đấu số 442 cấp trung đoàn của lính gốc Nhật ở Châu Âu – mà đa số họ đến từ các trại tập trung – và cũng như họ, nóng lòng muốn được cống hiến cho đất nước, vào năm 1945 lúc 17 tuổi, anh đã tình nguyện xin gia nhập quân đội Hoa Kỳ. Điều luật duy nhất bố mẹ anh nói khi anh xin phép gia nhập quân đội là không được làm điều gì để thổ thẹn với dòng họ Takahashi. Anh là một sỹ quan khác thường của một đơn vị cũng khác thường – một người Mỹ gốc Nhật chỉ huy một trung đội toàn lính da đen. Dù về mặt kỹ thuật mà nói thì Lục quân đã xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc, nhưng vẫn còn vài đơn vị toàn lính da đen trong những tháng đầu của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Thể hiện của những đơn vị toàn da đen này vào thời điểm đó không đồng đều, cũng như Lục quân đang thay đổi rất nhanh, nó phụ thuộc vào việc ai là sỹ quan của họ, bất kể có phải da trắng không, hoặc họ có khó chịu với lính không. Takahashi cho rằng lính của anh là những người đàn ông tốt và là lính giỏi. Có một ít bất tuân lệnh, nhưng bất kể thế nào, thì việc chỉ huy họ đã làm cho anh hiểu được nhiều về tâm tình, cảm nhận được những mệnh lệnh nào cần được giải thích rõ, và anh chắc rằng những điều này đã khiến anh thành một sỹ quan tốt hơn.

Takahashi trải nghiệm nhiều với những định kiến của thời kỳ đó, không chỉ bởi thời gian anh ở trong trại tập trung mà còn từ một nhiệm kỳ công tác trước đó ở Triều Tiên. Năm 1947, khi phục vụ với tư cách một sỹ quan trẻ trong sư đoàn Sáu, anh đã có đủ trải nghiệm về định kiến cho cả quảng đời còn lại. Thượng cấp của anh là một tay đại úy tốt nghiệp West Point, ghét công tác ở Triều Tiên, ghét người Triều Tiên, và thật sự là không thích bất kỳ ai trông có vẻ là người châu Á. Tay đại úy đó đem những tâm trạng thất vọng của hắn cùng những định kiến áp vào Takahashi trong mọi công việc thực sự chán ngấy mà anh làm. Nếu có một công việc nào đó không lợi lộc gì mà lại đòi hỏi nhiều thời gian, đầy khổ sở, và ngay cả nếu hoàn thành tốt, cũng chẳng mang lại chút tiếng tăm gì, thì Takahashi sẽ phải làm việc đó. Ai đó dù là người Mỹ gốc Nhật vẫn là phát xít Nhật với tay đại úy kia, người rõ ràng muốn tống Gene Takahashi ra khỏi quân đội.

Như sau này Takahashi xác quyết, kỳ quặc nhất là trải nghiệm đó đã khiến anh thành một sỹ quan tốt hơn. Anh lên kế hoạch cho thời giờ của anh một cách thông minh. Công việc càng khó và thể hiện của anh càng tốt chỉ khiến cho thượng cấp điên cuồng hơn, hắn ta còn chồng chất thêm việc cho anh. Kết quả là, khi Takahashi nhận ra anh không thể bị khuất phục, thì anh càng thêm phần tự tin, một cảm giác rằng không có việc gì trong quân đội, bất kể nó khó chịu thế nào, mà anh không thể làm được. Tác dụng của nghịch cảnh, Gene Takahashi nghĩ, là không thể đánh giá thấp được.

Gene Takahashi cho rằng đại đội Love, bởi trải qua những trận chiến đấu gian khổ ở khu vực Naktong, đã trở thành một đơn vị tốt, kinh qua chiến trận. Đại đội có thể chiến đấu tốt dưới những điều kiện bình thường – nghĩa là, nếu quân binh được bố trí tốt và biết được việc gì sẽ đến – chứ không phải là bất ngờ và không được chuẩn bị sẵn sàng cho đánh nhau. Anh tin rằng những ai đăng lính với sự mất tin tưởng cao sẽ thận trọng hơn với những gì chưa biết rõ so với mức trung bình của lính da trắng. Ở vài cấp độ, anh tin rằng nó phản ánh lại thời kỳ đó, khi quân đội vẫn phần nào còn nạn phân biệt chủng tộc. Đa số họ – Takahashi hiểu tất cả điều này bởi kinh nghiệm bản thân – tham gia quân đội để cống hiến được điều gì đó cho đất nước và để thoát ra những định kiến rất gay gắt. Để cố gắng chứng minh rằng những định kiến đó là không công bằng và chống lại điều vốn đã thâm căn cố đế trong hệ thống chỉ huy quân đội là một việc rất khó với nhiều người, Takahashi nghĩ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #237 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2015, 05:08:23 pm »

Ở cấp độ đại đội, tình hình của đơn vị phản ánh được tư cách cá nhân của chỉ huy đại đội, ở đây đại úy Maxwell Vails là một sỹ quan rất tử tế. Vails là một người khỏe mạnh, có cảm nhận tốt được tâm trạng binh lính, nên họ yêu thích và kính trọng anh, đây là một vấn đề không nhỏ chút nào. Nhưng bất kể anh có cảm nhận gì về chiến đấu, về việc phải làm gì khi có chuyện xấu xảy ra (mà trong cuộc chiến này, chuyện xấu xảy là thường xuyên), vẫn còn một nghi vấn khác hiện hữu. Đó cũng là một chuyện quan trọng, về cơ bản là điểm phân biệt giữa một sỹ quan vĩ đại với một sỹ quan bình thường hoặc thậm chí là một sỹ quan tốt. Có một cảm giác riêng tư trong một bộ phận binh lính – và Takahashi đồng tình – rằng một khi thượng cấp của họ có một nhiệm vụ khổ ải nào đó, ví như phải ráng tìm xem quân Bắc Triều Tiên có bí mật đào hầm trên một ngọn núi nào đó không, một việc kiểu như chọc gậy vào tổ ong, thì thật chẳng mấy thích thú, họ sẽ chọn đại đội Love cho việc này.

Đến giữa tháng Mười Một, dù quân sỹ trong đại đội Love bận tâm, thì cuộc chiến biến mất trên diện rộng. Ở cái ngày mà cuộc đại tấn công bắt đầu, họ vẫn khá lạc quan. Họ vượt sông Chongchon trong ngày đầu tiên tại một nơi gần làng Kujang-dong, họ để lại hầu hết đồ hậu cần lại phía sau, gồm cả nệm ngủ, đạn dược bổ sung, và cả lựu đạn. Đơn giản là vì xe tải và xe jeep không thể đi xa hơn do địa hình. Có thể chúng sẽ lên theo sau một chút. Sau này Takahashi tự trách mình vì việc đã không bắt lính của mình mang theo càng nhiều lựu đạn càng tốt – giá mà anh đã bắt mọi người mang nhiều lựu đạn, thì sẽ tạo được một sự khác biệt khi quân Trung Hoa tấn công. Ngay cả áo bành tô họ cũng chẳng mang theo cùng. Họ để lại ở vị trí đóng quân cũ. Họ không cho rằng sẽ đi quá lâu. Dòng sông Chongchon không quá sâu, chỉ ngập đến thắt lưng, nhưng rất lạnh. Việc vượt sông là không khó, nhưng họ đã mắc một sai lầm: họ vẫn mặc quần, trong khi quân Trung Hoa, có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc này – phía Trung Hoa đã học được rất nhiều thứ trong cuộc Vạn lý Trường chinh – cửi quần ra khi vượt sông, việc này đồng nghĩa với cái lạnh, cái ẩm ướt sẽ không ngấm vào quần áo họ và nó cũng sẽ không kéo dài. Binh sỹ đại đội Love đã mất hàng giờ ẩm ướt trong cái ngày rét buốt đó và trèo lên một ngọn núi cao cách con sông chừng một dặm rưỡi, trước khi trời sụp tối. Một thứ làm Takahashi lưu tâm là một loạt các hố cá nhân hầu như hoàn hảo lúc họ đi qua, mỗi hố sâu một thước, giống hệt nhau, được sắp xếp tuyệt đối tốt, như thể được những chuyên gia bài trí làm. Đó là việc được thực hiện bởi những người biết về việc này khá rõ. Lính Mỹ đào hố cá nhân khá bừa bãi bởi họ luôn ỷ vào hỏa lực vượt trội. Bộ đội Bắc Triều Tiên cũng không khá hơn mấy. Những cái hố cá nhân này đã mạnh mẽ chỉ ra rằng đã có một tay chơi mới trong cuộc cờ. Đến giữa buổi chiều ngày 24 tháng Mười Một, đại đội Love thiết lập một vòng phòng thủ ở phía đông sông Chongchon.

Họ ở trên một điểm cao cách ngôi làng bé tí Kujang-dong chừng ba dặm về phía bắc, một nơi chỉ tồn tại trên các bản đồ hơn là thực tế – dù sau này, khi họ ráng chỉ ra nơi quân Trung Hoa tấn công và chiếm được, nơi rất nhiều bạn bè đã hi sinh, ít nhất nó cũng cho họ một vị trí trên bản đồ. Takahashi vừa có một tranh luận ngắn với đại úy Vail, rằng anh không thích cái cách bố trí binh sỹ. Anh nghĩ rằng tuyến phòng thủ của họ thành một đường quá thẳng và không chú ý đến những vị trí anh chắc chắn là hướng tiến công. Trung úy Dick Raybould, một quan sát tiền duyên trẻ của trung đoàn dã pháo 37, công việc của anh là hỗ trợ cho đại đội Love, đã đồng tình. Anh cảm thấy đại úy Vails đã quá tùy tiện trong việc bố trí quân sỹ. Raybould dù khá mới mẻ với công tác chỉ huy đại đội, nhưng vẫn ngạc nhiên khi thấy Vails thiết lập vị trí chỉ huy của mình ở phía sau một ngọn đồi, anh cho rằng quá ít chỗ trú ẩn. Tệ hơn, khi Vails chỉ định những địa đoạn khác cho ba trung đội trưởng và để họ tự thiết lập vị trí, và như thế sẽ tạo nên một vòng phòng thủ không tương ứng với chung quanh ngọn đồi. Họ không có khu vực hỏa lực bổ sung nhau tốt, và Raybound cho rằng họ có nguy cơ với những hành động hai bên sườn. Takahashi đồng ý; anh muốn có một vòng phòng thủ chặt chẽ hơn, tạo ra một kiểu vòng tròn phù hợp với khung ngọn đồi, nhưng anh không thể thay đổi được suy nghĩ của Vails.

 

Việc bố trí hỏa lực cũng làm Raybould lo ngại. Anh quan ngại rằng nó giống như việc cho quân thù những tín hiệu để tìm thấy bạn. Anh thấy lính hỏa lực hồi đầu hôm và anh đến vị trí chỉ huy đại đội để phàn nàn, và chỉ để phát hiện ra rằng hỏa lực mạnh nhất cũng chính là điểm chỉ ra đại đội trưởng, một đám lửa mừng to lớn.  Một tân trung úy chẳng thể tranh luận với một đại úy, nhưng về sau Raybould chắc chắn rằng [việc bố trí] hỏa lực đã giúp cho quân Trung Hoa rất nhiều. Takahashi thì không chắc rằng hỏa lực có sai sót. Lúc đêm buông xuống, lính của anh vẫn còn nguyên bộ đồ ẩm ướt trên người, và anh cho họ lui về, từng hai người một, đến một chỗ anh đã đốt lên một ngọn lửa nhỏ, họ có thể hơ đồ ở đó.

Họ ở rất xa về phía đông, gần như là xa nhất về phía đông trong tất cả những đơn vị thuộc tập đoàn quân Tám, trừ đại đội King, đang đóng cách họ chừng một dặm rưỡi về phía đông. Lúc bị đánh, đại đội Love có chừng 170 lính, trong trung đội của Takahashi có 45 người. Đại đội King có lẽ có số lượng tương tự. Xa hơn về phía đông, bảo vệ sườn đông của tập đoàn quân Tám là một quân đoàn Nam Hàn. Lúc Takahashi và những sỹ quan cấp thấp khác được thông báo trong một buổi báo cáo sau cùng rằng quân Nam Hàn có thể đảm bảo sườn phải của họ, rất nhiều cặp mắt đã nhìn lên trần nhà. Với những người đã chiến đấu ròng rã trong ba tháng qua, điều này dễ dàng mang ý nghĩa là một cuộc sụp đổ ngay lập tức và một con đường rộng rãi sẽ mở hướng thẳng vào các đơn vị của họ. Đây cũng là một trong các vấn đề chia rẻ Dai Ichi, nơi lập kế hoạch, và Triều Tiên, nơi họ phải chiến đấu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM