Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:34:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giao liên Quảng Đà  (Đọc 12297 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« vào lúc: 25 Tháng Tư, 2015, 11:34:14 pm »

Xin chào các bác. Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng nên mẹ cháu đã viết 1 tự truyện để ghi nhớ về 1 thời đã qua, đồng thời cũng là để tặng 1 số bạn bè thân thiết. Nhân đây cháu xin đăng lên để cho mọi người được biết thêm về 1 lĩnh vực trong cuộc cách mạng: giao liên ở mặt trận Quảng Đà.
TB: Đây là lần đầu tiên cháu mở 1 chủ đề mới nên có gì sai sót mong mọi ng nhắc nhở để sửa chữa.

KÝ ỨC CỦA CUỘC ĐỜI

Chương I: Tuổi thơ nhiều gian truân
Đất nước ta hòa bình thống nhất đã được 40 năm, chiến tranh chống Mỹ đã lùi xa về quá khứ. Đời tôi cũng trải qua nhiều gian truân, vất vả nhưng tất cả rồi cũng qua. Hiện tại tôi phải lo cho gia đình, hạnh phúc của con cái, sức khỏe của tuổi già.
Tuy vậy, mỗi lần gặp mặt đồng đội năm xưa, gặp lại mấy anh, mấy chị cùng ở tù, tôi lại thấy những ngày xưa ấy cứ hiện lên trong ký ức của mình, không sao quên được. Mỗi khi ngồi nói chuyện với nhau là kể toàn chuyện năm xưa, vui cũng có, mà buồn cũng không ít. Để có được niềm vui của tuổi già, chúng tôi thỉnh thoảng gặp mặt nhau, rủ nhau đi chơi, tổ chức ăn nhẹ vừa ăn vừa kể chuyện tếu rồi cùng nhau cười. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” mà!
Tôi tên là Nguyễn Thị Thanh Hương, bí danh là Thanh Thúy, tên thường gọi là Nguyễn Thị Hương, sinh năm ký kết Hiệp định Gienève 1954. Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê xa lắc, xa lơ mà nghèo lắm. Nhưng tình cảm bà con quê hương bao giờ cũng mặn mà đầm ấm, chân chất, thật thà. Tôi còn nhớ lúc tôi còn bé tí, khoảng 4 hay 5 tuổi gì đó, nhà tôi ở gần nhà ngoại, còn bốn phía là nhà cậu Hai Điểm, bà ngoại, nhà bà Sương (có cậu Năm Thân, dì Chín Út), nhà bà Nay, bà Huẩn…
Chuyện thế này, trước năm 1954 ba tôi ở Điện Thọ - Điện Bàn - Quảng Nam, đi bộ đội Vệ Quốc Đoàn, đơn vị chuyển vào Quảng Ngãi và đóng quân ở thôn Phú Lâm, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành. Thời gian đóng quân ở đây có nhà một người dân bị hỏng nặng, bộ đội phải giúp dân sửa chữa lại. Trong lúc loay hoay trong căn nhà thì ba tôi đã bị bức tường đất của ngôi nhà đổ xuống chặn ba tôi. Ông bị thương cột sống nên khi có tên đi tập kết, ông đành ở lại miền Nam hoạt động trong bí mật, và đã gặp, yêu một người con gái ở đây, đó là mẹ tôi sau này.
Tôi nhớ lúc còn nhỏ ngày nào tôi không đi học thì theo ba tôi vào trong nương rẫy để chăn bò. Trong đó có làng dân tộc, họ thường hay đem củi ra bán cho bà Luận, bà chuyên buôn bán, làm ăn với bà con người dân tộc (hồi đó gọi là đồng bào thượng du, hay mọi). Có lần hai ba con đang dắt bò ăn cỏ trên bờ ruộng của người dân tộc, không may con bò lại ăn một bụi lúa của họ, thế là họ bắt hai ba con vào làng. Họ dắt bò cột vào một gốc cây trong sân làng, và bắt hai ba con tôi lên ngồi trên sàn nhà của họ. Tôi sợ quá khóc miết, tới chiều không biết ba tôi nói gì đó với họ, họ thả hai ba con tôi về.
Ở đây ba tôi có điều kiện thuận lợi để hoạt động cách mạng. Cùng hoạt động với ba tôi có bác Chúng, dượng Phó người cùng làng. Sau 1975 đất nước hòa bình tôi tìm về thăm ngoại, các bác ấy nghe tôi về, mừng quá tập trung đến hỏi thăm và kể chuyện năm xưa lúc các bác cùng hoạt động với ba tôi. Các bác nói chuyện rất tình cảm, cứ khen: Ba tôi là người Quảng Nam rất giỏi, cần cù siêng năng, sống có tình có nghĩa lắm, giỏi cả việc nước lẫn việc nhà.
Có một chuyện tôi không sao quên được. Lúc tôi 8 tuổi, khoảng năm 1962, có lần mấy ông cách mạng về hoạt động, nhưng vào ấp chiến lược không được. Lính canh gác ngay ở cổng làng, thấy họ, chúng nó bắn ra, làm hai người cán bộ cách mạng hy sinh ngoài đồng, cách nhà tôi khoảng 1 km. Sáng hôm sau, nghe tin “Việt Cộng” chết ngoài đồng ruộng, tôi còn nhỏ không biết gì, thấy họ chạy ra xem, tôi cũng chạy ra, thấy người nào cũng mập mạp, trắng trẻo không như những lời xuyên tạc của bọn địch. Sau lần đó, tình hình ở đây chộn rộn, nhiều người to nhỏ với nhau là “cộng sản” về. Sau đó mỗi lần có động tĩnh ở đâu không biết, đồn Cộng Hòa trên đỉnh núi cứ bắn đại bác ngang qua làng tôi, hú hú vèo vèo. Mỗi lần nghe đại bác, bà con cả làng tập trung chạy xuống bến sông để núp. Làng tôi có con sông chảy từ trên nguồn Ba Tơ xuống, xuôi về sông Vệ. Sông rộng mà không sâu, bến sông dài thoai thoải. Có một lần, vào buổi chiều gần tối, tôi thấy họ chạy tản cư đông như kiến, ngang qua gần nhà tôi. Tôi vào hối mẹ tôi chạy, mẹ tôi ầm ừ rồi nói: “Chờ ba con về cái đã.” Tôi ra ngõ đứng chờ, lâu quá không thấy mẹ ra. Tôi loay hoay rồi thoáng một cái tôi nhập vào đoàn người tản cư. Tối hôm đó đi xuống vùng an toàn ở Hành Phước, ai ngờ gia đình tôi không ai đi, tôi bị lạc trong dòng người lạ. Tôi khóc mãi, tối họ bảo tôi ăn cơm, tôi không ăn, cứ đi quanh tìm kiếm ba tôi. Còn ba tôi cũng không biết tôi ở đâu mà tìm. Lần mò mãi ba tôi mới biết tin, xuống tìm đưa tôi về.
Sau đó, em gái kề tôi là Nguyễn Thị Ba mới 3 tuổi bị ốm rồi chết. Không lâu sau, mẹ tôi sinh đôi hai em trai, nhưng chúng cũng chết từ hồi còn trong tháng, chỉ còn lại mình tôi.  Sau này nhà tôi không ở gần nhà ngoại nữa, mà dời ra phía ngoài gần đường cái một chút. Ra đây tôi có bạn cùng đi học, học ở bên kia sông và phải đi qua cầu Cộng Hòa. Cầu Cộng Hòa hồi ấy hư hỏng một đoạn, phải bắc mấy sạp tre để đi. Ai đi thường xuyên phải nộp mỗi tháng một ang lúa. Trường học ở tận trên Hành Tín, tôi đi học phải ở lại trưa, chiều học xong mới về. Mẹ tôi đem gạo qua gởi cho nhà bà ngoại của chị con cậu tôi. Nhờ bà ngoại nấu cơm trưa cho tôi ăn. Bà ngoại là mẹ vợ của cậu Hai tôi, nên bà thương tôi giống cháu ngoại của bà vậy. Nhà tôi ở đây, gần nhà ông Hương Quảng. Vườn nhà ông Hương Quảng rộng lắm, có một cái giếng khơi để lấy nước uống và có nhiều cây ăn quả như mận, xoài, vú sữa, ô ma (cây hột gà) và nhiều thứ nữa. Cả làng chỉ mình nhà ông có cái giếng nước ấy. Ông sợ người trong làng đến gánh nước trộm nên suốt ngày cô cháu gái của ông lấy nong đậy kín miệng giếng lại. Nhà ông to, nhà ngói hẳn hoi, có sân rộng, dài lát gạch đỏ. Chắc là ông giàu dữ lắm! Ông già rồi, người cao dong dỏng, tóc bạc phơ, trên đỉnh đầu của ông có búi tóc to bằng quả cau. Lúc nào cũng thấy ông mặc bộ đồ trắng, chống gậy đi quanh vườn. Mỗi lần bọn con nít xóm nhà tôi rủ nhau đi gánh trộm nước giếng nhà ông mà ông thấy được, ông xách cây chạy ra dí. Bọn tôi gánh thùng chạy, có đứa ngã lên ngã xuống, chạy có khói, như ma rượt. Rứa mà bọn tôi cũng không từ cái thói gánh nước trộm nhà ông. Nhà con Mỹ ở sau lưng nhà ông, bọn tôi chơi nhảy dây, chơi đánh nẻ với nhau. Cứ trông chừng thấy ông chống gậy đi ra xa là bọn tôi rủ nhau đi gánh trộm nước giếng. Nếu không gánh trộm nước giếng nhà ông thì phải đi xuống sông gánh, mà xuống sông gánh thì lên dốc không nổi và dễ bị trượt ngã. Ông có cô cháu gái tên là Sáu, không có chồng mà gay, khó tính lắm. Mỗi khi thấy bọn con nít đến gánh nước hay hái trái cây trộm, chị ta la ré om sòm rồi cầm cây chạy ra dí đánh. Đứa nào chạy không kịp mà bị bắt vào nhà ông, nhất định làm gì cũng bị đánh một vài roi để nhớ đời. Năm 1997 tôi về thăm quê Quảng Ngãi có đến nhà chị thăm chơi, tôi hỏi “Chị có nhớ em không?” rồi kể lại chuyện hồi còn nhỏ, chị chỉ cười khì, rồi nói: “Con nhỏ này mầy nhớ dai nhách vẩy hả mầy?”. Chị già rồi, vẫn ở vậy không có chồng, vẫn ở nhà của ông Hương Quảng. Nhà và vườn của ông cũng bị đại bác hồi chiến tranh tàn phá nên cây cối tan hoang, nhà cửa đổ nát cả không còn như hồi tôi biết. Tôi hỏi thăm ông, chị nói ông đã chết từ lâu rồi.
Tôi có con bạn tên Mỹ, con của ông Ri ở gần nhà, cùng học một trường với tôi ở Hành Tín. Nó là con gái út và có hai người anh trai, nó được cưng nhất nhà. Hồi còn nhỏ ở Quảng Ngãi hai đứa thường hay chơi: cụm, chơi nhảy tàu bay nhưng sau khi tôi về Quảng Nam năm 1963 chúng tôi mất liên lạc nhau. Sau này, mỗi lần về Quảng Ngãi tôi đều hỏi thăm nhưng chưa gặp được. Đến năm 1997, sau bao nhiêu năm hỏi thăm tìm kiếm, tôi mới có điều kiện tìm và gặp lại nó. Nó bây giờ tên là Thủy chứ không phải tên Mỹ như hồi nhỏ. Khi gặp nó tôi mới biết nó cũng mồ côi cha, mẹ và hai anh của nó cũng hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, có để lại hai cháu nội. Nó cũng đi thoát ly tham gia công tác ở huyện Nghĩa Hành. Nó có chồng và hai đứa con, có cháu nội, cháu ngoại và đang sinh sống ở thành phố Quảng Ngãi. Được chồng cưng chiều lắm, rất hạnh phúc, nó tâm sự với tôi như thế. Tôi mừng cho nó - con bạn nối khố ngày nào. Nghe tôi nhắc lại những chuyện thời con nít, nó ôm tôi rồi nói: “Tao bái phục mầy lắm, tao không nhớ gì hết, giờ thì tao nhớ ra mầy rồi.” Năm 1998 nó biết được chồng tôi mất, hai vợ chồng hỏi thăm nhà và dẫn nhau ra thăm tôi. Có lần đi Quảng Ngãi tôi đến nhà xin phép chồng nó rồi rủ nó về quê chơi, nó dẫn tôi đi quanh mấy nơi để nhớ lại kỷ niệm hồi còn thơ ấu. Tối về nhà bà con của nó ngủ, hai chị em thức cả đêm để kể lại chuyện ngày xưa, nó cứ khen tôi có trí nhớ tốt. Rồi nó kể cho em nó nghe, chuyện về tôi, chuyện tình bạn của tôi với nó.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2015, 11:40:10 pm »

Các em tôi đã mất, tôi vẫn chưa có em trở lại, chỉ một mình tôi nên đi đâu, làm gì ba tôi cũng cho tôi theo. Tôi còn nhớ, ở Quảng Ngãi ba tôi hay đan nong để phơi lúa, đan mủng, thúng để đựng lúa, rồi đan sàng, dừng, nia để dừng gạo. Ba tôi tự đốn tre, chẻ nan, vót trơn tru đem phơi, rồi đan đồ để dùng trong gia đình chứ không bán. Mỗi lần đan thứ gì ba tôi đều cho tôi ngồi một bên rồi bày tôi. Hồi đó còn một mình tôi nên ba tôi cưng tôi lắm.
Tôi nhát gan, hay sợ ma mặc dầu chưa gặp ma bao giờ. Mỗi lần nghe người lớn hù dọa ma là tôi sợ, không bao giờ tôi ở nhà một mình. Ba tôi đi đâu đều dẫn tôi theo như cái đuôi của ổng vậy. Hồi còn nhỏ tôi biết làm nhiều thứ là do mẹ tôi dạy: xay lúa, giã gạo, sàn, dừng gạo tôi đều làm được hết. Khi về Quảng Nam có lần cô Hai tôi giã gạo xong đem ra dừng lấy thóc riêng cho gạo sạch. Cô sàn “ra” làm cho thóc không nhóm lại được. Thấy vậy, tôi nói: “Cô đưa con sàn cho.” Cô hứ tôi một cái, rồi nói: “Con nít biết gì mà làm, đi tránh chỗ khác chơi.” Tôi nói với cô: “Thiệt mà, con làm được!” Cô tôi không tin nhưng cũng đứng lên để tôi làm thử. Tôi ngồi xuống cầm cái sàn quay một hồi, thóc trong sàn nhóm lại thành một nhúm nhỏ xíu ở giữa, tôi hốt thóc bỏ ra ngoài, lúc đó cô tôi khen: “Con này nhỏ mà làm cũng được hỉ, mi giỏi hơn cô rồi đó.” Từ đó về sau tôi làm việc gì cô cũng để ý rồi khen ngợi tôi với mọi người.
Cuối năm 1963, ở Đại Lộc - Quảng Nam có tin “ao cá thần” tại Thượng Đức. Ba tôi dẫn tôi về thăm quê tiện thể xin “nước tiên”. Lần đó về quê gặp ông nội chú (em ruột ông nội tôi) ốm chỉ còn da bọc xương, tôi thấy ba tôi lấy nước “tiên” cho ông tôi uống. Nhưng sau đó một thời gian ông tôi cũng chết. Hai ba con tôi ở lại quê chơi mấy hôm rồi về lại Quảng Ngãi. Sau lần ấy, trở về Quảng Ngãi ba tôi bị lộ cơ sở, nên ông bán nhà và đưa cả gia đình về Quảng Nam sinh sống và hoạt động. Lúc đầu mẹ tôi không muốn về Quảng Nam vì sợ xa quê mà bà con ruột thịt thì không có. Sau này tôi nghe mẹ tôi kể lại, ba tôi nói: “Nếu mẹ tôi không đi thì ba tôi đưa tôi về Quảng Nam một mình.” Mẹ tôi sợ mất tôi nên phải đành theo ba tôi về. Tôi nhớ như in, từ trên quê ngoại tôi đi về Quảng Nam phải theo ghe xuôi dòng xuống sông Vệ, đến nhà bạn của ba tôi nghỉ lại qua đêm. Bác Ngọc là người cùng quê Quảng Nam, cùng đi bộ đội với ba tôi, sau này ông ở lại Sông Vệ có gia đình và sinh sống ở đây. Sáng hôm sau từ Quảng Ngãi ba tôi đón xe về xã Kỳ Minh, Điện Bàn - Quảng Nam (nay là Điện Thọ), xuống chợ Phong Thử rồi đi về nhà của chú Bốn tôi. Hồi đó chợ Phong Thử còn đông vui, sầm uất lắm. Gia đình tôi xuống ngay chợ, tôi thấy họ bán cái mũ có vành cong cong, đẹp quá tôi đòi ba tôi mua. Cuối năm 1963 hay đầu 1964 gì đó, cán bộ cách mạng ban đêm thường về tuyên truyền, phát động nhân dân ở làng Thủy Bồ quê tôi, họ gọi ba tôi đi dự  mít tinh, ba tôi đi và cũng cõng tôi theo.
Về Điện Thọ một thời gian, quê hương được giải phóng, ba tôi tiếp tục tham gia công tác ở thôn rồi lên xã. Năm 1964 nhiều vùng quê được giải phóng. Xã tôi giải phóng được một thời gian, ở thôn giao nhiệm vụ cho bác tôi là mua lúa xay, giã gạo để bà con đi dân công mang gạo cấp cho quân giải phóng. Tôi cũng cùng tham gia giã gạo, làm thóc cho bác tôi, bà bảo: “Giã sơ sơ thôi, chứ giã trắng quá làm hao hớt gạo và nó đi hết chất bổ đó”. Tôi còn nhớ, hồi nớ mẹ tôi dặn: “Mỗi lần nấu cơm là con lấy tay bốc lại một nắm gạo bỏ vào hũ tiết kiệm để ủng hộ cho cách mạng”. Ở Quảng Ngãi về đây, tôi được tiếp tục đi học do thầy Bá dạy. Khi vùng quê được giải phóng, thầy Bá chạy ra Đà Nẵng. Anh Nguyễn Văn Quý lên dạy tiếp bọn nhỏ chúng tôi. Nhưng lớp học đó rồi cũng phải giải tán. Sau đó, bọn địch đến xây nhiều đồn bót, xua lính đi đánh phá phong trào cách mạng. Quê tôi bị địch đóng quân. Nhà tôi bị chúng càn quét đốt cháy không còn manh áo che thân.
Chân ướt, chân ráo từ Quảng Ngãi mới về chưa được bao lâu, nhà cửa ba tôi mới làm sơ sơ, lợp tranh, bốn phía che phên, bốn góc nhà chỏi bằng bốn cây tre, trong nhà không có gì đáng giá cả. Đợt lụt năm Giáp Thìn (1964) trong nhà có cái gì nó trôi hết, ba tôi bán nhà ở Quảng Ngãi về dồn tiền mua được mấy con bò nuôi làm vốn kiếm tiền làm nhà. Nhưng vì bị lụt ngập lâu ngày, một phần đói, phần thì lạnh nên vừa rã lụt đàn bò 3 con của nhà tôi cũng chết hết trơn. Ba tôi đem xẻ thịt, mượn ghe chở đi cho bà con quanh xóm và những người bà con ở thôn Đức Ký, mỗi nhà một ít. Mấy ngày lụt, ba tôi thấy bò đói, lạnh cóng tội nghiệp nên ổng cởi hết áo quần quàng cho nó. Nhưng đâu có ăn thua gì so với nước lụt thấm lâu ngày.
Bước qua năm 1965 thì địch càn đốt phá sạch, mẹ con tôi phải ở nhờ nhà của một người hàng xóm, cái nhà mà họ bỏ đi tản cư từ năm 1964.
Nhớ lại, tôi vẫn còn bàng hoàng, khoảng vào 5 giờ chiều ngày mồng 1 tháng 9 năm 1965 âm lịch, tôi đang bồng em ngồi ở sân nhà, nghe bà Trình, người hàng xóm hớt hơ hớt hải chạy qua hỏi tôi:
- Mẹ mi đi mô rồi Hương?
- Có việc chi rứa bà?
- Nghe đâu ba mi bị lính bắn chết hồi nãy ở đồng ngoài rồi!
Đúng rồi! Mới hồi nãy tôi nghe mấy loạt súng tụi nó bắn rồi la dữ quá. Nghe vậy, tôi hoảng loạn, vừa khóc vừa bồng em chạy thẳng ra xóm ngoài, nhưng mọi người không cho ra, họ bảo tôi phải quay về sợ tối tụi nó bắn pháo tới. Tôi bồng em về nhà thì mẹ tôi đã đi ra ngoài chỗ ba tôi rồi. Tối hôm đó các chú về chôn cất ba tôi trong tiếng pháo bắn cầm canh của đồn Phong Thử. Kể từ đó, mẹ con tôi thiếu vắng hình bóng của ba. Ba tôi bao giờ cũng là trụ cột mọi việc trong nhà, vì mẹ tôi ốm yếu, bà ngoại thì ở xa, chị em tôi thì còn nhỏ, lúc đó tôi  mới 11 tuổi, em tôi chưa tròn tuổi mà đã mồ côi. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, cây lúa làm ra gạo cũng rất khó, mẹ yếu con thơ không nơi nương tựa nên mẹ con tôi rất vất vả, đối mặt với cái nghèo, không biết làm gì ra tiền để sống. Bác Năm Hòa là bác họ của tôi, bà là cán bộ phụ nữ thôn, bà rất giỏi, xông xáo, mạnh mẽ. Bà thường hay đi chợ để bán gạo hoặc rau ở tận dưới chợ Thanh Quýt. Từ quê tôi đi xuống chợ Thanh Quýt rất xa, phải đi qua cánh đồng “thí thân” của Điện An. Gọi là thí thân vì khi qua đây, xác định là nguy hiểm, sẽ chết như chơi, bởi pháo của đồn Bồ Bồ, đồn Trảng Nhựt thường xuyên bắn xuống. Mùa mưa đi rất vất vả, bùn lội tới nửa trái chân, hôm nào gặp bọn địch trong đồn Trảng Nhựt ra phục kích là phải bỏ gánh hàng để chạy thoát. Những lần đi chợ như thế bác hay mua cá liệt ngang (cá nhỏ) đem về kho mặn ăn với cơm qua ngày. Bác đem cho mẹ con tôi một ít cá liệt rim khô để dành nhai cơm cho em tôi. Thấy vậy, có vài lần tôi đòi đi theo bác bán rau kiếm tiền mua cá cho em. Mẹ tôi không cho, nhưng còn nhỏ mà, thấy ai làm gì cũng muốn làm theo cho được. Thế là tôi ra mấy đám mía gần nhà hái rau má, hái lá chuối chát (chuối sứ) trong vườn đem về bó lại thành lọn nhỏ, rồi sáng hôm sau dậy thật sớm theo bác đi chợ. Xuống chợ tôi nhờ bác bán dùm, tất cả chỉ có mấy đồng rồi tôi nhờ bác mua dùm ít cá về kho cho em ăn, ngoài ra tôi không mua gì thêm nữa. Tiền còn lại tôi đem về đưa cho mẹ cất. Đi chợ khổ cực lắm. Hồi nớ tôi lùn tịt, nhỏ bé tí nhưng thích đi, vì được đi chợ bán rau để có tiền mua cá mà lại khỏi bồng em. Bồng em cho mẹ đi làm ruộng miết hai bên hông của tôi bị chai sần, mà mỏi mệt lắm, nên cứ thích làm gì cũng được, miễn sao đừng bồng em là sướng rồi. Có một lần tôi nói với mẹ: “Bữa ni mẹ để con đi làm cỏ lúa cho.” Mẹ bảo: “Mầy mà làm được việc gì, ở nhà giữ em để mẹ đi làm, chứ bữa ni cỏ lên nhiều lắm, nó ăn lúa hết còn đâu ít bữa có gạo mà nấu.” “Con làm cỏ được, mẹ để con đi làm cho, mẹ ở nhà giữ em đi”. Cuối cùng mẹ cũng chiều tôi và cho tôi đi làm cỏ lúa. Đã có lần tôi nhìn thấy người lớn làm cỏ lúa rồi, giờ tôi bắt chước. Thế là ra ruộng, tôi cũng vắn quần lên, xuống ruộng, hai tay cào cỏ, một lát nghe mỏi lưng, tôi lại đứng lên nhìn ra phía sau thấy nước đục, có cỏ con trôi trên mặt nước, tôi nghĩ ở đó đã cào cỏ rồi nên tôi lại bước đến chỗ khác để làm. Cứ thế đến chiều tôi cũng lên bờ ra về như người lớn đi làm thực thụ. Sáng hôm sau, mẹ đi làm như thường ngày, về đến nhà mẹ la mắng tôi quá trời:
- Mẹ nói có sai đâu, không biết làm cỏ mà cứ một hai đòi đi.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2015, 11:46:15 pm »

Tôi không biết cào cỏ lúa, chỉ muốn đi làm ngoài đồng để đỡ đần cho mẹ và khỏi bị bồng em thế thôi. Có một chuyện mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ và thương em tôi nhiều lắm. Một hôm tôi bồng em qua nhà hàng xóm, nhà sát vách tường nhà tôi xem mấy chú đánh bài. Tôi say sưa nhìn mấy chú nhưng vẫn nghe văng vẳng tiếng mẹ tôi nói và tôi “dạ”, dù chẳng nghe rõ mẹ nói gì. Đến chiều khi sòng bài của các chú tàn cuộc tôi mới ra hỏi chú Mười chủ nhà:
-Mẹ con hồi nãy nói gì mà con không nghe rõ chú Mười? Chú Mười bảo:
-Mẹ mi biểu mi xay bột đúc bánh xèo.
Nghe chú nói, tôi chạy về nhà lấy gạo nhưng gạo không còn, tôi chạy sang nhà của chú Mười mượn một lon gạo đem ngâm rồi đi xay bột. Tôi thấy trời gần tối mà chưa có bột, tôi lo sợ khi về mà chưa có bánh xèo thì mẹ đánh chết, tôi vội vội vàng vàng bưng gạo đi xay ở nhà của ông Năm Ngợi, cách nhà tôi một nhà đó là nhà ông Mười Chiêm mới đến nhà tôi.
Thấy tôi đi em tôi bò theo, từ sân nhà tôi xuống sân nhà ông Năm Ngợi nó khóc sướt mướt nhưng tôi mặc kệ, cứ lo xay bột. Xay bột rồi, tôi bưng bột chạy về nhà, em tôi lại bò theo về vừa bò vừa khóc, tôi cũng mặc kệ cứ lo công việc cái đã. Về nhà, tôi vừa bồng em bên hông, một tay vịn em, một tay đúc bánh xèo, chân thì vắt lên bếp chồ để làm chỗ tựa cho em tôi khỏi ngã. Tôi đang lui hui trong bếp, mồ hôi mồ kê ra nhễ nhại thì mẹ tôi về, thấy tôi lục đục trong bếp bà lên tiếng hỏi:
- Mày làm cái gì trong bếp đó?
- Con đúc bánh xèo.
- Ai biểu? - bà hỏi. Tôi phân trần:
- Hồi chiều con nghe chú Mười nói mẹ biểu con xay bột đúc bánh xèo!
-Trời…đất ơi! Con với cái, ham chơi chi mà tôi nói một đàng nó làm một nẻo, vậy hả trời! - Rồi mẹ tôi mắng:
- Mẹ biểu mày ở nhà nhớ xay lúa giã gạo, gạo hết rồi chứ mẹ biểu mày xay bột đúc bánh xèo hồi nào?
Lúc này, tôi mới vỡ lẽ: chú Mười thấy tôi ham chơi nên ổng nói đùa với tôi mà lỡ quá trớn nên ổng làm thinh luôn. Đến nay, đã 50 năm trôi qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in và tôi thương em tôi nhiều lắm. Nghĩ đến thằng em nhỏ bé, trắng trẻo dễ thương mà bị tôi hành một phen, thiệt là tội nghiệp, cứ nhớ đến em là nước mắt tôi chảy hoài, hễ kể chuyện này với bạn tôi nghe thì miệng tôi kể mà mắt tôi lại khóc.
Lúc còn nhỏ ở nhà, tôi thích đi mót lúa. Mấy người lớn họ đi gặt mướn cho chủ ruộng giàu có, thấy tụi tui con nít, họ thương tình hay ngầm vặt ngã từng nhúm lúa xuống để cho tôi lảy. Tôi cũng thích đi lảy lúa rài lúc vụ mùa chưa đến. Gạo lúa rài cơm rất là ngon. Và tôi cũng thường lấy dây lạt đi lượm mo nan (mo tre khô rơi xuống) xâu lại thành từng xâu dài đem về, rồi cắt lá chuối khô về làm củi nấu cơm. Tôi cũng hay đi bẻ măng tre đem về luộc, kho ăn thay cá. Nhà tôi có khi phải lấy sắn tươi nấu chín, bỏ vào mo cau gói lại đập dập ra, chấm với muối mè ăn thay cơm.
Hồi giữa năm 1965, lúc đồn Phong Thử đóng ở đường 100, xã tôi có một chú bộ đội người miền Bắc biệt phái về để bắn tỉa bọn lính ở đồn này. Mẹ, chị nào mà nuôi được chú bộ đội bắn tỉa nớ là vinh dự lắm. Hồi nớ mấy mẹ mấy chị thương quý chú bộ đội nớ như chính con mình. Một hôm mấy chú du kích thôn Thủy Bồ dẫn chú bộ đội đi, tôi thấy chú ấy mang cây súng trường, có cái nòng dài lắm, có cả kính ngắm nữa. Hôm nào bọn lính bị chú bộ đội bắn tỉa chết một vài tên, là hôm đó làng tôi được “ăn” một bữa pháo dữ dội và ngày hôm sau nó càn ra lùng sục gắt gao để tìm kiếm Việt Cộng.
Còn xe nhà binh bọn nó lúc nào cũng chạy qua đường 100 này lên đồn Ái Nghĩa. Đường này cũng là đường giao thông huyết mạch của bọn nó, từ Ái Nghĩa xuống Phong Thử, Vĩnh Điện, ra Đà Nẵng hoặc vào Tam Kỳ. Vì vậy đêm nào du kích cũng ra đào phá đường. Người xách xà ben, người xách cuốc, người cầm xẻng, đào đến tận khuya. Hồi nớ tôi thấy mấy cô, mấy chú đi bám địch, đi đào đường cái 100, đào phá đường rầy xe lửa, đem về những tấm tà vẹt làm kèo để xây hầm chống đại bác là tôi thích lắm, nhưng vì còn nhỏ quá nên không được đi. Tôi chỉ tham gia công tác thiếu nhi như đào hầm cóc ven đường, vót chông tre để nộp cho mấy chú, cùng trang lứa với tôi hồi đó có thằng Trung em, con chú Bốn tôi, nó lanh lẹ và làm được nhiều chuyện ra phết. Tới mùa mưa nó làm ống trúm để bắt lươn trong các ao hồ quanh xóm, thấy nó làm tôi cũng bắt chước nhưng không làm được. Một hôm tôi nói với nó: “Mi cho tau một ống trúm rồi dẫn tau đi đặt lươn với, nhưng mi phải bôi trùn (mồi) sẵn vào ống đó nghe. Tau thích đi đặt lươn nhưng bắt trùn thì tau sợ lắm.” Thế là thằng em cũng chiều tôi, nó cho tôi một ống trúm rồi chiều chiều dẫn tôi đi. Sáng hôm sau tôi cũng dậy sớm đi gỡ ống đem về, tôi thấy ống của nó thì cái nào cũng có vài con lươn trong đó, còn ống của tôi thì nó nhẹ tênh, chẳng có con nào vô cả, không biết tại sao. Tôi đi theo nó mấy ngày liền cũng đều về tay không. Chán quá, tôi nghỉ không thèm đi nữa. Thằng em này của tôi sau đó cũng bị lính Đại Hàn tàn sát cùng với thím tôi vào năm 1966 âm lịch.
Từ khi ba tôi mất, ba mẹ con tôi sống thật buồn tẻ và cô đơn, phần phải lo miếng ăn hàng ngày, phần đồn địch ở gần luôn quấy rối, sống không yên. Thế nhưng, mẹ tôi cũng tham gia công tác cùng địa phương với ý nghĩa để trả thù cho ba tôi. Vào ngày 20 tháng 12 năm 1966 âm lịch, một ngày thật kinh hoàng mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được. Sáng hôm đó, du kích địa phương báo là: “Bọn Đại Hàn càn ra thôn La Thọ, không biết nó có ra đây không, bà con nên tập trung ra xóm ngoài ở với nhau cho đỡ sợ.” Khoảng nửa buổi, thấy tình hình vắng, không có gì, bà con nhà ai về nhà nấy. Gần trưa lại nghe bọn Đại Hàn mới tàn sát dưới La Thọ và bây giờ trên đường càn ra Thủy Bồ, bà con lại tập trung ra xóm ngoài một lần nữa với tâm trạng vô cùng sợ hãi, chẳng biết nó có tàn sát giống như ở La Thọ không? Lúc đó, khoảng 3g chiều, bọn Đại Hàn ở đồn Bình Long càn ra, chúng kéo thẳng đến thôn Thủy Bồ, như là đã có ý định từ trước. Trước khi đi, chúng thả bom, bắn đại bác dọn đường. Đến xóm trong không thấy ai, chúng tràn ra xóm ngoài. Ở đây, bà con ta tập trung nhau lại ở chung với nhau trong vỏn vẹn chỉ 6-7 nhà dân, tất cả đều ở dưới hầm để tránh bom. Thế là chúng gọi lên hết, rồi tập trung lại thành hàng, thẳng tay bắn gục hết những người dân vô tội, trong những người bị tàn sát đó có mẹ và em trai tôi chưa tròn hai tuổi. Tôi được may mắn hơn là khi địch ra gần đến nơi rồi, mẹ tôi thấy chú Thưởng thôn đội trưởng chạy ngang qua, mẹ tôi bảo: “Con chạy theo chú đi con.” Nghe lời mẹ, tôi chạy theo chú sang bên kia sông (gọi là sông nhưng nó chỉ như cái lạch nhỏ thôi). Đến thôn Ái Mỹ, vừa rúc xuống hầm nhà ông Lách thì một loạt bom thả xuống trúng miệng hầm trước, tôi ở miệng hầm sau không sao, nhưng hoảng quá. Vừa xong loạt bom, tôi lên khỏi hầm thoát chạy ra thôn Tây. Vừa ra đến đây tôi nghe có người nói: Đại Hàn hồi chiều càn ra tàn sát dân thôn Thủy Bồ chết như rạ!
Nghe vậy, tôi quay lại chạy trở về Thủy Bồ. Vừa về đến xóm nhà mà hồi nãy tôi ở với mẹ, thì tôi đã thấy Vân con trai lớn của chú tôi, nó là du kích, đang ngồi bên cạnh thằng em vừa bị thương trong trận tàn sát lúc chiều. Thằng Vân thấy tôi nó hỏi: “Chị Hai đó hả?” Tôi ừ, rồi chạy băng qua nó để đi tìm mẹ và em tôi. Chạy ra cửa sau nhà bà Bảy An thì thấy ngay xác của bác Năm Hòa, bác họ của tôi chết nằm sóng soài ở đó – chắc bác đã cố chạy trốn nhưng không được. Băng qua bác, tôi chạy vào nhà bà An, ngó qua ngó lại chưa nhìn thấy mẹ, mẹ tôi bị thương nặng nằm đó, thấy tôi mẹ liền gọi:
- Mẹ ở đây con, em nằm dưới đất đằng kia!
Tôi hoảng hốt nhưng cũng đi tìm em tôi và bồng nó lại nằm bên mẹ. Mẹ lấy tay chỉ dưới lai quần của mẹ, tôi lần mò lấy ra được mấy đồng bạc hôm trước đi chợ về tôi đưa cho mẹ giữ và sợi dây chuyền vàng 5 chỉ mà mẹ tôi để dành từ hồi ở Quảng Ngãi. Sống trong cảnh nghèo khổ mà mẹ tôi vẫn cố giữ dây chuyền đó để dành lúc nghẹt nghèo, ốm đau, bệnh tật. Đến bây giờ mẹ lại chỉ cho tôi. Mẹ nói:“Mẹ khát nước!”, tôi chạy đi tìm nước cho mẹ rồi gọi chị Kha y tá xã đến tiêm thuốc, băng bó cho mẹ, nhưng vết thương của mẹ ở bờ vai quá to, máu ra nhiều, không có miếng gạt nào trùm hết được. Sau khi chị Kha tiêm mũi thuốc thứ hai vừa rút kim tiêm ra thì tôi cũng thấy mẹ giật tay chân rồi im lìm, nhắm mắt tắt thở luôn. Thế là mẹ và em tôi đã ra đi vĩnh viễn, không còn ai ở bên tôi nữa! Tôi ngồi khóc mãi không biết làm gì khi không còn mẹ. Tối hôm đó, người lớn họ chạy lo việc này việc kia, còn tôi đến nhà của ông Hữu đối diện với cái nhà mà mẹ và em tôi đang nằm. Tôi ngồi nhìn sang mẹ và em, tôi chỉ biết khóc, không ăn uống gì. Người lớn ai cũng la tôi:
- Con phải ăn cơm để có sức, con không ăn thì mẹ và em con cũng đâu có sống dậy được.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2015, 11:46:56 pm »

Cả đêm hôm ấy tôi không ngủ được, phần thương mẹ, nhớ em, phần sợ ma, vì nhìn chỗ nào cũng có người chết nằm ngang nằm dọc. Phía sau nhà ông Hữu có một cây rơm to đã cháy rụi, trong đó có ba đứa nhỏ ở thôn Châu Lâu bị cháy đen thui khi bồng em chạy trốn. Lúc ba của nó về tìm mãi không ra, khi biết được ba đứa con mình đang nằm trong đống tro tàn, ông đứng chết lặng, rồi từ từ ngã xuống, ngất đi. Đợt tàn sát này, Đại Hàn đã giết chết nhân dân ở đây tổng cộng là 145 người, cả người lớn lẫn trẻ con. Trong đó, riêng nhân dân của thôn Thủy Bồ là 105 người. Tối hôm ấy, những người lớn lo chuẩn bị để sáng mai họ khiêng số người bị giết đi lên đồn Bồ Bồ, đồn Trảng Nhựt để đấu tranh với Mỹ. Họ khiêng mẹ và em tôi cùng với mọi người đi đấu tranh đến ngày hôm sau mới đem về chôn. Mới 12 tuổi mà tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống bơ vơ, không nhà, không cửa. Bà con tôi thì họ cũng khó khăn nhiều. Cô Sáu tôi có chồng ở khác thôn, một nách bốn con dại, lại mang thêm cái bầu gần sinh, dượng Năm chồng của cô cũng là du kích. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, ai cũng khổ như ai. Trong đợt Đại Hàn tàn sát đó có cô Phương du kích. Cô cũng hợp pháp, lúc chúng nó xếp hàng dân để bắn, do người cô thấp bé cô nhanh chóng nằm sấp xuống đống người chết, nên cô đã thoát chết một cách hy hữu.
Sau lần đó, thôn Thủy Bồ còn sót lại mấy gia đình, họ sợ không dám bám trụ nữa mà rủ nhau ra thôn Giáng La ở. Sau khi chôn mẹ tôi xong, tôi không biết mình sẽ đi đâu, làm gì nên tôi theo bà con ra thôn Giáng La. Mỗi lần Mỹ càn, bà con gánh gồng chạy giặc, tôi cũng chạy theo họ, họ đi đâu tôi đi theo đó để kiếm cơm ăn qua ngày. Bây giờ nghĩ lại tôi không nhớ thời gian ấy mình đã ăn cơm của nhà ai và ngủ ở nhà ai, đến bữa cơm nhà nào họ cũng gọi tôi ăn, nhà ai tôi cũng ngủ được. Một thời gian sau, chú ruột của tôi đang đi bộ đội huyện Điện Bàn gọi tôi về và nói: “Cháu ra Đà Nẵng ở với cô Hai giữ em giúp chú để cô Hai có thời gian đi buôn kiếm tiền nuôi các em.” Vì thím tôi và em Trung con trai thứ nhì của chú cũng chết trong đợt tàn sát ấy để lại chú 4 đứa con, thằng Minh 7 tuổi bị thương nặng, thằng Dũng 4 tuổi và 2 đứa nhỏ sanh đôi mới 10 tháng, cô Hai tôi phải đem tất cả chúng ra Đà Nẵng, cưu mang nuôi nấng. Cô đi làm lụng kiếm tiền để nuôi các em con của chú tôi. Nghe chú nói vậy, tôi phải ra ở với cô Hai, giúp cô nuôi các em. Tôi mới 12, 13 tuổi chưa biết gì mà đã làm mọi việc như một người lớn khỏe mạnh. Bây giờ nhớ lại, lắm lúc tôi tự hỏi: hồi nớ mình làm kiểu gì mà giỏi rứa không biết!
Nói đến cô Hai tôi, cô có chồng hy sinh hồi kháng chiến chống Pháp, hai người con của cô cũng chết trong cuộc chiến ấy. Cô ở vậy làm ăn, giúp gia đình chú Bốn tôi, cho nên khi thím tôi mất thì cô tôi phải cưu mang, giúp đỡ chú tôi nuôi sắp nhỏ.
Tôi giúp cô Hai nuôi 2 em nhỏ sanh đôi chưa tròn tuổi và một em 4 tuổi, một em 7 tuổi bị thương nằm tại chỗ, ăn và vệ sinh tại chỗ, lo cơm nước cho các em, dọn nhà cửa và đủ thứ, tôi phải làm cho xong kẻo chiều về, cô thấy cái gì không vừa lòng là cô chửi, la mắng rùm băng, tôi sợ và tủi thân lắm! Tôi nghĩ: “Nếu như mẹ mình còn, chắc mình không phải chịu cái cảnh khổ và bị la mắng thế này.” Vì thế, nên mỗi lần cô Hai tôi la mắng, tôi đều ra ngoài sau hè ngồi khóc, đến bửa cơm mà cô la là tôi ngặn cổ, nuốc không vô, nước mắt chảy dài. Thấy vậy, tối nào anh Điền - con bác Lạc ở trước nhà cô tôi cũng bảo chị Tám em gái của anh:
- Chở cho con Hương đi dạo chút cho nó khuây để nó buồn, nó khóc hoài, tội nghiệp! Chị Tám chở tôi đi quanh một lát, rồi dẫn tôi về nhà chị ăn cơm tối xong tôi mới về nhà ngủ. Tôi ở đây chưa đầy một tháng, thì một hôm cô Sáu tôi ra thăm có dẫn bà nội cô của tôi cùng ra. Bà có chồng nhưng không có con, chồng bà chết. Tôi thấy bà ra, tôi mừng quá – tôi năn nỉ cô Sáu cho tôi theo cô về quê với, ở đây đã có bà Chín giúp cô Hai rồi. Ban đầu cô Sáu không đồng ý, nhưng tôi xin miết, cuối cùng cô Sáu cũng thuận tình và dẫn tôi về. Sau này, lớn lên tôi mới biết và nghĩ: Chắc trong hoàn cảnh khó khăn cùng cực quá nên cô tôi quẫn trí, không biết nói với ai nên cô cứ nhằm vào tôi mà trút giận.
Dượng tôi, chồng cô Sáu cũng hy sinh, vào ngày mồng 10 tháng giêng năm 1967 âm lịch, chỉ sau đợt tàn sát Thủy Bồ - La Thọ có 20 ngày và đứa con trai của cô cũng chết sau đó không lâu. Sau khi Dượng hy sinh, con trai chết, cô tôi mang cái bầu thật to dẫn con nhỏ chạy giặc, tháng sau cô sinh thêm một em trai nữa. Đầu năm 1967 ở Điện Thọ có một đợt càn cũng quy mô lắm, Mỹ bao vây cả Điện An, Điện Hồng, Điện Thái, Điện Tiến và siết vòng vây tại Điện Thọ làm không biết bao nhiêu người đã hy sinh. Trận càn rất bất ngờ, mới vừa ăn tết nguyên đán xong chúng đã chụp quân bao vây ngay nên quân ta không kịp trở tay. Một số cán bộ ở huyện về ăn tết, một số cán bộ trong xã và các xã khác chạy càn đến Điện Thọ, tất cả đều bị chúng vây chặt, không có công sự để núp, họ cứ chạy loanh quanh làng nầy qua làng kia hoặc rúc dưới bờ ruộng, hồ nước cuối cùng cũng bị chúng bắn, số khác thì bị đại bác, máy bay bắn chết. Sau đợt càn bọn nó rút quân đi, dân mình về thấy chỗ nào cũng có xác chết của cán bộ, bộ đội, du kích. Từ đó mỗi khi nhắc lại trận càn mồng 10 tháng giêng năm 1967, là mọi người ở quê tôi lại nhớ ngay đến người chết, nhất là chết ở gần am Bà Đá đồng ngoài của Điện Thọ. Sau đó, tình hình lắng dịu cô tôi lại về làm ăn, cô tôi có trồng được đám thuốc lá, ngày ngày phải lo đi bắt sâu, tưới nước. Thấy cô vất vả, tôi và Sang (con gái cô) rủ nhau ra đồng tưới thuốc giúp cô. Gàu của cô gánh thuộc loại gàu chuyên dụng, họ hàn gò theo tiêu chuẩn đặc biệt là miệng gàu to, rộng còn đít gàu thì nhỏ bằng miệng cái tô canh. Gàu để người ta vừa gánh vừa tưới, không để xuống đất.
Tôi và Sang, hai chị em đều nhỏ bé tí, lùn tịt nên gánh đôi gàu đó không được mà phải khiêng. Khiêng cũng thật khổ sở, rát vai, đau lưng, có khi bị đổ hết cả gàu nước. Nhưng hai đứa cũng cố gắng và đã tưới được mấy hàng thuốc gọi là giúp đỡ cô.
Tôi lại nhớ một lần, ở nhà cô, gần trưa tôi quảy gàu đi gánh nước nấu cơm. Nhà cô không có đôi thùng gánh nước mà chỉ có đôi gàu chuyên dụng đó thôi.  Hôm đó, tôi gánh đôi gàu ra giếng và để nó lên hai cây trụ mà người ta đã đóng sẵn. Tôi múc nước đổ vào được 2/3 gàu, là lượng nước vừa sức của tôi. Từ giếng về nhà cũng hơi xa, nhưng tôi không dám nghỉ. Ráng gánh về đến nhà, tới cái ảng (chum) đựng nước, loay hoay mãi mà không làm sao đổ nước vào ảng được, mệt và đau vai quá, tôi đặt đôi gàu nước xuống đất nghỉ, vừa chạm đất, đôi gàu nước bỗng ngã lăn chiêng, nước trong gàu đổ ra đất không còn một giọt.
Tôi về quê, đi tìm chú tôi và xin chú cho đi THANH NIÊN XUNG PHONG. Chú tôi la không cho và bảo: “Mày còn nhỏ, mang súng bết đất làm sao đi được, ráng vài năm nữa lớn lên rồi đi.” Nhưng sau đó, địa phương cho tôi đi học lớp Giáo viên trẻ tuổi, do Phòng Giáo dục Điện Bàn tổ chức vào đầu tháng 3 năm 1967. Mục đích của lớp học này là học để về dạy lại cho các em nhỏ trong điều kiện hợp pháp với Mỹ. Lớp học được mở ở xã Điện Tân - Gò Nổi, do anh Chiến trên Phòng Giáo dục huyện và cô Nguyên giáo viên người miền bắc về dạy. Mỗi xã có từ 2 đến 5 người học. Xã Điện Thọ đi 5 người, mỗi thôn một người. Vào đây học cũng phải đi đào hầm cóc để lỡ có bom, đại bác bất ngờ trên đường thì có chỗ mà núp. Ăn và ở với dân, lúc đầu ở xã Điện Tân, nhưng sau ở đó bị địch càn nên chuyển xuống Điện Nhơn. Thời gian tôi học ở đây tôi nghe tin chú tôi hy sinh trong trận càn ở Gò Nổi. Nửa tháng sau tôi lại nhận tiếp một tin khác, là Vân con trai lớn của chú đang công tác ở Trạm phẫu huyện Điện Bàn, cũng bị một quả bom ném trúng trạm, làm 5 người hy sinh trong đó có Vân. Rứa là chỉ trong ba năm, năm 1965, 1966, 1967 gia đình tôi, chú tôi, bác tôi, cô tôi đã mất đi tất cả 12 người. Đau thương dồn dập!
Kế hoạch của huyện là vậy, nhưng khi mãn khóa học về thì tình hình ác liệt quá, dân chạy di cư khắp nơi. Những người bám trụ thì lúc nào cũng thấp thỏm chạy càn nên việc học hành của trẻ nhỏ đành phải thôi. Tôi về ở bất hợp pháp chung với các chú du kích, chú Năm Phàn và chú Mười, hai người là du kích cũng có vợ, con chết cùng lần với mẹ tôi. Hai chú nói với tôi:
- Cháu cứ về đây ở với mấy chú, mấy chú ăn gì, cháu ăn nấy.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2015, 11:49:20 pm »

Từ đó, hàng ngày tôi đi hái rau, lượm củi nấu cơm cho hai chú đi làm về ăn, theo các cô, các chú bám địch, tham gia sản xuất cải thiện đời sống của du kích trong hoàn cảnh không có dân. Có lần ban đêm các chú du kích bận họp, cô Phương biểu tôi: “Cháu đứng đây ngó chừng dùm cô một chút, nhìn xuống cánh đồng trên đường sắt. Nếu thấy Mỹ, cháu nhớ báo cho cô và mấy chú biết.” Tôi đứng trên nền sân nhà ông Tôn, nền nhà cao mà trống. Trước nhà ông Tôn là một cánh đồng rộng, nhìn bốn phía đều thấy. Đứng nhìn một hồi lâu, tôi chạy vào báo cho cô Phương và chú Năm Phàn:
- Mỹ ở dưới cánh đồng kia kìa.
Mọi người chạy ra dòm. Dòm đi, dòm lại không thấy gì. Vào hỏi tôi:
- Cháu nói thấy Mỹ, mà Mỹ ở đâu, không ai nhìn thấy?
Tôi ra chỉ chỗ đó, mọi người hú hồn và nói:
-Không phải, chỗ đó là bụi cây mọc trên gò mả, ai bảovới cháu là Mỹ! Ban ngày tôi đâu có để ý cây cối trên mả làm chi, nên ban đêm nhìn thấy lù lù ra một lùm, tưởng Mỹ nó phục kích ở đó, ai dè...Hình như bực mình vì chuyện đó có người nói: “Đừng để cho con Hương nó gác ban đêm nữa, nguy hiểm lắm.”
Tôi còn cùng với cô Phương (đã hy sinh), chị Hường, anh Chúc và nhiều người khác tranh thủ lúc không có địch càn, rủ nhau đi đốn những cây keo lớn, quanh các vườn nền nhà cũ của bà con, rồi đào mấy cái hầm đất sâu, rộng chất những cây keo ấy xuống đốt lên, cho cháy để lấy than đem ra Giáng La nhờ bà con bán dùm lấy tiền mua mắm, muối.
Một hôm, mấy chú du kích phân công cô Phương cùng tôi ở nhà ông Tôn bám địch. Chỗ nhà ông Tôn có cái vọng lâu cao lắm. Mấy chú đến dặn tôi: Nếu thấy địch ra là đánh mõ báo tin cho anh em du kích biết mà rúc công sự. Không biết bám thế nào mà địch ra gần đến nơi, hai cô cháu không hay biết chi hết. Khi cô Phương trèo lên vọng lâu nhìn ra cánh đồng thì địch đã càn gần tới nơi. Hai cô cháu hoảng quá, vừa chạy vừa đánh mõ. Địch nghe tiếng mõ, chúng bắn M79 theo và súng lớn, súng nhỏ chúng bắn tới tấp, hai cô cháu chạy bạt mạng đến công sự vừa chui xuống hầm đậy nắp lại là đã nghe bọn nó la om sòm ở trên rồi. Hôm đó, không ai việc gì, nhưng cô Phương được một bữa bị kiểm điểm, còn tôi thì mấy chú nói: “Nó còn nhỏ, không trách, nhưng nhắc nó sau nầy để ý hơn đừng chủ quan khinh địch.”
Đến cuối tháng 5/1967, cô Mười Nhạn cán bộ của thành phố về địa phương tìm người đi làm công tác hợp pháp. Địa phương đã giới thiệu tôi cho cô. Tôi nghe nói đi thoát ly, tôi mừng lắm đồng ý ngay. Thế là, tôi bán hết mười mấy ang lúa của mẹ tôi để lại, lấy tiền sắm áo quần đi thoát ly. Hồi trước ngày, mẹ tôi có cấy 1 sào ruộng, đám ruộng trước nhà ông Tôn, đám ruộng mà tôi xin mẹ đi làm cỏ lúa ấy, nay đến mùa nó đã chín vàng, tôi nhờ mấy cô cắt giúp, rồi xúm nhau đạp, tôi đem phơi khô. Lúa khô, tôi gánh mỗi lần một ít ra nhà ông Dân ở Châu Lâu làng để gửi. Gia tài của tôi có chừng ấy, ngoài ra không còn gì nữa. Tôi đi thoát ly tham gia cách mạng không còn gì vướng bận. Tôi là một người vô sản thật sự, không nhà, không cửa, không cha, không mẹ, không anh chị em, không nơi nương tựa. Cái tuổi 11-12 ấy là tuổi còn đang đi học và còn ham chơi, nhưng với tôi, ở cái tuổi 11-12 lại mang nhiều  bất hạnh. Đế quốc Mỹ đã gieo xuống quê hương tôi bao nhiêu đau thương, mất mát cho bao người dân vô tội, trong đó có bản thân tôi.


Vậy là hết chương I. Cho cháu hỏi làm thế nào để chừa đầu dòng vậy? Để nó thẳng từ trên xuống như vậy có vẻ khó theo dõi quá.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:20:08 am »

Chương II: NHỮNG KỶ NIỆM ĐAU THƯƠNG NHƯNG HÀO HÙNG
Trước khi thoát ly, tôi đem sợi dây chuyền mà mẹ tôi để lại gửi cô Sáu đưa cô Hai giữ dùm và tạm biệt cô để ra đi. Tối hôm đó tôi theo đường dây giao liên đi vào Gò Nổi. Lúc này Gò Nổi là vùng giải phóng an toàn nhất so với các xã ngoài vùng B Điện Bàn. Vào đến Gò Nổi, giao liên dẫn tôi đến một cái nhà dân gửi ở đó, suốt ngày bắt tôi trốn dưới hầm không cho lên trên gặp người lạ. Bí mật cho những người làm công tác hợp pháp, không cho ai vô phận sự thấy mặt, để sau này ra công tác hợp pháp khỏi bị lộ, nguy hiểm.
Ở đây một ngày, đến tối giao liên lại dẫn đi nữa. Lần này đi xa hơn, đường đi khó hơn, anh giao liên mang giùm gùi đồ cá nhân, gạo cho tôi. Đi đến nửa đêm là tới địa điểm tập kết của trạm ở tận xã Sơn Trung – Quế Sơn. Vào đây giao liên họ cũng gửi tôi vào nhà một người dân để ở, ăn cơm của dân. Nhà này là trạm giao liên của tỉnh, ban ngày chị Sáu giao liên ở đây và nói chuyện với tôi cho đỡ buồn, tối chị đi công tác. Khuya họ lại dẫn về hai người nữa, nhưng bố trí ở nhà khác. Tôi ở có một mình, buồn quá! Chị Sáu đi đến nhà mà hai người mới vô tối nay để họp cùng với anh Tánh, anh Chanh. Họ bảo hai người nọ ngồi ở cửa ngó chừng tôi, sợ tôi đi tới đó. Trước khi đi họp chị Sáu dặn: “Em ngủ trước đi, chị họp xong rồi về.” Nhưng lâu không thấy chị về, tôi len lén dò dẫm đi trong bóng tối lên chỗ chị Sáu họp. Vừa đến mép sân của nhà đó, tôi thấy thoáng cái bóng của hai người chạy vào trong nhà, sau đó anh Chanh đi ra la lớn tiếng với tôi: “Đồng chí lên đây làm gì, ai cho phép đồng chí lên?” Tôi sợ hết hồn, chị Sáu ra nói nhỏ: “Em về đi, tí nữa chị về.” Vì không cho tôi và 2 người đó giáp mặt nhau, bí mật mà tôi đâu có hiểu. Về lại nhà, gia đình họ ngủ hết, tôi trải ni lông ngoài hiên nằm để chờ chị Sáu, nằm nghe máy bay B52 bay trên trời, sợ nó ném bom thì không biết núp ở chỗ mô đây. Nằm chờ lâu quá, rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến sáng dậy thấy có một mình, chứ không có chị Sáu. Tôi giận lắm, “Sao chị lại nói láo với mình?”
Đến tối giao liên lại dẫn chúng tôi đi tiếp, nhưng đi cách nhau rất xa vì không muốn chúng tôi nhìn thấy nhau. Chúng tôivào tận xã Sơn Bình - Hiệp Đức để học tập chính trị và huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn. Chú Dõng (cũng hoạt động thành phố) là người hướng dẫn cho tôi, chú nói: “Việc làm này của cháu rất vinh dự, nhưng cũng đầy khó khăn, dù có khó khăn bao nhiêu cháu cũng đừng nản chí, phải giữ gìn bí mật tuyệt đối, nếu có sa vào tay địch thì cháu cũng phải kiên cường, không khai báo làm lộ cơ sở, có hại cho cách mạng...” Ở Hiệp Đức học tập hai tuần, nếu ai đã biết nhau rồi thì ở chung hầm cùng học tập, còn tôi đi một mình, nên ở một hầm riêng. Học xong, đến ngày về cũng có giao liên đến dẫn. Đi qua từng trạm giao liên cũng nghỉ lại, ngày nghỉ đêm đi, cũng cách ly như rứa, cuối cùng mấy ngày sau chúng tôi về đến Gò Nổi. Về đến đây, tổ chức phân công tôi về công tác ở cánh Hòa Cường, thuộc quận II, lúc này chú Phạm Khương là bí thư đang đứng ở địa bàn thôn Đông, xã Điện Thắng.
Nhà ông Ất là nơi chú Khương ở làm việc, chú dẫn tôi về ở luôn đó. Ngày đầu tiên tôi đi công tác Đà Nẵng, chú gọi Huỳnh giao liên hợp pháp của chú lên căn dặn:
- Mai cháu dẫn Hương đi công tác, trước hết ra chợ Cồn mua vải may 2 bộ đồ, mua nón, dép cho Hương để ít bữa đi công tác, sau đó dẫn đi giới thiệu nhà bà Hai, nhà ông Sáu cho Hương quen để sau này nó tự đi.
Hôm sau, Huỳnh dẫn tôi đi theo và làm y như lời chú Khương dặn. Khi Huỳnh và tôi đi xuống chợ Cồn mua đồ xong, nó dẫn tôi đi bộ xuống chợ Vườn Hoa (đối diện 88 Hùng Vương bây giờ) lên xe Đò Xu. Xe chạy đến đoạn đường Núi Thành, gần ngã tư Quân Đoàn thì xuống xe. Huỳnh dẫn tôi đi qua một hẻm nhỏ vào nhà bà Hai cô ruột chú Khương. Nó giới thiệu tôi với bà, cô Thoa, chú Đăng (con bà), rồi nó dẫn tôi ra đường đón xe lên chợ Hòa Cường vào nhà ông Sáu. Xong việc, chiều hai chúng tôi về lại cơ quan ở thôn Đông, Điện Thắng. Rứa là mở đầu tốt đẹp cho một ngày công tác của tôi.
Lần đầu tiên ra thành phố thấy gì cũng lạ, đi đường thấy gì cũng nhìn, tôi nhìn thấy tiệm chụp hình để chữ PHOTO to tướng, tôi thầm nghĩ: “Không biết chữ photo là ý nghĩa gì mà mình không nghe nói bao giờ.” Hồi đó tôi khờ đến nỗi đi đường, từ điểm này đến điểm kia không để ý tên đường, mà lại cứ để ý mấy cây to hai bên đường đi để làm dấu. Có một lần tôi bị lạc đường, hoảng hốt không biết làm sao.
Tôi đi công tác ở Hòa Cường về, khi xuống xe tôi không đi theo hướng lên chợ Cồn mà lại đi ngược xuống phía chợ Hàn, trên đường Yên Bái bây giờ. Thấy lạ, tôi nghĩ sao không giống đường hôm nớ mình đi, rồi cứ đi lên đi xuống mấy vòng mà cũng không tìm ra con đường mình đi với Huỳnh hôm trước. Ngày càng tối, sợ hết xe thì làm sao về, nên tôi lại hỏi mấy người đang đi, đường lên bến xe chợ Cồn. Họ chỉ lên hướng đó, tôi đi một đoạn sao thấy lạ lạ liền quay lại hỏi người khác họ vẫn chỉ đường đó nhưng sao tôi cứ sợ họ chỉ bậy nên không dám đi, rồi cũng quay lại đường cũ đi như ban đầu (đường Yên Bái). Ở đường này, hồi nãy thấy có cái nhà to quá, tôi lại sợ trụ sở của bọn địch nên quay trở lại con đường mà khi nãy mấy người lớn chỉ. Cuối cùng tôi cũng tìm ra được đường lên bến xe chợ Cồn. Đi về đến nhà trời tối mịt, ai cũng lo cho tôi. Không lo sao được! Lần đầu tiên tôi đi công tác một mình ra Đà Nẵng. Lần đó, tôi kể chuyện cho chú Khương nghe, chú bày cách đi đường cho tôi: “Cháu phải nhìn bảng tên con đường, chứ không phải làm dấu bằng cách nhớ cây cối ở dọc hai bên đường đâu!”
Sau lần đó, chú Khương nói với anh Hai Ất cho tôi qua ở nhờ nhà của anh. Nhà anh ở sát vách nhà ông Ất (cha), nhà anh Hai Ất có 2 con còn nhỏ, ngày nào tôi đi công tác thì thôi, nếu ở nhà thì dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giữ em giùm cho vợ anh Ất. Chú Khương nói đó là công tác dân vận, mình giúp họ làm những việc vặt trong nhà thì họ mới thương mà cho mình ăn, ở và giúp mình nhiều việc khác. Dần dần tôi được chú Khương giao nhiệm vụ nhiều hơn, tôi ra nhiều cơ sở như: chú Đăng, ông Sáu, chị Mười thợ may, chị Ba Phiến, anh Thành, anh Tâm biệt động (cánh Hòa Cường), chú Bảy Minh ở Hòa Đa, nhà bà Huynh ở quán Đoai v.v. Mỗi lần ra chú Bảy Minh ở Hòa Đa là phải ra nhà bà Huynh nắm tình hình dưới Lỗ Giáng rồi mới dám đi. Lỗ Giáng có đồn lính ngụy ở ngay trên đường đi nên mỗi khi qua đây rất sợ. Xuống Lỗ Giáng đến nhà bà Điệp là cơ sở của chú Khương mà bà cũng là cô của chú. Tôi đến đây đưa thư cho bà để tối bà chuyển cho chú Bảy Minh (Bảy Búa). Vì ông giết ác ôn kinh lắm, nên địch nó đặt cho ông cái biệt danh đó. Nhà bà Huynh thì lúc nào cũng có bọn bình định nông thôn ở. Mỗi lần tôi ra đến nhà bà Huynh, khi gặp bọn nó trong nhà là bà giả vờ mắng, la tôi đủ điều để qua mắt bọn chúng. Bà nói: “Con cháu gì mà nói không nghe lời, cứ đi chơi dang nắng rồi về đau ốm làm mẹ nó khổ” Nhà bà Huynh sau này nghe đâu có chị Huynh, con gái lớn của bà đi tham gia cách mạng cũng hy sinh, anh Diện con trai thứ của bà đi bộ đội Lê Độ, tham gia đánh nhà đèn ở thành phố Đà Nẵng, cũng bị địch bắt ở tù, sau giải phóng mới được trao trả trở về.
Chiến dịch Tổng tiến công tết Mậu Thân năm 1968 chú Khương ra công tác tại Đà Nẵng, không còn ai ở nhà nữa (lúc này tôi và chú Khương đang ở trong nhà dân). Hôm chiều 30 tết Âm lịch tôi nói với chị Nhu vợ anh Ất: “Em về thăm quê ít bữa em xuống.”
Tôi về thăm quê. Hôm đó ở quê bà con rộn ràng vui như hội. Ai cũng tất bật lo việc tết, cúng ông bà cho xong để chiều đi tập trung tại trụ sở thôn cho kịp để xuống Điện Thắng, sáng ngày mai là mồng một tết, cùng toàn dân khắp nơi xuống đường ra Đà Nẵng. Tôi nghe nói rứa, tôi cũng vui theo, và xin với chú Hai Trượt cán bộ địa phương:
- Chú cho con đi với!
- Không được đâu, cháu đã đi thoát ly, có cơ quan quản lý. Chú không có quyền.
- Không sao đâu, thủ trưởng cháu đi công tác rồi, không ai ở nhà mà biết, chú đừng lo.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:20:41 am »

Lúc đó, tôi chưa biết ý thức tổ chức là gì, nên nói bừa. Xin mãi chú Trượt mới cho tôi cùng dân địa phương đi xuống đường. Chiều hôm đó từ Điện Thọ xuống Điện Thắng, có đi ngang qua nhà chị Nhu. Tôi vội chạy tạt ngang vứt gói đồ dùng của tôi, gửi lại nhờ chị cất hộ rồi chạy ra cho kịp với đoàn. Tối hôm đó, tất cả tập trung tại thôn An Tự, xã Điện Thắng để sáng sớm mồng một tết xuống đường Quốc lộ IA cho gần. Tối đó ai cũng xôn xao, không ai ngủ được, mà đại bác ở đồn Bồ Bồ bắn bay ngang trên đầu nghe vút vút, véo véo. Ở đồn Trảng Nhựt cũng bắn pháo cầm canh các vùng lân cận nổ ầm ầm, nghe sợ thiệt. Lỡ mà nó rớt xuống đây một quả pháo là chết chùm, vì đêm nay tập trung ở đây cả ngàn người. Loay hoay rồi cũng đến bốn giờ sáng, trưởng đoàn báo động tập trung nghe phổ biến chương trình đi. Đúng năm giờ sáng bà con xếp hàng ngay ngắn, đi từ thôn An Tự ra xóm Chay của Điện Thắng, đồ đạc gọn gàng. Khi đến xóm Chay chuẩn bị leo lên mặt đường Quốc lộ IA, thì trở thành hàng ba, hàng bốn chứ không như ban đầu là bà con đi hàng một nữa.
Đoàn người vừa bước chân lên đường Quốc lộ số I, bất ngờ nghe một loạt súng từ đồn Ngũ Giáp bắn ra, tiếp theo sau nhiều loạt súng nổ nữa. Lúc đó bà con ùn ùn chạy lên, tất cả dép, guốc, bánh tét, bánh ngọt mà bà con đem theo để dùng đều vứt, ngổn ngang hết trên lề đường. Lúc đó lính Mỹ nằm dày hai bên đường từ Thanh Quýt ra chợ Mới. Bà con người bị thương, người chết. Tôi hoảng quá, nhảy xuống ruộng rồi xuống mương nước gần đó (mương nước chảy từ Quốc lộ số I qua Viêm Tây, xuống cánh đồng Điện Ngọc). Mệt quá, ở dưới mương phần thì bùn nhảo nhẹt, phần thì chân bị run nên tôi cứ nắm chặt cỏ lùng mà đi từng bước một. Xuống tới Viêm Tây thì tiếng súng đã im dần, nhưng tôi leo lên không được, một phần chân mỏi và run, một phần bờ mương cao quá đầu của tôi. May ra lúc đó có người chạy ngang qua, tôi gọi họ kéo tôi lên.
Đến trưa tập trung tại thôn 1 Điện Ngọc để ổn định tổ chức xem ai còn, ai mất, thiếu những ai. Thôn Thủy Bồ thiếu mất bạn Hương cùng xóm với tôi ở Đà Nẵng mới về ăn tết, gặp dịp này đi rồi hy sinh luôn. Thôn Châu Lâu thiếu chị Sáu, lúc ở trên đường Quốc lộ số I, tôi cùng chị Sáu chạy gần nhau, chị Sáu bị thương đổ ruột ngã xuống taluy đường, tôi hoảng hồn nên mới vọt xuống ruộng rồi nhảy luôn xuống mương nước gần đó.
Ở lại Điện Ngọc một ngày, sáng mai trưởng đoàn tập trung lại báo: đoàn tiếp tục đi xuống Điện Vinh đi ra đường Hòa Hải đến Đò Xu sang Hòa Cường xuống Đà Nẵng. Chương trình đi nghe vậy nhưng đến Điện Vinh thì không đi được nữa, Mỹ đóng quân dọc hai bên đường cái từ cầu Tứ Câu trở xuống Điện Vinh, nên phải ở lại Điện Vinh chờ đến hai ngày sau. Nhưng cuối cùng không đi được, cấp trên quyết định cho đoàn dân xuống đường trở về lại địa phương. Khi về, nghe nói bọn địch phơi xác Hương trên đường hai ngày sau mới cho dân lấy xác về chôn. Còn chị Sáu, có còn hay không từ đó đến nay đã mấy chục năm rồi, tôi chưa gặp lại chị lần nào.
Đi suốt đêm để về đến Điện Thọ vào sáng sớm hôm sau. Vừa về đến quê, tôi quay xuống cơ quan ở thôn Đông Hồ, Điện An ngay. Cơ quan bây giờ có thêm chú Thăng đi tập kết ở bắc mới về, làm bí thư Hòa Cường, anh Nguyễn Thành Long, anh Nguyễn Muộn ở tù về, các anh đều cùng quê Hòa Cường, lộ cơ sở bị bắt ở tù nay về lại công tác. Gặp các anh ở cơ quan tôi mừng líu lo kể chuyện mình về địa phương cùng đi xuống đường với bà con và suýt chết ở đường Quốc lộ số I- Thanh Quýt. Nghe xong các anh la: “Em đi như rứa là không được, may mà còn về đây chứ lỡ như bạn của em thì ai chịu trách nhiệm?” Sau này họp cơ quan, thủ trưởng cũng kiểm điểm một trận nhớ đời! Mới đi thoát ly có mấy tháng nên chưa biết gì về ý thức tổ chức, khi nghe thủ trưởng cơ quan bảo: “Việc xuống đường không phải nhiệm vụ của đồng chí, sao đồng chí lại vô tổ chức như thế?” Lần đầu tiên tôi nghe cái từ “đồng chí” sao mà nặng nề quá! Tôi ngồi im thim thiếp. Ngay ngày hôm sau cơ quan phân công tôi ra Đà Nẵng tìm và liên lạc cho được chú Phạm Khương. Tôi đi bộ ra chợ Mới Ba Xã, lên xe lam ra đến chợ Miếu Bông rồi xuống xe đi bộ qua khỏi trạm gác của cảnh sát ở đó. Tôi đón xe khác đi ra Cẩm Lệ rồi xuống xe đi bộ ra đường chùa Bà Quảng để tránh nhiều bót cảnh sát. Sau tết Mậu Thân, tình hình thành phố căng thẳng, do ông Đ.của Quận đội quận II bị địch bắt, ông khai ra nhiều cơ sở và biệt động, làm họ cũng bị địch bắt luôn, giao liên cũng thế nên bọn địch kiểm soát con đường huyết mạch từ vùng ven vào Đà Nẵng rất căng. Chúng dựng lên nhiều trạm kiểm soát trên đường. Những nơi như: Thanh Quýt,Viêm Tây - Điện Ngọc, Ngọc Tứ - Điện An, những nơi giáp ranh vùng giải phóng với vùng địch chúng đều lùng sục, kiểm soát người lên xuống rất gắt gao. Trên đường quốc lộ lúc nào cũng có bọn bình định nông thôn mặc đồ đen đi qua đi lại không chỗ nào trống. Trong thành phố thì thiết quân luật 24/24, giao liên hợp pháp thời gian này đi lại rất khó khăn. Cả tháng trời đi vào ra thành phố, đoạn đường nào trống vắng không có trạm kiểm soát thì tôi tranh thủ đón xe hàng đi, đoạn nào thấy không yên tâm thì tôi đi bộ cùng với dân đi chợ. Mỗi khi ra được Đà Nẵng, tôi đến nhà bà Hai (cô ruột chú Khương) ở chợ Mới, tôi nói với bà: “Con mỏi hai chân quá!” bà liền đem đồ nghề ra lể, hút máu độc ra cho tôi. Bà làm nghề lể phong ngứa gia truyền. Tôi đi hoài mà cũng không tìm ra được chú Khương ở chỗ nào.
Lần sau, chú Thăng bắt tôi đi xuống Trung Lương quê hương bên nội của chú Khương để hỏi thăm bà con có ai thấy chú Khương hoặc thấy xác chú đâu không?
Tôi ra nhiều nhà bà con của chú, nhưng không ai biết chú ở đâu và cũng không thấy xác của chú. Tết năm Mậu thân, khi tiến quân qua Đò Xu, bộ đội ta hy sinh ở đây nhiều lắm. Không những hy sinh bên Trung Lương mà còn hy sinh bên phía Hòa Cường chỗ cầu Bà Xự cũng không ít.
Lần sau tôi ra hỏi nhỏ bà Hai:
- Bà có biết chú Khương ra đây ở đâu không bà?
   - Biết chớ!
- Con nhờ bà dẫn chỉ dùm.
Bà kể: “Cả tháng nay thằng Khương nó về đây, tình hình thiết quân luật dữ lắm, bà sợ cho nó quá. Ở một chỗ nó sợ, nên nó ở nhà bà con của nó mỗi nhà một vài bữa rồi đi nhà khác.”
- Thôi, giờ bà biết chú ở đâu bà đưa con đến đó với.
Bà dọn dẹp đồ nghề rồi uống vào chút rượu lấy tinh thần để dẫn tôi đi. Hai bà cháu không đi xe mà dẫn nhau đi bộ, đi xuống đường Lê Đình Dương bà dẫn vào đình Phước Ninh (nay là trụ sở UBND phường) gặp một ông đang phục vụ ở đình, bà nói nhỏ gì đó rồi ông ấy dẫn tôi vào trong phòng phía sau. Vào đây tôi gặp chú Khương cùng ở với cô Tám Hoài. Tôi nói: “Cả tháng nay mấy chú cơ quan phân công con đi tìm liên lạc với chú mà đi miết chẳng biết chú ở đâu. Thôi, chú viết thư cho con đem về cho chú Thăng biết.” Chú Khương đưa thư tôi đem về, mấy ngày sau tổ chức bố trí đưa chú Khương ra khỏi Đà Nẵng.
Sau chiến dịch Mậu Thân cơ sở lộ bị bắt nhiều, những cơ sở chưa lộ cũng phải cẩn thận, không đi lại tự do như trước.
Cơ quan quận phần nhiều  đóng ở vùng ven nên bị địch càn lai rai, cơ quan đóng quân ở đâu trước hết phải đào công sự để cất giấu dụng cụ nhà bếp, gạo, mắm…, rồi đào công trình vệ sinh, đào hầm núp bom, đào công sự cho mình ở khi địch càn. Gạo thì chôn bằng thùng phuy cho bảo đảm, rứa mà khi gặp lụt, gạo vô nước, ngâm lâu ngày, khi lấy lên đem phơi không khô được. Khi nấu cơm chưa sôi đã sền, nhão. Ăn nghe mùi thủm thủm khó chịu nhưng cũng phải ráng mà nuốt.
Năm 1968 tôi ra nhà cơ sở là tiệm ảnh bà Phụng Ký. Hồi nớ bà có hai tiệm, một tiệm đối diện với bến xe chợ Cồn, một tiệm ở đường Hùng Vương là nhà của bà bây giờ. Mỗi lần tôi ra tiệm ở chỗ bến xe gặp bà, là bà dẫn tôi vào phòng trong giả vờ đi chụp ảnh cho tôi để hai bác cháu nói chuyện rồi tôi đưa thư cho bà. Lúc nớ ở tiệm bà có hai cô thợ rửa ảnh nhưng bà chỉ tin chị Mười thợ ảnh, chị Mười là người Quảng Nam ra đây học nghề rồi làm việc cho bà. Còn hôm nào có chị Phương Lan con gái của bà là bà nháy mắt không cho chị Lan biết. Hình như hồi nớ chị Phương Lan có chồng đi lính hay sao đó, tôi không rõ. Năm 1970, bị lộ cơ sở bà cũng vào ở tù với tôi tại nhà lao Kho Đạn. Bà Phụng Ký có tính hiền lành, ở trong tù suốt ngày bà chỉ móc áo, khăn len cho con cháu ở nhà. Sau ngày giải phóng bà nhắn bọn giao liên chúng tôi đến thăm bà cho bà vui.
Tháng 5/1968, Đảng ta quyết định mở chiến dịch X1 đánh vào thành phố lại lần nữa làm rung động bọn địch. Mỗi lần mở chiến dịch là các cơ quan thành phố bận rộn, giao liên ra vào thành phố không ngớt. Phải lanh trí, nhạy bén không thì lọt vào tay địch như chơi. Ở Hòa Cường lúc này có chú Tám Thơm, cơ sở biệt động bị lộ, chú tự thoát thân vào chiến khu. Chú mua một bộ đồ cảnh sát dã chiến mặc vào lên xe đò đi. Vào đến phía trong đồn Kiểm Lu (Điện An) chú xuống xe đi thẳng lên thôn Ngọc Tứ. Đến đây du kích xã Điện An tưởng thằng ngụy nào đi lọt vào đây nên bắt chú.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:21:12 am »

Chú nói:
- Tôi là cơ sở của quận II đóng tại thôn Đông Hồ.
Du kích không tin. Chú nói:
- Thôi được, các ông không tin thì dẫn giùm tôi về cơ quan của tôi ở nhà bà Cả thôn Đông Hồ.
Cuối cùng du kích dẫn chú về giùm giao cho cơ quan.
Đến tháng 8/1968 Đảng ta lại tiếp tục mở chiến dịch X2. Lần này các anh cơ quan nghĩ chắc chắn  mình sẽ về được nhà rồi. Anh Long, anh Muộn người Hòa Cường hy vọng lắm. Các anh được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực vào thành phố, các anh mừng quá, đồ dùng cá nhân như gùi, áo quần, võng...tất cả đem cho hết. Chắc mẩm là về giải phóng Đà Nẵng rồi cần gì mấy thứ đó.
Nhưng rồi, chiến dịch đó cũng không thành, chú Thơm dẫn đơn vị bộ đội chủ lực đi đường Hòa Châu vào ngõ Cẩm Lệ, mới đi đến bãi cát ven sông Hòa Châu phía trên cầu Cẩm Lệ thì địch phát hiện, hai bên đánh nhau cả ngày, quân ta số bị thương, hy sinh, số còn lại chờ đến tối tìm đường rút. Chú Tám Thơm bị thương, đơn vị không đưa đi được phải ở lại núp trong bụi cây trên bãi cát Hòa Châu. Đến khi địch tìm bắt được thì vết thương của chú giòi bò lúc nhúc rồi. Chúng bắt đưa chú đi tù sau giải phóng mới về, còn anh Long, anh Muộn sau đó một thời gian về lại cơ quan, không có cái áo, cái quần mà mặc. Bọn tôi cứ chọc quê các anh:
- Răng không ở nhà Đà Nẵng mà về cơ quan sớm rứa?
Các anh chỉ cười trừ.
Tối ngày 20/10/1968 các chú lãnh đạo và cả giao liên hợp pháp xuống ở thôn I Điện Ngọc để đứng công tác. Chúng tôi xuống tới đây là 12g khuya, trời mưa ướt lạnh nên vừa đến nhà của dân, bọn tôi rửa chân tay, thay đồ rồi vào ngủ liền. Sáng sớm chúng tôi còn đang ngủ ngon chị chủ nhà chạy vào gọi: “Dậy đi bây, lính ở trung đoàn 51 càn xuống, nó đi đến cánh đồng Viêm Tây rồi kìa.” Ba bốn đứa vùng dậy thật nhanh ra vệ sinh xong, vội vàng lấy cái xách ra mang đi ngược lên với địch, đi về hướng đường cái. Sáng sớm, ngoài trời sương còn mù mịt, chúng thấy có mấy đứa con gái đi lên, liền kêu lại và dẫn trở xuống xóm nhà dân Điện Ngọc. Nó xuống bắt thêm một số người khác nữa. Mấy thằng lính hỏi giấy tờ rồi vặn hỏi tôi:
- Mày ở đâu? Tên gì? Làm gì ở đây?.v.v.
- Quê tôi ở xã Kỳ Minh. Tôi ở Đà Nẵng về thăm dì tôi ở đây (tôi đưa tay chỉ vào một nhà gần đó), giờ tôi ra Đà Nẵng sao tự nhiên mấy ông lại bắt tôi. Nó không tin, nó vào nhà của họ, cầm ra một nắm đũa con nó bảo tôi chấp hai bàn tay lại, bắt chéo từng ngón tay với nhau rồi nó để mỗi kẽ tay của tôi một chiếc đũa con, xong rồi nó cầm hai đầu đũa vặn tròn qua, lại làm các ngón tay tôi bị ép lại, đau không chịu nổi, tôi la lên và khóc:
- Tôi nói thiệt mà mấy ông không tin thì mấy ông vào hỏi dì tôi coi! Rồi nó đánh tôi mấy bạt tai, nó bảo tôi ngồi đó, đợi chúng dẫn về đồn trung đoàn 51 trên đường Quốc lộ IA để xét hỏi. Đến chiều chúng nó rút quân về và dẫn bọn tôi theo về đồn ở ngoài chợ Mới Ba Xã.
 Khi càn xuống Điện Ngọc nó có bắt thêm chị Nga người Hòa Hải, giao liên của quận Ba nữa. Về đồn, trước hết chúng  tra tấn chị Nga, chị Nga lớn tuổi hơn nhiều so với bọn tôi. Lúc đó chị cũng khoảng 35 hay 40 tuổi gì đó, trong giấy tờ của chị là quê ở xã Hòa Hải. Chị có giọng nói của người miền biển, nên bị bọn nó nghi ngờ rằng chị vào đây để làm việc cho cộng sản, nên nó tra điện, đổ nước xà phòng hai ba lần. Còn bọn tôi còn nhỏ, khoảng 13-14 tuổi, cho nên nó đánh rồi cũng đổ nước xà phòng nhưng không tra điện. Nó đánh với tính cách hù dọa, nếu đứa nào non gan thì chịu, nhưng bọn tôi không đứa nào dại dột, nên nó nhốt mấy ngày rồi thôi. Tôi khai tôi ở với chú tôi tên là Ngô Yên đang làm việc ở Quảng Nam, là Trưởng đoàn Bình định nông thôn Quảng Nam, hiện nay ông đang ở Hội An. Nó hỏi đủ điều nhưng tôi trả lời suôn sẻ mà nghe cũng hợp lý, nên nó nhốt tôi ở đây 7 ngày. Sau đó nó dẫn tôi ra đường cái đón xe lam cho tôi về Đà Nẵng. Tôi đi lên xe ra đến chợ Miếu Bông xuống xe, tôi lại đón xe quay trở về Thanh Quýt để về Điện Ngọc. Lúc này mấy chú cơ quan trở lại hết trên Điện An rồi. Vì xuống đứng địa bàn công tác mà giao liên bị bắt hết, không còn ai đi công tác nữa, mấy chú phải quay trở về lại cơ quan thôi.
Đầu tháng 11/1968, tôi đi công tác từ Đà Nẵng về đến xóm nhà ông Hương Bốn chỗ bến đò ông Cửu Đoan ở Điện Nam để theo đường dây giao liên đi lên Điện An. Lúc này các ngõ đường lên phía xã Điện An, bọn địch cứ quanh quẩn ở đây để chờ bắt người trên vùng giải phóng đi xuống. Vì vậy, giao liên hợp pháp không dám đi ngõ đó mà phải về Điện Nam rồi theo giao liên bất hợp pháp đi qua đường quốc lộ I để về lại cơ quan ở vùng B. Mùa mưa, ban đêm trời tối đen như mực, đi sát nhau mà cũng không nhìn thấy nhau. Hôm đó tôi đi theo giao liên, đi từ bến đò Cửu Đoan, giao liên căn dặn cả đoàn: “Bọn Mỹ nó nằm dọc hàng cây gò găn (hàng cây này rậm rạp chắn ngang con đường huyết mạch của giao liên), nên mình không đi được đường đó mà phải đi qua bên kia sông đi ngược vào Điện Trung, tránh xa chỗ Mỹ đóng quân mới được bơi qua sông. Anh chị em cứ bám nhau mà đi, trời tối đen đừng để lạc nhau. Không được kêu réo, Mỹ nó nghe được nó bắn pháo là chết.” Rứa rồi cả đoàn mọi người níu áo mưa của nhau mà đi. Khi vào đến bờ sông, bên bụi tre có chỗ xuống bến, mấy ông giao liên dặn thầm chuyền với nhau rằng: “Khi bơi qua sông, nếu ai có trôi thì từ từ chờ anh em bơi ra kéo vô, chứ không được gọi. Mỹ đang nằm rất gần, nó nghe và phát hiện được nó sẽ bắn mà chết chùm đó nghe chưa!” Tôi bơi không được tốt, nhưng cũng cố gắng gói cho mình một cái phao ni lông để bơi. Xuống nước, bơi  ra được giữa sông, tôi nhìn thấp thoáng trên mặt nước, thấy họ lên bờ hết rồi, tôi lo quá. Phần thì nước dưới sông làm chân tay lạnh cóng, phần thì sợ họ không kiểm tra lại bỏ mình mà đi thì chết. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi liền gọi nhỏ: “Huớ làng, cứu tôi với!” Lập tức có một người vụt bơi ra sông rất nhanh kéo tôi vào, rồi la: “Muốn chết hả, kêu như rứa lỡ Mỹ nó nghe được, nó nện pháo đến thì làm sao! Thôi, mau lên đi cho kịp kẻo lạc mất đoàn!” Rứa là tôi nhanh chóng, chân không mang dép, mà xách gói đồ chạy theo đoàn người cho kịp. Đường trơn trượt, ngã lên, ngã xuống tôi cũng cố gắng chạy theo. Gần sáng tôi mới về đến cơ quan, lúc này người lạnh run, áo quần thì ướt đẫm, mà lấm lem lấm luốc như con chuột đồng.
Năm 1968, Đảng ta tổ chức mở nhiều đợt tấn công địch ở thành phố. Phối hợp với toàn bộ mặt trận Quảng Đà, bộ đội đặc công Đà Nẵng tấn công nhiều mục tiêu, không chỉ gây cho địch tổn thất về người, phương tiện chiến tranh mà còn làm cho tinh thần binh lính và chính quyền địch dao động mạnh. Để đối phó lại, các vùng ven ngoại vi thành phố là nơi đóng quân của ta, nên chúng cũng điên cuồng ra sức đánh phá ta quyết liệt, tập trung ở các vùng ven thành phố nơi đang có nhiều đơn vị, cơ quan đầu não của ta đang đứng chân. Chúng mở cuộc càn quét quy mô hòng tiêu diệt các đơn vị bộ đội và lãnh đạo của ta đang đóng tại vùng B Điện Bàn.
Sau nhiều ngày rêu rao trên máy bay L19: “Đồng bào! Đồng bào! Hãy mau ra khỏi vùng Việt Cộng kiểm soát, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ hành quân lên vùng này, máy bay sẽ oanh tạc nếu có Việt Cộng chống trả, đồng bào hãy mau rời khỏi nơi này.”
Chúng rao đi rao lại 4, 5 ngày như thế. Mới đầu, nghe thì nghĩ là bọn nó hù dọa thôi. Nhưng chúng rao nhiều ngày thì lần lượt dân thôn Phong Nhị, Ngọc Tứ dần dần đi lánh xuống Vĩnh Điện. Ngày đầu tiên, chúng tôi theo dân đi chợ xuống đường quốc lộ số1. Con đường đi xuống này lại gần đồn lính ngụy ở Kiểm Lu. Bọn tôi cũng có ý định đi tránh càn theo chủ trương của lãnh đạo.
Đúng ngày 21/11/1968, từ 5g sáng, sau mấy tốp máy bay phản lực quần lượn ném bom dữ dội, thì hai, ba tốp không biết bao nhiêu chiếc máy bay trực thăng H34 ào ạt đổ quân, phần lớn là Mỹ, dọc đường cái 100, từ ngã ba Cẩm Lý xuống Vĩnh Điện thẳng ra Quốc lộ 1A, lên Trảng Nhựt, qua núi Bồ Bồ, bọc đến Cẩm Lý. Năm xã vùng B Điện Bàn đều bị nằm gọn trong vòng vây của chúng. Nghe đâu đợt càn này có tổng cộng gần 10.000 quân Mỹ, Ngụy và chư hầu,  kéo dài đến 21 ngày đêm. Trận càn lớn nhất vùng B Điện Bàn lúc bấy giờ.
Ngày đầu bọn giao liên hợp pháp chúng tôi cùng đi theo dân xuống đường Quốc Lộ số I, ngay gần đồn ngụy ở Kiểm Lu. Tôi đi gần đến nơi thì nghe số bà con ở đây họ nói:
- Ai ở vùng giải phóng đi xuống đây, chúng đều bắt hết vào quận Điện Bàn để thanh lọc.
Nghe dân nói thế chúng tôi lo sợ, bàn với nhau:
- Mình về lại thôi, chứ xuống đây chúng bắt hết chị em mình thì ở nhà còn ai đâu mà đi công tác.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:21:36 am »

Thọ, Ba và tôi nghĩ vậy nên quay về lại cơ quan. Thật ra, cũng nghĩ bọn chúng càn giỏi lắm vài ngày rồi rút quân, chứ đâu ngờ lần này chúng quyết càn lớn như rứa! Lãnh đạo họp cơ quan quyết định: “Tối nay chúng ta cùng kết hợp với các đơn vị, cơ quan của huyện, tỉnh theo giao liên xuống vùng C (Điện Ngọc, Điện Nam) để tránh càn.” Tối hôm ấy ăn cơm xong, tất cả chuẩn bị gọn gàng đi theo tổ chức của từng đơn vị tập kết xuống Phong Nhị để theo đường dây giao liên tỉnh dẫn đường qua đường Quốc Lộ số1. Trước khi đi, giao liên quán triệt với tất cả đoàn có đến cả ngàn người.
- Đi phải nhẹ nhàng, không nói chuyện, bám sát với nhau, không được để lạc nhau. Địch đang ở rất gần ta, chúng nằm quanh trên đường quốc lộ 1A, vì vậy phải im lặng.
Mọi người lặng lẽ bám gót nhau mà đi. Đến cánh đồng Phong Nhị, gần cây đa giữa đồng, họ ra hiệu đứng lại. Chúng tôi ai nấy tự tìm cho mình một chỗ, dựa vào nấm mồ to ngồi chờ. Bất ngờ một loạt đạn lửa đan chéo nhau bắn ra từ gốc cây đa và kèm theo tiếng Mỹ hô to: Vi xi (Việt Cộng). Thế là, phần ai nấy thi nhau chạy, người còn ở dưới giao thông hào thì chạy ngược lại, người ngồi dựa bên mả mồ thì chạy tạt ngang vào xóm nhà thôn Phong Nhị để núp đạn, núp pháo. Đến lúc đó thì không còn nhớ lời dặn của giao liên nữa, thi nhau chạy thoát thân. Vừa chạy vừa cúi khom lưng xuống sát đất để tránh tầm đạn của địch đang bắn. Sau này, hỏi ra mới biết, khi trinh sát và giao liên của tỉnh đang bò bám địch, xem địch đóng quân ở đâu, các đồng chí đi sát bên bờ gò mả to dưới gốc cây đa, trời tối bưng như mực, ruộng có bùn và nước, nên quân ta chưa thấy địch thì địch đóng quân trên gò cao chỗ cây đa đã nghe thấy tiếng ta đi bì bõm dưới ruộng rồi.
Ngớt tiếng súng, chúng tôi trở về đến cơ quan thì đã 3g30ph sáng, bắt tay vào cùng chị nuôi lo nấu cơm ăn sáng và gói theo ăn trưa chống càn. Chiều tối chưa thấy động tĩnh gì, chúng tôi lại về nấu cơm ăn tối và mang gói lên đường đi với giao liên. Lần này không xuống vùng C nữa mà đi vào vùng A của Điện Bàn. Từ thôn Đông Hồ ngang qua cầu Trọng vào đường 100, địa phận thôn Câu Nhí - Bác Nhị, để xoi đường vào vùng 10 của Điện Phước rồi qua luôn Gò Nổi. Đêm đầu đi vào đường 100, chỉ vượt qua được một số ít người, còn lại trở về coi như thất bại. Đêm sau, giao liên tổ chức đi lần 2, lần này cũng trót lọt một số ít cán bộ chủ chốt của tỉnh, của thành phố, trong đó có chú Sáu Hưng, cô Năm Cao và một số chị em cơ quan quận Hai. Còn lại cả đoàn phải tháo lui, vì địch phát hiện, bắn như mưa, đạn lửa sáng rực sát mặt đường. Cùng lúc cả bầu trời máy bay thả đèn sáng choang như ban ngày. Cũng nhờ rứa mà chúng tôi thấy đường, đi về dễ dàng hơn. Nhưng xui cho tôi, đang chạy trên bờ ruộng, trong lúc luýnh quýnh tôi trượt chân ngã ầm xuống mương nước sâu rồi lơi bơi dưới đó. Cuối cùng tôi cũng đứng dậy được và vớ tay chụp ống quần của một người đàn ông đang chạy đến. Tôi nhờ họ kéo tôi lên rồi tiếp tục chạy để theo kịp với cơ quan. Lần nào cũng như vậy, về đến cơ quan là 3-4g sáng. Rồi lại nấu cơm ăn đi chống càn. Quanh đi quẩn lại cứ ngày bám công sự, tối lên tìm đường đi ra khỏi vòng vây của địch. Cứ như thế, đến ngày thứ 15 địch vẫn chưa siết chặt vòng vây. Sang ngày thứ 16 trở đi chúng mới nhớm dần một ít, mỗi lần chuẩn bị nhớm đi là nó nã pháo vào vùng đó dữ dội. Lúc này công sự bí mật của cơ quan gặp khó khăn, vì công sự nước thì nước sông tràn vào ngập hết, không sử dụng được, còn công sự khô thì đường đi vào công sự bị mòn, mùa mưa đi lại nhiều lần nên có dấu chân. Ngày nào cũng đi đi lại lại ra vào công sự, giữ cẩn thận bao nhiêu đi nữa thì đường vẫn có dấu chân, nếu địch đến chúng sẽ phát hiện ngay. Thấy vậy, các chú cơ quan bàn nhau nên vận động cho giao liên ra hợp pháp. Vận động mãi, làm công tác tư tưởng mãi, đứa nào cũng sợ không ai chịu đi. Chú Khương nói: “Các cháu còn nhỏ ra hợp pháp, lỡ chúng nó có bắt cũng còn, chứ ở lại đây không biết thế nào, trận càn này đến bao giờ kết thúc chưa ai biết được. Công sự không còn để rúc, nhịn đói, nhịn khát, không chết vì địch cũng chết vì đói, các cháu còn nhỏ chịu không nổi đâu. Các cháu có điều kiện hợp pháp nên ra hợp pháp là tốt nhất, để nhường công sự cho anh em khác.” Cuối cùng một mình tôi chịu đi. Tối hôm đó, anh Long (lớn) dẫn tôi ra gửi cho một nhà dân ở thôn Nam (phía bên này sông Chín Chủ). Ở đây có 3 nhà dân, nói là hợp pháp nhưng họ chỉ nấu cơm công khai, ở nhà công khai thôi chứ thực ra suốt ngày họ không dám bước ra khỏi cửa, vì bên kia con sông là lính Mỹ đóng quân. Ở đây có ngã 3 sông, sông từ Điện Tiến chảy xuống Điện Thọ rồi chảy qua đây tách làm hai  sông nhỏ, một nhánh chảy thẳng xuống Thanh Quýt, một nhánh chảy qua sông Cổ Cò, nhánh này có cầu tre bắc qua gọi là Cầu Thang của Điện An. Mỹ ở nhánh sông bên Chín Chủ (đoạn chảy xuống Thanh Quýt), ta ở nhánh sông Cầu Thang, dân ở góc giữa của hai nhánh sông. Tối đó tôi ra ở lại với dân, sáng sớm ngủ dậy nhìn thấy lính Mỹ ở bên kia, gần quá thấy sợ. Chiều khoảng 5g, mấy ông du kích của Điện Thắng về nắm tình hình, đang còn ở ngoài bờ sông, chưa vào nhà thì đã nghe một bà già trong nhà nói ra:
- Đừng vào nhà, Mỹ đang bơi thuyền cao su qua đó!
Vừa nghe vậy các ông du kích quay lại, tôi cũng chạy theo cùng du kích ra ghe qua bên kia sông là thôn Đông Hồ. Tôi chạy hai tay không, không đem áo quần, không gạo, không gì hết, qua bên đó rồi mới nghĩ: “Mình sang đây lấy gì ăn, rồi ở đâu, cơ quan biết được phê bình chết, mình vô tổ chức thiệt! Nhưng lúc đó thấy Mỹ ở gần sợ quá nên có nghĩ gì được đâu.” Tôi nhớ lại có một hôm, chú Khương lấy đôi đũa con đi quanh nhà tìm các tàn thuốc mà trước kia các chú hút còn thừa vứt đi, bây giờ tìm gom lại, giũ giũ cho tơi rồi đem vấn được một điếu, mỗi người hít một hơi cho đỡ cơn thèm. Cuộc sống hàng ngày cứ loay hoay với công sự chống càn, không biết lúc nào Mỹ rút quân đây. Tôi lỡ chạy sang đây rồi, đến tối tôi lại đi tìm cơ quan, gặp cô Cúc chị nuôi của văn phòng, tôi hỏi:
         - Cô có biết anh Long, anh Muộn ở đâu không?
         - Chúng nó ở công sự ngoài kia.
Cô chỉ tôi đi ra tìm các anh. Gặp được các anh, tôi mừng quá. Tôi nói với anh Long (lớn):
          - Cho em ở với!
Anh Long nói:
         - Sao em lại ở đây? Em ở với nhà dân cơ mà!
Tôi mới kể đầu đuôi câu chuyện vì sao tôi lại sang đây rồi tìm đến các anh. Nghe xong, anh Long (nhỏ) nói:
- Thôi, em ở đây với anh Long, anh Muộn, để anh tìm công sự khác anh ở cũng được.
Tôi ở lại đây với hai anh. Anh Muộn bị thương nằm bên trong, còn tôi và anh Long ngồi bên ngoài gần chỗ cửa công sự. Đến sáng hôm sau, khoảng 9-10g gì đó, đại bác ở đồn Bồ Bồ, đồn Trảng Nhựt nã tới tấp vào khu vực Đông Hồ. Anh Long nhận định: “Chắc tụi này dọn đường để đi xuống vùng này đây!” Vừa nói xong, một loạt pháo khác nổ rung chuyển làm căn hầm bí mật sụp đổ, đất tràn lấp hết người anh Muộn đang nằm phía trong. Tôi và anh Long cùng lấy hai tay bới đất nhưng không được, anh Long nói: “Em mở nắp công sự đi lên, đem đồ của anh lên luôn, gùi, thắt lưng có súng ngắn của anh và anh Muộn.” Tôi nghe lời, đứng lên mở nắp công sự trèo lên, anh Long chuyển tất cả đồ lên để tôi mang vào căn hầm chống pháo của du kích ở gần đó. Mấy phút sau anh Long cũng đưa anh Muộn lên luôn. Hai anh em đi lên chưa vào đến hầm chống pháo thì một tràn pháo khác ập đến, tôi chạy nhanh về phía miệng hầm sau, anh Long cõng anh Muộn chạy vào cửa hầm trước, chưa đến miệng hầm thì anh Muộn rớt tuột khỏi lưng anh Long và rống lên một hồi nghe như bò cắt tiết. Với quán tính của người đang chạy, anh Long chạy thẳng vào miệng hầm thở hổn hển nói:
- Hương ơi! Anh Muộn chắc chết rồi! Một miếng mảnh pháo xẹt qua đầu anh nghe mát rượi, chắc nó trúng đầu anh Muộn rồi!
Nghe vậy, tôi bật chạy ra khỏi hầm đến xem thử thì thấy anh Muộn nằm dài, hai tay duỗi thẳng về phía trước, hai mắt nhắm hờ và rên, thật to. Thấy vậy, tôi thương quá, tôi khóc ức lên, anh Long lạy tôi:
- Bây giờ nghĩ cách gì đây chứ còn sớm quá, tụi nó mà tràn xuống đây anh em mình chết chắc.
Logged
pt.hung
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2015, 12:22:07 am »

Ngớt pháo, hai anh em khiêng anh Muộn vào để trên nền nhà, lấy tấm tranh cũ nát che đỡ cho anh rồi để lại đây. Xuống lại dưới hầm tìm mấy cái thắt lưng thì nó ở đâu tôi không thấy, tôi chạy ra sau vườn tìm mang vào, thì ra hồi nãy đi vào nghe pháo nổ gần quá, tôi chạy nhanh vào hầm, đồ đạc mang trên người nó rớt hồi mô tôi không hay biết. Sau đó tôi dẫn anh Long ra chỗ hôm trước du kích dẫn tôi đến, ở đây có một bà già bị tâm thần ở lại. Lúc này mới có 12g trưa, anh Long ở trong nhà, tôi ra vườn lấy dù máy bay thả rơi, đem xuống hố bom giặt phơi cho khô để tối du kích về nhờ họ đem quấn anh Muộn đi chôn. Tối đó, họ về tôi gửi anh Long cho họ (vì hồi trước tôi công tác ở Điện Thắng nên tôi quen với họ) để ngày mai họ dẫn anh Long đi rúc bèo lục bình dưới sông Cầu Thang với họ, luôn tiện anh Long nhờ họ cùng anh Long đi chôn cất anh Muộn. Khuya hôm đó họ dậy sớm nấu cơm ăn còn gói đi để ăn trưa. 5g sáng họ đã đi ra khỏi nhà hết, còn lại tôi và bà già, chị Lan và một thằng bé. Chị Lan du kích Điện Thắng vào đường cùng nên ở lại đây hợp pháp cùng với tôi, thằng bé thì ở Điện Thắng chạy theo anh là du kích, lỡ rồi không về được, rúc bèo thì không chịu nổi nên cũng ở lại đây luôn. Sáng dậy, chúng tôi cùng nhau vét những hạt cơm thừa còn sót lại trong góc nồi đồng của mấy ông du kích, rồi cùng nhau ăn qua loa cho đỡ đói. Khoảng 8g sáng một tràn pháo bắn nổ dữ dội, sau đó mấy tràn liên tiếp bắn tới tấp dữ dội hơn, chúng tôi núp hầm hồi hộp nhưng cố bình tĩnh chờ chúng nó đến. Nhất định mình sẽ bị bắt! Từ Điện Thọ đến Điện An không có một người dân nào ở lại vùng giải phóng trong lúc này. Một hồi lâu im lặng, sau sự im lặng khủng khiếp, chúng tôi nghe tiếng xì xào của Mỹ ngoài mấy lùm tre. Chúng tôi lo sợ nhưng vẫn núp dưới hầm. Chúng đến, có tiếng thằng thông dịch viên của Mỹ hô lớn: “Có ai ở dưới hầm không, lên mau, nhanh lên!!” Chúng tôi lần lượt đi lên. Lên hết rồi, chúng lôi tất cả ra ngoài, đốt nhà. Chúng dẫn bọn tôi đi đến một hố bom đầy nước. Một thằng Mỹ dẫn chị Lan (chị Lan mập, lớn hơn tôi), một thằng ngụy dẫn tôi. Hai tên này nhận chúng tôi xuống hố bom, chúng leo ngồi lên lưng chúng tôi, tay nó nắm đầu tóc, nhận dúi đầu chúng tôi xuống nước, kéo lên nhận xuống liên tục, ngột thở quá, tôi cố gắng hất tên lính ngụy xuống để trèo lên bờ nhưng không có cách gì hất nổi. Tôi nhỏ bé, thằng ngụy to lớn, nên tôi phải bất lực. Qua một hồi nhồi nhét dưới nước bùn của hố bom đã đời, hai chúng tôi nhừ nhẫn không còn biết gì nữa, chúng lôi lên khỏi hố bom bắt nằm dài trên bờ đó. Trong khi tôi mê man, chúng đã lột đôi khuyên tai vàng của tôi. Sau khi tôi biết mình bị mất đôi khuyên tai, còn lại cái khâu vàng trên tay, tôi vội lấy cây ghim, ghim cất chiếc khâu trong lưng quần (trong chiến tranh, ai cũng phòng hờ lỡ có khi bị bắt hoặc đi đâu, nếu bí lắm thì có vàng để bán chi tiêu, do đó tôi cũng có đeo vài chỉ vàng để làm vốn). Một lúc, bọn nó dẫn bốn người chúng tôi đi xuống hướng sông Cầu Thang. Tôi đi nhào tới nhào lui, cái đầu nặng trĩu cứ chúi về phía trước, tưởng chừng nó nặng hơn cái thân của tôi, đi chưa đến sông mà tôi thấy bọn nó dàn đội hình ra hàng ngang rồi bắn. Nó bắn qua bắn lại với quân bên kia sông, tôi và chị Lan bàn với nhau:
   - Chúng nó tiến lên phía trước bắn nhau, ở phía sau mình tranh thủ chạy trở lại trốn.
Chị Lan đồng ý. Hai chị em lủi lại phía sau và chui trốn dưới đám cỏ lùng đang xanh tốt sát mấy gò mả to tướng. Ngồi im trong đó, hết súng nổ tưởng chúng không thấy, mình được thoát rồi. Ai ngờ, nổ súng xong một hồi lâu im lặng chúng chia nhau ra tìm, đạp cỏ lùng rạp xuống lôi cổ 2 chị em ra dẫn đi, xuống đến Cầu Thang sát bờ sông ngang nó dừng lại đó, lúc ấy khoảng 4h chiều, chúng chận cổ 2 chị em ngồi xuống và hỏi đủ thứ.
- Chúng mày có phải cộng sản không?
- Không! - Hai chúng tôi cùng trả lời.
- Không phải cộng sản thì chúng mày làm gì ở vùng cộng sản này.
- Tôi ở Đà Nẵng về thăm nhà, vừa đến đây thì các ông đến bắt chứ tôi không biết chi hết. - Tôi nói.
   - Tại sao mấy ngày trước Việt Nam Cộng Hòa đã có máy bay rao cho đồng bào đi khỏi vùng này mà chúng mày không đi?
- Chúng tôi có nghe, nhưng xuống đến đây nghe đại bác bắn, bom nổ sợ quá không đi nữa, ở lại đây núp hầm tránh đại bác, tránh bom thì gặp các ông bắt đây, chứ tôi có biết chi mô.
Thằng thông dịch viên nói lại với thằng Mỹ. Thằng Mỹ không tin. Thế là nó đánh, đánh bằng cách: bắt hai đứa tôi ngồi xuống duỗi 2 chân ra. Nó lấy cây súng M79 to đùng, thằng Mỹ đứng thẳng lưng đưa tay lên cao đập xuống 2 ống chân tôi, đau quá, tôi la to, càng la nó càng đánh. Chúng thay phiên, hết đánh chị Lan rồi lại đánh tôi. Tôi tưởng chừng như hai ống xương chân của tôi bị gãy, đến nửa tháng sau mà hai ống chân vẫn còn đau và bầm tím. Sau đó khoảng 5h chiều chúng gọi HUMB (H34) đến chở cả chúng tôi về đồn Trảng Nhựt. Về đây, tôi gặp nhiều người quen cũng mới bị chúng bắt trong trận càn 21 ngày này. Trong số đó có chú Thận (Phó Ban An ninh quận II) và Xuân (giao liên anh Nghĩa) cũng bị Mỹ khưi công sự trên thôn La Nan (Điện Phước) sáng nay. Công sự gồm có chú Thận, chú Nghĩa, Xuân, Nhung. Chú Nghĩa và Nhung bị thương khi nổ lựu đạn tự sát không thành nên bị chúng bắt. Chú Nghĩa, Nhung chúng đưa ra nhà thương Non Nước chữa trị. Còn chú Thận, Xuân thì đưa ra đây. Tối đó, chúng phát đồ hộp cho chúng tôi ăn. Ở đây là đồn của Mỹ không phải chỗ giam tù nên chúng bắt ra đây rồi phát đồ ăn của chúng, đồ hộp cũng một phần xuất ăn giống tụi Mỹ để mình ăn thay cơm, và nó nhốt tất cả vào 1 phòng, nam nữ cùng ở chung. Trước khi lên hỏi cung chú Thận dặn: “Tụi nó thẩm vấn cháu, đánh đập, cháu cố chịu đau đừng khai lung tung là nó đánh nhiều và nhốt tù lâu đấy. Đừng có khai biết chú nghe chưa.” Ăn vừa xong, khoảng 7g30 hay 8g gì đó chúng gọi lên hỏi cung. Thằng Mỹ hỏi, thông dịch viên nói lại:
- “Mày tên gì? Làm gì? Ở đâu?”
- Tôi tên Dương Thị An, đang đi ở đợ cho họ ở Đà Nẵng (lúc đó tôi khai tên của bạn tôi đã chết).
- Mày nói ở Đà Nẵng mà sao mày lại đang ở vùng cộng sản này?
- Tôi về quê thăm nhà ở xã Kỳ Minh, vừa đến đây thì các ông bắt.
- Láo! Mày là giao liên cho quận II phải không? Khai ra không thì chúng tau đánh cho mày chừa thói nói láo.
Tôi không chịu, chúng đánh. Ban đầu thằng Mỹ nó túm 2 tay, xốc nách tôi lên lật ngửa ra nằm vắt ngang hai trái đùi to của nó, nó nắm bàn tay lại rồi tộn từ bụng xóc lên hông, lên sườn tôi nhiều cái. Làm tôi tức thở, tôi không chịu nổi, tôi la lên. Tôi nói với thằng thông dịch là tôi không biết thật mà, các ông đừng đánh tôi tội nghiệp, tôi không biết chi hết.
Thằng thông dịch nói:
- Sao thằng nhỏ bắt chung với mày nó khai biết mày, mày là giao liên hợp
pháp của quận II.
- Trời ơi! Tôi đâu có biết nó, tôi ở Đà Nẵng về đến đó nghe đại bác, bom nổ sợ quá, tôi chạy vào núp bom thì thấy nó ở đó chứ tôi có biết nó đâu!
Chúng không tin, đánh, đổ xà phòng, tôi cũng không chịu. Cuối cùng nó bắt tôi sám hối. Đầu tiên, chúng bắt tôi quỳ xuống đất, hai tay giơ thẳng lên cao khỏi đầu, mắt nhìn vào bóng đèn tròn trước mặt, sau đó chúng lấy cây súng M79 để lên hai tay bắt tôi cầm lấy, thẳng tay lên. Tôi cầm cây súng nặng trịch quỳ đến khi mệt quá, tôi sụp xuống, chúng hét lên: “Quỳ lên, thẳng tay giơ cao lên!” Tôi quỳ miết đến khuya mệt, tê hai tay, đau hai gối rồi ngã xuống đất bao giờ không hay. Lúc đó chúng lấy cây súng ra và bảo tôi ngồi dậy. Tôi ngồi dậy không được, hai chân co cứng, hai tay cũng tê cứng không thả xuống được. Chúng để tôi nằm im hồi lâu rồi lại xốc tôi ngồi dậy hỏi cung tiếp. Không có gì thêm, khuya quá chúng trả tôi về phòng. Về phòng mọi người xúm lại xoa bóp cho tôi, động viên tôi hãy cố gắng chịu rồi sẽ qua. Vì không có chứng cứ nó không làm gì mình được đâu. Cũng lúc này, mọi người mới phát hiện ra ở sau chân trái của tôi có một vết thương đã khô, thế mà tôi đâu có hay biết gì. Vết thương này là do mảnh pháo xẹt qua phần mềm sau trái chân, lúc tôi đang chạy từ công sự vào hầm chống pháo của du kích Điện An trước ngày tôi bị bắt.
Đến sáng mai nó lại gọi lên hỏi tiếp và đưa thằng nhỏ đến đối chứng.
Logged
Trang: 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM