thai60
Cựu chiến binh

Bài viết: 833
|
 |
« Trả lời #298 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2015, 10:23:14 pm » |
|
Chào các bác và anh em .
Nghe bác Nguyentac giục giã thế này , hẳn anh em chúng ta ai cũng vui , vì có lẽ đây là lần đầu tiên có người - mà người đó lại là một cán bộ nghiên cứu khoa học quân sự đang tại chức - quan tâm tìm hiểu một cách cặn kẽ , chi tiết , bền bỉ , nghiêm túc , nhiệt tình đến mảnh đất , con người của chiến trường Vị xuyên ngày xưa để các cơ quan nhà nước xúc tiến những công việc nghiêm túc .
Hy vọng rằng với niềm vui đó , anh em chúng ta sẽ có thêm nhiều cảm hứng để có thể hồi tưởng thật nhiều về những nơi mà mình đã sống , đã qua , những sự kiện mà mình đã trải , những thông tin mà mình đã nắm ... rồi mỗi người một chút , chúng ta sẽ góp phần nhỏ bé của mình để bức tranh khung cảnh chiến trường Vị xuyên ngày ấy , từ TX Hà giang lên Thanh thủy , từ Đông sông Lô với những Phong quang Nà Sát , Pha hán , Khuổi mạn , 1030 , 1250...sang Tây sông Lô với hàng chục bình độ , cao điểm , địa danh từ dọc QL2 đến cửa khẩu Thanh thủy , rồi hắt lên Cóc nghè , 1509 , Lao chải , Tây côn lĩnh .v.v... sẽ lần lượt được tái hiện dưới hình thức những khu di tích lịch sử .
Rồi từ đó , những sự kiện chiến đấu ngày xưa , qua câu chuyện ký ức , hồi tưởng của những nhân chứng sống , sẽ lần lượt trở thành những trang sử chính thống ghi nhớ về một thời chiến trận bi tráng và anh hùng , sống mãi cùng hậu thế .
Vậy thì , còn ngại ngần gì nữa , các bác CCB , chúng ta hãy cùng nhau sắn tay góp sức vào công cuộc đó . Cái gì đã kể thì ta đưa lại , cái gì chưa kể thì ta viết tiếp , cái gì tản mạn thì ta tổng hợp lại , cái gì chưa nhớ thì ta cố hồi tưởng . Mỗi người một chút , việc lớn sẽ thành , có phải không các bác và anh em .
Thời gian này , bác Tác đang tập trung vào khu vực Nà cáy , Làng Pinh và các khu lân cận , vậy mời các bác ta tranh thủ hồi tưởng về những khu vực đó .
Lính VT Thai60 xin đưa lại một đoạn hồi ức mình đã viết ở HG phần 9 để gợi hứng cùng các bác :
"... Những ngày giữa tháng 5/1984,con đường đất nối từ 812 đến 673 chưa hình thành,đỉnh 673 đã bị pháo địch bắn trơ trọi.Lúc ấy đã có một con đường hào từ dưới Nà cáy chạy lên và nối xuống Nà toong,kéo đến tận Thanh thủy.
Thời gian này địch chưa bắn nhiều sâu vào Nà cáy,trên đỉnh cũng chưa có các ụ pháo bắn thẳng,nhưng cái đỉnh dốc này đã là một điểm nóng mà bất cứ giờ nào,ngày nào,chúng cũng sẵn sàng đổ đạn vào đó.
Những ngày ấy,mỗi khi leo dốc gần tới chỗ này,ai cũng cảm thấy rợn hết cả người.Cách đỉnh dốc khoảng 200m,đã thấy cây cối đổ ngổn ngang,các vạt đồi tranh tơi tả,xới nhào,nhiều chỗ cháy nham nhở.Hố đạn pháo san sát,cũ mới gối miệng bên nhau,mùi thuốc đạn khét lẹt.Những người lính khi bắt đầu đi vào khu vực này cảm thấy vô cùng bất an,nhất là khi phải đi vào ban ngày.
Địa hình trên đỉnh trống hoác, tương đối bằng phẳng,tất cả như phơi bày ra trong tầm quan sát,oanh tạc của địch.Vì thế,người lính qua đây từ 2 phía đã phải vận động khẩn trương từ trước đó vài trăm mét,khi đến đỉnh dù rất mệt,nhưng vẫn phải lao đi tiếp cả trăm mét nữa mới dám dừng lại thở.Hồi đầu,từ trên đỉnh về hướng Nà toong khoảng vài trăm mét vẫn còn có một khu rừng cây thẳng,cao,lá to như chiếc mũ cối,đường hào thoai thoải,ít bị sạt lở...Đây là đoạn lý tưởng để lính dưỡng sức trước khi bước vào chỗ nguy hiểm. Sau này,khi con đường sang 812 gần được nối thông,các trận địa pháo bắn thẳng bắt đầu được xây dựng,địch đã bắn phá nhiều hơn,Nhưng khi các công trình ấy hoàn thành,nhất là khi có các đơn vị bộ binh đông đúc hành quân từ hướng Cóc nghè sang để xuống 673,đi tiếp nữa thì chúng bắn phá càng khốc liệt.Cánh rừng tự nhiên cây to cũng bị tàn phá tan tác.Nhưng lạ kỳ thay,chỉ sau vài cơn mưa là chúng lại bắt đầu xanh tốt,cành này gãy gục thì cành kia vươn lên,nếu cả thân cây ngã xuống thì trên thân mình nó sẽ nhanh chóng mọc lên những chồi biếc,bất chấp đạn bom kẻ thù...như để chở che cho những người lính...
...Trên tuyến đường hào chạy từ đỉnh 673 xuống phía Thanh thủy,có những đoạn đường hào rất dốc,khi công binh mới làm xong,hoặc sau mỗi lần sửa chữa,đều được đánh bậc tử tế,nhưng chỉ được vài hôm,do pháo địch bắn,do lính đi lại nhiều,do mưa gió vùi dập,lòng hào lại trở nên trơn lỳ,sạt lở,nông choèn.Cây cối hai bên hào thường xuyên héo khô,nhiều đoạn hào nằm lộ thiên giữa sườn đất đỏ quạch.
Tuyến hào bám sát vào sườn núi,chạy dần xuống dưới,chếch về bên trái.Từ trên đỉnh xuống khoảng 1km,đến một đoạn tương đối bằng phẳng,phía bên tay phải có một số hầm,nhà âm,khe nước...đấy là khu Nà toong,nơi có trận địa cối 82 , một số đơn vị trực thuộc e (có thể là của e khác nhau thuộc f khác nhau ở các thời kỳ).
Ở một đoạn hào mà ngay canh nó,sau một gò đất,có mấy cái nhà âm và hầm,thời e 14 là của đơn vị vệ binh.Sau lưng khu vực ấy có một tuyến đường hào hướng lên sở chỉ huy tiền phương e ở sát vách đá trên cao,cách khoảng nửa cây số. Ít ai biết,từ đây còn có một con đường chạy ngang sườn núi về hướng đông đến một khu núi đá tít trên cao,gần như đối diện với khu vực hang Dơi,hang Nàng Lò.Ở trên đó có môt cái hang nhỏ,miệng hang hướng sang phía các điểm cao và bình độ đang tranh chấp.Trước cửa hang có vài tảng đá to nằm chắn.Nếu đứng ở cửa hang này có thể quan sát rất rõ và rộng khắp khu vưc chiến trường.Đây là nơi trung đoàn trưởng HOÀNG TOÁI thường xuyên bám trụ.
Khoảng đầu năm 1985 Thai60 đã có lần đến đó.Hôm đó đã gần buổi trưa,khi một bác trinh sát dẫn em vào trong hang thì thấy bác Toái đang nằm bò ở khe giữa 2 tảng đá trước cửa hang,dùng ống nhòm quan sát sang phía bên kia.Trong hang luc này chỉ có bác ấy và cậu liên lạc.Khu vực cửa hang nhan nhản các vết băm chém của mảnh pháo.
Cậu liên lạc thì thầm với thai60: "Bố ấy lỳ lắm,bọn địch bắn sang đây suốt ngày,có nhiều lần trúng cả cửa hang,mới hôm qua bọn nó bắn rơi tảng đá to kia từ trên nóc hang xuống nằm chềnh ềnh đấy mà bố ấy cũng chẳng nói gì cả,sáng nay lại mò ra đấy nằm suốt".
Sáng hôm đó bác Toái thấy em ở Nà toong,đã gọi điện cho mấy bác CT,cho người dẫn em vào để chuyện trò,khích lệ em,và động viên em đi học sỹ quan chính trị.Nhìn thấy trung đoàn trưởng của mình đang nằm chỗ nguy hiểm như thế,khi đó trong lòng em trào dâng lên cảm xúc khâm phục,tự hào,cảm xúc đó còn theo em đi suốt quãng đời chiến đấu về sau.
Chuyện này ngày xưa dù rất muốn cũng không dám kể với ai vì lý do bí mật quân sự,nay mới dám mang ra kể với anh em như để nói về một điểm chói sáng trong hình ảnh dũng cảm kiên cường của người lính Vị xuyên năm xưa. Từ Nà toong đi xuống,tuyến đường hào ngày càng tan nát,hai bên hào đất đá tả tơi,cỏ cháy xơ xác,có những đoạn không còn là hào nữa.Đường đi đỡ dốc hơn,nhưng độ nguy hiểm thì càng tăng lên.Có những đoạn khó đi,đội hình thường bị dồn,chững lại,nếu gặp lúc địch bắn,để tránh đạn,lính ta phải nằm dúi dụi xuống đất,balo,ba đồ văng lung tung,khi chúng bắn ngớt loạt là phải vùng chạy,vũ khí hàng họ có rơi cũng không kịp tìm nhặt lại.Nhiều khi có thương vong,chỉ tập trung dìu,cõng anh em chạy,còn đạn dược bỏ lại hết.Đấy chính là những chỗ mà các bác thấy có nhiều loại vũ khí nằm rơi vãi cả đống.Thỉnh thoảng vào những ngày trời mù,mưa,địch ít bắn,các đơn vị trong hang Dơi lại tổ chức cho lính ra tìm nhặt về,nhưng cũng không thể hết được.
...Khi công binh đào tuyến hào,họ đã có xu hướng đào theo một lộ tuyến tối ưu nhất,nghĩa là tận dụng các chỗ trũng,thấp,được che khuất nhiều nhất...vừa dễ đào,vừa an toàn,hạn chế sạt lở.Trong quá trình sử dụng,vùa do thời tiết mưa gió,địch bắn phá nhiều,vừa do lính mình dùng như phá,cứ chỉ một thời gian ngắn sau khi sửa chữa là lại hỏng.
Trong suốt thời gian từ đầu tháng 5/1985 đến khoảng tháng 2/1987(ngày em có chuyến vận tải cuối cùng qua đó),đã có nhiều lần tuyến hào này được sửa chữa triệt để.Đấy là dịp các F thay quân;khi chuẩn bị cho một chiến dịch ;khi một đơn vị công binh phía sau lên hoàn thành kế hoạch;hoặc đơn giản-khi có một "cụ " nào đó cấp cao ra lệnh. Vào mỗi dịp đó,chỉ sau 1-2 đêm,tuyến hào lại được chỉnh trang,tút tát,mông má nuột nà,bờ bậc vuông vức ngay ngắn.Nhưng cũng chỉ được vài hôm như vậy.
Bởi,như em đã kể trong bài viết nào đó,bọn Tàu rất không thích những tuyến hào mới được sửa chữa này,vì thường sau đó một thời gian ngắn là chúng lại bị ăn đòn đau.Từ những điểm cao bên phía đối diện,chúng thường xuyên quan sát sang ,mỗi khi thấy gì bất thường là lại bắn suốt dọc tuyến.Nhất là khi đêm về,hoặc khi trời mù,chẳng nhìn thấy gì,thần hồn nát thần tính,chúng càngbắn như phát rồ,chẳng hề tiếc đạn.
Có một dịp,chẳng biết theo lệnh bác nào,tuyến hào này,cả những tuyến nằm dưới cánh đồng Thanh thủy nối vào các hang Nàng Lò,hang Dơi,lại được quan tâm sâu sát,chu đáo tới mức tất cả cỏ tranh mọc hai bên mép đều được xén tỉa gọn gàng,sạch sẽ.Thế là con hào mới được tút tát kỹ lưỡng ,mông má nuột nà...tự nhiên lại nằm tênh hếnh,hồng hào trước con mắt bàn dân thiên hạ.Báo hại cho lính mình khi phải lại qua.Lính đơn vị em và nhiều đơn vị khác rất hay bị thương vong hoặc ít nhất cũng phải chạy pháo khốn khổ trong những dịp này.Và rồi sau đó... hào lại đi đường...nào...
Đến đoạn hào cuối cùng nhập vào đường oto,lại có 2 tuyến hào một đi vào hang Nàng Lò,một đi vào Hang Dơi,là hai đoạn. đường mà địch rất hay dùng cối bắn phá.Tuyến hào vào hang Dơi kéo dài hơn nhưng không phải qua cầu treo để vượt suối.Khi có nước lũ về nhiều nước suối dâng cao,nhiều lúc lính ta phải vượt cầu treo,về hướng Nàng Lò,sau đó bám theo con đường men theo vách đá bên kia suối để sang hang Dơi.Đoạn đường này địch cũng thường xuyên bắn đạn cối. Có thể gọi tuyến đường hào từ Cóc nghè và Nà cáy đến đỉnh 673,và từ đó đi đến bên kia suối Thanh thủy là tuyến đường máu.Trên tuyến đường đó đã có không biết bao nhiêu người lính đã bị thương vong,bị hy sinh. Cùng với những tuyến đường khác trên mặt trận Vị xuyên,nhất là những tuyến đường dẫn lên các trận địa tiền duyên,nó đã từng chứng kiến biết bao gian khổ,hy sinh của những người lính ngày ấy-những người lính của rất nhiều đơn vị khác nhau,làm nhiệm vụ khác nhau-nhưng cùng chung một mục đích cao cả :CHIẾN ĐẤU ĐỂ BẢO VỆ TỔ QUỐC. Chiến tranh nay đã lùi xa,mái tóc chúng ta giờ đã điểm bạc,nhưng những kỷ niêm,hoài ức về mỗi con đường đã đi,mỗi góc chiến trường đã đến...luôn sống mãi trong con tim,khối óc chúng ta,thôi thúc chúng ta hôm nay lại đến với HÀGIANG...như một nghĩa cử với đồng đội đã khuất và hậu thế.../
|