Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:22:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Stalingrad - Anthony Beevor  (Đọc 62616 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2015, 12:45:32 pm »

       Phần lớn thời gian đã bị mất do gửi các trung đoàn tăng về phía sau dọc theo sông Đông. Khi tin Kalach thất thủ được khẳng định vào buổi sáng hôm đó, họ buộc phải lệnh cho Quân đoàn Lục quân XI của Stecker và Quân đoàn Thiết giáp XIV của Hube chuẩn bị lui về bờ Đông, gia nhập với phần còn lại của Tập đoàn quân VI. Vào cuối buổi sáng, Schmidt đã đưa ra các lệnh thích hợp đến tướng Hub và đại tá Groscurh, tham mưu trưởng của Strecker.

       Vào lúc 2.00 chiều, Paulus và Schmidt bay về sở chỉ huy mới đóng ở Gumrak, bên trong của Kessel hay là một vùng đất bị kẻ địch vây kín. Paulus mang theo một số chai rượu vang đỏ loại ngon và sâm panh, một lựa chọn kỳ lạ cho những người lập kế hoạch phá vòng vây. Khi ông ta về đến sở chỉ huy mới của Tập đoàn quân VI đóng ở ga xe lửa Gumrak, ông ta liền triệu tập các chỉ huy quân đoàn lại. Ông ta muốn họ có cái nhìn theo lệnh Quốc trưởng bắt đầu từ buổi chiều này, thực hiện phòng thủ “con nhím” và đợi các lệnh mới của Quốc trưởng. “Tất cả họ đều có cùng quan điểm với chúng tôi”, Schmidt viết lại sau này, “rằng phá vây ra phía nam là cần thiết”. Người nói nhiều nhất là tướng von Seydlitz, có sở chỉ huy chỉ cách đó có trăm thước.

      Lúc 7 giờ chiều, Paulus bắt đầu cuộc họp và đưa ra bức tranh toàn cảnh. “Tập đoàn quân đã bị vây” là những từ đầu tiên của ông, mặc dù lúc này cái vòng còn chưa kép kín. Đây là cách bắt đầu cuộc họp tồi, bỏ qua các nghi thức thông thường. Cái cốt lõi của tất cả, Paulus đã sai lầm về hướng hành động. Ông ta kêu gọi “tự do hành động nếu chứng minh được là không thể phòng ngự tập trung với đòn thọc sườn phía nam”.

      Vào lúc 10:15 tối, Paulus nhận được thông điệp điện đài từ Quốc trưởng. “Tập đoàn quân 6 tạm thời bị quân Nga bao vây. Tôi hiểu Tập đoàn quân 6 và tất cả chỉ huy của nó không nghi ngờ gì đang ở trong tình huống khó khăn mà vẫn đối mặt với lòng cam đảm. Tập đoàn quân 6 phải biết rằng tôi đang làm tất cả để giải thoát họ. Tôi sẽ ban hành lệnh khi cần thiết. Adolf Hitler” .

     Paulus và Schmidt dù có thông điệp đó vẫn cho rằng Hitler sẽ sớm nhìn thấy lý do, bắt đầu soạn thảo kế hoạch phá vây ở phía tây nam.

     Trong buổi chiều tối 22/11 Hitler đang làm việc với Keitel và Jodl trên đoàn tầu đặc biệt đi từ Berchtesgaden đến Leipzig, ở đó một máy bay sẽ đưa ông ta đến Rastenburg. Trong hành trình lên phía bắc đó, cứ vài tiếng ông ta lại dừng tầu để liên lạc với Zeitzler. Ông ta muốn kiểm tra xem Paulus sẽ không được cho lệnh rút lui. Một trong những lần liên lạc, ông ta nói với Zeitzler “Chúng tôi đã tìm thấy một lời giải khác”. Ông ta không nói là lúc đó trên chuyến tầu đặc biệt ông ta đang nói chuyện với tướng Hans Jeschonneck, tham mưu trưởng của Luftwalle, mặc cho các cảnh báo từ Richthofen ông này đã thuyết trình rằng Cầu hàng không tiếp tế cho Tập đoàn quân VI là có thể được trong một khoảng thời gian tạm thời.

       Reichsmarschall Goering khi được Quốc trưởng yêu cầu, ngay lập tức triệu tập một cuộc họp với các sĩ quan vận tải của ông ta. Ông ta nói với họ cần phải chuyển 500 tấn mỗi ngày. (Ước tính 700 tấn mỗi ngày của Tập đoàn quân VI bị lờ đi). Họ trả lời rằng 350 tẫn mỗi ngày là tối đa và chỉ cho một thời gian ngắn. Với hơi thở không đều, Goering ngay lập tức đảm bảo với Hitler rằng Luftwaffe có thể tiếp tế cho Tập đoàn quân VI trong tình trạng hiện tại bằng hàng không. Ngay cả với mức thấp này đã là không tính đến các nhân tố như thời tiết xấu, máy bay hỏng hóc và hoạt động của đối phương.

      Vào sáng sớm hôm sau, 24/11, các hi vọng của tất cả các tướng tá liên quan đến số phận của Tập đoàn quân VI đã bị đập tan hoàn toàn. Một lệnh nữa của Quốc trưởng đến với sở chi huy Paulus lúc 8:30. Trong đó cái đường bao mà Hitler gọi là “Pháo đài Stalingrad” được định rõ. Mặt trận trên sông Volga này sẽ được giữ vững “bất kể mọi tình huống”.

       Zeitzler đã tự tin cho rằng Hitler sẽ có cùng suy nghĩ như ông ta.

         Bây giờ, Quốc trưởng đã cho thấy rõ ràng rằng quan điểm của mọi tướng tá đang chịu trách nhiệm với chiến dịch Stalingrad chẳng là cái gì cả. Cảm giác của họ đã được Richthofen cô đọng lại trong nhật ký của mình, khi ông viết mọi người đã phải “trả giá đắt cho một viên hạ sĩ quan”. Quan điểm của Hitler về quyền lực của mong muốn là hoàn toàn gắn cùng với logic quân sự. Ông ta gắn chặt với ý tưởng rằng Tập đoàn quân VI một khi rút ra khỏi Stalingrad thì Wehrmacht sẽ không bao giờ quay trở lại. Ông ta cho rằng đó sẽ là mực thước mới của Đế chế thứ III. Hơn nữa, với người ích kỷ đến như vậy, cái sĩ diện cá nhân đã trói buộc ông ta lại từ sau bài diễn thuyết của ông ta về thành phố của Stalin ở sự kiện Bierkeller tại Munich mới cách đó chưa đến 2 tuần.

          Sự kết hợp hoàn cảnh như vậy đã tạo ra một sự cay đắng mỉa mai. Ngay trước khi quyết định của Quốc trưởng được ban hành, tướng Von Seydlitz, chỉ huy Quân đoàn 51 ở Stalingrad đã định hành động qua mặt. Ông ta cho rằng điều đó “hoàn toàn thiếu suy nghĩ” rằng một Tập đoàn quân với 22 sư đoàn lại đi “co cụm phòng ngự và bỏ đi mọi sự cơ động”. Ông ta chuẩn bị một bản ghi nhớ dài gửi cho sở chi huy Tập đoàn quân VI. “Những trận đánh phòng ngự nhỏ vài ngày gần đây đã tiêu hết số đạn dược dự trữ”. Tình hình cung cấp hậu cần là nhân tố quyết định. Nghĩa vụ của họ là phải phớt lờ cái lệnh tai họa đó.

         Những sai lầm của Goering và Bộ tổng tham mưu không quân Đức khi tính toán khả năng đáp ứng không vận xuất phát từ tham vọng cá nhân (đã đạt được niềm tin của Fuhrer rồi thì càng phải cố gắng) hoặc do sợ hãi vì không đạt được kỳ vọng của cấp trên, hoặc do quá tự tin vào khả năng bản thân, hoặc do thiếu trách nhiệm... đều khiến cái lập luận cho rằng thất bại Stalingrad là do cá nhân Hitler là một lập luận phiến diện, mơ hồ, thiếu trách nhiệm.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #51 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2015, 12:47:35 pm »

        Thực ra, sai lầm này bắt nguồn từ cuối năm 1941, khi quân LX phản công thắng lợi quanh Matxcơva và quân Đức cũng trên bờ thảm họa y hệt năm 1942 - đầu 1943. Khi ấy Hitler cũng kêu gọi tử thủ và lập cầu hàng không - kết quả là quân Đức thắng lớn và niềm tin vào Fuhrer của đại bộ phận quân nhân Đức (tức là hầu hết những người mà sau này quay ra lên án Hitler).

       Người Nga thì lập luận thất bại của Đức xuất phát từ sự phiêu lưu trong tính toán của Bộ Tổng tham mưu Đức, theo đó đánh giá thấp quân Liên Xô và đánh giá quá cao quân Đức, do đó trong cả 2 chiến cuộc 41-42 và 42-43 quân Đức đều không còn đủ lực lượng dự trữ để thực hiện trọn vẹn chiến dịch. Ở đây quân Đức lặp lại sai lầm mà nhà cầm quân Sparta Lyguncus tổng kết từ cách đó 2500 năm : "Không bao giờ chiến tranh kéo dài với một kẻ thù yếu hơn, vì chúng sẽ mau chóng rút ra kinh nghiệm". Chắc chắn phe Đức nắm rõ điều này. Điều mà họ không thực hiện được là đánh bại sức kháng cự Liên Xô vào thời điểm quyết định.

       Vào chiều 23/11. Seydlitz lệnh Sư đoàn Bộ binh cơ giới hóa 60 và Sư đoàn bộ binh 94 đốt bỏ kho tàng, phá hủy vị trí rồi rút đến phía bắc của Stalingrad. “Trong hàng nghìn đám lửa nổi lên vội vã”, một trung sĩ hậu cần của Sư đoàn bộ binh 94 viết, “Chúng tôi đốt áo khoác, quân phục, ủng, tài liệu, bản đồ, bút viết cũng như đồ ăn. Viên tướng tự mình đốt bỏ mọi thiết bị của mình”. Hồng quân được báo động bởi tiếng nổ và ánh lửa đã đuổi kịp sư đoàn đã bị yếu đi này ở vùng trống khi nó rút khỏi Spartakovka và trận chiến đã gây ra 1000 thương vong. Lực lượng nằm bên cạnh là Sư đoàn bộ binh 389 ở nhà máy kéo Stalingrad cũng phải chịu đòn lây từ lộn xộn này.

       Hitler điên tiết khi nghe về cuộc rút lui này, đã buộc tội Paulus. Để ngăn cản mọi hành vi bất tuân trong tương lai, ông ta đã ra một quyết định đặc biệt để phân chia lại việc chỉ huy tại Kessel. Tướng Von Seydlitz, người được tin tưởng sẽ là một kẻ phòng ngự cuồng tín, sẽ chỉ huy phần đông bắc của Kessel, bao gồm cả bản thân Stalingrad. Lệnh đến lúc 6 giờ sáng ngày 23/11. Muộn hơn một chút, Paulus mang theo Đại úy Behz sang thăm sở chỉ huy của Seydlitz ở bên cạnh. Paulus đưa tận tay quyết định nhận  từ Cụm Tập đoàn quân sông Đông. “Bây giờ anh có thể tự mình chỉ huy”, ông ta nói đầy chua cay, “Anh có thể phá vây”. Seydlitz không thể che dấu sự ngượng ngùng. Manstein, hoảng sợ với việc chia lẻ chỉ huy như vậy, đã phải cố gắng chỉnh sửa nó theo hướng ít vô nghĩa hơn.

          Cuộc chạm trán của Paulus với Seydlitz không phải chỉ là mỗi một cuộc gặp khó chịu như mọi người nhớ lại về vòng vây Stalingrad. Tại Wolfsschanze, Thống chế Antonescu đã là đối tượng chỉ trích của Quốc trưởng cho rằng quân Rumani đã gây tai họa. Antonescu, đồng minh trung thành nhất của Hitle đã trả lời với đầy ai oán. Tuy vậy cả hai nhà độc tài đã bình tĩnh lại để tránh mất một đồng minh mà cả hai đều không muốn vậy. Thế nhưng sự hòa hoãn của họ không cho thấy mọi sự sau này sẽ êm thắm.

         Sĩ quan Rumani đã tức giận rằng bộ chỉ huy cao cấp của Đức đã bỏ mặc tất cả các cảnh báo của họ, đặc biệt là sự thiếu phòng ngự chống tăng. Trong khi đó quân Đức lại không biết đến các mất mát của quân Rumani, mà chỉ buộc tội người đồng minh đã gây ra thảm họa bằng cách bỏ chạy. Nhiều sự va chạm phiền lòng đã phát triển giữa các nhóm quân của cả hai bên. Sau lần gặp mặt nóng nẩy với Antonescu, Hitler thậm chí đã buộc phải thực hiện một số cố gắng để cứu vãn quan hệ với các đồng minh. “Theo sắc lệnh Quốc trưởng, sở chi huy Tập đoàn quân 6 báo cho các chỉ huy quân đoàn biết là ‘phải dừng mọi sự chỉ trích các sĩ quan Rumani về sự đổ vỡ’”. Sự căng thẳng giữa các đồng minh này không khó gì để bên Sô viết đoán ra, họ đã ngay tức khắc dùng máy bay rải 150.000 tờ truyền đơn viết bằng tiếng Rumani.

        Hitler vẫn tiếp tục ra tay trả thù tàn nhẫn tướng Heim, chỉ huy của Quân đoàn Thiết giáp XLVIII. “Quốc trưởng lệnh cách chức tướng Heim ngay lập tức”, tướng Schmundt ghi lại trong nhật ký ngay sau khi Hitler quay trở lại Wolfsschanze. “Quốc trưởng sẽ tự mình quyết định hình thức kỷ luật trong việc này”.

         Nhiều sĩ quan cao cấp ngờ rằng Hitler không chỉ muốn mỗi mình Heim là vật chịu báng cho thảm họa mà có thể toàn bộ các sĩ quan quân đoàn. Groscurth đã cay đắng viết “Quân đội trung thành của Đảng chiến thắng”, ngay sau khi Hitler phát biểu trên đài rằng ông ta ta đã tuyên bố chiến thắng với các sĩ quan cao cấp. Giống như một người chống-phát xít khác, Heinning von Tresckow, Groscurth tin rằng các viên tham mưu không còn xứng đáng với tên tuổi nữa vì họ hèn nhát trước Hitler. Trong khi đó các sĩ quan quân đoàn lại là nhóm duy nhất đối lập với tình trạng chuyên chế (1).

         Tresckow tin rằng một thảm họa khủng khiếp có thể dẫn đến thay đổi và quân đội sẽ đưa đưa một người chỉ huy tiếng tăm lên thay cho Hitler. Thống chế chiến trường Von Manstein rõ ràng là người chỉ huy có tiếng tăm cần thiết như vậy, nên Tresckow khi có cơ hội đã sắp xếp để đưa người cháu họ còn trẻ Alexander Stahlberg vào làm người phụ tá mới cho Manstein. Thời gian làm xuất hiện cơ hội. Stahlberg bắt đầu thực hiện nhiệm vụ vào 18/11, trước khi Hitler bổ nhiệm Manstein là tổng chỉ huy Cụm Tập đoàn quân sông Đông mới.

         Khả năng quân sự và trí thông minh của Manstein là điều không thể chối cãi, nhưng khả năng chính trị của ông ta thì khó đoán hơn nhiều, mặc dù có một số thể hiện đáng khuyến khích. Manstein coi thường Goering và ghê tởm Himmler. Theo các đồng nghiệp tin cẩn nhất, ông ta có gốc Do thái. Ồng ta cũng có thể gay gắt về Hilter. Như là một trò đùa, con chó Knirps của ông ta được dạy để giơ chân trước ra chào khi nghe lệnh “Heil Hitler”. Nhưng mặt khác, vợ ông ta lại là người vô cùng ngưỡng mộ Hitler, và quan trọng hơn, Manstein như đã được đề cập, thậm chí đã ra lệnh cho các lính của mình rằng “cần thiết phải dùng biện pháp mạnh chống lại người Do thái”.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2015, 07:07:11 am »

       Sở chỉ huy sang trọng của Manstein đặt trên tầu hỏa chính là một căn phòng được trang hoàng của Nữ hoàng Yugoslavia. Tầu dừng lại ở vùng nam Smolensk để đón người chỉ huy của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, tướng mặt trận Hans Gunther von Kluge đến để tóm tắt với Manstein về tình hình ở miền nam Nga. Kluge được Tresckow khuyến khích, là một trong các thống chế chiến trường tích cực và sẵn sàng tham gia các mưu đồ. Ông ta nói với Manstein rằng Hitler đã đặt Tập đoàn quân VI vào một vị trí không giữ được. Bản đồ tình hình trên tầu cho thấy rõ ràng sự nguy hiểm.

       Kluge cố gắng gây ấn tượng với Manstein với lời khuyên. Các cố gắng của Quốc trưởng nhằm điều khiển việc điều động quân tới tận mức tiểu đoàn cần phải được ngăn chặn ngay từ khi bắt đầu.

      “Và xin được lưu ý”, Kluge nhấn mạnh.

       “Quốc trưởng đã cho rằng sự sống sót của Ostheer trong mùa đông vô cùng hiểm nghèo năm ngoái không phải là do ý chí của binh lính chúng ta và cũng không phải do chúng ta đã làm việc vất vả, mà hoàn toàn do tài năng của riêng ông ta”.

       Ngay sau cuộc gặp gỡ này, Hồng quân mở một cuộc tấn công chống lại Cụm Tập đoàn quân Trung tâm để ngăn lãnh đạo Đức đem quân xuống phá vòng vây Stalingrad.

      Đoàn tầu được sưởi ấm tiếp tục đi xuyên qua nước Nga với phong cảnh tuyết đầu mùa. Manstein và các sĩ quan tham mưu của ông ta bàn bạc về âm nhạc, các bạn bè chung và các mối quan hệ, chơi cờ và bài và tránh bàn đến chính trị. Trung úy Stahlberg từng nghe nói Manstein có quan hệ họ hàng với tổng thống cuối cùng Von Hindenburg, đã tò mò hỏi xem người thống chế chiến trường nào trong cuộc chiến này có thể chở thành “cứu tinh của Đất nước” lúc nó bị đánh bại. “Dĩ nhiên không phải tôi”, Manstein trả lời ngay tức khắc.

       Sinh nhật của Thống chế chiến trường, tuổi 55, rơi vào ngày 24/11, ngày họ đến sở chỉ huy của Cụm Tập đoàn quân B. Tướng von Weichs, chỉ cho Manstein xem bản đồ cập nhật tình hình, không dấu diếm tình trạng nghiêm trọng. Lệnh Quốc trưởng cũng vừa đến, lệnh cho Tập đoàn quân VI duy trì Pháo đài Stalingrad và đợi tiếp tế bằng đường không. Manstein, theo như người phụ tá, thể hiện sự lạc quan rất đáng ngạc nhiên. Thậm chí khoảng cách 150 dặm giữa quân Đức ở phía nam của cái Kessel và Cụm Tập đoàn quân A tại Caucasus cũng không ngăn cản Manstein chọn thủ phủ cũ của người Cô dắc sông Đông Novocherkass làm sở chỉ huy của ông ta. Lính gác cửa chính của ông ta đội mũ lông cừu của người Cô dắc sông Đông và quân phục Đức. “Mỗi khi chúng tôi đi vào hoặc ra khỏi ngôi nhà”, người trợ lý nhớ lại, “họ lại ưỡn ngực và đứng nghiêm như thể chính ông ta là Nga hoàng uy nghi lẫm liệt”.

      Hitler ra các hướng dẫn khắt khe nhằm ngăn chặn các tin tức về cuộc bao vây Stalingrad đến tai người dân Đức. Trong ngày 22/11, tin tức đại chúng cho biết có một cuộc tấn công vào chiến tuyến bắc. Ngày tiếp theo, chỉ ngay sau khi Tập đoàn quân VI bị bao vây hoàn toàn, thì các tin tức chỉ đề cập đến các cuộc phản công và thương vong của đối phương. Một tuyên bố tiếp theo làm như thể quân Sô viết tấn công đã bị đánh lại với những thiệt hại nghiêm trọng. Cuối cùng, vào ngày 8/12, ba tuần sau sự kiện này, tin tức mới cho biết còn có một cuộc tấn công ở phía nam Stalingrad nhưng không hề có gì cho biết cả Tập đoàn quân VI đã bị cắt rời. Hình ảnh đó được duy trì đến tháng Một theo cái công thức mập mờ “quân đội ở vùng Stalingrad”.

        Dĩ nhiên là quan chức Phát xít không thể ngăn được tin đồn lan truyền, đặc biệt là trong quân đội. “Toàn bộ Tập đoàn quân VI bị bao vây”, một người lính ở bệnh viện dã chiến được giáo sĩ cho biết ngay lập tức. “Đó là sự khởi đầu của sự kết thúc”. Những cố gắng làm im lặng binh lính và sĩ quan đã gây phản tác dụng và sự thiếu chân thành chỉ làm tình hình thêm lo lắng, băn khoăn ở Đức. Chỉ sau vài ngày của cuộc bao vây, dân thường đã viết thư cho tiền tuyến hỏi xem tin đồn có đúng không. “Ngày hôm qua và hôm nay”, một thủ quĩ viết từ Bernburg, “người ta đã nói rằng có một cuộc phá vây trong khu vực của anh?”.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #53 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2015, 08:09:13 am »

            Các quan chức Phát xin tin rằng họ có thể lấp liếm được mọi thứ cho đến khi lực lượng giải thoát đã sẵn sàng phá vây đến Stalingrad. Trong lúc đó, Paulus đang nghi ngờ tột bật vào lời hứa của Goering đảm bảo tiếp viện cho Tập đoàn quân VI bằng đường hàng không, nhưng ông ta cũng không thể loại bỏ được các lý lẽ của tổng tham mưu của ông ta rằng họ có thể giữ được ít ra là cho đến đầu tháng 12, khi Hilter hứa có phá vây giải thoát cho họ.

           Paulus phải đối mặt với cái Stecker gọi “câu hỏi khó nhất đối với lương tâm mọi người lính: khi nào thì bất tuân lệnh cấp trên của anh ta để giải quyết tình hình mà anh ta am hiểu nhiểu hơn cả”. Các sĩ quan, những người không thích chế độ và căn ghét cái GROFAZ – Người lãnh đạo vĩ đại của mọi thời đại, cái mà lúc riêng tư họ gán cho Quốc trưởng, đã hi vọng rằng Paulus sẽ đứng đối lập với sự điên khùng này và bấm nút khởi động cho một phản ứng dây chuyền của quân đội*. Họ nghĩ về cuộc nổi loạn của tướng Hans Yorck von Wartenburg tại Tauroggen vào tháng 12/1812, khi ông ta từ chối không chiến đấu tiếp dưới chỉ huy của Napoleon. Thậm chí điều đó còn có thể khởi động cho làn sóng yêu nước ở Đức. Nhiều người đã tin vào sự so sánh này. Tướng von Seydlitz đã kêu gợi tranh luận với Paulus khi cố thuyết phục ông ta phá vây, rồi sau đó là Đại tá Selle, chỉ huy trưởng kỹ thuật của Tập đoàn quân VI. Schmidt, mặt khác, lại cân nhắc rằng: “Cái hành động chống lại mệnh lệnh đó sẽ trở thành một cuộc nổi loạn với dưới sức đè của các hòn đá chính trị”.

           Paulus trả lời Selle như là lời định mệnh: “Tôi biết lịch sử chiến tranh đã đưa ra lời phán xét với tôi rồi”. Vâng, ông ta đúng khi từ chối so sánh với Tauroggen. Thời Yorch không có thông tin liên lạc thông suốt, có thể tuyên bố hành động nhân danh Vua Phổ mà không sợ bị cách chức. Nhưng vào kỷ nguyên khi mà mọi sở chi huy đều liên tục được liên lạc, được nối bằng vô tuyến, thư và máy điện báo thì một lệnh bắt giam một người chỉ huy có thể được truyền tới ngay tức khắc. Người diễn viên duy nhất trong vở kịch có khả năng đóng vai Yorchi chính là Manstein, như Tresckow và Stauffenberg đã nhận ra. Thế nhưng Manstein như họ phát hiện, không định thực hiện vai trò nguy hiểm như vậy. “Thống chế Phổ không nổi loạn”, ông ta nói vào năm sau, ngược với truyền thống York khi làm đại diện của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm.

         Nhiều nhà sử học đã đưa ra nhấn mạnh rằng hầu hết mọi sĩ quan của Tập đoàn quân VI đều tin rằng phải cố thực hiện phá vây ngay lập tức. Điều này không đúng. Các sĩ quan cấp quân đoàn và sư đoàn và sĩ quan tham mưu đều ủng hộ chắc chắn cho một cuộc phá vây, nhưng phía bộ binh, đặc biệt là các chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn lại ít bị thuyết phục hơn nhiều. Binh lính của họ, đặc biệt là những ai đã đào hầm hào rồi, lại không muốn từ bỏ vị trí của họ cùng với các vũ khí hạng nặng để ra “đánh nhau trên tuyết”, nơi trống trải mà họ phải phơi ra cho quân Nga tấn công. Binh lính cũng rất miễn cưỡng di chuyển bởi vì họ tin vào những lời hứa về một lực lượng phản công mạnh đang đến cứu họ. Một khẩu hiệu ngày 27/11 là “Hãy giữ vững! Quốc trưởng sẽ cứu chúng ta ra!” đã được chứng minh rất hiệu quả. (Schmidt sau này đã cố phủ định rằng nó được đưa ra từ sở chỉ huy Tập đoàn quân VI, và cho rằng nó là phát minh của một chỉ huy cấp dưới).

          Ở trong cái Kessel, binh lính có khuynh hướng tin tưởng ở khẩu hiệu “Hãy giữ vững!” như là một lời hứa chắc chắn. Nhiều sĩ quan cũng tin như vậy, nhưng những người khác thì phỏng đoán dựa vào thực tế. Một người đã nhớ lại, một đồng nghiệp là trung úy thiết giáp lựu pháo, khi nhận được tin mới, đã nháy mắt với ông ta gọi ra chỗ xe của họ và họ có thể thảo luận tình hình một cách riêng tư.

         “Chúng ta sẽ không bao giờ ra khỏi đây được

         Ông ta nói:

         “Đây là cơ hội duy nhất mà người Nga sẽ không để vuột mất”.

         “Anh thật là người bi quan”,

         Người kia trả lời:

        “Tôi tin vào Hitler. Ông ta nói sẽ làm cái gì thì ông ta sẽ làm bằng được cái đó”.


----------------------------------------------

       
        (1) Họ nghĩ rằng các sĩ quan lâu năm có thể thuyết phục Hitler bước xuống làm lãnh đạo quân đội. Một sự thay đổi thể chế có thể thực hiện mà không dẫn tới hỗn loạn và nổi dậy giống như hồi 11/1918. Đây là một sự ngây thơ đáng kinh ngạc về cá tính của Hitler. Một quan điểm đối lập khác lại có thể gây ra đổ máu. Đó là của các sĩ quan trẻ, như là Tresckow và Stauffenberg, họ cho rằng chỉ có thể loại bỏ được Hitler bằng cách ám sát.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #54 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2015, 12:28:50 am »

                                                                                            XVII


                                                                                PHÁO ĐÀI KHÔNG NÓC



         Trong tuần lễ đầu của tháng 12, quân Nga thực hiện những cuộc tấn công quyết liệt nhằm chia cắt Tập đoàn quân VI ra. Qua các cuộc chiến phòng ngự nặng nề, các sư đoàn thiết giáp của nó mất gần nửa trong số 140 tăng còn lại. Họ bị cản trở nhiều do thiếu nhiên liệu và đạn dược. Ngày 6/12, một nhóm chiến đấu lấy từ Sư đoàn Thiết giáp 16 được đưa vào một cuộc phản công bằng chân bởi vì họ không còn nhiên liệu cho các xe half-track (xe nửa xích nửa lốp). Trung úy von Mutius, viên sĩ quan trẻ người rất hãnh diện được làm thành viên cuối cùng của Quân đội Đức (Wehrmacht) rút qua sông Don, được cử làm phó chỉ huy nhóm này.

       Mục tiêu của họ là chiếm một ngọn đồi phía bắc của Baburkin, nhưng bất ngờ xe tăng Nga xuất hiện ngoài tầm hỗ trợ của một đơn vị khác. Chỉ huy nhóm chiến đấu ra lệnh rút lui. “Việc rút lui theo trật tự là không thể”, một thượng sĩ kể lại sau đó. “Mọi người bỏ chạy tự cứu lấy mạng mình. Quân địch bắn sau lưng chúng tôi bằng đủ mọi loại vũ khí. Một nửa nhóm bị quét sạch. Trung úy Mutius bị thương nặng. Nhằm tránh bị thương vong tệ hơn, ông ta liên tục kêu to ‘tản ra’”. Người thượng sĩ cho rằng ông ta đã cứu được nhiều nhân mạng, trong khi bản thân bất lực nằm đó đợi quân Nga đến. Những người sống sót cho rằng ông ta là ‘một anh hùng thật sự’”.

         Sau một số cuộc tấn công, các chỉ huy Sô viết nhận ra rằng quân bị vây còn lâu mới bị đánh bại. Tập đoàn quân 57 nằm ở đoạn ép phía tây nam đã phải chịu các thương vong nặng nề. Tìm hiểu lý do các thất bại của quân Sô viết khá thú vị. Trong một báo cáo – “pháo và bộ binh không kết hợp tốt với nhau khi tấn công vào hàng phòng ngự của địch” – dường như có thương vong nặng do tự bắn nhầm. “Binh lính không được hướng dẫn đầy đủ về việc cần thiết phải đào hào”, là một báo cáo khác. Các sai lầm này dẫn đến “Các mất mát không thể sửa chữa từ tăng và máy bay Đức”. Không có gì đề cập đến thực tế rằng mặt đất bị đóng băng rắn chắc và các dụng cụ đào hào không được cung cấp đủ.

         Đằng sau chiến tuyến, các sĩ quan NKVD và phiên dịch làm việc đến khuya để thẩm vấn tù binh Đức, bao gồm từ những người đảo ngũ đầu tiên cho đến “những cái lưỡi” bị bắt bởi các đại đội trinh sát. “Bọn Bôn-sê-vích thường xuyên tìm bắt tù binh trong chúng tôi”, một trung úy từ Sư đoàn bộ binh 44 Hoch-und Deutschmeister của Áo kể lại. Cơ quan Tình báo tiền tuyến sông Đông đang cố gắng xác định tình trạng mất tinh thần của các sư đoàn, mà các cuộc tấn công cần phải tính đến. Có thể thấy ngay được các sư đoàn bộ binh 44 và 376, cả hai vừa mới rút qua sông Đông, không thể đào được các hầm cho đúng. Phần lớn binh sĩ của chúng, trong thời gian qua thời tiết thay đổi từ sương mù nặng sang mưa rồi quay lại sương mù nặng, ở trong các hố phủ bằng vải nhựa.

      NKVD đặc biệt quan tâm đến bất cứ dấu hiệu oán giận Đồng minh. “Mọi người nói rằng quân Áo chiến đấu không tốt”, thiếu úy Heinrich Boberg trả lời thẩm vấn của đại úy Dyatlenko ngày 10/12. “Có nhiều điều đúng, nhưng tôi nói nó không đúng với Sư đoàn Bộ binh 44. Người Áo có những lý do lịch sử để không cứng nhắc như người Phổ. Và bởi vì người Áo đã cộng tác với nhiều dân tộc khác, họ không có cùng kiểu tự phụ dân tộc như người Phổ”. Cái ban phong “Ostmark” cho Áo dường như biến mất rất nhanh khỏi vốn từ vựng của một tù binh Áo.

           Một khi các cuộc tấn công lớn đầu tháng 12 tạm ngừng, thì chiến tuyến sông Đông tiếp tục gây sức ép lên Sư đoàn bộ binh 44 với các cuộc tấn công dùng máy bay không đối đất Shturmovik. Tinh thần chiến đấu của Tập đoàn quân VI vẫn còn tốt và khá vững vàng. Một trung úy lớn tuổi của Sư đoàn Thiết giáp 16 đã kể lại là tại giai đoạn này “đơn giản là không xuất hiện sự nghi ngờ về các kết quả tốt của các trận đánh”. Binh sĩ Đức, đặc biệt là những người phải sống trên thảo nguyên tuyết phủ đã nói đùa về “pháo đài không có nóc”. Đa số những người trẻ tuổi hơn được đào tạo trong một hệ thống chuyên chế không cần phải giải thích về lý do cho hoàn cảnh của họ. Lời đảm bảo của Quốc trưởng đối với họ là một lời hứa không thể bị phá vỡ.

          Khẩu phần nhanh chóng bị sụt giảm mạnh, nhưng các sĩ quan và các hạ sĩ có thể tin tưởng rằng tình hình của họ sẽ không kết thúc. Luftwaffe sẽ chở đến những thứ họ cần và sau đó một lực lượng giải cứu lớn, dẫn đầu bởi Thống chế chiến trường Manstein sẽ tiến đến từ hướng tây nam phá vỡ vòng vây. Nhiều binh lính tự huyền hoặc mình hoặc được các sĩ quan kém tưởng tượng nói vào tai rằng họ sẽ thoát ra vào lễ Giáng Sinh.

         “Từ 22/11 các anh bị bao vây”.

        Một người lính thuộc Sư đoàn bộ binh 376 viết về nhà.

        “Cái tệ hại nhất đã qua. Các anh hi vọng sẽ được giải thoát khỏi cái Kessel này trước Giáng Sinh… Một khi trận chiến phá vòng vây này xong thì chiến tranh ở Nga cũng chấm dứt”.

        Một số còn được thuyết phục rằng họ sẽ ngay lập tức được phép rời nơi đây và về nhà đón Giáng Sinh với gia đình.

       Những người giám sát chiến dịch tiếp tế đường không kém lạc quan hơn rất nhiều. Trưởng sĩ quan hậu cần của Tập đoàn quân 6 báo cáo 7/12: “Khẩu phần bị cắt giảm từ 1/3 cho đến một nửa nhằm giúp tập đoàn có thể duy trì đến 18/12. Việc thiếu cỏ khô có nghĩa là đa số ngựa sẽ buộc phải giết thịt khi đến giữa tháng Một”.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #55 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2015, 08:14:16 am »

          Các sĩ quan Luftwaffe phụ trách sân bay Pitomnik thuộc Sư đoàn Phòng không 9 lại không có chút ảo tưởng nào hết. Họ biết rằng mức nhỏ nhất 300 chuyến bay mỗi ngày nhằm khôi phục khả năng chiến đấu Tập đoàn quân VI là một câu hỏi không có lời giải đáp. Trong mọi trường hợp các hoạt động không quân mạnh mẽ của Hồng quân cùng với lưới lửa phòng không xung quanh Kessel tạo nên mối thách thức khủng khiếp cho các máy bay ba động cơ Junkers 52 chậm chạp. Jeschonnek và Goering không tính rằng các sân bay có thể nằm trong tầm pháo hạng nặng của Sô viết. Tệ hơn cả, họ không để chỗ dự trữ cho ảnh hưởng của thời tiết mặc cho các kinh nghiệm của mùa đông năm trước. Có nhiều ngày tầm nhìn chỉ bằng không và nhiều ngày khác nhiệt độ xuống rất thấp và gần như không thể khởi động được máy bay, cho dù có đốt một đống lửa dưới động cơ. Tuy vậy theo Richthofen, các sĩ quan Luftwaffe dù là ở trong hay ở ngoài Kessel cũng không ai dám nói ra. “Đó là chủ nghĩa thất bại nếu anh nói về sự nghi ngờ”, một trong số họ nói.

           Sau khi chở tới nhiên liệu, đạn dược và lương thực – theo lý thuyết là ba tấn cho mỗi Junkers 52, ít hơn một chút cho một Heinkel III, các máy bay chở ra thương binh từ bệnh viện dã chiến cạnh sân bay Pitomnik. Có lẽ dấu hiệu rõ nhất cho chủ nghĩa bi quan là cái quyết định bí mật đưa ra toàn bộ các nữ y tá Đức, thậm chí trước hầu hết các thương binh để chắc chắn họ sẽ không bao giờ rơi vào tay quân Nga. Mặc dù có rất nhiều cố gắng giữ bí mật việc này, các sĩ quan từ Trung đoàn bộ binh Croat 369 đã biết và vận động Luftwaffe đưa giúp các phụ nữ của họ ra ngoài, cải trang như là các nữ y tá.

        Viên trung úy mà họ tiếp cận là người đánh giá cao binh sĩ Croat đã đồng ý giúp đỡ. Tuy vậy viên đại tá của người sĩ quan này lại có các nguyên tắc đạo đức cao. “Nhưng điều đó thực sự chẳng quan trọng”, viên trung úy trả lời, “cho dù họ có là điếm hay nữ y tá của người Croat. Họ phải được đưa ra để thoát khỏi quân Nga”. Viên đại tá vẫn từ chối. Viên trung úy sau này đã ngờ rằng người Croat đã cố gắng đưa lậu phụ nữ của họ lên máy bay.

          Lều bạt, hầm hố được trải rộng bên cạnh sân bay. Có một số là sở chi huy với các dấu hiệu như cột ăng ten và xe cộ cùng với bệnh viện dã chiến. Pitomnik nhanh chóng trở thành trọng điểm cho các trung đoàn tiêm kích và thả bom của Sô viết. Trong những ngày 10, 11 và 12 tháng 12, máy bay Sô viết đã thực hiện 42 vụ oanh tạc.

           Quân Nga cho dù có đủ mọi hoạt động không quân trên Kessel thì vẫn không nhận biết được độ lớn của lực lượng mà họ bao vây được. Đại tá Vinogradov, chỉ huy của cơ quan tình báo Hồng quân tại sở chỉ huy Mặt trận sông Đông ước lượng rằng Chiến dịch Sao Thiên vương (Uranus) đã vây được khoảng 86,000 người. Con số thật bao gồm cả quân Đồng minh và quân Hiwis (quân Nga tình nguyện hoặc bắt buộc chiến đấu/phục dịch trong quân đội Đức) là gần 3 lần lớn hơn: gần 290.000 người. Quân đồng minh bao gồm phần còn lại của hai Sư đoàn Rumani, trung đoàn Croat thuộc Sư đoàn Jager và một đoàn xe vận tải của Ý, những người đã chọn thời khắc đen đủi để đến tìm gỗ trong đống đổ nát của Stalingrad(1).

         Việc co nhỏ của Tập đoàn quân VI rất quen thuộc với những ai từng tham chiến ở WWI, những người lính già nhớ lại Chiến tuyến Phía tây và không khí chết chóc của nó. Sau đợt giá lạnh giữa tháng 11, là đến một đợt tuyết tan, tạo ra một giai đoạn ngắn lầy lội trước khi vào mùa đông thật sự. Một số đã trở lại đời sống chiến hào thủa xưa, ví dụ như chỉ có một nguồn nước ấm nhất định, thư giãn cho họ, để ngâm rửa những bùn lầy đóng thành bánh trên tay họ.

          Cấu trúc của chiến hào và hầm hố khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng sư đoàn. Những ai bị buộc phải rút lui hoặc phải chuyển sang vị trí mới buộc phải lao động nặng nhọc, mặc dù rất nhiều việc đã được giao cho Hiwis và tù binh Nga. Quân Đức đã học từ việc đánh nhau trên đường phố của Stalingrad. Họ đào hầm dưới chiếc những tăng bị phá hỏng và tận dụng những chức năng còn lại của nó. Thế nhưng trong những ngày đầu của cuộc bao vây, mặt đất vẫn còn đông rắn, thậm chí lửa cũng chỉ làm đất mềm ra chút ít thôi. Ở ngoài thảo nguyên, thứ thiếu thốn nhất là gỗ dùng cho cả sưởi ấm và làm dầm phủ bên trên cho mỗi hầm. Những ngôi nhà của nông dân gần đường tiền duyên không tồn tại được lâu. Những cư dân – những người đã quây nhà của họ bằng rơm rồi thêm một lớp ván nữa bên ngoài để giữ hơi ấm cho mùa đông, đã bị đuổi khỏi nhà. Nếu họ ở lại, họ có thể thấy ngôi nhà của họ nhanh chóng bị tháo dỡ sạch do lính Đức lấy ván, dầm, cửa, thậm chí cả cửa sổ về để cải thiện hầm hào của họ.

           Binh lính, những người đã phá dỡ nhà cửa của thường dân, lại theo bản năng biến hầm hào của họ thành ngôi nhà mới. Những công việc đào, đắp ở hào giao thông và bên ngoài hầm không ấn tượng như những gì trong hầm. Họ trang trí các khung ảnh cho những bức tranh hoặc ảnh người thân yêu. Một số thứ luôn được tôn trọng. Không ai sờ hoặc lấy ảnh vợ con của người khác. Các sĩ quan kiểm tra để đảm bảo họ có giường ngủ, nghế và một cái bàn.

          Tướng Edler von Daniels, chỉ huy của Sư đoàn Bộ binh 376, có một cái hầm kiến trúc phức tạp và hoàn hảo không chê vào đâu được do một nhân viên của ông vẽ ra sau khi họ chuyển đến vị trí mới ở sườn tây nam. Người chỉ huy của bác sĩ Kurt Reuber, một mục sư làm bác sĩ trong Sư đoàn Thiết giáp 16 lại có một cái hầm đặc biệt lớn và ông ta có thể đặt vào đó một cái đàn piano do một sư đoàn khác bỏ lại. Và thế là ở đây, dưới đất, không nghe thấy được từ bên trên và bị tường đất hút âm, ông ta chơi nhạc của Bach, Handel, Mozart và bản sonate Dưới ánh trăng của Beethoven. Ông chơi rất hay nhưng cũng dường như bị ám ảnh. “Viên sĩ quan chỉ huy vẫn tiếp tục chơi dù cho tường hầm rung bần bật khi bị pháo bắn và bụi rơi xuống rào rào”. Ông ta thậm chí vẫn chơi khi các sĩ quan vào báo cáo về đánh nhau ở bên ngoài.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #56 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2015, 10:16:21 pm »

            Một số đơn vị thấy mình đủ may mắn để vẫn ở vị trí cũ. Sư đoàn bộ binh 297, nam của Stalingrad, vừa mới công phu hoàn thành một viện điều dưỡng trước khi quân Nga phản công. Họ đã sợ rằng họ sẽ mất tất cả những thứ này cùng với thiết bị, gường, dao kéo, đồ sành sứ… được chở bằng tầu hỏa từ Đức sang. Nhưng khi đường phòng ngự của Kessel được lập, cái bệnh viện cầu kỳ của họ có lẽ chỉ cách đường ranh giới vài dặm.

            Có khá nhiều binh lính vẫn không nhận được đủ quần áo mùa đông trước khi bị bao vây, thế là họ cố gắng xoay xở cải thiện với các mức độ thành công khác nhau. Bên trong quân phục họ ngày càng mặc nhiều thứ thuộc quân phục Sô viết – áo chẽn không khuy, quần chẽn chần và áo trấn thủ. Khi băng giá nặng, một cái mũ sắt trở thành một cái máy đông lạnh hút nhiệt, do vậy họ quấn lên đầu những thứ như xà cạp, khăn quàng cổ, thậm chí cả loại băng dùng băng bó chân của Nga để cách nhiệt. Sự thèm khát có găng tay da khiến họ giết chó lạc và lột da chúng. Một số thậm chí còn thử làm áo chẽn từ da ngựa bị giết thịt và được thuộc một cách không chuyên, đa phần những thứ này thô cứng không tiện dụng, trừ khi họ mua chuộc được ai đó vốn là thợ chuyên nghiệp giúp đỡ.

           Các cảnh bẩn thỉu nhất thường xuất hiện ở các đơn vị bị quân Sô viết tấn công và buộc phải đến một vị trí mới ngoài thảo nguyên trống trải, đầu tận cùng phía tây của cái Kessel. “Lạnh buốt cùng cực vào buổi tối”, viên sĩ quan pháo binh người phải rút lui qua sông Đông viết trong nhật ký. “Chúng tôi có thể ngủ ngoài thảo nguyên được bao lâu? Cơ thể không còn chịu nổi thêm được nữa. Trên tất cả là sự bẩn thỉu và chấy rận!!!”. Trong những điều kiện như vậy, các đội quân không có cơ hội để đào giao thông hào và nhà xí. Binh lính ngủ nằm sát vào nhau như cá hộp sardines, trong các lỗ đào dưới đất, được lót tạm bằng vải bạt. Bệnh truyền nhiễm lan rộng rất nhanh. Kiết lỵ nhanh chóng gây ảnh hưởng làm kiệt sức và chán nản do binh lính bị bệnh đi ngoài lên cái xẻng trong chiến hào rồi hất những thứ trong đó qua thành hào ra ngoài.

           Mọi người viết thư cho người thân về sự bẩn thỉu trong cuộc sống của họ. “Chúng tôi cùng dơ dáy cả”, Kurt Reuber viết, “ở trong một cái hố đào bên cạnh một con mương trong thảo nguyên. Các dụng cụ đào vừa mỏng mảnh vừa tồi tệ. Bụi, đất sét. Không dùng chúng làm gì được. Khan hiếm gỗ làm hầm. Bao quanh chúng tôi là một phong cảnh buồn tẻ, đơn điệu và sầu não. Thời tiết mùa đông có độ lạnh khác nhau. Tuyết, mưa nặng, sương giá rồi bất chợt tuyết tan. Buổi đêm ta có thể gặp chuột chạy leo qua mặt”.

         Sự quấy phá trong quần áo ngày càng tăng tiến được bắt đầu từ những ngày hỗn loạn của cuộc bao vây. “Dịch chấy rận thật kinh khủng”, một hạ sĩ một trung đoàn thiết giáp viết, “bởi vì chúng tôi không có cơ hội giặt rũ, thay quần áo hoặc săn lùng chúng. Trong mũ sắt tôi tìm thấy khoảng 200 con bọ nhỏ dai dẳng này”. Một người lính nào đó đã phỏng theo một bài hát nổi tiếng để viết lại lời:

          Ngay bên dưới cây đèn trong một ngôi nhà nhỏ
          Tôi ngồi mỗi chiều săn tìm chấy rận


          Trong những buổi tối dài của mùa đông Nga, binh lính có dư thừa cơ hội và thời gian để cà kê về quê nhà và cuộc sống trước khi đến Nga đã từng tốt hơn đến thế nào. Tại Sư đoàn bộ binh 376, họ nhớ tiếc thời kỳ đóng quân ở Angoulême, thuộc chiến tuyến Ostfront, với cà phê, rượi vang rẻ và các cô gái Pháp. Họ còn quay lại thời xa hơn, lúc họ được hân hoan đón chào về nhà mùa hè 1940. Những đám đông vẫy tay, những nụ hôn và những lời tán dương đã tiêm cho họ ý nghĩ rằng đánh trận cũng tốt như lúc đã đánh xong. Hầu như cả đất nước đã chúc mừng Hitler đã mang họ đi qua một cuộc chiến tranh thắng lợi chóng váng với rất ít thương vong.

           Thỉnh thoảng, khi suy nghĩ trở về nhà, họ chơi kèn harmonicas những điệu ủy mị trong hầm. Sau những phút đối nghịch với hiện tại và tương lai, con người bám và tin lấy tin đồn nhiều hơn trước cùng với những câu hỏi dai dẳng và thiếu suy xét. Thậm chí các sĩ quan của họ có rất ít hiểu biết về tình hình thực tế. Một đề tài khác, liên quan đến cơ hội thoát ra, là làm thế nào có được vết thương “tuyệt hảo”, không gây què quặt, không quá đau đớn, nhưng vẫn đủ để được nhận giấy phép cho đưa ra bằng đường không. Những ai đã rời khỏi đây ngay trước khi bị vây được xem như sự thèm khát, ngưỡng mộ. Trong khi đó những ai đã quay lại trước khi bị vây được coi là người có bản chất tốt, nhưng cũng bị trêu trọc, đùa cợt nhiều. Có một người không bao giờ cằn nhằn về sự không may đó của mình là Kurt Reuber. Ông ta quay lại đơn vị chỉ hai ngay trước khi cái Kessel bị khép lại. Rất nhanh sau đó người ta không rõ phận sự nào của ông cần thiết với mọi người hơn: bác sĩ hay thầy tu.

         Quân Đức bị bao vây thường tưởng tượng rằng lính Hồng quân đang đối diện với họ chỉ thiếu thốn tí chút, cả về khẩu phần lẫn quần áo, nhưng sự tưởng tượng này đôi khi không đúng. “Do thông tin kém, lương thực không được mang tới kịp cho binh lính ở tiền tuyến”, một người ở Mặt trận sông Đông kể lại. “Sự sai lầm của các sĩ quan và chính ủy sử dụng hầm để giữ ấm cho binh lính”, một người khác cho biết, “dẫn đền nhiều người bị buộc phải gửi về bệnh viện với vết thương do băng giá, phần lớn ở chân”.

          Những lính Sô viết được trang bị tốt nhất là lính bắn tỉa. Có một chút phủ nhận việc này. Ở trên những cánh đồng phủ tuyết ngoài thảo nguyên, trong những bộ ngụy trang mầu trắng, họ hoạt động thành cặp, một người sử dụng ống nhòm và người kia với súng bắn tỉa tầm xa. Họ bò lên vào buổi tối vào vùng hoang vu, đào tuyết thành hố ẩn nấp để quan sát và bắn. Thương vong của họ giờ cao hơn nhiều so với ở trong thành phố vì họ có ít lựa chọn hơn để ẩn náu và ít đường hơn để thoái lui. Thế nhưng “phong trào bắn tỉa” vẫn hấp dẫn nhiều người tình nguyện hơn mức có thể đào tạo và sử dụng.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #57 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2015, 11:09:16 pm »

        Bất cứ vấn đề nào mà chưa làm tăng nhuệ khí cho binh sĩ thường là do việc kém ảnh hưởng của quan chức đến từng cá nhân người lính. Việc ám ảnh giữ bí mật có nghĩa là những ai không tham gia trực tiếp Chiến dịch Sao Thiên vương sẽ không được ai nói cho biết về nó cho đến năm ngày sau khi chiến dịch mở màn. Cái nhìn đầu tiên, khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất trong giai đoạn hưng phấn này là số lượng người đào ngũ bên Hồng quân, những người vẫn tiếp tục vượt ranh giới sang với quân Đức đang bị bao vây, và như vậy là tự mình chui vào bẫy, nhưng cái sự ngược đời này có thể giải thích chủ yếu là do pha trộn giữa sự ngây thơ và mất lòng tin. Đại tá Tulpanov, sĩ quan NKVD phụ trách việc tuyển dụng sĩ quan Đức, đã chấp nhận một cách rộng lượng lời khai của một trong những tù nhân quan trọng của ông, phi công tiêm kích Count Heinrich von Einsiedl, rằng: “Người Nga đã rất ngạc nhiên được nghe từ người Đức cùng một câu chuyện được bộ máy tuyên truyền đưa ra. Họ không tin rằng quân Đức đã bị bao vây”.

        Zhukov đã đưa ra một quan điểm rất đặc trưng khi ông mô tả việc bao vây Tập đoàn quân VI như là một “Tôi luyện dữ dội cho chiến thắng của quân đội ta”. Grossman cũng đúng khi ông viết: “Tinh thần của binh lính chưa bao giờ cao như vậy”. (Điều thú vị là cả hai nhận xét này chẳng cái nào khẳng định được tuyên bố của cơ quan tuyên truyền: “tinh thần của một quân đội phụ thuộc vào tính chất xã hội và trật tự tiến bộ của cái xã hội mà nó bảo vệ”).

          Lính Hồng quân bây giờ có thể hài lòng chế nhạo kẻ thù, bọn vừa gần đây còn chế nhạo họ. Một số đại đội cử các toán tuần tiễu vào buổi tối cầm theo một con bù nhìn ăn mặc như Hitler. Sau đó họ dựng con bù nhìn này ở vùng trống không người, và viết lên đó một dòng chữ mời lính Đức bắn vào nó. Con bù nhìn này có thể là một cái bẫy cho kẻ dại khờ với một vài quả lựu đạn gắn kèm, đề phòng quân Đức gửi các toán tuần tiễu ra gỡ bỏ nó tối hôm sau.

          Theo hướng bài bản hơn, các đội tuyên truyền của NKVD thiết lập các loa phóng thanh. Trong hàng giờ liền, các loa này chơi các bản nhạc Tăng gô đã được chọn và điều chỉnh cho phù hợp với tâm trạng bất an, thỉnh thoảng chèn vào các thông báo được ghi bằng đĩa than, nhắc đội quân bị vây về tình thế tuyệt vọng. Đầu tiên những hoạt động này gây rất ít ảnh hưởng, nhưng sau đó, khi hy vọng của quân Đức tan dần thì hiệu quả của nó trở nên đáng kể.

         Hồng quân nhận thấy rằng quân Đức sẽ phải tiết kiệm đạn pháo bởi vì chúng rất nặng để chở vào bằng máy bay, nên khi trinh sát chiến đấu đã cố gắp kích thích quân Đức bắn pháo. Một trong những đội quân làm việc nặng nhọc giai đoạn này là đại đội trinh sát hoạt động tìm kiếm đường tấn công. “Chúng tôi giống như dân Di-gan, hôm nay ở đây, ngày mai rời đi”, một sĩ quan nhớ lại, ông là một trong 5 người sống sót từ cái đại đội ban đầu có 114 người. Đội tuần tiễu thường có từ 5-6 người, thâm nhập vào Kessel và nấp gần các con đường trong các bộ ngụy trang trắng, quan sát giao thông và việc vận chuyển binh lính. Khi trở về, họ sẽ túm một “cái lưỡi” để tra khảo.

         Các hoạt động trinh sát đặc biệt nhiều ở sườn tây-nam của Kessel. Các chỉ huy Sô viết rất muốn biết trước được quân Đức có cố gắng vượt vòng vây không. Thảo nguyên bằng phẳng phủ tuyết là nơi rất nguy hiểm đối với các đội trinh sát vì đây là địa hình thích hợp cho súng máy phát huy tác dụng. Trong một sự kiện xẩy ra vào đầu tháng 12, một đội trinh sát được yểm hộ bởi một nhóm đột kích, trườn được vào một chiến hào đầu tiên và thấy nó trống rỗng.

         Quân Đức đã rút về các hầm hố ấm hơn ở phía sau. Sau khi binh lính kiểm tra các hầm hào, người chỉ huy đội trinh sát kiểm tra những đồ ăn cướp ở trong đó, bao gồm một cái áo dài lông cừu. Tiếp sau ngay bên cạnh cái điện thoại chiến trường, ông ta thấy một cái “cốc trắng với bông hoa hồng” cắm bên trong. Đây dường như là một cái đẹp bất ngờ bởi vì đã khá lâu rồi ông ta không được thấy những vật dụng của thường dân. Sau đó người chỉ huy đại đội của ông ta đến, và quyết định rằng thay cho chiếm những thứ nhỏ nhoi đó bây giờ sẽ chiếm thêm trận địa. Nhưng khi họ tiến lên, mọi thứ nhanh chóng trở nên sai lầm.

         Quân Đức phản công bằng xe tăng trong khi pháo của họ lại từ chối bắn yểm trợ bởi vì họ không nhận được lệnh từ các cấp thích hợp. Đó là một trận đánh hỗn loạn và khi đội trinh sát rút ra, người chỉ huy trẻ tuổi bị một vết thương nặng ở chân do mảnh pháo. Khi anh ta nằm trên tuyết nhìn máu thấm ra ngoài bộ quân phục ngụy trang trắng, anh ta lại nghĩ đến cái cốc cắm bông hoa hồng.

         Đôi khi các nhóm trinh sát Nga và Đức vượt qua nhau buổi đêm ở vùng hoang vu, họ giả vờ như không thấy nhau. Họ có những nhiệm vụ cụ thể mà không được phép làm hỏng do bắn nhau. Tuy nhiên khi những nhóm nhỏ đụng đầu nhau, họ thường giết nhau trong lặng lẽ bằng dao hoặc bằng lê nhọn. ‘Khi lần đầu tôi giết một tên Đức bằng một con dao’, một chỉ huy đội thám báo Nga thuộc thủy quân lục chiến nhớ lại, ‘Tôi tiếp tục thấy hắn ta trong mơ trong ba tuần sau đó’. Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất lại là trở về lại theo đường thâm nhập.

            Điều may mắn với quân Nga là vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng quần áo mùa đông đã được khắc phục sau thắng lợi của Chiến dịch Sao Thiên vương (Uranus). Hầu hết binh lính đã được nhận găng tay làm bằng da thỏ, quần chần, áo chẽn da cừu và mũ lông xám mà họ sẽ lấy ngôi sao đỏ từ mũ mùa hè gắn sang.

          Một dòng nhỏ nhưng liên tục những người mới đến giúp các sư đoàn phục hồi lại sức mạnh. Đối với những người lính mới, gia nhập những trung đội toàn những người dạn dầy trận mạc luôn gây căng thẳng và tự thất vọng nhưng bù lại những kinh nghiệm thu được lại giúp họ có nhiều cơ hội sống sót hơn là gia nhập những đội quân chưa được tôi luyện. Một khi người lính mới chấp nhận rằng sống sót chỉ là tương đối chứ không phải tuyệt đối, họ sẽ học được cách sống dựa trên từng phút và mối căng thẳng sẽ được giải bớt.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #58 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2015, 11:54:12 pm »

       Đối với một công dân Sô viết trẻ, cái trải nghiệm gây sốc nhất không phải là sự thô lỗ của lính tráng mà lại là việc nói thẳng thừng về chính trị của những người tuyến đầu. Mọi người tỏ ý kiến theo cái cách một người mới đến phải cảnh giác nhìn xung quanh. Họ cho rằng cuộc sống sau chiến tranh phải khác đi. Những cái thứ khủng khiếp đè nặng lên những người làm việc ngoài đồng, trong nhà máy phải được cải thiện, cái đặc quyền tập quyền phải bị hạn chế.
          Tại giai đoạn này của chiến tranh, sự rủi ro bị tố cáo ở tiền tuyến là thật sự nhỏ. Như một cựu binh giải thích: ‘Một người lính cảm thấy rằng, do đang mang máu của mình ra trả, anh ta có quyền nói tự do’. Anh ta sẽ phải cẩn thận hơn nhiều nếu được mang tới bệnh viện dã chiến, nơi cảnh sát và người chỉ điểm rất cảnh giác với bất cứ chỉ trích chế độ nào. (Sự nguy hiểm cũng đến cả với tiền tuyến trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, tiến đánh trong lòng nước Đức. Các nhiệm vụ quân đội gần như kết thúc và bộ phận NKVD đặc biệt, sau đó là SMERSH, không bỏ phí thời gian trong việc áp chế sự khủng bố Stalinist).

       Binh lính tự trêu ngươi bản thân khi nói về thức ăn ở nhà hay những giấc mơ ban ngày. Một số trung đội may mắn có được những người có duyên kể chuyện, tự sáng tác ra những tiếu lâm hiện đại. Họ chơi bài (mặc dù nó chính thức bị cấm) và cờ vua. Bây giờ họ đang ở một chỗ cố định trong một khoảng thời gian, đáng để đào đục ra những đồ tiện nghi hay trang trí. Họ hồi tưởng mọi thứ. Người Mátxcơva thường nói về thành phố của họ, không quá nhiều đến mức gây ấn tượng cho những người đồng chí ở vùng nông thôn, nhưng quá cái mức nhớ nhà khi họ sống trong thảo nguyên trống rỗng.

          Viết về nhà là việc “rất khó”, một trung úy hải quân của thủy quân lục chiến thú nhận. “Không thể” nói về sự thật. “Binh lính ở tiền tuyến không bao giờ gửi tin buồn về nhà”. Bố anh ta giữ lại mọi bức thư của anh, và khi anh ta đọc lại chúng sau chiến tranh, anh thấy chúng hầu như không có thông tin. Nói chung, một bức thư gửi về nhà thường bắt đầu bằng bài cam đoan với các bà mẹ - ‘Con vẫn sống và khỏe mạnh, và chúng con ăn tốt’ – nhưng cái hiệu quả này cũng cho thấy họ đã sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình cho Đất mẹ.

          Trong trung đội, họ đùa cợt, trêu chọc, chòng ghẹo lẫn nhau nhưng hiếm khi ác độc giữa những người cùng cấp. Điều đáng ngạc nhiên là sự thô lỗ cũng ít. Họ chỉ nói về các cô gái ‘chỉ những lúc có tâm trạng đặc biệt’, đó thường là khi tâm khí của họ được kích thích bởi khẩu phần vodka hoặc nghe bài hát nào đó. Mỗi đại đội thường có ít nhất là một bài nhạc để củng cố chí khí. Một bài hát yêu thích của Hồng quân quanh Stalingrad vào những tuần cuối của năm 1942 là bài Zemlyanka (‘Cái hầm’), một bản phóng tác tiếng Nga dựa trên bài Lili Marlene và có phần giai điệu tương tự. Bài này do Aleksey Surkov sáng tác vào mùa đông năm trước – đôi khi được gọi với tên lấy từ đoạn nổi tiếng nhất là “Bốn bước cách Thần chết” – lúc đầu bị qui kết là dao động bởi vì tâm trạng của nó ‘bi quan quá mức’. Thế nhưng Zemlyanka lại rất phổ biến trong các đội quân tiền tuyến nên Ủy viên nhân dân buộc phải đánh giá lại.


           TRONG HẦM SÂU


           Lửa vẫn cháy sáng sưởi nơi đây hầm sâu
            Nhựa gỗ cháy rơi như những giọt nước mắt
            Mà hầm sâu phong cầm vẫn vang êm đềm
            Và thầm nhắc anh về mắt, môi em cười.
            Nhắc luôn về em, bao khóm cây với anh
            Giữa cánh đồng tuyết trắng giáp Mát-xcơ-va
            Mà cầu mong sao để em sẽ nghe được
            Giọng buồn đến thế nào chốn đây của anh.
            Mà nay em đã xa, ôi thật là xa
            Nằm giữa hai ta, bao cánh đồng tuyết trắng
           Về cùng em biết rằng có đâu dễ dàng
            Còn thần chết thì gần, bốn bước thôi mà
            Hát lên đàn ơi, trêu bão tuyết đang rơi
            Hãy gọi về đây hạnh phúc nơi xa xôi
            Hầm lạnh sao, nhưng lòng anh ấm lên rồi
            Từ tình tháng năm dài sắt son của em.


           Ở trong Kessel, kỷ luật của Tập đoàn quân VI vẫn được duy trì nghiêm ngặt. Trong lúc đó Hitler, trong một sự cố gắng như thông thường nhằm tăng cường sự trung thành, đã bắt đầu cất nhắc và ban thưởng rộng rãi huân chương. Paulus được thăng cấp lên hàm Đại tướng.

           Đối với binh lính, nguồn an ủi chủ yếu chính là lời hứa của Quốc trưởng rằng ông ta sẽ làm mọi thứ để đảm bảo họ sẽ được giải thoát. Sự thật, tướng Strecker đã nhận thấy là binh lính phàn nàn rất ít về khẩu phần giảm sút thảm hại bởi vì họ cho rằng họ sẽ nhanh chóng được cứu.

          Trong một trong những chuyến viếng thăm tiền tuyến của ông ta, một lính canh giơ tay áp tai để nghe tiếng pháo bắn ở xa. ‘Hãy lắng nghe này, tướng quân,’ anh ta nói. ‘Nhất định đây là lực lượng giải cứu chúng ta đang đến đấy’. Strecker đã bị ấn tượng rất mạnh. ‘Sự tin cậy của một người lính Đức bình thường đã sưởi ấm trái tim”, ông ta ghi chú.

            Thậm chí các sĩ quan chống phát xít cũng không tin rằng Hitler dám bỏ rơi Tập đoàn quân VI. Đòn giáng vào chế độ và tinh thần của hậu phương nước Đức quá lớn, họ đưa ra lý do. Mặt khác Giáng sinh và Năm mới đang đến gần đã kích thích niền tin rằng mọi sự sẽ trở nên tốt hơn. Thậm chí con người hoài nghi Groscurth cũng đã lạc quan hơn. ‘Mọi vật dường như đỡ ảm đạm hơn một chút’, ông viết, ‘và mọi người bây giờ có thể hi vọng rằng chúng ta sẽ thoát khỏi cái bẫy này’. Nhưng ông ta vẫn coi Stalingrad là ‘Schicksalsstadt’ – ‘thành phố của định mệnh’.


-------------------------------- 

         (1) Các con số lúc đó và tìm hiểu về sau đều khác nhau khá nhiều, đôi khi họ không tính đến quốc tịch. Con số không nhất quán lớn nhất là quân số Hiwis 51,700 người được các sư đoàn báo cáo giữa tháng 11 và 20,300 người được Tập đoàn quân 6 báo cáo khẩu phần 6/12. Khó mà biết được sư chênh lệnh đó là do thương vong lớn, do Hiwis tranh thủ cơ hội trốn thoát trong cuộc rút lui cuối tháng 11 hay là người Nga được đã được tách ra khỏi các sư đoàn.

        Qua các cuộc chiến đấu phía tây sông Đông và ở sườn bắc, Quân đoàn XI của Strecker chịu nhiều tổn thất nhất. Sư đoàn bộ binh 44 Áo mất gần 2000 người, Sư đoàn 376 là 1600 và 384 là hơn 900. Các sĩ quan khắp Tập đoàn quân VI ngồi xuống các bàn tạm bợ trong các hầm ngập trong tuyết, viết dưới ánh nến cho họ hàng của họ: “Tôi có nhiệm vụ buồn thông báo với quí vị rằng…”.


Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #59 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2015, 01:03:39 pm »

                                                                                     XVIII


                                                            DER MANSTEIN KOMMT -  “ NGÀI MANSTEIN ĐẾN!!”


              Tuyết bắt đầu rơi dày trong những ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 12. Tuyết lấp đầy các khe rãnh, buộc những ai trú trong những chiếc hang đào vào hai bên vách núi phải dọn đường đi ra. Tất cả xe cộ chỉ còn lại chút xíu nhiên liệu, ngựa kéo xe bị đói đến nỗi sức lực của chúng không còn đủ để vượt những ngọn đồi nhỏ nhất. Cha tuyên úy Altmann của sư đoàn bộ binh 113, sau khi cưỡi trên một con đã ghi nhận lại “Tôi không thể cưỡi tiếp bởi con ngựa không thở nổi và nó không thể chịu được dù là chỉ một người nhẹ cân nhất

           Altmann bị ấn tượng mạnh bởi những cậu lính trẻ đáng thương ở trung đoàn ông đến thăm. Câu hỏi đầu tiên của họ hoàn toàn có thể đoán biết trước: “Khi nào chúng con được ăn nhiều hơn?”. Ông cũng ghi nhận rằng dù chỉ mới ở tuần thứ hai của tháng 12, nhưng “những căn hầm tội nghiệp của họ ở giữa cái thảo nguyên trơ trọi này đã được trang trí cho mùa Giáng sinh”. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn, ông nhận được một cú điện thoại nhắc nhở ông về một nhiệm vụ không-mang-tính-Giáng-sinh. “Sáng mai, lúc bình minh, xử tử một lính Đức (19 tuổi, tội tự thương).”

         Dù tất cả binh sỹ đều bị đói kém nghiêm trọng, nhưng họ vẫn không có chút ý niệm nào về mức độ nghiêm trọng của vấn đề hậu cần với Tập đoàn quân VI. Hitler, khi lệnh cho Paulus giữ nguyên vị trí, đã hứa rằng sẽ có hơn 100 phi cơ vận tải Junkers 52 để cung cấp hậu cần, nhưng trong suốt tuần đầu của chiến dịch cầu hàng không kể từ ngày 23 tháng 11 trung bình có không quá 30 chiếc mỗi ngày. Có 22 chiếc bị mất do các hoạt động thù địch và rơi trong ngày 24 tháng 11, 9 chiếc khác bị bắn hạ trong ngày hôm sau. Những chiếc Heinkel 111 phải bỏ các nhiệm vụ ném bom trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm thay thế cho chỗ thiệt hại đó. Tướng Richthofen gọi điện Jeschonnek ba lần để cố thuyết phục ông ta rằng họ thiếu máy bay vận tải cho công tác không vận hậu cần của Tập đoàn quân VI. Nhưng không thể liên lạc được với Goering. Ông ta đã đi Paris rồi.

            Việc không vận không thể đáp ứng được chút gì như số lượng tối thiểu đã hứa là 300 tấn mỗi ngày. Chỉ 350 tấn đến nơi trong cả một tuần. Mà trong 350 tấn, chỉ có 14 tấn thực phẩm cho một lực lượng vào thời điểm đó còn 275,000 người. Ba phần tư tổng tải trọng là xăng dầu, mà một phần được dùng cho chính những chiếc phi cơ của không quân Đức đóng tại Pitomnik nhằm bảo vệ máy bay vận tải khỏi những chiếc tiêm kích Nga. Những chiếc Messerschidtts ở Pitomnik, tuy vậy, giờ phải đối diện với nỗi sợ về số lượng bị áp đảo cũng như điều kiện bay kinh khủng. Một phi công bị bắt đã nói với nhân viên thẩm vấn NKVD rằng, khi bay từ Pitomnik trong một nhiệm vụ hộ tống, chiếc Me-109 của anh đã bị cắt rời và tấn công bởi 6 chiếc tiêm kích Nga.

           Trong tuần thứ hai, đến ngày 6 tháng Mười hai, 512 tấn (chưa tới một phần tư lượng tối thiểu) được tải đến bởi trung bình 44 máy bay vận tải mỗi ngày. Và chỉ có 24 tấn lương thực. Càng lúc càng nhiều súc vật kéo bị mổ thịt để bù đắp cho chỗ thiếu. Binh lính nhìn thấy khẩu phần thu nhỏ nhanh chóng, nhưng họ tự thuyết phục mình rằng tình hình này sẽ không còn lâu. Họ ngưỡng mộ lòng dũng cảm của các tổ lái không quân Đức và đặc biệt yêu mến “Tante Ju” – những chiếc Junker ba động cơ đã di tản thương binh ra và mang thư họ về nhà, ở Đức. “Con ổn và mạnh khỏe” họ viết trong tháng 12, trấn an gia đình, “Không việc tệ hại nào có thể xảy ra,” một điệp khúc thường xuyên khác “Đừng lo lắng vì con, con sẽ sớm về nhà an toàn và lành lặn”. Họ vẫn hi vọng vào một phép màu Giáng sinh.

           Trong khi đó, Stalin, đang hy vọng vào một cú đánh quyết định thứ hai, gần như ngay lập tức sau khi hợp vây Tập đoàn quân VI. Chiến dịch Uranus chỉ là phần đầu của kế hoạch tổng thể. Phần thứ hai, và là phần tham vọng nhất, chiến dịch Sao Thổ. Đây là tên gọi của trận tấn công bất ngờ của hai phương diện quân Tây – Nam và Voronezh, xuyên qua tập đoàn quân Ý số 8 và tiến về phía nam đến Rostov. Ý tưởng là cắt phần còn lại của cụm tập đoàn quân sông Đôn và vây Tập đoàn quân xe tăng số 1, tập đoàn quân số 17 trong khu vực Caucasus.

            Ngay cả trước khi Tập đoàn quân VI bắt đầu đào hầm hào cố thủ trong thảo nguyên giữa sông Don và sông Volga, tướng Vasilevsky đã thảo luận phần kế tiếp với tư lệnh Phương diện quân Voronezh và Pphương diện quân Tây Nam. Ông đã đệ trình kế hoạch ban đầu lên Stalin vào đêm 26 tháng 11. Ngày dự kiến triển khai chiến dịch Sao Thổ, để có thể tái bổ sung và tái bố trí lực lượng, là ngày 10 tháng 12. Stalin đồng ý, và bảo ông ta tiến hành. Một mối bận tâm trước mắt phải được xác định đầu tiên. Đó chính là câu hỏi Manstein sẽ phản ứng như thế nào để cứu Tập đoàn quân VI.

            Stalin bắt đầu thể hiện cơn bệnh nôn nóng của mình. Ông muốn mọi thứ phải diễn ra cùng lúc – cả chiến dịch Sao Thổ lẫn việc tiêu diệt nhanh chóng Tập đoàn quân VI. Ông ta cũng đã ra lệnh cho tập đoàn quân Cận vệ 2, đơn vị mạnh nhất của Hồng quân, triển khai ở phía tây Stalingrad, sẵn sàng cho cuộc tấn công về Rostov. Nhưng, như Vasilevsky phát hiện ra trong tuần đầu tháng 12, ngay cả khi có tới 7 Tập đoàn quân Sô viết triển khai đánh thì các sư đoàn của Paulus vẫn khó bị tiêu diệt hơn họ tưởng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM