Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:17:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 75280 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:35:07 am »

Anh Thanh, anh Dực, anh Hoàng Anh, tôi và một số đồng chí nữa trèo lên mặt thành gần cửa Tượng Tứ, quan sát. Nghe tiếng súng, đồng bào ở trong Thành cũng ùa ra phía bờ sông, đứng xem rất đông. Bên kia sông, trong bóng đêm không trăng sao, đạn bay chằng chịt đỏ rực khắp nơi. Tiếng hò reo ầm ĩ xen với tiếng súng nổ thành một tiếng động rung trời chuyển đất mà chốn cố đô chưa từng nghe thấy bao giờ. Không phải chỉ bộ đội đang đánh nhau hò reo, mà hầu như tất cả nhân dân trong thành phố hò reo; phía trên, phía dưới, bên này sông, bên kia sông. Những tiếng “Xung phong! Giết! Giết!, những khẩu hiệu thét lên khi luyện tập quân sự ở thao trường giờ cũng bật lên trước cửa miệng, tưởng chừng như đang xáp chiến với giặc, tuy còn đứng rất xa. Tất cả bầu máu nóng, chí căm thù trong lòng bật lên thành tiếng nói, tiếng hô, tiếng hò reo, có khi át cả tiếng bom đạn… Trước cái tiếng động ầm ầm như giông tố ở một góc thành phố ấy, người tôi nóng rực. Tôi nghĩ thầm, đúng là chiến tranh toàn dân.

Bên kia sông, một ngọn lửa bỗng phụt lên, càng lúc càng to, càng cao, sáng rực cả một góc trời. Tiếng hò reo vang dậy:

- Kho xăng ở trường Khải Định cháy rồi! Cháy rồi!

Ngọn lửa đỏ bừng bừng chiếu sáng rực cả giòng sông Hương như mặt trời đang mọc. Lúc bấy giờ tôi mới thấy rõ bà con đang xem bên này sông đông quá. Họ cứ đứng thẳng trên bờ, dọc vườn hoa, chẳng cần núp lén gì tuy ở đấy có nhiều hầm hố và giao thông hào… Tôi nghĩ bụng bà con mình quá chủ quan, chả biết sợ là gì. Lỡ bên kia nó bắn sang thì sao? Nhưng rồi tôi lại nghĩ: giặc bây giờ đang lo đối phó với cuộc tấn công của ta ngay trước mặt, nghĩ đâu đến chuyện bên này…

Gần sáng, tiếng súng dịu đi… tiếng hò reo cũng giảm dần. Chúng tôi về trụ sở. Một sĩ quan của trung đoàn đến báo cáo tình hình chiến sự vừa xảy ra.

Ở Bến Ngự ta đã chiếm khách sạn Thanh Minh. Ở đầu cầu Nam Giao, ta phá hủy hai xe thiết giáp. Quân ta từ trường Đồng Khánh đánh vào trường Khải Định đốt cháy một kho xăng. Một chiếc xe xít-cút-ca của giặc chạy qua cầu ga bị ngay một quả mìn của tự vệ nổ tung, cả lính lẫn xe rơi tõm xuống nước. Bộ đội ta ở trường Kỹ nghệ đã chiếm ngã năm phá một xe thiết giáp và một xe vận tải địch. Một đơn vị địch có xe thiết giáp đi trước, ở trường Thiên Hựu kéo sang định chiếm nhà máy điện. Ta giật bom phá xe thiết giáp và giết hơn 40 địch. Bọn giặc phải tháo lui.

Tin chiến thắng ban đầu làm cho chúng tôi rất vui.

Sáng hôm đó, các đơn vị chiến đấu đêm qua rút về nghỉ nhường cho đơn vị khác đến bao vây địch.

Sau này, anh em kể lại nhiều chuyện rất cảm động. Ở Bến Ngự, có một bác khoảng gần năm mươi tuổi làm nghề kéo xe tay thuê. Lúc đó, bác đã ngủ rồi. Nghe tiếng súng nổ, bác vùng dậy, kéo xe đi, về hướng trường Khải Định nơi đang có tiếng súng nổ. Thấy đang đánh nhau, bác hạ xe xuống, núp vào sau gốc cây ngồi đợi. khi ngọn lửa bùng lên, bác thấy phía đầu đường có hai người cõng nhau nép vào bờ tường chạy. Đoán là thương binh, bác đứng dậy, kéo chiếc xe tay chạy tới, mặc dầu đạn đang nổ tơi bời phía trước. “Ngồi lên đây, tôi kéo đi”. Thấy hai người còn ngần ngừ, bác giục: “Mau lên”. Anh bộ đội liền cúi khom xuống, nhờ bác đỡ người bạn trên lưng. Anh ấy đã mê man, máu chảy đầy người. Bác cùng anh bộ đội đỡ người ấy lên xe, và bảo anh bộ đội cùng ngồi để giữ bạn. Rồi bác nắm lấy càng xe, hỏi:

- Về mô?

- Về Bến Ngự!

Bác cắm đầu chạy giữa lúc bọn giặc đang bắn lung tung bốn phía. Về đến trạm cấp cứu, đã có hai cô nữ sinh chạy ra khiêng anh ấy vô. Bác lại nắm lấy càng xe chạy đi, chẳng chào ai cả. Bác trở về trường Khải Định. Bác lại chở một anh thương binh thứ hai. Nhưng lần này, vừa chạy được một đoạn thì chính bác bị trúng đạn, ngã xuống. Anh bộ đội kèm theo bạn vội nâng bác lên xe và kéo bác cùng với bạn về trạm cấp cứu.

Những chuyện cấp cứu thương binh kiểu như vậy xảy ra khá nhiều nơi. Chuyện bà con giúp đỡ bộ đội thì chỗ nào cũng như nhau: khi bộ đội kéo về, tất cả bà con nơi đó kéo ra đầy đường, đầy ngõ. Người thì lôi anh này, kẻ thì lôi anh kia vào nhà mình ở. Rồi thì đủ thứ: trong vườn có quả gì chín hái sạch; cam quýt, chuối, mãng cầu, dâu gia… Trong nhà có gì ăn được đưa ra tất: kẹo, bánh, xôi chè, cháo gà, cháo bồ câu, thịt heo, thịt bò… Bà con cũng đã được báo trước rồi. Họ đã sắm sửa tất cả mọi thứ trước khi bộ đội về.

Khổ thân nhất vẫn là những anh bộ đội bị thương nhẹ. Những anh nặng đã được đưa vào các trạm cấp cứu. Thôi thì, tất cả các mẹ, các chị, các cô em gái xinh xinh đổ tới vuốt vuốt, ve ve, xuýt xuýt, xoa xoa. Nhiều người rơm rớm nước mắt. Rồi những chiếc khăn tay hồng, khăn tay tím, khăn tay xanh, buộc chồng lên vết thương anh bộ đội, tuy chỉ mới xướt da chảy máu mà tường như trầm trọng nguy nan lắm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:35:36 am »

Có người kể cho tôi nghe một câu chuyện khá vui và cũng khá tươi mát trong cuộc đời:

Một anh chiến sĩ trẻ, trong lúc đánh nhau, bị một viên đạn địch xướt qua cánh tay trái mất một mảng thịt. Anh này quê ở ngoại ô thành phố. Trước khi vào bộ đội, anh học ở trường Khải Định, năm thứ ba, thứ tư gì đấy, ban cao đẳng tiểu học. Ở quê anh, nam nữ học sinh ở hai trường Đồng Khánh và Khải Định khá đông. Nữ thì học trường Đồng Khánh, nam thì học trường Khải Định. Anh yêu thầm một cô gái học ở trường Đồng Khánh nhưng anh chưa dám thổ lộ tâm tình. Thế rồi cách mạng tháng Tám thành công, anh “xếp bút nghiên theo việc kiếm cung”, vào bộ đội… Đây là trận đầu tiên trong đời chinh chiến của anh. Và anh đã bị thương. Sau trận đánh, đơn vị rút về ngay vùng quê anh. Bà con đổ xô lại, trong đó có cả người anh trộm nhớ thầm yêu. Cô ta đến, nhìn vết thương của anh đã băng bó nước mắt rơm rớm, không nói gì. Cô về. Chiều lại đến. Trong tay cô ta cầm một miếng vải hồng xếp vuông vắn. Anh chiến sĩ trẻ đang nằm trên giường, thấy bạn, liền ngồi dậy. Cô đến trước mặt anh, đưa mảnh vải hồng, nói:

- Liên biếu anh Thuyên chiếc khăn để khi bị thương mà buộc.

Cô gái tên Liên và anh tên là Thuyên. Thuyên cầm lấy chiếc khăn, cười:

- Thế Thanh Liên muốn tôi bị thương lần nữa à!

- Không, Liên nói thế thôi! - Rồi cô tay quay lưng về ngay, chẳng chào hỏi gì cả. Thuyên ngạc nhiên nhưng rồi cũng chẳng gọi, chẳng đi theo, nằm xuống. Anh mở chiếc khăn ra xem. Anh bỗng thấy trên mảnh lụa hồng có mấy câu thơ thêu bằng chỉ tím:

      Công chúa Ngọc Hân yêu Nguyễn Huệ
      Phải chăng vì sự nghiệp anh hùng?
      Em cũng yêu những chàng trai trẻ
      Lẫy lừng sự nghiệp như Quang Trung


Phía dưới bài thơ có chữ T và L viết hoa và một dấu chấm. Sau đó anh cất kỹ chiếc khăn trong túi áo trên. Một vài anh em lúc đó ở nhà thấy cô gái đến tặng anh một chiếc khăn, đòi xem, nhưng anh nhất định không cho. Anh em liền đè anh ra, lấy chiếc khăn, xem cho kỳ được. Từ đó, mấy câu thơ lan khắp đơn vị và đến tai chúng tôi.

Ngày hôm ấy, ta chỉ bao vây các nơi địch đóng, không đánh. Địch cũng chỉ tung một vài toán nhỏ ra thăm dò, bị ta chặn lại, chúng lại rút lui.

Tối đến, ta lại đánh vào các vị trí địch. Lần này tiếng súng ít hơn, nhưng tiếng hò reo, tiếng “Xung phong! Giết! Giết!” vẫn ầm ầm như đêm trước.

Ngày thứ ba cũng vậy.

Qua ngày thứ tư, Ủy ban Quân-Dân-Chính họp dưới quyền chủ tọa của anh Thanh. Hội nghị kiểm điểm lại tình hình chiến sự mấy ngày qua. Hội nghị thống nhất nhận định rằng: bộ đội và dân quân chiến đấu rất dũng cảm, nhân dân rất hăng hái và hết lòng giúp đỡ bộ đội đánh giặc cứu nước. Nhưng về lối đánh, cách đánh thì hội nghị thấy rằng chưa phù hợp. Địch cố thủ trong các vị trí kiên cố, ta đánh như vậy, có tiêu diệt chúng cũng chẳng được bao nhiêu. Cuối cùng, sau khi thảo luận, hội nghị thống nhất chia vùng chiến sự ra thành ba khu vực. Khu A, vùng nội thành bên này sông. Khu B, từ cầu Tràng Tiền đến miếu Đại Càng. Khu C từ cung An Định đến nhà ga. Đơn vị phụ trách khu vực nào có nhiệm vụ kiểm soát, bao vây địch đóng trong khu vực đó, không cho chúng ra ngoài, không cho chúng liên lạc với nhau, đồng thời ngày đêm tổ chức quấy rối làm cho chúng mất ăn, mất ngủ. Trong quá trình đó, tổ chức lại, đánh tiêu diệt từng bộ phận chúng những khi có điều kiện.

Lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng cứ làm như vậy một thời gian, địch sẽ hết lương ăn, hết đạn dược, sinh ốm đau, mệt mỏi, tất phải ra hàng, hoặc bị ta tiêu diệt hoàn toàn.

Nhưng thực tế, không phải như thế. Lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men, chúng đã dự trữ khá đầy đủ để đề phòng cuộc vây hãm lâu ngày của quân ta. Chúng lại có phương tiện thông tin liên lạc với các nơi, nên mặc dầu bị quân ta bao vây, công kích liên tục, chúng vẫn cố thủ trong các nhà nhiều tầng kiên cố, bảo toàn lực lượng và chờ viên binh đến để phản công.

Thấy bao vây lâu mà không kết quả mấy, có đồng chí nêu lên sáng kiến lấy rơm trộn ớt bột hun quanh nhà, như ta hun chuột trong hang, làm cho địch chết ngạt.

Thế là ủy ban ra lệnh huy động nhân dân góp rơm, ớt để đánh Pháp. Chỉ trong một ngày hàng ngàn gánh rơm và hàng mấy trăm thúng ớt được mang đến. Tối đến, anh em dân quân đem chất đầy xung quanh khách sạn Mô-ranh nơi giặc đóng, rồi rắc ớt, châm lửa đốt. Lửa cháy rừng rừng, khói đen tỏa mù mịt như một đám cháy rừng khắp trong thành phố. Nhưng bọn địch không chết ngạt. Chúng chui cả lên gác hai đóng cửa kín bên trong lại, nên khói chỉ vào chút ít, không nguy hiểm gì đáng kể. Thế là “chiến thuật rơm ớt” cũng không ăn thua.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:36:04 am »

Đêm 25 tháng 12, hai chục chiến sĩ cảm tử của ta do trung đội trưởng Ngọc chỉ huy, đột kích vào nhà bưu điện, ném lựu đạn qua cửa sổ giết chết vài chục tên đang ngủ. Khi rút về sở công chính thì trời sáng. Bọn địch dùng pháo và thiết giáp phản kích. Anh em chống trả rất dũng mãnh, nhưng rồi bị hy sinh gần hết. Chỉ còn ba đồng chí thoát được, vượt sông Hương về.

Tối hôm sau, hai tiểu đội, do đại đội trưởng Hoàn chỉ huy tấn công vào nhà hàng Sáp-phăng-giông. Ta giết được một số, nhưng khi rút, đến gần nhà tên mật thám Xô-nhi thì bị quân địch chặn đánh. Quân ta đánh trả lại kịch liệt. Đến khi hết sạch đạn, ta mới chịu phá hết súng rồi hy sinh.

Để trả thù cho đồng đội, tối hôm sau, một trung đội vệ quốc quân mang bốn quả bom và nhà Mô-ranh. Một cảm tử quân của ta đã lẻn vào đốt một kho xăng cạnh đấy. Địch vội vàng chạy ra để cứu chữa. ta nổ bom giết hơn năm mươi tên, cướp được tám khẩu súng rồi nhanh chóng rút ra khỏi trận địa.

Sau những trận này, địch dùng pháo bắn sang phía bắc sông Hương. Chúng bắn rất nhiều vào trong Thành nội nơi các cơ quan tỉnh đóng. Nhà dân bị hư hỏng một số. Nhà tôi ở cũng bị trúng đạn, sập một góc mái nhưng không ai việc gì.

Không may cho chúng ta, “ông già 75” bị một mảnh đạn làm móp miệng nòng. Nghe tin, anh Hà Văn Lâu ức lắm. Anh cho gọi anh em ở công binh xưởng đến chữa. Nghiên cứu mãi, anh em thấy chỉ còn cách cưa chỗ móp vứt đi. Từ đó, khẩu pháo mang thêm một cái tên là “ông già cụt nòng”. Sau khi chữa xong, anh Lâu cho thử. Anh cho kéo đến bên này sông, bắn ba phát vào nhà Mô-ranh bên kia sông. Ba phát trúng hai, trượt một, giết chết được số lính và phá hỏng một khẩu pháo 57 ly.

Ban Thường vụ tỉnh ủy chủ trương tiêu diệt một số lớn giặc Pháp trước khi chúng có viện binh đến. Nhưng chúng cứ cố thủ trong các nhà kiên cố. Sau khi bàn bạc, anh Lâu quyết định cho “ông già cụt nòng” sang sông phá bớt một số nhà kiên cố. Thế là, ban đêm anh em kết thuyền đưa pháo sang sông. Ông già khạc đạn, hạ sập một số nhà ở trường Dòng, nhà Mác-lớp… Anh em muốn đem đến bắn vào nhà Mô-ranh, nhưng khu vực đó đông lính, sợ chúng cướp mất, anh Lâu không cho. “Ông già” lại trở về bên này sông.

Tiếng “ho” của “ông già cụt nòng” làm cho bọn địch rất khiếp sợ. Trái lại, bà con rất thích. Chỗ nào cũng nói đến chuyện “ông già”, rất nhiều chuyện y như chuyện cổ tích.

Tiếc rằng, “ông già” rất ít đạn, nên không ra oai mãi được.

Anh em có người nảy ra sáng kiến: dùng súng thần công thay đại bác. Những khẩu súng thần công đó, xưa kia, triều đình Huế dùng để trang trí đặt ở hai dãy nhà trước cửa Ngọ Môn, sát cửa Ngăn - Cửa này chỉ dành cho vua đi mỗi khi tế Nam Giao ba năm một lần, còn thì quanh năm đóng im ỉm. Các khẩu súng này đúc từ bao giờ và để làm gì thì tôi không biết chính xác. Người thì bảo đúc từ thời Gia Long đánh Tây Sơn, người thì bảo đúc từ thời Minh Mạng cùng lúc với xây cung điện, làm đồ trang trí. Thời nào thì thời trước đây dùng làm gì thì làm, bây giờ, thấy nó giống như khẩu đại bác, anh em muốn dùng nó để đánh giặc. Anh em nghĩ ra cách đánh, bỏ một quả đạn gang hay đạn cối vào nòng, cho vào đó một ít thuốc súng, muốn bắn xa thì cho nhiều, muốn bắn gần thì cho ít, tiếp theo đó làm một cái ngòi như ngòi pháo, cho nhú ra đít nòng. Khi bắn, người pháo thủ đốt ngòi, thuốc súng sẽ cháy và đẩy quả đạn đi.

Về lý thuyết nghe cũng đúng, anh em đem ra làm thử. Hôm thử, chúng tôi cũng có đến xem. Trong đêm tối, quả đạn lừ lừ đi ngoằn ngoèo trên không, anh em không nhịn cười được. Quả đạn rơi không chính xác, phần nhiều rơi xuống sông. Về sau chúng tôi không dùng nữa.

Suốt cả thời gian đó, quân ta vẫn bao vây và ngày đêm liên tục công kích, nhưng không có trận nào tiêu diệt đáng kể. Tuy vòng vây chúng ta không vững chãi lắm nhưng địch cũng không tổ chức những trận phản kích phá vây. Chúng luôn luôn cố thủ. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra trong thế giằng co. Địch không làm gì được ta và ta tiêu diệt địch cũng chẳng được bao nhiêu.

Sau hơn năm mươi ngày bị vây hãm, địch tiếp viện.

Chúng chia làm hai cánh: cánh thứ nhất, phía bắc, có một nghìn quân từ Lào, theo đường 9, đánh vào Quảng Trị. Cánh này đã bị Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật của Quảng Trị chặn đánh.

Cánh thứ hai, phía nam, có năm nghìn quân, được máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ, đổ bên lên Lăng Cô, tiến ra thành phố Huế.

Một cuộc hành binh vô cùng tàn ác đã xảy ra. Hình như bọn Pháp muốn đem tất cả súng đạn còn lại sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đổi lấy mảnh đất Đông Dương này. Trước cuộc hành quân, chúng đã cho máy bay thả xuống hàng trăm quả bom đủ loại, bom nổ, bom cháy, bon na-pan dọc con đường chúng sẽ đi qua. Khi đại bác nổ liên hồi, tiếp đến xe tăng khạc lửa hai bên đường đi. Gặp rừng, cây đổ, lá rụng tơi bời. Gặp làng mạc, nhà cửa, tre pheo bốc cháy, khói đen từng ụ cao, ùn ùn, dựng lên ở giữa trời xanh. Giặc đi đến đâu là biết đến đấy, dù đứng rất xa. Vào đến làng nào, thấy người, thấy heo, thấy gà, thấy trâu bò, chúng bắn hết. Đội tiền vệ của chúng là những đội com-măng-đô, lính tình nguyện của chúng, lấy đồng tiền làm lẽ sống. Bọn này chúng đã mua được ở các nước châu Phi, ở Đức, ở Anh… Hơn nữa, chúng rất sợ những lính “sao vuông” của ta, những du kích, những cảm tử quân đã cho chúng những bài học đích đáng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, ở đồng bằng Nam bộ, cũng như ở các tỉnh cực nam Trung bộ. Một lý do khác nữa là chúng muốn lấy chết chóc, bom đạn để uy hiếp tinh thần của nhân dân ta.

Đường sắt chúng ta đã hất đi nhiều đoạn. Đường quốc lộ chúng ta cũng đã đào ngang xẻ dọc. Một chiếc xe bò cũng không thể đi qua.

Ở phía nam tỉnh, ta có một tiểu đoàn nhưng quân số không đầy đủ. Cả tiểu đoàn chỉ có khoảng ba, bốn trăm người. Vũ khí cũng ít. Đại đội Quách Sĩ Kha, đại đội chủ lực, chỉ có hơn 10 khẩu súng, một ít lựu đạn, còn thì mã tấu, đại đao. Khoảng ba, bốn trăm người với vũ khí như vậy mà phải ngăn chặn 5.000 địch được trang bị đến tận răng!

Nhưng bọn địch tiến quân cũng không phải dễ dàng. Đến gần đèo Phước Tượng, mấy cảm tử quân của ta đã chôn bom, chờ sẵn. Họ đã nấp mình dưới một hốc núi mà bọn địch không thể ngờ được. Chiếc xe tăng đi đầu vừa đến, bị nổ tung. Họ ném lựu đạn giết thêm một số rồi chạy vào rừng.

Giặc đến Mũi Né cũng bị đại đội Quách Sĩ Kha từ trong rừng vận động ra đánh địch. Bị đánh bất ngờ, địch vội vã lui để lại khá nhiều xác chết.

Nhưng rồi quân giặc vẫn tiến. Chúng tiến chậm chạp, lo âu. Chúng rất sợ những quả mìn, những hố chông nơi làng mạc mà xe tăng của chúng không thể lướt qua…

Ngày 20 tháng 1, chúng đổ thêm quân vào cửa Tư Hiền và chia nhiều cánh tiến vào thành phố Huế.

Súng giặc bốn phía nổ vang trời, dậy đất. Bom từ trên trời rơi xuống. Đạn pháo từ ngoài xa dội vào. Nhân dân hoang mang chạy tán loạn. Rời thị thành về nơi nông thôn lánh nạn. Bây giờ, nông thôn cũng lửa khói tơi bời, biết chạy về đâu? Người gồng gánh, trâu bò, lợn gà, ùn ùn hướng lên miền Tây, nơi núi rừng thăm thẳm.

Trước cuộc tấn công nhiều mặt của giặc, trong đánh ra, ngoài đánh vào, bộ đội ta vượt qua dòng sông Hương về phía Bắc.

Mấy hôm sau, giặc lại vượt qua Tuần ra phía Bắc. Một mặt, chúng đổ bộ ở Lại Ân để ngăn chặn quân ta. Bộ đội ta, tán loạn, chạy lên rừng tạm lánh…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:36:51 am »

IV. KHI BÓNG ĐÊM TRÙM XUỐNG

Trước khi quân tiếp viện địch vào Huế vài ngày, tôi được lệnh anh Nguyễn Chí Thanh lên Trò kiểm tra lại việc chuẩn bị chiến khu để rời cơ quan lên đó. Lúc nhận lệnh, tôi bỗng nhớ lại bài học lịch sử anh Minh dạy cho lúc ở trong tù. Khi Tôn Thất Thuyết chuẩn bị đánh Tây, quan tướng cũng đã sai chuẩn bị sơn phòng Tân Sở, phòng khi rút lui, có chỗ tựa quân.

Tôi lên ô-tô đi Cổ Bi, rồi ngược sông Bồ lên Trò. Vượt qua biết bao nhiều khe suối và cánh rừng rậm hoang vu, tôi đến một thung lũng bằng phẳng, ở đó có mấy căn nhà lá dài mới dựng. Một số anh em thanh niên đang chẻ tre làm sạp để nằm. Tôi gặp anh Lê Tự Đồng đã được anh Thanh phái lên đây từ trước để chuẩn bị chiến khu.Trong lúc trò chuyện, anh Lê Tự Đồng hỏi tôi về cách xây dựng chiến khu như thế nào.Tôi cũng không biết. Tôi mới hiểu một cách đơn giản, chiến khu là nơi cơ quan lãnh đạo và bộ đội ra đóng để tiến hành cuộc kháng chiến. Còn việc xây dựng nó như thế nào, phải có những điều kiện cần thiết gì, địa hình, địa thế, dân cư, nhà ở, đường sá, kho tàng… ra sao, tôi chưa hình dung được.

- Phải về hỏi lại anh Thanh!

Tôi trở về. Khi gần đến Cổ Bi thì gặp một số bà con gồng gánh đi lên, mặt mũi ai nấy bơ phờ, mệt mỏi. Tôi hỏi thì biết giặc đã vào Huế rồi. Họ đi sơ tán. Tôi định hỏi thêm, họ có biết các cơ quan tỉnh đã đi chưa, nhưng rồi tôi nghĩ, chắc họ cũng chẳng biết, nên thôi. Tôi đi thêm một đoạn nữa thì gặp một anh thanh niên có vẻ học sinh, lưng đeo khăn gói, vai vắt một tượng gạo vừa đi vừa hát như đi cắm trại. Thấy anh ta hay hay, tôi đến làm quen:

- Em đi đâu đấy?

- Em đi sơ tán.

- Em ở đâu?

- Em ở Huế.

Nghe nói ở Huế tôi đã mừng:

- Ở Huế, em ở chỗ nào?

- Em ở trong thành.

Tôi càng mừng thêm.

- Em có ở gần cửa Thượng Tứ không?

- Có, em ở ngã tư Anh Danh.

- Thế em có biết nơi cơ quan tỉnh đóng không?

- Có, ngày nào em cũng đi qua, đi lại.

- Em làm gì mà ngày nào cũng đi qua, đi lại?

- Em đi học. Nhưng vì Tây vô, em phải đi sơ tán. Về nhà người bà con ở Cổ Bi. Nghe nói Tây sắp lên Cổ Bi, em lại đi.

- Thế em có biết các cơ quan tỉnh bây giờ đi đâu không?

- Em có gặp anh Nguyễn Chí Thanh và nhiều anh nữa đi lên phía Hòa Mỹ.

Tôi hỏi lại:

- Có đúng là anh Nguyễn Chí Thanh không.

Em học sinh trả lời chắc nịch:

- Đúng, em lạ gì anh ấy. Anh ấy là Bí thư Tỉnh ủy, cả thành phố ai chả biết.

Thế là chắc chắn rồi. Nhưng tôi thầm nghĩ: Tại sao anh Thanh không lên Trò mà lại lên Hòa Mỹ. Hòa Mỹ ta có chuẩn bị làm chiến khu đâu! Tôi lại nghĩ: Có lẽ vì một lý do gì đó mà mình chưa biết. Nếu anh ấy lên Trò thì đã lên rồi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:37:17 am »

Để cho chắc chắn hơn tôi hỏi thêm:

- Em gặp các anh ấy hôm nào?

- Ba hôm rồi. Hôm đó, Tây mới vào bên kia sông.

Thế là đúng. Ba hôm, nếu anh Thanh lên đây thì đã đến rồi.

Tôi quyết định đi Hòa Mỹ. Tôi hỏi em học sinh;

- Em có biết đường đi Hòa Mỹ không?

- Có.

Tôi gợi ý:

- Ta đi Hòa Mỹ đi.

Thấy em ngần ngừ, tôi tán:

- Đi sơ tán thì chỗ mô chả được. Đi với ủy ban, với anh Thanh càng chắc chắn hơn

Tôi nói thêm:

- Anh cũng làm việc một chỗ với anh Thanh đấy!

Thế là em đồng ý.

Thấy một người gánh một gánh gạo đi sơ tán, tôi hỏi mua mười long. Bà ấy đồng ý bán. Tôi liền lấy cái quần bà ba buộc túm gấu lại, đổ gạo vào trong rồi vác lên vai cùng đi với anh thanh niên học sinh. Tôi hỏi thì biết tên em là Hồ…

Muốn lên Hòa Mỹ, phải qua làng Đất Đỏ. Còn cách Đất Đỏ khá xa, bỗng gặp một đoàn người gánh gồng đi đến, chúng tôi hỏi thì biết ở Đất Đỏ, Tây đã lên đóng rồi.

 Tôi rất lo lắng. Phía trước có giặc. Phía sau có giặc. Đi đâu? Tôi sực nhớ ra đây là huyện Hương Trà. Chủ tịch huyện là anh Trần Thanh Chữ, trước đây cùng ngồi tù với tôi ở Buôn Ma Thuột. Tôi mới gặp lại anh ấy một tuần trước đây ở Huế.

Tôi hỏi Hồ:

- Em có biết Ủy ban huyện Hương Trà đóng ở đâu không?

- Hôm trước em thấy sơ tán lên Cổ Bi, nay Cổ Bi Tây đóng, chắc là về Lại Bằng thôi!

- Em có biết đường đến Lại Bằng không?

Hồ cười:

- Đây là vùng quê ngoại em, làng nào em chả biết…

Quả đúng như vậy, Hồ rất quen đường sá và nhiều người ở vùng này. Đến Lại Bằng, tôi gặp anh Chữ trong một nhà dân. Chúng tôi mừng lắm. Anh Chữ cho biết là Tây đã tràn qua đây, và đang tiến ra Quảng Trị. Anh nói thêm: Nhân dân rất xao xuyến. Một số cán bộ, đảng viên rất lo sợ chạy cả lên trên này. Còn bộ đội thì tản mát khắp nơi. Tôi góp ý với anh nên tập hợp họ lại, trấn an và động viên họ trở về để nắm lại dân, khuyên nhủ nhân dân cứ tin vào kháng chiến. Một mặt thu nhặt anh em bộ đội đang tản mát, tổ chức thành đội ngũ, chờ chỉ thị cấp trên. Anh Chữ cùng đồng tình với ý kiến của tôi. Chiều đó, tôi ở lại với anh Chữ. Lúc chập choạng tối, tôi bỗng thấy một tốp khoảng trên mười anh em bộ đội thất tha thất thểu vào làng. Người nào người nấy áo quần rách bươm, vẻ mặt bơ phờ, mệt mỏi. Người có súng, người không súng. Họ đi vào từng nhà, xin gạo nấu cơm ăn. Những nhà ấy đều niềm nở, gọi nhau ơi ới, rồi chạy đi chạy lại nấu cơm và dọn giường dọn chiếu cho bộ đội nằm. Có anh mệt quá, vừa nằm xuống đã thiếp đi. Tôi hỏi thì biết, anh em này thuộc tiểu đoàn mấy hôm trước đây đã bao vây và đánh địch ở phía nam sông Hương. Khi địch tràn vào phía nam, anh em vượt sông sang phía bắc. Ngày hôm sau, giặc ra phía bắc tung lưới bao vây. Anh em vội theo đồng bào chạy tản cư… Chẳng còn ai chỉ huy ai nữa. Các anh ấy xuyên qua làng mạc, chạy lên phía rừng. Gặp đâu xin ăn đấy. Và ai cũng cho. Tôi liền bảo anh em ăn xong, cứ nghỉ ngơi cho khỏe, rồi đi với tôi.

Ba hôm sau, trời còn tờ mờ, anh Chữ đã cho người dẫn chúng tôi theo lối tắt lên Hòa Mỹ. Anh cũng nghe tin anh Thanh, anh Hoàng Anh đã lên trên đó: Anh em bộ đội đi theo tôi gần ba mươi người. Riêng Hồ không đi. Em chỉ muốn đi loanh quanh, khi tạm yên, em sẽ về nhà. Tôi không ép.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:37:58 am »

Băng qua bao nhiêu cánh rừng rậm, chúng tôi đến xóm Hòa Mỹ. Đó là một xóm nhỏ sát bìa rừng, chỉ độ vài chục nóc nhà. Tôi vừa vào xóm đã thấy anh Hà Văn Lâu ngồi với mấy người nằm dưới một mái tranh xiêu vẹo. Tôi mừng quá, reo lên: Anh Lâu! Anh Lâu cũng mừng, đứng dậy ra đón tôi, mới có mấy hôm trông anh khác quá. Đôi mắt sâu xuống có vẻ u buồn. Má hóp hẳn đi. Râu ria mặc lún phún đầy cằm. Trước đây, anh không như vậy: người béo tốt, phương phi, đôi mắt sáng, cằm bao giờ cũng cạo sạch bong.

Tôi hỏi anh về tình hình bộ đội. Anh lắc lắc đầu, buồn bã:

- Tán loạn cả, mới thu được có hơn một trăm!

Anh bỗng nói lảng:

- Đã gặp anh Thanh chưa?

- Dạ chưa, mới vào tới đây! - Tôi nói thêm: có một số anh em bộ đội nữa, nhưng họ đang tắm giặt ngoài sông chưa vào. Lát nữa họ vào sau. Tôi kể lại đám anh em bộ đội cho anh nghe. Mặt anh vẫn đượm vẻ buồn không nói gì.

- Anh Thanh có ở gần đây không?

- Gần thôi, khoảng một cây số. Cứ đi thẳng đường này sẽ đến. Anh chỉ con đường chạy qua trước mặt nhà…

Tôi theo con đường đó đi một quãng đến nhà anh Thanh ở. Anh đang ngồi viết ở một cái chõng con đặt dưới mái hiên. Thấy tôi, mắt anh tươi hẳn lên.

- Tôi đã cho người tìm anh đó. Có gặp không?

- Dạ không! - Tôi trật chiếc dép ngồi ngay bên chõng.

- Lúc đầu, tôi cũng định lên Trò, nhưng thấy trên đó xa quá, giờ đây, chưa cần thiết. Ở đây, gần hơn, chỉ đạo nhanh chóng hơn.

Anh nói luôn:

- Hiện nay, ta có một số việc rất gấp phải làm. Một là phải củng cố nơi này làm chiến khu cho tốt. Hai là, phải chỉnh đốn lại tổ chức. Anh Lưu sắp phải ra khu bốn công tác, anh sang thay anh Lưu làm chính ủy trung đoàn.

Anh đưa mắt nhìn thẳng vào mặt tôi như đợi tôi nói một câu gì, nhưng tôi ngồi im. Anh nói tiếp.

- Phải thu hồi nhanh anh em bộ đội đang tản mát các nơi.

Anh bỗng thờ dài, giọng nhỏ nhẹ, buồn bã:

- Vừa rồi ta vấp phải một sai lầm nghiêm trọng. Chỉ tổ chức cho anh em chiến đấu mà không dự phòng khi rút lui, không tổ chức gì cả…

Anh lấy hộp thuốc lá ra quấn hút. Đôi mắt anh nhìn theo làn khói trắng. Anh đang suy nghĩ gì?

Sau đó anh Thanh bàn với tôi một số công việc nữa rồi bảo tôi ở lại ăn cơm. Bà mẹ anh Thanh cũng đã sơ tán lên đây. Bà đang đi hái rau rừng. Đến bữa cơm, bà chỉ dọn ra có hai món: rau tàu bay chấm nước ruốc và một đĩa muối mè.

Bà cưới, tay sới cơm:

- Bữa ni thì chẳng có “Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi, gạo de An Cựu để nuôi mẹ già” mô nghe! Chỉ có “Măng giang nấu cá ngạnh nguồn, đến đây nên phải bán buồn mua vui” thôi. Nhưng măng giang cũng chưa có mà cá ngạnh nguồn cũng chưa có!

Bà lại cười to. Tiếng cười thanh thản như trước đây. Ăn cơm xong, tôi lại ra nhà anh Lâu. Tôi nói quyết định của anh Thanh vừa rồi cho anh rõ. Anh Lâu nói:

- Anh Thanh cũng đã nói cho tôi biết rồi. Bây giờ chúng ta phải bắt tay ngay vào việc, làm sao thu thập được anh em về, càng nhanh càng tốt.

Chiều hôm đó, anh Lâu và tôi ngồi nghe anh em quân báo vừa về, báo cáo lại tình hình địch mấy ngày vừa qua: Bọn địch, sau khi chiếm xong Huế, chỉ để lại một bộ phận nhỏ, bộ phận trước đây bị bao vây trong thành phố, còn toàn bộ kéo ra Quảng Trị. Ngoài đó, đã chuẩn bị sẵn. Ở thị xã, các nhà ngói, nhà cao to đều đập hết chẳng sót một cái nào. Các nhà nhỏ, nhà tranh đều chất đầy rơm củi. Anh em cảm tử đã treo bom trên cây và chôn địa lôi ở các ngả đường. Bộ đội đã bố trí xung quanh thị xã, nhiều nhất ở vùng Long Hưng, Đại Nại, do trung đoàn trưởng Hùng Việt chỉ huy. Khi lực lượng chính của chúng bắc cầu phao qua được cầu Nhông định vào thị xã; vừa đi vào giữa cánh đồng Long Hưng thì quân ta nằm trong các công sự sau lũy tre rìa làng lập tức nổ súng và xung phong, đánh giáp là cà với địch giữa cánh đồng. Bọn địch chết loạn xạ phải rút lui, rồi gọi phi pháo bắn. Bộ đội ta đã theo giao thông hào rút về phía sau. Giặc vào thị xã, gặp anh em cảm tử đánh. Bom từ trên nổ xuống, địa lôi đất nổ lên. Du kích thì châm lửa đốt nhà. Các nhà tranh được chất thêm củi, rơm cháy rừng rực, khói bốc mù mịt. Anh em du kích lại ném lựu đạn, bắn tỉa, địch chết lăn chai, đổ đền, không biết bao nhiêu mà kể… Sau đó, anh em bộ đội rút về các làng xung quanh thị xã… Trong trận, địch chết khoảng 200, số bị thương, chúng chở đầy 15 ô-tô về Huế…

Nghe nói, chúng tôi rất mừng cho đơn vị bạn đã lập được chiến công to. Anh quân báo nói tiếp:

- Cánh quân từ trên Lào về cũng bị anh em ngoài đó chặn đánh ở Lao Bảo, Khe Sanh, Đầu Mầu, Cam Lộ. To nhất là ở trận Rào Quán. Bằng cách đánh địa lôi và phục kích, đại đội 2, tiểu đoàn 13 đã diệt gọn gần một đại đội địch chẳng sót một thằng nào. Hiện nay, cánh quân này đã đến gần Cùa. Chưa biết bao giờ hai cánh quân địch mới gặp nhau.

Sau khi anh ta kể xong, tôi hỏi:

- Theo như tình hình cách anh nắm được, thì bộ đội ta ngoài ấy bây giờ thế nào?

- Dạ, các đơn vị tuy có thiệt hại nặng nề, nhưng vẫn giữ được hàng ngũ, đang rút về đóng trong các làng xung quanh thị xã.

Tôi hỏi lại:

- Có đúng thế không?

- Dạ đúng.

Tôi nhìn anh Lâu. Anh Lâu cũng nhìn tôi. Không ai nói gì.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:38:32 am »

Chiến khu Hòa Mỹ nép mình bên dãy Trường Sơn mênh mông, núi rừng bát ngát. Bên ngoài là một giải đất dài và hẹp, cây mọc lưa thưa. Qua khỏi giải đất đó, đến một dãy núi lài lài, cây cối đã bắt đầu rậm rạp, rất lắm chim muông. Hoa phong lan bốn mùa nở rội. Dưới chân núi, một dòng khe chảy lừ đừ, nước trong vắt, trông thây cả sỏi đá dưới lòng. Nhân dân vùng đó gọi là Khe Mài. Bên kia Khe Mài, mấy ngọn núi cao vút, cây cối um tùm nối liền với dãy Trường Sơn dằng dặc. Đêm đêm, cọp hú, voi gầm náo động cả rừng sâu. Nhân dân gọi mấy ngọn núi đó là Động Mệ…

Lúc đầu mới lên, chúng tôi ở tạm trong xóm nhỏ ở ngoài giải đất hẹp. sau đó, để giữ bí mật, lại làm lán ở phía trong, dọc theo dòng khe, chia làm hai khu vực. Ở đầu ngọn khe, chúng tôi gọi là CK4, là nơi ở của Tỉnh ủy và bệnh viện. Anh Thanh ở khu vực này. Cách đó bốn năm cây số về phía dưới là CK7, nơi đóng quân của trung đoàn bộ và các đơn vị hậu cần.

Các đơn vị chiến đấu làm nhà ở ngoài giải đất hẹp. Nhà làm rất kín đáo, núp dưới bóng các cây cao, đi ngoài xa không thấy rõ. Chúng tôi đã đặt một vọng gác từ xa, hướng làng Đất Đỏ đi lên và rất nhiều vọng gác khác khắp bốn phía kể cả trong dãy Trường Sơn mênh mông. Các vọng gác này còn có nhiệm vụ bắn thú rừng để làm thức ăn cho đơn vị. Voi, hổ, lợn rừng ở đây rất nhiều. Có lần, anh em trong đó đã bắn được hai voi một lúc, cả chiến khu ăn đến mười ngày không hết.

Anh em bộ đội càng ngày tập họp về càng đông. Các cơ sở địa phương đã bí mật báo cho họ biết. Nhưng càng ngày, chúng tôi càng thấy nhiều khó khăn. Lương thực, gạo đâu mà ăn? Dưới đồng bằng, bọn địch đã chiếm đóng. Chúng trấn ngang đường quốc lộ. Địa thế tỉnh này là như vậy. Tất cả ruộng đất phi nhiêu nằm bên kia đường quốc lộ. Phía bên này là miền trung du, phần lớn là khoai sắn, mà khoai sắn cũng không nhiều. Phía bên kia, tuy có nhiều lúa gạo, nhưng qua đợt tiến quân vừa rồi, địch đốt phá rất nhiều. Mặt khác, nhân dân cũng đang hoang mang lo sợ, và bộ đội ta cũng chưa dám về.

Anh em lên nhiều thì lại càng đói. Phía xa kia, trên chót vót dãy Trường Sơn có một số nương rẫy của đồng bào Vân Kiều, Tà Ôi… Anh em phải đi đên bốn năm ngày mới mua được. Mua được, nhưng chở về không được. Đường núi cheo leo, dốc ngược đứng sững. Có đèo về cũng chả được bao nhiêu. Cơn đói cứ gặm dần, gặm dần thân thể con người.

Cả ngày, anh em chỉ vào rừng, kiếm củ mài, môn rừng, chuối rừng, các thứ rau, hoa quả về ăn. Hết chỗ gần đến chỗ xa. Lúc đầu còn ăn no, sau dần dần chỉ nấu cháo… chuối cũng nấu cháo, rau cũng nấu cháo…

Cơn đói thường hay lôi theo cơn bệnh. Một phần, rừng núi âm u, trước đây ít thấy bóng người, muỗi, vắt rất nhiều. Hồi ấy, anh em làm gì có được cấp phát mùng màn, chăn chiếu, áo quần. Ai có gì mặc nấy, mang từ lúc ra đi, qua bao ngày chiến đấu nay đã rách tả tơi. Rừng già - những tháng cuối năm và những tháng đầu năm, thường hay mưa, lạnh. Đêm, không chiếu, không chăn, nằm cứ run bần bật, chỉ còn biết co quắp lại, ôm lấy nhau cho đỡ rét… Củi rừng cứ đốt thâu đêm.

Rồi những cơn sốt rét ghê người. Thuốc men không có. Có một anh y tá nào đẫy đã vào rừng tìm được một bụi nghệ, đem về giã ra cho vào mấy cái chai đầy nước đun sôi để nguội, lắc lắc. Nước ra màu vàng chói: “uống đi! Ki-na-cơ-rin đó!”. Anh bệnh nhân, đôi mắt sáng lên, uống một hơi ừng ực, biết đâu rằng, chỉ mấy ngày sau, đốt mắt ấy nhắm lại, không bao giờ mở nữa, chỉ vì cơn sốt ác tính không có thuốc men cứu chữa!

Ngày nay, ít ai mà biết được những nỗi khổ ấy của người lính năm xưa!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:39:04 am »

Đội quân viễn chinh của Pháp, sau khi chiếm xong Quảng Trị, tiến ra Quảng Bình. Một toán hải quân đổ bộ lên chửa Nhật Lệ. chi đội Lê Trực chặn đánh ngay ngoài bãi biển. Một cuộc chiến đấu không ngang sức, các chiến sĩ Lê Trực cứ xung phong. Nhưng vì dịch đông quá, các chiến sĩ ta bắt buộc phải rút lui.

Từ đấy, cả Bình Trị Thiên nằm trong tay giặc từ dòng sông Minh Lệ đến đèo Hải Vân.

Bình Trị Thiên là một giải đất dài và hẹp nằm giữa miền Trung Trung bộ, hai đầu là hai ngọn đèo cao: phía nam là đèo Hải Vân, phía bắc là đèo Ngang mà mấy trăm năm trước đây bà Huyện Thanh quan đã từng ca ngợi bằng mấy câu thơ:

            Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
            Cỏ cây chen đá, lá chen hoa…


Chiều dài từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân trên ba trăm ki-lô-mét tính theo đường quốc lộ. Bề ngang, thì miền đông giáp biển, miền tây giáp dãy Trường Sơn. Từ dãy Trường Sơn ra biển nơi rộng nhất khoảng chín ki-lô-mét, nhưng cũng có nơi núi thọc ra sát biển cả như ở đèo Ngang, đèo Hải Vân.

Về đường sá, có con đường quốc lộ chạy dài từ Nam ra Bắc, chia mảnh đất này ra làm đôi: phía đông là những đồng ruộng phì nhiêu, dân cư đông đúc, phía tây là đồi núi trập trùng, dân cư thưa thớt, hầu hết là người dân tộc, rất ít người Kinh.

Ngoài đường quốc lộ số 1, trước đây, Pháp đã đắp con đường quốc lộ số 9, từ Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị sang Lào. Đó là con đường chiến lược quan trọng cắt Đông Dương ra làm đôi.

Sau khi chiếm được Bình Trị Thiên, việc đầu tiên là chúng xây một hệ thống đồn bốt dày đặc dọc theo đường quốc lộ, mục đích là ngăn cách đồng bằng và chiến khu. Đồng bằng là dân, chiến khu là Đảng, là chính quyền đang tạm lánh trên ấy. Tách cá ra khỏi nước thì cá chết. Lấy gì mà ăn, mà sống, không chết đói thì cũng chết vì bệnh tật mà thôi. Một dãy đồn nối liền từ nam ra bắc, dọc theo dãy Trường Sơn: Chóp Chài, Tuần, Võ Xá, Cổ Bi, Thanh Tân, Đất Đỏ, Phước Môn, Nam Đông, Mỹ Trạch, Châu Lê Xá, Mỹ Đức, An Hòa, Sen Bàng, Minh Lệ, Troóc làm tiền tiêu cho một dãy đồn thứ hai dọc theo đường quốc lộ. Một hàng rào chia cắt khá dày và chắc…

Cùng một lúc, chia cắt đồng bằng và chiến khu, chúng ra sức càn quét vùng đồng bằng, tiêu diệt bằng hết các lực lượng vũ trang, các cán bộ chính quyền của ta, và thiết lập một lực lượng vũ trang và một tổ chức ngụy quyền của chúng. Có như vậy, chúng mới đặt được ách nô lệ lên đầu, lên cổ của nhân dân ta và bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy như những ngày xưa kia…

Những cuộc càn quét dã man, tàn ác bắt đầu. Đi đến đâu là chúng bắn giết, đốt phá… Khói lửa bốc mù trời những nơi chúng đi qua. Rồi những cảnh chém giết hết sức tàn khốc. Cúng muốn nói với nhân dân ta rằng: “Hãy đầu hàng đi thì sẽ sống, nếu không đầu hàng thì sẽ chết, chết hết!”. Những vụ chợ Cạn giết hàng nghìn người trong một lúc, những vụ chúng đem ba bốn trăm người xô xuống cầu Mỹ Trạch, những vụ chém giết ở Mỹ Thủy, Lâm Xuân, Thọ Linh, Lệ Xá. Khi chúng đi qua rồi, cảnh làng xóm tan hoang luôn luôn xảy ra trên mảnh đất eo hẹp này.

Sau những cuộc hành binh lớn, chúng rải đồn bốt khắp nơi nhưng giăng lưới bổ vây nhân dân ta. Từ trong mạng lưới đó, chúng lùng sục suốt đêm ngày. Chúng lùng bắt cán bộ, bắt du kích, bắt các lực lượng vũ trang của ta. Hễ bắt được người nào chúng nghi là cán bộ, là du kích, chúng chặt đầu, cắm vào cọc, chôn ở các chợ, các ngã ba, ngã tư đường, trên một dòng chữ viết bằng máu: “Việt Minh! Hãy coi chừng!”.

Một không khí vô cùng rùng rợn bao phủ lấy nông thôn. Một số cán bộ, du kích bỏ chạy lên chiến khu. Bọn Việt gian thừa cơ ngóc đầu dậy.

Người nông dân hiền lành trên mảnh đất eo hẹp này, đêm nằm, nhìn vào trong bóng tối mênh mông, thăm thẳm, vừa uất ức, vừa lo âu, thốt lên một lời cay đắng: “Trời, biết sống làm sao đây!”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:40:42 am »

V. TRỜI HỬNG SÁNG

Ngày 25 tháng 3 năm 1947, một tháng mười ngày sau khi quân ta rút khỏi thành phố Huế, anh Thanh triệu tập một cuộc hội nghị đặc biệt, không phải ở chiến khu, mà ở một làng - làng Nam Dương, huyện Phong Điền - một làng cát ngay sau lưng địch, cách Huế gần 20 km.

Về dự có hơn chục đồng chí trong đó có các anh Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Nguyễn Sơn, Trần Thọ, Lâm Mộng Quang, Hoàng Phương Thảo, Lạc Cò… Tôi cũng có mặt. Chúng tôi họp trong nhà một cán bộ cơ sở. Không có bàn ghế, không có cờ, ảnh, khẩu hiệu gì. Chúng tôi, người ngồi trên giường tre, người ngồi trên ghế đẩu, có người ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào cột nhà. Anh chị em du kích canh gác, bảo đảm an toàn cho hội nghị.

Mở đầu cuộc họp, anh Thanh đọc lá thư của Bác gửi cho đồng bào toàn quốc những ngày gần đây cho chúng tôi nghe(1). Đại ý trong thư, Bác khuyên chúng tôi “không nên hoang mang, phải nhẫn nại, phải cương quyết”. Bác phân tích: Địch càng rải ra nhiều nơi thì lực lượng địch càng mong manh. Ta càng sẵn cơ hội đánh du kích tiêu diệt nó dần dần để đi đến thắng lợi cuối cùng. Bác nói thêm: Địch đến đâu thì nó giết hại, tàn phá đến đó. Dân ta không khỏi cực khổ, gian nan. Nhưng có tạm thời khổ rồi mới sướng sau.

Hồi đó cũng tôi cũng đã biết, giặc chiếm Hà Nội và đánh phá các nơi ở đồng bằng Bắc bộ. Chính phủ ta đã rời lên Việt Bắc. Bác gửi bức thư cho nhân dân cả nước, không riêng gì cho mảnh đất Bình Trị Thiên này.

Sau khi đọc xong thư của Bác, anh Thanh nói:

- Lời giáo huấn của Bác đã mở đường cho chúng ta đi. Bây giờ chúng ta nên kiểm điểm lại công tác trong thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm trong thành công cũng như trong thất bại.

Với giọng nghiêm khắc, anh nói rất nhiều về khuyết điểm. Rồi anh kết luận:

- Bộ đội ta rất anh dũng, rất gan dạ. Đồng bào ta có tinh thần cách mạng rất cao, rất thiết tha với cách mạng, muốn theo Đảng, theo Chính phủ chiến đấu để giành độc lập, tự do. Đều đáng trách là chúng ta không biết cách tổ chức, huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc. Chúng ta không biết cách động viên toàn dân chiến đấu.

Ngừng một lúc, anh nhìn thẳng vào chúng tôi:

- Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sơ mất lòng tin của dân… Chúng ta phải làm lại…

Chúng tôi thấy những nhận xét của anh Thanh đều đúng cả. Và chúng tôi cũng thấm thấm thía những thiếu sót của mình.

Sau đó, anh Thanh, thay mặt Tỉnh ủy, đề ra những việc phải làm trước mắt.

Một là, phải tập hợp và củng cố lại đội ngũ trong quân đội, sau đó, đánh một vài trận để gây lòng tin trong nhân dân. Hiện nay, nhân dân đang rất hoang mang, giao động, tưởng rằng bộ đội ta đã tan rã hết rồi. Bọn địch cũng đang tuyên truyền như vậy. Chúng ta có đánh một vài trận, nhân dân mới thấy rõ là bộ đội ta vẫn còn, cách mạng vẫn còn, kháng chiến vẫn còn.

Hai là, cán bộ, nhất là đảng viên hiện nay đang lẩn tránh trên chiến khu, phải cấp tốc trở về địa phương mình, bám đất, bám dân, ra sức phát triển lực lượng, xây dựng cơ sở quần chúng, giáo dục, động viên nhân dân tin tưởng là kháng chiến vẫn còn, cách mạng vẫn còn, rồi dần dần tổ chức các tổ du kích, diệt tề trừ gian và tham gia chiến tranh du kích tiêu diệt những toán quân địch đi lẻ tẻ.

Về điểm này, anh nói rất rõ, sau lời Bác dạy, địch càng rải ra nhiều nơi thì lực lượng địch càng mỏng manh. Trước đây, nó ẩn nấp trong các nhà kiên cố, có công sự vững chắc nên ta rất khó đánh. Sau đó, chúng nó tiếp vận, quân số tập trung rất đông, vũ khí đầy đủ, ta cũng rất khó đánh. Bây giờ nó rải mành mành đi càn quét, quân số chẳng bao nhiêu lại không dựa vào công sự vững chắc, ta dễ đánh, để tiêu diệt chúng hơn.

Về diệt tề, trừ gian, anh nói, đó cũng là một vấn đề rất quan trọng. Bọn địch ở xa đến không biết gì đến ta. Nó phải lấy bọn Việt gian, phản động làm tai, làm mắt để truy lùng cán bộ kháng chiến và ép nhân dân, làm cho nhân dân sợ. Bây giờ ta tiêu diệt chúng nó đi thì địch có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, và nhân dân sẽ không sợ hãi nữa, sẻ ủng hộ chúng ta…

Những lý lẽ của anh Thanh làm cho chúng tôi rõ thêm một số vấn đề về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân.

Vấn đề thứ ba, anh nhấn mạnh phải tăng gia sản xuất. Anh bảo rằng: thực túc là binh cường. Về lương thực, ta phải dựa vào dân là chính. Nhưng hiện nay, các vùng vựa lúa đều bị địch kiểm soát, dân chưa cung cấp được. Chúng ta phải tạm thời lo liệu lấy, giải quyết tạm thời cái ăn. Do đó nên động viên bộ đội chưa đi chiến đấu, động viên đồng bào mới tản cư lên, chỗ đất nào làm được thì làm, tranh thủ trồng thật nhiều khoai sắn. Đây không phải là kế tạm thời trước mắt nữa mà là kế lâu dài.

Anh còn nên lên một số vấn đề khác, như củng cố chiến khu, chăm sóc thương bệnh binh, chăm lo đời sống cho bà con đi sơ tán…

Chúng tôi lẳng lặng ngồi nghe, lòng đầy tin tưởng ở tương lại.

Sau đó, tỉnh ủy ra một nghị quyết, đặc biệt nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch bằng đánh du kích, kiên quyết luồn trở lại vùng đồng bằng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, tin tưởng và mạnh dạn phát động phong trào chiến tranh du kích để phá tan chính sách bình định của giặc Pháp, đưa phong trào kháng chiến ở vùng sau lưng địch của Bình Trị Thiên vượt qua những khó khăn hiểm nghèo, tiến lên giành những thắng lợi mới(*).


(1) Lá thư đề ngày 5-3-1947 trích trong cuốn “Về vấn đề quân sự” trang 81 - 82.
(*) Theo “Sư đoàn 325” - trang 28 - Nhà xuất bản quân đội - 1981.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:41:30 am »

Anh Lâu và tôi ra về, bàn với nhau đánh chỗ nào cho tót. Anh Lâu nêu ý kiến nên đánh ngay vào trong thành phố Huế, tuy có khó khăn nhưng tiếng dội vang xa, vì đó là trung tâm chính trị của bọn địch bây giờ và nhân dân các nơi đến tạm lánh, đi về rất đông. Tôi thấy đó là một ý kiến rất hay.

Anh còn nêu thêm, nên đánh đồn Hộ Thành. Đồn này, tôi cũng đã biết, ở trong Thành nội. Trước đây, đó là nơi ở của đội quân nhà vua để bảo vệ Hoàng thành. Khi Pháp chiếm, địch cho đóng ở đây một trung đội bảo an để canh gác các cơ quan ngụy quyền mới thành lập.

Đối với địch, đây là nơi Việt Minh khó có khả năng vào được nên canh phòng cũng sơ hở. Đối với ta, đánh một vị trí ngay trong lòng địch, nằm lọt giữa Thành nội như thế sẽ có ảnh hưởng lớn về chính trị trong cả vùng.

Để đảm bảo trận đánh chắc thắng, chúng tôi sử dụng cán bộ có kinh nghiệm vào tận nơi nắm tình hình địch và vẽ sơ đồ vị trí. Chúng tôi đặt kế hoạch chiến đấu với các anh Dương Bá Bích và Huỳnh Đình Thảo là hai đồng chí chỉ huy hai mũi của trận đánh. Trong hai tiểu đoàn gần đây đã tập họp lại được khá đông, chúng tôi chỉ chọn lấy 20 đồng chí nhanh nhẹn tháo vát, tổ chức huấn luyện trước và trang bị cho anh em toàn tiểu liên và lựu đạn.

Tôi lên báo cáo lại với anh Thanh. Anh Thanh đồng ý. Hôm xuất phát, anh Hoàng Anh, thay mặt Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh đến động viên anh em. Anh nói đại ý: trận đánh này nhằm mục đích chính trị hơn là quân sự. Chiến thắng này sẽ làm vang động toàn tỉnh, có ý nghĩa báo cáo với đồng bào rằng, lực lượng kháng chiến vẫn còn, vệ quốc quân vẫn còn, rằng bè lũ cướp nước và bán nước trước sau sẽ đền tội. Nhưng trận đánh xảy ra ngay trong thành phố Huế. Đường vào đã khó, đường ra càng khó hơn. Phải thấy hết tính chất mạo hiểm của nó để quyết tâm thật cao, mới giành được thắng lợi.

Cuối cùng anh nói:

- Tỉnh ủy tin tưởng ở các đồng chí và chờ đón thắng lợi của các đồng chí!

Anh em rất xúc động.

Tỉnh ủy cho một con bê để ăn liên hoan và mỗi người được đem theo hai cái bánh tét làm lương ăn cả đợt đi và về.

Đơn vị chia từng tổ nhỏ, hành quân về làng La Chữ ở lại làm công tác chuẩn bị. Tối hôm sau, anh em vào thành, lúc gần nửa đêm dùng thang tre, áp thành, leo vào, tên lính gác đồn Hộ Thành bị giết trước tiên bằng một mũi dao găm. Bọn lính trong đồn đang ngủ không hay biết gì. Dưới sự chỉ huy của các đồng chí Dương Bác Bích và Huỳnh Đình Thảo anh em chĩa súng vào các song cửa số và bắn vào các giường nằm. Hầu như không có sự chống cự đáng kể. Và tiếng la hét hoảng loạn nổi lên rồi tắt ngay trong tiếng lựu đạn nổ rền. Xong nhiệm vụ, cả đơn vị nhanh chóng rời trận địa, theo đường cũ, thả thang tre ra ngoài thành, mới nghe tiếng còi, tiếng xe rú inh ỏi ở nơi gần trận đánh. Về tới Lại Bằng, trời vừa sáng, anh em nghỉ lại trong nhà đồng bào đến tối, lại lên đường về chiến khu Hòa Mỹ.

Hôm sau, cả Thừa Thiên - Huế, đâu đau cũng xôn xao về cái tin đồn Hộ Thành bị tiêu diệt không kịp trở tay trong lúc các cổng thành vấn đóng kín. Người ta còn đặt ra nhiều giả thuyết ly kỳ về đường ra lối vào của Bộ đội Việt Minh y như có phép thần vậy.

Tin chiến thắng đó làm cho nhân dân rất phấn khởi, có người bảo:

- Thế mà cứ nói Việt Minh đã chết hết cả rồi! Chưa biết ai sẽ chết. Đó chẳng qua vì kế hoạch họ tạm rút lui đó thôi: Cũng như ngày xưa Lưu Bị rút khỏi thành Tâm Giã ấy!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM