Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:47:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 74978 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:28:46 am »



Những ngày khói lửa - Trung tướng Trần Quý Hai
Nhà xuất bản: Thuận Hóa
Năm xuất bản: 1984
Số hóa: macbupda

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Cách đây 30 năm, tháng 7 năm 1954, hòa bình lập lại trên bán đảo Đông Dương, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng chống thực dân Pháp của ba dân tộc.

Lịch sử lại ghi thêm một giai đoạn oai hùng trong pho sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đó, quân và dân Bình Trị Thiên đã cùng với cả nước đứng lên hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch theo Đảng tiến hành cuộc
kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định thắng.

Nhớ lại, ghi lại và giữ lại những gì có được qua lịch sử đấu tranh của dân tộc nhằm ôn lại không khí hào hùng trong quá khứ của các cuộc kháng chiến vừa qua, học tập và phát huy khí thế cách mạng đó trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là một yêu cầu quan trọng và cấp bách đối với tất cả chúng ta.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-1984), chúng tôi đề nghị Trung tướng Trần Quý Hai, một trong những đồng chí lãnh đạo lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên hồi bấy giờ, ghi lại những hồi ức của mình về cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Bình Trị Thiên.

Nói về chiến trường Bình Trị Thiên, đúng như Trung tướng Trần Quý Hai đã viết: “Cũng ít thấy một chiến trường nào, đất hẹp, núi biển gần sát nhau, hai đầu hai ngọn đèo cao chắn lại, bị kẻ thù chiếm đóng, khủng bố, đánh phá ác liệt liên miên, mà lại có một sức sống, chiến đấu kiên cường, bền bỉ như thế!”, “Bình Trị Thiên đã trở thành biểu tượng về một chiến trường gian khổ, ác liệt, giàu tinh thần chiến đấu bất khuất. Đồng bào ca nước đã giành cho Bình Trị Thiên những tình cảm thương yêu quý mến”.

Trong
vài dòng suy nghĩ cuối sách, đồng chí Trung tướng nói: “Với tập sách nhỏ này, tôi không có tham vọng kể lại toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Trị Thiên. Tôi chỉ muốn nêu lên một số chuyện về hoạt động của các lực lượng vũ trang nhân dân ở đó”.

Chưa phải ghi chép toàn bộ cuộc kháng chiến thần thánh ấy ở Bình Trị Thiên, nhưng tập hồi ký đã nêu bật: Sức mạnh của chiến tranh nhân dân là vô tận. Sức mạnh đó đã được chứng minh qua thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây và phát huy trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chống Trung Quốc xâm lược ngày nay ở Bình Trị Thiên nói riêng và cả nước nói chung.

3000 ngày chống Pháp, là 3000 ngày gian lao vất vả, hy sinh, nhưng quân và dân Bình Trị Thiên luôn đoàn kết nhất trí, bền gan mưu lược đánh giặc đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhân dân Bình Trị Thiên rất tự hào về lực lượng vũ trang của mình. Bởi họ luôn luôn mang trong mình một phẩm chất cao quý - Anh bộ đội Cụ Hồ - tên gọi trìu mến của cả nước để gọi chiến sĩ ta từ ngày quân đội ra đời đến nay. Trong hoàn cảnh nào người chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng “Trung với Đảng, hiếu với dân… nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Trung tướng Trần Quý Hai, dù bận nhiều công việc, tuổi cao, vẫn giành thời giờ hoàn thành tập hồi ký và nhà văn Nguyễn Khắc Thứ đã giúp Nhà xuất bản tu chỉnh lại bản thảo.

Xin chân thành giới thiệu “Những ngày khói lửa” với bạn đọc.


NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 09:53:35 am gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:29:26 am »

I. ĐƯỜNG RA CỐ ĐÔ

Cuối tháng 11 năm 1946, tôi đang ở Quảng Ngãi, phụ trách lớp huấn luyện cho thanh niên bốn tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, thì có điện khẩn của anh Nguyễn Chí Thanh gọi ra Huế nhận nhiệm vụ mới.

Nhận được điện, lòng tôi hơn băn khoăn vì lớp huấn luyện bị bỏ dở. Nhưng rồi tôi nghĩ: ngoài ấy chắc cần…

Tôi đến báo cáo với anh Nguyễn Sơn, hồi ấy làm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu V, cũng đóng ở Quảng Ngãi. Anh Sơn nói:

- Anh Thanh đã gọi, anh cứ đi. Nếu xảy ra đánh nhau thì ngoài đó quan trọng hơn trong này nhiều.

Lời nhận xét của anh Nguyễn Sơn không phải không có cơ sở. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Đức, Ý, Nhật đầu hàng. Theo sự phân công của Đồng minh, ở Đông Dương, quân Anh vào giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào. Phía Bắc, giao cho quân Tàu Tưởng.

Khi quân Anh đổ bộ lên, quân Pháp theo sau. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được quân Anh giúp sức, đã nổ súng tiến công ta ở Sài Gòn, rồi đánh rộng ra vùng đồng bằng Nam bộ, các tỉnh miền Nam Trung bộ và ở Tây Nguyên. Quân dân ta ở các nơi chống trả rất quyết liệt.

Ở miền Trung Trung bộ, bọn lính Pháp, sau cuộc đảo chính của Nhật, chạy trốn sang Lào, được tập hợp và trang bị lại, cũng đánh vào miền tây Quảng Bình, Quảng Trị. Quân dân Bình Trị Thiên đã anh dũng chiến đấu, chặn đứng chúng ở Pa Lan, Sêpôn, Mụ Dạ, Banapháo...

Ở Bắc bộ hai mươi vạn quân Tàu Tưởng kéo vào mang theo lũ Việt gian bán nước Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần. Chúng cũng muốn xâm chiếm Việt Nam với một chính quyền tay sai của chúng. Nhưng trước sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân ta ủng hộ chính quyền mới do Bác Hồ lãnh đạo, bọn Tàu Tưởng đành phải bỏ mộng xâm lăng, đồng ý cho thực dân Pháp thay chúng ở miền Bắc, đổi lấy một số đất mà thực dân Pháp đã chiếm trên đất Trung Hoa. Với chiến lược “hòa để tiến”, gạt bớt kẻ thù ra khỏi nước, ta đã đồng ý cho quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tàu Tưởng.

Vì lẽ đó, 750 lính Pháp ở Lào được kéo vào Huế, cộng thêm 250 kiều dân Pháp ở đây được trang bị vũ khí, tạo nên một lực lượng đáng kể. Nếu xảy ra đánh nhau thì mặt trận Huế sẽ rất quan trọng, trong lúc ở Quảng Ngãi không có bóng dáng một tên lĩnh thực dân.

Tôi đồng ý với những nhận định của anh Sơn.

Sau đó, tôi bàn giao công việc còn lại với Thường vụ tỉnh ủy. Trước khi chia tay, anh Sơn nói với tôi:

- Anh ra công tác ngoài ấy sẽ gặp nhiều khó khăn đấy. Huế là nơi cố đô của triều đình cũ, và cũng là thủ phủ của bọn thực dân Pháp ở Trung kỳ. Huế là nơi tập trung quân quan lại phong kiến và bọn tay sai bán nước đầu sỏ. Chúng có thể sẽ gây cho ta nhiều phiền phức nếu chiến sự xảy ra. Anh nên hết sức cẩn thận.

Câu nói của anh Sơn đã gợi trong suy nghĩ của tôi một cái gì vương vướng đối với phong trào cách mạng ở nơi mình sắp đến công tác.

Một đồng chí trong Thường vụ nói đùa:

- Bọn quan lại phong kiến, hay bọn Việt gian bán nước không đáng sợ lắm. Chỉ sợ ba cô gái Huế thôi! Anh không nhớ các cụ ta trước đây có nói “học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không rời” sao?

Chúng tôi cùng cười. Hồi ấy tôi mới ngoài ba mươi, mặc bộ quần áo ka ki vàng của anh Phạm Văn Đồng cho sau hội nghị Tân Trào, chân xỏ vào đôi giày ba-ta đã cũ. Còn bộ bà ba đen, cái màn muỗi và mấy cuốn vở học văn hóa xếp gọn trong khăn gói, xách tay. Thế thôi.

Trên tàu, phần lớn là cán bộ, bộ đội, một số đồng bào các tỉnh phía Nam sơ tán ra, lỉnh kỉnh những quang gánh, bồ bịch. Các chuyến tàu vào, nhiều toa chở đầy bộ đội Nam tiến. Tiếng hát hùng tráng của các chiến sĩ trẻ vang vang át cả tiếng tàu chạy. Mỗi khi vào ga, tránh đoàn tàu chúng tôi, họ ló đầu ra ngoài cửa sổ, nhìn chúng tôi, mặt tươi cười, giơ tay vẫy vẫy.

Tàu vừa dừng ở ga Đà Nẵng đã có hàng chục gánh cơm của các mẹ, các chị gánh lên toa phân phát cho bộ đội. Tôi chưa phải là bộ đội, nhưng vì ngồi chung toa với anh em bộ đội nên cũng được nhận một xuất cơm ăn như mọi người. Cơm gạo trắng, nấu rất dẻo, nén chặt trong lá chuối. Mỗi nắm cơm kèm theo một gói thức ăn nhỏ, cũng bọc lá như nhau nhưng bên trong thì khác: thịt lợn, tôm khô hoặc muối lạc, muối vừng… có lẽ do nhiều gia đình góp lại…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:29:48 am »

Một bác hát dạo bước vào tàu, tay cầm cái đàn bầu. Bác đã già, khoảng ngoài năm mươi, người dong dỏng cao, mặc bộ đồ bà ba đen đã bạc màu, hai mắt đục lờ chắc không thấy rõ. Một anh đội trẻ tuổi vi tính, nói đùa:

- Các mẹ, các chị chu đáo quả. Lại “bới” cả cho anh em văn nghệ nữa!

Một bà mẹ cười:

- Bác ấy hay hát trên các chuyến tàu Huế - Đà Nẵng đó!

Bác hát dạo cầm ngang cây đàn, vừa nảy lên mấy tiếng dạo đầu thì anh chiến sĩ đã nói:

- Khoan, khoan, mời “lão nghệ sĩ” xơi với chúng tôi miếng cơm rồi sẽ hát sau.

Anh vừa nói, vừa bẻ nắm cơm đưa bác một nửa. Chúng tôi cùng chia bớt thức ăn cho bác… Ăn uống xong, tàu chạy. Bác hát dạo cất giọng. Lúc đầu, bác ca những bản “Nam bằng”, “Nam ai”, rồi bác chuyển sang ngâm vè, bài vè “Thất thủ kinh đô”. Giọng bác khi thì lâm ly, ai oán, khi thì hừng hực khí thế căm thù. Cả toa im lặng ngồi nghe. Nhiều người đến đưa cho bác tiền.

Tôi ngồi im lặng, đưa mắt nhìn qua cửa toa. Tuy tiết mùa đông, nhưng là một ngày nắng đẹp. Nắng chói lòa tỏa xuống những lũy tre, làng mạc, cánh đồng bên đường tàu chạy. Thỉnh thoảng, trên các đường cái, từng đoàn biểu tình cầm cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, hô vang các khẩu hiệu: “Ủng hộ Nam bộ kháng chiến”, “Phản đối thực dân Pháp xâm lược”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Đó đây trên các bãi cỏ rộng, những đội dân quân tập bắn súng, ném lựu đạn múa côn quyền. Trên các cánh đồng, đàn ông, đàn bà cuốc đất, làm cỏ, tát nước rất hăng say. Thấy tàu chúng tôi đi qua họ dừng tay, nhìn chúng tôi tươi cười giơ nón, giơ tay vẫy vẫy…

Tàu đến Liên Chiều thì dừng lại, chuẩn bị leo đèo Hải Vân. Đèo cao, tàu phải chạy hai máy. Máy trước kéo, máy sau đẩy, khói phụt đen trời. qua ba cái hầm đào thông lòng núi, khói tỏa mù mịt làm cho nhiều người ngạt thở, ho sòng sọc. Ra khỏi hầm, khói tan, khí trời lại quang đãng. Một bên là núi, một bên là biển cả mênh mông. Sóng bạc đầu nhấp nhô, cuồn cuộn. Xa khơi, những cánh buồm trắng vật vờ, ẩn hiên những cánh cò bay về nơi ít tắp khi nắng xế chiều. Đây đã là địa phận tỉnh Thừa Thiên, nơi tôi sắp nhận công tác mới. Tôi chăm chú quan sát hai bên đường. Thấp thoáng, ven đèo, giữa những lùm cây um tùm rập rạp, một con đường ngoằn nghèo, có nhiều xe đang chạy nặng nề, chậm chạp. Vẫn cạnh tượng một bên là rừng núi vòi vọi, âm u, một bên là biển khơi thăm thẳm. Giặc muốn đánh Huế phải đổ bộ lên Đà Nẵng. Vì Đà Nẵng có cảng sâu tàu vào được, rồi kéo quân ra đây, không còn con đường nào khác. Giặc qua đây, ta dễ đánh. Đúng như binh thư cha ông ta thường nói “Một người giữ ải, muôn ngựa khó qua”. Giặc chỉ đi được bằng đường sắt hay đường bộ. Đường sắt phải chui qua ba cái hầm tối mù mịt hai bên toàn núi dựng đứng sừng sững. Tàu leo dốc phải hai máy, tàu xuống dốc không dám chạy nhanh, sợ trật đường ray. Đường bộ, xe leo lên ải phải ì à, ì ạch, xuống ải, cũng phải kìm lại, chạy từ từ, vô ý lao xuống biển. Địa thế đèo này thuận lợi trong việc đánh phục kích giao thông…

Qua khỏi đèo Hải Vân, đến Lăng Cô, Thừa Lưu, Nước Ngọt, Cầu Hai, Nong, Truồi, đâu đâu, tôi cũng nhìn kỹ, quên cả nghe lời ca, giọng hát của người hát dạo đang chuyển sang điệu hò mái nhì, một điệu hò dịu dàng uyển chuyển của các cô gái sông Hương.

Khoảng ba bốn giờ chiều, tàu đến Huế.

Tôi đến thẳng trụ sở Việt Minh Trung bộ đóng ở ngoài cửa Thượng Tứ, phía bắc sông Hương. Tôi đưa bức điện cho người thường trực. Anh ta vào, chỉ lát sau anh Thanh bước ra.. Tôi rất mừng rỡ. Xa nhau chỉ mấy tháng tưởng chừng như mấy năm, bây giờ, tôi mới gặp lại anh. Anh gầy, nước da ngăm ngăm, hơi tai tái như hồi ở nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong bộ áo quần bà ba nâu, dáng anh đi vẫn nhanh nhẹn như trước. Thấy tôi, anh tươi cười giơ tay cho tôi bắt:

- Anh ra sớm thế, tôi cứ tưởng vài ba ngày nữa anh mới đến!

- Dạ, nhận được điện khẩn của anh, tôi đi ngay. Tôi biết ngoài này đang chờ…

- Phải, ngoài này đang chờ và đang rất cần. Tình hình căng thẳng lắm. Rất khẩn trương - anh nhấn mạnh ba chữ “rất khẩn trương”, chiến tranh toàn quốc sắp nổ ra. Thừa Thiên - Huế sẽ là một chiến trường rất quan trọng - Xứ ủy gọi anh ra để tăng cường cán bộ cho Thừa Thiên - Huế.

Anh lôi tôi vào phòng làm việc của anh. Phòng tương đối rộng, có nhiều bàn ghế. Trên tường, giữa treo ảnh Bác Hồ lồng trong khung kính trên băng khâu hiệu giấy đỏ chữ vàng “Hồ Chí Minh muôn năm”. Ngoài ra, không còn bức tranh, bức ảnh nào khác.

Anh kéo một chiếc ghế cạnh bàn làm việc và mời tôi ngồi. Anh nói:

- Công việc của chúng ta sắp tới sẽ có nhiều khó khăn đấy. Việc gì đối với chúng ta bây giờ cũng khó cả. “Vạn sự khởi đầu nan” mà! Nhưng dù sao vẫn thuận lợi hơn trước ngày tổng kinh nghiệm. Có quyết tâm, vừa làm việc vừa rút kinh nghiệm, chác chắn chúng ta sẽ qua được.

Bỗng anh lảng sang chuyển khác:

- Anh đã ăn gì chưa? Có đói không? Tôi cho người đi mua gì về cho anh ăn nhé!

Tôi vội vàng từ chối:

- Dạ, không đói! Tôi đã ăn trên tàu rồi. Tối, anh cho ăn luôn.

- Cũng được! Tối nay, anh ăn cơm với tôi.

Trước đây, hồi còn ở tù Buôn Ma Thuột, anh vẫn coi tôi như người nhà, như anh em ruột thịt. Chúng tôi đối với nhau rất thân mật, không khách khứa bao giờ, cho nên anh rất tin lời tôi nói.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:30:13 am »

Sau đó, anh hỏi tôi tình hình nhân dân, bộ đội, cán bộ, tình hình chính trị các đô thị, các vùng nông thôn các tỉnh miền trong. Và anh kể cho tôi nghe những vụ khiêu khích của bọn thực dân Pháp những ngày gần đây ở Hà Nội, Hải Phòng… Anh kết luận:

- Chung quy, chúng muốn đánh chiếm cả nước ta mà thôi. Cho nên chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Hễ có lệnh là chúng ta đánh dập đầu chúng tức khắc.

Trong lúc nói, anh nhìn thẳng vào mặt tôi, đôi mắt rực lên cương quyết. Mãi mãi sau này, tôi vẫn nhớ đôi mắt anh lúc đó.

Gần tối, tôi về nhà riêng của anh ở phía trong thành. Nhà nhỏ và hẹp, xung quanh có mảnh vườn nho nhỏ trồng cà, ớt, rau khoai. Hôm đó, mẹ anh lên chơi. Bà đã già, ngoài sáu mươi nhưng còn rất khỏe, da dẻ hồng hào, tóc mới điểm bạc. Anh Thanh nói với mẹ:

- Hôm nay, con có khách, mẹ cho anh ấy ăn với!

- Được thôi! Có chi mô, chỉ thêm đũa, thêm bát.

Bữa cơm đã dọn sẵn. Giữa mâm, có đĩa mít luộc chấm mắm nêm, vài con cá thệ kho khô, một bát canh rau ngót nấu với tôm, đặc biệt có đĩa thịt heo thái rất mỏng để bên cạnh chén con tôm chua và đĩa khế, chuối chát xắt lát, trên rắc mấy ngọn rau thơm, rau răm và mấy quả ót đỏ mọng.

Anh Thanh cười:

- Hôm ni ăn sang ghê!

Bà mẹ cũng cười:

- Chưa sang mô, còn sang nữa tê!

Bà xuống bếp, bưng lên một nồi cơm. Lúc mở vung, cơm trắng tinh, mùi thơm bay ra thơm phúc. Bà lấy đũa xới cơm ra bát, nói nói, cười cười:

- Gạo de đây! Gạo de An Cựu đây!

Rồi bà đọc luôn:

Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu để nuôi mẹ già!

Tiếng cười của bà vang lên, sang sảng, vô tư:

- Nói rằng, gạo de An Cựu để nuôi mẹ già! Nhưng chính tôi nuôi hắn, không phải hắn nuôi tôi. Hôm ni, dì hắn ở An Cựu biết tôi lên chơi có đem sang cho tôi một miếng thịt và mấy lon gạo de, của nhà làm lấy, không phải mua mô. Ăn đi anh, ăn cho biết gạo de An Cựu xứ Huế,. Gạo ni trước chỉ có vua chúa ăn chứ con nhà nghèo bọn mình đâu dám rời tới. Ăn đi anh, ăn cho biết mùi đời!

Chúng tôi vui vẻ cầm đũa.

Mấy hôm sau, tôi nhận được quyết định của Thường vụ Xứ ủy bổ sung tôi vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên. Anh Thanh cho biết thêm, vừa rồi, có chỉ thị của Trung ương phải thành lập Ủy ban Quân - Dân - Chính của Thừa Thiên - Thuận Hóa để thống nhất chỉ đạo công cuộc kháng chiến trong tỉnh. Anh Hà Văn Lâu, đại diện cho lực lượng vũ trang làm chủ tịch, anh Hoàng Anh, đại diện cho chính quyền làm phó chủ tịch và tôi, đại diện cho nhân dân làm ủy viên thường vụ. Như thế là tôi nhận thêm một nhiệm vụ nữa về mặt chính quyền.

Những năm ở tù, anh em cứ gọi tôi là Khế. Ra tù, tôi vẫn lấy tên là Võ Văn Khế, tự thấy chả cần phải thay đổi làm gì. Nhưng đến hôm sắp công bố danh sách Ủy ban Quân - Dân - Chính, các anh Trần Hữu Dực và Hoàng Anh mới đặt cho tôi một cái tên mới là Trần Quý Hai, vì ở Liên khu V có nhà yêu nước Trần Quý Cáp nổi tiếng nên các anh muốn tôi là dòng dõi của nhà yêu nước ấy. Từ đó, các anh gọi tôi là Trần Quý Hai.

Trụ ở Ủy ban Quân - Dân - Chính Thừa Thiên - Thuận Hóa đóng tại nhà Thái Văn Toản, thượng thư bộ Lãi cũ, ở trong thành, gần cửa Thượng tứ. Nhà làm theo kiểu cũ, bề ngoài trông giống như cái đình làng mà ta thường thấy ở đồng bằng miền Trung. Nhà rộng đến bảy, tám gian, nhưng ít cửa sổ nên thiếu ánh sáng. Nhiều cột gỗ tròn, to đến một người ôm. Một số cột chính giữa có chạm trổ khá tinh vi hình con rồng, con phượng, với nhiều tư thế khác nhau. Trong nhà còn nhiều hoành phi, câu đối cũng chạm trổ hoa văn, sơn son, dát vàng sặc sỡ. Trong các gian kê la liệt những bàn ghế, sập gụ, tủ chè bằng các loại gỗ quý. Trên một chiếc bàn dài còn để bừa bãi các sách báo tiếng Việt, tiếng Pháp cùng nhiều tập sách ảnh nói về thân thế của Bảo Đại, bị xé vứt lung tung. Trước sân nhà có một bể cạn khô hết nước. Giữa bể đắp một hòn núi giả, có cầu bán nguyệt bên gốc cây sanh khô trụi lá.

Tôi và anh Hoàng Anh ở lại đây. Anh em xếp dọn lại cho chúng tôi thành các buồng ngủ, buồng làm việc khá tươm tất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:31:11 am »

Trong thời gian này, ban ngày tôi làm việc với các anh Thanh, anh Lâu, anh Hoàng Anh, anh Trần Hữu Dực; ban đêm, tôi tranh thủ thời gian nghiên cứu thêm tình hình Thừa Thiên - Thuận Hóa, một tỉnh, một nơi mà tôi chưa hề quen thuộc. Câu nói của anh Sơn lúc chia tay ở Quảng Ngãi: “Huế là nơi tập trung quan lại phong kiến” vẫn lướng vướng trong óc tôi về phong trào cách mạng ở đây. Tôi tìm các sách báo nói về Thừa Thiên - Huế và các tỉnh có liên quan đến mảnh đất này như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng để đọc, để biết thêm về mọi mặt: địa lý, lịch sử, kinh tế, phong tục tập quán… Có như thế, làm việc mới tốt được. Các anh biết rõ ý tôi nên giới thiệu tôi làm quen với một ông cụ trước đây làm ở Tàng thơ viện của triều đình Bảo Đại. Qua sách báo qua các câu chuyện với ông cụ ấy, tôi đã biết rất nhiều chuyện về một số bạn bè của ông, về lịch sử của mảnh đất cố đô này.

Bình Trị Thiên ngày xửa ngày xưa là châu Ô, châu Lý. Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đất Bình Trị Thiên cắt làm đôi lấy sông Giành làm giới hạn.

Đến thời nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ lấy Phú Xuân - vùng Huế bây giờ - làm đất đóng đô. Từ chỗ đó, Nguyễn Huệ xuất quân ra diệt mấy chục vạn quân Tàu sang xâm lược.

Tiếp đến thời nhà Nguyễn, Gia Long cũng lấy Thuận Hóa là vùng đất đóng đô. Những vua đầu nhà Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, chỉ ham mê vui sướng, xây lâu đài, cung điện nguy nga, đồ sộ chẳng nghĩ gì đến dân. Một năm, giữa lúc đang mất mùa, đói kém, Tự Đức bắt dân đi xây lăng Vạn Niên. Cực khổ quá, ba nghìn dân phu dưới sự chỉ huy của anh em Đoàn Trung, Đoàn Trực đã nổi dậy, kéo vào cửa Ngọ Môn, bắt vua. Nhưng do sự chỉ huy không khéo léo, cuộc khởi nghĩa thất bại. Từ đó, nhân dân vùng này đã đặt mấy câu hát ru con, nói lên mối hận thù cay đắng của mình:

Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

Khi đế quốc Pháp sang xâm chiếm nước ta, Tự Đức đã đầu hàng. Nhưng triều thần, có người chống lại: Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết đã cất quân đánh Pháp ngay trong kinh thành. Ông cụ kể lại rằng, trước khi đánh nhau, từ Trấn Bình dài đến Lục Bộ, quan tướng đã sai lính đến đào hào, đắp lũy, chất đầy các thùng chứa cột chuối và đổ rất nhiều đống trái bàng và trái mù u. Có lẽ quan tướng thấy lính Tây đi giày đinh, nên để sẵn rất nhiều trái bàng, trái mù u, phòng khi rút lui, đổ ra đường, bọn Tây đạp lên sẽ trượt ngã, ta dễ chém giết. Nhưng rồi, cuộc khởi binh của Tôn Thất Thuyết bị thất bại vì quân Pháp đã biết trước và vì vũ khí ta kém. Quan tướng phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, phát hịch Cần vương.

Ngày hôm sau, bọn Pháp đổ quân ra khắp kinh thành, gặp ai chúng cũng bắn, cũng giết. Dân chúng chết như rạ đầy đường, đầy ngõ. Từ đó hàng năm đến ngày hai mươi ba tháng năm, nhân dân thành phố Huế có tục lệ “cúng âm hồn”. Buổi tối, nhà nào cũng cúng. Khói hương nghi ngút khắp các ngã ba, ngã tư đường, trong các cửa ngõ, các vườn tược. Tục lệ “cúng âm hồn” nói lên mối căm thù sâu sắc của nhân dân thành phố Huế đối với quân thù xâm lược. Nhân dân đã đặt ra một bài vè gọi là “vè thất thủ kinh đô”(1) phổ biến khắp nơi. Thực dân Pháp ngăn cấm thế nào cũng không được.

Sau cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi đến các cuộc khởi nghĩa của vua Thành Thái, Duy Tân. Mưu đồ của Thành Thái bị dập tắt khi còn trứng nước. Vua Duy Tân, nhờ các sĩ phu yêu nước là Trần Cao Vân, Thái Phiên giúp sức, đã ra khỏi kinh thành, nhưng sau bị bại lộ.

Ông cụ kể lại rằng, lúc vua Duy Tân xuất bôn, có một đoàn đi theo phò giá. Trong đoàn, có tên phản bội đã đi báo cho Tây đến bắt. Khi vua bị bắt, một người tùy tùng đã đập đầu vào đá, tự tử. Vua Duy Tân sau này bị đày sang Phi châu…

Bọn Pháp lập tức đặt ở Huế một tòa Khâm sứ trông coi cả xứ Trung kỳ. Chúng đã chia nước ta ra làm ba xứ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ… mọi việc ở Trung kỳ đều do tòa Khâm sứ giải quyết hết, chả đếm xỉa gì đến nhà vua. Vua và triều đình chỉ ngồi cho có vị.

Những năm đầu thế kỷ, sách Tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc sang ta càng ngày càng nhiều. Các sĩ phu yêu nước mang nhiều tư tưởng duy tân. Lá thư của Phan Chu Trinh gửi lên chính phủ, bài “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu ở nước ngoài giử về được lén lút trao tay nhau trong các tầng lớp nhân dân. Các vụ bạo động dưới sự lãnh đạo của các nhà yêu nước Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Trị, đã làm cho bọn thực dân hết sức lo ngại.

Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì phong trào đấu tranh của nhân dân ngày càng lên mạnh. Những vụ biểu tình đòi giảm thuế, giảm sưu nổ ra liên tiếp ở Thừa Thiên, Quảng Trị. Rồi những vụ học sinh trường kỹ nghệ biểu tình đỏi thả cụ Phan Bội Châu. Vụ hàng nghìn người, trong đó có cả những người làm công chức cho Pháp, làm quan ở Nam Triều đã đình công, bãi chợ, nghỉ việc đi mít tinh, biểu tình để tang Phan Chu Trinh.

Đặc biệt tháng 9 năm 1938, giữa lúc Hội đồng dân biểu Trung kỳ đang họp, đại biểu Mặt trận dân chủ đang đấu tranh, hàng nghìn người, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên Đảng Cộng sản, đã kéo tới trước Viện dân biểu đòi bọn thực dân Pháp phải xóa bỏ dự án tăng thuế để phục vụ cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cuộc đấu tranh đã hoàn thành thắng lợi.

Cho đến ngày Nhật Pháp bắn nhau, Ủy ban khởi nghĩa ra đời do Đảng lãnh đạo, nhân dân Bình Trị Thiên đã vùng dậy cướp chính quyền, đập tan bộ máy thống trị gần một trăm năm của thực dân Pháp, một nghìn năm của các triều đình vua chúa phong kiến, dựng lên chế độ tươi sáng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Qua những trang, những mẩu chuyện lịch sử ấy, nỗi vương vướng trong óc tôi về phong trào đấu tranh của nhân dân nơi đây dần dần biến mất. Và tôi nghĩ rằng, với một truyền thống đấu tranh như vậy, nhất định cuộc kháng chiến của chúng ta sẽ thành công, vì sự lãnh đạo tài tình khéo léo của Đảng ta như mười mấy năm qua kể từ khi Đảng ra đời…


(1) Cùng với bài vè “Thất thủ Thuận An”, bài vè này đã được in thành sách, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1984.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:31:47 am »

II. NHỮNG NGÀY CHUẨN BỊ

Khoảng giữa tháng 12-1946,trước khi xảy ra chiến sự bốn năm ngày, anh Thanh triệu tập một cuộc hội nghị quân sự. Đây là cuộc hội nghị quân sự đầu tiên của tỉnh. Cuộc họp có đầy đủ các anh: Trần Hữu Dực, Hoàng Anh, Hà Văn Lâu, Hoàng Lưu, Lê Chưởng… Tôi cũng có mặt tại hội nghị ấy.

Sau khi thông báo những vụ khiêu khích gần đây của bọn Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng, Anh nói:

- Chung quy là chúng muốn đánh chiếm toàn bộ nước ta thôi! Nếu chúng ta nhân nhượng, chúng càng lấn tới. Trước sau chúng ta cũng phải đánh đuổi chúng nó đi. Điều này, Trung ương và Bác đã dự kiến cả.

Ngừng một giây, anh nói tiếp:

- Nếu xảy ra đánh nhau, nhiệm vụ của chúng ta rất nặng. Chúng ta phải tích cực chuẩn bị sẵn sàng, khi có lệnh là tiêu diệt hoàn toàn bọn địch ở đây, càng nhanh càng tốt.

Chúng tôi cũng đã biết rõ như vậy, nên chẳng nói gì. Ai nấy đều trầm lặng, trang nghiêm.

Sau đó, anh Hà Văn Lâu báo cáo về tình hình chuẩn bị chiến đấu của trung đoàn Trần Cao Vân, đơn vị chủ lực do anh phụ trách.

Trung đoàn Trần Cao Vân hồi đó có ba tiểu đoàn, quân số tương đối đầy đủ nhưng trang bị thiếu và kém. Tiểu đoàn 16 đóng ở nội và ngoại thành Huế. Tiểu đoàn 17 đó ở khu vực Mang Cá. Tiểu đoàn 18 đóng ở khu vực đèo Hải Vân và huyện Đại Lộc. Ngoài ra còn có tiểu đoàn Tiếp phòng quân là tiểu đoàn có nhiệm vụ quan hệ với quân đội Pháp, ngăn ngừa và giải quyết những hành động vi phạm đến Hiệp định mồng 6 tháng 3 do hai bên đã ký kết.

Các chiến sĩ của trung đoàn phần lớn là công nhân, nông dân, học sinh, dân nghèo thành thị. Một số anh em trước đây đã là tự vệ bí mật, là đội viên tuyên truyền xung phong khi chưa cướp chính quyền. Đó là những chiến sĩ quân tình nguyện. Anh em rất hăng hái, rất thiết tha với cách mạng.

Nhưng, cán bộ chỉ huy các cấp là vấn đề đáng chú ý: chỉ có một số ít đồng chí, từ cán bộ chính trị chuyển sang, trình độ giác ngộ cách mạng rất cao, nhưng trình độ chỉ huy quân sự thì lại rất thấp - có thể nói - chưa biết gì. Còn phần lớn là các cựu binh sĩ: khố đỏ, khố xanh, khố vàng mới tham gia cách mạng. Những người này cũng chưa biết chỉ huy chiến đấu. Trước đây, họ chỉ biết cầm súng chứ đã chỉ huy ai.

Do đó, việc huấn luyện mỗi người một kiểu: kẻ thì theo kiểu Pháp, kẻ thì theo kiểu của Nhật. Ngoài huấn luyện đội ngũ và một số kỹ thật cơ bản, bộ đội hầu như không được học gì về chiến thuật vì không mấy ai biết.

Vũ khí nghiêm trọng hơn: rất thiếu. Cả trung đoàn không đầy 200 khẩu súng trường cũ kỹ, đủ loại: mút cơ tông Anh, đô si noa của Pháp, chiêu hòa của Nhật, súng Nga nòng dài (thời Nga hoàng), súng thất cửu của Trung Hòa (thời Tưởng Giới Thạch) lại có cả súng khai hậu, súng bắn chim.

Có khẩu không có đạn, có khẩu chỉ có năm bảy viên. Tiểu liên, trung liên có chừng dăm bảy khẩu. Độc nhất có một khẩu sơn pháo 75 ly tước của Nhật, anh em gọi là “ông già 75”.

Ngoài ra, các đại đội đều được trang bị thêm đại đao, mã tấu và một ít lựu đạn do xưởng công binh của tỉnh sản xuất, chất lượng chưa bảo đảm lắm.

Bênh cạnh trung đoàn chủ lực còn có lực lượng tự vệ chiến đấu trong tỉnh, khá hùng hậu. Anh Lê Chưởng phụ trách tự vệ thành phố hồi đó, cho biết: hầu hết các cơ quan, nhà máy, các đường phố đều có tổ chức tự vệ chiến đấu và đã được tập luyện. Các đội cảm tử đã thực tập, ra vào nhiều lần các khu Pháp đóng. Một số đơn vị nhỏ đã bố trí ở ngay cạnh đồn Pháp. Nhiều đội cứu thương mặt trận cũng được thành lập, gồm các nữ sinh rất nhiệt tình, hăng hái.

Về phía địch, sau Hiệp định mồng 6 tháng 3, cho quân Pháp được thay thế quân Tàu Tưởng, giải giáp quân Nhật. Khoảng 750 lính từ Xa-ra-van và Xa-van-na-khét kéo vào Huế. Nghe các anh nói lại, lúc chúng vào, đều mặc đồng phục, đội mũ sắt, đi giày săng đá, súng ống toàn những kiểu tối tân do Mỹ mới chế tạo, đạn quấn khắp người. Phía sau lại có một đoàn xe rất dài, phủ bạt kín mít, chắc là chở súng đạn. Trên trời có máy bay, dưới đất có xe tăng, xe bọc thép yểm hộ. chúng lại có cả một đội kèn đồng thổi theo bước chân của lính đi rầm rập. Chúng muốn diễu võ dương oai với nhân dân ta, làm cho nhân dân ta khiếp sợ.

Ngoài 750 lính, còn có 250 kiều dân Pháp ở đây. Khi Nhật đảo chính Pháp, ta vẫn để cho họ ở yên, không động chạm tới. Số người này, khi Pháp đến, cũng đã được trang bị vũ khí. Như thế, tổng số trên dưới một nghìn.

Trước khi chúng đến, chúng đòi đóng ở các đồn cũ: Phan Đình Phùng, Đội Cung, đồn Mang Cá. Ta không cho vì đó là những vị trí chiến lược quan trọng trong thành phố. Ta buộc chúng đóng trong khu vực của chúng ở trước đây - phía nam sông Hương. Chúng đành chịu. Khi đến, chúng đóng trong các nhà hết sức kiên cố phần nhiều xây bằng bê tông cốt sắt: hãng Mô-ranh, trường Khải Định, trường Pen-lơ-ranh, trường Thiên Hựu, nhà Mác bớp. Theo quân báo ta cho biết, chúng đến hôm trước thì hôm sau đã đào công sự, xây hầm ngầm - do công binh tự làm lấy và đổ đất cát vào các bao tải mang theo làm chướng ngại vật che các cửa lớn, cửa nhỏ. Như thế, chúng đã chuẩn bị đề phòng ta đánh.

Sau khi kiểm điểm tình hình giữa ta và địch, hội nghị chuyển sang bàn về cách đánh.

- Làm thế nào để tiêu diệt được địch nhanh và gọn? Nên bố trí lực lượng như thế nào cho tốt?

Hội nghị im lặng hồi lâu. Bởi vì, chưa ai có kinh nghiệm chiến đấu đã đành, mà kiến thức quân sự cũng quá ít ỏi.

Anh Thanh truyền đạt lại một ý trong chỉ thị kháng chiến của Trung ương Đảng, đại để: động viên lực lượng toàn dân kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn diện, phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp tác triệt để.

Lúc đó, chúng tôi chưa ai hiểu rõ chiến tranh toàn dân, toàn diện và chiến thuật du kích như thế nào. Cho nên khi bàn về hành động cụ thể đối với bọn Pháp ở khu vực chúng chiếm đóng, các anh cũng chỉ nói chung chung là phải bao vây chúng và tiêu diệt. Nhưng bao vây cách nào, và làm thế nào để tiêu diệt thì cũng chưa nói rõ. Những hình thức tấn công địch chiếm đóng trong thành phố, chưa ai hình dung ra được cụ thể.

Kể cũng dễ hiểu. Bây giờ, nói đến chiến tranh du kích, tổ chức ra sao, trang bị ra sao, các kiểu đánh ra sao, ai cũng có thể hiểu được. Hồi đó, mới có một số cán bộ chính trị được nghe nói đến chiến thuật du kích, chứ chưa có thực tế chiến đấu. Còn cán bộ quân sự, từ trung đoàn trở xuống đều là các sĩ quan, hạ sĩ quan quân khố xanh, khố đỏ, khố vàng mới vào vệ quốc quân, làm sao hiểu và vận dụng được chiến thuật du kích mới nghe nói lần đầu?

Hội nghị giải tán với các khái niệm chung chung như vậy về quân sự, về chiến tranh nhân dân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:32:15 am »

Chiều hôm đó, tôi đi khẩn trương lại việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong thành phố. Ra khỏi nhà, tôi đi về phía cửa Thượng Tứ.

Một vài ngã ba, ngã tư đã đắp lên những ụ đất lớn, bên trong có các thân cây, các cọc sắt, chắn ngang cả đường. Hai bên đường, những cành cây to được chặt xuống, bỏ rải rác khắp bên vỉa hè. Một vài nơi, từng tốp người, trẻ có, già có, có người tóc đã bạc đang hì hục đào các hào giao thông chiến đấu. Tuy giữa mùa đông, nhưng nắng dịu, gió hiu hiu, trên trán một vài người đã thấy lấm tấm mồ hôi. Thấy tôi lững thững đi qua, một anh thanh niên nói:

- Anh ni ngó có vẻ rảnh rang quá hè! Tới đây làm một lát cuốc chơi!

Tôi vội vàng trả lời: “Tôi đang bận”, rồi rảo bước đi nhanh. Tiếng nói vẫn đuổi theo sau:

- Anh ni không phải người đây. Người Quảng “Nôm”. Rồi anh ta pha giọng quê tôi “Eng khôông eng, téc đèng đi ngầu!”. Tiếng cười rộn lên sau lưng tôi. Tôi cũng cười, không giận mà lại thấy vui vui. Đến Thượng Tứ, tôi thấy, trên đám cỏ rộng sát chân thành, rất đông thanh niên đang hăng say tập luyện quân sự. Nơi đây, một đoàn súng gỗ cầm trước ngực, áo bà ba, quần lai buộc túm đang tập bước đi đều: một, hai, một, hai - nơi kia một toán đang lăn lê, bò toài, tập ném lựu đạn, đâm lê, vũ khí cũng bằng gỗ. Xa hơn nữa, một tốp người rất đông, đứng vòng tròn, đang làm gì tôi không rõ. Tôi từ từ bước tới, len vào đám đông. Giữa sân cỏ, có hai anh thanh niên ở trần, chỉ mặc một chiếc quần lót, đang múa chân, múa tay như đang đánh nhau. Cạnh đấy, có một ông già khoảng ngoài sáu mươi, người gầy nhỏ, mặc bộ áo quần bà ba đen nói to:

- Hạ tấn xuống nữa! Đá song phi!

Tôi hỏi người đứng cạnh:

- Họ làm gì đấy!

- Họ đang tập võ Bình Định đấy!

Anh ta chỉ vào ông cụ già:

- Ông ta là thầy dạy võ nổi tiếng đấy. Trước đây ông làm đề đốc cho nhà vua.

Tôi cũng đã biết Bình Định, ở cạnh tỉnh tôi, nổi tiếng về nghề võ, nhưng tôi chưa học bao giờ, bây giờ mới thấy. Tự nhiên, trong óc tôi nảy ra một ý nghĩ: làm được cái gì mà giết được giặc thì ta cứ làm. Đó phải chăng là chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích.

Tôi đứng xem một lúc rồi đi. Trước mặt tôi là cửa Ngọ Môn, nơi cung điện của triều đình vua chúa. Trước đây, hồi còn ở Ba Tơ, anh Minh cũng đã tả cung điện này cho tôi nghe. Hôm nay, tôi cũng muốn vào một chút, xem thoáng qua, cũng chẳng mất bao nhiều thời gian. Qua một bức thành thấp xây bằng gạch hoa văn rất đẹp dựng lên trên một hồ sen - sen đã tàn, chỉ còn hoa súng một màu tím nhạt, tôi bước tới con đường dẫn vào ba cổng lớn. Nhớ lại lời anh Minh nói: Ba cổng lớn ấy, cộng giữa rộng hơn, chỉ để vua đi, còn hai cổng hai bên là để cho văn võ đại thần, văn bên phải, võ bên trái vào triều ngự. Cái cổng lớn ấy, cửa kia chỉ có một thanh ngang chắn sát mặt đất, nhưng từ khi có Tây sang đô hộ, các thượng khách ra vào, đi ôtô nên phải phá đi, để xe cộ dễ ra vào.

Trên ba cổng ấy, có một cái lầu nằm dài suốt cả ba cổng, phần mái của cổng chính lớp bằng ngói hoàng lưu ly, còn lại lợp ngói thanh lưu ly, dưới ánh mặt trời tỏa ra một mà biêng biếc. Có phải chăng, trên ngôi lầu ấy, hơn một năm trước đây, một ngày gần cuối tháng tám, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, Bảo Đại trước hàng vạn nhân dân đứng chật ních, đã tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho phái đoàn chính phủ ta với câu nói “Thà làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”.

Nhắc đến Bảo Đại, tôi sực nhớ đến, có lần, có người đã nói với tôi:

- Bảo Đại sau khi tuyên bố thoái vị, đã ra làm cố vấn cho chính phủ ta. Khi bọn Tàu Tưởng sang, mang theo một lũ Việt gian bán nước Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam. Do sách lược chính trị, ta để cho Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Bảo Đại lúc đó là người đứng đầu ngoại giao ủy viên hội Tam hồi đó, đề nghị ta nên cử một phái đoàn thân thiện sang Trùng Khánh để thắt chặt tình thân Hoa - Việt. Do tình hình chính trị lúc đó, ta đồng tình. Bảo Đại xin đi. Trùng Khánh mớm ý để Bảo Đại đi. Ta cũng đồng tình. Thế là Bảo Đại ra đi và không trở lại làm cố vấn nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:33:13 am »

Tôi bước chân vào cửa Ngọ Môn. Cả ba cánh cổng đều mở rộng, kể cả cánh giữa lối vua đi. Anh Minh kể rằng: xưa kia, ba năm một lần, có quốc lễ tế Nam Giao, cánh cổng ấy mới mở để vua đi, còn quanh năm đóng im ỉm, trừ khi có các quan toàn quyền, quan khâm sứ, những người cao nhất của Pháp vào thăm. Thế mà giờ đây, cánh cổng mở rộng, bất cứ người dân nào cũng vào được. Tôi đi qua cổng, bước vào sân trước điện Thái Hòa, nơi ngày xưa vua ngự triều những ngày đại lễ.

Một cảnh tượng đập vào mắt tôi: trước sân rộng có một đám thanh niên đang tập ném lưu đạn, trong đó, có hai cô gái trạc tuổi đôi mươi. Tôi bỗng bật cười, nhớ lại lời anh Minh lúc trước: cái sân đó, xưa kia, mỗi lần thiết triều, các quan văn võ phải từ tam phẩm trở lên, nghĩa là quan cao cấp, mới được vào, áo mũ cân đai chỉnh tề, quỳ lạy nhà vua. Và có một lần, nhân ngày quốc lễ Hưng quốc khánh niệm(1), viên Khâm sứ quan Tây cai trị đứng đầu Trung kỳ, đưa giấy sang báo trước y sẽ cùng với vợ - đó là phong tục phương Tây - sang chúc tụng nhà vua. Nhận được giấy, quan Thượng thư bộ lễ lập tức sang Tòa Khâm sứ thỉnh cầu viên Khâm sứ đừng đem vợ đi, vì theo đạo lý Á đông, đàn bà ô uế không được vào “chốn trang nghiêm”. Viên Khâm sứ chỉ cười - đó là việc cỏn con chả hệ trọng gì không nên làm mất tình thầy, nghĩa tớ, nên đi một mình. Vậy mà giờ đây lại có hai người con gái vào tập ném lựu đạn ở giữa sân rồng!

Tôi đứng xem hai người con gái ấy tập. Trong đó có một cô gái rất dễ nhớ: người thấp béo, mặt tròn, cắt tóc ngắn kiểu con gái quê tôi, mặc chiếc áo cánh nâu vá nhiều miếng trên vai, chiếc quần vải đen đã bạc màu dưới lai túm lại, đặc biệt một bên của cô ta bị sứt một chút ở chỗ răng cửa.

Cả hai cô gái, cũng như mấy anh thanh niên khác chẳng để ý đến tôi. Có lẽ họ cho tôi là khách du ngoạn đi thăm cung điện nên mặc, ai làm việc nấy.

Tôi cũng không có ý định du ngoạn. Tôi chỉ xem lướt qua thôi và muốn sang bên kia sông, nơi khu vực Pháp đón để xem bên ấy chuẩn bị ra sao.

Tôi qua cửa Ngăn, qua vườn hoa xuống bến đò Thừa Phủ.

Dọc theo vườn hoa, từng tốp thanh niên nam nữ, có những người đã ngoài bốn mươi cũng đang mải mê luyện tập đâm lê, ném lựu đạn như trong thành nội.

Hôm ấy, đẹp trời. Sông Hương lộng gió. Những làn sóng lăn tăn gợn theo gió chiều uốn lượn trên mặt nước xanh. Vài con thuyền nhỏ, đi ngược, về xuôi, mái chèo nhẹ nhàng đưa đẩy, tung lên những vảy bạc dưới ánh nắng vàng. Một giọng hò mái nhì khoan thai, thánh thot vang lên trong không gian dìu dịu.

      Chiều chiều trước bến Văn Lâu
      Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
      Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
      Thuyền ai thấp thoáng bên sông
      Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non…


Tôi đã thuộc lòng câu ấy hồi anh Minh dạy chúng tôi học văn hóa ở Ba Tơ. Hôm nay, nghe lại, sao mà thấy lòng xao xuyến.

Chuyến đò ngang Thừa Phủ đưa khách bên này sông sang bên kia sông lúc ấy rất vắng - chỉ có một mình tôi. Tôi hỏi ông già đưa đò:

- Nếu xảy ra đánh nhau, đò nào có chèo không bác! - Hỏi xong, tôi mới biết là tôi nói hớ. Đã đánh nhau thì chèo thế nào được! Chẳng qua hỏi cho có chuyện. Không ngờ, ông già trả lời:

- Chèo chớ! Nếu bộ đội qua sông thì tôi chèo. Súng đạn chúng bắn mấy, tôi cũng chèo, để cho bộ đội giết chết ba thằng chó má ấy đi!

Tiếng nói ông già chắc nịch, trầm trầm cương quyết. Đôi mắt hom hem của ông bỗng trừng lên nhìn thẳng sang bên kia sông. Nhìn đôi mắt ấy, tôi cảm thấy hình như có có một điều gì căm thù, cay đắng. Tôi định hỏi thêm thì thuyền đã gần cập bến. Tôi không hỏi nữa. Bước chân lên bờ, tôi rút ví lấy tiền ra trả. Ông già lắc đầu, nói như xua đuổi tôi:

- Anh đi đi! Cán bộ, bộ đội qua sông, tôi không lấy tiền.

Tôi đành chỉ cám ơn người đưa đò, rồi lặng lẽ bước đi.


(1) Cũng như ngày quốc khánh của một nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:33:47 am »

Tình hình bên này, nơi quân Pháp đóng, khác hẳn bên kia sông. Đường vắng ngắt, thỉnh thoảng mới thấy bóng anh vệ quốc quân cầm súng thấp thoáng sau các gốc cây. Nhưng dọc đường, treo rất nhiều khẩu hiệu viết bằng vôi, bằng mực trên các tấm gỗ, tấm cót, tấm bìa dày. Khẩu hiệu nào cũng viết bằng hai thứ tiếng Pháp - Việt: “ĐỘC LẬP, TỰ DO HAY LÀ CHẾT”, “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM”, “ĐẢ ĐẢO BỌN THỰC DÂN XÂM LƯỢC!”. Khẩu hiệu đóng vào các gốc cây, bờ tường, suốt cả đường đi. Đầu các ngã ba, ngã tư, chướng ngại vật, không phải chỉ những ụ đất mà còn những thân cây rất lớn chắn ngang hẳn lối vào những con đường nhỏ. Những công sở, những nhà thường dân, tường đều bị đục thủng từng lỗ. Vôi gạch ngổn ngang. Những bức hàng rào ngăn nhà này với nhà kia đều bị phá sập từng đoạn để lấy lối đi. Hai bên đường, rất nhiều hầm hố, không sâu, có lẽ chỉ để dùng che người, tránh đạn trong lúc đánh nhau. Những cành cây lớn hai bên đường bị chặt xuống, chắn ngang con đường từng chặng một. Phố nào phố này vắng teo không thấy bóng một người già hay một em bé. Các nhà, cửa đều mở rộng, bàn ghế, giường, tủ con, tủ lớn để ngổn ngang ở gian nhà ngoài. Có lẽ, để khi cần đến họ sẽ ném luôn ra đường cho nhanh, cho tiện.

Tôi đi qua một vài đường phố. Phố nào cũng vậy… Từng đám thanh niên nam nữ hì hục đào, moi, móc… Họ làm việc im lặng, không ồn ào như phía bên kia. Ở các đầu phố, có những anh lính “sao vuông” đứng gác, trong tay nắm lựu đạn, nét mặt rắn đanh.

“Họ sẵn sàng chiến đấu rồi” Tôi thầm nghĩ. Đây là nơi sẽ xảy ra chiến trường thực sự, không còn nghi ngờ gì nữa. Lệnh sơ tán, lệnh vườn không nhà trống ở bên này sông đã được chấp hành triệt để, không như ở bên kia sông. Tôi yên lòng, rẽ về phía cầu Trường Tiền.

Thành phố đã lên đèn. Những con đường cũng đã vắng đi nhiều, khác với mấy hôm trước đây, nhưng dù sao vẫn còn đông. Những tà áo dài màu tím biếc, những tào áo xanh non phất phất, bay bay hai bên hè phố. Các cửa hàng vẫn còn mở rộng để đón khách ra vào. Tôi đi dọc theo đường phố cầu Gia Hội. Đến gần đầu cầu, tôi rẽ sang phố ngang. Một mùi thơm dậy lên trước mũi. Mùi nem chua, chà nướng gì đây. Tôi bước thêm mấy bước nữa. Trong gian nhà nhỏ nằm bên lề đường, một lò than đang đỏ lên rừng rực, trên để cái chảo to. Bà cụ già đang múc một thứ nước bột gì đấy trăng trắng đổ vào chảo. Xèo một cái, khói bốc lên. Bà cụ liền bốc trong cái rá để trước mặt một nắm giá tươi, rải lên trên, bỏ thêm mấy con tôm, vài ngọn hành, rau răm, rồi lấy đôi đũa lật miếng bột đã chín thành hình vành trăng. À, bánh khoái! Tôi đã nghe anh Minh kể lại nhiều lần ở Ba Tơ, giữa lúc chúng tôi phải ăn cơm gạo hẩm hôi rình rình với muối trắng!

Lời tả của anh làm cho chúng tôi chảy cả nước bọt. Bây giờ, tôi đã bắt gặp đây rồi. Thấy tôi dừng lại ở cửa, bà cụ đon đả:

- Mời anh vào xơi!

Tôi bước vào nhà. Trước cái bàn dài có ba bốn người khách đang ngồi chờ. Tôi ngồi xuống cạnh họ:

- Bà chưa đi sơ tán à!

- Chà! Sơ tán, sơ tiếc gì! Chẳng qua chính phủ sợ tên bay đạn lạc, chết oan dân mới ra lệnh rứa thôi. Chớ Tây mần răng mà sang bên ni được. Bộ đội vứt đi mô?

Một người khách góp chuyện, đùa:

- Vứt vô hàng bánh khoái của thím đó! Bánh thím ngon có tiếng mà!

Tôi cười theo. Nhưng trong óc tôi thầm nghĩ: bà con mình chủ quan quá! Quá tin vào bộ đội. Biết nói làm sao đây!

Tôi về kể lại chuyện này cho anh Thanh nghe. Anh lắc đầu:

- Không được! Phải giải thích cho dân đến nơi đến chốn. Không phải chỉ ra lệnh mà được đâu!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:34:31 am »

III. KHÓI LỬA RỰC ĐÔ THÀNH

Giữa tháng 12 năm 1946, tình hình hết sức căng thẳng. Tin tức đến với chúng tôi hằng ngày. Ở Hà Nội chúng nổ súng nhiều nơi trong thành phố. Chúng bắn vào công an ở phố Hàng Đậu, chúng bắn vào Vệ quốc đoàn ở phố Hàm Long. Chúng cho xe bọc thép tới phá các công sự của ta ở Lò Đúc. Chúng kéo quân đến phố Yên Ninh, bắn chết rất nhiều người… Máy bay chúng bay suốt ngày trên bầu trời Hà Nội. Chúng dàn quân dọc theo đường phố đến cầu Long Biên.

Trong những ngày đó, tôi được lệnh của anh Thanh đi kiểm tra lại việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu ở các huyện phía Nam vì chúng tôi đã nhận được tin địch đổ bộ thêm quân trái phép vào Đà Nẵng. Các huyện đó, địch có thể đi qua để ứng cứu cho bọn chúng ở trong thành phố Huế.

Các huyện Phú Vang, Phú Lộc đã chuẩn bị rất sẵn sàng. Tất cả các nơi đều thực hiện “vườn không nhà trống”. Các đình chùa, miếu vũ, các nhà gạch to đã được đập phá triệt để. Việc đó cũng không phải dễ dàng. Một ông cụ, nhà nghèo thôi, đã dặn con:

- Phá mô thì phá, đừng phá nhà thờ họ con nghe!

Nhà thờ họ, đối với tâm hồn ông là một cái gì rất thiêng liêng không có cái gì phá vỡ nổi…

Nhưng rồi cán bộ ta giải thích:

- Bác nghĩ xem, nếu còn nhà cao, cửa rộng, bọn Tây đến, chúng nó sẽ ở. Rồi lại, lý trưởng, chánh tổng, tri phủ, tri huyện, rồi lính lệ, tây đoan - cuộc đời của bác có được như ri không?

Thế là rõ rồi. Mới hơn một năm, mà cuộc đời đã khác. Trẻ con được đi học. Cuộc sống được tự do. Ủy ban là của mình, cán bộ là của mình. Muốn ăn, muốn nói gì thì nói. Nói sai, họ cũng chỉ cười. Chả phải sưu, chả phải thuế. Chả phải bị đập đánh gông cùm vì mấy đồng bạc thuế, sưu…

Ông cụ gật đầu:

- Muốn phá mô đó thì phá, miễn là độc lập, tự do!

Các mẹ, các chị ngày đêm xay lúa, giã gạo, chuẩn bị cho bộ đội đánh Tây… Các hũ gạo nuôi quân nhà nào cũng đầy ăm ắp. Các ụ súng chiến đấu, giao thông hào nối liền làng này sang làng khác. Các làng nằm kề bên sông chặt hết tre rào chắn ngang cả dòng nước chảy. Họ lập nên những “phòng tuyến Bạch Đằng”. Các lò rèn, suốt ngày đêm đỏ lửa, biến sắt thép thành kiếm, dao. Những cây thanh long đao của Quan Vân Trường, lưỡi tầm sét của Châu Xương trong các miếu cũ cũng được mài lại sắc bén thành vũ khí. Một không khí hừng hực chiến đấu bốc lên khắp các xóm chùa.

Tôi về báo cáo lại với anh Thanh. Anh rất mừng. Sáng ngày 18 tháng 12, giặc Pháp đưa cho chính phủ ta một bức công hàm có tính chất tối hậu thư… Chiều ngày 18 lại một bức tối hậu thư nữa. Ở chỗ chúng tôi có một cái đài, nhưng quá cũ kỹ, cứ rè rè nghe không rõ. Phải căng hết tai, hết óc ra mà nghe. Tin tức hằng ngày làm cho chúng tôi rất nóng ruột.

Trưa ngày 19, anh Thanh bỗng đến chỗ tôi ở. Anh hỏi:

- Đồng bào bên này sông đã sơ tán hết chưa?

- Dạ, nhiều lắm rồi. Mấy hôm nay họ nghe tin tức và cán bộ ta giải thích, thúc ép, họ phải đi!

- Tình hình bố trí lực lượng của ta ra sao rồi?

- Dạ, theo anh Lâu cho biết thì biết thì bộ đội ta đã bao quanh các nơi chúng đóng. Nhiều nhất ở Mô-ranh, nhà Mác-lốp, trường Thiên Hựu.

- Anh Lâu cũng đã báo cho tôi biết việc đó. Nhưng chúng ta cũng phải chú ý cả hai lực lượng: Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ.

- Tự vệ đã rải khắp nơi.

Anh Thanh ra về, còn nói nhỏ với tôi. Có lẽ đó là mục đích chính anh đến đây:

- Chuẩn bị tối nay nghe lời kêu gọi của Bác!

Người tôi nóng ran. “Có lẽ là mệnh lệnh chiến đấu chăng!” - Tôi tự thầm hỏi như vậy.

Chiều hôm đó, ăn cơm xong, tôi sang nhà anh Thanh luôn. Đài của anh nghe rõ hơn. Tôi ngồi xuống giường. Lúc đầu chỉ nghe tin tức.

Khoảng gần nửa đêm, tôi bỗng nghe một giọng nói ấm áp vang lên:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng phải đứng lên…”

Nghe đến ngang đấy, anh Thanh cũng đứng lên, rời khỏi ghế.

- Chúng ta bắt đầu thôi!

Anh ra phòng làm việc.

Lát sau, điện phụt tắt. Một tiếng ầm vang lên. Ta phá sập cầu Tràng Tiền. Rồi súng nổ vang rền phía bên kia sông, nơi khu vực giặc chiếm. Tiếng súng kháng chiến của quân dân Bình Trị Thiên bắt đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM