Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:06:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 74969 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:12:24 pm »

Trước tình hình như vậy, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định mở những cuộc tấn công mới để ngăn chặn bàn tay của chúng lại và bảo vệ đồng bào trong vụ mùa sắp tới. Một khó khăn lớn là nhân dân đang đói lấy đâu ra lương thực cho bộ đội ăn để đánh giặc. Qua nhiều cuộc thảo luận, Bộ tư lệnh quyết định cho bộ đội phân tán về gặp bà con xin lương thực, thứ gì cũng được miễn cho qua bữa, chỉ ăn trong bốn ngày để mở một trận đánh lớn…

Nhân dân thấy bộ đội về, xin ăn để đi đánh giặc, khóc ròng. Mẹ Bút, nhìn ra cánh đồng lúa dậy thì còn đang óng ánh, nước mắt rưng rưng: “Có còn chi mô! Gắng chờ mùa về con ạ!”.

Nhưng rồi, mớ tấm, mớ tôm, mớ tép, củ khoai, củ sắn còn non choét vẫn được đào bới lên đổ vào vạt áo anh bộ đội, có gì cho nấy, cho hết thì thôi. “Cực thì cực với chắc, sướng thì sướng với chắc. Kể chi, con!”. Ôi! Tấm lòng những người cha, người mẹ, người chị, người anh!

Năm hôm sau, tiếng súng rền vang trên con đường Phú Ốc - Sịa. Đồn An Gia nát vụn. Tiếp theo đó, đêm 9 tháng 3, tiểu đoàn 436 tấn công đồn Phổ Lại.

Đồn Phổ Lại là một đồn lớn án ngữ trên con đường này. Đồn xây bằng gạch tương đối chắc. Bốn góc đồn có bốn lô-cốt. Xung quanh đồn có ba lớp rào tre, hai lớp rào dây thép gai. Lực lượng địch thường ngày chỉ có một trung đội bảo vệ. Nhưng hôm ta đánh lại có thêm một đại đội hạ sĩ quan mới đến. Ta biết đám hạ sĩ quan này chỉ đi qua, ghé nghỉ tạm chứ không có nhiệm vụ chiến đấu nên kế hoạch tác chiến của ta không thay đổi.

2 giờ sáng, lính trong đồn đang ngủ thì một loạt Bô-pho, SKZ, súng cối 81 nổ rầm rầm. Các lô-cốt, công sự đều bị đổ sụp. Số đông lính nằm ngoài công sự bị chết ngay từ loạt đạn đầu. Sau khi công binh phá được hàng rào, các mũi xung kích nhảy vào chiếm các căn nhà, góc hầm. Bọn địch sống sót xin hàng…

Tin chiến thắng vang dội khắp nơi. Bà con vui mừng…



Cùng lúc, địch cũng đang có âm mưu mở một cuộc càn quét lớn vào vùng này để thực hiện cái kế hoạch do tên tướng Đờ-lát Đờ-tát-xi-nhi đề ra.

Ngày 10 tháng 3, sau khi ta kết thúc trận đánh Phổ Lại, quân báo ta cho biết địch đã tập trung quân ở vùng Triệu Hải. Lực lượng địch gồm có hai cánh:

Cánh thứ nhất là binh đoàn của trung tá Bút-tin đóng ở thị xã Quảng Trị, quân số ước chừng trên 1.000 tên và một trung đội xe bọc thép lội nước. Lực lượng tham chiến gồm có tiểu đoàn bộ binh lê dương số 1, tiểu đoàn bộ binh lê dương số 4, tiểu đoàn bộ binh thuộc địa số 21, một đại đội lưu động ngụy.

Cánh quân thứ hai là binh đoàn của trung tá Sốc-ken, quân số 1.250 tên và một đại đội xe bọc thép lội nước đứng chân ở Mỹ Chánh và Sịa. Lực lượng tham chiến gồm có tiểu đoàn bộ binh cơ giới Spa-hi, tiểu đoàn bộ binh An-giê-ri số 27, tiểu đoàn bộ binh cơ động Sê-nê-gan số 28 cùng một bộ phận tiểu đoàn chủ lực ngụy số 7 và tiểu đoàn chủ lực ngụy số 8.

Ngoài các thành phần cơ động ứng chiến trên, bộ chỉ huy Pháp còn huy động 14 đại đội của 14 đồn quanh vùng vào việc càn quét.

Chúng còn điều một số tàu chiến ở Đà Nẵng ra và một đại đội ca-nô chiến đấu để bao vây đường biển và phá Tam Giang, nhằm khép kín bốn mặt, quây đánh vùng căn cứ của ta. Toàn bộ máy bay chiến đấu của địch ở hai sân bay Đông Hà và Phú Bài cũng được huy động vào cuộc càn này. Hai đại đội pháo 75 và 94 ly cũng được đưa từ Huế ra dàn trên đường số 1, hướng nòng xuống vùng căn cứ Triệu Hải.

Trên chiến trường Bình Trị Thiên, từ trước tới nay, địch chưa bao giờ huy động một lực lượng lớn với những đội quân Âu Phi tinh nhuệ nhất của chúng để đi càn quét. Chúng dùng chiến thuật hợp điểm, định dồn cán bộ, nhân dân ta vào một khu vực rồi bắt giết gọn. Nơi hiệp điểm của địch là Thanh Hương - Vĩnh Xương.

Tướng Ta-bút, chỉ huy miền Bắc Trung Việt đã huênh hoang tuyên bố trước khi xuất quân: “Trận càn này sẽ nghiền nát đối phương”. Ta-bút đã ra lệnh cho bộ máy tuyên truyền của hắn thảo sẵn những bản thông cáo để phát trên đài phát thanh Huế và in sẵn hàng vạn truyền đơn để cổ vũ cho cái “sức mạnh vô địch” của quân đội viễn chinh Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Đờ-lát Đờ-tát-xi-nhi.

Sau khi nhận được tin các nơi báo về, Bộ chỉ huy ta đã phán đoán được âm mưu càn quét của địch và các đường tiến quân của chúng. Bộ chỉ huy liền ra lệnh điều trung đoàn 95 và trung đoàn 101 về các khu vực đã quy định ngay trong đêm 10 tháng 3. Lúc đó trung đoàn 95 đang đóng ở vùng chợ Cạn và trung đoàn 101 vừa đánh địch ở Phổ Lại, Quảng Điền.

Ngày 11 tháng 3, lúc trời chưa sáng, quân địch mở đầu cuộc càn bằng những trận pháo kích dồn dập từ trên đường quốc lộ bắn xuống và từ ngoài biển bắn vào. Sau đó, các cánh quân tiến về hướng Thanh Hương - Vĩnh Xương. Binh đoàn Sốc-ken từ Mỹ Chánh, Ủi Điềm tiến về phía tây. Cánh bộ binh cơ giới và xe bọc thép lội nước tiến theo đường Phổ Trạch. Tiểu đoàn Xê nê gan và tiểu đoàn 8 ngụy đi ca nô lên Đông Cao và Cổ Tháp bao bọc hướng đông.

Binh đoàn Bu-tin từ thị xã Quảng Trị, theo đường 68 đến Diên Khánh, chia thành nhiều mũi đánh vào phía bắc và tây bắc…

Thanh Hương - Vĩnh Xương nằm hoàn toàn trong vòng vây của địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:12:47 pm »

Vùng đồng bằng Triệu Hải - Phong Quảng là một vùng căn cứ du kích của ta, đã bao năm quần nhau với giặc, phong trào cách mạng rất cao. Nhân dân, du kích rất dạn dày trong chiến đấu. Cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng vững vàng. Mỗi lần có báo động, nhân dân dã quen cất giấu của cải đi sơ tán, tránh hướng giặc đi. Giặc đi hướng nam, bà con đi về hướng bắc. Giặc đi hướng đông, bà con rẽ về hướng tây. Hôm đó, giặc đi cả bốn hướng. Vô hình chung, bà con từ bốn hướng đi vào một vùng Thanh Hương - Vĩnh Xương, nơi hợp điểm của giặc.

Từ sáng tinh mơ, nhân dân đã chuẩn bị lên đường. Tin giặc tập trung quân, bàn con đã biết lúc nửa đêm và chuẩn bị đâu vào đây. Nghe súng giặc nổ, bà con gồng gánh ra đi, trừ đám dân quân ở lại đánh giặc giữ làng, không một ai ở lại thôn xóm. Vụ tàn sát thật khủng khiếp của giặc những năm ấy trong các trận càn. Ở chợ Cạn địch giết một lúc 1.200 người, thôn Mỹ Thủy trước có hơn 400, sau trận càn chỉ còn có 18 người, vừa già trẻ, lớn bé. Nhân dân thấy rõ tội ác dã man của giặc đã ghi sâu trong lòng một mối hận thù không bao giờ rửa sạch. Cho nên bà con cương quyết ra đi, có chết cũng đi, không khi nào muốn thấy bóng giặc. Đoàn nọ tiếp đoàn kia, làng này nối làng khác, dưới sự chỉ huy của các cán bộ ủy ban, đoàn thể địa phương, lũ lượt đi vào nơi trung tâm điểm.

Khi mặt trời lên khỏi ngọn tre, mặt đất còn phảng phất đôi chút sương mù, một chiếc máy bay bà già vò vè lượn đến. Tiếp theo đó, sáu chiếc máy bay oanh tạc đen thui ầm ầm lao tới. Rồi bom đạn trút xuống như mưa vào đám người đang đi tị nạn. Bà con nhiều lần bị máy bay giặc bắn phá nên cũng đã quen, tản ra các nơi có hầm hố, có ụ đất cao để ẩn náu. Máy bay đi qua, bà con lại tiếp tục lên đường.

Phía chân trời trước mặt từng đụn khói ùn ùn bốc lên là nơi địch đang đến. Trong đám đông một người mẹ trẻ ôm trong tay dứa con, thốt lên giọng não nùng:

- Con ơi! Cha con ở mô, các chú, các bác ở mô mà không về bảo vệ mạ con mình!

Rồi chị òa lên khóc. Ôi! Tiếng khóc sau nghe như xé ruột xé gan. Chị lại bế con lên đường, nhập vào một tốp mới đến…

Cả ba bốn phía, súng giặc vẫn nổ ầm ầm, cà-nông địch trên đường quốc lộ 16 bắn xuống, ngoài biển bắn vào, đạn cứ bay vèo vèo xé tai nhức óc. Chốc chốc máy bay địch lại đến, thả bom, bắn phá, khói lửa cứ bốc mịt mù… Bà con có người vẫn đi… có người dừng lại, ngồi phịch xuống đất mặt bơ phờ… Biết chạy đi đâu? Cả bốn phía giặc vây cả rồi. Có người nào đó nói:

- Thôi, ngồi lại đây, chờ xem sao!

- Chờ cái chi?

- Chờ anh em bộ đội đánh!

- Anh em bộ đội có mô ở đây! Có thì họ đã đánh rồi! Mới hôm qua, nghe nói họ đánh ở chợ Sịa. Chợ Sịa thì cách đây rất xa, đi gần một ngày đường. Mần răng mà họ về kịp…

Những vụ giết chóc hãi hùng: chợ Cạn, Mỹ Thủy, Đồng Dương… mắt họ đã thấy, tai họ đã nghe… Nhìn trời, trời cao. Nhìn đất, đất rộng… Nhìn quanh, mọi người xao xác… Mặt ai nấy đều tái xanh, tái xám… Những xác chết đầy rẫy khắp các thôn xóm, các cánh đồng, máu me đỏ lòm hiện ra trong óc họ… “Trời ơi! Giặc! Giặc”. Có người òa lên khóc, nhiều người khóc theo…

Mặt trời gần đứng đỉnh đầu. Qua những đụn khói ùn ùn lên không, biết vòng vây giặc dần dần khép lại…

Bỗng một trận súng nổ vang rền, long trời dậy đất. Trận súng từ sáng đến đây chưa nghe thấy lần nào. Trận súng, như một kho đạn lớn bị châm lửa, nổ cùng một lúc, rền rền, kéo dài…

Có người đứng bật dậy:

- A, hình như bộ đội miềng đánh!

Mặt tất cả mọi người nghiêm hẳn lại. Họ lắng tai nghe. Họ đã quen rồi. Mỗi lần bộ đội mình đánh, tiếng súng khác hẳn lúc giặc đi lùng… Tiếng súng vẫn như một kho đạn bị nổ.

Thế là tất cả mọi người nhảy lên. Họ thét, họ la, họ nhảy múa:

- Đúng rồi! Bộ đội miềng đánh rồi! Anh em ơi! Bộ đội miềng đánh rồi! Bộ đội miềng đánh rồi!

Có người nằm lăn ra giữa cát, cười sằng sặc:

- A ha! Bộ đội miềng đánh rồi! Anh em ơi! Chị em ơi! Không chết nữa mô!
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tư, 2015, 10:28:15 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:13:09 pm »

Trung đoàn 101 nhận được lệnh, cấp tốc hành quân…

Bốn ngày đêm rồi, họ đánh không nghỉ, hành quân liên miên… An Gia, Phổ Lại, Sịa, Phú Ốc… Gạo xin được đủ ăn bốn ngày. Hết! Ngày hôm sau, họ phải nhịn đói để chờ đánh quân tiếp viện… Bỗng có lệnh hành quân cấp tốc về vùng Thế Chí. Ba mươi ki-lô-mét đường dài, người đi bộ bình thường cũng phải mất một ngày mới đến. Thế mà họ phải đi trong vòng nửa đêm, khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ, sáng mai, lúc tinh mơ phải có mặt. Lệnh trên như vậy. Và như vậy họ phải vừa đi vừa chạy, trong lúc bụng đói cồn cào… Vì ai? Phải chăng vì những người đã cho họ khoai, sắn để ăn trong bốn ngày vừa qua? Phải chăng, trong bộ đội có chồng của người đàn bà bồng con nhỏ chạy tản cư, mắt nhìn về chân trời xa thẳm mong người thân về cứu lấy vợ con…

Trung đoàn vừa đi vừa chạy đến phá Tam Giang, vượt phá Tam Giang đến vùng Thế Chí Tây đúng giờ quy định, lại có lệnh tiến về  Đại Lược, đến Đại Lược có lệnh đi về Kế Môn, đến Kế Môn có lệnh đi về Thanh Hương, đến Thanh Hương vừa gặp trung đoàn Bút-tin từ phía Quảng Trị mệt mỏi tiến vào. Chúng đã bị du kích các địa phương chặn đánh suốt cả chặng đường từ Quảng Trị vào đến đây. Gặp đạo quân này, chúng rất bực bội, lính chết không nhiều, nhưng nghe tiếng súng phải dừng lại. Biết đâu gặp phải chủ lực Việt Minh đang tìm chúng. Nhưng chúng chỉ thấy cánh đồng bát ngát bao vây các lũy tre làng…

Đến rìa làng Thanh Hương lại nghe tiếng súng. Súng du kích hay là súng chủ lực? Nhưng chủ lực nào? 95 hay 101? 18 xa xôi ở tận ngoài Quảng Bình chắc không vào rồi! 101 thì theo tình báo quân sự cho biết đang ở vùng An Gia, Phổ Lại, thuộc huyện Quản Điền phía bắc Thừa Thiên, cách đây ba bốn chục ki-lô-mét, lại phải vượt qua phá Tam Giang, có cánh cũng không bay về kịp. Chỉ còn 95… Nhưng 95??? Theo đúng kế hoạch, binh đoàn Sốc-ken phải đến địa điểm này rồi, nhưng giờ đây vẫn chưa đến, mà còn rất xa. Sáng nay súng nổ rất nhiều ở vùng Vĩnh An - Mỹ Xuyên, nằm trên trục đường tiến quân của binh đoàn. Binh đoàn này cũng rất mạnh, quân số 1.520 tên, phần lớn là quân Âu Phi tinh nhuệ, thế mà bị ngăn lại, như là một con đê ngăn dòng nước lũ. Con đê đó phải là một trung đoàn chủ lực, chứ du kích địa phương làm sao ngăn nổi. Vậy trung đoàn chủ lực đó không phải là 95 thì còn ai?

Suy nghĩ như vậy, Bút-tin yên tâm thúc quân tiến…

Bỗng súng nổ liên hồi như một nồi bắp rang bị đốt to lửa…

Bút-tin hoảng hốt: 95 hay 101?

Trong lúc các chiến sĩ trung đoàn 101, quên cả đói, quên cả mệt sau cuộc hành quân cấp tốc đường dài chạm trán với binh đoàn Bút-tin, thì phía tây, tây nam, đông, đông nam, các chiến sĩ trung đoàn 95 đã quần nhau với giặc lâu rồi. Bộ chỉ huy mặt trận đã phân công trung đoàn 101 chặn đánh binh đoàn của Bút-tin từ Quảng Trị vào, Trung đoàn 95 đánh binh đoàn Sốc-ken từ Mỹ Chánh đến…

Binh đoàn Sốc-ken chia quân đi làm bốn mũi theo bốn hướng: Hướng tây, tây nam, tiểu đoàn Spa-hi và tiểu đoàn An-giê-ri theo tỉnh lộ Mỹ Chánh - Ưu Điềm, Vĩnh An, Vân Trình đánh xuống Thanh Hương, hướng đông, đông nam, toán bộ binh cơ giới có xe bọc thép lội nước từ Phổ Trạch về thôn Niệm. Tiểu đoàn Xê-nê-gan và tiểu đoàn 8 ngụy đi ca-nô lên Đồng Cao, tiến về Cổ Tháp, cùng thẳng dường đến Thanh Hương.

Thế là Thanh Hương - Vĩnh Xương nằm gọn cả bốn phương tám hướng trong vòng vây của địch.

Binh đoàn Sốc-ken ra đi từ lúc mờ sáng. Nhưng, cũng như binh đoàn Bút-tin, binh đoàn Sốc-ken bị dân quân địa phương các nơi ngăn đường, mãi đến 9 giờ mới đến Phong Lâu, gặp ngay đại đội đầu tiên của trung đoàn 95, đại đội 153 vừa cấp tốc hành quân tới. Đại đội này cùng dân quân địa phương nổ súng chặn địch. Nhưng thấy địch đông quá, sợ bị bao vây, đại đội rút lui về Vĩnh An.

Sốc-ken thúc quân tiến. Hai tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ của địch ào ào tràn tới Vĩnh An, gặp đại đội 9 của tiểu đoàn 227 và tiểu đoàn 302 chặn lại. Mấy lần Sốc-ken cho lính lùi xa, gọi máy bay, pháo binh bắn phá rất ác liệt vào làng, rồi cho quân tiến. Vẫn không sao vào được. Các chiến sĩ trung đoàn 95 đã bẻ gãy 7 đợt xung phong của địch.

Trời về chiều…

Chúng hẹn nhau đến trưa thì hai binh đoàn Bút-tin và Sốc-ken hội tụ ở Thanh Hương. Nhưng giờ đây, trời đã chiều mà Sốc-ken mới tới đây, còn cách Thanh Hương xa quá. Ta-bút, chỉ huy trưởng “miền Bắc Trung Việt” trực tiếp chỉ huy trận này, ngồi trên chiếc máy bay Mô-ran, lượn đi, lượn lại rất sốt ruột. Hắn ra lệnh cho mấy chiếc máy bay khu trục B26 ở Đông Hà lao đến và tất cả các khẩu đại bác đã dời xuống Ưu Điềm dội một rận bão lửa khủng khiếp xuống vùng Vĩnh An, để cho bộ binh Sốc-ken rút lui về Hòa Viện củng cố lại, mở đợt tấn công cuối cùng dứt điểm.

Nhưng Ta-bút đã tính toán sai lầm. Hắn vẫn chưa hiểu hết tinh thần anh dũng của đối phương đã từng chạm trán với hắn bao nhiêu năm qua. Đối phương của hắn lại hiểu hắn rõ ràng hơn. Ban chỉ huy trung đoàn 95 đã thấy rõ tình trạng xao xuyến của địch. Đợi cho trận bão lửa tạm yên, trung đoàn trưởng hạ lệnh phản công ngay:

Thế là các chiến sĩ, lưỡi lê lắp ngay vào súng, nhảy lên khỏi chiến hào, đuổi đánh quân giặc. Tiết thét xung phong át cả tiếng bom đạn… Bọn lính Âu - Phi hoảng hốt chạy dài. Chiến sĩ ta đuổi theo sát nút. Trung đoàn tách quân làm ba mũi đánh thẳng vào trước mặt và hai bên sườn. Trên cánh đồng lầy Vĩnh An, địch chết như rạ…

Sốc-ken định cho quân lui về Hòa Viện củng cố để mở đợt tấn công mới, không ngờ bị quân ta phục kích dữ dội quá, phải bỏ Hòa Viện chạy thẳng về Ưu Điểm, nơi có nhiều đồn bốt làm chỗ dựa.

Bộ đội ta đuổi đến đấy, thấy cánh đồng quá trống trải và gặp hệ thống đồn bốt giặc nên dừng lại xây dựng trận địa, chuẩn bị đánh tiếp. Binh đoàn Sốc-ken không dám tiến ra nữa. Thế là mũi tiến công phía nam này của địch hoàn toàn bị phá vỡ khi hoàng hôn phủ xuống các cánh đồng…

Chỉ còn trơ lại binh đoàn Bút-tin ở phía Thanh Hương đang chơi vơi cùng bóng đêm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:13:33 pm »

Binh đoàn Bút-tin đã gặp những sự cố gì trong buổi chiều nắng đầu hè gay gắt ấy?

12 giờ trưa, Bút-tin đến rìa làng Thanh Hương lại nghe tiếng súng như khi đi qua các làng mạc khác. Nhưng tiến súng ở đây nghe có vẻ dồn dập hơn. Bút-tin nghĩ mãi đây là dân quân du kích bộ đội địa phương hay là chủ lực? Chủ lực thì chủ lực nào? 18? 95? 101? 18 tận ngoài Quảng Bình xa xôi vào đây làm gì? 95 có lẽ đang ở phía bên kia, nơi binh đoàn Sốc-ken đang bị chặn đứng? Sai lời hội tụ! Chỉ có 95 mới ngăn nổi dòng thác lũ đó. Còn 101? Ở cách đây ba bốn mươi ki-lô-mét, không có lẽ có cánh mà bay?

Bút-tin yên tâm, thúc quân tiến vào làng… Bỗng sau các lũy tre xanh, đạn bay ra tua tủa. Bọn lính đi đầu ngã gục. Lớp thứ hai tiến lên, cũng bị ngã. Lớp thứ ba cũng bị ngã. Xác giặc ngổn ngang trên cánh đồng. Bọn đi sau hoảng hốt, thụt lùi. Bút-tin cũng hoảng sợ. Ai? Số còn lại của 95, 101? Bút-tin dồn tất cả lực lượng tấn công vào làng. Vẫn không vào được. Quân lính chết quá nhiều trên cánh đồng lúa sắp chín. Lúa không còn nữa, chỉ thấy xác giặc… Bút-tin hoang mang, đưa mắt nhìn khắp chiến trường. Hắn bỗng nghĩ ra một kế: cho một bộ phận nhỏ ở lại làm nghi binh, còn bộ phận lớn chia làm ba mũi vòng qua làng chiếm lấy ngọn đồi Vĩnh Xương trước mặt.

Đồi Vĩnh Xương nằm giữa hai làng Thanh Hương và Vĩnh Xương, là một ngọn đồi cát cao hơn các lũy tre làng. Ai chiếm được ngọn đồi cao đó, có thể khống chế toàn vùng và đối phương sẽ bị động. Ban chỉ huy trung đoàn cũng đang đứng quan sát trận địa. Thấy Bút-tin chuyển quân, trung đoàn trưởng Lê Văn Tri liền ra lệnh cho tiểu đoàn trưởng Triệu Huy Hùng đang giữ làng Thanh Hương dời một bộ phận quân lên chiếm ngọn đồi Vĩnh Xương  trước. Các chiến sĩ ta lao như tên bắn lên ngọn đồi, hối hả đào công sự. Lực lượng không nhiều, chỉ một trung đội chia nhau giữ bốn mỏm cao trên ngọn đồi. Địch kéo đến. Chúng cho máy bay đến oanh tạc và pháo bắn dồn dập dọn đường, rồi mới tiến quân lên đồi. Các chiến sĩ ta đợi cho chúng tới gần mới nổ súng. Bọn đi đầu ngã gục. Lớp thứ hai cung ngã gục. Bút-tin ngừng tấn công, gọi máy bay đến thả bom bắn phá. Một trận ném bom vô cùng dữ dội trên một ngọn đồi hẹp, chu vi khoảng chừng hai ki-lô-mét. Lửa phụt lên rừng rực. Khói bom bốc mù mịt, phủ kín cả ngọn đồi hoang. Một số chiến sĩ ta hy sinh. Một số bị thương. Trung đội trưởng Dần bị một mảnh đạn xuyên qua ngực, máu đầm đìa cả khoang áo trước mặt. Chiến sĩ súng máy Nguyễn Cơ gãy một cánh tay.

Sau đợt ném bom, địch lại ào ạt tấn công lên đồi, lại bị đánh quật xuống. Địch tấn công lần thứ hai cũng không sao lên được. Địch tấn công lần thứ ba, mỏm đồi A gặp khó khăn các chiến sĩ hết đạn. Tiểu đoàn trưởng Triệu Huy Hùng, ngay từ phút đầu đã có mặt trên đó, liền điều động một số chiến sĩ ở mỏm B sang đánh bật địch xuống đồi. Địch lại lui quân, lại ném bom… Nhưng không ăn thua nữa rồi. Trung đoàn trưởng Lê Văn Tri đã điều tiểu đoàn 436 từ ngoài đánh thẳng vào đội quân đang tấn công của Bút-tin. Cuộc tấn công của tiểu đoàn 436 do tiểu đoàn trưởng Dương Bá Nuôi dẫn đầu vô cùng dũng mãnh làm cho quân địch hoảng sợ tan tác như kiến vỡ tổ, chạy tán loạn. Phía trên này, tiểu đoàn 319 của Triệu Huy Hùng lập tức đánh sang. Bọn địch cuống cuồng cắm đầu, cắm cổ chạy vào làng có nhà thờ tháp đôi. Chúng nhảy qua các hàng rào, chui vào các đống rơm chuồng heo, chuồng gà để trốn. Một bộ phận nhỏ chạy vào nhà thờ. Quân ta ba bốn phía bao vây chúng lại và áp vào làng. Bọn địch không dám chống cự vất súng giơ tay đầu hàng…

Khi thấy bộ phận đánh đồi Vĩnh Xương hoàn toàn tan rã, Bút-tin sợ hãi điều lực lượng còn lại vào phía cuối làng tạo thành một tuyến phòng ngự lâm thời và đưa sở chỉ huy binh đoàn vào khu nhà thờ tháp một, bố trí cố thủ. Bộ đội ta đổ vào bao vây chúng lại…

Hoàng hôn đã phủ xuống.

Thấy bộ đội ta đã mệt mỏi. Bốn ngày đêm liền chiến đấu không nghỉ, lại thêm một ngày vừa hành quân vừa chiến đấu với dạ dày lép kẹp, bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho trung đoàn tạm nghỉ chuẩn bị cho cuộc tấn công mới đêm nay và ngày mai…

Một số chiến sĩ của ta trở về hậu tuyến để lấy thêm súng đạn và dẫn tù binh về phía sau. Nhân dân ta đứng đầy đường, đầy ngõ. Trận đánh cả ngày hôm nay, ai cũng biết. Thấy các chiến sĩ đi qua, bà con vui mừng, hoan hô ầm ĩ. Nhiều người nhảy ra ôm chầm lấy anh bộ đội, nhất định kéo về nhà. Nhưng các đồng chí từ chối vì đang còn phải làm nhiệm vụ. Nhà nào nhà nấy bếp lửa sáng rực. Họ đổ tất cả những thứ gì có thể ăn được, nấu vội để đưa đi tiếp tế bộ đội, mặc dù không có ai yêu cầu. Dân vùng này đã biết cách đây mấy ngày bộ đội có thể về xin gạo ăn. Bây giờ thì chắc hết sạch cả rồi. Họ không hay rằng trong lúc chiến thắng, bộ đội ta truy kích địch thì một số dân quân, cán bộ địa phương đi thu dọn chiến trường, nhặt súng đạn và cũng không quên nhặt lương thực, phần nhiều là đồ hộp, thuốc lá của bọn lính địch và trao ngay cho bộ đội ăn đỡ đói lòng. Người nọ chia cho người kia nên anh em không đến nỗi đói lắm. Một số đồng bào đi tản cư đến đây dừng lại. Đi đâu làm gì nữa. Bộ đội đã chặn đứng bọn địch lại rồi. Thế là bao nhiêu lương ăn mang đi sơ tán đều trao cho bộ đội. Có đói một đêm cũng không sao… Người mẹ trẻ có con mọn cũng mở cái mo buộc ở sát lưng giao cho các chiến sĩ của ta. Chiến sĩ ta từ chối: “Chị để cho cháu ăn!”. Người đàn bà nằn nì nhưng anh em nhất định không cầm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:14:00 pm »

Trong gian nhà nhở ở gần nhà thờ Thanh Hương, nơi quân địch đang bị bao vây bốn mặt, bộ chỉ huy mặt trận họp. Đồng chí tư lệnh trưởng Hà Văn Lâu nhận định tình hình địch. Tuy bọn địch còn đông nhưng tinh thần của chúng hoang mang dao động lắm rồi. Ta tích cực tấn công, nhất định sẽ tiêu diệt hoàn toàn chúng. Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ tiêu diệt binh đoàn Bút-tin cho trung đoàn 101 như cũ. Trung đoàn 95 cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích hai huyện Phong - Quảng, vẫn tiếp tục ngăn chặn không cho binh đoàn Sốc-ken đến Thanh Hương cứu viện. Tiểu đoàn 328 cùng lực lượng địa phương sẵn sàng đánh chặn quân đổ bộ đường biển ở Hương Đồng, Bảo An, Gia Đằng, Mỹ Thủy.

Hội nghị hoàn toàn nhất trí. Các liên lạc viên tung bay đi các ngả.

Chiến sĩ Út mang mệnh lệnh đến đại đội trưởng Võ Phi Thắng đang làm nhiệm vụ bao vây nhà thờ tháp một, nơi bọn chỉ huy binh đoàn Bút-tin đang ẩn núp. Tron đêm tối, anh đi lạc đường, bọn lính canh gác phía ngoài bắt được. Anh nhanh tay đưa bản mệnh lệnh vào miệng, nhai, nuốt chửng rồi thản nhiên đi theo chúng. Vào trong nhà thờ, anh thấy một đám Tây to lớn đang ngồi ủ rũ trước bàn thờ chúa. Xung quanh, có hơn hai trăm đồng bào công giáo ở quanh nhà thờ, bị chúng bắt vào đây để bảo vệ cho chúng. Chúng đã biết rằng, bộ đội ta không bao giờ bắn vào đồng bào. Có đồng bào ngồi quanh, chúng sẽ yên tâm hơn. Út bị dẫn đến trước mặt tên võ quan râu xồm, khoảng bốn mươi, áo quần xộc xệch, ngồi bó gối, hai tay chống cằm, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ. Thấy Út, đôi mắt hắn hình như sáng lên. Hắn nỏi, một tên thông ngôn dịch lại:

- Ngoài kia, bộ đội Việt Minh nhiều hay ít?

- Nhiều. Riêng chủ lực có sáu tiểu đoàn. Bộ đội địa phương rất đông.

- Súng đạn còn nhiều ít?

- Lúc chiều, bắn gần hết, nhưng bây giờ đã đem về đầy đủ, vì hôm tê đánh đồn Phổ Lại lấy được rất nhiều và cất giấu gần đây thôi.

- Chủ lực thuộc đơn vị nào?

- Trung đoàn 101.

Bút-tin cắt ngang lời Út:

- Trung đoàn 101? Hôm kia đang đánh ở Phổ Lại.

- Đúng. Hôm kia đánh Phổ Lại, hôm qua cũng đang ở đó, chờ phục kích, được lệnh, chúng tôi về đây.

Nét mặt Bút-tin trở lại trầm ngâm. Út nói tiếp:

- Ở đây, hiện giờ không phải chỉ có trung đoàn 101, mà có cả trung đoàn 95 ở Vĩnh An kéo về…

- Anh có biết, bên Vĩnh An thế nào không?

- Có, trung đoàn 95 đã đuổi các ông về Mỹ Chánh rồi.

Bút-tin thở dài và nói với người thông ngôn:

- Cho nó về!...



Sáng hôm sau, 12 tháng 3, lúc đang còn mở đất, bọn địch định tháo chạy qua đường 68, về thị xã Quảng Trị. Nhưng chúng làm sao thoát nổi lưới bao vây của trung đoàn 101? Tiểu đoàn trưởng 436 lập tức ra lệnh nỏ súng. Cối 81, phóng bom và các cỡ súng của ta nổ vào toán địch đi đầu. Chúng hốt hoảng kêu la và chạy tán loạn. Đồng bào trong nhà thờ, nghe tiếng súng cũng chạy ra. Bọn quan quân ở trước nhà thờ chạy theo. Dân chạy đâu, chúng theo đấy. Kèn xung phong đã thúc lên ròn rã, nhưng anh em ngập ngừng không dám bắn sợ đụng vào dân. Đại đội trưởng Trị liền lớn tiếng hô to: “Đồng bào nằm cả xuống!”. Tất cả dân liền nằm rạp xuống. Các chiến sĩ ta lắp lưỡi lê vào súng, lao tới bọn địch. Một số ít cầm cự bị ta giết ngay tại chỗ, số còn lại tạt ra cánh đồng…

Cánh đồng Thanh Hương tương đối rộng, trải dài hai bên đường 68. Nắng ban mai qua màn sương mỏng, đỏ rực cánh đồng. Bọn địch lố nha lố nhố đứng như kiến cỏ, sì sà sì sụp chạy. Nhưng những đôi giày đinh nặng nề của chúng làm sao cho phép chúng chạy nhanh trên những mảnh ruộng lầy ngập nước! Tha hồ cho các khẩu súng của chúng ta nhả đạn… Anh em vừa bắn vừa hô to: “Hô lê manh!”. Bộ đội ta chỉ biết độc nhất có mấy tiếng Tây “Hô-lê-manh”. Anh nào chưa biết thì gọi to “Giơ tay lên”. Giữa lúc đó một phóng viên báo “Vệ quốc quân - Mặt trận Bình Trị Thiên” xuất hiện trên đường 68 không biết tự bao giờ. Anh chụm hai bàn tay làm loa nói một câu tiếng Pháp rất dài đúng giọng Pa-ri: “Hỡi binh lính Pháp! Hãy đầu hàng đi! Quân đội Việt Nam dân chủ cộng hòa không bao giờ tàn sát những kẻ thù đã hạ súng!”. Giữa cánh đồng hàng trăm cánh tay vứt súng giơ lên. Bọn lính còn lại trên đường 68 cũng vậy. Súng im dần rồi tắt hẳn.

Một cảnh tượng hiện ra trước mắt. Giữa cánh đồng rực rỡ ánh ban mai, xác giặc ngổn ngang đè rạp lên trăm ngàn cây lúa đang vào đóng. Bên cạnh đó, vô số bọn giặc cao lênh khênh, lưng cúi lom khom, giơ thẳng hai tay lên trời, chới với cầu xin tha cho tội chết. Trên đường cái và trên các bờ ruộng xung quanh đồng, bộ đội ta cầm ngang ngọn súng đi bao quanh như những dũng sĩ oai hùng. Đồng bào đổ ra xem. Trên trời, một chiếc máy bay bà già bay quanh, bay quẩn rồi rời xa… Chúng biết rằng có gọi phi cơ oanh tạc hay cà-nông đến cũng chẳng làm gì được nữa. Tất cả như đã chấm dứt. Anh nhà báo cũng đi rảo quanh, nói với các chiến sĩ:

- Lý thú quá! Có thể viết thành một cuốn sách hay!

Đại đội phó Nguyễn Ngọc Hòa đi qua, khuyến khích:

- Viết đi! Viết đi, ông nhà báo! Trận chiến thắng to nhất ở Bình Trị Thiên chúng ta từ trước tới nay đấy!
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tư, 2015, 10:00:04 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:14:19 pm »

Vẫn chưa hết.

Ngày hôm sau, 13 tháng 3, binh đoàn Sốc-ken bị trung đoàn 95 đánh cho tơi bời phải chạy về Mỹ Chánh nay lộn lại phía Thanh Hương. Chúng định làm gì đây. Lợi dụng sơ hở của ta sau chiến thắng để gỡ đôi chút sĩ diện chăng?

Nhưng làm gì có chuyện ấy. Trung đoàn 95 đang chờ sẵn. Sốc-ken đến Mỹ Xuyên bị trung đoàn chặn đánh một trận kịch liệt. Trung tá Sốc-ken, chỉ huy binh đoàn trúng đạn, cùng bọn lính tháo chạy ngay chiều hôm đó…

Bấy giờ, trận Thanh Hương - Mỹ Xuyên mới kết thúc.



1.500 tên địch bị loại ra khỏi vòng chiến, 125 tên khác bị bắt sống. Tiểu đoàn lê dương số 4 bị xóa sổ. Binh đoàn Bút-tin bị tiêu diệt. Binh đoàn Sốc-ken bị đánh thiệt hại nặng. Trung tá Bút-tin và một loạt sĩ cấp tá, cấp úy Pháp bị giết và bị bắt tại trận. Trung tá Sốc-ken bị trọng thương. Ta-bút chỉ huy trưởng “miền Bắc Trung Việt” bị cách chức. Quân ứng chiến Pháp - lực lượng thiện chiến nhất của Pháp, bị mất hai phần ba. Số còn lại hoang mang thất đảm. Bọn ngụy quân càng thêm hoảng hốt, lan tràn tư tưởng đầu hàng…

Đó là nội dung bản báo cáo tóm tắt của Bộ chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên gửi ra cho Bộ Tổng tư lệnh.

Ít lâu sau, quân dân Bình Trị Thiên hết sức vui mừng được đọc bức thư của Bác Hồ:

“Tôi thân ái gửi bộ đội và đồng bào Bình Trị Thiên đã thắng một trận khá. Thắng lợi đó là do sự anh dũng của bộ đội, lòng hăng hái của toàn dân và sức đoàn kết của quân - dân - chính. Nhưng quân và dân ta chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch. Trái lại chúng ta phải cố gắng hơn, cẩn thận hơn nữa và phải nhớ rằng ở Liên khu IV vẫn là du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ, cộng nhiều thắng lợi to nhỏ thành thắng lớn và phải nhớ rằng: kháng chiến là trường kỳ, gian khổ rồi mới đến thắng lợi hoàn toàn”.

Cùng lúc, có bức điện của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng:

“Trung ương vừa nhận được điện báo về chiến thắng của bộ đội ta và nhân dân Bình Trị Thiên trong trận tiêu diệt đồn Phổ Lại và trận vận động đánh binh đoàn lưu động của địch ở Bắc Thừa Thiên… Lần đầu tiên trên chiến trường Bình Trị Thiên, quân ta tiêu diệt được nhiều sinh lực địch trong một thời gian ngắn như thế. Điều đó chứng tỏ các đồng chí đã cố gắng và quân ta ở Bình Trị Thiên đã tiến bộ.

Thay mặt Trung ương, tôi sung sướng gửi lời khen ngợi bộ đội và nhân dân ở Bình Trị Thiên cùng tất  cả các đồng chí đã tham gia chiến dịch này và nhờ các đồng chí chuyển lời Trung ương Đảng an ủi các thương binh và các gia đình liệt sĩ…”.

Toàn mặt trận tưng bừng mừng chiến thắng, đón Huân chương Quân công của Quốc hội, đợi các bức thư của Bác, của Trung ương Đảng, của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Liên khu ủy, Ủy ban kháng chiến Liên khu IV và những bức điện chào mừng từ các mặt trận trong toàn quốc gửi đến.

Ở chiến khu Ba Lòng, nơi bộ chỉ huy mặt trận đóng, càng thêm náo nhiệt. Đoàn văn công của mặt trận trình bày những tiết mục rất đặc sắc. Mở đầu bằng bản đồng ca “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải, một chiến sĩ ở mặt trận. Tân Nhân cất lên gióng hát mà sau này cả nước quen thuộc. Đinh Quang ngâm bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ ca ngợi Bác Hồ.

Trận Thanh Hương đã ghi lại trong đời sống chiến chinh của quân dân Bình Trị Thiên với những kỷ niêm vô cùng sâu sắc. Ngày 12 tháng 3 đã trở thành ngày truyền thống của quân dân Bình Trị Thiên của sư đoàn 325 sau này…

Thanh Hương, cái tên êm dịu, thơm tho như các cô gái đẹp nơi sông Hương núi Ngự và cũng là tên một chiến trường oanh liệt, hào hùng của quân dân Bình Trị Thiên và của cả đất nước chúng ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:43:43 pm »

XXI. Ô HÔ LƯỚI THỦNG

Trận Thanh Hương - Mỹ Xuyên nói riêng và những chiến thắng mùa xuân 1951 nói chung của quân dân Bình Trị Thiên đã đánh một đòn quá nặng vào tướng Đờ-lát Đờ-tát-xi-nhi, viên tướng thiên tài của nước Pháp đã từng làm tư lệnh lục quân khối Tây Âu.

Chiến lược của Đờ-lát là “bình định cấp tốc, phản công quyết liệt” ở khắp các chiến trường. Ở các chiến trường khác chưa nói tới, chỉ nói riêng ở Bình Trị Thiên, “bình định cấp tốc” cũng chẳng thấy, chỉ thấy những thất bại nặng nề, quân sĩ hao hụt, tinh thần binh lính hoang mang, dao động. Nếu cứ để thế chiến trường này dễ mất như chơi.

Đờ-lát đành phải điều quân ở chiến trường chính Bắc bộ vào, đó là điều hoàn toàn không muốn. Đờ-lát chỉ muốn ngược lại. Nhưng đành phải thế chứ biết làm sao!

Đờ-lát tăng thêm cho Bình Trị Thiên mấy nghìn quân trong đó có mấy tiểu đoàn Bắc Phi vừa ở Pháp sang. Đờ-lát hạ lệnh cho tướng Ê-tăng chỉ huy miền Trung thay thế cho Ta-bút vừa bị thải hồi sau trận Thanh Hương: Phải củng cố lại các đơn vị ứng chiến gồm các tiểu đoàn lính Âu Phi, An-giê-ri, Ma-rốc, Sê-nê-gan, Spa-hi, các tiểu đoàn lê dương… Đi đôi với việc củng cố các đơn vị ứng chiến, chúng ráo riết đôn quân, bắt lính, tăng cường phòng thủ vững chắc. Trong các cứ điểm, chúng xây thêm nhiều lô-cốt, boong-ke, thay lô cốt cao bằng lô-cốt thấp. Ở một số vị trí quan trọng, chúng xây cả hầm ngầm kiên cố để chống lại hỏa lực SKZ và các cuộc tấn công của ta.

Nhưng, mục đích chính của chúng vẫn là tìm cách tiêu diệt các lực lượng quân sự của ta. Đó là mối nguy cơ lớn nhất đối với chúng. Chúng tung tiền của, tung người để nắm cho được các hoạt động của ta, nhất là của các trung đoàn chủ lực, dù tốn bao nhiêu chúng cũng không tiếc. Gần cuối tháng 7, chúng đã biết được trung đoàn 101 về đóng ở Mỹ Lợi, nơi mà đơn vị này đã về đây xây dựng cơ sở từ những ngày đầu.

Chúng liền tổ chức “cất vó”.

Mỹ Lợi là một dải đất mỏng hẹp nằm bên phá Cầu Hai. Ba bề đều sóng nước đứng xa trông như một hòn đảo nhỏ.

Đêm 24 tháng 7, chúng cho tiểu đoàn cơ động Tuy-ni-di bí mật về đóng ở Rầm, phía nam Mỹ Lợi.

Sáng 25 tháng 7, chúng cho 1 đại đội Âu Phi đến đóng ở cửa Thuận An, phía bắc. Đồng thời chúng cho hai thông báo hạm ở Đà Nẵng ra lởn vởn ngoài khơi. Tối 25, lúc gà vừa lên chuồng, chúng cho lính thủy đánh bộ đổ bộ vào Mỹ Á, đông nam Mỹ Lợi. Đồng thời 17 ca-nô chiến đấu chở đầy lính đến chốt ở Hà Thanh, Hà Úc, phía tây bắc.

Cùng với các đội quân chốt chặn, chúng cho hơn 100 ô-tô và xe bọc thép chở ba tiểu đoàn Âu Phi đến Hòa Đa. Sau khi đổ quân xuống, đoàn xe ô-tô và xe bọc thép này dàn đội hình thành tuyến chốt chặn đường số 1 về phía tây…

Như thế là địch đã chốt chặn cả bốn hướng.

Về lực lượng công kích chính diện, chúng dùng 3 tiểu đoàn Âu Phi trong đó có một tiểu đoàn mới ở Pháp sang và được sự yểm hộ của lực lượng không quân ở hai sân bay Phú Bài, Đà Nẵng cùng với trận địa pháo ở An Nông và các pháo hạm ở các tàu ngoài biển…

Tất cả mọi việc chuẩn bị chúng đều làm trong đêm tối để giữ bí mật, tạo thế bất ngờ…

Và tảng sáng ngày 26, chúng bắt đầu tiến công. Tin chắc rằng trung đoàn 101 đã nằm trong vòng vây và chúng sẽ rửa được mối hận Thanh Hương. Chúng có ngờ đâu…

Trung đoàn 101, sau những trận chiến đấu ác liệt được bộ chỉ huy mặt trận cho về vùng Phú Vang, nơi mà trung đoàn đã xây dựng được cơ sở từ những ngày đầu để nghỉ ngơi và học tập chính trị… Trung đoàn định ở đây trong một tuần. Tinh thần cảnh giác vốn đã trở thành thói quen của cán bộ và chiến sĩ ở vùng địch hậu - một vùng đất dài và hẹp, đồn địch giăng khắp nơi, lại có đường quốc lộ chạy ngang, thêm vào đấy lắm sông, nhiều đầm phá nối liền với biển cả, ô tô, xe tăng, tàu chiến, ca-nô địch dễ dàng qua lại, nếu sơ hở một chút, sẽ bị địch tấn công tiêu diệt như chơi. Do đó, đi đến đâu, việc đầu tiên của đơn vị là phải đặt một lưới trinh sát khắp bốn phía từ xa. Hơn nữa, lại có nhân dân, quân dân như cá với nước. Nơi nào, quân đội cũng được nhân dân che chở vì đó là con em của họ. Các nơi khác đều vậy, huống gì đây, quân và dân đã từng sống chết ngay những ngày đầu. Dù đêm tối mênh mông, dù cố giữ bí mật đến đâu, những hoạt động của địch cũng không thể nào qua khỏi tai mắt của nhân dân, của lưới trinh sát đã dạn dày trong chiến đấu… Việc điều quân và lưới bố trí của địch, ban chỉ huy trung đoàn đều biết kịp thời.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:44:19 pm »

Ban chỉ huy nắm chắc tình hình và biết rõ âm mưu của địch. Một hội nghị cấp tốc của các cán bộ chỉ huy quyết định trung đoàn phải chuyển ra khỏi cái túi này, sang bên kia phá Tam Giang mới tránh lưới bao vây của địch.

Trung đoàn chuyển quân ngay đêm đó. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ và nhân dân địa phương, toàn bộ trung đoàn đã vượt qua phá Tam Giang trước khi trời sáng. Sóng biển mông mênh nhắc lại cho cán bộ chiến sĩ nhớ bao kỷ niệm ba bốn năm về trước lúc kháng chiến mới mở đầu.

Trung đoàn đóng quân ở Thanh Lam Bồ trên đường tiến quân của địch, từ quốc lộ xuống, dàn thành một tuyến ngang dài hai ki-lô-mét như một bờ đê ngăn dòng nước lũ.

Cán bộ chỉ huy trong trung đoàn lại họp bàn kế hoạch tác chiến. Có hai cách:

Một là, chiếm các địa bàn có lợi, chặn đánh cuộc tấn công của địch, bảo toàn lực lượng, chờ trời tối sẽ vượt vòng vây chuyển sang địa bàn khác tiếp tục hoạt động.

Hai là, tìm cách tiến công, tiêu diệt gọn một bộ phận, đánh gục ý chí chiến đấu của địch, bắt địch phải bỏ cuộc càn, rút chạy khỏi chiến trường.

Toàn thể hội nghị quyết định chọn cách xử trí thứ hai.

Và chiến sự đã xảy ra như sau…



Cánh quân chính của địch gồm ba tiểu đoàn Âu Phi, do tên thiếu tá Ti-pha-nhơ chỉ huy, dàn hàng ngang, tiến thẳng một mạch về hướng nam, không càn quét dọc đường. Chúng muốn đi nhanh, rất nhanh về Mỹ Lợi. Chúng tin chắc rằng trung đoàn 101 đang nằm đó. Ở đó, chúng đã bao vây chặt chẽ cả bốn phía, cá đã trong lưới, khó lòng thoát khỏi. Nhưng cuộc tiến công của chúng không phải dễ dàng. Đến đâu, chúng cũng bị du kích chặn đánh. Đặc biệt tới Dưỡng Mong, chúng bị trung đội quân ở đây đánh mạnh quá, tưởng là gặp chủ lực, phải dừng lại, gọi máy bay đến thả bom xuống làng. Đến lúc biết đó là du kích thì mặt trời đã đứng bóng. Dưới ánh nắng hè gay bắt, binh lính Âu Phi uể oải tiến về phía Thanh Lam Bồ.

Vùng Thanh Lam Bồ nằm giữa đồng bằng Phú Vang. Phía bắc nối liền với các làng mạc chạy dài,. Phía nam giáp phá Cầu Hai. Phía đông giáp phá Tam Giang. Phía tây giáp sông Cồn Quang. Địa hình rất phức tạp bao gồm nhiều xóm nhỏ nối tiếp nhau, xen giữa là các ruộng lầy, bãi mía, vườn cây rậm rạp, thuận lợi cho việc giấu quân. Từ tây bắt xuống đông nam có một con đập rộng ba mét chạy dọc theo phá Tam Giang và nhiều con đường liên hương nối liền các thôn xóm. Vùng này, trung đoàn rất quen thuộc, nên việc chiến đấu không đến nỗi khó khăn.

Cánh quân của địch đến thanh Lam Bồ, lập tức súng rộ lên một loạt ầm ầm như trời giông bão. Tiểu đoàn 328 đã chở sẵn ở đây. Tiếng súng của 328 trở thành hiệu lệnh. Các tiểu đoàn 319, 436 cũng ào ạt xông vào bọn lính địch đang đông đặc giữa các cánh đồng. Đại đội 136 đã dũng mãnh đánh xuyên qua đội hình của địch, tiến về chiếm cầu Thanh Lam Bồ để chặn đường rút lui của chúng. Thế là bọn địch đã nằm gọn trong vòng vây của ta… Cuộc chiến chiến đấu xảy ra rất ác liệt trong bốn tiếng đồng hồ liền. Các cánh quân khác ở các nơi đều bị đánh. Toàn binh đoàn của địch hoàn toàn bị rối loạn. Tinh thần binh lính Âu Phi hoang mang hoảng hốt. Máy bay địch lồng lộn trên trời không biết thả bom bắn phá nơi nào vì nơi nào cũng có ta có địch. Hàng đàn ca-nô chiến đấu suốt ngày quần lượn trên phá Tam Giang cũng trở thành vô dụng. Hai chiếc thông báo hạm rập rình ngoài khơi chẳng biết làm gì. Bọn lính chốt ở Rầm, ở Nam Trường, Mỹ Á, Hà Thanh cũng nơ ngác nhìn nhau… Đối phương còn đâu ở Mỹ Lợi nữa mà chốt với càn!

Gần tối thì trận chiến đấu kết thúc. Tiểu đoàn Ma-rốc số 1 bị tiêu diệt gọn. Tiểu đoàn Sê-nê-gan số 28 mất hẳn một đại đội. Tiểu đoàn Spa-hi bị thiệt hại nặng nề. Tên thiếu tá Ti-pha-nhơ bị bắt sống. Một số sĩ quan khác chết hoặc bị bắt làm tù binh. Bọn còn lại bán sống bán chết chạy về phá Tam Giang nhờ ca-nô cứu thoát trở lại Huế. Thế là mộng “cất vó” của tướng Ê-tăng trở thành mây bay khói tỏa. Đây là “chiến công” đầu tiên của hắn trên chiến trường xa lạ này.

Ít lâu sau, quân dân Bình Trị Thiên lại được Bác Hồ gởi lời khen:

“Một lần nữa, Bác vui mừng và thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đã thắng trận ở Phú Vang. Thắng lợi ấy chứng tỏ quân đội ta dũng cảm và tiến bộ. Thắng lợi ấy một phần là nhờ sức đoàn kết và ủng hộ của nhân dân. Vậy các chú chuyển lời Bắc cám ơn đồng bào. Bác dặn các chú nhớ hai điều:

1. Chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch, phải luôn luôn cẩn thận và cố gắng để tranh thủ thắng lợi to hơn nữa.

2. Phải luôn luôn nhớ: du kích chiến tranh là chính. Vậy các chú phải giúp đỡ du kích chiến tranh phát triển và củng cố khắp mọi nơi…

Chào thân ái và quyết thắng!”
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:45:02 pm »

XXII. VÙNG GIẢI PHÓNG RỘNG MÊNH MÔNG

Đầu tháng 11 năm 1951, ở Bắc bộ, Tát-xi-nhi cho quân đánh chiếm Hòa Bình. Suốt mấy ngày liền, đài phát thanh của địch lải nhải đọc đi đọc lại bài diễn văn của Tổng tư lệnh kiêm Cao ủy này, với một câu nói tẻ ngắt; “Giai đoạn lúng túng phải kết thúc. Giờ hành động đã đến. Nước Pháp phải ở lại Đông Dương”.

Sau một năm củng cố và tăng cường lực lượng, Tát-xi-nhi muốn giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Ngày 24 tháng 11, Trung ương Đảng họp, quyết định phá cuộc tấn công này của địch. Bộ Tổng tư lệnh thực hiện quyết định đó, điều ba đại đoàn 308, 312, 304 lên rừng núi miền tây đánh vào chính diện, đại đoàn 320, 316 đẩy mạnh tiến công đánh phá kế hoạch “bình định” của địch, phát triển du kích chiến tranh ở đồng bằng Bắc bộ.

Và đại đoàn 325 cùng quân dân địa phương đẩy mạnh hoạt động ở đồng bằng Bình Trị Thiên sau lưng địch phối hợp với chiến trường chính.

Nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, chúng tôi bàn kế hoạch để thi hành.

Chúng tôi nhận định rằng: trên chiến trường chính, địch đang tập trung lực lượng lớn, tấn công Hòa Bình, lo đối phó với quân ta, địch sẽ sơ hở ở mặt trận này và ít khả năng tăng quân tiếp viện vào đây khi ta tấn công. Đây cũng là một cơ hội tốt để quân dân ta tiêu diệt sinh lực địch và mở rộng các căn cứ du kích của ta…

Về lực lượng địch, chúng tôi cũng đã thấy rõ. Sau các trận Thanh Hương, Mỹ Xuyên, Thanh Lam Bồ, quân ứng chiến của địch đã giảm sút nhiều về số lượng cũng như về tinh thần, sự hoạt động của địch bị thu hẹp và thận trọng hơn trước. Địch ít tổ chức những cuộc càn quét trên một phạm vi rộng rãi với một lực lượng ứng chiến tập trung quy mô lớn. Hầu hết các cuộc càn quét của địch là dùng quân ứng chiến và chiếm đóng của tiểu khu, hoạt động trong một phạm vi bán kính vài ba ki lô mét với thời gian một buổi hay một ngày là kết thúc. Những hoạt động của địch trong thời gian này chủ yếu là nhằm bảo vệ an toàn các đường giao thông quan trọng và hệ thống chiếm đóng, đồng thời tiếp tục bắt lính và trấn an tinh thần của bọn ngụy quyền ở xung quanh các vị trí của chúng.

Với những nhận định trên, Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương mở một đợt tấn công vào hệ thống chiếm đóng của địch ở huyện Bố Trạch, nơi lực lượng tại chỗ của địch tương đối yếu và phòng thủ sơ hở. Chúng tôi giao nhiệm vụ đó cho trung đoàn 95.

Tiếng súng tấn công của trung đoàn 95 cùng với bộ đội địa phương vang lên toàn huyện. Một số đồn bốt giặc ở Phúc Tự, Đồng Cao, chợ Cụt, Cồn Tuần nối nhau sụp đổ. Chỉ trong vòng nửa tháng, trung đoàn 95 và bộ đội địa phương lập được chiến công lớn: loại khỏi vòng chiến đấu 1.000 tên địch, quét sạch gần 20 đồn bốt, giải phóng hầu hết các thôn xã thuộc huyện Bố Trạch. Một phần đất rộng lởn phía bắc Bình Trị Thiên được sống tự do.

Sau khi giải phóng Bố Trạch, chúng tôi quyết định giải phóng huyện Gio Linh, phía bắc Quảng Trị.

Lực lượng của địch ở đây tương đối lớn, lực lượng ứng chiến ở tiểu khu Quảng Trị có 4 tiểu đoàn. Chúng bố trí tại thị xã Đông Hà 2 tiểu đoàn, có nhiệm vụ trực tiếp ứng cứu các hệ thống chiếm đóng của chúng ở ba huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh mỗi khi bị ta uy hiếp. Vì thế, muốn giải phóng Gio Linh ta phải tiêu diệt bọn ứng chiến này. Ngoài ra, phải kìm chân được các đơn vị ứng chiến ở Đồng Hới, Quảng Trị, Huế… Đó là một khó khăn.

Chúng tôi đặt ra kế hoạch:

Về hướng chính, trung đoàn 95 và bộ đội địa phương tổ chức bao vây đồn Nam Đông, nhử bọn ứng chiến ở Đông Hà lên để tiêu diệt.

Về hướng phụ, trung đoàn 18 hoạt động mạnh ở Quảng Bình và trung đoàn 101 tấn công ở Thừa Thiên để phối hợp với hướng chính kìm chân bọn ứng chiến ở Đồng Hới và Huế lại.

Nam Đông là một vị trí lớn của địch nằm gần sát ven núi phía tây Quảng Trị, cách đường số 1 tám ki-lô-mét, cách đường số 9 ba ki-lô-mét về phía bắc. Nó án ngữ con đường giao thông của ta. Tất cả cán bộ, bộ đội trong đi ra, ngoài đi vào, phải đi ngang qua Nam Đông trên dưới vị trí địch vài ba ki-lô-mét. Vị trí này xây dựng theo kiểu cũ, nhưng luôn luôn được gia cố hầm hào, công sự bằng gỗ, đất và nhiều lớp hàng rào dây thép gai. Ngoài vị trí chính còn có 4 vị trí xung quanh, mỗi vị trí cách vị trí chính, xa nhất là 2 ki-lô-mét, gần nhất là 500 mét. Lực lượng ở đây có một tiểu đoàn quân ngụy. Ban chỉ huy tiểu đoàn và 2 đại đội đóng ở vị trí chính. Đại đội thứ ba đóng ở các vị trí xung quanh.

Nam Đông lại nằm đúng nơi tiếp giáp ba con đường tỉnh lộ 74, 75, 76. Từ Nam Đông, theo hướng tỉnh lộ 75 lên phía bắc 30 ki-lô-mét sẽ gặp đường số 1 ở Tiên An; theo đường tỉnh lộ 76 xuống phía nam sẽ gặp đường số 9 ở Cam Lộ, theo đường 74 đi sang phía đông sẽ gặp đường số 1 Hà Thanh…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2015, 09:45:45 pm »

Phương án tác chiến của chúng tôi là “vây đồn, diệt viện”, vây đồn Nam Đông, nhử bọn tiếp viện lên để đánh. Nhưng viện binh của địch sẽ đi đường nào: 74? 75? 76? Nên chọn con đường nào để đặt bẫy phục kích? Làm thế nào để bắt địch phải đi con đường mình đã chọn? Điều này, chúng tôi thảo luận rất sôi nổi. Cuối cùng chúng tôi quyết định chọn con đường 74. Hai con đường 75, 76 chúng tôi cho dân quân phá hoại triệt để, không cho địch đi, bắt buộc địch phải đi theo con đường mình đã định.

Đường 74, trước kia hai bên có làng mạc xen giữa các ngọn đồi thấp, ruộng đồng, cây cối tốt tươi. Nhưng khi giặc về, tàn phá giết chóc, bà con đi sơ tán hết, nay đã biến thành rừng rậm hoang vu, làm nơi trú ngụ an toàn cho hổ báo. Những cán bộ, bộ đội đi lẻ tẻ ngang qua vùng này sợ hổ báo nhiều hơn sợ địch. Đã có lần bộ đội hành quân qua đây ban đêm, một chiến sĩ bị tuột dép, phải đứng lại bên đường xâu lại quai. Khi đơn vị vừa đi khỏi, đồng chí ấy cũng bị hổ bắt tha đi. Cả đơn vị phải dừng lại làm một cuộc càn trong đêm tối, nhưng không la hét ồn ào, không bắn súng là vì gần đồn địch. Cuối cùng, đơn vị cũng tìm được, nhưng đồng chí ấy đã chết.

Lực lượng của ta sử dụng trong trận chống càn này gồm có trung đoàn 95, tăng cường thêm một tiểu đoàn bộ đội địa phương của Quảng Trị và hai đại đội du kích của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Bộ chỉ huy mặt trận trực tiếp chỉ huy trận đánh.

Tối 10 tháng 3 năm 1952, tiểu đoàn 310 và một đại đội du kích của huyện Vĩnh Linh do đồng chí Lê Đình Sum, tiểu đoàn trưởng, chỉ huy tiêu diệt hai vị trí đóng ngoài của Nam Đông. Một tiểu đoàn khác của trung đoàn 95 bao vây Nam Đông.

Sáng hôm sau, 11 tháng 3, toàn bộ lực lượng của ta - trừ tiểu đoàn bao vây Nam Đông - bố trí dọc đường 74, chiều dài khoảng 5 ki-lô-mét. Địa hình, địa vật ở đây rất tối. Lực lượng của ta bố trí rất kín đáo. Trinh sát của địch đi trên không bay đi trên đường 74 cũng không thể phát hiện được. Bộ chỉ huy mặt trận phán đoán khi địch hành quân giải tỏa Nam Đông, chúng sẽ dùng phi pháo bắn phá dữ dội hai bên đường. Do đó, lực lượng của ta phải bố trí xa đường để tránh thương vong.

Cả ngày 11, lực lượng ứng chiến của địch ở Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình đều yên tĩnh bất động.

Cả ngày 12, vẫn yên tĩnh. Địch ở Nam Đông vẫn cố thủ.

Tối 12, đồng chí Lê Văn Tri, trung đoàn trưởng trung đoàn 95 và đồng chí Cầu, chính ủy cùng chúng tôi hội ý. Có đồng chí cho rằng vị trí Nam Đông cô lập, chỉ có ngụy quân, đường 74 rất nguy hiểm, Pháp có thể bỏ. Do đó, khả năng đánh viện không có nhiều. Nếu chờ đợi lâu ngày bộ đội ta sẽ mệt mỏi. Chi bằng, tập trung lực lượng tiêu diệt vị trí Nam Đông, chủ động hơn. Ý kiến đó bị gạt bỏ. Trong lúc này, Pháp không thể bỏ rơi một vị trí có một tiểu đoàn ngụy đóng. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tinh thần binh lính ngụy, rất bất lợi cho chúng. Sở dĩ trì hoãn cuộc hành binh giải tỏa là vì chúng cho rằng vị trí Nam Đông không thể bị tiêu diệt ngay, chờ cho bộ đội ta mệt mỏi sẽ tự rút khỏi trận địa.

Tất cả đều nhất trí với ý kiến này nên đã động viên bộ đội củng cố quyết tâm, kiên trì chờ viện binh địch.

Suốt ngày 13, vẫn không thấy địch có hành động gì.

Đêm 13, trinh sát cho biết địch tập trung quân ở Huế và có thể ngày 14 chúng hành quân lên Nam Đông.

Màng lưới trinh sát của ta giăng từ Huế đến Gio Linh theo dõi địch chặt chẽ.

Sáng ngày 14, một đoàn xe trên 100 chiếc chở theo một tiểu đoàn Âu Phi, một tiểu đoàn ngụy, một đại đội công binh và 8 khẩu pháo 75 ly từ Huế ra Gio Linh. Khi đến múi đường 74 đoàn xe dừng lại trên đường quốc lộ số 1 thành một hàng dọc dài trên một ki-lô-mét. Tất cả lính địch đều xuống xe. Tiểu đoàn ngụy xếp thành hàng hai đi bộ trên đường 74. Chúng đi rất chậm chạp, mỗi giờ độ 2 ki-lô-mét. Hơn một tiếng đồng hồ tiểu đoàn Âu Phi và đại đội công binh lên xe đi tiếp theo. Khi quân địch đi trên đường 74 thì pháo của chúng đặt trên đường quốc lộ bắn dồn dập lên hai bên đường trước mặt quân chúng. Đến 12 giờ trưa chúng nối nhau thành mạch dài, đi đầu là tiểu đoàn ngụy, súng cầm tay chĩa sang hai bên đường trông bộ thậm thà, thậm thụt như đến gần hang hổ. Tiếp theo là tiểu đoàn Âu Phi và đại đội công binh ngồi trên 78 chiếc xe tải, bò chậm như rùa, lắc la lắc lư trên đường đá gồ ghề, lởm chởm. Chúng đi rất sát nhau. Cả đoàn quân dài khoảng 2 ki-lô-mét.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM