Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:23:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 74959 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:29:30 pm »

Một buổi chiều cuối thu, khi nắng vàng còn rơi rớt trên núi rừng trùng điệp của dãy Trường Sơn hùng vĩ, một đoàn thuyền độc mộc lướt trên dòng sông Thạch Hãn, sóng vỗ mạn thuyền không át nổi giọng hát đò đưa:

Đò em lên xuống Ba Lòng
Chở người cán bộ qua vùng chiến khu…

Ba Lòng, chiến khu của Quảng Trị, nơi bộ chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên sẽ đóng.

Đây là một thung lũng dài và khá rộng, ruộng đất phì nhiêu, nằm trên sông Thạch Hãn, hai bên là núi rừng bát ngát. Xuôi dòng sông, sẽ đến Trấm, xóm làng trù phú đông vui. Từ Trấm có thể đi các ngả đường về đồng bằng, ra Đông Hà, vô Quảng Trị. Ngược dòng sông sẽ đến các nương đồi của bà con dân tộc Tà ôi, Pa cô. Qua Ba Lòng, vượt dốc Làng Hạ sẽ gặp Cùa, đến đường 9, thẳng hướng tây, sang đến Trung Lào.

Từ khi mặt trận vỡ, Ba Lòng đã trở thành một chiến khu, mà có một cán bộ già đã ngẫm lại câu sấm của Trạng Trình ba trăm năm về trước “Hoàn sơn nhất đái, vạn đại dung thân…”. Đường vào Ba Lòng rất khó: chỉ theo dòng sông nhiều ghềnh, lắm thác bằng những con thuyền độc mộc thì tương đối dễ dàng. Còn những con đường khác, qua lắm dốc nhiều đèo rất hiểm trở khó đi. Đất đai ở đây đã được canh tác từ lâu. Sắn, khoai, vừng, đậu, mùa nào cũng có. Hầu hết các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Trị, các bệnh viện, trường học đều mở nơi đây. Giặc cũng lên dây vài lần nhưng lần nào cũng đi nhiều về ít mà chẳng bắt được ai. Làm sao bắt được chim trong rừng sâu, cá dưới vực thẳm? Bộ chỉ huy mặt trận đóng ở đây vì nó là trung tâm của cả ba tỉnh Bình Trị Thiên. Lễ thành lập mặt trận cũng tổ chức tại nơi đây.

Đại biểu các trung đoàn chủ lực, các đơn vị bộ đội địa phương, đại biểu dân, chính, Đảng của ba tỉnh, theo các hướng lục tục kéo về. Từ trước đến nay, chưa lúc nào có một cuộc họp đầy đủ cả ba tỉnh đông vui như vậy. Có cả đại biểu của Liên khu IV vào dự. Có các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của ba tỉnh. Đồng chí Nguyễn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí Nguyễn Quang Xá, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng chí Thanh Quảng, bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình… Tất cả những đồng chí về dự đều có đủ thẩm quyền giải quyết những vấn đề lớn của hội nghị.



Hội nghị phải giải quyết một vấn đề hết sức quan trọng: “Làm thế nào để xây dựng được một lực lượng vũ trang thật mạnh đáp ứng được nhu cầu chiến tranh hiện nay trên chiến trường Bình Trị Thiên cũng như chiến trường cả nước”.

Muốn giải quyết vấn đề đó, phải bàn đến ba việc chính: quân số, vũ khí và lương thực.

Về quân số, hội nghị đã nhận định:

Qua ba năm quần nhau với địch, nhất là sau khi thi hành chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh về việc đưa các đại đội độc lập về đồng bằng xây dựng cơ sở và các tiểu đoàn tập trung đánh các trận tương đối lớn để tiêu hao sinh lực địch, phong trào kháng chiến ở nông thôn lớn rất mạnh. Hầu hết các địa phương đều có chính quyền của ta. Các tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng đã được thành lập, lực lượng vũ trang cũng đã tổ chức xong. Mỗi xã ít nhất cũng có một trung đội dân quân du kích, mỗi huyện đã có một đại đội bộ đội địa phương và mỗi tỉnh ít nhất cũng được gần một tiểu đoàn có thể chiến đấu và bảo vệ địa phương của mình. Các làng xã chiến đấu đã hình thành một căn cứ địa, nối làng nọ đến làng kia ở miền núi, cũng như đồng bằng và ven biển.

Về phía địch, nhiều thôn xóm không còn hội tề nữa. Nhiều đồn địch bị ta bao vây, lính trong đồn không dám tự do ra vào, đi lùng sục cướp bóc nhân dân như trước. Mỗi lần, giặc muốn hành binh, phải tập trung thành những đội quân lớn, không thể đi bằng những toán quân nhỏ.

Đã đến lúc có thể rút các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung về, xây dựng lại thành các trung đoàn chủ lực. Nhưng qua bao nhiêu năm chiến đấu, quân số đã hao hụt khá nhiều. Hơn nữa, trước đây, có tỉnh như Quảng Bình chỉ có một tiểu đoàn, chưa có đủ một trung đoàn… Bây giờ phải thành lập trung đoàn. Vậy quân số lấy ở đâu? Trước đây, Bình Trị Thiên dân số cũng rất ít. Qua mấy năm chiến tranh, giặc bắt phu, bắt lính. Thanh niên trai tráng đã vơi đi một ít. Lực lượng địa phương của ta phát triển, dân quân du kích, bộ đội địa phương cũng cần thu hút một số lớn thanh niên. Lực lượng này không thể thiếu được. Vậy thì lấy ở đâu? Hội nghị bàn đến vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh, cùng chung một Liên khu - Liên khu IV. Thanh Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên ở trong thế răng và môi. Môi hở thì răng lạnh. Nếu Bình Trị Thiên suy yếu thì Thanh Nghệ Tĩnh sống cũng không yên. Thanh Nghệ Tĩnh lại là một vùng tự do, người đông, là một hậu phương vững chắc cho Bình Trị Thiên. Việc bổ sung quân số cho tiền tuyến, hậu phương có thể đảm nhiệm một phần khi cần thiết.

Hội nghị quyết định tán thành và đại diện Liên khu ủy cũng cho biết Thanh Nghệ Tĩnh đã tuyên bố sẵn sàng phục vụ cho Bình Trị Thiên như phục vụ cho bản thân quê hương mình.

Việc thứ hai là trang bị vũ khí.

Đã bao năm rồi, Bình Trị Thiên vẫn tự lo lấy vũ khí để đánh giặc. Đất nước ta đang nằm trong thế bao vây của phe tư bản chủ nghĩa, sự viện trợ của anh em bạn bè năm châu bốn biển còn gặp khó khăn. Các chiến trường khác cũng phải tự lo lấy bản thân không có đâu để giúp cho người anh em ruột thịt. Nhà máy chế tạo vũ khí của ta chưa có. Chỉ còn một cách lấy của địch đánh địch. Bao năm rồi, Bình Trị Thiên vẫn làm như vậy. Nhưng rồi đây, chiến tranh sẽ phát triển lên cao. Hạ đồn địch không thể bằng súng trường, súng máy. Vậy lấy ở đâu?

Các cán bộ dân, chính, đảng nhìn vào các cán bộ quân sự ngồi rải rác trong hội trường. Các cán bộ quân sự nét mặt trầm ngâm. Im lặng, một cán bộ quân sự - nay tôi không nhớ rõ là ai đã đứng lên phát biểu ý kiến:

- Vấn đề này, xin hội nghị để cho chúng tôi nghiên cứu!

Không còn cách nào khác, hội nghị đồng ý thông qua.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:30:08 pm »

Đến vấn đề lương thực. “Thực túc binh cường”, hội nghị thảo luận rất sôi nổi vì đây là vấn đề mấu chốt. Không có ăn thì làm sao mà đánh giặc. Đói một vài ngày còn chịu được., chứ đói cả năm, cả tháng thì làm sao?

Thanh Nghệ Tĩnh là hậu phương vững chắc. Dân số thì đông, nhưng đất đai canh tác không nhiều. Rất nhiều vùng đất đã bạc màu lại thiếu phân, thiếu nước, chỉ làm một vụ lúa, thậm chí không trồng được lúa chỉ trồng khoai lang; có nơi cũng không trồng được khoai lang, phải bỏ đất hoang. Đất Nghệ Tĩnh xưa kia cha ông ta đã nói “chó ăn đá, gà ăn muối”. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã thực tế nói lên vùng đất quê hương mình:

            
Quê tôi nghèo, đất cằn trơ sỏi đá

Nhân dân nhiều vùng phải ăn một phần cơm, bốn năm phần khoai sắn, hoặc mỗi năm ăn khoai, ngô, sắn đến tám chín tháng với cà, dưa, muối trắng. Thậm chí có những bữa ăn ngô, khoai vẫn không no bụng.

Nếu có gạo lúa chăng nữa thì việc chuyên chở không phải dễ dàng. Ngay sau khi giặc chiếm đóng Bình Trị Thiên, chúng đã dựng lên một hệ thống đồn bốt dày đặc để ngăn ranh giới giữa Bình Trị Thiên và vùng tự do, từ bờ biển cho đến chân núi Trường Sơn.

Ngày ấy, những đoàn cán bộ ra Bắc, vào Nam đều phải đi theo các con đường mòn giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Đường phải vượt qua hàng trăm khe suối, và phải trèo qua những dốc những đèo, mà tên gọi của nó, do nhân dân đặt ra cũng đủ nói lên những nỗi khó khăn, vất vả: Niên U, Ba Rền, U Pò, Cao Mại… Liên U là năm cái dốc liền nhau, như những cái u con bò, cao vòi vọi, đứng dưới nhìn lên chẳng thấy chóp vì cây rừng che khuất, leo mãi, leo mãi, hàng nửa ngày mới tới nơi. Trái lại, Ba Rền là ba cái dốc không cao, cứ thoai thoải, thoai thoải, vươn lên, đi lê lết suốt một ngày từ sáng đến tối mới qua hết một rền như vậy. U Bò, là một ngọn núi cao dựng đứng muốn đi lên là phải bò. Cao Mại, tiếng Hà Tĩnh, Quảng Bình thường hay nói nặng, nên chữ “mãi” thành chữ “mại”. Nghĩa là, leo qua ngọn núi ấy chỉ thấy cứ cao mãi, tưởng chừng như đi thẳng lên mây… Quãng đường lắm dốc nhiều đèo, nhiều suối như vậy, muốn đi từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh cũng phải mất 15 - 20 ngày; chưa kể những khi mưa ngàn, nước lũ, khe suối không qua được, phải chờ đợi chưa biết bao lâu. Nhưng sức người có hạn. Mỗi người chỉ gánh được 30 - 40 ki-lô-gam là cùng. Kể cả ngày vào và ngày ra, thì số gạo chỉ vừa đủ ăn cho người gánh, có thừa cũng chả bao nhiêu. Cho nên, có những đoàn gánh gạo, dọc đường lại phải ăn khoai, ăn sắn, ăn rau rừng để dành gạo nuôi quân.

Do đó, cần thấy rằng việc tiếp tế của hậu phương Thanh Nghệ Tĩnh không phải là một nguồn dồi dào đáng tin cậy được, mà vẫn do bản thân mình là chính. Nhưng Bình Trị Thiên cũng rất nghèo. Đất đai cũng có những canh đồng phì nhiêu như Quảng Ninh. Lê Thủy, Triệu Phong, Hải Lăng, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Những cánh đồng đó, diện tích ít, sản xuất không đủ cho dân ăn. Ở phía bắc, dọc theo ven biển, hết đại trường sa đến tiểu trường sa, mênh mông cát trắng. Ở miền Nam thì lại toàn đầm phá, sóng biển nhấp nhô. Các huyện ở trung du, miền núi phần lớn đất sỏi khô cằn. Bài thơ của Xuân Hoàng nói về quê anh cũng đủ thấy:

            Muối khe Gát
            Vắt Ba Rền
            Sên Chà An
            Cọp Trọ Rớ
      Ai đi qua Quảng Bình hẳn lừng danh huyện Bố
      Huyện khắc khổ, dân nghèo đất đỏ
      Dưới chân Ba Rền thăm thẳm mịt mờ xanh
      Đất Bố Trạch sắn nhiều gạo ít
      Nâu Ba Rần củ tốt hơn khoai
      Sông Dinh nước cạn bãi bồi
      Ruộng trơ xương lúa, mùa vơi mùa cằn…


Ruộng đất, thóc lúa của Bình Trị Thiên là như vậy. Nhưng nào giặc để cho yên. Chiến tranh thóc lúa (guere de riz) - thực dân Pháp đặt ra ngay từ đầu. Chiếm được thóc lúa, Việt Minh sẽ chết đói. Như vậy là thắng được một nửa, chưa nói là thắng hoàn toàn. Trong chiến lược của địch ở Bình Trị Thiên, chiếm thóc lúa là một trong những vấn đề mấu chốt. Hàng năm, đến mùa lúa chín, giặc tập trung quân đi cướp phá. Ở những vùng chúng chiếm đóng, thì chúng để đồng bào ta gặt về nhà, bắt khai báo sản lượng rồi chúng lấy dần. Nhưng rồi, tuần nào cũng có người lên đồn báo “đêm qua Việt Minh về cướp hết thóc”. Thực ra, dân đã gác cho bộ đội ta về lấy. Thế là chúng tập trung hết lúa về đồn. Đến những năm gần đây, phong trào quần chúng lên mạnh, chúng không thể bắt dân đem lúa về đồn được nữa. Vậy là, đến kỳ lúa chín, chúng tập trung quân mở những đợt càn liên tiếp ở các vùng có nhiều ruộng như Phong Điền, Quảng Điền, Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Chúng bắt dân gặt lúa đến đâu đưa về đồn đến đấy. Những nơi không cướp được lúa, chúng cho các loại xe cơ giới chạy bừa lên các cánh đồng lúa chín. Ban đêm, chúng câu đại bác ra các ruộng lúa để ngăn cản nhân dân và du kích đi gặt.

Từ đó, đến mùa lúa chín, việc đi càn quét trở thành quy luật của chúng. Và đến mùa lúa chín, bộ đội, dân quân du kích chiến đấu để bảo vệ mùa cũng là nhiệm vụ chính của ta, đã trở thành quy luật.

Vì thế, việc nhân dân Bình Trị Thiên tự cung cấp lương thực cho bộ đội mình không phải là chuyện đễ dàng, nhất là khi bộ đội đã tập trung thành mặt trận, sau này là đại đoàn, quân số đông hơn.

Hội nghị đã thảo luận rất sôi nổi về vấn đề này. Nhưng rồi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các cán bộ dân, chính, đảng của ba tỉnh hứa sẽ đem hết sức mình để làm nhiệm vụ đó.

Hội nghị hân hoan giải tán với một quyết tâm thực hiện đúng khẩu hiệu của Đảng đề ra: “Tất cả để chiến thắng”.



Sau đó, chúng tôi triệu tập một cuộc hội nghị quân sự riêng gồm các ban chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, để bàn việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Tổng tư lệnh.

Nhiệm vụ của Bộ Tổng tư lệnh đã giao cho chúng tôi hồi ấy là:

- Thực hiện kế hoạch quân sự của Bộ Tổng tư lệnh.

- Trực tiếp chỉ huy chiến đấu các lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân thuộc mặt trận.

- Phụ trách về quản trị và xây dựng các lực lượng chính quy của mặt trận.

- Phối hợp với Bộ tư lệnh địa phương và Ủy ban kháng chiến hành chín Liên khu IV trong việc lãnh đạo và xây dựng bộ đội địa phương, phát triển dân quân chuẩn bị chiến trường và bảo vệ địa phương. Trước mắt, chúng tôi phải củng cố một trung đoàn chủ lực mạnh, kiện toàn hai trung đoàn khác và thành lập một tiểu đoàn quân tình nguyện giúp nước bạn.

Trong chỉ thị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói cụ thể: “Tích cực kiện toàn trung đoàn 95 thành trung đoàn chủ lực mạnh, các trung đoàn khác phải kiện toàn các tiểu đoàn chủ lực, chuẩn bị để khi có điều kiện, Bộ sẽ tăng cường trang bị để có thể tập trung nhanh chóng thành đại đoàn chủ lực”. Do yêu cầu đó, ngoài trung đoàn 95 của Quảng Trị, chúng tôi bổ sung thêm cho Quảng Bình một tiểu đoàn nữa. Trước đây Quảng Bình chỉ có một tiểu đoàn và đặt tên là trung đoàn 18. Như thế là mặt trận chúng tôi có ba trung đoàn: 101 của Thừa Thiên, 95 của Quảng Trị và 18 của Quảng Bình. Chúng tôi sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:02:21 pm »

XV. CHIẾN DỊCH MỞ ĐẦU

Khoảng tháng 11, anh Hà Văn Lâu đi họp Bộ Tổng Tư lệnh về, báo cho tôi biết Trung ương vừa ra chỉ thị đẩy mạnh thi đua nhằm mục đích “tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”. Nghe nói, tôi bàng hoàng một lúc vì chưa hình dung nổi tổng phản công như thế nào? Mặc dầu chúng tôi đã cố gắng nhưng các lực lượng vũ trang ở Bình Trị Thiên mới chỉ đánh được địch trong các cuộc càn quét, tập kích khi chúng mới dừng chân và phục kích trên các đường giao thông. Nếu đánh vào các vị trí chiếm đóng của địch thì chúng tôi phải dùng hình thức kỳ tập hay địch vận, chưa dùng sức mạnh tấn công được, vì chưa có đủ vũ khí tấn công. Thế mà bây giờ đã chuẩn bị tổng phản công thì làm thế nào đây? Làm thế nào để tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch trong vị trí? Làm thế nào tấn công vào các căn cứ của chúng ở Huế, Quảng Trị, Đông Hà?

Tôi và anh Lâu bàn với nhau tới ba bốn buổi vẫn thấy còn quá nhiều khó khăn. Cuối cùng, chúng tôi xác định với nhau muốn tổng phản công, trước hết phải có lực lượng, có vũ khí tấn công. Vậy ngay bây giờ phải ra sức xây dựng các lực lượng vũ trang thuộc mặt trận và tìm mọi cách bổ sung thêm vũ khí đánh công kiên. Đồng thời các trại sản xuất phải tích cực trồng thêm khoai sắn, lúa bắp để bộ đội có ăn và dành một phần lương thực dự trữ. Khi có lệnh tổng phản công, nếu ta chưa đủ sức đánh vào các căn cứ địch trong đô thị thì cũng phải cắt đứt được đường số 9, chốt giữ chặt đèo Ngang và đèo Hải Vân, giam chân địch lại đây để phối hợp với chiến trường chính ngoài Bắc phản công thắng lợi. Chiến trường chính giải phóng rồi thì chúng ta sẽ được tăng viện lực lượng, vũ khí, lúc ấy Bình Trị Thiên mới có thể tiến hành tổng phản công được.

Vấn đề đặt ra cho chúng tôi lúc đó là với khả năng của mình, làm thế nào giữ được địch lại, không cho chúng ra tăng viện chiến trường chính.

Ít lâu sau, chúng tôi nhận được điện của Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ phải đẩy mạnh hoạt động để phối hợp với chiến trường chính. Khi anh Lâu về cũng  đã cho đã cho chúng tôi biết ngoài Bắc sắp mở chiến dịch Lê Lợi đánh vào Hòa Bình và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên… Vì vậy, phải đẩy mạnh hoạt động để phân tán lực lượng địch, giam chân và tiêu diệt một bộ phận của chúng tại đây, dồn chúng vào thế bị động lúng túng, không cho kéo quân ra Bắc. Đó là một nhiệm vụ không thể thiếu được.  Nhưng đẩy mạnh hoạt động bằng cách nào? Tổ chức từng trận đánh một thì sẽ không đạt yêu cầu. Anh Hà Văn Lâu và tôi thống nhất phải tổ chức một chiến dịch với nhiều hình thức tác chiến khác nhau, có nhiều trận đánh lớn, nhỏ xen kẽ nhau của các lực lượng vũ trang trên địa bàn ba tỉnh. Lúc này, chúng tôi chưa hiểu đầy đủ khái niệm về chiến dịch, nhưng cũng biết đại khái rằng: chiến dịch là gồm nhiều trận đánh diễn ra trong một không gian, thời gian nhất định, có kế hoạch, có chỉ huy thống nhất nhằm đạt những yêu cầu, mục đích nhất định do lãnh đạo đề ra.

Chúng tôi đặt tên là chiến dịch Lê Lai. Ngoài Bắc là chiến dịch Lê Lợi, trong này, chiến dịch Lê  Lai, một vị tướng trung thành đã cứu Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh.

Chúng tôi triệu tập hội nghị cán bộ bàn cách mở chiến dịch. Có một số đồng chí không đồng ý,  rằng bộ đội ta đang thời du kích mà mở chiến dịch với cả ba thứ quân và nhiều trận đánh trên địa bàn rộng, không khéo lại trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chúng tôi cũng chưa có thực tế để giải thích vì đã mở chiến dịch bao giờ đâu! Chúng tôi chỉ nêu ra mấy yêu cầu cần thiết:

- Nhiệm vụ của mặt trận là phải phối hợp với chiến trường chính bằng cách tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Nếu không thu hút được địch từ chiến trường chính vào thì ít nhất cũng phải giữ chân chúng lại, đừng để chúng rút đi tăng viện cho chiến trường chính.  Nếu chúng ta chỉ dùng một số trận đánh riêng lẻ thì không thể đáp ứng được yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ.

- Chủ lực của mặt trận đang chuẩn bị thành lập đại đoàn, phải nâng dần quy mô hoạt động tác chiến của các đơn vị lên để phù hợp với nhiệm vụ sắp tới.

Cuối cùng, mọi người cũng nhất trí với cách đặt vấn đề và yêu cầu trên.

Chúng tôi xác định nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch là:

- Tổ chức một số trận đánh trên đường quốc lộ số 1, tiêu diệt một số bộ phận sinh lực địch, cắt đứt giao thông vận chuyển của địch. Các nơi khác, tổ chức những trận phục kích, tập kích, chống càn, đánh xe tàu, vây đồn diệt viện để phối hợp.

- Giúp đỡ bộ đội địa phương và dân quân du kích, kết hợp tiêu hao, tiêu diệt với xây dựng cơ sở, mở rộng và củng cố căn cứ du kích vùng đồng bằng, chủ yếu là những nơi đông người nhiều của ở sau lưng địch.

Kế hoạch tác chiến trong chiến dịch của bộ đội chủ lực được nêu rõ: Tập trung trung đoàn 95 (thiếu một tiểu đoàn) và trung đoàn 18 vào Nam Quảng Bình, hướng chính của chiến dịch. Tổ chức bao vây, tấn công đồn Vạn Xuân, tạo thời cơ phục kích tiêu diệt quân đến cứu trên đường số 1.

Trung đoàn 101 vẫn ở lại Thừa thiên, tăng cường hoạt động để phối hợp.

Kế hoạch ấy, chúng tôi đã bàn bạc với các Tỉnh ủy của ba tỉnh. Tất cả đều nhất trí. Mỗi tỉnh đều có kế hoạch riêng của mình. Một mặt đẩy mạnh mọi hoạt động với lực lượng trong tỉnh để phối hợp với chiến dịch. Mặt khác, tích cực giải quyết vấn đề hậu cần, tiếp tế lương thực để bảo đảm chiến dịch thắng lợi.

Chúng tôi điện báo cáo, xin ý kiến của Bộ Tổng tư lệnh, được Bộ đồng ý.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:02:40 pm »

Đầu tháng 12, mở màn chiến dịch Lê Lai.

Trên các hướng chính, các đơn vị của trung đoàn 95 đã liên tiếp tập kích, phục kích ở Bắc Quảng Trị và Nam Quảng Bình có nhiều trận khá như trận Thanh Lê diệt và bắt gần 70 tên địch, trận Dốc Miếu diệt 2 trung đội ngụy, trận Bồ Bản diệt 90 tên, trận chợ Gio đột nhập giữa ban ngày, diệt gọn một trung đội lê dương đang chè chén say sưa, làm cho đồng bào rất phấn khởi.

Trung đoàn 18, vừa mới vượt U Bò, Ba Rền vào Nam Quảng Bình được tin địch đi càn ở Lệ Kỳ, liền cử một phân đội vận động đến diệt gọn một trung đội địch.

Trên hướng phối hợp, trung đoàn 101 cũng đã đánh được một số trận địch đi lùng ở Bồn Trì, Bồn Phổ.

Ngày 18-12, hai trung đoàn 95 và 18 bước vào thực hiện trận đánh then chốt của chiến dịch.

Giữa mùa đông rét như cắt, các chiến sĩ trung đoàn 18 và bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy bao vây đồn Vạn Xuân và phục kích chặn viện ở Tràng Thiệp. Trung đoàn 95 giấu quân ở Thạch Xá Hạ, ven đường số 1, cách thị xã Đồng Hới 25 ki-lô-mét về phía nam, chuẩn bị trận phục kích lớn ở đây.

Đúng như dự kiến của ta, ngày 24 tháng 12, địch tập trung quân ứng chiến về Đồng Hới để giải vây cho đồn Vạn Xuân. Sáng ngày 25,  đoàn xe chở lính Âu Phi từ Đồng Hới chạy vào. Đến Thanh Xá Hạ, một quả bom nổ tung lật nhào chiếc xe bọc thép đi đầu. Một quả mìn nổ tiếp làm cho cả đoàn xe dừng lại, chiếc bị cháy, chiếc bị đổ ngổn ngang. Bộ đội ta xung phong, bắn vào đội hình địch, diệt gần 200 tên lính Âu Phi. Tên thiếu tá Lơ-bờ-ruýt chỉ huy tiểu đoàn Âu Phi và hai trung úy Pháp bị bắt sống.

Đến trưa, 5 xe chở lính Âu Phi và bảo an từ Hòa Luật Nam vội vàng chạy ra tiếp cứu cho đồng bọn, vừa đến Tràng Thiệp bị đơn vị của trung đoàn 18 phục kích, gần 100 tên bị chết. ta thu được trên 70 súng các loại.

Ngày hôm sau, bọn lính trong đồn Vạn Xuân cũng hoảng sợ, tháo chạy luôn.



Sau chiến dịch Lê Lai, các trung đoàn 95, 18 phân tán về các xã ở nam Quảng Bình và bắc Quảng Trị giúp bộ đội địa phương và dân quân du kích hoạt động diệt thêm một số đồn lẻ, mở rộng vùng căn cứ của ta.

Bộ đội của trung đoàn 101 cùng với bộ đội địa phương và dân quân Thừa Thiên cũng liên tiếp đánh nhiều trận giao thông ở Phú Lộc, Huế, Hải Lăng, nam Quảng Trị.

Trung đoàn 103 của Liên khu IV từ Hà Tĩnh vào Bắc Quảng Bình, không nằm trong lực lượng vũ trang của Bình Trị Thiên cũng đã tập kích thắng lợi đồn Đơn Sa và đánh một số trận phục kích gây cho địch nhiều thiệt hại.

Trong một tháng của chiến dịch Lê Lai, cả ba tỉnh Bình Trị Thiên đã đánh gần 100 trận lớn nhỏ, diệt trên 1500 tên địch, bắt sống gần 150 tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí của địch. Chưa bao giờ trên chiến trường này, ta tiêu diệt được một số lớn quân ứng chiến đến như vậy, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó khắp cả ba tỉnh.

Bộ đội chủ lực đã giúp cho dân quân du kích và bộ đội địa phương hoạt động đều khắp hơn. Anh chị em dân quân và bộ đội địa phương bao vây, bức rút đồn Thủy Cần, dùng địch vận hạ các lô-cốt Phú Ốc, Mỹ Chánh. Chính phong trào đó đã thúc đẩy ngụy binh đồn Cổ Hiền ở Quảng Bình nổi dậy giết sĩ quan Pháp và bọn chỉ huy đồn, mang toàn bộ vũ khí về với cách mạng.

Lần đầu tiên, trên chiến trường Bình Trị Thiên, ta đã thực hiện được một chiến dịch với ba thứ quân trên một phạm vi rộng. Các lực lượng lớn mạnh thêm một bước. Các trung đoàn chủ lực có đà phát triển thành những đơn vị cơ động, chiến dịch tập trung. Cán bộ chỉ huy các cấp lại được thêm những bài học kinh nghiệm trong thực tế chiến đấu với quy mô lớn và rộng của ba thứ quân.

Mặt trận Bình Trị Thiên đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính. Ở chiến trường chính, chiến dịch Lê Lợi đã toàn thắng.



Bọn quan, lính Pháp bị bắt trong chiến dịch được đưa về Bộ chỉ huy mặt trận, thiếu tá Lơ-bờ-ruýt xin gặp cấp chỉ huy của ta. Một cán bộ địch vận được cử đến gặp nó. Câu đầu tiên của viên thiếu tá viễn chinh là:

- Đói quá! Cho tôi ăn.

Anh nuôi ta liền đưa đến cho hắn một rổ sắn luộc và một bát nước ruốc (mắm tôm). Tưởng hắn không biết ăn mắm tôm. Không ngờ viên thiếu tá đó vừa ăn ngấu nghiến vừa nói bằng tiếng Việt lơ lớ:

- Sắn… mắm tôm… tốt lắm… cảm ơn!

Hắn ăn hết cả rá sắn. Anh em phì cười.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:03:22 pm »

XVI. KHI MÙA LÚA CHÍN

Giữa mùa xuân 1950, sau chiến dịch Lê Lai một thời gian, chúng tôi hết gạo, bộ đội không có ăn. Anh Lâu và tôi bàn với nhau rất kỹ. Chỉ còn một cách là phân tán bộ đội về các nơi nhờ dân nuôi, có gì ăn nấy.

Lúa đã bắt đầu chín. Các nơi đến yêu cầu chúng tôi phái bộ đội về giúp dân gặt hái. Huyện ủy Triệu Phong đến gặp ban chỉ huy trung đoàn 95. Ban chỉ huy trả lời:

- Bộ đội chúng tôi sẵn sàng làm nhiệm vụ, nhưng đề nghị các đồng chí chuẩn bị cho năm tạ gạo, chúng tôi mới tập trung quân được…

Đồng chí Bí thư huyện ủy gật đầu:

- Vâng! Mời các đồng chí về ngay. Chúng tôi đã được tin địch tập trung quân ở thị xã Quảng Trị đi càn, cướp lúa. Nếu các đồng chí không về, bộ đội địa phương chúng tôi không chống cự nổi. Chúng sẽ cướp phá hết. Mặc dầu dân chưa có ăn, chúng tôi cũng hết sức cố gắng.

Ngay tối hôm đó, đồng chí Bí thư huyện ủy về, triệu tập Bí thư các xã có ruộng lúa sắp gặt lại nói:

- Chúng ta phải có ngay năm tạ gạo cho bộ đội ăn để chống càn cho dân gặt. Cách giải quyết nhanh nhất bây giờ là dựa vào dân.

Các đồng chí bí thư xã vội vã ra về.

Một lúc sau, trong bóng đêm trùm xuống, anh chị em thanh niên đổ xô ra đồng, tuốt những chẹn lúa đã chín vàng, dù đại bác trong các đồn lân cận có thể rót đạn xuống bất cứ lúc nào. Ở nhà, các cụ, các mẹ đã đã bắc nổi rang lên bếp lửa. Lúa tuốt được chừng nào đem về ngay chừng nấy, bỏ lên nòi rang rồi bỏ vào cối giã.

Khoảng giữa khuya, năm đại đội của trung đoàn kéo về, nhận ngay bảy tạ gạo mới, thơm phức. Anh em kéo ra vùng Hà My, Đò Kênh, bố trí dọc hai bên đường từ thị xã Quảng Trị về Cửa Việt.

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao, một tiểu đoàn Âu Phi và một tiểu đoàn bảo vệ từ thị xã kéo về Triệu Phong. Tên chỉ huy tiểu đoàn bảo vệ huênh hoang tuyên bố với bà con trong thị xã:

- Lần này không phải chỉ tìm bắt du kích mà bắt cả bọn đàn bà con gái ra gặt lúa đưa về thị xã, không để một hạt lúa rơi vào tay Việt Minh cộng sản.

Đến Hà My, bọn địch gặp ngay bộ đội ta phục kích, nổ súng. Tên chỉ huy tiểu đoàn chết ngay từ viên đạn đầu. Bọn Tây và ngụy cũng bị chết rất nhiều… Bọn viện binh từ trong thị xã kéo ra cũng bị đánh tan tác. Chiều đến, bọn địch rút về để lại rất nhiều xác chết trên ruộng láu. Giặc phải bỏ cuộc càn.

Ở các nơi, các đơn vị đã có ăn, tập trung lại, cùng nhân dân bảo vệ vụ mùa thắng lợi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:07:54 pm »

XVII. TRÊN SÔNG KIẾN GIANG

Đầu tháng 5, trung đoàn 18 về vùng Quảng Ninh, Lệ Thủy. Trung đoàn đóng hai bên bờ sông Kiến Giang cách đường quốc lộ khoảng chừng 4 - 5 ki-lô-mét. Xung quanh có những đồn lớn. Phía tây nam có đồn Mỹ Trạch, phía đông bắc có đồn Hòa Luật Nam, phía bắc, đồn Thượng Phong. Vùng này quân ta ít về, cơ sở cách mạng còn non yếu. Tiểu đoàn 436 lại mới từ Liên khu IV vào chưa quen thuộc chiến trường. Trong lúc đó, do những thất bại lớn về quân sự trong năm gần đây, địch tăng viện thêm quân cho mặt trận Bình Trị Thiên. Chúng đã điều động tiểu đoàn thứ 6 Spa-hi là đơn vị Âu Phi có tiếng liều mạng ở chiến trường Bắc bộ vào, phối hợp với các đội quân ứng chiến để tiêu diệt một phần lực lượng của ta. Kế hoạch đó ta chưa phát hiện được. Do sơ hở của ta, địch đã biết trung đoàn 18 về đóng quân ở vùng Uẩn Áo. Đúng đêm 19 tháng 5, quân dân ta đang vui mừng kỷ niệm ngày sinh nhật của Hồ Chủ tịch, quân Pháp bí mật kéo về đồn Hòa Luật Nam chuẩn bị cuộc càn.

Trung đoàn được tin giặc đã xuất quân, tưởng rằng đây chỉ là bọn ứng chiến từ thị xã ra phối hợp với quân các đồn mở cuộc càn phá mùa như thường lệ mà thôi, nên lệnh cho tiểu đoàn 436 về Xuân Bồ chống càn, còn tiểu đoàn 274 bố trí bên kia sông chặn viện ở đồn Thượng Phong ra.

Ta vừa bố trí xong thì tiểu đoàn Spa-hi cùng với đại đội ứng chiến từ đồn Mỹ Trạch chia làm hai mũi vào Xuân Bồ. Đại đội 40 của tiểu đoàn 436 chốt ở phía trước, nổ súng chiến đấu quyết liệt hơn một tiếng đồng hồ, đánh bật hai đợt xung phong của địch có trọng pháo yểm hộ.

Đến 10 giờ, địch tăng thêm tiểu đoàn ứng chiến từ đồn Thượng Phong sang, tổ chức đợt tấn công mới dữ dội hơn. Mặc dầu lực lượng chênh lệch, quân ta vẫn chiến đấu rất dũng cảm. qua mấy lần xung phong, ta bắt được mấy tù binh. Ta khai thác ngay tại trận địa. Biết được ý đồ và lực lượng của địch, trung đoàn điều động ngay tiểu đoàn 274 vượt sông sang tăng cường cho tiểu đoàn 436. Các chiến sĩ ta được lệnh lao ngay ra bờ sông. Những chiến sĩ biết bơi, giơ cao súng, bơi ào ào qua sông. Một số khác không biết bơi, đứng tần ngần, phía trước đã có mấy chiếc thuyền lao vút đến. Đó là những tuyền dân đánh cá đậu sẵn bên sông, thấy bộ đội ta cần qua sông, nên chèo vội đến giúp đỡ. Trên trời, một chiếc máy bay bà già vẫn vè vè bay quan sát. Thấy bộ đội ta vượt sông, nó báo lại cho trọng pháo các đồn xung quanh câu tới. Lát sau lại có ba chiếc máy bay oanh tạc xé mây lao đến, thả bom đạn xuống giữa dòng sông. Mặt nước sông Kiến Giang sôi lên sùng sục. Từng cột nước bốc cao như những ngọn sóng thần. Chiến sĩ ta vẫn ào ào bơi qua phía bên kia bờ. Thuyền vẫn lao vun vút. Một số chiến sĩ bị trúng bom đạn, thả mình trôi theo dòng nước Vài chiếc thuyền chìm xuống đáy sông.

Bên kia Xuân Bồ, địch mở đợt tấn công cuối cùng đã vào được trong làng. Cùng lúc, bộ đội ta đã đến bờ, chẳng chờ lệnh, xông thẳng vào làng. Một trận ác chiến xảy ra khắp các vườn nhà, các ngõ xóm. Khói lửa mù mịt phủ kín các lũy tre xanh. Khoảng ba giờ chiều, địch bị đánh bật ra khỏi xóm, chạy về phía bờ sông. Bộ đội đuổi theo. Trên cánh đồng hẹp giữa làng ra bờ sông, địch cắm đầu, cắm cổ chạy trước, chiến sĩ ta đuổi theo sau. Nhưng chúng phát hiện một số lớn chiến sĩ ta hết đạn, không bắn theo. Chúng dừng lại, quay lui định phản công. Các chiến sĩ súng đẵ lắp lưỡi lê ào ạt thét lên “xung phong”, “xung phong!” lao thẳng vào địch đánh giáp lá cà. Chiến sĩ Lâm Úy đã dùng lưỡi lê đâm chết 11 lính Âu Phi, không may lưỡi lê bị gãy. Thấy tên sĩ quan người Pháp đứng trên bờ sông, anh vứt súng, lao người tới ôm lấy nó. Tên sĩ quan to lớn hơn anh nhiều. Anh lại bị kiệt sức. Hắn định xô anh ra nhưng anh đã ôm chặt lấy hắn, cắn vào cổ họng. Cả anh lẫn hắn ngã xuống sông. Ngày hôm sau, đồng bào vớt xác anh lên, răng anh còn cắn sâu vào cổ giặc.

Đây là một trong những trận chiến đấu oai hùng nhất của quân dân Bình Trị Thiên đánh tan hai tiểu đoàn ứng chiến tinh nhuệ của địch. Từ thế bị động bất ngờ lúc đầu, trung đoàn đã nhanh chóng nắm vững tình hình và sử dụng đúng lực lượng, được đồng bào hết lòng giúp đỡ, đã giành lại thế chủ động, diệt 500 gặc Pháp, bảo vệ được nhân dân, bảo vệ được xóm làng.

Sau trận Xuân Bồ, hoạt động của địch dần dần co lại. Chúng rút bỏ đồn Mỹ Trạch. Vùng tự do của Quảng Bình được mở rộng. Từ phía tây sông Kiến Giang lên sát ven núi, hoàn toàn không còn đồn bốt địch và cũng không có những trận càn quét như trước. Đồng bào, bộ đội đi lại, làm ăn nhộn nhịp. Các cơ quan, đoàn thể của tỉnh về đóng ở vùng Châu Lê Xá. Cán bộ đi công tác từ trong ra, từ ngoài vào đến đây được nghỉ ngơi yên ổn như một hậu phương của mặt trận.

Từ bấy, đồng bào Quảng Bình có câu ca:

            Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ
            Năm trăm giặc Pháp không mồ chôn thây.


Và liệt sĩ Lâm Úy được chính phủ tuyên dương là Anh hùng quân đội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:08:17 pm »

XVIII. CHIẾN CÔNG NỐI TIẾP CHIẾN CÔNG

Gần cuối tháng 5, chúng tôi nhận được bức điện tối mật của Bộ Tổng tư lệnh: “Tích cực hoạt động phối hợp chiến trường chính”.

Chúng tôi đã biết ngoài Bắc sắp mở chiến dịch Lê Hồng Phong, trong này sẽ mở chiến dịch Phan Đình Phùng.

Việc chuẩn bị chiến dịch lớn này không còn lúng túng, bỡ ngỡ như lần trước. Chúng tôi chỉ có những băn khoăn, nên đánh địch cách nào và ở đâu để giành thắng lợi to lớn nhất.

Sau khi thảo luận với các ban chỉ huy trung đoàn, chúng tôi thống nhất cách đánh vẫn là “vây đồn, diệt viện”, lôi địch ra khỏi công sự mà đánh là bở ăn nhất. Địa điểm quyết chiến vây đồn chọn là đồn Sen Hạ và diệt viện ở vùng Chấp Lễ - Hạ Cờ.

Tại sao ta chọn đồn Sen Hạ.

Từ khi giặc chiếm đóng Bình Trị Thiên, chúng luôn luôn lo củng cố con đường quốc lộ số 1 vì đây là con đường giao thông huyết mạch của chúng để chuyên chở quân lính, vũ khí, đạn dược từ cảng Đà Nẵng ra phía Bắc và lên Trung Lào. Con đường sắt chúng mới chữa được đoạn từ Đà Nẵng ra Đông Hà, phía ngoài chưa chữa được. Ngoài ra không còn một con đường nào khác xe cơ giới có thể đi thẳng được. Vì thế, chúng dựng rất nhiều đồn bốt hai bên đường quốc lộ để bảo vệ an toàn giao thông. Sen Hạ là một đồn trong hệ thống đó, nằm bên đường quốc lộ giữa ranh giới Quảng Trị và Quảng Bình. Nếu ta bao vây đồn, bắt buộc địch phải tiếp cứu, không thể để cho mạch máu ngừng chảy được.

Tại sao lại chọn địa điểm diệt viện ở vùng Chấp Lễ - Hạ Cờ?

Qua nhiều kinh nghiệm xương máu, trên đường hành quân, giặc chú ý đến các vùng ta có thể giấu quân được như làng mạc, rừng núi, những nơi cây cối rậm rạp âm u… Quãng đường Chấp Lễ - Hạ Cờ là một vùng rất quang đãng. Phía tây bên này đường quốc lộ là những đồi trọc rất trống trải, chỉ có đôi chỗ bụi cây lúp xúp, lưa thưa. Phía dông, bên kia đường lại là một bãi cát dài, không có một bóng cây cao, thỉnh thoảng mới có vài đám cỏ dại. Rõ ràng, nơi đây không thể nào giấu quân được. Đứng đằng xa cũng có thể quan sát được một cách dễ dàng. Bất ngờ hơn, ta không tấn công chúng khi đi, mà tấn công chúng khi về. Chúng tôi đã suy đoán, vây đồn Sen Hạ, nhất định chúng phải ứng cứu. quân ứng cứu có thể từ phía bắc, từ Đồng Hới vào. Nhưng quân cơ động của địch ở phía bắc không nhiều. Nếu ta đánh tan được chúng, thì bắt buộc địch phải cho quân cơ động từ phía nam, Huế, Quảng Trị, Đông Hà ra. Bọn này đã ra thì bắt buộc phải trở về, vì chúng không thể bỏ vắng lâu địa bàn Thừa Thiên, Huế, Quảng Trị, Đông Hà rất quan trọng về chiến lược. Và lúc về, chúng không có con đường nào khác là phải chạy qua đoạn đường này. Khi đi, đã không nghi ngờ gì và yên ổn đi qua, thì khi về, không có lý gì bắt chúng phải nghi ngờ nếu không có điều gì lộ bí mật của ta. Việc giữ bí mật chúng tôi tin chắc chắn là được. Chiến thuật lần này là “độn thổ”. Đây là một sở trường của bộ đội ta qua bao nhiêu năm lăn lộn trong vùng địch hậu, nhất là thời gian làm nhiệm vụ đại đội độc lập…

Kế hoạch tác chiến, chúng tôi chia làm hai bước:

Bước thứ nhất, tập trung hai trung đoàn 95 và 18 bao vây đồn Sen Hạ, tạo thời cơ để bộ đội ta phục kích, tiêu diệt quân ứng chiến địch ở phía bắc.

Bước thứ hai, tập trung cả ba trung đoàn vào vùng Chấp Lễ - Hạ Cờ để tiêu diệt khi chúng từ trong Nam ra và trở về, Sở dĩ ta tập trung đông như vậy vì chúng tôi phán đoán rằng địch trong này ra phải rất đông mới dám đi, một khi đồn Sen Hạ bị bao vây mà bọn ứng cứu phía bắc không cứu được.

Tất cả anh em đều thống nhất như vậy. Sau đó chúng tôi báo cáo với các Tỉnh ủy ba tỉnh Bình Trị Thiên để giúp đỡ, tham gia chiến dịch về mặt hậu cần. Tất nhiên là các đồng chí sẵn sàng làm nhiệm vụ. Thời gian đó, ta lại được hậu phương Thanh Nghệ Tĩnh, của ít lòng nhiều, đã giúp cho một số lương thực cho nên vấn đề hậu cần không lo lắm.

Đêm 17, 18, 19 tháng 6, một phân đội của trung đoàn 18 cùng du kích địa phương liên tiếp bao vây và công kích đồn Sen Hạ.

Sáng hôm sau, 20 tháng 6, địch liền cho 5 xe chở đầy lính từ Đồng Hới theo đường số 1 chạy vào tiếp cứu cho Sen Hạ, nhưng vừa tới Tràng Thiệp đã bị trung đoàn 95 phục kích diệt gọn. Tiếp đó, địch lại cho thêm 15 xe chở quân vào. Cũng giống như số phận 5 xe trước, chúng vừa tới Thủy Liên bị quân ta tiêu diệt, 150 tên chết và bị bắt sống.

Ngày 21 tháng 6, im ắng không thấy gì. Ta vẫn bao vây đồn Sen Hạ. Sáng ngày 26 tháng 6, trinh sát cho biết, khoảng 200 xe cơ giới chở độ 2.000 quân vừa Âu Phi, vừa ngụy, đa số là Âu Phi chạy ra phía Sen Hạ. Trinh sát đứng ở xa cũng thấy rõ như vậy… Đúng như phán đoán của chúng tôi. Và chắc chắn chậm lắm là một tuần lễ bọn này phải trở về. Ta liền cho lực lượng của trung đoàn 101 và 95 thêm một đại đội bộ đội địa phương của Quảng Trị ra bố trí. Trận địa kéo dài hơn ba ki-lô-mét dọc theo đường quốc lộ. Ngay đêm đó, bộ đội tới ven đường đào hố như kiểu hố phòng không cá nhân. Cái khó là đào đất lên phải đi đổ tận xa không để vương vãi gần đường. Trong đêm nếu đào chưa xong, phải ngụy trang lại cẩn thận và xóa hết mọi dấu chân trên cát để ban ngày địch đi qua không phát hiện được, đêm sau lại đào tiếp. Mỗi hố đủ cho một người vừa khuất đầu có nắp phủ cỏ hoặc đất cát giống như địa hình tự nhiên ở đó.

Ở giai đoạn chuẩn bị thì cứ chập tối, bộ đội từ trong các làng rất xa đường ra xây dựng trận địa, mờ sáng lại rút về. Ở giai đoạn sắp chiến đấu thì cứ mờ sáng, bộ đội mang cơm nắm ra ngồi ngoài hầm chờ địch. Đến tối, chưa có địch thì lại rút về.

Ai đi qua vùng này những trưa hè gay gắt mới thấm thía hết ý nghĩa câu thơ của Tố Hữu “Chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình”. Người dân ở đây, những trưa nắng hè, có việc gì cần lắm phải đi qua thì mang tơi đội nón, cởi áo ném ra trước mặt, chạy vài bước, đứng lên trên cái áo, lại ném áo, lại chạy, vì cát nóng bỏng như rang, chân không chịu nổi. Cái câu “Thương em, anh cũng muốn vô”, “Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…” còn có ý nghĩa đó nữa. Hạ Cờ - Chấp Lễ nằm trong phạm vi truông nhà Hồ. Có phải chăng chàng trai sợ truông nhà Hồ vì xưa kia, đây là nơi rộng mênh mông và hoang vắng, có nhiều trộm cướp trốn tránh và vì một lý do nữa là sợ cát bỏng trưa hè? Cũng như sợ sóng nước cuộn cuộn ở phá Tam Giang?

Nói như vậy để thấy rằng, các chiến sĩ của ta ngồi dưới hầm lúc đó vào những ngày hè tháng sáu cũng nắng chang chang thì khổ biết chừng nào. Người thì nóng bừng bừng như ngồi trong hầm lửa, mồ hôi tràn trề như tắm, nhưng cũng không một ai dám ló đầu lên khi chưa có lệnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:10:07 pm »

Sự việc xảy ra và đúng như nhận định, sáng 27 tháng 6, đoàn xe đó từ Đồng Hới trở về. Chúng vừa chạy đến Hạ Cờ thì ta giật mìn phá chiếc xe đầu, thế là cả đoàn xe dồn lại. Lập tức, từng loạt mìn thi nhau nổ tung, xe cháy rần rật. Đất đá rơi tung tóe như trận động đất. Lớp lớp chiến sĩ ta nhảy lên khỏi hầm bắn xả vào quân giặc. Chúng nó cũng ra khỏi xe. Những xe không trúng mìn, chống cự kịch liệt. Một chiếc máy bay Mô-ran đến, sà thấp, ném lựu đạn yểm hộ cho đồng bọn liền bị bắn rơi tại chỗ. Bộ đội ta phấn khởi, hoan hô vang dậy, thúc trống thùng thùng, át cả tiếng súng nổ. Tôi đang ngạc nhiên với tiếng trống lúc này, thì anh Trần Văn Bành, chính ủy trung đoàn 95 đến nói cho biết, các phân đội trung đoàn 95 có xin phép mang theo một số trống lệnh(1) mượn của dân để lúc xung phong cổ vũ sĩ khí của bộ đội và áp đảo tinh thần quân giặc.

Trận chiến đấu đang diễn biến thì địch từ Đồng Hới ráo riết chở thêm quân vào. Ta không chặn lại được, nên chúng nó đã tạm thời tổ chức thành từng cụm đánh trả. Một số chiến sĩ của ta bị thương vong. Nhiều người giương lê lao xả vào quân địch diệt hết tên này đến tên khác. Địch ở mặt đường trống chỉ dựa vào số xe cộ làm vật cản nên số bị chết cũng tăng nhanh.

Do đó, sau hơn hai giờ chống đỡ, chúng phải tìm cách thoát khỏi trận địa của ta để chạy vào Huế, mang theo khoảng 300 tên Âu Phi bị chết và bị thương, bỏ lại hơn 40 xác xe nằm ngổn ngang trên đường.

Chiếc máy bay nằm chỏng gọng trên đồi trọc còn bốc cháy. Bộ đội ta đi qua, vui chân, nhảy lên thân, lên cánh, đứng cười với nhau một lát. Anh em đều tiếc không có máy ảnh chụp một “pô” làm kỷ niệm. Trong máy bay chỉ có một khẩu súng 12 ly 7 bị hỏng. Các bánh ở chân cũng đã được anh em cắt về làm dép. Tôi cũng được tặng một đôi dép này, đi rất bền nhưng năng.

Thắng lợi ở trận Chấp Lễ - Hạ Cờ do ta phán đoán chính xác hành động của địch và áp dụng chiến thuật “độn thổ” một cách sáng tạo trên một địa hình dài và trống trải, khiến quân địch hoàn toàn bị bất ngờ. Nhưng ta chưa diệt gọn được địch vì thực hiện kế hoạch hợp đồng chiến đấu không được chính xác. Theo kế hoạch đã định, ta cứ để đoàn xe đi qua đoạn đầu, chỉ chặn lại và tiêu diệt 40 xe sau cùng. Nhưng khi xe địch vừa tới đầu trận địa phục kích, đồng chí Lê Bá Vân, trung đoàn trưởng trung đoàn 95 đã ra lệnh nổ mìn, chặn toàn bộ đoàn xe của địch từ đầu. Nghe mìn nổ, đồng chí Lê Thuyết, trung đoàn trưởng trung đoàn 101, theo kế hoạch, nhanh chóng cho bộ đội ra chặn địch lại để tiêu diệt. Vì đoàn xe sau qua dài, bộ đội ta không thể khép gọn chúng vào trận địa đã bố trí. Vì vậy ta chưa tiêu diệt gọn quân địch như ý muốn.

Chiến thắng Chấp Lễ - Hạ Cờ có một ảnh hưởng sâu rộng trong vùng. Vì đó là trận đánh lớn nhất kể từ khi Pháp chiếm đóng Bình Trị Thiên. Quân địch rất khiếp sợ. Chúng không ngờ bộ đội ta dám phục kích của đoàn xe hàng trăm chiếc giữa ban ngày, trên đường số 1.

Chiến dịch vẫn tiếp tục, trung đoàn 18 tấn công đồn Sen Hạ bằng tăng cường tập với hai mục đích:

- Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ở đồn. Nếu tình thế thuận lợi tiêu diệt luôn vị trí.

- Tập cho bộ đội là quen với cách đánh cường tập, rút kinh nghiệm để huấn luyện cho các đơn vị của mặt trận.

Địch xây dựng đồn Sen hạ từ tháng 3 năm 1947, khi chúng mới đánh chiếm Quảng Bình. Trong đồn có hai trung đội Việt binh đoàn và một trung đội lê dương. Quanh đồn có hàng rào dây thép gai. Bốn gốc đều có bốn lô-cốt và một chòi canh cao 12m có đặt trung liên.

Về phía ta, quân số trung đoàn 18 không thiếu nhưng rất thiếu vũ khí công kiên. Cả trung đoàn chỉ có một khẩu cối 120 ly, một khẩu sơn pháo 75 ly cũ kỹ, không kính ngắm. Đạn cũng ít. Pháo thủ chưa được huấn luyện thành thạo và chưa lần nào được bắn tập đạn thật. Hỏa lực địch khá mạnh. Bộ đội ta chiến đấu rất dũng cảm nhưng không thể mở đột phá khẩu để đột nhập vào đồn. Cuối cùng ta phải rút.



Trận đánh không thành công nhưng đã giúp cho các đơn vị chủ lực mặt trận những kinh nghiệm thiết thực về cách đánh công kiên để tiến tới đánh những trận công đồn lớn và giành thắng lợi sau này.

Phải nói, để có những thắng lợi liên tục, không phải dễ. Nhiều đêm tôi suy nghĩ, để phối hợp với chiến dịch, thừa lúc quân ứng chiến địch tập trung đối phó với chủ lực ta, bộ đội địa phương và dân quân du kích các tỉnh đã áp sát, uy hiếp địch làm cho chúng lo sợ và co lại, không dám ra khỏi vị trí và đã tiêu diệt hàng trăm quân địch.

Lần thứ hai, sau chiến dịch Lê Lai, mặt trận đã kết hợp chặt chẽ ba thứ quân hoạt động trong một chiến dịch, trên một phạm vị nhất định, trong một kế hoạch thống nhất, dưới sự chỉ huy thống nhất. Chiến dịch đã giành thắng lợi lớn, đã hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Tổng tư lệnh giao cho. Nó đã phối hợp có hiệu quả với chiến dịch Lê Hồng Phong. 8 tiểu đoàn ứng chiến của Pháp đã bị tiêu diệt một bộ phận, số còn lại bị giam chân ở Bình Trị Thiên không rút ra tăng cường cho chiến trường Bắc bộ được

Đi đôi với việc tiêu diệt một bộ phận đáng kể sinh lực địch, chiến dịch Phan Đình Phùng đã mở thêm nhiều vùng căn cứ địa ở ba tỉnh Bình Trị Thiên. Nó đã đem lại nhiều kinh nghiệm thiết thực để xây dựng bộ đội chủ lực trong điều kiện tổ chức và trang bị cơ giới có hạn. Nó còn giúp chúng tôi có một khái niệm cụ thể hơn về chiến dịch và tổ chức thực hiện chiến dịch. Và, tôi cảm thấy cuộc kháng chiến của nhân dân nhích ở gần về phía ngày thắng lợi…


(1) Loại trống cỡ vừa, tang gỗ, hai mặt da, có dây đeo. Đồng bào miền Trung hay dùng khi cúng lễ ở chùa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:10:47 pm »

XIX. HỆ THỐNG BỐT “ĐỜ-LA-TUA” VÀ KHẨU SÚNG “BÔ-PHO”

Sau chiến dịch, thực dân Pháp đã thấy rõ rằng con đường số 1 không còn là “hành lang an toàn” của chúng trên vùng đất Bình Trị Thiên này. Mạch máu giao thông thỉnh thoảng bị ngừng trệ hay bị cắt đứt thì đời sống quân sự, kinh tế, chính trị của chúng sẽ ra sao? Tướng  Các-păng-chi-ê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương vội phái tướng Đờ-la-tua đến miền Trung cùng với tướng Lơ-bờ-rít chỉ huy quân đội ở vùng này, nghiên cứu tình hình và tìm biện pháp giải quyết. Tướng Đờ-la-tua trước đây là một kỹ sư cầu cống có tài của Pháp đã theo Đờ-gôn trong công cuộc giải phóng nước Pháp.

Sau khi nghiên cứu, tướng Đờ-la-tua cho xây một loạt tháp canh hình vuông, cao 3 - 4 mét, diện tích từ 25 đến 30 mét vuông, tháp canh này cách tháp canh kia độ một, hai ki-lô-mét, nối liền với các đồn địch đóng. Mỗi tháp canh có năm bảy tên lính gác. Như vậy hình thành một hệ thống dày đặc cắt đôi các tỉnh Bình Trị Thiên ra làm hai phần đông và tây dọc đường quốc lộ. Nhiệm vụ của các tháp canh này là làm tai mắt cho các đồn bảo vệ an toàn đường sắt và đường số 1, ngăn chặn nhân dân và bộ đội ta qua lại giữa hai vùng. Để có đủ quân số làm nhiệm vụ trong các tháp canh này, một mặt địch phải rút bớt quân cơ động ra làm quân chiếm đóng, một mặt chúng bắt ngụy quyền cung cấp lính cho chúng.

Xin nhắc lại rằng, từ khi thấy rõ chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” trên chiến trường Đông Dương đã bị hoàn toàn phá sản, thực dân Pháp đã tăng quân đổi tướng và dùng cả con bài chính trị “độc lập tự do” để thực hiện âm mưu mới “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Chúng đã đưa Bảo Đại về lập “chính phủ” bù nhìn. Lúc về nước, hắn trở lại Huế là nơi kinh đô của hắn trước đây. Hắn vào hoàng cung, định làm lễ tế Thế miếu, nơi thờ phụng cha ông hắn. Hắn được đội quân tự vệ thành “tiếp đón” rất niềm nở: mấy quả súng cối 81 đặt ở Xuân Hòa rớt sang nổ ầm ầm mừng hắn làm gãy cột cờ trước cửa Ngọ Môn. Tên vua bán nước hoảng hốt nhảy vào chiếc xe bọc thép để sẵn trước sân rồng chạy vào đồn Mang Cá có địch đóng để ẩn náu và hôm sau chuồn mất.

Cái hệ thống bốt “Đờ-la-tua” này đã gây ra cho chúng ta nhiều khó khăn trong việc đi lại, tiếp tế. Bây giờ chúng ta qua lại chỗ nào trên đường quốc lộ và đường sắt, địch có thể phát hiện và bắn tới.

Chủ trương của ta là phải phá bằng được hệ thống tháp canh ấy. Nhưng làm cách nào để phá? Bao vây thì không giải quyết được. Súng trường và trung liên thì không đánh được. đã có lần, chúng tôi cho đánh thử bằng bộc phá. Nhưng vì xung quanh lô cốt chúng chất nhiều bao cát, rải nhiều dây thép gai dày vài ba chục mét. Cắt được bấy nhiêu dây thép gai không phải chuyện dễ. Một số chiến sĩ của ta đã phải hy sinh giữa bãi dây thép gai ấy…

Đây là một vấn đề lớn bắt chúng tôi phải suy nghĩ mãi.



Khoảng giữa tháng 10, tình báo quân sự của ta ở Huế cho chúng tôi biết, gần đây một số chuyến tàu Huế - Đông Hà có chở pháo Bô-pho 40 ly để trong các toa bọc thép.

Được tin ấy, chúng tôi mừng lắm, lập tức cho người đi nghiên cứu thật cụ thể và quyết định đánh một chuyến tàu có toa bọc thép để chiếm lấy vài khẩu pháo Bô-pho.

Khi đã nắm được chính xác, chúng tôi ra quân.

Lực lượng tác chiến gồm có tiểu đoàn 227 của Trung đoàn 95, tiểu đoàn 319 của Trung đoàn 101 và hai đại đội bộ đội địa phương của Thừa Thiên - Quảng Trị. Địa điểm phục kích ở điểm cao 28 trên đoạn đường sắt Huế - Quảng Trị, giữa hai đồn Mỹ Cánh và Bến Đá.

9 giờ sáng ngày 24 tháng 10 năm 1950, đoàn tàu có hai tòa bọc thép từ Huế ra, lọt vào trận địa phục kích. Trúng bom, tàu dừng lại. Bộ đội ta lập tức nhảy lên tàu, đánh chiếm các toa theo kế hoạch đã định trước.

Địch có khoảng một đại đội bảo an và 20 lính Âu Phi. Tất cả đều bị giết và bắt sống. Ta chiếm được toa bọc thép có khẩu Bô-pho. Nhưng không biết cách tháo, ta phải bắt mấy tên lính Âu Phi đến tháo gỡ và đưa xuống đường. Ngoài khẩu pháo Bô-pho và rất nhiều đạn, ta còn thu được trên 50 súng bộ binh các loại.

Có Bô-pho rồi chúng tôi giao cho tiểu đoàn 436 nghiên cứu cách đánh thử một lô-cốt ở làng Căng trên đường Phú Ốc - Sịa để rút kinh nghiệm. Hôm đó có anh Hoàng Anh và tôi cùng đi để xem cụ thể tác dụng súng Bô-pho như thế nào. Đại đội trưởng Hải trực tiếp bắn. Hải vốn rất khỏe và là tay xạ thủ súng cối vào loại cừ. Nhưng vì chưa quen sử dụng pháo Bô-pho nên anh bắt trượt. Đạn lên cao khỏi lô-cốt mà cần cơ bấm cũng văng mất. Thế là tất cả pháo thủ, cán bộ tập trung vào mò mẫm tìm cơ bấm trong đếm tối. Khi tìm được thì trời đã rạng sáng. Chúng tôi phải rút về. Mọi người đều lấy làm tiếc và thấm thía về trình độ khoa học, kỹ thuật còn kém cỏi của mình. Không có súng lớn thì không đánh đồn bằng cường tập được. Có súng lớn mà không sử dụng thành thạo cũng vẫn không đánh được đồn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2015, 10:11:24 pm »

XX. THANH HƯƠNG

Thanh Hương! Cái tên nghe mới êm dịu làm sao! Êm dịu, hiền lành như khuôn mặt các cô gái trên mảnh đất cố đô này. Nhưng đây không phải là tên một cô gái đẹp mà là tên một chiến trường vô cùng ác liệt đã xảy ra năm 19541 sau những chiến thắng lớn ở Mặt trận Bình Trị Thiên trong những chiến dịch Lê Lai, Phan Đình Phùng năm ấy.

Năm ấy, đất nước ta có nhiều chuyển biến lớn. Trên chiến trường Bắc bộ, phong trào chiến tranh du kích phát triển rất mạnh ở vùng đồng bằng, trung du, và ta đã giải phóng được cả vùng Cao Bắc Lạng, biên giới phía bắc.

Chiến thắng to lớn này làm cho địch rất hoảng hốt. Chính phủ Pháp đã cách chức một loạt tướng tá tư lệnh các chiến trường, triệu hồi tướng Các-pang-chi-ê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương về nước và cử tướng Đờ-lát Đờ-tát-xi-nhi, Tư lệnh lục quân khối Tây Âu, một viên tướng vào cỡ “thiên tài” của nước Pháp sang thay làm Tổng chỉ huy kiêm cả Cao ủy Pháp ở Đông Dương.

Mặt khác, Pháp thấy rằng tự mình không thể đương đầu nổi với Việt Minh cộng sản, nên yêu cầu Mỹ viện trợ. Mỹ đang muốn hất cẳng Pháp để chiếm lấy Đông Dương vì vị trí quan trọng của đất nước này trên trường quốc tế, Đông Dương nằm ở giữa vùng Đông Nam - Nam châu Á cách Quảng Châu, Ma-ni-la, Xanh-ga-po, Gia-các-ta từ 1.000 đến 2.000 ki-lô-mét, ở ngã ba đường giữa Ấn Độ Dương và nam bắc Thái Bình Dương. Ta lại có nhiều hải cảng rất tốt như Cam Ranh, Đà Nẵng. Nếu Đông Dương rơi vào tay cộng sản là một việc rất nguy hiểm đối với Mỹ một khi Mỹ đang muốn làm bá chủ hoàn cầu.

Mỹ sẵn sàng viện trợ cho Pháp đô-la và vũ khí…

Có thêm tiền và vũ khí, tướng Đờ-lát Đờ-tát-xi-nhi đem thêm quân tăng viện sang và đề ra chủ trương “bình định gấp rút phản công quyết liệt” để giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tát-xi-nhi cấp tốc tập trung quân Âu Phi tinh nhuệ xây dựng thành một lực lượng cơ động mạnh, đồng thời phát triển ngụy binh lên quy mô lớn để bổ sung cho quân đội chúng. Mặt khác, chúng tăng cường hệ thống phòng ngự ở trung du, đồng bằng Bắc bộ và ở các chiến trường khác. Về hoạt động quân sự, chúng ra sức càn quét, gom dân, lập vành đai trắng, tát cạn nước để bắt cá. Chúng tiến hành cái gọi là “chiến tranh tổng lực”, ra sức bình định các vùng tạm bị chiếm, các vùng du kích để tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta và để cướp bóc, vơ vét nhân lực, vật lực của ta phục vụ âm mưu chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người  Việt”.



Chiến trường Bình Trị Thiên đang bị một trận lụt rất lớn, chưa từng có suốt một trăm năm qua. Nước mênh mông trắng xóa ngập tất cả các cánh đồng. Có nơi nước lút cả những lũy tre làng. Nhà trôi, người chết, những cảnh đau thương, tang tóc hãi hùng… Nước ngập suốt bảy ngày đêm liền. Khi nước rút ra thì các cánh đồng nổi tiếng phì nhiêu chỉ còn dăm ba đám lúa non ngả màu vàng úa, bị một lớp bùn dày phủ kín lên trên. Mùa màng hư hỏng hết, một vụ đói khủng khiếp nhất định sẽ xảy ra không thể nào tránh khỏi. Dân lo, Đảng lo, chính quyền lo, bộ đội lo… Tất cả xô vào để cứu lấy mạng người. Tất cả bà con đổ ra đồng. Trâu, bò một số bị nước cuốn đi. Số còn lại còng vai làm việc suốt đêm, suốt ngày. Nơi nào không còn trâu, bò thì người kéo cày thay. Người khỏe đi trước, làm trâu, người già đi sau cầm cày. Đàn bà, trẻ con, cuốc xới, vun trồng… Tất cả các cánh đồng từ sáng tinh mơ đến tận đêm khuya tấp nập bóng người giành lại cuộc sống.

Trong lúc nguy nan như vậy, thì từng đoàn dân công từ nơi hậu phương Thanh Nghệ Tĩnh rầm rập vượt núi băng rừng, lặn lôi qua đèo qua suối vai kĩu kịt từng bồ lúa nặng trĩu đưa vào giúp những người anh em ruột thịt ở tiền tuyến xa xôi…

Trời mưa to không lo ướt áo
Mà chỉ lo ướt gạo nuôi quân.
Rai đi làng xóm dặn rằng,
Nếu để ướt gạo thì không trở về…

Đại biểu Liên khu ủy, Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, các đoàn thể cũng gánh gạo vào thăm, úy lạo những người bà con đang lâm nạn. Bộ đội trước đây ở đồng bằng nay lại vượt lên núi chặt từng hom sắn, bứt từng ngọn khoai gồng gánh quảy về đồng bằng cho bà con trồng trọt. Tất cả mọi người già, trẻ, lớn, bé đều đổ xô vào giành giật với trời từng luống mạ, từng vồng khoai, cứu lấy cuộc sống ngày mai.

Giữa lúc ấy thì giặc điên cuồng lồng lộn bắn phá để thực hiện cái chúng gọi là “bình định cấp tốc, phản công quyết liệt”. Ngay khi nước đang còn mênh mông trắng xóa các cánh đồng, chúng đã cho máy bay đi bắn phá các làng mạc, cho ca-nô lội nước chở lính áp vào các thôn xóm trên đồi cao, bắt dân đi để lập vành đai trắng. Thâm độc hơn, chúng bắt tất cả trâu, bò còn sống sót. Chúng phá hết cả cuốc cày, để dân không còn công cụ làm mùa màng.

Biết bộ đội đang lúc gặp khó khăn về lương thực, chưa thể hoạt động được, chúng càng mặc sức tung hoành. Trong mấy tháng trời, chúng nống ra, đóng thêm nhiều đồn bốt, xây thêm nhiều lô-cốt, boong-ke, khống chế các vùng ven biển, ngăn chặn các đường lên chiến khu, xiết chặt hành lang ra vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh..

Lúa đã trổ đòng đòng, cơn đói càng thêm thắt ruột. Đồng bào đói, bộ đội đói. Những thúng lúa cuối cùng khi nước rút hết, bà con đào lên đổ ra phơi đều bị quân giặc càn quét cướp hết rồi. Chỉ còn rau má, rau mưng, bà còn phải giã cả xương rồng lấy bột nấu cháo. Hoặc từng đoàn, lũ lụt kéo lên rừng kiếm củ khoai, củ sắn để ăn. Bộ đội, dân quân đêm ngày phải chặn những tốp phục kích của địch để cho bà con đi tìm nguồn sống…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM