Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:37:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 74971 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:23:06 pm »

XI. ĐỘI QUÂN NGẦM TRONG THÀNH PHỐ HUẾ

Thời gian này, các đồng chí trong thành phố Huế cũng thường lên báo cáo với chúng tôi những công việc đã làm để tham gia chiến dịch tổng phá tề toàn tỉnh.

Ngay từ sau khi mặt trận vỡ, theo chỉ thị của Tổng quân ủy, chúng tôi đã tổ chức những đội quân bí mật hoạt động trong thành thị, nhất là trong thành phố Huế, nơi bọn địch đặt các cơ quan đầu não của chúng ở miền Trung nước ta.

Anh Thanh đã giao cho công an, thành đội và trung đoàn chúng tôi thành lập các đội quân ngầm đó. Công an đã lập được các đội công an xung phong. Thành đội thì có các đội tự vệ cảm tử. Trung đoàn chúng tôi có các đội biệt động lấy tên là đại đội 123, do anh Hà Văn Lâu trực tiếp chỉ đạo.

Các tổ chức này chia thành từng tổ nhỏ, sống giữa lòng thành phố được nhân dân che chở. Ban ngày, anh em giấu vũ khí, đi làm ăn, người kéo xe, người làm thợ, người bán kem… Ban đêm, họ gặp nhau trao đổi tình hình và bàn kế hoạch hoạt động.

Bọn Pháp, sau khi đã chiếm đóng ba tỉnh Bình Trị Thiên, vội vàng đưa ra cái gọi là “Hội đồng chấp chính lâm thời” do Trần Văn Lý nguyên là Tuần vũ Phú Yên làm chủ tịch. Chúng lo tập trung vào công việc bình định nông thôn là nơi phong trào cách mạng đang sôi sục. Chúng có vẻ yên tâm với tình hình thành thị, cho rằng Việt Minh khó có chỗ đứng chân được.

Thực tế đã xảy ra khác với ý nghĩ của chúng. Những vụ phá hoại, trừ gian, diệt tề bắt đầu mở ra trong thành phố. Tuy mới là quy mô nhỏ, nhưng có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với nhân dân và làm cho địch hoảng sợ. Những toán lính com-măng-đô, tối tối thường hay đi tuần tra ngoài thành phố. Lúc đầu chúng đi từng trung đội có khi từng tiểu đội, không thấy xảy ra chuyện gì. Về sau, năm ba thằng, chúng cũng cứ đi. Đó là cơ hội tốt cho các đội quân ngầm của chúng ta làm ăn. Một vài tên com-măng-đô đi lẻ tẻ bị giết, bị bắt cóc, có khi cả tiểu đội Âu Phi đi tuần cũng bị phục kích, phải vứt cả súng chạy bán sống bán chết.

Vậy là ngay cái việc đi tuần quanh thành phố cũng không dễ dàng như chúng muốn. Chúng biết rõ việc Việt Minh hoạt động được trong thành phố là nhờ nhân dân ủng hộ. Một lần chúng tổ chức một cuộc mít tinh ở sân vận động chợ Xép, bắt nhân dân đến nghe “Thượng cấp hiểu dụ về mối hiểm họa của Việt Minh trong thành phố”. Ta quyết phá cuộc mít tinh đó.

Sáng hôm đó, một chiến sĩ biệt động - em Bồng, mới 15 tuổi áo quần rách rưới, gánh đôi giỏ đến cắt cỏ quanh sân vận động. Lúc nhân dân bị bắt đã đến đông, cuộc mít tinh sắp bắt đầu, Bống cầm liềm đi vào giả vờ đứng nghe. Một quả lựu đạn tung ngay vào trước mắt bọn cảnh sát ngụy đứng gác. Bà con trông thấy la lên ầm ầm như vỡ chợ: Việt Minh! Việt Minh! Rồi xô nhau chạy.

Quả lựu đạn không nổ, vì ta không bỏ thuốc súng đã giúp cho Bồng hoàn thành nhiệm vụ phá vỡ cuộc mít tinh tuyên truyền lừa bịp của địch.

Một buổi sáng khác, “Hội đồng chấp chính lâm thời” Trung Việt kéo tới phòng họp định bàn cách đối phó với Việt Minh trong thành phố thì có tin báo nhân dân các đường phố xôn xảo đứng nhìn lên cột cờ trước cửa Ngọ Môn. Nơi đó, cờ quẻ ly đã được thay thế bằng lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Trần Văn Lý tức tối, đập bàn quát tháo, bắt lính ra hạ lá cờ xuống. Hai tên cảnh sát vội chạy đến cột cờ, vừa mò vào, đã bị mìn nổ chết ngay. Cuối cùng, cũng cũng hạ được lá cờ xuống. Nhưng lá cờ ấy đã đủ thì giờ báo cho đồng bào xa gần biết lực lượng kháng chiến Thừa Thiên - Huế đang lớn mạnh, không chỉ ở nông thôn, rừng núi, mà ở ngay trong thành phố, giữa sào huyệt của kẻ thù.

Để truy lùng sấu vết Việt Minh, địch tổ chức bao vây các khu phố và khám xét từng gia đình nhân dân. Lợi dụng lý do đó, chúng cướp bóc, vơ vét tài sản của bà con rất nhiều. Các đồng chí trong các đội biệt động liền tìm cách trừng trị bọn ác ôn.

Em Đoàn Văn Sáu được giao nhiệm vụ xử tội tên lý trưởng phường Bao Vinh.

Lúc nhập nhoạng tối, Sáu mặc áo đen dài như các thanh niên theo đạo thiên chúa trong vùng, giấu súng ngắn trong áo, đi thẳng vào nhà tên lý trưởng. Cả nhà hắn đang ăn cơm.

Sáu lên tiếng:

- Thầy Lý có thư của cha xứ đây, mời thầy ra nhận!

Nghe nói có thư của cha xứ, tên lý trưởng vội vàng bỏ đũa ra lấy. Vừa cầm lá thư trong tay thì một viên đạn súng lục nổ ngay giữa ngực hắn. Hắn ngã vật xuống, tay còn nắm lá thư. Phong thư đó chính là cáo trạng tội bán nước của hắn. Cả nhà hắn kinh hoàng không không dám kêu cứu. Bà con xung quanh nghe súng nổ ở nhà tên ác ôn cũng lờ đi như không nghe thấy gì. Trong lúc đó, Đoàn Văn Sáu đã nhanh chóng lẩn vào bóng đêm về cơ sở giấu súng, lên giường nằm ngủ.

Bao nhiêu việc đã xảy ra như vậy làm cho nhân dân rất tin yêu và bọn địch rất khiếp sợ. Đại đội 123 do Lê Xuân Phương làm đại đội trưởng, nổi tiếng cả thành phố, không những nhân dân biết mà bọn địch đều biết. Có lần, một em liên lạc của đại đội 123 đi công tác bị bọn “Việt binh đoàn” bắt. Biết em là người của đại đội 123, chúng liền thay đổi thái độ, đối xử tử tế và để em đi không dám giam giữ.

Một số sĩ quan ngụy cũng tìm cách bắt liên lạc với ta, xin “nhận nhiệm vụ, góp phần kháng chiến”. Nhiều nhân viên trong các cơ quan đầu não của địch cũng bí mật tham gia Hội “Công chức cứu quốc” và đã cung cấp cho ta một số tài liệu quan trọng về tình hình địch.

Trong chiến dịch tổng phá tề toàn tỉnh, chỉ trong một đêm, các lực lượng biệt động, các đội cảm tử thành, các đội công an xung phong đã cùng nhau phối hợp, quét sạch bọn tề, diệt ác ôn trong thành phố, thu gần một thùng đầy triện đồng và thẻ đồng đem cho công binh xưởng. Những tên tề, điệp, ác ôn đều được đưa lên chiến khu. Một số ít tề có tội ác với nhân dân sau khi học tập một thời gian, được trở về với gia đình và hứa không bao giờ làm tay sai cho giặc nữa.

Đội quân ngầm của ta đúng là cá nằm trong nước, được nhân dân đùm bọc và che chở. Sự hoạt động của nó rất linh hoạt và phong phú. “Lai vô ảnh, khứ vô hình”, đúng như lời Bác dạy. Nó vừa nắm địch, vừa đánh địch và phá hoại địch. Nó vạch rõ tội ác của địch cho nhân dân thấy và giác ngộ nhân dân tham gia công cuộc kháng chiến. Nó giúp cho cán bộ tại chỗ xây dựng lực lượng kháng chiến ngay trong lòng địch, giúp mua, hoặc lấy của địch những thứ mà chúng ta cần dùng như thuốc men, giấy bút, các dụng cụ y tế, các dụng cụ nhà in…

Sự hoạt động của đội quân ngầm đã làm cho quân địch xâm lược thấy rõ ràng, trên đất nước ta, không có chỗ nào là nơi an toàn đối với chúng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:23:40 pm »

XII. LUYỆN QUÂN LẬP CÔNG

Tình hình đã có chuyển biến mới. Phong trào kháng chiến của Thừa Thiên đã lên đều khắp các huyện. Hoạt động giữa ta và địch đang diễn ra trên thế cài răng lược, tranh chấp nhau từng giờ, từng phút.

Tình hình đó đòi hỏi cơ quan lãnh đạo của tỉnh phải theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời cho các địa phương những gì đã xảy ra. Do đó, cơ quan lãnh đạo phải ở một nơi trung tâm. Chiến khu Hòa Mỹ ở về phía cực bắc của Thừa Thiên. Ở đó, nắm tình hình ở Huế thường bị chậm và việc đi lại đối với phía nam gặp nhiều khó khăn. Tỉnh ủy quyết định dời chiến khu vào Dương Hòa.

Dương Hòa cách Huế chỉ vài chục ki-lô-mét. Cán bộ lên xuống Huế dễ dàng. Tin tức Huế lên rất nhanh. Đó cũng là nơi trung tâm của tỉnh. Ra các huyện phía bắc, vào các huyện phía nam, cân đường và thuận lợi. Dương Hòa nằm ven dãy Trường Sơn, núi rừng trùng điệp, lúc giặc tấn công có thể rút vào rừng. Dương Hòa còn nằm giữa hai nhánh của dòng sông Hương gọi là Tả Trạch, Hữu Trạch, thuyền bè có thể qua lại được, tạo nhiều thuận lợi cho giao thông tiếp tế… Đó là một địa bàn tốt cho việc chỉ đạo của ta.

Chúng tôi dời về Dương Hòa.

Các cơ quan của tỉnh đóng ở xóm Lương Miêu, ven rừng. Dân cư tương đối đông đúc. Bộ đội đóng ở Dương Hòa, vào tận các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… Dương Hòa, Lương Miêu thường bị pháo ở đồn Trước bắn lên. Nhưng các lăng vua nhà Nguyễn chúng ít bắn, nên bộ đội ở thoái mái.

Ở đây, trung đoàn mở cuộc vận động “luyện quân đội, lập chiến công” gọi tắt là “luện quân lập công” theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh. Mục đích của của cuộc vận động này là đưa trình độ tác chiến của bộ đội từ du kích chiến lên vận động chiến. Tình thế đã thảy đổi đòi hỏi chúng ta phải có một chiến thuật khác để tiêu diệt được địch nhiều hơn.

Sau một thời gian luyện tập, trình độ chiến thuật, kỹ thuật của bộ đội, năng lực tổ chức, chỉ huy của cán bộ đã tiến một bước rõ rệt. Chúng tôi quyết định đưa bộ đội về đồng bằng để thực hiện nay trên chiến trường những điểm đã được học tập vừa qua. Chủ trương của trung đoàn lúc này là không đánh vị trí địch, vì như vậy là không thể hiện được mục đích vận động chiến. Vả lại, nếu đánh vị trí lớn thì ta không đủ sức, còn đánh vị trí nhỏ thì không xứng đáng với ý nghĩa kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám đúng ngay trong thời gian này. Cuối cùng, trung đoàn quyết định tổ chức một cuộc vũ trang tuyên truyền với quy mô lớn để biểu dương lực lượng, đồng thời kéo địch ra ngoài vị trí mà đánh.

Về chiến trường, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ.

Qua một thời gian hoạt động ở đồng bằng, chúng tôi thấy bọn địch ở vùng Dưỡng Mong thuộc huyện Phú Vang là bọn ác ôn khét tiếng. Chúng rất liều mạng. Mỗi khi thấy bộ đội ta xuất hiện, lập tức chúng tập trung lực lượng ở các vị trí quanh vùng để bao vây tiêu diệt. Bộ đội ta cũng chưa đánh chúng nó trận nào ra trò. Phen này chúng tôi quyết định diệt chúng bằng vận động chiến khi chúng ra khỏi đồn.

Chúng tôi chọn bốn đại đội trong hai tiểu đoàn 319 227 (2 tiểu đoàn 16 và 17 cũ) quần áo chỉnh tề, súng đạn đầy đủ, tối 18 tháng 8, hành quân xuống dưới đường số 1 và giấu quân trong các làng có cơ sở của ta. Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên các đơn vị lần lượt giương cờ tiến về phía Dưỡng Mong. Sự xuất hiện bất ngờ và công khai làm cho bọn địch rất ngạc nhiên và lúng túng. Tuy nhiên, chúng vẫn không thay đổi cách hoạt động đã quen thuộc theo quy luật từ trước. Chúng tập trung lực lượng của các vị trí và chia nhiều bộ phận phục kích nhiều nơi khác nhau để ngăn chặn và tiêu diệt bộ đội ta.

Gần trưa, đại đội đi đầu về đến Dưỡng Mong. Xã này có một nhà thờ công giáo. Một thầy tu mặc áo đen niềm nở ra đón bộ đội vào xơi nước. Sau khi bố trí bộ đội xong, anh Phùng Duy Phiên và mấy cán bộ nữa vào nhà thờ. Các anh đang nói chuyện với các thầy tu, thầy dòng, thì nghe súng nổ ở phía trước. Đại đội đi đầu của ta đã gặp địch. Trận đánh diễn ra rất nhanh. Anh Phùng Duy Phiên chạy đến nơi thì chỉ thấy gần chục xác chết của bọn bảo vệ nằm giữa đồng. Nhân dân cũng đến xem rất đông.

Đơn vị đang thu dọn chiến trường thì lại nghe tiếng súng nổ ở phía sau một đơn vị của địch phục kích dưới máng nước chặn đánh đại đội đi sau của ta. Chúng bắn mấy loạt súng trường, súng máy rồi rút về bốt, nhưng bộ đội ta truy kích kịp, diệt và bắt sống gần hết.

Đoàn của ta lại tiếp tục hành quân. Đến cuối xã Dưỡng Mong bộ đội ta lại gặp hai trung đội địch phục kích ở giữa đồng. Chúng ta đánh trả. Một đại đội của ta nhanh chóng vận động lên phối hợp đánh tạt sườn quân địch. Chúng chết quá nửa trong đó có hai tên đồn trưởng. Số còn lại vất súng chạy thục mạng.

Sau chiến thắng, bộ đội được đồng bào đón về nghỉ ngơi. Cán bộ địa phương đã báo trước, nên nhà nào cũng chuẩn bị cơm nước sẵn sàng. Bà con tíu tít xung quanh anh bộ đội hỏi chuyện đánh Tây… Tối hôm đó, anh em trở về chiến khu mang theo trên 80 khẩu súng chiến lợi phẩm và rất nhiều gạo, nếp, heo, gà của bà con ủng hộ.

Những bài học quân sự về vận động chiến vừa qua trên thao trường đã đem lại những kết quả mỹ mãn trên chiến trường. Một thắng lợi rất lớn của quân ta trên bước đường trưởng thành.

Anh Lâu nói với tôi:

- Nếu ta luyện quân lập công sớm một chút thì ở Hòa Mỹ, giặc không đủ đất để chôn!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:24:21 pm »

XIII. BÃO TỐ LẠI NỔI LÊN

Trước những chiến thắng liên tiếp của quân ta và phong trào nhân dân kháng chiến ngày càng lên cao ở khắp nơi, giặc pháp phải thay đổi chủ trương và phương hướng hoạt động.

Đầu năm 1948, tướng Lơ-bờ-rít, chỉ huy quân đội Pháp ở miền Trung Đông Dương ra Huế, họp bàn với những tên tay chân của hắn ở Bình Trị Thiên.

Chúng chia Bình Trị Thiên ra từng ô gọi là tiểu khu, phân khu. Chúng tăn cường hệ thống đồn bốt vừa để bảo vệ các vùng trọng yếu, hình thành thế bao vây chia cắt ta, vừa làm chỗ dựa cho bọn tề, ngụy hoạt động lùng sục, phá cơ sở cách mạng, vây bắt cán bộ, khống chế, o ép nhân dân. Chúng lấy những đội quân tinh nhuệ tổ chức thành những đội ứng chiến tương đương một tiểu đoàn, hay nhỏ hơn một chút mệnh danh là những đội “cứu hỏa” bố trí trên khắp các địa bàn, sẵn sàng pháo kích khi bị ta tấn công và đánh vào những nơi nghi có quân ta hoạt động. Những đội quân này kết hợp với quân chiếm đóng đi bình định từng vùng. Đi đến đâu, chúng đốt phá, bắn giết hết sức man rợ. Chúng muốn đem máu và lửa khủng bố làm cho nhân dân ta sợ kháng chiến, sợ bộ đội, buộc lòng phải chấp nhận cuộc sống an phận tủi nhục dưới chế độ do chúng đặt ra. Sau những trận tàn sát khủng bố, chúng lại nặn ra những bọn tề, điệp làm tay sai cho chúng để giám sát, o ép nhân dân và phát hiện những hoạt động của ta.

Trước những cảnh khủng bố dã man như vậy, một số bà con ta đâm ra hoang mang dao động. Một số cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng, nhân dân du kích mới được xây dựng, còn yếu, bị địch đánh phá gắt gao, nhiều nơi bị tê liệt, tan rã. Một số cán bộ địa phương, dân quân du kích bỏ chạy lên chiến khu hoặc đi nơi khác. Cán bộ trên chiến khu về đồng bằng thường bị địch phát hiện, không hoạt động được.

Bình Trị Thiên gặp phải một thời kỳ hết sức khó khăn.

Giữa lúc đó, Bộ tổng Tư lệnh có chủ trương đưa các đại đội chủ lực về đồng bằng, vừa giúp dân đánh giặc, bảo vệ sản xuất, vừa xây dựng cơ sở. Mỗi trung đoàn chỉ giữ lại một tiểu đoàn làm đơn vị hoạt động tập trung nhằm đánh vào các mục tiêu tương đối lớn. Chủ trương đó gọi tắt là “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”.

Giữa mùa thu năm 1948, Bộ Tư lệnh Liên khu IV triệu tập Hội nghị quân sự lần thứ tư để bàn về việc thực hiện chủ trương nói trên. Trong hội nghị, đồng chí Trần Văn Quang, Chính trị Ủy viên Liên khu đọc báo cáo nhận định những thắng lợi cơ bản của quân dân Bình Trị Thiên trong thời gian qua, đồng thời nêu rõ những mặt còn thiếu sót. Cuối cùng, đồng chí kêu gọi:

- Chúng ta hãy chấp hành thật tốt chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh để đưa cuộc kháng chiến tiến lên giành những thắng lợi mới.

Theo chủ trương đó, các đại đội độc lập phải tiến sâu vào vùng sau lưng địch vừa chiến đấu, vừa công tác. Khi địch chưa đến thì tích cực tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ nhân dân, gây cơ sở và hướng dẫn nhân dân đánh giặc, giúp dân sản xuất, lập làng chiến đấu. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ, trực tiếp tham gia vào công cuộc đánh giặc, cứu nước, không phải chỉ có ủng hộ bộ đội, mà phải xây dựng và giúp đỡ dân quân du kích, phát triển bộ đội địa phương, làm cho những lực lượng vũ trang này trở thành công cụ chủ yếu đánh giặc giữ làng. Mỗi đại đội độc lập phải xây dựng cho được một trung đội du kích trở thành bộ đội địa phương. Bộ đội địa phương lớn mạnh, lại bổ sung cho các đơn vị chủ lực khi cần. Đại đội độc lập cùng với cán bộ địa phương phá tề, trừ gian, xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Đảng, bảo vệ các tổ chức quần chúng.

Khi địch đến thì đại đội độc lập và dân quân du kích kiên quyết tiêu hao và tiêu diệt những bộ phận nhỏ của địch. Đồng thời hướng dẫn cho nhân dân cất giấu tài sản, tham gia vào việc đánh địch, tránh địch.

Nhiệm vụ của các đại đội độc lập là như vậy. Còn nhiệm vụ của các tiểu đoàn tập trung là nhằm vào những cánh quân tương đối yếu của địch để tiêu diệt.

Nhìn chung, phương thức hoạt động ấy đã phát huy chức năng của bộ đội ta trong điều kiện cụ thể lúc bấy giờ là một đội quân vừa chiến đấu, vừa công tác. Bọn địch dùng lực lượng quân sự để chiếm đóng, kìm kẹp nhân dân, ta cũng phải dùng lực lượng quân sự để phá thế chiếm đóng, kìm kẹp của địch. Đồng thời phải ra sức phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang để đưa cuộc kháng chiến tiến lên.

Sau hội nghị, chúng tôi đã nắm được ý nghĩa, mục đích và yêu cầu nêu trong chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh.

Ra về, chúng tôi đi vào thành công các lực lượng theo nhiệm vụ mới.

Trung đoàn chúng tôi, trung đoàn 101 - quyết định đưa các đại đội của hai tiểu đoàn 227 và 328 về hoạt động độc lập ở các huyện của Thừa Thiên. Còn tiểu đoàn 319 và đại đội biên pháo dùng làm đơn vị tập trung.

Ở Quảng Trị, trung đoàn 95 dùng các đại đội của hai tiểu đoàn 301, 302 làm đại đội độc lập, tiểu đoàn 310 hoạt động tập trung trên đường số 9.

Ở Quảng Bình, Tiểu đoàn 274 cũng phân bố các đại đội về các huyện làm nhiệm vụ đại đội độc lập…

Chủ trương đúng, được các đơn vị hưởng ứng nhiệt liệt. Nhưng bước vào thực hiện, anh em gặp không ít khó khăn. Nhân dân nói chung là tốt, nhưng đang bị địch khống chế. Không phải nơi nào bộ đội ta cũng đi về được. Có đơn vị đi ba lần lên xuống đồng bằng mà chưa tìm ra được chỗ đứng chân. Có nơi, bộ đội phải đào hầm bí mật để ở, chỉ ban đêm mới lên bắt liên lạc với cơ sở, đi tuyên truyền vận động đồng bào. Gần sáng lại về hầm. Cả tháng như thế, đến khi được lên khỏi hầm, người cứ trắng bạch ra như xác chết trôi. Lại có nơi, anh em suốt ngày nằm ngoài bãi cát, nắng cháy, người cứ đen thui như “lính Ma-rốc”.

Tuy vậy, cũng có nơi như các xã Phong Chương, Quảng Thái tuy ở trong vùng địch kiểm soát, nhưng đồng bào sẵn sàng che giấu bộ đội ngay từ đầu, lo ăn, lo ở rất chu đáo.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:24:50 pm »

Vùng Phong Chương này là nơi chủ lực ta ít về nên địch rất chủ quan. Trước đây có một vài lần bị đánh lẻ tẻ, địch cho rằng đó cũng chỉ là hoạt động của du kích hay bộ đội địa phương nên chúng không lo lắm. Ngay sau khi ta về đóng ở Phong Chương, bọn tề điệp đã bí mật báo cho bọn chỉ huy ở đồn Thế Chi Đông biết. Chúng liền tổ chức một trận lớn để cất vó Việt Minh, chúng cũng cho rằng đây là du kích hay bộ đội địa phương mà thôi. Ta cũng đã được bà con báo cho biết là bọn địch đang chuẩn bị để đánh chúng ta.

Đêm thứ hai sau khi về đóng quân, ta bí mật đem quân sang Thế Chi Đông bố trí sẵn. Sáng hôm sau, tên Hiệt đồn trưởng, dẫn cả trung đội đi về Phong Chương. Ra khỏi đồn một đoạn, bất ngờ nghe súng nổ, nhìn ra thấy toàn Vệ quốc quân, mặc xi-ta đồng màu, súng cắm lưỡi lê sáng loáng, chúng sợ hết hồn, giơ tay xin hàng tất. Anh em ta chỉ tước súng, giải thích chính sách, rồi cho về cả. Khi nghe đại đội trưởng Huỳnh Đình Thảo báo cáo, tôi liền nói:

- Các cậu thật quá hóa dại rồi. Quân số chúng nó đang thiếu nghiêm trọng. Ta cũng đang thiếu người làm ở các cơ sở sản xuất. Thế mà các cậu lại tha cho chúng về cả. Mấy chục khẩu súng đối với ta cũng vậy, nhưng đối với chúng nó quan trọng gì. Chúng nó thiếu lính chứ không thiếu súng đạn.

Bọn lính chạy về, ngay ngày hôm sau, một toán quân khác đến. Toán quân này là “đội quân áo đen” khét tiếng tàn bạo ở Thừa Thiên. Nhân dân gọi chúng là “đội quân áo đen” vì chúng mặc áo quần toàn màu đen, đầu cũng đội mũ bê rê đen. Đơn vị này tuy gọi là đại đội nhưng quân số được tăng cường nên rất đông, phần lớn là thanh niên công giáo phản động và bọn lưu manh trộm cướp do Quản Hậu chỉ huy. Quản Hậu trước đây, sau ngày tổng khởi nghĩa đã làm trung đoàn trưởng danh nghĩa cho trung đoàn Trần Cao Vân, khi mặt trận vỡ, đã đầu hàng giặc. Biết nó rất ghét cộng sản, bọn giặc giao cho nó chỉ huy đại đội rất tin cậy này. Quản Hậu đã từng giơ nắm tay ra trước mặt bọn đàn em, khoác lác:

- Tất cả bí mật của Việt Minh ta đã nắm chắc trong tay! Bọn địch đã sử dụng đơn vị này, coi như một đơn vị ứng chiến mạnh ở ba huyện miền bắc Thừa Thiên, đóng gần vùng Phong Chương, Quảng Thái.

Nghe tin bộ đội ta xuất hiện ở Phong Chương bọn địch liền phái ngay đại đội con cưng này đến để tiêu diệt chúng ta. Chúng ta đã được cơ sở cho biết nên đã phục kích sẵn ở Lai Hà. Lực lượng của ta gồm có hai đại đội 120 phối hợp với một trung đội bộ đội địa phương mới thành lập do Tống Hồ Trinh chỉ huy.

Sáng đến, đội quân áo đen vừa lọt vào trận địa của ta, bị ngay loạt lựu đạn nổ như sám, đúng giữa đội hình của chúng. Một số địch ngã gục. Quản Hậu hò hét bọn lính xông lên bắt sống Việt Minh. Chúng muốn bắt sống một số cán bộ, chiến sĩ Vệ quốc quân để đem về tuyên truyền. Giữa lúc đó, đại đội 120 đã vận động vây bọn địch và đánh tạt vào sườn chúng. Đạn bay vèo vèo, bọn địch chết loạn xạ. Quản Hậu sợ quá, co chân chạy trước. Thế là bọn giặc áo đen nháo nhác đạp lên nhau, chạy thục mang. Ta truy kích theo, vừa tiêu diệt, vừa bắt sống gần hết. Ta thu toàn bộ vũ khí.

Từ đó, đội quân áo đen mất tăm. Bà con ba huyện miền bắc Thừa Thiên đâu đâu cũng bàn tán về trận đó. Họ nói đến trung đội của Tống Hồ Trinh nhiều hơn, vì đây là trung đội bộ đội địa phương toàn con em của họ. Họ đã từng nâng lên là “đại đội Tống Hồ Trinh”. Đại đội Tống Hồ Trinh trở thành nổi tiếng. Bọn địch nghe nói đến đại đội Tống Hồ Trinh cũng hốt.

Không riêng gì đại đội 120 mà các đại đội độc lập khác đều có những hoạt động như vậy. Có những đại đội lúc mới về, gặp rất nhiều khó khăn. Nhân dân vùng đó bị địch khủng bố dữ dội quá không dám nhận cho anh em ở, mặc dầu rất thương anh em. Thế là đại đội phân tán nhỏ lẻ thậm chí, phân tán đến tổ ba người đi sâu vào các làng mạc, ngày thì núp lén các bờ bụi hoặc đào hầm bí mật để ở, đêm đến mới vào trong thôn xóm. Có tổ đã có sáng kiến, việc đầu tiên là giết hết chó trong làng, để khi vào ra không có chó sủa, không ai biết, rồi len lỏi vào từng nhà, động viên, tuyên truyền, khuyến khích họ. Phần lớn, tìm vào các nhà nghèo, vì đối với họ, anh em đem quyền lợi thực tế của cách mạng đưa lại cho họ, giải thích họ dễ nghe hơn. Rồi từ đó, anh em xin gạo để ăn và động viên một số thanh niên vào du kích. Lời nói thường hay đi đôi với việc làm, anh em phục kích bắt vài tên lính lẻ tẻ ra khỏi đồn,. Một số lính ngụy cũng rất chủ quan, thường hay đi lẻ tẻ vào các làng xung quanh đồi để cướp bóc, bắt heo, bắt gà. Bị một vài lần như vậy, bọn lính trong các đồn đều sợ không dám di sục sạo thường xuyên nữa. Bà con thôn xóm cũng yên ổn hơn… Sau đó, anh em tìm diệt hội tề, Việt gian phản động để bịt tai mắt chúng lại. Do đó, bà con bớt sợ và anh em đi lại dễ dàng hơn.

Hết việc này qua việc khác, dần dần trong nông thôn bọn hội tề, Việt gian không dám lộng hành như trước, vì chúng sợ không biết có một bàn tay bí mật nào đấy sẽ giết chúng, bất cứ lúc nào. Bọn lính trong các đồn cũng không dám ra ngoài, chưa biết một viên đạn trong bụi bờ nào đấy sẽ kết liễu đời chúng.

Ngược lại, một số anh em trai tráng, hoặc đàn ông ngoài ba bốn mươi còn khỏe mạnh, qua bao nhiêu lần bị địch khủng bố, tàn sát những người thân, mang trong lòng một mối hận thù với chúng, nay được anh em bộ đội làm chỗ dựa, động viên, khuyến khích và thấy kẻ thù cũng đã chùn bước, nên sẵn lòng tham gia dân quân du kích cùng bộ đội chiến đấu. Các đội dân quân ấy càng ngày càng lớn dần. Rồi từ những vụ bắn tỉa một vài thằng đi lẻ tẻ cướp súng đạn, bộ đội và dân quân tiến tới phục kích những toán đông hơn, lấy súng địch đánh địch trở thành việc phổ biến trong nhân dân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:25:13 pm »

Hồi ấy, chúng tôi nghe nhiều chuyện cướp súng giặc khá vui. Có một xã ở gần đồn địch. Trong xã có một cái chợ. Đến ngày phiên, bà con các thôn xóm xung quanh đi chợ buôn bán khá đông. Bọn bảo vệ trong đồn cũng hay đi chợ để mua bán, cướp bóc. Từ đồn vào chợ phải đi trên một đường cái rất rộng rãi. Bên cạnh các đường, cách chợ một quãng, có một cái miếu nằm dưới một lùm cây tương đối rậm. Bọn địch chưa bị phục kích lần nào, nên chẳng lo lắng gì cứ nghênh ngang đi chợ. Hôm đó có ba đứa, mang súng đạn đầy đủ vừa đi vừa nói nói, cười cười rôm rả. Khi bước vào đường cái thì phía đàng xa có tiếng gọi:

- Ơi các eng ơi, chờ bọn em đi với!

Đàng xa, có một tốp con gái khoảng trên mười người gồng gánh đi tới. Toàn là các cô gái trẻ xinh xắn ăn mặc đẹp mắt. Cô đi đầu, béo núc ních, mặt tươi rói nói:

- Các eng đi chợ mua chi rứa!

- Có chi mua nấy. Các o bán chi tôi cũng mua. Mua hết! Một tên bảo vệ nhe bộ răng vàng, cười hềnh hệch đi sát vào bên cô gái. Cô gái đi né ra một chút

-Nè, đi chi đi lạ rứa. Đường rộng không đi cứ xán vô người ta.

Tên bảo vệ giơ tay vỗ vào mông người con gái, miệng cười hềnh hệch.

- Lạ chi mà lạ, trước lạ sau quen.

Hành động của tên bảo vệ làm cho đoàn chị em phật ý. Một cô nói:

- Các eng phải đứng đắn một chút chứ! Chả trách mà bọn con nít cứ nói:

Cắc bụp, cắc bụp, xòa
Mấy thằng bảo vệ bắt gà, bắt heo…
Cắc bụp, cắc bụp, xèo
Mấy thằng bảo vệ bắt heo, bắt gà

Mấy tên bảo vệ tỏ vẻ bực bội, nhưng một cô khác nói ngay:

- Đó là bọn con nít nói những người khác kia, chứ các eng đây trông bọ đứng đắn cả.

Câu nói làm cho bọn lính dịu lại. Tên bảo vệ răng vàng cũng đi đứng chững chạc hơn. Hắn gạ chuyện hỏi cô gái đi đầu:

- O ở mô?

- Em ở Nam Phổ.

- À, con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau, phải không o?

- À, quê em rất nhiều cau, con gái không trèo thì ai trèo cho.

- Rứa khi các o trèo các o ở lỗ thiệt à!

- Có ở lỗ hay không, các eng cứ lên quê hắn, đứng dưới mà coi…

Cả bọn cười râm ran… lần này, không phải bọn bảo vệ xán vào các cô, mà các cô hai ba người một bám vào một thắng bảo vệ, vừa đi, vừa nói cười rôm rả.

- Các eng ở một mình như vậy mà không buồn à!

- Buồn chớ, nhưng biết mần răng được!

- Cho các em đến ở với cho vui…

Các côn càng đi sát hơn vào mấy thằng bảo vệ.

- Ui cha cha! Rứa thì còn chi sướng bằng!

- Nhưng các em sợ ông đồn không cho?

- Răng lại không cho… các eng có khu gia binh.

Họ sắp đến cái miếu dưới lùm cây rậm.

- Rứa thì sướng quá còn chi bằng!

Cô béo ních đi đầu cười, rồi nói to:

- Này bay ơi! Ôm hè!

Bọn con gái cũng reo vui một loạt: “ôm hè”, “ôm hè”, rồi người nào người nấy quăng quang gánh, hai ba người ôm chặt lấy một thằng bảo vệ, giật khẩu súng trên vai, cười rúc rích lôi chúng vào miếu. Bọn bảo vệ thưởng các cô đùa nghịch, nên cũng cười hề hề mặc cho các cô kéo. Khi vào trong miếu, cô béo núc ních đi đầu đã cầm ngang súng, chĩa vào bọn chúng mặt nghiêm nghị:

- Chúng tao là Việt Minh đây! Muốn sống thì đứng yên, không chúng tao giết chết…

Trong lúc đó thì các cô đã bẻ quặt tay chúng ra đằng sau, rút sợi dây đã mang sẵn giấu ở trong lưng trói nghiến chúng lại. Bây giờ mặt đứa nào đứa nấy mới tái xanh tái xám, van lạy xin tha chết. Chúng cũng biết rằng không chống cự nổi vì họ đã ôm chặt lấy mình, có vùng vẫy cũng chỉ mất mạng mà thôi. Sau khi trói xong, các cô nhét khăn mặt vào mồm chúng, ném vào gốc miếu rồi ngang nhiên cầm súng đi về…

Câu chuyện ấy đã trở thành câu chuyện đầu miệng của đồng bào trong tỉnh. Anh em bộ đội thường gọi đùa là “chiến thuật ôm hè”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:25:42 pm »

Có rất nhiều “chiến thuật” như vậy. Có những tên lính Âu Phi vào chợ bị bà con lấy đòn gánh đập chết lấy súng… Có những đoàn xe tiếp tế của chúng bị dân quân chôn bom giật nổ, cướp súng…

Ở một giải đất, mà phía trên là núi, phía dưới là biển, hai đầu hai ngọn đèo bị địch bịt kín lại, công binh xưởng còn nghèo nàn lạc hậu, chỉ còn một cách lấy súng của địch đánh địch mà thôi. Khi đã có súng trong tay, anh em du kích bắt đầu phát huy tác dụng. Lúc đầu, bắn tỉa những tên lính đi lẻ tẻ. Bọn chúng sợ hãi không dám đi lại tự do. Về sau, anh em bao vây đồn.

Từ sau khi đánh chiếm ba tỉnh Bình Trị Thiên, địch đóng đồn khắp nơi. Không kể thành phố, thị xã, thị trấn, ở Thừa Thiên có 70 đồn, Quảng Trị 69 đồn, Quảng Bình 38 đồn. Chúng đóng đồn bốt để chiếm đất, kiểm soát và khống chế dân. Đồn bốt còn là chỗ dựa cho bọn ngụy quyền huyện, xã hoạt động và là nơi ẩn náu của chúng khi thấy có nguy cơ bị cách mạng trừng phạt.

Đồn bốt địch thường xuyên là mối đe dọa trực tiếp đến đời sống hằng ngày của đồng bào ta. Bọn lính Âu Phi, ngụy từ trong các đồn này ra đã gây nên bao nhiêu tai họa thảm khốc cho dân chúng. Lúc đầu, chúng còn đi lẻ tẻ, bị chúng ta bắn, chúng không dám đi ra tự do, co lại trong đồn. Ta bao vây đồn. Cách bao vây mỗi nơi một khác, tùy theo lực lượng của ta và của địch. Có những đồn nhờ ở xa các vị trí khác, quân số không đông, mà lực lượng của ta tương đối mạnh thì ta bao vây chặt. Dân quân thay phiên nhau túc trực suốt ngày đêm. Có nơi anh em đắp hẳn một cái lô cốt bằng đất có lỗ châu mai trông thẳng vào đồn địch, lúc nào cũng có các cô nữ dân quân thấp thoáng bên trong. Nhưng, các tay súng bắn tỉa thì đào hầm nấp ở chỗ khác, hễ thấy bóng địch là bắn. Lối bao vây như vậy làm cho bọn địch trong đồn lao đao, khốn đốn trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là vấn đề nước nấu ăn, tắm giặt. Vì không phải đồn nào cũng có giếng nước cạnh nhà bếp hoặc ở trong đồn. Có những nơi, địch phải đi gánh nước xa. Nhưng, hễ gánh thùng đi ra, y như không về vì biên đạn của du kích. Thế cùng, bọn địch phải phất cờ trắng gọi loa:

- Xin các ông, các bà du kích cho phép tụi tui đi gánh nước!

- Ừ, cho đi, nhưng không được mang súng.

Bọn địch phải tuân lênh.

Về sau, đâu phải chỉ thiếu nước! Đồn bị bao vây lâu ngày, thiếu gạo. Không lẽ ngửa tay xin các ông, các bà du kích? Hay đi ăn cướp của dân? Việc tiếp tế phải nhờ các đồn khác qua xe cơ giới, ca-nô, tàu, thuyền bè. Nhưng cầu đường thường xuyên bị du kích phá hoại. Ca-nô, thuyền bè lại bị phục kích. Muốn đi, giặc phải mở những cuộc hành binh lớn. Trong các cuộc hành binh lớn, anh em lại phục kích đánh. Không đánh được thì anh em tránh đi. Giặc đi anh em lại về, và cuộc bao vây lại tiếp diễn.

Cùng với việc bao vây đồn bằng quân sự, các địa phương cũng đã biết chọn người ăn nói khéo, hướng dẫn cách mang quả bánh vào đồn bán để tuyên truyền., vận động binh lính địch. Những đồn có lính là người địa phương, ta cũng cho vợ con họ đến gặp, dùng tình cảm thuyết phục người thân nhận rõ phải trái trở về với cách mạng, với nhân dân.

Có một câu ca địch vận rất hay, mà ai cũng nhớ:

Trong đồn anh nhớ em không
Ngoài đồn em nhớ, em mong anh về.

Do kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận, hệ thống đồn bốt của địch bị rạn nứt khá lớn. Các đồn bị bao vây như thế sẽ không còn làm chỗ dựa cho bọn tề ngụy được nữa, cũng không làm nhiệm vụ chiếm đất, kiểm soát dân được nữa. Một số đồn trong tình trạng ấy buộc phải rút chạy hoặc ra đầu hàng, hoặc bị ta đánh chiếm.

Tuy nhiên, việc bao vây đồn cũng phải có điều kiện, phải tùy tương quan lực lượng địch ta cụ thể từng nơi, từng lúc. Không phải ta muốn bao vây đồn nào cũng được, thời gian nào cũng được. Có đồn ta chỉ vây một thời gian chưa diệt được địch, chúng nó đã tìm cách giải tỏa bằng những cuộc hành binh lớn, đánh phá dữ dội cơ sở kháng chiến quanh vùng, làm cho lực lượng du kích bị tiêu hao hoặc bật đi nơi khác. Hội tề phản động lại mọc lên. Ta lại phải tiến hành đợt đấu tranh mới: diệt tề, trừ gian, canh gác, vây đồn… Cuộc đấu tranh như vậy có vùng diễn đi, diễn lại rất nhiều lần.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:26:37 pm »

Đi đôi với việc bao vây đồn và các cuộc hành binh giải tỏa của địch, xuất hiện thêm một hình thức kháng chiến khác: làng chiến đấu. Hình thức này bắt đầu xuất hiện ở Quảng Bình, dầa dần phát triển đến Quảng Trị và Thừa Thiên.

Từ năm 1947, Quảng Bình đã nổi tiếng về làng Cự Nẫm. Năm 1949, tôi đi công tác ở Liên khu IV về, ghé thăm làng này. Đây là một làng trung du, ven núi, nằm trên đường số 2 thuộc huyện Bố Trạch, có địa hình mấp mô với nhiều điểm cao, nhiều con đường độc đáo rất thuận lợi cho việc bố phòng. Dân không đông lắm. Lực lượng du kích ở đây cũng tương tự như các nơi khác trong tỉnh, nhưng ý chí chiến đấu và bất hợp tác với địch rất cao. Khi giặc Pháp mới chiếm thị xã và các huyện miền Nam Quảng Bình, anh chị em du kích Cự Nẫm đã họp bàn kế hoạch bố phòng bảo vệ xóm làng. Các con đường địch có thể tiến vào làng đều được bố trí chông, mìn và đào đắp công sự chiến đấu.

Sau khi cố gắng xây dựng lên được bộ máy ngụy quyền ở đồng bằng, giặc Pháp tổ chức một cuộc càn lên Cự Nẫm. Nhân dân được tin, người già, trẻ con đều sơ tán vào núi. Du kích ở lại, bố trí chông, mìn ở trước các làng ngõ và các tổ súng trường đã sẵn sàng ở các vị trí chiến đấu. Địch chưa tới làng, một số tên bị bắn gục hoặc sa hầm chông, chúng nó phải khiêng nhau, vừa tháo chạy vừa kêu khóc ầm ĩ. Các đợt tấn công của địch tiếp theo cũng bị đánh bật trở lại. một cô dân quân tên là Lê không may bị sa vào tay giặc, chúng bắt cô dẫn đường vào làng, cô không nghe. Trước mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn của giặc, cô chỉ một mực nguyền rủa quân cướp nước và bán nước. Cuối cùng cô đã anh dũng hy sinh trước mũi súng của giặc. Cái chết của cô dân quân ấy càng cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào và lực lượng vũ trang Cự Nẫm. Bà con hăng hái củng cố lại trận địa, rào làng, bổ sung thêm đội ngũ chiến đấu, sắm thêm vũ khí, tăng cường tập luyện.

Sau đó, nhiều lần giặc Pháp tấn công lên Cự Nẫm đều phải ôm hận trở về.

Bên cạnh Cự Nẫm là Cảnh Dương cũng nổi tiếng một thời.

Làng Cảnh Dương, ven biển, nằm trên đường số 1, giáp ranh giữa vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh và vùng bị chiếm Bình Trị Thiên. Đồng bào ở đây làm nghề đánh cá. Cuộc sống tương đối sung túc. Trong làng có nhiều nhà gạch lợp ngói chắc chắn. Nhà nọ tiếp nhà kia trông như một khu phố nhỏ. Chính nhờ biết dựa vào những nhà gạch san sát đó và một hậu phương tự do phía bắc, đội du kích Cảnh Dương đã đánh bật được nhiều đợt tấn công ồ ạt của giặc Pháp. Sau mỗi trận thắng lợi, anh chị em lại rút kinh nghiệm, củng cố trận địa hoàn chỉnh hơn, với những công sự vững chắc, có hệ thống hào giao thông bảo đảm cho lực lượng chiến đấu cơ động được nhanh chóng và an toàn.

Chính nhờ tinh thần chiến đấu anh dũng và biết lợi dụng địa hình địa vật, với vũ khí sẵn có và biết cách tổ chức chặt chẽ, nhân dân Cảnh Dương đã từng đẩy lui những cuộc tấn công hai ba tiểu đoàn của địch, giữ vững quyền làm chủ trên mảnh đất quê hương trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.

Có nhiều làng cũng đã xây dựng được như Cảnh Dương, Cự Nẫm, nhưng chỉ có thể đứng một thời gian rồi bị địch phá. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Bình Trị Thiên, nhiều làng chiến đấu phải lập đi lập lại nhiều lần. Sở dĩ Cảnh Dương, Cự Nẫm nỏi tiếng và kiên trì chiến đấu lâu dài được là vì nó xuất hiện sớm và có các điều kiện để bảo đảm thắng lợi như địa hình thích hợp, xa căn cứ địch, nối liền với vùng tự do… Vì vậy, lập làng chiến đấu là phải căn cứ vào tình hình cụ thể, điều kiện cụ thể của mỗi làng. Số lượng và chất lượng dân quân du kích và nhân dân trong làng là yếu tố chủ yếu. Nhưng điều kiện địa hình và khả năng đánh phá của địch cũng rất quan trọng. Đó là một bài học thực tiễn đã rút ra từ quá trình lập làng chiến đấu ở Bình Trị Thiên, nhiều nơi đã nghiên cứu và áp dụng.

Ngoài ra, các vùng sau lưng địch, nếu không lập được làng chiến địch, nhiều nơi có các hình thức đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp để chống địch càn quét, khủng bố cướp bóc. Những làng này cũng có chi bộ Đảng, có chính quyền, có lực lượng vũ trang và các đoàn thể quần chúng. Đồng thời có cả hội tề hai mặt, do người của ta đưa ra làm. Nếu là người của địch thì ta thuyết phục họ, buộc họ phải nhận những điều kiện của ta để bảo đảm đấu tranh thắng lợi là sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ nhân dân, không bị địch chia rẽ, không để một phần tử xấu nào lọt vào, phá hoại, chỉ điểm cho giặc.

Trong lúc chưa đủ điều kiện tiêu diệt địch, nhiều nơi đã lợi dụng hội tề hai mặt để hạn chế đến mức tối đa âm mưu của địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Nhưng việc lợi dụng hội tề và hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp chỉ là tạm thời để tạo điều kiện đi đến xóa bỏ hội tề, xây dựng lực lượng kháng chiến lớn mạnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:27:01 pm »

Từ khi thực hiện chủ trương đưa các đại đội độc lập về đồng bằng, nông thôn ba tỉnh Bình Trị Thiên thay đổi trông thấy. Nhiều đồn địch bắt buộc phải rút, như Chợ Cạn, Thủy Căn, Hồ Xá. Ở Thừa Thiên, địch phải rút 16 đồn, Quảng Trị 8 đồn, ở Quảng Bình 6 đồn. Có nhiều đồn tổ chức binh biến ra hàng như Cổ Hiền, Đập Huyện. Cũng có nhiều đồn lẻ tẻ bị ta triệt hạ. Có rất nhiều đồn bốt khác, địch không dám ra khỏi đồn. Nhiều làng chiến đấu đủ các kiểu mọc lên, tạo lên những căn cứ khá rộng nằm sâu trong lòng địch. Nhiều làng hội tề bị giải tán, chính quyền thành lập, dân quân du kích trưởng thành. Nhiều xã thành lập được trung đội dân quân và có nhiều huyện đã tổ chức được các đại đội bộ đội địa phương, tích cực hoạt động gây cho địch nhiều khó khăn.

Địch vẫn ra sức khủng bố. Chúng tổ chức những cuộc hành binh lớn đánh phá vào các làng mạc của ta. Nhưng đồng bào ta bây giờ không còn như trước nữa. Các đồn địch đều có dân quân canh gác. Giặc tập trung quân ở đâu, đồng bào ta đều biết trước, cất giấu của cải, chuẩn bị đi đánh giặc. Dân quân chuẩn bị hầm chông, bom mìn để chặn giặc. Giặc đi hướng đông, bà con ta tránh về hướng tây. Giặc đi hướng nam bà con tránh hướng bắc. Giặc đi nhiều mặt, bà con ta cũng luồn lõi được những chỗ hở đã đi qua, vì đã có dân quân chặn giặc, mở đường. Tất nhiên, cũng có lúc, bà con ta bị thiệt hại, nhưng chẳng bao nhiêu. Giặc vào làng đốt phá đi rồi, bà con ta về làm lại. Có nơi giặc đốt phá nhiều quá, bà con không làm nhà chắc chắn nữa, chỉ che tranh tre ở tạm. Khi nghe tin giặc sắp càn, bà con rút tranh, rút cột ném mỗi cái một nơi vào ao hồ, ruộng nước. Khi giặc rút, bà con ta nhặt về dựng lên miễn sao có chỗ ở, chỗ ăn, và giúp đỡ dân quân, bộ đội.

Một lần, chúng tôi hành quân qua làng Sen Bàng, trời sắp sáng, tôi bảo mấy đồng chí cùng đi:

- Vào đâu đây nghỉ, nấu ăn đã.

Một đồng chí nói:

- Vùng này công giáo toàn tòng, lại gần đồn địch, gần nhà thờ, sợ không được an toàn.

- Cứ vào liên hệ xem. Không ở được thì ăn xong ta đi ngay. Chúng tôi vào gỗ cửa một đồng bào nghèo, mái tranh, vách đất, xin thổi cơm. Chủ nhà đồng ý ngay. Anh em mượn nồi nấu luôn. Bác chủ nhà cầm nắm lạt, vừa đi ra, vừa nói:

- Mấy chú cứ nấu ăn, tôi ra ngõ gác, có chi báo mấy chủ biết.

Tôi nhìn vào trong nhà thấy có bức ảnh Đức mẹ trong khung gỗ treo ở giữa nhà cũng như ở các gia đình công giáo khác. Một hồi chuông nhà thờ buổi sáng ngân nga rất gần. Tôi nhìn ra ngõ thấy bác chủ nhà tay vừa buộc hàng rào, nhưng mắt luôn nhìn về phía đồn địch. Chứng ba mươi phút sau, bác hốt hoảng chạy vô, nói vội:

- Các chú chạy đi. Theo bờ tre cho kín. Tây trên đồn về. Chắc có lý trưởng đi báo.

Cơm mới cạn, chúng tôi đổ cả vào khăn mặt mang đi. Ra khỏi nhà chừng mười phút thì địch vào làng. Chúng tôi lên một quả đồi cây thấp nhìn xuống, thấy ngọn lửa bốc cao và nghe tiếng súng nổ. Một lúc sau, tôi cho hai chiến sĩ trở lại xem thì thấy ngôi nhà mình vừa nấu cơm đã bị giặc đốt. Bác chủ nhà đang thu dọn đồ đạc trên nền tro nóng bỏng. Thấy hai anh bộ đội lúc nãy trở lại, nét mặt lo lắng, bác hỏi ngay:

- Mấy chú có ai bị chi không?

- Không. Anh em chỉ áy náy vì thổi niêu cơm mà để bác phải thiệt hại.

Bác chủ nhà thản nhiên nói:

- Can chi chú. Tây đốt nhà ở đây như cơm bữa. Nhà tui làm đi làm lại có đến năm sáu lần rồi. Chỉ mong các chú đánh thắng mau mau là mừng thôi!

Lòng dân là như vây. Không kể người lương hay công giáo, phật giáo đều mong chúng ta đánh thắng giặc giành lại độc lập, tự do.

Tôi nhớ lại trong cuộc họp đại biểu phật giáo yêu nước ở Đình Môn có một vị hòa thượng đã kêu gọi các phật tử tham gia kháng chiến. Vị hòa thượng ấy kể một câu chuyện cổ tích trong phật giáo. Có một nhà sư đã giành đao của bọn cướp để giết chết bọn cướp. Sau khi câu chuyện ấy xảy ra, đức Phật có nói: “Dĩ sát, diệt sát” là điều chân chính nên làm. “Hiện nay, giặc Pháp đang dùng cách bắn giết để cướp nước ta. Giết chúng nó hoặc giúp bộ đội, đồng bào giết chúng nó để giành độc lập, tự do cho tổ quốc, hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân là điều cần thiết đối với tất cả phật tử chúng ta…”.

Qua thực tế, chúng tôi thấy chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh đưa các đại đội độc lập về đồng bằng rất thích hợp và tạo cho quân dân Bình Trị Thiên trong cơn báo táp vẫn tiến lên giành những thắng lợi lớn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:27:37 pm »

Cùng với việc tổ chức cho các đại đội độc lập về đồng bằng, ta cũng chuẩn bị cho các tiểu đoàn tập trung đánh một vài trận lớn để hỗ trợ các đại đội độc lập làm nhiệm vụ.

Hồi ấy, đoạn đường sắt Đà Nẵng - Huế địch đã chữa xong. Hằng ngày, có những đoàn tàu quân sự của địch chuyên chở lính, vũ khí, đạn dược, lương thực và tiếp tế cho mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào. Những thứ hàng hóa đó từ bên nước Pháp chở sang và chỉ đổ lên được bến cảng Đà Nẵng vì cả miền Trung Việt Nam chỉ có bến cảng ấy, các tầu lớn có thể ra vào được.

Chúng tôi quyết định đánh một chuyến tàu. Chúng tôi nghiên cứu thấy nên đánh ở Hói Mít nằm giữa Lăng Cô và Thừa Lưu là tốt nhất, vì ở đó giấu quân trong các đồi núi dễ và bọn địch ít chú ý. Chúng đề phòng trên đèo Hải Vân nhiều hơn.

Chúng tôi giao cho đồng chí Lê Đình Lý nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường. Trong việc này, chủ yếu là chuẩn bị gạo cho bộ đội ăn đủ mười ngày. Chỉ thế cũng đủ vất vả lắm rồi, vì phải xuống dưới đường số 1 vận động dân giúp đỡ. Đồng bào nghe nói quyên gạo cho bộ đội thì sẵn sàng ủng hộ. Anh chị em thanh niên, cứ tối đến, gùi gạo bí mật vượt qua đường số 1 và đường sắt đưa lên núi cất giấu. Một hôm ta xóa dấu chân trên đường không sạch, bọn địch biết, bố trí phục kích. Một số anh chị em bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nhưng đồng bào không hề nao núng, đêm đêm vẫn gùi gạo theo con đường khác lên núi. Có một cô gái nghe tin chị mình bị bắn chết trên đường số 1, lăn ra kêu khóc thảm thiết. Nhưng liền tối hôm sau, cô ta xin thay chị gùi gạo lên núi. Nghe chuyện này, anh em ai cũng xúc động.

Gạo muối đã đủ rồi, bộ đội mới rời Đình Môn, hành quân lên vùng núi Lăng Cô. Ban ngày, một số đồng chí được phân công theo dõi để nắm lại quy luật vận chuyển các đoàn tàu quân sự. Ban đêm cả trung đoàn trưởng và cán bộ tiểu đoàn xuống đi dọc đường sắt nghiên cứu bố trí trận địa.

Trận này do anh Trần Sâm, trung đoàn trưởng trung đoàn 101 trực tiếp chỉ huy. Lực lượng gồm có tiểu đoàn 319 và trung đội liên pháo. Vũ khí có súng trường, lựu đạn, 2 đại liên, 7 trung liên, một ba-dô-ca, hai quả bom 50 ki-lô-gam.

Một giờ rưỡi chiều ngày 12-1-1949, chiếc Đơ-rê-din như một chiếc toa nhỏ chạy trên đường sắt, chở một tiểu đội dò đường từ từ lăn tới. Đứng trên xe, chúng nó còn la đùa nhau “mìn Việt Minh” rồi cười ha hả.

Lát sau, đoàn tàu quân sự khoảng 10 toa, xình xịch chạy đến. Hai quả bom nổ tung. Đoàn tàu trật bánh phải dừng lại. Bộ đội ta nhảy lên đánh chiếm các toa. Bị đánh bất ngờ, chỉ một số ít địch kháng cự loạt choạc ta diệt ngay, còn tất cả bị bắt sống. Ta nhanh chóng thu vũ khí trên tàu và bắt bọn tù binh cùng khiêng vào núi.

Hơn một giờ sau, có hai trung đội bảo an ở đồn Lăng Cô và Thừa Lưu đến ứng cứu, bị đại đội chặn viện của ta đánh quyết liệt. Chúng phải rút về.

Hôm sau địch cấm dân ở dưới đường số 1 không được lên núi trong 7 ngày để chúng mở càn lùng bộ đội Việt Minh. Nhưng ta đã rút về căn cứ từ đêm trước.

Đó là trận đánh giao thông lớn nhất từ trước đến nay. Nhân dân nghe tin rất vui mừng càng thêm tin tưởng kháng chiến. Địch thì càng khiếp sợ. Tên giám đốc hòa xa Đông Dương đã phải kêu: “nếu quân sự tỏ ra bất lực trong việc bảo vệ đoạn đường này thì buộc lòng ta phải bỏ”.



Sau trận này, ta đánh luôn trận thị xã Đông Hà, tuy không thắng hoàn toàn, nhưng tiếng vang rất lớn.

Đông Hà là một thị trấn có tính chiến lược rất quan trọng của địch, không những ở ba tình Bình Trị Thiên mà ở cả miền Trung Đông Dương. Nó nằm giữa ngã ba hai con đường quốc lộ. Quốc lộ số 1 nối liền Bắc Nam và quốc lộ số 9 qua Lào. Tất cả mọi thứ giặc tiếp tế cho Trung Lào đều phải đi trên con đường này.

Do vị trí chiến lược quan trọng đó, giặc đóng ở đây trên 400 tên vừa Pháp vừa bảo an, 130 xe cơ giới. Công sự phòng ngự hết sức kiên cố.

Lực lượng ta đánh trận này có hai phân đội của trung đoàn 95 và một số anh em hàng binh người Âu, dưới sự chỉ huy trực tiếp của anh Hà Văn Lâu, phân khu trưởng và anh Lê Nam Thắng trung đoàn trưởng trung đoàn 95.

Ngay giữa ban gày, lúc ba giờ chiều, mấy người bạn Âu châu chúng ta cải trang thành lính Pháp, đàng hoàng đi vào Đông Hà và bất thần nổ súng, giết ngay 30 tên địch, phá hủy một số xe. Nghe súng nổ, các phân đội của trung đoàn 95 cũng giả lính ngụy, nhanh chóng tấn công phối hợp. Nhưng các mũi bộ đội ta xung phong đều bị hỏa lực của địch bắn chặn không thể tiến được. Trung đoàn đành phải nghe lệnh cho rút ra. Anh em đã chấp hành lệnh “quá” tích cực, nghĩa là không những rút ra hết an toàn, mà còn lái theo ra cả một chiếc xe AM khá tốt. Sau đó chiếc xe ấy cũng bị pháo của địch bắn phá hủy.

Trận này làm cho các thị xã, các thị trấn và cả thành phố Huế hết sức xôn xao. Người ta bàn tán:

- Đến như Đông Hà là một nơi địch trang bị đến tận răng, một con chim bay không lọt, thế mà Việt Minh ra vào như đi chơi, thử hỏi các nơi khác sẽ ra sao?

Sau đó, nghe nói, tướng Lơ-bơ-rít chỉ huy quân đội Pháp ở miền Trung Đông Dương ra Đông Hà nghiên cứu lại tình hình và đặt kế hoạch bố phòng vị trí chiến lược này.

Kế đó, ta đánh Ưu Điềm - Mỹ Chánh, một trận phối hợp giữa ba lực lượng: tiểu đoàn tập trung, đại đội độc lập và dân quân du kích.

Dân quân du kích và đại đội độc lập bao vây đồn Ưu Điềm khá lâu. Lính ở trong đồn hết lương ăn. Tên đồn trưởng đi Huế lĩnh lương về không vào đồn được, phải nằm ở Mỹ Chánh một tuần. Ta nắm được tình hình đó, liền điều động một bộ phận của trung đoàn 95 và một bộ phận của trung đoàn 101, do đồng chí Lê Bá Vân, trung đoàn phó trung đoàn 95 chỉ huy, áp sát đồn Ưu diềm chờ quân giải tỏa đến để tiêu diệt. Quả thật, bọn Pháp phải đưa quân ứng chiến đến giải vây. Lực lượng địch có ba đại đội, đem theo cả xe bọc thép lội nước (amphibie) từ Huế ra. Ta đã quen thuộc địa hình nên hoàn toàn chủ động. Các chiến sĩ ta đã dũng cảm dùng lựu đạn phá hủy mấy xe bọc thép rồi nhảy lên xe quay súng 12 ly 7 của địch bắn vào đội hình địch. Một đại đội của địch bị tiêu diệt, hai đại đội khác bị đánh tan, một số bị bắt sống, trong đó có thiếu tá Đờ-quăng-tê, chỉ huy phân khu Bình Trị Thiên.

Trong một lần lấy cung, khi ta hỏi cảm tưởng của y về trận đánh, tên thiếu tá Đờ-quăng-tê trả lời:

- Chúng tôi thua các ông không phải vì vũ khí hay vì tài năng chỉ huy của các ông mà vì sự dũng cảm của binh sĩ các ông. Chúng tôi nghĩ rằng, với sự dũng cảm đó, có lẽ, các ông sẽ thắng trong cuộc chiến tranh này.

Đồng chí cán bộ của ta, trước đây đã đỗ tú tài nói bằng tiếng Pháp với hắn:

- Ông không nên dùng chữ “có lẽ” mà ông nên dùng chữ “lẽ tất nhiên” thì đúng nơn!

Đồng chí cán bộ đã nói đúng.

Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhờ chủ trương chỉ đạo chiến tranh đúng đắn của Bộ Tổng tư lệnh và sự chỉ đạo sát sao, dũng cảm, thông minh, sáng tạo của các cấp ủy Đảng trong ba tỉnh, quân dân Bình Trị Thiên đã vượt qua muôn vàn khó khăn để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, vững vàng tiến lên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:28:42 pm »

XIV. ĐẠI BÀNG VỖ CÁNH

Có một nhà văn nào đấy đã ví vùng đất Bình Trị Thiên như một con chim đại bàng vỗ cánh bay ra Thái Bình Dương. Hai cánh chim là hai ngọn đèo: đèo Ngang và đèo Hải Vân. Mỏ chim là mũi Lài, ở gần Vĩnh Linh. Đuôi chim là vùng núi đèo Bảo. Tôi chưa hề có ý nghĩ quan sát xem câu ví ấy có đúng hay không. Nhưng từ đầu năm 1949, quân dân Bình Trị Thiên chúng tôi cũng giống như con chim đại bàng vỗ cánh sắp bay cao và bay xa.

Sau hơn ba năm chiến tranh, quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Đông Dương bị tổn thất nặng nề. Chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch hoàn toàn phá sản. Phong trào kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong cả nước đang ngày càng lên cao. Chiến tranh du kích phát triển mạnh khắp nơi, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung Việt Nam.

Một số tướng tá Pháp phải kêu lên: “Thời gian gấp rút, phải hành động mau mới cứu vãn được tình thế”.

Cao ủy Bô-la-éc bị triệu hồi về nước. Tướng Đơ-lát Đơ-tát-xi-nhi được cử sang thay. Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương là tướng Bơ-lê-đô cũng bị rút về. Tướng Các-pang-chi-ê, một viên tướng có tên tuổi trong cuộc giải phóng nước Pháp sang thay thế. Cùng đi theo, có cả tướng bốn sao Rơ-ve, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, sang Việt Nam xem xét tình hình và đặt kế hoạch mới.

Rơ-ve họp tướng tá quân đội viễn chinh ở Sài Gòn và đưa ra ba điểm lớn cả về chính trị lẫn quân sự:

- Tăng cường cho chiến trường Việt Nam 2 vạn quân và ưu tiên số 1 cho chiến trường Bắc bộ. Vì quân Pháp coi Bắc bộ là chiến trường chính, chiến trường quyết định.

- Phát triển quân ngụy, sử dụng vào việc chiếm đóng để tập trung. Âu Phi là lực lượng cơ động.

- Sử dụng lá bài độc lập giả hiệu của Bảo Đại vừa được dựng lên để che đậy bộ mặt thực dân phản động của chúng và lôi kéo, tập hợp lực lượng Việt gian phản động.

Trong lúc đó, Trung ương Đảng ta cũng họp Hội nghị của cán bộ Trung ương lần thứ 6.

Hội nghị nhận định: Tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi có lợi cho ta và chủ trương “Động viên mọi lực lượng tinh thần và vật chất của toàn dân vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, giành kỳ được độc lập và dân chủ thực sự”.

Hội nghị đề ra khẩu hiệu gọn trong mấy chữ “tất cả để chiến thắng”. Về quân sự, Hội nghị ra Nghị quyết nhấn mạnh việc xây dựng bộ đội chủ lực, coi đó là trọng tâm công tác trong lúc này và nêu rõ: Tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc cho các đơn vị đánh vận động. Biên chế, huấn luyện, trang bị đều phải nhằm mục đích thực hiện vận động chiến mà tiến hành.

Cuối năm 1949, trên chiến trường Bắc bộ thành lập các đại đoàn chủ lực 308, 304.



Khi nghe tin các đơn vị bạn ở miền Bắc được xây dựng thành đại đoàn, chúng tôi nghĩ bụng, thế nào các đơn vị ở Bình Trị Thiên cũng được xây dựng thành đại đoàn như các đơn vị bạn. Nhưng khoảng tháng 9 năm 1949, chúng tôi nhận được quyết định của Bộ Tổng tư lệnh thành lập “Mặt trận Bình Trị Thiên”.

Trong quyết định, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho chúng tôi: “Đẩy mạnh tác chiến tập trung ở các hướng chiến lược đường 9, miền Trung Đông Dương. Dùng chủ lực tác chiến để phối hợp với chiến trường Bắc bộ và khi có điều kiện sẽ tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tiến tới giải phóng Bình Trị Thiên đồng thời với Bắc Bộ”.

Trong quyết định, Bộ Tổng tư lệnh còn nêu rõ:

“Việc tiến tới thành lập đại đoàn cần thận trong, căn cứ vào điều kiện cấp cưỡng, sự trưởng thành của bộ đội địa phương, những khó khăn sau này của địch…”.

Và nhấn mạnh thêm:

“Phải tích cực xây dựng mọi mặt theo phương hướng của một đại đoàn chủ lực, khi có điều kiện, Bộ sẽ tăng cường thêm trang bị để có thể tập trung nhanh chóng thành sư đoàn 325”.

Như vậy, chúng tôi đã thấy rõ phương hướng trước sau cũng sẽ thành sư đoàn.

Tiếp theo các chỉ thị đó, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận Bình Trị Thiên do đồng chí Hà Văn Lâu làm tư lệnh trưởng và tôi làm chính ủy.

Bộ chỉ huy mặt trận được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM