Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:01:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 74972 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:29:44 am »

Được một lúc, y sĩ Ái Phương đến tìm tôi. Anh dẫn tôi đến phòng mổ, nơi anh đang làm việc. Trong lúc chờ đợi các y tá, nhân viên chuẩn bị cho ca mổ, anh tranh thủ đi tìm tôi nói chuyện một lát, vì anh biết tôi rất bận và anh cũng thế.

Phòng mổ sáng sủa hơn các chỗ khác, bên trên có căng một tấm màn trắng. Trên chiếc bàn gỗ, một bệnh nhân đang nằm. Trong phòng, mấy cô y tá đi đi lại lại.

Các cô đều rất trẻ, dáng nhẹ nhàng, uyển chuyển như các cô gái thành phố.

Y sĩ Ái Phương nói với tôi:

- Các cô này dân Huế chính tông. Trước đây là nữ xinh các trường Đồng Khánh, Gian-đa, khi cách mạng thành công xin đi học lớp y tá do tỉnh mở. Mặt trận vỡ các cô lên đây.

Anh nhìn các cô với đôi mắt trìu mến.

- Toàn là con nhà khá giả cả đấy! Trước ở nhà thì ăn sung, mặc sướng, thế mà bây giờ lên đây cũng ăn rau, ăn sắn như ai.

Anh cười, tôi cười theo. Tôi cũng biết, trước đây con gái phải là con nhà giàu có mới đi học được. Con nhà nghèo thì đừng có mong…

Một cô y tá đưa đến trước mặt y sĩ Ái Phương một bồ đồ sáng loáng. Ái Phương cầm lấy một cái kéo còn mới toanh đưa cho tôi xem.

- Anh xem có thích không?

- Anh mua ở đâu mà quý thế!

- Mua đâu, lấy của địch đấy!

Anh kể, vì thiếu dụng cụ quá mới báo cáo với anh Thanh. Anh Thanh liên hệ với Thành ủy Huế, Thành ủy giao cho các đồng chí làm công tác mật trong thành phố tìm cách mua cho được. Các đồng chí này đến tìm một đồng chí nữ y tá của ta gài lại trong bệnh viện tìm cách lấy của chúng, chứ ở ngoài thì mua đâu ra. Người có cũng không dám bán, vì bọn địch đã ra lệnh: những thứ đó không được bán, vì Việt Minh không có thế nào họ cũng mua.

Các đồng chí làm công tác bí mật và chị y tá ấy bàn mưu tính kế. Một buổi tối, chị y tá ấy trực, anh em ta mới tìm cách đột nhập vào bệnh viên, trói chị lại và lấy bộ đồ mổ mới toanh đưa lên chiến khu…

Nghe chuyện tôi rất thích…

Tôi đã biết từ lâu trong thành phố Huế, chúng ta tổ chức một đội quân ngầm. Đội quân lấy tên là đại đội 123. Họ xuất quỷ nhập thần như thể chuyện trinh thám vậy. Những việc như, bệnh viện cần bộ đồ mổ, họ lấy cho bộ đồ mổ; nhà máy in cần máy, cần chữ, họ lấy cho máy, cho chữ. Hoặc giết những tên mật thám, những tên tay sai phản động trong thành phố Huế đều do họ làm hết. Tôi cũng biết thêm họ còn tổ chức một hội rất bí mật, Hội “Công chức cứu quốc”. Hội viên có những người làm công chức hành chính lẫn quân sự vì hoàn cảnh nào đó đang còn làm cho giặc, nhưng bụng cạ thì theo ta. Chính một số người trong hội này đã cung cấp cho ta những tin tức của địch khá chính xác.

Từ giã bệnh viện ra về, tôi vừa đi vừa nghĩ đến đội quân ấy, nghĩ đến bộ đồ mổ, đến các bệnh nhân cùng anh chị em phục vụ quân y.

Về đến nhà, tôi được biết anh Lâu đã lên đường đi nghiên cứu một lần nữa đồn Cầu Nhì, nơi ta sắp đánh.

Đồn Cầu Nhì, nằm bên đường quốc lộ số 1, cách thành phố Huế ba mươi ki-lô-mét về hướng tây bắc. Chúng xây dựng đồn này ngay từ hồi đầu mới xâm chiếm, cốt để bảo vệ một đoạn đường quốc lộ và ngăn chặn con đường của ta từ đồng bằng lên chiến khu.

Đồn nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, xung quanh có cây cối lúp xúp, chúng đã phát đi để nhìn bốn phía cho rõ. Nhà ở xây gạch, lợp tôn rải ba phía. Ở giữa một cái sân có dựng cột cờ treo lá cờ ba sắc, gió mưa đã phai màu, xơ xác. Quanh đồn chúng rào khá kỹ. Phía trong là một dãy hào giao thông, đến một lớp rào dây thép gai hình mắt cáo, một lớp dây thép gai bùng nhùng, một lớp rào bằng cọc tre với cột sắt bên ngoài, lại một đường giao thông rộng và sâu bao bọc. Rào như vậy, một con chuột cũng khó qua lọt.

Trong đồn có khoảng ba bốn chục lính ngụy và ba thằng Tây. Bọn này trước đây hay đi lùng sục các làng xung quanh để bắt gà, bắt heo về ăn. Có khi chúng bắt cả phụ nữ về đồn, ít lâu rồi lại thả ra. Nhưng mấy tháng gần đây, do ta đánh các đồn Đất Đỏ, Truồi, Đèo Đá… chúng sợ, ít đi ra ngoài. Thỉnh thoảng, có quân ở ngoài đến, chúng mới dám đi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:30:05 am »

Một buổi chiều, khoảng hai giờ, có một toán quân đến. Toán quân không nhiều, độ 15, 20 người, đi đầu là một tên Pháp cao lêu đêu, mang quần hàm thiếu úy. Tất cả đều mang súng ống đầy đủ: tiểu liên, tôm-xông, súng trường gắn lưỡi lê, lựu đạn… Chúng đi có vẻ mệt mỏi. Đứa thì phì phèo thuốc lá. Đứa nhồm nhoàm nhai bánh kẹo. Đứa thì tay xách mấy con gà kêu oang oác. Đứa thì vác trên vai một buồng chuối nhựa còn chảy chưa khô… Rõ ràng, chúng vừa vào cướp bóc một xóm nào đó rồi mới tới đây.

Tới trước cửa đồn, tên thiếu úy hô lính đứng lại. Toán lính liền dừng lại. Tên thiếu úy đi tới cổng, nói với tên lính gác, bằng tiếng Việt lơ lớ, chưa sõi:

- Ông đồn có nhà không? Tôi muốn gặp. Đi tuần qua, mệt lắm, muốn vô nghỉ 10 phút, được chứ!

Chẳng đợi tên lính gác trả lời, “hắn” đẩy cổng, vô luôn. Cả toán lính vô theo. Và nhanh như chớp, họ chia làm mấy mũi lao đến các nhà ở, các phòng làm việc, nổ súng bắn ngay vào bọn lính có mặt trong đồn. Sự việc xảy ra quá nhanh. Những tên còn sống vội vàng quỳ xuống lạy như tế sao. Một tổ đi sục sạo xung quanh, còn bao nhiêu vào trong các nhà, các kho lấy tất cả súng đạn, và bắt bọn còn sống mang đi. Một người chạy tới cột, hạ lá cờ tam tài xuống xé tan từng mảnh. Tiếc quá ta không mang cờ của ta đi.

Khoảng nửa giờ sau, trong đồn im lặng như tờ. Và trên đường lên chiến khu, một toán người đi, vai nặng ành ạch, cười reo ầm ĩ…

Toán quân đó là ai? Đó là những chiến sĩ của tiểu đoàn 16, do tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng chỉ huy. Viên thiếu úy đó là ai? Là Kê-men, một hàng binh theo ta trong trận Đất Đỏ.

Kê-men là người Đức. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, theo luật quân sự bắt buộc, kê-men vào quân đội Hít-le và vượt phòng tuyến Ma-gi-nô vào đánh Pháp. Pháp đầu hàng, kê-men ở trong đội quân chiếm đóng. Bị quân du kích Pháp chặn đánh nhiều lần, nhưng Kê-men không chết, cũng không bị thương. Gần cuối cuộc chiến tranh, Hồng quân Liên Xô đại thắng, vượt nghìn vạn ki-lô-mét tiến sang Đức. Quê của Kê-men ở một miền Đông Đức được quân Liên Xô chiếm đóng. Giữa lúc đó thì Anh, Mỹ nhảy vào vòng chiến. Quân Pháp do Dờ Gôn chỉ huy, từ hải ngoại về giải phóng quê hương. Kê-men cũng như bọn lính Đức khác bị Pháp bắt làm tù binh. Chiến tranh kết thúc, bọn Pháp muốn xâm chiếm Đông Dương, thành lập đội quân viễn chinh, chúng bắt tù binh, cho vào đội lính lê dương của chúng. Chúng lừa lọc dọa nạt Kê-men, bảo rằng quê Kê-men hiện nay do quân đội Liên Xô chiếm đóng. Mà Liên Xô là cộng sản. Nếu Kê-men về là lính của Hít-le, cộng sản Liên Xô sẽ giết chết. Kê-men sợ và chỉ còn một con đường: vào đội lính lê dương sang Việt Nam. Nghe bọn Pháp nói, Kê-men cho rằng sang Việt Nam cũng chỉ đi làm một cuộc du ngoại ít lâu rồi về. Không ngờ chạm trán với Việt Minh gay go quá. Và Kê-men đã bị bắt xin hàng, hàng để khỏi chết tuy hy vọng đó hết sức mỏng manh. Kê-men đã từng nghe bọn chỉ huy Pháp nói Việt Minh rất tàn ác. Bắt được kẻ thù, nhất là binh lính Pháp sẽ chặt đầu, xẻo tai.

Nhưng, sau khi bị bắt, Kê-men thấy Việt Minh không có gì tàn ác cả. Không đánh đập, tra khảo vì hỏi gì Kê-men nói hết và nói đúng. Đó là việc của nước Pháp Kê-men chỉ là một lính đánh thuê, chớ có phải là việc của tổ quốc Kê-men đâu mà Kê-men phải giấu. Sau khi bị bắt, họ vẫn cho ăn uống tử tế. Họ ăn gì, Kê-men ăn nấy. Những củ khoai, củ sắn, Kê-men ít được ăn, nên ăn cũng thấy ngon. Vả lại người Âu châu có ăn gạo đâu, ăn khoai tây là chính. Đây cũng là khoai, khoai Việt Nam, củ nhỏ hơn nhưng ngọt. Chỉ thiếu thịt, thiếu cá. Sau hôm bị bắt, Kê-men được ăn một bữa thịt lên đến tận cổ. Hôm đó, đơn vị bẫy được một con lợn lòi, ăn không hết.

Từ đây, Kê-men bỗng nuôi một nguồn hy vọng. Nghe bọn chỉ huy hay bạn bè trước đây nói Việt Minh là cộng sản, Liên Xô cũng là cộng sản. Vậy thì Kê-men có thể trở về quê hương với mẹ già, em gái ở miền Đông Đức xa xôi. Nhiều lần trong lúc hỏi cung, Kê-men khai hết và hỏi lại: Việt Minh có phải là cộng sản không thì ông sĩ quan phụ trách hỏi cung chỉ cười không đáp. Cuối cùng, Kê-men nói thật nguyện vọng thiết tha của mình, ông sĩ quan mới gật đầu. Kê-men mừng rỡ và hứa với ông sĩ quan xin làm mọi việc nếu họ cần đến, miễn là sau này được trở về quê hương.

Và Kê-men đã đóng đúng vai kịch của mình trong trận chiến thắng chớp nhoáng này...

Nghe tin ta đã chiến thắng trở về, mang rất nhiều súng đạn, anh Lâu và tôi mừng hết chỗ nói.

Anh Lâu nói đùa:

- Chờ chúng nó lên đây, chúng ta sẽ trả lại cho chúng nó.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:30:36 am »

VIII. “AI LÊN TRÊN NÚI MÀ COI”

Địch chia làm ba mũi tấn công lên chiến khu: Ồ Ồ ra, Phò Trạch đến, Cầu Nhì lên, cùng hợp điểm ở Hòa Mỹ. Lực lượng của địch gồm tiểu đoàn bộ binh Âu Phi, hai tiểu đoàn bộ binh ngụy hai tiểu đoàn pháo, một tiểu đoàn thiết giáp 13 xe và 10 máy bay.

Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Phương án tác chiến đã dự kiến từ lâu.

Giặc tấn công lên chiến khu có thể đi nhiều đường nhưng chỉ vào một hướng đông nam và nam. Còn những hướng khác, tây - tây bắc, núi rừng trùng trùng điệp điệp, giặc không thể tổ chức những cuộc hành quân lớn được.

Hướng đông - đông nam, giặc có thể qua sông Ô Lâu, chỗ nước cạn, người đi bộ có thể lội qua được. Giặc có thể tới xóm Hòa Mỹ. Từ Hòa Mỹ vào CK4 và CK7, giặc phải đi qua một quãng rừng độ hai ki-lô-mét và trèo lên dãy núi cao 170 mét. Ở đây chỉ có một con đường độc đạo, hai bên thành núi có nơi dựng đứng. Ở đây, chỉ cần bố trí một đơn vị nhỏ, có thể ngăn chặn được một đoàn quân lớn.

Do địa hình như vậy, cho nên dự kiến nếu địch tấn công lên đây, ta chỉ để ba đại đội của hai tiểu đoàn 16, 17, 2 đại đội biệt động, còn bao nhiêu cho về đồng bằng hết, lợi dụng chỗ hở của địch để “kiếm ăn”. Chúng tôi cũng đã lệnh cho tiểu đoàn 18 nam Thừa Thiên nếu giặc tấn công lên chiến khu Hòa Mỹ thì tranh thủ diệt một vài đồn để mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

Công việc sơ tán được triển khai ngay. Chúng tôi cũng đã báo cho nhân dân ngoài xóm Hòa Mỹ và các vùng xung quanh biết để chuẩn bị nơi trú ẩn và cất giấu tài sản trong rừng sâu. Các cơ quan, bệnh viên, công binh xưởng cũng vậy, chúng tôi còn căn dặn phải tìm những nơi có hang hố để đề phòng phi pháo, vì địch có thể bắn vu vơ. Ăn uống cũng phải chuẩn bị dài ngày.

Đường dây liên lạc ta đã tổ chức từ lâu. Giặc muốn tấn công chiến khu, nhất thiết phải tập trung quân, một vài đồn không thể làm nổi. Các nơi địch có thể tập trung, dân quân phải thường xuyên canh gác. Ta lại tổ chức các trạm thông tin liên lạc từ các nơi đó lên chiến khu, lúc nào cũng có dân quân thường trực. Nếu địch tập trung quân nơi nào thì nơi đó phải báo ngay cho trạm liên lạc này chuyển trạm liên lạc khác, bất cứ ngày đêm phải báo ngay lên cho cấp trên.

Tất cả mọi việc ta đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ giặc đến.

Đêm 8-3-1948 lúc gần sáng, ta nhận được tin các nơi báo là địch đã tập trung quân khá nhiều ở các đồn dọc đường số 1 và hướng tây nam. Lập tức, chúng tôi ra lệnh báo động cho đồng bào và các cơ quan biết. Họ thắp đuốc đi sơ tán ngay lúc đó. Khoảng gần sáng, đi kiểm tra lại, xóm Hòa Mỹ không còn một bóng người. Đồ đạc cũng đã được thu dọn sạch sành sanh. Bà con đã chuẩn bị cả rồi.

Khoảng bảy, tám giờ, lúc tan hết sương mai, ba chiếc máy bay của địch lao đến, ầm ầm trút bom đạn xuống xóm Hòa Mỹ và xuống khu rừng, dãy núi ở phía ngoài. Hết tốp này đến tốp khác chúng thay phiên nhau bắn phá gần hai tiếng đồng hồ. Chiến sĩ của ta đã có công sự vững chắc không ai bị thương vọng. Ta bố trí hai đại đội trên hai con đường vào CK4 và CK7, ba đại đội còn lại làm lực lượng cơ động. Anh Hà Văn Lâu và tôi trực tiếp chỉ huy.

Hết máy bay đến pháo. Chúng bắn không biết bao nhiêu mà kể, vang rền như sấm động. Đứng trên cao nhìn xuống, chúng tôi thấy một đoàn máy bay đến thả dù ước chừng một đại đội lính, tiếp theo là một đoàn xe xích sắt tiến vào. Nhưng đến rìa rừng, chúng phải dừng lại. Làm thế nào mà băng qua được núi rừng mênh mông kia?

Sau đoàn xe xích sắt là những toán lê dương tiến có vẻ rất thận trọng. Trung liên, đại liên của chúng xả đạn vào trước mặt và hai bên rìa đường. Ta vẫn im lặng để cho chúng nó tiến… Khi chúng đến gần cửa ngõ vào rừng, chúng tôi liền hạ lệnh nổ súng một loạt. Bọn lính địch ở dưới đổ như sung rụng. Bọn đi sau hoảng hốt chạy lùi. Ta không dám bắn nhiều, sợ hết đạn, nên chỉ bắn tỉa từng phát một. Một số anh em bắn không chính xác. Anh Lâu nói với tôi:

- Chúng ta phải tổ chức huấn luyện thêm xạ kích cho anh em…

Địch lại tấn công. Chúng ta lại bắn. Địch lại lùi, lại cho phi pháo bắn phá. Anh em ta lại núp vào công sự… cứ thế, kéo dài suốt cả ngày.

Gần tối, địch rút về xóm Hòa Mỹ. Nhà cửa trong xóm đã bị bom đạn thiêu cháy. Chúng vừa căng lều vừa hối hả đào công sự.

Chúng tôi cho người bám địch, theo dõi. Chúng rải quân rất dài, bố trí khá vững chắc tận mé rừng. Muốn tập kích chúng cũng khó.

Tối hôm đó, anh Thanh ra gặp chúng tôi. Tôi và anh Lâu báo cáo lại tình hình chiến sự trong ngày để anh rõ.

Ngày hôm sau vẫn diễn ra cảnh giằng co như vậy. Giặc vào rừng bị ta chặn lại. Chúng lại rút lui, cho phi pháo bắn phá. Chiến sự kéo dài. Ngày ngày chúng tôi ở trên cao trông xuống thấy bọn lính đi đi, lại lại, uể oải, mệ nhọc như những con thú đói đi tìm mồi mà không có. Tối đến chúng lại rút về xóm Hòa Mỹ. Anh em trinh sát phát hiện ra là chúng dựng lều, đào công sự nhưng không ngủ ở đó mà chui rúc vào các bụi bờ, lùm cây, nằm im hơi lặng tiếng như con chuột sợ mèo vồ lúc nào không biết. Chúng tôi liền ra lệnh cho anh em nã cối vào chúng, nhưng đạn ít quá tiêu diệt chẳng được bao nhiêu. Đêm đêm, ta cho từng toán nhỏ đến quấy rối, tập kích, làm cho chúng mất ăn, mất ngủ.

Qua ngày thứ sáu, địch bỗng tung ra một lực lượng khá lớn tấn công ta. Vì thiếu đạn, anh em phải rút. Chúng định vào CK7. Nhưng đến lưng núi thì gặp bộ đội ta do đại đội trưởng Đăng chỉ huy phục kích ở đấy đánh cho một trận kịch liệt. Giặc chết nhiều, phải rút chạy ra ngoài…

Từ đó, cho đến mười ngày sau, giặc cứ quanh quẩn ngoài rìa rừng, bắn phá vu vơ. Ngày nào, máy bay cũng đến ném bom, nhưng bom chúng cũng có hạn và ném xuống một vùng rừng núi mênh mông không thấy mục tiêu cụ thể thì cũng không có kết quả gì. Ngay trong những ngày đó, giặc thường hay cho thuyền bè, ca nô theo các dòng sông lên tiếp tế bị dân quân các xã ven sông phục kích bắn phá. Anh em đánh hôi nhưng vớ bở. Có nhiều thuyền bè bị dân quân bắn chìm xuống sông. Tối đến, anh em ra mò lặn tìm chiến lợi phẩm, thu được nhiều súng đạn.

Đến ngày thứ 19 thì giặc rút.

19 ngày tấn công chiến khu, giặc đã thất bại. Nhân dân Thừa Thiên - Huế truyền nhau hai câu thơ mà đám trẻ con thường hát:

            Ai lên trên núi mà coi
            Đầu Tây lăn lốc, núi đồi đầy thây…


Giặc đi rồi. Bà con quay về dựng lại nhà ở. Xóm Hòa Mỹ lại tấp nập vui vẻ như trước đây. Chúng tôi kiểm điểm lại, có thiệt hại nhưng không đáng kể.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:31:26 am »

IX. LY RƯỢU TRÊN PHÁ TAM GIANG

Hai ngày sau khi Tây rút khỏi Hòa Mỹ, anh Lâu và tôi đang ngồi làm việc, đồng chí ở trạm liên lạc vào đưa chúng tôi một lá thư:

- Báo cáo các anh, có đồng chí ở tiểu đoàn 18 xin vào gặp.

Tôi cầm lá thư, mở ra đọc cho anh Lâu nghe:

“Xin các anh cho chúng tôi mượn một hàng binh người Âu. Cá đìa đầm Cầu Hai ngon lắm, mời các anh về xơi. Mọi việc, đồng chí Quốc cán bộ địch vận của chúng tôi xin báo cáo cụ thể để các anh rõ. Kính, Quách Sĩ Kha”.

Nghe xong, anh Lâu nói:

- Mượn một hàng binh người Âu? Chắc là muốn đóng lại vở kịch của chúng ta chứ gì! Không được đâu, giặc đâu có ngù ngờ như thế. Chúng nó cũng chỉ bị lừa một lần thôi…

Anh Lâu lấy bức thư trong tay tôi xem lại:

- Cá đìa ở đầm Cầu Hai ngon lắm! Đúng, cá đìa ở đầm Cầu Hai, cá đối đầm Chuồng, cá rô Thanh Toàn ngon có tiếng. Chắc các cậu ấy định xơi một cái đồn nào đấy ở đầm Cầu Hai chứ gì?

Anh quay lại nói với đồng chí liên lạc:

- Ra dẫn đồng chí ấy vào đây.

Một hồi lâu, anh cán bộ địch vận vào, đứng nghiêm chào. Anh Lâu chỉ vào cái ghế trước mặt. Anh cán bộ nồi xuống:

- Báo cáo các anh, vừa rồi chúng tôi đã bắt được nhân mối ở đồn Mỹ Lợi.

Anh Lâu nói:

- Mỹ Lợi ở phá Cầu Hai chứ gì? Khoai rất ngon, dừa cũng nhiều…

- Dạ, đúng. Từ ngày Tây đổ quân lên Phú Lộc, chúng nó có đóng ở đây một cái đồn có hai đại đội lính Âu Phi. Đồn khá kiên cố, đường vào đường ra đều phải vượt phá Cầu Hai mất bốn tiếng đồng hồ…

Anh Lâu nhìn tôi, nói như muốn giải thích cho tôi hiểu vì anh biết tôi rất xa lạ vùng này:

- Phá Cầu Hai nối liền với phá Tam Giang.

Nhân dân thường gọi chung là phá Thuận An, dài tới 70 ki-lô-mét, rộng hàng 3-4 ki-lô-mét có nơi 10 ki-lô-mét mỗi lần nước triều lên, nước biển tràn vào, sóng bạc đầu cứ nổi lên cuồn cuộn chả khác gì biển cả. Ở đây có nhiều sóng thần nên bà con rất sợ. Ngày xưa, cha ông ta có câu:

Thương em, anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…

Tôi liền hỏi:

- Đường vào, đường ra, phải vượt qua phá bốn tiếng đồng hồ kia à! Nếu gặp tàu bè của địch thì làm sao?

- Dạ, điều đó chúng tôi cũng đã nghiên cứu. Do đường đi như vậy, nên bọn địch rất chủ quan. Chúng cho rằng chúng ta không thể nào vào được nên bố phòng canh gác rất sơ sài.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:32:24 am »

Tôi nói:

- Chúng nó chủ quan, nhưng chúng ta không được chủ quan…

- Dạ, báo cáo các anh, chúng tôi không chủ quan, vì chúng tôi đã bắt được nhân mối.

Anh cán bộ địch vận kể:

- Ở đồn Mỹ Lợi có một anh tên là anh Ba Xó, rất có uy tín với lính trong đồn.

- Anh ta làm gì? - Anh Lâu hỏi.

- Dạ, anh ta làm cấp dưỡng.

- Làm cấp dưỡng sao lại có uy tín với lính trong đồn được?

- Dạ, anh ấy làm cấp dưỡng nhưng là con người chững chạc, lại có kỹ thuật nấu ăn khá, bọn chỉ huy rất thích, giao cho giữ chìa khóa hầm rượu. Vì thế, bọn lính rất nể. Họ thấy thân với Ba Xó chỉ có lợi. Thỉnh thoảng lại được tí nhậu nhẹt! Tôi đã gặp mấy lần với tư cách người nhà của Ba Xó đều thấy như thế.

- Anh làm thế nào mà bắt được liên lạc với Ba Xó?

- Dạ, gia đình anh Ba Xó ở ngay thôn chúng tôi đóng quân.

Chúng tôi thuyết phục được vợ Ba Xó nên khuyên nhủ chồng về, chúng tôi bảo đảm. Do đó, Ba Xó theo chúng ta. Ba Xó cũng cho biết là rủ được một số anh em cùng về. Ba Xó yêu cầu chúng ta đem quân đón đánh. Ba Xó cùng anh em trong đồn làm nội ứng…

Tôi hỏi lại:

- Nếu thế thì cần gì phải có hàng binh người Âu?

- Dạ hàng binh người Âu lại ở một nơi khác.

Anh cán bộ địch vận móc trong túi ra một bức thư đưa cho chúng tôi. Tôi đọc xong đưa cho anh Lâu. Bức thư đó là của các phụ lão công giáo làng Hà Thanh gửi cho trung đoàn 101, nhờ huyện ủy Phú Lộc chuyển. Trong thư các cụ tố cáo tội ác của cha Nhanh làm trung úy đồn trưởng và bọn lính trong đồn ức hiếp, cướp bóc giáo dân rất dã man, biến nhà thờ làm nơi ăn chơi uế tạp. Các cụ yêu cầu trung đoàn cho bộ đội về đánh để giải phóng cho dân.

Đợi chúng tôi đọc xong, anh cán bộ địch vận nói:

- Đồn này, chúng tôi không sao bắt được nhân mối. Cho nên, các anh muốn mượn một anh hàng binh người Âu về để lừa chúng nó

- Lừa bằng cách nào? - Anh Lâu hỏi lại.

- Dạ, bọn Pháp đã có lệnh cho thằng đồn trưởng Thanh Hà phải bắt một cán bộ du kích để giải về Huế. Hình như chúng đang định làm cái trò chiến tranh tâm lý gì đó. Bọn trong đồn đi lùng sục mấy lần rồi mà chưa bắt được. Bây giờ chúng tôi giả đóng bọn biệt kích, bắt trói một anh dân quân du kích đưa đến, bảo lấy xe đưa đi Huế…

Anh Lâu cười: - À, khổ nhục kế của Chu Du chứ gì, nhưng đừng quên rằng chúng nó cũng đa nghi như tào Tháo đấy!

Anh Lâu và tôi cùng thảo luận với nhau. Chúng tôi thấy rằng cả hai trường hợp đều phiêu lưu quá. Nhưng chúng tôi cũng không bác bỏ. Và quyết định về tận nơi xem sao.

Hôm sau, chúng tôi về tiểu đoàn 18 với anh cán bộ địch vận, cùng đi có cả Kê-men, lỡ khi cần dùng đến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:33:23 am »

Chúng tôi gặp anh Quách Sĩ Kha và ban chỉ huy tiểu đoàn. Anh Kha cho biết anh đã gặp Ba Xó vài lần và bảo đảm Ba Xó là một nhân mối hoàn toàn đáng tin cậy. Cả ban chỉ huy tiểu đoàn đều thống nhất như vậy. Tôi nói thêm:

- Tàu bè hay ca nô của địch có hay tuần tiễn trên phá không?

Các anh trả lời, rất ít vi chúng cho rằng chúng ta không thể vượt qua phá được. Ca nô của chúng chỉ đi tiếp tế cho các đồn ban ngày, ban đêm không đi.

Chúng tôi yên lòng để cho đơn vị xuất phát.

Tiểu đoàn đã chuẩn bị đâu vào đấy. Hai mươi lăm thuyền đánh cá của bà con ngư dân tập trung dưới bến Mũi Né để đưa bộ đội vượt phá. Tất cả có 300 người…

Đêm hôm đó, trăng mờ. Sương mờ phơn phớt phủ trên mặt phá mênh mông. Thuyền bè của ta cứ chồm lên, chồm xuống trên các sóng bạc đầu. Đêm càng mở, sóng bạc đầu càng thấy rõ. Sóng hết lớp này đến lớp kia, như muốn nuốt chửng đoàn thuyền dìm xuống tận đáy. Một số anh em không quen sông nước, nôn ọe luôn. Bà con chuyên nghề đánh cá khuyên chúng tôi bịt hai lỗ tai, mắt nhìn xuống lòng thuyền đừng nhìn ra ngoài, sẽ không việc gì. Riêng tôi, đã từng chịu sóng gió nên không việc gì. Ngồi trên thuyền vượt phá, tự nhiên, tôi nhớ đến trận Xích Bích, quân Ngô phá trăm vạn quân Tào trong “Tam quốc chí”. Sóng nước Xích Bích sao bằng sóng nước trên phá Tam Giang này. Tô Đông Pha đã làm bài phú Xích Bích, vậy ai sẽ làm phú phá Tam Giang.

Đoàn thuyền đi rất lâu, có thể đến bốn, năm tiếng đồng hồ. Xa xa đã có ánh đèn mờ mờ trong sương. Thuyền cập bến. Trên bờ đã nghe có tiếng thì thầm:

- Thuyền của bộ đội phải không?

Trên thuyền cũng có tiếng thì thầm:

- Phải! Sẵn sàng cả chưa?

Lúc chúng tôi đi, có một số cán bộ địa phương đi theo. Những người này nhảy lên bờ trước. Chỉ lát sau, những người trên bờ đã lặng lẽ đưa bộ đội về nhà, không một tiếng ồn ào, náo động. Cả thôn xóm đều vắng lặng như tờ. Nhà nào nhà nấy đều dọn cho chúng tôi ăn. Bữa ăn đặc biệt toàn xôi với cá. Cá sòng, cá nhám, cá thu, cá ngừ… Ăn xong lại uống nước dừa. Đúng như câu bà con thường nói: Dừa Mỹ Á, cá Tam Giang… Mỹ Á và Mỹ Lợi là láng giềng gần gũi.

Cả ngày hôm sau anh em vẫn ở nguyên trong nhà, không một ai bước ra sân, súng đạn luôn luôn sẵn sàng. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt, kể cả đại tiểu tiện đều được đồng bào thu xếp chu đáo ở ngay trong nhà. Nếu ở ngoài nhìn vào thì cái làng Mỹ Lợi này đêm qua chẳng có gì khác với mọi đêm trước, cũng như ngày hôm sau chẳng có gì đáng chú ý hơn những ngày qua.

Địch đóng ở làng Mỹ Lợi đã hơn một năm. Chúng thi hành chính sách mị dân tung tiền Đông Dương ra mua tất cả hải sản, nông sản với giá đắt, lại đưa về bán nhiều thứ vải vóc, đường sữa, dầu hỏa với giá rẻ. Hàng ngày, bọn tề hội, các tên mật vụ, chỉ điểm, đều đặn đến báo cáo tình hình trong ngày với đồn trưởng. Chúng tưởng như thế là đã nắm chắc lòng dân rồi, hay ít nhất cũng đã tạo được cho dân chúng quen với cuộc sống yên ổn trước mắt mà không dám có quan hệ với Việt Minh cộng sản để gây những sự lôi thôi rắc rối cho bản thân và gia đình. Ấy thế mà 300 vệ quốc quân đến ở ngay trong làng cả ngày cả đêm, cách đồn chỉ vài trăm mét cứ êm ru. Xung quanh đồn, anh chị em dân quân vẫn bí mật canh gác, theo dõi hành động của địch và từng giờ đến báo cáo tình hình với bộ đội ta. Thật đúng như câu thơ dân dã của một nhà thơ xứ Huế, lâu ngày cứ tưởng là ca dao:

            Dễ trăm lần không dân cũng chịu
            Khó vạn lần, dân liệu cũng xong.(*)

Trước khi xuất quân đánh đồn, anh Quách Sĩ Kha cũng đã gặp Ba Xó lần nữa ở nơi đã hẹn trước để kiểm tra lại kế hoạch cho chắc chắn, khỏi bị động nếu có tình huống bất trắc xảy ra. Lúc gặp có cả anh Hà Văn Lâu.

Mọi việc đều diễn ra như dự kiến. Mười một giờ đêm hôm ấy, anh Kha và một cán bộ đại đội đến thăm các vọng gác của địch lần cuối. Khi biết chắc là người của mình cả rồi, anh em mới trở về cho đơn vị xuất phát.

Lúc này, ở trong đồn, trừ số binh sĩ đã theo cách mạng đang hồi hộp chờ đợi, còn tất cả lính Pháp, lính khố đỏ đều ngủ say.


(*) Thơ Thanh Tịnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:33:51 am »

Cuộc chiến đấu rất đơn giản. Các mũi vào đồn, súng chĩa vào các nhà ngủ và đồng loạt bóp cò. Hầu hết bọn địch đều chết ngay tại chỗ. Những tên liều mạng nhảy bừa qua cửa sổ, vẫn không thoát được. Riêng khu nhà hai tầng bọn lính Pháp ở, có một số ít chạy trốn lên gác, bắn xuống mấy loạt. Ta dùng trung liên quạt lại. Chúng im luôn.

Tiếng súng chưa dứt hẳn, dân quân và đồng bào địa phương đã ùa vào giúp bộ đội thu dọn chiến trường. Rất nhiều súng đạn, máy thông tin và các thứ quân trang, quân dụng khuân vác không hết. Ba Xó không quên mang mấy thùng rượu quý gồm đủ các loại sâm banh, Rum, a-nít, Pi-péc-mang, mấy hòm thuốc lá Bát-tô, Cô-táp, Gôn-rinh, để sau này liên hoan mừng chiến thắng. Ba giờ sáng, bộ đội rút.

Quang cảnh đêm nay khác hẳn đêm trước. Hàng chục cây đuốc sáng rực cả bờ sông. Hình như cỏ cây hoa lá đều không ngủ. Tiếng gà gáy sáng sớm hơn mọi đêm. Các em bé lăng xăng bên các anh bộ đội. Đồng bào, bộ đội cứ râm ran cười nói không dứt. Bà con mang đến cho bộ đội nào gạo, nào nếp, nào cá khô, dừa, nhiều nhất là cá khô, để tiễn đưa anh em về nơi đóng quân. Ngoài số thuyền đêm trước đã sơ tán ngoài biển trở về, đơn vị còn mượn thêm hàng chục thuyền khác của đồng bào ở đây mới chuyên chở hết mọi thứ… Trước khi thuyền rời bến, anh Quách Sĩ Kha còn phổ biến cho đồng bào các đối phó với địch nên chúng trở lại.

Đoàn thuyền ra giữa phá thì trời sắp sáng. Vừng đông đã ửng hồng. Chủ động đề phòng gặp địch trên sông, anh em chuẩn bị súng đạn sẵn sàng chiến đấu. Một số thuyền đánh cá đi làm sớm, gặp bộ đội, vui mừng thăm hỏi ríu rít. Có người ghé thuyền mình vào thuyền bộ đội trút hết cả mẻ cá vừa đánh được ủng hộ anh em.

Mặt trời nhô lên khỏi mặt nước. Cả nước và trời nhuộm một màu đỏ rực. Những lớp sóng bạc đầu tung lên như ngọn lửa. Mặt anh em cũng ửng đỏ vì mặt trời, vì chiến thắng vừa qua. Anh Quách Sĩ Kha đứng trước múi thuyền, nói với tôi:

- Anh Hai xem, khí thế quân ta có khác gì quân thời Trần đại thắng Trận Bạch Đằng trở về không? Những lúc này mà không biết làm thơ, thật đáng tiếc.

Ba Xó ngồi cùng thuyền. Từ khi xảy ra trận đánh, Ba Xó luôn bám sát Kha, vì anh ta quan hệ với Kha nên thành quen thuộc. Bám sát Kha, Ba Xó còn được cái lợi là anh em bộ đội khỏi nhầm. Bây giờ thấy Kha cao hứng như vậy Ba Xó liền hỏi:

- Anh Kha có muốn uống rượu không?

Chẳng đợi Kha trả lời, Ba Xó lấy trong thùng rượu một chai sâm banh và rút luôn trong túi ra cái mở nút. Ba Xó luôn luôn có cái mở nút đó trong túi để phục vụ cho quan và lính trong đồn. Nút bật lên cao, bọt rượu trắng xóa, phụt xì xì. Ba Xó đưa luôn chai rượu cho Kha. Kha đưa tôi, nhưng tôi không uống. Tôi cười nói với Kha:

- Không biết làm thơ, thì uống rượu làm gì. Anh mà uống thì phải đọc thơ cho chúng tôi nghe. Không làm thì đọc thơ của người khác cũng được. - Tôi biết Kha trước đây là một học sinh có trình độ khá. Kha cười theo tôi, cầm chai rượu uống một ngụm rồi cất giọng vang vang át cả sóng vổ vào mạn thuyền:

         Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
         Sơn hà thiên cổ điện kim âu…


Rồi anh giải thích cho anh em trong thuyền nghe hai câu thơ đó. Anh em nghe chuyện lịch sử chiến đấu của cha ông, thích thú say xưa…

Hôm trước ra đi từ múi Né, hôm nay anh em về bến Đại Thành. Bà con thôn xóm tưởng Tây đến càn đua nhau chạy. Kha phải kêu to:

- Bộ đội đi đánh đồn Mỹ Lợi về đây, không phải Tây đâu, đừng chạy!

Bà con nghe nói dừng lại thây đúng là “bộ đội miềng”, họ ùa tới, giúp bộ đội khuân vác chiến lợi phẩm lên bờ.

- Nhiều quá! Nhiều quá! Sướng ghê!

Họ hối hả đưa vào trong làng.

Trưa hôm đó, một đoàn ca nô giặc ầm ì lướt sóng trên phá Tam Giang. Chúng nó muốn tìm bộ đội. Nhưng bóng chim, tăm cá biết nơi mô mà tìm! Chúng chỉ bắn vu vơ vào các xóm làng xung quanh phá rồi biến vào biển khơi. Chúng ta đã hoàn toàn chiến thắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:34:16 am »

Sau chiến thắng Mỹ Lợi, chúng tôi nghĩ ngay đến lá thư của các cụ phụ lão ở Hà Thanh. Nhưng một chuyện đã xảy đến với chúng tôi. Huyện ủy Phú Lộc cho một con bò và xã cho một con heo để tổ chức liên hoan. Chúng tôi nghe nói Ba Xó nấu ăn ngon, giao cho anh ta phụ trách bữa liên hoan đó. Trong lúc ăn, Ba Xó thấy Kê-men ngồi ăn liền hỏi Kha:

- Có phải ông Tây này đánh đồn Cầu Nhì không?

 - Sao anh biết?

- Trong đồn Mỹ Lợi, từ sĩ quan đến binh lính đều xôn xao về tin này. Bọn cấp trên đã thông báo cho các đồn biết và ra lệnh cấm không được mở cửa đồn cho đơn vị nào khác vào nếu không có giấy giới thiệu của PFCA nghĩa là của Bộ tư lệnh lực lượng quân Pháp miền Trung Trung bộ đóng ở Huế.

Như vậy thì “khổ nhục kế” của tiểu đoàn cũng khó thành. Nhưng ban chỉ huy tiểu đoàn cũng quyết tâm làm. Việc kiếm một cái giấy giả như vậy không khó khăn lắm. Trung đoàn chỉ liên hệ với Thành ủy Huế. Thành ủy sẽ giao cho đội công tác mật, tất sẽ kiếm ra. Nhưng phải tổ chức thế nào cho thật khéo mới lừa nổi quân địch một khi chúng nó đã bị lừa một lần rồi.

Thế rồi, sự việc đã xảy ra.

Đồn Hà Thanh nằm trong khu vực nhà thờ có nhà hai tầng xây rất kiên cố, có nhà ở riêng của linh mục, của các thầy dòng, các bà xơ và một hệ thống nhà kho, nhà bếp, nhà ăn, khu chăn nuôi khá rộng rãi. Xung quanh có tường thấp. Từ khi chúng lập đồn, trên mặt tường giăng thêm một lớp dây thép gai dày.

Hơn 50 tên lính ngụy, đều là thanh niên công giáo vô nghề nghiệp, lưu manh, trộm cắp từ nhiều nơi tập hợp về. Chúng đọc kinh trong nhà thờ, đeo tượng chúa ở cổ, nhưng chẳng tin gì chúa mà chỉ theo cuộc sống bừa bãi, sa đọa. Cha Thanh là người địa phương tự nguyện làm tay sai cho giặc, được móc lon trung úy và giữ chức đồn trưởng. Lực lượng của chúng trong đồn tuy không nhiều nhưng đều là bọn cuồng tín, ác ôn.

Một buổi sáng, một viên quan một Pháp, cùng với 30 ngụy binh dắt theo một anh dân quân bị trói chặt hai khuỷu tay ra sau lưng, xuống đò sang Hà Thanh.

Lên bến đi được một đoạn, nghe có tiếng máy bay.

Một số lính ngụy vội nằm sấp xuống đường. Tên chỉ huy người Việt liền nói:

- Máy bay của ta đấy, Việt Minh làm gì có máy bay mà phải nằm!

Số lính ngụy vội đứng dậy, nhìn nhau cười.

Đến cổng dồn, viên quan một người Pháp chỉ vào anh dân quân bị trói nói với tên lính gác bằng tiếng Việt, giọng bập bẹ:

- Cần một tên Việt Minh như thế này thôi mà các anh lùng mãi không bắt được. Vô báo với quan đồn cho ô-tô đưa nó lên tỉnh ngay. Vừa nói y vừa đưa giấy giới thiệu. Tên lính gác nhận giấy, nhưng không cho vào, bảo đứng ngoài, chờ lệnh của ông đồn trưởng.

15 rồi 20 phút không thấy đồn trưởng ra. Những tên lính ngụy tỏ vẻ sốt ruột. Viên quan một nói:

- Ráng đợi ông đồn một chút, thế nào ông cũng cho mời vào uống nước.

Giữa lúc đó có mấy tên bảo vệ tự phía chợ chạy về, vừa chạy, vừa la giọng hốt hoảng:

- Việt Minh! Việt Minh đang vô trong xóm…

Lập tức,viên chỉ huy người Việt xông lại phía tên lính gác, quát to:

- Anh tính sao, để cho Việt Minh đến thịt hết chúng tôi, thịt hết các anh à? Hay là các anh với chúng tôi hợp nhau lại chống Việt Minh? Thế nào? Nói đi…

Tên đồn trưởng trong nhà nghe thấy, biết là có việc chẳng lành, vội vàng xách cặp lẻn trốn ra cổng sau với mấy tên thân cận. Binh sĩ trong đồn nháo nhác cả lên. Lúc đó, viên chỉ huy người Việt nói như ra lệnh:

- Không thể chần chừ được nữa. Chúng ta hãy vào hết trong sân, lợi dụng công sự có sẵn chống lại quân Việt Minh.

Y quay sang nói với viên quan một người Pháp:

- Mời ngày thiếu úy chỉ huy cho.

Viên quan một xô cổng vào, đứng giữa sân, rút súng lục cầm tay hô:

- Tôi thay đồn trưởng chỉ huy trận chiến đấu này. Tất cả tập họp!

Bọn lính trong đồn như rắn mất đầu buộc phải đứng vào hàng như mọi người.

Theo loạt tiểu liên mở đầu của tiểu đoàn trưởng Bùi Nọc Hoàng (viên chỉ huy người Việt là tiểu đoàn trưởng Hoàng) 30 cây súng khác lập tức nhả đạn. Tất cả bọn lính trong đồn đều ngã gục không tên nào kịp đối phó. Các thầy dòng, các bà xơ ở trong nhà chạy ra mặt tái xanh, tái xám cứ chắp tay xin tha chết. Ta bắt mở cửa nhà thờ, nhà kho, nhà ở, thu hết vũ khí, quân trang, quân dụng… Mọi thứ tài sản thuộc nhà thờ như áo lễ, tượng thánh, chuông, khánh, cờ đèn, đồ dùng cá nhân của các thầy dòng, bà xơ, của những người phục vụ ta không đụng đến. Trước khi rút lui, bộ đội giải thích cho các thầy dòng, bà xơ và một số giáo dân ở gần đó biết rõ tội ác của tên Thanh và bọn thanh niên lưu manh theo hắn làm tay sai cho giặc, ta phải diệt chúng để bảo vệ đồng bào địa phương được tự do làm ăn, tự do thờ chúa và tham gia công cuộc kháng chiến cứu nước.

Khi đơn vị đi qua xóm, bà con giáo dân ra đứng đầy đường đầy ngõ, nhìn anh bộ đội với khuôn mặt tươi vui, mừng rỡ, nhưng không nói gì. Sau này, khi tên Thanh trở về Hà Thanh, bà con giáo dân ở đây phản đối mạnh, không ở được, phải chuyển đi nơi khác…

Đội quân đi tấn công của Bùi Ngọc Hoàng và đội quân đi phục kích do Lê Đình Lý chỉ huy họp nhau lại, qua sông, trở về căn cứ.

Thêm một chiến thắng nữa trên bờ phá Tam Giang mênh mông bát ngát.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:22:13 pm »

X. QUÉT SẠCH BÙN NHƠ

Sau hai trận đó, anh Lâu và tôi trở lại Hòa Mỹ. Tôi vào báo cáo anh Thanh rõ kết quả hai trận đánh vừa qua.

Anh gật đầu bảo:

- Các đồng chí giải quyết như vậy là tốt. Bọn địch muốn xâm chiếm nước ta, tất chúng phải chiếm đất. Muốn giữ được đất, chúng phải xây dựng đồn bốt, lập hội tề, để đàn áp, bóc lột dân. Ta muốn giải phóng đất, giải phóng dân, ta phải phá đồn bốt, phá tề. Chúng ta không thể chờ đợi khi nào có đủ vũ khí công kiên mới phá đồn địch. Chúng ta phải giải quyết theo lối đánh của ta, hợp với khả năng trang bị của ta. Các đồng chí hãy dùng lối đánh kỳ tập, phối hợp với địch vận, lấy ít thắng nhiều, như thế là mưu trí, linh hoạt rất đáng hoan nghênh.

Sau đó, anh cho biết, vừa qua Trung ương thấy rằng cả ba tỉnh Bình Trị Thiên, do hoàn cảnh địa lý thành một chiến trường, nên Trung ương đã quyết định thành lập Phân khu ủy Bình Trị Thiên và chỉ định anh làm Bí thư Phân khu ủy. Và Phân khu ủy đã họp, có đại diện của Liên khu ủy Liên khu IV vào dự, và quyết định một kế hoạch quan trọng, tổng phá tề trong cả ba tỉnh Bình Trị Thiên.

Hội nghị nhận định rằng, giặc muốn chiếm nước ta, ngoài việc chiếm đất, chúng phải chiếm cho được dân. Chúng cung thừa biết rằng nhân dân ta không bao giờ chịu mất nước, chịu làm nô lệ. Cho nên, chúng chỉ có một cách là khủng bố, đàn áp. Muốn khủng bố, đàn áp, chúng phải thành lập ngụy quyền từ trên xuống dưới. Cho nên, mấy lâu này, chúng đi đến đâu là đóng đồn bốt và lập hội tề đến đấy. Chúng ta cũng đã nhiều lần phá tề, nhưng quan điểm về vấn đề này, trong cán bộ ta vẫn chưa thống nhất.

Có đồng chí cho rằng, phải kiên quyết phá bằng hết, vì đó là chính quyền phản động của địch. Hội tề nào mọc lên, diệt ngay!

Nhưng có đồng chí lại nói không nên diệt tất cả bọn tề vì địch đang còn mạnh. Chúng đi đến đâu không có tề thì bắn giết, đốt phá, hãm hiếp, bắt dân phải lập tề. Như thế, dân rất khổ.

Một số đồng chí lại nghĩ, phải ngăn cản đến cùng việc lập tề. Chừng nào, giặc khủng bố quá, dân không chịu nổi, thì cho lập tề, nhưng tề đó ít lợi cho giặc, ít hại cho ta. Đó là loại “ấm ớ hội tề”.

Do quan niệm khác nhau như vậy, nên mỗi nơi giải quyết một khác.

Có nơi, cán bộ cơ sở thoát ly lên chiến khu hoặc lánh sang xã khác, thỉnh thoảng về xã, phá tề một đêm rồi lại đi. Nhân dân không được giải thích, nên hoang mang, khi địch về khủng bố sinh ra oán trách.

Có nơi, cán bộ thấy địch mạnh quá, không dám tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, cứ nấp dưới hóng hội tề, nằm im không hoạt động.

Sau khi nêu lên những hiện tượng trên, anh Thanh nói:

- Cả hai cách ấy đều không đúng. Diệt tề hay không diệt tề đều có ảnh hưởng đến toàn bộ công tác trong vùng địch hậu. Tình hình ấy không phải chỉ là cá biệt, mà là phổ biến trong cả ba tỉnh. Sống chết địch phải lập tề, sống chết ta phải phá. Sự việc sẽ xảy ra như vậy, cho đến khi nào, địch phải cuốn gói ta mới thôi.

Anh nói tiếp:

- Trước đây, thường cán bộ địa phương và công an làm công tác phá tề. Bộ đội có phối hợp thì cũng chỉ dùng những đơn vị nhỏ bố trí cho công an hoặc dân quân đột nhập bắt và giải tán hội tề. Cũng có nơi, ta về bắt hội tề đi, rồi bảo gia đình họ chủ động lên báo với đồn để chúng nó khỏi tra khảo lôi thôi. Nhưng chỉ được mấy hôm, địch lại mở cuộc càn và bắt người khác ra làm hội tề cho chúng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 06:22:32 pm »

Anh kể rằng vừa qua anh về một huyện để bàn vấn đề này, có một đồng chí huyện ủy phát biểu ý kiến:

- Đối với bọn tề, nên cho đi cải tạo lâu dài thì hơn, chứ bắt đi giáo dục một vài hôm rồi cho về thì chẳng qua như “đấm tay xuống nước”.

Để chứng minh lời nói ấy, đồng chí đã kể lại câu chuyện ở huyện mình. Có lần gặp bọn tề mới bị bắt, trong số đó có tên quen mặt đồng chí ấy hỏi ngay:

- Anh làm hội tề lần này là lần thứ mấy?

- Lần thứ hai ạ!

- Tại sao lần trước bị bắt, anh đã cam đoan không làm việc lại cho địch nữa, nay lại ra làm?

- Dạ, chúng nó dí súng vào lưng, bắt đến trụ sở, không làm không được…

Anh Thanh kết luận:

- Tình hình phức tạp như vậy đó, cho nên lần này Phân khu ủy quyết định mở thành một chiến dịch trong cả ba tỉnh và giao trách nhiệm cho quân đội tỉnh nào phải làm trong tỉnh ấy cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ mới thôi.

Như vậy là trung đoàn chúng tôi có trách nhiệm tham gia chiến dịch diệt tề trong toàn tỉnh Thừa Thiên.

Tôi về nói lại với anh Lâu và chúng tôi thảo luận kế hoạch thực hiện quyết định của Phân khu ủy.

Sau khi thống nhất ý kiến, chúng tôi phân tán cả ba tiểu đoàn về trong sáu huyện cùng với dân quân du kích bao vây các đồn, vũ trang tuyên truyền, phụ lực với cán bộ địa phương bắt diệt bọn tề trong toàn tỉnh.

Kết quả chiến dịch này không phải là “đấm tay xuống nước” mà làm cho hệ thống ngụy quyền địch ở cơ sở vỡ từng mảng lớn. Đó là một sự đảo lộn tình thế làm cho địch rất lo sợ. Khi một khu vực hàng mấy huyện liền không còn hội tề nữa thì tự nhiên thấy hệ thống đồn bốt của địch rơi ngay vào giữa vòng vây của nhân dân, có nhiều nguy cơ bị tiêu diệt.

Tất nhiên, bọn địch sẽ tìm cách này hay cách khác để dựng lại hội tề mới. Nhưng đối với chúng, bây giờ, việc đó không phải dễ, vì trên một vùng nông thôn rộng lớn, đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân, du kích hoạt động.

Một kết quả hết sức khả quan. Trước chiến dịch có đến 93% các xã có hội tề, sau chiến dịch chỉ còn 7%. Những cuộc đấu tranh đòi được bồi thường thiệt hại bởi sự bắn phá bừa bãi của chúng được tổ chức nhiều nơi trong vùng chúng kiểm soát. Những đồn lẻ của địch bị tiêu diệt. Những cuộc hành quân của địch luôn bị uy hiếp bởi hoạt động của du kích tại chỗ. Phong trào kháng chiến ngày càng mạnh, lực lượng cách mạng ngày càng lớn làm cho Pháp hang mang.

Trước tình hình đó, địch bắt buộc phải thay đổi kế hoạch. Chúng điều chỉnh lại hệ thống chiếm đóng, rút bỏ các đồn lẻ, trước hết là các đồn ven núi, đồn ven đường giao thông và những nơi đông dân cư. Đồng thời chúng tổ chức lực lượng ứng chiến cho những vị trí quan trọng. Chúng chỉ thị cho tất cả những lực lượng của chúng không được tự tiên đi tiếp viện cho nơi bị đánh nếu không có lệnh và không đi cản lẻ tẻ ngoài kế hoạch. Những nơi có Việt Minh hoạt động, phải có lực lượng lớn mới được ra ngoài đồn…

Tất cả những hoạt động của địch lúc này đều nhằm bảo toàn lực lượng, bảo vệ giao thông và giữ vững vùng thành thị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM