Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:06:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 74973 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:16:18 am »

Từ đó, trong các chợ bà con mua bán bằng tiền cụ Hồ không e dè, nhét nhét, thu thu nữa. Các đồng chí trong các huyện Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc đã tranh thủ thời cơ này mua được khá nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men gửi lên chiến khu. Anh em bộ đội cũng đã mua được nhiều vải may áo quần không đến nỗi rách rưới như trước.

Phong trào du kích càng ngày càng lên mạnh. Việc bao vây đồn bốt là trách nhiệm hằng ngày của du kích, dân quân.

Một buổi chiều, đồng chí Kha và tôi đang ngồi bàn việc thì một đồng chí vào báo là có một anh thanh niên xin gặp. Tôi hỏi anh ta xin gặp có việc gì, đồng chí ấy trả lời:

- Dạ, không biết. Anh ta chỉ nói là muốn gặp ban chỉ huy để báo cáo một việc riêng.

Tôi bảo ra mời anh ta vào. Anh ta khoảng 19, 20, nước da trắng trẻo, dáng học sinh con nhà khá giả. Tôi kéo một cái ghế mời anh ngồi. Nhưng anh nhìn Kha, rồi lại nhìn quanh, vẫn đứng im, mặt tỏ vẻ lưỡng lự. Tôi hiểu ý, đứng dậy:

- Anh ra ngoài này với tôi.

Tôi dẫn anh thanh niên ra một góc sân, hơi xa nhà, ngồi ở dưới một gốc cây bưởi. Khi thấy không có ai có thể nghe được lời nói của mình, anh ta ngập ngừng:

- Dạ, thưa ông…

Tôi ngắt lời:

- Em có thể gọi tôi bằng anh cũng được. Tôi chẳng lớn hơn em bao nhiêu.

- Dạ, thưa… Anh! Em có người chú tên là Thăng, ở đồn Patidăng gần ngoài Truồi muốn xin gặp các anh không biết có được không?

- Chú em làm gì ngoài đồn?

- Dạ, chú em làm đồn trưởng. Dạo Tây mới về, thấy chú em có chút chữ nghĩa, chúng gọi đến phát quần áo, phát súng rồi bắt làm đồn trưởng luôn.

Tôi ngẫm nghĩ “Tai sao Tây lại có thể giao phó chức đồn trưởng cho một người chỉ biết chữ nghĩa. Chắc là phải có cái gì nữa, nó mới tin cậy giao cho chức đồn trưởng chứ”. Nhưng rồi tôi cũng không hỏi dò anh thanh niên, sợ anh ta lo ngại. Tôi nói:

- Được, em tin cho chú em trưa mai lên đây. Đi một mình và không được mang theo súng đạn nghe!

Anh thanh niên nói:

- Nhưng chú em sợ lúc đi ra, du kích bắn.

- Không lo, anh sẽ dặn anh em du kích. Lúc đi ra, chú em nhờ cầm một cái khăn mu xoa trắng trong tay nghe!

Anh thanh niên, lộ vẻ vui mừng, chào tôi ra về.

Tôi đem việc ấy nói với anh Kha. Anh bàn với tôi nên hỏi các đồng chí trong cấp ủy địa phương xem thử tên Thăng như thế nào. Tôi giao việc ấy cho Kha. Một hồi lâu, Kha về cho tôi biết Thăng trước đây có làm lính lệ của bọn quan lại Nam Triều. Thăng đã có đỗ sơ học nên lõm bõm nói được tiếng Tây. Thăng muốn nhờ chút học lực ít ỏi của mình, lên chức cai, chức đội, một thứ võ quan Nam Triều, để được hàm bát phẩm, cửu phẩm, vẻ vang với làng nước. Trong thời gian làm việc, Thăng cũng chẳng có tai tiếng gì.

- Chính nó là lính và biết đôi chút tiếng Tây, nên bọn Tây mới giao cho làm đồn trưởng. Chứ cái loại lính lệ là loại lính đi ở, điếu đóm cho nhà quan biết đánh chác gì - Kha nói thêm.

Chúng tôi cũng muốn trực tiếp với Thăng để biết thêm Thăng là người như thế nào.

Trưa hôm sau, tôi đang ngồi uống nước, bỗng ông chủ nhà đến phát nhẹ vào lưng tôi:

- Nè, trốn mau! Thăng Thăng đến. Có lẽ hắn dẫn Tây đi lùng đó!

Tôi nhìn ra thấy một người đàn ông khoảng gần bốn mươi, người thấp béo, mặc quần trắng, áo bà ba đen, đội mũ phớt màu nâu, một mình dắt xe đạp vào sân, ở ghi đông xe đạp của buộc một cái mu xoa trắng. Vừa trông thấy tôi, anh ta lễ phép cất mũ chào rồi đi tìm chỗ dựng xe.

- Anh Thăng phải không? - Tôi hỏi.

- Dạ… dạ… tôi được cháu nó báo các anh cho gặp.

- Mời anh ngồi. - Tôi kéo chiếc ghế đẩu.

Tôi lấy bình nước chè xanh, rót ra một chén để trước mặt Thăng:

- Anh uống tạm chén nước.

- Dạ, không dám.

Thăng đưa mắt nhìn quanh. Tôi hiểu ý nói nhỏ:

- Anh cứ yên tâm. Chúng tôi cũng biết giữ bí mật quân sự lắm chớ. Không có ai nghe được đâu, anh đừng ngại.

- Dạ, thưa anh… - Giọng Thăng rất nhỏ như thì thầm, chỉ đủ cho tôi nghe lọt. Thăng trình bày hoàn cảnh của mình bị bắt làm đồn trưởng như thế nào, lời lẽ chân thành:

- Dạ, tôi không muốn một chút nào, nhưng không làm không được. Không làm, chúng nó bảo theo Việt Minh, chúng nó bảo bắt bỏ tù.

Thăng nói tiếp:

- Tôi cũng định chỉ làm lấy lệ một thời gian rồi xin thôi. Chúng nó thấy làm không được, chúng nó sẽ thay người khác… Không ngờ, gần đây, anh em du kích…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:16:38 am »

Tôi hiểu rồi. Thăng sợ anh em bắn tỉa. Tôi mỉm cười:

- Anh định về với chúng tôi phải không?

Thăng vội vã:

- Dạ! Dạ! Xin các anh cho tôi về với gia đình, vợ con…

Tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ: dùng Thăng làm địch vận được đấy! Tôi nói:

- Anh muốn về cũng được, nhưng chúng tôi muốn nhờ anh một việc…

Thăng tỏ vẻ lo lắng:

- Dạ, việc chi ạ!

- Anh thấy trong bạn bè anh, có ai muốn về nữa thì rủ về cho vui, vả lại, - tôi nói tiếp - họ không muốn về anh cũng nên khuyên họ về. Sung sướng gì cái nghề làm tay sai cho giặc, cõng rắn cắn gà nhà.

Mặt Thăng đỏ dần:

- Dạ, tôi cũng nghĩ như vậy, nên tôi muốn về.

Tôi nhắc lại:

- Về một mình cũng được, nhưng chưa hay lắm Nên khuyên nhủ nhiều người cùng về… Về với xóm làng, với anh em, có vui cùng vui, có buồn cùng buồn.

- Dạ… dạ! - Thăng cứ điểm từng tiếng “dạ… dạ” khi nghe tôi nói:

- Tôi nhận cho anh về, nhưng bây giờ anh cứ ở lại trong đồn. Anh là người của chúng tôi. Anh làm việc cho chúng tô. Anh cung cấp vũ khí, thuốc men cho chúng tôi. Bọn Tây làm gì, anh báo cho chúng tôi biết, anh rủ thêm nhiều người về với chúng tôi. Như vậy là anh đã tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, làm như vậy hay hơn là về tay không.

- Tôi chỉ sợ tôi không làm được… - Thăng ngập ngừng.

- Sao lại không làm được? Anh không nhớ câu “Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông” à!

Tôi nói tiếp:

- Chúng tôi cũng là con người như anh thôi. Sao chúng tôi làm được. Đó là vì chúng tôi quyết tâm. Chúng tôi yêu nước…

- Dạ, dạ, tôi xin cố gắng…

Thăng ra vè, nét mặt vui mừng hí hửng, tôi bắt tay Thăng thật chặt:

- Bây giờ anh là bạn của chúng tôi! Đừng phụ lòng chúng tôi…

Ít lâu sau, Thăng báo cho biết đã vận động được Khoa, đồn trưởng đồn bảo an ở Nong, Khoa đề nghị với tiểu đoàn mở một trận đánh đồn giả, bắn vài loạt súng để có cớ dẫn lính ra hàng và nộp vũ khí cho bộ đội. Để cho khỏi nghi ngờ, Thăng lấy tính mạng ra bảo đảm với chúng tôi.

Đơn vị cử người điều tra rất kỹ. Anh em cũng đã bí mật gặp Khoa. Thấy Khoa thành thật, nhưng chúng tôi cũng rất cảnh giác, đề phòng. Trong những ngày chuẩn bị mở trận đánh đồn giả, ta đã bám sát địch, xem có hiện tượng gì đáng nghi ngờ không. Không thấy gì. Tối hôm đó, đơn vị cho một tiểu đội đi công kích đồn, và một lực lượng khác đi bao quanh phòng có chuyện gì bất trắc. Mới bắn mấy loạt súng chỉ thiên, trong đồn đã có tiếng la “Chúng tôi xin hàng! Chúng tôi xin hàng!”. Sau đó cổng đồn mở rộng: hơn ba chục hàng binh do Khoa dẫn đầu mang súng ra nộp vài đi theo bộ đội. Còn bao nhiêu súng đạn trong đồn anh em vào lấy hết.

Ngay đêm đó, ta cho người dẫn đoàn “hàng binh” lên chiến khu để sau này bổ sung vào đội vận tải và sản xuất của tiểu đoàn.

Đưa lên chiến khu một thời gian, ta lại cho một số “trốn” về nhà làm cơ sở tiếp tế cho bộ đội.

Qua thực tế trên thấy rõ ràng không phải tất cả những người cầm súng giặc là theo giặc. Từ đó chúng tôi đặt công tác địch vận thành một nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đã bàn với huyện ủy ban huyện, nơi nào có vị trí địch đóng, cơ sở của ta ở đó phải tìm cách bắt nhân mối trong binh lính địch. Khi đã có nhân mối đủ tin cậy thì cơ sở giới thiệu cho cơ quan quân sự hay đơn vị bộ đội của ta đóng gần nhất. Tủy theo tình hình địch và điều kiện nhân mối, chúng ta có kế hoạch cụ thể cho họ hoạt động. Thông thường thì họ có thể cung cấp tin tức, lấy vũ khí của địch cho ta, hoặc tìm cách hạn chế những hành động cướp phá trong các cuộc càn quét. Nếu họ lôi kéo được nhiều binh lính địch trong đồn thì có thể tổ chức những cuộc đào ngũ tập thể, mang theo vũ khí, hoặc làm những cuộc binh biến, hoặc phối hợp với bộ đội ta chiến đấu nội công, ngoại kích.

Các huyện ủy cũng đã thống nhất thi hành chủ trương đó. Vì vậy, nhiều đồn lính bảo an đã có nhân mối của ta. Nhiều làng xã ở gần các vị trí của địch đều bố trí người của ta làm địch vận. Công tác địch vận chẳng những đối với lính ngụy mà còn đối với lính Âu - Phi. Chính những hàng binh Âu - Phi đã giúp chúng ta nhiều lần trong các trận đánh sau này…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:23:38 am »

VII. TRỞ LẠI CHIẾN KHU

Sau năm tháng vừa chiến đấu, vừa xây dựng, tiểu đoàn từ 64 người, lên đến trên 300 người, chia thành ba đại đội bộ binh, một trung đội trợ chiến. Các đại đội đều có chi bộ Đảng. Vũ khí tương đối đầy đủ. Mỗi đại đội có một đến hai trung liên. Các căn cứ đóng quân của ta như khe Mụ Khâm, Động Truồi đã được ổn định. Công việc tiếp tế chưa phải đã được đầy đủ, nhưng bộ đội, cán bộ lên xuống đồng bằng không khó khăn như trước.

Nhiều thôn xã trong ba huyện đã xây dựng lại cơ sở Đảng và chính quyền. Các đoàn thể quần chúng, dân quân du kích đã hoạt động. Phong trào kháng chiến của nhân dân đang phát triển, khí thế chiến thắng ngày một lên cao.

Giữa lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh gọi tôi về Hòa Mỹ.

Sau khi trao đổi phương hướng hoạt động sắp tới với các huyện ủy ba huyện và bàn giao mọi việc của tiểu đoàn cho các anh Nguyễn Sanh Thi, Dương Bá Bích, tôi lên đường vào giữa tháng 9 năm 1947.

Tuy ở đây chỉ có năm tháng, nhưng năm tháng màn trời chiếu đất, cùng vui, cùng buồn, cùng gian khổ với đồng chí, đồng bào ba huyện, khi chia tay, lòng tôi không khỏi bùi ngùi, quyến luyến. Anh em đưa tôi lên đến gần đường quốc lộ, bắt tay nhau, hẹn ngày gặp lại.

Khác hẳn lần đi vào, phải lặn lội giữa rừng sâu núi thẳm, leo đèo, lội suối, lần này đi ra, tôi dọc theo phía ngoài sườn núi Trường Sơn, có liên lạc dẫn đường, đến những nơi kẻ địch có thể phục kích, đã có anh em dân quân cảnh giới. Khoảng vài ngày tôi đến Hòa Mỹ.

Một cảnh tượng quá bất ngờ hiện ra trước mắt tôi. Trước đây, Hòa Mỹ chỉ làm một xóm nhỏ, với vài chục nóc nhà tranh lúp xúp bên cạnh rừng già heo hút, nay đã mọc lên một dãy nhà san sát, tuy cũng mái tranh vách đất, nhưng sạch sẽ, khang trang. Những cửa hàng tạp hóa, bán giấy viết thư, phong bì, kim chỉ các loại vải, các loại khăn mu soa, đủ các thứ thuốc hút: Gô loan, Bát tô, kể cả các loại thuốc thơm đắt tiền nhất: Cô táp, Gôn rinh… Hầu hết các thứ hàng ở Huế đều có mặt tại đây, mỗi thứ một ít. Xen kẽ với các cửa hàng, tạp hóa là các quán giải khát, các quán ăn. Những con gà luộc chín vàng rộm. Những chùm ớt đỏ. Những bó hành xanh treo lơ lửng trên những nồi cháo còn bốc hơi nghi ngút. Những đĩa xôi đậu xanh, xôi lạc, xôi gấc để cạnh nhưng chén chè đậu ván, chè bông lau… Đủ các thứ bánh: bánh su sê, bánh tết, bánh gai, bánh ít… Khách khứa khá đông. Cán bộ dưới đồng bằng lên. Người dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi từ trên núi mang thuốc lá, trầm hương, măng, mộc nhĩ về bản. Bà con các làng xung quanh đến mua hàng. Một số bộ đội, thương binh về nghỉ ngơi, điều trị… Trong đám khách khứa đó, hiện ra những tà áo xanh, áo tím, áo vàng và những khuôn mặt tươi vui, dịu dàng, đắm thắm của các cô gái Huế sau các quầy hàng.

Mới có năm tháng, một khu thị trấn nhỏ đã mọc lên cạnh rừng già này. Tôi đi thong thả qua dãy phố, lòng vui vui. Gần hết dãy phố, tôi bỗng ngửi thấy một mùi thơm, mùi thơm bánh mỡ, và bên tai những tiếng xèo xèo. Bước thêm vài bước nữa, tôi nhìn vào: “À, bánh khoái!”. Đúng là bà già trước đây, gần cầu Gia Hội, tôi đã vào ăn một lần, giữa thành phố Huế.

- Mời anh vô xơi!

Vẫn giọng mời chào đon đả dạo ấy!

Tôi bước vào. Trước mặt một cái bàn đơn sơ bằng mấy thanh tre buộc lại, vài ba chục người khác đang ngồi ăn. Tôi ngồi xuống một chiếc đôn tre.

- Thím cũng tản cư lên đây à thím?

Bà già quan sát nhìn tôi, như muốn nhìn xem có phải khách quen không.

- Không tản cư lên đây thì đi mô?

- Thế sao ngày đó thím nói thím không đi? Tây làm răng mà sang bên ni được!

- Ờ, té ra ngày đó anh ở Huế… ngày đó tôi cũng tưởng bộ đội miềng đánh nó được. Ai ngờ… - bà ngừng lại.

- Ai ngờ, răng thím?

- Ai ngờ, hắn đổ bộ đông quá chứ răng! Có cả xe tăng, tàu bay, đại bác… Bộ đội ta đánh không được, tàng hình…

Tôi không hiểu: hỏi lại.

- Tàng hình là răng thím!

- Tàng hình là biến hóa như Tề thiên đại thánh ấy! Bộ đội ta liền biến hóa thành người dân, sau đó đánh luôn đồn Hộ Thành…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:23:58 am »

Chuyện cũ nhắc lại, tôi hỏi:

- Sau đó, ra răng thím!

- Úi chào… rất lắm chuyện. Bà con cả thành phố dậy lên.. Chỗ mô, người ta cũng xô xao hẳn lên. Người ta nói “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Bộ đội miềng chỉ tránh một thời gian rồi lại xuất đầu lộ diện…

- Rứa bọn tây ra răng thím!

- Chà, bọn hắn khủng bố dân, bắt bớ hàng loạt nhưng chẳng ai sợ.

Một ông khách ngồi ở bàn góp chuyện:

- Không sợ răng thím chạy lên đây…

- À tôi khác… Bộ đội miềng đi mô thì tôi theo nấy. Tôi có một thằng con đi bộ đội. Hắn đi thì tôi cũng đi. Tại gia tòng phụ, cải giá tòng phu, phu tử thì tòng tử… chồng tôi chết lâu rồi, tôi chỉ có một thằng con đó.

Tôi nhìn quanh. Đúng là trong nhà chỉ có một chiếc chõng con, trên chải chiếc chiếu cũ và để chiếc khăn xếp gọn đã bạc màu.

- Thím đi có một mình à!

- Không đi một mình thì đi với ai… À quên, đi với bà con trong phố chứ! Cái nhà đầu cùng và cái nhà sát nách đây là người quen trong phố cả đấy.

- Tôi muốn nói là người trong nhà thím kia!

- Trong nhà tôi thì có ai! Chồng chết sớm, chỉ có một thằng con trai.

- Lớn chưa thím!

- Lớn chi… mới 17, 18 tuổi. Nó nhất định đòi đi bộ đội, tôi đành phải cho nó đi. Nó đi từ hồi mới giành chính quyền. Gần hai năm rồi…

Một người khách khác góp chuyện:

- Thím kiếm cho cậu ấy một mụ vợ đi để đỡ đần cho thím, nơi đất khách quê người, phòng khi trái gió trở trời…

Nét mặt bà cụ trở nên trầm lặng:

- Tôi cũng đinh như rứa… Có con nhỏ, ở đầu phố ấy, cũng là người quen ở Huế tản cư lên đây, nhưng không biết hắn chó chịu không?

Tôi liền hỏi:

- Anh con trai thím hiện nay ở mô?

- Ở dưới đồng bằng tê. Hãy đang đi theo anh em đánh chác dưới đó.

- Thím có biết, anh ấy ở đơn vị nào không?

- Nghe nói như hắn ở tiểu đoàn 16.

Một ông khách nói luôn:

- Rứa là thím lộ bí mật quân sự rồi nghe!

Câu nói đó nằm ngoài ý định của tôi. Tôi hỏi như vậy cũng muốn biết chắc chắn thêm người con trai của bà cụ có ở trong đơn vị do tôi phụ trách không mà thôi. Biết có hỏi thêm, bà cụ cũng không nó nữa, tôi mua mấy chiếc bánh ăn, rồi đi ra. Tôi định bụng sẽ gặp lại bà cụ một lần nữa để hỏi thêm tình hình ở Huế cho kỹ…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:24:34 am »

Theo con đường mòn quen thuộc, tôi vào chiến khu. Tôi gặp ngay anh Hà Văn Lâu ở một cái lán nhỏ bên đường. Anh gầy và xanh, khác trước nhiều. Thấy tôi, anh rất mừng rỡ. Anh hỏi tôi tình hình tiểu đoàn. Tôi báo cáo lại với anh cặn kẽ, tuy trước đây thỉnh thoảng tôi vẫn viết thư báo cáo những việc đã xảy ra trong đơn vị.

Nghe xong, anh cho tôi biết thêm tình hình của trung đoàn. Cán bộ, chiến sĩ sau khi mặt trận vỡ, tản mát đi các nơi tới nay cũng đã tìm về đơn vị. Quân số của trung đoàn gồm hai tiểu đoàn 16 17 nay đã được 1.000. Sau một thời gian củng cố và học tập, hai tiểu đoàn đó đã về hoạt động ở đồng bằng ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thuộc bắc Thừa Thiên. Họ cũng đã tổ chức được nhiều trận chống càn gây được tiếng vang khá lớn. Họ giúp cán bộ, đảng viên ở các địa phương trở về đồng bằng xây dựng lại cơ sở kể từ sau Hội nghị Tỉnh ủy hồi tháng ba…

Biết thêm tình hình, lòng tôi rất phấn chấn. Chính sau Hội nghị ấy, trên hai nghìn cán bộ, đảng viên đã trở về len lỏi trong dân, bí mật hoặc công khai xây dựng cơ sở. Có nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Ở ba huyện phía nam nơi tôi vừa chia tay cũng vậy. Nơi nào có bộ đội về nơi đó hoạt động dễ dàng hơn. Nơi nào không có, cán bộ, đảng viên tự vũ trang tự đảm nhiệm mọi công việc. Nhờ thế mà phong trào ngày một phát triển, ngày một lên cao.

Cuối cùng, anh Lâu cho biết: có tin đích xác Quản Hậu đã đầu hàng.

Quản Hậu trước đây làm Chánh quản chỉ huy một đội lính khố xanh bảo vệ Hoàng thành. Sau khi ta giành chính quyền, Quản Hậu xin vào Vệ quốc quân. Thấy hắn cai quản một đội quân khá lớn và cái tai tiếng trong nhân dân thành phố Huế, ta cũng muốn tranh thủ hắn để sử dụng đội quân của hắn. Ta cho hắn làm chức trung đoàn trưởng trung đoàn. Nhưng đó chỉ làm tạm thời lúc đầu, về sau mọi việc của trung đoàn đều do Hà Văn Lâu phụ trách. Sau ngày mặt trận Huế vỡ, chẳng thấy bóng hắn đâu. Ta mấy lần cho người về tìm cũng chẳng thấy. Bây giờ mới biết hắn đã đầu hàng giặc.

Nghe tin, tôi cũng chẳng thương, chẳng tiếc mà vừa buồn, vừa giận.

Anh Lâu kết luận:

- Những thằng như hắn, không trước rồi sau cũng theo giặc thôi! Cho hắn đi đi cho rảnh mắt!

Tôi vào CK7 để gặp Thường vụ Tỉnh ủy và anh Nguyễn Chí Thanh. Vừa vào nhà, đã thấy bà mẹ anh Thanh đang nhào một thứ bột gì trăng trắng trong chiếc mũ sắt, dưới mái hiên. Trong nhà, dưới rừng rậm, thường hay tối, nên bà làm gì cũng làm dưới mái hên. Tôi cất lời chào:

- Thưa bác ạ!

Bà ngước đôi mắt leo nheo, nhìn lên:

- À, anh Hai mấy lâu ni đi mô mà vắng cái mặt?

- Dạ, cháu vô trong miệt, Phú Vang, Phú Lộc ạ!

Tôi nói tiết:

- Bác đang làm chi đó!

- À, nhào bột sắn để nấu thành cháo bánh canh - Bà nói như phân trần:

- Đã gần một tuần ni rồi không có gạo. Họ đem tới cho một ít thì hắn không nhận. Hắn nơi đưa sang bên bệnh viện cho anh em thương bệnh binh. Tôi định ra Hòa Mỹ mua, ngoài nó có bán gạo. Hắn cũng không cho. Hắn nói người ta ăn chi thì mình ăn nấy. Người ta ăn được thì mình ăn được. Anh coi, như rứa có kỳ quặc không chớ!

Tôi cười, không nói gì. Tôi biết tính anh Thanh từ hồi ở tù Buôn Ma Thuột. Là một con người rất chan hòa với quần chúng, có sướng cùng sướng, có khổ cùng khổ, nên chúng tôi rất quý trọng anh. Trong lúc mọi người đang thiếu thốn, phải ăn sắn, ăn khoai trừ bữa thì anh không muốn ăn gạo là lẽ tất nhiên, tuy đó là tiền của mình mua lấy.

- Mấy bữa ni, toàn sắn là sắn, hết luộc, xắt lát, đến mài làm bánh bột lọc, bánh ú, bánh lá, bánh nậm, đủ các thứ bánh… Hôm ni nấu cháo bánh canh. Người ta nấu cháo bánh canh với tôm, với cá tràu, với cá cơm, cá phát lát, mình thì nấu cháo bánh canh với… muối!

Bà nhấn mạnh chữ “muối” rồi cười khanh khách, một cách thanh thản, vô tư!

Tôi mở cái túi xách lấy ra một gói giấy đã chuẩn bị trước, khi ra đi để làm quà cho bà.

- Cháu đem về biếu bác…

- Chi rứa? Vừa hỏi bà vừa mở gói giấy:

- Chà, tôm khô, cá ngừ, cá thu… Tôm cá phá Tam Giang hả? Bỗng bà cười:

- Tôm cá ni mà ăn với sắn thì quá tiếc… Thôi, để dành, khi mô có gạo ăn!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:25:11 am »

Anh Thanh đi đâu mới về. Thấy tôi, anh tủm tỉm cười:

- Bữa ni có máu mặt rồi đó. Về dưới nớ, ăn sướng lắm hả! Tôi cũng cười, theo anh vào nhà.

- Gặp anh Lâu rồi chớ!

- Dạ gặp rồi!

- Thôi, việc trung đoàn tôi không hỏi nữa. Có chi chưa biết thì hỏi anh Lâu thêm. Tôi chỉ phổ biến cho anh biết một số tình hình mới.

Qua anh Thanh, tôi được biết hiện nay ở ngoài Bắc, sau khi giặc tạm chiếm đồng bằng, phong trào chiến tranh du kích phát triển rất mạnh. Ta gặp khó khăn một thời gian, nay đã tạm yên ổn rồi. Đường liên lạc của ta nay đã thông suốt từ Bắc chí Nam. Thanh Nghệ Tĩnh vẫn là vùng tự do, giặc chưa chiếm được. Liên khu ủy, Ủy ban đều đóng ngoài đó và chỉ đạo chúng ta thường xuyên.

Quảng Bình giặc mới chiếm một ít. Từ sông Minh Lệ trở ra là vùng tự do của ta. Tiểu đoàn Lê Trực cũng đã về lại đồng bằng và đang hoạt động mạnh ngay trong vùng địch tạm chiếm.

Quảng Trị cũng vậy. Sau thời gian ngắn lên chiến khu, các tiểu đoàn của trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật cũng đã lộn về đồng bằng đánh nhiều trận khá lớn làm cho địch rất hoang mang và nhân dân rất phấn khởi. Phong trào chiến tranh du kích cũng phát triển rất mạnh. Hiện nay, nhiều vùng ở Triệu Hải, giặc chưa kiểm soát được.

- Nhớ lại những ngày sau khi mặt trận vỡ, bộ đội ta hầu như tan rã, chính quyền địa phương mất hết, cán bộ, đảng viên chạy lên núi, thế mà, chỉ mới năm sáu tháng thôi, phong trào kháng chiến cả ba tỉnh ta lên như vậy, quả thật rất đáng mừng…

Ngừng một lát, anh Thanh nói tiếp:

- Nhưng không phải là chúng ta đã hết khó khăn. Chúng ta phải biết rằng, thời gian vừa qua, giặc đang củng cố. Chúng ra sức thành lập ngụy quyền cấp trên, tổ chức quân ngụy thay thế cho quân lê dương chiếm đóng các nơi, đồng thời rút quân lê dương ra thành lập những đội quân ứng chiến để đối đầu với chúng ta. Chúng sẽ càn quét ở đồng bằng với quy mô lớn và tấn công lên các chiến khu. Theo tin tức tình báo cho biết gần đây tên tướng Lơ-bơ-rít, chỉ huy quân đội Pháp ở miền Trung Đông Dương ra Huế. Hắn lệnh cho bọn tay chân ở đây: Phải dập tắt những “đống lửa” du kích! Hắn nói “Nguồn gốc đại hóa chính là những căn cứ Việt Minh trên rừng núi”. Qua sự chuẩn bị của chúng ta, những ngày gần đây, chúng có thể phán đoán điều đó.

Ở ngoài Bắc cũng vậy. Vừa rồi chúng huy động một lực lượng khá mạnh tấn công lên Việt Bắc. Ta đang chặn đánh.

Nghe anh Thanh nói đến đấy, tôi đã thấy tình hình rất khẩn trương. Có lẽ vì lý do đó anh gọi tôi về đây…

- Trước mắt chúng ta phải tích cực chuẩn bị để đối phó với tình hình sắp tới. Cái khó khăn nhất của chúng ta hiện nay là lương thực và súng đạn. Lương thực thì chúng ta dựa vào dân là chính, nhưng chúng ta phải tự túc lấy một phần. Các nơi có bộ đội đóng, nhất là các đơn vị đóng ven núi, ở các chiến khu Hòn Linh, Bọc Lỡ, Hòa Mỹ, Khe Tre phải trồng thật nhiều khoai sắn, rau xanh… Các đơn vị đi qua nếu cần, cứ nhổ ăn rồi lại vùi xuống đất ít hom sắn, ít dây khoai để bù lại… việc đó, chúng tôi cũng đã làm.

- Còn về súng đạn…

Điều này chúng tôi cũng đã thấy rất rõ. Trong trung đoàn, một khẩu súng trường chỉ có năm bảy viên đạn, bộ đội địa phương, dân quân du kích lại càng ít hơn. Mỗi một chiến sĩ đều cúm rúm, giữ gìn và giấu đút từng viên đạn trong túi áo, sợ hư hỏng, sợ rơi mất, sợ cấp trên thấy, lấy bớt. Chúng tôi đã nghĩ hết cách vẫn không tìm ra lối thoát, nếu không lấy được đạn địch để đánh địch. Nhưng làm thế nào để lấy? Chúng tôi đã tổ chức các em nhỏ ở gần các vị trí địch, tìm cách mua, đổi hay đánh cắp đạn của binh lính địch. Cách làm đó, có kết quả tốt nhưng không nhiều. Đánh địch để lấy đạn của địch không phải việc dễ. Thông thường đánh du kích hay chống càn thì đạn tiêu hao nhiều hơn là đạn thu lại được. Chúng tôi nghiên cứu thấy chỉ có được các vị trí của địch mới được nhiều đạn, nhưng diệt vị trí địch thì diệt như thế nào, trong lúc các vũ khí công đồn ta chưa có. Quanh đi, quẩn lại, chúng tôi vẫn lúng túng không biết làm như thế nào. Điều này chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo với anh Thanh rõ… Nghe anh nói, tôi ngồi im lặng đợi chờ…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:26:21 am »

- Còn về súng đạn… trong lúc các anh đi vắng, ở nhà, cũng đã xây dựng một công binh xưởng, ở gần đây thôi, tôi vừa ở trên đó về đây. Xưởng cũng đã sản xuất ra được một số vũ khí, lựu đạn… nhưng còn ít lắm, không ăn thua gì. Mai anh nên lên trên đó xem xét, góp thêm ý kiến với họ…

- Dạ!

- Hiện nay, cái chính vẫn phải là lấy của địch đánh địch. Đó là vấn đề cần kíp nhất hiện nay. Anh và anh Lâu phải hết sức nghiên cứu và nhanh chóng tìm cách giải quyết việc này trước khi địch phản công lại chúng ta…

Anh nói sang vấn đề khác:

- Công tác Đảng hiện nay cũng cần phải hết sức chú ý. Tôi có ý định cử các anh Bành, anh Bùi Ngọc Hoành, anh Lê Đình Ly, Dương Bá Bích và anh vào trong Đảng ủy trung đoàn. Ở các tiểu đoàn, đại đội, các cấp ủy do các anh quyết định lấy…

Từ giã anh Thanh, tôi trở ra CK4 gặp anh Hà Văn Lâu. Tôi nói lại ý kiến của anh Thanh cho anh Lâu rõ. Anh Lâu nói:

- Việc đó, tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Phải đánh đồn, chứ không còn cách nào khác?

- Nên đánh đồn nào?

- Đồn Cầu Nhì. Tôi đã nghiên cứu kỹ rồi. Đồn đó hiện nay dễ ăn hơn cả. Lại có nhiều súng đạn.

- Đánh cách nào?

- Tôi đã có cách, ta sẽ không tốn một viên đạn nào mà vẫn hạ được đồn này.

Tôi định nói với anh Lâu cho biết cụ thể hơn thì một đồng chí vào mời hai chúng tôi xuống ăn cơm tối. Anh Lâu đứng dậy vui vẻ hỏi tôi:

- Anh đã đọc “Tam quốc chí” chưa? Chúng ta sẽ hạ đồn Cầu Nhì như Khổng Minh hạ đồn Kinh Châu ấy. Không tốn một mũi tên hòn đạn này. Nếu có tốn chăng nữa thì cũng sẽ rất ít. Ăn xong, tôi sẽ nói cho anh nghe…

Gọi là ăn cơm, nhưng thực tế là chúng tôi ăn sắn với rau tàu bay chấm nước ruốc. Anh em nhà bếp đã có sáng kiến, băm vụn sắn ra như gạo rồi đen hấp. Do đó, khi xới vào chén chẳng khác gì cơm. Mới nhìn tôi đã tưởng lầm là cơm gạo nếp. Đó chẳng qua là để lừa đôi mắt cho ngon miệng thôi, thực chất sắn vẫn là sẵn.

Ăn xong, tôi và anh ra nhà ngoài uống nước. Anh nói cho tôi nghe kế hoạch của anh. Tôi rất mừng và vững tin chắc thắng.

Theo lời anh Thanh dặn, tôi vào thăm công binh xưởng. Khi quang qua nhà anh, tôi tạt vào. Đồng chí cần vụ cho biết anh Thanh đã về đồng bằng từ sáng sớm. Anh thường hay đi như vậy. Các đồng chí trong Thường vụ thường hay kể cho tôi nghe tác phong làm việc của anh Thanh.

Một hôm tình cờ, anh gặp đồng chí Bí thư huyện ủy Phong Điền ở Hòa Mỹ. Anh hỏi ngay:

- Cậu lên có việc gì?

- Báo cáo anh, Tây mới càn mấy xã.

Anh Thanh hiểu ngay là đồng chí cán bộ này muốn lên chiến khu nghỉ “xả hơi” ít hôm, sau trận càn, chứ chẳng có việc gì quan trọng, anh nói luôn:

- Cậu muốn báo cáo việc đó thì mình hẹn tối mai, mình sẽ làm việc với cách cậu tại dưới xã ấy cho cụ thể. Cậu cứ về trước đi, tối mai chúng ta gặp nhau.

Chiều hôm sau, anh Thanh đúng hẹn, xuống đồng bằng làm việc với huyện ủy Phong Điền.

Đối với các cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, anh Thanh thường yêu cầu nghiêm khắc, nhưng đối với cán bộ và đảng viên thường, mà bị “mất tinh thần” sau các trận càn, thì anh phải đối xử khác. Những cán bộ, đảng viên này, nếu đã chạy lên chiến khu thì đều được mời vào “nhà khách” của tỉnh, được ăn ở tử tế một thời gian, cho học tập tình hình, và nhiệm vụ rồi để các đồng chí ấy tự xác định trách nhiệm xin về lại cơ sở công tác. Tôi thấy cách lãnh đạo như vậy rất hay. Nhờ vậy, mà cán bộ huyện, xã sau ngày mặt trận vỡ, bị dạt lên núi đều lần lượt trở về với cơ sở.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:26:38 am »

Rời nhà anh Thanh, đi theo dòng khe, độ ba ki-lô-mét, tôi đến xưởng quân giới. Sau khi mặt trận vỡ, các xưởng vũ khí ở Huế chuyển lên Trái, nay tập trung lại thành một lấy tên là xưởng Phạm Hồng Thái do đồng chí Phạm Thanh Lục phụ trách.

Trông thấy tôi, đồng chí Lục, đồng chí Sáu đen vội chạy ra:

- Trời, anh Hai! Về bao giờ? Trông anh gầy quá làm cho chúng tôi cứ ngờ ngợ…

- Các anh cũng thế cả thôi. Ăn đói chứ gì? Chị Quế độ này có nới tay không?

Tôi bắt tay cả hai anh, vui vẻ.

- Báo cáo, chị ấy rất quan tâm đến anh em, nhưng gạo đồng bằng đưa lên rất ít, chúng tôi cố gắng tự túc một phần.

- Bằng cách gì? - Tôi hỏi.

- Chúng tôi phải bỏ ít thời gian kiếm thêm rau rừng, lá tàu bay, môn thục là chủ yếu…

Sáu đen nói thêm:

- Nhưng được cái ở đây chúng tôi rất sẵn cá và thú rừng.

- Các anh làm sao mà bắt được?

- Dạ, thú rừng thì đào hầm, căng bẫy, còn cá thì ngăn bớt khe lại, rồi đặt nò, đặt chuôm. Tối đi đặt sáng ra đổ, có khi được hàng thúng…

Tôi sực nhớ ra:

- Các anh nên đem về biếu anh Thanh một ít, anh ấy ăn uống kham khổ quá.

Đồng chí Lục vôi nói:

- Chúng tôi đem đến mấy lần, nhưng anh ấy không nhận. Anh ấy bảo đưa sang cho bệnh viện.

- Đưa cho bà cụ ấy…

- Bác ấy cũng không nhận…

Rồi các anh ấy dẫn tôi vào xưởng.

Xưởng gồm có ba cái lán dài dựng thành hình chữ U, giữa rừng già, quanh năm không có ánh mặt trời.

Các lán đều lợp bằng lá mây xung quanh che tranh rất kín. Giữa rừng sâu, không khí quanh năm ẩm thấp phải che như vậy cho bớt lạnh. Lán giữa dùng làm kho để các vũ khí vừa sản xuất ra hay vừa chữa lại. Lán bên phải, dài hơn là nơi anh em công nhân làm việc. Trong lán để nhiều máy móc: máy đục, máy khoan, máy bào… Những máy đó đưa từ Huế lên ngay ngày đầu chuẩn bị kháng chiến, nhưng không dùng được vì không có điện. Anh em phải làm bằng tay. Ba cái lò rèn, suốt ngày đêm đỏ rừng rực, mọi thứ đều làm quanh đây. Anh em thay phiên nhau cùng làm. Ở đây làm việc không giờ giấc, mà làm theo trách nhiệm. Ngoài hai bữa cơm, anh em muốn làm lúc nào thì làm. Có người vừa bỏ đũa xuống đã ra cầm lấy búa, hoàn thành các việc mình đang còn làm dang dở. Họ làm như làm việc nhà. Có đồng chí sốt nằm run bần bật, nhưng hết sốt rồi là cầm lấy cái dũa, cái kìm, cái cưa, sửa cái này, cái khác. Giữa rừng lắm muỗi, ăn uống lại quá kham khổ, anh em bị sốt liên miên. Bệnh sốt rét không trừ ai và cũng không quy định một giờ giấc nào… Cho nên, hễ cơn sốt qua rồi, họ lại bắt tay vào việc. Ai cũng vậy, cũng chả ai khuyên ai. Ai làm việc nấy, và cứ thế mà làm cho tròn công việc của mình. Hễ thấy người ngây ngất là sang lán nhà ngủ, leo lên chiếc sạp dài bằng nứa, vơ tất cả chăn chiếu đắp lại và bắt đầu run… Cuộc đời của công nhân hồi đó là như vậy, nhưng cũng chẳng ai phàn nàn, oán trách. Mọi người như vậy cả, oán trách ai?

Tôi theo anh Lục, anh Sáu đen vào xưởng. Anh em công nhân khoảng gần ba mươi người đang làm việc. Người nào cũng mặc quần đùi, áo lót. Có nhiều áo quần đã vá. Không khí luôn luôn ấm vì có mấy cái lò… Anh Sáu đen giới thiệu tôi với anh em. Tôi đi bắt tay từng người. Ở đây có đủ tất cả các lứa tuổi. Có người ngoài năm mươi, bốn mươi và nhiều người từ ba mươi trở xuống. Họ trước đây là những người thợ tiện, thợ nguội tình nguyện đi theo cách mạng từ những ngày đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:28:50 am »

Tôi nói chung với tất cả anh em:

- Bộ đội chúng ta đang rất cần súng đạn…

Một bác thợ già trả lời ngay:

- Chúng tôi cũng biết như vậy, cho nên chúng tôi làm suốt đêm, suốt ngày…

Rồi bác đưa cho tôi xem một quả lựu đạn vừa mới làm xong.

Tôi hỏi:

- Chất lượng có khá không?

- Bác trả lời:

- Báo cáo tốt ạ! Các đơn vị đã nhận về đánh chác, đều hoan nghênh.

Anh Sáu đen nói thêm:

- Chúng tôi đã sản xuất loại cối 60 ly theo mẫu của Liên khu IV mà ta gọi là móc-ta… Anh sang xem.

Anh Sáu đen và anh Lục dẫn tôi vào lán giữa. Ở đó, để các vũ khí đã chữa xong, xếp theo từng loại. Súng trường, súng máy, mìn định hướng… và chỉ cho tôi những khâu cối, anh nói:

- Chúng tôi vừa làm xong, chưa thử. Hôm nào thử, mời các anh đến xem…

Tôi nhận lời.

Khi qua cái sân rộng khá sạch sẽ vì anh em quét dọn luôn, anh Sáu đen chỉ vào một đống rất to gồm dao, cuốc, nồi niêu hỏng… nói với tôi:

- Nguyên liệu thiếu quá anh ạ. Chúng tôi đã cho anh em về đi khắp các nơi để tìm kiếm, vẫn không đủ, nhất là thuốc súng. Nếu các anh có những quả bom, quả pháo không nổ nhớ gói về cho chúng tôi để lấy thuốc, đừng bỏ phí, rồi lại trở về với bộ đội thôi.

Chúng tôi cười, Tôi hứa sẽ về phát động trong các đơn vị bộ đội một phong trào thu nhặt sắt thép cho xưởng. Trước mắt sẽ đem đến những đoạn đường ray, những tà vẹt trên các đoạn đường sắt bị phá hoại để anh em kịp thời sản xuất vũ khí.

Chúng tôi đến lán ở để thăm anh em đang ốm.

Trước cửa lán, cạnh bếp, có hai người đàn bà đang ngồi bóc sắn. Thấy chúng tôi, họ ngước mắt nhìn lên. Một người già, một người trẻ. Cô gái trẻ môi trên bị sứt một miếng chỗ răng cửa. Tôi ngờ ngợ, hình như tôi đã gặp một lần nào. À nhớ ra rồi, tôi đã thấy cô ta tập ném lựu đạn giữa sân rồng trong Đại nội. Tôi nhìn kỹ: người béo tròn, thâm thấp… đúng, không sai. Tôi nói đùa, giả tiếng Huế:

- O không ở dưới Huế, lên chi đây?

Cô ta nhìn tôi hỏi lại giòng bè bè vì sứt môi, nói không rõ:

- Răng, eng biết tui ở Huế!

- Tui đã chộ o tập quăng lựu đạn trong Thành nội.

Cô nói, giọng tỏ vẻ bực tức:

- Chà, lựu đạn gỗ, quăng chết ai! Hồi bọn Tây mới vô, không có lựu đạn mà quăng tui tức lắm.

- O tức cho nên o mới vô đây tìm lựu đạn thật chớ chi?

Tôi quay lại nói đùa với anh Sáu đen:

- Coi chừng, không o nớ ăn cắp lựu đạn đó!

Chúng tôi cùng cười. Sáu đen nói:

- O nớ có người chú ruột làm ở đây. Lúc sơ tán, o nói với chú xin đi theo, sợ ở nhà, chúng nó biết o làm du kích, chúng nó bắt… O cứ đòi làm thợ, chúng tôi không cho, bắt làm nhà bếp, o khóc.

- Nấu ăn cho anh em ăn để anh em làm cũng là kháng chiến chứ sao?

Cô nói, vẫn với giọng bực tức:

- Chà! Kháng chiến, Kháng chiến! tui chỉ muốn có lựu đạn quăng ba thằng Tây cho chúng nó chết nhăn răng!

Chúng tôi cười, vào trong lán.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2015, 08:29:11 am »

Thấy mấy anh em đang trùm chăn, trùm chiếu kín mít, run cầm cập, lòng tôi se lại. Tôi cúi xuống lấy nửa người đè lên chăn, chiếu cho anh em đỡ run, nước mắt cứ muốn tràn ra, vì sao mà anh em phải khổ như thế nà? Phải chăng vì cách mạng, vì độc lập tự do…

Ra về tôi cứ bùi ngùi trong dạ.

Đi qua bệnh viên, tôi rẽ vào. Tôi muốn thăm một số anh em bị thương nặng của đơn vị chuyển về đó. Tôi gặp y sĩ Ái Phương đang đứng bên một chiếc băng ca chỗ bệnh nhân vừa đến.

Y sĩ Ái Phương là một trí thức đã tham gia cách mạng trước ngày cướp chính quyền. Tôi đã gặp Ái Phương vài lần chỗ anh Thanh, nên chúng tôi quen biết. Sau khi bắt tay, tôi nói:

- Anh cứ làm việc đi! Anh cho phép tôi vào thăm anh em một tý.

- Vâng, xin lỗi anh, tôi đang bận, chốc nữa, xin gặp anh…

Anh quay sang nói với cô y tá đứng cạnh:

- Đồng chí đây là chính ủy trung đoàn đấy! Cô dẫn đồng chí đi thăm anh em. Và bảo cô Bích Liên ra đây với tôi…

Tôi theo cô y tá dẫn đường.

Trước khi đi vào ba huyện phía Nam, tôi cũng đã đến bệnh viện này một lần. Vẫn như cũ. Nhà của thương bệnh binh cũng như nhà ở của nhân viên quân y đều lợp bằng tranh, xung quanh buộc lá nứa, sơ sài, che giò mưa một cách tạm bợ. Sạp nằm làm bằng những cành cây to bằng ngón chân. Để bệnh nhân nằm đỡ đau lưng, anh em lót dưới chiếu một lớp lá dày. Các nhà đều làm dưới những cây to, giữa rừng sâu máy bay địch không thể phát hiện được.

Anh em kể lại rằng, buổi đầu, lúc mới dựng, đêm nào cọp cũng đến rảo quanh nhà, rú inh ỏi. Anh em sợ quá, run bắn người, không sốt mà run. Thỉnh thoảng, giữa ban ngày, một vài con voi to tướng, đen sì, vung vẩy chiếc vòi, dùng dình đến “thăm”. Anh em cứ tái mét mặt. Đã thiếu máu lại thiếu máu thêm. Cho nên, những ngày đầu anh em cứ phải cắt người canh gác, hễ thấy “khách voi” đến, anh em lại lấy thùng sắt, cuốc, xẻng ra gõ ầm ĩ để “khách voi” sợ bỏ đi. Ban đêm, anh em đốt lửa rần rật quanh nhà cho cọp sợ. Ở giữa rừng sâu, cách địch rất xa, tàu bay đên không có, nên anh em không ngại.

Đời sống của thương bệnh binh cũng như anh chị em phục vụ rất thiếu thốn. Gạo quá hiếm, anh em toàn ăn sắn, ăn khoai, môn, chuối, rau rừng… Cháo cũng chỉ nấu bằng những thứ ấy. Áo quần thì không đủ mặc. Khi trời sáng, mỗi lần ra khe tắm, anh em giặt quần áo. Tắm xong, anh em cứ trần truồng như vậy chờ áo quần khô, mới mặc lại. Lâu ngày thành lệ, anh em có nơi tắm riêng, dọc bờ suối, cây có chỗ hở, nắng lọt xuống, áo quần chóng khô. Những nơi ấy, chị em phụ nữ phục vụ trong bệnh viện không bao giờ đi qua. Có anh thương binh tinh nghịch đã viết nên một tấm gỗ cắm đầu đường “Cấm phụ nữ!”.

Đêm xuống, trong rừng rất lạnh. Anh em đốt lửa ngồi quây quần xung quanh, có khi ngồi suốt đêm, vì càng về khuya càng lạnh. Thiếu cơm, thiếu áo, lại thiếu ngủ, người anh em cứ quắt lại.

Khổ nhất vẫn là chữa bệnh. Thuốc men không có, y cụ không có. Có những thương binh phải cưa tay, cưa chân, phải cưa bằng cái cưa thợ mộc. Không có thuốc mê, anh em phải nghiến răng lại chịu đựng. Bệnh nhân đau quá khóc. Y sĩ, y tá phục vụ cũng khóc như đứng trước một đám tang.

Nhà cửa vẫn như cũ, nhưng sinh hoạt dần dần được cải thiện. Sau khi bộ đội ta về đồng bằng, phong trào kháng chiến lên cao, bà con giúp đỡ lúa gạo khá nhiều. Đường liên lạc giữa đồng bằng và chiến khu được mở rộng, việc chuyên chở có phần dễ dàng hơn. Thêm vào đó, việc tiêu bạc cụ Hồ cũng làm cho ta có thể mua thuốc men, vải vóc, chăn chiếu… Bây giờ, tuy vẫn sắn khoai là chính, nhưng thỉnh thoảng có cơm, có cháo, những người đau nặng có sữa, có đường dù ít thôi, nhưng vẫn là có. Anh em đã có áo quần mặc, của nhà nước cho, của gia đình cho. Mùa hè đã có quần áo lót, áo cổ vuông, mùa đông có áo trấn thủ… Và bây giờ, vì thấy đông người, cọp voi cũng sợ, không dám đến “thăm viếng” nữa.

Gặp tôi anh em vui mừng, tôi cũng vui mừng. Anh em hỏi tíu tít về tình hình đồng đội mình. Về những trận đánh đã xảy ra, trăm thứ chuyện, trăm câu hỏi, tôi không thể nào trả lời hết. Thì giờ có hạn…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM