Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:53:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những ngày khói lửa  (Đọc 74960 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:41:55 am »

Sau trận Hộ Thành, chúng tôi rất phấn khởi. Để phát huy thắng lợi, chúng tôi định đánh thêm một đồn nữa, đồn Đất Đỏ.

Từ khi lập hệ thống chiếm đóng, thực dân Pháp đã chú ý xây dựng vị trí trước cửa ngõ chiến khu ta để kiểm soát con đường liên lạc giữa chiến khu và đồng bằng. Chúng nó cũng biết chúng ta lên chiến khu không phải bỏ đồng bằng. Cho nên muốn kiểm soát được đồng bằng, kiểm soát được dân thì chúng phải cắt đứt sự liên hệ của ta giữa đồng bằng và chiến khu. Vì vậy, ngay sau khi chiếm đường số 1, chúng lập tức nống ra đến sát núi và đóng ngay một đồn tại làng Đất Đỏ trước mặt chiến khu Hòa Mỹ. Chính cái đồn này, hôm ở Trò về, tôi và Hồ định lên chiến khu, không qua được phải lộn trở lại…

Chúng tôi đã bàn bạc thống nhất với Thường vụ Tỉnh ủy là phải diệt bằng được đồn này. Địch ở đây không đông lắm, chỉ có một trung đội bảo vệ và năm sáu tên Pháp. Chúng đóng trong đình làng, tường gạch mái ngói. Bên ngoài có thành đất thấp ba mặt, có ba ụ đại liên mới đắp thêm, nhô lên khỏi mặt thành. Xung quanh là ruộng bậc thang. Chúng đang bắt lý trường làng Đất Đỏ, lý Cảnh nộp phu, mỗi ngày 30 người để đào hào, đắp lũy, củng cố đồn trại.

Làm thế nào diệt được đồn mà ta ít tổn hại nhất? Anh Lâu và tôi bàn nhau phải nhân lúc nó bắt phu, đưa người của ta vào làm trong đồn để nắm tình hình kho tàng, vũ khí, giờ giấc sinh hoạt canh gác của chúng trước rồi sẽ quyết định cách đánh.

Chúng tôi gọi lý Cảnh đến.

- Mấy hôm vừa rồi, ông cung cấp cho đồn bao nhiêu người một ngày?

Lý Cảnh tưởng bị chất vấn về tội làm việc cho giặc, run sợ thanh minh:

- Dạ… dạ… quả tình tôi không có bụng tiếp tay cho giặc, chỉ là do bị bắt buộc thôi, không làm không được ạ!... Tôi ăn ở với làng xóm trước nay ra răng, có bà con biết… Dạ, xin các anh soi xét…

- Bình tĩnh lại ông Cảnh. Chúng tôi không nói ông làm tay sai cho giặc. Chính là vì thấy ông là người biết điều nên chúng tôi muốn ông giúp một việc quan trọng này.

- Dạ, giúp các anh được việc chi, tôi xin hết lòng. Lý Cảnh vừa thở phào, vừa lấy khăn lâu mồ hôi trán.

- Đình làng là nơi thờ cúng, chúng nó biến thành trại lính ô uế vậy, ông thấy thế nào?

- Dạ, các anh hỏi mới dám nói, tức trong bụng lắm. Tức lắm! Không phải chỉ mình tôi mà nói chung, bà con đều căm ghét, muốn giết hết tụi nó mà không biết làm răng được.

- Vậy bây giờ chúng ta phối hợp với nhau, đánh bật chúng đi. Từ sáng mai, mỗi ngày ông cứ nhận vài chục anh em bộ đội, coi như dân làng đưa vào làm phu trong đồn. Phải bí mật và khôn khéo làm cho địch không nghi ngờ. Còn bao giờ đánh và đánh thế nào, chúng tôi đã có cách. Ông có làm được không?

- Dạ, tôi xin làm được ạ!

Đã một tuần qua, ngày nào cũng có ba chục chiến sĩ ta, mặc như thường dân theo lý Cảnh vào trong đồn Đất Đỏ làm việc.

Sáng ngày thứ tám, cũng số anh em vệ quốc quân ấy đi vào đồn, mỗi người đem theo một mo cơm và dao rựa, cuốc thuổng như mọi ngày. Có khác là trong nhiều mo cơm hôm nay, có thêm cả lựu đạn.

Năm giờ chiều là giờ lính trong đồn ăn cơm. Mấy tên Pháp ngồi ăn ở trong đình. Bọn bảo vệ thì ngồi ngoài sân như thường lệ không đề phòng gì hết. Bộ đội ta sắp sửa hành động thì xảy ra một tình huống ngoài dự kiến: một tiểu đội bảo an đi lấy gạo vừa về, có mang súng. Chúng vội xông vào ngồi ăn, súng còn để cạnh người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2015, 09:42:20 am »

Một phân đội của ta, do đồng chí Lạc chỉ huy, có nhiệm vụ đến phối hợp đánh từ ngoài vào. Đơn vị đã hành quân đến cách đồn một ki-lô-mét, nhưng thấy trời còn sáng quá, không có cách gì tiếp cận được, đành phải dừng lại. Đây cũng là một tình huống bất lợi nữa đã xảy ra ngoài dự kiến. Bọn lính ăn sắp xong. Có đứa đã bỏ đũa đứng dậy. Nếu chần chừ chút nữa, chúng nó sẽ phân tán mỗi đứa một nơi thì không thực hiện được kế hoạch. Nghĩ vậy, anh em ta ở trong đồn, cứ theo kế hoạch cũ, ném lựu đạn vào các mâm cơm trong nhà, ngoài sân. Đồng thời một số đồng chí khác chạy đến phá cửa kho lấy súng. Nhưng việc phá cửa kho hơi lâu nên bọn địch đã nổ súng trước làm bộ đội ta bị thương một số. Anh em còn lại, vì không có vũ khí, phải rút chạy.

Đây là hậu quả của một kế hoạch táo bạo nhưng thiếu tỉ mỉ, cụ thể và không dự kiến trước cách đối phó với các tình huống phức tạp có thể xảy ra trong chiến đấu. Do đó, khi bọn địch vào ngồi ăn vẫn để súng bên cạnh, anh em ta đâm lúng túng, mất tỉnh táo để cân nhắc hành động của mình.

Chúng tôi nghe báo cáo nhiệm vụ chưa hoàn thành, rất lo lắng. Nên tổ chức đánh lại ngay hay để hôm khác? Nếu trì hoãn đến hôm khác thì chắc đánh sẽ khó hơn, vì địch sẽ tăng cường thêm lực lượng, vũ khí, công sự. Đánh lại ngay trong đêm thì bộ đội có vất vả nhưng có thuận lợi lớn là bọn địch bị bất ngờ. Vì lúc tối, chúng thấy bên ta một số bị thương rút chạy không không thể nghĩ rằng ta có thể trở lại đánh ngay được nên chưa chuẩn bị đối phó.

Chúng tôi quyết định đánh lại trong đêm ấy. Lực lượng tác chiến là phân đội đồng chí Lạc và số anh em đã vào làm phu trong đồn mấy hôm nay còn lại. Vũ khí được tăng cường thêm một trung liên.

Bộ đội ta đang ức vì chưa diệt được đồn đã bị thương, khí thế đang hăng hái. Khi nhận được lệnh tiếp tục tấn công, anh em rất phấn khởi nên công tác tổ chức tiến hành nhanh chóng.

Hai giờ sáng, quân ta bí mật áp sát đồn. Tên lính gác đang ngủ gà ngủ gật bị diệt ngay không một tiếng kêu. Bọn địch trong đình, sau khi giải quyết hậu quả trận chiến đấu lúc chiều đều mệt mỏi, lăn ra ngủ li bì. Khi nghe trung liên nổ rầm rầm trước cửa, chúng hốt hoảng chui cả xuống bệ thờ, gầm bàn. Ba tên Pháp nhảy tót vào nấp trong khám thờ. Anh em ta liền đốt mái nhà bếp bằng tranh để uy hiếp. Ngọn lửa luồn sang mái đình, khói nóng dày đặc cuộn vào nhà. Ba tên Pháp ngồi trong khám lo sợ tưởng chết thiêu đến nơi, vội nhảy xuống, chui ra cửa, giơ tay xin hàng. Bọn bảo an, trừ vài tên nhanh chân, thoát được còn lại ra hàng tất. Bộ đội ta hạ ngay lá cờ tam tài xuống và kéo cao lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột trước sân đình.

Đồn Đất Đỏ bị diệt. Vật chướng ngại án ngữ cửa ngõ chiến khu bị gạt bỏ. Ta thu 5 súng cối 60, 2 đại liên bờ-ra-ninh, 3 tôm-xông, 11 súng trường, 6 súng ngắn, 2.000 viên đạn, 150 lựu đạn.

Hôm sau, lại có một toán biệt kích trên 10 tên đi thuyền theo đường sông từ Phò Trạch lên làng Đất Đỏ. Bộ đội ta, được dân báo, ra phục kích lấy thêm một số súng. Từ đó, chúng thôi, không đóng đồn Đất Đỏ nữa.

Với vũ khí mới thu được này, trung đoàn thành lập thêm một đại đội pháo cối và một trung đội đại liên.

Trận Đất Đỏ gây một tiếng vang lớn trong tỉnh. Ta đã tiêu diệt được một đồn tương đối lớn trong đó có cả lính Tây và thu toàn bộ vũ khí.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, ta đã đánh thắng hai đồn Hộ Thành và Đất Đỏ. Bà con ta, nhất là nhân dân trong thành phố Huế rất thích thú, bàn tán xôn xao.

Sau đó, mỗi khi vào quán uống nước chè hay ăn gì đấy, họ hỏi nhau:

- Mấy bữa ni, bộ đội miềng đánh ở mô eng?

- Có tin chi không eng?

Một phong trào quật khởi đã dấy lên trong lòng dân, mở đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn khôi phục và phát triển công cuộc kháng chiến của nhân dân Thừa Thiên - Huế.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:08:25 am »

VI. NÔNG THÔN VÙNG DẬY

Sau chiến thắng Hộ Thành, Đất Đỏ, một hôm, anh Thanh bảo tôi:

- Ba huyện phía nam Thừa Thiên coi như mất chính quyền, nhân dân vẫn hướng về kháng chiến, nhưng nếu ta không nhanh chóng khôi phục lại phong trào thì rồi nhân dân cũng mất. Anh mang một tiểu đoàn vào đó vừa chiến đấu, vừa giúp cán bộ địa phương, công an làm công tác diệt tề trừ gian, xây dựng lại chính quyền, các đoàn thể quần chúng, dân quân du kích. Chắc chắn rất gian khổ ác liệt đó. Anh vào bàn với các huyện ủy, sẽ tìm ra cách làm cụ thể. Phải tin quần chúng, dựa vào quần chúng mới làm được. Nhưng quần chúng bây giờ đang bị địch khống chế. Cho nên, có đánh được giặc thì mới có phong trào cách mạng, có gạo, có vũ khí và có lực lượng bổ sung cho đơn vị. Làm sao cho các huyện nam Thừa Thiên có cơ sở vững và tiểu đoàn cũng được xây dựng mạnh.

Tôi cũng đã biết, trong ba tỉnh Bình - Trị - Thiên, thì Thừa Thiên bị vỡ mặt trận trước. Ba huyện phía nam: Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy bị thiệt hại nhiều hơn. Cán bộ huyện phần lớn chạy lên núi. Cán bộ xã cũng chạy lên núi, một số chạy ra phía bắc. hầu hết các thôn xã cả ba huyện, địch đã tổ chức được hội tề, hương vệ, có phát súng…

Anh Thanh giao nhiệm vụ trực tiếp cho tội; đó cũng là thực hiện Nghị quyết của hội nghị Tỉnh ủy vừa qua.

Không khí chuẩn bị rất khẩn trương. Tôi lấy tiểu đoàn 18 trước đây đã đóng ở Phú Lộc làm nòng cốt, bổ sung thêm một số cán bộ và đảng viên mới kết nạp. Tất cả là 64 người biên chế thành hai đại đội bộ binh và một tổ trợ chiến.

Tỉnh ủy cho một con bò. Anh em làm muối sả để mang theo, cứ mỗi cân thịt, một cân mối, một cân ớt, sả. Trung đoàn ưu tiên dồn cho tiểu đoàn này mỗi người một ruột tượng gạo, một đôi dép lốp. Nghe được dép lốp, anh em mừng lắm vì hồi này, chỉ anh Hà Văn Lâu và một vài cán bộ có dép đi, còn nói chung vẫn đi chân đất. Sau khi mặt trận vỡ, anh Sáu đen ở xưởng sửa chữa ô-tô đã chuyển được một số lốp ô-tô cũ lên Hòa Mỹ, thấy lốp ô-tô ở đây cũng chẳng làm gì, anh Lâu mới bàn với anh Sáu đen đem số lốp ấy làm dép cho bộ đội. Do đó, bộ đội Thừa Thiên có dép lốp trước, rồi lan ra Quảng Trị, Quảng Bình. Về sau ở Liên khu bốn, Liên khu ba cũng phát triển kiểu dép này, đều gọi là dép Bình Trị Thiên. Nhưng anh Lâu không nhận đó là sáng kiến của mình. Anh nói dân đi củi, đi than, dân kéo xe ở Trị Thiên đã biết đeo dép từ mấy đời rồi. Chỉ khác là trước kia chưa có lốp ô-tô, họ phải dùng lốp xe kéo, xe đạp, có người còn dùng cả mo cau, lấy dây mây làm quai. Trong cuộc hành quân vào nam Thừa Thiên ấy, và mãi sau này, đôi dép cao su ngày càng trở thành người bạn thân thiết của bộ đội ta trên đường Trường Sơn vạn dặm.

Từ Hòa đến Khe Tre thuộc mền Tây huyện Hương Thủy cứ kẻ đường thẳng, chỉ khoảng chừng 50 ki-lô-mét. Những đường số 1, đường đồng bằng, đường ven núi đều bị địch khống chế không đi được. Chỉ còn cách đi theo đường núi. Mà đường núi thì nhiều đoạn phải vừa mở, vừa đi, và phải qua bao đèo dốc, khe suối mất bao nhiêu ngày chưa ai tính được. Và cũng chưa biết ai là người sẽ dẫn đường cho đơn vị.

Giữa lúc đó, có bác Học, người tiếp phẩm già của trung đoàn xin tình nguyện đi phục vụ đơn vị và làm người dẫn đường luôn. Tuy nói là già, nhưng tuổi bác vào khoảng năm mươi, người cao lớn, khỏe mạnh, hay nói, hay cười, anh em ai cũng thích. Bác có một lý lịch khá đặc biệt. Trước đây nhà nghèo, bác làm nghề trộm trâu, bị bắt giam ở lao Thừa Phủ. Tại đây bác được gặp một số tù chính trị. Từ chỗ mến phục tư cách người cộng sản, dần dần bác yêu quý công việc của họ làm. Cách mạng Tháng Tám thành công, bác được ra tù và xin vào Vệ quốc đoàn luôn. Đơn vị phân công bác làm việc gì, bác sẵn sàng nhận không kể gì khó khăn, nguy hiểm. Được tin bác Học xin đi theo đơn vị, anh em rất hoan nghênh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:08:59 am »

Tiểu đoàn ra đi vào giữa tháng Tư, trời đã bắt đầu nóng nực. Nhưng trong rừng, nhiều nơi không có anh sáng mặt trời, khí hậu vẫn còn ẩm ướt, nhất là sau những trận mưa giông, lũ sên, vắt núp dưới những đám lá khô, ngửi thấy hơi người, vùng dậy la liệt tấn công như chớp. Bộ đội ta hồi ấy chưa được phát quần áo giày mũ, phần đông mặc quần dài, nên vắt tha hồ mà hút máu. Cứ đi một đoạn, chúng tôi phải ngồi trên những mỏm đá khô, trật dép bắt vắt. Sau này, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đi đường rừng, bộ đội được phát các thứ thuốc chống vắt, lại có giày vải và tất cao cổ. Hồi ấy, chỉ biết mỗi thứ chống được vắt là xà phòng. Nhưng xà phòng không phải ai cũng có nên đành phải để cho vắt “đòi tiền mãi lộ”.

Đường đi lại lắm dốc, lắm đèo. Có những dốc cao vời vợi đi cả buổi mới đến đỉnh. Có những dốc dựng thẳng đứng, lên dốc gót chân người trước chạm trán người sau, xuống dốc, mũi chân người sau chạm đầu người trước. Đường lại rất hoang vắng, có khi đi năm bảy ngày chẳng gặp một bản làng, một người dân nào. Tối đến, tiểu đoàn phải dựng lán để ngủ. “Màn trời chiếu đất” là cảnh sống của người chiến sĩ. Màn bằng lá chuối, chiếu cũng bằng lá chuối. Chuối trong rừng rất nhiều. Gặp một trận mưa đêm, tất cả ướt như chuột lột.

Lúc ra đi, ai cũng nghỉ chỉ năm bảy hôm là đến nơi, không ngờ hơn mười ngày sau mới đến. Có thể nói rằng, chúng tôi có vinh dự làm việc “xẻ dọc Trường Sơn” từ dạo ấy.

Đến Khe Tre, đơn vị gặp các đồng chí huyện Hương Thủy. Anh em gặp nhau rất mừng vì đã đến địa bàn hoạt động sau một cuộc hành quân vất vả không ai bị rơi rớt dọc đường. Cán bộ địa phương mừng vì có bộ đội về hoạt động, sẽ tạo được điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục phong trào.

Cơ quan cả hai huyện Phú Lộc, Phú Vang cũng ở gần Khe Tre. Tiểu đoàn đóng phái ngoài một đoạn ở khe Mụ Khâm.

Đơn vị vẫn gặp khó khăn về lương thực. Trong cuộc hành quân vừa rồi vì kéo dài những ngày về sau, bộ đội phải giảm khẩu phần ăn đến mức tối thiểu. Dọc đường, cứ nghỉ năm, mười phút, anh em tranh thủ đi tìm rau tàu bay, môn thục, măng, dâu da, ếch nhái… để đến bữa nấu ăn. Đến địa điểm tưởng rằng mức sinh hoạt khá hơn, nhưng vẫn thế. Huyện không có lương thực dự trữ. Muốn dựa vào dân thì vùng này địch kiểm soát rất chặt chẽ. Nhân dân muốn tiếp tế cho bộ đội cũng rất khó. Địch thường hay phục kích các ngả đường. Muốn dựa vào đồng bào dân tộc thì họ ở rải rác và rất xa. Có người đề nghị vào nhờ Liên khu năm giúp đỡ. Nhiều người tán thành. Đồng chí Nguyễn Húng trước đây từng ở với tôi trong nhà tù Buôn Ma Thuột được cử đi cùng với 20 dân công. Đến Quảng Nam, được giúp một số gạo. Trong đó, cũng đang gặp khó khăn về lương thực. Nhưng từ Quảng Nam về lại Hương Thủy, đường sá cũng rất xa xôi, lắm đèo nhiều suối, anh em phải đi mất mười mấy ngày.. Cũng phải ăn ở dọc đường, nên khi về, còn lại chẳng bao nhiêu, chỉ để dành cho người ốm. Những người lành thì vẫn sắn, khoai và các loại rau cỏ rừng…

Trong khó khăn, gian khổ, con người càng thương yêu nhau. Cán bộ, chiến sĩ coi nhau như anh em ruột thịt, cùng nằm chung một sạp, ăn chung một mâm. Nói thế cho dễ hiểu, chứ làm gì có mâm! Mà cần gì đến mâm! Nếu ăn sắn khoai thì mỗi người cầm vài củ. Hôm nào, may lắm được ăn ngô, thì mỗi người lưng một bát - bằng gáo dừa hay mo cau - rồi tùy ý “độc lập tác chiến”. Anh nuôi đã trộn sẵn muối với ngô, khoai, sắn rồi. Mắm tôm - người miền trong gọi là ruốc, đối với bộ đội lúc đó là món ăn cao cấp. Một hôm tôi đến đồn công an Hương Thủy, gặp anh em từ đồng bằng lên, mang theo một ít mắm tôm. Các anh bào mỏng sắn nấu thành một thứ cháo sền sệt rồi cho vào một ít mắm tôm và ớt. Anh Tú, đồn trưởng công an mời tôi ăn một bát. Tôi thấy ngon lạ lùng, có cảm giác như chưa bao giờ được ăn một bát cháo ngon như thế!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:09:39 am »

Ngay hôm tiểu đoàn mới đến, anh Phan Sung, Bí thư huyện ủy đã cho tôi biết tình hình dưới đồng bằng. Chính quyền không còn. Quần chúng bị địch khống chế. Thanh niên bị địch bắt vào dân vệ và đã phát súng. Cán bộ không về hoạt động được. Không những địch khống chế dân, chúng còn kiểm soát chặt chẽ các con đường từ đồng bằng lên núi. Ba ngày chúng đặt súng trên các trạm gác gần đường, thấy người qua lại là bắn. Ban đêm, chúng cho lính đi tuần và phục kích những nơi cán bộ, bộ đội ta qua lại.

Anh cho tôi biết kế hoạch xây dựng lại cơ sở Đảng, chính quyền và quần chúng trong huyện theo Nghị quyết của tỉnh ủy đã đề ra. Thái độ của anh kiên quyết, nhất là việc phân công cán bộ Đảng về vùng sâu, bám chặt cơ sở xây dựng phong trào. Sau đó anh đề nghị bộ đội đánh vài trận để nhân dân tin tưởng, góp phần khôi phục phong trào.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về công tác trong huyện, về cách đánh. Nhưng phải đánh làm sao chắc thắng, có như vậy mới gây được lòng tin trong nhân dân.

Cán bộ trong tiểu đoàn họp lại cùng nhau bàn bạc. Anh em thấy rằng với khả năng hiện có, chỉ có thể đánh bọn đi tuần, bọn đi phục kích lẻ tẻ.

Sau khi bàn đã thống nhất, đơn vị cử người đi nắm tình hình địch. Đồng bào cho biết bọn lính Pháp ở đồn Phú Bài, tối tối thường hay đi tuần đến cầu Truồi rồi trở ra. Lực lượng chúng thường có khoảng 20 - 30 tên. Nghiên cứu thăm dò được rồi chúng tôi quyết định phục kích đánh bọn này.

Quân số lúc đó, tuy gọi là tiểu đoàn nhưng chỉ có 64 người. Sau cuộc hành quân và ăn uống quá kham khổ, anh em bị đau ốm nhiều, nhất là bệnh sốt rét dày vò. Ở rừng, muỗi như trấu, chỉ giơ tay quơ một cái là vơ được mấy con. Hồi đó làm gì có mùng màn. Nhớ lại, một lần có đồng chí cán bộ trung đội tốt nghiệp trường quân chính Nhượng Bạn (Nghệ Tĩnh) mới bổ sung vào đơn vị mang theo một chiếc màn the. Thế mà cả tiểu đoàn rủ nhau đến xem, mỗi người đều sờ một tí, rồi tắc lưỡi khen mãi. Đồng chí cán bộ ta thấy tiểu đoàn đơn vị ta thiếu thốn quá, không đành giữ màn nằm riêng, đưa tặng trạm xá để anh em bệnh binh dùng chung.

Lúc ấy cả tiểu đoàn chỉ có mười người còn khỏe. Nhưng nghe nói đi đánh, ai cũng đòi đi. Tôi không cho. Anh em cứ nằng nặc không chịu. Tôi phải giải thích, cuộc kháng chiến còn dài, giặc còn đó, đi đâu mà vội. Cứ tĩnh dưỡng cho khỏe đã rồi hay.

Bộ đội hành quân. Tôi cũng đi theo để chiến đấu với anh em. Biết tôi làm chính ủy trung đoàn, anh em không cho. Tôi cười nói: chính ủy trung đoàn cũng là bộ đội. Đã là bộ đội thì phải đánh giặc! Các đồng chí cấm thế nào được tôi? Anh em đuối lý, đành chịu phải để tôi đi.

Đây là trận đánh đầu tiên ở miền nam Thừa Thiên và cũng là trận đầu tiên tôi được trực tiếp chỉ huy chiến đấu với anh em trong một đơn vị nhỏ.

Đơn vị ra đến đường quốc lộ số 1 vừa chập choạng tối. Cách đầu Truồi vài ki-lô-mét đã thấy một cái chòi canh bên cạnh đường. Hai anh nông dân đứng canh, thấy chúng tôi, định đánh mõ báo hiệu. Một đồng chí nhanh chân chạy tới, chụp lấy dùi mõ, hỏi:

- Anh định đánh mõ báo cho Tây phải không?

Anh ta sợ quá, nói lắp bắp:

- Mấy ông ấy dặn… Hễ thấy người lạ… phải đánh mõ không… họ bỏ tù!

- Mấy ông nào? Ta hay Tây?

- Dạ, vừa Tây, vừa ta… ở đồn Phú Bài mới đi qua đây một lúc thôi.

- Mấy người?

- Dạ, hơn hai chục.

- Chừng bao lâu nữa, chúng nó về?

- Dạ, tôi không biết chắc. Nhưng, thường họ đi thì chút nữa sẽ trở về đồn.

Anh em tạm trói hai anh nông dân lại, đưa ra sau vị trí phục kích.

Nằm đợi đến hơn nửa giờ, không thấy gì. Máy cậu thèm thuốc lá, tự động rúc vào lùm cây ngồi hút. Khi thấy có tiếng nói xì xồ và tiếng giầy đinh lộp cộp, anh em mới bò về vị trí chiến đấu thì địch cũng vừa đi qua. Tôi vội ra hiệu đánh. Anh em ném theo ba quả lựu đạn và bắn một loạt tôm-xông. Bọn địch hoảng hốt chạy tán loạn. Trời tối đen như mực nên không biết chúng có bị thương vong gì không. Khi ta ra đường xem, chỉ nhặt được hai khẩu súng trường và vài băng đạn.

Đơn vị rút về. Tôi vừa đi, vừa suy nghĩ nguyên nhân tại sao chưa tiêu diệt được địch. Vừa lúc đó thì có đồng chí lên báo cáo trung đội phó Phạm Hữu Chiến để rơi mất băng đạn tôm-xông. Đây là băng đạn lấy được trong trận Đất đỏ. Vũ khí của tiểu đoàn cũng chỉ có khẩu tôm-xông và hai băng đạn ấy là quý giá. Không có đạn thì súng tốt cũng thành vô dụng. Điều đó, ai cũng rõ. Chính tôi đã nhiều lần cảm động nhìn thấy chiến sĩ của mình nâng niu, lau chùi một viên đạn súng trường và cất gói cẩn thận trong túi áo. Bây giờ nên xử trí như thế nào cho đúng? Anh em vừa mới đi chiến đấu về, vừa mệt, vừa đói, nếu lại đi tìm ngay thì quá vất vả, nhưng nếu bỏ qua thì quá tiếc và ảnh hưởng đến việc duy trì kỷ luật của đơn vị. Tôi quyết định đồng chí Chiến phải trở lại tìm bằng được băng đạn trong đêm ấy, vì chỉ có anh ta là người biết rõ nhất những chỗ cần tìm. Cả đơn vị rất lo, nghĩ rằng khó có thể tìm lại được băng đạn trong đêm tối. Bác Học xung phong đi tìm với Chiến. Bác Học có biệt tài rất nhớ đường. Có lẽ, trước kia hay đi ăn trộm trâu trong đêm tối, nên bác thành thói quen. Quả nhiên, đến gần sáng bác Học và Chiến đã tìm được băng đạn và đã trở về đơn vị. Nghe báo cáo, tôi rất mừng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:10:21 am »

Rút kinh nghiệm trận đánh vừa rồi, tiểu đoàn tổ chức đánh tiếp một trận nữa. Đánh đồn Chóp Chài.
 
Đồn Chóp Chài ở gần Nong và án ngữ trên con đường từ chiến khu về đồng bằng. Ở đây có một trung đội vừa Tây, vừa bảo vệ. Hằng ngày, chúng cho lính đi càn các vùng chung quanh và bắt trâu bò của đồng bào để cung cấp cho quân đội chúng. Ban đêm chúng thường phục kích trên con đường đồng bằng - chiến khu. Đồng bào rất căm tức, không biết tìm cách gì để giành lại trâu bò bị cướp. Nếu để chậm, chúng nó sẽ chuyển trâu bò đi nơi khác như chúng đã thường làm. Ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi bàn với nhau phải tranh thủ đánh đồn Chóp Chài ngay để kịp thời giải phóng số trâu bò của đồng bào vừa bị chúng bắt. Anh em cũng thấy sức bộ đội ta lúc đó diệt đồn thì khó, nhưng phá chuồng đuổi trâu bò về cho dân thì có thể làm được. Kế hoạch là giết tên lính gác bằng đại đao rồi mở chuồng đuổi trâu bò ra. Nếu địch không chống cự thì không cần nổ súng. Phải dành đạn để đánh các trận sau.

Khoảng gần nửa đêm, đơn vị xuất phát. Kết quả diễn ra gần như dự kiến. Trong trận này, bác Học đóng một vai rất đắc lực. Trong đêm tối, bác vẫn thấy rõ nhưng nơi địch nhốt trâu bò, và biết cách tháo chồng lùa trâu ra rất nhẹ nhàng, nhanh chóng. Bọn địch không hay biết gì cả. Phần lớn trâu bò tìm về với chủ cũ trong đêm ấy. Một số con đi lung tung vào rừng, hôm sau đồng bào cũng đi tìm về được. Bà con rất phấn khởi.



Sau các trận Truồi, Chóp Chài, ban chỉ huy tiểu đoàn nghiên cứu đánh thêm một số trận khác. Ý định của chúng tôi là làm sao cho có nhiều trận đánh để cho nhân dân thấy rõ bộ đội ta còn, kháng chiến vẫn còn. Và bọn địch cũng phải chùn bước.

Sau những trận chiến thắng, bà con tự động đem gạo ủng hộ bộ đội nhất là những gia đình có trâu bò được thả về. Số gạo đó, dành cho anh em đau ốm ăn. Nhờ tổ chức được cơ sở, huyện ủy cả ba huyện còn tìm cách mua cho đơn vị một số thuốc. Do đó, sức khỏe anh em bệnh binh ngày càng tăng. Lực lượng có thể tham gia chiến đấu ngày càng nhiều.

Chúng tôi chú ý đến bọn địch ở đồn Tuần. Mấy hôm liền, chúng cứ cho lính đi về Võ Xá, một làng ven đồi. Trên đường chúng nó thường đi, đứa nọ cách đứa kia từ 5 đến mười mét. Làm thế nào để chúng tập trung lại một nơi để diệt được nhiều mà ít tốn đạn? Anh em liền nghĩ ra một mẹo. Đơn vị hầu hết là lính trẻ, phần lớn là nông dân. Nhưng cũng có một vài đồng chí ở thành phố, trong đó có cả học sinh - Tuấn là một trong số anh em ấy. Tuấn mới khoảng 18, 19 tuổi, người mập mạp, trắng trẻo rất dễ thương. Tuấn rất thích hát tuy hát không hay lắm. Những lúc rảnh rỗi, anh em hay đi vào chơi trong các xóm. Đây là vùng tiền chiến khu, nên bọn địch chưa dám hoạt động gì lớn lắm. Vào chơi nhà ai, Tuấn cũng dễ bắt chuyện với bà con, nhất là các cô gái trẻ. Các cô gái trẻ xem chừng cũng rất thích Tuấn, trong đó có Hồng. Hồng chỉ trạc tuổi Tuấn, mười tám đôi mươi, vóc người thon thon, dáng đi nhanh nhẹn có đôi chút thướt tha, Hồng đi buôn ở chợ Tuần, nhưng sau khi chiến sự nổ ra Hồng không đi buôn nữa. Mối quan hệ có vẻ khăng khít giữa Tuấn và Hồng được anh em chú ý và đến tai chúng tôi. Tôi nghĩ, đời chinh chiến, vui vui đôi chút cũng chả sao, miễn dừng làm việc gì phạm đến đạo đức, ảnh hưởng đến tình quân dân và uy tín của quân đội.

Tôi nghĩ đến việc vận động Hồng tham gia vào trận đánh. Công việc của Hồng hết sức đơn giản. Cô chỉ gánh một gánh bưởi già đi bán ở chợ Tuần. Giữa đường thấy địch, làm ra vẻ sợ sệt, đặt gánh bưởi giữa đường, rồi bỏ chạy. Giữa ngày hè, nắng gắt, bọn địch thấy bưởi thế nào cũng tập trung lại ăn và đó là thời cơ ta nổ súng.

Chúng tôi gọi Tuấn đến và giao cho Tuấn nhiệm vụ đi thuyết phục Hồng. Lúc đầu Hồng sợ, nhưng sau khi biết lúc chạy lui, đã có bộ đội phục sẵn ở đấy, nên không sợ nữa. Trong thâm tâm, cô Hồng cũng muốn đi tham gia chiến đấu với anh chàng trai trẻ ấy, không biết Hồng đã thầm yêu trộm nhớ hay không? Nhân chuyện này, tôi sực nhớ đến mấy câu thơ thêu trên chiếc khăn tay màu hồng của cô gái đã tặng cho người trinh sát trong đêm đầu chinh chiến. Tôi đem câu chuyện đó kể lại cho anh em nghe. Tuấn cũng đem câu chuyện đó kể lại cho Hồng nghe. Hồng có vẻ thích.

Theo đúng kế hoạch, đợi cho bọn địch đi càn về, anh em ra chôn hai quả mìn và ngụy trang rất khéo cho địch khỏi trông thấy và phục kích ở các bụi cây rậm rạp ở hai bên đường. Khi bọn địch đi lại, cùng lúc Hồng đi ngược chiều đến, theo hiệu lệnh ngầm của Tuấn núp ở phía trước mặt. Đến chỗ chôn mìn cùng vừa lúc bọn địch xuất hiện. Hồng đặt gánh bưởi xuống, rồi bỏ chạy lui. Giữa lúc đi càn về, bọn địch vừa mệt vừa khát, thấy bưởi liền xúm lại. Một thằng Tây cao to, thấy Hồng chạy liền gọi to, bằng tiếng Việt lơ lớ:

- Ê, con gái! Xít-tốp… (1)

Hai quả mìn nổ tung. Thắng Tây đồn trưởng bị tung lên. Đầu, mình, chân, tay, mỗi thứ một nơi. Mấy thằng Tây khác và một số bảo vệ cũng bị đổ ngồn ngang khắp mặt đường. Số còn lại, hoảng hốt chạy tán loạn đều bị quân ta phục kích, tiêu diệt hết. Chúng tôi được rất nhiều súng đạn. Nhờ số súng đạn đó, chúng tôi xây dựng thêm một đại đội nữa cho tiểu đoàn với số anh em ở địa phương mới xin nhập ngũ. Thế là tiểu đoàn đã có ba đại đội.

Trận đánh đó có tiếng vang rất lớn khắp trong vùng. Bà con nô nức đi xem bọn Tây chết.

Tiếng lành đồn xa…


(1) Dừng lại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:12:04 am »

Chúng tôi nghiên cứu cách đánh một trận khác.

Hồi ấy, sau khi chiếm xong Bình Trị Thiên, địch phải dùng con đường quốc lộ số 1 để tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực cho mặt trận này và mặt trận Trung Lào theo con đường số 9 từ Đông Hà sang. Những vũ khí, đạn được ấy phần nhiều từ bên Pháp chở đến, đổ lên cảng Đà Nẵng. Cả miền Trung, chỉ có cảng Đà Nẵng là cảng tàu bè lớn có thể vào được. Muốn đến Bình Trị Thiên và trung hạ Lào phải qua một con đường độc nhất, đường quốc lộ số 1. Đường sắt chúng sửa chữa chưa xong. Đường quốc lộ từ Đà Nẵng ra Huế phải qua đèo Hải Vân, nhiều đoạn chạy nép theo sườn núi, mới đến vùng đồng bằng. Đoạn đường này, bọn địch rất lo ngại. Lo ngại nhất vẫn là đoạn đèo Hải Vân, bên núi, bên biển, cây cối um tùm, lau lách rậm rạp rất dễ bị phục kích. Chúng tôi quyết định đánh một trận trên đoạn đường này. Nhưng không chọn đèo Hải Vân, vì chúng hay chú ý và đề phòng cẩn thận, mà chọn vùng Đá Bạc. Vùng Đá Bạc cũng nép bên sườn núi, nhưng hai bên cây cối không um tùm rập rạp như đèo Hải Vân, mà chỉ lúp xúp, lưa thưa trước khi nối liền với dãy Trường Sơn dằng dặc. Do đó, qua khỏi đèo Hải Vân, giặc ít chú ý hơn. Ở đèo Đá Bạc, đường hẹp, lại cua nhiều vòng hiểm trở, nên xe địch phải đi chậm lại, dễ đánh hơn.

Một trung đội gồm mười bốn người khỏe nhanh chóng được thành lập. Đơn vị đến đó lúc 10 giờ đêm. Sau khi chôn hai quả mìn, ngụy trang cẩn thận, anh em tìm chỗ trải lá cây nằm nghỉ. Sáng hôm sau, khoảng 9 giờ, có tiếng động cơ rú đằng xa. Ai nấy về vị trí chiến đấu của mình. Một đoàn xe bốn chiếc chạy từ từ đến. Cho chiếc đầu chạy lọt, đến chiếc thứ hai, anh em giật mìn. Mìn bị đứt dây, không nổ. Đang tiếc thì chiếc cuối cùng chạy đến quả mìn thứ hai… Một tiếng nổ dữ dội. Chiếc xe bị tung lên, hất về một bên. Bốn năm tên Pháp chết ngay trong xe. Đơn vị ào ra đường, tước luôn mấy khẩu tiểu liên, súng lục, và gỡ quả mìn chưa nổ, nhanh chóng chạy vào rừng. Một hồi lâu, mới nghe tiếng súng và đạn bay vào núi rào rào. Nhưng anh em đã chạy xa rồi, không lo gì nữa và bắt đầu thấy đói bụng. Chiều hôm trước, vì không còn gạo, anh em phải bung ngô mang theo để ăn đường. Nhưng khi sở đến gói ngô bung thì không còn nữa. Hóa ra là ngô gói lá chuối buộc vào lưng, trong quá trình vận động, lá chuối bị rách, ngô rời hết lúc nào không biết, đành phải nhịn đói trở về nơi đóng quân. Từ đó, tiểu đoàn rút kinh nghiệm, đi đánh nhau, không gói ngô bung trong lá chuối nữa.

Sau mấy trận chiến thắng liên tiếp, đơn vị chuẩn bị về đồng bằng. Đó mới chính là nơi bộ đội cần đến và phải đến. Mấy lâu nay, đơn vị hoạt động phía trên đường quốc lộ cũng chỉ để dọn đường, gây lòng tin với nhân dân trước và làm cho địch sợ, rồi mới về sau.

Nhưng trước khi về, chúng tôi phải chuẩn bị chỗ cư trú trước, lỡ khi ở dưới đó, có gặp gì khó khăn, cũng đã có nơi trụ lại.

Anh em đều thấy, khe Mụ Khâm, nơi trú chân hiện nay, chưa phải là chỗ đóng quân tốt. Từ đường một lên đây chỉ khoảng mười ki-lô-mét, lại có đường ô-tô chạy lên. Đó là đường số 14. Giặc rất có thể tấn công lên khi chúng thấy cần thiết. Hơn nữa, tuy lực lượng của ta không nhiều, nhưng tập trung một chỗ, việc tiếp tế rất khó khăn. Tiểu đoàn tìm một căn cứ địa thứ hai: động Truồi:

“Núi Truồi ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu?”

Động Truồi ở trên độ cao nghìn mét, có cây cối um tùm và có khe nước chảy từ trên cao đổ xuống, quanh năm lúc nào cũng trong leo lẻo. Cả ba mặt tây, tây bắc, tây nam nối liền với núi rừng trùng điệp. Còn ba mặt đông, đông bắc, đông nam nhìn thấy đồng bằng thấu ra biển cả. Dưới chân động Truồi, có sông Truồi uốn cong hình bán nguyệt. Dọc hai bên bờ sông, có nhà dân ở rải rác. Khoảng giữa núi và sông, có những thung lũng không rộng lắm, nhưng đất tốt, phần lớn chưa khai phá. Ở đó, có từng mảnh nhỏ trồng lúa, khoai, ngô… Bộ đội ta có thể tăng gia trồng trọt để cải thiện thêm sinh hoạt hằng ngày.

Chúng tôi đã dự tính, nếu địch tấn công lên khe Mụ Khâm thì ta có thể chuyển sang động Truồi một cách dễ dàng, mà vẫn giữ được hoạt động bình thường.

Chuẩn bị xong xuôi, một bộ phận trong lực lượng của tiểu đoàn xuống đồng bằng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:12:35 am »

Nên về xã nào trước? Chúng tôi và huyện ủy Phú Lộc đã bàn với nhau rất kỹ.

Sau khi địch dùng một lực lượng rất lớn gồm cả hải, lục, không quân đánh chiếm Bình Trị Thiên làm thiệt hại khá nặng lực lượng vũ trang của ta, đẩy một số cán bộ và quân đội của ta lên núi, chúng bắt đầu thực hiện chính sách bình định. Chúng dùng những đội quân tương đối lớn càn quét vùng đồng bằng, nơi đông người, nhiều của nhất của ba tỉnh. Với chiến lược “vết dầu loang”, càn đến đâu chúng “cắm chốt” đến đấy thành hình mạng nhện. Trong mạng nhện đó, ngày đêm, chúng vây ráp để bắt số cán bộ, bộ đội của ta và thành lập ngụy quyền của chúng. Có thành lập được ngụy quyền, chúng mới có công cụ để đàn áp, bóc lột nhân dân ta như trước đây.

Bên cạnh, chúng cố thành lập một đội quân ngụy để “dùng người Việt đánh người Việt”, vì lực lượng đội quân viễn chinh chúng không thể nào rải khắp trên đất nước mênh mông này.

Ngụy quyền của chúng ở nông thôn hồi ấy có ba loại. Loại thứ nhất là những tên tay sai đắc lực toàn tâm toàn ý phục vụ cho chúng. Loại này trước cách mạng là những tên có nợ máu với nhân dân, khi cách mạng thành công ta còn khoan hồng chưa trừng trị. Ngoài ra, còn một số con cái địa chủ, bọn quan lại trước đây đã làm cho Pháp hoặc Nam Triều, thấy có đi theo bọn giặc mới đè đầu cỡi cổ được nhân dân, đem lại giàu sang phú quý.

Loại thứ hai là những người địch dùng vũ lực bắt ép phải làm. Không làm thì chúng bắn giết hoặc đi đi tù đày vì có cảm tình với cách mạng.

Loại thứ ba là những người, do bọn địch càn đi quét lại nhiều lần, khủng bố dã man, tàn khốc, nên một số trong nhân dân muốn họ ra gánh vác công việc để được sống yên ổn làm ăn.

Ngụy quân cũng có ba loại như vậy.

Sau khi nghiên cứu các xã trong huyện, huyện ủy và chúng tôi đều thống nhất nên đưa bộ đội vào Bàn Môn trước.

Bàn Môn là một xã nằm gần căn cứ địa nhất. Nếu gặp điều gì khó khăn quá, có thể rút qua đường quốc lộ về căn cứ địa cũng nhanh. Bàn Môn cũng có ngụy quyền, nhưng hội tề ở đó phần lớn thuộc về loại hai bị bắt buộc phải làm. Ngụy quân, bọn dân vệ hương dũng đại đa số cũng vào loại hai, miễn cưỡng cầm súng. Các đồn địch đóng khá xa, khoảng bảy, tám ki-lô-mét. Đường giao thông bị phá hoại nhiều, chúng chưa sửa lại hết.

Một lý do nữa Bàn Môn lại là quê của đồng chí lê Đình Sum, một cán bộ được tiểu đoàn giao cho trách nhiệm đưa đơn vị về đồng bằng, thông thạo địa hình, địa vật, quen biết nhân dân; đó cũng là một điều kiện thuận lợi giúp cho đơn vị hoạt động…

Tối hôm đó, đồng chí Lê Đình Sum và đồng chí Quách Sĩ Kha dẫn một tổ về nghiên cứu trước. Quá nửa đêm, hai người mới về đến làng. Đồng chí Sum đi trước một mình xem xét, theo đúng động tác quân sự, khi cúi, khi bò, khi núp lén. Vừa về đến gần cổng làng, bỗng nghe có tiếng la “Việt Minh! Việt Minh”. Sum vội núp vào một mô đất. Tiếp theo, một tiếng nổ “oang”. Lửa phụt lên và những mảnh đạn bay ra tung tóe. May không việc gì… Sum nghe tiếng chân chạy rầm rập vào xóm. Một hồi lâu, anh theo một lối nhỏ khác đi vào. Trong xóm vẫn yên tĩnh. Sum trở ra gọi anh em vào. Anh không ghé nhà, vì sợ lộ bí mật. Anh dẫn anh em vào một xóm cuối làng.

Trời bỗng trở mưa. Sum dẫn anh em vào hai cái nhà liền sân ở đầu xóm. Sum biết hai gia đình này là những người nông dân nghèo, tốt bụng. Nhà không có cửa đóng then cải, chỉ có bức sáo tre treo buông phía trước. Anh em vén sáo lách vào. Sẵn rơm ngoài hiên, mỗi người vơ một nắm rải xuống đất lặng lẽ nằm ngủ.

Gà gáy. Chị chủ nhà thức dậy nấu ăn, thấy có người nằm ngủ giữa nhà, hoảng hốt:

- Ui chao, ai mô ri(1)

Kha ôn tồn đáp:

- Chúng tôi là bộ đội Việt Minh trên núi về khi đêm. Sợ bà con mất giấc ngủ nên không dám đánh thức. Gia đình cho ở nhờ vài hôm.

- Ui chao, ở chi được. Hắn đi lùng thấy thì chết!

- Ở mà giấu kín thì cũng không ai biết được đâu chị ạ, đi bây giờ chúng thấy càng nguy hiểm.

- Nhà trống trải, giấu ở mô?

Kha nhìn lên tra nỏi:

- Lên đó ngồi cũng được thôi.

- Ăn uống ra răng?

- Chị đừng lo, có chi ăn nấy. Miễn ở được là tốt. Xin chị mủng tro ra để khi đi giải thôi.


(1) Tiếng địa phương: ai thế này?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:14:01 am »

Vợ chồng chủ nhà nghe nói, vừa bực, vừa sợ, nhưng cũng vừa thương. Trước khi lên tra, Kha dặn chủ nhà:

- Trong nhà ai cứ làm việc nấy như mọi ngày. Đứng tỏ ra có chi khác thường hết, nghe!

Gần trưa, chị chủ nhà cũng đưa cơm nước lên cho anh em ăn tử tế. Đến gần tối, anh em xuống nhà. Kha vui vẻ nói:

- Anh chị xem, can gì đâu! Tây mà không có chỉ điểm thì mù tịt chứ biết chi.

Sum xuống sau cùng. Nhận ra người quen, vợ chồng chủ nhà cũng nói:

- Ơ! Anh Sum à!

Sum cười chào lại. Đêm qua, trong bóng tối, họ không biết có Sum trong đoàn.

Sum hỏi tình hình trong xã. Đúng như lời nhận xét của huyện ủy.

Tối hôm đó, thấy bộ đội về, súng đạn đeo đầy người, bà con rất mừng rỡ. Một cụ già nói:

- Chao ôi, bầy tui chờ các eng mãi! Bữa trước, nghe tin các eng đánh ở Đèo Đá, giết chết mấy thằng Tây, bầy tui mừng vô kể. Các eng kể lại cho bầy tui nghe đi!

Sum kể lại diễn biến trận đánh vừa qua, và kể luôn cả trận Võ Xá với chị gánh bưởi gan dạ.

Bà con nghe tỏ vẻ rất thích.

Ngay đêm đó, có hai thanh niên trong xóm đến gặp Sum:

- Mấy đứa muốn đến gặp các anh lắm, nhưng vì đêm trước có lỡ quăng lưu đạn lúc các anh về nên sợ.

Hai thanh niên rút trong túi ra hai quả lựu đạn mỏ vịt:

- Mấy đứa bảo bọn em đưa các anh hai quả. Các anh cần, bọn em lấy thêm sau:

- Các em làm chi có nhiều lựu đạn thế? - Sum ngờ vực hỏi lại.

- Dạ, bọn em mới bị bắt vô hương vệ. Chúng nó dặn: thấy bộ đội hay cán bộ Việt Minh về thì phải ném lựu đạn rồi mới được rút.

Sum cũng đã nắm được tình hình đó. Một số thanh niên ở đây vào hương vệ cũng chỉ vì bị bắt buộc. Sum mới quy định với họ một số mật hiệu để khi bộ đội về được an toàn, bí mật.

Hôm sau, Sum cho người về dẫn tiểu đoàn xuống. Thấy bộ đội về đông, bà con trong xóm đem đến cho rất nhiều thứ: gạo nếp, đường, sữa, thuốc lá… Anh em không nhận, nhưng bà con nằn nì mãi mới nhận.

Sau khi bộ đội về đông đủ, Sum cho gọi bọn hội tề, hương vệ đến. Đứa nào đứa nấy mặt tái xanh, tái xám, xin tha tội và hứa sẽ không làm cho địch nữa.

Tâm lý bọn địch trong lúc này cũng rất phức tạp.

Bọn Tây chỉ nghĩ rằng: Từ khi chúng chiếm được phần lớn vùng đồng bằng ba tỉnh đến nay chưa đầy bốn tháng. Chúng đã thành lập được phần nào ngụy quyền, ngụy quân, nhưng chỉ mới bước đầu, thành phần rất phức tạp, chưa hoàn toàn tin tưởng là tuyệt đối trung thành với chúng.

Lũ tay sai phản động, sau khi thấy ta đánh mấy trận Hộ Thành, Đất Đỏ, phục kích chúng trên các đoạn đường Truồi, Nong, Đèo Đá, cũng đâm ra lo sợ. Chúng cũng biết, bộ đội ta không nhiều nhưng vẫn còn, vẫn tiếp tục kháng chiến, vẫn tìm cách diệt chúng. Biết đâu số phận không may sẽ ụp xuống đầu nên chúng cũng chùn bước.

Những người bị chúng dọa nạt bắt ép ra làm việc cho chúng thì nay thấy còn bộ đội, còn kháng chiến, nên cũng ít sợ, muốn thôi. Còn những người, do một số nhân dân muốn đưa ra làm để được yên thân, nay thì nhất quyết xin thôi, không muốn mang tiếng là Việt gian theo giặc…

Tiếng súng của bộ đội trong thời gian vừa qua không những đã nổ vào đầu giặc mà còn nổ vào trong tim trong óc bọn địch.

Nhân dân thì tuyệt đại đa số vui mừng, phấn khởi. Bộ đội còn, cách mạng còn thì đời sống của họ còn hoàn toàn tự do, hạnh phúc…

Vùng Bàn Môn lại sáng hẳn lên sau những ngày xẩm tối. Bọn địch sẽ làm gì đây? Chưa biết? Nhưng đã có bộ đội đây rồi! Có gì quân dân cùng sống chết với kẻ thù…

Ban ngày, những anh bộ đội rảnh rang, ra đồng cày cấy với bà con thôn xóm. Tối đến, những nhà có bộ đội ở chật ních người. Các ông già bà cả ngồi nghe kể chuyện đánh Tây. Thanh niên nam nữ và các em bé thơ ngây học hát. Giọng hát của Tuấn, anh bộ đội trẻ đã từng khuyến khích cô Hồng với gánh bưởi đi đánh giặc, nay lại vang lên. Tuy giọng hát không hay nhưng với dáng người lanh lẹn, khuôn mặt vui tươi của anh đã làm xiêu lòng bao cô thôn nữ!... Các lớp bình dân học vụ lại bắt đầu. Khắp các ngả đường đèn sáng trưng. Các đội dân quân mới tập hợp, ngày ngày lại “Xung phong! Giết! Giết!”

Ai về thôn xóm mà xem,
Qua cơn nắng hạn, đến phen mưa rào!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2015, 06:14:43 am »

Cơ sở đã tương đối vững vàng, tiểu đoàn kéo đi nơi khác. Bọn địch chưa dám hành động gì.

Thủy Cam có nhiều gia đình theo đạo Thiên chúa… Sau ngày mặt trận vỡ, có hai cán bộ của tiểu đoàn đi qua Sơn Quả, một vùng công giáo toàn tòng, bị bọn phản động ở đó bắt nạp cho Pháp.

Được biết đơn vị sẽ kéo về Thủy Cam, một số anh em tỏ vẻ lo ngại, một số căm thù khi nhớ lại số phận của hai đồng chí mình trước đây.

Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ chính sách tôn giáo cho anh em rõ. Trừ một số ít phản động, đội lốt thầy tu còn tuyệt đại số con chiên đều là nhân dân lao động, yêu nước, yêu độc lập tự do. Nhưng một số ít cha cố phản động lại thay mặt chúa phán rằng: Việt Minh là những người phá đạo, cấm đạo. Và con chiên vì quá tin chúa nên cả nghe những kẻ thay mặt chúa dẫn dắt linh hồn của mình. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tuyên truyền giải thích chính sách tôn giáo của Chính phủ cho bà con theo đạo được rõ, để phá tan âm mưu thâm độc chia rẽ lương giáo của địch.

Khi đến đóng quân, ta cử người đến thăm cha xứ và những tu sĩ trong nhà thờ. Cha Hiệp tiếp chúng tôi rất vui vẻ. Trong lúc mời uống trà, cha nói rằng, cha chỉ lo việc thờ chúa chứ cha không lo việc thờ Tây. Anh em cùng cười. Sau đó, cha ngỏ ý muốn mời cả tiểu đoàn dự một bữa cơm thân mật. Anh em từ chối lấy cớ là làm như vậy sẽ gây sự phiền hà và tốn kém cho nhà thờ. Ta chỉ yêu cầu cha giảng giải cho con chiên hiểu rõ chính sách tôn giáo của Chính phủ và lòng bộ đội quý mến con chiên cũng như bao nhiêu dân lành khác. Và nhờ cha khuyên con chiên tích cực tham gia cách mạng bằng những công việc thiết thực như đi bộ đội, đi dân công, tham gia các đoàn thể. Cha Hiệp niềm nở hứa sẽ làm những việc ấy. Ít lâu sau, cha sai các nữ tu sĩ vô Huế mang cho chúng tôi khá nhiều thuốc Tây chữa bệnh cho bộ đội.

Thủy Cam là một vùng buôn bán khá sầm uất. Các chợ có nhiều hàng do con buôn mang từ Đà Nẵng ra, từ Huế vào, đặc biệt khá nhiều tôm cá. “Dừa Mỹ Á, cá Tam Giang”. Nhưng có việc gây khó khăn cho chúng tôi, ở đây không tiêu bạc cụ Hồ mà chỉ tiêu bạc Đông Dương. Ngay từ khi xâm chiếm lại nước ta, bọn Pháp đã ra lệnh như vậy. Không những chúng ra lệnh, mà trong các cuộc càn quét, thấy ai trong người có bạc cụ Hồ là chúng nó bắn giết coi như có cảm tình với Việt Minh, cộng sản. Đó cũng là một cách chúng đấu tranh kinh tế với ta. Do đó, nhân dân ta có cảm tình với cách mạng nhưng không dám công khai tiêu bạc cụ Hồ:

      Bạc Đông Dương kẻ thương người ghét
      Bạc cụ Hồ kẻ nhét, người thu
      Ai về nhắn với chiến khu
      Lòng em vẫn sáng tỏ như trăng thu đêm rằm.


Ban chỉ huy họp bàn với các đồng chí trong chi ủy địa phương, làm cách nào để cho nhân dân tiêu bạc cụ Hồ lại:

Có người đề nghị:

- Ủy ban kháng chiến huyện nên ra một công lệnh bắt nhân dân phải tiêu bạc cụ Hồ. Bộ đội chọn ngày phiên chợ, tổ chức một cuộc võ trang tuyên truyền, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến vào chợ, bắn mấy loạt súng chỉ thiên ra oai, rồi công bố lệnh Ủy ban cho đồng bào rõ. Sau đó, anh em cứ tung bạc cụ Hồ ra mua hàng. Chẳng ai dám phản đối nữa. Vì không tiêu bạc cụ Hồ là không tuân lệnh Ủy ban, chống lại cách mạng. Làm vài lần như vậy, nhân dân sẽ quen. Việc tiêu bạc cụ Hồ coi như chẳng có chuyện gì phải bàn nữa.

Nghe ý kiến ấy, anh em cùng cười. Một đồng chí nói:

- Làm như vậy không khác gì bọn địch, khủng bố nhân dân chứ không phải vận động cách mạng. Mình là chính nghĩa, phải lấy sự tự giác ủng hộ của dân làm chỗ dựa chứ không phải dùng biện pháp dọa nạt.

Tất cả đồng tình với ý kiến ấy.

Sau khi trao đổi với cấp ủy địa phương, chúng tôi thống nhất với nhau mấy biện pháp kết hợp. Cán bộ địa phương đi giải thích từng nhà về việc nên tiêu bạc cụ hồ, đó là tham gia kháng chiến về mặt kinh tế, đó là yêu nước, yêu cách mạng. Công an đi vào trong các chợ tìm bắt những tên phản động cố tình phá hoại chính sách kinh tế của ta. Bộ đội và dân quân du kích phải bao vây các đồn bốt, không cho địch ra vào, nhất là những ngày phiên chợ để chúng khỏi cướp bóc, dọa nạt nhân dân.

Anh em dân quân nghe nói được cùng bộ đội đi bao vây đồn bốt, rất thích. Nhiều cô du kích cũng xin đi theo. Đi với bộ đội họ không còn lo lắng gì nữa. Tất nhiên là anh em đồng ý. Tổ của Tuấn, anh chàng thanh niên hay hát ấy được các cô thích đi theo nhất. Ở đó, đã xảy ra một câu chuyện vui. Tối đầu tiên, đi bao vây đồn, có một cô cứ đi kè kè bên Tuấn. Khi đào công sự, cô cũng đào cạnh bên. Trời tảng sáng, có mấy tên lính ngụy đi ra phía cổng đồn, có lẽ để đi chợ. Hôm đó chợ phiên. Tuấn giao súng cho cô ta bắn. Cô ta ngắm thế nào không biết mà đạn bay lên mây. Anh em cười ồ. Bọn trong đồn, nghe tiếng súng, bắn ra loạn xạ. Đạn bay vèo vèo. Cô ta hoảng, bỏ cả hầm của mình, nhảy xuống hầm của Tuấn. Lần đầu tiên bị đánh, bọn địch trong đồn không biết ở ngoài lực lượng ta bao nhiêu, nên không dám ra. Đến trưa, anh em rút về, và đem cái tài thiện xạ của cô gái nọ nói toang cho mọi người biết. Thế là cô ta dỗi, rồi khóc và thề không đi nữa. Cũng may, lời thề “như cá trê chui ống”, được Tuấn dỗ, cô lại đi.

Dần dần, anh em du kích quen, tự đi bao vây đồn, không cần bộ đội đi theo nữa. Bọn lính có lẽ lực lượng ít, không dám phản kích, chỉ nằm ru rú trong đồn bắn ra…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM