Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:35:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức của các CCB Trung đoàn 52 sư đoàn 320: "Tây Tiến 55 năm"!  (Đọc 16507 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:18:24 pm »

Trung đoàn 52 Tây Tiến anh hùng làm tốt công tác dân vận chính sách trong năm 2001


Trung tá: Lê Xuân Lĩn
h


Năm 2001 trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, đặc biệt là sự kiện ngày 2 và 3/2/2001 đã xảy ra cuộc biểu tình bạo loạn chính trị ở cường độ thấp trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắc. Đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch phản động trong và ngoài nước đã ngấm ngầm họat động gây rối an ninh chính trị trên phạm vi rộng, gây mất đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân, ngang nhiên đòi thành lập "Nhà nước Đê Ga" ở Tây Nguyên, lấy cớ đòi đất, đòi rừng là của người dân tộc, đuổi hết người Kinh về đồng bằng, thực hiện cuộc biểu tình bạo loạn chính trị ở cường độ thấp do bọn cầm đầu đạo Tin lành Đê Ga chỉ đạo, đứng đầu là tên Ksor Kok đại tá Fulro được Mỹ hỗ trợ, can thiệp. Phương pháp của chúng là dùng tiền, truyền đơn, lừa bịp đồng bào các dân tộc đi biểu tình gây ra hậu quả khó lường.
Sau sự kiện ngày 2 và 3/02/2001 Trung đoàn được lệnh thành lập đội công tác tuyên truyền đặc biệt và lâm thời thành lập Chi bộ làm công tác vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn xã Hà Bầu, huyện Đăc Đoa tỉnh Gia Lai. Ngay sau khi có nhiệm vụ trên giao, Đảng ủy chỉ huy Trung đoàn đã có nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, xây dựng nhiều chủ trương, biện pháp tích cực trong tiến hành công tác dân vận-công tác chính sách, đạt được kết quả tốt góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân cá nước.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên giao, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ trong đội công tác dân vận, đội quy tập mộ liệt sỹ và tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, giáo dục bộ đội chấp hành nghiêm kỷ luật trong mối quan hệ quân dân, củng cố lòng tin yêu của nhân dân đối với Trung đoàn, giúp nhân dân trong sản xuất và đời sống, bảo vệ dân trong mọi hòan cảnh, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, công tác chính sách, cán bộ, chiến sỹ đã tích cực chủ động nghiên cứu nắm chắc tình hình địa bàn được phân công. Xác định tốt nhiệm vụ làm chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương, phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng địa phương tuyên truyền vận động nhân dân có hiệu quả thiết thực. Coi trọng khâu kiểm tra sau những đợt, những lần vận động. Kịp thời rút kinh nghiệm tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa công tác vận động quần chúng nhân dân. Kết hợp tuyên truyền vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn địa bàn. Vận dụng linh họat lựa chọn những người có uy tín trong từng làng để làm đòn bẩy hỗ trợ, thúc đẩy công tác vận động quần chúng rộng rãi đạt kết quả cao. Tập trung vào các già làng, thôn trưởng, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên, học sinh tốt để tuyên truyền.
Kết quả cụ thể:
Năm 2001 Trung đoàn tổ chức hai đội công tác dân vận theo đúng kế họach của cấp trên. Tại xã Hà Bầu huyện Đắc Đoa từ ngày 6/2/2001 đến nay luôn duy trì nghiêm túc và nắm chắc tình hình địa bàn. Phối hợp họat động giúp cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân giải quyết tốt những vấn đề mới nảy sinh. Tổ chức đội công tác gồm 8 đồng chí trong đó có 4 đồng chí sỹ quan thực hiện quan điểm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân địa phương).
Giúp địa phương thống kê tình hình kinh tế xã hội, nắm hộ đói nghèo trong xã 53 hộ với 211 khẩu, cùng Sư đoàn ủng hộ và cấp gạo 1.500 kg, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, học sinh được 185 hộ với 375 người.
Cùng nhân dân tiến hành vệ sinh tu sửa đường liên thôn, liên xã được 15 km với 250 ngày công, giúp các gia đình chính sách làm cỏ cà phê được 5 ha với 125 ngày công, sửa chữa 5 nhà đối tượng chính sách với 75 ngày công, giúp nhân dân thu họach lúa được 4 ha với 150 ngày công. Đặc biệt gặp gỡ tuyên truyền giáo dục cho 23 đối tượng thuộc diện quản lý của địa phương tham gia biểu tình đợt 2/2/2001 tại xã. Tổ chức thăm hỏi. tặng quà các trường nhân các ngày lễ Tết, thăm viếng cán bộ xã từ trần, tặng học sinh nghèo vượt khó học giỏi với số tiền 600.000 đ và 100 quyển vở học sinh.
Trước ngày Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khai mạc, Trung đoàn vinh dự được đón đồng chí Phạm Thế Duyệt ủy viên thường vụ, thường trực Bộ chính trị, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam cùng phái đoàn TW, tỉnh Gia Lai, huyện Đắc Đoa đến thăm, tặng quà và khen ngợi cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 52 Tây Tiến thường xuyên làm tốt công tác dân vận.
Đội công tác dân vận tại xã Hà Bầu và 2 cán bộ vinh dự được Hội đồng thi đua khen thưởng Quân đoàn xét tặng bằng khen, giấy khen vì đã hòan thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Đặc biệt được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen.
Tại xã IaPnôm-huyện Đức Cơ, Trung đoàn được thực hiện một đội công tác dân vận gồm 8 đồng chí trong đó có 1 sỹ quan cùng với các đơn vị bạn (Trung đoàn 48, Trung đoàn 54) thực hiện tốt kế họach công tác dân vận của Sư đoàn giao trong thời gian 2 tháng (từ ngày 10/9 đến 10/11/2001) đã giúp nhân dân xã biên giới làm kênh mương thủy lợi, cải tạo đất, hướng dẫn nhân dân tiến hành gieo, cấy được 2,9 ha lúa nước với tổng số hàng trăm ngày công có kết quả cao, được cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân địa phương khen ngợi và tin yêu.
Trong năm Trung đoàn còn tổ chức đội quy tập mộ liệt sỹ gồm 6 đồng chí trong đó có 1 sỹ quan. Thực hiện nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ trên địa bàn hai huyện Đắc Đoa, Mang Yang theo đúng kế họach của Sư đoàn giao. Đội đã quy tập được 14 mộ liệt sỹ đạt hiệu quả tốt.
Ngoài ra Trung đoàn còn tham gia đại hội thể dục thể thao huyện Đắc Đoa đạt kết quả tốt, quân số 14 đồng chí trong thời gian 3 ngày.
Trung đoàn tổ chức quyên góp ủng hộ người nghèo tỉnh Gia Lai, ủng hộ quỹ Về sự tiến bộ của phụ nữ và bảo vệ chăm sóc trẻ em, ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ Ngày vì người nghèo với tổng số tiền là 8.209.000 đ.
Tặng phẩm liên hoan văn nghệ quần chúng cho các đơn vị, các trường kết nghĩa với số tiền 720.000 đ. Đặc biệt trong cuộc diễn tập "ĐT-01" cán bộ chiến sỹ tham gia quyên góp ủng hộ đồng bào các dân tộc thiểu số tại thôn 9 xã Đắc Pxi-huyện Đắc Hà-tỉnh Kon Tum với 50 kg gạo, 20 kg muối iốt thắm tình quân dân.
Năm 2001 và chuẩn bị đón Tết vui xuân năm 2002, Đảng ủy chỉ huy Trung đoàn luôn có chủ trương chăm lo bồi dưỡng cho cán bộ chiến sỹ. Làm quà Tết cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trên 10 triệu đồng, trích quỹ tự có cho bộ đội ăn Tết nguyên đán trên 7 triệu đồng. Tổ chức thăm hỏi cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chiến sỹ ốm đau, nằm viện, thăm viếng người thân của cán bộ từ trần hàng triệu đồng v.v...
Trung đoàn tự hào khẳng định năm 2001 cán bộ chiến sỹ luôn kế thừa và phát huy truyền thống Trung đoàn 52 Tây Tiến anh hùng. Tích cực chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên, nội bộ đoàn kết thống nhất cao, đoàn kết quân dân tốt, kỷ luật nghiêm, an toàn tuyệt đối, góp phần xây dựng Đảng bộ Trung đoàn đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng Trung đoàn vững mạnh toàn diện, hướng về truyền thống, thi đua lập công chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trung đoàn thân yêu (27/2/1947-27/2/2002)
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:19:44 pm »

Nhớ về Anh: Khu trưởng Hoàng Sâm (1915-1968)

Hoàng Sinh



Ở mặt trận Tây Tiến (1947-1948) có lẽ mọi người đều biết, thấy hoặc chí ít cũng là nghe được một chuyện về người chỉ huy của mình: anh Hòang Sâm.

Chúng tôi là những người có thời gian làm việc ở gần anh Sâm trong Ban bí thư Bộ chỉ huy Chiến khu 2 và Bộ tư lệnh Liên khu 3, mỗi lần gặp nhau thường ôn lại những chuyện cũ của một thời cách xa hơn 50 năm trước, cùng nhau nhớ lại những kỷ niệm đẹp về Anh như một người anh lớn trong những ngày kháng chiến gian khổ.

*

Một tuổi trẻ sôi nổi cách mạng:

Đồng chí Hòang Sâm, tên khai sinh là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 trong một gia đình nghèo ở làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.
Sớm giác ngộ cách mạng, Trần Văn Kỳ là một trong số những thanh, thiếu niên ở Nghệ Tĩnh, Bình-Trị-Thiên được chọn đưa sang Đội thiếu niên ở Trường học sinh Việt kiều tại Thái Lan do những người cách mạng lập ra.
Năm 1928 khi Bác Hồ từ Châu Âu về Thái Lan họat động trong Việt kiều với bí danh Thầu Chín, chú thiếu niên Trần Văn Kỳ 13 tuổi được Bác chọn làm liên lạc. Trong hơn một năm, từ tháng 7/1928 đến cuối năm 1929 Kỳ đã theo Bác đi đến nhiều nơi trên đất Thái.
Cuối năm 1929 Bác Hồ rời Thái Lan đi Trung Quốc để mở hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, rồi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đổi là Đảng Cộng sản Đông dương (3/2/1930), Kỳ ở lại Thái Lan tiếp tục học văn hoá ở trường dạy trẻ em Việt kiều do Bác Hồ xây dựng.
Năm 1933 Kỳ vào Đoàn thanh niên Cộng sản và cùng năm đó, 18 tuổi anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương, phụ trách địa điểm liên lạc, in và phát truyền đơn. Anh bị mật thám Thái Lan bắt ở Băng Cốc và bị giam một năm (1934-1935). Nhà cầm quyền Thái giao Kỳ cho lãnh sự Pháp ở Băng Cốc hỏi cung. Anh không khai báo gì nên chúng không có bằng chứng để buộc tội. Lãnh sự Pháp phải trả lại cho chính quyền Thái Lan. Kỳ bị trục xuất và anh đã sang Trung Quốc. Đến Nam Ninh, Quảng Tây anh gặp đồng chí Phùng Chí Kiên và được cử đi học tiếng Trung Quốc dưới tên mới: Hòang Sâm
Đầu năm 1937 được đồng chí Hòang Văn Thụ, xứ ủy Bắc kỳ cho về Cao Bằng, Hòang Sâm tham gia Tỉnh ủy Cao Bằng phụ trách cơ quan in và thường trực Tỉnh ủy. Vì không có thẻ thuế thân, anh lại bị Pháp bắt giam 6 tháng.
Năm 1938 Hòang Sâm cùng vài đồng chí nữa sang tham gia Đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Biên khu Điền-Kiềm-Quế nằm trong ba tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Qúy Châu. Đội du kích này khá lớn, họat động dọc biên giới Việt-Trung từ Trà Lĩnh, Long Bang đến Sóc Giang-Bình Mãng.
Mùa thu năm 1940 Hòang Sâm cùng một số đồng chí sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) tìm bắt liên lạc với cấp trên đã tranh thủ học quân sự ở Trường quân sự do Trương Bội Công, người Việt Nam, tay sai của Quốc đân đảng Trung Quốc tổ chức để chuẩn bị cho kế họach "Hoa quân nhập Việt" của Tưởng Giới Thạch.

Tại đây các đồng chí Cao Bằng đã bắt liên lạc được với trên. Và cũng tại đây Hòang Sâm gặp lại Thầu Chín (Bác Hồ), lần đầu gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hòai Nam và đồng chí Phạm Văn Đồng bí danh là Lâm Bá Kiệt. Sau lần gặp gỡ quan trọng này gần 40 cán bộ của ta thôi học ở trường của Trương Bội Công mà quay về nước họat động.

*

Người chỉ huy nhiều đội quân du kích.


Cuối năm 1940 Bác Hồ cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh từ Quế Lâm về Làng Nậm Quang, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cách biên giới Việt-Trung chừng 5 km. Tại đây đã có một lớp huấn luyện cán bộ về công tác tổ chức các đoàn thể quần chúng nhằm chuẩn bị thành lập một Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi. Hòang Sâm theo học lớp này đồng thời có chức vụ ẹy viên liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng.

Ngày 3 tháng 2 năm 1941 Bác Hồ về Pắc Bó (Cao Bằng). Tháng 5 năm 1941 Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp dưới sự chủ toạ của Bác Hồ. Hội nghị đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Cách mạng Việt Nam và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng.

Cuối năm 1941 Đội du kích đầu tiên của Cao Bằng gồm 12 người được thành lập ở Pắc Bó do đồng chí Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, đồng chí Lê Quảng Ba làm Chính trị viên và đội phó là đồng chí Hòang Sâm. Đội du kích nhỏ bé này vừa làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Bác Hồ vừa họat động xây dựng cơ sở cách mạng, tiễu phỉ trừ gian ở vùng biên giới Việt-Trung thuộc tỉnh Cao Bằng. Từ giữa năm 1942 đến giữa năm 1943 đồng chí Hòang Sâm làm đội trưởng thay đồng chí Lê Thiết Hùng đi "Nam tiến".

Từ giữa năm 1943 phong trào cách mạng ngày càng phát triển tiến về xuôi. Nhiều tổ xung phong "Nam tiến" được thành lập. Đội du kích Cao Bằng phân tán mỗi người một nhiệm vụ mới. Đồng chí Hòang Sâm tổ chức Đội bảo vệ các Đội xung phong Nam tiến.

Ngày 22-12-1944 thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Sam Cao thuộc huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Hòang Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí đã chỉ huy các trận đánh Phai Khắt-Nà Ngần-Đồng Mu rồi Nà Ngần lần thứ hai. Đó là những trận đầu nổi tiếng. Đội được mở rộng thành Đại đội và Hòang Sâm được cử làm Đại đội trưởng. Một thời gian sau đại đội phát triển thành chi đội (tương đương tiểu đoàn hiện nay) Hòang Sâm làm Chi đội trưởng.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 Hòang Sâm tham gia xây dựng và bảo vệ khu giải phóng, chỉ huy đánh quân Nhật ở Bắc Cạn và Thái Nguyên. Sau đó chi đội Hòang Sâm tiến về Vĩnh Yên diệt bọn Việt Nam quốc dân đảng phản động Đỗ Đình Đạo. Kết thúc nhiệm vụ ở Vĩnh Yên, Hòang Sâm nhận lệnh đưa bộ đội về Sơn Tây củng cố chính quyền cách mạng ở một vùng đất quan trọng là Miền Tây chiến lược. Cuối năm 1945 Hòang Sâm là Khu trưởng Chiến khu 2 gồm 8 tỉnh: Lai Châu-Sơn La-Hòa Bình-Sơn Tây-Hà Đông-Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình. ở đó mặt trận nóng bỏng nhất và gian khổ nhất là Tây Tiến. Người chỉ huy mặt trận đó là: anh Sâm

*

Có nhiều người nói: anh Sâm có biệt tài về uống rượu và bắn súng. Điều đó có phần đúng và có phần hơi quá đi một chút cho ly kỳ.

ở vùng biên giới Việt-Trung có nhiều toán thổ phỉ vũ trang hòanh hành làm cho đời sống nhân dân các dân tộc luôn luôn căng thẳng. Mọi người đã khổ vì quan Tây, quan Châu áp bức bóc lột lại càng khổ vì nạn phỉ cướp phá, giết chóc. Bởi vậy, chống phỉ để bảo vệ nhân dân, bảo vệ khu căn cứ cách mạng là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu cách mạng không dẹp được phỉ thì khó mà động viên được nhân dân hăng hái tham gia cách mạng.

Năm 1939 Châu ủy Hà Quảng đã phát động nhân dân lập Hội chống phỉ và đề ra sách lược đối phó là kiên quyết trừng trị đi đôi với giáo dục thuyết phục, tranh thủ lôi kéo những người vì nghèo đói đi theo phỉ trở về làm ăn lương thiện, tiêu diệt các toán phỉ nhỏ đồng thời cô lập dần các toán phỉ lớn.

Song thuyết phục những toán phỉ lớn không phải dễ. Bọn này đông người, nhiều súng, tàn bạo họat động ngoài vòng pháp luật và coi thường mọi đạo lý xã hội. Những tên trùm phỉ này sống ngang tàng "anh hùng hảo hán" nhưng cũng kiêng nể những người can đảm, tài ba. Trong bọn trùm phỉ nổi tiếng hồi đó có anh em tên Voòng A Sáng, Voòng A Sinh, có Châu Slam Tha (Châu ba mắt) có Lỳ Xíu v.v...

Hồi đó Hòang Sâm có bí danh là Trần Sơn Hùng nổi tiếng là một người gan dạ, có tài bắn súng ngắn cả hai tay. Bọn trùm phỉ nghe danh cũng phải kiêng nể. Chúng thường thích thi gan đọ sức với những cán bộ cách mạng như đồng chí Hòang Sâm. Một hôm trùm phỉ Lỳ Xíu kéo quân đến Pắc Bó đòi gặp hai ông Trần (Hòang Sâm) và Lê (Lê Quảng Ba). Hắn cho người mời hai đồng chí đến uống rượu và thi bắn súng, ném lựu đạn. Quả đúng như lời đồn, trong cuộc thi tài này Lỳ Xíu phải chịu thua.

Những tên trùm phỉ này gốc người Trung Quốc có tục lệ qúy trọng người đồng hương, đồng họ, đồng môn, đồng tuổi, đồng liêu.
Đồng chí Hòang Sâm vào tận sào huyệt bọn phỉ Voòng A Sáng để thuyết phục chúng, hòa hoãn với chúng. Nghe tiếng từ lâu nay gặp mặt, lại thấy Hòang Sâm cùng họ với mình (Hòang, phát âm theo tiếng Quảng Đông là Voòng) trùm phỉ họ Voòng hết sức qúy trọng đồng chí Hòang Sâm, bầy tiệc khoản đãi. Trong tiệc rượu nhắm với óc khỉ sống, hai anh em họ Voòng đề nghị kết nghĩa huynh đệ với Hòang Sâm.

Nhờ những họat động kiên quyết và khôn khéo ấy ta đã hạn chế được sự phá phách, cướp bóc của thổ phỉ, nhân dân tin tưởng vào cách mạng, vì thế các Hội cứu quốc theo Việt Minh ngày càng phát triển.

Trên đường lên Tây Tiến năm 1945 anh Sâm đã có một cuộc thi uống rượu với Liên trưởng Tàu Tưởng ở thị xã Hòa Bình. Kết quả Khu trưởng ta thắng Liên trưởng Tầu Tưởng và chúng đã phải bàn giao 300 khẩu súng bộ binh của Pháp do Nhật tịch thu được sau sự kiện 9/3/1945 (chuyện đã kể trong Tây Tiến tập 2)

Chuyện lại kể rằng:

Ở gần anh, cùng ăn cơm hàng ngày với anh chị và cháu Lan (chưa đầy năm) suốt nhiều tháng trời, bữa cơm cũng bình thường như một nhà dân bình thường, không cao lương mỹ vị, trong thời điểm "bi bon" của năm 1948-1949 (tiếng Pháp "bi bol" nghĩa là hai bát), thấy anh chỉ uống vài chén con rượu thuốc để đưa cơm chứ không bao giờ say bí tỉ.

Và anh cũng rất kiềm chế bản thân.
Mùa hè 1949, sau khi đi kiểm tra Tiểu đoàn bộ đội địa phương ở Phát Diệm, một Đoàn cán bộ quân sự của Liên khu 3 đã vào thăm Cố vấn Chính phủ, Tổng giám mục Lê Hữu Từ trong nhà thờ Phát Diệm. Đoàn đã dự một buổi lễ do Cha Lê giảng đạo. Trưa hôm đó Tổng giám mục Lê Hữu Từ mời cơm đoàn trong tư dinh của Toà giám mục.

Bữa ăn rất thịnh soạn như một tiệc đặc sản ngày nay. Mâm khách đặc biệt chỉ có 4 người: chủ là Cố vấn Tổng giám mục Lê Hữu Từ, khách là anh Hòang Sâm, cụ Ngô Tử Hạ một thân sĩ công giáo và người kể chuyện này. Còn mấy mâm khác ở gian cạnh, đèn điện sáng trưng. Chủ khách chén tạc chén thù và chủ yếu là trao đổi tình hình cuộc kháng chiến đã bước sang giai đoạn tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang Tổng phản công. Rượu hảo hạng có nhiều loại nhưng cả chủ lẫn khách cũng chỉ nhấp môi mỗi thứ một ngụm cho phải phép. Tiệc tan chủ nhân cúi rạp người bắt tay tiễn khách.

Còn về chuyện bắn súng thì sao?

ở Chiến khu 2 và Liên khu 3 nhiều người biết đến tên tuổi một xạ thủ bắn súng hai tay như một, có thể bắn tắt điếu thuốc lá trên vành môi người đứng xa vài chục mét. Đó là Tạ Đình Đề!

Hôm mới từ Tây Tiến về Liên khu bộ làm bí thư cho anh Hòang Sâm, tôi mặc bộ bà ba đen, đầu trọc lốc đội mũ nồi đen. Sau khi báo cáo ra mắt khu trưởng, tôi quay ra bàn bên cạnh, nơi anh Bằng già (vệ sĩ của anh Sâm) đang loay hoay mở khoá nòng khẩu súng ngắn Walther 7,65 m/m mới trang bị cho anh. May thay hồi Tổng khởi nghĩa tôi đã sử dụng một khẩu như thế này, tôi bèn cầm lấy khẩu súng, kéo vòng cò ra (thay chốt hãm) và mở khoá nòng để lau chùi. Anh Sâm chú ý theo rõi thấy quân của mình cũng am hiểu vũ khí nên anh cũng vừa lòng rồi giao cho tôi khẩu các bin báng gập và còn cho phép thỉnh thoảng được bắn đạn thật cho quen tay "văn ôn vũ luyện" mà.

ít hôm sau, chừng muốn để thử súng mới lại đúng dịp anh "xạ thủ" nổi tiếng Tạ Đình Đề có mặt ở Bộ tư lệnh Liên khu để báo cáo tình hình Biệt động đội Thành phố Hà Nội, anh Sâm đã gọi xạ thủ Tạ Đình Đề ra thi bắn. Chúng tôi được làm trọng tài chứng kiến cuộc thi bắn không hẹn hò trước này. Mục tiêu là chùm sung rừng ở cách xa 20 mét, mỗi người bắn 3 viên. Kết quả xạ thủ Tạ Đình Đề thua điểm.

*

Nhớ những ngày ở Bộ tư lệnh Liên khu 3

Anh Sâm rất quan tâm đến phong trào dân quân du kích (sau này ta gọi là chiến tranh nhân dân địa phương) nên anh thường cử người đi theo sát tình hình các Tỉnh đội, Huyện đội và luôn nhắc nhở các địa phương chăm lo đến phong trào dân quân rộng rãi nhưng không thoát ly sản xuất và củng cố đội du kích nòng cốt của làng xã để tạo thế đứng chân cho bộ đội địa phương và chủ lực cơ động đánh địch. Phong trào chiến tranh du kích, đại đội độc lập được anh chỉ đạo từ những tháng năm ở Mặt trận Tây Tiến đã tỏ ra có hiệu lực.

Sau các chiến dịch như XNP chống địch vây quét trên khu tam giác Xuân Mai-Nho Quan-Phủ Lý và chiến dịch 12-21/6 dọc các quốc lộ kể trên đến chiến dịch tiến công Lê Lợi trên Sông Đà, anh Sâm đã quan tâm đến những đòn của bộ đội chủ lực. Anh đã viết trên báo Vệ quốc quân Liên khu 3 là đã đến lúc cần phải có "trận căn bản" làm xoay chuyển cục diện chiến trường với những điều kiện có ý nghĩa quyết định là:

Một ưu thế tuyệt đối về chính trị-tinh thần và
Một ưu thế tương đối về quân sự
mà sau này ta gọi là trận quyết chiến chiến lược.

Anh Sâm thường đi sát các mặt trận theo rõi trận đánh của các đơn vị gần như là trực tiếp. Năm 1949 ở Tế Tiêu-Cầu Dậm địch vừa đi khỏi mấy chục phút anh đã có mặt ở ngã ba đường, nơi một du kích quân đang kể lại trận đánh vừa qua mà bom chôn dưới đất đã không nổ. Anh du kích dậm chân tiếc rẻ mãi, quả bom vẫn còn chôn dưới chỗ mà mọi người cùng anh Sâm đang đứng trên lưng nó.

Anh thường nhắc nhở chúng tôi đi lại ăn uống, ngủ đêm tránh thành quy luật nhất định mà cần luôn thay đổi bất ngờ để chủ động trong mọi tình huống và có những lần chúng tôi đã ngủ qua đêm trong một điếm canh đê.

Đối với cán bộ anh chú trọng phát hiện chỗ mạnh của từng người để khuyến khích phát huy mà không hề thành kiến đối với những mặt yếu của cấp dưới. Anh thường khen anh T. một Trung đoàn trưởng (rất nóng tính với cấp dưới) là có tinh thần chấp hành mệnh lệnh rất nghiêm cách và đấy mới là thực chất bản lĩnh để hòan thành nhiệm vụ.

Tin anh hy sinh trên chiến trường Trị-Thiên B4 ngày 15/12/1968 đến với chúng tôi thật là đột ngột. Suốt cuộc đời từ lúc 12 tuổi cho đến 53 tuổi anh đã liên tục công tác và chiến đấu, luôn hòan thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng và quân đội giao cho.

Xin có mấy hàng chữ kể về anh, người chỉ huy Mặt trận Tây Tiến được mọi người tin yêu và mến phục: anh Hòang Sâm

Tháng 5 năm 1999
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:20:30 pm »

Từ Đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đến Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây Tiến

NGUYỄN CHÍNH
Nguyên chánh văn phòng Mặt trận Tây Tiến


Lê Tiến Thịnh

Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 1944 là một mốc son chói lọi: ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mà anh Hòang Sâm được cử làm Đội trưởng.
Một bữa cơm nhạt không rau không muối thể hiện đức tính giản dị và tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sỹ cách mạng nhưng lại rất giầu tình cảm đoàn kết quân dân và gắn bó đồng chí đã mở đầu họat động của một quân đội anh hùng. Mọi người vừa ăn vừa chuyện trò xoay quanh buổi lễ trang nghiêm vừa diễn ra, đã xác định đây là một đội quân vũ trang tuyên truyền họat động theo phương châm “chính trị trọng hơn quân sự” với họat động tác chiến “lai vô ảnh khứ vô tung”.

Trong tâm trí mỗi người đều in sâu những lời thề còn nóng hổi và đã đến lúc họ ngồi tâm sự, kể cho nhau nghe về cuộc đời của mình để mọi người thông cảm tâm tư và hòan cảnh của đồng đội. Ngồi quanh đống “Lửa du kích” toàn đội bước vào cuộc tâm tình lịch sử. Mở đầu, anh Hòang Sâm bước ra giữa sân, tay khoanh trước ngực hiên ngang vai đeo khẩu súng pặc hoọc, bên hông giắt con dao đi rừng, anh kể rõ rành mạch tóm tắt cuộc đời mình từ lúc nhỏ đã sớm giác ngộ cách mạng, đã nhiều năm được theo Bác Hồ ở Thái Lan rồi sang Trung Quốc họat động, đã từng tổ chức vũ trang đánh vào quân tuần tiễn Pháp và thu phục bọn phỉ ở vùng biên giới... Cuộc tâm sự kéo dài đến khuya.
Sau hai trận Phay Khắt và Nà Ngần, anh Hòang Sâm cùng anh Xích Thắng, Hòang Văn Thái đến chỗ anh Văn để rút kinh nghiệm chiến đấu. Cuộc họp đã đi đến những kết luận chính: chỉ trong vòng 14 giờ, với 34 chiến sĩ và 16 khẩu súng, ta đã đánh thắng hai trận, ý nghĩa to lớn không thể tính bằng tù binh đã bị bắt, số chiến lợi phẩm đã thu được mà bằng cái nó đã gieo mầm về những nguyên tắc tư tưởng quân sự cho đội quân cách mạng còn non trẻ... Sau đó đến lễ thành lập Đại đội tuyên truyền giải phóng quân do anh Hòang Sâm là Đại đội trưởng, anh Xích Thắng là Chính trị viên. Chương trình họat động trong dịp Tết ất dậu 1945 do anh Hòang Sâm đề ra lấy tên là “Mùa Tết chiến đấu”.

Trong thời kỳ “tiền khởi nghĩa” Đại đội VNTTGPQ đã vào giải phóng Chợ Rã (huyện Ba Bể ngày nay) lập chính quyền cách mạng đầu tiên của cấp huyện vào ngày 20-3-1945. Tháng 8-1945 anh Hòang Sâm là cán bộ chỉ huy xông xáo, dũng cảm, mưu lược trong các trận đánh Nhật ở Bắc Cạn-Thái Nguyên rồi tiếp đến các trận đánh trấn áp bọn phản động Việt nam quốc dân đảng ở Vĩnh Yên-Bạch Hạc-Việt Trì.
Sau ngày 23-9-1945 ngày quân Pháp khởi hấn ở Nam bộ, chính phủ ta tổ chức lại các lực lượng quân sự cách mạng thành lập các chiến khu. Chiến khu 2 gồm 8 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Bộ chỉ huy có anh Hòang Sâm là Khu trưởng, anh Văn Tiến Dũng là Chính trị ủy viên, anh Phạm Ngọc Mậu là Khu phó, anh Lê Hiến Mai là Tham mưu trưởng. Bộ chỉ huy Chiến khu 2 đã khẩn trương xây dựng nhiều đơn vị Nam tiến như Chi đội Vi Dân lên đường tháng 11-1945, Chi đội Độc lập, Phân đội Kim Bảo của Đại đội Việt-Mỹ... đều lên đường vô Nam ngay sau đó tại ga Ghềnh Ninh Bình. Cùng thời gian này anh Lê Hiến Mai với trách nhiệm mới là Đặc phái viên Chính phủ đã dẫn đầu một đội quân nhỏ nhẹ, nhanh chóng tiến lên Miền Tây rồi quặt sang giải phóng Sầm Nưa (Lào), lập nên một chốt chặn án ngữ sườn phía tây của Miền Tây chiến lược.

Cuối năm 1945 đầu năm 1946 vùng Tây bắc Chiến khu 2 là một mặt trận nóng bỏng vì quân Pháp từ Côn Minh Vân Nam (Trung Quốc) tràn xuống Bắc Lào rồi chiếm Lai Châu-Điện Biên Phủ làm bàn đạp để đánh xuống Sơn La, Hòa Bình. Các anh Hòang Sâm và Lê Hiến Mai là linh hồn của Bộ chỉ huy Mặt trận này đã theo sát diễn biến và điều quân đối phó linh họat với cả quân Pháp và quân Tầu Tưởng.

Cho đến toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946 thì Chiến khu 2 đã xây dựng lực lượng quân sự khá vững vàng trên một địa bàn chiến lược vừa là tiền tuyến tiến công địch vừa là hậu phương ổn định đảm bảo là chỗ dựa an toàn cho cơ quan lãnh đạo và chỉ huy tối cao khi cả nước chuyển vào thời chiến đồng thời là địa bàn cất giấu nhiều kho tàng, xưởng máy để phục vụ kháng chiến lâu dài.

Trong 60 ngày đêm chiến đấu để bảo vệ Thủ đô Hà Nội, nhiều đơn vị của Chiến khu 2 đã sát cánh cùng quân dân Thủ đô chiến đấu rất dũng cảm, hòan thành vượt mức yêu cầu cầm chân quân Pháp một thời gian để cả nước chuyển vào chiến tranh một cách chủ động (lúc này là khu 11 Hà nội được sáp nhập vào Chiến khu 2)

Sau Tết Đinh hợi 1947 Mặt trận Tây Tiến được thành lập do các anh Hòang Sâm và Lê Hiến Mai trực tiếp chỉ huy. Sở chỉ huy mặt trận đặt ở Mường Hịch (Mai Châu). Bộ chỉ huy triệu tập ngay hội nghị quân chính từ cấp đại đội trở lên để quán triệt chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy về tổ chức đại đội địa phương cấp huyện và Tiểu đoàn tập trung ở cấp tỉnh vận dụng vào hòan cảnh thực tế của Tây Tiến trước hết là phải chuyển hẳn tư tưởng chỉ đạo tác chiến của các đơn vị đang chiến đấu ở Tây Bắc.

Cần khắc phục ngay khuyết điểm nghiêm trọng nhất là rải quân lập phòng tuyến trên các trục đường giao thông đối đầu với "mũi dùi" của địch nên đã bị đối phương tập trung ưu thế binh hoả lực vừa đánh vỗ mặt vừa vu hồi sau lưng, lần lượt phá vỡ từng phòng tuyến của quân ta. Biện pháp hữu hiệu là phải gấp rút củng cố lại chủ lực, tổ chức các đơn vị nhỏ, vũ trang tuyên truyền vừa tác chiến vừa bám sát dân, hòa vào dân, vừa luyện tập vừa tổ chức dân quân du kích ở cơ sở bản làng, lại luồn sâu vào vùng địch phát động du kích chiến tranh thật mạnh mẽ và rộng khắp giành lấy quyền chủ động trong giai đoạn chiến lược cầm cự.

Anh Hòang Sâm còn phân tích thêm âm mưu của Pháp muốn củng cố bàn đạp Lai Châu, Sơn La, Thượng Lào để đánh chiếm toàn bộ Tây Bắc nhằm bao vây cô lập căn cứ địa Việt Bắc hòng mau chóng đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Cho nên ta phải càng đoàn kết với quân dân Lào vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng của cả hai nước Việt-Lào cùng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc.

Sau đó lễ trao cờ cho Đội vũ trang tuyên truyền liên quân Việt-Lào được tổ chức trọng thể. Đội vũ trang tuyên truyền Việt Nam do Đoàn Hải và Phúc Thảo chỉ huy sát cánh Đội vũ trang tuyên truyền Pathét Lào do Thao Ma và Thao Hanh chỉ huy đã trở thành Đội vũ trang tuyên truyền chung của hai dân tộc Việt-Lào anh em. Tiếng quân nhạc hào hùng vang dội núi rừng Mai Châu khích lệ các chàng trai ưu tú của hai nước anh em quyết tâm vượt mọi gian khổ hy sinh một lòng một dạ hòan thành nhiệm vụ.
Tháng 3-1947 quân Pháp đánh thông đường số 6, tiến công vào vùng núi Mai Châu từ hướng Suối Rút lên và Mộc Châu xuống phối hợp với quân nhảy dù hòng đánh úp vào Sở chỉ huy Mặt trận Tây Tiến. Anh Hòang Sâm đã quyết định chuyển Sở chỉ huy về Mường Bi, quân y xá rời về Lạc Sơn và tổ chức chiến đấu ở khu vực Chiềng Sại-Bãi Sang và Dốc Đẹt. Các đơn vị toàn mặt trận, kể cả các cán bộ chiến sỹ nhân viên cơ quan cũng cầm súng đánh địch làm cho chúng không thực hiện được âm mưu đen tối. Trận Bãi Sang, Dốc Đẹt đã đi vào huyền thọai vì có những tay súng có biệt tài bách phát bách trúng như Tạ Đình Đề ... làm cho quân Pháp phải co cụm về Chiềng Sại.

Lúc này Trung đoàn 52 Tây Tiến đã đảm đương nhiệm vụ họat động trên địa bàn Hòa Bình với đầy đủ 4 tiểu đoàn nên cơ quan Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Tiến được giải thể. Anh Hòang Sâm trở về Khu bộ chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới: thiếu tướng Tư lệnh Liên khu 3.

Ngày 15-12-1968 anh Hòang Sâm đã hy sinh anh dũng ngay tại quê hương đất mẹ-chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa-ở cái tuổi 53 đầy định mệnh.

Vĩnh biệt anh và vô cùng mến tiếc người chỉ huy từng trải, có uy tín trong phong trào cách mạng quần chúng, có bản lĩnh và giầu kinh nghiệm về tổ chức vũ trang quần chúng thực hành chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương. Hình ảnh của anh vẫn còn mãi mãi trong trái tim nhiều anh chị em chúng ta nhất là anh chị em trong Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:21:07 pm »

Kỷ niệm về tiểu đoàn trưởng Mạnh Quân và chính trị viên tiểu đoàn Lê Minh tiểu đoàn 164, trung đoàn 52 Tây Tiến


Tôi kể lại vài mẩu chuyện về Tiểu đoàn trưởng Mạnh Quân sau này là Tư lệnh phó mặt trận Tây Nguyên nay đã qua đời, còn Chính trị viên tiểu đoàn Lê Minh cũng đã đi xa từ lúc còn trẻ ở tuổi đang sung sức. Đây là những người lãnh đạo tiểu đoàn tôi trong những ngày đầu kháng chiến ở Thủ đô và sau này lên Tây Tiến. Các anh đã để lại trong tôi những hình ảnh trân trọng, thân thương. Lúc này tôi mới là cán bộ trung đội.

Chưa được gặp ban chỉ huy tiểu đoàn nhưng "tiếng lành đồn xa" cán bộ đại đội liên lạc, trinh sát trên tiểu đoàn xuống công tác đều nói là các anh ấy rất trẻ, vui tính, hăng hái, rất kỷ luật.

Luyện quân ngay trên trận địa, tranh thủ lúc chưa tác chiến là điều anh nhắc chúng tôi khi xuống kiểm tra chiến đấu. Một lần ở mặt trận Thủ Đô, Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên cùng xuống kiểm tra đơn vị tôi đang bố trí chặn địch ở một đoạn trên tuyến đê Cầu Diễn-Chèm sau khi rút từ Bưởi ra. Vũ khí ban đầu trang bị còn thô sơ có đến nửa là súng khai hậu. Anh Mạnh Quân kiểm tra một số khẩu từ nòng súng đến đường ngắm. Một chiến sỹ vui miệng kể trận đánh Hồ Khẩu Bưởi vừa qua súng khai hậu bắn chậm quá nên không tiêu diệt được nhiều địch. Anh ôn tồn giải thích cho anh em và nhấn mạnh phải luyện tập sử dụng cho thật thành thạo, lấy đường ngắm nhanh và chính xác, tốc độ nạp đạn phải nhanh, thật bình tĩnh. Phải tranh thủ tập luyện ngay trong lúc đang bố trí ở trận địa chưa có địch như hiện nay vì chúng ta có ít thời gian tập lắm. Anh hỏi rất kỹ chiến sỹ về sử dụng bom ba càng, kiểm tra động tác chiến đấu và quay ra hỏi cán bộ trung đội về phương án phục kích đánh địch tuần tiễu từ Bưởi, Hòai Đức lên Cổ Nhuế-Chèm. Trung đội đã chọn trận địa phục ở ngay đầu làng Cổ Nhuế, sử dụng bom ba càng đánh xe tăng, có tổ hoả lực yểm trợ đánh bộ binh. Hai ngày sau trận đánh diễn ra đúng như dự kiến đã báo cáo với Tiểu đoàn trưởng. Chiến sỹ ôm bom ba càng xuất kích ra đâm vào xe tăng nhưng lại trượt rồi bị địch bắn bị thương, hoả lực với súng trường khai hậu đã bắn xối xả vào xe ô tô chở lính đi sau. Địch bị chết mấy tên hoảng sợ quay cả ô tô chạy về Bưởi. Nhớ lại lời dặn của Tiểu đoàn trưởng tuy vũ khí thô sơ nhưng biết cách đánh, với tinh thần yêu nước, sử dụng thành thạo vũ khí dù có thô sơ chúng ta vẫn có thể tiêu diệt được địch với trang bị hiện đại. Trận phục kích hôm nay là một ví dụ sinh động. Chúng tôi rút kinh nghiệm và chuẩn bị trận phục kích khác trên đường Bưởi-Cổ Nhuế. Tiếc là chưa thực hiện được thì chúng tôi được lệnh rút và chuẩn bị lên đường đi Tây Tiến luôn.

Tác chiến ở Thủ đô, sớm chiều nhìn về phía Tây thấy các dãy núi cao trùng trùng điệp điệp, lính trẻ đồng bằng thành phố chúng tôi nghĩ về miền núi bao điều bí ẩn, mới lạ, không hề nghĩ đến những năm tháng gian khổ sắp phải trải qua. Lên đến chiến trường Miền tây mới biết đến sốt rét hết cơn này đến cơn khác hầu như khắp lượt. Quân số ốm tăng nhanh. Trung đội chỉ còn dưới 20 người. Hành quân chiến đấu liên tục, ăn uống kém, sốt không dứt. Lúc này chăm lo chữa bệnh, khôi phục sức khoẻ, giữ gìn quân số phải được người chỉ huy và đơn vị coi trọng như nhiệm vụ chiến đấu. Có thời kỳ bệnh xá của tiểu đoàn bệnh nhân đông, chữa dứt sốt thì đưa về các đại đội để hồi phục sức khoẻ. Trung đội tôi hầu hết là lính ốm. Chưa huấn luyện quân sự được chúng tôi bố trí cho anh em đi bộ ra ngoài đầu Bản cho dẻo chân và học tập nhẹ nhàng. Một buổi sáng anh Mạnh Quân và hai liên lạc đến thăm đơn vị. Hai cậu liên lạc mang theo hai hoa chuối, một thân chuối và một gói to. Anh Mạnh Quân nói là kiếm hái được trên đường đi từ tiểu đoàn xuống. Cậu liên lạc kể lại qua một bãi chuối rừng trên sườn đồi, ba "thầy trò" leo đồi, công kênh nhau lên chặt được hai hoa chuối, chặt luôn một thân cây và nhặt ít mùi tàu làm quà cho anh em ốm một bữa rau tươi. Một cậu liên lạc định bớt lại một nửa cho tiểu đoàn bộ nhưng anh Mạnh Quân bảo đi thăm người ốm đã chẳng có gì, có chút rau kiếm hái, thôi làm quà tất cả. Bữa trưa ấy Tiểu đoàn trưởng ở lại cùng ăn cơm với trung đội. Có hoa chuối rừng nộm, có món củ chuối om với mẻ và miếng móng lợn của anh nuôi, đấy là một bữa ăn tươi. Việc tuy nhỏ nhưng đầy tình nghĩa đồng đội làm chúng tôi rất cảm kích và nhớ mãi.

Vũ khí tuy còn thô sơ nhưng khẩu hiệu của bộ đội là một viên đạn một quân thù đòi hỏi chúng tôi phải rất yêu qúy súng đạn giữ gìn và sử dụng rất tiết kiệm. Một hôm tập quân sự ném lựu đạn thật, có hai quả thối ngòi không nổ. Cậu liên lạc đại đội tinh nhanh đã nhặt giấu đi và lên tiểu đoàn xin bằng được anh quân khí viên kíp và dây cháy chậm. Hai cậu lính trẻ hì hục tháo lựu đạn lấy thuốc nổ bọc thành một quả bộc phá rồi rủ nhau cùng một số ở các trung đội đi ném cá ở suối xa thị trấn Vụ Bản kiếm một bữa cá để cải thiện. Đại đội trưởng Thái Phận thấy liên lạc báo là ném được mươi cân cá liền cho mang biếu tiểu đoàn bộ một phần. Mọi người đang hoan hỉ với bữa cá cải thiện thì có lệnh tiểu đoàn gọi Đại đội trưởng và tôi chính trị viên lên. Đến nơi bước lên nhà sàn đứng nghiêm chào mà Tiểu đoàn trưởng Mạnh Quân và Chính trị viên Lê Minh vẫn ngồi im tiếp tục làm việc. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Lát sau anh Mạnh Quân mới quay ra và cho một bài lên lớp về kỷ luật quân đội, về qui định sử dụng vũ khí. Anh Lê Minh không nói nhưng nghiêm nét mặt nhìn chúng tôi. Coi như bị phạt mươi phút "đứng nghiêm" sau đó cho về với lời cảnh cáo cuối cùng "từ sau không được làm như thế". Từ tiểu đoàn về đại đội, tôi và đại đội trưởng Thái Phận chẳng ai nói một lời. Đến đơn vị, anh liên lạc nói khẽ với tôi, cá tiểu đoàn trả lại em đã giao cho anh nuôi. Anh Thái Phận nghe tiếng lườm chú liên lạc khiến chú vội rút ngay. Anh em trong đại đội đều hiểu rằng ban chỉ huy hôm nay bị tiểu đoàn chỉnh về hành động vô kỷ luật dùng vũ khí ném cá. Ăn mất ngon. Cuộc họp quân chính tiểu đoàn sau đó Tiểu đoàn trưởng còn nhắc lại và kèm theo một bài lên lớp. Các đại đội bạn đi họp nhìn chúng tôi làm ngượng chín cả người.

Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên sâu sát trong chiến đấu, gương mẫu trong chỉ huy đấy là phẩm chất tốt đẹp của các anh. Chúng tôi được lệnh sang Mai Châu tác chiến. Vùng Mai Châu từ khi chủ lực rút về bên Lạc Sơn chỉ còn có một đội vũ trang tuyên truyền họat động. Địch rất chủ quan. Lần này quay trở lại Mai Châu phối hợp với đội vũ trang tuyên truyền tại chỗ diệt tề trừ gian, vận động nhân dân và đánh vào đồn Chiềng Sại. Hành quân vượt Trường Sơn đi hai ngày mới tới vị trí tập kết. Đến gần nơi qui định đã thấy Trung đoàn trưởng Chu Đốc và tiểu đội trinh sát đến trước. Anh Chu Đốc vẫy chúng tôi ra hiệu đi nhanh lên vì trời đã sáng. Tới một bản nhỏ có ba bốn nhà đã thấy mấy anh liên lạc tiểu đoàn đi đi lại lại. Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên cùng ra gặp chúng tôi. Trong đại đội có mấy anh sốt rét tái phát và đau chân được tiểu đoàn cho lên nhà sàn để điều trị còn thì phân tán ra bìa rừng trú quân nghỉ ngơi vì phải đi một đêm nữa, đổ một dốc dài mới tới đồn Chiềng Sại.

Mấy anh lính ở tiểu đoàn, trung đoàn và của cả đại đội vốn quen nhau từ mặt trận Thủ đô đã nói nhỏ với nhau, Trung đoàn trưởng và Tiểu đoàn trưởng đã đi trước nắm tình hình địch, bố trí kế họach tác chiến, các cậu phán đoán lần này đánh lớn và còn kháo nhau cả một tiểu đoàn bạn cùng tham gia tác chiến. Thấy các cấp chỉ huy sâu sát như vậy chúng tôi rất tin tưởng. Suốt ba ngày trên một tuyến dài các đơn vị đã phá được nhiều tề, tuyên truyền nhân dân trên một địa bàn rộng dọc đường Vạn Mai, Mai Hạ, Chiềng Sại. Chúng tôi tập trung đánh đồn Chiềng Sại.

Tiểu đoàn với hai đại đội đã bao vây được đồn, diệt được một bộ phận địch ở vòng ngoài nhưng rồi không công phá được công sự nên không diệt được đồn. Được lệnh rút, đại đội tôi có hai thương binh phải cáng và vài anh yếu phải dìu. Về đến Bản trên đỉnh Trường Sơn thì đã gặp một bộ phận quân y tiểu đoàn tăng cường điều trị cho thương bệnh binh. Một đồng chí bị thương nặng đã qua đời. Nhờ dân bản giúp đỡ, Chính trị viên tiểu đoàn cũng có mặt dự lễ an táng. Anh Lê Minh không quên tự mình đến bà Mế ở bản nhờ trông nom phần mộ của đồng đội và cảm ơn sự giúp đỡ của Bản. Tổ chính trị của đại đội đã nhanh chóng hòan tất một tấm bia bằng gỗ cắm lên mộ. Người chiến sĩ trẻ trước lúc ra đi chỉ dặn lại "nhớ báo cho bố mẹ ở quê biết và còn một bộ quần áo ai vừa thì mặc".

Cho đến năm 1995 đoàn cựu chiến binh Tây Tiến có dịp về thăm chiến trường xưa, chúng tôi quay lại Mai Hạ, Chiềng Sại. Lãnh đạo huyện cho biết tất cả các liệt sỹ chôn rải rác dọc Sông Mã đến trên đỉnh Trường Sơn đều đã quy tụ về nghĩa trang liệt sỹ huyện Mai Châu. Chỉ tiếc là bia bằng gỗ lâu ngày mục nát nên khi quy tập không ghi được tên và quê quán liệt sỹ.

Thăm lại chiến trường xưa hình ảnh các anh Mạnh Quân, Lê Minh đều đã đi xa và đồng đội đã hy sinh tại đây nhắc lại bao kỷ niệm hào hùng, thân thương, sâu sắc, không thể nào quên của Tây Tiến. Đến hôm nay kẻ còn người mất chúng tôi thắp một nén hương cho mỗi phần mộ để tưởng nhớ tới tất cả các anh với tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:21:43 pm »

Vị tướng tài bình dân

Đó là Trung tướng Nguyễn Anh Đệ, trước lúc từ trần là Tư lệnh binh chủng Đặc công.

Ông sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo. Vì cha mẹ mất sớm, ông được bà con nuôi nấng. Để kiếm sống ông phải đi ở, làm thuê. Nhờ lòng hiếu học và sáng dạ, người thiếu niên ngày làm, đêm tự học. Hồi ấy, con dân nghèo nước ta có mấy ai được cắp sách tới trường. Ông tới học nhờ ở các bè bạn cùng tuổi có may mắn được học ở trường làng. Sự cần mẫn và thông minh đã giúp cậu thiếu niên này dần dần đọc thông viết thạo, làm toán, học văn. Rồi lớn lên ông vào làm việc cho một xí nghiệp tư nhân.
Cao trào cách mạng những năm bốn mươi đã cuốn hút người thanh niên đầy nhiệt tình yêu nước và ý chí tự cường này. Anh say mê đọc sách báo xuất bản bí mật của Đảng. Nhờ đó, anh được giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia các phong trào yêu nước của quần chúng đấu tranh đánh Pháp đuổi Nhật. Anh trở thành một trong những hạt nhân của phong trào quần chúng ở địa phương, tổ chức đội du kích họat động bí mật theo sự chỉ đạo của Đảng, và anh đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ chiến đấu của Đảng từ tháng 3-1943. Sau các trận thắng ở Nhã Nam, Bố Hạ, Đồn Trã và Hiệp Hòa, anh đã trở thành một người chỉ huy dũng cảm, có kinh nghiệm và linh họat ứng biến trong các tình huống. Đặc biệt là việc giải phóng tỉnh Bắc Giang. Anh đã đặt kế họach cùng đồng chí Do vào trực tiếp gặp tên tỉnh trưởng tuyên truyền thuyết phục và nghi binh áp lực nên giải phóng được thị xã không bị đổ máu trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Sau đó, anh cùng đồng chí chỉ huy khác đã tuyên truyền vận động lập được một lực lượng tự vệ chiến đấu gồm hơn 400 chiến sĩ trở thành quân giải phóng.

Cách mạng Tháng 8 thành công, người chỉ huy đội du kích này đã là một đại đội trưởng Vệ quốc đoàn, mà người chỉ huy là Vương Thừa Vũ (về sau là Trung tướng, Tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam). Ngay sau đó, đơn vị của anh đứng trong hàng ngũ của đoàn "Tây Tiến" do các đồng chí Hòang Sâm và Lê Hiến Mai chỉ huy, đã vượt hơn 300 ki-lô-mét núi rừng sang Sầm Nưa đánh địch.

Sau cuộc "Tây Tiến" đầu tiên thắng lợi, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Anh Đệ đưa quân về họat động vùng Hà Đông-Hà Nội, rồi lên Việt Bắc chỉ huy trung đoàn bảo vệ Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau đó, trung đoàn 64 của ông cùng trung đoàn 42 phối hợp chặt chẽ đánh địch ở vùng Thái Bình-Hưng Yên, lập được nhiều thành tích xuất sắc.

Hơn 10 năm làm lính Cụ Hồ vì sự nghiệp cách mạng bây giờ người chỉ huy 30 tuổi này mới nghĩ tới việc lập gia đình. Giữa năm 1950, ông xin phép lên Việt Bắc để cưới vợ, thì xảy ra một "trục trặc" đầy thử thách trong đời mình: những ngày này ở vào giai đoạn gay go, ác liệt nhất của đơn vị mà người chỉ huy là ông lại vắng mặt. Ông đã phải chấp nhận một kỷ luật rất nặng: bị giáng chức, cảnh cáo toàn quân và khai trừ lưu Đảng 6 tháng.
"Ta hãy làm lại, cố gắng phấn đấu vươn lên". Ông suy nghĩ với quyết tâm của mình. Được sự giúp đỡ của cấp trên, được sự động viên của các bạn chiến đấu, ông không một lời thanh minh, đã cần mẫn hòan thành mọi nhiệm vụ, dù là bình thường nhất. Ông đã vượt qua mọi thử thách, những mặc cảm, làm việc hết mình. Nhất là thời gian nhận nhiệm vụ trưởng ban tác chiến ở Sư đoàn 320-Sư đoàn "Đồng Bằng" nổi tiếng, mà vị chỉ huy là Đại tướng Văn Tiến Dũng hiện nay. Và rồi chẳng bao lâu, ông được trở lại cương vị của mình và còn hơn thế nữa.

Chín năm kháng chiến gian khổ chống Pháp kết thúc, ông cùng đơn vị tiếp quản Hải Phòng, rồi chuyển qua công tác ở quân khu Hữu Ngạn, được học ở các trường trung-cao cấp để bổ túc và nâng cao trình độ văn hoá-chính trị và quân sự.

Cuộc kháng chiến thứ hai lại bắt đầu, gay go, phức tạp và khốc liệt hơn. Ông được cử đi công tác B. Cuối những năm sáu mươi và đầu những năm bảy mươi, ông ở cương vị Phó tư lệnh B5 rồi phụ trách B5-là chiến trường khốc liệt nhất. Từ Đường Chín, Khe Sanh, rồi khắp Quảng Trị, Thừa Thiên đến tận A Sầu, A Lưới, không nơi nào trên mảnh đất đầy khói lửa bom đạn này là không in dấu chân ông. Và ở đâu ông cũng hòan thành tốt nhiệm vụ được giao với cương vị của mình.

Tổ quốc được hòa bình thống nhất, thì quân đội phải ngày càng được chính quy, hiện đại để bảo vệ thành quả cách mạng. Có mấy lần ông được cử đi học bồi dưỡng ở nước ngoài. Từ 5-1974, ông được cử làm Cục trưởng Cục quân lực. Trong những ngày căng thẳng ở biên giới phía Bắc, ông được cử làm Tư lệnh đặc khu Quảng Ninh, một vị trí chiến lược sơn-thủy-bộ trọng yếu của Tổ quốc. Mấy năm sau ông được chuyển sang làm Tư lệnh binh chủng Đặc công.

Để đảm trách bộ đội đặc công, ông đã phải ngày đêm tìm kiếm tài liệu trong và ngoài nước nhằm mở rộng kiến thức về binh chủng đặc biệt này. Học ở tài liệu, ở các chiến hữu, rút những bài học từ binh nghiệp của mình... Do đó khi về binh chủng này nhận nhiệm vụ, ông đã đảm nhận tốt trọng trách của mình, được cộng sự, các sĩ quan cấp dưới và chiến sĩ kính trọng, qúy mến. Đặc biệt, ở đây ông cũng là hạt nhân đoàn kết nội bộ từ bộ chỉ huy binh chủng xuống các đơn vị và chiến sĩ.

Vào cuối 1984 đầu 1985 ông bị bệnh nặng. Tập thể giáo sư bác sĩ Viện quân y 108 hết lòng cứu chữa, nhưng không qua được. Ông đã từ giã bà con ruột thịt, các bạn chiến đấu và binh sĩ của mình giữa lúc đất nước bước vào thời kỳ đổi mới mà ông chưa được một ngày nào thư thả, thảnh thơi. Thậm chí ông đã được phong hàm Trung tướng mà chưa một lần nào mặc quân phục có hai sao trên vai mình.

Nằm trên giường bệnh, trong lúc mê sảng, ông nói như đang thảo luận sôi nổi về kế họach các trận đánh sau Hiệp định Pa-ri với các cán bộ chỉ huy các cấp... cho đến hơi thở cuối cùng ông cũng hết lòng vì binh nghiệp.
Và một trong những điều nổi bật ở ông là tính thẳng thắn, giản dị và liêm khiết.

Một lần vào mùa hè 1982, ông về Hà Nội họp rồi tiện thể ghé về nhà đúng lúc trận chung kết World-Cúp-82 ở Tây Ban Nha. Đang xem những pha gay cấn và hấp dẫn thì chiếc tivi đen-trắng 14 inh của nhà "ọc ạch", nhấp nháy... Mọi người xem lo lắng và có phần bực bội. Anh cần vụ phàn nàn:

- Người ta đã phân cho thủ trưởng được mua một chiếc tivi mới theo tiêu chuẩn mà thủ trưởng lại từ chối, cứ nhường nhịn mãi... (anh nói như vừa giận vừa thương).
- Thôi, nó có "ọc ạch" như thế nhưng nhà mình đã có dùng rồi còn hơn các đồng chí khác chưa có... Kìa, kìa tay Rô-xi đang đi bóng...
Ông trả lời thư thả như không có gì xảy ra.

Một lần khác, ông được phân 5 mét vải "pho" cao cấp để may bộ lễ phục cấp tướng theo tiêu chuẩn. Nhưng ông gửi trả lại đồng chí phụ trách hậu cần của đơn vị, với lý do: Khi đi học ở Liên Xô ông đã được phát một bộ y phục cấp tướng rồi, để món đó cho người khác.

Trong thời gian công tác ở Hà Nội với cương vị Cục trưởng Cục quân lực, ông vẫn ăn ở khu tập thể của Bộ Quốc phòng. Vì ông muốn sớm tối có thêm thời gian để đọc tài liệu, học tập nghiên cứu thêm. Thi thoảng, sáng chủ nhật, ông đạp xe đạp về nhà (tận mãi khu tập thể quân đội ở Hà Đông) thăm vợ con, chăm tỉa mấy luống rau, hốc bí... rồi tờ mờ sáng thứ hai đã phải đạp xe đi. Hồi ấy, theo tiêu chuẩn, gia đình ông được chuyển ra Hà Nội (với người thường đó là một điều quá ư khó khăn, ngoài tầm với tới), nhưng ông không muốn làm phiền hà cho tổ chức. "ở đâu chả là đất Việt Nam"-ông nói thế.

Với những người giúp việc trực tiếp: lái xe, cần vụ, thư ký, bảo vệ... ông đối xử cởi mở và thân mật như người nhà, như anh-em, chú-cháu, cha-con, không có gì cách biệt. Mỗi lần có chút gì "cải thiện", ông mời tất cả cùng ngôi quây quần với ông và các thành viên trong gia đình.

Một hôm ngày chủ nhật, tôi đến thăm ông, thấy ông mình đẫm mồ hôi đang xây lại bức vách bếp. Anh cần vụ và tôi cùng xông vào: "Thủ trưởng để chúng em giúp một tay cho nhanh". Ông liền gạt ra, rồi nói như ra lệnh:

- Thôi, các cậu về nghỉ đi, tý nứa là tớ làm xong thôi. Ngày chủ nhật đối với thanh niên tơ như các cậu cũng là vàng ngọc đấy!

Chúng tôi đành tuân lệnh nhưng với một tình cảm thắm đượm mến yêu người thủ trưởng rất mực tình cảm và tế nhị này.

Đã hơn mười năm qua mà hình ảnh vị tướng giản dị, liêm khiết và đầy lòng nhân ái này vẫn còn mãi lưu giữ trong ký ức những người bạn chiến đấu, các chiến sĩ và những người ruột thịt thân yêu.

Người viết bài này kính chúc ông thanh thản tâm hồn nơi cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Hữu Dy
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:22:15 pm »

Nhớ mãi KIM TUẤN

Tú Hào



Khi đến với Mặt trận Tây Tiến, lớp cán bộ đại đội chúng tôi ngày ấy đa số còn ở tuổi trên dưới đôi mươi.

Có người ở các đại đội độc lập rải rác khắp biên cương miền Tây, có người lại ở đơn vị tiểu đoàn tập trung, lâu lâu mới có dịp gặp nhau ngắn ngày tại một cuộc họp do trung đoàn triệu tập.

Ngoài mấy bậc văn nghệ sĩ mà tên tuổi sẽ còn được nhắc đến dài lâu, như nhà thơ Quang Dũng với bài thơ Tây Tiến bất hủ, như Doãn Quang Khải với khúc quân ca hùng tráng Vì nhân dân quên mình, hay như các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ, chiến sĩ Tây Tiến thường vẫn nhắc đến Như Trang, Việt Hổ, Vạn Thắng ...

Phần tôi, tôi còn nghĩ đến một đồng đội nữa, một con người làm tôi nhớ mãi, dù ít khi được gần gũi trên trận địa hay trong sinh họat đời thường về sau này, đó là Kim Tuấn. Anh cùng lứa với chúng tôi.

Trong mỗi con người tôi cứ nghĩ đều có một đặc điểm, một nét duyên thầm, nếu được phát hiện hoặc đã bộc lộ ra thì khó có thể bị phai mờ qua thời gian và không gian. Xin lấy ví dụ về con người Kim Tuấn, từ nụ cười đến tính cách của anh.

Gần 55 năm đã qua, nghĩa là hơn nửa thế kỷ, nụ cười rộng mở hết sức là hồn nhiên của anh vẫn hiển hiện ngay lên trong trí nhớ của tôi, mỗi lần có dịp nhắc đến anh. Mới hôm qua hôm kia, khi nói chuyện với chị Tú Khuê, vợ Kim Tuấn, tôi được biết đó cũng là ấn tượng không thể bao giờ nhạt nhòa đối với chị và với cả hai người con của anh chị.

Cô con gái lớn, cháu Thanh Hà năm qua đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ về y đức, hiện là thượng tá chủ nhiệm khoa Tâm lý, Học viện quân y. Cậu út cũng là thượng tá, công tác ở cơ quan thuộc Bộ quốc phòng. Chị Tú Khuê cho tôi biết, các cháu Thanh Hà và Nguyễn Công Hiệu từ nhỏ lớn lên, đi học rồi ra làm việc trong lúc bố các cháu cứ biền biệt xa nhà, nhưng tính tình vẫn thừa hưởng được từ bố các cháu vốn rất thuần hậu.
Theo suy ngẫm của tôi, nét thuần hậu dễ gần của Kim Tuấn chỉ để dành cho người thân, cho bạn bè, đồng đội. Trong con người anh còn bộc lộ một tính cách khác rất nổi trội: tính quyết đoán trong ứng xử, trong chỉ huy chiến đấu.

Tôi nhớ mãi hồi chiến dịch Tây Nam Ninh Bình(1953) tôi đã trực tiếp chứng kiến cuộc hành quân tốc chiến của tiểu đoàn Tiên Yên dưới quyền chỉ huy của Kim Tuấn, chỉ ít phút sau khi nhận lệnh trực tiếp của anh Văn Tiến Dũng từ sở chỉ huy tiền phương Đại đoàn 320.

Các đơn vị trong tiểu đoàn Tiên Yên cấp tốc xốc lại hành trang, vừa chạy vừa chỉnh đốn hàng ngũ. Tiểu đoàn trưởng Kim Tuấn vượt ngay lên đầu hàng quân, ra tận mặt đường cái Kim Tân đi Rịa để chỉ thị cụ thể, giao nhiệm vụ ngắn gọn cho cấp dưới với thái độ rất quyết đoán, lắp ghép được đơn vị nào đủ biên chế, trang bị xong là cho lệnh xuất phát ngay tức khắc...

Tiếng súng lớn nhỏ nổ ran lên ở phía trước và Sở chỉ huy tiền phương đã nhận được qua máy bộ đàm giọng nói trầm tĩnh quen thuộc của Kim Tuấn: "Báo cáo, Tiểu đoàn Tiên Yên vừa hòan thành nhiệm vụ".

...22 năm sau

Ngay sau khi nghe tin chiến thắng Ban Mê Thuột mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, được biết Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy và lực lượng sử dụng gồm Sư đoàn bộ binh 320 được tăng cường, chúng tôi đều hết sức vui mừng. Riêng tôi như có linh tính mách bảo, tôi vững tin là anh Dũng, tư lệnh chiến dịch đã giao cho Kim Tuấn, sư trưởng nhiệm vụ "băng rừng cắt đường giao thông và chặn đánh buộc địch ùn lại ở cả hai phía Đông-Tây". Y hệt như 22 năm trước, Kim Tuấn cũng từng một lần nhận mệnh lệnh tương tự của anh Dũng...

Tôi đã có dịp được hỏi anh Dũng về chuyện đó và anh xác nhận đúng vậy. Sau này anh Dũng có viết: "...Sư đoàn 320 sau khi nhận lệnh đã hành quân cấp tốc trong đêm 16 tháng 3. Sáng 17 tháng 3 năm 1975 một đơn vị đã nhanh chóng băng rừng, cắt đường số 7, chặn được quân địch ở phía đông Phú Bổn... 16 giờ ngày 17 tháng 3, đơn vị đi đầu của Sư đoàn ra tới đường số 7, chặn đánh địch ở đông nam Cheo Reo 4km... Cuộc đuổi đánh quân địch đã kết thúc thắng lợi... Ta đã tiêu diệt tập đoàn rút chạy của Quân đoàn 2 ngụy..." (Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước-Đại tướng Văn Tiến Dũng-NXB CTQG 1996)

Vị tướng quân tư lệnh một quân đoàn chủ lực lừng danh, người liệt sĩ Anh hùng quân đội Kim Tuấn mãi mãi là đồng đội thân thiết của Tây Tiến, đoàn binh không mọc tóc chúng ta!
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:22:48 pm »


Chân dung Hồ Chủ Tịch trên cao nguyên Phiêng Sa


Bùi Quý Bẩy


Tôi là một cán bộ cũ của trung đoàn 148 sống và chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn từ tháng 5 năm 1946 đến tháng 12 năm 1952. Trong suốt cuộc đời tham gia và phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, có hai kỷ niệm sâu sắc đối với tôi, trùng hợp ngẫu nhiên vào hai ngày hội lớn của dân tộc, trong năm đầu tiên của nước Việt Nam độc lập:

1-Ngày 19 tháng 5 năm 1946, toàn dân tộc tưng bừng trong ngày hội mừng lần đầu tiên ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng ngày đó, hồi 19 giờ, tại Xuân Mai-Hà Đông đơn vị chúng tôi hành quân ra mặt trận chiến đấu (lên Sơn La).

2-Đầu tháng 9 năm 1946, nhân kỷ niệm lần đầu tiên Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tôi mang bức chân dung Hồ Chủ tịch sang Lào tặng nhân dân cao nguyên Phiêng Sa.

Cách đây 49 năm, tháng7-1946 tôi được điều về phụ trách Đại đội phòng thủ vùng biên giới Việt-Lào, từ bản Chiêng On-Phiềng Phắt-Bó Rồm đến Mư Tưi thuộc xã Tú Lang. Mộc Châu, đối diện với cao nguyên Phiêng Sa thuộc nước bạn Lào.

Khi về chỉ huy đơn vị này, tôi thường được thống lý Phiêng Sa nhắn mời sang thăm (ông ta gọi tôi là quan ba Chiềng On, vì đại đội bộ đóng ở Chiềng On). Tôi có nhận lời, nhưng chưa sang ngay.

Đầu tháng 9 năm 1946, đồng chí Đức Sơn, chính trị viên tiểu đoàn 86, đến thăm đại đội và trao tặng đại đội bức ảnh chân dung Hồ Chủ tịch (cỡ 9x12 cm). Đồng chí nói: “Nhân kỷ niệm năm đầu Quốc khánh, dưới xuôi gửi lên một số ảnh chân dung Bác, Trung đoàn gửi tặng mỗi đơn vị một tấm để cán bộ, chiến sĩ chiêm ngưỡng”.

Tiếp nhận chân dung Bác từ tay đồng chí Đức Sơn trao cho, tôi vô cùng xúc động, đồng thời nảy ra một ý nghĩ: “đây là cái cớ và là bửu bối để mình sang Lào thăm và tuyên truyền, vận động thống lý Phiêng Sa theo cách mạng, lập kế “ly gián” giữa ông ta với Pháp”...

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, hiểu được ý đồ của thống lý Phiêng Sa, muốn tìm hiểu chủ trương, chính sách của cách mạng Việt Nam, tôi hạ quyết tâm sang một mình và sẽ sang đột ngột, không báo trước. Tôi nghĩ mình sang bên đó, thông qua công tác tuyên truyền giác ngộ, vận động được ông ta theo cách mạng, thì nhân dân cả vùng dân tộc Hmông này sẽ theo ông ta, có lợi cho cách mạng của hai nước biết bao! Nếu chẳng may, bị ông ta lừa, có lòng phản trắc, chặt đầu nộp cho Tây lấy thưởng, thì cũng sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, mình có bị hy sinh, ít nhất cũng có tác dụng làm cho một số người có cảm tình với cách mạng Việt Nam, hiểu được bộ mặt phản trắc của ông ta.

Sau khi cân nhắc kỹ, chọn ngày quang mây vào trung tuần tháng 9 năm 1946, tôi cùng đồng chí Khoát, chiến sĩ bảo vệ lên đường chính thức sang Lào thăm Thống lý và nhân dân cao nguyên Phiêng Sa. Đó cũng là chuyến xuất dương ra nước ngoài đầu tiên của tôi.

Khoảng 10 giờ, hai anh em chúng tôi lên đến cao nguyên bao la núi, đồi của Phiêng Sa. Đi độ nửa giờ đến đầu bản Hua Pú, nơi ở của thống lý, đã thấy lố nhố mười người đứng đầu bản chờ đón tiếp. Vào bản, đồng chí Dự trinh sát viên của đại đội cho biết: “Khi thấy các anh lên đến cao nguyên, người gác chạy về báo rằng phía Việt Nam sang có một người cưỡi ngựa, một người đi bộ, ông Thống lý đang nằm hút thuốc, ngồi bật dậy nói: “Có lẽ quan ba Chiềng On sang thăm đấy” rồi giục mọi người cùng ra đón tiếp. Cách chỗ người đứng chừng 10 bước, ông Thống lý bước ra trịnh trọng chào hỏi và tự ông ta giữ dây cương cho tôi xuống ngựa.

Chào hỏi xã giao xong, ông Thống lý ra lệnh cho người đội trưởng: “anh cử ngay người đi canh gác các ngả, thấy Tây về phải báo ngay, nếu để xẩy ra chuyện gì đối với Quan ba, thì các anh chết đấy! Đồng thời cho gọi ngay dân về đón tiếp và chào Quan ba.

Nghe ông nói, tôi hỏi đồng chí Dự, đồng chí đã dịch lại. Đồng chí Dự là Việt kiều tại Lào, khi nước nhà giành được chính quyền, đồng chí về nước tham gia Quân đội, nên đồng chí rất thông thạo tiếng Lào và Hmông. Hiểu được những điều ông nói, tôi yên tâm và nói: “Rất cám ơn ông thống lý, ông không phải gọi dân về, để yên bà con làm việc. Chiều, cơm nước xong, đề nghị ông mời bà con đến, để tôi được thăm hỏi và nói chuyện với bà con”.

Vào nhà,thăm hỏi xong,tôi trịnh trọng đưa bức ảnh chân dung Bác cho ông thống lý và nói:

"Vừa qua, ngày 2 tháng 9, nhân dân cả nước chúng tôi, mừng ngày Hội lớn của dân tộc-kỷ niệm lần đầu tiên của năm thứ nhất Quốc khánh của nước Việt Nam độc lập. Nhân dịp này, Chính phủ Trung ương gửi lên một số ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà để tặng thưởng những người có công với cách mạng. Nhân dịp này chúng tôi xin gửi tặng nhân dân Phiêng Sa, ghi nhận công lao của ông Thống lý và nhân dân đã giúp đỡ và ủng hộ Quân đội Việt Nam được cử đến hoạt động ở vùng biên giới Việt-Lào. Hôm nay tôi sang thăm ông thống lý và nhân dân Phiêng Sa, tôi có trách nhiệm thân chinh mang bức chân dung của Hồ chủ tịch và chuyển lời thăm hỏi và cám ơn của chúng tôi đến nhân dân Phiêng Sa và ông Thống lý..."

Tiếp nhận bức chân dung Hồ chủ tịch trên tay tôi và nghe những lời tôi nói, ông Thống lý rất xúc động. Đôi mắt ông thấy hoe hoe đỏ. Với giọng xúc động. ông nói: “Cám ơn ngài Quan ba!”. Rồi ông ngắm nhìn chân dung một cách tôn kính, xong chuyền tay cho thân nhân trong gia đình có mặt trong buổi tiếp cùng chiêm ngưỡng.

tôi bắt đầu nói chuyện về cách mạng Việt Nam và âm mưu của thực dân Pháp tái xâm lược ba nước Đông Dương bao gồm những nội dung sau: ý nghĩa thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, một nhà nước nước do nhân dân tự làm chủ vận mệnh của đất nước, không cho ngoại bang cai trị; Thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thể chế của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; Nhiệm vụ của quân đội Việt Nam, phòng thủ biên giới Việt-Lào và âm mưu xâm lược Việt Nam của Quân đội Pháp chiếm đóng ở Lào: ý nghĩa của từ “đồng chí”

Buổi tối bà con dân bản đến, có nam, có nữ, chừng 30 người, ngồi quanh đống lửa giữa nhà Thống lý. Sau lời giới thiệu, tôi thăm hỏi và nói chuyện với bà con, nói những điều mà tôi đã nói với ông thống lý hồi ban ngày. Nói xong, ông Thống lý chuyền tay cho mọi người xem chân dung Hồ chủ tịch.

Mặc dầu bà con dân tộc Hmông của nước Lào chưa biết Hồ Chí Minh là ai. Lần đầu tiên, được nghe tôi nói về thân thế sự nghiệp và công lao to lớn của Người đối với cách mạng và nhân dân Việt Nam và được chiêm ngưỡng chân dung của Người, bà con tỏ thái độ rất tôn kính. Qua ánh lửa hồng, ông Thống lý phát hiện, đôi mắt Hồ chủ tịch có hai con ngươi, ông chỉ và nói với tôi: “Này ngài Quan ba, ngài có thấy không, đôi mắt Hồ chủ tịch có hai con ngươi, khác người thường. Người hiểu thấu khát vọng của mọi người dân, bất kể người đó ở đâu, bất kể người đó là dân tộc nào, như Ngài đã kể về lòng nhân nghĩa cao cả của Người”. Nghe ông Thống lý nói, nhiều bà con xin được xem lại chân dung Bác và rì rầm trao đổi với nhau.

Sau khi bà con xem chân dung Bác xong, tôi nói tiếp: Từ khi cách mạng Việt Nam giành được chính quyền đến nay, Nhà nước chúng tôi vốn rất nghèo lại phải chăm lo nhiều việc cho dân nên không có khả năng in để tặng mỗi gia đình một tấm hình của Hồ chủ tịch mà chỉ gửi tặng được một tấm tượng trưng để tỏ lòng biết ơn về sự ủng hộ quý báu của bà con cũng như ông Thống lý đối với cách mạng và quân đội Việt nam.

Vậy, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh này, ai là người có vinh dự được bà con trao cho trông giữ? Tôi đề nghị bà con trao bức chân dung này cho ông Thống lý được thay mặt bà con giữ gìn. Bởi vì ông Thống lý là người đứng đầu Phiêng Sa. Hằng ngày ông Thống lý treo bức chân dung này trên tường bà con có đến, đều được chiêm ngưỡng. Nhưng khi nghe có Tây về, ông Thống lý phải cất giấu, đừng để Tây nó thấy.

Nghe tôi đề xuất, bà con đồng thanh nhất trí. Ông Thống lý cũng vui vẻ nhận sự tín nhiệm của bà con trao cho và xin hứa, giữ gìn thật chu đáo chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau buổi nói chuyện ông Thống lý đứng dậy thay mặt bà con nói:
..."Nhân dân Phiêng Sa chúng tôi, tuy có giúp đỡ một số anh em bộ đội Việt Nam được cử sang hoạt động, sự giúp đỡ đó chưa đáng là bao mà đã được bộ đội Việt Nam biết đến và coi chúng tôi là những người có công với cách mạng và Quân đội Việt Nam. Ân đức này chúng tôi xin ghi nhớ không bao giờ quên. Một lần nữa chúng tôi xin trân trọng bộ đội Việt Nam. Chúng tôi cũng nhờ ngài Quan ba chuyển lời cám ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam”...

..."Còn hoàn cảnh của nhân dân chúng tôi hiện nay như thế nào, xin trình bày để ngài Quan ba biết. Từ khi quân Pháp trở lại chiếm đóng nước Lào và về đóng quân ở bản Hùm Báo, hàng tuần chúng về bắt chúng tôi cung cấp lương thực, thực phẩm và cũng nhiều lần hứa sẽ cung cấp muối cho Phiêng, nhưng cho đến nay nhân dân cả Phiêng cũng chưa được một hạt muối nào của chúng. Vậy nếu có thể được, nhờ ngài Quan ba, nói với chính phủ địa phương bên đó, bán cho chúng tôi ít muối để phân phối cho nhân dân có muối dùng”...

Nghe ông nói xong, tôi nói: “tưởng việc gì to tát, chỉ có việc này, sao ông Thống lý không cho tôi biết trước đây. Bây giờ ông thông báo cho bà con toàn Phiêng, mỗi gia đình cần bao nhiêu cân muối, ông cho tổng hợp lại, tôi sẽ về Mộc Châu báo cáo và đề nghị với thượng cấp”.

Độ tuần lễ sau, được tiểu đoàn báo lên, uỷ ban huyện Mộc Châu nhận cung cấp muối cho Phiêng Sa. Nhận được tin Phiêng Sa đã cử một đoàn sang Mộc Châu nhận chuyến muối viện trợ đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân cao nguyên Phiêng Sa.

Ngay khi nhân dân Phiêng Sa nhận được chuyến muối viện trợ (trên một tấn) ông Thống lý cử người sang mang theo một con ngựa, có cả yên cương mới, chuyển lời cám ơn đến tôi và nói: “Ông Thống lý cho mang con ngựa sang để ngài Quan ba sử dụng cho an toàn. Vì ngựa của người Hmông chúng tôi đi núi cao, núi đá thạo hơn ngựa của người Thái".

Đầu năm 1947, tôi nhận được lệnh của trung đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, gọi về trung đoàn nhận nhiệm vụ khác. Con ngựa trên, tôi để lại đại đội.
Đầu năm 1949, tôi trở lại Sơn La, phụ trách đại đội độc lập hoạt động ở Mộc Châu, đóng quân tại khu căn cứ du kích xã Tú Lang. Anh Đông Tùng, chính trị viên đội võ trang Lào Bắc, từ căn cứ cách mạng Phiêng Sa về xuôi họp, qua khu căn cứ gặp tôi. Tôi chưa kịp chào anh, anh đã nói luôn, Thống lý Phiêng Sa vẫn thường xuyên hỏi thăm cậu đấy. Và anh nói qua quá trình tham gia hoạt động cách mạng của ông ta và nhân dân cao nguyên Phiêng Sa hiện nay ông Thống lý là khu trưởng khu hành chánh của khu căn cứ cách mạng Phiêng Sa.

Được nghe anh Đông Tùng nói về sự giác ngộ của Thống lý và nhân dân các dân tộc cao nguyên Phiêng Sa trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của cách mạng Lào, lòng tôi tràn đầy niềm vui và liên tưởng lại những suy nghĩ về việc làm bình thường của mình trước đây, không ngờ, đã đem lại lợi ích to lớn cho cách mạng Lào ngày nay.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:24:17 pm »

Những ngày đầu ở Sở chỉ huy mặt trận Tây Tiến

Nguyễn Chính



Tôi được chỉ định phụ trách văn phòng Bộ chỉ huy mặt trận Tây Tiến, và cử đi trước bằng xe ôtô chở khách của bác Tài Tuế đã xin hiến cả xe theo bộ đội Tây Tiến. Trên xe bác Tài Tuế có tiểu đội cảnh vệ mang theo hòm đạn, hòm lựu đạn, có tiểu đội nhạc binh mang theo kèn hơi, trống to, trống nhỏ, có bộ phận nuôi quân lủng củng rổ rá nồi chảo.

Chúng tôi đến Mường Hịch, nơi đặt sở chỉ huy mặt trận Tây Tiến, được các Mế, các anh chị em dân quân du kích đón tiếp nồng nhiệt như đón người thân, ánh mắt tràn đầy vui mừng tin tưởng rồi phân nhau đưa chúng tôi lên nhà. Chúng tôi đi đường xóc ổ gà ê ẩm vừa mệt, vừa rét, vẫn cố trấn tĩnh giữ tư thế mạnh mẽ của anh bộ đội Tây Tiến niềm nở chào mừng các Mế, các anh chị trong nhà rồi quay vào huơ tay trước bếp củi giữa nhà sàn và vui đón bát nước chè nóng đậm đà tình quân dân.

Sớm hôm sau, chúng tôi cùng bà con trong bản làng làm tổng vệ sinh thì thấy Chỉ huy trưởng Hoàng Sâm, Chính uỷ Lê Hiến Mai đi bộ vào, theo sau là cán bộ tuỳ tòng giữa tiếng hò reo của bà con và chúng tôi. Bộ chỉ huy hỏi thăm trò chuyện với bà con rất cởi mở thắm thiết.
Chúng tôi được biết là Bộ chỉ huy hành quân cả đêm bằng xe Zeep "tòng tọc" trống tuyềnh toàng lại mưa rét do anh Phong chiến sĩ văn phòng rất trẻ lái, đang theo bác Tài Tuế mang xe vào rừng cất giấu.

Đồng chí Hoàng Sâm không nghỉ, làm việc ngay, tôi báo cáo ngắn gọn, đồng chí Hoàng Sâm lệnh cho triệu tập hội nghị quân chính ngay. Tôi làm nhiệm vụ thể hiện ý tưởng của đồng chí Hoàng Sâm dưới dạng văn bản kế hoạch thực hiện chỉ thị của Bác và Bộ Tổng tư lệnh, về việc phải chuyển hẳn tư tưởng tác chiến của bộ đội Tây bắc mà khuyết điểm nghiêm trọng nhất của một số đơn vị Tây Bắc lúc đó là đã rải lực lượng lập phòng tuyến trên các trục đường giao thông đương đầu với "mũi dùi" chủ lực của địch, nên đã bị quân địch tập trung lực lượng vừa đánh vỗ mặt, vừa vu hồi đánh ở sau lưng, lần lượt phá vỡ từng phòng tuyến của quân ta.

Trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu đã ra lệnh bỏ cách dàn quân giữ đất mà phải chuyển biến sang đánh du kích vận động chiến.

Cũng chính vì thế mà Bộ đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy mặt trận Tây Tiến II.
Vậy biện pháp củng cố lại chủ lực, chuyển các đơn vị này làm tốt các nhiệm vụ vừa tác chiến vừa bám sát dân, hoà vào dân; vừa luyện tập, vừa tổ chức dân quân du kích, vừa phân nhỏ đơn vị luồn vào vùng địch phát động du kích chiến tranh thật mạnh mẽ rộng khắp. Có làm được như vậy, ta mới có điều kiện chủ động đánh địch và thắng địch.

Sau đó, tôi lấy ngựa đưa Bộ chỉ huy đi quan sát một số bản làng Phố Vãng, Chiềng Sại, Mai Hạ.
Bộ chỉ huy quyết định:

- Lập kho lương thực ở rừng Chiềng Sại, giao anh Thanh Tùng và chị Nhạn (Nguyên) đảm nhiệm.
- Lập quân y xá ở Chiềng Sại, địa điểm thứ hai là Mai Hạ, giao bác sĩ Đức làm Trưởng.
- Làm cầu Bãi Sang, sửa những đoạn đường lầy đảm bảo ôtô chuyển hàng quân đội thông suốt, giao Nguyễn Chính và Phó ty giao thông công chính được Uỷ Ban Hoà Bình cử đến đôn đốc.
Ngay tối ấy tổ chức buổi lửa trại vui văn nghệ ở Mường Hịch phục vụ bản làng mà diễn văn là đơn vị cảnh vệ, là các chàng trai quân nhạc, thổi kèn, đánh trống khuấy động cả vùng núi rừng.
Vài tháng sau, máy bay Đa cô ta của địch liên tục bay lượn rất thấp vùng trời Mộc Châu, Vạn Mai, Suối Rút. Bộ chỉ huy nhận định là địch đã biết ta hành quân lên Tây Bắc muốn tìm sở Chỉ huy để đánh úp, nhất là từ tháng 3-1947 địch đã đánh thông Hà Đông, Hoà Bình, Sơn La, chuẩn bị lập "Xứ Mường tự trị" cùng quân nhảy dù xuống Mộc Châu-Bộ chỉ huy quyết định quân y xá rời từ Mai Hạ sang Châu Trang qua dốc Văn, dốc Đẹt chờ lệnh, 2 đầu máy ôtô cho chôn cất giấu vào rừng tại Bãi Sang.

Bộ chỉ huy lệnh cho anh Chu Đốc triển khai ngay phương án tác chiến số 1 như đã định-giao nhiệm vụ anh Phúc Thảo cho phá sập cầu Bãi Sang và chặn địch phía Suối Rút lên; anh Thanh Tùng cho phân tán kho lương thực Chiềng Sại cho đồng bào bản làng đã quy định như kế hoạch và về Mường Bi-Lạc Sơn chuẩn bị địa điểm đóng quân.

Tin tình báo là địch đã nhảy dù xuống Suối Rút.

Cùng lúc một trung đội của anh Trung đoàn trưởng Chu Đốc cử đến tăng cường bảo vệ Sở chỉ huy.

Đồng chí Hoàng Sâm ân cần dặn dò Trung đội này cấp tốc đến chân núi Văn tăng cường bảo vệ và giúp đỡ quân y xá di chuyển, còn Sở chỉ huy đã có Chỉ huy trưởng Hoàng Sâm cùng cảnh vệ và cơ quan chiến đấu tự bảo vệ là bảo đảm tốt rồi.

Quân y xá di chuyển vô cùng vất vả; đường cái bị địch bao vây, trên trời máy bay lùng tìm. Thương bệnh binh nặng được vận chuyển bằng cáng, có đồng chí bị thương chân, lấy hai tay cầm 2 chiếc quốc lê lên dốc một bên núi đá, một bên suối và vực thẳm. Những đồng chí bị sốt rét chống gậy run lẩy bẩy. Đồng chí Lê Hiến Mai đón gặp động viên, được dân quân du kích Mường Bi mang cơm nắm đến tiếp tế và thay anh em Mai Hạ để cáng tiếp về Châu Trang. Một số thương bệnh binh trình bày đã khoẻ xin được ở lại chiến đấu. Đồng chí Lê Hiến Mai đồng ý giao bác sĩ đến kiểm tra lại nếu đã khoẻ cho tăng cường vào tiểu đội cảnh vệ làm nhiệm vụ cảnh giới từ xa đề phòng địch tiến theo sườn núi đá lên đỉnh đánh sau lưng ta...

Tôi và anh Tạ Đình Đề thay phiên nhau chiến đấu ở gần chân dốc Đẹt, cứ địch lọt vào đường hẻm chờ thật gần là nổ súng, bằng một viên đạn một quân thù là biệt tài của Tạ Đình Đề, đã gây kinh hoàng cho giặc. Suốt một ngày căng thẳng giữ vững trận địa... rồi chờ... chờ mãi không thấy địch nhô lên... Tạ Đình Đề sốt ruột mò xuống chân dốc Đẹt thì địch đã co cụm về phố Vãng để vào Chiềng Sại, bỏ cả xác Tây!

Kế hoạch tác chiến đánh Chiềng Sại, chủ yếu là lực lượng của tiểu đoàn Mạnh Quân, bao vây công hãm Vạn Mai Tú Lệ và kìm chặt là lực lượng Tiểu đoàn Tuấn Sơn; đại đội 61 nhổ xong bốt giặc ở bản Đậu, cấp tốc ra Bãi Sang tìm địa điểm phục kích chặn địch vào cứu viện Chiềng Sại; đồng chí Chu Văn Yêm đi với đại đội 61 chỉ đạo tác chiến, lấy lại đồng hồ đúng giờ G nổ súng giành thắng lợi.

Bộ đội Tây Tiến theo phương thức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung đã thực hành chiến tranh du kích, được nhân dân các dân tộc trong vùng địch tạm chiếm ở Hoà Bình, dù bị o ép và bị thiếu đói vẫn hết lòng cưu mang nuôi dưỡng và góp sức cùng bộ đội đánh giặc.

Đầu năm 1996, sinh thời anh Tạ Đình Đề trao đổi với tôi cùng viết "Kể chuyện chiến đấu dốc Đẹt của tướng quân Hoàng Sâm" rồi cùng vui nói chỉ một đoạn là hết chuyện: Tướng quân chiếm thế cao cho bắn tỉa xuống dưới, ở dốc Đẹt độc đáo cheo leo, bên là vực thẳm, Tây nào muốn phơi xác thì cứ mò lên! Tạ Đình Đề vẫn quen cách nói vui: cứ kể chỉ một mình Tạ Đình Đề là đủ, đồng chí Hoàng Sâm lại để những 5 lính bắn tỉa, rồi cười rộ nói tiếp đồng chí Hoàng Sâm là một nhà thiện xạ nổi tiếng, trực tiếp chỉ huy chặn địch nếu Tây bò lên đánh sau lưng chỉ có nộp mạng, mà phải kể cả mặt trận Tây Tiến nữa chứ và kết quả chiến đấu ngày ấy là:

- Âm mưu địch đánh úp Bộ chỉ huy Tây Tiến không thành!

- Về ta; quân y xá về Châu Trang, Sở chỉ huy về Mường Bi an toàn!

Chuyện chiến đấu dốc Đẹt thời đó của Tướng Quân Hoàng Sâm đã đi vào huyền thoại cùng với Phai Khắt, Nà Ngần./.
Logged

Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM