Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:41:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: HÀ GIANG _Ký ức và tâm tình người lính bảo vệ Biên cương Tổ quốc - Phần 22  (Đọc 195135 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #400 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 07:49:31 pm »

                         Chào các bác và anh em .

    Cám ơn bác Tiengiao đã hoàn thành phóng sự ảnh tường thuật về ngày gặp mặt của anh em CCB Vị xuyên tại Hải phòng . Việc anh em CCB chúng ta tự đứng ra tổ chức các buổi gặp gỡ đồng đội , kỷ niệm ngày truyền thống hay sự kiện lịch sử của đơn vị mình là một sự nỗ lực rất lớn . Mong rằng , trong tương lai , chúng ta sẽ nhận được sự quan tâm xứng đáng , thiết thực hơn nữa từ phía nhà nước .

    Hôm nay trong chương trình thời sự buổi trưa trên kênh VTV1 có tin chủ tịch nước Trương tấn Sang đã có buổi gặp gỡ động viên ban liên lạc CCB Quân đoàn 2 . Xin tải về để các bác và anh em cùng xem :

    " VTV.vn - Đoàn cán bộ cao cấp, cựu chiến binh Quân đoàn 2 đã cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ôn lại truyền thống chiến đấu và trưởng thành của quân đoàn.

Sáng 29/3, trong không khí hào hùng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật Ban liên lạc truyền thống Quân đoàn 2 anh hùng, đơn vị giữ vai trò đặc biệt quan trọng, thực hiện những đòn tiêu diệt lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong chiến dịch giải phóng miền Nam, Quân đoàn 2 là đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên được thành lập và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ giải phóng Thượng Đức, chiến dịch Trị - Thiên - Huế, chiến dịch Quảng Nam - Đà Nẵng, đập tan các tuyến phòng ngự Phan Rang, Phan Thiết; thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn, chiếm giữ Dinh Độc Lập cùng toàn bộ nội các Việt Nam Cộng hòa.

12.000 chiến sỹ hy sinh của quân đoàn trong thời kỳ chống Mỹ và hơn 1.000 chiến sỹ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Hà Giang. Các cựu chiến binh Quân đoàn 2 cũng gửi gắm đến Chủ tịch nước ý chí quyết tâm, nếu Tổ quốc gọi lại sẵn sàng lên đường chiến đấu, đánh thắng bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Các cựu chiến binh cũng bày tỏ mong muốn công tác xây dựng Đảng sẽ tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ.

Các cựu chiến binh sẽ có hành trình thăm lại chiến trường xưa, Chủ tịch nước chúc các cựu chiến binh thăm được nhiều các chiến trường lịch sử, các địa danh thấm đẫm máu và nước mắt của đồng chí, đồng đội.

Nhấn mạnh sự hy sinh to lớn của cả dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, Chủ tịch nước cho biết việc đền ơn đáp nghĩa được Đảng, Nhà nước xác định là một chủ trương lớn và xuyên suốt, được toàn thể xã hội tham gia hưởng ứng, những dịp kỷ niệm lớn lại càng cần thiết những nghĩa cử của tình đồng chí, đồng đội.

Chủ tịch nước mong muốn các cựu chiến binh với uy tín của mình đóng góp cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự hy sinh, mong mỏi của những thế hệ các anh hùng liệt sỹ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online. "

    Nghe , đọc thông tin trên , ngoài việc cảm thấy vui vì sự quan tâm của lãnh đạo nhà nước với anh em CCB , lính VT 60 em cũng còn thấy hơi buồn vì sự hy sinh lớn lao của người lính , để rồi lại lăn tăn nhớ về mức độ khốc liệt của chiến trường Hà giang ngày xưa .

    Tìm hiểu về lịch sử thành lập và chiến đấu của quân đoàn 2 qua Wikipedia .org lính VT 60 em đọc được : " Lực lượng Quân đoàn 2 những ngày đầu mới thành lập gồm ba Sư đoàn bộ binh 304, 325, 324, Sư đoàn phòng không 673, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn xe tăng 203, Lữ đoàn công binh 219, Trung đoàn thông tin 463 và một số đơn vị trực thuộc khác."

    Không biết trên thực tế , khi tham gia chiến đấu trên mặt trận Hà giang , ngoài lực lượng F325 , Quân đoàn 2 còn có  đơn vị nào nữa không , nhưng  con số thống kê "  hơn 1.000 chiến sỹ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Hà Giang " đã nói lên một điều rất rõ ràng : Mặt trận Hà giang vô cùng khốc liệt .

    Nếu chúng ta  xem lại tài liệu ( theo nguồn từ VMH ) mà bác Laoshan đã đưa về ở mấy trang trước :

"....Trong thời gian 1984-1989, phía Việt Nam đã nhiều lần thay phiên các đơn vị lên chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên:

Ở phía tây sông Lô từ đầu năm 1984 đến tháng 12/1985: Sư đoàn 313 và 356; Tháng 5/1985: Sư đoàn 313; Tháng 12/1985: Sư đoàn 31; Tháng 6/1986: Sư đoàn 313; Tháng 2/1987: Sư đoàn 356; Tháng 8/1987: Sư đoàn 312; Tháng 1/1988: Sư đoàn 325; Tháng 9/1988: Sư đoàn 316; Tháng 5/1989: Sư đoàn 313... "

xem xét khoảng thời gian mà F 325 có mặt và chiến đấu trên mặt trận Hà giang ( 9 tháng ), ta lại càng cảm nhận thấy điều đó .

    Đã từ lâu , trên VMH , anh em CCB Hà giang chúng ta luôn nhận định , đánh giá rằng : Từ giai đoan cuối 1987 sang 1989 , cuộc chiến Hà giang đã bớt khốc liệt hơn so với giai đoạn trước đó .

    Theo hiểu biết của cá nhân lính VT 60 em , nhận định đó là đúng với thực tế chiến trường .

    Hôm nay , qua con số thống kê chính thống này , hẳn chúng ta sẽ hình dung ra cái bầu không khí chiến trận khi mà nó đã " dịu lại , bớt khốc liệt "  mà còn gây đổ máu nhiều như thế , thì trước đó nó còn khốc liệt tàn hại ra sao nữa .

    Mời các bác bình luận để chúng ta cùng nhớ thêm về một thời chiến trận gian khó trên mảnh đất Vị xuyên - Hà giang mà anh em mình đã trải qua.

    Nhân dịp này , chúng ta cùng nghiêng mình tưởng nhớ tới các đồng đội liệt sỹ của Quân đoàn 2 đã ngã xuống trên khắp mọi chiến trường , trong đó có chiến trường Hà giang .
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Ba, 2015, 08:39:07 pm gửi bởi thai60 » Logged
laoshan1234
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1474



« Trả lời #401 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 08:38:07 pm »

  Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) là sư đoàn đã tham gia phòng thủ trên mặt trận Vị xuyên từ năm 1988,lúc này tình hình biên giới nói chung cũng đã giảm sự ác liệt của chiến tranh.Chúng ta nhiều anh em cũng đã giải ngũ về địa phương,nên cũng không chứng kiến.Quân số đơn vị này hy sinh nằm lại Hà giang-Theo như số liệu tổng kết được báo cáo chủ tịch nước là hàng ngàn cán bộ,chiến sỹ-Chắc chắn là số liệu chính xác,như vậy số liệt sỹ này chủ yếu là hy sinh tại mặt trận VX

  Doanh trại sư đoàn 325 (Đoàn Bình trị thiên) tại Làng Pinh đến nay vẫn còn.


  Điều đó nói lên sự ác liệt của mặt trận,các đơn vị có thời gian chiến đấu lâu dài như:314,356 và đặc biệt là sư đoàn 313 thì quân số hy sinh sẽ là bao nhiêu ? một câu hỏi mà chưa ai trả lời được.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Ba, 2015, 10:07:31 pm gửi bởi laoshan1234 » Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #402 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2015, 11:19:23 pm »

Ngồi nghe kể còn nhiều anh em không biểt giờ ở nơi nào, cũng có nhiều anh em cực khổ trăm điều khó khăn lắm tuy giờ sống trong thủ đô Hà Nội, vẫn còn nghèo khó thương lắm đồng đội ơi ,chẳng giúp được gì cho bạn nứoc mắt nưng trào cùng cảnh cơ hàn chỉ động viên nhau còn sống tới nay là may mắn lắm rồi ,còn biết bao nhiêu đồng đội vẫn còn nằm phơi sương nắng nơi miền bên giới
Cảm động lắm ấm tình người lính  Vị Xuyên  nhắc tới hai chữ VỊ Xuyên thôi trong lòng trỗi dậy tuổi mười tám đôi mươi  tự hào những năm tháng cần súng bảo vệ Tổ quốc
Hả giang mến yêu của tôi quê hương thứ hai của những người lính Vị Xuyên
Hôm vừa rồi nhìn thấy chiếc xe ba bánh của bác TB nào đó chạy trên đường phố Hà nội trên thân xe đề hai chữ Vi Xuyên tôi thốt lên Vị Xuyên -Vị Xuyên nhớ mãi đừng quên....

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


                            Chào các bác và anh em .

    Đoạn viết trên đây của bác đồng đội Vị xuyên thật là cảm động , nó đã toát lên trọn vẹn tình nghĩa đồng đội sâu nặng và tình cảm thương nhớ mảnh đất Hà giang yêu dấu của những người cựu lính chúng ta .

    Vâng . Còn nhiều lắm những đồng đội đang vất vả áo cơm trên mảnh đất Việt nam này , ở nơi Thủ đô đô hội cũng nhiều , nhiều lắm .

    Nhớ hồi trước Tết âm lịch vừa rồi , có một hôm Thai60 em có việc , cần thuê xe tải nhõ hoặc xe ba bánh  chở ít đồ đạc cồng kềnh ra nhà cô em gái ở gần bùng binh Khuất Duy Tiến . Gọi điện cho một ông xe ba bánh quen , ông ấy bận , nên gửi một ông khác đến .

    Đợi chưa đến 10 phút , thấy một cái xe ba bánh cũ rích đến trước nhà . Ông lái có vẻ điềm đạm , kiên nhẫn chờ mấy bố con em khiêng đồ từ trên gác xuống , và cẩn thận  chằng buộc đám đồ ấy rất kỹ càng . Nhìn thân hình mảnh khảnh với cái chân lặc lè tập tễnh đang hỳ hục leo lên leo xuống thân xe , 60 em ái ngại , bảo lão ấy buôc sơ sơ thôi , nhưng lão không nghe , cứ tẩn mẩn lấy giấy , bìa lót đặt rồi chằng chằng néo néo rất chu đáo .

    Lên đường . Từ Hà đông ra Thanh xuân . Chạy xe máy đằng trước dẫn đường , vừa phải soi vào gương chiếu hậu để giữ khoảng cách , vừa phải căng mắt soi ra đằng trước để phát hiện mấy anh áo vàng , vì sợ các anh ấy thấy đang giũa giờ cấm mà có anh ba bánh dám tà tà chạy giữa đường phố Hà nội , nổi cơn ngứa mũi lên , giữ lại hỏi thăm sức khỏe thì bỏ mẹ , phiền lắm . Mà còn khổ lão ba bánh kia nữa chứ , chở cho mình được có 200.000 đồng , gặp bọn cá ngão kia may chắc phải nộp phạt gấp vài lần chỗ ấy . May quá , có bóng áo vàng thật , nhưng các anh hùng núp ấy đang rình ở phía bên kia ngã tư , còn bọn em thì rẽ phải ngay bên này ngã tư , nên không bị các anh ấy giơ gậy chặn lại để... chào .

    Lúc dỡ đồ , cái thân hình mảnh khảnh có cái chân tập tễnh kia lại xúm vào , tỉ mẩn nhẹ nhàng tháo dỡ rồi khiêng xuống cùng Thai60, lại còn nhắc 60 em cẩn thận để khỏi xước đồ .

    Xong việc , sau khi trả tiền , 60 em hỷ hả : May quá , không bị mấy ông công an chặn đường . Ông ba bánh bảo : Vâng , cũng vì hàng không thò ra ngoài thôi , chứ không thì các ông ấy thính lắm , có trinh sát dọc đường cả đấy , chả thoát được đâu . Đã bị các ông ấy giữ lại rồi thì kể cả thương binh như bọn em cũng bị vặt tất , đừng nói chuyện xin xỏ .

    À ... ra cái lão này là thương binh đây . Vậy là xoắn vào hỏi chuyện .

   Hóa ra ...

    Anh tên là Trung , sinh năm 1960 , bằng tuổi Thai60 . Anh nhập ngũ cuối năm 1984 . Nhà anh ở Bình đà , Thanh oai , Hà tây cũ , cách Hà đông khoảng chục cây số . Trước khi nhập ngũ , anh đang công tác ở phòng nông nghiệp huyện . Anh kể , năm ấy , chả hiểu trời đất run rủi thế nào , tự nhiên máu anh hùng nổi lên , anh và một anh nữa cùng cơ quan lại xung phong đi bộ đội . Lúc ấy , bố anh đang là chủ tịch huyện , còn bố anh kia cũng là một lãnh đạo huyện ( Anh kể , nhưng 60 em quên mất ) .Mặc dù các anh ở huyện đội ngăn cản , nhưng các anh vẫn quyết chí đi . Đơn vị anh là F325 .

    Cuối năm 1987 , nghe tin đơn vị chuẩn bị sang Hà giang chiến đấu , anh cùng với anh bạn kia lại xung phong đi , mặc dù các anh không phải đi , vì đang làm nhiệm vụ khác , và đã nằm trong danh sách chuẩn bị ra quân  .

    Sang đến Vị xuyên , anh được biên chế về đơn vị C25 vận tải , nằm ngay ở Nà cáy . Công việc của các anh , nghe anh kể , thì cũng y xỳ như của cánh ngựa thồ nhà chị Dậu bọn em .

    Anh kể , mới sang được hơn một tháng , C VT của anh đã bị thương vong gần hết . Hỏi bị ở đoạn nào nhiều nhất , , anh bảo chả nhớ tên nữa , chỉ biết chỗ bị bắn nhiều nhất là một cái ngã ba gần bên sông lô , đoạn đường ấy hẹp lắm , một bên là bờ sông , một bên là vách núi . Rồi cả cái đường dốc ở sau lưng Nà cáy , mà trên đỉnh có mấy ụ pháo bắn thẳng nữa . Tóm lại , chỗ nào cũng thấy bị bắn , ngay cả khi đang ở trong hầm giữa Nà cáy cũng bị .

    Anh bị thương ở khu ngã ba , ở cái đoạn hào gần chỗ có một cái cầu sập , nơi chuẩn bị lội qua suối để vào hang Dơi , hôm ấy các anh đang tải thực phẩm . Tính ra , anh ở trên ấy chưa tròn 2 tháng . Còn anh bạn thân của anh , cũng lính VT cùng C anh , thì bị sau đó một tháng , nhưng là hy sinh , khi đang cáng thương từ hang Dơi ra gần đến đoạn dốc lên hang Phẫu Nà cáy .

    Nghe câu chuyện của anh , Thai60 em như xây xẩm hết cả mặt mày khi thấy như đang đọc lại câu chuyện na ná như chính câu chuyện đời của mình vậy . Loạng choạng đứng lên khỏi bậc cửa nhà , tiến đến trước anh , đưa bàn tay nắm lấy tay anh , một cánh tay ôm qua lưng anh , kéo vào lòng mình , ôm thật chặt , miệng líu lại : Đồng đội ơi , tôi cũng sinh năm 1960 , cũng ở cơ quan xung phong đi , cũng ở C25 VT , cũng nằm ở Nà cáy như bạn đây ...

    Mừng mừng tủi tủi ...

    Anh kể tiếp , sau khi trở về cơ quan , do sức khỏe yếu , trình độ lại thấp , anh bị xếp làm công việc giản đơn , lương thấp . Những năm ấy đã sang thời đổi mới , bố anh thì đã nghỉ hưu , anh chẳng còn chỗ dựa nào nữa . Khi kinh tế quá khó khăn , anh đã xin nghỉ ở cơ quan , ra ngoài chạy xe ôm . Gần chục năm nay , tích cóp được tý vốn , anh sắm được chiếc xe ba bánh và dùng tới tận bây giờ . Hàng ngày , buổi sáng , anh chạy từ Bình đà ra Hà đông , tối lại về nhà . Ngày nào cũng thế , gió mưa bất kể , bởi không làm thì đói , và sợ nhất là mất khách quen , anh tâm sự vậy .

    Các bác ạ . Nếu bác nào có dịp đi từ phía Hà nội vào Hà đông , đến cái ngã ba có con đường 36 mét rẽ vào khu đô thị Làng Việt kiều Mỗ lao , bên kia ngã ba là tòa cao ốc Hồ gươm đang hoàn thiện , thì ở ngay đầu cái ngã ba ấy ,( ngay bên sát tường của Sở điện lực Hà tây cũ ấy ), các bác sẽ nhìn thấy một nhóm 4-5 bác xe ba bánh . Trong đám các bác xe ấy , có một bác tên là Trung , anh Trung ấy chính là nhân vật chính trong câu chuyện kể hôm nay của lính VT 60 em . Các bác nhớ , nếu gặp được anh Trung ấy , thì bảo anh ấy gọi ĐT thoại cho Thái em , vì từ nhà em ra chỗ ấy chỉ khoảng 300m thôi . Còn bác nào ở xa , không có dịp đến thăm , muốn xin số ĐT của anh Trung để tâm sự , thì PM cho 60 em nhé , em sẽ cho số .

    Trở lại với tâm sự của bác Vị xuyên ... Vâng , có rất nhiều những người lính Vị xuyên đang còn cam go vất vả trong cuộc sống các bác ạ . Họ đang ở đâu đó quanh ta ,  rất đỗi bình thường , giản dị , lam lũ và còn nghèo lắm ...
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2015, 01:08:06 am gửi bởi thai60 » Logged
Mạnh1427
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 721


« Trả lời #403 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2015, 12:57:50 am »

Chào các bác và anh em .
 
Trích dẫn thai60
............

"....Trong thời gian 1984-1989, phía Việt Nam đã nhiều lần thay phiên các đơn vị lên chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên:

Ở phía tây sông Lô từ đầu năm 1984 đến tháng 12/1985: Sư đoàn 313 và 356; Tháng 5/1985: Sư đoàn 313; Tháng 12/1985: Sư đoàn 31; Tháng 6/1986: Sư đoàn 313; Tháng 2/1987: Sư đoàn 356; Tháng 8/1987: Sư đoàn 312; Tháng 1/1988: Sư đoàn 325; Tháng 9/1988: Sư đoàn 316; Tháng 5/1989: Sư đoàn 313... "
''  Không biết trên thực tế , khi tham gia chiến đấu trên mặt trận Hà giang , ngoài lực lượng F325 , Quân đoàn 2 còn có  đơn vị nào nữa không , nhưng  con số thống kê "  hơn 1.000 chiến sỹ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Hà Giang " đã nói lên một điều rất rõ ràng : Mặt trận Hà giang vô cùng khốc liệt ''.
xem xét khoảng thời gian mà F 325 có mặt và chiến đấu trên mặt trận Hà giang ( 9 tháng ), ta lại càng cảm nhận thấy điều đó .

    Đã từ lâu , trên VMH , anh em CCB Hà giang chúng ta luôn nhận định , đánh giá rằng : Từ giai đoan cuối 1987 sang 1989 , cuộc chiến Hà giang đã bớt khốc liệt hơn so với giai đoạn trước đó .

    Theo hiểu biết của cá nhân lính VT 60 em , nhận định đó là đúng với thực tế chiến trường .

    Hôm nay , qua con số thống kê chính thống này , hẳn chúng ta sẽ hình dung ra cái bầu không khí chiến trận khi mà nó đã " dịu lại , bớt khốc liệt "  mà còn gây đổ máu nhiều như thế , thì trước đó nó còn khốc liệt tàn hại ra sao nữa .
........


Chào toàn thể các bác
Tôi thì ra quân trước, nên không nắm bắt được tình hình diễn biến từ tháng 5/1985 về sau này ,nhưng so sánh giữa các giai đoạn xẩy ra chiến sự . Vậy thì cuộc chiến ở mặt trận Vị Xuyên giai đoạn Tháng 1/1988 đến Tháng 9/1988  chỉ có( 9 tháng ) còn ác liệt hơn cả giai đoạn từ tháng 2-79  đến 1/1988 .Nếu thật sự là vậy .Thì thật là kinh khủng phải không các bác, phải nói là vô cùng ác liệt.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2015, 01:25:22 am gửi bởi Mạnh1427 » Logged
Phó cối
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 717


« Trả lời #404 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2015, 11:36:04 am »

 
                                           Chào các bác
     Cuộc chiến ở vị xuyên ác liệt nhất vào những năm 1984 đến năm 1986 vì thời kỳ đó ta thường tổ chức đánh phản công lấy lại chốt, vì vậy địch cũng phản kích lại nên hai bên giằng co quyết liệt
     và tổn thất của hai bên cũng rất lớn khi sang năm 1987 thì hai bên chủ yếu tập trung vào phòng ngự vì vây sự ác liệt cũng hạ nhiều
     Theo như trước đây bác lao 1234 và bác thái 60 đã có bài viết là chưa có ai thống kê chính xác là thiệt hại của từng đơn vị là bao nhiêu , cho đến nay mới có sư 325 công bố số liệu là tổn thất hơn
      1000 ngoài ra thì không có
      Thưa các bác hiện nay có một thông tin , bên ban thi đua khen thưởng của bộ quốc phòng thông báo cho các cựu chiến binh tham gia quân đội ở khu vực biên giới hải đảo kê khai để cấp làm huân
       huy chương ở địa phương các bác đã triển khai chưa nếu chưa thì lên hỏi thành đội huyện đội  còn ở địa phương tôi đã triển khai và hôm nay tôi đã kê khai xong

                                               lưu y các bác phải đủ từ 5 năm trở lên và phải có 3 năm 6 tháng ở tuyến một biên giới mới được kê khai mà chỉ được hạng 3
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2015, 08:16:08 pm gửi bởi Phó cối » Logged
nguyentac62
Thành viên
*
Bài viết: 379


« Trả lời #405 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2015, 09:16:53 pm »

Em chào các bác
Sư đoàn 325 còn có tên là Sư đoàn Ái tử, sau đi mặt trận HG mang lại tên Đoàn Bình Trị Thiên, qua sưu tầm sự thật Sư đoàn hy sinh có 41 đ/c thôi các bác ơi, tin cuối cùng trong ngày, còn hình ảnh bác Laoshan đưa lên là đúng, không bảo tồn nhanh sắp đập hết rồi. Em hứa với các bác đưa viDEO ở hải phòng lên xong các cháu đi vắng không cắt được phần linh tinh nên không giám đưa lên các bác thông cảm cho em.... em chào các bác
Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #406 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2015, 11:20:43 pm »

   ...Đã từ lâu , trên VMH , anh em CCB Hà giang chúng ta luôn nhận định , đánh giá rằng : Từ giai đoan cuối 1987 sang 1989 , cuộc chiến Hà giang đã bớt khốc liệt hơn so với giai đoạn trước đó...
    Theo hiểu biết của cá nhân lính VT 60 em , nhận định đó là đúng với thực tế chiến trường.
..., cho đến nay mới có sư 325 công bố số liệu là tổn thất hơn 1000 ngoài ra thì không có


...Đoàn Bình Trị Thiên, qua sưu tầm sự thật Sư đoàn hy sinh có 41 đ/c thôi các bác ơi,

Tin không chính thứ­c thì có thể rất đa dạng!
Nhưng ngay trước khi có thông tin của bác Tác thì em cũng tin vào con số 1000!
Vì thực tế chưa chắc lúc ác liệt nhất lại là lúc hy sinh nhiều nhất!
Hồi chúng em rút từ trong hang Làng Lò ra 812, sau đó xuống hẳn dưới ngã 3 chỗ Cóc nghè đi xuống làm hầm. Rồi sau đó phần lớn đv lại vào trở lại, bàn giao lại hầm cho 1 đv công binh từ HN lên, chỉ 1 ít tụi em được ở lại ngoài này làm nhiệm vụ vận tải.
Đv công binh này ở đấy chuyên sửa con đường từ Làng Ping lên 812. Ngay hôm sau vừa nhận bàn giao hầm thì 1 quả pháo rơi trúng miệng hầm của BCH C5 cũ của tụi em (lúc ấy họ đang ở­). Rồi hầu như ngày nào thì cái đv ấy cũng có người hy sinh vì pháo. Dù họ chưa bao giờ phải đặt chân tới cái đoạn đuờng phản gương bên mấy cái hầm pháo bắn thẳng.
Cứ tải đạn mà sáng ra được đến ngoài này thì tụi em coi như đã an toàn về nhà. Hàng ngày còn lang thang hái rau, đi vào mấy cái bản bỏ trống hái chè, có sứt mẻ thì chỉ ở trong kia...
Gặp họ, tụi em vẫn bảo: "hình như các cậu lên đây để hy sinh hay sao ấy".
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2015, 11:54:44 pm gửi bởi phaphai » Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #407 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2015, 03:22:57 am »

                            

                         Chào các bác và anh em .

    Đời quân ngũ của lính VT 60 em nó chỉ ngắn ngủi có 3 năm 7 tháng , nên khi nghe thông tin của bác Phó cối về vấn đề huân huy chương , em cũng chỉ thấy mừng cho các bác cựu có đủ tiêu chuẩn , chứ không thấy nó có liên quan gì đến mình để mà vui hay buồn . Tuy vậy , em cũng lần mần tự hỏi : Không biết trên mặt trận Vị xuyên , cái gọi là tuyến 1 ấy nó bắt đầu được tính từ cái hố pháo nào ấy nhỉ ?...! ... Và không biết trong cái khoảng từ cửa khẩu Thanh thủy về đến Bách hóa Tràng tiền , nơi mà trong một ngày đẹp trời , em đã cho một đồng chí bộ đội nữ vay tiền mua áo ấy , người ta đã chia ra thành bao nhiêu tuyến đây ? ... !

    Càng nghĩ lắm thì em càng ... tịt . Chả hiểu gì cả ! Nhưng mà ... tức .

    Vẫn biết là , ở đời này , nơi nào cũng vậy , muốn đạt được một danh hiệu vinh quang gì đó , thì trước đó người ta phải đạt được một tiêu chí thành tích nào đó . Ví dụ : Một ông muốn đạt danh hiệu " CCB nghèo vượt khó " , thì đầu tiên ông ấy phải là CCB đã ( thế nào là CCB ấy nhỉ ? - Em thấy ở nhiều địa phương có cách phân định khác nhau lắm , chả hiểu cơ quan chính sách thì có tiêu chí gì ) . Rồi . Sau đó ông ấy phải nghèo ! ( Ái chà ... như thế nào là nghèo đây ? Đố các bác biết ! Một ông ở biệt thự , đi xe LẾCH SÙ , gia sản trị giá cỡ dăm chục tỷ , đi làm thu nhập cỡ trăm ... củ một tháng , nhưng lại đang mang món nợ ngân hàng cỡ đôi trăm tỷ , chỉ cần ông ấy chán ăn , không buồn đi nhà hàng , chơi golf , thở ra giọng chán ... sống , là các chủ nợ đã lo sốt vó , phải cử người mang thuốc bổ đến để động viên ông ấy sống tiếp ... Và một ông ở nhà lá , đi xe đạp , thu nhập hàng tháng đúng bằng tiền vợ đi chợ , nói đến vay nợ là sợ vãi đái , cả đời không dám nợ ai cái gì , nếu có trót mang nợ thì lo ngay ngáy sợ nhỡ ốm chết thì không nhắm được mắt , thỉnh thoảng bí bách quá kêu giời dọa chết mà chả ai buồn can , đành chấp nhận ăn dè hà tiện ,  có gì dùng nấy , tích cốc phòng cơ ,... Hỏi ông nào nghèo hơn ông nào đây ? Đố biết đấy ...) . Tiếp tục . Sau khi đạt " chuẩn nghèo " rồi , ông phải vượt khó . ( Cái này thì dễ hơn rồi , khỏi phải đố nhau nữa , vì ở đây tiêu chí nó đơn giản thôi : Ông đã vươt lên cái khó , nhưng không đổ cái khó ấy lên đầu bố con thằng nào - nghĩa là ông đã " vươt " một cách chính đáng ) . Xong . Tuyệt . Ông xứng đáng với danh hiệu kia . Vậy thì tặng ông cái danh hiệu đó nhé . Chả ai thắc mắc tỵ nạnh tức bực gì hết nhé . Vui chưa ?

    Trở lại với chuyện thông tin của bác Phó Cối và cái " tâm sự " của lính VT 60 em .

    Ở trên , em đã có nói thẳng , là em ... tức . Ở đây , em xin nói rõ hơn , là em không tức cho em . Mà em tức cho người khác . Cái gọi là " người khác " ở đây là một đám đông , đông lắm . Để làm rõ xem cái đám đông này họ là ai , vì sao lại có họ , em xin nhường để các bác và anh em giải đáp .

    Về phần em , em he hé một tý ty , ấy là hồi còn trong quân ngũ , và kể cả hồi trước đó nữa , khi em chưa mặc áo lính , em đã từng thấy cái cảnh nhiều bác lính kêu giời vì chỉ cần được ở thêm vài tháng , vài tuần , thậm chí vài ... ngày nữa thôi , đủ 5 năm lính , là các bác ấy sẽ đủ tiêu chuẩn để hưởng chế độ " Phục viên "  , " đẹp " hơn hẳn so với chế độ " Xuất ngũ " . Với cái quyết định phục viên ấy , sẽ dễ hơn nhiều khi các bác ấy xin chuyển ngành , đi học , hay đi xin việc . Nhưng các bác ấy đã không được " ở " , mà phải " về " - về luôn - cấm lằng nhằng vớ vẩn nhé . Cấm đấy . Đau chưa ?

    Nghe thông tin này của bác Phó Cối , hẳn là khối bác cựu nhà ta cảm thấy tức ngực còn hơn cả lúc bị đạn cối địch nện lên ... đỉnh đầu ở nơi chiến địa ...à quên ... , ở nơi tuyến 1 . Tức chưa ?

    Lại nói cái khoản " ...phải có 3 năm 6 tháng ở tuyến một biên giới mới được kê khai..." . Ái chà chà ... khoản này mới là căng đây . Lôi giấy bút hay xòe ngón tay nhẩm tính , cộng đi cộng lại , nếu thấy mình chỉ mới được 3 năm và 5 ...tháng rưỡi , hẳn là khối bác cựu sẽ thấy " khó ở " lắm , vừa tiếc hùi hùi , vừa tức nổ ruột . Lại thấy khói xì ra đằng mũi . Vâng . Lại tức . Tức chưa ?

    Có thấy tức không các bác ? Tức quá đi chứ , các bác nhể ? !!!

    Nói chuyện cà kê dê ngỗng về chủ đề này , lính VT 60 em xin chia vui với các bác cựu có các " tham số "  dương dư , và xin chia ... tức với các bác đang bẽ bàng " âm , thiếu " .  Khà...Khà...Khà...

    Các bác và anh em ạ . Phiếm đàm một chút như thế cho nó vui thôi , chứ em biết rất nhiều các bác cựu của nhiều thời kỳ , nhiều mặt trận ( chả cứ gì ở các mặt trận bảo vệ BG ) đã chịu thiệt thòi rất nhiều rồi , thêm tý thiệt thòi này thì có đáng chi , các bác thèm vào tức với chả tiếc cái quái gì nữa .

    Nói câu chuyện này , lính VT 60 em chỉ muốn thêm một lần nữa khẳng định cái suy nghĩ mà mình đã chia sẻ với các bác trong một bài viết ở vài trang trước của HG phần này : Mọi sự phân định ranh giới rạch ròi nào đó thời hậu chiến , nếu không tinh tế , sẽ gây hiệu ứng phản cảm .

    Những con số tưởng chừng vô cảm nằm trên trang giấy hay màn hình , rất nhiều khi mang lại cho ta niềm vui , niềm kiêu hãnh tự hào . Nhưng đôi lúc , nó mang lại nỗi buồn , niềm đau , sự trăn trở , làm cho lòng ta day dứt , muộn phiền .

    Là người lính  từ nơi chiến địa trở về , chúng ta không hề so đo tính toán hay đòi hỏi nọ kia . Bởi chúng ta đã được may mắn hơn bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống ở nơi đó . Nhưng lòng ta không thể nào thanh tĩnh , khi đã  hơn hai mươi năm sau ngày cuộc chiến kết thúc , hình như ai đó có trách nhiệm vẫn chẳng thèm đoái hoài xem thực sự ở nơi ấy , ngày ấy , đơn vị ấy đã có bao nhiêu người lính bị hy sinh , hài cốt họ đang mai một ra sao ? Và còn bao nhiêu người lính bị thương tật nữa chứ , họ đã nhận được gì sau và trong những nỗi đau thân xác đã và đang còn hành hạ họ cho đến tận hôm nay ?

    Ca ngợi sự anh hùng của người lính cách mạng , ngày xưa , nhà thơ Tố Hữu đã viết :

"...Có những phút làm nên lịch sử
    Có cái chết hóa thành bất tử
    Có những lời hơn mọi bài ca
    Có con người như chân lý sinh ra.
    ...
    Anh đã chết rồi
    Anh còn sống mãi
    Chết như sống, anh hùng, vĩ đại..."

    Không biết khi ta mang những câu thơ này liên tưởng tới những liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ BGPB + BGTN , mà cuộc chiến Vị xuyên là một ví dụ , liệu có còn tương hợp nữa hay không ? Và khi ta mang những cái giây phút đã " làm nên lịch sử " ây ra để  làm cơ sở chứng minh cho thành tích của ai đó , liệu có thuyết phục hay lay động nổi anh cán bộ chính sách không ? Hay là phải dùng thứ " vũ khí " khác như trong dân gian vẫn âm ỉ lan truyền mới đủ sức làm cho anh ấy " xúc động " ?...

    Những người cựu lính chúng ta  sẽ có cảm xúc gì , nghĩ gì khi ta đặt những câu thơ ấy bên cạnh những con số " 5 năm ... 3 năm 6 tháng ...hơn một nghìn ... 41 ... hạng 3... " ?...

    Phải chăng , sau những gì là cống hiến hy sinh , là tự hào kiêu hãnh , là tấm Kỷ niệm chương đồng đội lủi thủi tự tặng nhau , vẫn nhói mãi lòng ta những nỗi niềm thế thái nhân tình thầm lặng . Vong linh Liệt sỹ đã được siêu thoát , vết thương thân xác đã tạm nguôi ngoai , nhưng những vết thương lòng thì hình như mãi còn âm thầm nhức nhối .

    Dẫu biết rằng đằng sau mỗi tấm huân huy chương đều có máu và nước mắt , vẫn đau đáu một điều : Đến bao giờ đây để trên ngực áo vải đơn sơ của bạn bè ta mới được khiêm nhường sáng  lên chút ánh hào quang của niềm tự hào chiến đấu và chiến thắng . Hay nó sẽ mãi mãi nhạt nhòa trong sự quên lãng thế thời và bởi sự phân định máy móc  rạch ròi của những con số vô tri vô giác  ...

    Nói những điều ẩn ức như thế , để thêm một lần khẳng định : Hệ lụy của chiến tranh còn nặng nề lắm . Xin hãy đừng để nó lại xảy ra . Đừng để con cháu chúng ta lại phải khổ sở thiệt thòi , thế hệ chúng ta phải chịu đựng điều đó đã là đủ lắm rồi , và , vì tương lai hòa bình của Tổ quốc , chúng ta đã và sẽ tiếp tục chấp nhận điều đó .

    Vâng . Đừng để chiến tranh lại đến trên đất nước mình .

    Đó là điều mà những người CCB chúng ta mong muốn nhất , có phải không các bác và anh em ?.../
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Ba, 2015, 04:47:51 pm gửi bởi thai60 » Logged
Phó cối
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 717


« Trả lời #408 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2015, 04:22:00 pm »


                                Chào các bác
     Em cũng nói thêm về vấn đề huân huy chương , người ta bây giờ cái gì cũng máy móc ,quy định nọ quy định kia ,theo như hướng dẫn thì phải có từ 5 năm trở lên và có 3 năm 6 tháng tuyến một
     thì mới được hạng 3 nếu là cán bộ đại đội thì được hạng 2 còn cỡ cán bộ trung đội thì cũng như lính nếu là cán bộ tiểu đoàn thì được hạng nhất  cho dù thời gian phục vụ quân đội như nhau
     
     Hồi năm 1987 khi tôi còn ở cơ quan  cán bộ huyện đội về tận cơ quan  làm và hướng dẫn các quy định nhưng không nói đến cán bộ chiến sỹ mà chỉ nói là có từ 3 năm nhập ngũ trở lên đến 4 năm 11
     tháng thì được hạng 3 từ 5 năm trở lên đến 6 năm 11 tháng là hạng 2  còn từ 7 năm trở lên là hạng nhất không phân biệt cán bộ hay chiến sỹ .ngày đó kê khai song anh em công nhân bảo tôi là được
     hạng 2 thì phải khao vì tôi được hơn 5 năm tôi bảo bao giờ nhận thì mới khao ,mà cũng từ đấy mất hút con mẹ hàng lươn  chả thấy được gì ,may mà chưa khao nếu khao rồi thì coi như là tèo

     Còn phân cấp tuyến một và hai thì bây giờ họ quy định từ đâu ,hồi năm 81 - 82 quy định từ mép nước bờ bắc suối thanh thủy là tuyến 1 từ mép nước bờ nam suối thanh thủy là tuyến 2 ,  tuyến một
     ăn chế độ 8 lạng gạo một ngày tuyến 2  ăn 7,4 lạng một ngày  ,hồi 81 c2 của d1 năm ở cửa hang làng lò và một c của d3 nằm ở đầu cầu sập mà ăn hai chế độ khác nhau
      Trên đây em cũng nói về phân tuyến và thời hạn để kê khai huân huy chương  kể ra cũng tiếc và buồn cho các bác nào cập kê ngưỡng chỉ thiếu một hai tháng
Logged
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #409 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2015, 04:54:47 pm »

Chào các bác, về vấn đề xét tặng huân huy chương cho những cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhân kỉ niệm 70 năm thành lập nước,  đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, các bác nghiên cứu kĩ, đợt này không riêng gì mặt trận Hg mà còn cả biên giới tây nam, hải đảo. Riêng về mặt trận Hg các bác yên tâm, vì đơn vị các bác đều nằm trong địa bàn tuyến một theo qui định của nhà nước, nhất là f313 từ ngày thânh lập đến tháng 10/1990. Ngày trước xét tặng người ta có qui định thời gian cống hiến + chức vụ đúng như bác phó cối đã nêu, bây giờ quan trọng thời gian phục vụ trên đó thôi, đợt này nhiều bác trên trang nhà chuẩn bị khao nhé nhất là mấy bác nhập ngũ đầu 7 Grin
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM