Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 23 Tháng Tư, 2024, 02:33:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức của các CCB Trung đoàn 52 sư đoàn 320: "Tây Tiến 55 năm"!  (Đọc 16581 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:10:33 pm »

Tây tiến 55 năm


Lời nói đầu



Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống của Trung đoàn Tây Tiến (E52)-ngày thành lập Trung đoàn cũng như ngày lên đường nhận nhiệm vụ Tây Tiến (27-2-1947 - 27-2-2002) và kỷ niệm 55 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 _ 27-7-2002) Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn Tây Tiến (e 52) xuất bản tập sách Tây Tiến 55 năm để phục vụ nhu cầu hiểu rõ thêm về một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam với đặc thù riêng biệt trong nhưng năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp trên một chiến trường đầy khó khăn gian khổ và cũng không kém phần ác liệt.

Trong cuốn sách được xuất bản lần này (tiếp theo cuốn Tây Tiến một thời để nhớ 1995 và Tây Tiến 50 năm nhìn lại 1997) chúng tôi cho in lại một số tư liệu lịch sử để bạn đọc hiểu thêm về truyền thống của Trung đoàn. Tuy nhiên phần trọng tâm của cuốn sách là giới thiệu những gương mặt của các cán bộ chiến sĩ trên mặt trận miền Tây chiến lược, từ các cán bộ chỉ huy, lãnh đạo Mặt trận đến người chiến sỹ bình thường, là những họat động xây dựng và chiến đấu của các đơn vị cơ sở, là những tình cảm đoàn kết quân dân trên một vùng chiến lược, địa bàn rừng núi đông đồng bào các dân tộc thiểu số, là những éo le trong cuộc sống đời thường của các chiến sỹ thông qua những mối tình kháng chiến, là tinh thần đoàn kết đặc biệt thủy chung giữa quân đội hai nước anh em Việt-Lào được nẩy nầm rất sớm ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công năm 1945 của hai nước.

Cuốn sách dành một phần quan trọng để thể hiện cảm xúc của các Cựu chiến binh Tây Tiến khi về thăm lại chiến trường xưa, nơi hàng trăm đồng đội đã nằm xuống vĩnh viễn trên biên cương heo hút và ngay cả trên đất bạn Sầm Nưa, nơi mà vong linh họ đã bay lãng đãng suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Những người còn sống hôm nay, dù bận trăm công nghìn việc đời thường, vẫn canh cánh bên lòng những tình cảm mặn nồng mỗi khi nhắc tới các địa danh Hòa Bình, Mẫn Đức, Cao Phong, Lương Sơn, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Mộc Châu, Mường Lát, Tân Lạc, Mường Bi, Lạc Sơn, Chợ Bờ, Suối Rút, Mai Châu, Phố Vãng, Vụ Bản, Châu Trang v.v... như nói về quê hương của mình. Hòa Bình, Tây Bắc đang trong quá trình đổi mới lớn lao của Tổ Quốc Việt Nam, vững bước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là niềm mơ ước của các chiến sỹ Tây Tiến, cũng là ước vọng ngàn đời của đồng bào các dân tộc Miền Tây chiến lược. Các thế hệ chiến sỹ Tây Tiến e 52 ngày nay, tiếp tục con đường cách mạng truyền thống của cha anh vẫn vững tay súng ra sức xây dựng Trung đoàn Tây Tiến lớn mạnh, hòan thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên vùng đất Tây Nguyên anh hùng.

Ban liên lạc đã nhận được hơn một trăm bài của các bạn chiến đấu Tây Tiến, có bạn viết ba bốn bài, viết khá công phu, nhiều tư liệu qúy của những người trong cuộc. Tuy vậy còn nhiều nhân chứng lịch sử chưa nói hết được những kỷ niệm sâu sắc của một thời Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc.

Với tấm lòng trân trọng các giá trị lịch sử sống động và sâu lắng qua những trang sách có phần nặng về tình cảm hơn là nghệ thuật điêu luyện, Ban liên lạc xin mời bạn đọc đón nhận như một món quà nhỏ của Thế kỷ mới và châm chước cho những gì còn khiếm khuyết.

Đông Xuân - 2001 2002

Ban liên lạc truyền thống
Cựu chiến binh Trung đoàn Tây Tiến E52
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:11:12 pm »

Mục lục

1. Lời nói đầu
2. Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
3. Bộ trưởng Bộ quốc phòng kính gửi các chiến sĩ trong bộ đội Tây Tiến
4. Truyền thống lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến
5. Sơ đồ bố trí các đơn vị Tây Tiến 1945 - 1947
6. Mệnh lệnh đổi số hiệu Trung đoàn Tây Tiến - E52
7. Hành trang của CCB Tây Tiến bước vào thế kỷ 21
8. Bộ đội Tây Tiến nhũng ngày đầu cách mạng ở Tỉnh Hủa Phăn - Lào
9. Trung đoàn 52 Tây Tiến anh hùng làm tốt công tác dân vận trong năm 2001
10. Nhớ về Anh: Khu trưởng Hoàng Sâm
11. Từ đội trưởng Đội VNTTGPQ đến chỉ huy trưởng Mặt trận Tây Tiến
12. Kỷ niệm về Tiểu đoàn trưởng Mạnh Quân và Chính trị viên Lê Minh
13. Vị tướng tài bình dân
14. Nhớ mãi Kim Tuấn
15. Gương sáng đảng viên người dân tộc Mường
16. Từ dòng sông tuổi thơ
17. Người thầy thuốc "đa sĩ "
18. Một chiến sĩ Tây Tiến
19. Một lão chiến sĩ Tây Tiến làm kinh tế giỏi
20. Quang Dũng - Quang Khải - Quang Thọ - Ba nghệ sĩ Tây Tiến
21. Sâu nặng mối tình Xô - Việt
22. Chân dung Hồ Chủ tịch trên cao nguyên Phiêng Sa
23. Những ngày đầu ở Sở chỉ huy Mặt trận Tây Tiến
24. Nhớ lại lần tiếp xúc với gia đình họ Đinh Công ở Châu Lương Sơn năm trước
25. Những ngày vui Tết đón xuân Bính Tuất 1946 ở Sầm Nưa
26. Tình quân dân cá nước
27. Nhớ ngày ra đi
28. Nhiệm vụ của đội VTTT B được hoàn thành
29. Dự hội luyện quân: Hội núi sông
30. Chuyện tình Tây Tiến
31. Ông trưởng động người Dao Toàn Sơn
32. Vào địch hậu huyện Lạc Sơn
33. Những kỷ niệm đáng nhớ
34. Những kỷ niệm ở Sầm Nưa đã ghi sâu trong ký ức của tôi
35. Nhớ người năm ấy
36. Nhớ lại một thời làm lính thông tin ở đoàn quân Tây Tiến
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:11:58 pm »

Thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp


BỘ QUỐC PHÒNG
*** Ngày O1 tháng 02 năm 1947
Số : ..................

Bộ trưởng Bộ quốc phòng

Kính gửi : Các chiến sĩ trong bộ đội Tây Tiến!

Các đồng chí,

Hôm nay các đồng chí lên đường lãnh nhiệm vụ tiến về hướng Tây, theo gót một số đã sớm tiến trên các mạn Điện biên phủ, Sơn la, Mộc châu, Sầm nưa hay miền lân cận Xiêng khoảng, Sê Pôn.

Tôi viết thư này cho tất cả các đồng chí, người hiện đã ở tiền tuyến miền Tây cũng như người vừa nhận được lệnh lên đường, mong vạch rõ được nhiệm vụ nặng nề thiêng liêng mà nước nhà đã giao phó. Tôi lại muốn kêu gọi các đồng chí chuẩn bị tinh thần cho đầy đủ để ứng phó với tất cả những khó khăn hiểm nghèo đang đợi chờ các đồng chí ở nơi chiến địa.
Miền Việt Tây đối với nước ta có một vị trí chiến lược rất quan trọng.
Hùng cứ được vùng đó, không những quân địch ở vào cái thế cứ cao lâm hạ có thể uy hiếp hậu phương chúng ta, mà chúng lại mong thực hiện cái âm mưu ác độc dĩ Việt chế Việt chia rẽ các anh em thiểu số, lập bộ đội người Việt thiểu số để tiến đánh chúng ta.

Cái âm mưu chính trị lẫn quân sự ấy chúng đă thực hiện ở miền Nam bằng cách chiếm cứ cao nguyên Trung bộ và lợi dụng anh em dân tộc thiểu số ở đó. Ngày nay sở dĩ bộ đội ta ở miền Nam Trung bộ nhiều nơi phải chiến đấu trong những điều kiện khó khăn, sở dĩ trên các mặt trận chúng ta thấy cái cảnh cốt nhục tương tàn, một số anh em Rađê (Rhadé) làm tay sai cho Pháp là vì lúc mới khởi hấn, chúng ta không đủ lực lượng hoặc hành động không kịp thời để ngăn ngừa quân Pháp tiến chiếm vùng cao nguyên.

ở miền Bắc Việt Nam thực dân Pháp cũng sẵn cái ý định khống chế các vùng dân tộc thiểu số từ Lai châu đến Thanh, Nghệ để tiến đánh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An và mong dùng chính sách lừa gạt và đàn áp để lập nên xứ Thái "tự trị", xứ Mường "tự trị" dưới gót sắt của chúng.

Do những nhận xét nói trên các đồng chí thấy rõ nhiệm vụ bảo vệ biên cương phía Tây của chúng ta là quan trọng đến chừng nào. Mỗi tấc đất miền Tây là một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam, chúng ta không thể để cho địch dễ dàng giẫm lên được. Mỗi một đồng bào miền Tây là một người dân nước Việt, chúng ta không thể không bảo vệ quyền lợi của đồng bào, không thể để đồng bào ta bị quân địch dầy xéo hay lung lạc. Hơn nữa, bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được đại hậu phương chúng ta, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng.
Trên con đường về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc,vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng. Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí. Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này bộ đội ta sẽ phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở. Những sự hiểm nghèo, khổ sở có bao giờ chinh phục được lòng anh dũng của những thanh niên hăng hái, có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc.

Tôi có mấy lời căn dặn các đồng chí, các đồng chí ghi nhớ.

Một là đối với đồng bào thiểu số, các đồng chí cần phải ăn ở tốt, lấy nói năng cử chỉ, giúp đỡ hằng ngày mà chứng minh rằng chúng ta là đồng bào một nước, bao giờ cũng yêu thương nhau như anh em ruột thịt, từ những điều họ nghe thấy hàng ngày mà đưa họ đến chỗ giác ngộ. Trước hết chúng ta phải đánh tan cái thành kiến cho rằng anh em thiểu số miền Tây chưa có tinh thần dân tộc, không thể giác ngộ, chỉ biết phục tùng sức mạnh. Không có một con người nào là không thể tiến bộ, không có một dân tộc nào là không biết yêu nhà cửa ruộng nương của mình, không biết yêu nước và ghét quân thù. Kinh nghiệm Việt Bắc đã chứng tỏ điều này. Những việc đã làm được ở Việt Bắc trong hòan cảnh khó khăn hơn, không lẽ gì lại không thực hiện được ở miền Tây.

Hai là đối với sức khoẻ của mình, cần phải ra sức giữ gìn, không bao giờ quên nhãng nguyên tắc vệ sinh thường, không ăn quả xanh, không uống nước lã, vừa hành quân về không nên tắm nước suối, nơi nào có thể chặt cây lấy lá làm chỗ nằm thì không nên ngủ đất, lại phải vận động luôn, phải luôn luôn vui vẻ. Làm được như thế thì bệnh họan có thể tránh được một phần.

Ba là phải có sáng kiến và kiên tâm trong việc vận động nhân dân cũng như trong việc tiến đánh địch. Nếu có sáng kiến và kiên tâm thì những sự khó khăn của ta về lương thực đường sá sẽ trở nên những khó khăn của địch, những dễ dàng của địch trong khi chúng tập kích ta sẽ trở nên những dễ dàng cho ta để tiến đánh chúng.

Vạn nhất trong cuộc hành binh các đồng chí có dịp gặp anh em Lào hay Mèo thì phải đứng trên lập trường bình đẳng tương trợ giúp đỡ cuộc vận động giải phóng của họ, mà tiếp xúc và giải quyết mọi vấn đề.

Chúc các đồng chí hăng hái khoẻ mạnh.

Công đức của các đồng chí, đồng bào và Tổ quốc sẽ ghi nhớ. Dưới sự điều khiển của Bộ chỉ huy Tây Tiến, các đồng chí mạnh tiến lên trên con đường vinh quang thắng lợi. Nếu trong cuộc kháng Nhật chúng ta đã thành công với khu giải phóng Việt Bắc thì trong cuộc kháng Pháp chúng ta phải thành công với công cuộc Tây Tiến.

Chào quyết thắng.

Võ Nguyên Giáp

Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:12:21 pm »

Truyền thống lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến!


Sinh ra từ cuộc kháng chiến gian khổ kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Miền Tây Bắc bộ vào mùa xuân Đinh Hợi (1947), từ đó đến nay, Trung đoàn 52 Tây Tiến đã trải qua một chặng đường chiến đấu và xây dựng hơn nửa thế kỷ: tám năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mười ba năm xây dựng bảo vệ miền Bắc và chi viện chiến trường chống Mỹ, tám năm trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam và làm nhiệm vụ ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, hai mươi sáu năm xây dựng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Đoàn quân Tây Tiến đã bước đi khắp mọi nẻo đường đất nước, có mặt trên các chiến trường: Mặt trận Tây Tiến, Thượng Lào, đồng bằng Bắc Bộ, Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5, Sài Gòn-Gia Định, Tây Ninh, Việt Bắc và nước bạn Campuchia.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến khu 2, Liên khu 3, khu Hữu Ngạn, khu Tả Ngạn, Quân khu 3, mặt trận Trị Thiên, Quân khu 5, mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3 và Đảng ủy chỉ huy Sư đoàn 320, được Đảng bộ chính quyền và nhân dân các địa phương hết lòng giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc Trung đoàn 52 Tây Tiến đã nhanh chóng trưởng thành, vững mạnh, liên tiếp lập nên những kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trung đoàn đã được Hồ Chủ tịch tặng lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng", vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao qúy "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và tặng thưởng hàng chục Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng. Trung đoàn có tiểu đoàn 6, Đại đội 14 và hai đồng chí: Trương Công Man, Nguyễn Văn Ngữ được tuyên dương Anh hùng, hàng chục đơn vị được tặng danh hiệu Thành đồng quyết thắng, hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ được tặng Huân chương Chiến công, hàng nghìn đồng chí được tặng bằng khen, giấy khen và nhiều phần thưởng vinh dự khác.

Chặng đường 55 năm qua của Trung đoàn 52 Tây Tiến là chặng đường chiến đấu và xây dựng của một trung đoàn chủ lực cơ động, gắn liền với lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc, gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong chặng đường lịch sử sáng chói chiến công và thành tích xây dựng toàn diện, bằng sức lực, trí tuệ máu xương, lớp lớp cán bộ chiến sĩ đã xây nên truyền thống tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đoàn kết thống nhất, quyết chiến quyết thắng của Trung đoàn Tây Tiến anh hùng
Truyền thống tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đoàn kết thống nhất của trung đoàn được hình thành từ rất sớm. Buổi đầu thành lập, Trung đoàn 52 Tây Tiến là hình ảnh thu nhỏ nhưng vô cùng sinh động của các lực lượng vũ trang cách mạng Chiến khu 11 Hà Nội, Chiến khu 3 và Chiến khu 2. Cán bộ chiến sĩ đều là những chiến sĩ Giải phóng quân từ Việt Bắc về Thủ Đô chuyển thành Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân, trí thức, dân nghèo thành thị, binh sĩ chế độ cũ giác ngộ và cả những nhà sư... có lòng nồng nàn yêu nước, chí căm thù quân xâm lược Pháp và lũ bán nước, tự nguyện đứng trong hàng ngũ Mặt trận Việt minh, quyết đem xương máu bảo vệ non sông, giữ vững lời "Thề độc lập", không cam chịu sống đời nô lệ một lần nữa. Thuở ban đầu, trình độ giác ngộ của họ không đều, vũ khí trang bị còn thiếu thốn thô sơ, kiến thức quân sự và khả năng tổ chức còn hạn chế. Phần lớn cán bộ chiến sĩ trung đoàn đã được rèn luyện thử thách qua cao trào Cách mạng Tháng Tám, 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội và đánh địch ở mặt trận Hải-Kiến trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến.

Nhưng cũng có nhiều đồng chí xuất thân từ học sinh, trí thức Thủ Đô, thông minh, tài hoa, dũng cảm tuy nặng lòng yêu nước nhưng vẫn vương vất chút thư sinh lãng mạn thị thành. Đặc biệt, trong hàng ngũ cán bộ và chiến sĩ hoả lực nòng cốt có không ít những người xuất thân từ binh sĩ chế độ cũ; có người vốn trước đây là những tay "anh chị" khét tiếng ở chợ Sắt, bến Bính thành phố cảng Hải Phòng tuy đi theo cách mạng nhưng vẫn mang theo dư âm một thời "iêng hùng", "hảo hán", "đại ca". Thậm chí có cán bộ đại đội trưởng như Văn Dương ở Đại đội bạch binh Đề Thám (121) vẫn nhận thức Chủ nghĩa Cộng sản là "cộng vợ, cộng con, cộng gia cư điền sản", khâm phục lãnh tụ Nguyễn ái Quốc nhưng không biết đó chính là Hồ chủ tịch và kiên quyết đi theo Việt Minh đánh giặc cứu nước nhưng không biết do Đảng cộng sản lãnh đạo; xạ thủ trung liên Tăng Nguyên có thời đi lính cho Pháp nay theo cách mạng chiến đấu gan dạ dũng cảm nhưng không chịu sự chỉ huy, khi địch đến gần đốt hương khấn vái khẩu súng rồi mới bắn. Nhưng trong quá trình chiến đấu, khâm phục những đảng viên cộng sản, họ đã giác ngộ chính trị. Từ một chỉ huy độc đoán từng gây khó dễ cho chi bộ Đảng đơn vị, họ đã học tập chính trị từ chính người liên lạc của mình để cuối cùng được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy hầu hết các trận đánh, đối tượng tác chiến của Trung đoàn 52 là những đội quân nhà nghề, trang bị vũ khí tối tân, có xe tăng, máy bay, đại bác, tàu chiến, quân đông lại được huấn luyện chuyên nghề đánh giết; những tướng tá chỉ huy nổi tiếng nước Pháp và Tây Âu trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, có thành tích đàn áp phong trào cách mạng ở Bắc Phi... nhưng đều thất bại trước các chiến sĩ Tây Tiến đoàn kết chiến đấu vô cùng dũng cảm. Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ ác liệt ấy, các cấp ủy Đảng và đội ngũ đảng viên của Trung đoàn luôn là chỗ dựa cho người chỉ huy, là linh hồn của đơn vị, là chất keo bền vững gắn bó bộ đội thành một khối thống nhất cả ý chí và hành động. Với đội ngũ Đảng viên, cán bộ chính trị làm nòng cốt, công tác giáo dục tuyên truyền động viên bộ đội được tiến hành liên tục dưới nhiều hình thức phong phú, đã làm cho tinh thần bất khuất yêu tự do không chịu sống đời nô lệ trong mỗi chiến sĩ hòa quyện với mục tiêu lý tưởng của Đảng, của cách mạng, làm cho mọi cán bộ chiến sĩ nhận thức rõ ràng muốn đánh thắng đế quốc, ngoại xâm, giành lại tự do cho Tổ quốc thì chỉ có con đường duy nhất đúng là xiết chặt đội ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, của Bác Hồ. Cảm phục trước tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm tuyệt vời của những Đảng viên cộng sản trong cơn hiểm nghèo giữa trận ỷ Na, Hòang Long, trong trận chiến khốc liệt ở Xóm Trại... trong suốt tám năm kháng chiến chống Pháp, cán bộ chiến sĩ Tây Tiến tuyệt đối trung thành tự nguyện chiến đấu dưới lá cờ Đảng, vượt mọi chông gai, hòan thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng cơ sở, mở dân ở Hòa Bình, tác chiến trong vùng sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ; góp phần quan trọng đánh bại các cuộc hành binh lớn của nhiều binh đoàn cơ động Âu Phi với những cái tên kỳ dị: Hoa Tuy líp, Mưa phùn, Xe lội nước, Thủy ngân, Lạc đà, Cá măng, Chim hải âu.

Phát huy truyền thống tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, đoàn kết gắn bó trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong mười ba năm xây dựng, chiến đấu bảo vệ miền Bắc và chi viện chiến trường đánh Mỹ, Trung đoàn 52 đã hòan thành tốt nhiệm vụ tiếp quản khu 300 ngày ở thành phố Hải Phòng, lập nhiều chiến công góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá họai bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, kịp thời chi viện chiến trường. Trong năm 1968 trung đoàn hòan thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở Cửa Việt, Đường 9 Quảng Trị. Khi toàn trung đoàn chi viện cho chiến trường miền Nam, Trung đoàn 46 thay thế và vẫn mang tên Trung đoàn 52 Tây Tiến trong đội hình Sư đoàn 320. Mặc dù lúc đầu có không ít cán bộ chiến sĩ băn khoăn muốn giữ lại tên cũ nhưng trước trách nhiệm và tình cảm cách mạng ai cũng đều vui vẻ chấp thuận phát huy truyền thống Trung đoàn Tây Tiến và Trung đoàn 46 vào xây dựng đơn vị. Chính vì vậy, Trung đoàn 52 đã hòan thành tốt nhiệm vụ chiến đấu ở Trị Thiên, Tây Nguyên, Khu 5 cùng quân dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đất nước hòa bình thống nhất, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ trung đoàn, cán bộ chiến sĩ đoàn Tây Tiến đoàn kết thành một khối, thống nhất ý chí và hành động ra sức thi đua xây dựng đơn vị chính quy hiện đại, truy quét FULRO. Tiếp đó, đơn vị hòan thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Trong những năm cơ động làm nhiệm vụ trên các hướng chiến lược của Tổ quốc, mặc dù gặp vô vàn gian nan vất vả, địa bàn nhiệm vụ thay đổi, quân số luôn biến động... nhưng với truyền thống và sức mạnh đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, Trung đoàn 52 luôn hòan thành tốt mọi nhiệm vụ; cán bộ chiến sĩ không chút chao chạnh ngả nghiêng cho dù tình hình diễn biến trong nước và trên thế giới có nhiều phức tạp không theo chiều hướng thuận lợi. Chỉ có sự đoàn kết thống nhất chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng với lòng trung thành tuyệt đối và niềm tin vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mới tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn lao chiến thắng mọi kẻ thù. Và cũng chỉ có chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng sức mạnh của lòng yêu nước, yêu tự do, tài năng của mỗi cán bộ chiến sĩ mới được phát huy cao độ đến thế! Diệu kỳ đến thế!
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:13:03 pm »

Là một trung đoàn chủ lực có truyền thống "Quyết chiến, Quyết thắng", cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha, cách đánh phong phú của dân tộc; những chiến sĩ thông minh quả cảm đã sáng tạo tìm ra nhiều phương pháp chiến đấu vô cùng phong phú đa dạng của chiến tranh nhân dân, chiến thắng kẻ thù có ưu thế hơn hẳn ta về quân số, vũ khí, phương tiện kỹ thuật chiến tranh. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Hồ Chủ Tịch: "Chúng ta phải dùng tinh thần hăng hái của toàn dân để tìm cách giải quyết sự thiếu kém về vật chất", trong tám năm kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 52 không ngừng phát triển về mặt chiến thuật, tiến bộ vượt bậc về cách đánh. Là đơn vị bộ đội chủ lực cơ động của Chiến khu 2, ngay từ khi mới ra đời chưa đầy hai tháng, lực lượng vừa tụ hội từ vùng biên giới Việt-Lào về và từ Hà Nội, Hải Phòng lên, trung đoàn đã tổ chức đánh tập trung, kịp thời cùng quân dân Mai Châu, Đà Bắc, đánh chặn cuộc hành binh đầu tiên của quân Pháp chiếm lại Hòa Bình. Nhiều trận chiến không cân sức đã diễn ra ở Phương Lâm, Kỳ Sơn, Dốc Cun, Chợ Bờ, Suối Rút, Vạn Mai, Cao Phong, Mường Bi, Mường Lồ và các trận Chiềng Sại, Bãi Sang trên đường số 15. Khi thực hiện họat động phân tán vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung trình độ tác chiến của các đơn vị ngày càng nâng lên rõ rệt, các hình thức tác chiến như tập kích, phục kích, chống càn quét, lùng sục của địch được vận dụng phổ biến và ngày càng tiến bộ. Từ khi đứng chân trong đội hình Đại đoàn 320 chiến đấu ở vùng sau lưng địch, vùng đồng bằng Bắc Bộ, lúc đầu trung đoàn tổ chức thành công nhiều trận đánh phục kích cấp tiểu đoàn giành chiến thắng vang dội ở Yên Ninh, Yên Thổ, chợ Cầu Đôi, chợ Cổng, chợ Mới, Tầm Phương, Hạ Đồng; sau đó tổ chức luồn càn thắng lợi tránh mũi nhọn cuộc hành binh lớn Thủy Ngân của 5 binh đoàn địch. Đặc biệt, trong cuộc càn quét Hải Âu, địch sử dụng 5 binh đoàn cơ động có nhiều xe tăng thiết giáp. pháo lớn, máy bay yểm trợ lên vùng tự do của ta ở Nho Quan, Ninh Bình; Trung đoàn 52 đã đảm nhiệm đánh địch trên một hướng của Đại đoàn 320, cùng quân dân địa phương đánh bại một hướng tiến công của địch. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 52 không những giỏi đánh phục kích tập trung toàn đoàn giành thắng lợi vang dội ở Vọng Doanh-Giáp Giá, mà còn tiến lên đánh thắng những trận công kiên lớn diệt cụm cứ điểm công sự vững chắc Đông Biên. Cùng với sự phát triển của các hình thức chiến thuật: phục kích, tập kích, tiến công cụm cứ điểm, phòng ngự trận địa và luồn càn; các thủ đoạn tác chiến như vu hồi, chia cắt, thọc sâu, luồn sâu, đánh gần, kỳ tập, hoá trang, độn thổ, nội ứng, đội bèo bơi sông đánh cầu, kết hợp giữa tác chiến và binh địch vận... cũng được vận dụng linh họat và thu được nhiều kết quả. Chính vì vậy, trung đoàn với trang bị vũ khí bộ binh mang vác, còn chênh lệch so với đối tượng tác chiến là các binh đoàn Âu Phi cơ động vẫn liên tiếp giành chiến thắng. Bên cạnh yếu tố chủ yếu là tinh thần của người chiến sĩ, yếu tố quan trọng của trang bị kỹ thuật vũ khí, thì cách đánh thông minh sáng tạo, chủ động dũng cảm, phong phú của trung đoàn là một nhân tố rất lớn để làm nên chiến thắng. Chính vì vậy, Trung đoàn 52 Tây Tiến đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng".

Kế thừa truyền thống và kinh nghiệm tác chiến phong phú trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lại được huấn luyện chu đáo, nên khi tác chiến trực tiếp ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngay từ đầu Trung đoàn 52 đã lập chiến công vang dội diệt Mỹ ở Mai Xá Thị, Lâm Xuân, diệt gọn tiểu đoàn ngụy ở Lại An, làm nên chiến thắng vang dội ở Đại Độ-Xóm Soi, Thượng Nghĩa-Đình Tổ bên bờ sông Cửa Việt. Sau đó lại giành thắng lợi ở Động Tri, Ba Hồ diệt tiểu đoàn "Trâu điên". Khi vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tinh thần quyết chiến quyết thắng phát triển đến cao độ trong trận tiến công tiểu đoàn dù 2 ở điểm cao 1049 bên bờ tây sông Pô Cô, mở đầu chiến dịch Xuân hè năm 1972 ở Tây Nguyên. Tiếp đó, trung đoàn diệt gọn căn cứ biệt kích Kleng, rồi phát triển tiến công địch ở tây bắc thị xã Kon Tum. Mùa mưa năm 1972, mặc dù nhận lệnh gấp, Trung đoàn 52 vẫn chấp hành nghiêm mệnh lệnh rời Tây Nguyên về đánh địch ở tây Quảng Ngãi. Trong gần ba năm họat động ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, lữ đoàn 52 đánh liên tục hàng trăm trận, có nhiều trận đánh toàn lữ đoàn, mức độ chiến đấu vô cùng ác liệt, nhưng đơn vị đã hòan thành thắng lợi giải phóng Ba Tơ, Đá Bàn, Giá Vụt, phòng thủ thắng lợi ở Nghĩa Hành, rồi cơ động tiến công Quảng Nam, giải phóng thị xã Quảng Ngãi, tiến vào Sài Gòn-Gia Định trong đội hình quân đoàn 4. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trung đoàn (lữ đoàn) 52 đã vận dụng linh họat sáng tạo nhiều cách đánh: phục kích, tập kích, vây lấn tiến công, tiến công địch có công sự vững chắc trên điểm cao, tiến công địch trong cụm cứ điểm có công sự vững chắc, phòng ngự khu vực, phòng ngự trận địa, tiến công trong hành tiến... giành thắng lợi giòn giã; đánh thắng nhiều sắc lính: thủy quân lục chiến Mỹ, cơ giới ngụy, lính dù, biệt động biên phòng, chủ lực quân đoàn 2 ngụỵ... Hầu hết các trận đánh của trung đoàn đều có quy mô tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn có hiệp đồng bộ-pháo, nhiều trận có xe tăng và đơn vị bạn, địa phương phối hợp. Trình độ tổ chức chỉ huy và khả năng tác chiến của bộ đội ngày một nâng lên, cán bộ chiến sĩ trưởng thành mọi mặt. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, nhiều hình thức, cách đánh và kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ được vận dụng sáng tạo phù hợp điều kiện đối tượng, địa hình mới.

Truyền thống "Quyết chiến, Quyết thắng" của trung đoàn còn được thể hiện sinh động trong xây dựng hòa bình. Từ năm 1975 đến năm 2000 Trung đoàn 52 đã di chuyển 10 lần qua các địa điểm: Sài Gòn-Phú Yên-Đồng Dù, Ninh Hòa, Buôn Ma Thuột-Tây Ninh-Campuchia-Đại từ-Vĩnh Phú-Ayunpa-Pleiku. Mỗi lần đến địa điểm mới là lại bắt đầu xây dựng cơ ngơi từ hai bàn tay trắng, với biết bao gian lao, vất vả, nhọc nhằn. Nhưng với truyền thống quyết chiến quyết thắng, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 52 không hề so đo tính toán, dũng cảm bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ và chỉ một thời gian ngắn lại hòan chỉnh một doanh trại khang trang gọn đẹp.
Hơn nửa thế kỷ qua, từ đội quân ban đầu được tập hợp từ các đơn vị ở hầu khắp các chiến trường Bắc Bộ, vũ khí trang bị nghèo nàn, thiếu thốn, thô sơ, kiến thức quân sự còn ấu trĩ, nhưng với lòng nồng nàn yêu nước, chí căm thù giặc cao độ, những người lính Tây Tiến đã nhanh chóng lớn vụt lên trong lửa đạn chiến tranh, trở thành những chiến binh dũng cảm, đánh giặc giỏi, lập bao chiến công hiển hách trên khắp các chiến trường, đánh thắng các đội quân nhà nghề của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được trang bị đến tận răng. Từ chiếc nôi Tây Tiến đã góp phần đào luyện nên biết bao người con ưu tú cho Đảng, quân đội, đất nước. Nhiều đồng chí đã trở thành những tướng lĩnh thao lược, những nhà khoa học quân sự uyên thâm, những nhà văn hoá tài ba... có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng.

*


Là một đội quân chiến đấu, xây dựng giỏi, Trung đoàn 52 Tây Tiến còn là một đội quân công tác giỏi, luôn gắn bó máu thịt với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương. Vốn sinh ra từ nhân dân, do dân nuôi dưỡng và chiến đấu vì dân, ngay từ buổi đầu thành lập, các chiến sĩ Tây Tiến đều là con em của nhân dân lao động hợp thành đã sống trong lòng dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, Thanh Hoá. Các đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung được chính quyền và nhân dân địa phương nuôi dưỡng, giúp đỡ họat động, đánh giặc. Nhiều chi bộ Đảng là chi bộ ghép giữa các đảng viên của Đội tuyên truyền Tây Tiến với đảng viên địa phương, họat động rất gắn bó có hiệu quả cao. Đặc biệt, trong những tháng năm chiến đấu vô cùng ác liệt ở Miền Tây, nhiều cán bộ chiến sĩ Tây Tiến mắc bệnh hiểm nghèo, bị thương phải nằm điều trị tại bệnh xá trung đoàn ở Châu Trang vô cùng thiếu thốn. Biết tin, những người mẹ Phó Khôi, Tài Thọ, Phẽm Nhỡ, Lý Mô, Ký Đông, Lý Nõn tự đi tìm hiểu và giúp đỡ bộ đội; tiếp đó một phong trào vận động rộng rãi giúp đỡ trạm quân y Tây Tiến đã được các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, phụ lão, thiếu nhi ủng hộ nhiệt thành. Tấm lòng nhân ái cao đẹp của đồng bào Hòa Bình mãi mãi không phai mờ trong ký ức của bao cán bộ chiến sĩ Tây Tiến, tiếp thêm nguồn sức mạnh lớn lao cho bộ đội dũng cảm xông lên tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương, tổ quốc.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ ở vùng sau lưng địch bên Tả Ngạn và Hữu Ngạn sông Hồng, bộ đội Tây Tiến sống trong lòng dân Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên. Đảng bộ, chính quyền lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã không tiếc sức người, sức của giúp bộ đội xây dựng công sự, chiến đấu. Hàng ngàn lượt người dân được huy động chở bộ đội vượt qua sông Đáy, sông Hồng, không quản hiểm nguy; hàng vạn dân công phục vụ bộ đội chiến đấu, tải đạn, cứu thương; hàng trăm tấn lương thực được huy động cho quỹ kháng chiến; nhiều đội du kích, nhiều người dân tự nguyện nắm địch, làm tai mắt cho bộ đội. Trong những ngày tháng chiến đấu gian nan ác liệt đó nhiều đồng bào đồng chí đã ngã xuống khi giúp bộ đội Tây Tiến chiến đấu sống mái với quân thù. Đồng thời cán bộ chiến sĩ Tây Tiến không quản nguy hiểm ác liệt hy sinh để bảo vệ nhân dân luồn càn, cất giấu tài sản chống địch cướp phá và bắt lính, tiến lên giải phóng hòan toàn quê hương. Trận chống địch càn lên Móng Lá, Nho Quan, nữ du kích Quách Thị Khế tuy mới 17 tuổi đã băng qua hiểm nguy tải đạn giúp bộ đội, khi cả khẩu đội đại liên thương vong chị đã một mình một súng đánh lui đợt tiến công của địch.

Khi chiến đấu ở Quảng Trị, Vĩnh Linh, Trung đoàn 52 được chính quyền địa phương các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Quang, Vĩnh Giang giúp đỡ, hàng trăm du kích, ông già, phụ nữ địa phương, bất chấp hiểm nguy băng qua toạ độ pháo bầy của quân Mỹ, dũng cảm dùng thuyền ba khoang đưa bộ đội vượt cửa Tùng trong đêm; được đồng bào Mai Xá Thị, Lâm Xuân giúp đỡ đã lập nên chiến công vang dội ở vùng Cửa Việt. Trên chiến trường Tây Nguyên và Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đoàn Tây Tiến luôn gắn bó mật thiết với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, cùng quân dân trong vùng chia ngọt sẻ bùi; cán bộ chiến sĩ luôn coi nhiệm vụ của địa phương như nhiệm vụ của chính mình.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung đoàn 52 Tây Tiến đến nơi nào chiến đấu là làm tốt nhiệm vụ đội quân chủ lực, đội quân "đàn anh" làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; đồng thời chăm lo dìu dắt lực lượng vũ trang tại chỗ, giúp địa phương xây dựng nhiều tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương, huấn luyện và trang bị cho nhiều đội du kích. Ngoài ra còn san sẻ nhiều cán bộ xây dựng phong trào, phát triển chiến tranh nhân dân và xây dựng địa bàn vững mạnh.
Những tháng năm dài xây dựng trong hòa bình, trung đoàn vừa hòan thành tốt nhiệm vụ trong tâm là sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo quản trang bị vũ khí... nhưng vẫn thường xuyên giúp đỡ chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, củng cố các đoàn thể quần chúng, giúp dân khắc phục thiên tai, phục hồi sản xuất, đắp đập khai mương, làm đường giao thông, xây dựng trường sở, thực hiện nếp sống văn minh và chữa bệnh làm cho cuộc sống của nhân dân càng thêm đầm ấm bình yên. Với bản chất của bộ đội Cụ Hồ, trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, bộ đội Tây Tiến qúy trọng thương yêu nhân dân nước bạn như chính đồng bào mình, đã nhường cơm sẻ muối, cứu đói, chữa bệnh và giúp hàng vạn người tàn tạ dưới chế độ diệt chủng nhanh chóng trở lại quê hương hồi sinh cuộc sống; giúp bạn củng cố chính quyền, lập đội tự vệ bảo vệ phum sóc... làm sáng đẹp tinh thần quốc tế cao cả, tình nghĩa thủy chung son sắt được chính quyền và nhân dân bạn ghi nhớ mãi. 55 năm đã trôi qua, những chiến công oanh liệt của đoàn quân Tây Tiến oai hùng đã đi vào lịch sử. Nhưng những chiến tích và kinh nghiệm phong phú của lớp lớp thế hệ cha anh để lại mãi mãi là tài sản vô giá trong hành trang của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến hôm nay, nâng bước họ tiến nhanh trên con đường xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", vững bước tiến vào thiên niên kỷ mới, viết nên những trang sử vàng rực rỡ hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của Bác Hồ và nhân dân./.

(Trích cuốn Lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến Nhà xuất bản QĐND-2002)
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:14:31 pm »

Danh sách các đồng chí là trung đoàn trưởng (Lữ đoàn trưởng), chính ủy (Phó trung đoàn trưởng chính trị) và phó trung đoàn trưởng quân sự (Phó trung đoàn trưởng tham mưu trưởng) qua các thời kỳ (1947-2002)


A. Trung đoàn trưởng (Lữ đoàn trưởng)

1. Chu Đốc
2. An Giao
3. Ngô Lân
4. Phùng Thế Tài
5. Bùi Sinh
6. Hòang Văn Khánh
7. Nguyễn Hữu Ich
8. Đồng chí: Quế
9. Đặng Văn Đồng
10. Hòang Sĩ Lê
11. Cao Biền
12. Nguyễn Phú Vị
13. Bùi Đình Hoè
14. Trần Bính
15. Hồ Hải Nam
16. Phùng Căn
17. Nguyễn Chí Thuận
18. Nguyễn Qúy
19. Dương Văn Niên
20. Trần Văn Kế
21. Trần Công Thịnh
22. Nguyễn Minh Tác
23. Trần Quốc Phú
24. Dương Đình Quyền

B. Chính ủy (Phó trung đoàn trưởng chính trị)

1. Hùng Thanh
2. Lê Tư
3. Lê Khanh
4. Văn Doãn
5. Nguyễn Văn Hải
6. Trần Phòng
7. Phạm Tiến Khu
8. Vũ Trường Long
9. Đồng chí: Thưởng
10. Đồng chí: Lệnh
11. Đặng Ngọc Truy
12. Nguyễn Văn Trản
13. Nguyễn Thanh Thuần
14. Lê Nông
15. Chu Văn Chư
16. Nguyễn Xuân Hải
17. Đỗ Đình Lưu
18. Nguyễn Văn Tích
19. Trần Đình Hạng
20. Giang Lê Kiều
21. Trần Tranh
22. Nguyễn Mạnh Lực
23. Nguyễn Thọ
24. Nguyễn Văn Hồng

C. Trung (lữ) đoàn phó (Phó trung đoàn trưởng tham mưu trưởng)

1. Quốc Linh
2. Trần Quang Thường
3. Bùi Sinh
4. Bình Chuẩn
5. Hà Tiềm
6. Bùi Đình Hoè
7. Đoàn Văn Nghệ
8. Trần Bính
9. Đồng chí: Cẩn
10. Phùng Căn
11. Cao Niêm
12. Đồng chí: Chữ
13. Trần Văn Kế
14. Phạm Xuân Bưởng
15. Hòang Văn Hoặc
16. Đặng Xuân Chiến
17. Nguyễn Minh Tác
18. Đỗ Ngọc Viễn
19. Nguyễn Ngọc Phương
20.Vũ Duy Nhiệm
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #6 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:15:45 pm »

Các đại đội tây tiến:

Đại đội Nam Định
Đại đội Bắc Sơn
Đại đội Bế Văn Sắt
Đại đội Sơn Tây
Đại đội Hà Nam

Đại đội Ninh Bình
Đội VTTT Đông Tùng
Đại đội Phú Thọ
Đại đội Bắc Giang
Đại đội Kim Anh
Đại đội Anh Đệ

Chi đội 3 có 3d, 71, 90, 86 và d Kim Thành
Trung đoàn 52 có 4d, 150, 157, 164 và 60

Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #7 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:16:43 pm »

Việt Nam dân chủ cộng hòa
Độc lập Tự do Hạnh phúc


Bộ tổng chỉ huy
Quân đội quốc gia và dân quân
Việt Nam



Mệnh lệnh


Kể từ khi nhận được mệnh lệnh này, các Trung đoàn đổi số hiệu như sau:

Trung đoàn Tây Tiến: Trung đoàn 52

Ngày 16 tháng 5 năm 1947

T/L Tổng chỉ huy

Tổng tham mưu trưởng

Hòang Văn Thái
(đã ký)

Sao y bản chính
Trích hồ sơ lưu trữ tại Văn phòng Bộ quốc phòng
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #8 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:17:15 pm »

Hành trang của cựu chiến binh Tây Tiến bước vào thế kỷ 21


Việt Nam đã cùng cả nhân loại bước vào thế kỷ 21, thiên niên kỷ 3. ý Đảng lòng dân ta đã quyết tiếp tục giương cao ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc Trường chinh 30 năm giành và bảo vệ độc lập tự do và ý chí kiên cường sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới 15 năm qua thành động lực mạnh mẽ chiến thắng nghèo nàn lạc hậu phấn đấu 20 năm tới xây dựng nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp phát triển hội nhập bình đẳng với các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến năm 1997 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn các CCB Tây Tiến: "Tây Tiến xưa là mở đường tiến sang phía Tây phối hợp cùng Bạn chiến đấu đồng thời cũng là mở đường tiến quân về phía Nam sát cánh cùng quân dân miền Nam chiến đấu thực hiện phương châm "Đông Dương là một chiến trường", "Bắc Nam là ruột thịt", đập tan âm mưu chia để trị của giặc và giành được thắng lợi. Ngày nay đổi mới cũng là mở đường để ra khỏi bảo thủ, trì trệ, nghèo nàn lạc hậu. Mở đường trong đổi mới phải có kiến thức... "

Đầu xuân 2001 vừa qua trong cuộc họp mặt bạn chiến đấu Đại đoàn Đồng bằng 320, Đại tướng nhấn mạnh: "Cựu chiến binh, Cựu mà không cũ. Đã đổi mới phải đổi mới hơn nữa. Phải chăm lo tự nâng cao kiến thức và phát triển tiềm năng tri thức của thế hệ trẻ đã thể hiện rất xuất sắc trong các cuộc thi quốc tế về toán, lý, hoá, tin học nhiều năm qua"
CCB Tây Tiến chúng ta hầu hết đã ở tuổi 70, chúng ta mang theo hành trang gì để tiếp tục góp phần vào công cuộc đổi mới nhằm đạt mục tiêu của Đảng đã đề ra trong báo cáo chính trị của BCH Trung Ương Đảng trình Đại hội IX.

+ Trước hết đó là truyền thống và nghĩa tình của Đảng, của QĐND, của dân tộc Việt Nam anh hùng, của CCB Tây Tiến vẫn trọn vẹn là "Bộ đội Cụ Hồ", trung với Đảng hiếu với dân, thắng mọi kẻ thù, hòan thành mọi nhiệm vụ dù gian khổ hy sinh đến mấy vì lợi ích cách mạng, lợi ích nhân dân, tôn trọng pháp luật, bảo vệ chính quyền cách mạng chống âm mưu phá họai, lật đổ, diễn biến hòa bình, chống quan liêu tham nhũng.
Sống nghĩa tình với đồng chí, đồng đội với nhân dân nhất là các Bà mẹ Việt nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, nhất là những người thuộc đối tượng trên đang gặp khó khăn.
+ Trau dồi kiến thức người cao tuổi, thể lực và trí lực có giảm sút song nếu không chăm lo luyện tập và học hỏi thì cái lão, cái bệnh càng đến sớm, cuộc sống không còn ý nghĩa thiết thực sẽ càng rút ngắn. Trí não, thân thể đều cần vận động thích hợp mới phát triển lành mạnh. Vận động trị liệu, dưỡng sinh, khí công đã giúp nhiều người bệnh khắc phục di chứng khôi phục vận động và trí nhớ.

Bể học mênh mông, học cả đời người không trọn, song không thể không học cái mình cần biết để sống làm việc có ích trước hết là thường xuyên thấu suốt đường lối, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước. Cũng chỉ có thể học những gì phù hợp với trình độ tiếp thụ của mình. Hãy tạo thói quen nghe và đọc để tự học hằng ngày qua sách báo, phương tiện truyền thông đại chúng, qua sinh họat câu lạc bộ... Cách học đó không thể giúp chúng ta đi sâu vào chuyên môn song có thể giúp ta có khái niệm cần thiết để hiểu những vấn đề cơ bản thiết thực của thời cuộc trên lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn hoá, khoa học công nghệ v.v.. để có thái độ xử lý đúng đắn, tích cực không bàng quan lạc lõng.

Tóm lại, Cựu chiến binh Tây Tiến bước vào thế kỷ 21 với hành trang
- Truyền thống
- Nghĩa tình
- Kiến thức
là yêu cầu đối với mỗi chúng ta

Ghi chép của Ban liên lạc - Vũ Tuấn
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #9 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 02:17:50 pm »

Bộ đội Tây Tiến những ngày đầu cách mạng ở Tỉnh Hủa Phăn - Lào

(qua hồi ký của ông Phumi Vông Vi Chít
và lời kể của ông Phìa Hom
)

Đào Văn Tiến


Về sự kiện Đoàn quân Tây Tiến sang Sầm Nưa-Hủa Phăn phối hợp với nhân dân và cán bộ chiến sĩ yêu nước Lào đánh Pháp, giành chính quyền cách mạng ngay sau khi ở Việt Nam tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã có một số người Việt Nam đề cập đến trong các bài viết của mình. Đáng chú ý là những bài viết của ban liên lạc CCB Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Sự kiện đoàn quân Tây Tiến sang Sầm Nưa-Hủa Phăn về phía Lào có hai tư liệu quan trọng đảm bảo tính chính xác lịch sử được phía Lào công nhận đó là hồi ký của ông Phumi Vông Vi Chít và lời kể của ông Phìa Hom.
Hồi ký của ông Phumi Vông Vi Chít được công bố tại Viêng Chăn ngày 6 tháng 4 năm 1984. Lúc này ông là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trước cách mạng ông là tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn. Sau đây là vài nét tiểu sử của ông có liên quan đến tỉnh Hủa Phăn trước cách mạng.
Cuối tháng 12 năm 1944 ông được quyết định bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Hủa Phăn của Vương quốc Lào thuộc Pháp.
Ngày 2 tháng 1 năm 1945 ông cùng gia đình lên đường đi Hủa Phăn (trang 27 cuốn hồi ký)
Ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp.
Ngày 11 tháng 4 năm 1945 lính Nhật vào Sốp Hào.
Ngày 12 tháng 4 năm 1945 chúng đến Mường Pua.
Ngày 13 tháng 4 năm 1945 Công sứ Pháp và toàn bộ công chức gia đình vợ con người Pháp bỏ Sầm Nưa đi Bản Púng. Trong ngày 13 tháng 4 năm 1945 lính Nhật đến Mường Liệt.
Ngày 14 tháng 4 năm 1945 Pháp rút lên Hủa Xiềng và bọn Nhật vào thị xã Sầm Nưa (trang 31 cuốn hồi ký). Nhật duy trì bộ máy chính quyền cũ, ông Phumi tiếp tục làm Tỉnh trưởng. Theo lệnh Nhật chính quyền tỉnh bắt phu để Nhật xúc tiến làm con đường nối liền Sầm Nưa với Xiêng Khoảng.
Tháng 9 năm 1945 con đường vừa xong thì cũng là lúc phát xít Nhật bại trận đầu hàng đồng minh. Cuối tháng 9 năm 1945 quân đồng minh vào Đông dương tước khí giới của Nhật. Quân Anh vào nam Lào, quân Tưởng Giới Thạch vào bắc Lào.
Quân Pháp trước đây chạy Nhật sang Xiêng Mao (Vân Nam-Trung Quốc) lục tục kéo về Lào.
Ngày 8 tháng 10 năm 1945 quân Pháp vào thị xã Sầm Nưa, quân số có một đại đội do đại úy CuiDê (Cuisinier) chỉ huy. Công việc của Pháp là trang bị vũ khí cho viên chức, thanh niên và lùng sục bắt tàn quân Nhật và tay sai của Nhật.
Lúc này ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã giành được chính quyền và tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Từ lúc Pháp trở lại Sầm Nưa, Việt kiều chạy về nước gần hết.
ở Viêng Chăn ngày 12 tháng 10 năm 1945 nhân dân đã nổi dậy giành quyền độc lập. Còn ở Sầm Nưa thì không được chính phủ mới chỉ đạo công việc, Sầm Nưa như tiểu quốc biệt lập với thế giới bên ngoài trong khi ở Luông Phabang quân đội Pháp do đại úy Imfeld chỉ huy đã theo chân quân Tưởng vào Kinh đô, viên chức cũ cũng như ông Phumi Vông Vi Chít vẫn được bọn Pháp sử dụng để nắm dân.
Ngày 18 tháng 10 năm 1945 một đơn vị quân Việt Nam quân số một đại đội tiến vào tỉnh Hủa Phăn. Pháp lo sợ xin viện binh, sau một tuần không có viện binh mà quân Việt Nam đã tiến gần thị xã, quân Pháp bỏ thị xã, ép tỉnh trưởng, huyện trưởng và một số quan chức khác rút lên Mường Hàm.
Cuối cùng chúng chạy lên Luông Phabang và ông Phumi Vông Vi Chít đã tìm cách tách được quân Pháp về với chính phủ Lào độc lập.
Cuối tháng 12 năm 1945 ông Phumi được Chính phủ Lào độc lập cử làm Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn để hợp tác với bộ đội Việt Nam. Chính phủ điều một đại đội bộ đội Lào ít Xa La đi theo để cùng hợp tác với bộ đội Việt Nam bảo vệ thị xã Sầm Nưa và tỉnh Hủa Phăn. Đại đội này do đại úy Khăm Kiêu chỉ huy.
Đến Mường Xon đoàn được tin có một đại đội lính Pháp đã đến đóng đồn tại Na Vơng ở gần bản Xốp Xang. Ông Phumi cho đại đội Khăm Kiêu đánh đồn Na Vơng diệt một số địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Sau khi nghỉ lại Mường Xon ba ngày rút kinh nghiệm trận đánh, ông Phumi viết: "Chúng tôi lên đường đi Sầm Nưa, đến bản Mường Dứt chúng tôi gặp đơn vị quân đội Việt Nam đến đón. Hai bên đã thông báo tình hình trong nước và trong tỉnh cho nhau biết, hai bên đồng tình hợp tác với nhau để chống quân thực dân xâm lược Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc sau đó kéo quân về thị xã Sầm Nưa.
Nhân dân tập trung mấy trăm người cầm hoa đánh chiêng đánh trống chào mừng chúng tôi và cũng lần đầu tiên dân Sầm Nưa nhìn thấy lá cờ cách mạng Lào. Đêm hôm đó nhân dân thị xã, bộ đội Việt Nam tổ chức bữa cơm đoàn kết liên hoan mừng đón chúng tôi rất vui vẻ, long trọng.
Ngày hôm sau, ban phụ trách tổ chức cách mạng địa phương cùng đoàn cán bộ do Trung ương phái đến đã cùng Ban chỉ huy bộ đội Việt Nam mở cuộc hội nghị cùng nhau nhận định tình hình, đề ra nội dung kế họach công tác, kế họach bảo vệ thị xã, bảo vệ tỉnh Hủa Phăn chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp.
Trong cuộc họp này tôi có dịp gặp gỡ đồng chí Sơn ( ) người chỉ huy đại đội, đồng chí Hiến Mai ( ) người chỉ huy cao cấp của đội quân Việt Nam và một số đồng chí cán bộ người Việt khác nữa. Cuộc họp được tiến hành trong tình thân ái và hiểu biết lẫn nhau" (xem trang 50-51 cuốn hồi ký).
Giữa tháng 2 năm 1946 ông Phumi được Chính phủ Lào độc lập chuyển về Luông Phabang công tác, ông Thạo Uôn Chẩu Mường Xiềng Khọ được cử làm Tỉnh trưởng thay ông Phumi Vông Vi Chít.
Còn đây là những ý kiến của ông Phìa Hom cũng còn gọi là Xiêng Xinh. Ông Phìa Hom nguyên là đội trưởng đội du kích Nậm Nơn, ủy viên ẹy ban kháng chiến đông Lào, Chủ tịch ẹy ban mặt trận tỉnh Hủa Phăn, ủy viên ẹy ban trung ương mặt trận Lào ít Xa La trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ủy viên ẹy ban trung ương mặt trận Lào Hắc Xạt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Trong buổi làm việc ngày 24 tháng 10 năm 1971 giữa đoàn cán bộ nghiên cứu của Văn phòng trung ương Đảng Nhân dân Lào với các chuyên gia Việt Nam về thời kỳ đầu cách mạng năm 1945 trong đó có việc cướp chính quyền ở Hủa Phăn, ông Phìa Hom cho biết ông vốn là nhân viên bưu điện ở thị xã Sầm Nưa từ năm 1934. Năm 1938 ông gặp một người Việt Nam tên gọi là Phán Kim (ông Kim làm thông phán), ông Kim tuyên truyền ông làm cách mạng, năm 1945 ông có liên hệ với ông Hanh, ông Tuệ.
Khi phát xít Nhật đầu hàng ông bị Pháp truy lùng và ông đã chạy về Việt Nam. Đến Thanh Hoá thì Thanh Hoá đã giành được chính quyền, sau ông ra Hà Nội và đã đi cùng đơn vị của ông Tuấn Sơn về cướp chính quyền ở Hủa Phăn. Sau khi Pháp chiếm Sầm Nưa năm 1946 ông về vùng Nậm Nơn tổ chức đội vũ trang, họat động đánh Pháp ở Hủa Phăn và Xiêng Khoảng. Tiếp đó ông liên hệ với nhóm du kích của các ông Thao Tu, Phay Đang, Nhia Vư rồi cùng về Việt Nam dựa vào phòng Biên chính Khu 4. Được sự giúp đỡ của Khu ủy Liên khu 4 ẹy ban kháng chiến đông Lào do ông Nuhắc Phum Xa Vẳn làm chủ tịch được thành lập, ông Phìa Hom là một ủy viên trong ẹy ban cùng các ông Thao Ma, Sing Ga Po, Phay Dang, Thao Tu, Thao Kê lãnh đạo phong trào kháng chiến các tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt.
Như vậy sự kiện bộ đội Tây Tiến sang Hủa Phăn tháng 10 năm 1945 phối hợp với lực lượng cách mạng Lào cướp chính quyền, hợp tác với nhau xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang và tổ chức các đoàn thể yêu nước, bảo vệ tỉnh Sầm Nưa tiến công tiêu diệt đồn binh Pháp đã được phía Lào xác nhận với những nhân chứng rất đáng tin cậy là các ông Phumi Vông Vi Chít và Phìa Hom./.
Logged

Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM