Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:44:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường thời gian  (Đọc 32007 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #60 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:54:57 pm »

 Từ trong kháng chiến chống Pháp rồi tiếp đến kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta đều chưa có điều kiện kỹ thuật về lưu giữ mẫu máu, răng, tóc và thực nghiệm AND đối với mọi quân nhân. Do đó, dẫn đến một tình trạng là rất nhiều quân nhân chiến đấu hy sinh an táng tại các chiến trường, sau đó do nhiều nguyên nhân bị thất lạc mộ chí. Đến nay tìm kiếm, cất bốc hài cốt qui tập về các Nghĩa trang Liệt sĩ, tỷ lệ mộ liệt sĩ vô danh là rất lớn. Đây là một vấn đề thực sự xót xa đối với mọi người.
Chị Nguyễn Thị Tiến cán bộ ở Viện Bảo tàng Quân khu 4 đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu xác minh danh tính liệt sĩ bằng các thông tin còn lại ở hài cốt liệt sỹ. Trong mấy năm liền, chị đã lăn lộn trên nhiều địa bàn cùng các chiến sĩ thuộc các đội qui tập mộ liệt sĩ của các Tỉnh đội: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, sang cả một số địa phương của Lào, để thu thập những di vật còn sót lại cùng hài cốt liệt sĩ. Những di vật được tìm thấy bên cạnh hài cốt liệt sĩ như: chiếc cối giã trầu được làm từ vỏ đạn để mang về tặng mẹ, chiếc lược đuya ra được giũa gọt từ xác máy bay để tặng người yêu, chiếc khăn thêu, trang giấy học trò, bức thư viết giở, cái bút máy, tấm ảnh người thân, …tất cả đã hoen rỉ, đang mục nát theo thời gian. Chị Tiến đã khai thác xác minh giải mã các thông tin ít ỏi, mong manh ở các di vật đó một cách rất công phu, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đến các đơn vị đã từng chiến đấu trên từng địa bàn, gặp gỡ các cựu chiến binh, tìm hiểu gia đình liệt sĩ,... rồi khớp nối, lắp ghép các thông tin. Mỗi di vật hàm chứa thông tin nói lên đặc trưng một mẫu người, một thế hệ, rồi phiên hiệu đơn vị lúc hy sinh, quê quán, thân nhân… Có thông tin đến với chị một cách tình cờ ngẫu nhiên như sự mách bảo của linh hồn các liệt sĩ, của thế giới người âm, khó giải thích, nhưng đó là sự thật. Bằng tâm huyết và năng lực của mình, chị Tiến đã thu được những kết quả rất đáng trân trọng. Đã trả lại tên cho nhiều liệt sĩ vô danh và đưa anh em về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà trong sự mừng rỡ khôn tả của người thân. Đem lại niềm vui cho nhiều gia đình sau nhiều năm trời không ngơi nghỉ trong sự kiếm tìm vô vọng. Bằng kết quả thực nghiệm đó, chị Tiến đã triển khai nghiên cứu thành công một đề tài khoa học: “ Xác minh lý lịch liệt sĩ chưa biết tên qua di vật nằm cùng phần mộ”. Đã mấy lần chị lên Truyền hình Việt Nam trong chuyên mục “Người đương thời” để trình bày về vấn đề này; đồng thời, chị đã viết quyển sách dưới dạng ký “Chuyện kể của người đi tìm liệt sĩ”, thật cảm động. Quê chị Tiến ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; chị là em ruột anh Nguyễn Đường Dần, Đại tá, nguyên Trưởng phòng Chính sách Quân khu 4.
 Nhiều năm qua, trên cương vị công tác của mình, tôi cho rằng, vấn đề mộ liệt sĩ vô danh là nỗi đau, sự nhức nhối, là một khuyết điểm rất lớn đối với vong linh liệt sĩ và gia đình liệt sĩ cũng như đối với nhân dân. Có nhà thơ đã viết:

“Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh!
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh anh tròn ngày chẵn tháng
Cha đặt tên anh chọn  tuổi chọn mùa…
Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh!
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai níu vít hàng quân…
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên tuổi
Trắng hàng bia những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân
Tổ quốc không đánh mất tên anh
Nhìn mẹ nhận về mình nỗi đau xanh rì năm tháng…”.

Tôi cho rằng, hậu quả gây nên mộ liệt sĩ vô danh có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng. Trong chiến tranh, hầu như mọi quân nhân đều không có giấy tờ tùy thân và hầu như cũng chẳng có một thông tin nào đi theo. Khi an táng quân nhân hy sinh, các đơn vị cắm một tấm bia bằng gỗ hoặc đá núi, hoặc bằng kim loại để làm mộ chí. Trên các tấm bia đó chỉ khắc được những thông tin ít ỏi. Những tấm bia mộ liệt sĩ theo thời gian bị mất mát do mối xông , bị hoen rỉ do thời tiết, bị thất lạc do bom đạn. Cũng có đơn vị viết họ tên, quê quán, đơn vị, ngày hy sinh của liệt sĩ vào một miếng giấy nhỏ bỏ cái vào lọ peneciline bọc túi ni lông thật kỹ rồi để cùng thi thể liệt sĩ. Nay có cái còn, có cái bị phân hủy. Hơn nữa, điều kiện chiến tranh không phải lúc nào cũng có lọ peniciline. Nhiều khu mộ bị bom đạn cày xới nhiều lần. Hài cốt bị hất tung lên, an táng lại, rồi lại bị bom đạn cày xới lần khác nữa. Người đi an táng liệt sĩ nay phần đông không còn, hoặc có còn cũng không nhớ nổi do tuổi tác đã cao, thời gian quá lâu. Một số trường hợp khi di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác đã bị thất lạc tên tuổi trở thành vô danh.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #61 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:55:25 pm »

Tôi có một suy nghĩ, trong khi chưa có điều kiện để đăng kiểm các loại mẫu về quân nhân, lưu giữ ở một Trung tâm (Ngân hàng), để khai thác khi cần thiết, thì  quân đội nên triển khai một chủ trương qui định: Cấp cho mỗi quân nhân một tấm thẻ nhỏ cỡ bằng cái huy hiệu, được làm bằng kim loại không rỉ, trên đó chỉ cần ghi số hiệu quân nhân và bắt buộc mọi quân nhân phải mang theo mình như một vật bất ly thân. Khi quân nhân bị tai nạn bất thường mà không có giấy tờ tùy thân, hoặc bị hy sinh trong chiến đấu trên chiến trường, thì chỉ cần số hiệu quân nhân ghi trên tấm thẻ đó là có thể tra cứu rất nhanh để có được đầy đủ các thông tin về họ. Nếu làm được điều đó, thì chắc chắn là sẽ không còn tình trạng mộ vô danh nữa.
Ngày nay, để xác định được danh tính của mộ liệt sí vô danh là một việc làm vô cùng khó khăn, nan giải, thậm chí đối với một số trường hợp là không thể. Kinh nghiệm lưu giữ các loại mẫu và kỹ thuật AND của Mỹ đặt ra những vấn đề cho chúng ta phải suy nghĩ.

Trong mấy ngày công tác ở Oa-sinh-tơn, nhận lời mời của phía Mỹ, đoàn chúng tôi đã đến thăm Bia Tưởng niệm ghi tên 58.317 quân nhân Mỹ tử trận  trong chiến tranh Việt Nam. Đó là mấy bức tường bằng đá đen khá dài trong Công viên Oa-sinh-tơn rộng lớn. Hàng ngày nhiều người Mỹ đến đây tưởng niệm những người ra đi không trở về. Những hàng tên nối dài như một bức thông điệp cho hậu thế với lời nhắn nhủ đừng bao giờ lặp lại việc này. Khi cùng xem với những người Mỹ cùng đi, tôi quay sang hỏi ông DesTas: “ Này ông, tại sao bức tường làm bằng đá cẩm thạch màu đen và lại thấp thế”. DesTas trả lời với tôi: “Ông Đẩu ơi, sở dĩ chúng tôi làm như thế là xuất phát từ ý tưởng: màu đen là màu tang để tưởng nhớ những người chết trận. Tường được làm thấp thôi, vì thực ra, có vẻ vang gì đâu mà phải cao”.
 Đọc những dòng tên lính Mỹ tử trận ở Việt Nam nối tiếp nhau phủ kín các bức tường vừa rộng vừa dài, từ người đầu tiên chết năm 1958 đến người sau cùng chết năm 1975, tôi nghĩ rằng, tất cả họ cũng đều là nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam do Mỹ gây ra. Đau thương tang tóc đã ập đến ngần ấy gia đình Mỹ có con em sang tham chiến tại Việt Nam. Hơn thế, hội chứng Việt Nam sẽ còn kéo dài trong lòng xã hội Mỹ. Lịch sử các cuộc chiến  tranh bao giờ cũng để lại hậu quả nặng nề về mọi mặt. Trong đó sự hy sinh, mất mát của người lính và gia đình họ là to lớn nhất, không có gì bù đắp được. Chiến tranh thế giới lần thứ hai làm mất tích hơn 40.000 lính Mỹ. Chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) để lại gần 8.000 lính Mỹ mất tích. Mãi đến nay việc tìm kiếm vẫn chưa kết thúc. Vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam là hậu quả do cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra. Theo thông báo của phía Mỹ, số lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam là 1.774 người. Sau chiến tranh, chính quyền Mỹ phải đương đầu với sức ép rất lớn từ nhiều phía của nhân dân Mỹ. Công luận Mỹ cho rằng, chính quyền Mỹ đã mắc sai lầm to lớn khi đem quân xâm lược Việt Nam.
Trong một thời gian dài, xuất phát từ tinh thần nhân đạo, thiện chí và thực hiện những cam kết trong Hiệp định Pa ri về Việt Nam, chúng ta hoặc đã nỗ lực đơn phương tìm kiếm, hoặc đã phối hợp với phía Mỹ tìm kiếm thu hồi và trao trả cho Mỹ nhiều đợt, với hàng trăm bộ hài cốt quân nhân Mỹ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng còn để lại những hậu quả to lớn, phức tạp, khó khăn về giải quyết chính sách. Bằng nhiều cách, nhiều kênh thông tin chúng ta phải tận dụng khai thác, xác minh kết luận các trường hợp quân nhân ta mất tích trong chiến tranh. Đây là chuyến đi đầu tiên sang Mỹ để tìm hiểu nghiên cứu hồ sơ chiến tranh mà phía Mỹ quản lý được. Đoàn chúng tôi đã thu được một số kết quả góp phần nhỏ vào việc giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh.
Trong nhiều năm Cục Chính sách đã hoàn thành được một khối lượng công tác lớn, cả trong nghiên cứu đề đạt cấp trên ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách trong toàn quân. Kết quả đó do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tôi cho rằng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu tạo nên thành công của Cục Chính sách suốt mấy chục năm qua. Công tác chính sách là một mặt hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị. Tổng cục Chính trị là cấp trên trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo toàn bộ lĩnh vực hoạt động của Cục Chính sách từ định hướng tư tưởng chỉ đạo cũng như đi sâu vào từng nội dung chính sách cụ thể. Đồng thời, Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp trong toàn quân trong việc phối hợp triển khai nghiên cứu và tổ chức thực hiện chính sách. Công tác chính sách có sự phối hợp chặt chẽ với công tác tư tưởng, công tác cán bộ và các mặt công tác khác. Chính sách là những chế tài qui định cụ thể, được lượng hóa về mặt đãi ngộ vật chất, tinh thần. Bộ Quốc phòng có quyền hạn, trách nhiệm trình lên Chính phủ ban hành các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Đồng thời, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Quốc phòng ban hành các chế độ, chính sách cụ thể theo phạm vi quyền hạn đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, dân quân dự bị, lực lượng dự bị động viên và một số lực lượng khác tham gia nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Nhân đây, tôi xin được nói đôi điều cảm nhận của mình về Thủ trưởng Tổng cụ Chính trị và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Với cương vị và tính chất công việc, tôi may mắn, vinh dự có nhiều điều kiện tiếp xúc, làm việc với Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng qua nhiều thời kỳ. Họ đều là những người rất đáng kính. Tôi cảm nhận được rằng, các Thủ trưởng có nhân cách mẫu mực trong sáng, có tầm trí tuệ cao và kinh nghiệm phong phú, trách nhiệm chính trị và tinh cảm sâu nặng đối với công tác chính sách. Các Thủ trưởng đánh giá đúng vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính sách;  luôn luôn quan tâm chỉ đạo công tác chính sách một cách đầy đủ, chu đáo, đem lại hiệu quả thiết thực. Họ đều là những người được tôi luyện trong phong trào cách mạng, trải qua các cuộc chiến tranh quyết liệt gian khổ, trong nhận thức và tình cảm thấm đẫm sự cống hiến hy sinh lơn lao của đồng bào, đồng chí.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #62 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:55:38 pm »

Khi tôi làm Cục trưởng thì Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Lê Đức Anh và Đại tướng Nguyễn Quyết đã rời cương vị trong quân đội. Nhưng với tinh cảm sâu sắc, các ông vẫn thường xuyên quan tâm đến công tác chính sách. Thỉnh thoảng các ông vẫn cho mời tôi đến nhà để nghe tôi thông báo tình hình chung của công tác chính sách. Trong nhiều lần tôi được tiếp kiến với các ông, tôi đã nhận được những ý kiến sâu sắc, tâm huyết chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm trong chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Các ông thường nêu lên những câu hỏi:
- Đời sống bộ đội ở biên giới, hải đảo thế nào, có chế độ gì động viên anh em yên tâm làm nhiệm vụ nơi xa xôi, đầu sóng ngọn gió? Các đơn vị tổ chức bảo đảm Tết Nguyên đán cho anh em thế nào?
- Quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh chống Mỹ đã xác minh kết luận xong chưa? Gia đình anh em đã được hưởng quyền lợi chính sách chưa?
- Mộ liệt sĩ ở địa bàn rừng núi và ở Lào, Cămpuchia còn nhiều không, đến bao giờ thì đưa hết anh em về nước? những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai?
- Đời sống các gia đình chính sách? Phong trào chấp hành chính sách hậu phương quân đội ở các địa phương có nét gì mới, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường? 
- Những anh em được cấp đất làm nhà, chuyển vợ con đến sinh sống, làm việc ở các địa phương, nhất là ở các thành phố, các khu công nghiệp, đã được đăng ký hộ khẩu chưa? Việc học hành của các cháu có ổn không?
- Những người có thành tích trong chiến đấu, nhất là những cán bộ lăn lộn qua mấy chục năm trên các chiến trường trong chiến tranh, đã được khen thưởng xứng đáng chưa?
- Trước các hiện tượng tiêu cực xã hội, cán bộ chính sách các cấp có giữ được sự tận tụy, nghĩa tình, công bằng và thanh liêm không?
.v.v..
Tôi biết rằng, các câu hỏi đó là những điều trăn trở thường trực trong suy tư, tình cảm của các ông, những người mà cả cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi động trên nhiều trọng trách.
Tại gia đình, trên nhiều phương diện, chúng tôi kính trọng các ông vừa là Thủ trưởng vừa là bậc cha chú; đối lại, các ông coi chúng tôi vừa là cấp dưới vừa như con cháu, nên việc chỉ bảo rất sâu sắc và ân cần.
Khi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng như sau đó là Thường trực Ban Bí thư rồi đến cương vị cao nhất là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, anh Lê Khả Phiêu luôn luôn quan tâm đến công tác chính sách, từ chỉ đạo vĩ mô ở  tầm chiến lược đối với toàn quân toàn quốc, đến những việc làm thiết thực, giải quyết các trường hợp cụ thể. Nhiều lần anh gọi tôi đến để anh nắm tình hình và chỉ thị những vấn đề cần triển khai nghiên cứu và những việc phải làm ngay. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Ngành chính sách quân đội (26/2/1947-26/2/1997), tại Cục Chính sách, anh Lê Khả Phiêu lúc đó với cương vị là Thường trực Ban Bí thư đã chủ trì một buổi làm việc với các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương, các cơ quan hữu quan trong quân đội, cán bộ Cục Chính sách và các cán bộ chủ trì công tác chính sách các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Sau khi nghe tôi thay mặt Cục Chính sách báo cáo tình hình chung và kiến nghị một số vấn đề, chị Nguyễn Minh Hồng (Chín Hồng) Phó Ban Tổ chức Trung ương, Anh Lê Duy Đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh Xã hội và đại diện một số cơ quan phát biểu ý kiến. Nghe xong, anh Lê Khả Phiêu đã có bài phát biểu quan trọng với nhiều nội dung chỉ đạo sâu sắc, cả trước mắt và lâu dài, không chỉ  đối với quân đội mà đối với toàn Đảng, toàn dân.
Anh Phạm Thanh Ngân, Thượng tướng, Anh hùng không quân trong chiến tranh chống Mỹ. Thời kỳ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và là Ủy viên Bộ Chính trị, anh Ngân có nhiều ý kiến chỉ đạo đối với Cục Chính sách rất sâu sát, sắc sảo. Ở anh Ngân có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính nguyên tắc chặt chẽ trong công việc với tình cảm chân thành, chu đáo đối với đồng chí, đồng đội và các đối tượng chính sách.
Đại tướng Đoàn Khuê, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người thường xuyên quan tâm đến công tác chính sách, cả trong nghiên cứu nội dung và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong một số  lần, trước khi họp Chính phủ để bàn và quyết nghị về nội dung chính sách, ông thường cho gọi tôi đến để nghe tôi trình bày ý kiến đề nghị của cơ quan trong quá trình nghiên cứu. Những vấn đề đặt ra, những ý kiến khác nhau, những phương án khả thi. Cũng có lần, ông đưa tôi đi cùng để báo cáo, cung cấp thêm thông tin khi cần thiết. Tôi nhớ, trước khi cải cách chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội đối với quân đội, có lần lãnh đạo Bộ Quốc phòng do ông chủ trì làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động -  Thương binh Xã hội và Bộ Tài chính tại 20 - Cửa Đông, Hà Nội. Trước đó, ông gọi tôi sang báo cáo tình hình. Tôi mang theo tài liệu đã chuẩn bị kỹ để báo cáo với ông. Thế rồi, trong buổi làm việc đó, không cần nhìn giấy tờ, ông trình bày chặt chẽ, chắc chắn, có tính thuyết phục cao những vấn đề về quan điểm, nguyên tắc và cách thiết kế thang bảng lương, các chế độ bảo hiểm xã hội,…một cách đầy đủ vừa có tính khái quát, vừa đi vào những vấn đề có tính chất kỹ thuật nghiệp vụ cụ thể rất chính xác. Mọi người đều cảm phục ông. Bữa đó, phía Bộ Quốc phòng có các ông:  Nguyễn Trọng Xuyên, Thứ trưởng; Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Lê Khoa, Cục trưởng Tài chính, tôi và một số cán bộ khác. Các cơ quan ngoài quân đội có các ông: Trần Đình Hoan, Bộ trưởng, Lê Duy Đồng, Thứ trưởng, Đặng Như Lợi, Vụ trưởng Vụ Tiền lương Bộ Lao động - Thương binh Xã hội; Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng một số chuyên viên.   Để làm được điều đó, tôi cho rằng, ở ông Đoàn Khuê ngoài khả năng tư duy, khả năng ghi nhớ, còn phải là sự tâm huyết cao độ đối với công việc. Khi mới tiếp xúc, có người cảm thấy ông nghiêm khắc, khó gần. Nhưng được làm việc với ông nhiều lần, mọi người đều nhận ra ở ông là một người rất nghiêm túc, giữ vững nguyên tắc, có tính quyết đoán cao, đồng thời có  tình cảm rất sâu đậm. Một số lần ông gọi điện thoại về nhà riêng cho tôi. Bằng chất giọng Quảng Trị trầm ấm thân tình, câu đầu tiên ông thường hỏi là đã ăn cơm chưa, khỏe không, các cháu thế nào? Tôi cảm phục ông từ những từ câu hỏi đó. Cùng với nhận thức thấu đáo do sự từng trải trong cuộc đời cách mạng, theo tôi, ông quan tâm đến đối tượng chính sách bằng cả tình cảm máu thịt. Ông sinh ra trong một gia đình cách mạng, tham gia hoạt động, bị địch bắt, trải qua lao tù thực dân đế quốc từ khi còn rất trẻ; chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Khu 5 từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, rồi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nhiều năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Cămpuchia; rồi cuối cùng là trên cương vị Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Mẹ ông và dì ruột của ông là hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông có năm chị em ruột là liệt sĩ.
 Tại một số lần được cử vào Ban tổ chức Lễ mít tinh, buổi họp mặt hoặc tiếp đón các đối tượng chính sách đến thăm Bộ Quốc phòng, khi được phân công đảm nhiệm việc tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, tôi thường lần lượt giới thiệu các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trước rồi mới giới thiệu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Tôi cho như thế  là hợp lý, hợp tình.
Trong thời gian làm Cục trưởng Cục Chính sách, tôi đã thường xuyên được tiếp nhận sự chỉ đạo sâu sắc, nhiệt tình, và hiệu quả của Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Trung tướng Lê Văn Hân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trên cương vị của mình theo chức trách được giao, các ông vừa có tầm vừa có tâm đối với công tác chính sách. Đó là chỗ dựa trí tuệ tinh thần vững chắc cho chúng tôi khi triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong nhiều năm, ông Đặng Vũ hiệp đối với chúng tôi như một người thầy trên nhiều phương diện; chúng tôi kính trọng phẩm chất, năng lực và phong cách làm việc của ông. Và ông cũng rất tin tưởng chúng tôi.
Ngày 6 tháng 10 năm 2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định điều động tôi về giữ chức Phó Hiệu trưởng về Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1, thay anh Bạch Quang Triệu chuẩn bị nghỉ hưu theo chế độ. Tôi được biết, trong vòng một hai năm trước đó, cấp trên đã dự kiến, thậm chí đã quyết nghị điều động, bổ nhiệm tôi vào một số vị trí nhưng không thực hiện. Lần này để kiện toàn cán bộ chủ trì một số đơn vị chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng đã quyết định điều động thuyên chuyển một số trường hợp. Cùng nhận quyết định một lần với tôi có Anh Trần Danh Bích, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cán bộ về Học viện Chính trị giữ chức Phó Giám đốc về Chính trị thay anh Bùi Sĩ Vui, Thiếu tướng, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương; anh Nguyễn Tiến Ngùng, Đại tá, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Và nhiều đồng chí khác nữa.
Sau khi được Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà trao Quyết định và giao nhiệm vụ, tôi về Cục Chính sách bàn giao công việc để sớm lên đường nhận nhiệm vụ mới. Thời điểm đó, Đảng bộ các cấp trong quân đội đang khẩn trương chuẩn bị đại hội tiến tới Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.
Ngày 30 tháng 10 năm 2000, tôi chia tay với anh chị em Cục Chính sách trong cảm xúc bùi ngùi lưu luyến. Hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ, với biết bao kỷ niệm. Thời gian đó trong một đời người quả thật là dài. Cục Chính sách là bến đậu lâu nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Nơi đây là chiếc nôi, là môi trường đào luyện tôi về nhiều mặt. Tôi hồi tưởng lại từ những ngày đầu mới ở chiến trường ra, khi chập chững bước vào ngành được các chú, các cô, các anh dìu dắt, được bạn bè đồng đội phối hợp, giúp đỡ tôi từng bước trưởng thành. Tôi may mắn được sống và cộng tác giữa những con người nghĩa tình thuộc mấy thế hệ, để lại trong tôi những tình cảm quí, những ấn tượng sâu sắc. Đời tôi không bao giờ quên. Ngần ấy năm trời công tác, nhất là tám năm trên vai trò Cục trưởng, tôi đã cùng với tập thể cán bộ, nhân viên trong Cục làm được nhiều việc tạo nên thành tích chung, góp phần bồi đắp vào truyền thống của Cục Chính sách.
Khi tôi rời Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm anh Ngô Xuân Lịch, Đại tá, Cục phó Cục Tổ chức- Tổng cục Chính trị làm Cục trưởng Cục Chính sách. Anh Lịch quê ở xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Chúng tôi quen thân nhau từ nhiều năm trước. Năm 2004, Cục Chính sách vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang trong Thời kỳ Đổi Mới. Đây là phần thưởng xứng đáng, là niềm tự hào lớn lao của mọi cán bộ nhân viên Cục Chính sách qua nhiều thế hệ. Hiện nay, anh Ngô Xuân Lịch là Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Cục trưởng Cục Chính sách là anh Vũ Hữu Luận, Thiếu tướng.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #63 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:56:29 pm »

Chương bảy: Về Trường Sĩ quan Lục quân 1


         Trước ngày tôi lên đường về Trường Sĩ quan Lục quân 1, anh Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và anh Phạm Thanh Ngân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã gặp tôi vừa giao nhiệm vụ vừa dặn dò một số điểm cần chú ý khi về công tác ở Trường. Các anh đều nói với tôi đại ý rằng: Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một trường có truyền thống vào bậc nhất trong hệ thống nhà trường quân đội; là trung tâm lớn đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, bậc đại học của quân đội. Có thể ví đây là cỗ máy cái. Từ những cán bộ do Trường đào tạo sẽ từng bước trưởng thành lên cán bộ lãnh đạo chỉ huy - tham mưu các cấp trong quân đội. Thời gian tới, khi Quân đội triển khai Nghị quyết 07/BCT của Bộ Chính trị về tổ chức lực lượng quân đội, có khả năng qui mô tổ chức và nhiệm vụ của Trường sẽ còn lớn hơn, nặng hơn. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu rất lớn đối với người cán bộ chủ trì Công tác đảng, Công tác chính trị. Vì vậy, cần phải nỗ lực phấn đấu không ngừng về mọi mặt để cùng với Hiệu trưởng và tập thể Đảng ủy đoàn kết lãnh đạo Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi chân thành cám ơn các anh, hứa quyết tâm, đồng thời đề nghị các anh quan tâm theo dõi giúp đỡ.
Để có sự hiểu biết ban đầu, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới tôi dành thời gian nghiên cứu tìm hiểu về Trường Sĩ quan Lục quân 1. Qua nghiên cứu lịch sử Trường Sĩ quan Lục quân 1 tôi được biết rằng:  Ngày 15 tháng 4 năm 1945, tại xóm Khuổi Kịch, xã Tân Trào, châu Tự do (nay là huyện Sơn Dương), tỉnh Tuyên Quang, Trường Quân Chính kháng Nhật, nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 được thành lập theo Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Nhà trường đánh dấu một bước chuyển biến mới của cách mạng, đáp ứng kịp thời yêu cầu đào tạo cán bộ quân sự, chính trị làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang nhân dân chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trải qua gần 60 năm xây dựng, đào tạo, chiến đấu và trưởng thành, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã góp phần rất xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta trong Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm Nghĩa vụ quốc tế và trong Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây nhà trường đầu tiên của quân đội ta và cũng có thể nói là nhà trường đầu tiên dưới chế độ ta, có bề dày lịch sử truyền thống lâu năm nhất. Gần 60 năm qua, với niềm tin và lời thề son sắt “Trung với nước, hiếu với dân”, lớp lớp cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ nhà trường đã không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho quân đội. Lớp lớp thanh niên thuộc nhiều thế hệ đã lần lượt được trường giáo dục, rèn luyện thành sĩ quan. Hàng vạn đồng chí đã trở thành cán bộ trung cấp, cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội. Hàng trăm đồng chí trở thành tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều đồng chí giữ những chức vụ rất quan trọng ở Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục, các bộ tư lệnh quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, sư đoàn, học viện, nhà trường. Nhiều cán bộ lãnh đạo, chi huy cấp cao vốn là cán bộ, giáo viên, học viên của Trường. Tiêu biểu như các ông: Hoàng Văn Thái, Trần Tử Bình, Trương Văn Lĩnh, Hoàng Đạo Thúy, Lê Thiết Hùng, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa, Nguyễn Sơn, Cao Văn Khánh, Lê Tự Đồng, Hoàng Minh Thi, Nguyễn Chơn, Phan Thu, Đào Trọng Lịch, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Thế Trị,…Cùng với nhiệm vụ đào tạo hàng chục vạn sĩ quan quân đội ta, Nhà trường cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cho một số nước anh em. Trường sĩ quan Lục quân 1 là nhà trường đầu tiên trong hệ thống nhà trường quân đội được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Trường đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương, phần thưởng cao quí khác. Đặc biệt là, sinh thời Bác Hồ đã 9 lần đến thăm và rất nhiều lần gửi thư động viên giáo dục cán bộ, giáo viên, học viên Nhà trường. Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và các địa phương thường xuyên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà trường hoàn thành nhiệm vụ.
 Kể từ ngày thành lập đến năm 2000, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã có 16 người đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng:  Hoàng Văn Thái, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn An ( tức Trương Văn Lĩnh ), Trần Tử Bình, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Lê Trọng Tấn, Cao Văn Khánh, Nguyễn Bằng Giang, Nguyễn Thái Dũng, Vũ Yên, Lưu Bá Xảo, Nguyễn Ân, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Khắc Viện. Chức danh Chính ủy ( Phó Hiệu trưởng Chính trị ) của Nhà trường đã qua 11 người đảm nhiệm: Trần Tử Bình, Lê Đình (tức Trịnh Đình Cửu), Lê Quang Hòa, Đoàn Quang Thìn, Lê Tự Đồng, Hoàng Minh Thi, Lê Chiêu, Lã Ngọc Châu, Nguyễn Ngọc Tiến, Lương Văn Cửu, Bạch Quang Triệu. Được về công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một vinh dự lớn đồng thời là một thử thách mới đối với tôi trong cuộc đời binh nghiệp.
Được cấp trên điều động về làm cán bộ chủ trì tham gia lãnh đạo chỉ huy Nhà trường, nhưng tôi lại chưa được may mắn trải qua đào tạo ở Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trước đây tôi có hai lần về làm việc và tập huấn ở Trường. Lần thứ nhất, đầu năm 1995, tôi đi cùng ông Nguyễn Nam Khánh, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về thăm và làm việc với Trường. Cùng lên Trường hôm đó còn có anh Ngô Quí Vân, cán bộ Văn phòng Tổng cục Chính trị. Anh Nguyễn Ân, Trung tướng, Hiệu trưởng và anh Lương Văn Cửu, Đại tá, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng về Chính trị đã tiếp và làm việc với chúng tôi. Anh Cửu là người cùng học với tôi một khóa ở Học viện Chính trị. Nội dung làm việc là nghe Ban Giám hiệu Nhà trường báo cáo về tình hình giáo dục đào tạo nói chung và tình hình công tác đảng, công tác chính trị - đi sâu vào việc bảo đảm chính sách đối với cán bộ, giáo viên, học viên. Lần thứ hai, đầu tháng 8 năm 1999, tôi được triệu tập về Trường dự lớp tập huấn Điều lệnh toàn quân. Hồi đó, để bảo đảm rèn luyện chính qui Điều lệnh đội ngũ thống nhất trong toàn quân, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu chủ trương tập huấn cán bộ chủ trì lãnh đạo chỉ huy các đơn vị từ cấp Sư đoàn, cấp Cục trở lên trong toàn quân. Trường Sĩ quan Lục quân 1 được chọn là đơn vị đăng cai. Giáo viên Điều lệnh đội ngũ của Trường đảm nhiệm giới thiệu và hướng dẫn cho các lớp học. Cán bộ chủ trì các đơn vị lần lượt thay nhau đi tập huấn. Anh Đỗ Quang Bích, Cục phó dự lớp thứ nhất. Tôi dự lớp thứ hai. Tiểu đội trưởng tiểu đội tập huấn của tôi là anh Phạm Xuân Thệ, Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2. Trung đội trưởng là anh Nguyễn Văn Được, Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 5. Thực hiện yêu cầu đặt ra của Bộ đối với lớp tập huấn, đồng thời là Tư lệnh các đơn vị, các anh chỉ huy lớp học ngày đó thực hành rèn luyện nghiêm lắm. Mấy anh em quen tác phong ở cơ quan Bộ phải cố gắng nhiều. Dưới trời nắng chói chang, trên đường xi măng sân băng nóng nực, chúng tôi miệt mài, chăm chỉ tập luyện, mồ hôi chảy ướt đẫm cả áo. Thời gian tập huấn không nhiều nhưng thật bổ ích. Tôi không ngờ kết quả đợt tập huấn đó đã giúp tôi dễ làm quen với môi trường huấn luyện ở trường sau này.

Ngày 2 tháng 11 năm 2000, tôi đi lên Sơn Tây. Với địa thế thuận lợi, trong mấy chục năm qua, Sơn Tây được chọn là nơi đóng quân của nhiều trường sĩ quan và trường trung cấp của quân đội. Chú Lê Văn Đát, người lái xe đã cùng tôi đi qua hàng vạn cây số trên mọi nẻo đường công tác trong tám năm trời (từ đầu năm 1992 đến cuối năm 2000) với biết bao kỷ niệm, nay đưa tôi rời Hà Nội về xứ Đoài. Chúng tôi đi trên đường Láng - Hòa Lạc, con đường rất đỗi quen thuộc với tôi hơn bốn năm sau đó. Tiễn tôi về đơn vị mới có chú Đặng Việt Tiến, cán bộ Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp, người gắn bó thân thiết với tôi trong nhiều năm công tác. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến Trường. Anh Nguyễn Đức Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Nhà trường đón tôi ở phòng giao ban của Nhà trường. Anh Huy thông báo với tôi rằng, Đảng ủy Nhà trường đang tổ chức hội nghị công tác kiểm tra phiên cuối nhiệm kỳ và mời tôi vào Hội trường để dự luôn.

Những ngày đầu mới về Trường, tôi dành thời gian tập trung nghiên cứu chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chế, cơ chế hoạt động của Nhà trường, nắm tình hình của các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị trong trường, đi thăm chỗ ăn ở các đơn vị, các giảng đường, thao trường, bãi tập và sau đó là đi thăm cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi Trường đóng quân.
 Chức năng, nhiệm vụ của Trường Sĩ quan 1 được Bộ Quốc phòng giao lúc bấy giờ là: Đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu lục quân cấp phân đội, bậc đại học, với các chuyên ngành: bộ binh (binh chủng hợp thành), bộ binh cơ giới, trinh sát bộ đội, trinh sát đặc nhiệm, hỏa khí đi cùng. Học viên là học sinh tốt nghiệp Phổ thông trung học, có sức khỏe tốt, trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Thời gian đào tạo 5 năm. Khi tốt nghiệp ra trường, sĩ quan đảm nhiệm được chức vụ ban đầu là trung đội trưởng có thể phát triển đến tiểu đoàn trưởng (sau đó phát triển cao hơn phải học lên Học viện Lục quân và Học viện Quốc phòng). Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho một số nước anh em. Cùng với nhiệm vụ đào tạo cơ bản, Nhà trường còn đảm nhiệm đào tạo hoàn thiện đối với những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp mới qua đào tạo ngắn hạn chưa có bằng cử nhân quân sự. Nhà trường còn là trung tâm nghiên cứu khoa học nghệ thuật về các hình thức chiến thuật của lục quân. Đồng thời, Trường còn được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức nhiều lớp tập huấn cán bộ của toàn quân và một số nhiệm vụ khác.
Tổ chức của Nhà trường có:  Ban Giám hiệu; Các cơ quan:  Phòng Huấn luyện (sau đó đổi tên là Phòng Đào tạo), Phòng Chính trị, Phòng Khoa học - công nghệ và môi trường, Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật, Phòng Hành chính (sau đó đổi tên là Văn phòng), Ban Tài chính, Ban Quản lý công trình (sau đó đổi tên là Ban Quản lý dự án trực thuộc Phòng Hậu cần); 12 khoa giáo viên: Khoa Chiến thuật, Khoa Bắn súng, Khoa Trinh sát, Khoa Binh chủng, Khoa Quân sự chung, Khoa Thể thao, Khoa Ngoại ngữ-tiếng Việt, Khoa Khoa học Tự nhiên, Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Khoa Lý luận Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ chí Minh, Khoa quân sự Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa quân sự Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Học viên được tổ chức thành 14 tiểu đoàn, trong đó có 1 tiểu đoàn quản lý học viên quốc tế và một tiểu đoàn quản lý thao trường. Một thời gian sau, khi được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ Trường Sĩ quan Lục quân 1 đào tạo huấn luyện quân sự thời gian đầu cho học viên năm thứ nhất các trường sĩ quan, học viện của quân đội ở phía Bắc, thì số tiểu đoàn quản lý học viên tăng hơn.
Ban Giám hiệu Nhà trường có anh Nguyễn Khắc Viện, Hiệu trưởng; anh Nguyễn Trọng Thắng và anh Nguyễn Tiến Ngùng là Hiệu phó. Anh Nguyễn Khắc Viện và anh Nguyễn Trọng Thắng khi về trường tôi mới gặp. Sau này cùng công tác tôi được biết anh Nguyễn Khắc Viện là người đã trải qua chiến đấu nhiều năm, được đào tạo cơ bản, học vị thạc sĩ khoa học quân sự, có trách nhiệm và có kinh nghiệm trong công tác đào tạo; anh được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1994. Anh Nguyễn Trọng Thắng là cán bộ trưởng thành trong chiến đấu từ chiến sĩ trở lên ở chiến trường Lào và chiến trường Quảng Trị; trước khi về Trường, anh đã làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 rồi Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân đoàn 1. Anh Thắng được đào tạo cơ bản, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học quân sự tại Học viện Quốc phòng năm 1996. Cuối năm 2002, anh Thắng được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Cục phó Cục Nhà trường - Bộ Tổng Tham mưu; hiện nay anh  là Trung tướng, Cục trưởng Cục Nhà trường. Trong công tác và cuộc sống anh Thắng luôn chân thành thẳng thắn. Với anh Nguyễn Tiến Ngùng tôi đã quen biết từ trước. Trước khi được điều động về Trường, anh Ngùng là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô. Anh trưởng thành trong chiến đấu ở chiến trường Quân khu 5. Được phân công phụ trách công tác hậu cần, xây dựng cơ bản, quản lý đất quốc phòng, anh Ngùng luôn trăn trở xông xáo nhiệt tình, quan hệ tốt với các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, đem lại hiệu quả cao. Anh Ngùng được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2004. Đồng trang lứa lại cùng là lớp cán bộ xuất thân từ học sinh nông thôn ra đi chiến đấu và trưởng thành trong lò lửa chiến tranh chống Mỹ, giữa tôi và anh Thắng, anh Ngùng luôn thân thiết nhau trong công việc cũng như trong đời sống sinh hoạt.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #64 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:57:10 pm »

 Trong thời gian tôi công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Ban Giám hiệu có một số thay đổi. Ngày 1 tháng 2 năm 2002, theo sự điều động của Bộ Quốc phòng, anh Nguyễn Hữu Hạ, Tư lệnh Quân đoàn 3 về trường nhậm chức Hiệu trưởng thay anh Nguyễn Khắc Viện nghỉ chờ hưu theo chế độ. Sau đó, Đảng ủy Quân sự Trung ương quyết định chỉ định anh Hạ vào Đảng ủy Nhà trường, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy. Anh Hạ là cán bộ trưởng thành trong chiến đấu từ chiến trường Tây Nguyên trong đánh Mỹ, biên giới phía Bắc và ở Cămpuchia. Trong lãnh đạo chỉ huy giữa tôi và anh Hạ luôn có sự bàn bạc thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp dưới triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ngày 6 tháng 12 năm 2002, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm anh Nguyễn Đình Chức, Đại tá, Chủ nhiệm Khoa Quân sự chung và anh Nguyễn Văn Pha, Thượng tá, Phó Phòng Đào tạo giữ chức Hiệu phó. Anh Chức và anh Pha đều được đào tạo cơ bản, có học vị thạc sĩ khoa học quân sự, có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo giáo dục nhiều năm ở Trường.
Sau khi nghiên cứu tìm hiểu về chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chề, cơ chế hoạt động của Nhà trường, bước đầu nắm tình hình của các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên. Để kịp thời cập nhật những kiến thức về  công tác giáo dục-đào tạo, tôi tìm đọc một số tài liệu, giáo trình của Nhà trường. Xuất phát từ mục tiêu đào tạo của Nhà trường là đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, bậc đại học, do đó, kết cấu chương trình, nội dung, qui trình và phương pháp giáo dục - đào tạo của Trường phải đáp ứng được hai phần: Trước hết, khi tốt nghiệp ra trường sĩ quan có đủ trình độ năng lực, bản lĩnh đảm nhiệm chức vụ ban đầu là trung đội trưởng, có tiềm năng phát triển cao hơn. Hai là, học viên tốt nghiệp ra trường phải có mặt bằng kiến thức trình độ học vấn bậc đại học. Về mặt pháp lý, từ năm 1998, Chính phủ đã quyết định Trường Sĩ quan 1 là một trường đại học nằm trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước. Hai khối kiến thức đó đều giữ vai trò quan trọng và có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nhưng xét theo yêu cầu của đơn vị và khả năng thực tế của học viên khi ra trường, thì đào tạo theo yêu cầu chức vụ là chính.
Chương trình, nội dung giáo dục đào tạo sĩ quan chỉ huy-tham mưu cấp phân đội bao gồm nhiều môn học. Môn học nào cũng quan trọng. Thời gian không cho phép, tôi tập trung đi sâu nghiên cứu giáo trình công tác đảng, công tác chính trị và giáo trình chiến thuật.
Giáo trình công tác đảng, công tác chính trị đối với học viên sĩ quan chỉ huy cấp phân đội có ba phần: Lý luận, nguyên tắc chung về xây dựng đảng; về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Lý luận, thực tiễn các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Công tác đảng, công tácchính trị trong các nhiệm vụ chủ yếu. Trên cơ sở vốn liếng về trình độ năng lực tích lũy qua học tập ở các học viện và thực tế công tác trong nhiều năm, cộng với kiến thức, kinh nghiệm trong thực tiễn chiến đấu ở chiến trường trước đây và lần này nghiên cứu giáo trình công tác đảng, công tác chính trị ở Trường đã giúp tôi hệ thống lại một cách cơ bản, đồng bộ cả về lý luận và thực tiễn công tác đảng, công tác chính trị.
Chiến thuật là bộ phận hợp thành nghệ thuật quân sự, gồm lý luận và thực tiễn về chuẩn bị và thực hành các trận chiến đấu của đơn vị cơ sở. Chiến thuật chịu sự chỉ đạo của chiến lược quân sự và nghệ thuật chiến dịch. Trong chiến tranh, thành công của chiến thuật là cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của chiến dịch và chiến lược, đồng thời có tác động thúc đẩy nghệ thuật chiến dịch và chiến lược phát triển. Có thể nói, chiến thuật là “đặc sản” trong giáo dục đào tạo ở Trường Sĩ quan Lục quân. Trong chiến đấu ở chiến trường trước đây, chúng tôi dù đã trải qua một số loại hình chiến thuật nhưng đó là kết quả từ việc tập huấn ở đơn vị, học hỏi các bậc đàn anh đi trước và trải qua thực tiễn tự rút ra những kinh nghiệm, chứ chưa được học hành một cách cơ bản. Vì vậy, tôi đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu bài giảng về chiến thuật như:  Những yếu tố tác động chính và quá trình hình thành phát triển chiến thuật trong chiến tranh. Các hình thức chiến thuật: Chiến thuật tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc (công kiên), Chiến thuật tập kích, Chiến thuật phục kích, Chiến thuật vận động tiến công; Chiến thuật phòng ngự. Một số hình thức chiến thuật khác: Chiến thuật vây lấn; Chiến thuật tiến công trong hành tiến; Chiến thuật đánh quân địch đổ bộ đường không, Chiến thuật truy kích. Sự hình thành và phát triển của chiến thuật có cội nguồn từ cách đánh giặc giữ nước của tổ tiên ta trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm. Chiến thuật là sự kế thừa những tinh hoa trí tuệ đã được đúc kết bằng xương máu của nhiều thế hệ trong mấy chục năm chiến tranh, có giá trị như những nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo lớn trong thực hành tác chiến. Tài liệu, giáo trình chiến thuật đã giúp tôi nắm khá vững nguyên tắc lý luận của các loại hình chiến thuật. Cùng với nghiên cứu môn chiến thuật, sau đó tôi còn ôn lại việc sử dụng  một số vũ khí trong biên chế.
Ngoài ra, tôi cố gắng nghiên cứu các các môn học khác - dĩ nhiên là không có điều kiện đi sâu vào từng chi tiết - mà là nắm và hiểu được phần rường cột nhất. Nhờ kinh nghiệm và những nội dung nghiên cứu qua giáo trình, tài liệu đã giúp tôi trong việc chỉ đạo công tác giáo dục - đào tạo và kiểm tra huấn luyện, diễn tập, thi tốt nghiệp tại thao trường hay trên giảng đường. Tôi cho rằng, cán bộ chủ trì về chính trị phải nắm vững các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị - đó là yêu cầu bắt buộc; đồng thời, phải nghiên cứu để nắm được công tác chuyên môn, nhất là những lĩnh vực chuyên môn chính yếu có tác động trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Trên cơ sở học tập nghiên cứu, bám sát hoạt động của đơn vị và nắm được những vấn đề mấu chốt thuộc về nguyên lý, bản chất, xu hướng phát triển của công tác chuyên môn, chắc chắn sẽ  giúp cho cán bộ chủ trì về chính trị ( chính ủy, chính trị viên ) có thêm điều kiện đạt được hiệu quả cao trong lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị. 

    Khi tôi về Trường Sĩ quan Lục quân 1, thì Trường đang khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để tiến hành Đại hội Đảng nhiệm kỳ 13 tiến tới Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ VII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Mãi tới khi về đây tôi mới có dịp quen biết đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nhưng với trách nhiệm chung cộng với tình cảm, phong cách của những người cán bộ quân đội, nên giữa chúng tôi từ Ban Giám hiệu Nhà trường đến các cơ quan, khoa giáo viên và các đơn vị quản lý học viên nhanh chóng hòa nhập, đồng thuận, có cùng tiếng nói chung. Tôi đã dành thời gian nghe các đồng chí chỉ huy và bí thư đảng ủy các cơ quan, khoa, tiểu đoàn báo cáo tình hình khá kỹ. Riêng đối với các khoa giáo viên, tôi coi đây cũng là dịp bổ túc thêm kiến thức cho mình trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo của trường.
Thời kỳ đó, Trường Sĩ quan Lục quân 1 có một đội ngũ cán bộ chủ trì tốt ở các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên. Họ đều là những cán bộ được lựa chọn qua nhiều thời kỳ, có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục-đào tạo, có phẩm chất, năng lực tốt, đặc biệt là có bề dày kinh nghiệm nhiều năm ở Nhà trường trên từng cương vị. Ở cơ quan gồm các anh: Trần Minh Quang rồi tiếp đó là Đoàn Minh Sơn làm Trưởng phòng Đào tạo; Nguyễn Văn Soạn, Chủ nhiệm chính trị; Nguyễn Đăng Thanh, Trưởng phòng Khoa học-công nghệ và môi trường; Nguyễn Đắc Hưng, Trưởng phòng Hậu cần, Nguyễn Văn Ngọ rồi tiếp đó là Trịnh Quốc Hòa làm Trưởng phòng Kỹ thuật; Nguyến Văn Bình rồi tiếp đến Lê Văn Cải làm Trưởng ban Tài chính. Ở khoa giáo viên gồm các anh: Đỗ Hùng Vĩ, Chủ nhiệm Khoa Chiến thuật; Trần Hùng Phức rồi tiếp đó là Phạm Hồng Sơn làm Chủ nhiệm Khoa Bắn súng; Trần Kim Chung, Chủ nhiệm Khoa Binh chủng; Trần Văn Thuyết, Chủ nhiệm Khoa Trinh sát; Hà Văn Dũng, Chủ nhiệm Khoa Quân sự chung; Bùi Việt Dũng rồi tiếp đó là Mai Văn Nhuần làm Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị; Lê Văn Nhuần rồi tiếp đó là Hồ Trọng Thụ làm Chủ nhiệm Khoa lý luận Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Vũ Đình Lưu rồi tiếp đó là Nguyễn Cảnh Ứng làm Chủ nhiệm Khoa Khoa học tự nhiên; Lê Văn Trao rồi tiếp đó là Đặng Thai Trân làm Chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ- tiếng Việt; Lê Văn Thắng làm Chủ nhiệm Khoa Thể thao.
Đội ngũ giáo viên của Trường được hình thành nhiều lớp lứa. Đó là những người miệng nói tay làm, luôn mô phạm đối với học viên. Trong điều kiện khó khăn, nhất là những giáo viên các bộ môn, các khoa quân sự, giữa thao trường nắng chói chang hay những đêm hành quân vượt sông, leo núi, xuyên rừng trong các cuộc diễn tập tổng hợp, luôn đem hết nhiệt tình trách nhiệm đối với nhiệm vụ. Đông đảo cán bộ lãnh đạo chỉ huy các hệ, các tiểu đoàn quản lý học viên cũng đều vậy. Với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của một nhà trường chính qui, mẫu mực, mọi cán bộ, giáo viên luôn luôn có tính tổ chức, tính kỷ luật nghiêm minh. Đó là “đặc sản”, là một trong những truyền thống của Nhà trường. Có lẽ xuất phát từ sự rèn luyện chính qui chặt chẽ nghiêm minh mà trong bao năm nhiều người đã gọi trệch đi bằng một tên dân dã đáng quí là “Trường Luộc quân”.

Để tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ 13, lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường đã chủ trương phát động phong trào thi đua quyết thắng lập thành tích chào mừng Đại hội. Mục tiêu thi đua là tập trung xây dựng ý chí quyết tâm chuẩn bị mọi mặt cho năm học mới, nâng cao một bước nền nếp xây dựng chính qui, chấp hành kỷ luật, thực hiện có hiệu quả cuộc vân động theo chỉ thị 50 của Bộ Quốc phòng, bảo đảm vật chất tinh thần cho bộ đội. Nhà trường đang tập trung chỉ đạo diễn tập chiến thuật tổng hợp Khóa 64 diễn ra vào cuối tháng 11 năm 2000. Các hoạt động thực hiện chỉ thị của trên về xây dựng “Quĩ đền ơn đáp nghĩa”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”…thu được nhiều kết quả tốt. Cuộc hội thao quân sự cuối năm về thi đấu bóng đá, cầu lông, bóng bàn, vượt vật cản, chạy vũ trang; các cuộc thi hát đồng ca, đơn ca, các ca khúc truyền thống theo băng hình…diễn ra sôi nổi, hào hứng, thu hút mọi người tham gia. Một không khí phấn khởi, tin tưởng hướng về Đại hội diễn ra ở các cơ quan, đơn vị.
Sau một thời gian chuẩn bị công phu, tích cực, Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 lần thứ 13 được tiến hành từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 11 năm 2000. Tham dự Đại hội có 150 đại biểu được bầu chọn qua Đại hội các cấp từ cơ sở đại diện cho 1.958 đảng viên của 30 tổ chức đảng trực thuộc. Theo thủ tục nguyên tắc, tôi được Đảng ủy Quân sự Trung ương giới thiệu về dự Đại hội Đảng bộ Nhà trường và được đề cử để bầu cử Ban chấp hành khóa mới. Anh Bạch Quang Triệu, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng về chính trị tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.
Được sự ủy nhiệm của Đảng ủy Quân sự Trung ương, anh Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các đồng chí phái viên của Đảng ủy Quân sự Trung ương về dự và chỉ đạo Đại hội.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #65 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:57:42 pm »

 Đây là lần đầu tiên tôi xuất hiện trước đông đủ cán bộ, giáo viên chủ chốt của Nhà trường. Phần đông trong số đại biểu dự Đại hội Đảng bộ, tôi mới gặp lần đầu. Qua tiếp xúc với những gương mặt rắn rỏi, trẻ trung, chất phác, cương nghị, tạo nên trong tôi một ấn tượng chân thành, gần gũi. Bước đầu tôi cảm thấy thân thiện và tự tin trong môi trường công tác mới.
Được dự Đại hội Đảng khi mới về Trường, đối với tôi là một điều may mắn,  thuận lợi. Bởi đây là dịp tốt nhất để tôi nắm được tình hình đã qua, hiện nay và xu thế phát triển của Trường trong thời gian tới. Vì vậy, tôi tập trung chăm chú theo dõi mọi chương trình nội dung của Đại hội, từ Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, toàn diện của Đảng ủy đến các ý kiến phát biểu tham luận sôi nổi, nghiêm túc trong Đại hội.
Với tinh thần dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và ý chí trách nhiệm cao, Đại hội đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội IX của Đảng; vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng ủy Quân sự Trung ương trình Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ VII; vào Báo cáo chính trị của Đảng ủy Nhà trường nhiệm kỳ 12 trình Đại hội..
Các ý kiến phát biểu tại Đại hội đều thẳng thắn, khách quan, trung thực trong đánh giá kết quả lãnh đạo nhiệm vụ đào tạo cán bộ, xây dựng Nhà trường trong nhiệm kỳ qua. Tựu trung là: Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã nhận thức và quán triệt sâu sắc đặc điểm tình hình nhiệm vụ, đề ra Nghị quyết lãnh đạo đúng; xác định được bước đi phù hợp, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, vào khâu yếu, mặt yếu, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm; phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng, nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, toàn trường đã hoàn thành  nhiệm vụ chính trị trung tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ đột xuất. Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn diện về bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kinh nghiệm tổ chức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng nhà trường chính qui mẫu mực; bảo đảm tốt đời sống; giữ vững sự ổn định về chính trị, tư tưởng trong toàn trường; đoàn kết quân dân tốt. tạo được cơ sở, tiền đề vững chắc để thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.  Trong công tác xây dựng Đảng đã tạo được chuyển biến rõ rệt về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên, giữ vững vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, xây dựng đơn vị.
 Với tinh thần phê bình và tự phê bình, Đại hội đã chỉ ra những khuyết, nhược điểm về công tác giáo dục chính trị, quản lý kỷ luật, tổ chức thực hiện phương châm đào tạo, hoạt động phương pháp, nghiên cứu khoa học, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, quản lý rèn luyện và sử dụng đội ngũ cán bộ đảng viên. Đại hội đã thống nhất đánh giá về nguyên nhân ưu, khuyết điểm, cùng với các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ và công tác xây dựng Đảng.
Đại hội nhận định, trong những năm tới, sự nghiệp giáo dục đào tạo của Nhả trường tiếp tục thực hiện trong điều kiện tình hình đất nước có nhiều thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn. Quân đội ta cùng với quá trình đổi mới tiến lên của đất nước, có những điều kiện thuận lợi  hơn để xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, từng bước hiện đại, trước mắt là tập trung đào tạo cán bộ và huấn luyện bộ đội. Hệ thống nhà trường quân đội tiếp tục được điều chỉnh theo hướng gọn, hợp lý, chất lượng cao. Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã và đang được đào tạo và đào tạo lại. Trường sở đã và đang được xây dựng khang trang, thao trường, bãi tập đang được đầu tư,…Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên so với yêu cầu còn phải tiếp tục phấn đấu. Tỷ lệ giáo viên có trình độ sau đại học còn ít. Trong 5 năm tới, nhiệm vụ Nhà trường có bước phát triển, đối tượng đào tạo đa dạng, nhiều chuyên ngành, nhiều chương trình nội dung khác nhau. Những đặc điểm đó phản ánh cả thuận lợi và khó khăn trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Đảng bộ.
Đại hội đã thảo luận sôi nổi đi đến thống nhất cao phương hướng nhiệm vụ và mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ tới là: Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm giáo dục đào tạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8, Nghị quyết 93, 94 của Đảng ủy Quân sự Trung ương và các quan điểm tư tưởng quân sự của Đảng vào quá trình giáo dục đào tạo. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, xây dựng Nhà trường chính qui, góp phần thực hiện mục tiêu đại học hóa trình độ học vấn đối với đội ngũ sĩ quan quân đội. Tăng cường sự lãnh đạo vững chắc của cấp ủy và tổ chức đảng, phát huy vai trò trách nhiệm của người chỉ huy. Động viên tinh thần sức mạnh đoàn kết, tính năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ cán bộ, đảng viên và quần chúng hướng vào thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ phân đội mạnh của quân đội.
Thường xuyên giữ vững sự ổn định về chính trị, tư tưởng; tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng dạy học, quản lý rèn luyện kỷ luật. Đảm bảo sĩ quan tốt nghiệp ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ đại học, có năng lực hoàn thành chức vụ ban đầu và có tiềm năng phát triển lâu dài; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tập trung nâng cao trình độ sau đại học, đặc biệt là học vị tiến sĩ cho giáo viên đầu ngành để cuối nhiệm kỳ có đủ điều kiện đào tạo sau đại học. Kết hợp chặt chẽ việc việc hoàn thành tốt nhiệm vu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với xây dựng Nhà trường chính qui vững mạnh toàn diện”
Các đại biểu đều thống nhất về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể : Hoàn thành chương trình, nội dung, qui trình huấn luyện giáo dục, tổ chức phương pháp dạy học đại học; Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đủ về số lượng, có chất lượng tốt; Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo với nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kết quả vào thực tiễn; Xây dựng Nhà trường chính qui, môi trường văn hóa lành mạnh; Thường xuyên bảo đảm ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội; Hoàn thành phê duyệt chương trình xây dựng cơ bản giai đoạn 2 và các hạng mục công trình khác với chất lượng, hiệu quả cao.
Để thực hiện có hiệu quả phương hướng nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, Đại hội đã xác định một số giải pháp chính:
Phấn đấu nâng cao chất lượng chính trị của toàn trường lên một bước mới. Thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình nhiệm vụ; đổi mới nội dung , hình thức, phương pháp công tác tư tưởng; thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng.
Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ. Quán triệt sâu sắc quan điểm giáo dục của Đảng. Nắm vững ý nghĩa của chủ trương đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ với trình độ học vấn bậc đại học, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực thực hành cho người học. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động phương pháp hướng vào việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Nhà trường chính qui, vững mạnh toàn diện; coi trọng xây dựng môi trường văn hóa, môi trường giáo dục lành mạnh, phong phú. Đảm bảo sự ổn định thường xuyên về đời sống của bộ đội.
Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Nhà trường trong nhiệm kỳ mới: Toàn Đảng bộ tiếp tục thực hiện Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng với quyết tâm và nỗ lực cao hơn, tạo sự chuyển biến cơ bản trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo và xây dựng Nhà trường trong giai đoạn mới.
Đại hội đã tiến hành bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ 13 ( 2001- 2005) và đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ VII.
Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 13 người:  Nguyễn Mạnh Đẩu, Đỗ Hùng Vĩ, Nguyễn Đăng Thanh, Nguyễn Trọng Thắng, Nguyễn Đắc Hưng, Doãn Văn Hãn, Nguyễn Hưng Tân, Vũ Minh Tiến, Nguyễn Văn Soạn, Lê Văn Nhuần, Nguyễn Khắc Viện, Bùi Việt Dũng, Nguyễn Văn Pha.
Trong phiên họp đầu, Đảng ủy đã bầu Thường vụ Đảng ủy gồm 4 người: Nguyễn Mạnh Đẩu, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Trọng Thắng, Nguyễn Văn Soạn. Tôi vinh dự được bầu làm Bí thư Đảng ủy Nhà trường.
Toàn thể Ban Chấp hành Đảng bộ đã ra mắt Đại hội. Thay mặt Ban Chấp hành, tôi phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn đại biểu Đại hội đã tin tưởng bầu chúng tôi vào Ban Chấp hành. Chúng tôi xác định đây là một vinh dự lớn đồng thời là trách nhiệm nặng nề mà 150 đại biểu đại diện cho 1.958 đảng viên đã ký thác giao phó cho chúng tôi. Chúng tôi hứa quyết tâm phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo Nhà trường hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới. Mong Đại hội cũng như toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ ra sức phấn đấu cùng Ban chấp hành biến Nghị quyết của Đại hội thành hiện thực.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1 lần thứ 13 đã diễn ra và kết thúc thắng lợi vào thời điểm rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển, đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo của Nhà trường tiến lên trong thời kỳ mới.
Sau một thời gian nghiên cứu nắm tình hình của Trường và các cơ quan, khoa, đơn vị quản lý học viên, tôi bắt tay vào công việc. Căn cứ vào tinh hình nhiệm vụ của Nhà trường; trên cơ sở chức trách nhiệm vụ;  tôi xác định mục tiêu phấn đấu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mục tiêu bao trùm xuyên suốt của tôi lúc này là:  Cùng tập thể Đảng ủy- Ban Giám hiệu xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Nhà trường vững mạnh toàn diện đủ sức hoàn thành nhiệm vụ giáo dục-đào tạo và các nhiệm vụ khác mà Bộ Quốc phòng giao cho. Để thực hiện được mục tiêu đó, khâu đầu tiên là xây dựng bầu không khí đoàn kết dân chủ từ Thường vụ Đảng ủy- Ban Giám hiệu đến tất cả cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên. Coi đoàn kết dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực, là môi trường tạo nên sức mạnh của sự phát triển. Đoàn kết còn là thước đo năng lực của cán bộ chính trị các cấp. Trên cơ sở có sự đoàn kết thực sự vững chắc, phát huy dân chủ, xây dựng tính tổ chức kỷ luật nghiêm minh tự giác, tiến hành kiện toàn tổ chức, hoàn chỉnh qui chế hoạt động, đổi mới phong cách, phương pháp công tác nhằm tạo ra sự vận hành đồng bộ, nhịp nhàng, có hiệu quả. Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong việc làm tham mưu cho Đảng ủy-Ban Giám hiệu và chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị cơ sở trong trường. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp, có phẩm chất, năng lực và phong cách công tác tốt, thực sự là nòng cốt giữ vai trò quyết định trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách là thước đo phẩm chất, năng lực của mọi cán bộ, giáo viên.

Trên cương vị là người chủ trì Công tác đảng, Công tác chính trị, sau Đại hội tôi đã cùng các anh trong Thường vụ Đảng ủy, Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường kịp thời triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ 13 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn trường. Biến những chủ trương, giải pháp lãnh đạo của Đảng thành niềm tin, ý chí quyết tâm, hành động cách mạng của mọi người. Gắn việc học tập Nghị quyết vào việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mọi cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, tạo được sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Trường. Các cơ quan: Phòng Đào tạo, Phòng Chính trị, Phòng Khoa học - công nghệ, Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật đã phối hợp giúp Thường vụ Đảng ủy -Ban Giám hiệu xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Nhà trường. Thường vụ Đảng ủy đã chỉ đạo việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên. Chương trình hành động của các cấp đều phản ảnh quán triệt sâu sắc Nghị quyết, dựa chắc vào tình hình nhiệm vụ của đơn vị, xác định mục tiêu cụ thể,  nội dung giải pháp có tính khả thi cao.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế-xã hội của đất nước cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, thế và lực của đất nước ngày càng phát triển, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, đất nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn: Kinh tế phát triển chưa cao và chưa bền vững; những diễn biến bất thường về thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết. Chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ và các thế lực thù địch tiếp tục chiến lược “ Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá cách mạng nước ta, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa; thúc đẩy tự diễn biến để chuyển hóa ta, ra sức lợi dụng các vấn đề “tôn giáo”, “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động, chống đối  Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Trường Sĩ quan Lục quân 1 có bước phát triển trong nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội bậc đại học với số lượng cao hơn, trên các chuyên ngành:  bộ binh, bộ binh cơ giới, trinh sát bộ đội, trinh sát đặc nhiệm, hỏa khí đi cùng; đào tạo hoàn thiện đại học, hoàn thiện phân đội, sĩ quan dự bị, dự bị đại học, sĩ quan Quân đội nhân dân Lào. Đặc biệt là, từ năm học 2001-2002, Nhà trường được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo dự bị sĩ quan cho các Học viện, Trường Sĩ quan khu vực phía Bắc với số lượng lớn, thời gian chuẩn bị gấp, cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ thiếu, giảng đường, thao trường, bãi tập, cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm dạy-học và đời sống có nhiều khó khăn.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #66 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:58:12 pm »

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng, sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan cấp trên, Đảng ủy- Ban Giám hiệu Nhà trường đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết của trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ 13, lãnh đạo toàn Trường nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, chủ động , sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Nổi lên một số kết quả chính là:
Đã lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn trường phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo cán bộ. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng quân sự, nguyên lý giáo dục của Đảng, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo cho các đối tượng theo phương châm:” Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” vừa bảo đảm học vấn bậc đại học, vừa nâng cao năng lực thực hành cho học viên. Thực hiện theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, sát với từng đối tượng học viên, phù hợp với truyền thống và yêu cầu tác chiến trong tình hình mới. Coi trọng day - học thực hành, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm chiến đấu; kết hợp giữa lý thuyết với thực hành; giữa trang bị kiến thức kinh nghiệm với bồi dưỡng rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, động tác thực hành. Làm cho người học có kiến thức, năng lực tổ chức chỉ huy, huấn luyện quản lý bộ đội; đồng thời biết tiến hành công tác đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ của người sĩ quan chỉ huy cấp phân đội. Đã kịp thời điều chỉnh chương trình kế hoạch huấn luyện khi nhận nhiệm vụ đào tạo dự bị sĩ quan. Các tiểu đoàn quản lý học viên năm thứ nhất đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch và điều hành huấn luyện. Công tác quản lý, điều hành, tổ chức dạy-học đi vào nền nếp chính qui, có chất lượng tốt. Nghiên cứu đổi mới hình thức thi các môn học và thi tốt nghiệp. Vì vậy, chất lượng học viên tốt nghiệp được nâng lên, nhất là khả năng thực hành. Công tác kiểm tra huấn luyện được duy trì thường xuyên, có nền nếp, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào những khâu yếu, mặt yếu, nội dung mới, nên đã kịp thời rút kinh nghiệm, phát hiện chấn chỉnh những sai sót, khuyết điểm trong quá trình dạy - học. Tuyệt đại đa số cán bộ, giáo viên, học viên chấp hành nghiêm qui chế huấn luyện. Việc chấp hành kỷ luật trong thi, kiểm tra có nhiều chuyển biến tiến bộ.
 Các cuộc diễn tập tổng hợp từ Khóa 64 đến Khóa 68 được các cơ quan, khoa, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị, điều hành chặt chẽ, thống nhất, đúng phương án, kế hoạch. Cán bộ, giáo viên, học viên tham gia diễn tập đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật nghiêm, đạt được mục đích yêu cầu đề ra, đặc biệt là bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Tôi nhớ lần diễn tập tổng hợp cuối khóa của Khóa 66, tiến hành vào cuối  tháng 11 năm 2003. Sau một vòng hành quân hơn mười ngày, vượt sông, leo núi, xuyên rừng với chặng đường khoảng hơn 200 km, tình huống cuối cùng là tổ chức một trận chiến đấu có hợp đồng binh chủng: Một đại đội bộ binh có xe tăng, pháo binh yểm trợ, tấn công tiêu diệt quân địch phòng ngự trong công sự vững chắc, có ba lớp rào kẽm gai ở Cao điểm 61A, 61B- Đồng Doi. Dự kiến là 5 giờ sáng nổ súng. Lúc 4 giờ 45 phút, Thủ tưởng Nhà trường và các phòng, khoa trong Ban Chỉ đạo diễn tập đã ngồi vào đài quan sát để theo dõi kiểm tra. Lúc này các đơn vị đã vào vị trí xuất phát xung phong;  mấy giá mìn đinh hướng đã đặt ở trước hàng rào để phá cửa mở, mỗi giá cài đặt từ 3 đến 5 quả mìn định hướng loại lớn (ĐH35)  chuẩn bị bấm điện để xe tăng và bộ binh vượt qua;  cối 82 ly, ĐKZ 75 ly đã lấy xong phân tử xạ kích, chuẩn bị bắn.  Để cuộc diễn tập sát với thực tế chiến đấu, hơn nữa để bảo đảm an toàn tuyệt đối, tôi đề nghị anh Hạ cho kiểm tra lại toàn bộ trước khi bắt đầu nổ súng. Tôi vào tận hàng rào xem lại các giá mìn định hướng; đồng thời kiểm tra lại các lực lượng tham gia diễn tập. Sau một vòng kiểm tra, tôi phát hiện một số điểm không đúng với yêu cầu chiến thuật và không sát với thực tế chiến đấu: Một là, bộ binh vào triển khai công sự ở vị trí xuất phát tiến công cách vị trí tiền tiêu của địch quá gần. Điều này không cho phép vì đưa bộ đội vào quá gần địch khi chưa nổ súng thì rất dễ bị lộ và  khi pháo binh cấp trên cùng hỏa lực của đơn vị bắn chuẩn bị thì độ tản mát của đạn sẽ rơi vào đội hình ta, gây thương vong khi chưa chiến đấu. Hai là, việc bố trí cối 82 ly và ĐKZ 75 ly quá sát nhau, trái với yêu cầu chiến thuật là: hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung. Sau khi nghe tôi trình bày, anh Hạ thống nhất và lệnh cho bộ binh lùi ra cách trận địa địch khoảng 200m; trận địa cối 82 ly và ĐKZ 75 ly phải bố trí lại. Một giờ sau, khi điều chỉnh xong đội hình, cuộc diễn tập bắt đầu nổ súng.   
Quá trình dạy - học, các đơn vị thực hiện nghiêm qui trình đào tạo nên các nội dung huấn luyện quân sự, diễn tập, thực tập, giáo dục khoa học xã hội nhân văn, giáo dục công tác đảng, công tác chính trị đều có chuyển biến tốt. Trong điều kiện quân số đông, yêu cầu về giảng đường, thao trường, vật chất kỹ thuật lớn, nhưng Nhà trường đã tích cực chủ động khắc phục khó khăn, đề ra giải pháp hợp lý, tranh thủ sự giúp đỡ của trên và khai thác các nguồn lực tại chỗ, đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu vật chất kỹ thuật cho nhiệm vụ dạy-học.
Hội thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức chặt chẽ từ cơ sở đến cấp Nhả trường, góp phần thúc đẩy tinh thần tự học, vươn lên của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Qua hội thi lựa chọn được các đồng chí tiêu biểu tham gia đội tuyển của Nhà trường dự thi toàn quân. Tập huấn hè hàng năm cho cán bộ, giáo viên được tổ chức chặt chẽ với chương trình, nội dung phù hợp, thiết thực. Do đó, năng lực quản lý, chỉ huy của cán bộ và năng lực sư phạm của giáo viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu giáo dục- đào tạo, xây dựng Nhà trường chính qui.
Nhờ chỉ đạo chặt chẽ, quan tâm dúng mức, động viên kịp thời, Đoàn vận động viên Nhà trường xếp thứ ba trong Đại hội TDTT Quốc phòng lần thứ V, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tham gia Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đạt giải nhất toàn quân, giải khuyến khích toàn quốc. Thi báo cáo viên tư tưởng Hồ Chí Minh đạt giải ba toàn quân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghiêm khắc kiểm điểm một cách khách quan, trung thực thì quá trình giáo dục đào tạo của Nhà trường trong thời kỳ này cũng bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục: Việc vi phạm qui chế thi, kiểm tra chưa được khắc phục triệt để - Trách nhiệm này thuộc về cả ba bên : giáo viên, học viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trong giảng dạy, tính chiến đấu, tính phê phán, sức thuyết phục của một số giáo viên còn hạn chế. Nhiều giáo viên chưa nhuần nhuyễn trong việc gắn lý luận với thực tiễn. Phương pháp giảng dạy còn nặng về thông báo một chiều, thầy đọc trò ghi là chính. Ít nêu vấn đề gợi mở theo phương pháp dạy học tích cực. Việc cập nhật thông tin liên quan đến công tác giảng dạy còn một số vấn đề chưa nhanh, nhạy dẫn đến tính thời sự, sức sống, sự hấp dẫn của bài giảng còn hạn chế. Bố trí lịch giáo dục của cơ quan, khoa có lúc chưa logic, chưa phù hợp tính kế thừa và qui luật nhận thức.

Từ ngày 3 đến ngày 19 tháng 7 nam 2001, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Đoàn đại biểu Trường Sĩ quan Lục quân 1 đi thăm Trung Quốc. Đoàn do tôi dẫn đầu cùng các anh: Nguyễn Trọng Thắng, Hiệu phó; Trần Minh Quang, Trưởng phòng Đào tạo; Nguyễn Đăng Thanh, Trưởng phòng Khoa học-công nghệ; Đỗ Hùng Vĩ, Chủ nhiệm Khoa chiến thuật. Tham gia Đoàn còn có anh Dương Văn Hào, cán bộ cơ quan Tổng cục Chính trị, giữ vai trò phiên dịch. Đoàn đã đến thăm và làm việc với Bộ Quân huấn- Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng nhân dân Trung quốc, Quân khu Nam Ninh, Sư đoàn Thiết giáp số 6, Học viện Lục quân Quế Lâm. Đoàn đã đến thăm những danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quế Lâm. Thay mặt nhà trường, Đoàn đã tiến hành trao đổi kinh nghiệm về công tác giáo dục-đào tạo; đồng thời cám ơn Đảng, quân đội và nhân dân Trung Quốc đã tận tình giúp đỡ nhà trường trong những năm nhà trường đóng tại  Côn Minh, Quế Lâm- Trung Quốc. Những nơi Đoàn chúng tôi đến thăm đều được bạn nồng nhiệt đón tiếp.
Với tôi đây là lần thứ hai đi thăm Trung Quốc. Lần thứ nhất là khi còn làm Cục trưởng Cục Chính sách tôi được tham gia Đoàn đại biểu của Tổng cục Chính trị sang thăm và làm việc với Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 6 năm 1997. Đoàn do Trung tướng Lê Hai, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu. Thành phần Đoàn đại biểu còn có các anh: Nguyễn Văn Phiệt, Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân; Lê Thành Tâm, Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 7; Phạm Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Tư tưởng Văn hóa (sau này là Trung tướng, Phó chủ nhiệm TCCT); Nguyễn Xuân Long, Phó Văn phòng TCCT, Nguyễn Xuân Mai, cán bộ Văn phòng TCCT. Ngày 11 tháng 6 năm 1997, Đoàn đại biểu Tổng cục Chính trị ta đã hội đàm với Đoàn đại biểu Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung quốc do Trung  tướng Đường Thiên Tiêu, Phó Chủ nhiệm làm Trưởng đoàn. Sau đó, Thượng tướng Vu Vĩnh Ba, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm TCCT Trung Quốc tiếp kiến và chiêu đãi Đoàn tại Điếu Ngư Đài; Thượng tướng Trương Vạn Niên, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương tiếp kiến Đoàn tại Đại Lễ đường nhân dân Trung Quốc. Hồi đó, Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và có bốn Phó Chủ tịch là : Trương Chấn, Lưu Hoa Thanh, Thượng tướng Trì Hạo Điền, Thượng tướng Trương Vạn Niên. Sau cách mạng văn hóa, khi thực hiện lại chế độ quân hàm, trong Quân đội Trung Quốc bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng. Thượng tướng Trương Vạn Niên kể với Đoàn chúng tôi rằng, ông đã sang Việt Nam, vào tận tuyến lửa, trong thời kỳ Việt Nam chống Mỹ. Trong thời gian thăm Trung Quốc, chúng tôi đã tham quan Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, Vạn lý trường thành, Thượng Hải, Chiết Giang, Hàng Châu, Quảng Châu. Tại Quảng Châu, ngày 16 tháng 6 năm 1997, Đoàn chúng tôi đã đến tham quan khu nhà lưu niệm Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở số nhà 248 và 250 đường Văn Minh, nơi Bác Hồ đã mở lớp đào tạo cán bộ từ năm 1925; đến viếng mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái ở Công viên Hoàng Hoa Cương.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam-Ngày Hội quốc phòng toàn dân; thể theo nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên và chiến sĩ toàn trường, ngày 19-12-2002, Đoàn cán bộ nhà trường do anh Nguyễn Hữu Hạ và tôi dẫn đầu về Thủ đô Hà Nội thăm và chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong không khí vui mừng, xúc động và đầm ấm, thay mặt Đảng ủy- Ban Giám hiệu Nhà trường, tôi đã phát biểu bày tỏ sự vui mừng phấn khởi của cán bộ nhà trường được đến thăm, chúc mừng Đại tướng;  đồng thời báo cáo tóm tắt với Đại tướng về thành tích của Trường trong những năm qua; bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của Trường Sĩ quan Lục quân 1; kính chúc Đại tướng luôn mạnh khỏe, sống lâu, tiếp tục đóng góp trí tuệ cho đất nước, cho quân đội. Kết thúc phần báo cáo, thay mặt Nhà trường, tôi đã kính tặng Đại tướng bức ảnh Bác Hồ trao lá cờ thêu sáu chữ vàng cho học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng Khóa 1- tháng 5 năm 1946 và lẵng hoa tươi thắm. Đại tướng đã dành thời gian nói chuyện thân mật với đoàn cán bộ nhà trường. Đại tướng vui mừng, phấn khởi về thành tich đạt được và sự trưởng thành mọi mặt của nhà trường; Mong  nhà trường tiếp tục phấn đấu giữ vững và phát huy thống anh hùng trong giai đoạn mới. Tiếp đó, sau khi nhận định, phân tích tinh hình thế giới, khu vực và trong nước, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng đã ân cần căn dăn: “ Trường sĩ quan Lục quân 1 là nhà trường đầu tiên của quân đội ta. Trong tình hình hiện nay, công tác giáo dục-đào tạo cán bộ càng phải chú trọng và nâng cao, đặc biệt là giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng lập trường cách mạng lên hàng đầu, để học viên tốt nghiệp ra trường đủ sức lãnh đạo,chỉ huy đơn vị cơ sở và sẵn sàng chiến đấu cao. Trong huấn luyện, nhà trường phải coi trọng huấn luyện sát thực tế chiens đấu và xây dựng đợn vị, nhất là huấn luyện phai tiếp cận với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới. Sĩ quan ra trường phải biết sử dụng vi tính, có kiến thức khoa học công nghệ, khoa học quân sự, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Chúng tôi vô cùng cảm kích về những lời dạy bảo ân tình của Đại tướng. Tôi may mắn vinh dự một số lần được tiếp kiến Đại tướng, bao giờ cũng để lại trong lòng tôi những ấn tượng sâu sắc, không thể nào quên.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #67 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:58:54 pm »

 Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ, từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 3 năm 2004, Nhà trường tổ chức một Đoàn cán bộ, giáo viên do tôi dẫn đầu lên thăm Điên Biên Phủ để được tận mắt nhìn và nghe trình bày về các trận chiến đấu cũng như toàn chiến dịch. Đây là lần thứ hai tôi lên Điên Biên Phủ. Lần thứ nhất vào cuối tháng 4 năm 1994, tôi đi cùng Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lên Điên Biên với nhiệm vụ kiểm tra các công việc chuẩn bị phục vụ Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ phần quân đội phụ trách như tham gia tu sửa Nghĩa trang liệt sỹ, Tượng đài, Bia kỷ niệm, Bảo tàng Điện Biên Phủ. Và ngày đó, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho một trung đoàn công binh làm đường và tu sửa lại Chỉ huy Sở Mường Phăng, cách Trung tâm Điện Biên Phủ 38 km. Tôi được biết, trước đó, có lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý kiến: Chỉ huy Sở Mường Thanh của tướng Đờ Cát bại trận đã được phục chế một cách kiên cố. Còn Chỉ huy Sở ở Mường Phăng của bên thắng trận đang bị lãng quên, nếu để lâu sẽ trở thành phế tích. Vì vậy, phải làm lại để tương xứng với tầm vóc của chiến thắng, của lịch sử.
Lần này, Đoàn cán bộ chúng tôi xuất phát ở Trường từ 5 giờ sáng ngày 25 tháng 4 theo đường Sơn Tây qua Sơn La lên Điên Biên Phủ. Tối hôm đó cả Đoàn ngủ ở doanh trại của Tiểu đoàn 1 thuộc Tỉnh đội Điên Biên. Đêm đến tôi bồi hồi xúc động khi được trở lại mảnh đất lịch sử mà chẵn 50 năm trước đây cha tôi đã cùng đồng đội - những người chiến binh bình dị - đã vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh để làm nên chiến thắng huy hoàng. Chiến thắng này là một cột mốc sáng ngời trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và tỏa sáng đến muôn đời sau.  Chiến thắng Điên Biên Phủ còn được bạn bè thế giới khâm phục, để rồi từ đó tạo nên một cụm từ mới trong quan hệ quốc tế: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ. Trong niềm cảm xúc dâng trào, tôi đã viết liền một mạch bài thơ CON VỀ ĐIÊN BIÊN. Chờ đến lúc trời rạng sáng, tôi sang phòng bên đọc cho anh Bạch Quang Triệu và anh Nguyễn Đình Chức cùng nghe. Sau đó, lúc 8 giờ sáng khi Đoàn vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ  Đồi A1, tôi đã xúc động đọc bài thơ này trước hàng quân.

       CON VỀ ĐIỆN BIÊN

                  (Kính tặng Cha và các đồng đội)



Con về Điện Biên tròn phần hai thế kỷ
Từ thuở Cha đánh Pháp trận cuối cùng
Ôi! Điện Biên chiến thắng lẫy lừng
Tỏa sáng ngàn năm bất hủ
Những chiến binh băng mình trong máu lửa
Đã tạc vào lịch sử đóa hoa cương
Con đã vào Chỉ huy Sở Mường Phăng
Nơi Đại tướng cùng Bộ Tham mưu chiến dịch
Ôi! Trí tuệ tuyệt vời, quyết tâm bằng thép
Vạch trúng con đường xuyên thẳng tới trung tâm.
Con đã vào A1, Hồng Cúm, Him Lam
Những chiến tích vô cùng oanh liệt
Giành giật đêm ngày máu thấm từng thước đất
Có chiến công nào chẳng đổi những hy sinh!
Con vào đây từ dốc ấy,  Pha Đin
Nhớ thuở ông cha bàn chân trần khứa máu
Từ muôn ngả non sông về đây hội tụ
Vực thẳm đèo cao in dấu những đoàn quân.
Chúng tôi về đây xin dâng nén hương thơm
Kính cẩn tâm linh những hàng bia thẳng lối
Di tích trầm hùng chất chứa điều nhắn gửi
Hãy từ Điện Biên luôn vươn tới tương lai ./.


Tối ngày 25 tháng 3 năm 2004, từ Điện Biên tôi đã đọc bài thơ qua điện thoại di động cho người bạn thân thiết ở Hà Nội. Bạn tôi đã chuyển đến Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân đăng nhân kỷ niệm Ngày Thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – 26/ 3 /2004. Tôi mừng lắm vì đây là một kỷ niệm đẹp.
Từ sau Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ 13, nhất là từ khi Đảng ủy Nhà trường có Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường, lãnh đạo chỉ huy Nhà trường, Phòng Khoa học - công nghệ và các đơn vị đã có sự nhận thức sâu sắc hơn về vị trí của công tác nghiên cứu khoa học; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu, tạo bước chuyển biến về chất lượng và hiệu quả. Tập trung nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung, qui trình, phương pháp huấn luyện cấp phân đội sát với thực tế chiến đấu và đối tượng tác chiến. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp diễn tập chiến thuật, thi tốt nghiệp quốc gia; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả dạy- học, bảo đảm khách quan chính xác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo. Ban Giám hiệu và Phòng Khoa học - công nghệ đã chỉ đạo, hướng dẫn các khoa đẩy mạnh các hoạt động phương pháp. Thông qua đó, trình độ kiến thức, năng lực sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ giảng viên được nâng lên. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến đồ dùng dạy học, hoạt động thông tin tư liệu,…đi vào nền nếp, bước đầu động viên được đông đảo đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên tham gia. Tập trung sự chỉ đạo việc biên soạn giáo trình các môn học; đã hoàn thành việc biên soạn, biên tập nhiều giáo trình, tài liệu; hoàn thành nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Trường. Các đề tai, tài liệu, giáo trình đều thiết thực phục vụ nhiệm vụ dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo.
Tuy nhiên, ở một số khoa giáo viên việc đầu tư thời gian, trí tuệ cho công tác khoa học và hoạt động phương pháp, chưa thật ngang tầm là một trung tâm giáo dục đào tạo sĩ quan  bậc đại học. Việc bồi dưỡng của khoa, của bộ môn và của từng giáo viên để nâng cao trình độ chuyên ngành và phương pháp sư phạm chưa được đề cao.
Theo chức trách, tôi trực tiếp phụ trách Khoa Lý luận chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ chí Minh và Khoa Công tác đảng, công tác chính trị. Tôi đã có sự gắn bó mật thiết với các anh chỉ huy cũng như giáo viên hai khoa đó trong việc tham gia xây dựng chương trình, nội dung; biên tập tài liệu giáo trình; đổi mới phương pháp day-học và nghiên cứu khoa học. Năm 2002, theo sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Nhà trường triển khai nghiên cứu đề tài “ Đào tạo, bồi dưỡng năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho học viên sĩ quan chỉ huy cấp phân đội trong tình hình hiện nay”. Tôi được phân công làm Chủ nhiệm, anh Nguyễn Trọng Hân làm Thư ký đề tài. Tham gia biên soạn có các anh Mai Nhuần, Hồ Trọng Thụ, Cấn Văn Phong. Tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội là một nguyên tắc nhằm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Cán bộ chỉ huy cấp phân đội đồng thời là người lãnh đạo đơn vị. Việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đối với học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội trở thành một vấn đề vừa cơ bản vừa cấp thiết. Đến thời điểm đó đã có một số tác giả nghiên cứu về nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho cán bộ, sĩ quan các cấp. Nhưng chưa có một công trình nghiên cứu độc lập, cơ bản, hệ thống về lý luận và thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho học viên sĩ quan chỉ huy cấp phân đội có trình độ đại học trong tình hình mới. Vì vậy, đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở luận giải năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị của học viên sĩ quan chỉ huy cấp phân đội; đánh giá thực trạng; đề tài đã xác định những yêu cầu cơ bản và đề xuất những giải pháp chủ yếu, những kiến nghị cần thiết để đào tạo, bồi dưỡng năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho học viên sĩ quan chỉ huy cấp phân đội trong tình hình mới. Ngày 7 tháng 3 năm 2003, Tổng cục Chính trị đã tổ chức nghiệm thu. Anh Phùng Khắc Đăng, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ tich Hội đồng Khoa học TCCT chủ trì hội nghị. Đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá thuộc loại xuất sắc. Sau khi nghiệm thu, kết quả của đề tài có thể dùng làm tài liệu tham khảo giảng dạy bộ môn công tác đảng, công tác chính trị trong các trường sĩ quan, các trường quân sự quân khu, quân đoàn; tham khảo vận dụng vào quá trình chỉ đạo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở phân đội và bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan cấp phân đội trong quân đội.
Năm 2004, theo chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, Nhà trường triển khai nghiên cứu đề tài “Xây dựng, bồi dưỡng xu hướng nghề nghiệp quân sự cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội trong giai đoạn hiện nay”. Tôi được phân công làm Chủ nhiệm, anh Lê Viết Anh làm Thư ký đề tài. Tham gia biên soạn có các anh: Nguyễn Văn Soạn, Trần Hùng Phức, Hồ Trọng Thụ, Nguyễn Tiến Phúc, Đoàn Văn Hoàn, Kim Ngọc Đại, Đậu Văn Luận. Những biến đổi kinh tế-xã hội, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với động lực là lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế, đã có những tác động nhất định đến mọi thành viên xã hội; dễ tạo ra sự phát triển cá nhân con người một cách phiến diện, nhiều giá trị văn hóa, giá trị đạo đức bị phai nhạt, bị hủy hoại; xuất hiện lối sống thực dụng “gậm nhấm” những giá trị đạo đức truyền thống. Vì vậy, xu hướng nghề nghiệp quân sự của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội cũng đặt ra nhiều vấn đề phải quan tâm nghiên cứu giải quyết: nhận thức giá trị, ý nghĩa chính trị-xã hội của nghề nghiệp quân sự; yêu cầu, tính chất của hoạt động nghề nghiệp quân sự; tâm trạng băn khoăn trong việc xác định động cơ, mục đích hoạt động nghề nghiệp,…Những vấn đề đó tác dộng đến kết quả và chất lượng đào tạo tại trường cũng như đến phẩm chất năng lực của người sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội khi tốt nghiệp ra trường. Xây dựng, bồi dưỡng xu hướng nghề nghiệp quân sự cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội là việc làm có ý nghĩa quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo, rèn luyện phẩm chất nhân cách, phẩm chất nghề nghiệp quân sự cho học viên, bảo đảm cho họ có đủ khả  năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ theo mục tiêu yêu cầu đào tạo. Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn; điều tra khảo sát, tổng kết rút kinh nghiệm; đề tài xác định yêu cầu và đề xuất những giải pháp khoa học để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, bồi dưỡng xu hướng nghề nghiệp quân sự cho học viên đào tạo sĩ quan chi huy tham mưu cấp phân đội. Đây là vấn đề cấp thiết có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường quân đội và xây dựng đội ngũ sĩ quan trong giai đoạn mới. Cuối năm 2004, đề tài đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Kết quả của đề tài có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy các bộ môn: Tâm lý học quân sự, Giáo dục học quân sự trong các trường sĩ quan lục quân, các trường quân sự Quân khi, Quân đoàn; tham khảo vận dụng trong chỉ đạo giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #68 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:59:30 pm »

 Nhận rõ vai trò xây đựng Nhà trường vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng toàn diện, Đảng ủy- Ban Giám hiệu nhà trường đã lãnh đạo chặt chẽ nghiêm túc việc học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của trên, các chuyên đề giáo dục chính trị của Tổng cục Chính trị; đã chủ động định hướng tư tưởng, xây dựng và củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm, trách nhiệm chính trị cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Chính trị, đồng thời với vai trò chung, tôi trực tiếp phụ trách Phòng Chính trị và cán bộ chính trị các cấp. Trong mấy năm liền, tôi đã cùng với lãnh đạo chỉ huy và anh em trong Phòng Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đơn vị của trường đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng. Chú trọng gắn học tập quán triệt nghị quyết với xây dựng chương trình hành động; thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo chỉ huy các cấp với quân chúng; thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trước các sự kiện chính trị quan trọng. Các đợt sinh hoạt chính trị được tổ chức chặt chẽ, phát huy được tự do tư tưởng, tạo được sự thống nhất về nhận thức, từ đó chuyển biến tích cực về tư tưởng, tình cảm và hành động trong thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, hội thi, hội thao, hướng về cơ sở, tạo môi trường giáo dục tốt, khơi dậy tinh thần tự giác trong học tập, rèn luyện phấn đấu của mọi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Công tác thi đua và phong trào thi đua quyết thắng bám sát nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, của các cơ quan, đơn vị. Kết hợp thi đua thường xuyên với thi đua đột kích, có tác dụng giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho bộ đội, tạo ra động lực mới, khí thế mới trong dạy- học, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỷ luật. Các hoạt động công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng được triển khai tích cực, đạt được kết quả tốt. 100% học viên tốt nghiệp các khóa đều phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ. Hoàn thành các mặt công tác qui hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên có chiều hướng phát triển tích cực. Đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt truyền thống, giao lưu gặp gỡ giữa các thế hệ thầy trò đạt kết quả tốt. Hoạt động kết nghĩa giữa các đơn vị và địa phương được duy trì có nền nếp, đạt hiệu quả cao. Tổ chức Hội trại thanh niên, giao lưu văn hóa văn nghệ với các địa phương, các trường đại học kết nghĩa nhân các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, quân đội, Nhà trường, tạo môi trường văn hóa tốt đẹp cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo, góp phần xây dựng địa bàn, xây dựng đoàn kết quân dân, tuyên truyền hình ảnh Nhà trường trong thời kỳ mới. Tình hình chính trị tư tưởng của toàn trường ổn định, là nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đạt được những kết quả về công tác đảng, công tác chính trị ở Trường phải kể đến vai trò của Phòng Chính trị trong việc làm tham mưu cho Đảng ủy-Ban Giám hiệu nhà trường và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đơn vị trong toàn Trường. Phòng Chính trị hồi ấy là một tập thể mạnh bao gồm những cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt, có trách nhiệm và kinh nghiệm công tác, như các anh: Nguyễn Văn Soạn, Mai Nhuần, Nguyễn Đức Huy, Trương Đình Quí, Lê Viết Anh, Nguyễn Tiến Phúc, Nguyễn Trọng Hiền, Trịnh Văn Mạnh, Phạm Chí Thiện, Trần Trọng Nhọn, và nhiều anh em khác nữa. Trong số cán bộ đó có anh Trương Đình Quí là người phát triển nhanh nhất. Ngày tôi mới về Trường, anh Quí còn là Trung tá, Trưởng ban Cán bộ rồi lên Phó Chủ nhiệm chính trị ; đến năm 2009, anh Quí đã là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 4.
Bám sát định hướng chỉ đạo của trên và đặc điểm tình hình trong điều kiện quân số biến động, Đảng ủy- Ban Giám hiệu đã kịp thời chấn chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “Tinh gọn, hợp lý, hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu phát triển nhiệm vụ của Nhà trường. Việc thực hiện chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, chiến sĩ đảm bảo đúng nguyên tắc, chế độ qui định của Nhà nước, tạo được sự đoàn kết thống nhất trong đơn vị. Công tác xây dựng chính qui, rèn luyện kỷ luật, sẵn sàng chiến đấu được coi trọng và tổ chức thực hiện có nền nếp. Nhà trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương giải quyết những vụ việc lấn chiếm đất quốc phòng ở khu vực  Đồng Doi, Đồng Lác bảo đảm đúng luật, gắn với công tác dân vận, đạt được nhiều kết quả, góp phần ổn định tình hình trên địa bàn đóng quân.
Trong điều kiện nhiệm vụ phát triển, quân số đông, đầu mối đơn vị tăng hơn những năm trước, địa bàn hoạt động rộng, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy- Ban Giám hiệu và vai trò tham mưu hướng dẫn của cơ quan, các đơn vị trong toàn trường đã tổ chức thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, bảo đảm đời sống bộ đội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục – đào tạo.
 Trước yêu cầu “An cư, lạc nghiệp”, để đảm bảo chính sách, góp phần động viên cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, trong thời kỳ này, Thường vụ Đảng ủy- Ban Giám hiệu đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc giải quyết đất ở, nhà ở đối với gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Lãnh đạo chỉ huy Nhà trường đã giao cho các cơ quan: Chính trị, Tác chiến, Hậu cần quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong việc tạo điều kiện hợp thức hóa, khai thác quĩ đất. Việc giải quyết cấp đất ở, nhà ở của Nhà trường được tiến hành đúng luật, đúng chính sách, theo phương châm: “Dân chủ, Công khai, Công bằng” đảm bảo tinh thần đoàn kết, phấn khởi. Đây là một chủ trương hợp pháp, hợp lý, hợp tình, đem lại quyền lợi thiết thực cho hàng mấy trăm gia đình cán bộ, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài.
   Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Quân sự Trung ương là xây dựng Trường Sĩ quan Lục quân 1 thành trung tâm mạnh, có đủ phương tiện dạy-học cần thiết, trường sở khang trang và môi trường chính qui lành mạnh; tiếp theo kết quả xây dựng cơ bản giai đoạn 1 (1991-2001), Nhà trường triển khai thực hiện xây dựng cơ bản với ba dự án lớn: dự án đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2; dự án thao trường, trường bắn; dự án hạ tầng cơ sở “Làng quân nhân Đồng Tâm”, với khối lượng kinh phí lớn, nhiều hạng mục công trình quan trọng: Hội trường lớn, khán đài, Tượng đài Trần Quốc Tuấn, khu thể thao, thao trường, trường bắn,…thời gian thực hiện dự án ngắn.
Sau khi đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt ngân sách, việc bố trí địa điểm và lựa chọn qui mô, kiểu dáng của Hội trường lớn, khán đài cũng có sự tranh luận bằng nhiều ý kiến khác nhau, có lúc khá gay gắt. Điều đó là bình thường. Có ý kiến đề nghị tách Hội trường lớn và khán đài thành hai khu vực. Địa điểm đặt Hội trường lớn cách xa khán đài. Tôi lập luận rằng: Hội trường lớn và khán đài là địa điểm tổ chức hội nghị, tập trung sinh hoạt chính trị, tập huấn quân sự, hậu cần kỹ thuật; là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với qui mô, số lượng lớn. Hội trường, khán đài phải được thiết kế với qui mô tương xứng, chất liệu bền, kiểu dáng đẹp, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Vì vậy, tôi kiên trì và kiên quyết giữ ý kiến đề nghị xây dựng Hội trường, khán đài trong mối liên kết các tiện ích hợp lý thuận lợi và đặt tại vị trí trung tâm của Trường. Ý kiến đó  được mọi người chấp thuận sau khi có sự  thảo luận kỹ giữa lãnh đạo chỉ huy Nhà trường, các cơ quan, đơn vị trong Trường và đơn vị tư vấn thiết kế. Mãi đến sau này, mỗi khi có dịp về Trường, với tôi Hội trường lớn, khán đài là một dấu ấn trong những kỷ niệm đẹp.
Quốc công tiết chế - Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là danh tướng kiệt xuất vào bậc nhất trong lịch sử vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Trường Sĩ quan Lục quân đã được mang tên là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Đây là niềm vinh dự tự hào của lớp lớp cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ Nhà trường. Thể theo nguyện vọng của nhiều thế hệ, được sự đồng ý của trên, tiếp theo kết quả chuẩn bị từ nhiều năm trước, tôi cùng anh Nguyễn Hữu Hạ Hiệu trưởng thống nhất với các anh trong Ban Giám hiệu Nhà trường hạ quyết tâm xây dựng xong Tượng đài Trần Quốc Tuấn trong năm 2004 để chào mừng 60 năm Ngày thành lập Quân đội  (ngày 22 tháng 12 năm 2004) và 60 năm Ngày thành Trường (ngày 15 tháng 4 năm 2005). Trước khi phê duyệt, mẫu tượng đài được chuẩn bị thiết kế công phu, thảo luận nhiều lần, xin ý kiến tham gia tư vấn của các nhà điêu khắc, mỹ học và các nhà sử học. Khi san lát xong phần nền, xây xong phần chân đế và các bức phù điêu phía sau, tôi cùng anh Nguyễn Tiến Ngùng, anh Nguyễn Văn Soạn, anh Doãn Văn Hãn và một số anh em vào Ninh Bình đến cơ sở sản xuất để kiểm tra kỹ về chất lượng đá và kỹ thuật, mỹ thuật. Đêm trước ngày khánh thành Tượng đài Trần Quốc Tuấn, chúng tôi đã mời các nhà sư đức cao vọng trọng ở Hà Nội, Sơn Tây đến cúng tế hô thần nhập tượng theo đúng tín ngưỡng tâm linh. Đêm ấy giữa tiết trời mưa bụi se lạnh, trong không khí trang nghiêm, chúng tôi đã kính cẩn tế lễ, dâng những nén hương thơm lên Tượng đài. Ngày khánh thành Tượng đài Trần Quốc Tuấn, Ban Giám hiệu đã mời các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Nhà trường qua các thời kỳ, lãnh đạo cấp trên và lãnh đạo địa phương về dự. Với qui mô bề thế, hoành tráng, uy nghiêm, vĩnh cửu, đặt giữa trung tâm Nhà trường, Tượng đài Trần Quốc Tuấn là nơi thể hiện đời sống tâm linh, lòng tôn kính của mọi thế hệ đối với người Anh hùng dân tộc, nhà quân sự lỗi lạc mà Trường được vinh hạnh mang tên. Dựng Tượng đài Trần Quốc Tuấn còn nhằm tôn vinh truyền thống Nhà trường để mọi cán bộ, giáo viên, học viên tiếp tục phát huy trong mọi thời kỳ.
Trong cuộc sống, nhiều khi một chủ trương đúng đem đến những kết quả tốt có khi buổi ban đầu được hình thành, được khởi thủy từ những ý tưởng vụt đến như một sự ngẫu nhiên. Nhưng xét đến tận cùng thì đó là kết quả tất yếu của sự suy tư trăn trở. Công viên Thanh niên ở cổng Trường, Dự án “Làng quân nhân Đồng Tâm” và Dự án hồ chứa nước ở trường bắn Đồng Doi của Trường Sĩ quan Lục quân 1 là vậy.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #69 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:59:40 pm »

Có lần, tôi và anh Nguyễn Hữu Hạ đi thao trường về, dưới trời nắng chói chang, nhiều người túm tụm ngồi vật vã, nhếch nhác bên vệ đường hoặc trong mấy quán nhỏ phía ngoài cổng Trường. Hỏi ra mới biết đó là người nhà của học viên lên thăm. Tôi và anh Hạ trao đổi với nhau cần tạo điều kiện cho học viên đón tiếp gia đình và bạn bè đến thăm một cách đàng hoàng, lịch sự, đồng thời đây còn là bộ mặt của Nhà trường. Chúng tôi bàn với nhau là khoanh hai vạt cây cao khá rộng ở sát bên trong cổng Trường, đầu tư xây dựng có nhà nghỉ mát, có căng tin, quầy giải khát, có chỗ cắt tóc gội đầu, có ghế đá dựng ở các khu vực và lối đi giữa những khóm cây,…Cảnh quan đẹp như một công viên để học viên tiếp người thân lên thăm và để giao lưu với thanh niên địa phương, với học sinh, sinh viên các trường bên ngoài. Chúng tôi đặt tên là Công viên Thanh niên. Từ ngày có Công viên Thanh niên, môi trường văn hóa của Nhà trường được cải thiện một bước. Cán bộ, giáo viên, nhất là học viên rất phấn khởi. Sau giờ nghỉ hàng ngày và chủ yếu là vào ngày nghỉ cuối tuần, Công viên Thanh niên trở thành nơi vui chơi và đón tiếp khách của học viên. Nhìn những cử chỉ văn minh, lịch sự với gương mặt tươi trẻ rạng ngời của học viên bên bạn bè, người thân, chúng tôi thật vui mừng.
Hồi mới về Trường, khi ra thăm nhà anh Mai Nhuần, anh Lê Viết Anh và một số gia đình cán bộ ở khu tập thể Đồng Tâm (còn gọi là Đồng Lác), nhìn thấy  cái cầu sắt đã quá cũ, một con đường gồ ghề ổ gà, ổ trâu, lầy lội ngập bùn khi trời mưa và phủ chìm bụi đỏ khi trời nắng, trong khi oi bức nhiều gia đình không thể mở cửa khi có ô tô chạy qua, tôi cám cảnh và thực sự áy náy. Về Hà Nội gặp anh Hồ Sĩ Hậu, Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng, tôi đề đạt là để góp phần cải thiện điều kiện cho khu gia đình cán bộ Trường Sĩ quan Lục quân 1, đề nghị Cục Kinh tế phối hợp với các cơ quan có liên quan đề đạt lên Bộ Quốc phòng giúp Trường một khoản kinh phí từ Chương trình dự án Làng quân nhân để làm lại cầu và một đoạn đường chừng một cây số. Anh Hậu nhất trí và trao đổi với anh em trong Cục, đồng thời bàn bạc với các cơ quan hữu quan đồng tình ủng hộ. Ban Giám hiệu giao cho Ban Quản lý dự án - Phòng Hậu cần lập dự án báo cáo lên trên. Sau mấy tháng triển khai dự án, một chiếc cầu bằng sắt khá kiên cố bắc qua sông Hòa Lạc và đoạn đường trải nhựa nối từ Đường 21 ra hết khu gia đình quân nhân Đồng Tâm rất thuận tiện cho việc đi lại, không chỉ đối với cán bộ của Trường mà cả đối với nhân dân trong khu vực.
Một thời gian sau, tôi và anh Nguyễn Tiến Ngùng thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường mời anh Hồ Sĩ Hậu và anh Trần Trung Tín, Trưởng phòng Kế hoạch Cục Kinh tế lên thăm Trường (hiện nay anh Tín đã là Cục trưởng Cục Kinh tế) để các anh nghiên cứu tư vấn giúp Trường xây dựng đề án tăng gia chăn nuôi tập trung, góp phần cải thiện đời sống bộ đội. Khi đi từ Trường bắn Đồng Doi về Trường, mặt trời đã gác núi, men theo một con đường bé, lội qua một con suối nhỏ, ai đó bất chợt nói rằng, con suối này nếu chắn lại, thì phía trên sẽ thành một cái hồ lớn. Tất cả chúng tôi dừng lại xem xét bàn bạc. Nhìn ra xung quanh một con suối nhỏ nằm giữa những vạt ruộng hai bên là triền núi cao. Mọi người đều thống nhất rằng: Nếu làm một cái đập ngăn con suối lại thì chắc chắn sẽ có cái hồ đẹp cả về cảnh quan, môi trường sinh thái, thủy lợi và nuôi cá. Về Trường chúng tôi giao cho cơ quan triển khai nghiên cứu, mời các chuyên gia tư vấn xây dựng đề án, Ban Giám hiệu thông qua và trình lên Bộ Quốc phòng. Vậy là, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Trường Sĩ quan Lục quân 1 lập và triển khai dự án.  Sau một thời gian không lâu, được Công ty 36 - Binh đoàn 11 thi công, Nhà trường đã hoàn thành một cái đập bề thế vững chãi, phía trên là một cái hồ đẹp, nước sâu, rộng hơn 20 héc ta, nằm giữa một vùng đồi núi cách Hòa Lạc không xa. Mấy năm sau, nhân dịp đến tham quan Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tôi và anh Hậu ra Trường bắn Đồng Doi, nhìn lại con đập và hồ nước, chúng tôi thật sự vui mừng.
Nhân đây, tôi xin được viết đôi dòng về anh Hồ Sĩ Hậu – người bạn thân nhất của tôi. Anh Hậu từng là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và kinh tế, rồi làm Phó Văn phòng Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng và sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Kinh tế- Bộ Quốc phòng. Anh sinh ra trong một gia đình cách mạng ở một miền quê khá nổi tiếng - đó là làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tôi được biết, ở miền Bắc có làng Hành Thiện (Nam Định) ở miền Trung có làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) là hai làng từ xưa đến nay có nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực. Năm 1996, khi còn là Cục trưởng Cục Chính sách -  TCCT, tôi được mời về dự Lễ đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT của xã Quỳnh Đôi, nhân thể được về thăm nhà thờ họ Hồ, thăm nhà anh Hậu, tôi càng thấm thía điều đó. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, anh Hậu nhập ngũ vào chiến trường với vai trò là kỹ sư tham gia làm đường ống xăng dầu của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Có người nói, chiến công vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn như một huyền thoại, thì rõ ràng là chiến công của bộ đội đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó. Đọc lịch sử Bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ quả thật là phi thường. Các anh đã lắp đặt và vận hành gần 5.000 km đường ống dưới sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Đồng đội anh bao người đã hy sinh. Ở chiến trường anh Hậu đã dũng cảm, mưu trí vượt qua mọi hiểm nguy, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Anh có tư chất thông minh, trải nghiệm nhiều, vốn kiến thức phong phú. Ngoài đời, anh là người nhân nghĩa, sâu sắc, khiêm nhường. Anh Hậu hơn tôi hai tuổi, là đồng hương, hơn thế là đồng cảm trên nhiều phương diện, bởi thế, chúng tôi thân quí nhau đã mấy chục năm. Chúng tôi thường cùng nhau đàm đạo, sẻ chia mọi điều trong cuộc sống.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM