Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:36:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường thời gian  (Đọc 31998 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:48:30 pm »

Tuy vậy, chính sách tiền lương phụ cấp đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng còn có một số điểm chưa hợp lý. Nổi lên là : Mặt bằng quan hệ tiền lương của lực lượng vũ trang với các ngành kinh tế - xã hội đã từng bước bị phá vỡ. Quá trình điều chỉnh sau đó, nhiều ngành đã có mức lương cơ bản vượt qua mức lương công nhân viên chức quốc phòng có cùng ngành nghề. Mặt khác, trong khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ,…nhiều ngành có thu nhập lớn hơn nhiều. Trong lúc đó, yêu cầu bảo đảm phù hợp tính chất nhiệm vụ về quân sự ngày càng bức bách hơn. Trong nội bộ quân đội chế độ tiền lương còn thể hiện tính bình quân, chưa phản ánh được quan hệ phân phối theo lao động : Cùng một bậc quân hàm như nhau nhưng giữ các chức vụ hoặc cương vị công tác rất khác nhau ( nghĩa là khác nhau về trình độ đào tạo, phạm vi trách nhiệm, cường lực và trí lực,…) nhưng hưởng mức lương như nhau; hoặc cùng giữ một chức vụ như nhau nhưng có bậc quân hàm khác nhau dẫn đến mức lương khác nhau. Tuy có chế độ phụ cấp chức vụ nhưng mức quá thấp. Các chế độ phụ cấp vừa thiếu, vừa thấp, chưa phản ánh đầy đủ tính chất đặc thù của các loại hình lao động quân sự; chưa khuyến khích các ngành mũi nhọn trọng yếu. Một số chế độ phụ cấp của một số ngành nghề Nhà nước chưa được vận dụng thực hiện hợp lý trong quân đội, ngày càng tạo nên mất cân đối cả bên trong, vừa mất cân đối với bên ngoài trên một mặt bằng hợp lý đã được xác định từ trước. Một số chế độ phụ cấp đã hình thành trong các thời kỳ trước, khi cải cách chính sách tiền lương chưa được nghiên cứu kế thừa dẫn đến bình quân hóa, không phản ánh được tính chất đa dạng, phức tạp của các nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động quân sự.

Về chế độ bảo hiểm xã hội, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương-Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị; trên cơ sở vận dụng những qui định trong Bộ Luật lao động phù hợp với lao động quân sự; được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong và ngoài quân đội, Cục Chính sách chủ trì nghiên cứu xây dựng giúp Bộ Quốc phòng trình lên Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội kèm theo Nghị định 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 qui định các chế độ bảo hiểm xã hội đối với quân nhân.
Tôi nhớ, ngày Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tưởng Chính phủ Võ Văn Kiệt thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành : Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,…Về phía Bộ Quốc phòng có Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá  Hồ Sĩ Ngận, Phó Văn phòng Bộ Quốc phòng và tôi . Sau phần giới thiệu và được Đại tướng Đoàn Khuê ủy quyền, tôi được phép trình bày Tờ trình và các nội dung đề nghị của Bộ Quốc phòng với Thủ tướng cùng toàn thể hội nghị. Do quá trình nghiên cứu xây dựng nội dung chính sách kèm theo tờ trình và dự thảo Nghị định được chuẩn bị công phu, tổ chức hội thảo nhiều lần, khảo sát, xin ý kiến của các đơn vị và đã được các bộ, ngành tham gia trước, nên buổi thông qua được Thủ tướng Chính phủ diễn ra đạt kết quả rất tốt.

 Những nội dung Bộ Quốc phòng trình lên đều được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và ban hành Nghị định kèm theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với quân nhân. Theo đó, Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được áp dụng cả 5 chế độ Bảo hiểm xã hội: chế độ trợ cấp ốm đau; chế độ trợ cấp thai sản; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí ; chế độ tử tuất. Hạ sĩ quan, binh sĩ được hưởng 2 chế độ : chế độ tai nạn lao đọng, bệnh nghề nghiệp; chế độ tử tuất. Công nhân viên chức quốc phòng thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội  theo như công nhân viên chức Nhà nước. Nhìn chung, các chế độ Bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng phục vụ trong quân đội đã có sự ưu đãi, phản ảnh được hoạt động và tính chất lao động đặc thù của quân đội. Phân biệt rõ trách nhiệm, quyền hạn của quỹ Bảo hiểm xã hội, sự độc lập giữa quĩ Bảo hiểm xã hội với ngân sách Nhà nước, ngân sách quốc phòng, góp phần giảm chi ngân sách, bảo đảm đời sống đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng; khuyến khích họ tích cực công tác.
Các chế độ bảo hiểm xã hội được Chính phủ ban hành đã thực sự góp phần hỗ trợ đời sống đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan-binh sĩ khi họ giảm hoặc ngừng lao động, hưu trí, xuất ngũ hoặc chết. Các điều kiện nghỉ hưu đối với quân nhân và công nhân viên chức quốc phòng được mở rộng linh hoạt và phù hợp hơn, góp phần thực hiện giảm quân số, có tác động tốt về tư tưởng, tổ chức của quân đội trước tình hình mới.
Cùng với việc đổi mới nội dung, cơ chế tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong quân đội cũng có sự thay đổi. Ngày 9 tháng 3 năm 1996, Phòng Bảo hiểm xã hội trực thuộc Cục Chính sách được thành lập, với nhiệm vụ tổ chức quản lý, thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng khi phục vụ tại ngũ và khi chuyển ra ngoài. Từ đó, việc lập sổ hưu và các hồ sơ bảo hiểm khác đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng đều do Bảo hiểm xã hội quân đội đảm nhiệm. Theo qui định của Nhà nước, để có căn cứ pháp lý cho thực hiện chế độ, chính sách, việc lập Sổ bảo hiểm xã hội đối với hàng mấy chục vạn người (bao gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động có tham gia đóng bảo hiểm) là rất công phu, với khối lượng công việc rất lớn, trải ra trên diện rộng. Cục Chính sách mà trực tiếp là Phòng Bảo hiểm xã hội đã tích cực triển khai tổ chức thực hiện xong trong một thời gian. Phòng Bảo hiểm khi mới thành lập do anh Nguyễn Bá Bồng phụ trách, sau đó anh Đỗ Văn Sử  làm Trưởng phòng, chị Hồ Thủy làm Phó phòng. Khi anh Đỗ Văn Sử được bổ nhiệm Cục phó Cục Chính sách, chị Hồ Thủy được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Cán bộ, nhân viên viên thời kỳ đầu là: Đặng Văn Duy, Lê Quang, Nguyễn Văn Đức, Đặng Văn Thế, Phạm Thị Hồng Hà, Lương Thị Hạnh, Nguyễn Thị Oanh. Với cương vị Cục trưởng, theo qui định tôi đồng thời kiêm nhiệm là Giám đốc Bảo hiểm xã hội quân đội. Năm 2006, nhân kỷ niệm  ngày thành lập Bảo hiểm xã hội quân đội, tôi được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Sau này, từ ngày 29 tháng 5 năm 2008, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phòng Bảo hiểm xã hội đã tách ra khỏi Cục Chính sách thành Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng - tương đương cấp Cục trực thuộc Bộ,  Đại tá Hồ Thủy được bổ nhiệm làm Giám đốc. Phó Giám đốc là Đại tá Đặng Văn Duy và Đại tá Nguyễn Văn Quê.
Các chế độ Bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng sau một thời gian thực hiện, tính đến năm 1998, vẫn còn có những điểm bất hợp lý cần được xem xét kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp hơn. Điều kiện nghỉ hưu đối với sĩ quan theo Điều 42 - Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1982 là không hợp lý (người có tuổi đời, tuổi quân và cấp bậc quân hàm cao thì không được nghỉ hưu, trong khi đó người có các điều kiện thấp hơn lại được nghỉ hưu,…). Trợ cấp một lần đối với người có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội từ 31 năm trở lên khống chế bằng 5 tháng lương; trợ cấp tuất một lần khống chế tối đa bằng 12 tháng lương  bình quân 5 năm cuối là mang tính bình quân, chưa phản ánh được tính lịch sử cả các thành phần phục vụ trong quân đội, thiếu can đối từ bên trong.
Số quân nhân đã có trên 20 năm tuổi quân, sau chuyển ngành, nhưng vì một lý do nào đó, không thể bảo đảm công tác đến tuổi nghỉ hưu theo qui định chung đối với công nhân viên chức Nhà nước (nam 60, nữ 55 tuổi trở lên), chưa có sự vận dụng để giảm bớt tuổi đời. Công nhân viên chức quốc phòng chỉ được hưởng phụ cấp quốc phòng -  an ninh trong thời gian công tác, không được tính hưởng khi nghỉ hưu, gây hẫng hụt, thiệt thòi cho người lao động.

Trong công cuộc đổi mới, chính sách ưu đãi đối với thương binh- liệt sĩ và người có công được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thực sự đã có bước đổi mới quan trọng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đóng vai trò chủ trì phối hợp với Cục Cán bộ - Tổng cục Chính trị, Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng, Cục Quân y - Tổng cục Hậu cần và các cơ quan hữu quan khác trong Bộ Quốc phòng nghiên cứu phần trách nhiệm của quân đội; đồng thời đã tích cực  tham gia với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công; nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Quốc hội. Pháp lệnh ưu đãi người có công đã khẳng định :” Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn những người đã hy sinh cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công với nước và gia đình họ là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội”. Đối tượng ưu đãi trong Pháp lệnh bao gồm : Người hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945; liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và anh hùng lao động; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người hoạt dộng kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.
 Như vậy là, so với trước đối tượng được mở rộng và được hệ thống lại trong một văn bản pháp qui trên tinh thần trân trọng sự cống hiến của những người đã tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Các chế độ cụ thể đã được điều chỉnh, cải thiện toàn diện và khoa học hơn. Trước đây trợ cấp thương tật đối với thương binh là căn cứ hạng thương tật và cấp bậc quân hàm của thương binh khi bị thương. Điều đó dẫn đến một tình hình không công bằng là: cùng hạng thương tật như nhau nhưng vì cấp bậc khi bị thương khác nhau mà trợ cấp thương tật khác nhau. Bởi vậy mới có câu là “máu cán bộ đắt hơn máu chiến sĩ”. Lần này sửa đổi lại trợ cấp thương tật của thương binh là căn cứ vào tỷ lệ thương tật. Cùng với việc đổi mới nội dung chính sách, nguồn chi trả và phương thức quản lý cũng đã được thay đổi nhằm phù hợp với cơ chế mới.
Năm 1994, toàn Đảng, toàn dân  và toàn quân ta tiến hành kỷ niệm trọng thể 40 năm Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/1994). Để xứng đáng với tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Điên Biên Phủ, Nhà nước đã chỉ đạo làm nhiều việc có ý nghĩa lớn như tôn tạo lại các nghĩa trang liệt sĩ, nhất là Nghĩa trang A1, bảo tàng Điện Biên Phủ, tôn tạo lại Sở chỉ huy Mường Phăng,… Điều đáng chú ý là, do nhiều nguyên nhân, đến thời điểm đó, sau 40 năm chúng ta chưa có đầy đủ bản Danh sách Liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:49:22 pm »

 Toàn bộ hồ sơ danh sách liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp do Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu quản lý, lưu trữ. Trong đó không phân ra trường hợp nào là liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi vậy, muốn biết được những người hy sinh ở chiến dịch Điên Biên Phủ, Cục Chính sách đã nghiên cứu đề đạt và được trên chấp thuận xác định các tiêu chí về phạm vi: không gian của chiến dịch, thời gian diễn ra chiến dịch, đơn vị tham gia chiến dịch. Dựa vào các tiêu chí đó, Cục Chính sách đã tổ chức một lực lương hơn mười người, dành thời gian hàng mấy tháng trời để đọc lại toàn bộ Danh sách hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp để lọc ra lập được đầy đủ Danh sách Liệt sĩ hy sinh trong Chiến dich Điện Biên Phủ. Làm được điều đó trong điều kiện đăng ký Danh sách đăng ký liệt sĩ trước đây để lại còn thủ công, cũng là một kỳ công. Danh sách Liệt sỹ được lập ra theo từng địa phương đã bàn giao cho Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tiến hành chỉ đạo gắn toàn bộ Danh sách Liệt sĩ ( đúc chữ bằng đồng) lên các bức tường của Nghĩa trang A1 kịp phục vụ Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành Chính sách quân đội (26/2/1947 – 26/2/1997), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương – Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đã đẩy mạnh các hoạt động thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn ngành, toàn Cục thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Cục Chính sách đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành Chính sách quân đội và đón nhận Huân chương Quân công Hạng Ba tại Hội trường Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự Lễ kỷ niệm có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Đoàn Khuê - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, các tổng cục, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh xã hội, Bộ Tài chính và các bộ ngành ở Trung ương.
Trước không khí trang nghiêm, đầm ấm của buổi Lễ và đặc biệt sự xuất hiện của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhà báo Bùi Đình Nguyên, Báo Cựu chiến binh Việt Nam, ghé sát tôi hỏi nhỏ: “Ông có cách gì mà mời được cùng một lúc năm Đại tướng - các bậc nguyên lão đến dự. Điều này ít có đối với  Lễ kỷ niệm cấp Cục!”. Tôi niềm nở nói với anh Nguyên: “ Anh ạ, theo tôi đây chính là biểu thị của sự quan tâm đến công tác chính sách của các Thủ trưởng lãnh đạo cao cấp, nhất là các Đại tướng lão thành”.
 Tại buổi lễ, sau bài Diễn văn kỷ niệm của Cục Chính sách do tôi trình bày, Đại tướng Đoàn Khuê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã có các bài phát biểu rất quan trọng, sâu sắc.
Sau khi gắn tấm Huân chương Quân công Hạng Ba lên Quân kỳ của Cục Chính sách,  Đại tướng Đoàn Khuê đã phát biểu, trong đó có đoạn: “ Phát huy vai trò động lực cua công tác chính sách góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời kỳ mới”.
Với cương vị là Tổng Tư lệnh quân đội qua nhiều thời kỳ lịch sử - Người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “ Ngành Chính sách cần cố gắng thật lớn không những với tinh thần trách nhiệm mà với cả tấm lòng thương yêu đối với đồng đội, với toàn thể các gia đình hậu phương quân đội”.
Đồng chí Trần Đình Hoan chúc mừng : “Ngành Chính sách quân đội tiếp tục truyền thống tốt đẹp trong công tác nghiên cứu và tổ chức thực hiện chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trong giai đoạn mới”.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gửi thư thăm hỏi và chúc mừng đến cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các đồng chí cựu chiến binh Ngành chính sách quân đội. Ngành Chính sách quân đội:
…”Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương va Bộ Quốc phòng, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp cả dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, 50 năm  qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ngành Chính sách quân đội đã đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động sáng tạo vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành tích cực thực hiện các chủ trương chính sách cả Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và chính sách hậu phương quân đội, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những công lao, thành tích của Ngành Chính sách quân đội trong 50 năm qua. Mong các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, ra sức xây dựng Ngành chính sách quân đội vững mạnh góp phần xây dựng quân đội ta chính qui, tinh nhuệ, tùng bước hiện đại, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII”…
Trước Lễ kỷ niệm, ngày 13 tháng 2 năm 1997, tôi đã cùng các anh Đỗ Quang Bích, Cục phó; Đinh Công Cử, Trưởng phòng và Trần Minh cán bộ Phòng Nghiên cứu Tổng hợp - Cục Chính sách đến thăm tại nhà riêng và xin ý kiến huấn thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Chu Huy Mân. Các Thủ trưởng đã tiếp chúng tôi một cách thân tình. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo những việc đã làm được, chưa làm được trong công tác chính sách cả ở Cục Chính sách và trong toàn quân, các Thủ trưởng đã có những nhận xét đánh giá sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng cũng như những công lao đóng góp và những hạn chế thiếu sót cần khắc phục của Cục, của Ngành trong những năm qua; đồng thời đã huấn thị chúng tôi về nhận định tình hình và những vấn đề cần tập trung nghiên cứu, tổ chức thực hiện chính sách trong thời gian tới. Chúng tôi chân thành biết ơn và trân trọng trước những lời huấn thị, dạy bảo ân tình sâu sắc của những người lãnh đạo cao nhất của quân đội trong nhiều thời kỳ lịch sử.
Cục Chính sách có mời Đại tá Hồ Thị Bi - Anh hùng Lực lượng vũ trang, đang nghỉ hưu ở thành phố Hồ Chí Minh và  Đại tá Huỳnh An đang nghỉ hưu ở Đà Nẵng, nguyên là cán bộ của Cục ra dự lễ.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27-71997), chấp hành chỉ thị của Ban Bí thư, Đảng ủy Quân sự Trung ương- Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân có nhiều hoạt động phong phú, sôi động  trong các cơ quan , đơn vị đem lại những kết quả thiết thực. Trong dịp này, thực hiện sự chỉ đạo của trên, Cục Chính sách đã hướng dẫn các đơn vị địa phương xét duyệt khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thương binh – liệt sĩ và hậu phương quân đội.  Theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, cùng với tập thể Cục Chính sách, tập thể Phòng Hậu phương - Cục Chính sách, bản thân tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Ba.  
 Sau một thời gian thực hiện, chính sách chế độ đối với người có công theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của chính phủ còn có một số nội dung cần nghiên cứu bổ sung cho phù hợp. Đó là : Theo qui định thì những người làm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở những vùng đặc biệt khó khăn gian khổ, nơi có phụ cấp lương đặc biệt mức 100%, thì được xác nhận là thương binh, nếu bị thương; xác nhận là liệt sĩ, nếu bị chết, là chưa phù hợp với đặc điểm hoạt động của quân đội. Trên thực tế, nhiều vùng tuy có phụ cấp đặc biệt dưới mức 100%  nhưng hết sức khó khăn gian khổ, hầu hết các trường hợp bị thương, bị chết đều xảy ra trong điều kiện bất khả kháng. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định 301/CP qui định những người công tác ở những nơi có phụ cấp khu vực 25%  khi bị thương được xác nhận là thương binh, khi chết được xác nhận là liệt sĩ. Nay theo Nghị định  mới, những trường đó không được xem xét trở lại để xác nhận thương binh - liệt sĩ. Thực tế, có nhiều người có cùng điều kiện như nhau, người làm thủ tục trước thì được xác nhận, người làm thủ tục sau lại không được, là không thỏa đáng. Theo qui định, những trường hợp bị thương, bị chết do luyện tập quân sự không được xác nhận là thương binh, liệt sĩ. Điều đó là chưa phản ảnh được những yếu tố rất nguy hiểm, bất khả kháng, đòi hỏi tinh thần dũng cảm. Điều kiện qui định bệnh binh còn lẫn với các chế độ bảo hiểm xã hội. Những gia đình có người mẹ đã được truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, song bà mẹ mất sớm, người bố trực tiếp nuôi dạy các con và nay còn sống, nếu không có hình thức gì để khen thưởng xứng đáng thì họ rất thiệt thòi; đồng thời những người này cũng nên được hưởng phụ cấp như Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
  Trước yêu cầu xây dựng quân đội, chính sách khen thưởng đã được đổi mới một bước quan trọng theo hướng nâng cao chất lượng. Đổi mới hình thức, tiêu chuẩn, đối tượng xét khen, bám sát nhiệm vụ chính trị của quân đội trong thời kỳ mới; kết hợp động viên về mặt tinh thần với khuyến khích về mặt vật chất, làm cho tác dụng khen thưởng hấp dẫn hơn. Đã chủ động giải quyết một khối lượng lớn tồn đọng về khen thưởng; thực hiện khen thưởng bậc cao, khen tổng kết đạt kết quả tốt. Từ năm 1990 đến tháng 6/2000, đã trình Nhà nước khen thưởng 1.859.000 Huân chương, Huy chương, cờ thưởng các loại; Tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang cho 2.069 đơn vị, cá nhân.Việc khen thưởng của các cấp, nhìn chung, bảo đảm chính xác kịp thời, đúng nguyên tắc thu tục, bình xét dân chủ công khai; có tác dụng thiết thực trong việc động viên nêu gương tốt; xây dựng truyền thống của đơn vị, giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho bộ đội. Trình lên trên chủ trương tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ ttrang để tặng cho các đơn vị, cho quân và dân các địa phương có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, đã góp phần tạo ra một động lực chính trị tinh thần to lớn, củng cố và phát huy truyền thống lịch sử, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước.
 Đặc biệt là, theo tờ trình của Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng, Ban Bí thư đã họp xem xét đề nghị, ngày 29 tháng 8 năm 1994 Ủy ban Thường vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ngày 10 tháng 9 năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo về Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Danh hiệu cao quí “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là góp phần tôn vinh những giá trị thiêng liêng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì không thể có chiến thắng huy hoàng của các thế hệ người Việt Nam. Chân lý đơn giản ấy ngời sáng trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Suy tôn, tri ân những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là biểu thị lòng thủy chung, sự biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những Bà mẹ đã có những hy sinh thầm lặng, cao cả, đã cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú. Ngay sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh, các địa phương, các ngành trong cả nước đã trân trọng đón nhận và kịp thời triển khai tổ chức thực hiện.
Ngày 17 tháng 12 năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt 1 cho 19.879 bà mẹ thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số Bà mẹ Việt Nam tiêu biểu :  Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng, Điện  Bàn, Quảng Nam có chín con, một rể, hai cháu ngoại là liệt sỹ. Mẹ Phạm Thị Ngư ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận, Bình Thuận có tám con là liệt sĩ; bản thân là Anh hùng lực lượng vũ trang. Mẹ Trần thị Mít ở ở Hải Phú, Hải Lăng, quảng Trị có chín con là liệt sĩ. Mẹ Nguyến Thị Rành ở Phước Hiệp, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, có tám con là liệt sĩ; bản thân là Anh hùng lực lượng vũ trang. Mẹ Nguyễn Thị Dương ở Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị, có tám con thì năm con là liệt sĩ ( ba người khác của Mẹ là Đại tướng Đoàn Khuê Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đoàn Chương Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự Bộ Quốc phòng và Đại tá Đoàn Thúy Giám đốc một nhà máy của Tổng cục Kỹ thuật).
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày Hội quốc phòng toàn dân, ngày 19 tháng 12 năm 1994, Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng lần thứ nhất tại Phủ Chủ tịch. 59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu của mọi miền đất nước, đại diện cho gần 2 vạn Bà mẹ được phong tặng đã được mời về dự. Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí Cố vấn Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo, đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội đã dự Lễ.
Lễ đón các mẹ được tổ chức trọng thể, theo nghi thức Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra tận xe mời các mẹ bước lên thảm đỏ duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo hướng dẫn các mẹ lên Phòng Đại lễ của Phủ Chủ tịch.
Sau khi Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước long trọng đọc quyết định phong tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Nông Đức Mạnh đã tặng hoa và trao Huy chương Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến từng bà mẹ.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Lê Đức Anh đã đọc lời tuyên dương công trạng lớn lao của Phụ nữ Việt Nam, của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà công lao gắn liền với những trang sử vẻ vang của dân tộc, được nhân dân đời đời ghi nhớ.
Thay mặt các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ Thái Thị Thịnh (Hà Nội) chân thành cảm ơn sự quan tâm về danh hiệu cao quí mà Đảng, Nhà nước đã dành cho những người mẹ, người vợ liệt sĩ vì đã có sự hy sinh cống hiến vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các đại biểu vô cùng xúc động khi các chiến sĩ Trường Cao đẳng nghệ thuật quân đội hát tặng những bài hát ca ngợi tình yêu Tổ quốc, đặc biệt là bài “Hát về những người mẹ Việt Nam” do nhạc sĩ An Thuyên mới sáng tác ca ngợi sự hy sinh thầm lặng mà vĩ đại của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hình ảnh diễn ra tại Phủ Chủ tịch ngày hôm đó thật cảm động. Đây là biểu tượng cao quí, đẹp đẽ, hiếm có của sự hy sinh và lòng thủy chung nhân nghĩa.
 
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:49:57 pm »

Sau khi Nhà nước phong tặng, các địa phương, các đoàn thể, các ngành trong cả nước đã dấy lên một phong trào “Phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”.  Phong trào được sự hưởng ứng mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng to lớn, thể hiện lòng yêu nước và tinh thần đền ơn đáp nghĩa của các tầng lớp nhân dân đối với Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cùng với việc vinh thăng và chế độ chính sách của Nhà nước, phong trào tự nguyện “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” có ý nghĩa chính trị và tình cảm sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các mẹ. Có thể nói, đây là một sự kiện chính trị lớn.
Sau này, có nhiều người hỏi tôi, trên thực tế, ai là người đề xuất việc đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi đã trả lời  rằng: Tác giả đích thực của Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là chính các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sự cống hiến, hy sinh của các mẹ là vô cùng cao quí, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là tài sản vô giá trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Trân trọng tri ân và suy tôn những người đã cống hiến hy sinh vì Tổ quốc là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được thể hiện bằng các chính sách cụ thể, trong đó có chính sách phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Tôi được biết, trong các cuộc họp bàn về chính sách của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ mà tôi được dự, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ đã có ý tưởng nêu lên là:  Đến thời điểm đó, trong chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước ta chưa có sự đãi ngộ thỏa đáng cả về tinh thần và vật chất đối với những người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con yêu quí nhất; các mẹ là những người có công lớn nhất trong chiến tranh cách mạng. Ý tưởng đó trở thành chủ trương hiện thực. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, rất nhân văn, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Cục Chính sách lúc bấy giờ, với vai trò là cơ quan chức năng, được Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan trong và ngoài quân đội nghiên cứu xây dựng đề án. Lúc đó, tôi với cương vị Cục trưởng, anh Phạm Lam, Cục phó, anh Lê Thế Hải, Trưởng phòng và một số anh em khác trong Phòng Khen thưởng Cục Chính sách giữ vai trò điều tra khảo sát, phản ánh và là “người chắp bút”, “biên tập” cho một chủ trương  lớn, thể hiện được ý Đảng, lòng dân.
Tôi được biết, đến nay cả nước đã tặng và truy tặng hơn 50.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những Bà mẹ Việt Nam còn sống đều có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định trên cơ sở chế độ trợ cấp của Nhà nước cùng với sự phụng dưỡng chăm sóc của cơ quan đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội và bà con nơi cư trú, ấm áp tình làng nghĩa xóm.

 Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới và chủ trương của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương ; của Tổng cục Chính trị, năm 2000, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân và Nhà Xuất bản Lao động, trên cơ sở  phối hợp chặt chẽ của Cục Chính sách- Tổng cục Chính trị, đã tổ chức biên soạn và xuất bản bộ sách “Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh”.
Đây là một công trình xuất bản có ý nghĩa quốc gia, góp phần khẳng định những cống hiến lớn lao của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà tiêu biểu là những anh hùng. Bộ sách quí này được coi như một tượng đài bằng ấn phẩm, dựng lên chân dung và chiến công đặc biệt xuất sắc của 1.779 Anh hùng được tuyên dương hơn nửa thế kỷ qua – Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh.
Trong Lời tựa bộ sách của đồng chí  Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc Anh hùng. Lịch sử đấu tranh oanh liệt qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã sản sinh ra biết bao người con anh hùng. Qua những người anh hùng mà lịch sử của dân tộc ta lưu truyền mãi mãi cho đến ngày nay…Có được những người anh hùng là nhờ nhân dân, Tổ quốc, đồng bào, đồng chí, đồng đội, và trước hết là những Bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và nuôi dưỡng những người con yêu quí của mình…”.
Biên soạn xuất bản được bộ sách “Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh” là rất công phu. Tôi đã tham gia biên soạn bộ sách cùng với các anh Phạm Gia Đức, Đại tá, Tiến sĩ, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, anh Lê Hải Triều, Đại tá, cán bộ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, anh Lê Thế Hải, Đại tá, Trưởng phòng Khen thưởng Cục Chính sách và một số anh em khác. Về cơ bản, quá trình nghiên cứu biên soạn đã dựa vào cơ sở các tư liệu, tài liệu lưu trữ hồ sơ khen thưởng đầy đủ của Cục Chính sách; kế thừa và phát triển một số tập sách viết về Anh hùng do Cục Chính sách phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản những năm trước. Trong đó phải kể đến công lao của các anh chị: Nguyễn Đức Chiêm, Vũ Cởi, Phạm Lam, Phạm Kiệu, Nguyễn Nguyên Bình, Lê Đại Hiệp,…ở Phòng Khen thưởng Cục Chính sách qua các thời kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách khen thưởng còn có một số vấn đề bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung sửa đổi. Một số hình thức ban hành trước đây có tác dụng tích cực trong việc biểu dương, ghi công động viên trong các cuộc chiến tranh, nay vẫn còn sử dụng chư có hình thức mới mới phù hợp để khen thưởng trong giai đoạn mới (vẫn dùng huân chương Chiến công, Quân công để khen thưởng thành tích trong xây dựng kinh tế, huấn luyện và các nhiệm vụ khác). Đối tượng khen thưởng chưa được xác định lại cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Vẫn khen các tập thể lớn, khen ngành, khen phong trào chung không có địa chỉ cụ thể. Xu hướng khen chạy theo số lượng, các ngày lễ lớn, các năm kỷ niệm, chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng, hiệu quả. Hình thức biểu dương chưa chú ý đúng mức. Việc thưởng kèm theo khen đã được đặt ra, nhưng ngân sách còn hạn hẹp, được tương xứng. Công tác nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp qui về khen thưởng và công tác tham mưu ở cấp chiến lược còn chậm.Việc giải quyết tồn đọng về khen thưởng sau các cuộc chiến tranh còn khối lượng lớn, thiếu sự quan tâm đầu tư của các cấp nên chậm dứt điểm. Qui trình khen thưởng còn phiền phức, chưa được cải tiến kịp thời theo yêu cầu cải cách hành chính. Ở nhiều địa phương, việc đón nhận các hình thức khen thưởng còn nặng nề, phô trương, hình thức, gây tốn kém, ảnh hưởng đến giá trị và ý nghĩa của khen thưởng. Công tác lưu trữ hồ sơ và quản lý khen thưởng ở các cấp còn thủ công, đơn giản, thiếu chặt chẽ, gây khó khăn cho việc tra cứu, xem xét khi cần thiết.
     
Từ năm 1993, chính sách đối với quân nhân xuất ngũ đã có sự bổ sung mới. Trước đó, việc giải quyết chính sách đối với quân nhân xuất ngũ áp dụng tương tự công nhân viên chức Nhà nước thôi việc, được bảo đảm chế độ trợ cấp bằng một khoản tiền theo thời gian phục vụ quân đội. Đối với những quân nhân có trình độ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ được chuyển ngành sang cơ quan xí nghiệp Nhà nước được chuyển xếp lương theo cương vị mới. Trong trường hợp nếu tiền lương mới được xếp thấp hơn tiền lương khi tại ngũ thì được bảo lưu lương như khi tại ngũ trong vòng 18 tháng. Thời gian phục vụ tại ngũ được tính là thời gian công tác liên tục để tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, phần đông khi rời khỏi quân đội, quân nhân xuất ngũ có tuổi đời còn trẻ, sức khỏe tốt, lại được rèn luyện trong quân đội, nhưng chưa được đào tạo nghề, nên có nhiều khó khăn trong đời sống. Với số anh em này, nếu đào tạo tốt sẽ trở thành lực lượng lao động đông đảo trong các thành phần kinh tế quốc dân. Giải quyết việc làm đối với quân nhân xuất ngũ là một vấn đề rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến quân đội, hậu phương quân đội, đến công tác động viên tuyển quân. Với quan điểm cho rằng: “đưa một cần câu hơn cho một xâu cá”, nhu cầu của bộ đội xuất ngũ là cần có một khoản trợ cấp học nghề và được đào tạo nghề trước khi chuyển về địa phương. Từ cách đặt vấn đề đó, các cơ quan Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tài Chính – Bộ Quốc phòng và Cục Chính sách đã nghiên cứu đề đạt Bộ Quốc phòng trình lên Chính phủ ban hành chế độ phụ cấp học nghề đối với quân nhân xuất ngũ. Đồng thời, các cơ quan đã đề nghị Bộ Quốc phòng tổ chức xây dựng nhiều Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm ở các quân khu và một số đơn vị. Đối tượng nhập học là quân nhân xuất ngũ, trong đó ưu tiên cho số quân nhân hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới hải đảo; con em các đối tượng chính sách. Chương trình, nội dung dạy nghề đối với quân nhân xuất ngũ và các đối tượng chính sách là dạy cả về lý thuyết và thực hành, chủ yếu là thực hành, các nghề phổ thông theo thị trường lao động như: vi tính văn phòng, lái xe, y tá, thợ cơ khí, điện gia dụng, may mặc, vệ sĩ,…Thời gian đào tạo khoảng từ ba đến sáu tháng. Khi tốt nghiệp được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi, cấp chứng chỉ để hành nghề. Các Trung tâm tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu của thị trường lao động trên các địa bàn để tiến hành dịch vụ giới thiệu việc làm cho những người đã qua đào tạo. Bộ Quốc phòng thành lập Ban Chỉ đạo để giúp triển khai tổ chức thực hiện việc xây dựng các Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm, do một đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách, Cục Chính sách và Cục Quân lực là cơ quan thường trực. Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo, chúng tôi đã dành nhiều thời gian đến các Trung tâm thuộc Quan khu 3, Quân khu Thủ đô, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vin-hem-pích, Trường Sĩ quan Lục quân 2 ( hiện nay là Trường Cao đẳng nghề số 8 thuộc Bộ Tổng Tham mưu) để nắm tình hình và phối hợp chỉ đạo hướng dẫn việc triển khai tổ chức thực hiện. Ngày đó, ở các Trung tâm đội ngũ cán bộ, giáo viên còn rất mỏng; hệ thống trường học, lớp học, nhà xưởng, bãi tập, cơ sở trang thiết bị dạy nghề còn rất đơn sơ, ít ỏi. Các đơn vị đã kịp thời kiện toàn bộ máy, lựa chọn những cán bộ có trình độ nghiệp vụ và tâm huyết với công tác dạy nghề. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã hỗ trợ một khoàn ngân sách tương đối lớn giúp các Trung tâm của quân đội xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị chuyên dùng. Từ thuở ban đầu sơ khai đến khi hình thành nên những Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm có qui mô lớn, chất lượng cao, có uy tín lớn trên các khu vực là cả một sự nỗ lực phấn đấu liên tục bền bỉ của cả cơ quan và cơ sở. Hệ thống các Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm hình thành trong quân đội mở ra một hướng mới trong việc giải quyết chính sách đối với quân nhân xuất ngũ, được cán bộ chiến sĩ quan tâm.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:50:36 pm »

 Chính sách đối với các đối tượng chuyển ra đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương điều chính lực lượng, giảm quân số của quân đội trong những năm vừa qua. Đời sống của quân nhân sau khi chuyển ra bớt hẫng hụt, từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, việc dạy nghề và giải quyết việc làm đối với quân nhân chuyển ra đang là vấn đề khó khăn. Trợ cấp học nghề quá thấp, không đủ chi phí. Lưu lượng dạy nghề và giới thiệu việc làm của các trung tâm xúc tiến việc làm quá hạn hẹp, mới chiếm một tỷ lệ thấp trong tổng số quân nhân xuất ngũ hàng năm. Chế độ đối với quân nhân chuyển ngành chưa được xác định cụ thể và chưa có cơ chế phù hợp, tính khả thi rất thấp, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường.

Về chính sách đối với lực lượng dự bị, dân quân dự bị, Hiến pháp năm 1992 đã xác định : “ Nhà nước xây dựng quân đội nhân dân cách mạng , chính qui, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu”. Việc xây dựng lực lượng dự bị, dân quân tự vệ hùng hậu không những đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh mà còn góp phần vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương. Trên cơ sở đổi mới nhận thức về tổ chức lực lượng, Nhà nước đã từng bước thể chế hóa tương đối đồng bộ chế độ chính sách đối với lực lượng dự bị động viên,  dân quân tự vệ, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong tình hình mới. Nam 1994, Chính phủ đã qui định :  Trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, quân nhân dự bị hạng 1, được hưởng trợ cấp một khoản tiền. Trong thời gian hoạt động cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ được hoãn nghĩa vụ lao động công ích hàng năm; trong thời gian làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự, thường trực sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa và các sự cố nghiêm trọng, dân quân được hưởng một khoàn tiền tương đương giá trị một ngày công lao động ở địa phương; tự vệ được hưởng nguyên lương và các phụ cấp khác (nếu có). Trường hợp bị tai nạn, ốm đau hoặc bị chết thì được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hôi như đối với công nhân viên chức Nhà nước. Khi bị thương, hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toang xã hội, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ ưu đãi xã hội.
Các chế độ ưu đãi nói trên tuy còn hạn hẹp nhưng cũng đã thể hiện được sự quan tâm chăm lo của Nhà nước đối với lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ trong điều kiên đát nước còn nhiều khó khăn. Việc giao cho ngân sách quốc phòng của địa phương chi trả các khoản kinh phí hoạt động của quân dự bị động viên, dân quân, tự vệ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết chính sách.
          Cùng với quá trình đổi mới chính sách xã hội nói chung, chính sách hậu phương quân đội đã được Nhà nước pháp luật hóa tương đối toàn diện, khá đồng bộ. Đồng thời, những giá trị truyền thống tốt đẹp “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được phát huy trong việc xã hội hóa thông qua hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội.
Với trách nhiệm chính trị và tình nghĩa thủy chung sắt son đối với đồng đội, Đảng ủy Quân sự Trung ương- Bộ Quốc phòng luôn luôn chủ động, kịp thời lãnh đạo chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động chính sách hậu phương quân đội. Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, đỡ đầu chăm sóc con thương binh - liệt sĩ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đạt kết quả thiết thực, góp phần cải thiện một bước đời sống vật chất tinh thần các đối tượng có công, có tác dụng giáo dục đối với cán bộ, chiến sĩ. Việc chăm sóc cán bộ quân đội nghỉ hưu đã có nhiều cố gắng. Trong điều kiện khả năng ngân sách còn hạn hẹp, đã tập trung vào các hoạt động chủ yếu như : chăm sóc cán bộ mắc bệnh hiểm nghèo; tổ chức mời đi nghỉ dưỡng súc, tham quan, thăm hỏi ngày lễ tết và những trường hợp có khó khăn đặc biệt. Nhiều đơn vị đã dành một khoản ngân sách hoặc động viên sự sự hưởng ứng đóng góp của cán bộ chiến sĩ để hỗ trợ cho gia đình quân nhân tại ngũcos khó khăn đột xuất trong thiên tai.
Tuy vậy, bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách đối với hậu phương quân đội mà trực tiếp là chính sách đối với gia đình quân nhân tại ngũ còn lúng túng, chưa được đề cập đúng mức, nhất là đối với gia đình sĩ quan. Phần lớn sĩ quan sống xa gia đình. Mọi vấn đề sinh hoạt và đời sống của gia đình đều dồn lên vai người vợ. Trong khi đó, đồng lương sĩ quan còn hạn hẹp, sự giúp đỡ gia đình là không đáng kể. Số cán bộ có điều kiện hợp lý hóa gia đình phần lớn cũng hết sức  khó khăn về nhà ở, về sinh hoạt, cuộc sống, về đăng ký hộ khẩu,…tác động đến sự an tâm rèn luyện phấn đáu cua sĩ quan. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công ở một số địa phương chưa thường xuyên, chưa kết hợp chặt chẽ giữa việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần với đối tượng chính sách  với việc tuyên truyền giáo dục truyền thống ở địa phương, nhất là đối với thế hệ trẻ.

 Đã 20 năm kết thúc chiến tranh, những tồn đọng về chính sách chưa giải quyết còn rất lớn, tính chất vô cùng phức tạp, khó khăn đang là vấn đề bức xúc, nhức nhối trong đối tượng chính sách và nhân dân các địa phương. Hàng vạn quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh chống Mỹ vẫn chưa xác minh kết luận để báo tin cho gia đình. Vào buổi hoàng hôn cuộc đời, biết bao cụ ông, cụ bà thấp thỏm ngày đêm mong ngóng tin con trai mình, đó là chỗ dựa, nguồn nối dõi lúc cuối đời, đi chiến đấu nay ở đâu, thế nào. Hàng vạn người vợ suốt hàng chục năm trời từ thuở xuân xanh đến lúc bạc đầu, mòn mỏi trông mong tin chồng biền biệt. Biết bao trẻ thơ đến tuổi cắp sách tới trường cần được ưu tiên hưởng những quyền lợi thích đáng. Hàng chục vạn hài cốt liệt sĩ hi sinh trên các chiến trường chưa tìm kiếm, cất bốc, qui tập về các nghĩa trang. Hàng vạn quân nhân chiến đấu bị thương đã chuyển ra ngoài nhưng chưa được kết luận, giám định thương tật để hưởng quyền lợi. Hàng chục vạn trường hợp có thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu nhưng chưa được khen thưởng. Và nhiều vấn đề khác nữa như những người bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh, những người tham gia kháng chiến nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách tương xứng,... Chừng nào tồn đọng chính sách chưa giải quyết hết, chừng đó đối tượng chính sách vẫn còn chịu thiệt thòi về quyền lợi tinh thần vật chất, yêu cầu giải quyết các vấn đề đó vẫn đặt ra thường trực, bức xúc.
Chấp hành Chỉ thị của Chính phủ và Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các ngành, các địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết tồn đọng chính sách, đạt được kết quả khá tốt. Trong quân đội,  với tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm chính trị, Cục Chính sách đã phối hợp với các cơ quan chức năng giúp Bộ Quốc phòng trình lên Đảng và Nhà nước ban hành các văn bản về chủ trương, phương hướng, giải pháp lớn và hướng dẫn tổ chức thực hiện giải quyết tồn đọng chính sách. Các đơn vị, địa phương đã thực sự chủ động đẩy mạnh các hoạt động điều tra, khảo sát, xác minh và kết luận các trường hợp quân nhân mất tin, mất tích; thương binh chuyển ra chưa được giám định về thương tật; chuyển thương binh nặng về gia đình hoặc sang ngành lao động thương binh xã hội. Đã tổ chức nhiều đội qui tập mộ liệt sĩ chuyên trách, đầu tư một khối lượng lớn vật tư, ngân sách và phương tiện tiến hành khảo sát tìm kiếm cất bốc qui tập hàng vạn mộ liệt sĩ ở trong nước và ở Lào, Cămpuchia. Đã giải quyết hàng vạn trường hợp khen thưởng.
Nhìn chung, kết quả đạt được là rất lớn, thực sự giải quyết những yêu cầu bức bách, xác lập căn cứ pháp lý để đối tượng hưởng các quyền lợi theo theo qui định. Kết quả đó góp phần tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với quân đội, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình chính trị, xã hội ở từng địa phương và trong cả nước.
Theo phạm vi được phân công, quân đội đảm nhiệm tìm kiếm cất bốc mộ liệt sĩ ở vùng rừng núi trong nước và ở hai nước bạn Lào, Cămpuchia. Chúng tôi đã cùng với các đơn vị trở lại chiến trường xưa tiến hành khảo sát những địa bàn đã diễn ra nhiều chiến dịch lớn, các trận chiến đấu có qui mô quyết liệt, số lượng cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh nhiều như: Đường 9, Khe Sanh , Hướng Hóa, Cam Lộ tỉnh Quảng Trị, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, các tỉnh Nam Bộ: Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang…Sau khi nắm tình hình mộ liệt sĩ còn lại trên các chiến trường, Cục Chính sách đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan hữu quan đề đạt lên  Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị ban hành các Quyết định về tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện vật tư, ngân sách, xăng dầu và các chế độ chính sách đối với lực lượng khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, qui tập mộ liệt sĩ thuộc các quân khu, đơn vị. Có thể nói, trong việc giải quyết hậu quả chính sách sau chiến tranh, thì việc tìm kiếm, cất bốc, qui tập mộ liệt sĩ là khó khăn, phức tạp nhất. Có khó khăn do hoàn cảnh chiến tranh quyết liệt lâu dài, địa bàn chia cắt, việc quản lý hồ sơ mộ chí của các đơn vị trong chiến đấu trước đây bị mất mát thất lạc; nhiều nhân chứng là người quản lý hồ sơ, đồng đội cùng chiến đấu, hoặc trực tiếp đi mai táng liệt sĩ, thì nhiều người đã hy sinh, từ trần, hoặc còn sống nhưng đã già yếu không còn nhớ được; trong chiến tranh bom đạn cày xới nhiều lần; thời gian đã quá lâu, mưa lũ xói mòn; nhiều nơi trước đây trong chiến tranh cây rừng bị tàn phá trơ trụi nay tái sinh um tùm rậm rạp; hoặc nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nhà máy, khu dân cư mọc lên làm xóa đi dấu tích cũ. Thêm vào đó, trong nhận thức quan điểm và tình cảm của một số ít cán bộ chưa thấy hết qui mô, tính chất khó khăn, phức tạp và ý nghĩa tâm linh, tình cảm trong đời sống xã hội, nên chưa quan tâm đầy đủ, thậm chí có người có lúc còn coi nhẹ vấn đề này.
Tôi nhớ, có một lần vào tháng 7 năm 1994, tôi cùng với anh Đỗ Minh Nguyệt, Trưởng phòng Thương binh Liệt sỹ - Cục Chính sách và anh Út Song, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 7 đến làm việc ở Tỉnh đội Tây Ninh. Anh Ba Hồng, Trưởng ban chính sách báo cáo có phần mộ 21 liệt sĩ của một đợn vị thuộc Sư đoàn 7 Quân đoàn 4,  hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở xã Thanh Điền, đến nay vẫn chưa được bốc lên. Nằm trên phần mộ là một con đường bê tông kiên cố đã trải nhựa. Nghe xong, tôi đề nghị mọi người dừng lại lên ô tô chạy thẳng ra xem xét tại chỗ. Đến nơi, giữa dòng xe ngược xuôi hối hả, dưới nắng gắt đầu giờ chiều, khi nghe cán bộ trình bày, tôi vừa xúc động, vừa bức xúc nói với mọi người cùng đi: “Vậy là chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm rồi, đồng đội chúng ta ở đây vẫn chưa được đưa về an nghỉ trong Nghĩa trang Liệt sĩ. Các anh nằm đó dưới những bánh xe đủ loại đêm ngày lăn qua. Nhức nhối quá! Trong số chúng ta ở đây, nếu ai có cha mẹ mình nằm dưới đó, chắc chắn là không chịu nổi. Hoặc giả sử có thông tin nói rằng, ở dưới đó có một lượng vàng bạc châu báu có giá trị lớn, chắc người ta đã giành nhau khai quật lên từ lâu rồi, dẫu tốn kém đến bao nhiêu. Tôi khẩn thiết đề nghị, nếu không biết thì đành phải chịu; nhưng biết rồi thì nhất thiết phải đưa các anh ấy về Nghĩa trang Liệt sỹ càng sớm càng tốt”. Mấy tháng sau, khi nhận được báo cáo là 21 hài cốt liệt sĩ ở xã Thanh Điền đã được cất bốc đưa về Nghĩa trang Liệt sỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh, lòng tôi thanh thản.

Ngày 10 tháng 5 năm 1996, nhận lời mời của Tổng cục Chính trị Quân đội giải phóng nhân dân Lào, được sự đồng ý của Thủ tưởng Tổng cục Chính trị ta, Đoàn Cán bộ Cục Chính sách sang thăm và làm việc với Cục Chính sách Lào. Đoàn có các anh:  Đinh Công Cử, Đỗ Minh Nguyệt, Đinh Mạnh Toan, Nguyễn Văn Tinh, do tôi làm Đoàn trưởng. Chuyến đi này là nhằm trao đổi thông tin về công tác chính sách giữa hai quân đội. Các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị  Lào đề nghị chúng tôi giới thiệu về công tác chính sách trong quân đội Việt Nam cho cán bộ các cơ quan tại Hội trường Bộ Quốc phòng Lào. Đồng thời, chúng tôi cùng phối hợp với Cục Chính sách Lào bàn bạc giải quyết các tồn đọng về chính sách như cung cấp cho bạn danh sách những cán bộ, chiến sĩ ta đã tham gia chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế trên đất Lào trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ để trình lên Nhà nước Lào khen thưởng các loại Huân chương theo chế độ; tiến hành khảo sát mộ liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào; bàn biện pháp xây dựng một số Nghĩa trang Liệt sĩ và Bia Tưởng niệm Liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở những nơi diễn ra các chiến dịch lớn trong Liên minh chiến đấu Việt – Lào chống kẻ thù chung.
 
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:51:01 pm »

Ngày 15 tháng 5 năm 1996, chúng tôi đi máy bay từ Viêng Chăn đến tỉnh Xiêng Khoảng để khảo sát mộ liệt sĩ và xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ ở Cánh Đồng Chum. Máy bay cất cánh lúc 8 giờ. Bay được khoảng một tiếng đồng hồ, tôi thấy anh Xỉ Thoong Chay, Cục phó Cục Chính sách Lào phụ trách tổ công tác cùng đi với chúng tôi, từ trong phòng tổ lái máy bay bước ra, ghé sát tôi nói nhỏ:
- Báo cáo anh Đẩu: Sau khi bay qua mấy dãy núi cao để vào Xiêng Khoảng, máy bay của chúng ta đang bay vào khu vực thời tiết xấu, mây mù dày đặc, không thể hạ cánh được. Máy bay trước ta đã bị mất liên lạc. Tổ lái sẽ cho máy bay quay về hạ cánh ở sân bay Viêng Chăn. Anh có ý kiến gì không?
Khá bất ngờ, nhìn qua cửa kính máy bay thấy mịt mùng mây trắng xóa như bông, tôi chợt nghĩ và nói:
-  Này anh! Liệu lượng xăng dầu có vấn đề gì không?
Anh Xỉ Thoong Chay trả lời:
-  Anh yên tâm. Bao giờ xăng dầu máy bay cũng đảm bảo đủ cho các trường hợp như thế này.
Tôi nói tiếp:
- Không hạ cánh được thì đương nhiên phải quay về. Tôi không có ý kiến gì về mặt chuyên môn. Nhưng để bảo đảm mọi người có cảm giác bình thường, tôi đề nghị anh chưa báo cho ai biết việc này. Khi xuống sân bay Viêng Chăn rồi thông báo cũng được.
Gần một tiếng sau, máy bay chuẩn bị hạ cánh ở sân bay Viêng Chăn, ngồi trên máy bay nhìn xuống, ai đó hỏi tôi rằng, tại sao Xiêng Khoảng cũng to như Viêng Chăn vậy. Tôi mỉm cười mà chẳng nói gì. Khi mọi người đã yên vị ở phòng đợi ở sân ga, tôi mới nói lại tình hình, đề nghị cả Đoàn nghỉ tại chỗ đến khi nào sân bay Xiêng Khoảng đồng ý tiếp nhận, thì lại bay tiếp. Chờ đến khoảng 11 giờ chúng tôi lên máy bay. Một tiếng sau, máy bay chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Xiêng Khoảng. Ngồi trong máy bay tôi được anh Xỉ Thoong Chay chỉ xuống đường băng và nói với tôi rằng: “Ra đón Đoàn ở dưới đó, người mặc bộ đồ ký giả đứng đầu hàng là anh Phu Mi, Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng; tiếp theo là các anh Xỉ Phon, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Kẹo Phăn, Đại tá, Tỉnh đội trưởng và mấy anh em khác. Đồng chí Phu Mi đã ra tận cầu thang máy bay ôm lấy tôi nồng ấm. Trưa hôm đó Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh đã tổ chức chiêu đãi Đoàn chúng tôi ở nhà khách Tỉnh ủy. Tại đây, chúng tôi được đồng chí Phu Mi thông báo chính thức là chiếc máy bay bay trước chúng tôi mấy phút, do một phi công rất giỏi đã lái xuyên mây để hạ cánh, nhưng không may đã đâm vào núi và tử nạn hết. Toàn bộ hành khách, chủ yếu là Lào kiều, thuộc dân tộc HMông ở Mỹ về thăm gia đình. Nghe xong, chúng tôi thật hú vía và thương cảm những người không may đó. Mấy ngày sau về lại Viêng Chăn, anh Khăm Xẩy, Cục trưởng Cục Chính sách Lào nói với tôi là: “ Bữa đó, khi nghe tin máy bay rơi ở Xiêng Khoảng, ở cơ quan chúng tôi mọi người nghĩ là máy bay chở Đoàn các anh, các gia đình của mấy anh cán bộ Cục Chính sách Lào đã khóc và lập bàn thờ cầu siêu cho tất cả cán bộ trong Đoàn công tác, cả Lào và Việt Nam “. 

 Sau đó một thời gian không lâu, Đoàn cán bộ cao cấp của quân đội ta do anh Đào Trọng Lịch, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sang công tác ở Lào, trên đường bay từ Viêng Chăn đi Xiêng Khoảng đã lâm nạn. Toàn bộ Phi hành đoàn và 14 thành viên của Đoàn cán bộ đều hy sinh, trong đó có 5 cán bộ cấp tướng. Đây là một tổn thất to lớn - điều mà cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ chưa hề xẩy ra.
Nghe nói đã lâu những đến lúc đó tôi mới đặt chân đến Cánh Đồng Chum. Gọi là Cánh Đồng Chum vì trên các dãy đồi giữa một cao nguyên rộng lớn, có hàng trăm, hàng ngàn cái chum bằng đá cẩm thạch như được những bàn tay của người khổng lồ hoặc một siêu nhiên huyền bí đẽo gọt, với đường kính trên dưới một mét, cao xấp xỉ bằng đầu người, có chiếc còn nguyên nhưng cũng có chiếc bị vỡ, bị sứt mẻ. Tôi được các bạn Lào kể rằng, người đầu tiên tìm phát hiện ra những chiếc chum đó là nữ khảo cổ học Madeleine Colani, người Pháp làm việc ở Viện Viễn đông Bác cổ, khai quật từ năm 1930. Nguồn gốc của những chiếc chum này vẫn còn hai giả thuyết có tính huyền thoại: Một là, những chiếc chum đó là do một vị vua từ thời cổ đại tạo ra và dùng để ủ rượu khao quân; Hai là, những chiếc chum đó là những chiếc quách đựng di cốt trong một nghĩa trang khổng lồ. Đến nay, cùng với thời gian, bí mật về những chiếc chum đó vẫn là điều bí ẩn, thách thức nhân loại. Giữa một chiều hè, nắng vàng, gió lộng, chúng tôi trèo lên những cái chum to giữa thảo nguyên mênh mông. Anh Phu Mi Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng Xiêng Khoảng và các anh em cán bộ Lào đã cùng chúng tôi thắp hương Nghĩa trang Liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại Cánh Đồng Chum. Sau đó, chúng tôi đã cùng với các anh ở Tỉnh đội Xiêng Khoảng khảo sát nắm lại tình hình mộ liệt sĩ còn nằm rải rác ở các khu vực.
Cánh Đồng Chum là một cao nguyên rộng lớn, địa thế núi non hùng vĩ,  nằm ở cuối phía bắc dãy Trường Sơn. Đây là một địa bàn chiến lược quan trọng. Tôi nghe nói, trước đây có nhà quân sự Pháp đã chỉ ra rằng, ai chiếm được Cánh Đồng Chum thì khống chế được cả Đông Dương. Chính vì vị trí chiến lược đó, mà trong chiến tranh, kẻ địch thường cho quân nhiều lần đánh chiếm Cánh Đồng Chum. Nơi đây, trong kháng chiến chống Mỹ, các đơn vị chủ lực của ta như Sư đoàn 335, Sư đoàn 312, Sư đoàn 316 và nhiều đơn vị khác đã sát cánh với bộ đội Pa thét Lào, liên tục chiến đấu chống kẻ thù chung, lập nên những chiến công to lớn. Với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình, suốt mấy chục năm chiến tranh, trong nhiều chiến dịch lớn và các trận chiến đấu quyết liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, mà đến nay nhiều trường hợp vẫn chưa tìm thấy mộ.

Tôi đã nhiều lần trực tiếp đến thăm và làm việc với các đội qui tập mộ liệt sĩ của các tỉnh thuộc Quân khu 4, Đội qui tập mộ liệt sĩ của Quân khu 2, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9. Toàn quân có đến 20 đội. Có người gắn bó lâu năm với nhiệm vụ này như đồng chí Hồ Văn Bình, quê ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An làm Đội trưởng Đội qui tập mộ liệt sĩ Tỉnh đội Nghệ An. Anh em các đội qui tập đã lăn lộn hàng chục năm trời, băng qua rừng sâu, núi thẳm, vượt thác ghềnh, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, giữa mùa đông giá lạnh, trong mùa khô đi cả ngày đường không tìm được một giọt nước, rồi thổ phỉ, thú rừng rình rập, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, đã tìm kiếm, cất bốc qui tập mộ hàng nghìn mộ liệt sỹ Quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào. Đồng chí Phạm Viết Hòa ở Đội qui tập Tỉnh đội Nghệ An đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ ngày 8 tháng 3 năm 1998 tại sông Xê Băng Hiêng, tỉnh Savanakhet. Đồng chí Đặng Văn Phúc, quê ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà tĩnh, Đội trưởng Đội qui tập mộ liệt sĩ Tỉnh đội Đồng Nai có thành tích đặc biệt xuất sắc được tuyên dương Anh hùng. Các đội qui tập mộ liệt sĩ thuộc các tỉnh đội:  Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được tuyên dương là Đơn vị Anh hùng. Phần đông cán bộ, chiến sĩ thuộc các đội qui tập mộ liệt sĩ đều được khen thưởng.
Nhiều lần tôi tham gia đón hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tây Trang (Điện Biên), Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An), Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng (Thanh Hóa), Nghĩa trang Liệt sĩ ở Nầm (Hương Sơn, Hà tĩnh), Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị),…Khi nhìn những hài cốt liệt sĩ được chuyển về, nhiều hài cốt không còn nguyên vẹn, tôi ngậm ngùi xúc động đến nghẹn lòng. Hình ảnh những gương mặt thân thương quí mến của những người bạn chiến đấu năm xưa hiện về trong tôi. Họ là đồng đội cùng trang lứa với tôi trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt. Họ hy sinh cho Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Hầu hết mới rời ghế học trò, chưa lập gia đình, tự nguyện ra đi chiến đấu vì tình yêu quê hương, Đất nước.
Tôi đã theo bước chân các anh em chiến sĩ còn độ tuổi thanh xuân vượt núi, leo rừng trở về chiến trường xưa để tìm kiếm mộ liệt sĩ trong những điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Nhiều đồng chí đã hy sinh tính mạng hoặc đã bị thương trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, qui tập mộ trên các chiến trường.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #55 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:51:42 pm »

 Bằng những suy tư, tình cảm sâu lắng, được chắt ra từ con tim, tự đáy lòng mình, cảm xúc dâng trào, với tiếng lòng nhắn nhủ anh linh những đồng đội đã hy sinh và sẻ chia với những người không quản ngại gian khổ, hy sinh trở về chiến trường xưa đi tìm đồng đội, tôi đã viết bài thơ:
             
               
LỜI NGƯỜI ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI

Chúng tôi trở về những cánh rừng xưa
Nơi cháy bỏng một thời chinh chiến
Nơi chất chứa vui buồn kỷ niệm
Đồng đội ơi!
                    Các anh nằm đâu?
Các anh nằm đâu giữa rừng rậm núi cao
Khi đất nước từng ngày đổi mới
Khi xuân sang thắm sắc hoa đào.
Trụi lá, rừng xưa nay đã xanh màu
Phía trước, phía sau
Miệng hố bom thù đã khép.
Vẹn nguyên tuổi xuân các anh
Quyện hòa cùng đất nước
Bao đêm trường mẹ thức
Khói hương nguyện các anh về
Mấy mươi năm từng hẻm phố, đường quê
Những vành môi đợi chờ héo úa
Những ánh mắt võ vàng khát khao ngày đoàn tụ
Mẹ già mái tóc bạc phơ.
Chúng tôi trở về những cánh rừng xưa
Thắp sáng niềm tin, chúng tôi tìm đồng đội
Trong thăm thẳm có người không trở lại
Sốt rét, đạn bom, thác lũ, thú rừng
Giữa thanh bình hiến trọn tuổi thanh xuân.
Lại trở về những cánh rừng xưa
Thắp sáng niềm tin, chúng tôi tìm đồng đội
Vai áo bạc, dép mòn đá núi
Đồng đội ơi! Các anh nằm đâu
                                    Đồng đội ơi !
                                                    Các anh nằm đâu?!


Trong một số lần đến thăm các đội qui tập mộ liệt sĩ, có lúc bên cạnh những hài cốt mới được qui tập về, tôi đã đọc bài thơ đó cho anh em cùng nghe. Nhiều lần, cả người đọc và người nghe đều ngẹn ngào, rưng rưng nước mắt.
Bài thơ này đã được Cục Chính sách dựng thành hoạt cảnh thơ trong lần Hội diễn văn nghệ quần chúng cơ quan Tổng cục Chính trị. Nhạc sĩ Minh Quang đã phổ nhạc và Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đã trình diễn nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2007). Hôm Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, tôi được mời lên sân khấu để nhận hoa của khán giả trong niềm vui xen lẫn sự ngẹn ngào.
 Bên cạnh những kết quả đạt được là rất lớn, số lượng tồn đọng chính sách chưa được giải quyết vẫn còn nhiều. Trong nhận thức của các cấp chưa thấy hết, chưa lường được đầy đủ qui mô khối lượng, tính chất khó khăn, phức tạp, đa dạng, nan giải của các vấn đề tồn đọng về chính sách sau chiến tranh; chưa lường hết những tác động nhiều chiều về chính trị, tư tưởng, tâm lý, kinh tế  - xã hội của vấn đề này. Còn có tư tưởng đơn giản, nóng vội trong việc đề ra chỉ tiêu, biện pháp giải quyết.Việc đầu tư lực lượng, ngân sách, vật tư, phương tiện, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa tương xứng với nhu cầu. Trong tổ chức thực hiện ở một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức nên chỉ đạo không kịp thời. Thêm vào đó, một số hiện tượng tiêu cực phát sinh trong tổ chức thực hiện làm cho tình hình phức tạp thêm.
Cũng là tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, có mấy vấn đề nổi cộm lên, khá bức xúc trong nhiều năm, thì đến thời kỳ này đã giải quyết được một cách tốt đẹp. Đó là : chính sách đối với hàng vạn quân nhân phục viên ở Miền Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 ; chính sách đối với anh em “B trọc”, “ B trụ” trong kháng chiến chống Mỹ; việc tính toán để trả lại tiền gửi tiết kiệm của quân nhân trước khi đi B.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, quân đội đã giải quyết cho 8 vạn quân nhân chuyển ra ngoài theo chế độ phục viên ( quân số thực tế sau này thực hiện chính sách còn cao hơn ). Đây là lớp người có nhiều cống hiến hy sinh trong suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Nhưng vì điều kiện kinh tế tài chính của đất nước lúc bấy giờ vừa mới thoát ra khỏi chiến tranh còn muôn vàn khó khăn, nên chế độ quyền lợi đối với quân nhân phục viên là rất ít ỏi, hầu như không có gì đáng kể. Đến nay, lớp người đó đã già yếu, đời sống rất khó khăn. Vấn đề giải quyết chính sách đặt ra từ hàng chục năm rồi vẫn không triển khai được, vì có hai nguyên nhân cơ bản: về quan điểm, nhận thức và về khả năng ngân sách của Nhà nước. Về quan điểm, nhận thức, có ý kiến không đồng ý giải quyết lại, với lập luận cho rằng, đây là vấn đề của lịch sử, hãy giải quyết theo quan điểm lịch sử cụ thể. Nghĩa là, thuở đó tòng quân tham gia chiến đấu xuất phát từ lòng yêu nước, có giặc là đi đánh giặc, giặc tan thì trở về; cả bộ máy quân dân chính đảng lúc đó đều thực hiện chế độ bảo đảm cung cấp, chưa có chế độ tiền lương, phụ cấp. Nay đem ra giải quyết thì vô hình dung là cấp lương cho người đi đánh giặc- điều mà từ xưa ông cha ta chưa bao giờ làm. Về ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện chế độ đối với đối tượng này với một số lượng rất lớn là chưa có khả năng.
Để bảo đảm sự công bằng của chính sách; góp phần hỗ trợ một phần đời sống của những quân nhân có cống hiến hy sinh nay tuổi cao sức yếu đời sống khó khăn; sau nhiều năm khảo sát nghiên cứu, Cục Chính sách đã chủ trì phối hợp với các cơ quan trong và ngoài quân đội giúp Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành chế độ đới với quân nhân tham gia kháng chiến chống Pháp, phục viên trong khoảng thời gian từ tháng 7-1954 đến tháng 12- 1960. Mức trợ cấp một lần được tính theo thời gian phục vụ quân đội của mỗi người. Chính sách này đã đem lại quyền lợi cho hơn 20 vạn người, giải quyết gọn trong mấy năm, được nhân dân và đối tượng chính sách hoan nghênh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà nước ban hành chế độ trợ cấp B cho những người có thân nhân ở hậu phương, bao gồm: cha mẹ đã hết tuổi lao động và con chưa đến tuổi lao động. Chế độ trợ cấp B cùng với các chính sách ưu đãi khác được thực hiện ở địa phương đã góp phần động viên quân nhân yên tâm chiến đấu ở chiến trường; đồng thời góp phần ổn định hậu phương trong chiến tranh. Trên thực tế có một tình hình là : nhiều quân nhân đi chiến đấu ở chiến trường B,C,K  mà không có thân nhân được hưởng trợ cấp B ( gọi nôm na là “B trọc”); và những quân nhân được quân đội giao nhiệm vụ ở lại Miền Nam bám trụ tiếp tục hoạt động cách mạng sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 (gọi nôm na là “B trụ”). Cả hai loại đối tượng này không được hưởng quyền lợi về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp trong suốt thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường. Trong khi đó, nếu họ ở Miền Bắc thì được hưởng đầy đủ chế độ quyền lợi theo qui định. Đó là một điều không công bằng trong chính sách đãi ngộ, gây nên nhiều bức xúc, trong nhiều năm chưa giải quyết được.
 Sau một thời gia dài nghiên cứu khảo sát, Cục Chính sách đã giúp Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành chính sách, chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B,C,K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng ở Miền Bắc và quân nhân, cán bộ ở lại  hoạt động ở Miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Chế độ được hưởng là tính theo thời công tác, chiến đấu tại chiến trường của mỗi người. Chế độ này đã đem lại quyền lợi cho hơn 16 vạn cán bộ. Với số tiền mỗi người được hưởng không lớn nhưng về ý nghĩa chính trị tinh thần là bảo đảm sự công bằng tương đối nên được mọi người hoan nghênh.
Trước đây, có nhiều quân nhân đi chiến đấu ở chiến trường B,C,K không có gia đình ở Miền Bắc đã gửi số tiền còn lại trước ngày lên đường vào Quỹ tiết kiệm. Các Sổ tiết kiệm đó do Cục Chính sách quản lý và trao lại anh em khi ra Bắc. Trong thời gian chiến tranh và sau khi giải phóng Miền Nam, nhiều người đã đến Cục Chính sách để lấy lại Sổ để nhận tiền ở các Quầy Tiết kiệm. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng tiền và mức lãi suất tiết kiệm quá thấp, không tương thích với giá trị của đồng tiền khi gửi, thậm chi không bù đắp được các chi phí đi lại. Do đó, nhiều trường hợp không đến nhận. Thật là một sự thiệt thòi lớn đối với anh em.
Trước tình hình đó, chúng tôi đã bàn bạc trao đổi với cơ quan Ngân hàng, cơ quan Bộ Tài chính, thống nhất cách tính là: lấy số tiền lúc gửi của anh em qui ra gạo ở thời điểm đó ( tức là chia cho giá gạo trước đây 0,4 đồng/kg) rồi nhân với giá gạo theo thị trường hiện nay thành tiền gốc và tính lãi suất ngân hàng hiện nay trên số tiền đã được tính lại. Cách tính đó sau khi được lãnh đạo Ngân hàng Trung ương chấp thuận, tôi đã báo cáo và được anh Nguyễn Sinh Hùng Bộ trưởng Bộ Tài chính đồng ý. Cục Chính sách đã thông báo cho những quân nhân gửi tiền trước đây đến nhận lại Sổ tiết kiệm để nhận tiền.
Hồi ấy, nhũng cán bộ trực tiếp giúp Cục nghiên cứu đề nghị các nội dung chính sách trên đây là các anh Đỗ Quang Bích, Lê Sĩ Toàn, Đinh Công Cử, Đinh Mạnh Toan, Hàn Đức Chiến, Trần Minh và chị Hồ Thủy.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #56 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:52:52 pm »

 Có một trường hợp cụ thể về giải quyết tồn đọng chính sách sau chiến tranh nhưng có ý nghĩa rất lớn. Đó là việc tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ Trung tướng Nguyễn Bình.
Nhiều năm sau giải phóng Miền Nam, gia đình Trung tướng Nguyễn Bình có nguyện vọng tha thiết tìm được mộ của ông. Đây là một việc rất khó vì Nguyễn Bình hy sinh từ giữa những năm kháng chiến chống Pháp trên đất Cămpuchia. Việc tìm kiếm cất bốc mộ Nguyễn Bình trở thành một vấn đề có ý nghĩa chính trị lớn. Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị giao cho Cục Chính sách đảm nhiệm.
Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi đã trực tiếp nghiên cứu kỹ các tài liệu nói về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Bình, tìm gặp những nhân chứng từng tham gia chiến đấu, công tác - nhất là những người biết cụ thể về trường hợp hy sinh của Nguyễn Bình gần nửa thế kỷ trước. Nguyễn Bình là con người của lịch sử. Viết về Trung tướng Nguyễn Bình đã có nhiều sách báo. Ông sinh năm 1908 tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi. Thời kỳ ban đầu với tên gọi là Nguyễn Phương Thảo, đảng viên Quốc Dân Đảng, ông hoạt động cách mạng ở Sài Gòn. Sau đó, ông bị địch bắt giam ở Côn Đảo. Trong  nhà tù thực dân đế quốc, do giác ngộ, ông đã cùng với Trần Huy Liệu, Mai Đắc Bân,…ly khai Quốc Dân Đảng, chuyển hướng hoạt động theo những người Cộng sản. Chính sự ly khai đó, ông bị những người Quốc Dân Đảng trả thù bằng cách móc một mắt bên trái. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Giữa năm 1945, ông là Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông chỉ huy nghĩa quân và nhân dân giành chính quyền ở thị xã Quảng Yên  ngày 19 tháng 7 năm 1945. Đây là tỉnh lỵ được giải phóng đầu tiên trong cả nước. Sau Cách mạnh Tháng Tám 1945, ông được cử giữ chức Khu trưởng Khu Duyên hải Đông bắc (nay là Quân khu 3).
Tháng 10 tháng 1945, ông được Bác Hồ trực tiếp cử vào Nam Bộ với nhiệm vụ thống nhất các lực lượng vũ trang để chống Pháp. Hồi đó, ở Nam Bộ lực lượng vũ trang bị phân tán cát cứ manh mún tranh giành ảnh hưởng trong các đảng phái, tôn giáo. Bằng tài năng và uy tín của mình, Nguyễn Bình đã góp công lớn trong việc thống nhất được lực lượng vũ trang ở Nam Bộ thời kỳ đầu chiến tranh. Với cương vị được giao là Khu bộ trưởng Khu 7 rồi Tư lệnh Nam Bộ, Nguyễn Bình đã chỉ huy chiến đấu nhiều trận giành thắng lợi.
Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định phong quân hàm cấp tướng đợt đầu tiên của quân đội ta gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một Trung tướng là Nguyễn Bình và 11 Thiếu tướng.
 Tháng 6 năm 1951, Nguyễn Bình được Trung ương triệu tập ra Bắc dự hội nghị. Đoàn tùy tùng có một số cán bộ và 22 chiến sĩ bảo vệ, xuất phát từ Tân Uyên xuyên qua vùng Đông Bắc Cămpuchia đi ra Bắc. Chiều ngày 29-9-1951, khi Đoàn dừng chân tại phum Kpal- RôMia, xã Sô-rê-pốc, tỉnh Stung-Treng, Nguyễn Bình  bị địch phục kích, hy sinh. Năm 1952, Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Quân công Hạng Nhất.
Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia Cămpuchia; theo đề nghị của Cục Chính sách, ngày 24 tháng 2 năm 2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định cử Đoàn Công tác đặc biệt sang Cămpuchia để tìm mộ Trung tướng Nguyễn Bình. Đoàn có 14 người do Đại tá Đỗ Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hậu phương Cục Chính sách dẫn đầu. Trong đoàn còn có Trung tá Hồ Ngọc Vận cán bộ Phòng Hậu phương Cục Chính sách,  Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (Ba Cung) nguyên Đoàn phó Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cămpuchia cùng một số cán bộ vốn là chiến sĩ trong Đoàn hộ tống Nguyễn Bình năm xưa. Bộ Quốc phòng còn điều một máy bay trực thăng cùng tổ lái thuộc Sư đoàn 372 - Quân chủng PKKQ làm nhiệm vụ chuyên chở. Được sự giúp đỡ của bộ đội, nhân dân Bạn, đặc biệt là nhân dân phum Kpal-RôMia, sau mấy ngày tìm kiếm, Đoàn công tác đặc biệt đã phát hiện được phần mộ Nguyễn Bình tại phum Kpal-Mia. Có người dân đi an táng Nguyễn Bình từ lúc còn rất trẻ nay đã là một cụ già nhưng họ vẫn nhớ khá cụ thể. Bởi vì từ đó đến nay nhân dân ở đây vẫn gọi ngôi mộ đó là mộ của lục-thum (ông lớn) và chăm sóc, không bị thất lạc.
Khi được anh Đỗ Minh Nguyệt và anh Hồ Ngọc Vận từ Cămpuchia điện về báo cáo kết quả đã tìm được mộ, chúng tôi lập kế hoạch báo cáo Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng tổ chức đón tiếp, lễ truy điệu, lễ an táng hài cốt Nguyễn Bình theo nghi thức cấp Nhà nước. Anh Phạm Thanh Ngân Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giao cho Cục Chính sách viết dự thảo Lời Điếu thông qua Thủ trưởng Tổng cục Chính trị để báo cáo lên Bộ Quốc phòng.
Nghiên cứu lý lịch, đọc lại những quyển sách viết về Nguyễn Bình và nhất là tiếp xúc với những nhân chứng lịch sử, chúng tôi đã thể hiện Lời Điếu toát lên chân dung của Trung tướng Nguyễn Bình là một người cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược. Công lao và tên tuổi Trung tướng Nguyễn Bình mãi ngời sáng.
Ngày 11 tháng 3 năm 2000, Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng; Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trọng thể tổ chức lễ viếng và lễ an táng hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình ở Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Thượng tướng Phạm Văn Trà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã long trọng đọc lời điếu. Với tấm lòng cảm phục và biết ơn Trung tướng Nguyễn Bình, đại diện cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, ban ngành, đồng chí đồng đội và tầng lớp nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương Nam Bộ đến dự lễ viếng. Sau gần nửa thế kỷ yên nghỉ trên đất Bạn, do hoàn cảnh lịch sử, đến lúc đó Nguyễn Bình mới về trong lòng đất mẹ Tổ quốc.
Một thời gian ngắn sau đó, Trung tướng Nguyễn Bình đã được Nhà nước truy tặng các phần thưởng cao quí : Huân chương Hồ Chí Minh và Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bao giờ cũng vậy, biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước thành nội dung chính sách cụ thể và đưa nội dung chính sách đó vào cuộc sống, thành quyền lợi thiết thực trực tiếp của đối tượng chính sách, phải thông qua vai trò của những tập thể và những con người cụ thể - đó là đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách. Việc xây dựng Cục Chính sách và ngành chính sách trong quân đội thời kỳ này đạt được những kết quả tốt. Công tác chính sách bao gồm hoạt động nghiên cứu đề đạt ban hành chính sách; hoạt động tổ chức thực hiện chính sách; hoạt động quản lý, kiểm tra chấp hành chính sách. Cục Chính sách với tư cách là cơ quan chức năng đầu ngành về công tác chính sách trong quân đội, có ba chức năng cơ bản: Một là, tham mưu cho Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tham gia nghiên cứu đề đạt chính sách, chế độ đối với quân đội, hậu phương quân đội và các chính  sách khác có liên quan; Hai là, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị triển khai tổ chức thực hiện các nội dung chính sách đã ban hành; Xây dựng Cục vững mạnh toàn diện, đồng thời trực tiếp một số khâu trong tổ chức thực hiện nội dung chính sách theo phân công, phân cấp.
Trước hết, với vai trò là Cục trưởng, tôi và các anh Cục phó Phạm Lam, Đỗ Quang Bích cùng tập thể Đảng ủy Cục đã tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu xây dựng chính sách. Thực tiễn cho thấy, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu đề đạt nội dung chính sách là rất quan trọng. Trên cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; nắm vững tình hình thực tiễn, những vấn đề đặt ra về mặt chính sách đối với yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và ổn đinh hậu phương quân đội; công tác nghiên cứu đã có nhiều cố gắng trong việc biên soạn xây dựng các nội dung chính sách đề nghị trên ban hành. Việc nghiên cứu xây dựng chính sách được đặt trong một kế hoạch cơ bản và thống nhất. Kết hợp những vấn đề cơ bản lâu dài với những vấn đề cấp bách trước mắt. Vừa xử lý những vấn đề tồn đọng do hậu quả chiến tranh hơn ba chục năm để lại, vừa triển khai nghiên cứu những vấn đề mới theo yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới. Theo phạm vi đảm nhiệm, Cục Chính sách chủ trì nghiên cứu chế độ, chính sách đãi ngộ đối với quân đội, hậu phương quân đội; đồng thời đã tích cực tham gia nghiên cứu các chính sách có liên quan do các Bộ, ban ngành của Nhà nước hoặc các cơ quan trong quân đội nghiên cứu ban hành, do đó, bảo đảm các chế độ chính sách đó giữ được trong mối quan hệ cân đối chung, nhất quán và công bằng. Yêu cầu đối với cán bộ đảm nhiệm công tác nghiên cứu chính sách là phải có trình độ chính trị - quân sự theo yêu cầu trong quân đội; có trình độ hiểu biết tương đối rộng về khoa học xã hội, nhân văn, về các chính sách kinh tế - xã hội; có phương pháp nghiên cứu khoa học thực tiễn, tích lũy được kinh nghiệm; có khả năng biên soạn các văn kiện về các nội dung chính sách. Đồng thời với năng lực thông qua tích lũy học tập, qua báo cáo của cơ quan chính sách cấp dưới, ý kiến đề đạt của của các cơ quan chức năng, muốn nắm thật chắc, đề đạt đúng và trúng nội dung, cán bộ nghiên cứu chính sách phải thâm nhập thực tế, khảo sát tình hình để hiểu được điều kiện môi trường hoạt động và những nhu cầu bức thiết của đối tượng chính sách.
Hồi đó tôi đã cùng với nhiều cán bộ nghiên cứu chính sách đi nhiều nơi, trực tiếp đến các lực lượng thuộc Quân chủng Hải quân (cả ven bờ, trên tàu và ngoài đảo); hầu hết các căn cứ sân bay quân sự từ Bắc vào Nam để khảo sát nhiệm vụ đặc thù và những nhu cầu của phi công và thợ kỹ thuật đối với các loại máy bay chiến đấu thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân; một số nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và một số kho cất chứa vũ khí đạn dược thuộc Cục Quân khí-Tổng cục Kỹ thuật; đến một số đơn vị xe tăng- thiết giáp, đến các đơn vị công binh xây dựng các công trình quốc phòng; một số đồn biên phòng và một số đơn vị đóng quân trên biên giới, hải đảo xa. Đó cũng là sự trải nghiiệm cần thiết để tăng thêm chất liệu, vốn sống của cán bộ nghiên cứu chính sách chúng tôi.
Thời kỳ này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng Cục; bằng sự nỗ lực phấn đấu học tập rèn luyên trong thực tế công tác của mỗi người, Cục Chính sách đã có được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, trách nhiệm chính trị cao và có khả năng tương đối toàn diện như: Đinh Công Cử, Đinh Mạnh Toan, Đỗ Minh Nguyệt, Lê Sĩ Toàn, Hàn Đức Chiến, Lê Thế Hải, Đỗ Văn Sử, Hoàng Đức Cân, Trần Văn Minh, Hồ Ngọc Vận, Hồ Thủy, Nguyễn Bá Bồng, Vũ Minh Tiến, Đặng Việt Tiến, Trần Quốc Dũng,…
Chính sách là một lĩnh vực công tác liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan. Trong suốt quá trình nghiên cứu đề đạt chính sách, Cục Chính sách chúng tôi đã nhận được sự phối hợp, giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của lãnh đạo và cán bộ chuyên trách của các cơ quan hữu quan trong, ngoài quân đội. Trong quân đội thì có Cục Cán bộ, Cục Quân lực, Cục Tài chính, Cục Quân y, Văn phòng Tổng cục Chính trị, Văn phòng Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan khác. Ngoài quân đội thì có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương,…
Sau khi đã có nội dung chính sách, việc tổ chức thực hiện giữ vai trò rất quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chính sách. Kinh nghiệm cho thấy, có lúc có một số chế độ chính sách được ban hành chính xác, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan tổ chức thực hiện không đúng, không kịp thời đã hạn chế vai trò ý nghĩa của chính sách, tác động không tốt đến tình cảm, tư tưởng của đối tượng chính sách và nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của trên, Cục Chính sách đã triển khai chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách được chính xác kịp thời, đưa các nội dung chính sách vào thực tiễn, biến các chế độ qui định trên văn bản của Nhà nước và quân đội thành quyền lợi cụ thể của đối tượng chính sách. Cán bộ, nhân viên trong Cục đã không ngừng nâng cao trách nhiệm chính trị và tình cảm trong chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện cũng như trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách.
Trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc tổ chức thực hiện chính sách, có nhiều cán bộ xông xáo nhiệt tình, có chất lượng và hiệu quả công tác tốt như: Đỗ Minh Nguyệt, Nguyễn Xuân Duyệt, Trần Hữu Đạt, Vũ Thược, Lê Minh Khuê, Nguyễn Tuấn Năng, Nguyễn Văn Tinh, Lê Đại Hiệp, Hoàng Đức Cân, Phan Mạnh Hùng, Đỗ Quốc Công, Lê Quang, Hồ Ngọc Vận, Tạ Đình Đại, Phạm Văn Chung, Trần Tiến, Hoàng Thị Dung,…
Thông qua việc tổ chức thực hiện, trực tiếp tiếp xúc với đối tượng chính sách, cán bộ càng hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa đích thực của chính sách; đồng thời phát hiện được những vấn đề bất hợp lý cả về nội dung cũng như qui trình, thủ tục triển khai của các chế độ đã ban hành để tiếp tục nghiên cứu đề nghị bổ sung sửa đổi trong điều kiện mới. Việc nghiên cứu xây dựng nội dung chính sách bao giờ cũng phải lường hết mọi vấn đề trong tổ chức thực hiện. Thời kỳ này những cán bộ chủ chốt trong các phòng nghiệp vụ vừa đảm nhiệm công tác nghiên cứu vừa chịu trách nhiệm hướng dẫn theo dõi việc tổ chức thực hiện chính sách theo từng chuyên đề.
Nhờ có chính sách đúng, tổ chức thực hiện kịp thời, đúng đủ, chu đáo, công tác chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần xứng đáng vào yêu nhiệm vụ xậy dựng quân đội, củng cố quốc phòng, ổn định hậu phương quân đội.
Trong thời kỳ đổi mới, nhiều nội dung chính sách được ban hành, đòi hỏi cán bộ chính sách các cấp phải nắm vững để tổ chức thực hiện. Với tinh thần kịp thời phổ cập nội dung chính sách, bắt đầu từ năm 1992 trở đi, cứ hai năm một lần, Cục Chính sách đã tiến hành tập huấn cán bộ chính sách toàn quân. Năm 1992 tập huấn ở Đoàn 295 Đồ Sơn- Hải Phòng. Năm 1994 tập huấn ở T67 thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1996 tập huấn ở Đoàn 296 Sầm Sơn - Thanh Hóa. Năm 1998 tập huấn ở Đoàn 40B- Huế. Năm 2000 tập huấn ở Nha Trang - Khánh Hòa. Trước mỗi lần tập huấn, từng Phòng nghiệp vụ phân công cán bộ chuẩn bị kỹ đề cương; với yêu cầu đúng, đủ, hấp dẫn, có liên hệ với thực tế phong phú, sinh động; các trưởng phòng rồi Thủ trưởng Cục thông qua theo phạm vi phụ trách. Sau đó, tổ chức giới thiệu cho anh em trong Cục nghe trước để  anh em bình giảng, góp ý bổ sung hoàn thiện đề cương. Với cách làm đó, nội dung giới thiệu đạt chất lượng tốt.
Kết quả thu được qua các lần tập huấn phổ cập nội dung chính sách là nâng cao trình độ nghiệp vụ; đồng thời  giao lưu nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chính sách giữa các đơn vị. Thông qua đó, xây dựng ngành chính sách trong mối quan hệ chặt chẽ cả về nghiệp vụ chuyên môn, cả về tình cảm gắn bó.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #57 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:53:35 pm »

Tháng 9 năm 1994, tôi được triệu tập về học lớp đào tạo ngắn hạn tại Học viện Quốc phòng. Thời gian học sáu  tháng. Chương trình học là khối kiến thức chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành cấp chiến dịch - chiến lược. Giám đốc Học viện là Trung tướng Nguyễn Hải Bằng, Phó Giám đốc về Chính trị là Thiếu tướng Lê Văn Dương. Ngoài thời gian học tại Học viện, chúng tôi còn được đi tập bài trên thực địa ở các khu vực xa. Cùng khóa học với tôi ngày đó, sau này có nhiều người trở thành cấp tướng: Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Thiếu trưởng Trịnh Ngọc Huyền, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Trung tướng Trần Nam Phi, Tổng cục phó Tổng cục 2; Trung tướng Nguyễn Phúc Hoài, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh quân đội; Trung tướng Chu Tiến Cường, Cục trưởng Cục Quân y; Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Phú, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Thiếu tướng Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần…
Mười năm sau, năm 2005, tôi trở lại Học viện Quốc phòng dự lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh dành cho cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội, trong một thời gian ngắn. Lớp bồi dưỡng đó có đến mười Ủy viên Trung ương Đảng, mười Bộ trưởng, mười Bí thư tỉnh ủy và hai mươi sĩ quan cấp tướng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Cùng với việc triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, những năm 90 của thế kỷ trước, hệ thống cơ quan chính sách được kiện toàn, củng cố cả về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới (thành lập Phòng Bảo hiểm xã hội - Cục Chính sách; phòng chính sách ở các tổng cục, ban chính sách ở các đơn vị trực thuộc Bộ). Thường xuyên quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của  Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về nhiệm vụ quân sự và quốc phòng, lãnh đạo, chỉ huy Cục Chính sách đã triển khai thực hiện công tác chính sách đạt được nhiều kết quả tốt.
Trong điều kiện mới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những biến đổi; yêu cầu xây dựng quân đội; đặc điểm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra những vấn đề mới. Do đó, cần phải tìm ra những yêu cầu và giải pháp cơ bản để tiếp tục đổi mới chính sách đãi ngộ đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong tình hình mới. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cả về trước mắt và cơ bản lâu dài, năm 1996, Cục Chính sách được Tổng cục Chính trị giao triển khai nghiên cứu đề tài cấp Bộ Quốc phòng: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách đãi ngộ đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong thời kỳ mới”, mang mã số KXB-96-08, thuộc Chương rình Nhà nước KXB-96. Tôi vinh dự được phân công làm Chủ nhiệm đề tài, anh Trần Minh làm thư ký đề tài. Thành viên Ban đề tài còn có các anh : Đinh Công Cử,  Hàn Đức Chiến, Lê Thế Hải. Từ năm 1996 đến năm 1998, đề tài đã được triển khai nghiên cứu công  phu. Ban đề tài chúng tôi đã trải qua rất nhiều trăn trở, suy nghĩ từ nghiên cứu lý luận xây dựng đề cương đến biên tập, khảo sát nghiên cứu tình hình thực tiễn; đã cố gắng tranh thủ ý kiến tham gia của nhiều chuyên gia là các nhà quản lý, các nhà khoa học và đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài quân đội; tiến hành điều tra xã hội học trên diện rộng. Nội dung đề tài đã tiếp thu và gắn kết với kết quả nghiên cứu của Chương trình KXB-96. Trên cơ sở kế thừa những công trình khoa học hiện có, với phương pháp kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, đề tài đã luận giải trên phương diện lý luận và thực tiễn về vai trò, vị trí của chính sách trong việc đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng ; Phân tích thực trạng chính sách và mối quan hệ của chính sách đối với các lĩnh vực khác, dự báo xu hướng vận động của nó trong thời gian tới; Xác định nội dung và giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nội dung chính sách trong tình hình mới.
Tháng  12 năm 1998, Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng đã nghiệm thu và đánh giá đề tài có chất lượng cao, đạt loại xuất sắc. Sau khi được nghiệm thu, kết quả của đề tài đã góp phần rất quan trọng trong việc nghiên cứu xây dựng đề đạt nội dung chính sách  cũng như chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác chính sách.
Thời kỳ đó, trong chỉ huy Cục phân công: Tôi với cương vị Cục trưởng chịu trách nhiệm điều hành chung, đồng thời trực tiếp phụ trách công tác nghiên cứu. Anh Phạm Lam, Cục phó phụ trách công tác khen thưởng, vật tư và nội bộ. Anh Đỗ Quang Bích, Cục phó phụ trách công tác thương binh- liệt sĩ và hậu phương quân đội. Sau đó, tháng 2 năm 1996, anh Phạm Lam nghỉ hưu theo chế độ. Đến tháng 12 năm 1997, Bộ Quốc phòng điều động anh Đồng Quốc Sự, Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2 về giữ chức Cục phó.

 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đã thường xuyên giữ vững đoàn kết, xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện; quan hệ chặt chẽ với các ngành hữu quan; tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy , chính quyền các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, bám sát cơ sở; xây dựng tinh thần trách nhiệm; tu dưỡng phẩm chất đạo đức, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, quan điểm, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách. Trong một thời gian dài, nội bộ Cục đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ - có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Liên tục trong nhiều năm liền, Cục được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị,…khen thưởng với nhiều hình thức.
Đây cũng là thời kỳ Cục có phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi. Những hoạt động đó đã góp phần tạo nên bầu không  khí làm việc, học tập, sinh hoạt của toàn Cục vui vẻ đoàn kết phấn khởi. Là Cục trưởng lại là Bí thư Đảng ủy Cục (một nhiệm kỳ), công việc khá bận, nhưng để góp phần lôi cuốn đẩy mạnh phong trào chung, tôi trực tiếp tham gia cả thể thao lẫn văn nghệ. Nhiều anh em cũng vậy. Hồi đó, Cục Chính sách thành lập một đội bóng đá, thi đấu tốt, năm 1996 được giải nhì trong giải bóng đá cơ quan Tổng cục Chính trị. Trong các lần hội diễn văn nghệ quần chúng cơ quan Tổng cục Chính trị, các tiết mục thơ, hát, kịch tự biên, tự diễn của Cục đều được giải. Với ý định  vừa nói lên chiến thắng và những hy sinh to lớn để giành chiến thắng của nhân dân ta, đồng thời qua đó phản ánh những mặt công tác của Cục Chính sách, tôi đã viết bài thơ:


                     
ĐẤT NƯỚC TA

Đất nước ta bao năm ròng binh lửa
“Ai đếm nổi khăn tang
Ai đong máu chiến trường”*
Ai tính hết số làng quê chìm dưới đạn bom
Chiến thắng - hy sinh quyện hòa cùng
                                                             lịch sử.

Bao mẹ già đau đáu ngóng tin con
Người vợ trẻ trông mong chồng mòn mỏi
Biết bao người ra đi, xiết bao người chờ đợi
Chiến thắng rồi… ngày đoàn tụ lùi xa!
Đất nước ta bao năm ròng binh lửa
Chiến thắng quang vinh ra ngõ gặp
                                                        Anh hùng
Pháo đài đó từng làng quê góc phố
Bình dị đơn sơ mà miển hách chiến công.

Đất nước ta nay dẫu đã thanh bình
Kẻ thù đó vẫn rập rình trong nhà ngoài ngõ
Chắc tay súng giữ biển trời, biên cương
                                                     và vững bền chế độ
Khúc quân hành vang mãi
                                        TIẾN QUÂN CA.


*Thơ Viễn Phương.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #58 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:54:08 pm »

Trong các tiết mục tự biên, tự diễn của Cục Chính sách, có bài hát “Bài ca người lính nghĩa tình”  nhạc An Thuyên, ý thơ của tôi. Ca từ là:

 Chúng tôi là những người lính nghĩa tình
 Luôn chung vui chiến công đồng đội
 Ngàn dặm xa từ Bắc vô Nam
Gian khó đâu nào ngại chi
 Bởi chúng tôi là người lính nghĩa tình.
 Ai chiến đấu sa trường
 Về hậu phương áo chăn chưa ấm
 Chiến tranh đã lùi xa mà cuộc đời vết thương chưa lành
 Tay ta thắp ngọn đèn rọi niềm tin đất nước
 Có chúng tôi bên người, chia bớt đi nỗi buồn, Mẹ ơi!

Chúng tôi vì một lẽ công bằng
 Không nguôi quên khúc ca một thời
 Người người ơi Tổ quốc ghi công
 Để con cháu mình ngày mai
 Được sống trong tình và nghĩa ta dựng xây.
Khi tới các chiến trường, cùng đồng đội tiến lên phía trước
 Nay trở về hậu phương,  làm phần việc các anh trao lại
 Dân với nước chung hòa vì ngày mai tươi sáng
 Có chúng tôi góp phần
 Khúc quân ca trong ngần… nghĩa tình.

 Hầu như mọi cán bộ, nhân viên trong Cục Chính sách ở thời kỳ ấy đều thuộc bài hát này. Anh chị em nói vui với nhau rằng, đó là bài “Cục ca”. Tiết mục này được Cục Chính sách lựa chọn qua nhiều mùa Hội diễn văn nghệ quần chúng cơ quan Tổng cục Chính trị.

Nhìn chung lại, trong hơn mười năm Đổi Mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đã nghiên cứu, tham gia nghiên cứu xây dựng tương đối toàn diện các chính sách chế độ đối với quân đội, hậu phương quân đội theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Quan điểm, nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu xây dựng nội dung và tổ chức thực hiện chính sách từng bước được hoàn thiện phù hợp với cơ cấu và cơ chế kinh tế mới, chú trọng động viên nhân tố chính trị tinh thần với khuyến khích lợi ích vật chất. Các chính sách về tiền lương, phụ cấp, so với trước đã được cải tiến hợp lý hơn, cải thiện một bước đời sống của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, từ đó góp phần tạo động lực yên tâm phục vụ quân đội; đồng thời khuyến khích thanh niên hăng hái vào phục vụ quân đội. Các chính sách về ưu đãi xã hội, bảo hiếm xã hội được luật pháp hóa khá đồng bộ, cơ bản và có nhiều ưu điểm hơn. Chính sách hậu phương quân đội từng bước được kết hợp giữa pháp luật hóa với xã hội hóa. Các vấn đề tồn đọng về chính sách sau chiến tranh được các cơ quan, ngành, địa phương triển khai giải quyết tích cực, giải quyết được một khối lượng rất lớn. Kết quả đó tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách ở các địa phương, đem lại quyền lợi tinh thần ,vật chất cho hàng chục vạn đối tượng chính sách, đã góp phần làm vơi đi, dịu đi nỗi đau, sự mất mát hy sinh của biết bao gia đình. Cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách được kiện toàn, củng cố một bước quan trọng. Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn về chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội được chú trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Sau khi hai Nhà nước bình thường hóa quan hệ, Hội Cựu Chiến binh Mỹ tham gia chiến  tranh Việt Nam (VVA) đã tổ chức nhiều đoàn sang thăm nước ta.  Nhằm khai thác thêm các kênh thông tin góp phần giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh chống Mỹ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã giao cho Cục Chính sách nhiều lần gặp gỡ tiếp xúc với các đoàn Đại biểu Cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam (VVA) để tiếp nhận các tài liệu, hiện vật có liên quan đến bộ đội ta hy sinh mà các cựu chiến binh Mỹ tham chiến Việt Nam nắm được.
Trong các lần tiếp xúc với phía Mỹ (VVA), cùng với việc trao đổi cung cấp thông tin, có lúc giữa hai bên cũng tranh luận với nhau trên một số điểm trong cách nhìn nhận các vấn đề thuộc về quan điểm, nhận thức. Đó cũng là điều dễ hiểu.
Tôi nhớ, ngày 18 tháng 5 năm 1994, lần tiếp xúc làm việc đầu tiên giữa Cục Chính sách với Đoàn VVA  tại nhà khách Bộ Quốc phòng, 33- Phạm Ngũ Lão- Hà Nội. Phía VVA có ông Jimbradi trưởng đoàn và 14 thành viên khác. Về phía ta, cùng phối hợp với Cục Chính sách, còn có anh Vũ Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của Việt Nam, cán bộ Cục Đối ngoại – Bộ Quốc phòng và cán bộ một số cơ quan khác có liên quan.
Bước vào buổi tiếp xúc, sau lời chào mừng có tính chất xã giao của cả hai bên, ông Jimbradi trưởng đoàn VVA của Mỹ trịnh trọng tuyên bố:
- Thưa ông Nguyễn Mạnh Đẩu, Cục trưởng Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng Việt Nam!  Trong chiến tranh, chúng ta là kẻ thù của nhau. Còn bây giờ, khi hai bên đã bình thường hóa quan hệ, mong các ông đừng coi chúng tôi là kẻ thù nữa. Trước đây, khi là người lính trên chiến trường, tôi nghĩ, chúng ta chỉ là tay sai làm bia đỡ đạn của các thế lực chính trị từ hai phía.
Tôi đứng dậy nghiêm giọng trả lời:
- Thưa ông Jimbradi ! Thưa các ông trong đoàn! Từ ngàn xưa đến nay, dân tộc chúng tôi không bao giờ tự nhận mình là kẻ thù của ai cả. Một thế lực nào đó, khi họ xâm lược, can thiệp và reo rắc đau thương lên đất nước Việt Nam, thì họ là kẻ thù  của chúng tôi. Nhưng khi họ đã thất bại, đầu hàng, không còn là mối nguy hại trực tiếp đến chúng tôi nữa, thì nhân dân chúng tôi không còn coi họ là kẻ thù. Lịch sử của dân tộc chúng tôi đã chứng minh điều đó.
Ông nói đúng. Quân nhân Mỹ trong chiến tranh là vật hy sinh cho bộ máy chiến tranh xâm lược. Còn chúng tôi, người lính đi chiến đấu là tự nguyện. Mục tiêu chiến đấu rất rõ ràng là chống xâm lược, giải phóng quê hương đất nước, giành và giữ độc lập cho Tổ quốc,  bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Họ không phải là tay sai của bất cứ thế lực chính trị nào cả.
Tôi vừa dứt lời, Jimbradi nói:
- Thưa ông Nguyễn Mạnh Đẩu, chúng ta không luận bàn về nguyên nhân, tiến trình và kết cục của chiến tranh nữa. Giờ đây hai nước đã bình thường hóa quan hệ. Chúng ta hãy cùng nhau khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Tôi trả lời:
- Chiến tranh kết thúc, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hướng tới tương lai là nhu cầu tất yếu, khách quan. Nhưng cũng phải hiểu đúng vấn đề khép lại quá khứ. Với dân tộc Việt Nam chúng tôi, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, có một quá khứ hào hùng luôn luôn tỏa sáng. Quá khứ đó được đắp bồi bằng xương máu, công tích qua bao thế hệ người Việt Nam. Đó là truyền thống oanh liệt, niềm tự hào, là bài học vô giá, là điểm tựa muôn đời cho con cháu, bây giờ và mai sau. Với ý nghĩa đó, chúng tôi không bao giờ khép lại quá khứ. Nhưng đó là chuyện đại sự. Còn bây giờ, gặp nhau ở đây, trên cương vị mới, trong khung cảnh khác, chúng ta cần trao đổi cung cấp thông tin cho nhau từ hai phía để tìm hài cốt đã mất trong chiến tranh của đồng đội các ông, đồng đội chúng tôi. Tôi cho rằng, đây không chỉ là vấn đề chính trị, mà còn là vấn đề nhân đạo, nhân văn.
Tôi nói xong, cả hai bên chuyển sang bàn bạc, trao đổi các vấn đề cụ thể.
Trong nhiều lần tiếp xúc, phía Mỹ (VVA) đã cung cấp cho Cục Chính sách một khối lượng lớn hồ sơ mà họ nắm được có liên quan đến sự hy sinh của bộ đội ta trong chiến tranh trên các chiến trường. Cục Chính sách đã triển khai khai nghiên cứu khai thác và đạt được một số kết quả nhất định trong công tác tìm kiếm cất bốc qui tập mộ liệt sĩ.

Nhận lời mời của Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ R.Jones (trong quân đội Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng là Thứ trưởng); chấp hành Chỉ thị của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Đoàn công tác nghiên cứu hồ sơ liên quan đến việc tìm kiếm chiến sĩ ta hy sinh, mất tích trong chiến tranh đã sang làm việc tại Mỹ từ ngày 20 tháng 8 năm 1999 đến ngày 29 tháng 8 năm 1999. Đoàn có các thành viên: Tôi; Huỳnh Trọng Tuấn, Thiếu tá, cán bộ Cục Bảo vệ An ninh- Tổng cục Chính trị; Nguyễn Thế Công, Trung tá, Trưởng phòng, Cục A35 - Bộ Công an; Vũ Việt Dũng, cán bộ Vụ Châu Mỹ - Bộ Ngoại giao. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định tôi làm Đoàn trưởng.
Từ khi bình thường quan hệ giữa hai nước đến lúc đó, Bộ Quốc phòng nước ta đã cử hai đoàn sang Mỹ công tác: Đoàn của Trung tướng Trần Hanh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Đại tá Vũ Tần, Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng. Như vậy, chúng tôi là đoàn thứ ba.
 Chiều 18 tháng 8 năm 1999, chúng tôi gặp Trung tá Miller, Tùy viên Quân sự Mỹ thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ở 33A Phạm Ngũ Lão- Hà Nội để xác định chương trình nội dung công tác ở Mỹ.
11giờ 45 phút ngày 20 tháng 8 năm 1999, Đoàn rời Hà Nội đi Mỹ. Sau các chặng dừng ở Băng Cốc - Thái Lan; Tokyo-Nhật Bản; Chicago-Mỹ, 21 giờ ngày 21 tháng 8 năm 1999, Đoàn tới sân bay Washington / Reagan. Ra đón chúng tôi có anh Đỗ Văn Nghị, Trung tá, Phó phòng tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ. Tôi đã quen biết anh Nghị từ năm 1993, khi tôi sang công tác ở Ấn Độ. Anh Nghị giới thiệu với tôi, phía Mỹ ra đón có ông DesTas đại diện cho Văn phòng người Mỹ mất tích (DPMO) và Huy Tuấn, Đại úy, là Việt kiều phục vụ trong quân đội Mỹ. Chúng tôi về nghỉ tại khách sạn Embassy Suite. Khi vừa đặt chân tới khách sạn, ông DesTas thông báo với tôi:
- Đề nghị bổ sung vào chương trình là bố trí 9 giờ sáng 22 tháng 8, việc đầu tiên là Đoàn sẽ đến viếng Bia Tưởng niệm ghi tên những quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam; việc này phía Mỹ đã thông báo cho các hãng thông tin của Mỹ và quốc tế sẽ tiến hành ghi hình, viết bài để đưa tin.
Tôi nghĩ rằng, đây là một vấn đề nhạy cảm và tế nhị, lại nằm ngoài kế hoạch đã thống nhất giữa hai bên từ Hà Nội. Vì vậy, tôi nói rằng:
- Trong thời gian công tác tại Mỹ, chúng tôi nhất định sẽ đến tham quan Bia Tưởng niệm. Nhưng căn cứ vào mục đích chuyến công tác, thì đó không phải là việc đầu tiên sang Mỹ.
Sau một lúc ý kiến qua lại, phía Mỹ chấp thuận.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #59 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:54:26 pm »

 Mặc dù trải qua một chặng hành trình dài khá mệt mỏi, được bố trí nghỉ trong một khách sạn đầy đủ tiện nghi, rất yên tĩnh, nhưng đêm đầu tiên ở nước Mỹ, tôi khó ngủ, lòng ngổn ngang nhiều cảm xúc. Vì trách nhiệm với công việc, trước anh linh của những đồng đội đã khuất, chúng tôi được cử đến tận nơi đây, một thời là trung tâm phát động cuộc chiến tranh xâm lược; sẽ tiếp xúc làm việc với những tổ chức, những con người vốn là đối địch trong chiến tranh, để tìm hiểu thông tin về các trường hợp cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh trong các nhà tù, trong các trận chiến đấu trên chiến trường.
 6 giờ sáng ngày 22 tháng 8 năm 1999, tôi bách bộ ra ngoài khách sạn. Ban mai trời dịu mát, nhìn ra xung quanh tôi thấy những đường phố thoáng rộng, những hàng cây cao to và những thảm cỏ bao quanh những tòa nhà đồ sộ, chọc trời. Nhìn chếch sang phía bên kia, một tòa nhà sừng sững, đó Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ - trung tâm đầu não của bộ máy chiến tranh. Chính từ nơi đây, suốt mấy chục năm trời, các chiến lược gia quân sự Mỹ đã hoạch định và chỉ đạo cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, gây ra bao đau thương tang tóc cho nhân dân ta trên cả hai miền Nam Bắc.
Chiều ngày 22 tháng 8 năm 1999, theo thông lệ ngoại giao, ông Robert Jones, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đặc trách người Mỹ mất tích trong chiến tranh (DPMO) đã tổ chức mời cơm Đoàn. Cùng dự còn có Đại sứ Lê Văn Bàng và Đại tá Võ Đình Quang, Trưởng phòng tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ.
Trong suốt thời gian Đoàn chúng tôi công tác ở Wasington, các anh ở Phòng Tùy viên quân sự Việt Nam đều tham gia các hoạt động và tạo điều kiện giúp đỡ. Phía Mỹ bố trí hai người thạo tiếng Việt thường xuyên đi cùng để tiện việc trao đổi đó là DesTas chuyên viên cao cấp của Văn phòng tìm kiếm người Mỹ mất tích và Huy Tuấn, Đại úy, Việt kiều trong quân đội Mỹ. DesTas từng ở Việt Nam lâu, có vợ tên là Nguyệt, quê ở Bến Tre. Huy Tuấn quê ở Huế, di tản theo gia đình sang định cư ở Mỹ sau tháng 4 năm 1975.
 Sáng 23 tháng 8 năm 1999, chúng tôi vào Bộ Quốc phòng Mỹ. Để đảm bảo an ninh, mọi người ra vào ở đây đều phải qua kiểm tra rất kỹ trên nhiều đoạn. Trước khi vào đây, chúng tôi đã chuẩn bị máy ảnh, camêra, máy ghi âm để ghi lại các thông tin trong buổi làm việc. Nhưng đều phải bỏ lại ở ngoài, mỗi người chỉ được cầm theo một quyển sổ tay.
Tại Văn phòng tìm kiếm người mất tích của Mỹ (DPMO), chúng tôi đã nghe thuyết trình về việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong các cuộc chiến tranh. Sau đó, gặp và làm việc với ông Robert Jones, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Robert Jones nói rằng, trên cương vị đương nhiệm, ông sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong việc cung cấp thông tin và cung cấp trang, thiết bị tìm kiếm chiến sĩ ta mất tích, hy sinh trong chiến tranh. Tham gia buổi làm việc cùng chúng tôi có anh Đỗ Văn Nghị, Trung tá, Phó phòng Tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ. (Sau này anh Nghị là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục 25- Tổng cục 2).
Chiều ngày 23 tháng 8 năm 1999, Đoàn làm việc với Trung tâm lưu trữ Quốc gia của Mỹ (NA RA). Trung tâm này ở trên một khu đồi, được bao quanh những cánh rừng cây cối rậm rạp, cách Lầu Năm Góc khá xa. Đường tốt xe chạy nhanh cũng mất vài tiếng đồng hồ. Khi đến, ông Thống đốc Trung tâm J.Carlin đã tiếp và thông báo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và những vấn đề mà Trung tâm có thể cung cấp cho phía Việt Nam trong khai thác hồ sơ lưu trữ. Ngày 24, 25 và sáng 27 tháng 8 năm 1999, Đoàn nghiên cứu hồ sơ tại Trung tâm lưu trữ hồ sơ NARA.
 Hồ sơ về chiến tranh ở Việt Nam được lưu trữ ở Trung tâm NARA dưới nhiều dạng : Dạng nguyên bản như nhật ký tác chiến, hồ sơ tù binh chết ở bệnh viện,…Dạng phim ảnh tư liệu chiến trường; dạng đưa vào phần mềm vi tính,…Tất cả hồ sơ mà Đoàn đã tiếp xúc đều bằng tiếng Anh. Số lượng hồ sơ ở NARA là rất lớn, bao gồm:
 Dạng nhật ký chiến trường, báo cáo tổng kết, bài học kinh nghiệm sau từng trận đánh, ghi lại đầy đủ chi tiết hoạt động của quân đội Mỹ từ cấp tiểu đoàn trở lên tới Bộ Chỉ huy (MACV). Với tổng số khoảng 32 triệu đến 40 triệu trang. Các thông tin liên quan đến bộ đội ta hy sinh trong chiến tranh nằm rải rác trong các loại hồ sơ với tỷ lệ không nhiều lai không có tên tuổi cụ thể. Đây thuộc loại tài liệu tác chiến. Đoàn đã sao chụp một tài liệu về trận ABia Tây Thừa Thiên trong hai ngày 21 và 22 tháng 5 năm 1969 để làm ví dụ cụ thể và hiểu rõ cách truy cập hồ sơ tài liệu ở dạng này.
Dạng hồ sơ nguyên bản về báo cáo tử vong các trường hợp tù binh (cán bộ, chiến sĩ ta bị địch bắt) ở các bệnh viện quân đội Mỹ (chủ yếu là Tổng y viện Cộng hòa cũ). Hồ sơ ở dạng này có danh sách tên tuổi cụ thể cán bộ, chiến sĩ ta bị chết bao gồm các thông tin về: tên, tuổi, quê quán, ngày vào viện, ngày chết, nguyên nhân chết. Một số danh sách có đề cập đơn vị Mỹ, ngụy bắt, cấp bậc hoặc chức vụ của bộ đội ta và đặc biệt có một số đề cập tới vị trí chôn cất như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa,…Đoàn đã sao chụp được 578 trang để tiếp tục nghiên cứu sử dụng.
 Hồ sơ ở dạng phim tư liệu, ảnh chụp đề cập tới hoạt động của bộ đội ta ở chiến trường; ảnh chụp hoạt động ở các trại tù binh chiến tranh của Mỹ, ngụy.
 Những trang hồ sơ tài liệu, những thước phim tư liệu của Trung tâm NARA đã đưa chúng tôi trở về những hình ảnh chiến đấu trên chiến trường Miền Nam; đồng thời cho chúng tôi hiểu thêm qui mô, tính chất quyết liệt của cuộc chiến và những hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh quyết liệt lâu dài.
 Đoàn đã nhận và chuyển về Văn phòng DPMO 10 hộp thư mục hồ sơ để thông qua con đường ngoại giao chuyển về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sau. Số hồ sơ sao chụp được 578 trang, Đoàn mang trực tiếp về Việt Nam.
 Chiều ngày 25 tháng 8 năm 1999, Đoàn nghe Bà tiến sĩ Susan Mather đại diện cho Bộ Cựu binh Mỹ giới thiệu về chất độc màu da cam. Cùng dự có Đại tá Võ Đình Quang, Trưởng phòng Tùy viên quân sự Việt Nam tại Mỹ. Buổi làm việc xoay quanh chủ đề những căn bệnh do tác hại của Điôxin gây ra đối với binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Sau khi nghe tôi nêu lên mấy câu hỏi: Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã sử dụng chất độc Điôsin từ bao giờ? Số lượng bao nhiêu? Khi dùng chất độc này, người Mỹ đã lường đến tính chất cực kỳ nguy hiểm của nó? Quân nhân Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm độc Điôsin khoảng bao nhiêu người, thường bị những căn bệnh gì? Chính sách của Chính phủ Mỹ đối với những quân nhân Mỹ bị nhiễm chất độc?,…Bà Sunan Mather đã thông báo với chúng tôi: Từ năm 1961 đến năm 1971, Mỹ đã dùng chất độc hủy diệt cây cỏ ở chiến trường Việt Nam. Sau khi tham gia chiến tranh Việt Nam, nhiều quân nhân Mỹ đã nhiễm chất độc Điôxin, gây ra nhiều căn bệnh như chứng phát ban Clo, bệnh hodgkins (một dạng ung thư hạch ác tính), đau tủy, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đường hô hấp, đái tháo đường,…Thời kỳ đầu, Bộ Cựu Chiến binh Mỹ kiện các nhà sản xuất hóa chất. Sau đó, Quốc hội Mỹ thông qua Luật trợ cấp cho những người tham gia chiến tranh Việt Nam bị bệnh do nhiễm chất độc Điôxin. Đã tiến hành tổ chức khám cho 300.000 người, thì có đến 10% quân nhân bị nhiễm, trong đó có 7.000 nữ quân nhân bị các bệnh về sinh đẻ (sảy thai, đẻ non, chết lưu), 800 quái thai. Mức trợ cấp cho mỗi người tùy theo mức độ ảnh hưởng, cao nhất là 25.000 USD/năm.
Nghe xong, tôi nói với bà Sunan Mather và những người Mỹ có mặt hôm đó rằng: Trước khi sang Mỹ, tôi đã nghiên cứu tìm hiểu về tình hình và hậu quả về chất độc Điôsin do Mỹ gây ra đối với Việt Nam. Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động và sử dụng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, những loại vũ khí tối tân có sức công phá và sát thương lớn, gây đau thương tang tóc cho hàng triệu con người. Đồng thời, Mỹ còn sử dụng nhiều loại chất độc hóa học hủy diệt môi trường sinh thái làm cho hàng triệu héc ta rừng bị tàn lụi khó phục hồi, nhiều vùng đất đai bị nhiễm độc. Trong mười năm (1961 – 1971), Mỹ đã rải xuống Việt Nam 72 triệu lít chất độc hóa học gồm 15 loại khác nhau, trong đó có 42 triệu lít chất độc màu da cam chứa khoảng 170 kg Điôsin, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái và con người. Đến tháng 9 năm 1999, ước tính ở Việt Nam có khoảng 4 vạn người tham gia chiến tranh bị nhiễm độc, gây ra các bệnh tất rất nặng nề cho bản thân. Và hơn thế, còn gây biến đổi gien di truyền qua con cái. Ước tính trong cả nước có khoảng 76.000 cháu sinh ra bị ảnh hưởng do chất độc da cam. Đến thời điểm đó, qua báo cáo chưa đầy đủ của 21 tỉnh đã có 16.445 người tham gia chiến tranh sinh ra 20.766 trẻ dị tật, dị dạng (trong đó có 3.562 cháu bị liệt hoàn toàn; 4.579 cháu bị tâm thần; 5.549 cháu bị dị dạng; 1.185 cháu bị mù, và cac dạng khác). Đây là nỗi đau nhức nhối lâu dài. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã có chính sách đối với binh lính Mỹ và các nước chư hầu tham gia chiến tranh Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam do chính Mỹ gây ra, nhưng chưa có trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam là người Việt Nam. Cuộc đấu tranh vì công lý và lương tâm còn tiếp diễn.
 Ngày 26 tháng 8 năm 1999, Đoàn làm tại Viện Lịch sử Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) và Viện Lưu trữ hồ sơ Hải quân Mỹ. Tại Viện Lịch sử Thủy quân lục chiến, Đoàn đã xem xét cách thức lưu trữ và số lượng hồ sơ ; đã nhận 42 đĩa mềm vi tính sao chụp 65.000 trang tài liệu về hoạt động của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Việt Nam. Đây là dạng hồ sơ tác chiến, không có chi tiết cụ thể về bộ đội ta mất tích  trong chiến tranh.
 Tại Viện lưu trữ hồ sơ Hải quân, Đoàn đã xem kho lưu trữ, nói chung cũng là dạng hồ sơ tác chiến, nhật ký tác chiến, điện báo cáo giữa các đơn vị Hải quân Mỹ, Ngụy. Đoàn không sao chụp hồ sơ vì xét thấy rất ít giá trị đối với mục đích của chuyến công tác.
Ngày 27 tháng 8 năm 1999, Đoàn tới thăm và làm việc với Trung tâm nhận dạng gien ADN của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông James Canik, Giám đốc, tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình. Ông nói với tôi rằng, 30 năm trước, ông là phi công lái may bay trực thăng cấp cứu thương binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Đoàn đã tham quan quá trình kỹ thuật nhận dạng AND. Trong quân đội Mỹ, việc nhận dạng người chết đã được quan tâm từ rất sớm, ngay trong thời kỳ nội chiến ở Mỹ, năm 1868. Hiện, Trung tâm có trách nhiệm giám sát kiểm tra tất cả mọi trường hợp chết trong quân đội Mỹ (số lượng ước tính có 3.500 quân nhân chết/năm). Trung tâm lưu mẫu máu, tóc, vân tay, răng của mọi quân nhân trong quân đội Mỹ, kết hợp với thẻ môn bài của từng người, nên việc nhận dạng người chết rất hữu hiệu. Trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, số quân nhân Mỹ bị chết khoảng 15.000, trong đó nhận dạng bằng vân tay được 13%, răng được 18%, 63% cả răng và vân tay, còn 6% là không xác định được, phải dùng đến mẫu máu.
Ông James Canik, Giám đốc Trung tâm nhận dạng gien AND gợi ý sẵn sàng giúp đỡ đào tạo về mặt kỹ thuật cho ta, nếu có yêu cầu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM