Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:41:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường thời gian  (Đọc 31997 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #30 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:34:24 pm »

Tháng 10 năm 1969, tôi được cử đi tập huấn ở Quân khu Trị Thiên. Đối tương dự tập huấn là cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn các đơn vị chiến đấu và một số cán bộ cơ quan Sư đoàn, Quân khu. Làm cán bộ mấy năm rồi, mãi đến lúc đó tôi mới được đi tập huấn những kiến thức cơ bản về quân sự, chính trị trong lãnh đạo, chỉ huy quản lý đơn vị. Phần đông cán bộ trưởng thành trong chiến đấu là vậy. Ở chiến trường, lớp sau học lớp trước và  đồng thời tự mình rút kinh nghiệm qua thực tiễn chiến đấu công tác là chính. Chúng tôi tập huấn ở Hội trường Thanh niên, gần dốc Cao Bồi (tôi cũng không hiểu tại sao lại gọi như vậy). Giáo viên dạy quân sự là anh Dương Bá Nuôi tham mưu phó Quân khu và các anh cán bộ chủ chốt trong Bộ Tham mưu Quân khu. Giáo viên dạy chính trị là anh Thanh Quảng, Phó Chính ủy Quân khu (ngày đó gọi là ông Hồ Tú Nam), anh Trần Văn Ân, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu, anh Mai Trọng Thường, Cục phó Cục Chính trị, anh Lê Khả Phiêu, Trưởng phòng Tổ chức, anh Kiều Tam Nguyên , Trưởng phòng Tuyên huấn,..Nhạc sĩ Trần Hoàn (ngày đó có tên là Hồ Thuận An) Phó ban Tuyên huấn Khu ủy có đến giảng bài.
 Bằng năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm và tình cảm của mình, các anh lãnh đạo đã tận tình giảng giải cho lớp cán bộ trẻ chúng tôi về nội dung, hình thức và phương pháp trong tiến hành lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Quả thật lúc đó, đầu óc chúng tôi như tờ giấy trắng, có chí tiến thủ, đang khát khao hiểu biết để soi rọi, kiểm chứng vào thực tiễn sinh động đang diễn ra ở chiến trường. Lại được các anh vừa có kiến thức sâu sắc, vừa có sự trải nghiệm phong phú giảng giải cho, chúng tôi  hứng thú, tin tưởng và ngưỡng mộ vô cùng. Chúng tôi chăm chú say mê nghe giảng bài như nuốt lấy từng lời, uống lấy từng đơn vị kiến thức. Đúng như Bác Hồ đã từng nói với học viên ở một lớp đào tạo cán bộ: ”Học để làm người, học để làm cán bộ”. Có những điều trước đây chúng tôi mò mẫm làm, nay đối chiếu lại thấy có cái đúng, cái dở. Lớp học ngắn thôi, nhưng trong hoàn cảnh đó, đã trang bị cho chúng tôi rất nhiều điều bổ ích.
Sau khi tập huấn ở Quân khu về, tôi được đề bạt lên cấp đại đội bậc trưởng (nếu ra Bắc thì được phiên sang là thượng úy), đồng thời được bổ nhiệm làm Trợ lý thanh niên của Trung đoàn thay anh Bùi Anh Sum quê xã Diễn Viên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An sang làm Trưởng tiểu ban Tuyên huấn Trung đoàn. Trưởng tiểu ban Tuyên huấn trước đó là anh Nguyễn Thái được điều động đi làm chính trị viên Tiểu đoàn 7 thay anh Trần Triền.
 Khi giao nhiệm vụ cho tôi, anh Lê Văn Dánh, Chính ủy Trung đoàn đã nói:
 - Đẩu ạ, em vừa tròn 21 tuổi. Em là cán bộ hăng hái sôi nổi,  nói được, viết được, làm được, đảm nhiệm chức vụ Trợ lý thanh niên Trung đoàn là phù hợp,  xứng đáng. Cả trung đoàn hơn hai nghìn quân, tất cả cán bộ cấp phân đội và chiến sĩ đều đang độ tuổi thanh niên. Em phải tham mưu cho Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn, chỉ đạo các đơn vị trong toàn Trung đoàn làm tốt hai khâu : Một là, Kiện toàn, củng cố tổ chức Đoàn luôn luôn vững mạnh, xứng đáng là trường học, là chỗ dựa của thanh niên, đồng thời là cánh tay đắc lực của tổ chức Đảng ở cơ sở; Hai là,Tăng cường giáo dục đoàn viên thanh niên về lý tưởng, niềm tin. Cách giáo dục không cứng nhắc, phải phong phú, sinh động phù hợp với “khẩu vị”, với nhu cầu tâm lý của thanh niên. Từ đó, động viên thanh niên hăng hái làm lực lượng xung kích trong mọi mặt hoạt động của đơn vị. Kịp thời cổ vũ những gương điển hình tiên tiến trong chiến đấu, công tác để nhân rộng ra trong toàn đơn vị.
           Nghe xong, tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời mong các anh chỉ huy lãnh đạo, mà nhất là Chỉnh ủy, quan tâm giúp đỡ.
Là trợ lý thanh niên của Trung đoàn, tôi luôn bám sát các đơn vị. Khi xuống đơn vị, tôi không đơn thuần làm công tác thanh niên mà là phái viên của cơ quan chính trị Trung đoàn đến kiểm tra, phát hiện,  hướng dẫn, tham gia chỉ đạo các mặt công tác đảng, công tác chính trị và các lĩnh vực khác của đơn vị cơ sở. Cùng ăn ở, cùng tham gia hoạt động chiến đấu, công tác với bộ đội, lúc đó, đối với tôi có nhiều điều lý thú. Tuổi trẻ, sức khỏe, những kiến thức thu lượm được, cộng với một số kinh nghiệm trong chỉ huy, lãnh đạo trước đây, đã giúp tôi làm được nhiều việc hữu ích  tại các đơn vị  trong Trung đoàn. Nói chung là, tôi được lãnh đạo, chỉ huy và nhất là anh em thanh niên ở các đơn vị  thân quí.
Tháng 8 năm 1970, Trung đoàn 3 đang tham gia chiến dịch Cốc Bai ở tây Thừa Thiên, tôi được Ban Chính trị cử làm phái viên đốc chiến ở Tiểu đoàn 9. Cùng làm phái viên như tôi, Ban Tham mưu trung đoàn cử anh Cao Sĩ Nguyên trưởng tiểu ban Trinh sát ( anh Nguyên cùng chiến đấu với tôi hồi còn ở Tiểu đoàn 929; sau này, anh đã nghỉ hưu ở quê - Tân Đức, Tuyên Hóa, Quảng Bình).
 Khoảng 3 giờ chiều, khi Tiểu đoàn 9 vừa mới dừng lại chưa kịp bố trí xong đội hình chiến đấu, thì lực lượng địch khoảng một tiểu đoàn quân ngụy xuất hiện ở tiền duyên. Đảng ủy và Ban chỉ chỉ huy tiểu đoàn họp gấp, mời tôi và anh Nguyên cùng dự. Ban chỉ huy tiểu đoàn 9 lúc đó có anh Lê Văn Tành, tiểu đoàn trưởng, quê ở Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình;  anh Nguyễn Thụy, bí thư đảng ủy, chính trị viên tiểu đoàn quê ở Tào Sơn, Anh Sơn, Nghệ An (mấy năm trước đó, hồi còn chiến đấu ở Lào, tôi đã từng làm liên lạc cho anh Thụy, khi anh ấy làm chính trị viên đại đội ); tiểu đoàn phó là anh Nguyễn Đăng Loạt quê ở Quảng Văn, Quảng Trạch, Quảng Bình; chính trị phó là anh Lê Văn Tình quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Khi họp bàn, có hai loại ý kiến khác nhau: đánh, chưa đánh, chưa ngã ngũ. Ý kiến đánh, cho rằng, địch mới đến chưa có công sự, ta bất ngờ đánh phủ đầu ngay, địch bị bất ngờ không kịp trở tay, chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Ý kiến chưa đánh, cho rằng, không nên nóng vội, cần phải có thời gian nắm địch, phải chắc thắng mới đánh. Nghe ra, ý kiến nào cũng có lý. Anh Thụy bí thư đảng ủy, chính trị viên tiểu đoàn quay sang tôi và anh Nguyên. Anh nói:
       -  Đề nghị hai đồng chí phái viên của Trung đoàn cho ý kiến.
Tôi phát biểu ngay:
      - Ý kiến của anh Nguyên như thế nào tôi chưa biết. Nhưng theo tôi, đây là thời cơ tốt, Tiểu đoàn 9 cần phải tổ chức đánh ngay khi địch vừa hạ ba lô, chưa có công sự. Đánh địch ngoài công sự, trên mặt đất, bao giờ cũng thuận lợi hơn đánh địch trong công sự. Không cầu toàn việc nắm địch. Quá trình tác chiến, theo sự phát triển cụ thể sẽ tùy cơ ứng biến.
Dừng một chút, nhìn qua một lượt, xem xét thái độ của mọi người, để tiếp tục khẳng định, tôi nói thêm:
     - Với tư cách phái viên của Trung đoàn, chính kiến của chúng tôi là vậy. Còn đánh hay không là quyền của các đồng chí. Nhưng kiểu gì, Tiểu đoàn 9 cũng đều phải báo cáo về Thủ trưởng Trung đoàn.
           Tôi vừa dứt lời, anh Nguyên nói tiếp:
           - Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Đẩu. Không sợ gì cả, Tiểu đoàn 9 đang sung sức, các anh cứ mạnh dạn cho đánh ngay. Theo tôi, vắn tắt cách đánh là thế này: Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 12 hỏa lực cấp tập một đợt ngắn rồi cho Đại đội 9 và Đại đội 11 đánh thốc lên. Nên để Đại đội 10 làm lực lượng dự bị.
       Anh Nguyên nói xong, anh Thụy hỏi có ai ý kiến gì khác không? Cả hội nghị nhất trí và thông qua phương án tác chiến cụ thể.
 5 giờ chiều bắt đầu nổ súng. Đến chập tối, thì Tiểu đoàn đánh tan tiểu đoàn địch. Đêm đến, khi quân địch co cụm lại, Tiểu đoàn 9 còn tổ chức tập kích bằng hỏa lực cối 82 ly và ĐKZ 75 ly. Trận đó tiểu đoàn 9 giành thắng lợi lớn.
Sau chiến dịch, trong một cuộc họp, anh Lê Văn Dánh, Chính ủy trung đoàn đã khen ngợi chiến công của lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 9. Đồng thời, anh biểu dương hai phái viên đốc chiến của trung đoàn, với trách nhiệm, ý chí, kinh nghiệm và uy tín của mình, đã có những đóng góp đáng kể vào chiến công đó.
Tháng 7 năm 1970, khi giữ chức Trung đoàn trưởng, trong lần dẫn bộ phận cán bộ đi trinh sát ở vùng A Lưới, gần Đường 12 tây Thừa Thiên, anh Nguyễn Hoán bị trực thăng địch phát hiện, chúng bắn rất rát và hạ cánh đổ quân xuống đánh chụp. Khi đã bị thương, anh hô cậu Nhật liên lạc chạy thật xa. Anh ném quả lựu đạn còn lại và bắn hết viên đạn cuối cùng rồi vứt khẩu súng ngắn cách chỗ anh hy sinh đến hơn chục mét, chắc là không để cho địch thu được. Đến khi Nhật dẫn chúng tôi chạy đến thì địch đã rút, anh đã hy sinh.
28 năm sau, năm 1998,  tôi mới có dịp tìm được gia đình anh  Hoán ở Vinh, trong khu tập thể gia đình quân nhân. Bây giờ thì chị Lan vợ anh và cháu Hoài con gái duy nhất của anh chị không còn ở Vinh nữa mà đã chuyển nhà vào thị xã Hà Tĩnh. Trước đây, khi còn công tác, hàng năm tôi vẫn đến thăm gia đình, thắp hương anh Hoán.

Tháng 10 năm 1970, anh Trương Anh Dung chính trị viên Đại đội 20 đặc công bị ốm nặng, hình như bị viêm cầu thận, phải đi điều trị dài ngày ở Bệnh viện 68 của Quân khu. Chỉ huy và anh em Đại đội 20 đề nghị cấp trên cho tôi về lại đơn vị. Tôi cũng thích thế. Nhưng Ban Chính trị Trung đoàn không đồng ý, với ý định sẽ bố trí tôi vào cương vị khác cao hơn. Cơ quan đưa ra mấy phương án lựa chọn người về thay anh Dung, nhưng đều không được Đảng ủy, Thủ trưởng Trung đoàn đồng ý. Cuối cùng, lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn đành cho tôi trở lại làm chính trị viên Đại đội 20 đặc công; đồng thời, chỉ định tôi vào Đảng ủy cơ quan Tham - Chính (tức là Đảng ủy gồm các đơn vị: Ban Tham mưu, Ban Chính trị Trung đoàn và Đại đội Trinh sát, Đại đội Đặc công).
Tôi về lại Đại đội 20 đặc công, dù mới xa hơn một năm mà đã có nhiều thay đổi. Anh Hào đại đội trưởng chuyển sang làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9 đã hy sinh ở Cốc Muộn. Anh Dung sau khi khỏi bệnh được điều động lên Ban Chính trị Trung đoàn. Khi tôi về, anh Đinh Minh Chúng làm đại đội trưởng, anh Trần Viết Xuân làm đại đội phó, anh Lê Văn Rật quê ở xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng làm chính trị phó. Một thời gian sau, trên điều động anh Chúng đi làm tham mưu trưởng Tiểu đoàn 9. Vì đã cùng chung sống, chiến đấu với nhau nhiều năm, với biết bao kỷ niệm vui buồn, nên ngày chia tay, anh Chúng và tôi ôm nhau nghẹn ngào khóc. Trên bổ nhiệm anh Trần Viết Xuân quê xã Hương Thu, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, làm đại đội trưởng.
Sau mấy năm hoạt động ở chiến trường, đời sống kham khổ, một vài trận chiến đấu không dứt điểm, tỷ lệ thương vong cao, nội bộ không thật sự đoàn kết, thiếu tin tưởng. Không khí chung của đơn vị trầm lắng. Trước tình hình đó, việc đầu tiên khi tôi về là bàn bạc cùng các anh trong Chi ủy và Ban Chỉ huy nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng, kiện toàn tổ chức, biên chế.  Cán bộ các mũi, các tổ có sự điều chỉnh thích hợp hơn. Tiếp đó, chúng tôi lập kế hoạch tăng cường luyện tập kỹ, chiến thuật; duy trì có chất lượng các chế độ sinh hoạt giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, rèn luyện kỷ luật, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết cán binh, xây dựng củng cố quyết tâm chiến đấu,…Sau một thời gian, tình hình chung của đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực. Từng bước, mọi hoạt động đi vào nền nếp, khí thế hăng hái sôi nổi hơn.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #31 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:35:03 pm »

Chương bốn:  Tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào


  Tháng 1 năm 1971, thực hiện Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, quân đội Sài Gòn tiến hành Cuộc hành quân Lam Sơn 719, đánh lên Đường 9 - Nam Lào, hòng chặt đứt tuyến vận chuyển chiến lược Bắc- Nam của ta. Lực lượng địch huy động rất lớn, gồm: 3 sư đoàn (1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn thiết giáp, 13 tiểu đoàn pháo binh ngụy; 20 tiểu đoàn Mỹ (7 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 5 tiểu đoàn thiết giáp) và 2 trung đoàn quân ngụy Lào phối hợp ở hướng Tây. Tổng quân số khoảng 5 vạn tên ( tương đương 5 sư đoàn bộ binh).
Để chặn đứng, đánh bật cuộc hành quân, tiêu diệt lớn quân địch, giữ vững hành lang huyết mạch của cuộc kháng chiến, tuyến vận chuyển Chiến lược 559, từ đó từng bước đánh bại Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, Quân đội ta đã thực hành chiến dịch phản công với qui mô rất lớn. Lực lượng ta có 5 sư đoàn bộ binh (gồm các sư đoàn: 2, 304, 308, 320 và 324), các lực lượng tại chỗ (Mặt trận B5, Trị Thiên, Đoàn 559), 3 tiểu đoàn tăng-thiết giáp, 4 trung đoàn pháo mặt đất, 4 trung đoàn pháo phòng không, 3 trung đoàn công binh, một số tiểu đoàn đặc công, thông tin,…Chiến dịch bắt đầu từ ngày 30 tháng 1 năm 1971.

Đang đứng chân ở vùng A Lưới - Thừa Thiên, chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc ra Đường 9 - Nam Lào. Vừa đi vừa phổ biến quán triệt nhiệm vụ vừa xây dựng quyết tâm chiến đấu cho anh em.
Ngày 5 tháng 2 năm 1971, khi chúng tôi mới hành quân ra đến Trạm 19 thì gặp địch. Sở trường của bộ đội đặc công là táo bạo, bí mật, bất ngờ tập kích địch trong cứ điểm vào ban đêm. Đánh hiểm, đánh nhanh, thắng nhanh và rút khỏi trận địa nhanh. Vũ khí trang bị của đặc công là gọn nhẹ. Trong biên chế trang bị chỉ có thủ pháo, lựu đạn, súng tiểu liên AK và B40, B41;  không có các loại hỏa lực khác có uy lực lớn hơn (như: trung liên, đại liên, cối, ĐKZ, trọng liên 12,7 ly…).Vì vậy, đặc công khó phát huy sức mạnh trong tác chiến với bộ binh địch ở ngoài công sự. Sở đoản của đặc công là đánh địch ban ngày. Nhất là khi được giao nhiệm vụ chốt chặn phòng ngự, chiếm giữ mục tiêu, chiến đấu dưới sự oanh kích của phi pháo địch, thì đặc công càng khó hơn. Nay, gặp địch giữa ban ngày, mới khoảng 3 giờ chiều. Trong Ban Chỉ huy có anh  lo không hoàn thành nhiệm vụ, đề nghị cho bám nắm địch, chờ đến khi trời tối mới tập kích. Với tôi, trước khi chuyển sang đặc công đã từng chiến đấu bộ binh nhiều trận, nên đã quen với tình huống này. Tôi vẫn nhớ cách các anh lớp trước nói rằng, đây là hình thức chiến thuật “tao ngộ chiến”, nói theo thuật ngữ mới là “đánh gặp gỡ”. Trong trường hợp này, lý luận nguyên tắc yêu cầu phải “tam tiên”, nghĩa là phải nhanh chóng làm ba việc trước đối phương: triển khai trước, nổ súng trước, xung phong trước. Bởi thế, tôi trao đổi với anh Trần Viết Xuân đại đội trưởng và chúng tôi thống nhất quyết định triển khai đội hình chiến đấu ngay. Anh Xuân chỉ huy mũi 2. Tôi chỉ huy mũi 1 do anh Phạm Văn Quí mũi trưởng tiếp cận vào quân địch.
Khi cách địch chỉ còn khoảng 30 mét, nhìn rõ, nghe cả tiếng cuốc xẻng chúng đang đào công sự và nói chuyện với nhau. Biết chắc là quân ngụy. Tôi chỉ thị cho cậu Bình xạ thủ B40 ngắm vào chỗ địch đang tập trung, khi nào tôi hô thì bắn. Tôi quay sang nói với Quí mũi trưởng chuẩn bị nổ súng. Nhưng chẳng hiểu sao, Quí nói với tôi:
- Anh Đẩu ơi, không đánh được đâu, lực lượng ta thì ít mà địch đông lắm.
          Tôi cáu tiết:
- Ông có đánh không, thì bảo?
Quí vừa lắc đầu, vừa nói:
- Em xin anh!
Tức mình, tôi gọi Mai Sĩ Thanh mũi phó lại và tuyên bố:
- Từ giờ phút này, ông Thanh giữ chức mũi trưởng chỉ huy chiến đấu, còn ông Quí lùi về phía sau ngay.
Thanh:
-  Vâng!
Quí cứ thế lầm lũi quay ra. Tôi ra lệnh nổ súng. Trận đó đại đội tôi giành thắng lợi. Chúng tôi diệt được nhiều địch, thu vũ khí và bắt được một tù binh.
Xem giấy tờ tùy thân của  tên tù binh nó là Trần Hữu Đức, quê quán ở Quế Chữ, Hương Trà, Thừa Thiên; đã tốt nghiệp Trường Võ bị Thủ Đức, trung úy, đại đội trưởng thuộc trung đoàn 1, sư đoàn 1 bộ binh. Ngoài ra, nó còn mang theo giấy xác nhận được tặng thưởng huân chương, ghi rõ tuyên dương công trạng đã giết được 5 cán binh cộng sản, thu 3 súng cá nhân và 1 súng cộng đồng.
Đọc đến đó và nhất là trước thái độ nói năng xấc xược của nó, tôi rút khẩu súng ngắn dí vào thái dương chực bắn bỏ cho bõ tức. Nhưng sợ vi phạm chính sách tù binh nên tôi kìm nén, đút súng vào bao. Tôi gọi điện báo cáo kết quả trận đánh lên anh Hoàng Trọng Thế trung đoàn trưởng. Anh Thế khen ngợi và yêu cầu đưa ngay tên tù binh lên trung đoàn để khai thác ngay.
  Ba hôm sau, tôi trực tiếp lên báo cáo tình hình và kết quả chiến đấu với Trung đoàn. Anh Hoàng Trọng Thế trung đoàn trưởng và anh Lê Văn Dánh chính ủy trung đoàn đều khen Đại đội 20 đặc công đã kiên quyết chủ động đánh địch, mặc dù ban ngày không phải là sở trường, chưa kịp nắm tình hình, gặp địch triển khai lực lượng đánh ngay, thu được thắng lợi lớn. Đánh thắng trận đó có ý nghĩa mở màn cho chiến dịch của Trung đoàn.
Trước khi trở về đơn vị, tôi gặp anh Trần Thư phó ban cán bộ Sư đoàn. Anh Thư nói nửa đùa, nửa thật:
      - Này ông Đẩu! Theo Điều lệnh hiện hành, có qui định nào cho phép ông được quyền cách chức mũi trưởng đối với Phạm Văn Quí và bổ nhiệm Mai Sĩ Thanh lên mũi trưởng?!
Tôi trả lời:
- Báo cáo anh, chính nhiệm vụ cấp trên giao và xương máu của anh em lúc ấy đã trao cho tôi cái quyền đó. Lúc đó không làm thế, thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra.
Nghe tôi nói, anh Thư cười và nói:
 - Không, tôi nói vậy thôi. Việc quyết định của ông lúc đó là kịp thời, chính xác. Điều quan trọng hơn là Đại đội 20 đặc công đã có một trận đánh thắng giòn giã.
Thực ra, ở với Quí nhiều năm rồi tôi biết. Quí hơn tôi một tuổi, quê ở Liên Am,Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Chính tôi là người giới thiệu cậu ta vào Đảng. Quí vốn là người dũng cảm. Nhưng không hiểu sao đến lúc đó lại vậy. Con người ta lạ thế. Có người trận trước chiến đấu gan dạ, trận sau lại chần chừ, thoái thác. Chúng tôi lao vào đánh nhau thì chẳng có ai việc gì. Nhưng khi lùi về phía sau, cách trận địa chừng 200 mét, Quí bị thương vào mắt do pháo địch. Trong chiến đấu, kinh nghiệm cho thấy, cứ bám sát vào địch trong một cự ly thật gần, thì phi pháo của chúng không phát huy được hiệu quả.
Phải chăng, từ thực tiễn ở chiến trường Miền Nam trong những ngày đầu chạm trán với quân viễn chinh Mỹ, một đội quân có vũ khí, trang bị kỹ thuật rất hiện đại, huấn luyện chính qui, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng đã khái quát thành khẩu hiệu chỉ đạo hành động cho Lực lượng vũ trang cách mạng: “ Hãy nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Điều đó, tôi cho rằng, hoàn toàn đúng cả ở ba cấp độ (ba tầm): Chiến thuật, Chiến dịch và Chiến lược.
Mai Sĩ Thanh quê ỏ thành phố Thanh Hóa, đã nghỉ hưu ở Chí Linh - Hải Dương, nhà ở gần Côn Sơn - Kiếp Bạc, có mấy đứa cháu nội rồi. Có lần, Thanh cùng mấy anh em bạn chiến đấu đến nhà tôi chơi. Lúc đang ăn cơm, chuyện trò rôm rả, Thanh say sưa kể lại trận đó với mọi người, rồi đi đến kết luận:
- Bây giờ đã qua mấy chục năm rồi, tôi vẫn nhớ như in. Bữa đó,  nhìn ông Đẩu vào trận, mặt đỏ bừng. Bởi thế, tôi bị cái vía, cái uy của ông Đẩu lấn át. Cứ nhận nhiệm vụ và xông vào đánh đại đi. Sống chết có số. Chứ chần chừ là không xong đâu.
Nghe xong, cả bọn chúng tôi cùng cười. Mặc dù hơn tôi ba tuổi, nhưng trong tiếp xúc Thanh luôn gọi tôi bằng anh và xưng em. Nghe không hợp lý, nhiều lần tôi đề nghị sửa lại cách xưng hô.Thanh cười hồn nhiên bảo rằng:
- Cứ gọi thế thôi. Quen rồi, chẳng sao cả. Vấn đề là, cách xưng hô phải phù hợp với mối quan hệ cụ thể. Tôi quí trọng ông Đẩu thì tôi gọi thế. Có bà con họ hàng gì với nhau đâu mà phải gọi cho đúng ngôi thứ.
 Sau khi đánh thắng quân địch trong trận “tao ngộ chiến”, Trung đoàn giao cho Đại đội chúng tôi phối hợp với Trung đoàn 1 của Sư đoàn chặn đánh quân địch đang hành quân từ Sê-pôn về phía Đông. Phương án tác chiến được xác định là : Dựa vào công sự sẵn có ở Trạm 19, Đại đội chúng tôi tổ chức thành một trận  địa phòng ngự chốt, chặn đứng cuộc hành quân của quân địch. Đồng thời, Sư doàn dùng Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 do anh Võ Chót trung đoàn phó chỉ huy cơ động đánh thốc từ phía sau để tiêu diệt địch. Nôm na được hiểu là, Đại đội chúng tôi chốt chặn như một cái  “đe”. Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 cơ động đánh lên như một cái “búa”. Hai bên dồn ép quân địch lại để tiêu diệt. Yêu cầu đặt ra là, đối với Đại đội chúng tôi là phải bám trụ kiên cường, trong mọi trường hợp không được lùi trận địa. Tiểu đoàn 1 phải cơ động trên mặt đất dũng mạnh tấn công.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #32 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:35:31 pm »

 Bắt đầu khai hỏa, toàn bộ trận địa của chúng tôi bị chìm trong hỏa lực cối 60 ly, cối 82ly và ĐKZ 75 ly của Trung đoàn 1. Có mấy đồng chí trực cảnh giới ở cửa hầm bị thương vong. Lạ thế, lúc đánh nhau với địch thì thấy sức công phá của hỏa lực chi viện của ta chưa đủ mạnh; vậy mà khi hỏa lực đó giáng trúng đội hình mình thì nghe dữ dội, đanh rát đến khủng khiếp. Chúng tôi phải bẹp dí xuống hầm, không thể ngóc đầu lên được. Tình hình này nếu kéo dài là rất nguy hiểm. Vì khi quân địch rút lui sẽ tràn qua trận địa ta. Bí quá, tôi bảo cậu điện đài 2 oát gọi ngay cho Trung đoàn 1 yêu cầu lùi tầm bắn lại khoảng 200 mét mới trúng được đội hình địch mà không rơi sang trận địa ta. Cậu điện đài loay hoay mãi chưa liên lạc được. Trong khi đó, các loại đạn pháo cứ cấp tập nện chát chúa vào công sự trận địa của đơn vị .Tôi sốt ruột vô cùng. Điện báo viên thì bền bỉ gọi:
- Sông Hồng gọi Sông Lô. Nghe tốt, nghe rõ, trả lời.
Khi điện đài thông thoại được, tôi giật phắt lấy ống nói, không dùng mật khẩu nữa, hết toáng lên:
- Ông Chót ơi, tôi là Đẩu đây, cối 82 và ĐKZ của các ông bắn trúng vào trận địa của chúng tôi rồi. Không thể ngóc đầu lên được. Hướng bắn thì đúng rồi đấy, nhưng phải cho tầm bắn lùi lại 200 mét thì mới trúng vào đội hình quân địch.
Cáu quá, tôi còn chửi thề mấy câu nữa. Tức thì, đầu bên kia nhận được thông tin, anh Võ Chót cho pháo bắn lùi ngay. Trận đó, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 phối hợp cùng đại đội chúng tôi đánh thắng giòn dã, tiêu diệt và bắt sống gần trăm tên tù binh ngụy.
Mãi tới sau này, năm 1993, anh Võ Chót là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 4 có lần cùng dự cơm ở làng Lệ Mật, Gia Lâm, Hà Nội với chúng tôi. Ôn lại kỷ niệm xưa, anh Chót kể lại trận đó và nói vui:
- Các ông ạ! Bây giờ ông Đẩu là Cục trưởng Cục Chính sách  trông hiền thế thôi. Chứ trước đây, lúc đánh nhau ở trận tiền, là cán bộ chính trị nhưng ông ấy nóng nẩy, quyết liệt và thậm chí là ngoa ngôn đấy!
 Tôi cười vui, nói lại:
- Mọi hoàn cảnh có thứ ngôn ngữ riêng. Cách biểu đạt cũng vậy. Giữa lúc bom rơi đạn nổ ngút trời, sự sống chết của mình và đồng đội là mong manh, thời khắc diễn ra tình huống chóng vánh, phải hoàn thành nhiệm vụ là mệnh lệnh tối thượng. Vì vậy, người chỉ huy phải xử lý nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất. Có phải như bây giờ đâu mà tế nhị, ngọt ngào, nhẹ nhàng, thưa với gửi!
 Nghe xong, mọi người cùng cười.

Đường 9 - Nam Lào từ lâu vốn là hậu phương của ta. Khi địch bắt đầu cuộc hành quân Lam Sơn 719, theo chủ trương của trên, nhân dân trong vùng và một vài đơn vị bảo đảm hậu cần – kỹ thuật ở Đoàn 559 đều sơ tán hết về phía sau.Vì rút vội, trong các bản làng còn bỏ lại nhiều trâu, bò, lợn, gà thả rông. Có cơ sở hậu cần  của Đoàn 559 còn ngổn ngang lương thực, thực phẩm: Gạo, lương khô, thịt hộp, đường, sữa.
Đơn vị vừa hành quân từ tây Thừa Thiên ra, vốn từ lâu rồi thiếu thốn mọi thứ. Chỉ huy cấp dưới đề nghị tôi cho anh em dùng những thứ mà đồng bào và các đơn vị bỏ lại. Mọi người lập luận rằng, những thứ đó rồi cũng sẽ mất hết thôi. Hoặc là, bị bom đạn tàn phá. Hoặc là, khi mình rút đi, quân ngụy đến đây nó sẽ vơ vét hết. Chi bằng, cho bộ đội ăn, chẳng phương hại gì mà còn góp phần bồi dưỡng sức khỏe để chiến đấu. Nghe ra có lý, tôi đồng ý cho phép các mũi (trung đội), tổ (tiểu đội) được mổ lợn, gà ăn thịt tại chỗ và được lấy thịt hộp, lương khô, đường, sữa mang theo khi hành quân chiến đấu. Nào ngờ, không biết có ai đó “phản ánh kịp thời”, Thủ trưởng Trung đoàn biết hết mọi việc. Hôm tôi về dự họp Đảng ủy Tham - Chính để sơ kết đợt 1 của Chiến dịch. Trong chương trình Hội nghị, anh Trần Đình Vàng, Phó chính ủy Trung đoàn, Bí thư Đảng ủy, yêu cầu phải kiểm điểm tôi về việc đó. Anh Vàng và một vài anh Đảng ủy viên phát biểu lập luận chặt chẽ, thái độ và lý lẽ gay gắt. Họ cho rằng, trong chiến đấu, tôi đã để đơn vị vi phạm chính sách dân vận – một chính sách lớn của Đảng, quân đội - và tự động lấy lương thực, thực phẩm trong kho dự trữ chiến lược của Đoàn 559. Nghe phân tích mãi, ù cả tai, nóng mặt, tôi xẵng giọng:
 - Ừ thì, bây giờ ngồi đây, các anh tiếc mấy con gà, con lợn bỏ hoang và mấy trăm cân đường sữa, lương khô, thịt hộp vương vãi do đơn vị bạn vứt lại, rồi qui kết nọ kia. Các anh có biết rằng, ở dưới đơn vị, cơ động chiến đấu liên tục, anh em thiếu đói, ốm yếu thế nào không? Lãnh đạo cấp nào thì bao giờ cũng phải quan tâm đến đời sống của anh em chứ! Hôm nay, tôi còn sống về đây, các anh đè ra kiểm điểm. Chứ hôm qua, tôi chết rồi thì kiểm điểm ai?
Tôi vừa dứt lời, anh Vàng nói như quát lên, giọng Quảng Ngãi nghe quyết liệt, chát chúa:
- A, đồng chí Đẩu dám nói thế à? Đồng chí cậy đánh được một số trận, thì kiêu binh hử? Quân đội ta khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Chúng tôi biết chứ. Đồng chí chỉ huy chiến đấu giỏi, dũng cảm thì tùy theo thành tích để đề nghị trên khen thưởng Huân chương các loại - kể cả việc tuyên dương là Anh hùng đi nữa. Nhưng, không vì thế mà buông tha khuyết điểm. Vi phạm chính sách, thì phải thi hành kỷ luật thật nghiêm để làm gương. Bất kể là ai đi nữa!
 Tự biết mình sai, nhưng tôi phát hiện ra trong lời phát biểu của anh Vàng có một chỗ hớ, có thể lách được. Tôi đứng dậy, từ tốn phát biểu:
- Kính thưa đồng chí Bí thư Đảng ủy, kính thưa các đồng chí! Tôi nhất trí ý kiến của đồng chí Bí thư Đảng ủy. Có công thì thưởng. Có tội thì phạt. Nhưng thưởng hay phạt đều phải công minh, chính xác, kịp thời và phải thực hiện đúng nguyên tắc, qui trình, thủ tục. Có như thế mới có tác dụng giáo dục sâu sắc. Bởi thế, tôi đề nghị, trước khi kỷ luật tôi, Đảng ủy cần cho người xác minh để có kết luận chính xác, cụ thể.
Tôi nói xong, mọi người nhất trí. Hôm sau Trung đoàn cho mấy anh cán bộ xuống điều tra, xác minh. Khi gặp gỡ tiếp xúc với cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, mọi người đều nói rằng, có việc đó thật, nhưng đây là do anh em tự động làm. Thủ trưởng Đại đội không có chủ trương và cũng không biết. Thế là, mấy ngày sau, Trung đoàn có quyết định kỷ luật khiển trách Ban chỉ huy Đại đội 20 đặc công vì đã để cho đơn vị vi phạm chính sách. Như vậy là kỷ luật tập thể. Vì thế, trong lý lịch cán bộ của từng chúng tôi, chẳng ai ghi điều này.
19 năm sau, năm 2000, trong lần tôi vào công tác ở Nha Trang, tìm đến nhà thăm anh Trần Đình Vàng. Anh ghì chặt vào người, cà bộ râu lốm đốm bạc lên mặt tôi. Anh quay sang nói với gia đình và mấy người cùng đi:
- Thằng này trưởng thành thế này là phải. Nó chiến đấu được lắm. Mưu trí, dũng cảm, lại sôi nổi hăng hái nữa. Nhưng nó cũng bướng, lại hay cãi cấp trên. Nó thế đấy, mà ở đơn vị ngày đó, ai cũng quí nó.
Nói rồi, anh bắt tôi đứng ra giữa nhà, vạch áo lên cho mọi người xem vết thương. Anh nói:
- Đây này, thấy không, nó bị thương nặng thế này. Hồi đó, cả đơn vị, ai cũng nghĩ rằng, nó sẽ không thể qua được.
 Anh Vàng vừa mất năm 2009, thọ 83 tuổi. Mấy ngày sau khi anh mất, tôi đọc báo Quân đội nhân dân mới biết tin. Không vào Nha Trang dự lễ tang anh được, tôi gọi điện chia buồn với con trai anh là Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Việt, phó Giám đốc Học viện Hải quân.
Ngày 20 tháng 3 năm 1971, tôi với anh Xuân đại đội trưởng lên Trung đoàn nhận nhiệm vụ. Cùng dự với chúng tôi có chỉ huy Tiểu đoàn 9 gồm anh Hồ Hữu Lạn, tiểu đoàn trưởng và anh Lê Hồng Hải, chính trị viên. Nhiệm vụ Trung đoàn giao cho Đại đội đặc công chúng tôi phối hợp với Tiểu đoàn 9 bộ binh cùng với Trung đoàn 1 đánh vào cao điểm 550 nhằm tiêu diệt Lữ đoàn 147 của địch. Sau khi nghe anh Hoàng Trọng Thế trung đoàn trưởng cùng anh Lê Văn Dánh chính ủy phổ biến tình hình và giao nhiệm vụ, chúng tôi bàn phương án tác chiến. Theo đó, mục tiêu tấn công là Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến ngụy đang chiếm giữ điểm cao 550. Hướng tấn công chủ yếu sẽ tiến hành từ phía đông lên. Vì ở hướng đó có độ dốc rất cao, chắc địch cho là ta không thể lên được nên ít đề phòng hơn. Khi ta đã lên được, từ trên cao đánh xuống, địch sẽ bị bất ngờ, khó đối phó. Đặc công sẽ là mũi đột kích chủ yếu. Đại đội 11 bộ binh tiếp ứng với đặc công. Đại đội 12 hỏa lực sẽ dùng cối 82ly và ĐKZ chi viện trong quá trình tác chiến.
Chiều ngày 21 tháng 3 năm 1971, chúng tôi bắt đầu tiếp cận vào vị trí tập kết ở chân cao điểm 550. Đến 7 giờ tối, trút bỏ lại những thứ không cần thiết, chúng tôi bắt đầu tiềm nhập vào cứ điểm địch. Độ dốc rất cao, gần như thẳng đứng, cây cối lúp xúp, lại có nhiều phiến đá lớn, chúng tôi phải dùng giây làm thang, rồi từng người bám vào leo dần lên. Đến 12 giờ đêm, khi cả đội hình đã lên gọn ở đỉnh dốc, bố trí xong đội hình, tôi mừng lắm. Tôi và anh Xuân trao đổi với nhau, giữ được bí mật bất ngờ, tạo được thế đánh thuận lợi thế này, trận này chắc chắn thắng to. Khi tiếp cận cách quân địch chừng 30 mét, chúng tôi  phát lệnh nổ súng.
Sau khi dùng B40, B41 bắn sập hai lô cốt đầu cầu, từng tổ, theo phạm vi được phân công, lao lên ném thủ pháo, lựu đạn vào công sự địch. Tiếp đó, anh em dùng súng tiểu liên AK lia từng loạt vào dẫy nhà bạt phía trong. Ban đầu do bị bất ngờ, địch choáng váng, chưa kịp phản ứng gì. Nhưng gần 10 phút sau, khi phát hiện được hướng đánh của ta, chúng co cụm chống trả quyết liệt. Địch bắn pháo sáng rực trời. Cả trận địa sáng choang như ban ngày. Từ ụ súng gần đó, một khẩu đại liên bắn xối xả cản bước phát triển của ta. Tôi chỉ thị cho cậu Bình xạ thủ B41 ngắm bắn vào khẩu đại liên. Quả B41 phóng đi, một quầng lửa sáng đi liền một tiếng nổ rất to. Khẩu đại liên địch bị câm họng. Bất ngờ từ phía bên phải, một tên địch phát hiện ra tôi, nó bắn một loạt tiểu liên AR15. Tôi trúng đạn người đổ xuống tại chỗ. Tức thì, cậu Tấn liên lạc bắn trả một loạt AK diệt ngay tên địch. Tôi thấy đau nhói ở lưng, tức ngực, không thở được. Máu ở lưng trào ra. Đồng thời, cả mũi và miệng tôi đều ộc máu, lại phì phò thành bọt theo nhịp thở. Tôi cũng không hiểu tại sao. Chắc viên đạn cắm phập vào phổi, thủng phế quản, máu và hơi thở quyện vào nhau. Mặc dù đau lắm, nhưng tôi vẫn tỉnh táo. Bằng kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm, tôi biết những người bị thương nặng mà còn rất tỉnh thì khó qua khỏi.
Từ phía trong, các loại hỏa lực của địch vẫn bắn ra xối xả. Cậu Tấn liên lạc bế xốc lên và cố dìu tôi vào sau một mô đất gần đó để tránh đạn và cấp cứu. Cậu Đỉnh y tá cầm cả cuộn băng ép chặt vào miệng vết thương và dùng mấy cuộn băng khác quấn chặt mấy vòng quanh ngực, máu mới cầm  và tôi thấy dễ thở hơn. Đau nhức và mệt nữa nhưng tôi vẫn biết diễn biến xung quanh. Chẳng hiểu sao, tôi lại nghe, cách đó dăm mét, cậu Dũng điện đài 2 oát - lúc này đàm thoại với nhau không dùng mật khẩu nữa -  gọi về Trung đoàn và Sư đoàn là:
- Báo cáo các Thủ trưởng, anh Đẩu đã hy sinh tại trận địa!
 Tôi lặng người đi. Nghĩ mình không thể qua được, trong phút chốc, tôi nói với cậu Tấn liên lạc mời anh Xuân đại đội trưởng Đại đội 20 và anh Hứa Tiểu Liên đại đội trưởng Đại đội 11 đang ở cách đó khoảng 10m đến. Khi nhìn thấy tôi, anh Xuân, anh Liên như cùng một lúc thốt lên:
- Trời ơi! Anh bị thương nặng thế này à?!
Tôi gật đầu, thều thào nói trong sự ngắt quãng vì hình như bị trống hơi:
- Các anh ơi! Tôi bị nặng thế này, chắc không qua được.
 Tôi ngẹn lại mất mấy giây, giọng thều  thào:
- Anh em ta đã thương vong khá nhiều… Các anh xốc lại đội hình, dùng hỏa lực chi viện, chỉ huy đơn vị nhanh chóng đánh thốc lên… Bằng mọi giá, phải dứt điểm sớm… Chập chờn, ngập ngừng ở lưng chừng thế này là chết cả đấy.
 Chắc là do hụt hơi, tôi nói quá nhỏ, đứt đoạn. Anh Xuân, anh Liên phải ghé tai thật sát vào tôi đế lắng nghe. Ngừng một chút để lấy hơi, chợt nghĩ về gia đình, tôi kéo anh Liên vào sát miệng mình, dồn hết sức:
- Liên ơi, nhà ông cách nhà mình khoảng hai chục cây số thôi… Ngày toàn thắng, nếu còn sống trở về, ông nhớ đến nhà mình nhé… Nhờ Liên kể với cha mình là,  mình đã hy sinh ở nơi đây, trong trường hợp này.
Con chim sắp chết tiếng kêu thảm thiết. Con người sắp chết lời nói thống thiết. Quả đúng là vậy.
Tôi vừa dứt lời, anh Liên vừa ghì chặt vào tôi vừa ngậm ngùi:
- Vâng! Anh yên tâm, ngày trở về quê, tôi sẽ thưa chuyện lại với ông.
 Anh Xuân cầm chặt tay tôi, giàn giũa nước mắt, giọng nghẹn ngào:
-  Chúng  tôi sẽ trả thù cho anh. Thôi ! đưa anh về phía sau ngay để còn kịp cứu chữa. Cầu mong anh qua được, Anh Đẩu ơi!
 Vừa nói xong,  anh Xuân cho cậu Đỉnh y tá và cậu Tấn liên lạc cõng tôi về phía sau. Trước lúc đi, tôi chẳng nói được gì nữa, chỉ còn đặt bàn tay lên cánh tay anh Xuân, anh Liên. Toàn trận địa sáng trưng, cuộn băng quấn quanh người tôi thì trắng lốp. Bởi thế, quân địch phát hiện được nó bắn đuổi theo, đạn cày xới xung quanh. May không ai trúng đạn.
 Tôi có ngờ đâu đó là lần tôi chia tay anh Xuân vĩnh viễn. Sau Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, anh Xuân được bổ nhiệm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9 và đã hy sinh năm 1972 tại Động Tranh, Thừa Thiên. Còn anh Liên quê ở xã Hưng Lộc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh  Nghệ An  công tác trong quân đội đến Ngày Giải phòng hoàn toàn Miền Nam, là cán bộ ở Bộ Tham mưu Quân đoàn 2. Hiện nay anh đã nghỉ hưu ở quê.
Khi Đỉnh vừa cõng đến mép dốc, tôi thấy anh Trương Anh Dung đã chờ sẵn. Chắc là anh ấy biết trước qua điện đài báo về. Anh Dung ghé vai cõng tôi, bám giây tụt dần xuống. Xung quanh đó đạn pháo địch bắn liên hồi. Có quả nổ rất gần. Quả thật, anh Dung khỏe vô cùng. Lúc đó tôi nặng 62 kg, anh còn to hơn, nặng  hơn. Tôi đã kiệt sức chỉ còn bám được vào cổ anh. Thế mà chỉ bằng đôi tay trần, anh bám giây guồng xuống tận chân cao điểm. Nếu anh tuột tay, cả hai anh em sẽ lao xuống vực sâu thẳm mà chết. Khi tụt xuống đến chân cao điểm, anh Dung đưa tôi vào hầm. Anh Nguyễn Văn Toàn trung đoàn phó ôm choàng lấy, ghì mặt vào người tôi. Rồi anh rút túi lấy ra nhét vào miệng tôi một miếng sâm Cao Ly. Tôi hồi tỉnh lại có lẽ nhờ miếng sâm đó.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #33 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:35:54 pm »

 Hồi ấy, ở chiến trường chỉ có cán bộ cấp Trung đoàn trở lên, lâu lâu, mới được cấp một củ sâm để bồi dưỡng sức khỏe. Có thể, đó là miếng sâm cuối cùng còn lại, anh Toàn dành cho tôi trong lúc nguy kịch. Tôi cảm động lắm, không bao giờ quên việc này. Anh Toàn quê ở xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, vốn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 đặc công được điều động sang giữ chức Trung đoàn phó Trung đoàn tôi. Anh đã hy sinh năm 1972 ở tây Thừa Thiên.
Đến rạng sáng hôm sau, các anh cho người cáng tôi lên Sư đoàn. Trên đường đi, máy bay và pháo địch bắn phá ác liệt. Có lần bị một quả pháo nổ cách chúng tôi một đoạn ngắn. Cáng đứt giây rơi phựt xuống, tôi bị bật ra ngoài. Tôi nằm trên cáng thì không sao. Nhưng có một người đang cáng tôi, bị trúng mảnh đạn hy sinh. Dừng lại bên đường, an táng xong người vừa mất, anh em lại đặt tôi lên cáng đi tiếp. (Tôi ân hận là mãi đến bây giờ, tôi cũng không biết được tên người hy sinh đó là ai. Sau này nhiều lần tôi hỏi thăm một vài người mà không ai nhớ nổi).
Khoảng 10 giờ trưa ngày 23 tháng 2 năm 1971, anh em cáng tôi về đến Sở chỉ huy Sư đoàn. Biết tin, các anh: Chu Phương Đới tư lệnh Sư đoàn, Nguyễn Xuân Trà chính ủy Sư đoàn; anh Ma Vĩnh Lan tư lệnh phó Sư đoàn và cả anh Lê Văn Dánh chính ủy Trung đoàn đều đến thăm tôi. Chắc các anh cũng thấy lạ. Đêm qua, nhận được báo cáo qua điện đài là tôi đã hy sinh, nhưng bây giờ tôi còn sống trở về. Các anh cầm tay tôi, chăm chú xem vết thương rồi hỏi han tôi và tình hình trên Cao điểm 550. Mặc dù đã yếu lắm rồi, nằm bất động trên võng, tôi cố gượng sức mình, thều thào nói vắt tắt với các anh về diễn biến trận đánh tính đến thời điểm tôi bị thương. Chưa yên tâm, tôi đề nghị các tăng thêm lực lượng để nhanh chóng dứt điểm. Càng để lâu, bộ đội sẽ thương vong nhiều hơn. Chắc giọng nói của tôi nhỏ lắm và lại đứt đoạn nữa, bởi thấy các anh ghé thật sát vào người tôi vừa chăm chú nghe vừa gật gật đầu.
 Nghe tôi nói xong, các anh biểu dương và tỏ ra tán thành với đề nghị của tôi. Mọi người chia tay tôi, trở về Sở chỉ huy. Riêng anh Dánh nán lại lâu hơn. Ghé thật sát, nhìn kỹ vết thương tôi lần nữa, anh rơm rớm nước mắt và xúc động nói:
- Đẩu ơi! Chúng ta chiến đấu với nhau bao nhiêu năm rồi. Em là người được anh em trong đơn vị ta  tin tưởng và quí mến. Trung đoàn, Sư đoàn ghi nhận thành tích của em và sẽ đề nghị lên trên khen thưởng em xứng đáng. Anh mong em qua khỏi!
Nghe anh Dánh nói, tôi nấc lên, nghẹn lòng, không đáp được lời nào. Tôi coi những lời biểu dương ngắn gọn, chân thành của anh là phần thưởng đích thực đối với tôi. Anh ôm chặt lấy tôi, rồi quay mặt đi gạt nước mắt trước lúc chia tay. Chắc anh nghĩ rằng, với tình trạng vết thương như thế, tôi không thể qua được, đây là lần anh em gặp nhau cuối cùng, chia xa vĩnh viễn.
 Sau này khi bình xét khen thưởng, tôi được đơn vị đề nghị và được trên quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng Hạng Nhì vì đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu dũng cảm, lập thành tích xuất sắc. Bị thương nặng vẫn vững vàng, tỏ rõ quyết tâm, động viên đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Rời Sư đoàn, anh em không cáng tôi xuôi ra Miền Bắc mà lại ngược vào phía Nam, vào Viện 68 của Quân khu Trị Thiên Huế. Thương binh trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào đưa vào đây khá nhiều. Đủ các loại vết thương, không phân biệt nặng nhẹ và bị thương vào đâu, chúng tôi nằm xếp thành dài trên sạp nứa  trong các lán. Hàng ngày, các y tá, y sĩ  lần lượt thay băng, tiêm thuốc cho thương binh. Các vết thương nặng đều phải phẫu thuật. Phòng mổ làm việc liên tục suốt ngày đêm mà vẫn không kịp. Nhiều thương binh nặng, do không đủ phương tiện và khả năng chữa trị, đã hy sinh. Ngay sau bệnh viện là một nghĩa trang khá lớn.
Khi khám cho tôi, các bác sĩ kết luận là, tôi bị đạn bắn gãy xương sườn, xuyên thấu phổi, thủng phế quản, gây tràn dịch màng phổi. Sau này tôi mới biết, với loại vết thương này, nếu có điều kiện như ở những bệnh viện bây giờ, thì chỉ cần mổ ra, gắp viên đạn, khâu lại lỗ rò phế quản, thì không thành thương tật nặng. Nhưng thuở đó, điều kiện chiến trường, thiếu thốn mọi thứ. Thầy thuốc chuyên khoa, thuốc men và phương tiện đều thiếu. Mổ phổi là đại phẫu thuật. Viện 68 không đủ khả năng tiến hành. Chỉ còn cách tiêm kháng sinh liều cao, chọc dò hút dịch. Hàng ngày, các bác sĩ đến dựng tôi dậy, cởi áo ra, dùng cồn i-ốt sát trùng khắp cả một lượt, tiêm thuốc giảm đau rồi dùng một cái xi lanh to gần bằng cổ tay, cắm phập một cái kim dài hơn  10 cm vào ngực, vào lưng để chọc hút dịch, máu mủ. Có bữa hút được một cốc đầy dịch, nhìn như máu cá. Khi chưa hút thì tức ngực, khó thở. Khi hút được rồi thấy dễ chịu hơn.
Ban đầu mỗi ngày hút một lần. Sau đó mỗi ngày phải hút hai lần tôi mới chịu được. Nhưng vết thương của tôi ngày một nặng lên. Đau nhức, tức ngực, khó thở và luôn sốt về chiều tối. Mấy ngày sau,  dùng kim loại to cũng không hút được nữa, vì dịch trong phổi đã thành mủ đặc quánh. Tôi càng đau nhức và khó thở hơn. Phải đặt tôi nửa nằm, nửa ngồi mới thở được. Sốt cao, li bì, liên miên - nhất là về buổi chiều và tối. Mỗi ngày tôi một yếu lả đi. Có mấy thương binh nằm cạnh đã ra nghĩa trang. Tôi nghĩ mình sắp đến lượt.
Sau chiến thắng của Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, cấp trên khao quân. Ở bệnh viện, cứ hai thương binh được cấp một hộp thịt hộp. Lúc chiều tối, chị y tá mang đi cấp phát và nói như vậy. Tôi và một thương binh tên là Thanh, cỡ tuổi tôi,  bị thương vào đầu, nằm cạnh. Khi nhận rồi, với ánh nhìn hiền hậu, chân thành, Thanh nói với tôi:
- Thôi! ông giữ lấy mà ăn bồi dưỡng sức khỏe để còn mổ. Mình nặng lắm, chắc không sống được nữa đâu. Ăn chẳng để làm gì!
 Tôi nhìn anh đau đớn, vì tin đó là sự thật. Và đến khuya, anh ấy kêu đau thảm thiết quá, bác sĩ chạy đến cấp cứu tại chỗ, thấy anh giãy dụa một lúc rồi tắt thở. Nhân viên bệnh viện chuyển anh ra nghĩa trang ngay trong đêm. Cảnh này diễn ra nhiều lần, anh em thương binh chúng tôi chỉ buồn thương đồng đội, chứ không bất ngờ. Sáng ngày nhìn sang cái dằm nằm trống trếnh bên cạnh và nhìn lại hộp thịt chỏng chơ, tôi ngao ngán, ngậm ngùi và thương xót Thanh vô cùng. Rồi, giống như Thanh, tôi cũng chuyển hộp thịt đó cho người khác, không tài nào ăn được.
Mấy ngày sau, khi khám cho tôi, bác sĩ cho rằng, mủ trong lồng ngực nhiều hơn, đặc hơn, dùng kim không hút ra được nữa, chèn ép phổi, gây tức thở . Xét thấy, cứ đà đó tôi ngày một yếu đi và sẽ không qua khỏi, bác sĩ Sùng, chủ nhiệm Khoa ngoại quyết định mổ đặt ống dẫn lưu vào thẳng trong lồng ngực để thoát mủ ra ngoài. Tôi được đưa lên bàn mổ vào lúc chập tối một ngày cuối tháng 3 năm 1971, tôi không nhớ ngày cụ thể.
Phòng mổ đặt trong một căn hầm lộ thiên. Không có điện, phải dùng đèn Đi-a-mô. Tức là, có một người đạp như đạp xe đạp để quay phát điện làm sáng đèn. Đạp có nhanh đèn mới sáng. Dừng lại thì đèn tắt. Bác sĩ cầm dao mổ dưới ánh đèn phập phù đó. Khi mổ chỉ dùng thuốc tê, nên tôi nghe và biết hết. Các anh ấy banh cái xương sườn đã bị gãy của tôi lên, cầm một ống xông cao su  bằng con lươn nhỏ, có đầu mà trên đó có nhiều lỗ, đẩy sâu vào lồng ngực tôi, tức thì mủ ở trong chảy trào ra. Dẫu đau lắm, nhưng tôi mừng vì thấy dễ thở hơn. Hơi thở dài, sâu hơn; không ngắn và gấp gáp như trước đó. Các anh đưa tôi về lán kèm theo sợi dây dẫn lưu từ ngực tôi ra một bình thủy tinh – hình như vốn là bình đựng thanh huyết. Cứ thế, mủ trong người tôi cứ chảy thoát tự nhiên ra ngoài.
Điều trị tiếp ở Viện 68 mấy ngày nữa, tôi được chuyển ra Miền Bắc theo tuyến giao liên 559. Theo qui định, thương binh nặng thì chuyển ra Bắc, thương binh vừa và thương binh nhẹ thì để lại điều trị đến khi khỏi, trở về đơn vị chiến đấu. Ai được đưa ra Bắc tức là đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Có thể, có người vui vì được trở về Miền Bắc. Với tôi, biết chắc rằng, nếu để lại chiến trường, thì tôi sẽ chết vì vết thương quá nặng. Nhưng ngày đó, vừa bước sang tuổi 23, còn say mê lý tưởng, dạt dào khát vọng mà đã thuộc diện bị loại ra khỏi cuộc chiến đang hào hùng, sôi động, tôi tủi thân và buồn lắm. Chẳng huyễn hoặc, chẳng lên gân lên cốt gì đâu. Tuổi trẻ chúng tôi lớp lứa đó là vậy.
Ngày đầu cáng tôi  lên đường, đi qua gần chỗ đơn vị đóng quân. Vì đã biết trước, cả đại đội đặc công, lúc đó còn lại khoảng hơn 50 người, ra đón đường chia tay tôi. Hơn một tháng sau bị thương, sức khỏe tôi yếu lắm, người gầy rộc đi. Cáng dừng lại. Tôi cứ nằm bất động trên cáng. Lần lượt từng anh em đến cầm tay tôi ngậm ngùi xúc động. Hầu như người nào cũng khóc. Mấy cậu liên lạc Đại đội khóc rất to, thảm thiết. Nước mắt tôi cứ thế chảy ra, chẳng còn sức mà khóc nữa, tôi nấc lên ngẹn ngào. Chúng tôi biết rằng, đây là lần chia tay cuối cùng. Mà quả thật, kể từ ngày đó đến hết cuộc chiến,  số anh em bạn bè tôi thuở ấy ở lại chiến đấu nhiều người đã hy sinh. Số còn lại đến bây giờ mà chúng tôi thỉnh thoảng vẫn họp mặt nhau, khi Thái Bình, lúc Nam Định, Thanh Hóa, chỉ còn chưa đến chục người. Đúng là những hạt gạo trên sàng. Khi chia tay, lo cho tôi vết thương nặng, sức yếu, đường xa, dẫu chẳng có gì, anh em gom góp lại vài cân đường, dăm hộp sữa để tôi bồi dưỡng và mấy vật chiến lợi phẩm của Mỹ như đèn pin, bi đông, ka uống nước, võng dù,… tặng tôi làm kỷ niệm. Tất cả dồn lại đựng vào một cái gùi, giao cho người cáng mang theo tôi.
Thường xuyên có ba người thay nhau cáng tôi và mang ba lô đi cùng. Đường đi khi lên núi, xuống đèo, lúc nắng gay gắt, lúc mưa dầm dề, đương gồ ghề trơn trượt, anh em vất vả. Mỗi ngày qua một cung trạm. Cứ tối đến, quân y của trạm dùng xi lanh hút mủ từ trong lồng ngực tôi qua ống dẫn lưu ra ngoài. Rồi thay băng, tiếp tục tiêm thuốc kháng sinh.
Cáng bộ được hơn 10 hôm, tức là qua được 10 trạm giao liên. Đến một ngày các anh chuyển tôi từ trạm giao liên ra đường cái để đưa lên  xe ô tô vận tải. Tôi được đưa lên ô tô cùng với mấy thương binh nữa. Khi nhìn thấy tôi, các anh phụ trách vận chuyển bằng ô tô ái ngai, lo lắng. Họ cho rằng, đường chiến lược trong rừng rất xấu, xe xóc rất mạnh, mà vết thương của tôi thì quá nặng. Đắn đo hồi lâu, các anh quyết định để tôi ở lại để cáng bộ. Nhưng lúc gọi mấy chiến sĩ tải thương của trạm giao liên để trả tôi lại, thì họ đã quay về trước đó, không còn ai nữa. Tải thương trên ô tô chỉ có hai người phải lo cho mấy thương binh. Vì vậy, sau một hồi suy xét, không còn cách nào  khác, các anh đành để tôi lại và cho rằng trên đường giao liên với nhiều người qua lại, chắc chắn sẽ có người gặp và chuyển tôi về trạm. Chứ nếu chuyển bằng ô tô, tôi không chịu nổi mà sẽ hy sinh trên đường.
Vậy là, một mình tôi bơ vơ nằm trên cánh võng, giữa rừng, cạnh chỗ giao nhau của đường giao liên bộ với đường ô tô. Ban đầu, với vết thương đau nhức, khó thở, sức đuối lắm, tôi  hoang mang, lo lắng vô cùng. Nằm trên võng, tôi chăm chú nghe ngóng và khát khao có ai đi trên đường giao liên không. Tôi mong manh chờ mãi… chờ mãi…chẳng thấy gì. Thời gian dần trôi, bốn bề vắng lặng, tôi khắc khoải vô vọng. Nghĩ rằng, với vết thương nặng thế này, mình sẽ bị chết ở đây. Nhưng ngay sau đó, giữa lúc vô vọng nhất, tôi trấn tĩnh lại, trong cuộc chiến đấu  quyết liệt với quân thù, cùng trang lứa đã có bao người  hy sinh, nay đến lượt mình vì vết thương quá nặng, âu cũng là tất yếu. Nắng chiều nhạt dần, trời sắp tối. Tôi đưa tay lấy tập giấy tờ để trên võng, ra đọc. Trong đó có ba loại giấy: Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, Giấy chứng nhận bị thương, Giấy chuyển thương. Ở Giấy chuyển thương, tôi thấy trong mục khi cần báo tin cho ai, ai đó đã viết nhầm tên cha tôi là Nguyễn Văn Hòa. Sợ nếu mình hy sinh, báo tử nhầm địa chỉ, tôi lấy bút bi đang cài ở túi ngực chữa lại chữ Hòa thành chữ Hòe bằng chữ in hoa hẳn hòi, cho đúng. Tiếp theo, ở ô trống còn lại, tôi viết thêm lời nhắn nhủ: “Các đồng chí ơi, tôi đã hy sinh ở đây!”. Viết xong, vuốt lại tờ giấy cho thẳng hơn, tôi cho vào túi. Rồi mệt quá đến kiệt sức, hình như vết thương không còn đau nhức nữa,  tôi lịm đi, thiếp dần, mơ màng, bồng bềnh như vào giấc ngủ…
  Vậy rồi, đến khi từ từ khi mở mắt ra, tôi lạ lùng thấy mình đang nằm trên một cái lán nứa dưới mái nhà tranh. Nghĩ là, mình đang nằm mơ, đưa tay cấu vào chân thấy đau, tôi mới cho là thật. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Phía trên thấy có một chai thanh huyết đang truyền vào người tôi. Ghé nhìn sang cạnh đó, một chị chắc là y tá đang ngồi chăm chú nhìn tôi. Ngoài kia ánh sáng ban mai chói lòa. Thấy tôi động đậy, ú ớ, chị y tá nói như reo lên:
- Ồ! tỉnh lại rồi hả. May quá!
Khi đã tỉnh hẳn, hỏi chị y tá, tôi mới biết, tối qua có Đoàn cán bộ Dân Chính từ phía Nam ra. Trên đường bất chợt nhìn thấy tôi đang mê man bất động trên chiếc võng ở gốc cây bên vệ đường. Họ thay nhau cáng tôi đi và hỏi thăm tìm đường đến Đội Điều trị. Họ tìm được Đội Điều trị lúc khoảng 2 giờ sáng. Cáng tôi vào đây bàn giao cho quân y rồi họ đi tiếp.
Khi tiếp nhận tôi trong tình trạng đang hôn mê, các bác sĩ đã kịp thời tiến hành hồi sức cấp cứu. Sau đó, họ căn cứ vào những giấy tờ hiện có của tôi, kết hợp với khám xét vết thương thực thể để lập bệnh án bổ sung.  Mấy hôm sau tỉnh hơn, tôi được biết, đây là Đội Điều trị 59 của Đoàn 559. Bác sĩ Lợi là Đội trưởng Đội Điều trị. Trong Đội Điều trị còn có anh Thơm quân y sĩ quê ở xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cũng thường xuyên chăm sóc tôi. Chị y tá trực bên tôi ngày mới đưa vào cấp cứu tên là Nguyễn Thị Huệ, quê ở Chương Mỹ -Hà Tây. Sau này, năm 1977, khi tôi tái phát vết thương vào điều trị ở Viện 108, có gặp lại chị  Huệ lúc đó là y tá trung cấp của Khoa B5 – phẫu thuật lồng ngực.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #34 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:36:26 pm »

 Thời gian điều trị ở Đội Điều trị 59, do vết thương ngày càng nặng hơn, có lúc nguy kịch, tôi phải cấp cứu mấy lần. Tôi nhớ một lần tôi không thở được, có bác sĩ đề nghị mổ nới nội khí quản đưa ra ngoài để thở. Với ánh nhìn đăm chiêu suy nghĩ lung lắm, sau một lúc xem xét kỹ vết thương và đọc lại bệnh án của tôi, bác sĩ Lợi đội trưởng quyết định không mở nội khí quản. Ông vừa chăm chú nhìn tôi một cách thương cảm, vừa từ tốn rành rọt nói với mọi người:
- Cậu này còn trẻ quá. Mổ ra, mở nội khí quản để thở là giải pháp tình thế bất đắc dĩ. Có thể giải quyết qua cơn cấp cứu. Nhưng khi lắp lại khí quản, ngộ nhỡ chạm đến giây thanh quản mà gây ra câm, thì tội vô cùng. Thôi! Cứ cấp cứu bằng nội khoa. Tiêm Lu-ba-lin trợ hô hấp và tiêm u-a-ba-in trợ tim, cần thiết thì tiêm moc-phin giảm đau đi đã.
 Thế rồi, dưới sự chỉ đạo và trực tiếp điều trị của bác sĩ Lợi, tôi qua được và khỏe dần lên. Lúc đó, vì rất lo lắng đến tính mạng, nên mặc dù trong trường hợp nguy kịch, tôi vẫn còn tỉnh, chăm chú nghe. Trọn đời, tôi chịu ơn của của bác sĩ Lợi. Ngày đó, nếu không có kinh nghiệm và sự quyết đoán của ông, không biết tôi sẽ là thế nào. Tiếc là, sau ngần ấy năm trời, tôi chưa có dịp nào gặp lại bác sĩ Lợi.
 Điều trị ở Đội Điều trị 59 khoảng hơn 10 ngày, tôi lại được tiếp tục đưa ra Bắc theo tuyến chuyển thương. Lại nằm trên cáng lênh đênh dọc tuyến giao liên. Tôi nằm trên đôi vai của các chiến sĩ tải thương khi lên núi, lúc băng đèo, lội suối với biết bao vất vả, gian truân và có khi còn bị máy bay oanh kích nữa. Tôi cảm kích và mãi mãi chịu ơn của những đồng đội mà tôi không hề biết tên đó.

  Ngày 9 tháng 5 năm 1971, khi đến đất Quảng Bình, tôi được chuyển  bằng  ô tô cứu thương đưa đến Viện 559 ở phía tây huyện Bố Trạch. Dừng lại hai hôm rồi đi tiếp ra Bắc. Tối ngày 12 tháng 5 năm 1971, xe  dừng lại ở một thị trấn để bác sĩ, nhân viên và lái xe xuống ăn cơm. Tôi nằm nguyên trên cáng, hỏi mọi người đây là đâu. Mọi người trả lời là Thị trấn Quán Hành. Tôi bồi hồi khôn tả. Ôi! đây là huyện lỵ huyện Nghi Lộc. Dưới kia về phía đông khoảng 7 cây số là  làng Đại Xá quê tôi. Chính từ nơi đây, 7 năm về trước, tôi, một chàng trai 16 tuổi lên đường nhập ngũ. 7 năm rồi, trong điều kiện chiến tranh, biết bao nhiêu điều xẩy ra, tôi chưa một lần trở lại. Chính trong khoảng thời gian đó, mẹ tôi đã vĩnh viễn đi xa. Từ khi mẹ tôi mất đến lúc đó, tôi chưa hề được thắp một thẻ hương lên phần mộ, cũng như bàn thờ của bà. Tôi ngậm ngùi hồi tưởng về mẹ. Tôi nhớ nhà, nhớ quê kinh khủng mà chẳng biết làm sao. Ngoài kia, khách bộ hành kẻ ngược người xuôi, biết có ai quen để nhắn nhủ đôi điều!
Sau khi dừng lại mấy ngày điều trị ở Viện 111 ở huyện Triệu Sơn – Thanh Hóa, ngày 19 tháng 5 năm 1971, tôi được đưa vào Khoa B5-Viện 108 ở Hà Nội. Ngày đầu tiên nhập viện, qua kiểm tra, tôi chỉ còn cân nặng 36 kg, hồng cầu chỉ còn 1,6 triệu. Da bọc xương, chân tay khăng khiu, teo tóp lại. Tôi nằm bẹp dí và không tự phục vụ được. Mọi việc đều phải có các hộ lý giúp cho. Bác sĩ kết luận là, ở tôi do vết thương để quá lâu, gây mủ phế mạc, tràn dịch màng phổi, dày dính phế mạc, phế quản bị thủng gây rò hơi thở. Phương án mổ được xác định là : cắt mấy cung sườn ở bên phải, phía sau lưng, lấy viên đạn ra,  bóc toàn bộ ổ mủ, trám cơ lỗ rò phế quản. Đây là ca đại phẫu thuật. Sức khỏe hiện tại tôi quá yếu, không đảm bảo cho việc mổ. Vì vậy, phải  vừa tiêm kháng sinh liều cao, vừa bồi dưỡng cho tôi hồi phục sức khỏe.
Hơn 1 tháng sau, ngày 25 tháng 6 năm  1971, cán bộ nhân viên Khoa B5 đưa tôi lên bàn mổ. Kíp mổ cho tôi lúc đó gồm bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, Chủ nhiệm khoa trực tiếp đảm nhiệm, bác sĩ Trần Văn Yến và bác sĩ Phan Thị Ngọc Bích phụ mổ. Ca mổ kéo dài từ 8 giờ sáng đến hơn 10 giờ ngày 25 tháng 6 năm 1971. Mãi tới 3 giờ chiều tôi mới tỉnh lại. Thuốc mê đã tan hết. Miệng đắng ngắt, khô khát.Vết mổ đau nhức lắm. Băng quấn quanh ngực trắng lốp. Có một dây dẫn lưu từ ngực xuống cái lọ đặt ở mép giường. Có một dây truyền thanh huyết. Ba ngày sau mổ, tôi đã có thể đứng dậy được. Tôi hỏi lại thì được biết, kết quả mổ là tốt nhưng vẫn không lấy được viên đạn. Vì nó nằm trong phổi, gần tim. Trên phim X quang thì nhìn rõ nhưng khi mổ ra, máu lênh láng, viên đạn di chuyển sang chỗ khác, không lấy được. Tôi hỏi các bác sĩ, để viên đạn như thế có việc gì không, thì được biết không sao cả. Lâu dần, viên đạn sẽ được mỡ trong cơ thể bọc lại, nằm ổn định trong cơ thể. Vậy là, đến trọn đời, tôi mang một viên đạn trong phổi.
 Sau mổ, tôi hồi phục thể lực rất nhanh. Lợi thế của tuổi trẻ là vậy. Hai tháng sau tôi đã lên được 58 kg. Hàng ngày ngủ dậy tôi đã chạy được mấy vòng quanh viện. Vết thương lành sẹo, thuốc men và ăn uống đầy đủ, sức khỏe hồi phục, tinh thần sảng khoái, tôi mừng vô cùng. Tập thể Khoa B5 Viện 108, đứng đầu là bác sĩ Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thọ, bằng tài năng, trách nhiệm và tình cảm của mình đã cứu sống tôi – điều làm cho nhiều người mừng rỡ, ngỡ ngàng. Có thể nói, chính các anh, các chị đã cải tử hoàn sinh cho tôi. Tôi không bao giờ quên.
Ngày đó, tình cảm giữa cán bộ nhân viên quân y với thương, bệnh binh sâu nặng, gắn bó. Không hiểu sao, suốt mấy chục năm, có đến hàng ngàn thương, bệnh binh qua điều trị ở đây, thế mà nhiều  năm sau gặp lại các anh chị vẫn nhận ra tôi. Trong số đó có chị Phan Thị Ngọc Bích, vợ của giáo sư Trần Ngọc Ân. Là người tham gia mổ và trực tiếp điều trị cho tôi, chị thương tôi như em trai vậy.
 Thời gian tôi điều trị ở Viện 108, có cha tôi, chị Hòe, anh Thắng, anh Tần ở quê ra và chị Nam cùng nhiều người bà con ở Hà Nội đến thăm. Tình cảm thân thương quí mến của gia đình, họ hàng lúc đó đã góp phần tiếp thêm nghị lực và sinh khí cho tôi vượt qua sự hiểm nguy của thương tật để từng bước gượng dậy và vươn lên.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #35 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:37:14 pm »

Chương năm: Về cơ quan Tổng cục Chính trị


Cầm tờ giấy ra viện, từ Quân y viện 108, tôi  ra ga Hàng Cỏ đi tầu hỏa về ga Thường Tín, tìm đến Trạm CT 14 đóng ở đình làng Ngọc Hồi. Đây là Trạm thu dung của Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ đón tiếp thu dung thương, bệnh binh ở các chiến trường ra. Căn cứ vào quê quán, cấp bậc, chức vụ, đơn vị chiến trường của từng người, cơ quan cán bộ ở Trạm đề nghị cấp trên phân bổ về an dưỡng tại các Đoàn điều dưỡng thương, bệnh binh ở các tỉnh, quân khu. Tôi được biết, hồi đó thương, bệnh binh ở các chiến trường Miền Nam ra an dưỡng và giải quyết chính sách với số lượng rất đông. Những thương, bệnh binh là hạ sĩ quan thì được đưa về an dưỡng ở các đoàn an dưỡng của các tỉnh, nơi quê quán của họ. Với thương, bệnh binh là sĩ quan thì đưa về các đoàn an dưỡng của các quân khu.
 Đình Ngọc Hồi khá rộng, cách  thị trấn Thường Tín khoảng 2 km, về phía đông nam. Chúng tôi, số thì ngủ trong mấy cái nhà lợp tranh cạnh đình, phần đông trải chiếu ngủ trong đình. Trong khi cấp trên đang xem xét phân tuyến và chờ quân số cho đủ các chuyến xe về các Đoàn điều dưỡng, chúng tôi phải đợi mất mấy ngày. Hàng ngày, chúng tôi,  mấy thương binh mới quen biết, rủ nhau lang thang đi chơi ở ngoài thị trấn Thường Tín và trong các xóm làng lân cận. Với tôi đây là lần đầu tiên ra đất Bắc nên cái gì cũng muốn biết.

Ngày 15 thàgs 9 năm 1971, tôi lên xe về Đoàn 251- Quân khu Tả ngạn, được phân về Đội 4 ở trong nhà dân tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hải Hưng, cách Trương Xá gần 2 km. Nhân dân ở đây, mặc dù đời sống còn khó khăn, nhà cửa chật hẹp, lại mới qua trận lụt nặng nề, nhưng đón tiếp chúng tôi rất niềm nở, tận tình. Các gia đình đã co lại phần sinh hoạt của mình, dành giường chiếu cho thương binh.  Hồi đó, hình như bất cứ ở đâu trên Miền Bắc, tình cảm nhân dân ở hậu phương đối với thương binh ở chiến trường ra rất chu đáo, mặn nồng. Trong nhiều gia đình cũng có con đi chiến đấu ở chiến trường B. Họ coi chúng tôi như những người thân trở về. Tuy đời sống vật chất còn nghèo nhưng vui, cùng nhau chia sẻ khó khăn, thiếu thốn.
Theo qui định, mọi thương binh ở chiến trường ra được an dưỡng 3 tháng. Trong thời gian an dưỡng, giải quyết đầy đủ mọi quyền lợi như: Cấp giấy sinh hoạt Đảng; phiên quân hàm; giám định thương tật; và sau đó giải quyết chính sách tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng người.
Khi ở chiến trường ra, mọi Đảng viên chỉ có một giấy sinh hoạt Đảng tạm thời do đơn vị cũ cấp, nay đổi lại thành giấy sinh hoạt Đảng chính thức.
Trong chiến đấu ở chiến trường B dài, dưới danh nghĩa là Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, việc phong thăng quân hàm không gọi theo các bậc của cấp úy, cấp tá như ở Miền Bắc mà gọi là: trung đội bậc phó, trung đội bậc trưởng, đại đội bậc phó, đại đội bậc trưởng,…cho tới cấp cao nhất là sư đoàn bậc trưởng. Khi ra Miền Bắc, căn cứ vào đó để phiên sang các bậc quân hàm tương ứng. Thực ra, việc phiên quân hàm này cũng có đôi điều bất hợp lý. Ví dụ: cấp đại đội bậc phó những năm trước ra Miền Bắc được phiên quân hàm trung úy. Nhưng sau đó, cả đại đội bậc phó và đại đội bậc trưởng đều phiên trung úy. Mà ở chiến trường, từ đại đội bậc phó lên đại đội bậc trưởng là cả một sự phấn đấu, rèn luyện trong chiến đấu. Lại có người đã là trung úy ở Miền Bắc rồi vào chiến đấu ở Miền Nam được phiên sang đại đội bậc phó. Sau mấy năm chiến đấu, bị thương ra Miền Bắc an dưỡng lại phiên sang trung úy. Thật buồn! Đã không thăng quân hàm thì chớ, mà lại trồi lên trụt xuống cứ như bị kỷ luật ấy,…Chẳng biết ai sáng tác ra qui định lạ lùng ấy.
Khi bị thương trong chiến đấu ở chiến trường, cán bộ chiến sĩ được đơn vị cơ sở cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên cấp một giấy chứng nhận bị thương. Giấy này là căn cứ pháp lý để sau khi điều trị ổn định vết thương, tiến hành giám định thương tật ở các đoàn an dưỡng. Kết quả giám định những người mất sức lao động từ 21% trở lên thì được xác nhận là thương binh các hạng, hàng tháng được hưởng trợ cấp thương tật và các chính sách đãi ngộ khác. Những người bị thương nhẹ hơn, tỷ lệ mất sức lao động từ 5% đến 20%, thì được trợ cấp một lần bằng một số tháng lương theo cấp bậc quân hàm của mỗi người – nôm na gọi là tiền xương máu.
 Sau khi hết thời gian an dưỡng, việc giải quyết chính sách là căn cứ vào điều kiện cụ thể về sức khỏe, năng lực và điều kiện cụ thể của mỗi người. Một số tuổi còn trẻ, thương tật nhẹ, được điều động trở lại các đơn vị thường trực. Một số khác được cử đi học ở trường quản lý kinh tế hoặc các trường đào tạo nghề. Số vốn là công nhân viên chức Nhà nước được trở về cơ quan xí nghiệp cũ. Một số có trình độ chuyên môn phù hợp, thì được chuyển ngành sang các cơ quan dân chính đảng. Ngày đó, Chính phủ qui định các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước phải tiếp nhận trong biên chế có tỷ lệ 5% là thương binh. Sau khi đã giải quyết cho thương binh thuộc diện đi học nghề, học văn hóa và chuyển ngành sang cơ quan xí nghiệp Nhà nước, số còn lại phần đông là phục viên về địa phương.
Tôi không vui vì là đại đội bậc trưởng mấy năm rồi cũng chỉ được phiên quân hàm trung úy. So với thực tế, tôi bị thiệt thòi hơn. Bởi lẽ, tôi đã được thăng đại đội bậc phó từ tháng 12 năm 1968 - nếu ở thời điểm đó ra Bắc, tôi đã được phiên thượng úy. Tính từ khi thăng đại đội bậc phó đến khi ra Miền Bắc đã có 3 năm ở chiến trường, chiến đấu nhiều trận, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hẳn hòi, rồi đã được thăng đại đội bậc trưởng từ tháng 10/1969. Vậy mà cũng chỉ được phiên quân hàm trung úy bằng những người công tác ở các đơn vị phía sau, vừa được thăng đại đội bậc phó trước khi ra Bắc.
Kết quả giám định thương tật vết thương ở phổi cộng với các vết thương ở chân và tay, tôi mất sức lao động vĩnh viễn 37%, xếp thương binh hạng 2/8. Thực tình, lúc đó vì muốn ở lại tiếp tục phục vụ quân đội lâu dài, tôi không muốn Hội đồng Giám định y khoa xếp tôi ở hạng thương tật cao hơn.
Vậy đấy, giống như nhiều cán bộ trẻ lúc bấy giờ, cũng là quyền lợi, nhưng tôi muốn quân hàm thì được phiên ở bậc cao mà thương tật lại chỉ muốn được xếp ở hạng thấp.
Trong thời gian an dưỡng ở Đoàn 251, điều quan tâm, băn khoăn nhất lớn nhất đối với tôi là công việc. Nhiều đêm tôi trăn trở thao thức, không tài nào ngủ được. Tương lai còn mờ mịt. Sự nghiệp cuộc đời là gì đây, khi tôi mới 23 tuổi. Đời còn phơi phới vậy mà đã phải đặt ra bên lề sự nghiệp, loại ra khỏi con đường danh vọng. Với tình trạng thương tật mất sức 37%, văn hóa mới học dở lớp 9, chắc chả cơ quan nào tiếp nhận. Như nhiều thanh niên hồi đó, ngoài việc cầm súng đánh giặc, tôi chưa được đào tạo một nghề nghiệp chuyên môn gì. Gọi là nông dân thứ thiệt, sinh ra lớn lên ở một vùng nông thôn thuần túy, nhưng lúc đó nhiều việc sơ đẳng của nhà nông như cày, bừa, cấy, gặt,..tôi cũng chưa biết làm. Tôi lo lắng, thậm chí bi quan, cho tiền đồ của mình.
Tự xét thấy, vì sức khỏe, thương tật, tôi nghĩ mình khó có điều kiện trở lại đội ngũ chiến đấu như một số bạn bè lúc đó. Chính vì vậy, khi nhận được thư của Ban Cán bộ Phòng Chính trị của Bộ Tư lệnh Đặc công mời đến để xem xét nghiên cứu có thể xếp một công việc thích hợp, tôi đã từ chối, bằng cách coi như không nhận được thư nên không đến.
Nguyện vọng của tôi lúc bấy giờ là được cấp trên cho đi học văn hóa cho hết  cấp III, sau đó thi vào Đại học. Nghĩ rằng, dẫu đã muộn, nhưng cổng trường Đại học vẫn rộng mở đối với lớp lứa chúng tôi. Ở tôi, chí tiến thủ trong học tập vẫn còn, trí nhớ còn tốt, lại được ưu tiên là thương binh trong thi tuyển theo chính sách hiện hành, tôi tự tin là đỗ. Bất quá, trường hợp không đỗ đại học, thì xin đi học trung cấp chuyên nghiệp để kiếm lấy một nghề cho cuộc sống lâu dài. Tôi đề đạt nguyện vọng với Thủ trưởng đơn vị, nhưng chờ mãi không thấy có quyết định. Trong khi đó, nhiều anh em khác cùng về an dưỡng một đợt, đã lần lượt lên đường đi theo nhiều hướng khác nhau, tôi sốt ruột lắm.
Trong khi chờ quyết định của trên, tôi xin phép đơn vị, mượn một chiếc xe đạp đi sang Thái Bình thăm các gia đình của nhiều đồng đội, hoặc đã hy sinh, hoặc còn chiến đấu ở chiến trường. Vậy là, chỉ bằng một chiếc xe đạp cà tàng, tôi một mình rong ruổi từ Kim Động – Hưng Yên vượt phà Triều Dương theo Đường 39 sang các huyện Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải – Thái Bình. Trong thời gian hơn 10 ngày, cứ sáng lên đường hỏi thăm tìm đến một nhà theo trí nhớ. Tối ngủ lại gia đình của đồng đội cũ, sáng dậy lại đi tiếp. Cứ thế, tôi đã đi hàng mấy chục, thậm chí cả trăm cây số, qua từng ngõ ngách thôn xóm xa lạ ở miền quê Thái Bình, đến hầu hết gia đình của anh em thuộc Đại đội 20 đặc công. Dẫu chưa quen biết, nhưng khi nghe tôi nói là bạn cùng chiến đấu với con em mình, các gia đình đã vồ vập, đón tiếp tôi rất thịnh tình, chu đáo. Tôi có đến một vài gia đình của những anh em đã hy sinh. Khi biết rằng, địa phương chưa báo tử, tôi đến thăm nhìn lại gia cảnh bố mẹ già, nhà cửa dột nát, con thơ, vợ trẻ của đồng đội, lòng ngẹn ngào, ái ngại nhưng không giám nói gì. Nhiều gia đình lâu rồi không nhận được tin con, trong sâu thẳm đáy lòng đã linh cảm thấy điều bất ổn. Mọi gia đình đều coi tôi như con em họ đi chiến đấu trở về. Thật cảm động vô cùng. Khi tôi ra đi, nhiều bà mẹ, ông bố đã ôm lấy tôi mà khóc. Tôi biết, bao năm trường, trong cõi lòng họ ngày đêm nhớ mong con đến da diết.

 Tháng Giêng năm 1972, tôi được về nghỉ phép trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là lần nghỉ phép đầu tiên trong cuộc đời bộ đội của tôi. Gần 8 năm xa quê hương và gia đình đi chiến đấu, bị thương, nay được trở về, tôi bồi hồi xao xuyến. Chuyến tàu tốc hành chuyển bánh từ Hà Nội lúc 2 giờ chiều ngày hôm trước đến ga Vinh lúc đã gần 3 giờ sáng ngày hôm sau. Tôi xuống tàu rồi mua vé chuyến tàu chợ sáng mai đi ngược ra ga Quán Hành. Giữa đêm đông giá rét, trời mưa phùn lất phất,  tôi choàng tấm áo bạt, ôm chiếc ba lô ngồi thu lu trên chiếc ghế đá lạnh lẽo ở sân ga tàu hỏa thời chiến. Phố xá không ánh đèn. Xung quanh sân ga, những hàng quán bán vặt, lờ mờ ánh đèn dầu hỏa đỏ hoe, vàng quạch, không tỏ mặt người. Tôi cố hình dung quang cảnh ngày mai - ngày trở về nhà. Lòng ngậm ngùi xót thương nhớ đến những người bạn, những đồng đội cùng nhập ngũ, cùng đi chiến đấu mà nay không trở về sum họp gia đình.
Khoảng 9 giờ sáng, tàu dừng lại ga Quán Hành, tôi khoác chiếc ba lô rảo bước về quê, lòng lâng lâng vui buồn khôn tả. Vui vì được về nhà sau 8 năm xa cách. Buồn vì ngày trở về không còn mẹ. Khi tôi đang đi trên con đường qua Đồng Nạy, cách nhà còn khoảng hơn 200 mét, cả đội xã viên đang cấy lúa ở vạt ruộng ven đường. Có người ngẩng lên, phát hiện ra tôi, ai đó có kêu to lên :
- Ôi bà con ơi! Làng nước ơi! Nhìn kìa, đúng không? Thằng Đẩu con ông Hòe đi bộ đội về kia kìa.
Tức thì cả đội xã viên bỏ lại nắm mạ đang cấy giở, nhảy vội lên bờ, chân tay còn lấm lem bùn đất, vây quanh tôi. Mự Nghi vợ chú Lời ôm choàng lấy tôi ghì chặt:
- Trời ơi, may quá, cháu còn sống trở về.
Rồi cứ thế mọi người dẫn tôi về nhà. Khi rẽ vào ngõ, gặp một người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi, mọi người hỏi tôi có biết ai không. Tôi vừa lắc đầu, vừa nhoẻn miệng cười ầm ừ.
Mự Nghi nói:
- Nó không biết là phải, Mự Phượng đấy cháu ạ.
Thì ra đó là bà mẹ kế của tôi mà tôi chưa bao giờ gặp. Tôi chào bà và cùng đi về nhà. Sau khi gặp cha tôi và bà con ở cái sân gạch, tôi lẳng lặng vào gian bếp bé nhỏ và khóc òa lên hồi lâu. Tôi lặng người ở đây. Chính tại chỗ này, mẹ tôi đã ôm tôi vào lòng khóc nức nở trước giờ tôi lên đường nhập ngũ. Nay về đây cảnh vật còn nguyên, mà không còn mẹ nữa. Tám năm qua, dù ở đâu, nhất là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, tôi luôn luôn nhớ về hình ảnh thân thương của mẹ, mà ấn tượng đọng lại sau cùng là bóng hình của mẹ ngồi bên bếp lửa lúc chia tay. Thấy tôi khóc, các bác, các cô chú cũng động lòng thương cảm. Nhiều người ngẹn ngào, đưa tay dụi mắt.
Được một lúc thì các em  Đào, Loan, Phượng đi chăn trâu, cắt cỏ mới về. Mọi người dẫn các em vào nhà bảo rằng anh chúng mày đấy. Các em ngơ ngác nhìn, chẳng nhận ra tôi. Và tôi cũng thế. Nhìn các em chân không giày dép, ăn mặc phong phanh rách rưới, nhếch nhác, người xanh xạm, gầy yếu, tôi thương vô cùng, nước mắt cứ thế lại trào ra. Các em tôi phải mồ côi mẹ từ khi còn rất bé.
 Những ngày mới về, bà con nội ngoại và lối xóm đến chơi và hỏi thăm rất nhiều, có lúc chật cả nhà, đến tận khuya.  Hồi đó quê tôi hầu như gia đình nào cũng có người thân đi chiến đấu ở chiến trường Miền Nam. Nhiều gia đình đã nhiều năm bặt tin con. Có trường hợp biết chắc là đã hy sinh nhưng chưa báo tử. Việc tôi đi chiến đấu trở về, dẫu trên mình mang đầy thương tích, nhưng là chuyện may, chuyện hiếm. Mọi người đến thăm như thăm người ruột thịt từ nơi ác liệt trở về. Mấy ngày sau, tôi lần lượt đi thăm bà con nội ngoại. Quê tôi hồi đó phần đông trai tráng đã gia nhập quân đội hoặc đi thanh niên xung phong phục vụ các chiến trường, còn lại chỉ còn các ông bà già, trung niên và trẻ em.
 Là trưởng nam, lại đã 24 tuổi, cha tôi và bà con muốn tôi sớm lập gia đình trong kỳ nghỉ phép. Bạn bè cùng trang lứa đều vậy. Ở quê tôi, những năm trong chiến tranh, việc chọn vợ gả chồng gấp gáp và đơn giản. Có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các gia đình cố giữ lấy giọt máu của người đi vào nơi khói lửa chiến tranh, sống chết chẳng biết thế nào. Có người trúng tuyển bộ đội hoặc ở bộ đội về tranh thủ, gia đình lo liệu việc cưới hỏi ngay. Cả tìm hiểu và cưới diễn ra trong vòng một tuần lễ, mà trước đó chưa hề quen biết nhau, chứ chưa nói đến chuyện yêu. Ấy vậy mà, những cặp vợ chồng đó vẫn ăn ở với nhau trọn đời chung thủy. Ở đó, cùng với tình yêu đến sau hôn nhân, phần đông họ sống với nhau bằng nghĩa, bằng sự cảm thông chia sẻ và lo lắng cho nhau trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh.  Nhiều gia đình có đến mấy mặt con, nhưng thời gian vợ chồng gần gũi chỉ tính được bằng số ngày người chồng tranh thủ tạt qua  nhà. Cưới xong, người chồng đi chiến đấu, biền biệt không tin tức, người vợ ở nhà một mình đêm ngày vò võ chờ chồng, lo nuôi dưỡng bố mẹ già, chăm sóc con thơ, qua một thời xuân sắc. Và biết bao người, sau nhiều năm đợi chờ khắc khoải, đến một ngày đớn đau nhận được tờ giấy báo tử lạnh lùng, lờ mờ nhạt nhòa trong nước mắt. Thế là hết một đời làm vợ, đơn chiếc, vô vọng.
 Quả thật, trên mọi miền quê của đất nước chúng ta, suốt mấy chục năm chiến tranh, cùng với sự hy sinh oanh liệt ở trận tiền của lớp lớp trai tráng, thì biết bao thế hệ phụ nữ thầm lặng chịu đựng ở hậu phương, lo việc nước đảm việc nhà, mòn mỏi tuổi xuân trong sự đợi chờ khắc khoải. Đây là sự hy sinh lớn lao, không thể đo đếm được bằng một tiêu chí, một con số cụ thể.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #36 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:38:10 pm »

 Thời gian nghỉ phép ngắn, tâm trí tôi còn dành sự lo lắng cho tương lai công ăn, việc làm; tự xét thấy mình cũng không việc gì phải vội; vả lại, “cái gu” gấp gáp trong việc trăm năm nghe ra không hợp với tôi. Vì vậy, khi trả phép về đơn vị, tình cảm trong tôi chưa định hình, trái tim tôi chưa neo đậu về một người con gái nào cả.
Sau khi trả phép được mấy hôm, một buổi trưa tôi đang đi tắm ngoài kênh, thì Ban chỉ huy Đội an dưỡng cho người ra gọi về. Anh Lộc chính trị viên Đội, vốn là người cùng đơn vị với tôi ở chiến trường, thông báo với tôi là có một anh cán bộ của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị đi chọn người về đơn vị. Anh hỏi tôi nguyện vọng có đồng ý về Cục Chính sách không? Dẫu chưa biết về Cục Chính sách thì làm gì, ở đâu, nhưng chờ mãi không thấy trên giải quyết theo nguyện vọng của mình, sốt ruột, tôi nhận lời vì cho rằng đây cũng là một thời cơ hiếm.
Tôi không ngờ đó là quyết định bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Cục Chính sách – bến đậu lâu nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Cộng cả hai giai đoạn, từ tháng 4 năm 1972 đến tháng 3 năm 1988 và từ tháng 3 năm 1992 đến tháng 10 năm 2000, vị chi tôi công tác ở Cục Chính sách đến 25 năm trên tổng số 45 năm tuổi quân.
Ngày 12 tháng 4 năm 1972, cầm tờ quyết định điều động của Bộ Quốc phòng, từ Hưng Yên tôi về Hà Nội nhận công tác. Theo hướng dẫn của cơ quan cán bộ, tôi đến Trạm Thường trực của Tổng cục Chính trị ở số nhà 61, Phố Cửa Đông,  Hà Nội. Anh Hồ Giang, Đại úy, Trưởng ban Hành chính Cục Chính sách ra tiếp tôi. Anh Giang cho biết, trong điều kiện chiến tranh phá hoại, máy bay của giặc Mỹ đang oanh tạc vào Thủ đô Hà Nội,  hiện nay cơ quan Cục đã sơ tán về các địa phương. Anh Giang hướng dẫn tôi đi về làng Cống Xuyên,  huyện Thường Tín gặp các anh phụ trách để kịp dự lớp tập huấn chính sách. Chia tay anh Giang, tôi lên đường đi về ga Tía, rồi từ ga Tía tôi đi bộ vào làng Cống Xuyên khoảng 2 km.
 Khi tiếp xúc với các anh phụ trách lớp tập huấn, tôi được biết:  Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị là cơ quan đầu ngành về chính sách của quân đội, có nhiệm vụ giúp trên nghiên cứu đề đạt và chỉ đạo hướng dẫn việc thực hiện chính sách trong toàn quân. Chính sách đối với gia đình quân nhân đi chiến đấu ở các chiến trường B,C,K; chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, chính sách tuyển quân,…bao gồm nhiều nội dung, với một khối lượng rất lớn, trên diện rộng. Những kết quả đạt được trong công tác chính sách rất lớn, đáng  khích lệ, có tác dụng củng cố, ổn định hậu phương, góp phần yên lòng, cổ vũ, động viên bộ đội đang chiến đấu trên các chiến trường. Tuy nhiên, ở các địa phương, qua phản ánh của nhân dân, cũng xuất hiện sự sai sót, chậm trễ chiếm một tỷ lệ đáng kể. Những sai sót trong chỉ đạo và thực hiện chính sách tạo nên sự mất công bằng, gây bất bình trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến tính tích cực của chính sách. Đồng thời, có nơi đã làm thất thoát ngân sách, kinh phí của Nhà nước trong điều kiện còn có nhiều khó khăn.
 Trước tình hình có những sai sót trong khâu quản lý và thực hiện chính sách, Cục Chính sách đề nghị và đã dược Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đồng ý, ngoài biên chế chính thức, Cục Chính sách được lâm thời tăng cường một số lượng lớn cán bộ làm công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách ở các địa phương Miền Bắc. Cán bộ được điều động về làm công tác kiểm tra chính sách phần đông là sĩ quan cấp úy, một số ít là sĩ quan cấp tá, đều được lựa chọn trong số thương binh ở các chiến trường ra sau khi đã chữa lành vết thương và qua an dưỡng ở các đoàn an dưỡng thương  binh: Đoàn 251, Đoàn 253, Đoàn 564 thuộc Quân khu Tả ngạn; Đoàn 581 thuộc Quân khu Hữu ngạn; Đoàn 235 thuộc Quân khu Việt Bắc,…
 Theo quan điểm của ông Lê Tiến Phục Cục trưởng Cục Chính sách lúc bấy giờ là: Cần chọn lựa những cán bộ là thương binh, đã qua chiến đấu ở chiến trường, hiểu được thực tiễn, nắm bắt được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của cán bộ đang chiến đấu, có trách nhiệm chính trị cao và tình cảm sâu nặng với đồng chí, đồng đội. Số cán bộ này được tổ chức tập huấn về nội dung và phương thức tiến hành công tác chính sách. Thực tiễn chứng minh quan điểm đó là hoàn toàn đúng. Chọn những người là đối tượng chính sách đi làm công tác chính sách  là một cách làm hay, đạt được nhiều kết quả tốt.
Lớp tập huấn chính sách được tổ chức ở trong đình làng Cống Xuyên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Các đồng chí thủ trưởng Cục, thủ trưởng các phòng nghiệp vụ đã thay nhau giới thiệu rất bài bản cho chúng tôi nghiên cứu, học tập từ những vấn đề lý luận cơ bản đến tình hình thực tiễn, từ nội dung chính sách cụ thể đến cơ chế tổ chức, phương pháp và kinh nghiệm triển khai thực hiện chính sách ở các cấp. Những bài học đó trở thành kiến thức gần như là cẩm nang của tôi trong suốt thời gian công tác lâu dài ở Cục Chính sách sau này. Dĩ nhiên, nội dung chính sách thì luôn thay đổi, phát triển cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Không có một chính sách nào luôn luôn đúng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nhưng những vấn đề cơ bản thuộc về quan điểm, về thế giới quan, phương pháp luận trong nghiên cứu đề đạt chính sách cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách thì có tính bền vững lâu dài.
 Thời gian tập huấn không dài, nhưng đọng mãi trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Những điều thu hoạch được đối với tôi lúc bấy giờ là rất  bổ ích. Có thể nói, đây là khối kiến thức ban đầu, là chuẩn bị hành trang cho tôi trong suốt mấy chục năm trời trong ngành chính sách quân đội.
Qua giới thiệu của Thủ trưởng và cán bộ Cục, tôi nhận thức được rằng, xây dựng quân đội về mặt chính trị  là cơ sở để  nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội ta. Đây là một vấn đề thuộc về bản chất, nguyên tắc của quân đội cách mạng. Trong tổng hợp các yếu tố để xây dựng quân đội về chính trị, thì chính sách giữ một vai trò quan trọng, có mối quan hệ biện chứng với công tác tổ chức, công tác tư tưởng và các lĩnh vực công tác khác. Chính sach đối với quân đội và hậu phương quân đội vừa là quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng; thể hiện bản chất ưu việt của chế độ; đồng thời, là sự kế thừa truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc. Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ trên một lĩnh vực cụ thể. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Muốn định ra chính sách đúng, trên cơ sở nắm vững chủ trương đường lối,  phải căn cứ vào tình hình thực tiễn trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn và từng nhiệm vụ. Chính sách phải vừa giữ vững mục tiêu, phương hướng được xác định trong đường lối, nhiệm vụ chung, vừa linh hoạt vận dụng trong từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể. Chính sách là sản phẩm của đường lối, đồng thời có tác động trở lại đường lối.
Chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là hệ thống quan điểm, thái độ và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta được pháp luật hóa và xã hội hóa về bảo đảm đời sống vật chất,  tinh thần đối với cán bộ, chiến sỹ đang phục vụ trong quân đội và hậu phương gia đình họ, nhằm phát huy nhân tố con người – nhân tố giữ vai trò quyết định trong hoạt động quân sự. Chính sách góp phần tạo động lực trực tiếp đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng giải phóng Miền Nam, bảo vệ Miền Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
 Mục tiêu cơ bản của chính sách là hướng tới sự công bằng và tiến bộ xã hội. Bảo đảm cho mọi thành viên trong cộng đồng được thực hiện các quyền xã hội cơ bản, phù hợp với trình độ phát triển của xã hội. Chính sách coi con người là trung tâm. Trên cơ sở giải quyết hài hôa mối quan hệ giữa cống hiến với hưởng thụ; giữa nghĩa vụ, trách nhiệm với quyền lợi, bảo đảm sự công bằng trong xã hội. Bằng nội dung đãi ngộ, chính sách góp phần xác định vị thế, chuẩn mực giá trị của đối tượng chính sách . Đối tượng chính sách là quân nhân, công nhân viên quốc phòng và các đối tượng chính sách hậu phương quân đội ( bao gồm: gia đình quân nhân, công nhân viên quốc phòng tại ngũ, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và những người trực tiếp phục vụ quân đội nay trở về hậu phương – hưu trí, xuất ngũ, thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ). Sự ổn định, phát triển bền vững trong đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách hậu phương quân đội có tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng nhân tố chính trị tinh thần của quân nhân đang tại ngũ. Chính sách đối với quân đội và chính sách đối với hậu phương quân đội có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít.
Nội dung chính sách đãi ngộ có phạm vi rộng lớn. Đó là các chế độ bảo đảm về ăn, mặc, ở; chính sách, chế độ về tiền lương, phụ cấp; các chế độ khuyến khích đặc thù; chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi đối với thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ,…Trong mỗi giai đoạn nhất định, bao giờ cũng tồn tại đan xen những nội dung chính sách tồn đọng của giai đoạn trước chưa giải quyết xong và những chính sách mới ban hành. Đồng thời, cũng xuất hiện dưới dạng dự báo định hướng những vấn đề chính sách của giai đoạn tiếp theo, tạo thành quá trình hình thành chính sách liên tục, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hình thức tồn tại của chính sách rất phong phú, đa dạng và  không ngừng bổ sung những hình thức mới. Những hình thức cơ bản, chủ yếu thể hiện trên ba hệ thống:
 Hệ thống những quan điểm định hướng cụ thể được thể hiện trong chủ trương, đường lối, các Nghị quyết của Đảng.
 Hệ thống các qui phạm pháp luật cụ thể hóa các chủ trương nghị quyết thành các chế độ qui định tiêu chuẩn, xác lập quyền, trách nhiệm của đối tượng, và các yếu tố bảo đảm thực thi quyền, trách nhiệm đó . Đây là hình thức tồn tại phổ biến nhất trong xây dựng Nhà nước pháp quyền.
 Hệ thống kết quả các hoạt động xã hội (xã hội hóa) với tư cách là biểu hiện trên thực tế phong trào của toàn dân và các tổ chức chính trị xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Hình thức này chứa đựng nội dung rất phong phú, linh hoạt, sáng tạo.
Nói gọn lại, chính sách tồn tại dưới ba hình thức : Quan điểm - Pháp luật hóa - Xã hội hóa. Ba hình thức đó có quan hệ chặt chẽ gắn bó với nhau, cùng tác động đến đối tượng chính sách.
Sau khi nội dung chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành, thì việc tổ chức thực hiện chính sách có vai trò rất quan trọng. Cán bộ chính sách các cấp là cầu nối đưa nội dung chính sách của Đảng, Nhà nước đến đối tượng chính sách. Thực tiễn chỉ rõ, nhiều chính sách ban hành rất kịp thời, phù hợp với ý Đảng, lòng dân, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là do cán bộ chính sách chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, tổ chức thực hiện không đúng, nên đã hạn chế đến vai trò, ý nghĩa của chính sách. Từ đó, có tác động không tốt đến tư tưởng, tình cảm của đối tượng chính sách. Tổ chức thực hiện chính sách phải bảo đảm chính xác, kịp thời, chu đáo. Thông qua hoạt động chính sách làm cho đối tượng hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc ban hành chính sách, từ đó có thái độ đúng, nâng cao nhiệt tình cách mạng trong hành động. Đồng thời, thông qua tổ chức thực hiện chính sách, phát hiện những vấn đề bất hợp lý trong nội dung cũng như cơ chế tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách hiện hành , đề xuất bổ sung sửa đổi phù hợp với điều kiện mới.
 Thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra về chính sách. Từ khi Nhà nước ban hành hàng loạt văn bản chính sách đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách ở các cấp, đưa chính sách vào cuộc sống, là một quá trình khó khăn, phức tạp, đa dạng, khó tránh khỏi những sai sót, thậm chí những sai lầm, tiêu cực. Kiểm tra để phát hiện những sai sót đó là một khâu tất yếu, một việc làm thường xuyên, rất quan trọng của mọi cấp. Trên tất cả mọi lĩnh vực, lãnh đạo mà không kiểm tra, coi như không lãnh đạo. Công tác chính sách cũng không thoát ra khỏi yêu cầu đó.
Chúng tôi được giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của cơ quan chính sách trong quân đội. Tổ chức cơ quan chính sách hình thành và phát triển theo yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội.
 Trong kháng chiến chống Pháp, ngày 26 tháng 2 năm 1947, Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục và Ban Thương binh thuộc Phòng Chính trị Khu để chuyên trách theo dõi, chỉ đạo công tác thương binh - liệt sỹ trong quân đội. Đây là sự kiện đánh dấu về mặt tổ chức, sự ra đời hệ thống Ngành chính sách quân đội. Ngay từ khi mới ra đời, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục đã chủ động chỉ đạo làm tốt công tác thương binh-liệt sỹ; gây được phong trào rầm rộ trong cả nước; đề xuất và tổ chức tốt cuộc mít tinh phát động toàn dân chăm sóc thương binh và gia dình liệt sĩ vào ngày 27-7-1947 (được Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày này hàng năm làm Ngày Thương binh-Liệt sĩ). Ngay từ hồi đó, hoạt động chính sách hậu phương quân đội đã được hình thành và phát triển. Nhiều cuộc vận động ủng hộ kháng chiến đạt được nhiều kết quả tốt đẹp như: Quỹ Độc lập, Quỹ Đảm phụ quốc phòng, Mùa đông binh sĩ, Hội mẹ chiến sĩ, Đón thương binh về làng,..và công tác vận động thanh niên tòng quân giết giặc. Từ Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục – Bộ Quốc phòng, cuối năm 1947, nhiều đồng chí được cử làm nòng cốt để hình thành Bộ Thương binh- Cựu binh.
 
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #37 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:38:47 pm »

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác chính sách có những bước phát triển mới, cả trong nghiên cứu xây dựng chính sách và chỉ đạo, tổ  chức thực hiện chính sách. Ngày 21 tháng 11 năm 1967, Bộ Quốc phòng ra Quyết đinh thành lập Cục Chính sách trực thuộc Tổng cục Chính trị với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất các chính sách đối với các lực lượng vũ trang; theo dõi, phối hợp với các ngành có liên quan trong và ngoài quân đội để thực hiện các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Hệ thống cơ quan chính sách từ Bộ Quốc phòng đến các quân khu, đơn vị, cơ quan quân sự địa phương được thành lập, từng  bước được củng cố cả về chất lượng, số lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai có hiệu quả những hoạt động rộng lớn, phong phú, phức tạp của công tác chính sách.
Công tác chính sách  những năm đầu kháng chiến chống Mỹ đã được triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt với một khối lượng rất lớn, với tính chất đầy khó khăn, phức tạp. Công tác khen thưởng được tiến hành tích cực. Đã kịp thời nghiên cứu đề nghị Nhà nước ban hành các hình thức, nội dung, tiêu chuẩn khen thưởng nhằm tuyên dương công trạng, khen thưởng những người, những gia đình, những tập thể có công, góp phần cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, cả ở tiền tuyến và hậu phương. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thương binh-liệt sĩ trong chiến đấu trên các chiến trường. Đặt việc chấp hành chính sách thương binh –liệt sĩ là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhệm vụ của các đơn vị và là kỷ luật chiến trường. Thực hiện tổ chức cứu thương và chuyển thương binh từ tiền tuyến về hậu phương điều dưỡng và giải quyết chính sách. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xác minh, kết luận và phối hợp với các địa phương báo tử liệt sĩ về gia đình. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách  chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ ở các địa phương theo các qui định  hiện hành. Tham mưu đề xuất Trung uơng Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các chính sách đối với gia đình quân nhân đi chiến đấu ở các chiến trường B,C. Đồng thời, trực tiếp quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách đó với nhiều nội dung phong phú, thiết thực như: Gia đình có quân nhân đi B,C được hưởng trợ cấp hàng tháng “tận tay, đủ số, đúng kỳ”, được chăm sóc giúp đỡ trong lao động sản xuất, điều hòa lương thực, khám chữa bệnh, bảo đảm học hành cho con cái, trợ cấp khi gặp khó khăn đột xuất,…Các chính sách đó có tác dụng  to lớn trong việc cổ vũ động viên tiền tuyến và ổn định củng cố hậu phương.

 Sau khi kết thúc lớp tập huấn chính sách, Cục Chính sách tổ chức thành năm đoàn cán bộ đi kiểm tra ở 5 tỉnh : Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, Nam Hà, Vĩnh Phú. Phụ trách chung cả 5 đoàn là ông Lê Thanh Hà Cục phó. Người trực tiếp giúp ông Lê Thanh Hà điều hành công việc thường xuyên là ông Vũ Quang Đàm (vốn là Trưởng phòng Khen thưởng của Cục). Đồng thời, Cục tổ chức một bộ phận cơ quan giúp việc gồm : Tổ phái viên công tác chuyên môn; Tổ công tác chính trị ; Tổ hậu cần- tài chính.
Tôi không được phân xuống các đoàn kiểm tra mà được các Thủ trưởng Cục giữ lại làm trợ lý trong Tổ công tác chính trị. Tổ công tác chính trị lúc bấy giờ gồm các anh : Đặng Minh, Nguyễn Đỗ Phương, Chu Nên, Đặng Quí Lĩnh, Nguyễn Ưu, Nguyễn Đình Liêu, Đỗ Công Chiêu và tôi. Cơ quan đóng quân trong nhà dân ở làng Trần Đăng thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.
Chính trong thời gian này, tôi thường được cử đi nắm tình hình hoạt động của các đoàn trên các địa phương và có nhiều dịp tiếp xúc với cán bộ các phòng nghiệp vụ của Cục và các thủ trưởng Cục.
 Trong điều kiện chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chỉ bằng xe đạp, chúng tôi có thể đi công tác từ tỉnh này sang tỉnh khác, nhiều lúc phải qua nhiều trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Có lần, tôi được cử lên Đoàn 564 đóng ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Từ sáng tinh mơ, tôi đạp xe từ Vân Đình về Hà Nội rồi đi theo Đường 1 khoảng 10 giờ tới bến đò Sông Cầu, cách cầu Thị Cầu khoảng 1 km về phía hạ lưu. Khi con đò mới ra đến giữa sông thì bất thần 2 chiếc máy bay phản lực Mỹ ập đến nhào lượn mấy vòng. Mọi người nhốn nháo. Trong đò chỉ có tôi và một anh bộ đội nữa. Mọi người  rất lo lắng. Có mấy chị mang quang gánh, chắc là đi chợ về, kêu toáng lên, làm sao bây giờ đây hai chú bộ đội ơi?! Dẫu chẳng quen biết nhau, nhưng trong hoàn cảnh đó, là quân nhân xét thấy phải có trách nhiệm,  tôi hô thật to:
- Bà con ta đừng sợ, phải hết sức bình tĩnh để đò sang sông.
Thú thực, bằng kinh nghiệm và cách lập luận may rủi, tôi nghĩ rằng, máy bay trên cao chưa chắc đã phát hiện được; mà có phát hiện chưa chắc đã bắn; bắn chưa chắc đã trúng. Chứ nếu nhốn nháo, hốt hoảng làm lật đò là rất nguy hiểm, dễ có nguy cơ dìm nhau mà chết. Thế rồi, trong trật tự, đò qua sông cập bến,  mọi người nhìn nhau vui vẻ thở phào.
Có lần, tôi và anh Đỗ Công Chiêu từ làng Trần Đăng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây về Hà Nội báo cáo tình hình với Ban Cán bộ Tổng cục Chính trị, lúc đó đang đóng ở số nhà 34 Lý Nam đế. Sau khi làm việc xong ra về, đúng vào lúc máy bay Mỹ oanh tạc ở phía ga Hàng Cỏ. Phố xá không đèn, trong âm thanh hỗn tạp liên hồi: còi hú,  máy bay gầm rú,  bom nổ, tiếng pháo cao xạ. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi bàn với anh Chiêu  tìm vào một  công viên gần nhất, vì ở đó thường có hầm trú ẩn. Hơn nữa, khi máy bay oanh tạc các nhà cao tầng có sập đổ xuống thì cũng không bị vùi dập. Hết báo động, bụng đói meo, hai anh em đạp xe vòng vèo qua mấy dãy phố tìm một hàng phở mà không có. Đành nhịn đói ra về trên quãng đường hơn 40 cây số trong đêm. Sau này, anh Chiêu làm Trưởng phòng Chính sách Quân khu Thủ đô, mỗi lần gặp nhau chúng tôi thường ôn lại chuyện này.
Thời điểm cao nhất số lượng cán bộ kiểm tra chính sách lên tới 350 người. Mỗi đoàn kiểm tra biên chế khoảng 70 cán bộ. Khi đến các tỉnh, chỉ huy đoàn trực tiếp báo cáo với Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về chủ trương, nội dung, phương pháp và thời gian kiểm tra. Làm việc với Sở Thương binh xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để được cung cấp tình hình, số liệu và có sự phối hợp. Cán bộ được phân chia về các huyện, thị; rồi từ huyện, thị lại phân chia về các xã, mỗi xã khoảng 5 cán bộ. Cán bộ về xã cũng tiến hành gặp lãnh đạo địa phương và các ngành có liên quan để nắm tình hình. Sau đó tỏa xuống từng gia đình gặp gỡ đối tượng chính sách để tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể và các chính sách đã được hưởng. Đối chiếu giữa sổ sách quản lý với tình hình thực tế, phát hiện sai sót uốn nắn kịp thời. Sau khi kiểm tra xong, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, rồi tiến hành cuốn chiếu kiểm tra sang các địa phương khác.
Qua thực tiễn tiếp xúc với các đối tượng chính sách, cán bộ kiểm tra càng hiểu thêm tình hình hậu phương quân đội, nắm được ý nghĩa, giá trị đích thực của nội dung chính sách. Đến địa phương nào, cán bộ kiểm tra cũng được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và bản thân các đối tượng chính sách đón tiếp niềm nở ân cần; được các cơ quan hữu quan phối hợp tích cực nhịp nhàng, nhờ đó đã đạt được những kết quả tốt, góp phần chỉ đạo chung trên phạm vi toàn Miền Bắc.
Tổ chức biên chế Cục Chính sách ở thời điểm đó là:
Thủ trưởng Cục:  Ông Lê Tiến Phục là Cục trưởng . Cục phó là các ông : Lê Thanh Hà, Trần Hiếu, Ngô Phương.
Phòng Nghiên cứu chính sách: Ông Huỳnh An là Trưởng phòng.Ông Nguyến Hữu Quyền là Phó phòng.
 Phòng Công tác Thương binh: Ông Nguyễn Tám là Trưởng phòng, hai Phó phòng là ông Nguyễn Thành Lựu và ông Tống Trần Lập. Sau đó, Phòng  Công tác Thương binh tách làm hai phòng: Phòng Thương binh và Phòng chỉ đạo sản xuất của thương binh.
 Phòng Quản lý gia đình quân nhân: Ông Nguyễn Công là Trưởng phòng, hai Phó phòng là ông Vũ Hiền và bà Hồ Thị Bi.
 Phòng Khen thưởng: Ông Vũ Quang Đàm là Trưởng phòng. Ông Nguyễn Đức Chiêm là Phó phòng. ( Khi thành lập Đoàn kiểm tra chính sách, ông Vũ Quang Đàm được cử làm Trưởng Đoàn. Ông Nguyễn Đức Chiêm được bổ nhiệm làm Trưởng phòng).
Ban Hành chính: Anh Hồ Giang là Trưởng ban.
Từ những ngày đầu ở lớp tập huấn và nhất là nhiều năm sau này được công tác dưới quyền của các thủ trưởng Cục cũng như thủ trưởng các phòng, tôi cho rằng, đó là thế hệ cán bộ mẫu mực toàn diện, vừa có năng lực vừa có nhân cách tốt. Họ vừa có tâm vừa có tầm, xứng đáng với sự tin cậy của cấp trên, là chỗ dựa của đối tượng chính sách. Chúng tôi may mắn được công tác dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của những cán bộ đó.
 Nhân đây, tôi cũng xin được nói đôi điều về ba cán bộ của Cục Chính sách ngày đó là ông Lê Tiến Phục, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hữu Quyền. Mỗi người, trên từng cương vị, đã có những dấu ấn sâu sắc trong nhận thức và tình cảm của tôi.
Ông Lê Tiến Phục - Cục trưởng đầu tiên của Cục Chính sách - ông thật sự xứng đáng là Người Anh Cả của ngành chính sách quân đội. Ông quê ở Mỹ Thuận, Mỹ Lộc, Nam Định; là cán bộ lão thành cách mạng. Ấn tượng đầu tiên tôi được tiếp xúc với ông khi ông đến trực tiếp giảng bài “ Đạo đức người cán bộ chính sách” tại lớp tập huấn, cũng như suốt nhiều năm sau này được công tác dưới quyền ông, là nhất quán. Ông là một người cán bộ có đạo đức trong sáng, thanh liêm, gương mẫu, mô phạm toàn diện. Phần đông lớp cán bộ cùng thời với ông là những người luôn toàn tâm, toàn ý vì nhiệm vụ, đúng theo nghĩa: dĩ công vi thượng. Trong lãnh đạo, chỉ huy cũng như trong đời sống sinh hoạt, ông luôn chân thành, thẳng thắn. Sự liêm khiết, mô phạm của ông có lúc hơi thái quá. Tôi được biết, ông không bao giờ nhận tiền công tác phí. Bởi ông cho rằng, chế độ tiền lương cấp phát cho cán bộ là nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu công tác rồi, nếu ngoài lương còn hưởng tiền công tác phí là trùng hưởng trong cùng một thời gian. Lớp chúng tôi đáng bậc con cháu, ông luôn dành sự quan tâm giúp đỡ để không ngừng trưởng thành. Chúng tôi luôn luôn kính phục và tin tưởng ông.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #38 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:39:20 pm »

 Ông Nguyễn Công quê ở xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trước khi Cục Chính sách thành lập (năm 1967), ông công tác ở Phòng Chính sách   Cục Tổ chức - Tổng cục Chính trị. Ông là người có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu đề xuất cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách. Nghiêm túc, chặt chẽ trong công tác, đồng thời ông là người rất tận tình, chu đáo với mọi người, nhất là với đối tượng chính sách.  Nhiều năm ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy Cục Chính sách. Ông là người phát hiện và nhận tôi về công tác ở Cục. Trong nhiều năm, tôi được ông giúp đỡ, bồi dưỡng về nhiều mặt. Tôi coi đó như một ân huệ.
Ông Nguyễn Hữu Quyền quê ở phường Lê Mao, thành phố Vinh, Nghệ An; thời kỳ đầu ông làm Phó phòng rồi Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách. Khi tái lập Cục Chính sách năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Cục phó. Ông là người có năng lực toàn diện, vừa có tầm nhìn bao quát chung, vừa có phương pháp làm việc cụ thể, khoa học. Có thể nói rằng, ông là người phát hiện đúng những vấn đề từ nhu cầu thực tiễn và nắm bắt trúng ý định của cấp trên để khởi thủy chắp bút, thực hành các công nghệ trong quá trình nghiên cứu đề nghị để có sản phẩm cuối cùng là các văn bản pháp qui về chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trong một thời gian khá dài. Tôi cho rằng, nếu như ở các lĩnh vực khoa học xã hội khác, chắc chắn ông là bậc chuyên gia đầu ngành. Công bằng mà nói, ông Nguyễn Hữu Quyền là bậc thầy của lớp chúng tôi.
                                                   
Sau mấy năm tiến hành kiểm tra công tác chính sách ở một số địa phương, Đoàn công tác kiểm tra chính sách đã phát hiện được những bất cập trong chỉ đạo cũng như trong tổ chức thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Từ khâu tuyên truyền phổ cập chính sách đến tổ chức quản lý, chỉ đạo, theo dõi việc chi trả trợ cấp B, trợ cấp đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và thực hiện các chính sách khác ở cơ sở còn có nhiều sai sót; cá biệt có trường hợp tiêu cực. Qua kiểm tra,  rút ra được những vấn đề giúp cho lãnh đạo và cơ quan nghiệp vụ các cấp, nhất là cấp cơ sở, cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, kết quả đó có giá trị giúp Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị chỉ đạo chung trong phạm vi toàn quốc.
Đến giữa năm 1974, xét thấy việc kiểm tra công tác chính sách ở các cấp là thuộc về nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương. Cơ quan nghiệp vụ Bộ không thể làm xuể, càng không nên làm thay cho cấp dưới. Theo đề nghị của Cục Chính sách, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị  quyết định kết thúc nhiệm vụ của  Đoàn kiểm tra công tác chính sách. Số cán bộ trong Đoàn kiểm tra được điều động đi nhận  nhiệm vụ mới theo điều kiện và khả năng của từng người. Phần đông trong số đó được điều động về các Quân khu hoặc Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh. Một số nghỉ hưu theo chế độ. Một số ít cán bộ trẻ, có năng lực tương đối tốt được điều về các phòng nghiệp vụ của Cục Chính sách như: Nguyễn Đình Liêu, Nguyễn Ưu, Đỗ Công Chiêu, Vũ Ngọc Hiển, Phạm Danh Dự, Nguyễn Hữu Tỵ, Phạm Kiệu, Trần An, Đỗ Văn Hinh, Mai Xuân Bính…
 Tháng 1 năm 1973, từ khi chưa giải thể Đoàn kiểm tra, tôi đã được điều động về cơ quan Cục Chính sách. Ngày tôi đến nhận nhiệm vụ, ông Lê Tiến Phục, Cục trưởng đã dành thời gian làm việc buổi chiều, giảng giải rất cụ thể về những yêu cầu cần thực hiện khi đảm nhiệm công tác ở cơ quan cấp chiến lược. Tựu trung lại, ông phân tích rành rọt thể hiện trên ba điều: phẩm chất phải trong sáng, tận nghĩa, tận tình, chu đáo đối với các đối tượng chính sách;  năng lực phải chuyên sâu đồng thời phải có trình độ tổng hợp chung ; có tác phong công tác xông xáo, sâu sát, cụ thể. Về nhiệm vụ, ông nói rằng, cháu còn trẻ, đã trải qua chiến đấu, có nhiều triển vọng, bởi thế cần phải lần lượt luân chuyển qua các phòng nghiệp vụ trong Cục nhằm nắm bắt được mọi mặt công tác. Sau này, nếu phát triển lên cán bộ chủ trì, thì sẽ có kiến thức toàn diện, điều hành được thuận lợi hơn. Trước hết, hãy về Phòng Quản lý gia đình quân nhân của Cục. Cuối cùng, vừa như tâm sự vừa như dặn dò ký thác, với giọng nói chân thành ấm áp như một người cha đối với con, ông khuyên tôi hai việc lớn : Một là, phải không ngừng học tập, phấn đấu để có bằng đại học, rồi phải qua trường chính trị - quân sự của quân đội. Hai là, đã đến tuổi xây dựng gia đình, lấy ai thì tùy, nhưng phải là người tốt, bởi đó là chỗ dựa, là hậu phương vững chắc cho quá trình công tác, nói rộng hơn là cả một đời người. Vừa là cán bộ cấp dưới vừa đáng bậc con cháu, tôi xúc động, cảm kích về những lời căn dặn, dạy bảo chí tình, chí nghĩa của ông. Trong đời tôi không bao giờ quên.
Phòng Quản lý gia đình quân nhân, với biên chế gần 20 người, do ông Nguyễn Công làm Trưởng phòng, hai Phó phòng là ông Vũ Hiền và bà Hồ Thị Bi. Cán bộ, nhân viên trong Phòng gồm có: Nguyến Mạnh Kiêu, Lê Mạnh Bổng, Nguyến Đức Uẩn, Lê Đức Phận, Lê Đình Nhượng, Trần Thực, Nguyễn Đình Hường, Vũ Ngọc Hiển, Phạm Danh Dự, Bùi Thị Minh Trực, Lê Thị Lý, Đặng Thị Loan, Đào Thị Quỳ, Nguyễn Văn Cần, Ngô Mạnh Đề, Khoa Đăng Loạt.
 Khi về nhận công tác ở Phòng, ông Nguyễn Công giao cho tôi nhiệm vụ làm trợ lý tổng hợp, quản lý các thông tin về số liệu, danh sách gia đình có quân nhân đi B của các địa phương; số liệu, danh sách quân nhân hy sinh, mất tích trên các chiến trường.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, việc tổ chức quản lý và chăm sóc gia đình cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở chiến trường B,C do Tổng cục Chính trị chịu trách nhiệm giúp Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Cục Chính sách được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan trong quân đội, các cơ quan của Nhà nước ở Trung ương và địa phương triển khai thực hiện cụ thể. Hệ thống cơ quan và cán bộ làm công tác chính sách ở các cấp được củng cố và kiện toàn bảo đảm nhiệm vụ theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện chế độ trợ cấp B đến “ tận tay, đủ số, đúng kỳ” cho gia đình có quân nhân đi chiến đấu ở chiến trường B, C.
Về phân cấp quản lý cụ thể, Tổng cục Chính trị chỉ thị : Cán bộ cấp quân khu và tương đương trở lên do Bộ quản lý (Cục Chính sách đảm nhiệm); cán bộ cao cấp cư trú ở địa phương quân khu nào do quân khu trực tiếp theo dõi, quản lý (Phòng Chính sách quân khu đảm nhiệm); cán bộ trung cấp, sơ cấp và hạ sĩ quan , chiến sĩ do cấp tỉnh, huyện trực tiếp theo dõi, quản lý (Ban Chính sách tỉnh đội đảm nhiệm). Các đơn vị có cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu ở chiến trường có nhiệm vụ bàn giao danh sách nhân sự và liên hệ phối hợp với cơ quan chính sách  cơ quan quân sự địa phương bảo đảm tổ chức thực hiện.
Phòng Quản lý gia đình quân nhân thuộc Cục Chính sách vừa làm chức năng theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan quân sự các địa phương thực hiện chính sách quản lý và chăm sóc gia đình quân nhân của toàn quân đang công tác ở chiến trường; vừa trực tiếp quản lý gia đình quân nhân B,C theo phân cấp ( gia đình cán bộ cấp tổng cục, quân khu và tương đương) ở địa bàn Hà Nội. Đối với tôi, thời gian làm việc ở cơ quan Cục là chủ yếu. Thỉnh thoảng tôi được cử tham gia đoàn công tác của Cục đến nắm tình hình ở các đơn vị, quân khu, tỉnh đội.
Theo số liệu đăng ký, đến đầu năm 1973, trên toàn Miền Bắc, tổng số gia đình có quân nhân đi B,C do Cục Chính sách quản lý là hơn 53 vạn hộ, với 1,6 triệu thân nhân hưởng trợ cấp. Với một khối lượng rất lớn, trong điều kiện chiến tranh, nhưng công tác bàn giao, tiếp nhận quản lý, cấp phát trợ cấp B.C và thực hiện các chế độ chính sách đã có nhiều cố gắng, từng bước đi vào nền nếp, đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, việc quản lý, theo dõi thực hiện chính sách có rất nhiều khó khăn, phức tạp, công tác hồ sơ lưu trữ cũng còn nhiều bất cập, hơn nữa đối tượng chính sách (gia đình và quân nhân) lại luôn biến động, nên việc một tỷ lệ sai sót trong chi trả trợ cấp như cấp trùng, cấp sót, cấp sai đối tượng, sai mức trợ cấp, sai thời gian,…là khó tránh khỏi. Vì vậy, đòi hỏi cơ quan phải thường xuyên cập nhật thông tin để có sự điều chỉnh thích hợp.
Đối với một số lượng rất lớn quân nhân hy sinh trên các chiến trường, các đơn vị do có những khó khăn cụ thể, việc lập danh sách báo cáo về Bộ thường không kịp thời, không chính xác, thiếu nhiều yếu tố. Vì vậy, việc xác minh từng trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh hồ sơ trước khi báo tử về gia đình phải tiến hành rất công phu, tốn nhiều thời gian. Ở các địa phương, công tác báo tử chưa được chỉ đạo chặt chẽ cả về tư tưởng và chưa có tổ chức tiến hành chu đáo, nhanh gọn. Nhiều gia đình biết tin chồng, con, em hy sinh từ lâu mà vẫn chưa được báo tử. Thủ tục báo tử  còn phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều cấp nên chậm trễ. Nhiều địa phương ngại báo tử, sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ và phong trào chung nên để lùi lại, làm cho báo tử càng chậm. Báo tử chậm dẫn đến tình hình càng thêm phức tạp, gia đình chậm được hưởng quyền lợi của thân nhân liệt sỹ. Quyền lợi gia đình liệt sĩ sau khi báo tử ở nhiều nơi chưa được giải quyết kịp thời, chu đáo.
Để khắc phục tình hình trên, Cục Chính sách đã cử nhiều cán bộ đi chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trên các các chiến trường Miền Nam và các địa phương ở Miền Bắc. Các đoàn cán bộ kiểm tra tình hình công tác chính sách do Cục Chính sách cử vào chiến trường vừa làm nhiệm vụ theo chức năng được giao, vừa giúp chiến trường xây dựng qui cách tổ chức quản lý nhân sự, thu thập danh sách quân nhân hy sinh qua các thời kỳ, danh sách quân nhân đi chiến đấu mà gia đình chưa được hưởng quyền lợi chính sách. Nhờ đó, tình hình chung đã có những chuyển biến, từng bước đi dần vào nền nếp.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #39 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:39:53 pm »

 Với chức năng nhiệm vụ là cán bộ tổng hợp của Phòng, tôi được nhận  nhiều thông tin về các mặt hoạt động của công tác chính sách qua báo cáo của các đơn vị.
Thời kỳ 1973-1975 là thời kỳ cả nước tập trung nhân tài vật lực để giải phóng Miền Nam.
Về chính sách động viên tuyển quân, tháng 12 năm 1972, Hội đồng Chính phủ ban hành chỉ thị về công tác tuyển quân năm 1973 nêu rõ:” Đối tượng động viên tuyển quân năm 1973 sẽ bao gồm tất cả trai tráng ở độ tuổi từ 18 đến 32, có sức khỏe loại A và B1, không phân biệt nguồn gốc gia đình, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, trình độ văn hóa,…trừ những người bị tước quyền công dân”. Đến năm  1975, Hội đồng Chính phủ chỉ thị tiếp : “ Tất cả nam công dân từ 18 tuổi trở lên trong tuổi nghĩa vụ quân sự, có đủ sức khỏe, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, dân tộc, nguồn gốc gia đình,…đều có vinh dự làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc…Những trường hợp tạm hoãn trước đây, năm 1975 không tạm hoãn nữa,…”.  Chấp hành chủ trương và chính sách động viên của Chính phủ trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa quyết định đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, đơn vị triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời. Trong 3 năm (1973- 1975), Miền Bắc đã hoàn thành cơ bản chỉ tiêu tuyển quân, trong đó năm 1975 có số lượng lớn nhất, thời gian hoàn thành ngắn nhất. Tính riêng tỉnh Thái Bình, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong 3 nắm (1973-1975), toàn tỉnh đã  động viên đủ 30 tiểu đoàn vào chiến trường.
Đặc biệt trong tháng 2 năm 1975, cả Miền Bắc đã động viên tuyển quân được gần 60% chỉ tiêu cả năm . Có 68 huyện thị, 14 tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu cả năm trong 1 đợt. Đánh giá công tác động viên tuyển quân trong 3 năm cuối cuộc chiến tranh, trong Thông báo tháng 6 năm 1975 của Phủ Thủ tướng đã khẳng định :” Với tinh thần cách mạng tiến công, tất cả vì Miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước nồng nàn, hết lòng hết sức chi viện cho tiền tuyến nên đã đạt và vượt mức yêu cầu, đó là thắng lợi rất lớn của quân và dân ta; thắng lợi này vừa có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa quân sự, góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giành toàn thắng của dân tộc ta “.
Công tác khen thưởng đã động viên phong trào thi đua giết giặc lập công, đã bám sát nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang trong cả nước, bảo đảm đúng hướng, cổ vũ kịp thời, tạo được hiệu quả lớn trong phong trào thi đua quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập quân đội (22/12/1944 – 22/12/1974), Đảng , Nhà nước đã tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Sao vàng- huân chương cao quí nhất của Nhà nước ta cho quân đội.
Cơ quan chính sách các cấp đã hoạt động tích cực, tổng hợp báo cáo về Cục Chính sách nghiên cứu xem xét trình lên Nhà nước khen thưởng 20 vạn Huân chương Quân công và Chiến công các hạng cho 60 nghìn đơn vị và 140 nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân lập công xuất sắc.
Về tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách đối với thương binh - tử sĩ, từ năm 1973 trở đi, các đơn vị trên các chiến trường đã có điều kiện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm những điều kiện cần thiết cho công tác thương binh, tử sĩ trong chiến đấu, chiến dịch. Mạng lưới cứu chữa thương binh tại chiến trường đã tổ chức thành một hệ thống mạnh. Việc chuyển thương binh bằng cơ giới đã được thực hiện ngay từ tuyến quân y cấp sư đoàn về các đội điều trị, các viên quân y.
Từ năm 1973 đến cuối năm 1975, trên tuyến vận tải chiến lược 559, bình quân hàng năm chuyển ra Bắc được 3 vạn thương, bệnh binh. Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị giao cho Cục Chính sách chỉ đạo hệ thống cơ quan chính sách các cấp quản lý, theo dõi việc thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh trong chiến đấu, trên tuyến chuyển thương,chăm sóc thương binh, bệnh binh tại các đoàn an dưỡng ở hậu phương. Thời kỳ này, trong cơ quan chỉ huy chuyển thương của Bộ Quốc phòng có Chỉ huy Cục Chính sách và phái viên Phòng Công tác thương binh của Cục, cùng các cơ quan chức năng, nắm tình hình, báo cáo Bộ và Tổng cục Chính trị xử lý kịp thời những tình huống khó khăn, phức tạp. Về cơ bản, mặc dù có nhiếu khó khăn trong điều kiện chiến tranh, nhưng việc chuyển thương từ tuyến trước về tuyến sau đã bảo đảm an toàn cao hơn trước.
Việc thực hiện chính sách điều trị, an dưỡng cho thương binh, bệnh binh ở các đoàn an dưỡng ở Miền Bắc đã được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tập trung chỉ đạo, bảo đảm với khả năng cao nhất. Hệ thống điều trị quân y trên Miền Bắc đến cuối năm 1972 có 15 viện và 14 đội điều trị với 9.000 giường. Trang, thiết bị ở các cơ sở điều trị được đổi mới. Đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y được bổ sung về số lượng, nâng cao về trình độ chuyên môn. Nhờ đó, đã kịp thời phục vụ yêu cầu cứu chữa thương binh từ các chiến trường chuyển về đạt chất lượng cao, sớm hồi phục sức khỏe, nhanh chóng trả quân số về đơn vị chiến đấu và giải quyết di chứng vết thương cho những người không còn đủ điều kiện phục vụ quân đội.
Thương binh sau khi đã điều trị lành vết thương chuyển sang các đoàn an dưỡng với số lượng tăng hơn trước. Số chuyển ra ngoài quân đội được ưu tiên tuyển chọn đi học các trường chuyên nghiệp để xây dựng một lực lượng lao động kỹ thuật vững mạnh, trung thành với cách mạng, với chế độ. Thương binh, bệnh binh chuyển ngành sang cơ quan, xí nghiệp Nhà nước bằng 25% tổng số chuyển ra. Thương binh, bệnh binh phục viên về gia đình chiếm hơn 52% tổng số chuyển ra. Các trại thương binh của Bộ Nội vụ ( sau này là Bộ Thương binh - Xã hội ) và các tỉnh đã tiếp nhận hàng vạn người do quân đội chuyển sang, bao gồm thương binh, bệnh binh nặng, thương binh có vết thương đặc biệt và những thương binh không có điều kiện về sinh sống ở gia đình.
Từ năm 1973, được sự giúp đỡ của các nước bạn, Cục Chính sách đã giúp Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức 22 xí nghiệp, 6 trường dạy nghề cho thương binh ở các quân khu và tỉnh đội. Đến cuối năm 1974, toàn quân đã xây dựng và đưa được 16 cơ sở vào sản xuất và đào tạo nghề, sắp xếp cho 3.000 thương binh có việc làm ổn định. Một số xí nghiệp được tổ chức quản lý khá tốt, bước đầu đã có lãi, dần dần tự bảo đảm sinh hoạt phí; có trường dạy nghề đã kết hợp chặt chẽ đào tạo với lao động sản xuất, tăng thêm thu nhập. Cục Chính sách có Phòng chỉ đạo tổ chức sản xuất của thương binh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chính sách thương binh- liệt sĩ của thời kỳ này cũng còn có nhiều hạn chế, khuyết điểm.
 Trong chiến đấu, một số đơn vị không kịp thời cấp cứu thương binh để vết thương nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng thương binh nhẹ thành nặng, nặng thành tử vong. Tình trạng bỏ thương binh-tử sĩ ở trận địa khi lui quân vẫn còn. Một tình hình khá phổ biến, chậm được khắc phục là nhiều đơn vị trong quá trình chiến đấu không lập đủ và lưu giữ được hồ sơ của thương binh, liệt sĩ, gây rất nhiều khó khăn cho việc xác minh, kết luận và thực hiện các chính sách. Bởi vậy, khi kết thúc chiến tranh tồn đọng phải giải quyết trong nhiều năm, với một khối lượng rất lớn, phải tốn nhiều thời gian, lực lượng và kinh phí, ảnh hưởng lớn đến hậu phương quân đội, đến tình cảm quân dân.
Tổ chức quản lý thương, bệnh binh tại các đoàn an dưỡng để tình trạng kéo dài sự thiếu kết hợp trong giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng với việc thực hiện các chế độ, chính sách, nên  hiện tượng tiêu cực trong thương, bệnh binh phát sinh, phát triển đến mức nghiêm trọng như: gây rối, làm mất trật tự trị an xã hội, thậm chí có hành động phạm pháp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín quân đội, tác động không tốt về chính trị.
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, chấp hành Chỉ thị của trên, Cục Chính sách phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt được trao trả. Hồi đó, trong tổ chức của Cục Chính sách có thêm một phòng chuyên trách nhiệm vụ này.
Cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt nay được trở về là những người trải qua chiến đấu, công tác đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp cách mạng, phải được đón tiếp, nuôi dưỡng và chăm sóc hồi phục sức khỏe. Giáo dục cho mọi người nhận rõ tình hình nhiệm vụ mới. Củng cố lập trường giai cấp, khắc phục những nhận thức mơ hồ, tư tưởng lệch lạc do ảnh hưởng của chiến tranh tâm lý của địch trong quá trình bị chúng giam giữ. Các đoàn an dưỡng được phân công, đã phát huy trách nhiệm thực hiện chu đáo việc tiếp đón nuôi dưỡng. Sau khi an dưỡng hồi phục sức khỏe, cán bộ, chiến sĩ được giải quyết các quyền lợi chính sách. Với chính sách đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình chu đáo của quân đội, anh em bị địch bắt sau khi trở về được phân công giao nhiệm vụ hoặc chuyển ra ngoài quân đội đều tin tưởng, yên tâm, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội trên cương vị mới. Đến cuối năm 1975, các đoàn an dưỡng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng và giải quyết chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt trở về.

Sau tháng 4 năm 1975 là thời kỳ tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết về chính sách sau chiến tranh giải phóng, đồng thời đáp ứng yêu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
   Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc do thực dân, đế quốc gây ra suốt 30 năm, hậu quả công tác chính sách rất nặng nề, phức tạp chưa kịp giải quyết xong, thì các thế lực thù địch lại gây ra chiến tranh ở hai đầu biên giới.  Đất nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, toàn diện, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Nhiều vấn đề tồn đọng và mới phát sinh về chính sách không được giải quyết kịp thời gây ra tâm lý, tư tưởng nặng nề cả trong quân đội và hậu phương quân đội.
Thiết thực đền ơn đáp nghĩa đối với những người, những gia đình đã hy sinh cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; từ đó góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội của đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cho các cấp, các ngành, các địa phương  cần  tập trung giải quyết nhanh gọn những tồn đọng cấp thiết về chính sách sau chiến tranh, như:  Xác minh kết luận xong số quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh; báo tin hy sinh và  thực hiện chính sách đối với gia đình ở địa phương. Tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ trên các chiến trường, qui tập về các khu vực tập trung hoặc về các nghĩa trang của các địa phương. Tập trung thu dung, điều trị nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, ổn định vết thương, hồi phục sức khỏe, thực hiện chính sách sử dụng trong quân đội hoặc chuyển ra ngoài quân đội. Khen thưởng thành tích chống Mỹ đối với các tập thể, cá nhân, gia đình theo các hình thức Nhà nước đã qui định trong chiến tranh mà chưa triển khai thực hiện được.
Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, số quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích cần phải xác minh kết luận để báo tin về gia đình là 300.000 người. Hậu quả này có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, cuộc chiến tranh ác liệt, lâu dài, địa bàn trải rộng, chia cắt, việc quản lý quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến đấu của các đơn vị có nhiều khó khăn, phức tạp. Về chủ quan, trong chiến đấu, cơ quan và thủ trưởng đơn vị các cấp chưa quan tâm đầy đủ và chưa có nhiều biện pháp trong quản lý danh sách quân nhân hy sinh, mất tích. Thêm vào đó, việc thường xuyên biến động về  nhân sự cả ở cơ quan và thủ trưởng đơn vị cũng làm cho việc theo dõi, quản lý không liền mạch, dẫn đến thất lạc danh sách, hồ sơ.
Để giải quyết tồn đọng nói trên, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Cục Chính sách đã hướng dẫn các các đơn vị trong toàn quân phối hợp rà soát lại toàn bộ danh sách, thẩm tra, xác minh bổ sung các yếu tố cần thiết, thông báo về Cục Chính sách và cơ quan quân sự địa phương để tiến hành báo tin nhằm thực hiện kịp thời chính sách đối với gia đình. Đối với những trường hợp đã hy sinh trong chiến đấu nhưng do những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ở chiến tường mà chưa có tên trong danh sách quản lý được của các đơn vị, thì động viên những cán bộ, chiến sĩ cùng chiến đấu phát hiện báo cáo với tổ chức để xác minh kết luận. Đồng thời, cơ quan quân sự địa phương các cấp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân địa phương tổ chức cho mọi công dân phát hiện, lập danh sách quân nhân hy sinh, mất tích để chuyển về Cục Chính sách thẩm tra, đối chiếu và kết luận. Bằng mọi biện pháp đã tiến hành và kết quả thu thập được, Cục Chính sách đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, cơ quan quân sự địa phương lập hồ sơ báo tin về gia đình để kịp thời thực hiện chính sách theo qui định hiện hành.
Đồng thời với việc chỉ đạo giải quyết những tồn đọng về quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh chống Mỹ, Cục Chính sách còn phải kịp thời triển khai chỉ đạo việc giải quyết chính sách đối với số quân nhân hy sinh trong chiến tranh biên giới Phía Bắc, biên giới Tây Nam  và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào , Cămpuchia với số lượng lớn.
Tính đến cuối năm 1985, theo báo cáo của các địa phương và kiểm tra của Cục Chính sách, về cơ bản, số quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trrong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đã được xác minh và kết luận xong, đạt 91% trong tổng số danh sách quản lý được và số qua điều tra, phát hiện bổ sung. Số quân nhân hy sinh, mất tích trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đã báo tin về gia đình đạt 70%. Số còn lại  là do các đơn vị tiến hành chậm, chưa thành nền nếp, sau từng  trận chiến đấu, từng chiến dịch, các đơn vị làn nhiệm vụ ở phía trước đều phải triển khai nhiều công việc, chưa quan tâm đúng mức đến công tác báo tử về phía sau, việc phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quân lực, cán bộ, tài chính, chính sách chưa rõ ràng, hồ sơ thủ tục không bảo đảm đủ theo qui định.
Việc tìm kiếm, cất bốc qui tập mộ liệt sĩ sau chiến tranh là một công tác lớn, với yêu cầu rất cao.  Đây là một việc làm thể hiện truyền thống đạo lý, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc; đáp ứng nguyện vọng tình cảm bức xúc, lòng mong mỏi của thân nhân liệt sĩ và nhân dân các địa phương. Ngay sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã có nhiều chỉ thị đặt công tác tìm kiếm, cất bốc, qui tập mộ liệt sĩ trên các chiến trường thành một mặt trọng yếu của công tác chính sách. Xác định đó là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà trước hết là của các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu và của các địa phương nơi thường xuyên có chiến sự diễn ra ác liệt.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM