Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:47:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường thời gian  (Đọc 31996 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:23:42 pm »

Sinh ra, lớn lên bữa no bữa đói bằng hạt gạo, củ khoai, củ sắn ở một miền quê nghèo khó, nhưng bù lại tôi được nuôi dưỡng bằng một đời sống văn hóa tinh thần bình dị mà phong phú. Quê tôi từ năm 1945 đã được giải phóng. Hình ảnh những cánh đồng trải rộng thẳng cánh cò bay, những lũy tre xanh rợp mát những trưa hè; những câu ca dao thấm đẫm tình người bên chiếc võng tre qua lời ru của mẹ :

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một đời thờ mẹ, kính cha
Mới tròn chữ hiếu, mới là đạo con”

 “Nhiễu điều phủ lấy giá hương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Khi đến tuổi cắp sách tới trường đi học, từng bước đã đưa tôi đến những trang lịch sử chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc. Từ khởi nghĩa hai Bà Trưng, khởi nghĩa Phùng Hưng, Triệu Thị Trinh, Mai Thúc Loan, rồi đến Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán ở Bạch Đằng Giang năm 938 chấm dứt 1.000 Bắc thuộc. Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt, với bài thơ bất hủ được coi như Bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất :

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
 Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
 Giang hồ nghịch lỗ lai xâm phạm
 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Với khí phách Đông A, thời Trần đã ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông mà vó ngựa xâm lăng của chúng đã từng chinh phạt nhiều quốc gia từ Á sang Âu. Bằng tài thao lược của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và chí khí quật cường của trăm họ đã lập nên những võ công oanh liệt ở thế kỷ XIII.  Đến thế kỷ XV, Lê Lợi - Nguyễn Trãi đã phất cao ngọn cờ đại nghĩa, mười năm trường kỳ nếm mật nằm gai lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi huy hoàng. Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải cờ đào lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thu giang sơn về một mối sau hơn 200 trăm bị chia cắt; tiếp đến, lên ngôi Hoàng đế Quang Trung đã xuất quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc Hà đại thắng 20 vạn quân Thanh chỉ trong mấy ngày Tết năm Kỷ Dậu (1789). Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, những cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra : Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Nguyễn Hữu Cầu, Phan Đình Phùng rồi Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học. Dẫu lần lượt thất bại, nhưng khí phách quật cường của phong trào, chí khí lẫm liệt của những người anh hùng sống mãi với sử xanh.
Ngày đó thầy giáo yêu cầu chúng tôi học thuộc lòng Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo:
“…Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi tai ương. Nhìn sứ giặc nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ…Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ tức một nỗi chưa xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân giặc; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng…”.
 Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi được coi như Bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai:

…” Việc nhân nghĩa cốt để yên dân
 Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
 Như nước Đại Việt ta thuở trước
 Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
 Nước non bờ cõi đã chia
 Phong tục Bắc Nam cũng khác
 Trải Triệu, Đinh, Lý , Trần; bao đời xây nền độc lập
 Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương…”.

 Những trang lịch sử oanh liệt cùng những áng hùng văn bất hủ đó đã thấm đậm vào tình cảm và tâm hồn non trẻ của chúng tôi mà đến trọn đời không bao giờ quên. Những bài thơ hào sảng của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tố Hữu và nhiều nhà thơ khác đã khắc sâu vào tâm trí của chúng tôi. Ngay từ khi chúng tôi học cấp I, thầy giáo yêu cầu học thuộc lòng những bài văn hay như Đêm Trung thu gác trại, Cây tre Việt Nam của Thép Mới, bài thơ Chú đi tuần của Trần Ngọc…
Hồi đó, đất nước mới giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi được học, được nghe kể về những tấm gương anh hùng tiêu biểu : Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện chèn thân cứu pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Rồi đến những câu chuyện người thật, việc thật của các bậc cha chú trong làng tham gia chiến đấu trên các chiến trường đánh Pháp từ Việt Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ. Đế quốc Mỹ xâm lược Miền Nam, lập ra chính quyền bù nhìn tay sai, chúng tôi được nghe kể về tội ác của Mỹ - Diệm đang thực hiện chính sách đàn áp dã man bằng Luật 10 / 59 và được học những bài thơ, bài văn ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Miền Nam.
                                            ***

Tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc được nhen nhóm từ thuở nhỏ và được vun đắp qua sự giáo dục bằng nhiều con đường đã hình thành nên đời sống tinh thần và sự xác định lý tưởng sống, lẽ sống của thế hệ chúng tôi là vậy. Tôi nghĩ rằng, đó chính là nền tảng ban đầu và cũng là hành trang của lớp thanh niên thời kỳ đầu lên đường chống Mỹ, cứu nước.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:24:12 pm »

Chương  hai: Trên chiến trường nước bạn Lào
 
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ cho không quân ồ ạt ném bom bắn phá Miền Bắc. Nhiều nơi ở thành phố Vinh và Bến Thủy bị máy bay oanh kích. Rất bất ngờ, chẳng ai biết trước. Cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ kéo dài gần một thập kỉ với biết bao đổ nát, tang tóc, ập đến những người dân lành đầu trần, chân đất quê tôi là vậy đó. Giữa trời nắng chói chang, nhiều nhà vừa ăn cơm xong đang nghỉ trưa, thấy máy bay nhào liệng vun vút giữa trời cao, nhiều người thấy lạ, hiếu kỳ xúm xít đứng xem, gọi nhau, hỏi nhau í ới. Sau đó nghe tiếng nổ rất to đanh rền của bom, tiếng nổ lụp bụp của pháo cao xạ, biết là máy bay Mỹ ném bom, mọi người  nháo nhác hoảng loạn. Nhìn lên phía Vinh thấy một cột khói đen kịt bốc cao lên tận trời. Mấy ngày sau mới biết, đó là kho xăng dầu mỡ bị trúng bom, bốc cháy dữ dội, kéo dài.
 Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy máy bay phản lực Mỹ. Hầm hố trú ẩn chưa có, mọi người hốt hoảng chạy nhào xuống rào, nhảy đại xuống mương thủy lợi ở mép làng. Hễ có chỗ nào thấp và có cây cối  rậm rạp là chạy rạt xuống. Chưa có kinh nghiệm gì. Mọi người cứ nghĩ là,  những chỗ đó máy bay không thấy hoặc bom nổ cũng đỡ thương vong hơn. Nghe kể, có người chui đầu vào một cái hố, khi hết máy bay, kêu toáng lên vì không ra được. Đầu mắc kẹt trong hố, chân tay vùng vẫy, khua khoắng ở ngoài. Mọi người đến kéo ra, hỏi tại sao làm vậy. Thì người đó trả lời: “ Khi máy bay ném bom, cố giữ lấy cái “gáo”. Chân tay có trúng đạn, chỉ bị thương thôi, cùng lắm là cụt. Còn cái đầu mà trúng thì chỉ có chết. Hơn nữa cho đầu vào trong, nghe tiếng bom nhỏ hơn, đỡ sợ hơn”.
Sau này tôi được biết, sự thực của “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” là:  Trước thất bại nặng nề trên chiến trường Miền Nam, từ giữa năm 1964, đế quốc Mỹ có dã tâm dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt Miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn Miền Bắc đối với tiền tuyến lớn Miến Nam. Các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ đã tạo cớ bằng một kịch bản là cho tàu hải quân của Hạm đội 7 xâm phạm, khiêu khích, khiêu chiến trong vùng biển Miền Bắc Việt Nam. Trưa Chủ nhật ngày 2 tháng 8 năm 1964, một phân đội tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam được lệnh xuất kích tiến công tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ đang xâm phạm vùng biển ta ở gần đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), buộc tầu Ma-đốc vừa dùng pháo bắn chặn vừa bỏ chạy ra vùng biển quốc tế. Đêm 4 tháng 8 năm 1964, chính quyền Giôn - xơn đã cho dựng lên một vở kịch là: cho tàu chiến Mỹ đang ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ bỗng nhiên bắn pháo sáng lên trời và bắn pháo cấp tập ra xung quanh để vu khống là tàu chiến Mỹ bị tàu chiến của Hải quân Việt Nam tiến công ở vùng biển quốc tế.
Dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, Giôn-xơn lấy cớ dùng không quân với 64 lần chiếc máy bay bắt đầu đánh phá miền Bắc từ 12 giò 30 phút trưa ngày 5 tháng 8 năm 1964. Quân và dân ta ở Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), cửa sông Gianh (Quảng Bình), Lạch Trường (Thanh Hóa), thị xã Hòn Gai ( Quảng Ninh) đã sẵn sàng và chiến đấu rất dũng cảm bắn rơi 8 máy bay hiện đại của Mỹ, bắt sống tên giặc lái đầu tiên là Ê-vơ-rét An-va-rê ở Hòn Gai.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964 là cột mốc mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ ngày đó quê tôi bắt đầu bước vào cuộc sống thời chiến. Các gia đình đào hố phòng không trong nhà, trong vườn. Hố đào sơ sài đơn giản. Nhiều hố trống không. Có hố gác mấy tấm ván mỏng dính lên làm nắp. Dân quân luyện tập, canh gác trực chiến suốt ngày, từ trong xã ra tận bãi biển Cửa Lò. Mọi người được quán triệt, cùng với việc phòng tránh, đánh trả máy bay Mỹ, còn phải sẵn sàng đánh tàu chiến khi cập gần bờ. Đặc biệt là, sẵn sàng đánh quân địch đổ bộ bằng đường không và đường biển. Tháng 9 năm đó, gần tròn 16 tuổi, tôi được các chú, các anh cho vào dân quân. Súng ít thôi, phần nhiều là súng cũ từ hồi đánh Pháp, được trên cấp thêm mấy khẩu K44 gọi là súng trường kỵ binh Nga còn mới tinh. Súng đạn chỉ trang bị cho những người đã qua kháng chiến chống Pháp và những người được coi là nòng cốt. Theo qui định chung, tôi xin mẹ mấy đồng bạc mua một cây đòng và một cuộn dây thừng. Mẹ tôi cười:
- Con còn bé, sức vóc thiếu niên ấy trói được ai, bắt được ai. Mẹ nghe nói thằng Mỹ cao to lắm. Hơn cả thằng Pháp cơ.
Ban ngày tôi  tập dân quân, có nhiều khoa mục: Kỹ thuật thì xạ kích, đâm lê, ném lựu đạn, gói bộc phá, đào công sự,…Chiến thuật thì học phòng ngự, phục kích, tập kích, bao vây, truy kích. Thao trường là sân kho hợp tác xã, cồn Làng Đông và các phía bìa làng. Tình huống giả định là, sau khi chiếm được Cửa Lò, địch cho quân tấn công làng Đại Xá, trung đội dân quân có nhiệm vụ bám trụ phòng ngự cản bước tiến, tiêu hao sinh lực địch, giữ bàn đạp cho bộ đội chủ lực cơ động phản công tiêu diệt địch. Giáo viên huấn luyện là các chú bộ đội phục viên sau kháng chiến chống Pháp dùng tài liệu hướng dẫn của trên. Ban đêm thì thay phiên nhau canh gác. Nhiều bữa tôi cùng các anh, các chị ra gác tận Cảng Cửa Lò. Tuổi trẻ cộng hưởng với không khí chung, háo hức lắm. Chiến tranh ác liệt đang  tới gần nhưng chúng tôi thấy rất vui. Thời gian đi tập dân quân được tính công điểm trong hợp tác xã nông nghiệp như đi làm.
Tập dân quân chừng nửa tháng, tôi được chọn làm liên lạc cho trung đội dân quân của làng. Liên lạc có nhiệm vụ truyền đạt mọi chỉ thị, mệnh lệnh từ trung đội xuống các tiểu đội và các báo cáo từ trung đội lên xã đội. Có lần, đang nửa đêm, Chú Lê Văn Ngọc trung đội trưởng giao tôi  ra Cửa Lò để truyền đạt mệnh lệnh cho tiểu đội canh gác ngoài đó. Mệnh lệnh thì dài, nhiều khoản mục, nhưng không được phép ghi lại bằng giấy.
Chú Ngọc nói :
- Tập cho quen, ngộ nhỡ trên đường đi “kẻ địch” bắt được. Việc quân cơ, sống để  dạ chết mang đi, không để lại dấu tích gì cả.
Tôi phải nhập tâm, một mình đi bộ gần 5 cây số ra truyền đạt lại với chú Thanh Tùng không sót một chữ. Mọi người khen tôi vừa gan vừa có trí nhớ tốt. Ngày đó đi đêm từ làng này sang làng khác giữa đồng không mông quạnh, lại qua nhiều nghĩa địa, ai cũng sợ ma chứ không sợ trấn lột như bây giờ.
Ngày đó ở quê tôi rầm rộ phong trào tòng quân đi chiến đấu ở chiến trường. Trong năm mấy lần tuyển quân: đợt 1 tháng 4, đợt 2 tháng 8, tiếp đến đợt 3 là tháng 10. Tôi trúng tuyển đợt 3. Đúng ra, vì tôi bị viêm amidan không qua được phòng khám tai mũi họng. Tôi xin phiếu khám khác và nhờ Phan Ngọc Thịnh, bạn cùng làng, khám thế ở phòng đó. Còn các phòng khác, tôi qua được. Đến phòng kết luận cuối cùng của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, tôi gặp anh Hoàng Văn Lượng, là anh  vợ của anh Thuần, con ông bác họ. Anh Lượng bảo tôi:
- Em chưa đủ tuổi, không đi được đợt này.
Tôi năn nỉ xin và được anh đồng ý khai tăng thêm cho tôi một tuổi.Thế là từ đó, trong lý lịch quân nhân của tôi đều ghi sinh  năm 1947.
 Tròn 16 tuổi, nặng 48 kg, cao 1,62 m, tôi lên đường nhập ngũ. Thực ra, tôi đã trốn cha tôi để đi bộ đội. Ngày đó ông đang tham gia khai hoang ở xã Nghi Kiều, cách nhà khoảng 30 cây số. Tôi sợ nói ra cha tôi không cho đi. Bằng cách là ông sẽ kiện lãnh đạo địa phương, vì tôi chưa đến tuổi. Tôi trốn đi, ông có biết cũng không thay đổi được nữa. Vì lúc đó tôi đã vào tận chiến trường Miền Nam rồi.
 Đêm trước ngày lên đường, Ủy ban hành chính xã Nghi Hợp mời các thanh niên trúng tuyển dự liên hoan chia tay. Đợt đó trong xã tôi có bốn người tòng quân: Làng Kỳ Sơn có anh Trần Văn Hợi con cố Tý Bờng, anh Nguyễn Đình Siêu con ông Siêu Sáng. Làng Đại Xá có anh Hoàng Quốc Định con ông Ổn và tôi. Sau Ngày toàn thắng 30-4, thì anh Hợi và anh Siêu hy sinh; Anh Định và tôi bị thương. Sau buổi liên hoan, trên đường về nhà, tôi cùng đi với chú Bá, lúc đó là cán bộ Văn phòng Ủy ban xã. Chú Bá hỏi tôi:
- Thế anh không tin cho bác trai biết à?
         Tôi trả lời:
           - Thôi chú ạ, không kịp nữa rồi. Vào trong đó, tôi sẽ viết thư về xin phép. Và sau này, nếu  còn sống trở về,  tôi tạ lỗi cha tôi cũng được. Nhờ chú ở nhà động viên hai ông bà hộ.
            Như phần trên tôi có nói, chú Nguyễn Văn Bá là dân quân bị thương năm 1953 do ném thử lựu đạn khi quân Pháp đổ bộ lên Cửa Lò. Chú là con ông Nguyễn Văn Oanh, theo thứ bậc trong họ, chú gọi tôi bằng anh, mặc dù chú hơn tôi 21 tuổi.
Đêm dự liên hoan ở xã về, tôi tâm sự với mẹ. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Suốt cả đêm hai mẹ con không tài nào ngủ được. Cha thì chưa về, chị thì thoát ly ở xa. Mẹ ở nhà với ba em còn nhỏ dại, thơ ngây. Em Đào lên 6 tuổi. Em Loan lên 4 tuổi. Em Phượng mới hơn 1 tuổi. Kinh tế gia đình túng bấn. Sáng dậy, mẹ đưa cho tôi 7 đồng bạc trong số 12 đồng mẹ mới bán trái cây trong vườn. Phụ cấp binh nhì ngày đó là 5 đồng. Như vậy, số tiền mẹ cho tôi còn hơn một tháng phụ cấp. Tôi mặc một cái áo xanh, một quần ka-ki. Nhét vội 7 đồng bạc vào túi quần, tôi ôm choàng lấy mẹ trước giờ chia tay trong nước mắt.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:24:39 pm »

 Tôi thật không ngờ, cái ngày 15 tháng 10 năm 1964 là cột mốc bắt đầu sự nghiệp cuộc đời tôi -  mở đầu quãng đời đằng đẵng 45 năm quân ngũ, cũng là ngày cuối cùng tôi chia ly vĩnh viễn mẹ tôi, không bao giờ gặp lại. Tôi đi chiến trường được hai năm thì mẹ tôi mất. Bà mất ngày 21 tháng giêng âm lịch năm 1966, khi mới 47 tuổi. So với bây giờ, phụ nữ ở tuổi đó còn trẻ lắm. Tin mẹ mất đến với tôi rất muộn. Trong chiến tranh thư từ vô cùng khó khăn. Cả đời tôi và cả gia đình tôi đều xót thương mẹ. Bà sinh thành, dưỡng dục năm người con trong bần hàn. Bà ra đi quá sớm chưa hề được một chút gì của con cái báo đáp.
Ngày tôi lên đường không một người đưa tiễn. Đầu không mũ, chân đi đôi dép lốp, tay cầm một quyển sách, tắt qua vạt vườn lên ngang nhà mự Doãn, mọi người đang lăn lúa ở sân hỏi tôi:
- Đấu đi đâu đó?
Tôi trả lời:
- Cháu đi bộ đội.
Mọi người nghĩ là tôi đùa.
Cứ thế, tôi lẳng lặng một mình đi lên thị trấn Quán Hành, nơi tập trung tân binh. Tới nơi, tôi thấy nhiều gia đình tiễn con em đi bộ đội rất nhộn nhịp. Anh Ổn, anh Vĩnh làng tôi đi tiễn anh Định. Anh Tý người làng Kỳ Sơn đi tiễn anh Hợi. Đến trưa mọi người mở cơm nếp, thịt gà ra ăn. Tôi chẳng có gì. Thấy thế, các anh xẻ cho tôi một nắm xôi và một miếng thịt gà luộc. Tôi cầm ăn, không nuốt nổi vì tủi thân, mũi cay xè, nước mắt rơi lã chã, lòng nghẹn ngào khôn tả.
Đêm đầu tiên ngủ lại nhà dân ở xã Nghi Trung. Sáng ngủ dậy, chúng tôi tập trung  ở thị trấn Quán Hành và lần lượt được cán bộ nhận quân gọi tên từng người lên xe ô tô. Những chiếc xe ca, trên đầu cắm cờ đỏ, hai bên thành xe là hai khẩu hiệu lớn, nền đỏ chữ vàng: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và“Chào mừng thanh niên lên đường nhập ngũ”. Đúng 7 giờ xe chuyển bánh. Trước đó mấy phút, nhìn xuống vệ đường, tôi nhìn thấy mự Việt là bà con trong làng, quẩy gánh, hình như đi Chợ Cầu. Tôi thò đầu qua cửa kính,gọi thật to:
- Mự Việt ơi! Xin chào mự. Cháu đi bộ đội đây nhé. Mự về nói lại với mẹ cháu là cháu đã lên đường rồi.
 Chẳng biết có nghe không, tôi thấy mự gật gật đầu.
                                        ***

Xe qua cầu Bến Thủy, chạy bon bon dọc đất Hà Tĩnh rất dài. Đến Đèo Ngang xe chạy chầm chậm, tôi quan sát kỹ hai bên đường thấy quả là nơi đây đẹp thật - một danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình. Qua văn học, tôi được biết đây là nơi dừng chân ngắm cảnh, đề thơ của các tao nhân mặc khách. Tôi nhớ lại và se sẽ đọc bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan:

"Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
 Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
 Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước  đau lòng con cuốc cuốc
 Thương nhà mỏi miệng cái da da
 Dừng chân nhìn lại trời non nước
 Một mảnh tình riêng ta với ta."

Lòng tôi ngổn ngang cảm xúc vừa vui, lại vừa buồn. Vui vì được tòng quân lên đường chiến đấu như ý muốn. Buồn vì xa gia đình, quê hương, bè bạn, đặc biệt là xa mẹ tôi.
  Đến thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình), xe rẽ phải theo quốc lộ 20 đi về phía tây. Qua phà Minh Cầm, xe dừng lại đổ quân xuống. Trời mưa tầm tã, chẳng có áo mưa vì chưa được phát quân trang. Mỗi đứa chúng tôi cầm một cành lá cọ, bắt đầu hành quân bộ. Trời mưa rét, đường trơn, chúng tôi xuyên rừng vượt Đèo Khế. Đây là con đường mòn của thợ sơn tràng. Đèo cao lắm, leo dốc mệt vô cùng. Giữa trời rét mà mô hôi cứ túa ra, ướt cả áo. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là vượt dốc, trèo đèo, mưa rừng, gió núi. Chân đạp lên những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, chảy cả máu. Ngửi thấy mùi máu, vắt bám theo tua tủa. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cảnh này, ghê lắm.
 Tối mịt, chúng tôi đến một làng khá rộng dưới chân đèo, giữa thung lũng, phía trước là một con sông. Cả đơn vị dừng lại đóng quân trong nhà dân. Đó là làng Cổ Liêm, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Cán bộ chỉ huy phổ biến: “Tại đây, các đồng chí được cấp quân trang, biên chế chính thức vào từng tiểu đội, trung đội, đại đội và tiến hành huấn luyện tân binh. Vừa huấn luyện vừa ăn bồi dưỡng. Thời gian khoảng 1 tháng nữa sẽ hành quân đi B dài”.
Hàng ngày, sáng ngủ dậy chúng tôi ra bờ sông đánh răng, rửa mặt. Nước sông trong xanh, chảy xiết, cát trắng mịn. Dưới ánh bình minh, bóng núi chiếu xuống lòng sông, trông thật đẹp. Hồi đó nghe nói ở đại đội bên có người đi đánh răng, sơ ý  trượt chân ngã bị nước lũ cuốn chết đuối.
 Đồng bào nơi đây ở nhà sàn. Hình như là người dân tộc. Tối về chúng tôi ngủ trên sàn lát nứa cùng đồng bào. Dưới sàn là mấy con trâu buộc ở chân cột nhà. Đêm đông miền núi, cạnh lèn đá vôi, rét lắm. Không ngủ được, mấy anh em ngồi dậy quây quần bên bếp lửa. Bếp lửa là cả những cây gỗ khô to bằng cổ chân để dài cứ thế đốt suốt ngày. Trên giàn bếp đầy bồ hóng, tôi thấy những chiếc đầu bò, chân bò, đầu trâu, chân trâu đen kịt và cả những xâu ngô treo lủng lẳng. Ở đây ngô gọi bằng sạo. Tôi được biết, những thứ đó đều là thực phẩm, lương thực dự trữ quanh năm của đồng bào. Khi mổ trâu bò, chặt chân và đầu cứ để tươi thế đem gác bếp đến khô quắt lại. Không hề bị hỏng. Những ngày mưa gió không có thức ăn tươi, họ lấy những thứ đó ra, đẽo lấy mấy miếng ngâm nước gạo, rửa sạch, đem xào nấu, hoặc nấu canh ăn.
 Tôi được biên chế vào Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325B. Được biết, trước đó, Sư đoàn 325A đã vào B. Sư đoàn 325 (thời kỳ đầu gọi  là Đại đoàn) thành lập ở Bình Trị Thiên từ trong kháng chiến chống Pháp, trên cơ sở ba trung đoàn: Trung đoàn 18 Quảng Bình, Trung đoàn 95 Quảng Trị và Trung đoàn 101 Thừa Thiên. Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn là ông Trần Quí Hai, quê Quảng Ngãi, một trong những người lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ. Sau này Ông Trần Quí Hai là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu phó, kiêm Trưởng ban Cơ yếu Trung ương). Sư đoàn 325B lúc đó do ông Trần Văn Trân làm Tư lệnh, ông Trần Xuân Lư làm Chính ủy. Trung đoàn 101 do ông Nguyễn Xuân Lực, Anh hùng quân đội, làm Trung đoàn trưởng. Tiểu đoàn 4 của chúng tôi do ông Nguyễn Văn Thoại làm Tiểu đoàn trưởng.
 Ngày hai buổi chúng tôi được tập trung ở các bãi cỏ cạnh chân núi để huấn luyện quân sự. Tập bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê, mắc tăng võng, đào bếp Hoàng Cầm…Nhiều hơn cả là tập hành quân mang vác nặng, trèo đèo, lội suối. Ngoài ra, còn làm nhiều việc khác như đi vào rừng đốn củi, xuống bếp thay nhau làm cấp dưỡng,…Với tôi, việc gì cũng khó, cũng lạ vì ở nhà tôi chưa bao giờ làm những việc đó. Các anh lớn tuổi hơn coi tôi như đứa em út trong tiểu đội, thương và thường xuyên giúp đỡ tôi mọi việc từ nhỏ đến lớn.
 Cùng với việc huấn luyện quân sự, hậu cần, kỹ thuật, chúng tôi còn được phổ biến thời sự, học tập chính trị nhằm quán triệt tình hình, nhiệm vụ, xác định quyết tâm lên đường chiến đấu. Cán bộ chính trị của đơn vị tuyên truyền về hai sự tích anh hùng còn tươi rói trong năm 1964 là: Gương liệt sỹ Nguyễn Văn Trổi, chiến sỹ biệt động Sài Gòn đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac-na-ma-ra ở cầu Công Lý ngày 9-5-1964 không thành, bị địch bắt. Và, những giây phút lịch sử cuối cùng của anh ở pháp trường trước giờ địch xử bắn ngày 15-10-1964. Gương liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân, chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 cao xạ, Sư đoàn 325B, trong trận chiến đấu khốc liệt với máy bay Mỹ, ngày 18-11-1964, tại khu vực Cha Lo miền tây Quảng Bình, với khẩu lệnh bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù, bắn”. Chúng tôi chăm chú nghe không sót một câu, lòng ngưỡng mộ vô cùng. Toàn đơn vị  được khích lệ trong không khí sôi nổi, hăng hái, sẵn sàng lên đường thi đua giết giặc lập công.  Mỗi người đều viết quyết tâm thư, có người viết bằng máu.

 Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước phải hơn 10 năm sau, với biết bao xương máu, gian khổ hy sinh chồng chất, mới giành được thắng lợi cuối cùng. Vậy mà ngày đó, đám lính trẻ chúng tôi cứ lạc quan, hăm hở, háo hức như thể, không đi nhanh vào B sẽ không kịp góp mặt trong ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mà cũng chẳng phải riêng chúng tôi, có lẽ cả đất nước đều vậy. Đi bộ đội là một niềm vinh dự. Càng vinh dự hơn là được vào Nam chiến đấu. Cách tuyên truyền như nhà văn Bảo Ninh đã viết trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, là: " Ta thắng, địch thua, Miền Bắc được mùa, thế giới chia làm hai phe rõ rệt ”.
Cách tuyên truyền ngày đó, có mặt tích cực là khơi gợi, phát huy lòng nồng nàn yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc của nhân dân ta; cổ vũ động viên cả nước lên đường, mọi người ra trận. Đồng thời có mặt hạn chế, sau này chúng tôi mới nhận ra, đó là cách tuyên truyền đơn điệu, phiến diện, một chiều, chỉ thấy thuận lợi không thấy khó khăn, gây tâm lý ảo tưởng, chủ quan, nóng vội. Chỉ thấy mặt hào hùng, không thấy sự khốc liệt của cuộc chiến. Vì thế, đến khi đối mặt với thực tế khốc liệt, đầy gian khổ hy sinh, khó khăn phức tạp trăm bề, thậm chí không ít lần thất bại, thoái trào, thì tưởng như đây là sự phũ phàng, bị dối lừa, dễ dao động, hoang mang, ngờ vực. Thậm chí, có người quay lưng lại phủ nhận tất cả. Cá biệt có người chiêu hồi, đầu hàng địch.
 Ban ngày tôi hăm hở say mê làm mọi việc khẩn trương, gấp rút theo không khí chung. Lợi thế của tuổi trẻ và sức khỏe giúp con người ta dễ thích nghi với hoàn cảnh sống. Đêm về, trời rét đậm, hình như cái giá lạnh từ trong lèn đá lan tỏa sang. Thao thức không ngủ được, nghe tiếng vượn kêu thảm thiết vọng từ trong núi ra, tôi nhớ nhà, nhớ quê hương kinh khủng, đặc biệt là nhớ mẹ da diết. Nhiều hôm đứng gác giữa trời đêm, mưa phùn, gió lạnh, cô quạnh quá, tôi ôm súng thút thít khóc một mình.
 Có lần tôi được cử đi thị trấn Qui Đạt để nhận khiêng lợn về cho đơn vị. Đến bến sông nước lũ đục ngầu chảy xiết. Thỉnh thoảng nhìn thấy những cây gỗ to từ thượng nguồn lao vun vút theo dòng nước chảy xiết. Mọi người trèo lên ngồi  trên một cái thuyền độc mộc, từ một thân cây gỗ đục ra. Một dây song rất dài, to bằng cổ tay nối vào hai gốc cây hai bên bờ. Chúng tôi cùng bám vào hợp sức kéo dây song thật mạnh, đưa thuyền sang bờ bên kia. Tôi hình dung, nếu giữa dòng, dây song bị đứt thì chắc chắn cả cái thuyền độc mộc sẽ bị nhấn chìm và tất cả chúng tôi bị nước cuốn chết đuối hết. May cả đi lẫn về, chúng tôi đều trót lọt.
Hồi huấn luyện ở vùng Qui Đạt, trước khi đi B, ngoài anh Định cùng nhập ngũ, tôi còn gặp hai người cùng làng: Chú Lê Văn Kỷ và anh Phan Ngọc Mai. Mới thoát ly, lúc xa nhà trên miền đất lạ gặp được đồng hương, lại là đồng hương làng, thật là quí hiếm. Chú Kỷ làm trung đội trưởng trong cùng đại đội. Anh Mai làm văn thư quân lực tiểu đoàn. Anh Mai hơn tôi 4 tuổi, học trên tôi 1 lớp, đi bộ đội trước tôi 1 năm. Ngày đó giữa đám tân binh quân phục còn thơm mùi hồ, nhìn thấy anh Mai rắn rỏi trong bộ quân phục bạc màu, tôi nể phục lắm.
Hết thời gian huấn luyện và bồi dưỡng sức khỏe, chúng tôi hoàn tất mọi công việc chuẩn bị lên đường đi B. Mọi người được trang bị đầy đủ:  ba lô con cóc, quần áo, chăn màn, mũ tai bèo, tăng võng, ni lông, bi đông, túi đựng cơm, lương khô, mắm kem, bao gạo (ruột tượng), hộp thuốc cá nhân, thuốc pha với nước lã uống trực tiếp, băng cá nhân. Trên danh nghĩa, chúng tôi sẽ là chiến sĩ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Do đó, theo qui định bắt buộc, tất cả những thứ tư trang, đồ dùng cá nhân, từ tấm ảnh, giấy tờ tùy thân, sổ lưu bút, nhật ký, có cái gì liên quan đến Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đều phải gửi lại, bỏ lại, không được mang theo người. Phát hiện ra ai không chấp hành, cố tình mang đi là bị xử lý kỷ luật.
 Ngày đó tôi là đứa trẻ mới lớn, chưa có người yêu. Những anh lớn tuổi hơn, có người yêu, thậm chí có vợ con rồi, khi bỏ lại những tấm ảnh của người thân, tần ngần, xúc động, tiếc lắm. Mà ảnh thì có phải nhiều như bây giờ đâu. Có người cả đời chưa chụp ảnh. Nhiều người trước lúc chia tay, vội vàng chụp một pô ảnh đen trắng để làm kỷ niệm, nên rất quí. Có người dùng túi ni lon bọc ảnh rất kỹ, cố giấu ảnh tận đáy ba lô. Trên đường hành quân đi B và khi ở chiến trường sau này, thi thoảng một mình nhớ nhà quá, mở ra xem. Tiền thừa còn lại và tư trang đều phải gửi về nhà qua đường bưu điện. Từng người kê khai, đóng gói, tập trung lại do đơn vị cử người đi gửi. Tôi gom góp lại được 100 đồng, gồm tiền ăn bồi bưỡng còn thừa được thanh toán cộng với tiền trong túi còn lại. Đồng thời giặt sạch bộ quần áo ngày mặc lên đường gấp lại kèm một bức thư gửi về cho mẹ.
 Chúng tôi được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phổ biến là theo mệnh lệnh của trên, đơn vị sẽ đi “B dài”. “B dài” nghĩa là, đơn vị sẽ vào chiến đấu lâu dài ở Miền Nam từ nam Đường 9 cho tới tận cùng Nam Bộ. Còn “B ngắn” là chiến đấu ngắn ngày, thường là một chiến dịch, trên chiến trường Bắc Quảng Trị, còn gọi là “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Hoặc những cán bộ được cử vào chiến trưòng “B dài” công tác một thời gian rồi trở ra Bắc. Đi “B dài”, gia đình ở hậu phương sẽ  được địa phương đăng ký, quản lý, cấp phát tiền trợ cấp B cho những thân nhân chủ yếu (cha, mẹ, vợ, con) chưa đến hoặc đã hết tuổi lao động; được hợp tác xã , trường phổ thông, cơ sở y tế,…thực hiện đầy đủ mọi chính sách hậu phương quân đội theo qui định của Nhà nước. Còn “B ngắn” thì gia đình không được hưởng trợ cấp B. Thời gian ở chiến trường “B ngắn” quân nhân được bảo đảm toàn bộ chế độ cung cấp; đồng thời được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp cao hơn khi ở Miền Bắc- khoảng gần  gấp rưỡi. Sau từng đợt chiến dịch, trên dưới 1 năm, đơn vị rút ra Miền Bắc để cung cố, an dưỡng, huấn luyện. Thường đóng ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Từng người được thanh toán truy lĩnh toàn bộ tiền lương, phụ cấp trong thời gian đi chiến đấu ở chiến trường. Mỗi người dồn lại một cục gửi về gia đình.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:25:09 pm »

Ngày 25 tháng 12 năm 1964, toàn đơn vị nhập trạm giao liên bắt đầu lên đường đi B. Chúng tôi được biết, lộ trình hành quân sẽ là từ miền tây Quảng Bình  vào Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), lên Làng Ho, vượt qua Đường 9 vào Trường Sơn sang Lào. Từ vùng giải phóng Lào đi dọc theo tuyến tây Trường Sơn thẳng về Nam. Tùy theo nhiệm vụ của từng đơn vị bổ sung cho từng chiến trường mà rẽ ngang về Trị Thiên, về Khu 5, vào Tây Nguyên, hoặc đi thẳng qua đất Cămpuchia vào tận Nam Bộ.
Ngày đó, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mới giới hạn ở những trọng điểm nhất định, chưa lan rộng như 1 - 2 năm sau. Đông và Tây Trường Sơn vẫn là những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới bạt ngàn rậm rạp, nhiều tầng, có nơi lâu lắm rồi hình như chưa có dấu chân người. Đường hành quân bộ là đường mòn Hồ Chí Minh. Một lối đi  nhỏ thôi, hàng một, vươn ra, vươn xa dưới những khu rừng đại ngàn được phủ kín bóng cây cao bóng mát, vượt qua nhiều con suối nước trong  xanh. Sau này, khi nghe bài hát Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây, nhạc của Hoàng Hiệp, lời thơ của Phạm Tiến Duật, có câu “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đám lính trẻ chúng tôi tranh luận với nhau sôi nổi. Có người lập luận, nhà thơ đã lãng mạn hóa, thi vị hóa để cổ động tuyên truyền mọi người ra trận, chứ  thực ra đường ra trận có gì đâu mà đẹp. Hơn nữa, bất cứ ở đâu, lúc nào, mọi cuộc chiến tranh, kể cả chiến tranh chính nghĩa, đều là điều bất đắc dĩ đối với con người. Chiến tranh là một biện pháp giải quyết tình thế giữa các tập đoàn xã hội, khi không còn phương cách nào khác, thì hãy đừng coi đó là đẹp. Có người lại nói, kể ra nếu dùng từ “vui” thay cho từ “đẹp” thì đúng hơn. Vì ngày đó với khí thế hừng hực, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, trong không khí rộn rịp, thì dùng  từ “vui” hợp lý hơn. Với tôi, tôi cho rằng ở thời điểm cuối năm 1964 đầu năm 1965, đường hành quân đi B chưa bị bom đạn địch cày xới, cây rừng còn xanh tươi, chưa bị chất độc làm trụi lá, non nước hữu tình, cộng với khí thế hào hùng sôi nổi hăm hở của những chàng trai trẻ đi chiến đấu, trùng điệp những đoàn quân ra trận, thì quả thật, đường ra trận vừa vui, vừa đẹp.
Trên đường hành quân mỗi người mang theo trên mình khoảng 30 kg. Trong đó riêng bao gạo đủ ăn được 10 ngày. Đến từng trạm bổ sung dần lương thực, thực phẩm. Mỗi ngày chúng tôi hành quân qua một cung trạm. Từ trạm này sang trạm khác khoảng 30 cây số. Trên đường đi cứ bình quân 1 tiếng đồng hồ nghỉ giải lao độ 10 phút. Thường là sau khi đã ăn sáng, đổ đầy nước sôi vào bi đông, được lệnh xuất phát từ 5 giờ thì đến trạm tiếp theo khoảng 5 giờ chiều. Ở rừng trời mau tối. Hơn 5 giò chiều đã nhá nhem, mọi người chuẩn bị nấu cơm ăn, mắc tăng võng để ngủ. Bếp ăn tiểu đội, mọi người chuẩn bị củi đuốc, che lại ánh sáng, khơi lại bếp để nấu cơm tối và chuẩn bị bữa sáng mai, trưa mai.
Để bảo đảm bí mật, chỉ huy đơn vị  phổ biến yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm ngặt mọi qui định. Thực hiện đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Đúng như các cụ xưa thường nói: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. Đi không dấu là rời khỏi nơi trú quân tuyệt đối không để lại dấu tích gì, dù là nhỏ nhất. Khi chặt cây rừng để làm cột mắc võng hoặc lấy củi, phải rút hết toàn bộ cành lá xuống. Nếu để lại, cành cây bị chết khô, từ trên cao, máy bay địch sẽ phát hiện được dấu hiệu khả nghi. Nấu không khói là để tránh máy bay Mỹ phát hiện, khi nấu cơm phải đào bếp Hoàng Cầm. Ban ngày thì không có khói. Ban đêm thì không phát ra ánh sáng. Chúng tôi được biết bếp Hoàng Cầm xuất hiện từ hồi kháng chiến chống Pháp do một chiến sỹ nuôi quân tên là Hoàng Cầm đã có sáng kiến đào đường hầm dẫn khói đi trong lòng đất rồi lan tỏa dần. Như vậy là, ở nước ta có ba ông Hoàng Cầm thành danh: Tướng Hoàng Cầm, nhà thơ Hoàng Cầm và chiến sĩ nuôi quân Hoàng Cầm. Nói không tiếng là nói đủ nghe, không ồn ào, sợ biệt kích địch phát hiện. Ngày đó Mỹ đã nghiên cứu chế tạo ra một loại máy thu phát tín hiệu, vỏ bằng cao su, nhựa, bề ngoài không tinh mắt nhìn như một loại cây rừng - gọi là cây nhiệt đới. Máy bay Mỹ thả cây nhiệt đới vào các khu rừng trên tuyến hành quân của ta để thu thập và phát thông tin về các căn cứ của chúng.
Cứ thế, ngày đi đêm nghỉ. Đến một ngày cả đơn vị vượt qua một con sông nhỏ trên một cái cầu mấy cây tre ghép lại, có tay vịn. Tới giữa dòng, anh chính trị viên đại đội ngoái lại nói nhỏ với tôi rằng, đây là sông Sê Pôn. Sang bên kia là  huyện Mường Phìn, tỉnh Savanakhet đất Lào rồi. Qua cầu, tôi ngoảnh lại bờ đông là một rừng tre cao vút dưới nắng vàng, đẹp lắm. Nơi ấy là Tổ quốc mình. Lòng tôi bồi hồi xúc động. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đi ra nước ngoài. Đi ra nước ngoài mà không có hộ chiếu, không có giấy tờ tùy thân. Với bộ quân phục Quân Giải phóng và chiếc mũ tai bèo, mà như nhà thơ Tố Hữu sau này đã viết, chẳng làm đau một chiếc lá trên cành, đã thay cho hộ chiếu. Trong túi áo của mỗi người chỉ vỏn vẹn một tờ giấy bìa cứng, rộng bằng cái chứng minh thư, trên đó đề  là Giấy chứng nhận XYZ, họ và tên, được cử đi Bác Ái. Lúc đó tôi cũng chẳng biết giấy XYZ  là cái gì, để làm gì, cất giữ ra sao, tại sao lại lấy 3 ký hiệu toán học đặt tên cho nó. Đi Bác Ái nghĩa là đi đâu. Chỉ biết rằng, mỗi người đi “B dài” đều được cấp giấy XYZ. Nhưng khi đã vào chiến đấu ở chiến trường rồi chẳng còn quan tâm đến miếng giấy đó nữa. Sau này, khi ra Bắc, nghe đâu cần có giấy chứng nhận XYZ để làm khen thưởng thì phải. Ai nghĩ ra việc đó kể cũng lạ. Người lính bao năm lăn lộn vào sinh ra tử ở chiến trường, ai còn giữ được một cái miếng giấy nhỏ bằng nửa lòng bàn tay!
 Đêm dừng lại trú quân ở một cánh rừng tre, trời mưa phùn, se lạnh, cơm nước xong,  trèo lên võng nằm, lòng bồi hồi cảm xúc, tôi viết mấy câu thơ làm kỷ niệm sau này:

         “ Ra đi chiều ấy cuối mùa Đông
          Biên giới là đây một nhánh sông
         Qua cầu tre nhỏ sang đất Bạn
         Ngoảnh lại giang sơn chốn Lạc Hồng”.

Hành quân được bốn  ngày, đến bữa ăn tôi thấy rất ngon miệng, cảm giác như ăn bao nhiêu cũng hết, không biết no. Sau này mới biết đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh sốt rét rừng. Người bị bệnh sốt rét có hai thời điểm ăn rất nhiều: trước khi bị ngả bệnh mấy hôm và sau khi hết bệnh ăn giả bữa. Sang ngày thứ 5 khi đến trạm giao liên tôi  bị sốt li bì. Bên ngoài thì người đỏ lừ sốt cao, mà trong bụng thì rét kinh khủng. Rét tận đáy lòng, thấu tận sống lưng. Tôi vơ bao nhiêu thứ đắp vào mà vẫn run cầm cập, chui vào bếp đốt lửa sưởi cũng không hết rét. Lúc đầu tôi cứ nghĩ là bị cảm lạnh nhưng không phải, chẳng hiểu bị bệnh gì. Đêm đến, anh tiểu đội phó lên đại đội báo y tá xuống xem. Anh Soạn y tá đại đội, quê ở vùng Qui Đạt- Quảng Bình đến gặp tôi sờ trán, hỏi han, cặp nhiệt kế đo nhiệt độ lên tới 39,5 độ. Anh vừa mỉm cười, vừa nói :
- Như thế này là bị sốt rét rồi, em ạ. Không sao đâu, chịu khó uống thuốc đủ liều,  rồi mấy bữa là khỏi thôi. Người ta nói, phi sốt rét bất thành Quân Giải phóng mà. Sống ở rừng, trước sau thì ai cũng bị sốt rét cả, không ai thoát được đâu. Có điều, em bị sốt rét hơi sớm. Mới hành quân được 5 ngày thôi đấy.Vào tận cùng, nghe đâu,  phải hành quân bộ mất những 3 tháng nữa cơ.
Nói rồi, anh đưa tôi mấy viên thuốc quinin và một bát nước. Tôi uống vào đắng lắm. Đến khuya thì tôi hạ sốt nhưng vẫn rét run người.
  Sáng ngày ngủ dậy tôi đau ê ẩm toàn thân, đầu đau như búa bổ, miệng đắng ngắt, lưng đau nhừ, chân tay bủn rủn. Đến giờ hành quân, anh tiểu đội trưởng san hết đồ đạc của tôi cho toàn tiểu đội. Người thì mang khẩu súng, người khoác hộ ba lô, người quàng thêm bao gạo. Tôi chỉ chống một cây gậy thất thểu lên đường, chân bước liêu xiêu. Cứ thế, mấy ngày sau, bệnh tình tôi không thuyên giảm, thậm chí còn nặng thêm. Mấy bữa liền không ăn uống được gì, người tôi gầy rộc và khuỵu xuống không đi được nữa. Anh em trong tiểu đội phải chặt một khúc tre làm đòn khiêng cột võng vào làm cáng  để cáng tôi tiếp tục hành quân. Nằm trên võng lắc lư khi lên dốc, lúc xuống đèo, vượt suối, người bị sốt li bì, tôi chẳng biết gì. Khi tỉnh dậy tôi thương anh em đồng đội vô cùng. Cáng được tôi trên đường hành quân anh em đồng đội vất vả lắm.
 Ba ngày sau, theo đề đạt của tiểu đội, trung đội, thủ trưởng đại đội xét thấy, tôi không còn đủ sức đi tiếp mà để anh em cáng, thì làm chậm tốc độ hành quân của đơn vị. Vì vậy, đề nghị lên tiểu đoàn gửi tôi lại trạm giao liên, đợi đến lúc khỏe sẽ vào sau. Tôi cứ nằm trên võng, từng anh em trong tiểu đội đến  cầm tay tôi nồng ấm bịn rịn chia tay:
- Em ở lại nhé, đi sau.
 Tôi giàn giũa nước mắt lưu luyến giã từ đồng đội. Đó là những người vừa là đồng đội, vừa là bạn học, vừa là đồng hương. Chúng tôi không chỉ gắn bó với nhau bằng nhiều kỷ niệm trong thời gian mới vào quân ngũ mà còn thân thiết với nhau từ khi còn ở quê. Tôi linh cảm, cuộc chia ly này khó có ngày hội ngộ.
Quả thật, trong suốt thời gian ở chiến trường và hơn thế, đằng đẵng 45 năm quân ngũ, trải qua nhiều cương vị, nhiều đơn vị, nhiều địa bàn, tôi chưa bao giờ gặp lại những người cùng nhập ngũ, cùng đơn vị ngày đó. Sau này tôi được biết, đơn vị đó hành quân vào Tây Nguyên chiến đấu một thời gian rồi đi tiếp vào Nam Bộ. Sau hơn 10 năm chiến đấu, cùng nhập ngũ với tôi ngày đó, rất nhiều người đã hy sinh, bị thương, số còn lại  hầu hết phục viên về quê sau ngày toàn thắng, số rất ít phục vụ quân đội đến  tuổi nghỉ hưu. Mãi tới sau này, tôi mới gặp lại hai người cùng ở đơn vị, đó là anh Nguyễn Công Dung, Đại tá, Chỉ huy trưởng Quân sự Thị xã Cửa Lò- Nghệ An và anh Lương Tiến Đại, Đại tá, Chỉ huy phó về Chính trị Tỉnh đội Quảng Bình, nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Quảng Bình.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:25:41 pm »

 Khi anh em cáng tôi đến bàn giao cho trạm xá của trạm giao liên hay của binh trạm, tôi mê man chẳng biết gì. Hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy cùng cảnh mới đến như tôi độ khoảng 10 người nữa. Cũng đều là đám lính trẻ hành quân đi B bị sốt rét rừng, không chịu nổi, phải gửi lại. Còn lại là số thương hinh, bệnh binh đã điều trị ở đây từ trước.
Trạm xá ở một khu rừng nước bạn Lào bằng phẳng, cây cối  tốt tươi, rậm rạp và đẹp. Nép dưới tán lá cây rừng là mấy dãy nhà lợp cỏ tranh, xung quanh che chắn bằng phên nứa. Các dãy lán dài trải bằng sạp nứa. Nằm trên đó có cả thương binh lẫn bệnh binh. Chúng tôi được phổ biến rằng, đây là trạm xá dã chiến để thu dung thương binh, bênh binh trên tuyến hành quân. Ai nhẹ thì điều trị một thời gian rồi trả về đơn vị cũ hoặc bổ sung cho đơn vị khác theo quyết định của cấp trên. Ai nặng thì chuyển về phía sau, nặng hơn nữa thì chuyển hẳn ra Bắc. Hàng ngày, sau giờ ăn sáng, cấp thuốc uống hoặc tiêm, ai không bị lên cơn sốt thì, hoặc là chơi tú lơ khơ, đánh cờ tướng, hoặc tha thẩn dạo chơi xung quanh trạm xá. Cũng có khi chúng tôi ra suối câu cá hoặc vào rừng hái rau tàu bay, hoặc đào hái măng đưa về cho nhà bếp cải thiện thêm bữa ăn.
 Điều trị ở trạm xá được hơn mười ngày, dứt cơn sốt, sức khỏe bình phục dần, tôi háo hức xin trạm xá cho lên đường đuổi theo đơn vị. Nhưng các thủ trưởng ở trạm xá nói rằng, 10 ngày qua, đơn vị đó đã đi xa lắm rồi, không thể theo kịp nữa, hãy chờ lệnh cấp trên bổ sung cho đơn vị khác. Tôi lại phải tiếp tục ở đó thêm mấy hôm nữa.

  Đến một buổi sáng, tôi và ba người nữa được thông báo có cán bộ đến nhận về đơn vị mới. Tất cả bốn anh em chúng tôi tập trung lại nghe một anh cán bộ trung tuổi, người tầm thước, thái độ niềm nở, vui vẻ, nói tiếng Nghệ Tĩnh, tự giới thiệu là Hồ Chư, Thiếu úy, Trợ lý chính trị của Tiểu đoàn 929 Quân khu 4, được đơn vị cử đến đón chúng tôi về. Chúng tôi cảm ơn, bịn rịn chia tay bác sĩ, y sĩ, cán bộ và các anh chị nhân viên, y tá của trạm xá để lên đường. Chỉ hơn mười ngày thôi nhưng các cán bộ, nhân viên trạm xá đã dành cho chúng tôi trách nhiệm và tình cảm thân thương. Cảm động lắm, nhiều người đã nhiều đêm thức trắng bên lán, chăm sóc cho chúng tôi từng viên thuốc, từng thìa cháo. Chắc chắn là, trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt ở chiến trường, tình cảm giữa con người với nhau gắn bó sâu nặng hơn.
 Theo sự chỉ huy của anh Hồ Chư, chúng tôi bốn người gồm: Nguyễn Văn Kiu, Trần Công Thuận, Nguyễn Trọng Năm và tôi hành quân về đơn vị là Tiểu đoàn 929.  Chúng tôi cùng lứa tuổi, là đồng hương, cùng nhập ngũ,cùng hoàn cảnh hành quân đi B bị sốt rét gửi lại trạm xá giao liên, cùng được bổ sung về một đơn vị lại cùng chiến đấu nên thân thương nhau lắm. Anh Kiu quê ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, năm 1965, trong một trận chiến đấu ở tây Savanakhet (Lào), bị cụt một chân, sau đó phục viên về quê. Anh Thuận quê ở xã Thanh Cát, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 1968, làm trung đội trưởng, hy sinh ở khu vực Bình Điền tây Thừa Thiên - Huế. Anh Năm quê ở xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 1969, làm chính trị viên phó đại đội hy sinh ở Đường 12 tây Thừa Thiên-Huế. Còn anh Hồ Chư, quê ở xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1969, làm chính trị viên Tiểu đoàn 9, rồi Trưởng tiểu ban tổ chức Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, sau giải phóng Miền Nam nghỉ hưu, đã từ trần năm 2000.
Đang giữa mùa khô, trời nắng chói chang, chúng tôi đi bộ trọn một ngày dưới rừng cây khộc khô khốc mới tới được đơn vị. Tiểu đoàn bộ đóng quân ở một con suối cạn nằm ở phía tây huyện Mường Phìn, tỉnh Savanakhet. Người ra tiếp chúng tôi là anh Võ Vượng, Trung úy, Trợ lý tác huấn tiểu đoàn. Anh Vượng giới thiệu sơ bộ về đơn vị. Tiểu đoàn 929 là một trong 3 tiểu đoàn biên phòng của Quân khu 4 thành lập sau khi miền Bắc được giải phóng. Tiểu đoàn 925 đóng ở biên giới phía tây tỉnh Nghệ An. Tiểu đoàn 927 đóng ở biên giới phía tây tỉnh Hà Tĩnh. Tiểu đoàn 929 đóng ở biên giới phía tây tỉnh Quảng Bình. Những năm huấn luyện trong thời bình, Tiểu đoàn 929 đóng quân ở Thanh Lạng, xã Trung Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Địa bàn hoạt động lên tận cửa khẩu Cha Lo. Từ năm 1961 đến lúc đó, đơn vị liên tục hoạt động ở Lào, từ Khăm Muộn đến Savanakhet. Ở thời điểm chúng tôi có mặt, đơn vị đang chiến đấu trên trục Đường 9 nhằm bảo vệ hành lang phía tây của Đường dây 559. Tiểu đoàn trưởng là anh Hoàng Nhiên. Chính trị viên tiểu đoàn là anh Nguyễn Khuốc. Chính trị phó tiểu đoàn là anh Lê Văn Dánh.
Cùng Tiểu đoàn 929 với tôi hồi đó hiện nay điểm lại chỉ còn có mấy người : anh Lê Chí Tuân, quê ở xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch, tỉnh quảng Bình, sau này làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 379 - Quân khu 2 rồi về công tác ở Học viện Quốc phòng; anh Hoàng Huy Nhở quê ở Hậu Lộc - Thanh Hóa, hiện đã nghỉ hưu ở quê; anh Đinh Minh Chúng quê ở xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, là Thượng tá, nguyên tham mưu phó Sư đoàn 968 - Quân khu 4, hiện đã nghỉ hưu ở quê; anh Cao Sĩ Nguyên quê ở Tân Đức, Minh Hóa, Quảng Bình, hiện nghỉ hưu ở quê; anh Hồ Sĩ Dục quê ở xã Hương Thu, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay nghỉ hưu ở Vũng Tàu…
 Trong  Ban chỉ huy Tiều đoàn 929 ngày đó có anh Lê Văn Dánh gắn bó với tôi mãi nhiều năm sau này. Từ chiến trường Lào, vào Miền Nam và cả sau này nữa. Anh Lê Văn Dánh quê ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 4. Anh là người chiến đấu dũng cảm, thường xuyên có mặt ở những nơi hiểm nguy, gian khó. Vốn là cán bộ chính trị nhưng ở anh trình độ quân sự cũng rất sắc sảo. Năm 1980, đang là Phó chính ủy Sư đoàn, anh được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 - Quân khu 4. Trong lãnh đạo chỉ huy, anh quyết đoán, rành mạch, rõ ràng, đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường. Nhưng ở anh cũng bộc lộ một vài nhược điểm. Anh thường tỏ ra coi thường những cán bộ chỉ nói hay, không làm hoặc làm dở. Vì vậy, có người cho rằng anh kiêu binh. Anh thẳng thắn bộc trực đến mức hơi thái quá. Gặp bất cứ ai, lần đầu, câu cửa miệng của anh là : “Cậu quê đâu?”. Những người nói tiếng “trọ trẹ” đồng hương Khu 4 - nhất là Quảng Bình - thì ngay lập tức được anh tin tưởng. Anh đánh giá cán bộ có khi cực đoan, có lúc định kiến. Với anh, trong chiến đấu ai đó chỉ mất lòng tin một lần là mất tất cả. Anh tin tưởng ai thì người đó luôn luôn đúng. Bởi thế, người quí trọng anh rất nhiều, nhưng người không hài lòng với anh cũng không ít.
Tôi nhớ, năm 1991, khi còn làm Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của Văn phòng Tổng cục Chính trị, tôi tham gia bộ phận phái viên của Tổng cục Chính trị do anh Võ Thịnh, Phó Văn phòng TCCT dẫn đầu dự Đại hội Đảng bộ Quân khu 4. Tại Đại hội đó, giờ kiểm phiếu bầu Đảng ủy Quân khu, Đại hội nghỉ giải lao. Vừa kiểm phiếu xong, anh Lê Văn Mẹo, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu chạy ra nói nhỏ với chúng tôi:” Kết quả kiểm phiếu: anh Lê Văn Dánh, Bí thư Đảng ủy đương nhiệm không trúng Đảng ủy mới”. Tôi giật mình, quả thật đây là điều không bình thường. Toàn bộ phần nội dung tiếp theo của Đại hội, như ra mắt Đảng ủy mới, hứa hẹn quyết tâm trước Đại hội; thông qua Nghị quyết Đại hội, Đoàn chủ tịch đều đã phân công anh Dánh đảm nhiệm. Bây giờ anh Dánh trượt Đảng ủy, không còn tư cách thể hiện nữa, phải là người khác làm. Chúng tôi đề nghị anh Nguyễn Quốc Thước, Tư lệnh Quân khu nghiên cứu tài liệu trước để đảm nhiệm toàn bộ phần việc đó.
Tôi kề bên anh Dánh. Anh rất bức xúc, mặt tái đi, mồ hôi anh túa ra ướt đầm cả áo. Anh nói với tôi :
- Trong quân khu, tại Đại hội Đảng bộ có người vận động chống anh, mới nên nông nỗi này.
Tôi ôn tồn:
- Thôi anh ạ, kết quả bầu cử như vậy rồi, anh phản ứng là vi phạm nguyên tắc và liệu có ích gì, lại thêm phức tạp ra. Em tham gia với anh trên hai tư cách. Về lý, em là phái viên của cấp trên đi dự Đại hội Đảng bộ Quân khu. Về tình, em là thằng liên lạc của anh cách đây 25 năm trên chiến trường, lúc anh còn là chính trị viên phó tiểu đoàn. Tính anh em biết rồi, nóng nảy thường dẫn đến sơ suất. Vì vậy, từ giờ phút này em đề nghị anh hết sức bình tĩnh.
Thế rồi, anh Dánh đã kiềm chế được. Nhưng tôi biết anh vẫn rất buồn. Mấy tháng sau, anh bị bệnh nhũn não, điều trị ở Viện 108, tôi vào thăm mấy lần. Khi xét thấy anh nặng lắm rồi, gia đình xin đưa anh về nhà để chăm sóc những ngày cuối đời.
Tháng 4 - 1992, khi là Cục phó Cục Chính sách, tôi tham gia gia Đoàn Tổng cục Chính trị do anh Lê Khả Phiêu Chủ nhiệm Tổng cục dẫn đầu ra thăm Trường Sa, qua đài phát thanh, tôi nghe tin anh Lê Văn Dánh từ trần. Tôi buồn bã nhớ về anh với những kỷ niệm xưa.
Anh Hoàng Nhiên, Tiểu đoàn trưởng, quê ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; năm 1965 được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 29, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 đi chiến đấu ở Tây Nguyên. Thời kỳ đó ở Tây Nguyên có bốn trung đoàn trưởng đều là người Nghệ An: Hoàng Nhiên, Nguyễn Quốc Thước, Hồ Đệ, Phùng Bá Thường. Năm 1973, anh Nhiên ra Bắc làm Tỉnh đội phó tỉnh Nghệ An, làm Sư đoàn trưởng, Đại tá, rồi nghỉ hưu ở quê. Anh Nguyễn Khuốc, Chính trị viên tiểu đoàn, quê ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; sau này là Đại tá, cán bộ của Học viện Chính trị. Anh Võ Vượng, Trợ lý tác huấn, quê ở xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1970 hy sinh ở chiến trường tây Thừa Thiên Huế, lúc đó là Thiếu tá, giữ chức Trung đoàn phó Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên - Huế.
Từ tiểu đoàn tôi được bổ sung vào Tiểu đội 4 Trung đội 2 Đại đội 2. Anh Đinh Xuân Bài, Tiểu đội trưởng nhận tôi về. Tiểu đội có 7 người. Anh Đinh Xuân Bài quê xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; lính 1962, làm Tiểu đội trưởng. Anh Cao Sĩ Tính quê xã Hợp Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; lính 1962, làm Tiểu đội phó. Anh Đinh Xuân Các quê ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, lính 1963, giữ khẩu trung liên RPĐ. Anh Nguyễn Văn Liệu quê ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch , lính 1963, giữ khẩu B40. Anh Lê Văn Sơ quê huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, lính 1963, giữ khẩu AK. Còn tôi và Nguyễn Văn Kiu quê ở xã Nghi Hưng, mỗi đứa giữ một khẩu CKC. Trừ tôi và Kiu là hai tân binh mới tò te chưa ngửi mùi thuốc súng, còn lại các anh trong tiểu đội hơn tôi chừng năm, bảy tuổi, lại đã trải qua chiến đấu, dạn dày trận mạc, ít nhất là hơn một năm. Tôi tin tưởng và cảm phục các anh trên mọi phương diện. Các anh coi tôi như đứa em út trong tiểu đội, hướng dẫn, giúp đỡ tôi mọi việc từ nhỏ đến lớn.
Trung đội trưởng Trung đội 2 là anh Lê Đôn Quý, quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Anh Quý chiến đấu rất dũng cảm, trong cuộc sống anh thẳng thắn, bộc trực. Anh Quí hy sinh giữa năm 1965 trong một trận chiến đấu mà anh giữ chức Đại đội phó Đại đội 3. Trung đội phó là anh Nguyễn Văn Sửu quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh Sửu hy sinh đầu năm 1966 ở gần Mường Phìn do bị máy bay bắn. Đại đội trưởng Đại đội 2 là anh Nguyễn Văn Tèo quê ở  Miền Bắc, tôi không rõ ở tỉnh nào. Đến đầu năm 1965, anh Tèo chuyển đi đơn vị khác, trên điều động anh Nguyễn Văn Dương quê ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên về làm Đại đội trưởng. Chính trị viên đại đội là anh Nguyễn Văn Trinh quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; đến giữa năm 1965 thì thay bằng anh Điện, sau đó lại thay bằng anh Nguyễn Thụy quê ở xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Chính trị phó đại đội là anh Hồ Sĩ Dục quê ở xã Hương Thu, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đến giữa năm 1965, được thay anh Nguyễn Văn Tin quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đại đội phó là anh Lê Văn Lướt, người Tây Nguyên.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:26:12 pm »

 Khi tôi mới bổ sung vào thì Đại đội 2 có một trận đánh chặn địch ở Đồng Mót rất quyết liệt. Trong trận đó, trước khi đại đội phản kích tiêu diệt địch giành thắng lợi lớn, thì cả Tiểu đội 8 Trung đội 3 làm nhiệm vụ chốt chặn đã hy sinh đến người cuối cùng. Các anh hy sinh trong tư thế vẫn ôm súng bắn, giữ nguyên đội hình, không ai rời bước khỏi trận địa.
Thời tiết ở Lào chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô thì trời nắng chói chang. Cây cỏ khô khốc. Đi giữa rừng khộc trụi lá, cành trơ xác xơ, gầy guộc. Những chiếc lá khộc khô dòn to như những chiếc bánh đa nhỏ, bước lên gãy vỡ vụn. Cả ngày đi có khi không tìm nổi một chỗ có nước uống. Mùa mưa thì mưa xối xả suốt ngày đêm. Đúng là mưa rừng. Cây cối tốt tươi. Đóng quân ở những khu rừng tre tha hồ hái măng trên cây và đào măng củ. Những con suối cạn khô khốc về mùa khô, lại tràn trề nước vào mùa mưa. Có nhiều trường hợp hành quân trải bạt ngủ bên suối cạn. Đang đêm trời mưa to, lũ tràn về,  không kịp chạy sẽ bị nước cuốn trôi. Mùa mưa đầy nhựa sống nhưng mùa mưa ẩm ướt là mùa của sốt rét rừng. Có tiểu đội sốt hết không còn người dậy nấu cơm. Có người bị sốt rét mắc võng nằm cạnh bờ suối, khi nước lũ tràn về không còn sức tháo chạy, nằm yên trên võng bị chết đuối. Vậy là, cái chết nối liền với giấc ngủ. Đến khi nước rút, anh em chạy đến để nguyên cả võng khiêng đi an táng. Đơn vị bị sốt rét la liệt là do mùa mưa muỗi anôphen sinh sôi nảy nở nhiều. Đêm ngủ không màn, muỗi từng đàn thi nhau cắn, làm lây lan vi trùng sốt rét từ người nọ sang người kia. Mùa mưa cả ta và địch đều ít hoạt động. Mùa khô mới là mùa đánh nhau, vì dễ triển khai lực lượng hơn.
Hoạt động ở chiến trường Lào ngày đó chưa bị bom đạn khốc liệt như sau này. Thường là khi hành quân chiến đấu, đêm đến chỗ trú quân, anh Bài cắt cử người canh gác, rồi tất cả tiểu đội xúm vào, người thì bẻ lá cây che bếp khỏi phát ra ánh sáng, người thì bẻ lá cây rải ra một vạt đất bằng rồi trải tấm vải nhựa lên đó, cả tiểu đội xếp dàn hàng ngang ngủ. Trời nắng thì không sao. Thỉnh thoảng chỉ bị ve, vét cắn thôi. Trời mưa thì cả tiểu đội ướt như chuột lột. Công sự không phải đào. Chỉ lợi dụng địa hình, địa vật, chủ yếu là khe suối, hang đá, hốc cây làm nơi  ẩn nấp khi có động.
Không quân địch mới có máy bay cánh quạt T28 và AD6. Nhưng mỗi khi oanh tạc thì dai dẳng lắm. Hình như các loại máy bay cánh quạt, chứa được nhiều xăng, giờ bay lâu hơn. Pháo binh thì chỉ đến lựu pháo 105 ly. Quân địch ngày đó là quân ngụy Lào, chúng tôi vẫn gọi là lính Phu Mi . Giống như cách gọi quân Pôn Pốt ở chiến trường Cămpuchia sau này.
Hình thức chiến thuật của bộ đội ta lúc thì phục kích, lúc tập kích và có cả phòng ngự. Ở chiến trường tổ chúc nấu cơm cấp tiểu đội vừa nhanh, vừa gọn. Anh em luân phiên nhau nấu. Thường là xúm lại cùng làm như một gia đình vậy. Ăn thì lương thưc, thực phẩm được nhận ở các kho trên đường dây vận chuyển. Thực phẩm thường chỉ có cá khô, muối, mỡ, mì chính, mắm kem. Thỉnh thoảng có thịt hộp, cá hộp. Nước uống thì hái chè rừng nhưng chủ yếu là uống nước gạo rang. Hàng tháng, chúng tôi được nhận nhu yếu phẩm do xe từ hậu cứ chuyển lên. Mỗi người được cấp một cân đường, một cân đậu xanh để vài ba ngày nấu chè một lần. Không hiểu sao hồi đó chúng tôi thích đồ ngọt đến thế. Có thể do thiếu chất. Lâu lâu có một ít kẹo, bánh, thuốc lá, chè trà. Nghe nói, đó là quà úy lạo của các cơ quan, đoàn thể trong nước gửi sang. Theo xe từ hậu cứ sang, còn chuyển cả thư, người có người không. Ở chiến trường xa không nhận được thư nhà, buồn lắm!
 Ngoài trang bị chiến đấu như súng CKC, lựu đạn, xẻng, bao gạo, ba lô, tôi được anh Tính tiểu đội phó giao cho mang hai cái nồi. Nồi to dùng để nấu cơm đủ ăn 7 người. Nồi nhỏ dùng để nấu thức ăn. Tôi đặt cái nồi nhỏ trong nồi to, dùng giây vải buộc chặt vào ba lô mang sau lưng. Chính hai cái nồi này, với tôi, có một kỷ niệm không bao giờ quên.
Sự thể là, trong trận đánh quân địch ở ngoài công sự ở gần Huội Mua, ngày 22 tháng 2 năm 1965. Lúc khoảng 3 giờ chiều, cả tiểu đoàn chúng tôi đang tiến vào địa bàn quân địch thường hoạt động. Đội hình hành quân chiến đấu trinh sát tiểu đoàn đi trước, theo cách sâu đo để thăm dò địch. Sau trinh sát là Đại đội 2 chúng tôi. Trung đội tôi đi trước, Tiểu đội 4 dẫn đầu. Đến một khu rừng khộc, thấy phía trước có nhiều ụ khói bốc lên. Khả nghi có quân địch, trinh sát báo cáo về phía sau. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Nhiên đầu cắt trọc, người đỏ au, quàng một mảnh dù nhỏ, không mang vũ khí, chạy vội lên trước. Chạy theo anh là anh Xiểm liên lạc. Anh Nhiên  lệnh cho toàn đơn vị dừng lại triển khai chiến đấu. Giao cho trinh sát vào  phía trong bám địch. Khoảng nửa tiếng sau, anh Cao Sỹ Nguyên , Tiểu đội trưởng trinh sát quay ra báo cáo với Tiểu đoàn trưởng. Anh Nhiên giao cho anh Xiểm liên lạc chạy về phía sau đội hình mời anh Khuốc chính trị viên tiểu đoàn lên hội ý. Thấy hai anh hội ý chừng 5 phút, anh Nhiên cho triệu tập các đại đội trưởng lên giao nhiệm vụ. Anh Tèo đại đội trưởng nhận nhiệm vụ Đại đội 2 làm mũi tấn công chủ yếu.
Chúng tôi được lệnh tiếp tục tiềm nhập để rút ngắn cự ly với địch. Được chừng 100 mét thì dừng lại chờ hỏa lực tiểu đoàn khai hỏa. Cối 82ly và ĐKZ75 ly của tiểu đoàn bắn cấp tập khoảng 10 phút thì dừng. Chúng tôi bắt đầu nổ súng tấn công. Với tôi đây là trận chiến đấu đầu tiên trong đời. Tôi hồi hộp lắm. Nghe tiếng đạn bắn ra tới tấp, ràn rạt, tôi cũng hoảng. Nhìn sang bên phải thấy anh Liệu đã bắn được một quả B40, nòng còn bốc khói. Nhìn sang bên trái thấy anh Các đã xiết được mấy tràng trung liên, vỏ đạn bay rào rào. Cạnh tôi, anh Bài đang ghì khẩu AK vào gốc cây khộc, xiết cò từng điểm xạ ngắn. Mới khoảng 4 giờ chiều, giữa rừng khộc đã cháy trụi, ở cự ly không tới 100 mét, tôi nhìn quân địch rõ lắm. Tôi bắn liền một kẹp đạn CKC, đã thay sang kẹp khác, thì nghe một tiếng choang rất đanh, tôi tưởng mình đã bị thương nhưng chẳng thấy đau mà sờ xung quanh người cũng không có máu. Anh Bài hô:
- Tất cả tiểu đội chuẩn bị xung phong.
Tôi đưa tay dương lê lên vì cho rằng, sắp đánh nhau giáp la cà, phải dùng đến lưỡi lê để đâm. Thấy thế, anh Bài hét to:
         -  Đẩu gấp lê lại ngay.
      Như một cái máy, tôi gấp lê lại, dẫu chẳng hiểu vì sao. Mấy phút sau, cả trung đội chúng tôi chiếm lĩnh toàn bộ trại địch. Một bãi chiến trường ngổn ngang nhà cháy, vách đổ, đất cát bị cày xới bởi những hố đạn đen ngòm. Mấy xác chết, cái thì cháy đen, cháy sạm, cái  thì loang lổ bê bết máu. Trong tay có đứa còn cầm súng. Nhìn vào bếp, thấy mấy tuýp (liễn) xôi còn nóng hôi hổi, tôi cầm luôn. Lệnh của chỉ huy, đơn vị phải thu dọn chiến lợi phẩm và rút ra ngay đề phòng pháo địch oanh kích.
Xuyên rừng độ hai tiếng đồng hồ sau, đến chỗ dừng lại trú quân, anh Tính tiểu đội phó bảo tôi cởi nồi ra để nấu cơm tối. Tôi vừa hạ xuống thì thấy cả hai cái nồi bị một viên đạn xuyên thủng từ bên nọ sang bên kia. Cả tiểu đội xúm lại nhìn. Anh Bài nói:
- Như vậy là số cậu cao. May mà thằng Phu Mi bắn hơi chếch lên một chút. Nếu viên đạn hạ xuống 10 cm thôi, thì hôm nay Đẩu nhà mình đã thành liệt sỹ rồi.
 Anh còn giải thích với tôi rằng, sở dĩ chiều nay thấy tôi dương lê lên bị anh quát, là vì, lúc xung phong cự ly cách địch còn chừng 100 mét, dương lê lên sẽ bị vướng. Tối đó, may mà có hai liễn xôi tôi lấy được trong trại địch, không thì cả tiểu đội nhịn đói sau một ngày chiến đấu căng thẳng. Trận đó tiểu đôi tôi không ai việc gì. Tiểu đội 5 có anh Duyến và anh Thoại hy sinh.
 Sau này về hậu cứ ở bản Nôn Nhang rút kinh nghiệm trận đánh, có ý kiến từ cấp trên phê phán rằng, đó là một trận đánh không thắng lợi chứ chưa nói đến thất bại. Về hình thức chiến thuật giống như một trận càn. Mà càn thì không có trong các loại hình tác chiến của quân đội cách mạng. Chỉ đánh vỗ mặt không tổ chức lực lượng bao vây, chia cắt, vu hồi quân địch. Hiệu quả chiến đấu thấp. Cả một tiểu đoàn đầy đủ binh hỏa lực không tiêu diệt nổi hai trung đội địch ngoài công sự. Cán bộ tiểu đoàn thì cho rằng, đây là hình thức tao ngộ chiến. Đã ai biết được lực lượng địch là bao nhiêu. Giữa rừng khộc bằng phẳng, mênh mông, lính Phu Mi như thổ phỉ khó đánh tiêu diệt được. Biết làm sao được, người xưa đã từng dạy, kiến dĩ tác nan mà!
Hàng chục năm sau, tôi gặp lại anh Bài lúc anh đã là Đại tá, trung đoàn trưởng, nghỉ hưu ở Hà Nội. Chúng tôi cười vui ôn lại chuyện xưa. Anh trìu mến ghì chặt lấy tôi:
- Trời ơi, thằng em út của tiểu đội ngày nào mặt búng ra sữa, bây giờ đã thành ông Tướng rồi ư!
Rồi như sực nhớ ra điều gì, anh trêu đùa tôi:
- Này, Đẩu ơi, em sờ lại sau lưng xem hai cái nồi còn không.
Anh Bài là người chiến đấu dũng cảm, chỉ huy quyết đoán, gương mẫu về mọi mặt. Tôi nhớ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, anh giữ chức tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3, bị thương và bị địch bắt được đưa lên trực thăng. Khi máy bay mới rời mặt đất được dăm mét, anh lao mình ra cửa nhảy xuống thoát được nhưng bị chân thương cột sống, đau lưng một thời gian khá dài. Trong đời sống anh giản dị, khiêm nhường mà thẳng thắn, chân thành, được đồng đội quí mến. Anh là người trưởng thành từ chiến sĩ lên tới trung đoàn trưởng trong cùng một đơn vị cho đến khi nghỉ hưu. Khi anh nghỉ hưu, quân đội cấp cho anh hai gian nhà cấp bốn trên mảnh đất hơn 100 mét vuông trên mặt đường ở Xuân La, gần cơ quan  UBND và Quân ủy quận Tây Hồ - Hà Nội. Như bây giờ mảnh đất đó có giá trị hàng chục tỷ bạc, nhưng lúc đó anh đem đổi lấy ba vạn gạch về xây ba gian nhà cấp bốn trong khu tập thể cơ quan chị Lợi là vợ anh ở Dốc Vân, Gia Lâm. Anh Bài mất năm 2001 do bị ung thư phổi, không biết có phải do nhiễm chất độc ở chiến trường không. Khi nghe tin anh Bài mất, từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây tôi đến viếng anh tại nhà riêng. Nhiều đồng đội đã về hưu, phục viên tận trong Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã ra viếng anh.
Trước đó mấy hôm, khi anh ốm nặng tôi đến thăm ở Viện Quân y 108. Anh thều thào nói với tôi:
- Anh đau lắm em ạ, chưa bao giờ đau thế này. Chắc không được mấy ngày nữa đâu. Điểm danh lại, tiểu đôi ta đã mất hết cả rồi. Chỉ còn em, đứa em út của tiểu đội ngày nào còn bé nhỏ 16, 17 tuổi đầu thôi.
Nghe anh tâm sự, tôi cảm thương anh vô cùng, nước mắt lã chã rơi. Biết rằng, tôi sắp phải vĩnh biệt người anh, người thầy của mình trong chặng đầu tiên của cuộc đời quân ngũ mà đành bó tay chẳng  làm được gì cho anh.

Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:26:31 pm »

 Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của trận tập kích quân địch ngoài công sự, tiểu đội 4 chúng tôi được tăng cường cho Đại đội 3 của tiểu đoàn đang làm nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam. Sê-Con-Cam cách thị trấn Mường Phìn không xa. Địch ở Pờ Lan, Pắc Sế thường nống ra lấn chiếm, nhằm thọc sườn uy hiếp chặt đứt hành lang chiến lược Bắc-Nam của ta. Tiểu đội làm lực lượng cơ động ngoài công sự để chi viện cho Trung đội 1 Đại đội 3. Trung đội trưởng trung đội 1 là anh Võ Đình Vân quê ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tiểu đội chúng tôi được bố trí bên cạnh Ban chỉ huy đại đội 3. Đại đội 3 do anh Trần Công Giao quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa làm đại đội trưởng, anh Trần Triền quê ở Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình làm chính trị viên. Phương án tác chiến được xác định là khi địch đánh vào trận địa phòng ngự của trung đội 1, thì tùy hoàn cảnh cụ thể , đại đội sẽ dùng tiểu đội tôi tăng cường lên trận địa phòng ngự hoặc đánh vu hồi vào phía sau, hoặc đánh thọc bên sườn quân địch. Nhận nhiệm vụ xong, mấy ngày đầu, anh Bài dẫn tiểu đội đi địa hình xung quanh trận địa phòng ngự vừa để thuộc địa hình, địa vật, vừa kết hợp tuần tra khu vực. Sau đó lập phương án đánh địch. Chuẩn bị đường xuất kích,… Địa hình ở đây bằng phẳng trống trải. Bên triền sông là những vạt rừng tre xen lẫn những cánh đồng nứt nẻ đang giữa mùa khô. Ở đây không có địa thế hiểm yếu nên không thật thuận lợi cho bố trí phòng ngự. Nhưng lại thuận cho lực lượng cơ động phản công. Trước trận địa phòng ngự, Đại đội 3 đã bố trí các bãi mìn dày đặc và cắm chông tua tủa.
Dân địa phương đã đi sơ tán xa. Bỏ lại những đàn trâu, đàn bò thả rông, vô chủ. Nhiều lần cả đàn trâu, bò tràn vào bãi mìn. Mìn nổ, trâu bò không chết ngay chỉ  thủng bụng lòi ruột ra và cụt chân nằm bẹp tại chỗ rồi mới chết. Nhiều con chết thối rữa ra, quạ đen từng đàn đến rỉa, kêu toáng một vùng. Nhiều lần chúng tôi ra bãi mìn lần theo vết trâu bò đã đi, đến những con còn sống dùng dao xẻo lấy thịt mang về nấu ăn. Lấy được thịt tươi ăn nhưng cũng nguy hiểm. Sợ địch phát hiện được dùng súng bắn trực tiếp hoặc gọi pháo dập vào. Sợ nhất là đạp phải mìn ta cài. Người cài mìn bao giờ cũng phải làm giật lùi, trước mặt là bãi mìn đã cài, sau lưng là bãi trắng.
Thời gian làm nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam, tiểu đội chúng tôi đánh được 5 trận qui mô nhỏ, đều theo đúng như phương án tác chiến đã xác định. Mỗi lần địch đánh vào chốt phòng ngự của Trung đội 1, lệnh của đại đội, tiểu đội chúng tôi xuất kích đánh thọc vào ngang mạng sườn ép địch dạt vào bãi mìn. Bọn địch vừa bị đạn  thẳng, cối và mìn nên thương vong nhiều, buộc phải rút chạy về phía sau.
Có một kỷ niệm nhỏ,  một hôm cả tiểu đội xuất kích đánh địch về đang ngồi ăn cơm. Trời tối đen nhưng không được thắp đèn. Bất thần pháo 105 của địch bắn tới tấp vào trận địa. Mọi người lao vội xuống hầm. Anh Lê Văn Sơ chân đang đi đôi giày vải cao cổ, cuống cuồng bước vào nồi nước sôi vừa bắc từ trên bếp xuống. Nóng quá, anh kêu toáng lên. Tôi vội lấy dao cắt đứt dây tháo giày ra, chân anh vẫn bị bỏng nhẹ. Sau này gặp lại, anh Sơ đùa:
- Bữa đó tại chú mày mà anh hỏng mất đôi giày đẹp đấy.
Tôi đùa lại:
- Bữa đó không có em nhanh trí thì anh vẫn còn nguyên giày nhưng không còn đôi chân lành lặn như bây giờ đâu.
Hai anh em ôm nhau cười.

Kết thúc nhiệm vụ phòng ngự ở Sê-Con-Cam, chúng tôi trở về đội hình cũ. Cả tiểu đoàn đang tham gia vận chuyển lương thực, làm đường và kéo pháo vào chuẩn bị đánh lớn ở Huội Mua. Không khí chuẩn bị chiến trường rầm rộ. Chặt cây, san đường xong thì kéo pháo vào trận địa. Anh Bài, anh Tính nói với cả tiểu đội rằng từ ngày đi chiến trường đến bây giờ, chưa bao giờ có lực lượng tham gia hùng hậu đến như vậy. Có bộ binh, công binh, pháo binh, nghe đâu có cả xe bọc thép nữa.
Trung đội chúng tôi được giao nhiệm vụ kéo một khẩu pháo 105 ly từ phía bắc Mường Phìn vào gần Sê-Con-Cam. Tuy không vượt dốc, trèo đèo như người ta vẫn nói về việc kéo pháo vào, pháo ra ở Điên Biên Phủ trước đây, nhưng quả thật kéo pháo là rất mệt. Người mỏi nhừ, tay phồng rộp. Những ngày kéo pháo vào trận địa chúng tôi vui và tin tưởng. Vậy là trong trận chiến đấu tới đây, bộ binh chúng tôi được pháo binh chi viện. Pháo 105 ly sẽ bắn sập công sự và tiêu hao sinh lực địch, uy hiếp găm quân địch xuống, tạo điều kiện cho bộ binh tấn công, hoặc là chế áp pháo binh địch bắt chúng phải câm họng.
Ngày đó, tôi thấy cả ông Xổm Xắc, Tổng Tham mưu phó Quân đội Pa thét Lào xuống thăm hỏi và động viên chúng tôi trong  khi kéo pháo. Ông là người Lào Thưng, hoạt động chủ yếu ở Trung Hạ Lào. Các anh cán bộ trong tiểu đoàn tôi rất thân thiết với ông, coi ông như người cùng đơn vị. Ông  và đại đội địa phương tỉnh Savanakhet đã cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động, cùng sát cánh chiến đấu trên một chiến hào với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Đúng là tình hữu nghị đặc biệt hiếm có.
Theo trinh sát tiểu đoàn báo cáo và thông báo của trên, đồn Huội Mua của địch đóng trên một ngọn đồi thấp, có công sự gỗ đất với mấy lớp lô cốt, được nối với nhau bằng chiến hào và giao thông hào; có một lớp hàng rào thép gai và bên ngoài là một lớp cây rừng cưa đổ bao quanh làm chướng ngại vật; lực lượng địch có một đại đội tăng cường. Khi Huội Mua bị tấn công, pháo binh địch ở Pà Lan, Đồng Hến sẽ bắn chi viện.
 Tiểu đoàn 929 chúng tôi là lực lượng chủ yếu tấn công vào đồn Huội Mua. Ngoài hỏa lực vốn có trong biên chế là cối 82ly, ĐKZ 75ly, đại liên, Tiểu đoàn được trên chi viện là 4 khẩu 105ly, 4 khẩu cối 120 ly, một đại đội súng cao xạ 12,7 ly. Nghe nói còn có cả 4 xe bọc thép sẵn sàng xuất kích. Nghe nói, vì khi chuẩn bị chiến trường tôi không nhìn thấy và cũng không được cấp trên chính thức phổ biến.
Theo phương án tác chiến của tiểu đoàn được cấp trên thông qua, Đại đội 1 là lực lượng chủ công đánh vào hướng chủ yếu, Đại đội 2 chúng tôi đánh vào hướng thứ yếu, Đại đội 3 làm lực lượng thê đội 2, sẵn sàng ứng phó các tình huống. Trong khi pháo binh ta bắn cấp tập vào trận địa địch, lực lượng bộ binh nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí xuất phát tấn công, đào hố cá nhân ẩn nấp, chờ sẵn. Khi pháo binh chuyển làn, bộ binh các mũi thực hành phá rào mở cửa tấn công quân địch trong công sự. Hiệu lệnh tác chiến là súng pháo hiệu do tiểu đoàn trưởng quyết định.
Đúng 5 giờ chiều ngày 15 tháng 4 năm 1965, Tiểu đoàn 929 xuất kích vào chiếm lĩnh vị trí tập kết. Dưới nắng chiều, cả đoàn quân vòng lá ngụy trang phấp phới, trông khí thế rất hùng dũng. Mấy anh Điện ảnh Quân đội trực tiếp quay phim. Máy trên vai chạy sè sè, ghi hình bộ đội hành quân và thực hành chiến đấu. Trước đó các anh cũng đã ghi hình chúng tôi kéo pháo vào trận địa.
Đúng 6 giờ tối, pháo 105ly và cối 120ly, đặt cách trận địa chừng 5 km, đồng loạt khai hỏa. Lần đầu tiên được nghe tiếng nổ đầu nòng (tiếng đề-pa) tiếng đạn rít trên không và tiếng nổ giòn to đanh, rất trúng đích, chúng tôi mừng vô cùng. Có người không kìm được, nhảy kiễng lên hô lớn:
- Tiên sư mấy thằng Phu Mi nhé, phen này cho chúng mày chết. Thắng đến nơi rồi, anh em ơi!
Chúng tôi vào đến vị trí xuất phát tấn công, cách đồn địch chừng 200 mét,  dừng lại dùng xẻng đào hố cá nhân. Pháo binh vẫn dồn dập nã đạn. Trong đồn nhiều đám cháy bốc lên cao. Chắc quân địch cho rằng, ta chỉ tập kích bằng hỏa lực, không có bộ binh, nên chưa thấy động tĩnh gì. Thỉnh thoảng trong đồn bắn vu vơ ra xung quanh trận địa mấy quả cối và mấy loạt đại liên như thể thăm dò. Cả một vùng rực sáng. Anh Bài bảo tôi chú ý giữ khoảng cách kẻo lạc. Mọi người trong tư thế sẫn sàng nổ súng. Chừng 10 phút, pháo chuyển làn, từ phía sau hai phát pháo hiệu đỏ rực vút lên không trung. Anh Quí hô toàn trung đội vượt qua hàng rào, đánh thẳng vào tiền duyên địch. Chúng tôi vừa vượt qua hàng rào bằng cây khô, băng qua lớp hàng rào thép gai, cách chiến hào tiền duyên của địch chừng 100 mét, thì các họng súng trong đồn bắn tới tấp vào đội hình. Vừa nhô lên có mấy người bị trúng đạn, gục tại chỗ. Trong giây lát tất cả các hướng tấn công đều bị khựng lại, chững lại.
Anh Bài hô:
- Liệu dùng B40 bắn vào lô cốt đầu cầu.
Anh Liệu phóng liền hai quả mà vẫn không trúng. Anh Các xả tiếp một tràng trung liên vào đó cũng chẳng ăn thua. Từ dưới nhìn lên, các hỏa điểm của địch bắn ra đỏ rực, đạn bay chíu chíu, cày xới xung quanh chúng tôi. Thực sự, lúc đó tôi cũng hoảng. Nói không sợ là tự dối lòng mình.
Từ phía sau đội hình, anh Dương đại đội trưởng điều khẩu đội ĐKZ 75ly được tiểu đoàn tăng cường cho đại đội, đặt ngắm bắn trực tiếp mấy phát liền. ĐKZ vừa bắn xong, anh lao lên, hô lớn:
- Nào các đồng chí, dừng lại đây là chết, tất cả xung phong.
Đáp lời anh, cả Trung đội 2 chúng tôi vừa chạy thốc lên vừa cặp súng bắn trong làn đạn địch. Anh Liệu bắn tiếp một quả B40, chúng tôi nhìn rõ quả đạn lao vút cắm phập vào lô cốt đầu cầu nổ rầm lên, khẩu đại liên địch bị tiêu diệt. Cả trung đội lao lên chiếm được chiến hào ngoài cùng.
Nhìn lại đội hình, tôi đã thấy thưa dần. Theo lệnh anh Quí trung đội trưởng, các tiểu đội  xốc lại lực lượng, bám chắc tiền duyên đánh lấn vào trong. Tiếng lựu đạn nổ chát chúa.Tiếng súng bộ binh các loại nổ liên hồi, đanh rát. Anh Bài chỉ huy chúng tôi đánh thốc vào sườn bên phải. Tôi ném 2 quả lựu đạn, bắn liền cả kẹp đạn CKC.
Trong vòng 1 giờ đồng hồ, từ chiến hào tiền duyên địch, đại đội chúng tôi đánh chiếm được mỏm đồi thấp phía ngoài. Cả trận địa mịt mù khói đạn, khét lẹt, cay xè. Từ đây phát triển vào tung thâm phải qua một cái yên ngựa. Đồi phía trong cao hơn. Từ trên cao hai khẩu đại liên địch bắn chéo cánh sẻ, đạn bay xối xả,chi chít. Thêm vào đó là các loại súng phóng lựu, cối 81 ly, ĐKZ của địch bắn ra dữ dội. Giằng co mãi hàng tiếng đồng hồ, không sao dứt điểm được. Mấy lần đại đội tổ chức tấn công đều bị đánh bật lại, do bị tổn thất quá nhiều. Anh Dương không chịu lùi, trực tiếp dẫn Trung đội 1 đánh thốc lên lần nữa, lại cũng bị thương vong quá nửa. Bản thân anh Dương bị thương vào đầu và chân, anh em phải cõng ra.
Phía bên kia, Đại đội 1 là hướng tấn công chủ yếu của tiểu đoàn cũng gặp khó khăn, thưa dần tiếng súng, chỉ đánh chiếm được non một nửa trận địa địch. Ta thương vong lớn. Địch co cụm chống trả quyết liệt, chờ viện binh. Nếu tình trạng này kéo dài, trời sáng địch sẽ cho máy bay đến oanh kích và cho bộ binh đến chi viện. Lệnh của trên cho tiểu đoàn rút lui.
Đề phòng địch phản công, đại đội bố trí thực hành rút theo kiểu cuốn chiếu. Đưa thương binh, liệt sỹ ra trước, các trung đội lần lượt rút dần ra. Đến 7 giờ sáng hôm sau, cả tiểu đoàn mới về đến hậu cứ. Trong trận này tôi có mấy người bạn hy sinh. Trong đó tôi thương nhất là Cồng, 18 tuổi, cao to, trắng trẻo, đẹp trai, quê Tĩnh Gia - Thanh Hóa, bị thương nặng cụt cả hai chân, còn tỉnh táo, nhưng khiêng ra đến được nửa đường về hậu cứ thì hy sinh vì mất quá nhiều máu. Trên đường ra, hai chiếc máy bay T28 của địch quần đảo bắn phá dữ dội nhưng cách đội hình hàng trăm mét, không ai bị thương vong.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:26:56 pm »

 Sau này tôi được biết rẳng, cùng phối hợp tác chiến với  trận Huội Mua của Tiểu đoàn 929 chúng tôi, còn có trận đánh vào căn cứ địch ở Đồng Hến do Trung đoàn 9 - Sư đoàn 304 đảm nhiệm với qui mô to hơn nhưng cũng không giành được thắng lợi. Tổn thất thương vong nhiều. Trận đó, anh Lê Khả Phiêu, sau này làm Tổng Bí thư  Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Phó Chính ủy Trung đoàn 9 trực tiếp đi với mũi vu hồi. Hướng chủ yếu do anh Mai Hiền, Tham mưu trưởng Sư đoàn ( sau này là thủ trưởng của chúng tôi hồi chiến đấu ở tây Thừa Thiên ) trực tiếp chỉ huy. Anh Mai Hiền là người trưởng thành từ chiến sĩ đã dạn dày trận mạc, trải qua nhiều cương vị chỉ huy chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp lên tới trung đoàn trưởng. Nhưng đến khi đánh trận Đồng Hến thì anh Hiền bị kỷ luật do không hoàn thành nhiệm vụ, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính trận Đồng Hến như một cái lá chắn, cản trở con đường công danh sự nghiệp của anh.
Vậy đấy, đừng ai nghĩ rẳng đánh giặc bao giờ cũng thắng, dù người cầm quân là ai đi nữa. Thành bại là việc thường của binh gia. Vấn đề là, phần thắng cuối cùng thuộc về ai.  Chính Tôn Tử - Nhà quân sự lỗi lạc của Trung Quốc thời cổ đại - đã tổng kết rằng: tri kỷ, tri bỉ, bách chiến vô nguy. Nghĩa là: biết địch, biết ta, trăm trận không nguy. Không nguy là không bị thất bại lớn, không bị tiêu diệt. Chứ không phải như nhiều người giải thích không thật đúng là: biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng. Cổ, kim, đông, tây, có lẽ chưa có danh tướng nào trăm trận, trăm thắng!

Kết thúc trận Huội Mua, các đơn vị trợ chiến rút về nước. Tiểu đoàn 929 chúng tôi vẫn ở lại củng cố, bổ sung quân số, trang bị, tiếp tục bám trụ địa bàn trong mùa mưa năm 1965. Đến giữa năm 1965, trên quyết định thành lập Trung đoàn 29 trên cơ sở lấy Tiểu đoàn 929 làm nòng cốt, đổi tên là Tiểu đoàn 7. Điều thêm từ bên nước sang 2 tiểu đoàn bộ binh là Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9, các đại đội trực thuộc gồm công binh, thông tin, cối, ĐKZ, trinh sát, vận tải, quân y, cao xạ 12 ly 7 và Trung đoàn bộ. Trung đoàn 29 trực thuộc Quân khu 4 có nhiệm vụ hoạt động đánh địch án ngữ địa bàn tỉnh Savanakhet, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ hành lang phía tây cho Đường dây Chiến lược 559.
Ngày mới thành lập, trung đoàn trưởng là anh Võ Hạp quê Thừa Thiên; chính ủy là anh Trần Văn Ân quê xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; trung đoàn phó là anh Trần Sĩ Kịch quê ở xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; phó chính ủy là anh Đặng Chính Đoàn quê ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Anh Kịch, anh Đoàn vốn là tiểu đoàn trưởng và chính trị viên Tiểu đoàn 929 những năm trước. Trên bổ nhiệm anh Hoàng Nhiên làm tham mưu trưởng trung đoàn, Anh Nguyễn Hoán quê ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được trên điều về thay anh Nhiên làm tiểu đoàn trưởng.
Tôi nhớ, có một lần ở con suối cạn tôi gặp một anh bộ đội đã khá già, người thấp bé, mặc một bộ quân phục cũ sờn nhuộm màu lá khộc, chân đi vòng kiềng, miệng nhai trầu bỏm bẻm, răng đen, mắt mấp máy. Chẳng biết là ai, tôi hỏi:
          - Bác ơi,quê bác ở đâu, bác làm gì, ở đơn vị nào?
 Anh bộ đội già nhoẻn miệng cười, từ tốn trả lời:
           - Tớ quê Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An. Làm nuôi quân ở trung đoàn bộ.
  Tôi nhanh nhẩu buột miệng nói:
 - Trời ơi, tội nghiệp chưa, hết người rồi hay sao mà lại bắt ông già phải đi chiến trường thế này?
Rồi anh bộ đội già bỗ bã thân tình hỏi tôi chuyện ăn ở, sinh hoạt, chuyện chiến đấu. Tôi trả lời một cách hồn nhiên, mộc mạc. Khi thấy anh Lê Văn Dánh từ xa đi đến đứng nghiêm chào ông và giới thiệu, mọi người mới té ngửa, đó là anh Trần Văn Ân, Trung tá, Chính ủy trung đoàn. Tôi hú vía, ngượng ngùng xấu hổ.
Anh Trần Văn Ân vào Đảng từ năm 1938, sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4. Trong chiến tranh và cả sau ngày hòa bình, tôi còn tiếp xúc với anh Ân nhiều dịp. Mỗi lần gặp nhau, anh vẫn thường trìu mến gọi tôi bằng con. 
Tiểu đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị đánh quân địch đổ bộ bằng đường không xuống khu vực xung quanh thị trấn Mường Phìn. Cả tiểu đoàn xây dựng công sự khá tốt, có lô cốt gỗ đất, ụ súng, giao thông hào và chiến hào. Cắm chông chi chít mấy bãi đất trống, dự kiến địch có thể đổ quân bằng trực thăng hoặc nhảy dù. Các đại đội ngày đêm luyện tập phương án đánh địch. Lúc này các anh điều tôi làm liên lạc đại đội. Tôi càng có điều kiện tiếp xúc và học hỏi các anh thủ trưởng được nhiều hơn.
 Một thời gian sau, trên lệnh cho tiểu đoàn xây dựng trận địa chốt chặn địch trên Đường 13, đoạn từ thị trấn Mường Phìn đi về phía nam khoảng 20km. Đó là những dãy đồi cao, xa hơn về phía nam là sông Sê-Măng-Hiêng, con sông duy nhất chảy từ phía Đông sang phía Tây. Về địa thế quân sự, ai chiếm được dãy đồi này thì khống chế được toàn bộ khu vực Mường Phìn. Lúc này cả đơn vị đang đóng quân ở khu vực bản Nôn Nhang, cách trận địa dự kiến bố trí khoảng 30 km. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hoán cùng trinh sát dẫn các đại đội trưởng đi địa hình và giao nhiệm vụ trực tiếp tại thực địa. Tôi lọc cọc theo anh Dương đại đội trưởng đi địa hình mấy ngày liền. Ngày quay trở về đưa đơn vị ra trận địa thì bất ngờ anh Dương vừa bị sốt vừa bị đi lỏng liên tục, người xanh xao cứ lả dần kiệt sức không thể đi được. Anh Dương trao đổi với anh Nguyễn Thụy chính trị viên rằng, ngoài anh ra chỉ có tôi biết địa hình và hơn thế nữa là biết được ý định của anh về bố trí lực lượng của đại đội ở khu vực phòng ngự trong thế bố trí chung của tiểu đoàn. Vì vậy, mạnh dạn giao cho tôi dẫn các trung đội trưởng và tiểu đội trưởng hỏa lực đi lên bố trí lực lượng ở Đường 13. Anh Thụy nhất trí vì nhiệm vụ thì đã cận kề, không còn cách nào khác.Trước khi chúng tôi lên đường, anh Dương dặn dò thêm mấy việc cụ thể.Việc một liên lạc đại đội thay mặt đại đội trưởng dẫn các trung đội trưởng đi bố trí trận địa ngày đó là hiếm, gây xôn xao cả tiểu đoàn. Nhiều người tin tưởng, cho rằng như thế là rất hợp lý, vì tôi có trí nhớ tốt, nắm chắc ý định của tiểu đoàn và của anh Dương. Một tuần sau khỏi bệnh, anh Dương lên kiểm tra trận địa. Anh rất hài lòng, vì việc bố trí lực lượng hoàn toàn đúng. Anh biểu dương tôi trước hàng quân. Tôi mừng lắm.


Vốn là liên lạc đại đội thời kỳ chiến đấu ở chiến trường Lào,  sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi cố ý tìm lại các anh cán bộ đại đội ngày đó. Có người thì bặt vô âm tín, có người thì tìm được trong những trường hợp tình cờ, ngẫu nhiên.
Trong số cán bộ đại đội ngày đó, tôi gắn bó nhất là anh Nguyễn Văn Dương. Vì tôi làm liên lạc cho anh hơn 1 năm ở chiến trường. Tôi cố tìm anh bằng được. Năm 1999, khi còn là Cục trưởng Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị vào công tác ở Tỉnh đội Đồng Tháp, nghe nói ở Thị xã Cao Lãnh có một ông bộ đội tên là Dương, đã nghỉ hưu, quê ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An vào ở với con trai tên là Tâm, cán bộ của Tỉnh đội. Tôi tìm đến tận nhà, nhưng khi gặp, thì lại không phải.
Tháng 6 năm 2001, lúc còn là Phó Hiệu trưởng Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1 đi kiểm tra học viên năm cuối đang thực tập tại Sư đoàn 324 - Quân khu 4, đóng tại Đô Lương, Nghệ An. Khi ra thao trường của Trung đoàn 1, tôi gặp một cán bộ tên là Minh, Thiếu tá, cán bộ Phòng Chính trị Sư đoàn quê ở xã Hưng Đạo, hỏi thăm thì được biết anh Dương vẫn còn. Tôi mừng, nhưng sợ lại nhầm hoặc sợ lâu quá rồi anh Dương không còn nhớ tôi nữa. Vì vậy, trước khi về Trường tôi đã viết một lá thư nhờ Minh lúc nào về quê chuyển cho anh Dương. Một tuần sau tôi nhận được thư trả lời, anh nói rằng vẫn nhớ tôi và nhiều năm nay tìm mà không biết ở đâu. Anh mời tôi về quê chơi để anh em gặp nhau.
Tết năm 2001, tôi về gặp lại anh Dương. Anh em ôm nhau ngẹn ngào. Xa nhau hơn 35 năm mới gặp lại, thật cảm động. Ôn lại chuyện cũ mừng mừng tủi tủi, nhớ lại bao đồng đội không còn. Tôi đề nghị anh ra ngoài sân dạo một vòng, anh trước tôi sau. Vào nhà, tôi hỏi chị Yên và mấy người con trai:
- Trong nhà mình có ai biết khi đi anh Dương có đặc điểm là gì không?
Mọi người lắc đầu không biết.
Tôi nói :
- Khi đi anh Dương thường nhô vai trái lên trước và cao hơn vai phải một chút. Tôi biết điều đó vì những khi  hành quân ở chiến trường, bao giờ tôi cũng lẽo đẽo mang khẩu AK đi sau anh. Hành quân ở chiến trường không phải tính bằng ngày mà có nhiều khi là cả tháng.
Anh Dương kể với tôi, sau khi rời đơn vị  trên điều động anh làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn huấn luyện quân đi B thuộc Đoàn 22, sau đó làm Tiểu đoàn trưởng đặc công chiến đấu ở Đường 9 - Khe Sanh. Đến năm 1970 anh bị thương ra Bắc điều trị một thời gian thì nghỉ hưu.
Cũng nhờ về thăm anh Dương lần đó mà tôi còn gặp được anh Nguyễn Quốc Việt là người cùng chiến đấu với tôi hồi ở Đại đội 20 Dặc công Trung đoàn 3, nay về nghỉ ở quê. Anh Việt dẫn tôi về nhà rồi đi thẳng vào gian giữa. Anh chỉ tay lên xà nhà, hỏi tôi có đọc được chữ gì không. Tôi ngước lên nhìn thấy dòng chữ viết ngay ngắn bằng phấn trắng đã mờ theo thời gian nhưng vẫn đọc được: “Người giới thiệu tôi vào Đảng là ông Nguyễn Mạnh Đẩu, quê ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc”. Anh Việt bảo tôi rằng, anh ấy viết lên đó để làm kỷ niệm cho mình và con cháu. Nghe anh nói, tôi xúc động về tình cảm của những con người một thời trận mạc.
Sau này có hai lần tôi mời anh Dương ra nhà tôi ở Hà Nội và lên Trường Lục quân 1 chơi. Anh vốn là cựu học viên Khóa 10 của Trường. Hàng năm anh vẫn về quê tôi trong dịp giỗ mẹ tôi,  ngày 21 tháng 1 âm lịch. Khi cha tôi từ trần, ngày 17 tháng 5 âm lịch năm 2008, anh Dương cùng con trai trưởng và cháu đích tôn đến viếng. Đến giỗ 49 ngày cha tôi cũng vậy.
Anh Nguyễn Văn Dương bị ốm nặng điều trị ở Quân y viện 4 không khỏi, gia đình đưa về nhà, mất lúc 3 giờ sáng ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 2009 ở quê. Nghe tin, tôi  tức tốc về quê  kịp nhìn mặt anh lần cuối và tiễn biệt anh về nơi an nghỉ cuối cùng, giữa một chiều hè gió Lào cuồn cuộn, nóng hầm hập, nắng chói chang.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #18 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:27:27 pm »

 Tháng 5 năm 2006, khi làm Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, trong một lần tôi đi công tác ở Tây Nguyên gặp anh KsorNham, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai tại Hội nghị xây dựng vành đai an toàn của các kho vũ khí, đạn dược trên địa bàn Tây Nguyên. Anh KsorNham có nước da đen bóng, dáng người cao to và gương mặt đẹp, được các đạo diễn chọn làm diễn viên đóng vai Anh hùng Núp trong bộ phim Đất nước đứng lên. Nhìn anh, tôi liên tưởng đến anh Lê Văn Lướt - người đại đội phó năm xưa - vì giữa hai người có nhiều nét giống nhau. Tôi nhờ anh KsorNham tìm hộ, may ra gặp được. Thật là mò kim đáy bể nhưng không hiểu sao tôi tin là anh có thể tìm được, vì anh có lợi thế là cựu Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai.
Mấy ngày sau về Thành phố Hồ Chí Minh, đang đêm tôi nhận được điện của anh KsorNham. Anh bảo rằng, nhân dự một đám cưới, anh đã tìm được ông Lê Văn Lướt cán bộ quân đội nghỉ hưu ở thị trấn Đắc Đoa, Gia Lai. Và khi hỏi ông Lướt thì ông ấy vẫn còn nhớ tôi. Tôi mừng quá.
Đợt công tác sau vào Tây Nguyên tôi tìm đến tận nhà anh Lướt. Người đại đội phó cường tráng, xông xáo, oanh liệt một thời là niềm mơ ước cuả chúng tôi, nay là một ông già ngót 80 tuổi, hom hem. Gánh nặng thời gian đè lên tất cả mọi số phận. Nhìn anh, chỉ còn sót lại hàm răng trắng và đôi mắt sáng. Anh là người dân tộc Giarai, đi bộ đội từ hồi chống Pháp, hòa bình lập lại tập kết ra Bắc, được cử đi học Trường Sĩ quân Lục quân, khóa 11. Vốn anh không có họ, chỉ có tên là Lướt. Khi nhập học, cơ quan cán bộ yêu cầu phải có cả họ trong danh sách đăng ký, chợt nhìn lên phía trên phòng họp thấy treo ảnh ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, anh khai đại mình họ Lê – Lê Văn Lướt. Và từ đó, suốt đời anh và sau này nữa, các con anh, mang họ Lê.
Năm 1963, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân, với quân hàm Thiếu úy, anh được điều đi chiến đấu ở chiến trường Lào giữ chức Đại đội phó đại đội chúng tôi. Sau đó, giữa năm 1965, là người dân tộc, anh được điều động về hoạt động ở địa bàn Tây Nguyên. Đến năm 1985, sức khỏe yếu, lại là thương binh, anh được trên cho nghỉ hưu.
Tôi hỏi:
- Trước khi về nghỉ hưu, anh giữ cấp bậc gì?
Anh cười hiền khô:
- Đẩu ơi! mình có hai sao thôi.
Tôi bảo:
- Vậy là anh Trung tá.
Anh nói ngay:
 - Không, mình chỉ là Trung úy.
Tôi thốt lên:
- Trời ơi!  Hơn 12 năm chiến đấu ở chiến trường, vào sống ra chết bao nhiêu trận, vậy mà anh chỉ được mỗi bậc quân hàm – tức là một bậc lương thôi ư?!
 Anh mỉm cười:
- Ồ, đấy là việc của tổ chức mà. Mình có suy bì, so sánh, đòi hỏi gì đâu. Nước có giặc thì đi đánh giặc. Hết giặc thì về quê. Tổ chức trao gì được nấy. Biết làm sao được. Biết bao người còn thua thiệt hơn mình nữa chứ.
Tôi chia tay anh dưới rặng thông già, giữa nắng chiều Tây Nguyên vàng ruộm, lòng trĩu nặng ngậm ngùi, suy tư. Ngoài kia, đường 14 phẳng lì, hối hả người xe tấp nập.

Đầu năm 1966, Trung đoàn 29 được lệnh rút về nước. Sau gần mười ngày hành quân, chúng tôi về đóng quân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Khi vượt Trường Sơn nhìn về phía Đông dưới kia những thôn xóm hiện ra trước mắt, tiếng trẻ con khóc, tiếng chó sủa, gà kêu, đặc biệt là mùi khói lam chiều, lòng tôi lâng lâng vui buồn khó tả. Vui vì được trở về Tổ quốc sau gần 2 năm đi chiến đấu trên chiến trường nước Bạn. Buồn nhớ thương da diết những người bạn nằm lại không về. Trước khi hành quân về nước, thủ trưởng tiểu đoàn yêu cầu các đại đội cho người lên nghĩa trang đắp lại mộ liệt sĩ, tổ chức viếng. Đúng trước những dãy mộ dài, hình ảnh thân thương của từng người bạn chiến đấu hiện về trong đầu tôi. Họ đều trạc tuổi tôi, còn rất trẻ. Khi quay ra, lòng chúng tôi ngẹn ngào, mắt đỏ hoe. Thôi ! bọn mình về nhé, nằm tạm đây, mai này có dịp sẽ sang đưa các bạn về đất mẹ.
Về đến Lệ Thủy, trung đoàn bộ đóng ở xã Dương Thủy, bên sông Kiến Giang. Tiểu đoàn 7 chúng tôi đóng quân ở xã Tân Thủy. Đại đội 2 đóng quân ở xóm Tân Thái. Tôi và Kham cùng liên lạc đại đội ngủ trong nhà ông Dương Văn  Oanh có con trai đi bộ đội Hải quân tên là Bảo, có cô con gái độ 16 tuổi tên là  Dương Thị Yến. Đêm đầu tiên mới đến trời tối mịt, tôi được bà chủ nhà xếp cho ngủ trên chiếc giường một. Đang loay hoay chưa biết trải giường thế nào, tôi hỏi bà chủ nhà, mẹ ơi khi ngủ trở đầu đường nào. Hồi đó mới thoáy ly, tôi nói còn nặng tiếng địa phương. Không nghe quen tiếng Nghi Lộc, bà chủ nhà trả lời tôi, con ơi không được thắp đèn, ở đây máy bay hoạt động dữ lắm. Nhà không có dầu đâu. Nghe xong cả nhà cùng cười. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú: có ba người nằm ngủ trên cái giường gỗ đó ở ba thời điểm khác nhau, sau này đều là cấp Tướng. Năm 1966, tôi ở đó khi còn làm liên lạc đại đội thì sau này là Trung tướng. Năm 1969, anh Nguyễn Huy Hiệu ở đó khi làm đại đội trưởng, sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1972, anh Vũ Cao ở đó khi làm Trung đoàn trưởng pháo binh, sau này là Trung tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu.
 Những chuyện đó, mãi tới sau này, năm 1999 gặp lại cô Yến ở Đà Nẵng, tôi mới biết. Cô Yến nói với tôi rẳng, bố em đã hy sinh năm 1972 khi đang chỉ huy trung đội dân quân bắn máy bay Mỹ. Mẹ em còn sống, năm nay đã 82 tuổi , thế mà thỉnh thoảng bà vẫn nhắc cái đêm đầu tiên vào nhà ngủ, anh hỏi trở đầu đường nào, thì bà lại trả lời là không có dầu đâu. Đặc biệt là, cái giường gỗ nhà em ngày đó nay vẫn còn. Các anh xem có nên đưa về làm kỷ niệm. Vì từng ngủ trên cái giường đó các anh ra đi chiến đấu còn sống trở về và sau này đều thành đạt lên tới cấp Tướng.
 Chuyện tôi gặp lại cô Yến cũng rất tình cờ. Cuối năm 1999, trong một chuyến đi công tác ở Huế, buổi tối khi du thuyền trên sông Hương, chúng tôi ngồi cùng vợ chồng anh Chương, Trưởng Ban Chính sách tỉnh đội Thừa Thiên Huế. Theo thói quen, tôi hỏi chị vợ anh Chương:
- Chú Chương quê ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh thì tôi biết rồi. Còn cô quê ở đâu?
Cô ấy trả lời:
- Quê em ở  xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình anh ạ.
Tôi hỏi tiếp:
- Thế có biết cô Yến con ông Oanh không?
 Cô ấy nói:
- Chị Yến người cùng xóm Tân Thái với em. Chị ấy lấy chồng bộ đội tên là Trần Văn Tam, Đại tá, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Hải quân. Gia đình hiện nay đang ở Đà Nẵng.
Cô lục tìm cho tôi số điện thoại của Yến.
Về tới nhà nghỉ ở Đoàn 40B trên đường Trần Cao Vân, dẫu đã khuya, tôi vẫn gọi điện. Sợ bị nhầm, tôi nói thật rành rõ là, tôi muốn gặp chị Yến con ông Oanh quê ở xóm Tân Thái, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chưa kịp hỏi tôi là ai, thì Yến  đã thốt lên:
- Ôi!  anh Đẩu phải không?  Anh vẫn còn sống à?
Tôi bàng hoàng cảm động. Đã 33 năm không gặp lại nhau, thế mà Yến vẫn nhận ra tôi qua điện thoại.
 Liên lạc Đại đội 2 lúc đó có tôi và Nguyễn Văn Kham quê ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Kham hơn tôi 1 tuổi, nhập ngũ trước tôi 6 tháng, người khỏe mạnh, dũng cảm, hiền từ, siêng năng. Chúng tôi coi nhau như anh em em ruột. Năm 1968, khi vào chiến đấu ở Huế, Kham  hy sinh khi làm trung đội trưởng đánh vào Thành nội. Lần gặp cô Yến ở Đà Nẵng, nghe tôi nói Kham đã hy sinh, Yến nghẹn ngào, vậy mà mấy chục năm nay em không hề biết gì. Ngày trước Kham và Yến thân nhau lắm, hình như yêu nhau rồi thì phải. Lúc chia tay cả hai đều khóc sướt mướt. Hồi đó tôi còn lớ ngớ, chẳng biết gì.
Khi đơn vị đóng quân ở Lệ Thủy, Quảng Bình, tôi nhận được thư của cha tôi. Đọc thư nhà, tôi đã nghẹn ngào âm thầm khóc, thương xót cha tôi vô cùng. Cha tôi kể rằng, mẹ tôi mất, chị Hòe ở xa, tôi đi chiến đấu, các em còn thơ dại, cha tôi vất vả lắm. Cảnh gà trống nuôi con, ông vừa làm cha vừa làm mẹ. Trong chiến tranh chợ búa không họp ban ngày vì sợ máy bay. Mọi thứ trao đổi mua bán chợ quê đều diễn ra cuối chiều, lúc chập tối. Cái ăn không đủ, vải mặc thiếu thốn, sách vở học hành của ba em nhỏ,…tất cả đều trút lên vai cha tôi một mình bươn trải. Lúc ấy ông mới hơn 50 tuổi. Mấy bận, chú Cát, anh Tần, anh Y, chị Nam về nghỉ phép, cám cảnh đó giục cha tôi tục huyền. Cha tôi sợ cảnh mẹ ghẻ, con chồng, con ông, con bà phức tạp ra, đành cắn răng chịu đựng.
Tháng 7 năm 1966, Trung đoàn chúng tôi hành quân từ Lệ Thủy, Quảng Bình ra Hương Khê, Hà Tĩnh. Lúc này tôi đã được điều lên làm tiểu đội trưởng liên lạc Tiểu đoàn. Hành quân từ Lệ Thủy ra Hương Khê toàn tiểu đoàn đi dọc theo bờ biển khởi hành từ xã Ngư Thủy. Càng ra sát mép biển càng dễ đi. Thời kỳ này ở Quảng Bình, Hà Tĩnh máy bay địch thường xuyên hoạt động đánh phá ác liệt, nhất là trên các trục đường giao thông. Chọn phương án đi theo dọc bờ biển là khá táo bạo, bất ngờ. Để tránh máy bay, cả đơn vị ngày nghỉ đêm đi. Đến đêm thứ hai, từ Bảo Ninh chúng tôi vượt sông Nhật Lệ. Chính Mẹ Suốt, được tuyên dương Anh hùng, là một trong những người chèo đò đưa chúng tôi qua sông sang thị xã Đồng Hới. Thị xã Đồng Hới hồi đó đã bị máy bay Mỹ oanh tạc tàn phá. Nhà thờ Động Tòa bị đánh sập tan tành chỉ còn trơ lại tháp chuông. Ban ngày mọi người được nghỉ trong nhà dân trên trục đường hành quân. Riêng liên lạc vẫn như con thoi phải đi lại truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn đến các đại đội.
Khi về đến Hương Khê, tiểu đoàn đóng quân ở xã Hương Hòa, trung đoàn bộ đóng ở xã Hương Đồng. Có lần, anh Đặng Chính Đoàn phó chính ủy trung đoàn xuống làm việc với tiểu đoàn. Khi gặp, biết tôi mới được điều từ đại đội 2 lên, anh Đoàn hỏi:
- Theo đồng chí, liên lạc tiểu đoàn khác liên lạc đại đội cái gì, có oai hơn không?
Tôi trả lời:
- Thưa thủ trưởng, liên lạc tiểu đoàn và liên lạc đại đội cùng giống nhau về tính chất nhiệm vụ - đều là liên lạc. Điểm khác nhau là phạm vi hoạt động của liên lạc tiểu đoàn rộng hơn liên lạc đại đội. Nhưng không vì thế mà oai hơn.
Nghe xong, anh Đoàn vừa nói vừa cười hồn hậu:
 - Cậu này khá.
Thời kỳ này, chỉ huy các cấp thay đổi nhiều. Anh Ma Vĩnh Lan, dân tộc Tày, quê Bắc Kạn làm Trung đoàn trưởng. Anh Nguyễn Văn Cảnh quê ở Đô Lương, Nghệ An làm Chính ủy. Anh Nguyễn Hoán được đề bạt lên Tham mưu trương Trung đoàn. Anh Bùi Trần, quê xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nguyên Trưởng tiểu ban Tác chiến Trung đoàn về giữ chức Tiểu đoàn trưởng. Anh Dương được điều đi đơn vị khác.
 Ngày anh Dương đi tôi đã khóc rất nhiều. Ở chiến trường, anh Dương và tôi vừa như cha con vừa như anh em. Tình cảm giữa chúng tôi sâu nặng. Sẵn sàng chia lửa, ứng cứu, che chở nhau trong hiểm nguy; cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ. Trước khi lên đường, anh Dương dặn dò tôi mọi điều, chúc tôi mạnh giỏi và mau chóng trưởng thành. Cuối cùng, anh đưa tôi mấy đồng bạc. Anh nói rẳng, trong thời gian đóng quân ở đây mấy lần anh lên Trung đoàn họp, khi qua sông Kiến Giang còn nợ tiền đò nay vội đi không kịp trả, nhờ tôi chuyển hộ cho bác lái đò. Một việc cụ thể nhưng đối với tôi là bài học lớn về sự chu toàn trong cuộc sống. Anh đã dạy tôi biết làm người lớn từ những điều rất nhỏ nhoi, thường nhật.
Trong chiến đấu, thông tin là mạch máu, phải thường xuyên bảo đảm thông suốt kịp thời, chính xác, bí mật. Ở cấp phân đội, bất cứ loại hình chiến thuật nào, việc bảo đảm thông tin cũng phải kết hợp bằng 3 cách: vô tuyến điện, hữu tuyến điện và truyền đạt chạy bộ. Vô tuyến điện bằng máy 2 oát, 15 oát thì hay bị trục trặc kỹ thuật do địa hình, thời tiết, máy móc, cũng có khi bị địch dò sóng phát hiện được. Hữu tuyến điện thì đường dây thường bị bom, pháo băm nát. Thậm chí có khi bị địch móc máy vào nghe trộm, lộ hết bí mật. Còn lại chỉ còn truyền đạt bằng chạy bộ là chắc chắn hơn. Tuy nhiên, quá trình tác chiến, nhất là trong phòng ngự, mọi  người được che chắn trong công sự, riêng liên lạc phải băng mình trong lửa đạn để truyền đạt mệnh lệnh của người chỉ huy. Có nhiều trường hợp thương vong. Cá biệt có trường hợp bị địch bắt. Bởi vậy, trong chiến đấu, đơn vị nào cũng vậy, liên lạc phải là người nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ, trung thành, trung thực. Thông thường, liên lạc được chọn lựa từ hàng trăm người trong đơn vị. Chọn liên lạc nhiều khi còn khó hơn chọn tiểu đội trưởng. Quá trình công tác, người liên lạc thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo, chi huy đơn vị, học hỏi được nhiều điều, nên phần đông liên lạc đều thành đạt. Trong hàng tướng lĩnh của quân đội ta, nhiều người thuở ban đầu là  liên lạc đại đội, liên lạc tiểu đoàn trong chiến đấu.
Ở Hương Khê (Hà Tĩnh) tiểu đoàn thực hành huấn luyện bổ sung. Ngày đó ngoài các loại hình chiến thuật đã có, được cấp trên chỉ đạo hướng dẫn huấn luyện bổ sung chiến thuật mới là: chốt kết hợp với vận động tấn công đánh quân địch đổ bộ đường không và chiến thuật phòng ngự kiềng ba chân, hổ vồ mồi. Thao trường đặt trên các triền núi thuộc dãy Vũ Quang, được chuẩn bị rất công phu. Với khẩu hiệu:“Thao trường đổ mồ  hôi, chiến trường bớt đổ máu”, cả đơn vị ngày đêm hăng say huấn luyện. Thời kỳ này đơn vị mới được trang bị mìn định hướng ĐH10. Tôi nhớ hôm thực nghiệm nổ mìn ĐH10, anh Hồ Hữu Lạn, Thiếu úy, Trợ lý công binh Trung đoàn trực tiếp thực hành. (Anh Hồ Hữu Lạn quê ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, kết thúc chiến tranh làm Trung đoàn trưởng; sau này là Đại tá, Sư đoàn trưởng rồi Tham mưu phó Quân khu 4 ). Tiểu đoàn trưởng Bùi Trần cho cắm nhiều loại bia bằng cót dán giấy xen lẫn các thân cây chuối to tươi cách nơi đặt mìn bằng nhiều cự ly khác nhau. Khi mìn nổ, chúng tôi cầm phấn trắng đánh đấu những vết thủng dày chi chít trên mặt bia, kể cả những bia ở khá xa, đến hàng trăm mảnh. Cùng với ĐH10, đơn vị còn học cách cài đặt mìn bay. Đào những cái hố tạo ra độ chếch về phía địch, đặt một khối lượng bộc phá dưới một tấm gỗ, trên tấm gỗ đặt nhiều quả mìn sát thương. Khi cho bộc phá nổ, đẩy tấm ván hất toàn bộ mìn về phía trước.
 Qua thực nghiệm, mọi người tin rằng nay mai vào chiến trường mìn ĐH10 và mìn bay sẽ diệt được nhiều sinh lực địch, nhất là trong phòng ngự. Tiểu đội liên lạc phải bám sát địa hình và phải hiểu được các phương án tác chiến của tiểu đoàn để thuần thục mọi công việc của mình. Chúng tôi thuộc hết khu vực các xã Hương Hòa, Hương Luyện, Hương Vĩnh, Hương Đồng và vùng xung quanh. Mặc dù thuộc đường nhưng không được đi trên các trục đường có sẵn mà giao cho từng người cầm một tấm bản đồ, một địa bàn, xác định tọa độ và cắt góc phương vị đi, cả ban ngày lẫn ban đêm.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #19 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 01:28:22 pm »

Chương ba: Chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên
 
 
Tháng 10 năm 1966, Trung đoàn chúng tôi rời Hương Khê hành quân vào Miền Nam. Cả đơn vị dừng lại trú quân ở Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh. Tiểu đoàn trưởng Bùi Trần, các đại đội trưởng và tiểu đội trinh sát đi nghiên cứu địa hình. Là tiểu đội trưởng liên lạc, đồng thời là liên lạc trực tiếp cho Tiểu đoàn trưởng, tôi cũng thuộc thành phần đi trinh sát chiến trường. Từ Nông trường Quyết Thắng, chúng tôi vượt qua Bến Tắt để sang bờ Nam sông Bến Hải. Từ đây, chúng tôi đi tiếp theo hướng đông về huyện Gio Linh. Trước đó, tháng 7 năm 1966, các trung đoàn của Sư đoàn 324 mới đánh nhau với quân Mỹ ở trục Đường 9 từ Cù Đinh, Ba De đến gần sát khu vực Cồn Tiên, Dốc Miếu.
 Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào chiến trường Miền Nam. Mặc dù đã trải qua chiến đấu gần 2 năm trên chiến trường Lào, nhưng là mới đánh nhau với quân ngụy Lào (Phu Mi), chưa chạm trán bộ binh Mỹ. Mãi sau này, nhất là khi đã trở thành cán bộ, tôi cứ nghĩ rằng, nếu với cách tổ chức sinh hoạt và chiến đấu như thời kỳ ở Lào mà đơn vị chúng tôi đã trải qua, thì không thể trụ lại được với sự khốc liệt gian khổ ở Miền Nam, dù chỉ là trong thời gian ngắn.  Những nơi chúng tôi đi qua là cảnh tan hoang của chiến trường. Cây cối đổ ngổn ngang, cháy trụi, bị bom đạn băm nát xác xơ. Hố bom đạn chằng chịt cày xới mặt đất, cái đen kịt, cái đỏ lòm. Qua các bãi đổ bộ, trú quân của quân Mỹ, rặt một mùi Mỹ khó tả. Mùi đồ hộp các loại, mùi thuốc lá, mùi xà phòng tắm, mùi nước hoa, mùi thùng các tông, mùi thuốc súng, mùi cây cối bị cháy sém, mùi mồ hôi ở quần áo đồ dùng vứt lại…Tất cả quyện lại thành một mùi hỗn tạp hoi hôi, ngai ngái, ngầy ngậy, ghê ghê, gây buồn nôn. Tôi ấn tượng ngay từ đầu và mãi sau này, mỗi khi vào trinh sát các cứ điểm Mỹ đóng quân, trong khứu giác của mình không bao giờ quên được cái mùi đặc trưng đó.

Chúng tôi đi nghiên cứu địa hình từ khu vực Hồ Khê, Đá Bạc vòng về làng An Cát Khê, làng Trung An, qua các trục Đường 74, Đường 75, lên đến làng An Nha, An Hướng. Nơi đây đang là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Dân đã đi sơ tán hết. Có dân lên rừng, vào vùng giải phóng. Có dân chạy vào Đông Hà, thị xã Quảng trị, thành phố Huế, vùng địch kiểm soát. Chỉ còn lại dân quân du kích phối hợp hoạt động cùng bộ đội chủ lực. Dọc bờ nam sông Bến Hải, nam cầu HIền Lương ra tới biển và dọc theo Đường 1 là vùng quân địch vẫn còn chiếm đóng.
 Sau khi đi xem xét một lượt địa hình trong toàn khu vực, theo chỉ thị của trên, tiểu đoàn chúng tôi bố trí trận địa đón lõng quân địch ở khu vực Hồ Khê, Đá Bạc. Theo dự kiến, sau khi phát hiện có chủ lực của ta hoạt động ở phía Bắc Đường 9, quân Mỹ sẽ hành quân từ căn cứ Đầu Mầu ở Đường 9 đánh chiếm dọc theo triền núi đi về phía suối La La và Đồi Không Tên.
 Ngày 15 tháng 4 năm 1967, từ khu vực tập kết ở Bình độ 100, các đơn vị trong tiểu đoàn vào khu vực núi Hồ Khê, Đá Bạc thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xây dựng công sự, trận địa. Thế bố trí lực lượng là: Đại đội 1, Đại đội 2 và Đại đại 3  được bố trí theo hình tam giác ( kiềng ba chân). Theo đó, Đại đội 1 và Đại đội 3 (thiếu Trung đội 1) là lực lượng đánh chặn địch ở tiền duyên, Đại đội 2 được bố trí hẳn sang phía bên quyết chiến điểm, nhằm đánh thốc vào sau lưng địch. Trung đội 1 của Đại đội 3 do anh Lê Hồng Hải làm trung đội trưởng được bố trí bên cạnh Sở Chỉ huy Tiểu đoàn làm lực lượng cơ động. Sở chi huy tiểu đoàn đặt sau Đại đội 1. Đại đội 4 trợ chiến bố trí hỏa khí cối 82 ly, ĐKZ 75 ly, đại liên phân tán, nhưng các loại hỏa lực đều phải bắn tập trung vào quyết chiến điểm. Ngoài ra, ở khu vực đó còn bố trí mìn ĐH10.
Thực hiện kế hoạch của tiểu đoàn, các đại đội và tiểu đoàn bộ đang triển khai đào công sự, xây dựng trận địa được 3 ngày thì có một việc đột xuất đặc biệt xảy ra : Trần Hữu Lễ quê ở Bố Trạch (Quảng Bình), chiến sĩ thông tin 2 oát của tiểu đoàn đi chiêu hồi, đầu hàng địch. Chiều hôm đó sau khi kết thúc phần đào hầm ở Sở chỉ huy tiểu đoàn, chúng tôi trở về khu vực tập kết ở Bình độ 100. Khi về cách khu vực tập kết khoảng 3 cây số, lúc trời đã nhá nhem tối, Lễ cầm một cái xẻng bảo là tạt ra ngoài bìa rừng để đi vệ sinh. Chờ mãi không thấy Lễ quay lại, tôi báo cáo với anh Thuyết trung đội trưởng thông tin. Anh Thuyết báo cáo với anh Phan Hà, tiểu đoàn phó. Anh Hà chỉ thị cho các lực lượng của tiểu đoàn bộ phải quay lại để tìm bằng được Lễ. Chúng tôi bao gồm trinh sát, liên lạc, thông tin, tỏa ra đi tìm. Nghĩ rằng, Lễ có thể bị thương bởi pháo địch vẫn thường bắn vu vơ xung quanh vào thời điểm đó, hoặc bị rắn rết cắn, hoặc bị cảm gió nằm bẹp ở đâu đó.
Từng bộ phận, từng người dàn hàng ngang, tìm đi tìm lại nhiều lần từng hốc cây, khe đá trong phạm vi khoảng hai cây số vuông vì nghĩ rằng Lễ chưa đi xa hơn. Tìm suốt cả đêm không thấy tăm hơi. Ngày hôm sau, trời sáng nhìn rõ hơn, tổ chức đi tìm kỹ lần nữa vẫn bặt vô âm tín. Đến chiều cấp trên thông báo, theo tin kỹ thuật của ta nắm được thì Trần Hữu Lễ đã chiêu hồi địch ở tận Đông Hà. Chúng tôi ngớ người ra. Hoàn toàn bất ngờ về việc này. Mãi mấy ngày hôm sau, từ trên máy bay phát ra đích thực là lời kêu gọi đầu hàng của Lễ, chúng tôi mới tin đó là sự thật.
Ngày đó, chúng tôi cứ tưởng rằng, Lễ trực tiếp ngồi trên máy bay để nói lời kêu gọi. Chưa biết là, từ Đông Hà hay ở Huế, địch thu tiếng của Lễ vào băng rồi phát lại trên máy bay. Vì thế, khi nghe Lễ kêu gọi đầu hàng, chúng tôi phẫn uất, căm giận, nguyền rủa kẻ đầu hàng phản bội.
Chân ướt chân ráo vào chiến trường Miền Nam, chưa đánh trận nào, mới chỉ nếm mùi ác liệt căng thẳng của phi pháo trên đường hành quân và trú quân thôi, mà đã có kẻ dao động cầu an, sợ chết, đầu hàng địch. Thực ra, hồi đó, ngoài việc chịu đựng sự ác liệt của bom đạn địch, gian khổ của đời sống chiến trường, bộ đội ta còn bị tác động đòn tâm lý chiến thâm độc, xảo quyệt của địch. Khắp bãi chiến trường, truyền đơn các loại rải trắng xóa như bươm bướm. Có truyền đơn nén trong đạn pháo bắn đi, nhưng phần nhiều là rải từ máy bay xuống.
Mặc dù cán bộ đơn vị cấm đọc truyền đơn địch, nhưng với sự tò mò, tính hiếu kỳ, bọn lính trẻ chúng tôi vẫn đọc. Với thói quen nhìn nhận vấn đề từ mọi góc cạnh, tôi cho rằng, nhận thức của mình sẽ không bị phiến diện, bảo đảm khách quan hơn, chính xác hơn. Chỉ đọc qua truyền đơn mà đã chạy theo địch, thì chắc chẳng còn ai trụ lại trên chiến trường hàng chục năm. Đọc qua truyền đơn, dẫu còn rất trẻ, chúng tôi cũng biết được luận điệu xuyên tạc, bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của kẻ thù. Nội dung truyền đơn của địch đa dạng: ảnh, ký họa, thơ ca, hò vè, văn xuôi - đủ cả. Có nội dung xuyên tạc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, chúng cho rẳng Miền Bắc xâm lược Miền Nam theo sự chỉ đạo của Liên Xô, Trung Quốc. Có truyền đơn cường điệu, thổi phồng cảnh chết chóc tang thương, thất bại của bộ đội ta trên các chiến trường. Có nội dung bôi nhọ Đảng và lãnh tụ. Nhiều hơn cả là truyền đơn kêu gọi cán bộ, chiến sĩ ta buông súng chiêu hồi, về với “chính nghĩa quốc gia”. Có tờ truyền đơn in hình ảnh và lời kêu gọi đầu hàng của Mai Hồng Nhị, của Lê Xuân Chuyên. Theo đó, Mai Hồng Nhị là trung đội trưởng đầu hàng ở chiến trường Quảng Trị. Lê Xuân Chuyên là trung đoàn phó chiêu hồi ở chiến trường Tây Nguyên. Chúng tôi xem truyền đơn nhưng đều khẳng định là địch nói láo, thế thôi.
Trên trời thì máy bay trinh sát L19, VO10 suốt ngày quần đảo thám thính, rải truyền đơn và ra rả lời kêu gọi cán binh Cộng sản BắcViệt đầu hàng. Dưới đất thì bom đạn địch ngay đêm bắn phá ác liệt. Đời sống vật chất thì kham khổ. Tuy vậy, tuyệt đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vẫn kiên định giữ vững quyết tâm chiến đấu. Trường hợp dao động, cầu an đến mức chiêu hồi phản bội như Trần Hữu Lễ là rất cá biệt.
 Sau khi Lễ đi đầu hàng, để tránh địch thực hành đánh phá theo sự chỉ điểm của Lễ, tiểu đoàn chúng tôi đã phải di chuyển địa điểm tập kết sang khu vực khác. Trận địa đã bố trí ở Hồ Khê - Đá Bạc đều phải điều chỉnh lại toàn bộ. Cả đơn vị phát động phong trào lên án tư tưởng và hành động của Lễ.
 Mãi đến năm 1984, anh Đinh Minh Chúng bạn tôi, làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 ra học khóa 6 Học viện Cao cấp, gặp tôi ở Hà Nội, kể rằng sau giải phóng có gặp Trần Hữu Lễ là thiếu tá tâm lý chiến của quân ngụy đóng tại Huế, đang đi cải tạo. Lúc nhìn thấy nhau chẳng nói năng gì. Thực ra còn có gì để nói nữa. Bản thân sự việc và kết cục của nó đã nói lên mọi điều.
Việc Lễ đi chiêu hồi rồi cũng chìm lắng xuống rất nhanh. Còn bao nhiêu việc phải làm. Cả tiểu đoàn gấp rút chuẩn bị  trận địa, gia cố thêm công sự, bố trí bãi mìn, lấy phần tử xạ kích cho cối, ĐKZ, chuẩn bị đường cơ động các hướng,  dự trữ lương thực, thực phẩm.
Ngày 15 tháng 5 năm 1967, từ sáng sớm pháo địch từ các căn cứ Đông Hà, Ái Tử, Đầu Mầu, Điểm cao 241 dồn đập bắn vào khu vực Hồ Khê. Đến 10 giờ, mấy tốp máy bay F105, F4 oanh  tạc liên tục, mấy chiếc trực thăng vũ trang UH1 quần đảo bắn rốc két vào Đá Bạc. Tiếp đến máy bay trinh sát VO10 chao liệng liên tục ở tầm rất thấp, nghe rè rè nhức óc. Tất cả động thái đó chứng tỏ là địch sắp hành quân lấn chiếm vào khu vực ta đã bố trí sẵn. Tiểu đoàn trưởng Bùi Trần lệnh cho toàn tiểu đoàn vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Tiểu đội trinh sát, một mặt cử người ra tiền duyên để bám nắm địch, mặt khác trên đài quan sát phải thường xuyên theo dõi nắm chắc mọi động thái của địch, kịp thời báo cáo tiểu đoàn. Ở khu vực này là các bãi cỏ tranh và cây cối lúp xúp nên dễ quan sát. Đến 4 giờ chiều, bộ binh địch bắt đầu tiến vào trận địa ta. Tiểu đoàn trưởng Bùi Trần lệnh cho các đơn vị phải chờ địch vào giữa quyết chiến điểm mới được nổ súng. Hiệu lệnh nổ súng là cối, ĐKZ, mìn các loại đồng loạt khai hỏa.
Một không khí yên ắng căng thẳng bao trùm trận địa. Chúng tôi thường có một linh cảm là, ở chiến trường lúc yên ắng nhất lại là lúc căng thẳng nhất. Đặc biệt, trước mỗi trận ném bom của máy bay B52, B57 thì không khí như đặc quánh lại.
Phương án tác chiến đã được thông qua là, cùng với sự chi viện của hỏa lực, các đại đội dựa chắc vào công sự dùng mìn định hướng ĐH10, mìn bay và súng bộ binh các loại tập trung bắn vào đội hình địch. Khi quân địch đã bị thương vong, tiêu hao sinh lực, thì Đại đội 1 và Đại đội 3 cùng lúc phản công tiêu diệt địch. Đại đội 2, dựa chắc vào công sự, đánh chặn đường rút của địch ra phía sau. Trường hợp quân địch chọc thủng chốt đánh chặn của Đại đội 1, Đại đội 3, thì Đại đội 2 tiến hành xuất kích đánh thốc vào lưng địch. Trường hợp ban ngày không tổ chức phản kích được, chờ đến tối địch co cụm lại, cho trinh sát bám nắm và thực hành tập kích  bằng cả hỏa lực và xung lực.
Lúc này trong hầm chỉ huy có anh Trần, tiểu đoàn trưởng, anh Đào chính trị viên tiểu đoàn, anh Phan Hà tiểu đoàn phó và tôi là liên lạc. Tôi thành sợi dây nối liền giữa Sở chỉ huy tiểu đoàn với các bộ phận tham mưu, chính trị, trinh sát, thông tin, ở các hầm xung quanh. Đến lúc ấy, vì chưa nổ súng để giữ bí mật, vô tuyến điện vẫn chưa được mở máy, sợ đài kỹ thuật của địch dò sóng phát hiện được. Điện thoại trong hầm chi huy chốc chốc lại réo lên. Trinh sát báo về, các đại đội báo cáo lên. Anh Trần chăm chú nghe, vừa nghe vừa nói lại cho các anh cùng nghe, rồi chỉ thị rành rọt cho từng hướng, từng đơn vị. Có lúc anh dừng lại trao đổi ý kiến với anh Đào và anh Hà.
Đúng 16 giờ 17 phút, từ các hướng báo cáo, đội hình quân Mỹ đã vào quyết chiến điểm, anh Trần hạ lệnh nổ súng. Tất cả hỏa lực cối 82, ĐKZ, giàn mìn bay, mìn định hướng ĐH10, đồng loạt nổ tới tấp lên đội hình địch. Tiếng cối, tiếng ĐKZ nổ chát chúa, tiếng mìn nổ dậy đất, tiếng đại liên từng tràng giòn giã cùng tiếng súng bộ binh các loại. Tất cả tạo nên một âm thanh hỗn tạp liên hồi. Bị đánh bất ngờ, quân Mỹ dạt sang hai bên chững lại mất mấy phút rồi dùng súng các loại bắn trả quyết liệt. Pháo địch từ các căn cứ bắn vào Sở chỉ huy tiểu đoàn dồn dập, đã có hầm trúng đạn pháo, có bộ phận thương vong. Cả khu vực mịt mù khói đạn khét lẹt, cay xè. Đường dây điên thoại bị dứt nhiều đoạn. Tiểu đội trưởng thông tin Nguyễn Ngọc Chuân quê ở xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và chiến sĩ Nguyễn Văn Thuận quê ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa đi nối dây bị trúng đạn pháo hy sinh. Máy 2 oát liên lạc thông suốt với các đại đội, nhưng là khẩu lệnh trực tiếp, không dùng mật khẩu nữa. Cuộc chiến đấu diễn ra được hơn 1 giờ đồng hồ, khi tiếng súng đã thưa dần, anh Trần yêu cầu các đợn vị báo cáo tình hình.
Về phía ta, đến lúc đó, các đại đội vẫn bám vào công sự đã bố trí sẵn, dùng các loại súng bắn sát thương quân địch. Cơ số đạn các loại đã dùng hơn một nửa. Tỷ lệ quân số hao hụt không nhiều, phần đông số thương vong là do công sự không vững chắc, bị phi pháo công phá dữ dội. Thương binh, tử sỹ đều phải để tạm trong công sự. Cả ngày chiến đấu, bộ đội ăn lương khô 702 và uống nước lã., quyết tâm chiến đấu của các đơn vị vẫn được giữ vững.
Về phía địch, ngay từ loạt đạn phủ đầu đánh trúng đội hình, quân Mỹ bị thương vong nhiều. Tại khu vực quyết chiến điểm ngổn ngang xác lính Mỹ. Số quân địch còn lại dạt sang một ngọn đội chếch về phía Nam co cụm lại, lập công sự, chống trả quyết liệt. Để chi viện cho bộ binh, máy bay, pháo binh địch liên tục oanh kích vào trận địa ta. Phải thừa nhận rằng, pháo binh Mỹ triển khai thao tác rất nhanh và có trình độ chính xác rất cao. Bộ binh ta và bộ binh Mỹ cách nhau cự ly rất ngắn, có chỗ chỉ con suối cạn, thể hiện không rõ trên bản đồ. Vậy mà pháo địch luôn bắn trúng vào trận địa ta, không rơi quả nào sang đội hình quân Mỹ. Có thể, do bộ binh Mỹ tại chỗ trực tiếp xác định tọa độ, lấy phần tử chỉ thị mục tiêu cho pháo binh. Đồng thời, trắc thủ pháo binh ở các căn cứ đã xử lý thông số kỹ thuật rất kịp thời, chính xác.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM