Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:36:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân  (Đọc 56084 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #60 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2015, 08:48:08 pm »

LƯƠNG QUÝ SÂM (1914 -1990)


Họ và tên: Lương Qúy Sâm
Bí danh: Lương Văn Ích, Nông Văn Ích
Ngày tháng năm sinh: 1914
Quê quán: Nà Sác - Hà Quảng - Cao Bằng
Trú quán: Phường Tân Định, thành phố Yên Bái.
Dân tộc: Nùng.


Lương Quý Sâm sinh ra tại Trung Quốc. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Quảng Tây, mới vài tuổi đầu cậu bé Sâm đã phải theo bô mẹ phiêu dạt sang vùng Hà Quảng (Việt Nam) làm ăn và sinh sống. Được lớn lên trên mảnh đất Hà Quảng giàu truyền thông cách mạng, Sâm đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1940, Sâm chính thức rời gia đình đi hoạt động.


Đầu năm 1941, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, Lương Quý Sâm (lúc này lấy bí danh là Lương Văn Ích) vinh dự được cùng Đội du kích Pác Bó đưa đón, nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho Người và các đồng chí cán bộ Trung ương.


Thời gian này, ông được gần gũi, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dìu dắt và giác ngộ tinh thần cách mạng, lòng yêu nước... Cái tên bí danh Lương Văn Ích chính là do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt cho ông. “Ích”- theo Người - có nghĩa là “ích nước”, hết lòng công hiến cho đất nước.


Trong những năm 1940-1944, Lương Văn ích chủ yếu hoạt động ỏ vùng Lục khu (Hà Quảng). Mặc dầu gần nhà nhưng do bị mật vụ bám riết nên ông ít có điều kiện về thăm gia đình. Giữa năm 1944, nhận được tin bố mất, Lương Văn Ích về nhà, mò mẫm trong đêm tối chôn cất bố một cách vội vàng rồi phải đi ngay khi trời chưa sáng để tránh sự lùng sục của bọn mật vụ.


Ngày 22-12-1944, ông là một trong số những đội viên tiêu biểu của đội vũ trang châu Hà Quảng được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Tại buổi lễ ra mắt của Đội, theo dự định từ trước, Lương Văn ích, được vinh dự cầm cờ, nhưng khi đến nơi, do ông đeo băng đen để tang bố nên phải nhường vinh dự đó cho người khác. Trong trận Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đánh đồn Đồng Mu, Lương Văn Ích được giao phụ trách một tiểu đội.


Giữa năm 1945, Lương Văn Ích về làm Trung đội trưởng Trung đội Giải phóng quân của tỉnh Bắc Kạn. Tháng 8-1945, Trung đội của Lương Văn Ích tổ chức một trận phục kích quân Nhật rút từ huyện lỵ Chợ Rã xuống Phủ Thông - Bắc Kạn. Trận đánh giành thắng lợi nhưng Lương Văn Ích bị thương nặng. Sau một thời gian dưỡng thương, Lương Văn Ích cùng đơn vị đi “Tây tiến”.

Ngày 10-3-1948. Lương Văn Ích được kết nạp vào Đảng.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông được điều vể làm Trưởng ban dân quân Tỉnh đội Yên Bái.
Sinh ra tại Trung Quốc, lớn lên ở Cao Bằng nhưng Lương Văn ích lại có khá nhiều duyên nợ với vùng quê Yên Bái. Chính tại đây, ông đã tìm được người bạn đời cho mình và trải qua những năm tháng hoạt động sôi nổi.
Lương Vàn Ích là con người đa cảm trong cuộc sông nhưng lại là người bộc trực, thẳng thắn và tỉ mỉ, nghiêm khắc trong công việc; nghiêm khắc với cả chính bản thân mình.


Khi Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành chê độ quân hàm, có lần đồng chí Võ Nguyên Giáp về thăm Yên Bái, gặp lại người đồng đội cũ, đồng chí Tổng tư lệnh đã gợi ý là sẽ đề nghị trao quân hàm đại úy cho Lương Văn Ích. Nghe nói vậy, lập tức ông khóc rưng rức như một đứa trẻ và một mực từ chối “không nhận đại úy vì cảm thấy mình chưa xứng đáng và chưa đủ năng lực...”.


Đầu năm 1959, Lương Văn Ích được điều lên xây dựng lực lượng Công an vũ trang tỉnh Lào Cai. Năm 1963, được đề bạt thiếu tá, Chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh. Một năm sau đó, ông chuyển qua làm Viện phó, rồi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai.

Năm 1979, chiến tranh bùng nổ ở biên giới phía Bắc, ông cùng gia đình về quê ngoại ở Yên Bái.

Những năm cuối đời, Lương Văn Ích sống trong sự trầm tư và mặc cảm. Tháng 2-1990, ông đã "ra đi" vì căn bệnh xuất huyết não. Tang lễ của Lương Văn ích được tổ chức trọng thể tại tỉnh Yên Bái theo nghi lễ dành cho các vị lão thành cách mạng.

Lương Văn ích đã được tặng thưởng:
- Huân chương Độc lập hạng Ba;
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhì;
- Hai Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì;
- Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba;
- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #61 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2015, 08:50:03 pm »

HOÀNG VĂN SÚNG (1916 -1962)


Họ và tên: Hoàng Văn Súng
Bí danh: La Thanh
Ngày tháng năm sinh: 1916
Quê quán: Pác Bó - Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng
Dân tộc: Nùng.


Từ thủa xa xưa, dân bản Pác Bó đã gọi núi Phía Tảo là núi Quả Đào. Chuyện kể rằng, xưa kia mấy cô con gái Ngọc Hoàng xuống núi này dạo chơi và hái đào ăn. Mải tận hưởng vẻ đẹp huyền ảo của chốn "non xanh, nước biếc" nên mặt trời đứng bóng khi nào không hay, các cô vội vàng bay về trời để lại một quả đào bên bờ suối. Quả "đào tiên" ấy về sau đã biến thành một hòn núi to.


Đầu năm 1941, khi vừa về Pác Bó, nghe câu chuyện này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cười và nói: "Xưa kia ở đây có tiên cô, thì nay có tiên cậu, tiên ông” và Người đã đặt tên cho ngọn núi này là núi Các Mác.

Nằm tựa lưng sát với chân núi Các Mác có một ngôi nhà mà phía trước như bao ngôi nhà sàn khác, còn bên trong và phía sau lại là một "địa đạo" có thể chứa được hàng chục người. Đó là nhà của La Thanh - một cơ sở cách mạng chí cốt, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các cán bộ của Trung ương từng làm chỗ dừng chân trong những ngày đầu vượt cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung trở về Tổ quốc.


La Thanh được giác ngộ cách mạng và tham gia vào Hội phản đế Pác Bó từ năm 1938. Ngay từ những năm 1938 - 1939, trong nhà La Thanh luôn luôn có mặt một nhóm cán bộ hoạt động bí mật gồm Lê Quảng Ba, Quốc Văn, Trần Sơn Hùng (tức Hoàng Sâm). Những lúc địch càn quét, lùng sục đến đây thì gia đình La Thanh lại đưa cán bộ của Đảng vào các hang đá phía sau nhà và nguỵ trang cửa hang lại. Chính trong khoảng thời gian này, từ một chàng thanh niên Nùng ít nói, chậm chạp, La Thanh đã dần dần được giác ngộ, nhanh chóng trở thành một liên lạc trung kiên, tháo vát và nhanh nhẹn.


Năm 1940, La Thanh được giao làm Tổ trưởng nông dân cứu quốc và tháng 8 năm đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngày 28-1-1941, ông cùng với một số đồng chí khác lên cột mốc 108 đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Lộc, Lê Quảng Ba, Thế An về nước. Bác cùng với những người cùng đi đã ở lại nhà La Thanh ba ngày, sau đó mới chuyển lên hang Cốc Bó.


Tháng 5-1941, nhà của La Thanh lại vinh dự được chọn làm nơi đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tổ chức tại lán Khuổi Nậm - Pác Bó. Bản thân ông được tổ chức giao làm Trạm trưởng giao liên, có nhiệm vụ đưa đón, bảo đảm an toàn và lo ăn ở cho cán bộ từ nước ngoài về hoặc từ trong nước đi qua Trung Quốc - trong các năm từ 1941 đến 1943.


La Thanh còn là một trợ thủ đắc lực cho nhóm Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba, Quốc Văn, Thế Hậu, Tống Dề... trong các chiến dịch tiễu phí ở vùng Lục khu. Đóng góp của La Thanh trong việc giải quyết nạn thổ phỉ ở vùng biên giới Việt - Trung rất lớn.


Ngày 22-12-1944, La Thanh được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Trước ngày rời bản Pác Bó về Nguyên Bình dự lễ thành lập Đội, vợ của La Thanh là bà Hoàng Thị Hoa (tức Hoàng Thị Cần) cũng tham gia cách mạng từ 1940, đã phải bán một thửa ruộng để sắm cho chồng một khẩu súng. Chính khẩu súng này đã được ông mang theo sử dụng trong các trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu.


Năm 1953, do điều kiện sức khoẻ, La Thanh phục viên về quê và làm Xã đội trưởng Trường Hà một thời gian. Năm 1962, ông qua đời tại quê.

Ngôi nhà của La Thanh hiện nay đã được xếp hạng di tích lịch sử, nằm trong quần thể khu di tích lịch sử Pác Bó, được Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng quản lý và dựng bia có nội dung: Nơi đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, ba miền Bắc - Trung - Nam. Gia đình ông cũng đã được Tổng bộ Việt Minh tặng Bằng có công với nước ngày 23-9-1947.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #62 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2015, 08:52:36 pm »

BẾ ÍCH NHÂN


Họ và tên: Bế Ích Nhân
Bí danh: Bế Ích Vạn
Ngày tháng năm sinh: 1-1913
Quê quán: Văn Tùng - Ngân Sơn - Bắc Kạn
Trú quán: Bạch Thông - Bắc Kạn Dân tộc: Tày.


Bế Ích Nhân vốn là một lính dõng của xã Vân Tùng, châu Ngân Sơn. Năm 1941, ông được Hoàng Thịnh - một đội viên Cứu quốc quân hoạt động ở vùng Ngân Sơn giác ngộ. Từ đây, tuy bề ngoài khoác áo lính dõng nhưng Bế Ích Nhân lại là một cơ sở tin cậy của cách mạng trong hàng ngũ địch. Suốt một thời gian dài. Bế Ích Nhân âm thầm, lặng lẽ hoạt động cho ta.


Đầu năm 1944, Bế Ích Nhân bị địch theo dõi và phát hiện ra hành vi nội gián. Đang đứng trước nguy cơ bị lộ thì khoảng giữa nảm 1944, nhân có chuyến kinh lý của Toàn quyền Đông Dương từ Hà Nội lên Lạng Sơn qua Cao Bằng xuôi Bắc Kạn, tất cả lính dõng ở Ngân Sơn đều được huy động xuống Nà Phặc để đón... quan trên. Nhân cơ hội này, trên đường đi, Bế Ích Nhân đã lẻn vào bụi cây xé hết quần áo, nón lính và nhanh trí lấy máu chó đổ vãi tung toé để đánh lừa địch, làm chúng tưởng rằng Bế Ích Nhân đã chết nhưng sự thực thì ông đã trốn biệt đi theo Việt Minh mà không kịp chia tay vối người thân, bà con bản làng. Bọn địch ở đồn Ngân Sơn đinh ninh là Bế Ích Nhân đã bị Việt Minh thủ tiêu, còn ông rút vào hoạt động bí mật và phải chuyển địa bàn hoạt động lên vùng Nguyên Bình với cái tên mới là Bế Ích Vạn.


Sau khi dự lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và tham gia các trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu, Bế Ích Vạn theo Đội “Nam tiến” xuống vùng Bạch Thông và tham gia Tổng khởi nghĩa ở đó. Tháng 9 - 1945, Bế Ích Vạn được kết nạp vào Đảng.


Đầu năm 1946, với chức vụ Đại đội phó, Bế Ích Vạn có mặt trong đội hình của Chi đội 3 đi “Nam tiến”. Nhưng vừa mới hành quân vào tới miền Trung thì ông bị ốm nặng, buộc phải quay trở ra Bắc.

Sau sự kiện quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn (7-10-1947), Bế Ích Vạn được cấp trên điều về làm Trưởng ban giao liên tỉnh Bắc Kạn, rồi sau đó làm cán bộ địch hậu ở huyện Ngân Sơn.

Hoà bình lập lại, do bị nghi ngờ dính dáng đến vấn đề kinh tế, tính tự ái nổi lên, Bế Ích Vạn bất mãn bỏ về quê.
Năm 1961, sau khi được minh oan, ông lại ra làm cán bộ thương nghiệp huyện Bạch Thông cho đến năm 1971 thì nghỉ hưu và mất năm 1983 tại thị trấn Phủ Thông.

Bế Ích Vạn đã được Nhà nước tặng Bằng có công với nước.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #63 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2015, 08:53:43 pm »

Liệt sỹ MÔNG VĂN VẨY (1916 -1946)


Họ và tên: Mông Văn Vẩy
Bí danh: Mông Phúc Thơ, Lương Văn Khâm
Ngày tháng năm sinh: 1916
Quê quán: Tràng Xá - Võ Nhai - Thái Nguyên
Dân tộc: Nùng.


Mông Văn Vẩy là một trong số bốn đội viên Cứu quốc quân có mặt trong buổi lễ tuyên thệ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân chiều ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo.

Sinh ra trong một gia đình nông dân người Nùng nghèo khó, lớn lên trên mảnh đất Võ Nhai giàu truyền thông cách mạng nên Mông Văn Vẩy đã sớm có ý thức giác ngộ cách mạng. Năm 1935, ông bắt đầu tham gia phong trào cách mạng ở địa phương và chỉ chưa đầy một năm sau đó đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời kỳ này, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ tại các xã Tràng Xá, Lâu Thượng, La Hiên. Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Võ Nhai đã được thành lập ở Phú Thượng.


Ngày 15-9-1941, tại khu rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, châu Võ Nhai (Thái Nguyên) Trung đội Cứu quốc quân II đã được thành lập. Mông Văn Vẩy (ở Cứu quốc quân II, người ta thường gọi ông là Mông Phúc Thơ) là một trong những tiểu đội trưởng đầu tiên.


Thực hiện chủ trương bảo tồn lực lượng để giữ vững và tiếp tục gây dựng cơ sở, mở rộng căn cứ địa của Trung ương Đảng, ngày 18-11-1941, Ban chỉ huy Cứu quốc quân II đã phân chia lực lượng thành nhiều nhóm tỏa đi các hướng để mở rộng địa bàn hoạt động. Phần lớn lực lượng (trong đó có Mông Phúc Thơ) chuyển lên vùng biên giới Việt - Trung; bộ phận còn lại (có Mông Phúc Quyền, Phương Cương...) lật cánh sang Đại Từ, Sơn Dương để tiếp tục phát triển cơ sở ở đây.


Tháng 2-1943, Hội nghị liên tịch giữa các đồng chí Trung ương (Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp) với chỉ huy Cứu quốc quân và lãnh đạo Tỉnh ủy Cao Bằng đã quyết định rút hết Cứu quốc quân về Bắc Sơn, Võ Nhai; đồng thời tách một nhóm tăng cường cho các đội xung phong Nam tiến mở con đường quần chúng cách mạng từ Cao Bằng xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang.


Tháng 4-1943, Mông Phúc Thơ xuống các xã vùng cao Ngân Sơn tổ chức các Hội Cứu quốc. Đầu năm 1944, địch tiến hành khủng bố trắng ở Ngân Sơn và dọc hành lang con đường cách mạng Nam tiến, Mông Phúc Thơ vẫn kiên cường bám trụ địa bàn này.


Nhờ những hoạt động tích cực và có hiệu quả của Cứu quốc quân mà khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, chống địch khủng bố.

Tháng 12-1944, chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và theo yêu cầu của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ban chỉ huy Cứu quốc quân đã chọn và giới thiệu 4 cán bộ xuất sắc tham gia vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Một trong số đó là Mông Phúc Thơ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Mông Phúc Thơ đi cùng đơn vị Nam tiến xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên rồi sang Tuyên Quang. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông chỉ huy đơn vị tập kích quân Nhật tại Thái Nguyên; sau đó, kéo quân vê Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2-9. Ngày 26-9-1945, Mông Phúc Thơ được giao làm Chi đội trưởng Chi đội Giải phóng quân đầu tiên của miền Bắc lên đường Nam tiến. Cuối năm 1945, Chi đội của ông vào đến Thủ Đức. Tại đây, ông đẫ tham gia chỉ huy đánh một số mục tiêu trong nội thành Sài Gòn và được chỉ định làm ủy viên quân sự của Ủy ban kháng chiến Đông Nam Bộ. Sau ngày ký Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), Chi đội của Mông Phúc Thơ rút quân ra Phan Thiết. Ngày 8-5-1946, tại chiến khu Triềng, đơn vị của ông bị địch tập kích. Chi đội trưởng Mông Phúc Thơ bị địch bắt đưa về Phan Thiết. Chúng tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc không được; cuối cùng đưa ông ra xử bắn tại Ngã Bảy - thị xã Phan Thiết.


Năm 1959, Mông Phúc Thơ đã được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ (Bằng Tổ quốc ghi công, số XQ 4441b).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #64 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2015, 07:33:31 pm »

Phần III
GHI CHÉP VỀ QUÁ TRÌNH ĐI TÌM HIỂU DANH SÁCH
ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN


Xuất xứ của những đợt đi tìm hiểu một cách chi tiết và đầy đủ về Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là bắt đầu từ cuối năm 1992. Sở dĩ chúng tôi nói như vậy là vì trong nhiều năm trước đó. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Viện LSQSVN) và một số đơn vị khác  (Ban Sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự))... đã đặt vấn đề tổ chức sưu tầm, tìm hiểu về sự ra đời, hoạt động của Đội cũng như về các thành viên trong Đội VNTTGPQ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nên công việc sưu tầm, tìm hiểu này đã không đạt được kết quả mong muốn, mặc dù trong quãng thời gian đó, số đội viên của Đội còn sống khá nhiều, rất thuận lợi cho việc đối chiếu, xác minh.


Vào năm 1992, nhân chuẩn bị kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân (VNGPQ) tổ chức họp mặt các đồng chí từng là cán bộ, đội viên của đơn vị. Như chúng ta đã biết, VNGPQ là đội quân được thành lập trên cơ sở thống nhất VNTTGPQ, Cứu quốc quân (CQQ) và một số tổ chức vũ trang khác, theo quyết định của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, họp từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945 tại Hiệp Hoà (Bắc Giang). Lễ thống nhất các đơn vị thành VNGPQ đã diễn ra ngày 15-5-1945 tại bãi Thàn Mát, cạnh đình làng Quặng, xã Định Biên Thượng, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Căn cứ vào ý kiến, nguyện vọng của nhiều đồng chí trong Ban liên lạc, Thượng tướng Đàm Quang Trung thay mặt Ban liên lạc VNGPQ, đã viết thư cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê và đồng chí Chủ nhiệm Tống cục Chính trị Lê Khả Phiêu, đề nghị Bộ Quốc phòng giúp đỡ, tạo điều kiện việc tìm hiểu, sưu tầm, xác minh, lập danh sách Đội VNTTGPQ và khắc tên các đội viên vào bia kỷ niệm, sẽ đặt tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - nơi Đội tổ chức thành lập. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị rất hoan nghênh và cho biết sẽ tạo điều kiện để sớm xúc tiến công việc cho kịp dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Quản đội (22-12-1994).


Tiếp đó, khi tham dự cuộc họp của Ban liên lạc VNGPQ tại Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Bây giờ làm là chậm nhưng vẫn còn kịp và vẫn phải làm”. Tuy nhiên, do thời gian trôi qua đã ngót nửa thế kỷ, nhiều người trong cuộc đã mất, hoặc đã già yếu, nên việc lập danh sách rất khó khăn. Vì thế, việc đầu tiên phải làm là dựa vào các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng và các đội viên Đội VNTTGPQ còn sống để tìm hiểu, xác minh. Những người đó là cụ Nông Văn Lạc - người được coi là cánh tay phải của đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong việc tổ chức, thành lập Đội, nhà cụ chính là nơi địch chiếm dụng để làm đồn Phai Khắt; là cụ Nông Văn Quang - nguyên Bí thư chi bộ của Đội xung phong Nam tiến và nhiều người khác nữa. Đại tá Nguvễn Huy Văn (tức Kim Sơn) - nguyên cán bộ Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), nguyên là đội viên của VNGPQ, cho chúng tôi biết: Ban liên lạc VNGPQ đã đề nghị một số đồng chí có liên quan trực tiếp và một số cơ quan hữu quan lập danh sách của Đội VNTTGPQ. Kết quả, đã nhận được 8 bản danh sách của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Dương Mạc Thạch (tức Xích Thắng - nguyên Chính trị viên của Đội), Nông Văn Lạc, Nông Văn Quang, Doanh Thắng Hỷ (tức Doanh Hằng - lão thành cách mạng, nguyên ủy viên Ban cán sự tỉnh Bắc Kạn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái...), của đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, của Viện Bảo tàng Quân đội và của Viện LSQSVN. Sau khi đối chiếu, trừ những người trùng tên, danh sách còn lại lên tới 74 người. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì mới chỉ căn cứ vào trí nhớ của từng người, hơn nữa thời gian xảy ra đã quá lâu và thời gian các đội viên gặp nhau, trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, hoặc cùng sống, chiến đấu với nhau trong đội hình của Đội không dài; cũng như sau này đã phân tán hoạt động ở các đơn vị khác, địa bàn khác. Chính vì số người trong danh sách được lập ra đông như vậy nên từ cuối 1992 cho đến giữa năm 1994, Ban liên lạc VNGPQ đã phải tổ chức ba cuộc họp - hội thảo tại Cao Bằng, Thái Nguyên và Hà Nội, mời các đơn vị, cá nhân có liên quan, để rà soát, thống nhất lại danh sách. Cũng xin nói rõ thêm là việc xác định ai nằm trong danh sách 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đội VNTTGPQ rất khó, bởi hôm thành lập, số người được triệu tập từ các địa phương (chủ yếu ở Cao Bằng) về khá đông. Bên cạnh đó còn có đại biểu và nhân dân địa phương quanh vùng. Nhiều nhân chứng mà chúng tôi có dịp hỏi chuyện đều nói hôm đó (22-12-1944) có khá đông, phải đến gần 100 người, nhưng chủ yếu là đứng xung quanh, còn 34 đội viên đứng thành hàng ở giữa và làm lễ thành lập, tuyên thệ. Khi làm lễ, lúc đó khoảng 5 giờ chiều, lại ở trong rừng, mùa đông nên trời tối, không nhìn rõ mặt hết tất cả mọi người, chưa kể nhiều người chỉ mang bí danh hoạt động là chủ yếu.


Sau khi đã bước đầu thống nhất danh sách, ngày 4-7-1994. đồng chí Đàm Quang Trung viết thư báo cáo kết quả cho các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt. Sau khi có bản danh sách đã được thẩm định nhiều lần, đoàn cán bộ Tỉnh ủy Cao Bằng, do đồng chí Nông Hồng Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Nông Hải Pín - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng, đã về Hà Nội, làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng dự buổi làm việc hôm đó còn có đại diện Ban liên lạc VNGPQ.


Ngày 2-11-1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký xác nhận bản danh sách 34 cán bộ, chiến sĩ Đội VNTTGPQ để kịp đưa đi khắc tên vào bia.

Cùng với quá trình lập danh sách của Đội VNTTGPQ, được sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng, khu di tích ghi dấu nơi ra đời của QĐNDVN, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, đã được khẩn trương xây dựng với ngân sách duyệt là 28 tỷ đồng. Đây là số kinh phí lớn vào lúc đó, chứng tỏ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa này. Toàn bộ các hạng mục thi công do Sư đoàn 472, thuộc Binh đoàn 12 và Công ty Lũng Lô của Bộ Tư lệnh Công binh đảm nhiệm, gồm: tu sửa và làm mới 18 km đường núi (trên cơ sở đường cũ nhỏ) từ ngoài thị trấn huyện Nguyên Bình vào đến khu rừng Trần Hưng Đạo; đường vào khu Nhà bia; xây Nhà bia, khắc bia 4 mặt (gồm Chỉ thị của Bác Hồ về việc thành lập Đội VNTTGPQ: danh sách Đội; 10 lời thề danh dự; về buổi lễ thành lập Đội); xây lại đài quan sát của đồng chí Văn trước khi đánh trận Phai Khắt trên đỉnh núi Slam Cao; khu nhà nghỉ của tổ trông coi khu di tích...


Sau một thời gian khẩn trương thi công, lễ khánh thành khu di tích. Nhà bia đã được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập QĐND Việt Nam, với sự tham dự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm TCCT, cùng nhiều đại biểu của Trung ương, Quân đội, tỉnh Cao Bằng và đông đảo nhân dân địa phương. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn lao sau nửa thế kỷ Quân đội ta được thành lập.


Cần khẳng định rằng, những người được giao nhiệm vụ tìm hiểu, xác minh vấn đề này, trong đó có các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Cao Bằng, của Ban liên lạc VNGPQ và các cá nhân có liên quan cho đến trước tháng 12- 1994, về việc lập danh sách Đội VNTTGPQ và xây dựng khu di tích, đã thể hiện trách nhiệm và cố gắng ở mức cao nhất và rất đáng trân trọng, khâm phục.


Do thời gian kể từ khi bắt đầu công việc sưu tầm, lập danh sách, đến khi dựng Nhà bia trong khu di tích không dài, chỉ trong khoảng 2 năm, do sự kiện diễn ra đã lâu, nhiều người “trong cuộc” không còn, nên việc có sai sót, khiếm khuyết là điều không thể tránh khỏi.


Cuối năm 1999, tức là đúng 5 năm sau khi Nhà bia trong khu rừng Trần Hưng Đạo được khánh thành. Viện LSQSVN đã phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 tổ chức cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập Quân đội tại thị xã Cao Bằng. Hội thảo có chủ đề: “55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, miền đất khai sinh và quá trình phát triển. Trong dịp hội thảo, một số đại biểu đã tới thăm Nhà bia tại khu rừng Trần Hưng Đạo, cách thị xã Cao Bằng hơn 60 km về phía Tâv Nam. Sau khi xem kỹ danh sách với các yếu tố họ tên, quê quán, năm sinh, thành phần dân tộc... một số thiếu sót xung quanh danh sách đã được phát hiện.


Vào cuối tháng 3-2000, ông Doanh Hằng - lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái, nguyên ủy viên Ban cán sự tỉnh Bắc Kạn (thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp)... đã gửi một bức thư dài cho các cơ quan, đơn vị như: Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Ban liên lạc VNGPQ, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, huyện Nguyên Bình về một số vấn đề liên quan đến danh sách Đội VNTTGPQ. Thư của ông Doanh Hằng có đoạn: “Tôi thấy trong bia khắc tên chưa đúng sự thật, có người sai về thành phần dân tộc, có nhiều người sai về tên bí danh và tên khai sinh. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến có 8 đồng chí đã hy sinh cho Tổ quốc, nhưng mới chỉ có 2 đồng chí được ghi liệt sĩ, còn 6/8 người chưa được khắc liệt sĩ theo tên trong Nhà bia...”. Ông Doanh Hằng đã nêu họ tên cụ thể từng trường hợp, cả về thành phần dân tộc, quê quán, hoàn cảnh hy sinh (cũng có trường hợp ông được nghe từ người khác kể lại) và đề nghị các cơ quan chức năng liên quan “thẩm tra xem xét, khắc lại cho chính xác, cho đúng với sự thật”.


Từ lá thư đề nghị nêu trên, ngày 20-4-2000, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT, đã chỉ thị: ‘‘Viện Lịch sử Quân sự nghiên cứu phối hợp với quân khu và các địa phương để xác minh kết luận (gặp trực tiếp đồng chí Doanh Hằng để tìm hiểu). Nếu có thiếu sót, sai thì sửa”.


Chấp hành chỉ thị của thủ trưởng TCCT, thủ trưởng Viện Lịch sử quân sự đã cử đoàn cán bộ đi tìm hiểu, xác minh những nội dung nêu trong thư. Nhận nhiệm vụ phân công, chúng tôi xác định đây là công việc không dễ dàng bởi vì những tài liệu liên quan mà chúng tôi có trong tay không nhiều và những hiểu biết cụ thể, tường tận xung quanh danh sách Đội VNTTGPQ thực sự rất ít ỏi. Ngoài một vài cán bộ, đội viên mà tên tuổi đã khá nổi tiếng như Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Thu Sơn, Dương Mạc Thạch... có thể nói hầu hết số đội viên còn lại trong danh sách, chúng tôi cũng mới chỉ biết qua một số sách báo và qua đọc trên tấm bia.


Từ thực tế đó, chúng tôi quyết định phương hướng đi sưu tầm, khảo sát như sau: dựa vào danh sách 34 cán bộ, đội viên đã khắc trong bia, sẽ lần lượt đi tìm hiểu từng người một - căn cứ vào địa chỉ, quê quán mà tìm đến. Dù có mất nhiều thời gian, công sức cũng quyết tiến hành theo hết khả năng có thê và điều kiện cho phép, bởi đã có chỗ “bấu víu” là quê quán của mỗi người. Sau khi đã xác định phương hướng, chúng tôi bàn cụ thể những địa chỉ cần phải đến trong chuyến đi đầu tiên. Một điều khá thuận lợi là theo danh sách thì có tới 28/34 người quê gốc ở Cao Bằng (trong đó có 3 người quê ở huyện Ngân Sơn, nay thuộc Bắc Kạn), 2 người quê ở Bắc Thái (cụ thể là ở Võ Nhai, Thái Nguyên hiện nay), 2 người quê ở Quảng Bình, 1 người ở Thái Bình và 1 người ở Lạng Sơn. Vì thế, đích của chuyến đi đầu tiên sẽ là Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng để trước hết nhằm thẩm tra, xác minh, trả lời kiến nghị của ông Doanh Hằng về một số cán bộ, đội viên đã hy sinh nhưng chưa được khắc chữ liệt sĩ ở trong bia. Cũng cần phải nói thêm một thuận lợi nữa là trong thời gian dự cuộc hội thảo ở Cao Bằng, chúng tôi có may mắn được gặp, hỏi chuyện và chụp ảnh 3 đội viên của Đội VNTTGPQ còn sống và được Ban tổ chức Hội thảo mời đến tham dự. Đó là cụ Tô Vũ Dâu (tức Thịnh Nguyên) lúc đó đã 79 tuổi, sống tại thôn Đức Chính, xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An; cụ Bế Bằng (tức Bế Kim Anh), 80 tuổi, sống ở khu tập thể Nước Giáp, thị xã Cao Bằng và cụ Hà Hưng Long (76 tuổi), sông tại xã An Tường, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Qua chuyện kể của các cụ, phần nào cũng hình dung được vài nét về tổ chức hoạt động của Đội, về một số đội viên. Cùng những chỉ dẫn của bác Kim Sơn, chúng tôi lên đường đi khảo sát.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #65 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2015, 07:34:33 pm »

CHUYẾN ĐI THỨ NHẤT


Vào cuối tháng 4-2000, Đoàn chúng tôi gồm 3 người (Nguyễn Mạnh Hà, Trần Ngọc Long, Chu Văn Tùng) từ Hà Nội đi Tuyên Quang, tìm gặp cụ Hà Hưng Long. Đoàn đi bằng ô tô, lái xe là dồng chí Lê Đức Tráng. Cụ Long còn khoẻ mạnh, đã kể cho chúng: tôi về ngày thành lập Đội VNTTGPQ, về một số đội viên cụ biết và về trường hợp hy sinh của đội viên Nguyễn Văn Phán (tức Kế Hoạch) mà chúng tôi sẽ viết cụ thể ở phần sau. Rời Tuyên Quang, chúng tôi sang Thái Nguyên. Do đã có kế hoạch tìm gặp tất cả những đơn vị, cá nhân có liến quan, nên người đầu tiên chúng tôi tìm đến là ông Doanh Hằng, ở số nhà 26, phố Cách mạng tháng Tám, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên. Ông Doanh Hằng lúc đó đã 75 tuổi, nhưng còn mạnh khoẻ, trí nhớ rất tốt, đã kể cho chúng tôi lý do ông viết bức thư kiến nghị, bởi đó là những con người mà ông từng gặp, hoặc từng được nghe kể về họ. Ông muốn sự thực lịch sử được chính xác, nhất là khi đã “khắc trên bảng vàng, bia đá”. Kết thúc câu chuyện, ông cẩn thận nói thêm: “Đây là những gì tôi biết, tôi nhớ, chưa hẳn đã chính xác hoàn toàn, các đồng chí nên đi xác minh thêm”. Nói rồi, ông cung cấp cho chúng tôi địa chỉ của một số nhân chứng liên quan.


Được sự giúp đỡ của Phòng Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quân khu 1 và Ban Lịch sử - Tổng kết Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên, chúng tôí đến gặp cụ Nông Văn Quang (81 tuổi), sống tại tổ khối 18, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên. Cụ Quang là lão thành cách mạng, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, tuy sức khoẻ yếu, nhưng vẫn rất nhiệt tình kể cho Đoàn nghe những gì cụ biết về các đội viên Đội VNTTGPQ. Những mẩu chuvện, những thông tin tuy rời rạc mà cụ cho biết, cũng giúp ích cho chúng tôi khá nhiều trong những ngày sau đó.


Do có đặt vấn đề trước, chúng tôi liên hệ được với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Thái Nguyên và gia đình hai đội viên Hoàng Thịnh (tức Quyền) và Mông Phúc Thơ, đều dân tộc Tày, quê ở Tràng Xá, huyện Võ Nhai, để xác minh thêm về hai trường hợp nàv. Trong đó, đội viên Mông Phúc Thơ, theo ông Doanh Hằng cho biết, đã hy sinh nhưng chưa được khắc chữ liệt sỹ trong Bia.


Tại Bắc Kạn, chúng tôi tìm đến quê của 3 đội viên Hoàng Văn Lường (tức Kính Phát), dân tộc Nùng, ở xã Đức Vân; Hoàng Văn Ninh (tức Thái Sơn); dân tộc Nùng, ở xã Thượng Ân và Bế Văn Vạn, dân tộc Tày, xã Vân Tùng, đều thuộc huyện Ngân Sơn. Tại UBND xã Vân Tùng, các đồng chí trong UBND cho biết gia đình ông Bế Văn Vạn đã chuyển xuống thị xã Bắc Kạn từ lâu, hiện không rõ địa chỉ cụ thể. Ủy ban đã cử đồng chí xã đội trưởng dẫn chúng tôi đến nhà bà Lục Thị Ninh (75 tuổi), lão thành cách mạng, từng có thời gian hoạt động với ông Vạn từ 1943 đến trước cuối năm 1944, khi ông còn hoạt động ở địa phương, chưa thoát ly tham gia Đội VNTTGPQ.


Lúc này đã quá 12 giờ trưa, chúng tôi quay lại thị trấn huyện Ngân Sơn tìm hàng ăn. Tại đây, một sự may mắn tình cờ đã giúp chúng tôi gặp được người cháu ruột của ông Hoàng Văn Ninh (tức Thái Sơn). Qua người cháu ruột này, chúng tôi đã nhanh chóng có được địa chỉ của con trai ông Ninh đang sống ở thị xã Bắc Giang.


Tại Ngân Sơn còn có một đội viên tên là Hoàng Văn Lường, quê ở xã Đức Vân. Do lúc này đã giữa buổi chiều, không còn thời gian đến Đức Vân, vả lại được biết gia đình ông Lường đã chuyển xuống thị xã Bắc Kạn nên cũng không thể quay lại tìm (vì từ Ngân Sơn trở lại thị xã Bắc Kạn khoảng 60 km theo quốc lộ 3), nên chúng tôi đã tìm vào Ban CHQS huyện Ngân Sơn, nhờ gọi điện về Ban sử của Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn, nhờ đồng chí trung tá Vũ Văn Phong xác minh giúp trường hợp này. Như vậy, công việc ở Ngân Sơn tuy chưa được như mong đợi, song cũng tạm thời có kết quả. Sáng hôm sau, tại Cao Bằng, chúng tôi có cuộc làm việc với chị Dung - Trưởng Ban lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cao Bằng để xác minh danh sách lão thành cách mạng của tỉnh; gặp chị Nguyễn Thục Bình - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và cán bộ của sở để xác minh hồ sơ liệt sỹ. Tiếp đó, chúng tôi tìm gặp cụ Tô Vũ Dâu (tức Thịnh Nguyên), cụ Bế Bằng (tức Kim Anh); chị Nông Thị Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình; làm việc với Ban Lịch sử - tổng kết Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng... Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cá nhân, các sở, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là Văn phòng, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cao Bằng, nên chúng tôi đã tìm hiểu, xác minh được hầu hết những nội dung kiến nghị của ông Doanh Hằng.


Quá trình đi gặp gỡ nhân chứng xác minh, đối chiếu tư liệu xin được tóm tắt như sau: đối với tất cả các cá nhân liên quan, đặc biệt là với ông Doanh Hằng, chúng tôi đặt nhiều câu hỏi xung quanh các vấn đề cần làm rõ, bổ sung, sửa lại cụ thể từng trường hợp một. Các câu hỏi này được lặp lại với tất cả những người liên quan mà chúng tôi tìm gặp được (có ghi chép, ghi âm), để tìm ra nội dung chuẩn xác nhất. Có trường hợp câu trả lời không giống nhau, không chính xác thì chúng tôi dùng luôn các câu trả lời đó hỏi người khác nhằm xác minh thêm. Trong chuyến đi này, đối với các trường hợp đã hy sinh, được đề nghị khắc ghi vào bia liệt sỹ, chúng tôi đã đến tận gia đình hoặc các sở LĐ-TB-XH để xin xem giấy tờ, hồ sơ gốc. Bằng Tổ quốc ghi công, ghi lại cả số quyết định, ngày ký quyết định, người ký Bằng Tổ quốc ghi công, hoặc trực tiếp hỏi chuyện những người chứng kiến việc chuyển hài cốt, mai táng tại nghĩa trang (như trường hợp đội viên Ma Văn Phiêu, bí danh là Bắc Hợp, Đường, được cất bốc, mai táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Nguyên Bình). Đối với các trường hợp khắc nhầm thành phần dân tộc, nhầm giữa bí danh hoạt động và tên khai sinh, chúng tôi cũng tìm gặp những người cùng hoạt động, cùng dân tộc, cùng dòng họ, hỏi cụ thể để hiểu được cách đổi tên, họ của mỗi dân tộc, từ đó tìm ra điều hợp lý nhất.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #66 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2015, 07:35:47 pm »

Trong chuyến đi đầu tiên này, có một trường hợp chúng tôi mất nhiều công sức để xác minh, đó là sự hy sinh của đội viên Nguyễn Văn Phán (Kế Hoạch). Đây là trường hợp nằm ngoài danh sách 6 người mà ông Doanh Hằng đề nghị, nhưng do tiện đường công tác khi còn ở Cao Bằng nên chúng tôi đã quyết định tìm hiểu để làm rõ, may ra có thể bổ sung vào danh sách các liệt sĩ của Đội. Cụ Hà Hưng Long cho biết đồng chí Kế Hoạch bị chết do bom của máy bay Pháp ném xuống thị xã Cao Bằng khi ta đang chuẩn bị đưa bộ đội vào thị xã mít tinh mừng chiến thắng giải phóng Cao Bằng trong chiến dịch Biên Giới thu - đông năm 1950. Lúc đó đồng chí Kê Hoạch là cán bộ tiểu đoàn. Như thế, nếu đúng đồng chí Kế Hoạch hy sinh vì bom của Pháp thì phải được công nhận liệt sĩ. Chúng tôi đã đưa trường hợp này ra hỏi nhiều người trong quá trình đi xác minh nhưng tất cả đều khẳng định đồng chí Kế Hoạch đã chết từ thu - đông năm 1947 tại một con dốc phía nam thị xã Cao Bằng, do bị tai nạn giao thông. Các thông tin mâu thuẫn nhau khiến chúng tôi quyết định phải tìm đến quê đồng chí Kế Hoạch để tìm hiểu cụ thể. Dưới trời mưa tầm tã, cả đoàn đi xe về xã Hồng Việt, huyện Hoà An. Do nước sông Bằng Giang lên to, ô tô không vượt ngầm được, chúng tôi thuê xe máy chở, vượt cầu treo, tìm vào trụ sở UBND xã, nhưng không gặp được ai vì không phải ngày làm việc theo lịch tại Ủy ban. Hỏi dân làng cũng không ai biết nhà ông Kế Hoạch ở đâu. Thật may, chính anh lái xe máy, vốn là bộ đội xuất ngũ, cũng là con của một lão thành cách mạng tại địa phương, lại nhớ ra ở xóm phía sâu trong xã, có một ông “34 chiến sỹ” đã chết từ lâu, nay chỉ còn người con trai út sông ở đó. Do đường nhỏ, lại rất gồ ghề nên chúng tôi phải đi bộ vào, vừa đi vừa hỏi, đến đúng địa chỉ cần tìm. Ông hàng xóm nhà đồng chí Kê Hoạch, tên là Nguyễn Văn Cửu, đã ngoài 70 tuổi, cho biết đồng chí Kế Hoạch mất từ năm 1947, vào khoảng cuối năm. Được mọi người nhắn, đồng chí Linh Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã đã 11 năm, củng tìm đến gặp chúng tôi. Tiếp đó, cả anh Nguyễn Văn Cường - con trai út của đồng chí Kế Hoạch, cũng được đưa đến. Khi chúng tôi hỏi tuổi anh Cường thì anh nói sinh năm 1947, lúc bố mất thì anh vẫn còn trong bụng mẹ. Như thế, có thể khẳng định đồng chí Kê Hoạch mất vào trước thu - đông 1947. Ông Cửu khẳng định là đồng chí Kê Hoạch mất là do tai nạn giao thông. Đồng chí Chủ tịch xã cũng cho biết trong Nhà bia liệt sĩ của xã không có tên đồng chí Kế Hoạch. Đến đây, chúng tôi mới thực sự giải toả được thắc mắc của mình và các cán bộ của sở LĐ-TB-XH tỉnh Cao Bằng cũng có căn cứ xung quanh việc giải quyết chính sách cho gia đình đồng chí Kế Hoạch.


Như vậy, chuyến đi đầu tiên xác minh những nội dung trong thư đề nghị của ông Doanh Hằng đã đạt được kết quả bước đầu. Theo tìm hiểu, xác minh của chúng tôi, cho đến trước khi tấm bia được khắc, có 8/34 đội viên Đội VNTTGPQ là liệt sĩ. nhưng trên bia chỉ thể hiện có 2 trường hợp là Nông Văn Bê (tức Thân) dân tộc Nùng, quê ở xã Hoàng Tung, huyện Hoà An và Hoàng Văn Nhủng (tức Xuân Trường) dân tộc Tày, quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Còn 6 người là liệt sĩ nhưng chưa được khắc chữ liệt sĩ vào bia, đã được làm rõ.


Đó là đồng chí Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ), dân tộc Kinh, quê ở xã Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình - Đội trưởng Đội VNTTGPQ, hy sinh tại chiến trường Trị Thiên-Huế năm 1968. Khi đó, đồng chí Hoàng Sâm mang quân hàm Thiếu tướng.


Người thứ hai là đồng chí Nông Văn Kiếm (tức Liên), dân tộc Tày, quê ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Người anh trai của đồng chí Nông Văn Kiếm là Nông Văn Quang, lão thành cách mạng từ tháng 1-1942, hiện hơn 80 tuổi, sống tại thị trấn huyện Nguyên Bình, cho biết đồng chí Kiếm hy sinh trong trận chiến đấu với quân Pháp năm 1948 tại mặt trận Lào Cai. Đồng chí Kiếm từng là Đội trưởng Đội Tây tiến và là người cùng đơn vị với đồng chí Đàm Quốc Chủng, cũng là đội viên trong Đội VNTTGPQ. Đồng chí Kiếm được truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng Nhì ngày 29-4-1958.


Người thứ ba là đồng chí Ma Văn Phiêu (tức Bắc Hợp, Đường), dân tộc Tày, quê ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, hy sinh ngày 17-5-1945 tại Chợ Rã, Bắc Kạn do bị địch phục kích. Gia đình đồng chí Mạc Văn Phiêu được cấp Bằng Tổ quốc ghi công năm 1959.


Người thứ tư là đồng chí Chu Văn Đế (tức Nam), dân tộc Tày, quê ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình. Đồng chí tham gia đoàn quân Nam tiến, là Trung đội trưởng, hy sinh ngày 30-8-1948 trong trận đánh vào sân bay Vanh Tiên (Kon Tum).


Người thứ năm là đồng chí Ngọc Trình, dân tộc Tày, quê ở xã Bình Long, huyện Hoà An, Cao Bằng. Đồng chí phụ trách đại đội độc lập huyện Văn Lãng, đơn vị này sau đó thuộc Trung đoàn 174, tham gia giúp Quân giải phóng Trung Quốc đánh quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Đồng chí hy sinh vào khoảng tháng 7-1949 tại khu vực thôn Cốc Lùng, gần Ái Khẩu. Hiện mộ phần vẫn còn ở trên đồi Pò Luông (Trung Quốc). Gia đình đồng chí được cấp Bằng Tổ quốc ghi công.


Người thứ 6 là đồng chí Mông Văn Vẩy (tức Mông Phúc Thơ), dân tộc Nùng, quê ở huyện Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí hy sinh năm 1946, tại Phan Thiết. Khi hy sinh, đồng chí là Chi đội trưởng Chi đội 3 Giải phóng quân Nam tiến. Gia đình đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công năm 1959.


Trong số 6 người này, có đồng chí Hoàng Sâm và đồng chí Nông Văn Kiếm đã được ghi là liệt sĩ trong danh sách 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 2-11-1994 để đưa đi khắc vào bia, nhưng có lẽ do sơ suất nên chưa được khắc vào bia.


Trước khi rời Cao Bằng, chúng tôi đã có buổi báo cáo kết quả chuyên đi với đồng chí Tiến sĩ Nông Hồng Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoan nghênh mục đích và những kết quả bước đầu của chúng tôi đồng thời khẳng định nếu có sai sót, thiêu thì phải sửa, bố sung cho đúng với thực tế.


Sau chuyến công tác trở về, đoàn chúng tôi đã báo cáo kêt quả đợt đi xác minh, gặp gõ nhân chứng với lãnh đạo, chỉ huy iện LSQS đồng thời viết bản tường trình gửi đồng chí Chủ nhiệm TCCT, báo cáo những việc đã làm được và kiên nghị với các cơ quan chức năng về việc tạo điều kiện giúp đỡ những cựu đội viên Đội VNTTGPQ còn sống (lúc đó còn 4 - người là Tô Vũ Dâu, Tô Tiến Lực, Bế Bằng và Hà Hưng Long) cũng như gia đình, thân nhân những đội viên đã mất.


Chúng tôi nhận thức rằng kết quả xác minh mới chỉ là bước đầu. Theo danh sách 34 chiến sĩ thì còn rất nhiều việc cần phải tiếp tục làm. Ví dụ, đối với từng đội viên, cần xác minh cụ thể: ngày, tháng, năm sinh, quê quán, dân tộc, ngày tham gia cách mạng, ngày vào Đảng, quá trình công tác cho đến khi xuất ngũ về địa phương hoặc nghỉ hưu, làm gì; mất năm nào, trong hoàn cảnh nào; xác minh lại họ, tên khai sinh và bí danh hoạt động, đã được thưởng huân, huy chương gì; sưu tầm ảnh của từng người nếu có điều kiện; hoàn cảnh gia đình của từng đội viên hiện nay, đã được hưởng chế độ chính sách gì của Đảng, Nhà nước, Quân đội? Đây là công việc hệ trọng, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần làm rõ hơn từng con người cụ thể đã tham gia vào đội quân tiền thân của Quân đội ta. Bởi nếu chỉ đọc danh sách trên bia, chúng ta chỉ biết được 4 yếu tố: họ tên, bí danh, dân tộc, quê quán, như vậy còn rất chung chung. Công việc này, theo chúng tôi, cần phải có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ, với tinh thần trách nhiệm cao của các đồng chí lãnh đạo, thủ trưởng địa phương, cơ quan, đơn vị và các cơ quan chức năng và mỗi người chúng ta, sao cho xứng đáng với đạo lý, truyền thông “Uống nước nhớ nguồn", với danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trăm trận trăm thắng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #67 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2015, 07:41:20 pm »

CHUYẾN ĐI THỨ HAI


Trên cơ sở kết quả chuyến đi đầu tiên, theo sự chỉ đạo của thủ trưởng Viện LSQS. chúng tôi quyết định không chỉ dừng lại ở việc xác minh, trả lời kiến nghị của nhân chứng lịch sử, mà tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn về danh sách 34 cán bộ, chiến sỹ Đội VNTTGPQ, tiến tới có thể viết riêng một cuốn sách về đội quân tiền thân này.
Đây là điều rất cần thiết và có ý nghĩa bởi mấy lẽ:


Thứ nhất, đây là đội quân tiền thân của QĐND Việt Nam mà tổ chức và hoạt động của Đội đã mở đầu truyền thông tốt đẹp của Quân đội ta. Sự ra đời, thành lập của Đội đánh dấu một bước phát triển mới, quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.


Thứ hai, cho đến nay chưa có một công trình khoa học, một cuốn sách nào viết riêng về sự ra đời, quá trình hoạt động, phát triển của Đội cũng như viết cụ thể về từng đội viên trong Đội. Trong khi đó, những thông tin về từng người trong Đội còn khá ít ỏi, sơ lược, có chỗ thiếu và chưa chính xác, thậm chí có nhầm lẫn.


Thứ ba, xuất phát từ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa, về sự tôn vinh đối với những người có công trong sự nghiệp cách mạng; kháng chiến của dân tộc, việc làm rõ quá trình tham gia hoạt động, những đóng góp, hy sinh của 34 cán bộ, chiến sĩ Đội VNTTGPQ, để từ đó có chính sách đãi ngộ thoả đáng những người còn sống, cả với những người đã khuất, là việc làm rất cần thiết, góp phần bồi dưỡng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Trong chuyến đi thứ hai này, vấn đề khó khăn nhất là địa bàn cần phải đi tìm hiểu rất rộng, ở hầu hết các tỉnh Việt Bắc cũ: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Bình, thậm chí cả Lâm Đồng (có một đội viên tên là Tô Tiến Lực, quê ở xã Tam Kim, Nguyên Bình, đã chuyển vào sống với con gái tại thị trấn huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng từ năm 1992). Trong khi đó, thời gian dành cho công việc này không nhiều, vì đây không phải là nhiệm vụ đặt ra thường xuyên theo kế hoạch, vả lại, mỗi người trong đoàn còn có nhiều công việc chuyên môn, quản lý, điều kiện xe, xăng, kinh phí cũng hạn chế. Mặc dầu vậy, mọi việc như xe đã được “cài số”, giờ chỉ còn động tác “nhấn ga” lên đường.


Chuyến đi thứ hai diễn ra liên tục trong suốt 7 ngày (từ 10 đến 16-9-2001), với nhiều điều đáng kể và đã đạt được những kết quả phấn khởi.

Tại Thái Nguyên, chúng tôi lại tìm đến nhà ông Doanh Hằng để hỏi thêm một số chi tiết liên quan đến Đội và những đội viên mà ông biết trực tiếp hoặc nghe kể lại. Mặc dù các sự kiện và con người được đề cập đến đã cách đây hơn nửa thế kỷ, song ngồi nghe ông kể chúng tôi có cảm tưởng như sự việc mới xảy ra cách đây ít năm. Ai nấy đều ghi chép cẩn thận, kèm theo ghi âm và chụp ảnh.


Hôm sau, xe đến Bắc Kạn vào buổi trưa. Do đã nhờ từ trước, đồng chí trung tá Vũ Văn Phong, phụ trách công tác Lịch sử-tổng kết của Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn, đã cung cấp cho chúng tôi một số thông tin ít ỏi về đội viên Hoàng Văn Lường (tức Kính Phát) quê ở xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, mà trong lần đi trước đoàn chưa có dịp tìm hiểu.


Rời Bắc Kạn, cuối buổi chiều hôm đó, chúng tôi lên tới Cao Bằng - địa bàn có đông đội viên Đội VNTTGPQ nhất, ở Cao Bằng, Văn phòng Tỉnh ủy đã bố trí cho đoàn chúng tôi được gặp đồng chí Dương Mạc Thăng - Bí thư Tỉnh ủy (thay đồng chí Nông Hồng Thái nghỉ hưu). Điều thú vị, đồng chí Thăng là con trai của đồng chí Dương Mạc Thạch (tức Xích Thắng, còn có tên là Tân), người Chính trị viên đầu tiên của Đội VNTTGPQ. Cuộc gặp ngoài dự kiến kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Đồng chí Thăng đã cung cấp khá đầy đủ thông tin mà chúng tôi cần về người cha của mình, đồng thời cũng cho biết thêm những thông tin chi tiết về một số đội viên, cũng như góp ý cho đoàn về cách thức đi tìm hiểu sao cho có hiệu quả nhất.


Một vấn đề cần đề cập trước khi viết về những ngày đi tìm theo danh sách Đội tại Cao Bằng là chúng tôi đã đến các cơ quan có liên quan như sở LĐ-TB-XH, Ban Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Cao Bằng, Ban sử của Bộ CHQS tỉnh, rồi sau đó xuống các huyện Nguyên Bình, Hoà An, Hà Quảng..., nhưng thông tin về những đội viên này hầu như không có, chỉ trừ những người đã được công nhận liệt sĩ hoặc đã làm hồ sơ để được hưởng số tiền hỗ trợ người có công với cách mạng theo Quyết định 20/TTg, ngày 3-2-2000 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, chỉ còn cách tìm đến tận nơi quê quán của từng người trong danh sách để hỏi gia đình, họ hàng hoặc chính quyền địa phương.


Tiếp tục chuyến đi thứ hai, từ sáng sớm, xe chúng tôi nhằm hướng huyện Nguyên Bình - nơi có Nhà bia khắc danh sách 34 cán bộ, chiến sỹ Đội VNTTGPQ, đặt tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc xã Tam Kim. Trên địa bàn huyện Nguyên Bình có 8 người cần tìm hiểu, tập trung ở xã Tam Kim (3 người) và xã Minh Tâm (5 người). Đoạn đường khoảng 45 km từ thị xã Cao Bằng, cụ thể hơn là 37 km từ quốc lộ số 3, phía nam thị xã Cao Bằng, đến thị trấn huyện lỵ Nguyên Bình rất khó đi, do đường xẻ vào núi đất nên cứ mưa to là đất từ trên vách núi lại lở xuống, đường rất trơn. Chiếc xe U-oát khá tốt do anh Tráng - một "tay lái lụa" trên đường Trường Sơn năm nào, cũng phải “bò” mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới. Đây là lần thứ 2 chúng tôi vào Nguyên Bình. Lần trước là cuối năm 1999, khi đó trời khô, bụi đỏ mù mịt; lần này trời mưa nhỏ, không bụi, nhưng rất trơn. Anh Tùng ngồi ghế sau luôn nhắc lái xe đi sát vào vách núi vì lo trơn trượt, lo lở đường, xe sẽ lăn xuống vực sâu.


Vào UBND huyện, chúng tôi tìm gặp chị Nông Thị Nghĩa - một người quen từ trước. Thật tiếc khi nghe chị Chủ tịch cho biết: đã yêu cầu Phòng LĐ-TB-XH và Ban Tổ chức huyện ủy tìm rác nhân vật theo đề nghị của chúng tôi, song không có kết quả gì. Lúc này đã hơn 10 giờ trưa, chúng tôi quyết định đi thẳng vào Tam Kim để tranh thủ thời gian. Đoạn đường từ thị trấn huyện vào đến trụ sở UBND xã Tam Kim chừng 20 km. Năm 1994, đoạn đường này đã được đầu tư mở mang, sửa chữa và rải nhựa, mặc dầu vậy, nhiều đoạn đã bong hết nhựa, tạo ra các ổ gà khá to. Tại UBND xã, chúng tôi may mắn gặp được tất cả các anh trong Đảng ủy, UBND, do hôm đó có cuộc họp chung. Các anh nghe chúng tôi kể sơ bộ quá trình đi tìm hiểu về Đội VNTTGPQ và yêu cầu nhờ người dẫn đường, đã cử ngay đồng chí Xã đội trưởng dẫn đoàn đi. Trước đó, trong lúc gặp gỡ, chúng tôi được biết anh Tô Đình Hải - Chủ tịch UBND xã Tam Kim, là cháu gọi ông Tô Văn cắm (tức Tô Tiến Lực) là chú ruột. Anh Hải đính chính lại tên đệm của ông Cắm là Tô Đình Cắm chứ không phải như trong bia khắc là Tô Văn Cắm.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #68 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2015, 07:42:12 pm »

Lúc này đã hơn 11 giờ trưa, trời nắng chang chang, xe ô tô chỉ đi được hơn 1 km nữa là hết đường to. Chúng tôi xuống đi bộ, vượt qua các thửa ruộng đang gặt. qua suối, đi chừng hơn 2 km thì đến được nhà ông Đặng Dần Quý. Trên đường đi, đồng chí Xã đội trưởng cho biết xã Tam Kim rất rộng, có tới 22 xóm (còn gọi là bản), nếu đi bộ đến tất cả các bản để mời đại diện ra Ủy ban xã họp cũng phải mất 2 ngày, nhà ông Quý thuộc loại gần nhất. Nhà bà Đặng Thị Hầu (sinh năm 1925) vợ của ông Quý, ở ngay dưới chân núi. Lúc đó bà còn đang đi gặt. Nghe tin có các anh bộ đội ở Hà Nội lên tìm hỏi ông Quý, bà tất tả chạy về và gọi con cái, họ hàng đến đầy chật cả nhà. Anh con rể bà Hầu, vốn là bộ đội phục viên nói đây là lần đầu tiên gia đình được đón "khách của bác Giáp" đến thăm, cứ một hai giữ chúng tôi ở lại ăn cơm. Sự chân thật, nhiệt tình của gia đình người dân tộc Dao Tiền còn quá nghèo này khiến chúng tôi cảm động và không khỏi chạnh lòng. Trong nhà không có được một chiếc bàn gọi là, ghê thì bằng các đoạn tre ghép lại. Anh Đặng Văn Tháng - con trai út của ông Quý, kể: "Em đang đi học Trường Sỹ quan Lục quân ở Sơn Tây thì buộc phải bỏ, vì nếu không về thì ở nhà mẹ và vợ con em chết đói. Từ ngày hạ sơn (xuống núi), xuống dựng nhà ở đây, gia đình em mới thoát đói được 2, 3 năm nay thôi". Chúng tôi hỏi vui: mời bộ đội Hà Nội ở lại ăn cơm thì cho ăn cái gì nào? Cả nhà bà Hầu tranh nhau nói: có rượu, thịt gà, rau, gạo mới gặt, tất cả đều do nhà nuôi, trồng làm ra, chỉ sợ bộ đội chê nghèo không ăn thôi. Khi hỏi về ông Quý, bà Hầu cho biết ông tên là Đặng Tuần Quý (bia khắc là Dần Quý), mất năm 1991, gia đình chưa được hưởng chế độ chính sách gì. Chúng tôi hỏi xin hoặc chụp lại ảnh của ông Quý, nhưng không có ảnh, trong nhà cũng không có bàn thờ. Trước khi chia tay, anh Trần Long - thành viên của đoàn, chụp cho gia đình mấy kiểu ảnh và hứa sẽ đề đạt với huyện, tỉnh về trường hợp của ông Quý, người Dao Tiền duy nhất trong số 34 cán bộ, chiến sĩ Đội VNTTGPQ. Dọc đường trở ra xe, ai cũng cảm thấy áy náy về gia cảnh nhà ông Quý, bởi được biết con cái trong gia đình cũng đã có lần lên huyện hỏi về chế độ chính sách, nhưng khi cơ quan chức năng yêu cầu phải có giấy tờ để làm cơ sở giải quyết thì họ đành chịu vì không biêt phải làm như thê nào, phải bắt đầu từ đâu.


Tạm biệt đồng chí Xã đội trưởng trẻ trung, nhiệt tình, chúng tôi phóng xe ra huyện. Xe ra đến thị trấn đã hơn 1 giờ chiều. Thật là cảm động khi thấy đồng chí Phó văn phòng UBND huyện vẫn kiên trì chờ cơm. Sau khi ăn trưa, đồng chí Phó văn phòng dẫn chúng tôi đến nhà cụ Nông Văn Quang - lão thành cách mạng, anh trai của ông Nông Văn Kiếm (tức Liên) một trong 34 chiến sĩ của Đội. Điều thú vị, theo cụ Quang kể, là cả ba anh em Quang, Kiếm và Nông Văn Xửng, đều tham gia cách mạng cùng một ngày trong tháng 1-1942, tại làng An Mã, xã Tam Kim. Đến khi chuẩn bị thành lập Đội VNTTGPQ, cả ba anh em đều muốn tham gia nhưng đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) nói chỉ được một người thôi, nên đã nhường cho Kiếm vào. Tuy còn minh mẫn, nhưng cụ Quang cũng không giúp chúng tôi biết được thêm nhiều thông tin về người em trai của mình, bởi theo cụ, sau khi vào Đội VNTTGPQ, ông Kiếm đi hoạt động ở địa bàn khác và hy sinh. Rời nhà cụ Quang, đồng chí Phó văn phòng dẫn chúng tôi đến nhà anh Ma Văn Dực - trung tá, Phó chỉ huy trưởng công an huyện Nguyên Bình, là cháu gọi ông Ma Văn Phiêu bằng ông. Ông Phiêu (tức Bắc Hợp, còn gọi là Đội Đường) họ Ma, nhưng khi lấy vợ, theo phong tục người Tày, lấy theo họ vợ là Mạc (trên bia khắc họ Ma). Những thông tin ít ỏi về người ông ngoại hy sinh từ tháng 5-1945, mà anh Dực cung cấp, đã giúp chúng tôi tìm về xã Minh Tâm. Đã hơn 4 giờ chiều, từ đường liên huyện vào xã khoảng 3 km, rất khó đi, vừa đi vừa hỏi đường. Do đi nhiều nên chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm là đi đến đâu hễ thấy ở trên nóc nhà nào có cắm cờ thì y như rằng đó là trụ sở UBND xã. Các phòng của ngôi nhà UBND xã Minh Tâm đều khoá. Mọi người tỏa đi hỏi thăm, người thì đi tìm nhà bia liệt sĩ của xã. Thật may, chúng tôi hỏi thăm đúng đồng chí Chủ tịch UBND xã, tên là Dương Ma Duy. Lúc đó anh Duy đang lúi húi, chằng buộc hàng trên xe máy để chuẩn bị về nhà. Sau khi biết nội dung công việc của đoàn, anh Duy cất xe máy, lên ô tô đưa chúng tôi tới các địa chi cần tìm.


Như đã viết ở phần trên, có 5 đội viên quê ở xã Minh Tâm. Ngoài trường hợp Chính trị viên Dương Mạc Thạch (Xích Thắng) đã được đồng chí Dương Mạc Thăng cung cấp, trường hợp đội viên Hồng Cô (dân tộc Mông), ở Lũng Dẻ (nay không có người ở) không hề có tin tức, chúng tôi đã gặp được bà Trương Thị Lành - con dâu của đội viên Trương Đắc (tức Đồng). Bà Lành đem ra tờ giấy có ghi vắn tắt quá trình hoạt động của ông bố chồng (chồng bà Lành đã mất), và đưa cho chúng tôi tấm ảnh đã ố (giống như ảnh tô vẽ lại, chân dung đội viên Trương Đắc), để chụp lại đồng thời cung cấp địa chỉ của hai anh Trương Nam Kháng, Trương Nam Chiến (con bà vợ hai của ông Đắc) hiện công tác tại HĐND, UBND huyện Phú Lương.


Tiếp đó, anh Duy dẫn chúng tôi đi tìm được bà Mạc Thị Diệm, năm nay đã 70 tuổi, là con gái của ông Mạc Văn Phiêu. Tuy nhiên, bà Diệm cũng không nhớ được nhiều về những điều chúng tôi cần biết. Còn trường hợp của đội viên Chu Văn Đế, các   anh   ở    xã không biết gì hơn, nên chúng tôi, theo chỉ dẫn của đồng chí Dương Mạc Thăng, đã tìm hẹn gặp anh Chu Nâu, công tác tại Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy, là cháu gọi đội viên Chu Văn Đế là chú ruột, để hỏi.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #69 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2015, 07:43:12 pm »

Sáng sớm hôm sau (13-9), đoàn tiếp tục nhằm hướng hai huyện Hoà An, Hà Quảng. Mọi người đều xác định đây là ngày sẽ rất vất vả. Các đội viên ở tại địa bàn 2 huyện này rất đông, tới 15 người, riêng Hoà An có 10 - nên phải tách đoàn làm hai: anh Long, Tùng phụ trách địa bàn Hoà An; anh Hà, anh Tráng đi Hà Quảng. Xe đến thị trấn Nước Hai, chúng tôi rẽ vào Ban CHQS huyện Hoà An. Đề nghị cử một người dẫn đường đi cùng. Đúng sáng hôm đó, Ban CHQS huyện có cuộc họp, nhưng vẫn bố trí đồng chí thiếu tá, Chủ nhiệm chính trị huyện đội và một đồng chí trợ lý dân vận, dùng 2 xe máy chở anh Long, anh Tùng đi xuống các xã của Hoà An để xác minh. Vì huyện Hà Quảng ở xa hơn nên bộ phận đi Hà Quảng được ưu tiên ô tô.


Tới trụ sở Ban CHQS Hà Quảng, do lúc đó đang có cuộc họp quan trọng nên các anh ở Ban CHQS huyện không giúp được gì cho chúng tôi. Vì thế sau khi rời Ban CHQS Hà Quảng; chúng tôi quyết định trước tiên sẽ tìm đến xã xa nhất của huyện, sau đó sẽ tính. Đó là xã Trường Hà, nơi có xóm Pác Bó, là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của thiếu úy Thi Văn Tường - Đội trưởng tổ công tác biên phòng Trường Hà, chúng tôi tìm gặp được anh Lý A Soòng - thiếu tá, nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Hà Quảng, đã về nghỉ từ năm 1995, nay là Chủ tịch UBND xã khoá thứ hai. Sau khi xem danh sách, quê quán 34 chiến sĩ của Đội VNTTGPQ, anh Soòng khẳng định ở xã Trường Hà chỉ có 2 người là Dương Đại Long và La Thanh, không có đội viên tên là Thế Hậu. Mặc dù đã trưa, anh Soòng vẫn vui vẻ lên xe dẫn chúng tôi tới nhà ông Hoàng Văn Phẳn, tham gia cách mạng từ năm 1940, ở thôn Nà Mạ. cùng quê với Kim Đồng. Ông Phẳn cũng khẳng định Thế Hậu không phải ở Trường Hà, có thể ở xã Đào Ngạn hoặc Xuân Hoà. Gác lại trường hợp đội viên Thế Hậu, anh Soòng dẫn chúng tôi đến nhà anh Dương Chí Cường - con trai đội viên Dương Đại Long. Song rất tiếc là không gặp được vì lúc đó anh Cương đang làm nhiệm vụ quản lý thị trường ở huyện lỵ Hà Quảng, cách nhà hơn 10 km. Không may, khi chúng tôi xuống thị trấn Hà Quảng tìm thì anh Cường lại đã trở về Trường Hà.


Anh Soòng, một người vui tính, dẫn chúng tôi vào nhà vợ của đội viên La Thanh, hiện đang ở tại thị trấn. Bà Hoàng Thị Hoa - vợ của đội viên La Thanh, tham gia cách mạng từ nàm 1940, còn khoẻ mạnh, minh mẫn, hiện ở cùng với con trai trong ngôi nhà mới xây, gần Huyện ủy, UBND huyện. Bà Hoa cho biết, bà dùng một phần số tiền được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho lão thành cách mạng, mà bà đã được nhận, cùng con trai xây căn nhà mới này. Bà cho biết, ngôi nhà cũ của vợ chồng bà tại xóm Pác Bó chính là nơi đã được đón Bác Hồ, sau 30 năm bôn ba hoạt động từ nước ngoài trở về Tổ quốc vào cuối tháng 1 năm 1941. Bác Hồ đã ở lại nhà bà trong 3 ngày đầu tiên sau khi về nước. Đây cũng là địa điểm đón tiếp các cán bộ đến tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941). Nhà bà và con trai mở hàng cơm nên chúng tôi đã ăn trưa luôn tại đó, vừa ăn, vừa nghe bà kể về quá trình hoạt động của chồng. Sau đó, bà dẫn chúng tôi sang ngôi nhà cũ kỹ ở bên cạnh, nơi vẫn còn treo ảnh của đội viên La Thanh chụp khi còn rất trẻ, cho phép chúng tôi dùng thang trèo lên gỡ ảnh mang xuống để chụp lại. Câu chuyện của bà kể cũng giúp thêm những hiểu biết xung quanh việc Bác Hồ về nước và thời gian Người ở và làm việc tại hang Pác Bó, vì bà là một trong ba phụ nữ của Pác Bó, có vinh dự được hàng ngày nấu cơm tiếp tế lên hang Pác Bó cho Bác Hồ và các đồng chí phục vụ. Xin dừng lại nói thêm về vấn đề này. Ba người phụ nữ dân tộc Nùng là Hoàng Thị Sấn (dân tộc Nùng) được Bác Hồ đặt tên là Nga, Hoàng Thị Cần được đặt tên là Hoa và Hoàng Thị Sáng - vợ đồng chí Lê Quảng Ba, được đặt tên là Đào. Bác giải thích: đặt tên Nga là để nhớ nước Nga, đặt tên Hoa là do Bác từ Trung Quốc về nước, còn Đào là mong muốn cuộc sống tươi sáng mãi. Hiện nay, tại ngôi nhà cũ của vợ chồng đội viên La Thanh chỉ còn lại nền đất, do Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng quản lý và dựng tấm bia với nội dung: "Nơi đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ba miền Bắc – Trung - Nam". Đối với trường hợp đội viên Thế Hậu, bà Hoa cho biết chắc chắn ông Hậu quê ở Đào Ngạn chứ không phải ở Trường Hà như trong bia đã khắc. Còn trường hợp đội viên Nông Văn Ích, trong bia chỉ ghi quê quán là Hà Quảng, Cao Bằng, thì bà Hoa cũng không biết gì thêm.


Tạm biệt gia đình đội viên La Thanh, chúng tôi nhờ anh Soòng dẫn vào trụ sở Huyện ủy huyện Hà Quảng để hỏi tin tức về đội viên Nông Văn Ích và cả đội viên Hồng Cô (có người mách là đã chuyển về Hà Quảng từ lâu). Tuy nhiên, các anh Lý Văn Tiến - người phụ trách theo dõi số cán bộ hoạt động lâu năm của Ban Tổ chức, anh Hoàng Chí Cốt - người Mông, công tác tại Ban Dân vận Huyện ủy, con ông Vần Dùng, lão thành cách mạng, được đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng ngôi nhà tình nghĩa ở ngay thị trấn huyện, sau khi lục tìm trong sổ sách, cũng lắc đầu không biết gì hơn về hai đội viên này.


Tiếp tục hành trình, "liên lạc viên" Lý A Soòng, như anh vui vẻ tụ nhận, lại dẫn chúng tôi đến xã Sóc Hà, quê hương của đội viên Hoàng Văn Nhủng (tức Xuân Trường), hy sinh trong trận đánh đồn Đồng Mu (thuộc huyện Bảo Lạc - Cao Bằng) đầu tháng 2-1945. Đây là trận đánh thứ ba của Đội VNTTGPQ (lúc này đã phát triển thành đại đội). Tại UBND xã, anh Hà Hàm, vốn là bộ đội phục viên, hiện là Chủ tịch UBND xã 5 khoá liên tiếp, tự hào cho biết Sóc Hà còn là quê hương của các vị tướng nổi danh như Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung, là xã quản lý 6, 7 km đường biên giáp giới Trung Quốc. Một lần nữa, lại đích thân Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đến nhà em gái của đội viên Xuân Trường. Thật không may, người em gái cũng đã trên 80 tuổi, đã phải vào viện cấp cứu vì bệnh tim 2 ngày trước đó. Con trai bà, gọi Xuân Trường bằng bác ruột, tên là Hoàng Ngọc Hỏa, 49 tuổi, cũng không cung cấp được chi tiết nào về ông bởi lúc Xuân Trường hy sinh, anh Hỏa cũng vừa mới chào đời. Ngay cả ảnh, hoặc bức truyền thần chân dung của ông cũng không có.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM