Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:15:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân  (Đọc 56081 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #50 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2015, 06:53:47 pm »

HOÀNG VĂN LƯỜNG (1922 -1996)

Họ và tên: Hoàng Văn Lường
Bí danh: Kính Phát
Ngày tháng năm sinh: 5-5-1922
Quê quán: Đức Vân - Ngân Sơn - Bắc Kạn
Trú quán: Đơn Tuấn - Huyền Tụng - thị xã Bắc Kạn
Dân tộc: Nùng.


Đầu năm 1943, Chợ Rã và Ngân Sơn được thực dân Pháp liệt vào danh sách “Trung tâm huấn luyện Việt Minh”. Con đường "Nam tiến" đi qua đây bị phong toả gắt gao và nhân dân bị khủng bố nặng nề. Gia đình Hoàng Văn Lường là một cơ sở bí mật, người anh của ông là Hoàng Thanh Bảo, là thành viên của tổ chức Việt Minh liên xã. Một ngày đầu tháng 4-1944, trong khi đồng chí Xích Thắng cùng một số cán bộ đang ẩn náu hoạt động trong nhà của Hoàng Văn Lường thì bị bọn phản bội đưa quân Pháp đến bao vây. Đồng chí Xích Thắng chạy thoát, một số đồng chí khác bị địch bắn chết. Trong bối cảnh đó, ba bố con Hoàng Văn Lường phải bỏ nhà lánh vào rừng. Hoàng Văn Lường bắt đầu đi theo cách mạng từ đó.


Sau một thời gian “mai danh, ẩn tích” bí mật hoạt động, tích cực tham gia củng cố và xây dựng cơ sở, tháng 5-1944, Hoàng Văn Lường chính thức gia nhập tổ xung phong Nam tiến của huyện Ngân Sơn.

Khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, Hoàng Văn Lường là một trong ba đại diện của các tổ chức vũ trang huyện Ngân Sơn có mặt trong buổi lễ tuyên thệ của Đội chiều ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo.

Sau khi tham gia các trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần và Đồng Mu, Hoàng Văn Lường trở về tiếp tục hoạt động vũ trang tuyên truyền ở Ngân Sơn. Tháng 11-1945, trong khi nhiều người   trong   các chi đội Việt Nam Giải phóng quân đi “Nam tiến”, “Tây tiến” thì Hoàng Văn Lường lại rời quân ngũ trở về quê. Thu đông nấm 1947, quân Pháp đánh lên Việt Bắc, qua sự giới thiệu của đồng chí Dương Mạc Thạch, Hoàng Văn Lường được gọi ra làm liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Bắc Kạn.

Tháng 2-1951, ông về nghỉ ở xóm Đơn Tuấn, xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn.

Trong    kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Văn Lường nhiều năm làm tiểu đội trưởng dân quân của xã và được kết nạp vào Đảng ngày 10-6-1966.

Hoàng   Văn    Lường    có    năm người con, trong đó có một con là liệt sĩ. Ông mất tại quê năm 1996 do tuổi cao sức yếu.

Hoàng Văn Lường đã được tặng thưởng:
- Bằng có công với nước;
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #51 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2015, 06:54:24 pm »

HẦU A LÝ (1912 -1952)

Họ và tên: Hầu A Lý
Bí danh: Hồng Cô
Ngày tháng năm sinh: 1912
Quê quán: Minh Tâm - Nguyên Bình - Cao Bằng
Trú quán: Bình Long - Hoà An - Cao Bằng
Dân tộc: Mông.


Trong thành phần tham dự buổi lễ tuyên thệ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân có một người Mông duy nhất - đó là Hồng Cô (gia đình còn gọi là Hồng Cu). Cái tên Hồng Cô dường như ai cũng biết và ai cũng nhớ - từ người “Anh cả” Võ Nguyên Giáp cho đến các đội viên và kể cả các cơ quan làm công tác chính sách sau này. Duy chỉ có một điều là từ sau trận Đồng Mu (đầu năm 1945) cho đến nay Hồng Cô làm gì? Ở đâu thì ít ai được biết. Cơ quan chính sách ở Cao Bằng và các cơ quan chức năng như Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân đã cố gắng để nắm lại những thông tin về ông nhưng quả là ít ỏi, chưa đủ để làm cơ sở đề nghị giải quyết chính sách cho gia đình ông theo quy định hiện hành. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay gia đình Hồng Cô vẫn chưa được thụ hưởng quyền lợi chính sách gì.


Vợ của ông hiện vẫn sông ở Bình Long, Hòa An, Cao Bằng; còn hai người con trai: Hầu Văn Thè sống ở Bảo Lạc Cao Bằng và Hầu Văn Tu sống ở Bắc Sơn - Lạng Sơn.

Theo một số đồng đội của Hồng Cô kể lại thì năm 1940, được các đồng chí Dương Mạc Thạch và Bình Dương giác ngộ, Hồng Cô bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Là người dân tộc Mông, Hồng Cô luôn được cấp trên tin tưởng giao cho làm công tác bảo vệ. Năm 1942, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Lũng Dẻ, chính Hồng Cô là người canh gác cho Người trong suốt thời gian Người ở đây.


Tháng 12-1944, sau khi dự lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Hồng Cô tham gia cả ba trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu.

Năm 1952, Hồng Cô về nhà chữa bệnh ở Lũng Vầy, Hồng Việt, Hoà An, Cao Bằng; sau đó chuyển đến xã Bình Long - Hoà An và mất tại đó tháng 9-1952.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #52 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2015, 06:55:36 pm »

Liệt sỹ LONG VĂN MẦN (1928 -1949)

Họ và tên: Long Văn Mần
Bí danh: Ngọc Trình
Ngày tháng năm sinh: 1928
Quê quán: Bình Long - Hoà An - Cao Bằng
Trú quán: Na Sầm - Văn Lãng - Lạng Sơn
Dân tộc: Nùng.


Trong số 34 chiến sĩ có mặt trong buổi lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thì Ngọc Trình là người trẻ nhất Đội. Là con thứ hai và là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân nghèo có ba chị em; mới 15 tuổi đầu Long Văn Mần đã rời gia đình đi theo cách mạng. Lần ra đi đó cũng là lần cuối cùng bởi không bao giờ Long Văn Mần được trở về bản Séng quê ông nữa. Những dòng thông tin về Long Văn Mần, do đó, cũng thật ít ỏi. Bà Long Thị Nhoi - người chị gái còn sống duy nhất của ông chỉ biết rằng Long Văn Mần trốn lên rừng Lục Khu và đã đổi tên là Long Ngọc Trình, còn không nắm được gì hơn về chặng đường hoạt động của em trai mình.


Tháng 12-1944, sau khi dự lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và tham gia đánh Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu, Ngọc Trình theo Đội "Nam tiến" xuống hoạt động ở Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông... Giữa năm 1945 Ngọc Trình lại lật cánh theo nhóm “Đông tiến” sang hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung thuộc huyện Văn Lãng - Lạng Sơn.


Đầu năm 1945, tại xã Hoàng Việt, khu vực gần các đồn Chè Cáy và Na Sầm, người dân ở đây thấy xuất hiện một chàng thanh niên thấp bé, da đen, dáng dấp linh hoạt, mặc bộ quần áo vải chàm cổ đứng 3 túi, 7 cúc, ông quần rộng thùng thình, lúc nào cũng giắt kè kè khẩu súng bên hông. Chàng “thanh niên lạ mặt” đó chả mấy lúc đã làm quen và chiếm được cảm tình của hầu hết đám thanh niên và bà con địa phương. Sau khi cùng với mấy người nữa đánh chiếm được đồn Chè Cáy mà không phải tốn một viên đạn, chàng thanh niên đó cưới ngay một cô gái “hoa khôi” của bản Nà Khai (Hoàng Việt) tên là Hà Thị Dìu làm vợ. Lúc này mọi người mới biết chàng trai Nùng đó tên là Long Ngọc Trình - một cán bộ Việt Minh xông xáo và gan dạ có tiếng.


Tháng 8-1945, Ngọc Trình tham gia cướp chính quyền ở Lạng Sơn. Sau đó, Ngọc Trình phụ trách đại đội độc lập huyện Văn Lãng. Đơn vị này sau đó thuộc biên chế của Trung đoàn 174.

Năm 1949, ông tham gia vào lực lượng sang giúp cách mạng Trung Quốc ở khu Thập Vạn Đại Sơn. Tháng 7 năm đó, Ngọc Trình đã anh dũng hy sinh khi chưa kịp nhìn mặt cậu con trai đầu lòng, Long Văn Đăm, khi đó vẫn còn trong bụng mẹ.


Hiện nay phần mộ của Ngọc Trình vẫn nằm trên đồi Pò Luông (Ái Khẩu - Quảng Tây - Trung Quốc).

Ngày 23-11-1956, Ngọc Trình đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và ngày 29-4-1958 được truy tặng Huy chương Chiến thắng hạng Nhất. Gia đình ông được tặng Bằng Tổ quốc ghi công.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #53 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2015, 09:09:50 pm »

LÂM CẨM NHƯ (1920 -1979)


Họ và tên: Lâm Kính
Bí danh: Lâm Cẩm Như
Ngày tháng năm sinh: 1920
Quê quán: Đông Khê - Thạch An - Cao Bằng
Trú quán: Phòng 101, E8, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội
Dân tộc: Kinh.


Sinh ra ở Trung Quốc, năm 1932, mới 12 tuổi đầu, Lâm Kính cùng với mẹ đã được chú Năm (tức Hoàng Văn Thụ) giao nhiệm vụ làm giao liên đón tiếp các đồng chí cán bộ cách mạng từ trong nước sang. Cha, mẹ của Lâm Kính đều người Việt Nam, họ vốn là nghĩa quân theo cụ Tán Thuật (Nguyễn Thiện Thuật) từ Hưng Yên dạt qua Trung Quốc sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Lâm Kính lớn lên không biết mặt cha, hai mẹ con tần tảo nuôi nhau nơi đất khách quê người.


Đầu năm 1933, hai mẹ con được đồng chí Hoàng Văn Thụ giới thiệu sang Nam Ninh làm công nhân tại nhà máy cơ khí Nam Hưng - một “trạm giao liên” cách mạng do ông Bùi Ngọc Thành tổ chức.

Tại đây, vào năm 1934, sau cuộc tiếp xúc với đồng chí Lê Hồng Phong, Lâm Kính chính thức trở thành giao liên cho Văn phòng của các đồng chí Hà Huy Tập và Phùng Chí Kiên tại Nam Ninh. Nhiệm vụ chính của ông lúc này là vận chuyển tài liệu, công văn qua lại trên tuyến Ma Cao - Hồng Công.

Mùa hè năm 1935, cả hai mẹ con Lâm Kính đều được vinh dự tham gia tổ chức Đại hội đại biểu Đảng lần thứ nhất tại Ma Cao.

Khi cơ quan chuyển về bán đảo cửu Long thì Lâm Kính được đồng chí Hà Huy Tập giới thiệu vào làm công nhân xưởng in của tờ báo Đại chúng.

Sau khi các đồng chí Hà Huy Tập và Phùng Chí Kiên về nước, Lâm Kính vẫn tích cực hoạt động và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó, ông được giới thiệu về Quảng Tây tham gia lãnh đạo phong trào Quảng Tây học sinh quân.


Tuy vậy, trong thời gian này Lâm Kính vẫn ngày đêm mong ngóng, trăn trở nhớ về cố hương. Cho mãi đến đầu năm 1940 ông bắt liên lạc được với đồng chí Ngô Quốc Bình (tức Hoàng Văn Thái) và hai mẹ con lại được tổ chức giao cho đặt một trạm liên lạc ở Nam Ninh.


Mùa xuân 1944, Lâm Kính cùng với một số lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trung Quốc về nước và ngày 22-12-1944, qua sự giới thiệu của đồng chí Ngô Quốc Bình, ông được tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.


Lâm Kính đã cùng với Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tham gia các trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu... và tích cực gây dựng cơ sở chính trị ở càn cứ địa Việt Bắc. Sau khi các tổ chức vũ trang như Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân... thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân, Lâm Kính được điều về phụ trách Đội du kích Chợ Chu. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông chỉ huy Chi đội 4 Việt Nam Giải phóng quân về tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội; sau đó giữ chức Chủ tịch ủy ban Bảo vệ thành phố Hà Nội. Thời gian này, Lâm Kính còn là một nhân vật rất quan trọng luôn được ta cử đi tiếp xúc, thương thuyết và đấu tranh với quân Quốc dân đảng Trung Quốc đang gây rối nhiều nơi tại Hà Nội.


Đầu năm 1946, Lâm Kính lên đường đi Nam tiến. Vào đến Khánh Hoà, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng miền Nam Trung Bộ. Đầu năm 1947, Lâm Kính lại được trên điều ra làm Tham mưu trưởng Khu 2.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Lâm Kính đã từng trải qua các cương vị chỉ huy ở nhiều đại đoàn chủ lực: Tham mưu trưởng Đại đoàn 308 (1949-1951), Tham mưu trưởng Đại đoàn 312 (1951-1953), Tư lệnh phó Đại đoàn 304 (1953-1955).


Cuối năm 1955, Lâm Kính được cử đi học tại Học viện Quân sự Nam Ninh - Trung Quốc. Trở về nước, ông say sưa gắn bó với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, huấn luyện trong các nhà trường quân đội. Tháng 10-1957, ông làm Hiệu trưởng Trường Văn hoá quân đội. Cuối năm 1964, làm Hiệu phó Trường Cán bộ chính trị quân đội. Tháng 3-1966, Lâm Kính được bổ nhiệm làm Phó giám đốc kiêm Cục trưởng Cục Quân sự, Học viện Chính trị Quân sự và từ năm 1976 là Phó giám đốc học viện này.


Mùa hè năm 1979, đại tá Lâm Kính đã trút hơi thở cuối cùng ngay bên bàn làm việc do một cơn đau tim.

Ông đã được tặng thưởng:
Huân chương Độc lập hạng Nhì;
Huân chương Kháng chiến hạng Nhất;
Huân chương Quân công hạng Nhất.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #54 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2015, 09:13:19 pm »

Liệt sỹ HOÀNG VĂN NHỦNG (? -1945)


Họ và tên: Hoàng Văn Nhủng
Bí danh: Xuân Trường
Quê quán: Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng
Dân tộc: Tày.


Năm 1936, khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển, lan rộng đến tận vùng núi cao của châu Hà Quảng thì Hoàng Văn Nhủng cũng bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Suốt từ đó cho đến nàm 1940, với bí danh là Xuân Trường, từ một liên lạc viên, ông đã trở thành một cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong phong trào thanh niên phản đế của châu Hà Quảng.


Giữa năm 1940, cùng với một số cán bộ tiêu biểu của Cao Bằng, Xuân Trường được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc. Đầu năm 1944, Xuân Trường về nước và hoạt động chủ yếu ở vùng Lục Khu - Hà Quảng.

Ngày 22-12-1944, Xuân Trường là một trong số những đội viên vũ trang xuất sắc của châu Hà Quảng được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Sau hai trận Phai Khắt, Nà Ngần giành thắng lợi giòn giã, Tiểu đội trưởng Xuân Trường cùng với anh em trong Đội hành quân về Lũng Dẻ củng cố lực lượng rồi hành quản lên đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc). Tại đây, trận đánh diễn ra không như dự kiên. Do bị lộ, địch đã chuẩn bị đối phó. Tiểu đội trưởng Xuân Trường đã anh dũng hy sinh vào ngày 4-2-1945.


Xuân Trường trở thành người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ và chưa lập gia đình.

Tên Xuân Trường đã được đặt cho bản Đồng Mu ở huyện Bảo Lạc và đặt cho con đường dài 19.2 km từ Lũng Phán về Đồng Mu để ghi nhớ công lao của ông.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #55 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2015, 09:15:28 pm »

HOÀNG VĂN NÌNH (1919 -1996)


Họ và tên: Hoàng Văn Nình
Bí danh: Thái Sơn
Ngày   tháng năm sinh: 1919
Quê quán: Thượng An - Ngân Sơn - Bắc Kạn
Trú quán: Phường Hoàng Văn Thụ - thị xã Bắc Giang
Dân tộc: Nùng.


Hoàng Văn Nình đến với cách mạng trong một hoàn cảnh rất tình cờ. Ông nguyên là lính khố đỏ đóng ở Đồng Đăng, Lạng Sơn. Trong một lần về thăm nhà. Hoàng Văn Nình cùng người anh là Hoàng Văn An và em gái là Hoàng Thị Mỳ được đồng chí Võ Nguyên Giáp (lúc này đang ở Ngân Sơn) giác ngộ. Cả ba anh em nhà họ Hoàng bắt đầu tham gia hoạt động từ đó. Cuối tháng 10-1943, Hoàng Văn Nình được giao làm Đội trưởng tự vệ chiến đấu. Để che mắt địch, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đặt cho Hoàng Văn Ninh bí danh là Thái Sơn.


Đầu năm 1944, bọn địch ở Ngân Sơn phát hiện ra “Việt Minh nằm vùng nguy hiểm" bèn tổ chức bao vây nhà Thái Sơn, nhưng ông đã nhanh trí chạy thoát.

Tháng 5-1944, đội vũ trang thoát ly Ngân Sòn được thành lập. Thái Sơn được cử làm Đội trưởng. Ngày 22-12-1944, ông là một trong số ba người được đội vũ trang thoát ly Ngân Sơn giới thiệu vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Sau khi tham gia 3 trận Phai Khắt - Nà Ngần và Đồng Mu, Thái Sơn đi cùng một tổ “Nam tiến” xuống vùng Bắc Kạn, Thái Nguyên.


Ngày 23-9-1945, tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ. Theo tiếng gọi "sơn hà nguy biến”, tháng 10-1945, Thái Sơn có mặt trong Chi đội Giải phóng quân đầu tiên lên đường Nam tiến. Đầu năm 1946, Chi đội của ông vào đến Tây Nguyên, ở đây chưa được bao lâu thì Mặt trận Buôn Ma Thuột bị vỡ, Đại đội của Thái Sơn được lệnh từ An Khê rút xuống Bình Định cùng một bộ phận từ Nha Trang rút ra tổ chức thành một tiểu đoàn mới mang tên Hoàng Hoa Thám. Thái Sơn được giao làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này. Hoạt động ở Bình Định và Quảng Ngãi một thời gian, Thái Sơn được điều ra Bắc. Ông trở về quê nhà Ngân Sơn làm Huyện đội trưởng được vài năm thì được biệt phái sang hoạt động ở nước bạn Lào.


Năm 1963, Thái Sơn (lúc này đã là thiếu tá) được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148. Tháng 6-1964. Quân khu Tây Bắc chuyển giao Trung đoàn bộ binh 148 cho Sư đoàn 316, ông lại được điều quay lại hoạt động trên đất bạn Lào cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể nói, hầu hết thời gian trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Thái Sơn là gắn với nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Ngay người bạn đời của ông - bà Tông Thị Dần cũng là một chiến sĩ quân tình nguyện. Hai người gặp nhau và thành vợ chồng ngay trên đất bạn Lào.


Năm 1993, cả hai vợ chồng Thái Sơn đều vinh dự được Nhà nước Lào tặng Huân chương ítxala hạng Nhất. Ông đã từng chụp ảnh chung với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, sau là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.


Năm 1973, Thái Sơn về nghỉ hưu tại thị xã Bắc Giang với quân hàm thượng tá. Năm 1994. Thái Sơn còn trở lại Cao Bằng dự lễ khánh thành khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo. Vậy mà 2 năm sau đó, năm 1996, ông đã đột ngột "ra đi" sau một cơn tai biến.

Hoàng Thái Sơn đã được, tặng thưởng:
Hai Huân chương Độc lập hạng Ba;
Bằng có công với nước;
Huân chương Quấn công hạng Nhì;
Huân chương Chiến thắng hạng Nhì;
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất;
Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #56 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2015, 09:16:40 pm »

Liệt sỹ GIÁP NGỌC PÁNG (? -1945)


Họ và tên: Giáp Ngọc Páng
Bí danh: Nông Văn Bê, Thân
Quê quán: Hà Quảng - Cao Bằng
Trú quán: bản Nà Riềm - Hoàng Tung - Hoà An - Cao Bằng
Dân tộc: Nùng.


Trên tấm bia tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hoàng Tung, huyện Hoà An có khắc dòng chữ Liệt sĩ Nông Văn Bê tức Giáp Ngọc Páng. Quê quán: Na Riềm - Hoàng Tung - Hoà An, nhưng thực ra thì Nông Văn Bê sinh ra ở vùng Lục Khu (châu Hà Quảng - Cao Bằng). Không một ai nhớ đích xác Nông Văn Bê sinh năm nào? Quê ở xã, bản nào? Thân nhân gia đình ra sao? Người ta chỉ biết rằng gia đình Nông Văn Bê quá nghèo khổ vì vậy mà phải cho ông đi ở làm thuê cho một gia đình ở bản Nà Riềm - Hoàng Tung - Hoà An. Khi đó cậu bé Giáp Ngọc Páng mới độ chừng hơn 10 tuổi.


Ở đợ, làm thuê cho đến năm 1943 thì Giáp Ngọc Páng được giác ngộ và gia nhập đội vũ trang địa phương do đồng chí Hoàng Sâm chỉ huy. Từ đây, ông mang bí danh là Nông Văn Bê.

Ngày 22-12-1944, Nông Văn Bê được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Ông đã tham gia cả ba trận đánh đầu tiên của Đội và trong các trận đó ông đều là thành viên của tổ xung kích. Trong trận tập kích đồn Nà Ngần, Nông Văn Bê được giao nhập vai một cán bộ Việt Minh bị bắt làm tù binh. Ông lê bước chân đi khập khiễng dưới họng súng của một tốp lính dõng (do ta cải trang). Nhờ sự nhập vai khôn khéo đó mà trận này ta đã tạo được thế bất ngò, giành thắng lợi nhanh chóng.


Đầu năm 1945, Nông Văn Bê cùng một số đồng chí trong Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân “Nam tiến” xuống vùng Ngân Sơn, Chợ Rã...

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Nông Văn Bê được đồng chí Đàm Quang Trung giao nhiệm vụ đưa vợ chồng Đò Đông - đồn trưởng đồn Ngân Sơn, từ Chợ Rã đi Bảo Lạc để sang Côn Minh (Trung Quốc), sau khi y đã đầu hàng và giao nộp vũ khí cho ta. Mọi người trong Đội mất liên lạc với Nông Văn Bê từ đó. Chỉ đến khi Đội công tác ở Chợ Rã nhận được tin “tự vệ các xã Tây Bắc Chợ Rã đã bắn chết quan Tây và cả một người Việt đi theo...”, và nhận được 2 khẩu súng ngắn chiến lợi phẩm, trong đó có khẩu súng ta cho phép Đò Đông mang theo về Côn Minh, thì cả Đội mới biết là Nông Văn Bê đã hy sinh.   
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #57 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2015, 09:17:47 pm »

NGUYỄN VĂN PHÁN (1910 -1947)


Họ và tên: Nguyễn Văn Phán
Bí danh: Kế Hoạch
Ngày tháng năm sinh: 1910
Quê quán: Hồng Việt - Hoà An - Cao Bằng
Dân tộc: Tày.


Cuối năm 1947, người dân thị xã Cao Bằng được chứng kiến một đám tang mà theo họ kể lại là “to nhất Cao Bằng” lúc bấy giờ. Một đám tang trang nghiêm, đông người dự; trong đó có cả đại diện của Trung ương, của Khu, Tỉnh. Một đám tang mà ai được chứng kiến cũng không cầm được nước mắt...


Đó là đám tang của đồng chí Nguyễn Văn Phán (tức Kế Hoạch), 1 trong số 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Người Tiểu đoàn trưởng đầy tài năng và nhiều triển vọng ấy đã đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông trên đường công tác.

Cuối năm 1938, Kế Hoạch trốn nhà lên vùng căn cứ Lục Khu, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Năm 1941, ông được tổ chức chọn sang Trung Quôc học tập. Năm 1941 về nước, ông được phân công xuống phát triển Hội Cứu quốc tại các xã phía nam huyện Nguyên Bình. Tháng 12-1944, ông được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và tham gia cùng Đội đánh các trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu.


Sau trận Đồng Mu (đêm 4-2-1945), Kế Hoạch không trở lại Nguyên Bình cùng Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân mà chỉ huy một nhóm “Nam tiến” lật cánh sang Tuyên Quang.

Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Kế Hoạch tham gia Tổng khởi nghĩa ở Thái Nguyên; sau đó đi theo đoàn quân Nam tiến, nhưng do địch chặn đánh dọc đường, bị thất lạc, ông buộc phải quay trở về Thái Nguyên.

Tháng 5-1947, thực dân Pháp ném bom thị xã Cao Bằng. Nguy cơ một cuộc tiến công của quân Pháp lên vùng căn cứ địa cách mạng đang dần trở thành hiện thực. Trước tình hình đó, Kế Hoạch được cấp trên điều trở lại Cao Bằng tham gia củng cố lực lượng vũ trang của tỉnh, chuẩn bị ngăn chặn quân Pháp đánh lên. Vốn là một cán bộ tham mưu dày dạn kinh nghiệm, có bản lĩnh và khả năng tác chiến sắc sảo, ngay sau khi trở lại Cao Bằng, Kế Hoạch được giao làm Tiểu đoàn trưởng 1 trong 3 tiểu đoàn chủ lực của tỉnh lúc bấy giờ.


Kế Hoạch là một con người bộc trực, thẳng thắn nhưng cũng đầy cá tính. Với chiếc xe đạp “cọc cạch”, ông rong ruổi khắp nơi để đốc chiến phòng thủ thị xã. Chừng một tuần trước khi quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Cao Bằng, bằng chiếc xe đạp “cà tàng” đó, Kế Hoạch xuống một địa điểm ở kilômét số 5 dự họp, mới đi được gần một kilômét thi ông bị tai nạn giao thông do đụng phải một chiếc mô tô của một đơn vị bạn và hy sinh...

Kế Hoạch chưa kịp và cũng chưa được nhận một phần thường nào. Những hiện vật của ông như túi dết, kiếm và súng hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #58 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2015, 09:20:52 pm »

Liệt sỹ MA VĂN PHIÊU  (1912 -1945)


Họ và tên: Ma Văn Phiêu
Bí danh: Bắc Hợp, Đường
Ngày tháng năm sinh: 1912
Quê quán: Minh Tâm - Nguyên Bình - Cao Bằng
Dân tộc: Tày.


Không giống như hoàn cảnh của nhiều đồng đội khi đến với cách mạng, Ma Văn Phiêu có điểm xuất phát hơi khác. Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê có truyền thống cách mạng - nơi mà từ năm 1935 đã có chi bộ Đảng Cộng sản, vậy nhưng Ma Văn Phiêu lại xuất thân từ một cai đội. Số phận run rủi thế nào, năm 1939 anh “cai đội” này lại phiêu dạt sang Trung Quốc. Tại đây, Ma Văn Phiêu may mắn được gặp những người đồng hương đang hoạt động cách mạng ở bên đó; rồi được giác ngộ cách mạng (năm 1940), trở thành một cán bộ linh hoạt và dũng cảm.


Năm 1941, theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, Ma Văn Phiêu được tổ chức phân công về hoạt động tại quê nhà (Nguyên Bình). Suốt từ đó cho đến tháng 12-1944, Ma Văn Phiêu bám các bản làng phát triển phong trào Việt Minh; tham gia tổ chức các hội Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc... Không chỉ trong vùng người Tày, ông còn len lỏi đến các bản làng xa xôi của người Dao, người Mông, phổ biến, giải thích và tuyên truyền chính sách của Mặt trận Việt Minh cho họ.


Tháng 8-1944, Ma Văn Phiêu được cử vào Ban Chấp hành Việt Minh Khu G (thời kỳ này địa bàn Cao - Bắc - Lạng được Liên tỉnh ủy chia làm 5 khu. Khu G bao gồm Nguyên Bình và Ngân Sơn).

Ngày 22-12-1944, Ma Văn Phiêu vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và tham gia cả ba trận đánh đầu tiên của Đội.

Tháng 2-1945, sau khi cùng anh em trong Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đánh đồn Đồng Mu trở về, Ma Văn Phiêu chỉ huy một trung đội “Nam tiến” xuống vùng Tuyên Quang, Phú Thọ. Tại đây, giữa lúc mọi công tác tổ chức để đón Bác từ Cao Bằng về Tân Trào đã hoàn tất; đường liên lạc với Trung ương Đảng ở dưới xuôi đã thông suốt; nhiều đoàn cán bộ từ khắp nơi đang hối hả đổ dồn về Tân Trào thì xuất hiện một toán thổ phỉ trang bị vũ khí mạnh, giương cờ ba sao, cũng đang tìm cách đột nhập vào "thủ phủ Tân Trào". Ngày 6- 5-1945, sau khi ta cử người ra thuyết phục và ngăn chặn thì Ma Văn Phiêu được giao nhiệm vụ dẫn đường đưa toán phỉ này qua đèo De sang Chợ Chu (thực chất là đưa vào trận địa phục kích của ta), nhưng đáng tiếc trong khi chưa kịp ra ám hiệu thì Ma Văn Phiêu đã bị tự vệ của ta bắn nhầm.

Ma Văn Phiêu hy sinh khi mối 33 tuổi, để lại người vợ trẻ và cô con gái lúc đó 14 tuổi.

Hơn nửa thế kỷ ông nằm lại với núi rừng đèo De, mãi đến năm 1996, địa phương, gia đình và anh em đồng đội mới tìm được phần mộ và đưa ông về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Nguyên Bình - Cao Bằng. Gia đình ông được Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công năm 1959.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #59 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2015, 09:27:49 pm »

ĐẶNG TUẦN QUÝ (1925 -1991)


Họ và tên: Đặng Tuần Quý
Tên thường gọi: Dần Quý
Ngày tháng năm sinh: 1-1-1925
Quê quán: Tam Kim - Nguyên Bình - Cao Bằng
Dân tộc: Dao.


Mọi người thường gọi ông là Dần Quý và trong tấm bia đặt tại khu rừng Trần Hưng Đạo cũng khắc ghi như vậy; nhưng thực ra tên đệm “cúng cơm” của ông là Tuần (Đặng Tuần Quý).

Đặng Tuần Quý là người dân tộc Dao Tiền duy nhất trong Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Vợ của ông, bà Đặng Thị Hầu, cũng là một người Dao tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1943.

Bố mất sớm, không được học hành, nên ngay từ nhỏ Quý đã theo ông nội lang thang đó đây làm nghề đan lát kiếm sống. Cuối năm 1942, tại các xã vùng cao Nguyên Bình bắt đầu hình thành các tổ chức Việt Minh. Vận hội mới mở ra cho Đặng Tuần Quý. Ông trở thành hội viên Hội Cứu quốc và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.


Những năm đầu của thập kỷ 40, cũng như bà con các dân tộc ít người khác ở Cao Bằng, đồng bào Dao Tiền phải chịu nhiều tầng áp bức bóc lột của cả đế quốc lẫn quan lại phong kiến, thổ phỉ. Nhiều người không chịu nổi tình cảnh đó đã xin gia nhập Hội Cứu quốc. Cũng giống nhiều thanh niên người Dao Tiền khác trước khi trở thành hội viên Hội Cứu quốc. Đặng Tuần Quý cũng đã ăn thề. Chính sách kỳ thị và chia rẽ của bọn đế quốc, phong kiến đã gây nên sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các dân tộc. Đối với người Dao Tiền, cách tốt nhất để giải toả nỗi nghi kỵ đó là tổ chức ăn thề.


Một buổi sáng mùa xuân năm 1943, khi bình minh vừa chớm rạng, trên tảng đá bên cạnh một con suối nhỏ, Đặng Tuần Quý đặt một bát nước và châm một nén hương nghi ngút khói; chàng thanh niên người Dao hướng cặp mắt xa xăm về phía đỉnh núi cao nhất, hai tay chắp trước ngực, miệng lẩm bẩm: “Con là Tuần Quý xin được vào Hội Cứu quốc để cùng đồng bào đấu tranh... Dù thế nào cũng một lòng trung thành với Hội; không phản bội, không bỏ Hội. Nếu trái lời thề thì sẽ như cây hương này”. Nói đoạn, ông cầm nén hương đang cháy nhúng vào bát nước... trước sự chứng kiến của những cán bộ vận động phong trào.


Trong những năm 1943-1944, Đặng Tuần Quý chủ yếu hoạt động gây dựng phong trào ở vùng Nguyên Bình. Quanh các triền núi quê ông, cơ sở cách mạng trong đồng bào Mông và Dao được phát triển và mở rộng. Tại đây, Đặng Tuần Quý tham gia các lớp huấn luyện do Mặt trận Việt Minh mở; và làm quen với môi trường hoạt động quân sự.


Khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, Đặng Tuần Quý cùng với Nông Văn Kiếm và Tô Tiến Lực là ba đại diện của đội vũ trang tuyên truyền xã Tam Lộng được chọn dự buổi lễ tuyên thệ của Đội. Là người địa phương nên Đặng Tuần Quý rất thông thuộc đường đi lối lại; nắm rõ tình hình địch trong vùng. Chính vì vậy, mà ông cùng với một số cán bộ địa phương đã có nhiều đóng góp cho 2 trận đầu ra quân thắng lợi của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiêu diệt gọn các đồn Phai Khắt, Nà Ngần.


Sau trận Đồng Mu, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân quay trở lại rừng Trần Hưng Đạo, tiếp tục xây dựng, củng cố và chuẩn bị “Nam tiến” xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên... thì Đặng Tuần Quý chia tay với Đội ở lại địa phương. Sau đó môt thời gian, năm 1946, ông về lấy vợ quê ở thôn Khuổi Quy, xã Hoa Thám, Nguyên Bình.
Từ năm 1946, Đặng Tuần Quý làm Xã đội trưởng Hưng Đạo; năm 1959, quay về Tam Kim làm Đội trưởng sản xuất của hợp tác xã. Năm 1980, ông nghỉ công tác.


Năm 1990, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Phai Khắt, Đặng Tuần Quý lúc này đã lớn tuổi nhưng còn rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Trong cuộc gặp gỡ đầy cảm động đó, cả hai ông nhận ra nhau, ôm chặt lấy nhau hồi lâu và không kìm nổi những giọt nước mắt. Hôm đó, Đặng Tuần Quý còn đích thân đưa đường cho đoàn cán bộ đi cùng Đại tướng vượt đèo dốc vào tận nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Có ai ngờ đâu, một năm sau Đặng Tuần Quý đột ngột ra đi ngày 9-11-1991 tại quê nhà.

Đặng Tuần Quý đã được Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký ngày 8-8-1964).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM