Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:42:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân  (Đọc 56090 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2015, 08:59:20 pm »

TRƯƠNG VĂN CÙ (1906 -1956)

Họ và tên: Trương Văn Cù
Bí danh: Văn Trường, Đồng, Trương Đắc...
Ngày tháng năm sinh: 1906
Quê quán: Giáp Giải - Minh Tâm - Nguyên Bình - Cao Bằng
Dân tộc: Tày

Cũng giống như nhiều “đồng hương” xã Minh Tâm trong Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (Dương Mạc Thạch, Chu Văn Đê, Ma Văn Phiêu), Trương Văn Cù bắt đầu con đường hoạt động cách mạng của mình bằng việc tham gia Hội thanh niên phản đê ở địa phương.


Vốn là một chàng trai xông xáo, dũng cảm, giỏi võ nghệ, Trương Văn Cù nhanh chóng trở thành hạt nhân tiêu biểu của Hội thanh niên phản đế Gia Bằng. Năm 1935, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4-1941, theo chỉ thị của Tỉnh ủy, Đảng bộ châu Lam Sơn cử hai đảng viên tiêu biểu là Trương Vãn Cù và Ma Văn Chúc đi học quân sự ở Điền Đông (Trung Quốc).


Đầu năm 1942, Trương Văn Cù trở về nước với bí danh hoạt động là Trương Đắc. Giữa năm 1942, cả ba anh em nhà họ Trương: Trương Đắc, Trương Văn Lượng và Trương Thị Trưng bị địch truy lùng gắt gao, đã buộc phải rút vào hoạt động bí mật. Ông hoạt động ở Minh Tâm một thời gian, sau đó được phân công phụ trách tổ xung phong Nam tiến xuống các xã vùng cao dân tộc Dao phía nam châu Nguyên Bình. Nhiều người cho rằng Trương Đắc là người "cao số" bởi không ít lần ông đã vượt qua được cái chết chỉ trong gang tấc. Có lần đang chủ trì một cuộc họp quan trọng, bọn phản động mò đến và dí súng vào sát vách, nơi Trương Đắc đang ngồi tựa lưng, bóp cò nhưng rất may, viên đạn thối không nổ.


Trong hai năm 1943-1944, Trương Đắc được tham dự khá nhiều lớp huấn luyện; từ các lớp mở ở Gia Bằng, Tam Lộng cho đến lớp bổ túc ở Trường Quân hiệu 3 (Khau Giáng - Tam Kim). Ông cũng là người có nhiều đóng góp cho phong trào ở các xã Kim Mã, Tam Lộng, Thượng Ân, Cốc Đán trong thời kỳ này.


Giữa tháng 12-1944, đang phụ trách đội chống khủng bố ở các xã vùng cao phía nam Nguyên Bình, Trương Đắc được gọi về tham gia thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Ông tham gia cả 3 trận đánh Phai Khắt - Nà Ngần - Đồng Mu của Đội; sau đó trở về Hoa Thám làm công tác vận động quần chúng.


Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Trương Đắc theo một cánh quân của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân "Nam tiến" xuống vùng Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Sau này, khi Trung đoàn 72 được thành lập, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 49 của trung đoàn này.

Đầu năm 1946, Trương Đắc được điều lên làm phái viên của Bộ Quốc phòng phụ trách 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Năm 1950, vì lý do sức khoẻ, Trương Đắc xin phục viên về sống ở Phấn Mễ - Phú Lương - Thái Nguyên. Năm 1953, ông trở về quê Cao Bằng, làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Minh Tâm được một khoá, đến năm 1956 thì mất do bệnh hiểm nghèo
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #41 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2015, 09:52:30 pm »

HOÀNG VĂN CỦN (1919 -1986)

Họ và tên: Hoàng Văn Củn
Bí danh: Hoàng Quyền, Hoàng Thịnh
Ngày tháng năm sinh: 1919
Quê quán: Đồng Danh, Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên
Dân tộc: Tày.


Được thừa hưởng “gien” của ông bố nên chàng trai người Nùng - Hoàng Văn Củn đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Cha ông cũng là một lão thành cách mạng, liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp và được truy tặng Bằng có công với nước. Tuy vậy, phải bước sang tuổi 18 (năm 1937) Hoàng Văn Củn mới chính thức tham gia hoạt động cách mạng và cũng từ đây người ta không gọi ông theo tên “cúng cơm” Hoàng Văn Củn nữa mà gọi theo bí danh là Hoàng Thịnh (có thời kỳ còn gọi là Hoàng Quyền). Cậu Củn ngô nghê ngày nào chỉ sau 3 nàm lăn lộn vói phong trào cách mạng địa phương đã nhanh chóng trở thành một cán bộ xông xáo, dũng cảm và dày dạn kinh nghiệm của phong trào du kích Bắc Sơn và trỏ thành Đội viên của Cứu quốc quân II. Tiếng tăm nhanh chóng lan xa. Quân Pháp nhiều lần lùng sục tìm bắt ông nhưng không được, chúng đã bắt cả gia đình đưa sang nhà tù Chợ Chu tra khảo. Tháng 10-1941, Hoàng Thịnh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Từ một cán bộ của du kích Bắc Sơn, ông được tổ chức phân công làm cán bộ phong trào, vận động quần chúng tham gia Việt Minh ở vùng núi phía Bắc của tỉnh Bắc Kạn. Sau một thời gian bám trụ chiến đấu tại Võ Nhai, Cứu quốc quân II buộc phải rút lên vùng biên giới Việt - Trung để bảo toàn lực lượng. Tháng 4-1943, một số đội viên Cứu quốc quân, trong đó có Hoàng Thịnh, được tăng cường cho con đường cách mạng Nam tiến. Tại châu Ngân Sơn, Hoàng Quyển (bí danh của ông thời kỳ này) chỉ huy chống khủng bố ở các xã Vân Tùng, Thượng Quan, Thuần Mang...


Tháng 12-1944, Hoàng Thịnh là một trong số những đội viên Cứu quốc quân được đồng chí Võ Nguyên Giáp giới thiệu và được tổ chức chọn tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Sau buổi lễ ra mắt tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Thịnh tham gia các trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần. Sau đó, ông không đi đánh đồn Đồng Mu mà ở lại làm nhiệm vụ phát triển vũ trang tuyên truyền ở Nguyên Bình, Ngân Sơn theo lệnh của cấp trên mặc dù ông rất muốn được đi cùng với anh em trong Đội.


Đầu năm 1945, trên cương vị Trung đội phó Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Hoàng Thịnh là một trong những cán bộ nòng cốt của phong trào kháng Nhật và trừng trị phản động ở huyện Na Rì, tỉnh Bác Kạn. Trong Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, ông làm Đại đội trưởng Việt Nam Giải phóng quân tham gia cướp chính quyền ở Thái Nguyên.


Đầu năm 1946, Hoàng Thịnh được giao chỉ huy Chi đội Độc lập I lên đường “Nam tiến”, nhưng vừa mới hành quân vào tới Vĩnh Linh thì ông bị ốm nặng buộc phải chia tay với Chi đội và quay trở ra Bắc. Năm 1947, ông làm Trung đoàn phó Trung đoàn Phúc - Thái.


Năm 1952, Hoàng Thịnh được cử sang Trung Quôc học. Tháng 1-1953, về nước, do sức khoẻ yếu, ông chuyển ngành ra làm cán bộ nông hội, rồi cán bộ giao thông của tỉnh Bắc Kạn.

Đầu năm 1957, Hoàng Thịnh được Trung ương chỉ định tham gia Tỉnh ủy Bắc Kạn và được phân công làm Trưởng ty công an Bắc Kạn. Năm 1958, ông được Khu ủy Việt Bắc điều lên Khu làm Ủy viên Ban công tác nông thôn; sau đó một thời gian lại được điều về làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, rồi làm Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Thái Nguyên.


Năm 1967, Hoàng Thịnh quay trở lại quê hương Võ Nhai làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện cho đến năm 1973 thì nghỉ hưu. Ông mất năm 1986 tại quê, thọ 67 tuổi.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2015, 09:54:04 pm »

VÕ VĂN DẢNH (1905-1991)

Họ và tên: Võ Văn Dảnh
Bí danh: Võ Văn Luận, Võ Văn Trung
Ngày tháng năm sinh: 15-8-1905
Quê quán: Đồng Lâm - Đức Hoá - Tuyên Hoá - Quảng Bình
Dân tộc: Kinh.


Cuối năm 1989, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc gặp mặt cảm động giữa đoàn cựu chiến binh Quảng Bình với người đồng chí - đồng hương của họ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong số những cựu chiến binh Quảng Bình vinh dự được ra thăm Thủ đô lần đó có một đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Đó là Võ Văn Luận. Đối vối ông, trong chuyến ra thăm Thủ đô lần này niềm vui còn được nhân lên gấp bội bởi sau 45 năm, kể từ buổi tuyên thệ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo, ông mới gặp lại “Anh Văn” - người đồng hương, người thủ trưởng cũ của mình. Trong chiến tranh đã đành, đằng này đất nước hoà bình đã được bao nhiêu năm, vậy mà Võ Văn Luận vẫn cứ sống ẩn dật ở một vùng quê xa xôi của huyện Tuyên Hoá - Quảng Bình, để bao nhiêu lần “Anh Văn” và cả các đồng chí, đồng đội Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa lần tìm tung tích. Trong khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, trên tấm bia cũng chỉ có một dòng thông tin ngắn ngủi: “Đ/c Luận, quê quán Quảng Bình”.


Linh tính mách bảo thế nào mà năm 1989 - đúng dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Võ Văn Luận quyết định ra thăm Thủ đô và tìm gặp lại người chỉ huy năm xưa. Ý định của ông lại trùng hợp với lời mời của Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Trị Thiên.

Có lẽ Võ Văn Luận đã toại nguyện rồi chăng, bởi sau khi từ Hà Nội trở về được hơn một năm (tháng 2-1991), ông đã "ra đi" một cách thanh thản vào cõi vĩnh hằng.

Võ Văn Luận sinh ra tại một vùng quê nghèo khó của huyện Tuyên Hoá - Quảng Bình. Tên “cúng cơm” ở quê của ông là Võ Văn Dảnh. Nhà có 7 anh em thì nạn đói đã cướp đi 6, chỉ cồn lại cậu út Dảnh. Năm 1917, một người tốt bụng trong làng đã thương tình mang theo Dảnh (lúc này mới 12 tuổi) qua Lào làm thuê kiếm sống.
Ông ở Lào được 3 năm thì sang Thái Lan. Tại đây, Dảnh may mắn gặp được người đồng hương quê Quảng Trạch tên là Đoàn Hồng đón về ở trong nhà. Gia đình của ông Đoàn Hồng là một cơ sở cách mạng của ta ở Thái Lan. Hàng ngày, Dảnh được nuôi ăn học và ý thức giác ngộ cách mạng đã sớm được hình thành ở cậu học sinh này. 18 tuổi đầu, trong một lần tham gia biểu tình, rải truyền đơn, ông bị cảnh sát U Đom bắt giam. Do ở trong tù, Dảnh khai là “cha Tàu, mẹ Á Nam”, nên mãn hạn tù (1938), Võ Văn Dảnh bị trả về Trung Quốc. Dảnh đến Trung Quốc với một cái tên mới: Võ Văn Trung. Tại đây, ông được các đồng chí Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn dìu dắt, giúp đỡ; được theo học các khoá huấn luyện và được vinh dự tham gia cuộc Vạn lý trường chinh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.


Năm 1943, Võ Văn Trung về nước hoạt động ở vùng Lục Khu (Cao Bằng) với một tên mới là Võ Văn Luận.
Ngày 22-12-1944, Võ Văn Luận được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Ông rất tự hào vì ngoài “Anh Văn”, trong Đội còn có một người đồng hương khác là Đội trưởng Hoàng Sâm. Đúng là “duyên kỳ ngộ”! Ba người con Quảng Bình ra đi bằng những con đường khác nhau lại có dịp cùng sát cánh chiến đấu trong một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Trong số ba trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân: Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu mà Võ Văn Luận được tham gia thì có lẽ trận Phai Khắt để lại cho ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Trong trận này, Võ Văn Luận được giao nhiệm vụ chặn ở cổng đồn. Khi phát hiện tên đồn trưởng người Pháp đi ngựa từ Nguyên Bình vào, không nén nổi lòng căm thù, ông đã nổ súng “hạ” ngay, mặc dầu theo kế hoạch là không được nổ súng mà phải bắt. Chính vì vậy mà sau trận này Võ Văn Luận đã bị phê bình, kiểm điểm.


Vốn là một người ít nhiều có am hiểu về Lào, đầu năm 1947 Võ Văn Luận được chọn đi “Tây tiến”. Khí hậu khắc nghiệt vùng núi rừng Tây Bắc đã làm suy kiệt sức khoẻ vốn đã yếu sẵn của ông. Vì thế, mới lên đến Sơn La, bị bệnh tật hành hạ, Võ Văn Luận đã buộc phải quay lại Việt Bắc. Sau đó, ông được điều về Khu 4.

Được trở lại miền Trung là niềm khát khao bấy lâu của ông. 30 năm sau ngày “tha phương cầu thực”, Võ Văn Luận mới có dịp về thăm lại quê hương và xây dựng gia đình.

Ngày ra đi, ông là đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, sông cuộc đời của kẻ nô lệ; người dân Đức Hoá quê ông cũng “sống hôm nay không biết đến ngày mai”. Nay Đức Hoá đã có chính quyền cách mạng, nhiều người dân phiêu bạt, lưu lạc như ông cũng đã lần lượt quay về. Chỉ có điều, dân Đức Hoá không ai nghĩ là “thằng Dảnh tội nghiệp” còn sống và còn biết đường mà tìm về quê. Vậy nên sự xuất hiện đường đột của ông đã làm cho dân làng, thậm chí cả chính quyền xã, ngỡ ngàng đến độ nghi kỵ.


Võ Văn Luận ngồi trên lưng ngựa, vai khoác khẩu súng dài, lưng dắt khẩu súng ngắn và chiếc kiếm bóng loáng xuất hiện ở cổng làng. Dân Đức Hoá chưa bao giờ trông thấy một cán bộ cách mạng nào ăn vận “oai” như vậy. Chưa hết, vừa đến đầu làng, ngồi trên lưng ngựa, Võ Văn Luận rút súng bắn liền mấy phát, mà theo ông là để “chào mừng quê hương”. Đích thị là “Quốc dân đảng” rồi! Cách mạng chi lại có người như rứa?”. Dân tình bàn tán xôn xao, rồi đến chính quyển cũng sinh nghi và kết cục là Võ Văn Luận bị bắt giam. Rất may, chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhờ sự can thiệp của trên, Võ Văn Luận được minh oan và được bố trí công tác tại địa phương. Để “tự minh oan”, ông đã một mình bắt tên Việt gian khét tiếng Võ Cảnh giữa thanh thiên bạch nhật, ngay tại chợ Ba Đồn, sau đó đem giao nộp cho đồng chí Đồng (tức Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên sau này).


Năm 1951, Võ Văn Luận được Trung ương gọi ra để chuẩn bị sang hoạt động ở Lào. Mới được hơn một năm thì bệnh tật tái phát và hành hạ buộc ông phải chia tay quân đội, trở về quê. Suốt từ đó cho đến lúc qua đời (tháng 2-1991), ông tham gia hoat động ở địa phương.

Võ Văn Luận đã được tặng thưởng:
Huy chương Kháng chiến chống Pháp (tháng 8-1952)
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #43 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2015, 09:54:56 pm »

TÔ VŨ DÂU (1922 - 2001)

Họ và tên: Tô Vũ Dâu
Bí danh: Thịnh Nguyên
Ngày tháng năm sinh: 1-1-1922
Quê quán: Vinh Quang - Hoà An - Cao Bằng
Dân tộc: Tày.


Đầu năm 1937, Gôđa - đại diện Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp đi thị sát tình hình Cao Bằng. Trong đòàn người đi “đón” hôm đó tại ngã ba Khău Đồn (Hoà An), người ta thấy một chàng trai dáng người mảnh khảnh cố len lỏi giữa đám đông để đưa bằng được bản "dân nguyện" cho vị đại diện Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp. Chàng trai dũng cảm đó, chính là Tô Vũ Dâu.


Tô Vũ Dâu bắt đầu được giác ngộ cách mạng thông qua việc tiếp xúc, đọc và nghiên cứu các tờ báo "Nhành lúa", "Lao động"... Ông tham gia phong trào thanh niên địa phương từ năm 1937. Tháng 7-1941, vận hội mới mở ra cho ông khi một cán bộ Việt Minh tên là Tài Nam về Vĩnh Quang bắt liên lạc với nhóm của Tô Vũ Dâu, Trọng Việt, Lưu Ngọc để tuyên truvền về Điều lệ và Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh.


Không giống như nhiều đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân khác, trong những năm 1941-1944. Tô Vũ Dâu không đi ra nước ngoài học mà ở lại xây dựng phát triển phong trào Việt Minh, tổ chức các đoàn thể Cứu quốc ngay tại địa phương. Bằng uy tín và năng khiếu tuyên truyền, ông đã cùng với một số cán bộ trung kiên vận động được cả lý trưởng và các chức dịch trong xã trở thành hội viên của Hội Cứu quốc. Bản thân ông được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh xã Vệ Linh.


Cuối năm 1943, đầu năm 1944, trước làn sóng khủng bố của thực dân Pháp, các hội Cứu quốc buộc phải thu hẹp quy mô và phạm vi hoạt động; một số cán bộ cốt cán buộc phải rút vào hoạt động bí mật. Lúc này, Tô Vũ Dâu vừa phải giữ vững liễn lạc giữa cấp trên với cơ sở; vừa phải chỉ huy các tổ trung kiên duy trì sự tồn tại của phong trào.


Tháng 7-1944, do cơ sở bị khủng bố, trước sự lùng bắt ráo riết của quân Pháp. Tô Vũ Dâu phải rút vào hoạt động bí mật với một cái tên mới: Thịnh Nguyên. Sau đó, ông được bổ sung vào đội vũ trang của tổng Hồng Việt. Ngày 22-12-1944, Thịnh Nguyên vinh dự được chọn trong số những đội viên xuất sắc của đội vũ trang Hồng Việt tham gia lễ tuyên thệ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.


Thịnh Nguyên tham gia hai trận đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần, nhưng đến trận Đồng Mu thì ông không có mặt do điều kiện sức khoẻ. Căn bệnh kiết lỵ mạn tính và những đợt sốt rét kéo dài đã buộc ông phải sớm chia tay với Đội Việt Nam tuyên truvền Giải phóng quân trước khi Đội rời Lũng Dẻ hành quân lên Bảo Lạc để đánh đồn Đồng Mu.


Thịnh Nguyên được phân công về cơ quan Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và tại đây, ngày 1-1-1945, ông được kết nạp vào Đảng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945). Thịnh Nguyên được phái xuống Trà Lĩnh tham gia khôi phục phong trào cách mạng ở địa phương, đồng thời chỉ đạo cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Giữa năm 1946. Thịnh Nguyên lại được tổ chức phân công về công tác tại Huyện ủy huyện Hạ Lang.

Cuối năm 1949, Thịnh Nguyên trở lại Hoà An, làm Phó Bí thư huyện ủy. Mấy tháng sau, ông lại được điều lên làm chuyên viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cao Bằng.


Đầu năm 1953, do sức khoẻ yếu cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thịnh Nguyên xin nghỉ việc ở Ban Tuyên huấn, trở về tham gia công tác tại địa phương.

Ông đã được tặng thưởng:
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì;
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #44 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2015, 09:56:01 pm »

DƯƠNG VĂN DẤU (1911-1971)

Họ và tên: Dương Văn Dấu
Bí danh: Dương Đại Long
Ngày tháng năm sinh: 15-1-1911
Quê quán: Pác Bó - Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng
Trú quán: bản Bó - Phù Ngọc - Hà Quảng - Cao Bằng
Dân tộc: Nùng.


Những năm 1936-1939, phong trào quần chúng đòi quyền tự do dân chủ, dân sinh nổ ra khắp toàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là ở các châu Hoà An. Hà Quảng... Chính trong bối cảnh đó, tháng 11-1937, chàng thanh niên người Nùng, Dương Đại Long đã được Lê Quảng Ba và Hoàng Tô giác ngộ đi theo cách mạng. Ông trở thành một hội viên trung kiên hoạt động trong phong trào phản đế ở Pác Bó - Trường Hà.


Sau ngày Bác Hồ về Pác Bó (28-1-1941), thực hiện chỉ thị của Người, châu Hà Quảng đã tổ chức thí điểm Việt Minh và xây dựng các đội tự vệ. Dương Đại Long trở thành một cán bộ nòng cốt của Đội tự vệ xã Trường Hà. Tháng 1-1942, ông đã được kết nạp vào Đảng.


Cuối năm 1943, trước những hoạt động khủng bố gắt gao của địch. Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã họp và quyết định thành lập các đội vũ trang thoát ly, các tổ xung phong chống khủng bố. Dương Đại Long được giao làm Đội trưởng Đội vũ trang của huyện Hà Quảng. Thời kỳ này, tại vùng Lục Khu, không mấy ai là không biết tiếng anh em nhà họ Dương, uy tín và ảnh hưởng của họ trong phong trào cách mạng ở địa phương rất lớn.


Tháng 12-1944, Dương Đại Long là một trong số những cán bộ nòng cốt của Đội vũ trang châu Hà Quảng được đồng chí Võ Nguyên Giáp và Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Ông tham gia cả ba trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần và Đồng Mu.


Sau trận đánh đồn Nà Ngần lần thứ hai, Dương Đại Long phụ trách một tiểu đội “Nam tiến” xuống hoạt động vũ trang tuyên truyền ở vùng Ngân Sơn, Bạch Thông, Na Rì... Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Dương Đại Long đã chỉ huy tước vũ khí của địch và thành lập chính quyền nhân dân ở Ngân Sơn; đồng thời tuyên truyền vận động thanh niên địa phương tham gia đánh quân Nhật.


Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Dương Đại Long được cử vào bản Ty làm Đại đội trưởng Việt Nam Giải phóng quân thay cho Thu Sơn đi “Nam tiến”. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được điều về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn độc lập của tỉnh Bắc Kạn.


Sau sự kiện quân Pháp nhảy dù xuống Cao Bằng. Dương Đại Long được điều lên làm Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 174. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Dương Đại Long lần lượt làm Huyện đội trưởng các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Phục Hoà...

Đầu năm 1955, ông đi học lớp bổ túc chính trị, sau đó về làm Tỉnh đội phó tỉnh Tuyên Quang.

Năm 1958, ông được phong quân hàm đại uý. Tháng 7- 1959 ông chuyển ra làm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng cho đến khi nghỉ hưu (tháng 12-1969).

Năm 1971, Dương Đại Long qua đời tại quê do tuổi cao, sức yếu.

Ông đã được tặng thưởng:
- Huân chương Quân công hạng Nhất;
- Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba;
- Bằng có công với nước.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #45 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2015, 09:58:41 pm »

Liệt sỹ CHU VĂN ĐẾ (1922 -1948)

Họ và tên: Chu Văn Đế
Bí danh: Nam, Bích Thông
Ngày tháng năm sinh: 1922
Quê quán: Gia Bằng (nay là xã Minh Tăm) - Nguyên Bình - Cao Bằng
Dân tộc: Tày.


Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng - nơi được lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta chọn làm thí điểm tổ chức Mặt trận Việt Minh đầu tiên, vì vậy mà Chu Văn Đế được giác ngộ từ rất sớm. Nhà có hai anh em trai thì cả hai đều thoát ly hoạt động cách mạng từ năm 1938 và năm 1941, đều tham gia Mặt trận Việt Minh.


Đầu năm 1942, sau khi được tham dự lớp huấn luyện đầu tiên do đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức tại hang Kéo Quảng (Gia Bằng), Chu Văn Đế tiếp tục ở lại hoạt động xây dựng cơ sở, phát triển phong trào tại địa phương. Vốn tính tình nhỏ nhẹ, hiền lành như con gái, Chu Văn Đê đã chiếm được cảm tình của bà con các dân tộc, vì vậy mà ông đã vận động được họ đi theo Việt Minh ngày càng nhiều.


Từ tháng 10-1943 đến tháng 1-1944, với bí danh là Bích Thông, Chu Văn Đế được tổ chức phân công xuống hoạt động tại vùng đèo Gió - Ngân Sơn.

Đầu năm 1944 là thời điểm phong trào cách mạng phát triển rất mạnh ở Nguyên Bình; đây cũng chính là lúc mà địch khủng bố rất gắt gao. Chúng tung lính ở đồn Nà Bao (Gia Bằng) vào các làng, bản lùng sục suốt ngày đêm. Tết Nguyên đán năm Giáp Thân (1944), sau khi đi dự lớp huấn luyện chính trị - quân sự ở rừng Lũng Chí về, hai anh em Chu Văn Ngoan và Chu Văn Đế bị địch phục kích. Người anh trúng đạn hy sinh, còn Chu Văn Đế may mắn chạy thoát.


Ngày 22-12-1944, Chu Văn Đế vinh dự là một trong bốn người con của quê hương Gia Bằng được gia nhập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Sau khi tham gia cả ba trận Phai Khắt, Nà Ngần và Đồng Mu, Chu Văn Đế theo một mũi “Nam tiến” xuống hoạt động vũ trang tuyên truyền ở Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Cuối năm 1945, Chu Văn Đế tham gia đoàn quân Nam tiến thuộc Chi đội Thu Sơn vào chiến đấu ở Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên. Ngày 30-8-1948, ông đã hy sinh anh dũng tại mặt trận Kon Tum trong trận đánh sân bay Vanh Tiên thuộc khu vực Mường Hoong, huyện Đắk Lây. Lúc đó, ông giữ cương vị Trung đội trưởng.

Chu Văn Đế đã được công nhận là Liệt sĩ và được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công năm 1997.

Gia đình ông hiện nay không còn ai, ngoài một người cháu (con của người anh Chu Văn Ngoan) là anh Chu Nâu, công tác tại văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #46 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2015, 06:50:05 pm »

Liệt sỹ NÔNG VĂN KIẾM (1924 -1948)

Họ và tên: Nông Văn Kiếm
Bí danh: Liên
Ngày thảng năm sinh: 1924
Quê quán: An Mạ - Tam Kim - Nguyên Bình - Cao Bằng
Dân tộc: Tày.


Bước sang năm 1942, phong trào cách mạng ở châu Nguyên Bình đã phát triển sâu rộng đến nhiều làng bản ở vùng cao. Đặc biệt, trong các bản, làng Tày, Nùng, ta đã xây dựng được một số cơ sỏ cách mạng. Nhiều thanh niên Tày, Nùng, Dao... đã gia nhập phong trào Việt Minh - trong số đó có cả ba anh em nhà họ Nông là Nông Văn Quang, Nông Văn Xửng và Nông Văn Kiếm.


Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, mùa xuân năm 1943, Nguyên Bình là địa phương được chọn để mở các lớp huấn luyện cho số cán bộ phong trào Việt Minh trong vùng. Đấy chính là cơ hội tốt để ba anh nhà Nông Văn Kiếm củng cố thêm nhận thức, rèn luyện thêm bản lĩnh, chuẩn bị hành trang đi làm cách mạng. Sau lớp huấn luyện này, Nông Văn Kiếm được giao phụ trách công tác tuyên truyền, giác ngộ thanh niên ở địa phương. Vốn mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, ba anh em Quang, Xửng, Kiếm tần tảo nuôi nhau. Nông Văn Kiếm rất được bà con dân bản, đặc biệt là lớp trẻ, gần gũi và tin yêu. Đầu năm 1944, bị quân địch truy lùng gắt gao, cả ba anh em nhà họ Nông phải chuyển vào hoạt động bí mật; vào rừng sinh sống và tổ chức đội vũ trang mang tên đội Đức Chính để chỉ đạo quần chúng chống lại làn sóng khủng bố. Những năm 1942-1944, Nông Văn Kiếm hoạt động chủ yếu ở vùng Kim Mã - Tam Lộng... Tại đây, ông đã giác ngộ và lôi cuốn được khá nhiều thanh niên địa phương, chủ yếu là con em các dân tộc ít người đi theo cách mạng.


Trước khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, cả ba anh em Quang, Xửng, Kiếm đều xin được gia nhập Đội, nhưng cuối cùng chỉ một mình Nông Văn Kiếm là có vinh dự được lọt vào danh sách 34 chiến sĩ dự lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Sau khi tham gia ba trận đánh đầu tiên của Đội (Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu), Nông Văn Kiếm quay trở về hoạt động ở Kim Mã - Tam Lộng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông "Nam tiến" xuống hoạt động ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, rồi sau đó sang Lào Cai - Yên Bái tham gia đánh Quốc dân đảng phản động. Ông tham gia chiến dịch Sông Lô và giải phóng Tuyên Quang.


Cuối năm 1948, với chức vụ Tiểu đoàn phó, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ “Tây tiến” lên Lào Cai thì Tiểu đoàn của ông lọt vào trận địa phục kích của quân Pháp. Nông Văn Kiếm đã anh dũng hy sinh khi vừa mới 24 tuổi.

Tháng 4-1958, Nông Văn Kiếm được truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng Nhì và được công nhận là Liệt sĩ.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #47 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2015, 06:50:45 pm »

ĐINH VĂN KÍNH (1909 -1999)

Họ và tên: Đinh Văn Kính
Bí danh: Đinh Trung Lương
Ngày tháng năm sinh: 5-5-1909
Quê quán: Lê Lợi - Thạch An - Cao Bằng
Dân tộc: Tày.


Vốn là người ít nói và kín đáo; tính cách đó lại càng được khắc đậm khi rơi vào hoàn cảnh éo le - vợ chết sớm để lại một đứa con duy nhất bị bệnh tâm thần. Có lẽ chính vì thế mà ông không mấy khi kể về mình, thậm chí những dòng tự thuật của ông để lại cũng thật ngắn ngủi, nhất là về quãng thời gian hoạt động trước khi ông trở thành đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.


Đinh Trung Lương tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1940. Trong những năm 1940-1944, ông hoạt động bí mật, đi tuyên truyền vận động nhân dân làm cách mạng ở vùng biên giới Việt - Trung. Tháng 12-1944, Đinh Trung Lương được Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chọn, giới thiệu vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Trên cương vị Chính trị viên tiểu đội, ông tham gia cả ba trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần và Đồng Mu.


Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Đinh Trung Lương chỉ huy một trung đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tiến xuống Chợ Đồn (Bắc Kạn). Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông chỉ huy một đại đội Việt Nam Giải phóng quân trở lại Tân Trào.


Ngày 23-9-1945, tiếng súng kháng Pháp ở Nam Bộ bùng nổ, Đinh Trung Lương không có cái “may mắn” được Nam tiến như một số đội viên khác, mặc dù trong thâm tâm ông rất muốn và đã nhiều lần viết đơn đề đạt nguyện vọng. Tháng 11 năm đó, Đinh Trung Lương được điều về Trung đoàn Bắc Bắc và được giao chỉ huy một tiểu đoàn làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở vùng cao Bắc Giang. Cuối năm 1946, ông được điều về làm Trung đoàn phó Trung đoàn 12 tham gia chặn đánh quân Pháp trên địa bàn Phúc Yên và Thái Nguyên.

Tháng 3-1953, Đinh Trung Lương rời quân đội, chuyển ngành về làm cán bộ thuế nông nghiệp huyện Thạch An; sau đó, được điều động làm cán bộ biệt phái của Khu tự trị Việt Bắc tại huyện Hoà An.

Gần 6 tháng sau, lấy lý do sức khoẻ yếu, ông xin về huyện nhà giúp địa phương làm công tác bình dân học vụ.
Trong những năm 1958-1959, khi phong trào hợp tác hoá nông nghiệp phát triển rầm rộ. Đinh Trung Lương lại được mời ra làm việc và giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Thạch An.


Hơn 6 năm gánh vác trọng trách nặng nề, một phần do sức khoẻ yếu, một phần cảm thấy không thể tiếp tục đảm đương được nhiệm vụ, nên tháng 9-1965, ông làm đơn xin thôi chức Phó chủ tịch Ủy ban hành chính huyện, trở về làm cán bộ phong trào ở địa phương.

Tháng 8-1967, Đinh Trung Lương về nghỉ hưu. Ông mất ngày 18-9-1999 do tuổi cao, sức yếu.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đinh Trung Lương chưa được nhận bất cứ một huân chương, huy chương nào. Năm 1998, địa phương mới làm các thủ tục đề nghị cấp trên xét tặng huân chương, huy chương cho ông. Nhưng những phần thưởng cao quý đó chưa kịp đến tay thì ông đã vĩnh viễn ra đi trong lòng tiếc thương khôn nguôi của đồng chí, đồng đội và bà con các dân tộc ở huyện Thạch An, Cao Bằng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #48 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2015, 06:51:55 pm »

HÀ HƯNG LONG (1924...)   

Họ và tên: Hà Hưng Long
Ngày tháng năm sinh: 15-8-1924
Quê quán: Gia Tự - Nam Tuấn - Hoà An - Cao Bằng
Trú quân: An Tường - Yên Sơn - Tuyên Quang
Dân tộc: Tày.


Đầu năm 1941, thực hiện chủ trương tổ chức thí điểm Việt Minh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung Ương Đảng, chỉ sau chưa đầy một tháng kể từ ngày Người đặt chân về Pác Bó, số hội viên cứu quốc của châu Hoà An đã lên tới hàng trăm người. Hà Hưng Long là người sớm có mặt trong số hội viên đó (5-3-1941). Ông nhanh chóng trở thành một đội viên tích cực của Đội tự vệ Hoà An. Trong khoảng thời gian từ sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đến cuối năm 1944, Hà Hưng Long chủ yếu hoạt động ở vùng Hoà An - Hà Quảng. Ông cùng đội tự vệ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng; bảo vệ các cuộc họp của Trung ương, của Tỉnh ủy, Châu ủy, đưa đón, bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ qua lại địa phương... Khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, Hà Hưng Long là một trong số những đội viên tự vệ của Hoà An được chọn tham dự buổi lễ tuyên thệ của Đội. Ông cũng đã tham gia cả ba trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyển Giải phóng quân là Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Đầu năm 1945, thực hiện chủ trương “Nam tiến”, Hà Hưng Long vinh dự được đi cùng tổ với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái xuống vùng Chợ Rã, Chợ Đồn, Bạch Thông (Bắc Kạn); sau đó qua Chợ Chu (Thái Nguyên) rồi lên Sơn Dương (Tuyên Quang). Sau sự kiện “Nhật đảo chính Pháp”, Hà Hưng Long được điều về làm Tiểu đội trưởng tiểu đội vũ trang tuyên truyền chống Nhật ở Bắc Kạn. Khi đơn vị này phát triển lên trung đội rồi đại đội, ông đều làm chính trị viên cùng với Đại đội trưởng Thu Sơn - một đồng đội cũ ở Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, tỉnh Bắc Kạn thành lập một đại đội Việt Nam Giải phóng quân. Hà Hưng Long được giao chỉ huy đại đội này, lên đường sang Yên Bái, Tuyên Quang tước vũ khí của bọn Quốc dân đảng Đỗ Đình Đạo. Cuối tháng 10-1945, ông chỉ huy đơn vị tiếp tục tiến lên Hà Giang đánh tàn quân Quốc dân đảng. Tại đây, tháng 8-1946, ông được kết nạp Đảng. Năm 1947, Hà Hưng Long được điều về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Hà Tuyên thuộc Liên khu 10. Ông đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh trên sông Lô, sông Gâm. Chiến trường Tuyên Quang đã trở thành quê hương thứ hai và ông đã quyết định ở rể luôn tại đây. Người bạn đời của ông cũng chính là người đồng chí, đồng đội chung một chiến hào. Tháng 10-1948, Hà Hưng Long về làm phái viên kiểm tra kiêm Trưởng ban cán bộ Liên khu 10. Khi ta chuẩn bị mở chiến dịch Biên Giới 1950, Hà Hưng Long được cấp trên điều quay trở lại Cao Bằng làm Chủ nhiệm vận tải Mặt trận, Phó chủ nhiệm Ban tiếp nhận hàng viện trợ tại Thủy Khẩu kiêm công tác giao tế Trung ương tại khu vực này.


Trong những năm 1951-1954, Hà Hưng Long lần lượt làm Binh trạm trưởng vận tải của các chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ... Hoà bình lập lại, ông về làm Đội trưởng đội ca nô Hồng Hà - tiền thân của Đoàn vận tải Hồng Hà anh hùng sau này.


Năm 1958, Hà Hưng Long chia tay quân đội, chuyển ngành về Bộ Công nghiệp. Tại môi trường mỏi này, ông đã từng làm Phó giám đốc mỏ than Quán Triều, Giám đốc Nhà máy gạch chịu lửa Tuyên Quang; Phó Ban công nghiệp tỉnh, rồi làm Bí thư Đảng ủy Sở Công nghiệp tỉnh Hà Tuyên. Năm 1976, ông về nghỉ hưu tại Yên Sơn - Tuyên Quang.

Ông Hà Hưng Long đã được tặng thưởng:
Huân chương Độc lập hạng Ba;
Huân chương Kháng chiến hạng Nhất;
Huân chương Chiến công hạng Nhì;
Huân chương Chiến thắng hạng Nhỉ.
Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều Huy chương khác.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #49 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2015, 06:52:45 pm »

LỘC VĂN LÙNG (1903-1969)

Họ và tên: Lộc Văn Lùng
Bí danh: Văn Tiên
Ngày tháng năm sinh: 10-1903
Quê quán: Mai Pha - Cao Lộc - Lạng Sơn
Dân tộc: Tày.


Vốn xuất thân từ một cai đội, sau khi được giác ngộ cách mạng, Lộc Văn Lùng được tổ chức gửi sang học quân sự tại Trung Quốc. Cuối năm 1943, Lộc Văn Lùng về nước hoạt động ở vùng Hà Quảng. Tháng 12 năm 1944, ông được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và mang bí danh là Văn Tiên.


Trong Đội, Văn Tiên thường được anh em "suy tôn" làm "anh cả" bởi hai nhẽ: ông là người lớn tuổi nhất và là người giữ tay hòm chìa khoá, lo cơm áo gạo tiền cho cả Đội. Vốn là một con ngươi hiền lành, ít nói, thật thà và cẩn thận, do đó khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, Văn Tiên được đồng chí Võ Nguyên Giáp "chọn mặt, gửi vàng" giao cho làm quản lý của Đội.


Với nguồn ngân quỹ ban đầu là 50 đồng được giao, việc đầu tiên của Vãn Tiên là mua ngay một chiếc chảo to để nấu cơm cho cả Đội và tìm mua một số thuốc ký ninh để chữa sốt rét cho anh em. Trong buổi lễ ra mắt của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, chính Văn Tiên là người tổ chức bữa cơm nhạt đạm bạc không muối để thể hiện tinh thần chịu đựng gian khố của cán bộ. chiến sĩ trong Đội.


Có thể nói cả cuộc đời binh nghiệp của Văn Tiên gắn với ngành Hậu cần, Tài chính trong quân đội. Tuy nhiên, những dòng trích ngang về quá trình hoạt động của ông để lại quá ngắn ngủi. Các cơ quan chức năng và tập thể biên soạn cuốn sách này đã bỏ khá nhiều công sức để tìm hiểu. Sưu tầm tư liệu về nhân viên tài chính đầu tiên của Quân đội ta nhưng kết quả không được như mong muốn.


Ông có hai người con gái hiện sống ở Lạng Sơn là Lộc Thị Thị (sinh năm 1935) và Lộc Thị Dung (sinh năm 1941) nhưng cả hai đều không biết chữ và hầu như không biết gì về quá trình hoạt động của cha mình.
Không ai còn nhớ Văn Tiên tham gia hoạt động từ khi nào và ở những đâu? Mà chỉ biết rằng ông về hưu ngày 1-11-1965 với quân hàm đại úy. Chức vụ cao nhất trước lúc nghỉ hưu là Tiểu đoàn phó thuộc cơ quan Đối ngoại Bộ Quốc phòng.


Văn Tiên mất ngày 20-12-1969 tại quê nhà.

Ông đã được tặng thưởng:
Huân chương Chiến công hạng Ba;
Huân chương Chiến thắng hạng Nhì.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM