Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:13:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân  (Đọc 56088 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #10 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2015, 08:36:36 pm »

Trong khi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Lê Quảng Ba đang trao đổi thì lãnh tụ Hồ Chí Minh đến. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo nội dung cuộc trao đổi và được Người đồng ý. Về tên gọi Đội Việt Nam Giải phóng quân, theo Người chỉ thị thêm vào hai chữ “tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này còn trọng hơn quân sự.


Về quan hệ giữa Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - đội chủ lực đầu tiên của Đảng trong cả nước với các lực lượng vũ trang địa phương. Người khẳng định: Thống nhất chỉ đạo cả chủ lực và địa phương, ba lực lượng ấy đoàn kết. phối hợp chặt chẽ với nhau. Bộ đội chủ lực có nhiệm vụ dìu dắt, giúp đỡ bộ đội địa phương trưởng thành.


Người chú trọng hai điểm “Một là, cuộc chiến đấu đầu tiên phải là một cuộc thắng lợi”, bởi “cuộc chiến đấu ấy có tác dụng rất lớn lao và trong một phần lớn, sẽ quyết định tương lai của Đội. Hai là các cuộc hành động phải nhằm thời gian, phải nhằm địa điểm, tổ chức phải gọn gàng, chu đáo xuất sắc, làm cho vang dội đến khắp trong nước và vang dội cả ra nước ngoài. Sau mỗi thắng lợi phải triệt để lợi dụng để mở rộng tuyên truyền. Có thế Đội giải phóng quân mới đạt mục đích tuyên truyền của nó, mới kêu gọi toàn dân đoàn kết, vũ trang đứng dậy mới làm cho nước ngoài chú ý đến cuộc chiến đâu chống phát xít của dân tộc Việt Nam”1 (Võ Nguyên Giáp - Đội quân giải phóng 1944-1947, Bản đánh máy, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, trang 11, ký hiệu VL23017/85).


"Bác yêu cầu thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thể danh dự. Thành lập xong ra quân hành động có tính chất quần chúng. Trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng. Điều đó sẽ ảnh hương tốt cho công tác tuyên truyền và tác động trong quần chúng"2 (Vũ Anh - Những ngày gần Bác - trong sách Đầu nguồn (tập hồi ký), Sđd, tr.270)... “Người cán bộ cách mạng bất kỳ làm việc gì cũng phải biết mình, biết người, phải điều tra nghiên cứu cẩn thận, biết rõ sức ta, sức địch, không được để sơ hỏ, làm lộ bí mật, hại đến phong trào"  (Vũ Anh - Những ngày gần Bác - trong sách Đầu nguồn (tập hồi ký), Sđd, tr.270). Lúc chia tay các đồng chí Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba. Người còn dặn thêm: "Nhớ bí mật: ta ở Đông, địch ở Tây. Lai vô ảnh khứ vô hình".


Về vũ khí, các đồng chí cũng quyết định tập trung phần lớn vũ khí tốt nhất lấy từ các châu, từ cơ sở lên và từ nước ngoài về để trang bị cho đội. Lúc ấy, đồng chí Tông Minh Phương và bà con Việt kiều ở Côn Minh (Trung Quốc) có gửi về một số vũ khí gồm: 1 khẩu tiểu liên Submachine Gun, 3 khẩu Cônbát Mỹ và 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp bom nổ chậm. Cùng với vũ khí, Đội nhận được 50 đồng chi phí quân nhu... Cho tới trước ngày thành lập, Đội chỉ có 2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường giáp năm, giáp ba, khai hậu của Tàu chế tạo: một số khẩu súng kíp, súng hoả mai, còn lại là mã tấu, giáo, mác, 150 viên đạn, 1 hộp bom nổ chậm.


Trên đường từ Pác Bó trở lại tổng Kim Mã, theo kế hoạch đã định, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Lê Quảng Ba đã ghé vào gặp đội vũ trang châu Hà Quảng để trực tiếp điều động một số cán bộ và thành viên ưu tú của đội vũ trang này. Đó là các đồng chí Xuân Trường, La Thanh, Dương Đại Long, Lương Văn Ích. Tại đây, các đồng chí cũng đã gặp và điều động một số đồng chí, cán bộ vừa học quân sự từ Trung Quốc về cho Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân như Hoàng Văn Thái, Lâm Cẩm Như, Thu Sơn, Đàm Quốc Chủng... Số anh em này đều rất phấn khởi khi được lựa chọn vào Đội.


Sau đó, khi qua Lam Sơn (Hòa An), các đồng chí này còn vào gặp gỡ và bàn bạc với Liên tỉnh ủy, phổ biến quyết định của lãnh tụ Hồ Chí Minh hoãn kế hoạch khởi nghĩa vũ trang và thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Các đồng chí trong Liên tỉnh ủy rất vui mừng, nhiệt liệt hoan nghênh quyết định đó và cùng bàn bạc, trao đổi về kế hoạch điều động lực lượng, chỉ thị cho các tổng, châu chọn những cán bộ ưu tú nhất của mình lén tham gia Đội. Đồng thời lãnh đạo Liên tỉnh ủy cũng chỉ thị cho các địa phương trong Cao - Bắc - Lạng tích cực giúp đỡ mọi mặt trong việc xây dựng Đội, vừa gấp rút điều tra tình hình các đồn địch tại địa phương. Rời Liên tỉnh ủy, các đồng chí tới tổng Hoa Thám (Nguyên Bình), gặp chỉ huy đội vũ trang của tổng này, trực tiếp điều động một số đồng chí lên tham gia đội, theo danh sách đã định. Đó là các đồng chí: Hà Hưng Long, Tô Vũ Dâu, Bế Văn Sắt.


Về phía các châu, tổng trong Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, sau khi nhận được chỉ thị của Liên tỉnh ủy, đều đã họp bàn để cử những thành viên ưu tú trong các đội vũ trang tổng, châu của mình lên tham gia Đội. Đội vũ trang thoát ly tổng Chí Kiên (Bắc Kạn) đã cử ba người là Hoàng Văn Ninh (tức Thái Sơn), Hoàng Văn Lường (Kính Phát) và Trương Phúc Minh1 (). Đội vũ trang tổng Phan Đình Phùng (Ngân Sơn) chọn và cử hai đồng chí là Hoàng Thịnh và Bế Ích Nhân (Ích Vạn). Đồng chí Hoàng Thịnh vốn là một cán bộ từ Cứu quốc quân lên chi viện cho phong trào Nam tiến.


Bên cạnh đó, một số các đồng chí khác từ các tổng cũng được cử lên tham gia Đội như: Trương Đắc - cán bộ phụ trách vùng dân tộc Dao ở tổng Hưng Đạo, Nguyên Bình...

Ngoài ra, một số đồng chí từ Cứu quốc lên chi viện cho Cao - Bắc - Lạng tham gia phong trào Nam tiến, qua thử thách trong phong trào, cũng đã được chọn tham gia đội. Đó là đồng chí Mông Phúc Thơ và đồng chí Hoàng Thịnh. Lúc này đồng chí Mông Phúc Thơ là cán bộ Nam tiến đang phụ trách các xã vùng cao của tổng Đội Cung (bắc Ngân Sơn).


Về đảm bảo hậu cần cho Đội như ăn, mặc..., các đồng chí đều xác định cơ bản là “dựa vào dân, dựa vào dân là có tất cả” như lời dặn của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tuy vậy, lúc này có nhiều việc trước mắt cần phải chi tiêu. Do đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định trích 50 đồng tiền Đông Dương1 (Về số tiền này, lâu nay các tư liệu và sách đều ghi là 500 đồng. Tuy nhiên, qua xác minh của chúng tôi thì số tiền ban đầu của Đội chỉ có 50 đồng) trong quỹ Đảng và giao cho đồng chí Vũ Anh (lúc đó phụ trách tài chính của Đảng) thực hiện. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển giao số tiền đó cho đồng chí Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng) quản lý để lo chi tiêu cho toàn Đội. Đồng chí Văn Tiên là một cán bộ tận tụy và mẫn cán, yêu quý các đồng chí của mình như con em, coi trọng từng đồng xu, hạt gạo của công quỹ. Dù được giao nhiệm vụ làm quản lý cho Đội, song đồng chí vẫn nêu nguyện vọng chuyển việc này cho người khác để được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhận số tiền này, đồng chí Vân Tiên đã cho mua ngay một chiếc chảo to để nấu ăn và gửi một ít để mua thuốc ký ninh chống sốt rét cho Đội. Như vậy, đồng chí Lộc Văn Lùng – người quản lý đầu tiên của đội, đồng thời cũng là cán bộ tài chính đầu tiên của quân đội ta sử dụng những khoản bảo đảm đời sống và sinh hoạt cho bộ đội2 (Dẫn theo Trọng Thanh-500 đồng, 3.000 đồng... nửa triệu đồng, Đặc san Sự kiện và Nhân chứng. Báo Quân đội Nhân dân, số 2-1994, tr.9).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2015, 08:38:20 pm »

Trước ngàv thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư nhỏ của lãnh tụ Hồ Chí Minh đựng trong một vỏ bao thuốc lá. Đó chính là chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, do đích thân Người viết. Nội dung chỉ thị như sau:

“Tên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngủ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.


Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ1 (Các sách ghi chép không thống nhất, một số sách ghi là “dìu dắt các đội”, chúng tôi sử dụng theo Hồ Chí Minh – toàn tập, tập 3 (1930-1945) Nxb Chính trị quốc gia, H.2000) vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.
Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”1 (Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 3, Sđd.tr.507-508).

Về địa điểm để tổ chức lễ thành lập Đội, trước đấy lãnh tụ Hồ Chí Minh đã hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp là có thể tìm được một căn cứ "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" được không? Đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời: “Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt quân ta được”. Sau khi cân nhắc các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, và cả mặt địa danh lịch sử tên gọi, địa điểm được chọn là khu rừng đại ngàn nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Khu rừng này thuộc núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng; nơi có nhiều cây cổ thụ và đỉnh Slam Cao, cao nhất trong các dãy núi xung quanh, rất tiện cho việc bố trí vị trí quan sát.


Nguyên Bình là một huyện có phong trào cách mạng phát triển sớm và mạnh của tỉnh Cao Bằng. Ngay từ những năm 20, ở đây đã dấy lên phong trào đấu tranh của công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc. Ngày 15-4-1935, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Nguyên Bình đã ra đời, do đồng chí Dương Mạc Cam (Dương Mạc Thạch) làm Bí thư. Đầu năm 1941, Châu ủy Nguyên Bình vừa mới ra đời đã cử ngay cán bộ dự các lớp huấn luyện chương trình Việt Minh. Từ những hạt giống đỏ đó, số cán bộ này lại trở về các địa phương mở những lớp huấn luyện mới, đào tạo những cán bộ phong trào mới để rồi cử họ đi khắp nơi vận động cách mạng trong quần chúng. Cuối năm 1942, ở Nguyên Bình đã xuất hiện nhiều xã, lũng "hoàn toàn". Ban Việt Minh ở nhiều nơi đã được thành lập. Cùng thời gian này, Hồ Chí Minh đến Gia Bằng - nơi có phong trào phát triển mạnh của Nguyên Bình để mở lớp huấn luyện chính trị cho các đồng chí trong Tỉnh ủy và Châu ủy lâm thời. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở Nguyên Bình, lòng yêu nước của nhân dân ở đây, từng được thử thách qua các đợt khủng bố trắng của địch cuối năm 1943, cùng với vị trí địa lý hiểm trở, đã làm cho Nguyên Bình có đầy đủ các yếu tổ để trở thành căn cứ địa cho cách mạng.


Ở Nguyên Bình, hai tổng có phong trào mạnh là Tam Lộng và Kim Mã. Khồng phải ngẫu nhiên mà nơi đây lại được chọn làm nơi ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta (Tam Kim là xã được thành lập sau Cách mạng tháng Tám 1945 trên cơ sở nhập hai xã Tam Lộng và Kim Mã). Nằm ở phía nam huyện Nguyên Bình, những năm 1940, dân số hai tổng có khoảng 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là ngưòi Tày và người Dao. Ở đây diện tích rừng chiếm hơn 90 phần trăm, đâ't nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5 phần trăm. Do đó, cũng như nhiều địa phương khác ở Cao Bằng, nhân dân Tam Lộng và Kim Mã có cuộc sống rất khó khàn. Dưới ách cai trị của thực dân và tay sai, cũng như nhân dân nhiểu nơi khác trong cả nước, nhân dân Tam Kim luôn mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh quật khởi, chỉ chờ cơ hội là vùng lên.


Cuối năm 1941, các hội viên cứu quốc đã đến hai tổng này tuyên truyền vận động cách mạng. Ngày 30-1-1942, các đồng chí Tán Thuật (Nông Văn Lạc) và Đề Thám (Nông Văn Bưu) đã lên Gia Bằng (Minh Tâm) dự lớp huấn luyện cán bộ do đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức. Trở lại Tam Lộng, Kim Mã, các đồng chí nàv đã nhanh chóng vận động được thêm nhiêu người vào Hội cứu quốc. Đầu năm 1942, các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng đã về Tam Kim mở liên tiếp ba lớp huấn luyện cán bộ tại Roỏng Bó, hang Thẩm Cầu và rừng Nà Dư. Sau đó, số hội viên cứu quốc người địa phương đã tăng lên rất đông.


Trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở Tam Kim, nhất là do hoạt động của các lớp huấn luyện trên có phần công khai, tháng 8-1942, thực dân Pháp đã điều quân từ châu lỵ Cao Bằng vào khủng bố ở khu vực này. Một số hội viên đã bị địch bắt. Vì vậy, các cán bộ phong trào ở đây phải rút vào rừng hoạt động bí mật. Châu ủy Nguyên Bình cũng đã cử thêm cán bộ tăng cường cho Tam Kim. Khi tình hình đã ổn định trở lại, các đồng chí được tôi luyện qua thử thách đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản như: Nông Văn Lạc, Dương Văn Long...


Trên cơ sở đó, tháng 9-1942, chi bộ Tam Kim được thành lập (còn gọi là chi bộ Nam tiến) gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Dương Văn Long, do đồng chí Nông Văn Quang làm Bí thư. Chi bộ kịp thời định hướng cho việc phát triển phong trào là củng cố cơ sỏ cũ và nhanh chóng phát triển cơ sở mới vào các vùng dân tộc Dao để có thêm địa bàn hoạt động cho cán bộ bí mật. Những tháng cuối năm 1942 - đầu 1943, các cán bộ Tam Kim đã gây dựng được thêm nhiều cơ sở Hội cứu quốc ở nhiều bản vùng cao như Nà Áng, Nà Sang, Nà Thư (tổng Hưng Đạo): Khuổi Sương, Khuổi Ngoài (Cốc Đán)...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #12 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2015, 08:39:03 pm »

Tháng 2-1943, được tăng cường thêm một số cán bộ từ Cứu quốc quân lên, ba đội xung phong Nam tiến bí mật và công khai đã xuất phát từ Tam Kim phát triển phong trào xuống các xã ở Thượng Ân, Cốc Đán, Vân Tùng (Ngân Sơn).
Tại Tam Kim, thời gian này cơ sở hội viên cứu quốc cũng đã phát triển rộng khắp và lan nhanh sang các tổng lân cận như Hoa Thám, Hưng Đạo... Hội cứu quốc phát triển đến đâu là ở đó tổ chức các đội tự vệ chiến đấu trong thanh niên để làm nhiệm vụ bảo vệ các cuộc họp và tiễu trừ Việt gian phản động. Tháng 7-1943, hai tên phản động gian ác tại Tam Kim là tổng đoàn Dương Văn Luỹ và tên xã đoàn lên Cao Bằng báo cáo chánh mật thám Pháp. Khi về qua địa phận Hoa Thám đã bị đội tự vệ chiến đấu Tam Kim chặn đánh tiêu diệt tên Lũy, còn tên xã đoàn chạy thoát. Đây là chiến công đầu của tự vệ chiến đấu Tam Kim.


Tháng 11-1943, Đảng bộ và đội tự vệ chiến đấu Tam Kim được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ tổ chức một cuộc mít tinh lớn với khoảng 500 hội viên cứu quốc và tự vệ chiến đấu của các vùng xung quanh nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga tại rừng Pù Mèn. Đáp ứng yêu cầu trên, Đảng bộ và nhân dân Tam Kim đã lo làm các lán nghỉ, tổ chức bảo đảm việc ăn nghỉ, lương thực thực phẩm, giữ bí mật cho các đại biểu tham dự từ các vùng như Ngân Sơn, Chợ Rã... Từ thành công trên, đến tháng 1-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp lại giao tiếp cho Đảng bộ và tự vệ chiến đấu Tam Kim và Hoa Thám làm lán trại, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho 100 cán bộ bí mật họp tổng kết công tác Nam tiến tại rừng Nà Sang (Tam Kim). Cuộc họp diễn ra 1 ngày 1 đêm và đã được bảo đảm an toàn tuyệt đối.


Cuối tháng 1-1944, chi bộ Tam Kim và đội tự vệ chiến đấu ở đây lại được giao nhiệm vụ tố chức một lớp học quân sự và chính trị (còn gọi là "Quân chính học hiệu") do đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Thiết Hùng làm giảng viên. Lớp gồm có 80 học viên từ các địa phương về dự như: Minh Tâm, Hoa Thám, Hoà An, Ngân Sơn về dự. Mục đích lớp học là đào tạo cán bộ quân sự tăng cường cho tuyến đường Nam tiến. Nhiệm vụ nặng nề khi tổ chức lớp, ngoài chuẩn bị lương thực, thực phẩm, còn phải bảo đảm trật tự an ninh. Những nhiệm vụ trên đều do các đoàn thể cứu quốc, tự vệ chiên đấu Tam Kim đảm nhiệm và đã hoàn thành xuất sắc. Lớp học kết thúc tôt đẹp.


Sau khi lớp học bế giảng một thời gian, quân Pháp nghe tin đã điều quân lên khủng bố ở một số nơi như Minh Tâm, Tam Kim, Hoa Thám... Chúng tiến hành dồn nhà lẻ, bản nhỏ vào làng lớn, bắt ép nhân dân rào làng, tăng cường canh gác nhằm cách ly quần chúng với cán bộ cách mạng. Chúng cũng lập thêm nhiều đồn bốt, nhà bang tá ở quanh vùng như: Nà Bao, Bằng Đức, Phai Khắt, Vài Khao, Nà Ngần... Riêng xã Tam Kim, ngoài việc tịch thu ngôi nhà của đồng chí Nông Văn Lạc để đóng quân, chúng còn tổ chức bao vây, truy bắt những hội viên trung kiên.


Để đối phó với âm mưu của địch, cấp trên chỉ thị cho Tam Kim chuyển các cán bộ nòng cốt tại địa bàn này vào rừng hoạt động bí mật. Đến giữa năm 1944, tại Tam Kim đã có 26 ngưòi chuyển vào rừng hoạt động bí mật. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai tổng này đã thành lập một đội vũ trang thoát ly để nắm và chỉ đạo quần chúng đấu tranh chống cuộc khủng bố trắng của địch. Đội gồm ba tổ hoạt động tại ba khu vực là: tổ Thế Dục, tổ Đức Chính và tổ Phan Thanh. Phối hợp với lực lượng này đấu tranh chống khủng bố còn có đội "Hộ lương diệt ác" của Liên tỉnh ủy, do đồng chí Hoàng Sâm chỉ huy.

Thực hiện chỉ thị của Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng về chuẩn bị khởi nghĩa cục bộ, lãnh đạo hai tổng Tam Lộng và Kim Mã với sự trợ giúp đắc lực của hơn 100 hội viên cứu quốc tích cực, đã chuẩn bị lương thực dự trữ gạo muối.

Tháng 9-1944, ba đội vũ trang tập trung của Tam Kim, Hoa Thám, Chí Kiên đã được dự lớp tập huấn 20 ngày tại rừng Khuổi Cọ (cách đèo Cao - Bắc khoảng 6km) do các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sâm làm giảng viên.

Khi lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đội vũ trang Tam Kim vinh dự được chọn hai chiến sỹ tham gia là đồng chí Tô Văn Cắm (Tiến Lực) và Nông Văn Kiểm (tức Liên).


Trước ngày thành lập Đội, theo lời dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Hoạt động của Đội phải lấy chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo”, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đội đã tiến hành thành lập chi bộ Đảng của Đội. Lúc các đội viên chưa về tập trung, chi bộ chỉ gồm các đồng chí: Xích Thắng, Hoàng Sâm, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái, do đồng chí Xích Thắng làm Thư ký chi bộ  (“Thư ký chi bộ” là sử dụng theo từ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách Những chặng đường lịch sử, Sđd. Đây là tên gọi của Bí thư chi bộ lúc đó). Trong số các đội viên được triệu tập, hoặc được cử đến, có nhiêu người là đảng viên. Khi tập trung tại rừng Trần Hưng Đạo, các đồng chí đảng viên này tiếp tục sinh hoạt tại chi bộ Đảng của đội, nên số đảng viên trong chi bộ của Đội tăng lên. Một số các đội viên đã là đảng viên lúc đó là: Mông Phúc Tho, Hoàng Thịnh, Trương Đắc, Dương Đại Long, La Thanh. Thu Sơn.


Trong những ngày chuẩn bị thành lập Đội, trên các ngả đường về khu rừng Trần Hưng Đạo, các đội tự vệ của các xã Tam Lộng, Kim Mã, Hoa Thám bí mật dẫn đường, bảo vệ cho các đội viên về nơi tập kết. Dưới sự chỉ đạo của các cán bộ địa phương như Nông Văn Lạc, Lý Đức Thương, các đoàn thể Cứu quốc đã đóng góp lương thực, rau, muối, giấy viết khẩu hiệu cho Đội. Công việc chuẩn bị được tiến hành rất khẩn trương. Các đội viên và cán bộ lần lượt từ các châu kéo về. Ba, bốn trạm đón tiếp được tổ chức ở những nơi giáp giới Cao Bằng - Bắc Kạn để đón tiếp, đưa đường cho các đội viên.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #13 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2015, 08:40:47 pm »

Ngay từ sáng ngày 22-12, tất cả các đồng chí được triệu tập đã tề tựu ở khu rừng Trần Hưng Đạo, tạm nghỉ ngơi trong ba cái lán do cơ sở cách mạng ở đây đã dựng sẵn. Những bà con hội viên ở dưới làng có nhiệm vụ đi lại nơi trú quân để giúp đỡ Đội, lần đầu thấy quân đội cách mạng tập trung đông đảo với súng ống như vậy, đều hết sức phấn khởi. Ban chỉ huy Đội tiếp tục thảo luận bàn bạc để hoàn thành những lời thề danh dự và những điều kỷ luật của Đội.


Chiều 22-12, đồng chí Nông Văn Lạc - một cán bộ cơ sở ở Tam Kim, đi kiểm tra lại tất cả các con đưòng dẫn tới khu rừng Trần Hưng Đạo, xem xét kỹ tình hình các vùng lân cận, đồng thời bố trí thêm vài ba chốt canh gác ở những nơi địch hay đi tuần. Đại biểu về dự lễ thành lập ngồi trong các lán, trao đổi về tình hình cách mạng, tình hình các đoàn thể ở địa phương thời gian qua. Gần 17 giờ, một hồi còi vang lên: đồng chí Xích Thắng gọi mọi người ra dự lễ.


Trời về chiều, đang tiết giữa đông, không khí nơi núi cao lạnh buốt. Trên một khoảng đất rộng giữa khu rừng đại ngàn với những cây cao thẳng tắp, các đội viên xếp hàng nghiêm trang chờ đợi giờ khai mạc. Trên một cành cây to trước mặt hàng quân, là lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay.


Đại biểu Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Ban khu, Ban châu, các tổng, xã và bà con các dân tộc, cùng cán bộ các đoàn thể Cứu quốc đứng thành hàng hai bên cạnh. 17 giờ, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân bắt đầu. Mở đầu là lễ chào cờ, sau tiếng hô, mấy chục cặp mắt nhìn theo lá cờ đỏ. Ban tổ chức tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu1 (Dẫn theo Nông Văn Lạc - Ánh sáng đây rồi (hồi ký), Nxb Văn học, H.1994, tr.34). Mỗi lần giới thiệu xong, tiếng vỗ tay lại vang lên. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể, đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội và nêu rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc:

"Các đồng chí!
Ngày hôm nay, 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Đoàn thể, chúng ta tập trung ở chốn rừng xanh núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, để khai hội thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

... Giải phóng quân là một đội quân rất trọng kỷ luật, tuyệt đối phục tùng thượng lệnh, là một đội quân giàu tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Kinh nghiệm của chúng ta còn non nhưng có làm mới có kinh nghiệm và làm tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin ở thắng lợi...

Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu...”1 (Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử. Sđd, tr.134 và 135).


Đại diện Liên tỉnh ủy đọc lời chào mừng và tin tưởng Đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đoàn thể giao phó. Đại diện các tổ chức thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương lên chúc mừng Đội bằng những lời cảm động và tin tưởng. Đội trưởng Hoàng Sâm, thay mặt cho 34 cán bộ, chiến sỹ, long trọng đọc Mười lời thề danh dự:

"Chúng tôi, đội viên Đội Giải phóng quân Việt Nam xin lấy danh dự một người chiến sỹ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:

Xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống xâm lược và bọn Việt gian phản quốc, để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước độc lập, dân chủ, tự do, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới...

Xin thề: Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều nên: kính trọng dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân và ba điều răn: không dọa nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân... "1 (Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử. Sđd, tr.134 và 135).

Sau những lời thề là những tiếng hô "Xin thề" đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động núi rừng.

Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân có 34 người, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Đội biên chế thành 3 tiểu đội do các đồng chí Thu Sơn, Mậu (tức Bế Văn Sắt) và Xuân Trường làm Tiểu đội trưởng.


Sau phần nghi thức, lần lượt từng đội viên và một số đại biểu lên giới thiệu tiểu sử, bí danh của mình, cùng những cảm xúc trong giờ phút thiêng liêng này. Nhân dân và các đoàn thể đem rất nhiều quà bánh đến chúc mừng, úy lạo Đội. Dù vậy, theo yêu cầu của số đông anh em, chiều hôm đó cả Đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sỹ cách mạng. Sau đó, Đội tổ chức buổi liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Bộ đội và nhân dân cùng quây quần quanh đông lửa. Buổi liên hoan diễn ra trong bầu không khí đầm ấm, cảm động.


Các đội viên trong Đội đều tỏ rõ tinh thần quyết tâm vượt qua gian khổ thử thách, thậm chí hy sinh cả xương máu để giết giặc, lập nhiều chiến công trả thù nhà, đền nợ nước. Ba mươi tư con người đều thống nhất nguyện vọng mong sao giết được nhiều giặc, lấy được nhiều súng "Tây", mau chóng phát triển Đội thành một đội quân hùng hậu để một ngày gần nhất giành được độc lập cho nước nhà và cắm cờ chiến thắng giữa thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, có đồng chí nêu mục tiêu từ nay đến Tết, đội sẽ lập nhiều chiến công để ăn Tết cùng nhân dân địa phương.


Trong giờ phút thiêng liêng của buổi lễ thành lập Đội, tâm tư cảm xúc của các đội viên thật khó tả. "Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sỹ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động"1 (Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử. Sđd, tr.136).

Đêm 22-12-1944 sẽ mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người chứng kiến buổi lễ trọng đại đó.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2015, 07:46:04 pm »

Mấy ngày đầu, Đội trưởng và Chính trị viên phân công nhau tranh thủ nói chuyện với tất cả các thành viên trong Đội để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, trình độ văn hoá, chính trị, quân sự, hoàn cảnh gia đình, sở trường, sở đoản của từng người. Trên cơ sở những hiểu biết đó mà phân công nhiệm vụ cho phù hợp cũng như vạch kế hoạch luyện tập quân sự và chính trị cho sát thực.


Trước ngày thành lập Đội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: "Trong vòng một tháng phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sỹ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội" và đặc biệt là "trận đầu ra quân phải đánh thắng". Do đó, từ tháng 11-1944, Ban chỉ huy Đội vừa được hình thành, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã bắt tay ngay vào nghiên cứu chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên. “Hàng loạt vấn đề được đặt ra mà quan trọng nhất là: đánh vào đâu và đánh như thế nào để với một lực lượng nhỏ lại có thế giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự mà ta ít bị tổn thất về người và vũ khí”1 (Hoàng Văn Thái – Về hai chiến công đầu của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân: Trận Phai Khắt và trận Nà Ngần. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 12 năm 1988, tr.37).


Trận đánh đầu tiên đối với Đội cực kỳ quan trọng. Thắng lợi của nó có tác động rất lớn tới tinh thần của các đội viên và thúc đẩy phong trào cách mạng trong vùng. Còn nếu thất bại, ảnh hưởng tiêu cực của nó sẽ là khôn lường về mọi mặt. Đội vừa thành lập chưa lâu, công tác huấn luyện chiến đấu chưa được nhiều, mặt khác, vũ khí của Đội còn rất thô sơ, cả Đội chỉ có mấy chục khẩu súng cũ kỹ mà cơ số đạn lại rất ít. Ngoài yêu cầu về thời gian tác chiến phải trong vòng một tháng, trận đánh đầu tiên còn phải đảm bảo yêu cầu thu được càng nhiều vũ khí của địch càng tốt và hạn chế tổn thất. Do đó, Ban chỉ huy Đội đã bàn bạc rất kỹ lưỡng.


Về địa điểm tác chiến, yêu cầu là phải đánh ở đâu để đảm bảo chắc thắng, phát huy được thanh thế, không làm tổn hại cơ sở cách mạng khi địch quay lại khủng bố. Có ý kiến đề nghị không nên đánh vào những nơi có cơ sở của ta. Thế nhưng, đánh vào nơi ta không có cơ sở sẽ gặp khó khăn vì không nắm được tình hình địch một cách chắc chắn, thiếu sự giúp đỡ hỗ trợ của nhân dân trong quá trình chuẩn bị và chiến đấu, vì vậy mà yếu tố chắc thắng sẽ không được đảm bảo. Qua thăm dò một số cán bộ phụ trách cơ sở ở các địa phương, họ đều yêu cầu cứ đánh địch ở địa bàn mình, còn chuyện địch khủng bố thì sau khi đánh ta sẽ có kế hoạch thích hợp để đề phòng. Ban chỉ huy Đội nhận định trận đánh đầu tiên muốn giành thắng lợi chỉ có thể tập kích vào đồn địch ở địa phương có cơ sở nhân dân thật tốt, họ sẽ giúp đỡ cho bộ đội chu đáo mọi mặt từ điều tra tình hình địch, bố trí lực lượng, đến quá trình chiến đấu và giải phóng trận địa sau đó.


Sau khi thống nhất về cách chọn mục tiêu, Ban chỉ huy Đội tiếp tục bàn cách đánh đồn địch. Yêu cầu của trận đánh này là phải giành cho được thắng lợi, không để bị tổn thất nặng nề về người và vũ khí. Súng trường là vũ khí chủ lực của Đội, song cơ số đạn trang bị cho mỗi khẩu cũng chỉ có trung bình khoảng 20 viên. Có người đề xuất chọn cách đánh phục kích là thích hợp, bởi đánh phục kích các đội quân lưu động của địch thì giành thắng lợi tương đối dễ mà bộ đội cũng đỡ tổn thất. Tuy nhiên, đánh phục kích như thế dù có thể thu được một số súng của địch, nhưng vấn đề quan trọng hơn là không giải quyết được vấn đề đạn, vì chỉ huy quân Pháp vốn không tin tưởng vào binh lính người Việt nên mỗi khi đi tuần chúng chỉ phát cho mỗi tên khoảng 5 đến 10 viên đạn. Bên cạnh đó, muốn đánh phục kích được cần phải có thời gian điều tra lâu dài, sau đó lại bị động chờ đợi địch, phải có thời cơ mối đánh được. Làm như vậy sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ trong vòng một tháng như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giao... Sau khi bàn bạc và cân nhắc kỹ các phương án, Ban chỉ huy Đội quvết định "trong mấy trận đầu phải tập kích vào đồn trại của địch đế chiếm lấy đạn dược, mặc dầu đánh tập kích khó khăn hơn"1 (Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử. Sđd, tr.129).


Từ đó, công tác điều tra nắm tình hình các đồn trại địch được giao cho các đồng chí phụ trách cơ sở ở một số nơi trong vùng. Một số đồn trong vùng Kim Mã, Cẩm Lý được đưa ra để điều tra như: Nà Bao, Nà Ngần, Phai Khắt. Các đồng chí Hồng Quân, Đức Long và Nông Văn Lạc được phái đi để liên lạc với cơ sở, tìm hiểu bố trí lực lượng và quy luật hoạt động của địch ở những đồn này. Sau khi nắm chắc tình hình địch, các đồng chí về báo cáo lại với Ban chỉ huy Đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp phân tích: "Đồn Nà Bao chúng đóng trên đồi tương đối xa dân. Nếu đánh ở đấy, nó khủng bố chắc cũng có nhưng ít hơn. Nhưng ở đấy thì khó nắm tình hình địch. Còn đồn Nà Ngần chúng nó đóng trong nhà dân, cơ sở quần chúng tốt. Ta biết được tình hình địch ra vào, nhưng lực lượng địch ở đây mạnh về quân số, về trang bị. Đồn Phai Khắt nhiều thuận lợi hơn cả. Cơ sở quần chúng ta vững, tình hình địch ta biết rõ, tiến thoái cũng dễ"2 (Nông Văn Lạc - Ánh sáng đây rồi (hồi ký), Sđd, tr.128).


Thế nhưng, đồn Phai Khắt vốn là nhà của đồng chí Nông Văn Lạc - nơi trước đây một số cán bộ ta đã từng ở để hoạt động, nếu đánh vào đây, khi địch khủng bố, có người không giữ được, khai ra thì rất có thể chúng sẽ tàn sát cả gia đình đồng chí Lạc. Do đó, Ban chỉ huy đã hỏi ý kiến đồng chí Nông Văn Lạc về vấn đề này. Vốn là người giác ngộ cách mạng từ sớm và đã nhiều năm gắn bó vối phong trào, đồng chí Nông Văn Lạc đã quả quyết: Đây là nhiệm vụ của cách mạng giao, nên dù có tổn thất cả gia đình mà thu được thắng lợi cho cách mạng thì cũng quyết tâm thực hiện.


Sau khi cân nhắc, để đảm bảo chắc chắn giành thắng lợi, không bị tổn thất, vừa thu được vũ khí đạn dược, Ban chỉ huy quyết định chọn đồn Phai Khắt đánh trận đầu và kế đó đánh đồn Nà Ngần. Trong hai trận này, Đội đều cải trang làm lính dõng để đột nhập đồn địch.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2015, 07:46:59 pm »

Để có thêm thông tin từ thực địa, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội, được liên lạc viên dẫn đường, đã lên đỉnh Slam Cao, để trực tiếp quan sát đồn Phai Khắt.


Phai Khắt là một bản nhỏ thuộc xã Tam Lộng, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình - Cao Bằng). Bản này nằm cạnh một con suối to - nhân dân địa phương thường gọi là sông Nhiên, phía trước là cánh đồng rộng, sau lưng là đồi lúp xúp. Trong bản chỉ có khoảng mười nóc nhà. Từ đây có ba con đường đi các ngả, về phía Nam đi Ngân Sơn, về phía Đông Bắc đi Nà Ngần và một con đưòng độc đạo ra châu lỵ Nguyên Bình.


Đây là một bản Việt Minh "hoàn toàn", nhân dân đều tham gia các hội cứu quốc. Thời kỳ này, để kiềm chê phong trào cách mạng do Việt Minh lãnh đạo đang ngày một dâng cao, quân Pháp rải quân đóng các nơi. Khi kéo quân về Tam Lộng, lúc đầu chúng định đóng đồn ở Pác Cáp, nhưng vì không có nhà ở nên chúng kéo xuống làng và chiếm nhà của đồng chí Nông Văn Lạc - một ngôi nhà có tường xây gạch to nhất làng để đóng quân. Xung quanh đồn, địch rào một hàng rào vầu cao hai mét chỉ để hai cửa ra vào, một ở sau nhà, một vào thẳng đồn, có đặt vọng gác. Vòng ngoài bản, chúng bắt nhân dân thay phiên nhau canh gác, còn vòng trong do lính của đồn trực tiếp canh gác. Từ ngày về Phai Khắt, địch ra sức khủng bố, lừa bịp nhân dân nhưng không ai bị lung lạc hay bị lôi kéo cả. Cơ sở cách mạng ở đây vẫn vận động được nhân dân tiếp tế lương thực và báo tin cho cán bộ hoạt động bí mật.


Sau khi đi trinh sát kỹ cả hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, các đồng chí Hồng Quân và Đức Long vẽ lại sơ đồ, rồi phái một số người khác đến đối chiếu lại. Để có thêm thông tin, Đội cử bé Hồng (tức Nông Văn Xương) mới 12 tuổi, là người làng, hàng ngày vẫn mang trứng gà và rượu vào cho tên quan Tây trong đồn, lợi dụng trò chuyện, xem kỹ các vị trí kho đạn, nơi để súng, lương thực, nơi ăn ngủ, canh gác, giờ giấc sinh hoạt học tập của tên quan Tây và bọn lính. Sau khi nắm kỹ quy luật hoạt động và bố trí của địch ở trong đồn, bé Hồng đã báo cáo tỷ mỷ cho chỉ huy Đội. Trước lúc ta đánh đồn, quân số địch có 21 tên lính dõng người Nùng và người Mán, do tên cai người Pháp là Simônô làm đồn trưởng. Bọn chúng đã gây nhiều tội ác với nhân dân quanh vùng.


Sau khi bàn bạc, kế hoạch đánh đồn được chỉ huy Đội thông qua. Để dễ dàng đột nhập đồn, quân ta cải trang thành một toán lính dõng ở châu đi tuần về, khi lọt vào đồn sẽ chiếm kho súng, buộc địch đầu hàng, tên nào ngoan cố chống lại sẽ tiêu diệt. Tiểu đội trưởng Thu Sơn cải trang giả làm cai đội; đồng chí Luận, người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, mang đôi gà và chai rượu đi trước. Thời gian hành động được ấn định vào 5 giờ chiều, lúc đó trời còn sáng nên việc ta cải trang lính dõng đi tuần sẽ làm cho địch ít nghi ngờ. Mặt khác, khi đánh xong đồn, trời đã tối, nếu bọn Việt gian có báo lên châu lỵ Nguyên Bình thì cũng phải tới sáng hôm sau chúng mới điều lính đến kịp, nên trong đêm hôm đó ta có thể thu dọn chiến trường, chuẩn bị cách đối phó cho đồng bào và kịp rút lui.


Đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nông Văn Lạc phối hợp với cán bộ và tự vệ địa phương làm công tác chuẩn bị cho trận đánh, chuẩn bị thu dọn và đối phó với địch sau trận đánh; bố trí người tiếp tế cơm nước, đặt các trạm canh gác báo tin những diễn biến mới nhất cho Ban chỉ huy Đội. Sau chiến thắng phải tập hợp nhân dân giải thích ý nghĩa chiến thắng và khi địch trở lại khủng bố, các gia đình đều phải khai báo thật giống nhau. Đồng chí Lạc cũng cần phải bố trí lực lượng vũ trang và báo cho những thanh niên địa phương khi cần có thể tham gia đánh và đã đánh là thắng. Thóc gạo giấu ở nhiều chỗ, giao thông liên lạc giữa các địa phương vẫn phải được duy trì đảm bảo thông suốt bất cứ lúc nào.


Ban chỉ huy Đội chỉ thị cho các cán bộ trung kiên ở dưới bản tìm gặp các hội viên đã từng, hay đang là lính dõng, mượn mấy chục bộ quần áo, một số khác tìm thêm mấy bộ ka ki của cai đội Tây để giúp bộ đội cải trang. Cùng với quần áo, các cơ sở còn mượn thêm một số nón lĩnh: có bọc vải chàm, viền trắng và điểm một miếng tròn trắng trên chóp.


Để thuận tiện cho việc đột nhập đồn địch, đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi đi công tác qua cơ quan in báo Việt Nam độc lập (Lam Sơn, Hòa An), đã mượn máy chữ, đánh máy tờ “Giấy đi tuần” giả. Các đồng chí ở đây còn dùng một củ khoai để trổ một con dấu rất khéo, đóng đỏ chót bên cạnh chữ ký giấy đi tuần. Thời kỳ này những giấy tờ đánh máy như thế rất có giá trị. Chiều ngày 24-12-1944, toàn đội xuất phát đi đánh Phai Khắt. Suốt ngày 25-12, toàn Đội vẫn ở trên một quả núi nhỏ phía sau bản Phai Khắt. Một số đội viên Giải phóng quân đóng giả thường dân, đứng trông chừng ở các ngả đường. Tự vệ bố trí thành một mạng lưới xung quanh vị trí trú quân của Đội để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra nếu địch đưa quân lên núi sẽ báo cho Đội biết để rút lui, hay dân thường đi lên núi thì hướng họ đi sang ngả khác. Sáng 25-12, bé Hồng đến báo tên đồn trưỏng Simônô đã đi lên châu dự lễ Giáng sinh.


Chiều ngày 25-12-1944, theo kế hoạch đã định, từ nơi đóng quân, toàn Đội bắt đầu xuất phát. Trước khi xuống cánh đồng, Đội dừng lại cải trang thành lính dõng. Tham gia trận đánh này, Đội không đủ 34 người vì một số đi công tác chưa kịp về, ngoài ra còn có 50 người gồm lực lượng du kích và cán bộ Việt Minh ở địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2015, 07:48:02 pm »

17 giờ ngày 25-12, trừ một số được phân công canh gác cùng với du kích, toàn Đội chia làm hai tiểu đội tiến vào bản. Trước khi vào, đồng chí Thắng - hội viên Cứu quốc người địa phương sống hợp pháp, quen với bọn lính, đi vào đồn kiểm tra lại tình hình. Đồng chí Thu Sơn mặc bộ ka ki, đóng giả đội sếp, cầm khẩu tiểu liên Mỹ đi đầu cùng hai đồng chí Bế Văn Sắt và Thịnh Nguyên đóng giả làm lính khố xanh. Trên đường vào, đồng chí Võ Nguyên Giáp mặc bộ ka ki đóng giả cai đội, chỉ huy trận đánh, nói với đồng chí Thu Sơn - phụ trách mũi xung kích: “Cậu đã từng tay không đánh bại bọn tướng tá Tưởng, thì nay với bọn này cậu sẽ làm gọn, cứ theo đúng kế hoạch mà làm”. Đồng chí Thu Sơn trả lời: “Cốt làm sao tôi lọt được vào đồn là chắc thắng, còn nếu phải nổ súng thì các đồng chí tiến công luôn”.


Cả "toán lính dõng" đầu đội nón bọc vải, mình mặc quần áo chàm, chân quấn xà cạp, do viên đội sếp dẫn đầu tiến vào bản. Đến cổng gác cửa đồn, đồng chí Thu Sơn hỏi tên lính gác, giọng hách dịch: "Chúng tao đang đi tuần, quan đồn có nhà không?". Tên lính tỏ vẻ sợ sệt báo cáo quan Tây không có nhà. Đồng chí Thu Sơn đe: "Quan Tây đi vắng, chúng mày phải canh gác cẩn thận!". Nói rồi đồng chí chìa tờ giấy có đóng dâu đỏ cho tên lính gác, nhưng y chưa kịp xem đã bị gạt sang một bên. Đồng chí Thu Sơn đàng hoàng tiến vào đồn, tiểu đội 1 theo sau nhanh chóng tiếp cận nơi để súng. Tiểu đội 2 cũng lập tức tiến vào trong đồn và triển khai bao vây nhà bọn lính ở. Lúc đó, lính địch đứa đang ăn cơm trong nhà, đứa thu dọn quần áo, đứa thì quét dọn, sửa hàng rào. Đồng chí Thu Sơn hô lớn: Rassemblement (Rát-xăng-bờ-lơ-manh: tập hợp). Đây là khẩu hiệu ra lệnh cho bọn lính tập hợp để đón quan châu đi tuần. 16 tên lính và tên cai tập hợp giữa sân1 (Nhân lúc quan đồn đi vắng, bốn tên lính người địa phương bỏ về thăm nhà). Cả Đội súng lăm lăm chĩa vào bọn lính địch. Đồng chí Thu Sơn hô lớn: "Chúng tôi là quân cách mạng, anh em đầu hàng sẽ không giết ai hết, giơ tay lên!”. Bị bất ngờ, không kịp trở tay, cả bọn buộc phải đầu hàng.


Giữa lúc đó, người của tổ canh gác cách đồn 3km trên đường đi Nguyên Bình, phóng ngựa tới báo tin tên đồn trưởng Simônô đang đi ngựa trở về, theo sau hắn có mấy tên lính không mang súng. Theo kế hoạch, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội quyết định bắt tên đồn trưởng. Lập tức, một bộ phận nhận lệnh đưa những tên lính bị bắt ra phía sau đồn, buộc chúng phải ngồi im. Tổ cảnh giới được lệnh ẩn nấp. Số anh em còn lại nhanh chóng thu dọn vũ khí đạn dược, chiến lợi phẩm rồi vào nơi ẩn nấp kín đáo. Một tổ mai phục ngay dưới mái hiên chuồng ngựa vì tên đồn trưởng đi ngựa về ắt phải đến buộc ngựa ở tàu, đợi khi hắn vào tận nơi sẽ chĩa súng buộc hắn đầu hàng, nếu chống cự sẽ tiêu diệt. Các tổ bố trí ở ngoài được lệnh: nếu tên đồn trưởng nhận ra và bỏ chạy thì sẽ nổ súng. Nằm nấp cùng các đồng chí Hoàng Sâm, Thu Sơn, Võ Văn Luận ở dưới mái hiên, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói nhỏ: “Khi nó vào tôi sẽ hô “Giơ tay lên”. Nếu nó giơ tay các đồng chí lập tức xông ra bắt sống. Có lệnh mới được nổ súng”. Một lát sau, tên đồn trưởng cưỡi con ngựa hồng đi thẳng vào đồn. Y vừa vào tới nơi, bắt đầu xuống ngựa, bỗng có tiếng thét: "Giơ tay lên". Chưa kịp phản ứng gì, y đã bị đồng chí Võ Văn Luận nổ súng tiêu diệt. Sau đó, đồng chí Lương Văn Ích cũng nổ súng bắn chết con ngựa. Các đồng chí này do quá căm thù, không kìm được, nên đã nổ súng ngay.


Trận đánh kết thúc, nhân dân trong bản nghe tiếng súng, chạy ra vừa ngạc nhiên vừa vui sướng, khi thấy thằng Tây gian ác từng giết bao nhiêu người, đốt phá bao nhiêu nhà bị trừng trị đích đáng. Mọi người reo lên phấn khởi, ai cũng hả lòng hả dạ bởi quân địch đã phải đền tội, bởi Giải phóng quân đã chiến thắng. Từ khi vào đồn đến khi thắng lợi, trận chiến đấu diễn ra trong 30 phút. Kết quả, ta thu được 17 khẩu súng, một ít đạn, diệt tên đồn trưởng, bắt 17 tên. Những vũ khí thu được được trang bị ngay cho Đội. Người giữ súng kíp được đổi lấy súng trường, còn súng kíp giao lại cho du kích địa phương. Số súng này đủ trang bị cho nửa trung đội. Đạn dược là thứ ta rất cần, nhưng trong các đồn lính dõng như đồn Phai Khắt này, địch chỉ trang bị cho mỗi khẩu từ 40 đến 50 viên, nên ta thu được rất ít. Toàn Đội thu dọn chiến trường, không để lại một thứ gì mà địch có thể dùng được. Lợn, gà, chăn màn, bát đĩa... Đội đem phân phát hết cho dân, xoá sạch dấu vết trên sân. Mặt khác, Đội cho người khiêng xác viên đội Tây ra chôn ở bãi cát gần sông Hoàng Bè, còn con ngựa thì lôi ra đẩy trôi theo dòng nước chôn xuống bùn sâu ở gò Hoàng Vả. Ban chỉ huy Đội giao nhiệm vụ cho đồng chí Nông Văn Lạc ở lại cùng cán bộ cơ sở và nhân dân Phai Khắt chuẩn bị đối phó với địch theo kế hoạch đã định. Trước khi rút, ta để lại trước cửa đồn một mảnh giấy viết bằng tiếng Pháp: “Chúng tôi đã cùng Việt Minh đi đánh Nhật rồi”.


Đội cử một số đồng chí đi ra phía Nguyên Bình, tới một địa điểm khá xa rồi mới quay trở lại bám theo đội hình chính của Đội để đánh lạc hướng sự theo dõi của địch. Khi toàn Đội xuống đến cánh đồng Kim Mã cũng là lúc trời vừa chập tối. Trên đường hành quân, đồng chí quản lý của Đội - Vân Tiên đã vận động cơ sở cách mạng nấu cơm nước phục vụ anh em. Tự vệ địa phương đã tổ chức một mạng lưới trạm gác, ngăn chặn những người không có nhiệm vụ đi vào con đường này để giữ tuyệt đối bí mật đường rút của Đội.


Theo kế hoạch, nửa đêm hôm đó (25-12), toàn Đội đã hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15 km), đóng quân trên một ngọn đồi, cả Đội thay quần áo, cải trang bằng những bộ quần áo lính dõng, lính tập mới thu được ở Phai Khắt. Tại đây, Đội đã tiến hành chấn chỉnh đội ngũ, kiểm điểm rút kinh nghiệm trận đánh vừa qua, biểu dương các đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó, Ban chỉ huy Đội tiến hành phổ biến lại kế hoạch tác chiến trận đánh Nà Ngần vào ngày hôm sau, đồng thời nghe các đồng chí cơ sở ở Nà Ngần lên báo cáo thêm những tin tức mới nhất về tình hình ở đó. Theo sự phân công của chỉ huy Đội, trừ tổ cảnh giới thay nhau canh gác, còn lại tất cả được lệnh đi ngủ. Tới 3 giờ sáng ngày 26-12, cả Đội thức dậy tiếp tục hành quân về hường Nà Ngần.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2015, 07:50:02 pm »

Đồn Nà Ngần cách đồn Phai Khắt 15 km, nằm trên một đồi cao, địa thế hiểm trở, từ ngoài vào phải qua mấy thung lũng. Địch chọn nhà của tên phó lý Pảo - một ngôi nhà sàn ba gian kiên cố nhất trong bản, có hàng rào kín mấy lớp vây xung quanh, biến thành một đồn lính. Muốn lên được đồn phải đi men theo sườn một quả đồi, sau đó vượt qua một con suối rồi lại từ bờ suối bên kia đi ngược lên đỉnh đồi mới tới cửa đồn. Qua điều tra được biết, đồn này có 22 lính khố đỏ, do 2 sỹ quan người Pháp chỉ huy. Hôm đó, 2 tên chỉ huy này đều lên tỉnh, giao quyền lại cho tên đội Đường, nổi tiếng phản động, chỉ huy.


Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ đội viên đã tham gia đánh trận Phai Khắt, được tăng cường thêm một số ít súng đạn. Vì địa thế đồn Nà Ngần rất hiểm trở nên ta không dùng cách đánh cường tập mà dùng mưu kế. Để dễ dàng lọt được vào đồn địch. Ban chỉ huy Đội thông nhất kế hoạch: cải trang giả làm một toán lính dõng, lính khố đỏ, đang dẫn giải ba “Cộng sản Mán” bị bắt đến giao nộp cho quan đồn. Đồng chí Thu Sơn vẫn đóng vai đội sếp, chỉ huy tổ đi đầu. Đồng chí Bế Văn Sắt đóng vai xã đoàn, đội mũ hai vành trắng. Đồng chí Vũ Lập đóng vai bang tá. Còn các đồng chí Bế Kim Anh, Thịnh Nguyên, Đàm Quốc Chủng đóng giả lính khố đỏ. Đồng chí Toàn (người Mán, có bí danh là Phạm Ngũ Lão), đồng chí Nông Văn Bê cùng một đội viên khác đóng vai ba “Cộng sản Mán” bị trói bằng dây thừng ở khuỷu tay. Đến cách Nà Ngần 500 mét, trời hãy còn chưa sáng rõ nên Ban chỉ huy cử người đi trước theo dõi tình hình địch, số còn lại dừng lại chờ trời sáng hẳn. Lúc này, toàn Đội đã cải trang từ chiều hôm trước bằng những bộ quần áo lính dõng, lính tập.


Khoảng 7 giờ sáng, đợi sương tan, trời sáng rõ, cả "đội lính tập" do “sếp đội” Thu Sơn dẫn đầu tiến vào trong đồn. Lá cờ “tam tài” lấy được ở đồn Phai Khắt được người đi đầu hàng quân giơ cao. Khi tới quả đồi trước đồn, mọi người vừa đi vừa nói chuyện ầm ĩ để lính địch khỏi nghi ngờ. Đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn theo “ba cộng sản” bị trói. Khi đến cổng đồn, tên cai và 6 lính xếp hàng hô nghiêm rồi bồng súng đứng chào. Đồng chí Thu Sơn chìa giấy cho chúng xem; cùng lúc đồng chí Trương Đắc đi sau rút thuốc lá mời và châm lửa cho bọn gác. Bốn năm tên lính trong đồn chạy ra thấy bắt được cộng sản lại có cả thuốc hút, gánh gạo, con gà và chai rượu đem nộp nên mừng tíu tít. Một tên hỏi: “Lại bắt được cộng sản người Mán à?”. Tiểu đội trưởng Thu Sơn và tiểu đội trưởng Mậu tiến thẳng vào trong đồn. Đổng chí Trương Đắc và một đồng chí khác nữa đứng lại trước cổng nói chuyện với mấy tên lính gác. Cả Đội tiến vào đồn. Đột nhập xong, cả Đội lên nhà sàn, khi đó lính địch số thì dọn chăn màn, số thì ngồi sưởi, số đi rửa mặt. Súng của chúng vẫn gác tại giá, chỉ riêng tên đội Đường là ngồi ở bàn làm việc. Theo kế hoạch đã vạch, bốn chiên sỹ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường. Đang nói chuyện, Thu Sơn phát hiện thấy một tên lính mắt lấm la lấm lét nhìn mình và có ý định nói gì đó với tên đội Đường. Thì ra tên này trước đâv học cùng trường tiểu học với đồng chí Thu Sơn, cả hai người đều nhận ra nhau. Trước tình thế đó, đồng chí Thu Sơn lập tức hành động. Anh chĩa khẩu tiểu liên vào bọn địch và hô to: "Chúng tôi là quân cách mạng đến lấy súng Tây, tất cả giơ tay lên, không sẽ bị bắn". Nghe tiếng hô ở trong đồn, đồng chí Đắc ở ngoài giật khẩu súng trường của tên gác, chĩa lên chòi buộc tên đang gác trên đó thả súng xuống. Bọn lính trong đồn rất hoảng hốt. Phó lý Pảo và mấy tên lính nhảy qua sàn hòng chạy trốn. Bất ngờ, tên đội Đưòng gạt khẩu súng của đồng chí Thu Sơn, xông vào định quật ngã đồng chí. Thấy vậy, đồng chí Nông Văn Bê nhào đến vật nhau với đội Đường. Đồng chí Thịnh Nguyên loay hoay tìm cách bắn và khi bắn chết được đội Đường thì cũng đồng thời làm đồng chí Bê bị thương ở ngón tay (do đồng chí Bê trong lúc vật nhau, nằm đè lên trên đội Đường, vòng tay xuống lưng hắn. Vì vậy, khi đồng chí Thịnh Nguyên nổ súng, viên đạn đã xuyên cả vào ngón tay đồng chí Bê). Bốn tên địch liều chết chống cự đều bị tiêu diệt. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn rồi chia thành từng tổ bao vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên vừa gọi địch đầu hàng. Bọn địch trong đồn phần lớn giơ tay đầu hàng, đứa quỳ, đứa đứng. Giữa đồn, đồng chí Hoàng Văn Thái phất cao lá cờ đỏ sao vàng. Toàn bộ quân địch còn lại buộc phải đầu hàng.


Trận đánh diễn ra trong vòng 15 phút. Ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, kể cả phó lý Pảo và bọn lính tháo chạy, thu 27 súng, khá nhiều đạn và một thanh kiếm1 (Hoàng Văn Thái – Về hai chiến công đầu... Tài liệu đã dẫn, tr.39). Phía ta, đồng chí Nông Văn Bê bị thương nhẹ ở ngón tay. Toàn Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn biểu ngữ cho nhân dân. Tốp tù binh được tập hợp ở giữa sân. Hai nữ đồng chí Cầm và Thanh giải thích bằng tiếng Tày cho họ hiểu chủ trương chính sách đánh Pháp, Nhật, cứu nước của Việt Minh, kêu gọi họ quay súng giết giặc. Tù binh rất ngạc nhiên khi thấy các nữ chiến sỹ của ta vai mang súng, lưng đeo đạn, nói năng lưu loát, phân tích cho họ cặn kẽ về tình hình trong nước, nghĩa vụ cứu nước của mỗi người dân Việt Nam. Một số xin đi theo cách mạng còn đa phần tù binh xin được trở về quê, được ta trả lại tư trang. Một số hội viên Cứu quốc địa phương và gia đình một số đội viên đã ủng hộ Đội một số tiền để cấp lộ phí đi đường cho họ. Tù binh địch rất cảm kích về sự khoan hồng và thái độ đối xử tốt của bộ đội cách mạng.


Ban chỉ huy Đội nói chuyện với đồng bào tới mừng chiến thắng, rải truyền đơn tuyên truyền về chính sách Việt Minh, về bộ đội cách mạng: đồng thời căn dặn đồng bào khi địch tới khủng bố thì thông nhất nói là "Quân cách mạng đến, binh lính trong đồn đã giao súng cho họ và kéo đi đâu không rõ". Sau đó, toàn Đội rút khỏi đồn Nà Ngần, mỗi người mang hai, ba khẩu súng và khá nhiều đạn chiến lợi phẩm.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #18 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2015, 07:53:53 pm »

Cả Đội vừa hành quân vừa hát bài "Tiếng suối reo". Nhân dân Nà Ngần và số binh lính vừa được phóng thích tiễn đưa Đội, vẫy tay chào mãi cho đến khí đoàn quân đi khuất núi. Đội tiến về phía Nam, nhưng khi vừa đi khuất thì đổi hướng ngược lên phía Bắc, để nghi binh đánh lạc hướng, vừa đi vừa xoá hết các dấu vết. Các đồng chí cơ sở địa phương, được báo trước, đứng bên đường tiếp tế cho mỗi đội viên một nắm cơm và một phần thức ăn. Đồng chí quản lý của Đội đã chuẩn bị thêm cho mọi người bát nước nóng để uống.


Cả ngày 26-12, anh em chỉ ăn một bữa cơm, nhưng khí thế chiến thắng đã làm mọi người quên đi cái đói, cái mệt. Đồng chí Bàn Tài Đoàn (bí danh là Đoàn Kết) - cán bộ địa phương, nhà thơ dân tộc Dao, quê ở xã Hoa Thám, đi theo Đội, đã tổng kết thành một câu rất đỗi tự hào: "Quân cách mạng chúng tôi ăn thì mỗi ngày một bữa, đánh thì mỗi ngày hai trận".


Hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa rất to lớn. Đây là hai trận đánh có tổ chức, có kế hoạch, có công tác tham mưu, có công tác chính trị, công tác hậu cần. Hai trận đánh tiêu diệt nhanh gọn, diễn ra cách nhau mười mấy giờ, ở hai địa điểm cách nhau khoảng gần 20 km.


Đây là hai trận đầu ra quân của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam dưới sự tổ chức, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây cũng là trận đánh ra mắt của Đội. Nó chứng tỏ nhận định sáng suốt của Đảng: "Cách mạng lúc này đã từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Những thắng lợi này báo hiệu cho toàn dân tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu để chuẩn bị cho thời kỳ đứng lên giành lấy chính quyền, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc”1 (Hồng Kỳ - Vài suy nghĩ về chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, trong sách Việt Nam Giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1995, tr.232). Chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần "như ngọn roi lửa của nhân dân Cao - Bắc - Lạng quật vào mặt quân thù sau một năm bị khủng bố trắng đẫm máu, trận đánh chứng tỏ sức sống kiên cường, bất khuất của cách mạng Việt Nam... báo trước một tương lai thảm họa cho bọn thực dân xâm lược"2 (Hồng Kỳ - Vài suy nghĩ về chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, trong sách Việt Nam Giải phóng quân - Nhớ lại bước khỏi đầu, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1995, tr. 232).


Đối với Đội, thắng lợi của hai trận đánh đã tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sỹ giải phóng, đặc biệt để lại cho toàn Đội những bài học kinh nghiệm quý báu đầu tiên cả về chính trị và quân sự. Mặt khác, số vũ khí thu được sau hai trận đánh đã giúp Đội phát triển nhanh chóng cả về lực lượng lẫn trang bị. Hai thắng lợi đó đã mở đầu cho truyền thống đánh tiêu diệt, đánh thắng trận đầu, đánh liên tục và "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Sự xuất hiện bất ngờ của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân với hai chiến thắng vang dội Phai Khắt, Nà Ngần, đã tác động mạnh mẽ, gây hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ vùng dậy đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân.


Còn đối với lịch sử quân đội ta, “hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã biểu hiện tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, trí thông minh, sáng tạo của chỉ huy, lòng yêu nước và dũng khí chiến đấu của toàn thể đội viên Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Tính nhân dân của một đội quán cách mạng biểu hiện trong khi thu dọn chiến trường, đặt kế hoạch chống địch khủng bố, bảo vệ dân”1 (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000. tr.290). “Hai chiến thắng đã góp phần thực hiện được phương châm lấy chiến thắng để tuyên truyền vũ trang. Lấy tuyên truyền vũ trang để giành chiến thắng mới” như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị'’2 (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000. tr.290).


Tối 26-12, toàn Đội vượt qua quốc lộ 3a Cao Bằng - Nguyên Bình về tới Lũng Dẻ - một bản của đồng bào Mông ở Gia Bằng. Mọi người trong Đội đều đã thấm mệt nhưng nét mặt ai nấy đều rạng rỡ phấn chấn trước hai trận thắng giòn giã. Lúc này, một số anh em có lệnh triệu tập cũng đã về tới nơi kịp nhận một số vũ khí vừa thu được. Ban chỉ huy Đội chủ trương rút thật nhanh về đây bởi sau hai trận đánh liên tiếp đã làm rung chuyển kẻ địch và chúng sẽ phản ứng mạnh.


Lúc này ở khu căn cứ Lam Sơn (xã Phúc Tăng, châu Hoà An - nay là xã Hồng Việt, huyện Hoà An), lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận được tin chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần và biết được nơi đóng quân hiện tại của Đội ở Lũng Dẻ. Người liền triệu tập các đồng chí Vũ Anh, Phạm Văn Đồng và Lã (tức Hoàng Đức Thạc) tới họp bàn. Người phân tích và nhận định: Sau khi bị thua đau ở Phai Khắt và Nà Ngần, giặc Pháp sẽ mở cuộc càn quét truy tìm lực lượng vũ trang cách mạng, khủng bố trắng vùng Nguyên Bình và còn có thể mở rộng ra Hoà An và Hà Quảng. Rồi Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đổng và Lã, thay mặt Tổng bộ Việt Minh và Liên tỉnh ủy, mang thư và quà của Người đến chúc mừng và úy lạo Đội. Người cũng dặn các đồng chí này nhắc đồng chí Võ Nguyên Giáp nên sớm rút quân khỏi Lũng Dẻ bởi tình hình lúc này đóng quân ở đấy lâu sẽ bất lợi, vả lại, đây là một thung lũng kín đáo, hiểm trở, chỉ có một con đường ra vào, tiện cho việc canh gác, bảo vệ nhưng nếu giặc Pháp biết và huy động quân tới bao vây thì Đội sẽ gặp khó khăn.


Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cho đồng chí Vũ Anh đến châu Quảng Uyên bàn với các đồng chí địa phương huy động lực lượng, tạo một hoạt động để gây tiếng vang, đánh lạc hướng, thu hút sự chú ý của giặc Pháp.

Người còn dặn đồng chí Phạm Văn Đồng cho đăng tin về sự ra đòi và những trận đánh thắng lợi của Đội tại Phai Khắt, Nà Ngần trên báo Việt Nam độc lập, để khuếch trương thanh thế chiến thắng. Theo sự chỉ đạo đó, trên báo Việt Nam độc lập - cơ quan tuyên truyền Việt Minh Cao - Bắc - Lạng, số 201, ngày 5-1-1945, đã đưa tin khá chi tiết:

"... Đội tuyên truyền của Việt Nam giải phóng quân
Năm 1945 sẽ đem lại cơ hội tốt cho quân Giải phóng Việt Nam tiến lên đánh đế quốc phát xít Nhật và phát xít Tây. Muốn nắm lấy cơ hội ấy, chúng ta phải tuyên truyền cổ động một mặt cho đồng bào Việt Nam ta hăng hái chuẩn bị, một mặt cho các nước Đồng Minh chú ý đến chúng ta mà giúp sức cho chúng ta.

Đội tuyên truyền của V.N.G.P chính đương dùng vũ trang hành động để làm công việc tuyên truyền cổ động ấy.
Dưới đây nhà báo xin đăng hai bản thông cáo do Đội Tuyên truyền của V.N.G.P vừa gửi đến.

Thông cáo số 1
Ngày 11 tháng 11 ta là ngày 25-12 tây, một bộ đội lạ, ở đâu đến không rõ, bộ đội gì không rõ, kéo đến đồn Phay-Khắt, tổng Kim-Mã, châu Nguyên-Bình. Sau đó, người cai tây và tất cả 17 người lính dõng mang toàn bộ khí giới trong đồn và tuyên bố với dân làng là cùng c.m đi đánh Nhật, rồi cùng bộ đội lạ kéo đi đâu mất.
Cùng ngày ấy tên Việt-gian hoạt động nhất ở tổng Kim-Mã là xã Bồi biến đâu mất.

Thông cáo số 2
Sáng ngày 12 tháng 11 ta là ngày 26 tây, lúc 7 giờ 14 phút đội Tuyên truyền của Việt Nam Giải-Phóng-Quân kéo đến đồn Nà Ngần xã Cẩm-Lý, gần Ben-Air. Họ kéo cờ đỏ sao năm cánh lên, xưng rõ là quân cách mạng đến lấy súng đạn của tây phát xít, tuyên bố quân cách mạng Việt Nam không bắn binh lính Việt Nam. Kêu gọi anh em binh lính Việt Nam giơ tay lên đầu hàng.

Người đội và 3 người chống cự bị súng trường và súng máy c.m bắn chết ngay tại trận, một người nữa bị thương.
Đội tuyên truyền G.P.Q thu thập toàn bộ súng đạn trong đồn, rồi tập hợp anh em binh lính tất cả 15 người khố xanh (trừ 2 người chạy thoát). Khai hội nghị liên hoan giữa binh lính và c.m.

Đồng thời, đội phái người phát truyền đơn và dán biểu ngữ khắp đồn. Một số đ.c nữ vũ-trang cũng tham gia giúp dọn dẹp chiến trường và tuyên truyền cổ động nhân dân cùng binh lính.

Đến 8 giờ đội tuyên truyền rút khỏi đồn, vừa đi vừa hát bài Giải-phóng-quân ca"1 (Báo Việt Nam độc lập số 201, ngày 5-1-1945).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2015, 07:28:18 pm »

Được sự dẫn đường của liên lạc viên, đồng chí Vũ Anh lập tức triển khai công việc. Đúng như dự đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh, giặc Pháp điên cuồng điểu binh lính của cả tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn mở cuộc càn quét vào tổng Kim Mã, khủng bố cả ba châu Nguyên Bình, Hoà An và Hà Quảng. Đồng thời, chúng cho quân quay lại chiếm đồn Phai Khắt, Nà Ngần với quân số đông gấp hai lần và cấp chỉ huy cao hơn, lập thêm đồn Benle trên quốc lộ số 3b từ Cao Bằng đi Bắc Kạn. Cảnh sát, mật thám Pháp khám xét tất cả những người chúng gặp và bắt bớ, giam cầm tất cả những ai chúng nghi ngờ có quan hệ với Việt Minh. Phòng giam Nguyên Bình, trại giam thị xã luôn chật ních người. Không khí khủng bố ngột ngạt khắp cả vùng.


Trung tuần tháng 1-1945, giao thông viên đưa đồng chí Vũ Anh tới xã Vô Song (nay là xã Hồng Định, huyện Quảng Uyên), là một xã Việt Minh "hoàn toàn", để triệu tập một cuộc họp cán bộ ở đây. Thay mặt Tổng bộ Việt Minh, đồng chí điểm lại tình hình cách mạng thời gian qua ở địa phương mà nhất là sau chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần. Tuy nhiên, lúc này địch đang khủng bố ác liệt các châu Nguyên Bình, Hoà An, Hà Quảng, do đó cần tổ chức một hoạt động vũ trang để gây tiếng vang, đồng thời đánh lạc hướng, thu hút địch, đỡ đòn cho đồng bào các châu trên đó, vừa làm cho giặc Pháp hoang mang thêm. Cuộc họp quyết định tổ chức một cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng kéo lên huyện lỵ đâu tranh với giặc Pháp. Ngày 25-1-1945 (ngày 12-12 âm lịch), quần chúng cách mạng mang theo dao, rìu, đã tập hợp tại Lũng Tăng - một thung lũng hẻo lánh hai bề vách đá dựng đứng. Lũng Tăng hôm ấy được trang hoàng cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu viết trên giấy đỏ, xanh. Nghe kể về chiến thắng của Đội quân tuyên truyền giải phóng, đồng bào ai nấy nức lòng phấn khỏi. Bọn hào lý biết có cuộc mít tinh song khiếp sợ trước khí thế của quần chúng nên không dám hành động gì. Sau cuộc mít tinh, 20 đồng chí được tuyển từ những cơ sở cách mạng rút lên làng Cốc Coóc, thuộc xã Lạc Giao (nay là xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên), sau đó, chuyển sang làng Bó Luông ở gần đó, thành lập đơn vị vũ trang địa phương. Theo quyết định của đồng chí Vũ Anh và đồng chí Bùi Bảo Vân, đội tiến hành tập luyện chuẩn bị tập kích vào đồn Pháp ở thị trấn Quảng Uyên. Đây là chỉ huy sở của tên quan ba Bôđờnông (Beaudenons). Tên này chỉ huy quân lính ở hai châu Phục Hoà và Hạ Lang. Ngày 28-1-1945, đội vũ trang cùng một số dân địa phương (khoảng 25 tay súng) chia làm hai mũi. Mũi thứ nhất do đồng chí Bùi Bảo Vân chỉ huy, tiến về cổng đồn, vừa đi rải truyền đơn in bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Trung. Đội cho người đốt pháo "dang kê" dưới lòng rãnh giả làm tiếng súng. Quân Pháp tại đây đang đi càn quét ở nơi khác, chỉ còn một số binh lính người Việt canh giữ. Chúng thổi kèn báo động, rồi vội vàng đóng cửa đồn, không dám chống cự. Mũi thứ hai, do đồng chí Đinh Hồng Binh chỉ huy, tiến vào khu trại an trí của quân Pháp, nơi chúng bắt những người có người thân thoát ly làm cách mạng, giam giữ làm con tin. Các chiến sỹ ta đốt trại, kêu gọi những người phu tại đó bỏ về, rồi nhanh chóng rút quân. Với chiến công này, ta đã đạt được ba mục tiêu: phá trại an trí của địch, làm cho quân địch hoang mang, đánh lạc hướng và thu hút sự chú ý của địch, góp phần giải toả sức ép càn quét của giặc ở Nguyên Bình.


Về hoạt động tiếp theo của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đến Lũng Dẻ, các đội viên được phổ biến ở lại đây khoảng mười ngày để nghỉ ngơi, kiểm điểm và tiếp tục luyện tập, đẵn gỗ làm lán, sửa soạn bãi tập và làm sạch các nơi lấy nước.


Hai ngày sau, vào lúc chập tối, sau khi ăn cơm chiều xong, toàn Đội tập hợp cùng đồng bào địa phương tổ chức mừng chiến thắng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng bộ Việt Minh, tuyên dương công trạng của Đội lần đầu xuất quân đã giành thắng lợi oanh liệt, tiêu diệt hai đồn địch, thực hiện được lời dạy đánh thắng trận đầu của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đồng chí biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ và các đội viên, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của đồng bào địa phương. Cũng trong buổi lễ, “đồng bào được nghe lại tường tận những câu chuyện của các chiến sỹ cách mạng đánh đồn, hạ đồn một cách dũng cảm, lại được thấy tận mắt những chiến sỹ con em của mình trước đây bị sống trong tủi nhục, nay đã dám vùng lên đánh bọn địch hung tàn và đánh thắng”1 (Võ Nguyên Giáp - Khu giải phóng, dẫn theo Trần Cư - Quân giải phóng – Khu giải phóng, mối quan hệ cá – nước trong sách Việt Nam Giải phóng quân... Sđd, tr.215). Kết thúc buổi lễ, bộ đội cùng nhân dân hô to các khẩu hiệu thể hiện quyết tâm chiến đấu vì đất nước. Cũng tại đây, Đội nhận được thư và quà của Lãnh tụ Hồ Chí Minh chúc mừng thắng trận. Thư từ và quà mừng của nhân dân và các hội Cứu quôc cũng tới tấp đến với Đội. Đồng chí Lã - Bí thư Liên tỉnh ủy, cũng đã tới thăm đem theo thư chúc mừng của Liên tỉnh ủy và quà mừng gồm những vật dụng rất quý giá với các chiến sỹ lúc đó như: mấy tấm chăn len, mấy hộp sữa cho người ốm và nhất là một số đạn của Mỹ vừa mua được. Bức thư của Liên tỉnh ủy và báo Việt Nam độc lập viết:

"Ban Việt Minh Liên tỉnh và nhà báo V.N.Đ.L đồng thanh chào mừng Đội tuyên truyền Việt Nam G.P.Q và chúc cho đội luôn thắng lợi trong công việc vũ trang tuyên truyền.

Năm 1945 nầy sẽ là năm của cuộc c.m dân tộc giải phóng chúng ta. Muốn thắng lợi chúng ta phải có toàn quốc đồng bào tham gia chiến đấu và các nước Đồng Minh giúp sức. Nhưng muốn được thế, chúng ta cần tuyên truyền cổ động, một mặt kêu gọi đồng bào toàn quốc kiên quyết đứng lên chuẩn bị cuộc tranh đấu quyết liệt sắp tới, một mặt kêu gọi các nước Đồng Minh và toàn thế giới chống phát xít để ý giúp sức cho chúng ta. Công việc tuyên truyền cổ động ấy đoàn thể giao cho các đ.c và các đ.c đã tỏ là xứng đẵng với sự tin cậy của Đoàn thể.

Thay mặt Đoàn thể, chúng tôi hoan nghênh tinh thần cứu quốc của các đ.c và hô hào mọi người trong Đoàn thể và trong nước Việt Nam noi gương các đ.c mà tiến lên.

Với năm 1945 chúng ta bắt đầu tiến lên con đường vũ trang chiến đấu chống phát xít Nhật, Tây. Trên con đường ấy, các đ.c là đội tiên phong, đội tiên phong dũng cảm và khôn khéo nhắm đúng con đường chính trị của đoàn thể mà tiến. Con đường ấy là con đường thắng lợi.

Lời chào năm mới thắng lợi"1 (Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam – Báo Việt Nam độc lập (1941-1945), H.2000).


Sau hai chiến thắng đầu giòn giã. Ban chỉ huy Đội quvết định dừng lại chấn chỉnh, củng cố lực lượng và huấn luyện thêm. Ban chỉ huy viết thư báo cáo với lãnh tụ Hồ Chí Minh và Liên tỉnh ủy về những thắng lợi đầu tiên và đề nghị Liên tỉnh ủy chỉ thị cho các châu tiếp tục lựa chọn những đồng chí hăng hái, dũng cảm để bổ sung phát triển Đội. Lúc này, trong các đội du kích và tự vệ các châu vùng Cao - Bắc - Lạng đang dấy lên mạnh mẽ phong trào xin "đi giải phóng". Việc chọn những người tình nguyện được tiến hành kỹ càng. Ai cũng hiểu rằng được vào Đội là một vinh dự lớn và cũng là điểu may mắn. Chỉ sau một tuần, việc bổ sung đã hoàn thành và Đội đã phát triển thành một đại đội gồm 4 trung đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đại đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Ban công tác chính trị đại đội cũng được thành lập gồm có các đồng chí Dương Mạc Thạch, Hoàng Văn Thái, Lâm cẩm Như và các chính trị viên trung đội do đồng chí Lâm Cẩm Như phụ trách. Đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách công tác tham mưu tình báo và chuẩn bị kế hoạch chiến đấu. Ban quản lý Đại đội được thành lập do đồng chí Văn Tiên (Lộc Văn Lùng) phụ trách. Ban chỉ huy 4 trung đội cũng hình thành.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM