Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:34:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trong chiến hào Thành cổ  (Đọc 36308 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #40 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2015, 02:18:52 pm »

Hưng nhấc kính cận đặt lên ngang trán, đôi mắt đậm vẻ ăn năn:

- Tôi thay chức trách của anh Hợi. Khi còn là chiến sĩ của anh, tôi đã viết thư gửi cho người yêu nhờ ông Phiến dán tem bỏ thùng bưu điện hộ. Tiếc rằng không còn lá thư này ở đây nữa. Thực chất lời lẽ cũng là dao động. Khi ấy tôi cũng có dự cảm anh Hợi viết thư vì có lần anh tâm sự: "Mình nhận thư nhà mà viết về khó quá. Viết dối lòng thì mình không muốn. Mà ở Thành Cổ này viết gì đây khi đồng đội cứ mỏng đi nhanh chóng. Cái hôm bom siêu trọng phá sập hầm kiên cố, anh em ở trong đó mà không cứu được ra, mình ức không chịu được. Giá như có cao xạ, mình sẵn sàng chết trên mâm pháo. Đằng này tay với khẩu súng tiểu liên còn làm được gì với nó ở trời cao, chỉ dậm chân giận đất chỉ trời, ức muốn cắn lưỡi chết!... Viết thật như thế ư? Cứ như mình là đồ vô dụng. Ức quá hóa hèn, chẳng ra làm sao cả. Viết thế hai cho gia đình, cho hậu phương. Xé đi xé lại rồi chẳng hiểu sao lại viết... Đắn đo quá Hưng ạ!".

Có tiếng hát xa vọng tới. Tiếng hát nghe rõ dần.

"Cờ Việt Nam bao năm nhuốm máu hùng anh
... Vung gươm lên xung phong tiêu diệt quân thù!"

Lý cảnh giới reo to:

- Ra mà xem này, quân kéo đến đông lắm!

Tất cả xách súng chạy ra. Theo tay chỉ của Lý ai cũng thấy rõ hàng quân nhấp nhô mũ sắt, nhìn rõ nhất là ở khúc quanh giao thông hào, từ phía chỉ huy sở tiền phương của trung đoàn ra trận địa phía trước. Ngắt quãng hàng quân lại có một lá cờ đỏ nhỏ xíu treo trên đầu súng. Trời đầy mây la đà ử một lớp xốp trắng đục trên vùng đồi.

- Tân binh bổ sung!

- Hoan hô viện binh!

Đến gần trận địa tiền duyên, đoàn quân tách ra nhiều hướng. Một bộ phận lên đồi 12.7. Tuấn "vẩu" kêu lên đầu tiền:

- Đúng thằng Bách "còm" đi đầu. Em tôi lại ra trận!

Bách bằng xương bằng thịt trong những vòng tay ôm của đồng đội. Mới xa cách nhau hơn một tháng mà nước da bủng beo sốt rét bay mất, hai má mũm mĩm lên trông thấy. Phái mất một lúc khá lâu những câu hỏi han ríu rít mới trở lại bình thường. Bách nói:

- Trận đánh kết thúc. Vào rừng lần đầu tối như hũ nút. Sôi tiết lên đâm lê như thế, giời thấy rét run y như hôm sập hầm anh Tuấn cho hơi ấm. Không hiểu sao càng tìm đường về trận địa càng lạc xa. Không còn tiếng súng để định hướng. Đúng lúc bấn bí thì có một tên địch quay lại. Hình như nó cũng lạc rừng. Nó phát hiện ra em trước. Có thể nó hoảng hốt quá sau trận đánh nên lia tiểu liên cực nhanh mà không trúng. Em lăn vào một gốc cây lựa thế bắn nó. Lúc này cái rét lại lẩn vào đâu mất. Nó bắn vãi đạn. Thấy loáng một cái nó vứt súng. Em lao ra. Vẫn sợ nó có dao găm. Em nẩy cò uy hiếp áp đảo tinh thần nó. Không ngờ súng em cũng hết đạn. Đang đà em lao cả người và súng cắm sẵn lưỡi lê vào nó. Chắc nó định tựa vào gốc cây chống cự lại. Nó to xác thế cơ mà... Phập, nó ú ớ đứng trân trân. Thực sự lúc này em cũng hãi. Hãi quá!... Lại sợ cả thú dữ, em lao lên cây. Không hiểu sức mạnh nào mà khiến em nhanh nhẹn như vậy. Lúc này lại rét quá. Rời tay ôm cành cây là ngã. Chỉ nhỏm đầu lên thôi chứ có ngồi được đâu. Mà ngu quá lại không ở chạc ba cây, sợ thú leo cao hơn... Hàm răng đánh cầm cập, muốn nói muốn gọi cũng không sao thành lời. Tê dại hết! Bác sĩ chữa bằng thuốc, chữa cả bằng... bằng tâm lý. Họ chưa cho về đâu. Đòi mãi mới được về thăm đồng đội, thăm đơn vị. Nhưng em nói thật, em không trở lại quân y tiền phương nữa đâu, co ro phía sau buồn lắm!

Hưng ngắm Bách "còm" đập hai gót giày vào nhau cười hồn nhiên. Quả thực nó còm quá. Đa từng biết "thấp bé nhẹ cân" địa phương vẫn giao quân, đủ chỉ tiêu cũng rất khó nên đành động viên ráo. Trong con mắt anh lúc này Bách còm rọm hơn thực thể của em, chứa đựng một cái gì thật khó lý giải. Ngược với cơ thể cường tráng của Hợi lại ẩn giấy một tâm hồn đan xen nặng trĩu tâm tư. Tâm tư ấy nung nấu chỉ chực phát nổ. Tiếc cho cuộc đời chiến đấu của anh quá ngắn ở Thành Cổ này chưa xuất lộ mấy, chỉ còn đọng trong những câu chuyện người sống kể lại, trong thư từ... Đầu óc Hưng ung dung một nỗi niềm, giá như cứ để bức thư trong túi áo ngực anh Hợi mang đi có lẽ hơn là gửi về cho bố mẹ. Ông bố cũng khổ tâm mà bà mẹ nếu còn sống thì càng không ổn. Lúc này mình mới hiểu nói dối k hông hại gì cho ai thì cũng nên nói dối. Nhưng rồi anh lại tự phản bác mình, vì cùng lúc trong đầu anh nhớ lại như in lời của đại văn hào Goorky: "Chỉ những kẻ khoác lác dối trá, trâng tráo vô liêm sỉ mới không run sợ trước tòa án lương tâm của chính mình". Thực sự anh đắn đo, anh dằn vặt, anh thao thức nhưng tin mình không là kẻ khoác lác trâng tráo, vô liêm sỉ, nên chẳng có gì phải day dứt lương tâm.

Bảo Hưng, Tuấn "vẩu" đến bên Bách "còm" nắm chặt tay em:

- Cứ về tuyến sau điều trị. Khi nào khỏe, các anh sẽ đến đón em làm giấy tờ sinh hoạt đàng hoàng. Thế này lỡ quân y cho là mất tích gọi điện hỏi khắp nơi thì phiền phức. Cán bộ bàn giao quân cũng đã sắp xong, anh Tuấn đi cùng em lên gặp họ cùng về.

Anh em ùa tới nắm tay Bách tạm biệt. Lại những cái hôn thơm thảo như thuở Út Hồng còn sống.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #41 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2015, 11:31:14 am »

6. Chuyến tàu đêm

Đất nước sạch bóng quân thù. Trận chiến Thành Cổ đã lùi xa vào dĩ vãng hơn chục năm. Nhân dân ta vẫn ngày đêm gồng mình chống chọi với bao khó khăn chồng chất. Vết thương chiến tranh bầm sâu trong từng gia đình, từng số phận con người vẫn âm ỉ gặm nhấm len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống theo cách đi riêng của nó.

Chuyến tàu đêm kéo còi, rít lên ken két trên đường ray cuộn màn đêm lại phía sau, tiến vào ga Đông Hà. Một thiếu phụ trông già hơn tuổi ba mươi vai đeo một chiếc tay nải màu nâu, xuống tàu hỏi đường đi Thành Cổ Quảng Trị.

- Cô ở Bắc vô tìm mộ? Lên xe tui rồ máy mười lăm phút tới liền. Bà con vô làm việc nghĩa không ai nỡ lấy mắc đâu. Mà cô ơi răng mà tìm thấy mộ?

Xe máy vào đoạn đường lổm cổm. Bác xe ôm lắc lưa tay lái, nói chuyện không dứt:

- Thiệt đó! Chiến trận ở đây thịt nát xương tan đùm thành bó, thành bọc lẫn của nhau đem chôn. Có tân binh bổ sung, người chỉ huy chưa biết tên tuổi, chưa kịp vào danh sách đơn vị đã hy sinh. Ác liệt lắm! Tui chở khách vô Thành Cổ cả ngàn lượt người, nghe lắm chuyện muốn lủng màng nhĩ tai. Nói thiệt cô đừng buồn, không tìm được hài cốt đâu!

- Bạn của anh ấy ở xã bên cùng đơn vị bị thương cụt một chân đến thăm gia đình, thắp hương cho anh ấy kể cho biết, ngày diễn ra trận đánh anh bạn đang nằm trong hầm thương binh chờ chuyển về tuyến sau thì được tin anh ấy hy sinh đem chôn ở bờ sông Thạch Hãn. Bác cứ cho tôi tới đó!

- Bìa sông dài dằng dặc biết chỗ mô. Mộ tập thể thì bà con trong ni đã bốc vô nghĩa trang. Vô vàn một chắc cũng chưa bốc hết được. Xác nào bọc ni lông thì còn nguyên vẹn, bọc chăn võng vải thì ải mục chỉ còn xương cốt nằm liền liền kề nhau. Nói cô bỏ quá cũng có bọc ni lông thừa xương cẳng chân lại thiếu không có hộp sọ. Bom nó đánh như vãi lúa còn chi mộ. Ráo rạo đưa vô nghĩa trang. Cô vô đây từ rằm tháng bảy xá tội vong nhân đến qua rằm tháng tám là ngày anh em ta rút ra khỏi đây, bà con ngày nào cũng hương hóa, bánh trái, xôi thịt cúng dâng. Đốt nhiều vàng mã lắm!
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2015, 05:44:12 pm »

Chị nghe rùng mình, đưa mắt nhìn bờ nam sông Thạch Hãn mà ngao ngán nỗi niềm đi tìm mộ người yêu của mối tình đầu. Trong túi chị còn mang theo hai bức thư của anh với biết bao kỷ niệm ngọt ngào. Thư còn kể chuyện chiến đấu thắng lợi giòn giã trên cao nguyên Cánh Đồng Chum. Anh còn ước ao trong không khí mừng thắng lợi này giá như có chị ở bên cùng đồng đội nghe thông reo bát ngát, ngắm những chiếc chum cổ to như cót thóc của nhà ta ngổn ngang mấy quả đồi. Bằng đá nháp suối và một lưỡi cưa ống tiêm, anh đã cặm cụi mài cắt cho chị một chiếc lược bằng đuya-ra máy bay của địch bị bắn rơi... Chị vào đây để nói với anh hơn mười năm cô đơn ôm ấp những kỷ niệm không thể nào quên. Chị cũng đã nhiều lần đi theo đúng con đường anh dẫn chị đến đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung xin cùng nói lời ước nguyện cầu hôn. Cây hoa gạo còn đây, bến nước sân đền còn đây... mà sao mối tình không "bất tử"? Ngày tháng trôi đi nhan sắc chẳng còn như xưa, anh Hợi ơi thấu cho lòng em! Đã mấy năm nay anh Côn đem lòng yêu thương, em từ chối nhưng anh ấy nhất định chờ đợi. Anh Côn cùng xóm, bạn thời thơ ấu của anh là một cựu chiến binh bị bom ép được phục viên. Nhưng anh Hợi ơi, làm sao em có thể làm lễ cưới khi chưa vào đây với anh, chưa xin anh thông cảm cho nỗi lòng của em. Em vẫn thấy xa xưa bao kỷ niệm của chúng mình đè lên tâm tư, tình cảm, có lẽ suốt đời em, anh ạ! Anh Côn tốt bụng đã an ủi, động viên, sắp xếp cho em đi, mong cho tâm hồn em được giao thoa cùng anh. Anh Hợi ơi, em cầu linh hồn anh nhẹ bay trong thế giới mới bên kia!

Một cơn gió thổi ào ạt từ biển Đông mang theo vị mặn của đại dương. Cỏ cây ngả ngọn rạp xuống. Có quãng cỏ áy cằn cỗi trông xa như rêu trên cát. Có quãng đất nhô cao, cây dại mọc lúp xúp xanh tươi. Mộ đây ư? Những nấm mộ dài thế này cơ ư? Làm sao mà biết được? Anh Thực đã chỉ cho em đến bờ sông Thạch Hãn bên Thành Cổ là mé thành nào? Con sông uốn khúc, em biết tìm nơi đâu? Anh Hợi ơi, thân xác ở đây, linh hồn bay về quê hương đi anh! Em vẫn luôn mơ thấy anh. Anh lành lặn vui tươi, giọng nói ấm áp như xưa kia, lai xe em trên đê sông Hồng ngút ngát tầm mắt ruộng mật bờ xôi. Anh bảo nếu anh là Chử Đồng Tử nghèo khó đóng khố xấu hổ nằm vùi trong cát liệu Tiên Dung nàng ơi có lấy anh chăng? Em gí ngón tay vào trán anh. Anh cầm lấy hỏi: Em cho anh cắn nếm máu em nhé, cho máu của em chảy trong người anh! Em gật đầu đồng ý, anh cười, hôn tay em chùn chụt. Ôi chao ơi, kể sao cho thấu hết... Thôi thì lòng thành thắp một nén hương, anh sống khôn thác thiêng cùng đồng đội run rủi cho em tìm thấy hình hài của anh! Anh Thực bảo anh hy sinh toàn vẹn thân thể, thiếu bộ phận nào anh em tìm bằng được mới đem chôn cất cơ mà!

Cỏ cây man mác. Dòng sông lăn tăn nước chảy lững lờ. Chị chạy theo bờ sông thấy chỗ nào nhô cao lại cắm một nén hương, miệng lẩm nhẩm không dứt. Quay lại chỗ bác xe ôm, chị thở hổn hển nói không ra hơi:

- Nhờ bác cho em về nghĩa trang Thành Cổ!

Bác xe ôm ái ngại lắc đầu tự nói với mình: "Thấy mô tê chi, rõ khổ!". Đúng vậy, mộ nghĩa trang đều vô danh. Nắng chang chang phủ lên trắng toát. Chỉ có rặng dừa khua lá lao xao như muôn ngàn lưỡi gươm múa suốt ngày thâu đêm. Chị cắm một bó hương cháy đùng đùng lên bàn thờ chung, quỳ thụp xuống vái sát đất rồi quay bốn phương vái lia lịa. Đứng lên, chị chắp tay trước ngực, đầu ngẩng nhìn trời, mắt nhắm nghiền, miệng khấn khứa. Chị bất động như pho tượng giữa trời xanh thăm thẳm. Bác xe ôm tỏ ra sốt ruột. Hai chân đứng không yên một chỗ. Chốc chốc lại lột chiếc mũ phớt cũ đã nhàu nát khỏi đầu quạt lấy quạt để. Nắng chiều đỏ như máu đỉnh Hoàng Sơn hầm hập nung chảy những đồi cát óng ánh thủy tinh. Những cơn gió Lào ào tới nóng rát mặt như muốn đốt cháy ruột gan trong lục phủ ngũ tạng. Chị choàng mở mắt, chớp liền mấy cái cho bớt chói chang. Thực tại làm chị ngao ngán. Bao hy vọng tìm thấy hài cốt, không thì cũng được thắp hương nói chuyện với người yêu dưới mộ thế là tiêu tan. Quang vai tay nải ra đi hăng hái là thế mà giờ chị thấy bã hết cả người. Đành ra về tay không, biết làm gì nữa.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #43 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2015, 04:51:11 pm »

Bác xe ôm lại chị chạy được một quãng phải dạt sang một bên đường đất gồ ghề cho một toán nam nữ thanh niên vác đòn khênh đang bàn tán om sòm.

- Răng mới thấy hộp sọ, xương lồng ngực nửa người phía trên?

- Tư thế như rứa là bị tử thương ngã xuống lòng giao thông hào!

- Sao không thấy súng?

- Có thể bị vùi lấp ở một chỗ nào đấy!

Chị giật mình thon thót theo từng câu hỏi đáp. Sao thế này? Một lực huyền hoặc nào ám ảnh xui khiến chị vỗ liên tiếp vào lưng bác lái xe kêu dừng lại. Hỏi chuyện toán thanh niên, họ chỉ về phía có một tốp  người đang lúi xúi đào bới. Linh tính nửa tỉnh nửa say bốc bừng bừng lên mặt, chị nằng nặc đòi bác lái xe giúp đưa mình tới chỗ đó. Thì ra dân đang đào mương nước theo vết lõm giao thông hào bỗng thấy một thi hài không liệm còn sót vài mẩu quần áo bộ đội bị vùi lấp dưới lớp phù sa. Bộ xương còn nguyên vẹn, phía trên như tựa vào thành hào. Một xương cổ tay đeo chiếc đồng hồ dây da đen. Một ông đứng tuổi bóc túi ni lông nhỏ xíu rút ra một miếng giấy, đọc rất khó nhọc.

- Nè, mi thanh niên tinh mắt coi xem có phải Yên Mỹ?... Chữ gì nữa đây, Hưng Yên hử? Chữ còn chữ mất, nhòe quá!

- Vâng. Xưa tên tỉnh Hưng Yên nay nhập với Hải Dương gọi là Hải Hưng.

- Ờ, ờ giống như trong ni nhập mấy tỉnh thành Bình Trị Thiên.

Chị tối tăm mặt mũi. Là anh ấy ư? Mấy năm trước hai mẹ con chị ấy cũng đã đi tìm mộ nhưng không thấy. Làm gì bây giờ? Giúp một người bớt nỗi đau là một hạnh phúc, cứ đánh bạo xem sao... Chị ngẩng mặt lên nói với những người còn đang phân vân bốc di hài lên hay vùi lại để báo cho cơ quan thị đội giải quyết.

- Tôi xin các cô bác. Anh ấy là... - Chị nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Đúng là chiếc đồng hồ Liên Xô Poljot quai da đen. Phía sau còn khắc chữ "Tặng anh Trần Hợi - NT Quyên" là Nguyễn Thị Quyên, tên tôi.

Mọi người lao xao. Họ chuyền tay nhau chiếc đồng hồ. Đúng là Poljot đây nè. Họ lật phía sau lên lau chùi lộ ra họ tên y như chị trình bày. Chị nài nỉ:

- Xin cho tôi ngó xem kỷ vật năm xưa!

Cầm đồng hồ trong tay, chị ứa hai hàng nước mắt. Chữ trên đồng hồ nhòe đi thành hai ba chữ Poljot. Nâng niu đưa lên ngang tầm mắt, chữ rõ như in. Lật phía nắp sau, ôi chao, tay chị run run, giọt nước mắt sao lại rơi vào đúng chữ Trần Hợi thế này? Chữ còn đây, người ở đâu anh ơi! Chị lấy tay áo thấm ướt nước mắt kỳ cọ, trời ơi, các chữ hiện lên lấp loáng. Ôm đồng hồ lên môi, chị khóc như chưa bao giờ được khóc.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #44 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2015, 11:09:58 am »

Sự tình cờ này chỉ có trong đầu Quyên biết. Nó trùng khớp như in từ thôn, xã, huyện, tỉnh giữa giấy tờ hành chính có con dấu đóng đỏ chót của Quyên mang theo với mảnh giấy bọc trong túi ni lông của người mất. Câu chuyện thật cũng đơn giản, chẳng là Trần Hội được báo mất tích là con của ông bác ruột Trần Hợi. Hai người cùng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng danh sách giao quân lại không có tên Hợi. Xã thừa chỉ tiêu đã dành cho đợt sau. Bực mình gặp hẩm hiu, Hợi liền tặng anh Hội chiếc đồng hồ mà Quyên vừa đeo vào tay anh. Anh có biết đâu Quyên đã loay hoay suốt đêm với chiếc dùi nhọn dưới ánh đèn dầu khắc chữ phía sau nắp đồng hồ. Chị làm gấp cho kịp sớm mai giao quân khi trời còn tối để tránh máy bay địch đánh phá. Và cũng để tạo ra niềm vui bất ngờ cho người yêu trong ngày đầu tiên được mặc quân phục. Hai người nắm tay nhau ra về, Quyên mới nói rõ cho Hợi biết tình tiết đồng hồ khắc chữ. Chị có ngờ đâu sự việc diễn ra như thế này trong khi nhận hài cốt anh Trần Hội. Chị đinh ninh nghĩ cơ duyên này là do anh Hợi linh ứng nên chiếc đồng hồ lại về với chị. Chắp tay trước ngực, chị hướng về ngôi mộ với gần chục người đang đứng vòng quanh:

- Thưa cô bác, việc này là duyên kiếp tôi gặp may được cô bác đào mương mà tôi gặp anh ấy. Thôi thì cô bác đã giúp thì giúp cho trót. Xin rủ lòng thương nhặt hết hài cốt vào trong tay nải này để tôi nhờ bác xe ôm đưa về thị đội xin giấy phé mang anh ấy về quê hương bản quán. Ơn này xin hậu tạ! - Chị lấy tiền ở trong túi - Của ít lòng nhiều để cô bác trầu thuốc.

Bác đứng tuổi nói:

- Việc lấy di cốt về ở mô chứ ở tê xảy ra như cơm bữa. Chẳng phải cốt nhục ai mang về nhà. Huống chi nghĩa tử nghĩa tận, chị không phải trầu thuốc chi mô. Bọn tui đằng nào cũng phải khơi chiến hào ni thành mương dẫn nước. Nào, mỗi người một tay giúp chị nớ!

Trên đường về Đông Hà, chị thuyết phục bác xe ôm:

- Bác ơi, em thực là may gặp được bác đưa dẫn đường em đi. Không biết lạc lối thế nào mà được hài cốt. Bác giúp em thẳng ra ga kịp chuyến tàu tối. Vào thị đội lại lằng nhằng giấy tờ mất mấy ngày thì tội nghiệp vong linh anh ấy quá. Bác giúp em, cầu anh ấy phù hộ cho bác.

- Là chồng chị ư?

Chị khóc thút thít tắc nghẹn ở cổ, nói lí nhí: "Thì bác nghe ở mộ đã rõ cả!". Bánh xe gập ghềnh nhẩy chồm chồm. Chị ôm chặt tay nải, tay kia ghì lấy yên xe sợ ngã vật ngửa về phía sau. Ra tới đường nhựa, xe lào vù vù rồi rẽ ngoặt vào ga xe lửa.

- Cả ngày vất vả, bác cầm cho em yên lòng. Cũng chỉ là chút ít đong gạo cho các cháu!

Bác lái xe rồ máy. Chị thẫn thờ cầm tiền rưng rưng nước mắt nhìn theo hút chiếc xe cũ tồng tộc.

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #45 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2015, 05:11:37 pm »

Con tàu rúc một hồi còi dài chuyển bánh. Chị ngồi bên bà mẹ tuổi chừng sáu mươi, vấn khăn trần, đuôi tóc còn đen. Bà chuyện trò cởi mờ, giãi tất cả lòng mình không cần ý tứ:

- Mẹ thật vô duyên chẳng được việc gì. Hai lần vào ra tay không. Úi dào, gió mạnh quá nghe rít kinh cả người. Con bỏ cái bọc đứng lên hạ cánh cửa sổ xuống kẻo bạt cả hơi.

Chị đặt tay nải xuống ghế đứng lên hạ bớt cánh cửa sổ xuống, măt không rời khỏi tay nải. Chị chỉ sợ bà sờ đụng vào rồi ba la bô lô thì khốn. Khoang tàu chặt cứng người và hàng hóa. Từ sáng đến giờ chị chả ăn uống gì, lúc này bụng mới réo sôi ùng ục. Ở ga lấy xong vé chị ngồi vào một xó. Đồng quà tấm bánh cũng không dám đứng lên gọi mua. Chỉ sợ sơ ý lộ chuyện. Bà mẹ lại ca cẩm:

- Lần trước mẹ vào họ bảo tìm thấy hầm ngầm rồi. Nắp hầm bê tông nặng lắm sập lấp mất cửa ra vào. Phải có xe cần cẩu máy mới nâng nổi cái nắp hầm nặng những hơn chục tấn. Khiếp, bom gì mà sập được thế cơ chứ!?

- Mẹ nói gì con chẳng hiểu gì cả?

- À, thế này! Con trai mẹ là lính thông tin bị bom kẹt trong hầm ngầm. Mười mấy năm rồi chưa lấy được ra. Hầm này kiên cố nhất nhì ở Thành Cổ. Mỹ cũng đã từng lấy nơi ấy lập sở chỉ huy đánh ta. Ta chiếm được, con rõ chưa? Nó dùng bom... bom gì gì ấy lớn lắm đánh sập hầm. Con mẹ và anh em còn sống nhưng kẹt không làm sao mà ra được. Quân địch đến đứng trên nóc hầm. Theo lệnh chỉ huy, con của mẹ gọi máy... À, máy vô tuyến điện xin cho pháo của ta bắn ngay lên nắp hầm, chúng nó chết như ngả rạ. Trong hầm anh em vẫn còn sống thêm sáu bảy ngày nữa máy thông tin mới tắt. Khổ thế đấy, biết mà không cứu được vì nắp hầm nặng chục tấn, bom đạn tung đất lấp dày lên... Anh bạn đồng đội nhận điện của con mẹ trong trận ấy khi hết chiến tranh mới tới thăm gia đình kể chuyện lại. Con mẹ chết vẻ vang, mẹ chẳng phàn nàn gì. Chỉ mong thấy con mồ yên mả đẹp là mẹ nhắm mắt xuôi tay cũng thỏa nỗi lòng. Mấy ông lãnh đạo bảo tỉnh đã có chủ trương lập bia suy tôn sự tích. Hài cốt khi bốc ra sẽ hương khói ở nghĩa trang chu đáo. Nghe thế, mẹ nghĩ có lẩm cẩm không hở con, chắc gì đã phân biệt được hài cốt của ai với ai. Thôi thì đâu cũng là đất nước quê hương mình... Mẹ mong có lần thứ ba vào thắp nén hương cho con, cho anh em đồng đội của nó.

Chị Quyên bậm môi nín tiếng khóc bật to. Bà mẹ nghĩ chị thông cảm với mình càng quý mến. Bà cắt nắm cơm ra mời:

- Ăn với mẹ cho ấm lòng. Khóc cũng chẳng lấy lại được người bằng máu bằng thịt. Mà cái tay nải xếp xuống gậm ghế cho rộng.

Chị ngước nhìn lên giá để đồ. Tàu lắc mạnh, nhất là những quãng đường cua, đường đang sửa chữa qua những trọng điểm đánh phá trước đây của địch. Chị tỏ ra lo lắng, vội ôm tay nải vào lòng ngồi nép mình ép sát vách thành tàu.

- Con sợ vỡ à? Hay là để lên giá lấy cái túi của mẹ kê ra ngoài không rơi vỡ được đâu.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #46 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2015, 09:20:17 am »

Chị không dám xuống ga Hà Nội sợ bị kiểm tra gắt gao. Từ biệt bà mẹ, chị xuống Phủ Lý bắt xe đi tắt về quê. Bà con làng xóm hay tin ra đón đông lắm. Nghe kể xong nguồn cơn, hai bác của Hợi phục xuống ôm lấy hài cốt con mình. Bà mẹ gọi tên: "Hội ơi con, phúc đức Quyên nó đem con về với cha với mẹ. Cũng là thằng Hợi xui khiến nên mới được thế này, con ơi!". Vợ của Hội cùng người chồng chưa cưới của Quyên đỡ cho chị khỏi ngất xỉu, dìu đưa về nhà.

Ông bố Hợi nước mắt tầm tã. Những giọt lệ của tuổi bảy mươi theo nhau lăn trên gò má, tràn qua những nếp nhăn, chảy xuống bộ râu ướt đẫm. Mấy bạn già khoác tay ông an ủi:

- Con Quyên đòi đi bằng được cho trọn nghĩa vẹn tình. Như vậy bác cũng là nghĩa phụ của vợ chồng nó sau này. Trời không lấy của ai tất cả!

Trước những lời ân nghĩa như vậy, ông chỉ úp tay lên mặt hậc lên mà khóc. Nước mắt qua kẽ ngón tay rơi xuống đất.

Người trong làng đổ ra mỗi lúc một đông. Thanh niên tay cuốc tay xẻng. Mấy cụ ông người thì cầm theo chai rượu, người vung vẩy vuông lụa đỏ. Cụ bà tay nắm hương khói lên nghi ngút. Trẻ con í ới gọi nhau ào xuống ruộng, lội bùn vượt lên phía trước bu bám lấy chiếc mâm hài cốt phủ lụa đỏ do em trai của Hội đội lên đầu. Tất cả rồng rắn kéo nhau ra cánh đồng. Một chiếc xe máy từ xa phóng tới đèo theo một chiếc tiểu sành. Gặp đoàn người, xe gắn máy nổ ình ịch đi sau cùng. Câu chuyện không còn vẻ bi tráng. Họ ca tụng những trai làng hy sinh nghĩa hiệp, gái làng trung hậu, đảm đang.

Thực ở xã bên cứ đinh ninh Hợi đã hy sinh ở Thành Cổ. Anh có ngờ đâu là trung đội phó Hải và Hợi đã hy sinh ở trận địa mới phía tây Quảng Trị. Anh kịp chống nạng tới dự đám tang. Anh bâng khuâng nhớ Hợi đã mạnh mẽ đọc từng lời thơ âm vang ở Thành Cổ.

"... Những mẹ già ăn trầu môi cắn chỉ
Uống nước sông Hồng
                         sinh con cháu con đánh giặc phương xa
Những đường cày lặng lẽ
                         như vầng trán cha già
Mải suy nghĩ cho những bước đi
                        một thắng hai mươi giòn giã!"


Nhìn về làng Cầu khói lam chiều đã ôm tỏa trên những mái tranh. Xưa ở đâu là ấp tá điền nai lưng ra làm cho chủ Tây. Cánh đồng này rộng mênh mông có tên xa xưa gọi là Tam Thiên Mẫu. Luồng gió đổi mới đất nước đã thổi tới các ngóc ngách của thôn xóm nghèo khó này, nơi đang mong có bát cơm đầy, con cái được học hành, thôn xóm an cư lạc nghiệp.

Lễ hạ huyệt xong. Rượu tưới rửa hài cốt, tưới lên ngôi mộ bốc men say say, mừng Hội đã về ấm cúng trong đất quê hương. Tiếng pháo nổ đì đùng. Một thanh niên tay cầm dây pháo chạy lia ra chung quanh ngôi mộ. Trẻ con reo hò tranh nhau nhặt pháo lép. Khói pháo thơm ấm cúng. Ai đã qua chiến trận nghe tiếng pháo nổ thật đa cảm vừa bâng khuâng thương nhớ chiến hữu vừa xen lẫn niềm vinh quang tự hào.

Tháng 12 năm 2003
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #47 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2015, 09:53:34 am »

Một ebook Trong Chiến Hào Thành Cổ em tìm thấy, gửi các bác link:

http://khcnthainguyen.vn/Portals/0/ThongtinKHCN/8_8_2014/File_goc/Trongchienhaothanhco.pdf

Sắp tới em sẽ làm tiếp Dòng Sông Vẫn Chảy - Chu Tam Thành  Grin
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM