Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:26:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trong chiến hào Thành cổ  (Đọc 36304 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #30 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2014, 08:37:26 pm »

Mây đã kéo kín bầu trời. Theo từng bước chân người lính nghĩ gì? Buồn vui, ngọt đắng xen lẫn. Giống như Bảo Hưng chốc chốc có dịp đứng lại, họ lại ngoái đầu  ngắm ngôi Thành Cổ. Dẫu sao cũng là ân nhân mấy chục ngày qua cho chỗ khô ráo sinh hoạt, cho nơi trú ẩn tu bổ lại cơ thể con người. Đêm nằm bằng năm ở, vả lại chia tay với máu thịt mình để đó ai không bịn rịn lưu luyến. Người đâu phải gỗ đá, mà gỗ đá xây thành đứng sừng sững kia cũng đổ mồ hôi cơ mà! Từng đồng đội hy sinh như một cuốn phim quay nhanh lướt qua các vết nhăn của óc. Bảo Hưng định khi qua ven sông nơi chôn cất anh em có lời chào vĩnh biệt, lời cầu nguyện yên giấc cho những linh hồn cảm tử sống mãi với chiến cuộc có một không hai này. Anh đã từng ở trong đội chôn cất, biết rất rõ lúc đi qua nước mắt mình sẽ trào ra nhưng hướng hành quân không qua nghĩa trang tập thể này. Biết bao chuyện khắc vào tâm khảm chàng sinh viên từ "tú cận" đến "tú ngáp", "tú quyền" vì có lúc Hợi vắng mặt, anh được quyền trung đội trưởng. Anh em yêu quý đã tặng cho anh những cái tên nôm na với tấm lòng thân thiết. Khát cháy họng. Bi đông dốc ngược. Nước mênh mông mà khát. Chất văn hóa làm cho anh sợ không dám như Hợi uống ừng ực cái thứ nước tởm lợm này. Ôi chao, lúc ấy mong mưa làm sao! Chỉ cần mưa ào qua thôi để ngửa cổ há miệng lên trời mà hứng lấy vài giọt liếm lưỡi. Ào qua thôi mưa ơi! Đừng dai dẳng để ta phải tát nước mới có chỗ đặt lưng. Cơm và đến cửa miệng, một tiếng nổ rung đất, bùn rơi đầy bát. Bụng đói đành phải vội gạt bỏ phía trên, ăn tiếp ngon lành. Trèo lên xe tăng địch chập hai quả thủ pháo cho chắc ăn, ngờ đâu cả hai đều tậm tịt ướt không nổ. Tiếc ơi là tiếc! Lại như Út Hồng trận đầu đã dám giương lê xung phong đuổi địch khỏi trận địa. Rắn chạy nước vào hầm ngủ, Hồng quấn chăn kêu ầm ĩ. Địch to cao trang bị hiện đại đến tận chân răng không sợ lại sợ rắn. Đến giờ phút chia tay với Thành Cổ lại thêm Phó Cối một đi không trở lại với vợ và hai con nếp tẻ đầy đủ.

Lúc ấy Hợi đang lo lắng về việc đã nhận lệnh rút quân nhưng giờ G mới được phổ biến, tuyệt đối không được có một cử chỉ nào làm náo động lòng chiến sĩ. Nghĩ mình còn thế này, anh em dẫu chỉ để lại Thành Cổ một đốt ngón tay, một chỏm tóc bị mảnh pháo phạt đứt, chắc sâu nặng biết bao kỷ niệm. Hơn ba mươi ngày sống chết cùng Thành Cổ, binh đoàn bạn còn cầm cự những tám chục ngày, cân đong làm sao được tình cảm, tâm tư... Trận địa mà đơn vị bạn mất bao công phu đào đắp cả một hệ thống phòng ngự liên hoàn. Cứ như cán bộ kể thời ở Điện Biên đào hào lấn địch từng thước đất, phải đào ngắt quãng rồi dần dần nối liền lại. Đêm mình đào, ngày địch cho xe ủi lấp đi. Chà, ở đây cũng có khác gì! Đào xong nước lũ ấp tới trơ ra một ngôi thành cho bom đạn nó xỉa xói. Lũy tương thành cao to, rắn chắc, bề thế. Bổ cuốc chim vào sái tay mới khoét được một hố chui, nống dần ra thành bao nhiêu thứ hầm. Anh em đùa nhau ở đây có giống tê tê người thích ăn sâu vào lòng đất. Hình như Thành Cổ còn sót một cổng thành vỡ lở đứng làm chứng tích của cha ông xây dựng và máu xương của con cháu ngày nay bảo vệ. Vật đổi sao dời, trăm năm mưa to gió lớn cổ thành vẫn đứng trơ ra cùng thời gian, lần này văn minh Mỹ đem đạn tạ bom tấn cho Thành Cổ, cho sứ xở này đây.

Mảng đậm nhất trong Hưng, cắm sâu trong tâm thức anh là ngâm mình trong nước với bao nhiêu nỗi cơ cực dầm dề, đầy ải từng giây ngược với quy luật sống. Nghe Hợi kể chiến dịch trước ở Cánh Đồng Chum kéo dài gần một năm, bóc hết vỏ ngoài đến vỏ trong của địch, rồi vây lấn, tấn công tiêu diệt các cụm cứ điểm quân Thái Lan ở Phu Theng Neng, Phu Tôn, cũng gian nan lắm mà sao sướng. Sao tâm hồn lâng lâng? Còn ở Thành Cổ này không khí sao bốc khí thế lên được. Một bồ thắc mắc vẫn để đấy chưa được giải đáp. Một buổi trực cảnh giới đêm, trung đội trưởng Hợi tâm sự riêng với Hưng: Chúng mình anh hùng bĩ cực giống như "Quan Công thất thủ Hạ Bì thành" trong truyện Tam Quốc của Tầu.

Đi. Tạm dừng. Đi tiếp. Ba lô cóc to bè toàn đồ sũng nước vắt kiệt chen vào với vài thứ khô cũng thành ẩm ướt. Bao gạo vắt vòng quanh cổ đè lên ba lô. Băng đạn úp trước ngực cùng khẩu tiểu liên đeo chéo ngang qua. Hai bên hông, giắt cài đủ thứ, từ viên thuốc chữa bệnh cho đến dao găm, lựu đạn. Mông đỡ cuốc, xẻng, bi đông nước. Bao bi đông bằng vải bạt ướt gặp vỏ nhôm đựng nước nóng bốc hơi ngùn ngụt như khói, dần dần làm chín bầm một bên hông, đánh dấu cho những ai đã dự trận thủy chiến có một không hai này. Mỗi phân thịt xương đều phải chia ra cõng một thứ. Lúc hành quân vào trận trang bị nặng hơn vẫn đi phăm phăm. Giờ đi ra sức oải mới thấy nặng. Nặng ngay cả với xương thịt cơ thể mình. Bức bối quá! Mây đen sao không mưa đi? Cần mưa cho mát một chút thì nhà ngươi lại tảng lờ. Đã thế con cái ghẻ đáng ghét lại nhè vào lúc này mà đòi gãi. Ngứa ngáy khắp nơi. Chỗ kín càng rấm rứt. Chỉ muốn ngồi thụp xuống mà gãi, mà cào cấu cho đã cơn ngứa.

Đã qua vùng địch kiềm tỏa. Lệnh nghỉ 20 phút ăn cơm. Được râm ran nói chuyện. Được gãi ghẻ chớt da xước thịt. Gãi bằng sướng chỗ của quý. Sướng hơn cả ăn cơm nắm với thịt kho thơm phức.

- Bách, em mới ốm dậy chưa lại sức. Đưa anh bao gạo mang đỡ một quãng!

- Cố được, mặc em!

Tiếp tục hành quân. Nghe loáng thoáng về gần Tích Tương - Như Lệ. Lý "tồ" giả vờ nâng giúp bao gạo lên vai Bách "còm", rất nhanh anh vắt lên vai mình chạy vội lên đầu hàng quân. Tuấn "vẩu" cũng vồ lấy ba lô... Bằng giúp đỡ thiết thực, mọi người động viên nhau về nơi trú quân.

- Chính xác hôm nay là ngày mấy, anh Hợi?

- Lệnh rời trận địa 0 giờ 30 phút ngày 16 tháng 9 năm 1972. Hỏi làm gì?

- Rằm tháng tám giỗ mẹ em - Lý "tồ" trả lời giọng hơi buồn - Trăng khuyết về sáng thế kia chắc qua rồi.

- Gia đình mình cũng hoàn cảnh lắm. Có dịp sẽ kể cho Lý nghe. Lý à, dân tộc Tày cũng ăn tết trung thu à?

- Ăn chứ! Làm bánh bỏng mật, nấu kẹo bột gừng. Nhà khá giả giã cốm. Mẹ mất đúng ngày trung thu quên sao được. Từ đó chẳng biết trông trăng bầy cỗ là gì nữa. Đời mình vất vả lắm. Suốt ngày phơi lưng trên nương rẫy, kiếm cá suối, leo vách đá bắt dơi trong hang. Có con to bằng cái đĩa về làm thịt... Lại còn bị mế hai hành hạ. Bố thương chỉ ngoảnh mặt nhìn núi, ngó rừng cho qua.

Sợ chạm nỗi đau của Lý, Hợi đánh lảng:

- Đời lính như chim bay. Lý ơi, cậu lùi lại xem Bách có theo kịp hàng quân không?

Anh xốc quai ba lô, dịch chỗ đeo bao gạo cho máu lưu thông xuống cánh tay đang tê dại ê ẩm. Miệng anh lẩm nhẩm hai câu thơ trên tờ bướm gấp như một chiếc thuyền con nổi trôi theo dòng nước giao thông hào mà anh cho là của Phó Cối gửi cho anh lúc chiến tuyến tạm yên tiếng súng.

"Đường ta đi không đo bằng cây số

Không đếm thời gian, không tính nỗi đau"

Cối ơi, bây giờ anh đã xuống thuyền qua sông nhẹ nhõm một cõi đi về. Hợi này còn sống thế nào cũng đến thăm hai cháu, nhất định sẽ để lên bàn thờ những thơ ca của anh đã sưu tập được trong đồng đội mà Hợi đã ghi trong nhật ký. Chiến hào Thành Cổ đã để lại trong chúng ta những ký ức không thể quên.

Mấy ngày sau nghe tin bọn lữ thủy quân lục chiến 147 thay thế lữ 258 có sự hỗ trợ tăng cường của sư đoàn dù đánh vào trận địa Thành Cổ. Chúng chửi nhau: "Mẹ kiếp, cái thành rỗng! Chúng nó tàng hình, độn thổ đâu cả!".
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #31 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2015, 11:05:47 am »

5. Bức Thư Viết Dở

"Ta lại đào công sự..."

Bảo Hưng vừa đi vừa chạy trong lòng hào, hát một câu lại lớn tiếng gọi: "Dậy! Dậy mau!". Anh đã được đề bạt chính thức chức vụ trung đội trưởng không còn là "quyền" như khi rời Thành Cổ.

Đào đắp trận địa phòng ngự liên hoàn mới rộng tới hơn 30 cây số vuông. Từ chùa Nga ở phía tây nam chạy sang động Ông Do và đồi Mâm Xôi ở phía đông, ngược lên phía bắc tới Như Lệ, Tích Tường bát ngát một vùng đồi hoang sơ. Non một vạn chiến binh của sư đoàn cùng thanh niên chi viện tiền tuyến đang ngày đêm đào hào, đắp lũy.

"Ta lại đào công sự...". Dậy mau. Dậy mau, bắt tay vào công việc! Hưng đôn đốc quyết liệt. Tuấn "vẩu" lưng tựa vào thành hào chợp mắt sau bữa cơm trưa, ngáp dài vươn vai:

- Trên cho những năm ngày, gì mà gấp gáp thế cán bộ? Cho anh em bồi dưỡng mắt thêm mươi mười lăm phút nữa có chết ai đâu!

- Đúng trên cho thời gian như vậy. Nhưng khối lượng lớn lắm. Riêng đại đội ta công trình hầm nọ hầm kia y như ở Thành Cổ. Lại còn trận địa giả, ụ hỏa lực nghi binh, hầm đánh tạt sườn... Nghe nói còn đào giao thông hào vận chuyển binh hỏa lực từ phía sau lên ứng cứu. Chà chà, chán vạn việc. Nào nhanh nhanh tay lên!

- Quân sự lúc nào chả khẩn trương.

- Càng xong nhanh càng rảnh tay chọi nhau với địch. Ta bất ngờ chuyển ra đây, địch chưa kịp triển khai lớn lực lượng đánh phá. Thời gian là máu xương, mệt mấy ta cũng phải cố. Đổ mồ hôi đỡ xương máu, ta chọn cách nào các đồng chí?

Tiếng cuốc chim bổ vào đất xuống sâu càng rắn. Tiếng xẻng xúc đất hất lên miệng hào rào rào.

"Ta lại đào công sự

Cho trận chiến đấu ngày mai..."


Tiếng hát năm xưa của cha anh ở Điện Biên Phủ trầm đục đọng lại trong lòng đất. Cả một vùng đồi như bát úp bị đánh thức dậy bất chợt đổi màu. Từ xanh áy cỏ lác lúp xúp bỗng dọc ngang đất đỏ ba dan, đất tro xám ngoằn ngoèo. Đứng trên các điểm cao nhìn xuống chẳng khác gì một mạng nhện khổng lồ, một trận đồ thiên la địa võng. Cũng có người lại nhận ra một bức tranh lập thể chồng đè lên nhau những khối hình, màu sắc đa chiều, đậm nhạt dưới anh mặt trời chợt nắng chợt mưa, vừa mưa vừa nắng.

Xa xa phía tây nam trận địa trông rõ dải Hoành Sơn. Lại gặp chuyện xa xưa nữa của cha ông rồi. Cái thời Trạng Trình trông đàn kiến tha mồi trên ngọn giả sơn trong sân nhà, ông đã ngầm mách cho Nguyễn Hoàng: "Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân". Anh ruột của Hoàng vừa bị anh rể là chúa Trịnh giết hại để thâu tóm quyền lực. Đang cơn bị cực nguy nan, Hoàng được lời vàng ngọc của Trạng chợt bừng tỉnh. Hoàng nhờ chị ruột xin chúa Trịnh cho vào dải đất quanh núi Hoành Sơn để khai khẩn dung thân. Chúa Trịnh thấy miền đất hoang xa kinh thành Thăng Long, là nơi rừng thiêng nước độc, thời tiết khắc nghiệt, đầy thú dữ liền ưng chuẩn cho Hoàng vào đó. Ngờ đâu Hoàng chiêu hiền đãi sĩ, mở mang bờ cõi, trăm năm sau đã thành thủy tổ của vương triều họ Nguyễn. Cũng chính họ Nguyễn này khi suy vi đã để mất nước vào tay thực dân đế quốc Pháp, cái nguồn cơn dẫn đến Mỹ thế chân và cuộc chiến thần thánh chống Mỹ hôm nay. Thành Cổ ơi, vùng đồi đứng chân của Hoành Sơn ơi! Cái thế trận mang trong mình tầm vóc lịch sử phục vụ cho hội nghị Pa-ri ư? Hội nghị chưa đi vào hồi chót đâu. Ở Thành Cổ này địch hàng ngày giội bom B52 rồi sử dụng bom siêu trọng. Ngoài thủ đô Hà Nội địch mới ngấp nghé bom B52 rải tham ở mấy tỉnh lân cận. Cà cuống chết đến đít còn cay, chưa đến hồi chót đâu! Mà tại sao lại là phòng ngự chứ không phải tấn công tạo sức ép đối với hội nghị Pa-ri?

Hưng cứ vẩn vơ, lởn vởn ý nghĩ ấy mà chưa tự giải đáp được. Hội nghị Pa-ri còn treo đó đã có gì buộc nhau đâu. Mỹ vẫn điều hành cuộc chiến, tăng cường tối đa sức mạnh của không lực, pháo binh và hạm đội ngoài biển khơi. Ta còn phòng ngự đến bao giờ?

"Ta lại đào công sự..."

Tiếng hát chốc chốc lại râm ran đứt quãng ứ đầy trong cổ họng tràn ra hai cánh tay rắn chắc, hai bàn tay chai cứng đã qua bao ngày tháng rộp phồng. Riêng cái khoản được sống, được sinh hoạt khô ráo, dù mệt nhọc đến mấy cũng phấn khởi, đàng hoàng ưỡn ngực cùng bom đạn ác liệt. Một liều thuốc tinh thần giống như đang ở ngòi được ra sông biển, dãn gân dãn cốt hơn cả uống rượu cao hổ, ngậm nhân sâm.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #32 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2015, 10:50:54 am »

Quyền ị ra trong chiến hào ngập nước ở Thành Cổ, xởi lởi:

- Em nghĩ ở đây lũ sông Thạch Hãn có là Thủy Tinh cũng không liếm được đến chân đồi.

Bách "còm" vừa dứt cơn sốt đế theo:

- Quân giặc cứ thử đến đây đọ với Sơn Tinh! Bom siêu trọng rồi còn cái gì nữa?

Nhân đà, trung đội trưởng Hưng động viên:

- Cậu nào có chuyện gì vui kể cho anh em nghe?

- Chuyện con trai con gái có được không?

- Gì cũng được. Thoải mái.

Bảo đã có vợ con huơ cuốc bổ khoét hầm ếch vào vách giao thông hào, nhổ toẹt một bãi nước bọt vào lòng bàn tay, xoa ướt đều hai tay, rồi giáng mạnh liên tiếp mấy nhát cuốc chim bẩy đất ra:

- Xúc đi, nghe tớ kể! Cấm cười đấy. Có một cô tên là Hà Thị Bi. Tớ không bịa đâu. Nhất dáng nhì da thì được. Chỉ tội là hột cơm chảy suốt từ bẹn tới mắt cá chân. Đời thuở nhà ai theo phong trào, họ tên lại thêm chữ đệm Hà-Thị-Bích-Hồng-Bi. Tên dài như hột cơm ở bẹn...

- Phịa. Phịa!

- Tớ mà phịa thì rốc-két bắn trúng tớ! Biết được cái chuyện hột cơm là từ hồi tân binh đi giúp hợp tác xã cấy lúa. Cả đơn vị thấy chứ riêng gì tớ. Còn cái tên dài tớ biết là do giúp thôn lập danh sách trình độ văn hóa... - Thấy vẫn chưa gây được cười rũ rượi, Bảo liền kể tiếp - Tớ có bà chị mới hai mươi lăm tuổi tên là Gáo. Cho điểm sít sao theo thang bậc Liên Xô phải được năm điểm âm. Đạo đức thì tuyệt vời. Huyện điều lên làm công tác nữ vận. Xóm tớ có anh mê tít cứ ước gì chị tớ thoái thác xin ở lại cơ sở. Một thời gian, chị Gáo tớ về thăm mẹ.

- Hết cả nước bọt mà nói vẫn chưa vào vấn đề.

- Bình tĩnh. Mà tay phải đào xúc đất cật lực vào. Lúc tới nhà đã chín giờ tối. Nghe tiếng gõ cửa mẹ hỏi ai? Chị tớ trả lời: Con đây, "Loan" mẹ ạ! Mẹ tai nghễnh ngãng liền quở: "Chỉ được cái vẽ vời. Lon với Gáo thì vưỡn là một. Một thứ đựng nươc, một thứ múc nươc. Đổi tên thế thì đổi làm gì!".
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #33 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2015, 05:10:54 pm »

Mọi người cười ồ vui vẻ. Khẩu đội trưởng trung liên Hiển, sinh viên nhập ngũ cùng đợt với Hưng, được đại đội thuyên chuyển tăng cường cựu binh cho trung đội tiếp vào tiếng cười vừa dứt:

- Tôi xin kể câu chuyện nghe lại của anh Vinh về bắt tướng Đờ Cát giơ tay "Ôlêmanh". Ngày ấy anh Vinh được gọi về Việt Bắc. May mắn và vinh dự anh được gặp Bác Hồ, có cả nhà điện ảnh Liên Xô nổi tiếng thế giới: Các Men. Nhìn anh Vinh nhỏ thó, gầy còm, da xanh mướt, tuổi chưa đến hai mươi, đồng chí Các Men ao ước có một đoạn phim về giây phút lịch sử Đờ Cát đầu hàng. Một lần anh Vinh gặp Đờ Cát, ông ta nhận ra Vinh vì mới giáp mặt nhau trong hầm ngầm chỉ huy của hắn ở Điện Biên Phủ. Vốn dòng họ Đờ quý tộc danh tiếng, ông ta cất giọng kênh kiệu: "Nếu như tôi có được những người lính dũng cảm như thế này thì chúng tôi không thua!". Nghe dịch lại, Vinh tức giận ngang hông liền lên quy lát chĩa súng vào Đờ Cát hô: "Ôlêmanh!". Đờ Cát giật mình hoảng sợ vội giơ hai tay lên trời. Nhà điện ảnh Các Men chộp được một đoạn phim quý giá. Hình như trong phim "Việt Nam trên đường thắng lợi" có đoạn này.

- Ồ, mình xem phim lại cứ tưởng quay được cảnh này trong hầm ngầm Đờ Cát.

- Hay. Tuyệt vời!

- Thảo nào coi ảnh rất thật!

Then môi mép nay anh em gọi là Then "ghẻ". Cậu ta gãi xước da thâm như thịt trâu, vứt cuốc chim xuống lòng hào, vừa gãi vừa nói:

- Tôi đã khoét xong hầm hàm ếch, mời trung đội trưởng kiểm tra. Mình biết mình là cựu binh nhưng chiến đấu... chưa bằng anh em. Tờ báo Vách Hầm của chúng ta cũng lạ, toàn thơ ca chẳng có một mẩu văn xuôi nào. Có một bài thơ ghi là chép lại của một bà mẹ ở Đại Mỗ giáp ranh Hà Nội đọc trong lễ tiễn quân vào chiến trường, mình thích quá vừa bổ cuốc khoét hầm vừa nhẩm đọc cho thuộc, không ngờ năng suất đào nhanh quá. Xin ngâm các đồng chí cùng nghe:

"Đường quê ấm bước chân đi
Sao khuya thăm thẳm mấy vì đổi ngôi
Mẹ già thức giấc nhìn trời
Tiếc ngôi sao đổi thương người chiến binh
Mẹ mong sao sáng lung linh
Sao tỏ con mình bước đỡ thấp cao
Một ngôi sao đổi nhẽ nào
Không mất ánh sáng lọt vào chân con
Gập ghềnh mấy khúc đường mòn
Dõi đêm mẹ đứng trông con vời vời
Chốc chốc mẹ lại nhìn trời
Tiếc ngôi sao đổi thương người chiến binh".

Vừa dứt tiếng ngâm, tất cả tạm dừng cuốc xẻng.

- Nào anh Then đọc to từng câu thơ, chúng ta cùng nhẩm thuộc. Mỗi nhịp thơ bổ cuốc thật mạnh vào. Nhanh nhanh tay lên!

Đào hàm ếch thật vất vả. Không có thế đứng bổ cuốc vào vách hào. Càng vào sâu càng chật chội nhất là lại có ngách ngang. Hưng ước tính phải nửa đêm mới xong. Cách mười thước một hàm ếch để tránh mảnh bom đạn, nhất là bom bi lăn vào giao thông hào là công việc khó nhằn. Không ngờ chín giờ tối đã hoàn tất.

  *

*  *
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #34 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2015, 05:16:05 pm »

Con sông Thạch hãn uốn lượn sát chân đồi trận địa mới. Nó vẫn hung hãn đổ nước lũ đục ngầu cuồn cuộn mang theo cả những thân cây, những mái tranh, những xác thú vật trương phềnh. Nó uốn éo dòng chảy về hướng Thành Cổ. Nhìn sông, lính tếu táo: "Có lùi cũng không lui được nữa. Bố nào tham mưu, lập trận địa ở đây ý muốn nhắc cánh lính ta một tấc không đi, một ly không rời. Dù sao cắm chân chỗ này vẫn hơn ngàn lần Thành Cổ!". Đã thế lại được tăng cường sức mạnh. Riêng trung đội của Hưng có thêm B41 chống tăng, thêm một tổ tay súng bắn tỉa mà địch gọi là "nỗi kinh hoàng đối với bộ binh". Phân đội nào cũng có phương án phòng ngự từ xa. Mìn định hướng quét bộ binh địch theo sau xe tăng. Không có bộ binh loại xe cọp này  cũng như con ngựa sa hố. Những mũi đột kích đi theo đường ngầm đánh vào sau lưng địch. Những tiểu đoàn dự bị có hỏa lực yểm trợ phản kích lấy lại trận địa bị địch cướp mất... Nghĩa là có cơ sở vững tin giữ chắc trận tuyến này. Tất nhiên địch có ưu thế không quân và pháo binh tầm xa. Nghe nói có cả loại pháo "vua chiến trường" đạn nặng phải có máy nâng lắp vào bầu nòng.

Đại đội 5 của trung đội Hưng chốt giữ đồi 12,7 làm bình phong che chắn cho sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn. Tất cả đã sẵn sàng chờ địch, nhất là ở tiền duyên giáp mặt với quân thù. Hưng mừng có đại đội trưởng Hợi được đề bạt vượt cấp đi sát giúp đỡ. Anh bớt hẳn nỗi lo địch đột kích mạnh, ta đánh như thế nào để giữ vững trận địa. Ở đây cũng là phòng ngự nhưng khác hẳn Thành Cổ về bố trí binh hỏa lực, về cách đánh hiệp đồng tác chiến của cả sư đoàn. Hợi đến với trung đội tiền duyên của Hưng mang theo những kinh nghiệm từ chiến tận năm trước ở Cánh Đồng Chum.

Quả nhiên địch cho một tiểu đoàn đánh vào đại đội 5. Chúng muốn lách một mũi dao nhọn vào đầu não. Từ tờ mờ sáng chúng đã dàn quân liênt ục đột phá mở sáu đợt tấn công ác liệt dưới sự yểm trợ của phi pháo. Mũi dao nào cũng bị quằn lại. Dao chém đá, chúng buộc phải rút lui. Hoàng hôn ứa đỏ sau núi Hoành Sơn, hắt ánh nắng lên chân những đám mây gây cảm giác đang đè mặt trời xuống nhanh hơn sau rặng núi. Chiến sĩ ta cụng bi đông chúc mừng chiến thắng.

- Ha ha, nước đường ngọt lịm! Giá như vớ được một chai rượu Mỹ chiến lợi phẩm, tớ cũng xin liếm mép một tu cho biết mùi vị!

Chiến sĩ bắn tỉa Võ Văn Trí lập kỷ lục bắn 50 viên đạn diệt 49 tên địch trong ngày. Đúng là một thiện xạ, một tay súng cừ khôi, xứng đáng được tặng danh hiệu "5 lần dũng sĩ". Bỏ rẻ một nửa bị thương đi, số này cõng về mới khốn khổ, chúng sẽ phát tán sự đau đớn, nỗi kinh hoàng trong hàng ngũ địch.

Trên từng khóe miệng, từng ánh mắt của chiến sĩ ta đều bừng lên niềm hân hoan lòng say mê chiến thắng. Mùi thuốc súng đã thấy thơm không khét như trước nữa. Họ kể cho nhau nghe những tình huống éo le lập công. Qua đó, chẳng cần phải lớp học cũng đã góp được bao kinh nghiệm nơi sống chết như lật bàn tay. Ai đã từng xông pha chiến trận đều phải biết phát huy niềm say mê này. Vào sân bóng mà chân sút run thì còn đá đấm cái nỗi gì! Chỉ cần tỉnh táo ngăn ngừa kiêu binh. Chủ quan là mắc sai lầm dẫn đến thất bại. Thành bại cũng trong gang tấc!
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #35 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2015, 05:26:13 pm »

Bách "còm" sợ són dái ra quần ở Thành Cổ nay đã chững chạc hẳn lên. Cậu ta vừa xạc đạn nhanh thoăn thoắt cho khẩu đội trưởng Hiển lia trung liên vào đội hình địch xung phong, vừa sử dụng súng trường tắc bọp những tên ăn mảnh len lỏi tới gần định ném lựu đạn vào hỏa điểm. Có lẽ Bách là người vui nhất, cười nói hớn hở, tay khua lên trời. Bé hạt tiêu ghé tai Hiển nói nhỏ:

- Trận sau cho em bắn trung liên!

Bỗng tin cấp báo từ trạm quan sát: "Ngọn cây chân đồi 12,7 có độ rung mạnh hơn sức gió!". Cùng lúc "con báo đen rừng già" Hoàng Văn Lý cũng điện thoại: "Cảnh giác địch treo cây theo dõi. Có thể chúng tập kích bất ngờ đêm nay!".

Hợi chép miệng:

- Ai chứ Lý thì đáng tin cậy lắm. Thằng địch cay cú đấy!

Chẳng mấy chốc ta đã nắm chính xác địch cụm lại ở chân đồi đang tổ chức lực lượng đánh chớp nhoáng đồi 12,7 lấy chỗ đứng chân làm bàn đạp cho ngày mai tấn công. Chà, gian hùng thật! Đánh vào lúc đối phương đang hỉ hả với chiến thắng để cho biết thế nào là "Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn".

Địch cũng không ngờ đối phương lại tương kế tự kế. Một phương án tác chiến ngay lập tức được thi hành. Không kịp báo cáo lên, thời cơ phải chủ động, đại đội 5 bất ngờ tập kích ngược lại quân địch. Không kịp trở tay, địch hỗn loạn vì bị đánh tan tác, bỏ lại trong rừng cả những tên bị thương nặng. Thây chết ngổn ngang. Tiếng rên la tắt dần. Côn trùng vo vẻ nổi lên như bản nhạc muôn thuở của rừng.

Tuấn "vẩu" ca cẩm:

- Khổ thân chúng ông rồi! Muốn sống sạch lại phải vệ sinh bọn bay, rách chuyện quá!

Quyền đế thêm:

- Chiến đấu không sợ, ngại nhất cái món này. Lại đúng hướng gió thổi ngạt vào trận địa. Không thể lờ đi được anh Tuấn à.

Kiểm tra quân số, trung đội trưởng Hưng nháo nhác tìm gọi Bách "còm" không thấy. Bách đi đâu?

Lý nói:

- Lúc xung phong. Bách đâm lê hạ gục ba tên địch. Định ăn người lại bị người ra tay trước. Đã vậy còn bị đánh giáp lá cà chúng hoảng loạn đến mức bạc nhược. Quân tay thấy quân rằn ri, cánh tay không thắt vải xô trắng là đâm khiến chúng càng khiếp. Lúc truy đuổi địch tôi còn thấy Bách đâm thêm một thằng nữa. Giờ mất tích, Bách đi đâu vậy?

Tuấn "vẩu" ca cẩm:

- Em bảo nhờ tôi to xác che đỡ cho nó sống sót khi sập hầm. Tôi lại nhờ nó mà nằm nghiêng không bị đất đè lên mặt, lên ngực... Bách ơi! Trung đội trưởng cho tôi đi tìm em. Chắc chỉ loanh quanh ở trong rừng chân đồi thôi.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #36 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2015, 05:47:29 pm »

Lý cũng xin đi cùng để yểm hộ lẫn nhau phòng tàn quân địch ám hại. Được đồng ý, hai cựu binh nhanh chóng lên đường. Vừa lúc ấy chuông điện thoại réo gọi, Hưng vội đặt ống nghe, nhào theo giao thông hào lên ban chỉ huy. Đại đội trưởng Hợi mở mắt nhìn khắp lượt rồi thều thào: "Đơn vị thắng, đừng khóc!". Một câu ngắn gọn, anh ra đi. Theo lời hai chiến sĩ trinh sát và thông tin đi cùng thì đại đội trưởng vào kiểm tra trận địa đã im tiếng súng, khi ra về vòng ra phía sau trận địa thì vướng phải dây mìn cóc của địch cài phòng ta đánh tập hậu. Mìn cóc nhảy lên nổ ngang bụng. Bảo Hưng hậc lên: "Anh Hợi ơi, anh vừa ra lệnh tổ chức hai mũi tiến công ngay, một mũi áp mặt, một mũi áp sườn địch. Qua máy bộ đàm, anh còn nhắc đánh đêm không cần nhiều quân, cần nhẹ gọn bí mật bất ngờ, đánh đồng loạt bằng thủ pháo, lựu đạn rồi xung phong đánh bằng lưỡi lê. Ám hiệu, mật khẩu cho rõ ràng. Đừng bắn nhầm vào nhau... Sao anh bỏ bọn em!?". Bỗng Hưng hôn tới tấp lên má đại đội trưởng rồi bật dậy đứng nghiêm, giơ tay chào người anh đáng kính lần cuối cùng. Anh vội vã về trận địa tiền duyên giải quyết việc tìm Bách "còm".

Lý và Tuấn mò mẫm trong cánh rừng vừa đi vừa gọi mật khẩu. Quá sốt ruột, Tuấn gọi cả tên: "Bách ơi, anh Tuấn đây!". Rừng im phăng phắc. Tuấn vấp ngã chồm vồ lên xác một tên râu quai nón. Không dám chia hai ngả để lùng tìm cho nhanh. Vài bước lại dừng quan sát bốn phía. Tối ôm, tầm nhìn cũng không được xa. Đi vào sâu đã ra khỏi bãi chiến trường, Lý đá phải một khẩu tiểu liên cực nhanh đã bắn hết đạn. Cách đó chừng ba chục thước phát hiện một bóng đen ngồi trên cây cao. Anh ra hiệu cho Tuấn ẩn nấp sẵn sàng nổ súng để anh tiếp cận. Gọi mật khẩu không thấy bóng đen trả lời. Nếu là địch chỉ cần một viên đạn là toi mạng. Lỡ lầm thì sao? Lạ thật. Im phăng phắc. Căng mắt hít sâu, "con báo đen" thính nhậy cũng không phát hiện được gì hơn. Bí quá Lý nấp vào gốc cây gõ báng súng cành cạch. Bóng đen có cựa quậy nửa người trên. Rừng im lìm ngủ cùng đêm khuya. Nếu là địch nó đã bắn lại. Hay bắn chỉ thiên? Không được, lỡ là Bách nó quá hoảng hốt rơi xuống thì tan xương nát thịt. Anh liều chụm tay lên miệng gọi to:

- Bách! Anh là Lý, là Tuấn đây!

Tuấn cũng tiến lên gọi:

- Bách ơi! Thương anh thì xuống đi em. Sập hầm anh em mình vẫn sống cơ mà. Bách, anh Tuấn đây!

Nghe tiếng Tuấn, hình như cái đầu ngơ ngác ngó nghiêng. Rất chậm, cái bóng tụt xuống được một chút rồi dừng lại ôm lấy cành cây. Vẫn chỉ là cái bóng rõ hơn, không nói không rằng.  Nhỏ thó thế kia đúng là Bách rồi! Cành cây gần như dựng đứng, em sợ hay không còn sức tụt xuống tiếp?

Với tài leo trèo, Lý cởi sẵn nút dây chuyên để bắt tù binh, anh leo lên rồi trườn tới như một con rắn. Anh buộc dây an toàn cột em vào thân cây từng tấc một dìu xuống. Tuấn vồ lấy em cõng về. Lý chạy theo:

- Bách! Súng đâu?
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2015, 05:26:31 pm »

Không một câu trả lời. Anh đảo mắt chung quanh. Trời ơi, đúng chỗ anh đá phải khẩu tiểu liên cực nhanh, một thân hình cao to dựng đứng tựa vào một gốc cây. Lần tới gần, anh nhìn rõ lưỡi lê cắm đầu súng xiên ngậ ngực tên địch đóng vào thân cây. Cái xác bất động. Anh gọi Tuấn đứng lại chờ. Rút mạnh lê, thân hình hộ pháp đổ kềnh. Chết đứng anh chưa từng gặp. Chắc là lê trúng tim. Vội vác ba khẩu súng anh bỏ chạy. Được dăm chục bước, anh lại quay lại cúi xuống vuốt mắt cho xác chết. Trong thâm tâm anh cộm lên một cái gì thật khó cắt nghĩa. Thực ra cũng chẳng kịp nghĩ gì, đơn thuần như một bản năng dân tộc, một bản năng tâm linh mà anh làm như vậy. Cũng như thế trong một nếp nhăn nào đó ở bộ não lại lảng vảng câu nói trên môi anh: "Cầu cho siêu thoát. Chiến trang, đừng oán hận!".

Về đến hầm, Bách vẫn như một cái bóng không hồn. Đôi mắt thất thần dại đờ. Dáng vẻ mệt mỏi, im như thóc. Quân y sĩ tiêm cho Bách thuốc trợ tim, thuốc bổ tăng lực và cho uống an thần. Một lát em ngủ, bỏ cả bữa cơm chiều chưa kịp ăn vì trận đánh xảy ra gấp gáp.

Tỉnh dậy thấy Tuấn ngồi trực bên, em há miệng bất chợt kêu được một tiếng "anh" ngọng nghịu.

Bách "còm" được đưa về tuyến sau điều trị. Thì ra em bị sốc mạnh, không chịu nổi một lúc đâm chết năm con người dù cho đó là giặc, là kẻ địch. Sau cơn hăng máu, em phát hoảng. Có thể thần kinh chỉ huy phát âm bị trục trặc. Quân y sĩ phân tích như vậy.

 
*

*  *
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #38 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2015, 11:37:01 am »

Từ Thành Cổ anh em vẫn rỉ tai nhau về lá thứ của Hợi. Ai cầm lá thư này? Chả là khi giặt vò áo nặng mùi xú uế của mình và anh Hợi, Tuấn "vẩu" đã rút được lá thư trong túi áo ngực của Hợi. Thư bọc ni lông xanh cắt ra từ một bao tải gạo. Trong bọc có lá thư của ông bố gửi vào từ trước chiến dịch và hai lá thư của anh còn đang viết dở.

Lúc đầu Tuấn giấu kín đọc một mình. Vô tình Hưng và liên lạc Quyền ngang qua ngó thấy. Tuấn từ trong hầm ếch chui ra đưa cho trung đội trưởng Hưng bọc thư.

- Tôi đọc đi đọc lại cứ băn khoăn không biết có nên gửi thư này về cho gia đình anh Hợi không. Không gửi thì mình mắc nợ với người đã khuất, với gia đình anh Hợi. Trao cho đơn vị lại sợ mình bị khép tội giấu di vật của liệt sĩ vì chót để trong người quá lâu.

Ngồi xuống bệ đất chặn nước ngang qua cửa hầm ếch. Hưng nhẩm đọc thư của ông bố Hợi. Thư có đoạn viết:

"... Tình nhà nợ nước nghĩ sao xuôi
Con bước lên đường chiến đấu vui
Đuổi giặc giúp dân lo hạnh phúc
Ngày về ắt hẳn cũng gần thôi".

Đây là bốn câu thơ bố làm tặng con khi tiễn con lên đường, con còn nhớ chứ? Lòng người cha nào lại vui khi biết con mình vào chiến trường ác liệt, một phần sống chín phần chết. Ở con cũng vậy, làm gì có "chiến đấu vui". Vì trách nhiệm giữ nước của tổ tiên thôi con ạ. Cái tráng khi s giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, bố con mình nghĩ sao? Cả nước đánh giặc, ra ngõ gặp anh hùng cơ mà! Bố vẫn làm công việc sửa chữa máy bom nước thủy lợi cho làng xã. Đồng lương thời chiến còm cõi vẫn tươm hơn so với xã viên làm ruộng. Mẹ con ngoài việc đồng áng vẫn một tháng sáu phiên chợ chở đò cho bà con qua sông, lấy thêm tiền cho con cái ăn học y như ngày con ở nhà. Mẹ con hợp với con nhất nhà, hễ có câu chuyện nào là lại cài vao: "Phải lo cho thằng Hợi giật bằng đại học mở mặt với làng xóm. Chiến trường đận này cần hoãn mãi sao đang... Nhớ cái thời quê ta trong vùng địch hậu, giặc cho xe ủi san bằng cả xóm, trả thù cái vụ du kích đánh mìn đoàn xe quân sự của nó. Gốc vải to là thế cũng không còn dấu vết. Mấy cụ già còn ở lại trong xóm chúng bắt các cụ ra đường Năm trói bằng râu bằng tóc mấy cụ kêu già lão rồi chẳng biết gì cả. Tra khảo chán chúng phải thả. Bố trở về, ngồi trên đường Năm để tìm nhận mảnh đất của nhà mình. Chạy hữu chạy tả, ngó nghiêng mãi cũng không nhận ra. Cỏ lác um tùm. Đi vào thì nguy hiểm. Không phải lo rắn rết mà lo mìn, lo đạn cối không nổ còn nằm ở đó. Từ nhà người nọ lần tìm ra nhà người kia. Nhà mình mà thế đấy con ơi! Đời cha chưa hết giặc, con cực nhọc lắm không?".

Đọc đến đây Hưng bỗng dừng lại. Năm ngón tay choãng ra sục vào mớ tóc bù xù tung rơi lả tả xuống vai áo những vẩy mỏng trắng hếu. Nhiều vậy to hơn rất nhiều lần gầu bay xuống vũng nước lấp xấp đêm qua mưa đọng lại trong lòng hào. Hưng có vẻ bứt rứt đọc tiếp.

"Một hôm chở đò về, không biết nghe đâu tin dữ, mẹ con sinh thẫn thờ rồi điên bột phát nói lảm nhảm. Gặp đoàn bộ đội nào qua làng cũng hỏi con tôi đâu, có thằng Hợi con tôi ở đây không? Nó giật được bằng đại học rồi chứ? Nó bảo may cho tôi áo đẹp, mua cho tôi chăn ấm?... Nó hứa nhiều lắm. Hứa từ năm lên ba, lên bốn. Gạp bà con, ai mẹ con con là gọi không nhầm, còn quên tất cả. Chẳng lẽ mẹ con lại có linh tính nào như thế. Thôi con đừng lo, nay mẹ con khỏi rồi..."


Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #39 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2015, 11:32:16 am »

Tuấn tiếp lời vào lá thư:

- Có thể ông bó nói cho yên lòng con. Có lần anh Hợi ngủ nói mơ ú ớ. Mồ hôi vã ra như tắm. Tôi lay gọi, anh bảo tớ gặp mẹ bay như múa trên trời. Mẹ mình ngày trẻ tham gia chiếu chèo làng, giọng nền, múa dẻo có hồn lắm. Rồi anh lặng thinh không nói thêm gì nữa. Giọng thư ông bố viết ngay từ bài thơ đã tự mình không thật. Thực ra cũng dễ hiểu, ông bố muốn con chắc tay súng. Ra ủy ban xã chứng thực bà mẹ đã chết để con về chịu tang có gì khó. Dân mình cũng hy sinh ghê lắm!

Quyền góp thêm:

- Một trận đánh ở Thành Cổ em làm liên lạc cho anh Hợi. Anh bảo bố mình cứng cỏi như cây tre có đốt. Mẹ kém bố những mười tuổi, tình cảm ủy mị hay đóng vai chèo ca làn thảm. Như trong vở Phạm Công - Cúc Hoa đóng vai hai chị em quàng cổ tiễu xương cốt mẹ đi tìm cha. Mẹ mình hát, tớ ngồi xem thấy bà con khóc rưng rức, tức tưởi. Linh tính có một cái gì không ổn?

Thư của Hợi có đoạn:

"... Thư bố viết mẹ con bị điên đã khỏi. Con mong mẹ đừng như giấc mơ đêm qua, mẹ múa như áng mây hồng chợt lại trắng muốt mà con chạy theo níu lại không được. Hay con bị ám ảnh từ bé xem mẹ diễn chèo? Có thể lại là ám ảnh của chiến trường này khốc liệt lắm mà mơ như vậy chăng? Một thực tế không phải bi quan đâu bố ạ! Có thể con chưa viết xong lá thư này thì sẽ không bao giờ gặp bố mẹ nữa. Đừng nghĩ con gở miệng, ở đây là như vậy!

Hiểu ơi, em gái hãy học cho giỏi làm vui lòng mẹ đỡ nhớ đến anh. Bố mẹ cố cho Hiểu ăn học đến nơi đến chống cống hiến cho đất nước xây dựng lại sau chiến tranh. Được như thế thì con vui, vui lắm như bố viết "chiến đấu vui"...


Lá thư dừng lại mãi mãi ở đây. Đến cả cái phần kết thúc chúc tựng cha mẹ, cũng chưa có một lời nào. Nhất là với người mẹ đầy lòng thương nhớ, từ chắc anh còn để dành viết tiếp những lời chắt gạn từ đáy lòng mình. Anh còn đang viết, viết dài, dài nữa cơ mà. Có lúc anh đã định gửi Thực, người đồng hương cùng tỉnh bị thương cụt một chân nằm trong hầm thương binh chờ chuyển về hậu cứ, nghĩ thế nào anh lại thôi.

Giọng Quyền chùng hẳn xuống, hai vai so lên, nuốt từng lời:

- Mà lạ thật chẳng có dòng nào cho người yêu. Anh nói người yêu cùng họ với em, chỉ khác đệm "Thị" và bỏ dấu huyền. Anh kể dí dỏm thế cơ đấy, chứ có nói ngay là chị Quyên đâu. Chị kém anh Hợi ba tuổi. Hai người yêu nhau từ ngày trên ghế nhà trường, là hàng xóm láng giềng liền kề, thậm thụt gặp nhau như chuột. Có những đêm trăng anh đạp xe lai chị rong chơi dọc sông Hồng, hai người đã vào cả đền Chử Đồng Tư, một chàng trai đánh cá nghèo cùng công chúa Tiên Dung kết duyên khơi nguồn một tình sử có một không hai, cầu nguyện hạnh phúc vợ chồng được trở thành "bất tử". Một lần ông bố bắt gặp anh Hợi buộc vào tóc chị Quyên một con cánh quýt, cầm cho nó bay vù vù, chị kêu lên: "Mát. Mát quá!". Biết anh đã đăng ký đi với xã xin đi bộ đội vào chiến trường, ông bố bảo: Con "chim" được cái Quyên rồi, bố sang đánh tiếng hỏi ông bà bên đó cho!. Không ngờ anh Hợi đồng ý liền. Mọi việc chóng vánh. Hai bên bố mẹ vun vào đẹp đôi. Được mấy ngày ông "thông gia hụt trả lời: "Gà tồ không biết ghẹ mái!". Em còn hỏi kháy: "Trông anh chẳng tồ chút nào, có chăng là tán gái còn dở như cơm sượng". Anh chỉ cười chẳng nói gì thêm. Em cứ trêu tức: "Biết anh đi bộ đội chỉ ấy lảng ra chứ gì?".

Tuấn "vẩu" chêm ngang:

- Mày là Quyền "lém" chẳng sai!

- Có thế anh Hợi mới bộc bạch: "Đi biết sống chết thế nào, lỡ làm khổ cả cuộc đời cô ấy ư? Nên mình bàn trước với Quyên cùng chờ đợi ngày thống nhất đất nước. Vả lại mình biết ý của bố mẹ muốn làm lễ cưới cho nhanh để để lại cho ông bà một giọt máu. Chiến tranh còn dài lo gì ra đi muộn. Cậu tính, trai tráng đã hai mươi bốn tuổi to con như mình cũng mót lấy vợ lắm chứ! Mình lại là cây củi gộc của bố mẹ. Thương lắm mà đành phải làm như vậy. Bạn bè cùng lứa đi hết cả, mình lấy vợ rồi nặng tình quyến luyến lần nữa, dây dưa thì còn ra cái thá gì!?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM