Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 07:05:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần III)  (Đọc 243084 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #20 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2014, 11:24:06 pm »

 Cám ơn Xuanv338 đã "có nhời" giúp cho tôi. Đúng thực, mấy ngày qua, tôi phải ru cháu quá nhiều. Chẳng là, thằng cháu nội thứ tư mới có 5 tháng tuổi thôi mà nó bị ốm yếu, ho ghê quá, nghe nó ho mà tôi thắt ruột thắt gan lại. Bố mẹ cháu phải đi làm, bà nội cháu nhiều lúc phải đi công việc, còn lại hai ông cháu "đánh vật" với nhau. Thôi thì, tất cả những bài ru về con cò, nào là "đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao", đến cả "đậu phải cành cứng nảy tưng lên giời" phải mang ra hết. Mấy chục bài liên quan đến con cò, ngày xửa ngày xưa ru em rồi ru con, bây giờ đem ra ru cháu ... Rồi chắc nó thương ông quá nên đành ngủ vì sợ ông mỏi mồm. Các đồng đội thông cảm cho tôi khi tôi bị sao nhãng dù xây đến tầng ba rồi mà cũng không về nhà mình nha !
 Chuyện mà tieuthienvuong hỏi, đợi chút, khi nào cháu ngủ rồi tôi sẽ trả lời nhé !
 Bây giờ nhân về lời ru, tôi gửi lại bài "Nghĩ về lời ru" để các đồng đội tham khảo.

  NGHĨ VỀ LỜI RU

   Những câu hát ru con ngày xưa
   Bây giờ bà đem ra ru cháu
   Bao điều nung nấu
   Bao nỗi niềm... gửi vào lời ru
   "Sung chát, đào chua...
   Ba cô đội gạo lên chùa..."
   Giữa thời hội nhập
   Cái còn, cái mất
   Cái được, cái thua...
   Chấp chới cánh cò đi đón cơn mưa...

   Mái đầu bạc
   Mái đầu xanh
   Giống nhau - một già, một trẻ
   Cuộc đời dâu bể
   Chạy vạy, bon chen
   Tráo trở đỏ đen
   Sinh ra tay trắng
   Về Vĩnh Hằng tay trắng
   Cái nợ đồng lần
   Ai thoát được đâu !...

   À ơi !
   "Cái ngủ mày ngủ cho lâu..."
   Sống sao có trước có sau
   Giữ lấy tình người
   "Gió đưa cây cải về trời..."
   Lời ru khắc khoải, muôn đời vẫn ru ...
   
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2014, 11:43:55 pm »

Bác phicôngtiêmkích có bài thơ hay quá, ru cháu mà đầy tâm trạng ưu tư của người lính cựu từng trải. Chúc cháu ông chóng khỏe, lớn nhanh, giỏi giang, hy vọng đến thời của cháu mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, văn minh hơn, và thế hệ của nó sẽ tiếp nối tiền nhân làm cho nước Việt Nam hùng cường chứ không lẹt đẹt như bây giờ nữa.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #22 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2014, 12:25:03 pm »

 xuanv338 chào bác phicongtiemkich. Chào mọi người đang tham trang. Tranh thủ lúc bác tiemkich còn bận chăm và ru cháu. Chích em xin chuyền cành  tế tạm mấy câu và cũng là rót chén nước mời qtdc lúc bác phicongtiemkich còn đang bận. qtdc nán lại vài phút nữa thôi mình cùng đọc lại bài thơ " Nghĩ về lời ru" của bác tiemkich nhé. Phải nói là sâu sắc qtdc nhỉ? Lính nhà trời họ thu được nhiều ngôn từ hay từ giữa bao la.

  Bài thơ làm xuanv338 nhớ về mẹ quá. Ngày còn bé mẹ của xuanv338 đêm nào cũng nằm bên con gái. tay mẹ mê chấy cho con gái rồi hát ru những bài con Cò và dạy cho con gái thuộc những bài con Cò. Sau này cả đến đàn cháu con của anh trai nữa. Nhớ mẹ nhiều và thương mẹ lắm. Nước mắt của xuanv338 đang lăn đều xuống bàn phím đấy qtdc. Bạn có nghe thấy tiếng rơi tý tách không nào.

   Xin phép bác phicongtiemkich cho em gửi mấy cánh cò mà ngày xưa mẹ em thường vẫn hát ru cho con gái. Cũng như bác hôm nay đang hát ru cho Nội tôn. Lời hát ru của ông Nội chắc là bé sẽ nhanh khỏi ho và sẽ không còn sốt nữa.

 CÁNH CÒ TRONG LỜI RU CỦA MẸ.

 Cò bay rải trắng cánh đồng.
Cánh cò còn rải khắp vần thơ hay.
 Lời ru mẹ làm mình ngủ say.
Mỗi câu ru hát, đổi thay cánh Cò.

****
- Con Cò bay lả bay la.
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng......
.......
- Con Cò mày đi ăn đêm.
Đậu phải cảnh mềm lộn cổ xuống ao.
.........
- Con cò đi đón cơn mưa.
Tối tăm mù mịt ai đưa Cò về.

- Con Cò đỗ cọc cầu ao.
Ăn Sung, Sung chát ăn Đào, Đào chua.
.........
- Con Cò chết tối hôm qua.
Có bảy hạt gạo có ba quan tiền.
.........
- Cái Cò, cái Vạc, cái Nông.
Ba con cùng béo vặt lông con nào?
.............
- Cái Cò mà mổ cái trai.
Bu ơi, bu lấy vợ hai cho thày.
........
- Con Cò lặn lội bờ sông..... Còn nhiều lắm những cánh Cò trong ca dao Việt Nam.

  Những bài hát ru của mẹ thuở xưa . Hôm nay xa mẹ thời gian đã quá nửa đời người. xuanv338 vẫn còn thuộc làu những bài hát ru của mẹ về những cánh Cò trong ca dao Việt Nam. Xúc động lắm khi viết những dòng này. Cảm ơn bác phicongtiemkich đã có bài thơ "NGHĨ VỀ LỜI RU" Bài thơ đã giúp xuanv338 lại có những phút giây nghĩ và nhớ về nơi xa xăm có Mẹ. Chúc bác và mọi người mạnh khỏe. Ai còn Mẹ hãy thấy đó là miền hạnh phúc nhất trên đời.

P/S trên đây là xuanv338 hệ thống lại những bài ca dao nói về con Cò chứ không phải là bài thơ đâu ạ.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười, 2014, 06:03:33 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #23 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2014, 01:21:14 pm »

Chị xuanv338 tình cảm quá. Cũng tại bài thơ của bác phicôngtiêmkích là một bài thơ hay. Một triết lý nhân sinh ai cũng biết, được nói ra một cách vô cùng tự nhiên, giản dị, thuyết phục, qua lời ông ru cháu, qua những dòng thơ tự do kiệm lời nhưng chất chứa nhịp điệp ở bên trong, nói tưởng như chơi mà từng câu chắc nịch, thấm đậm tình cảm. Nếu không có chiến tranh có lẽ bác phicôngtiêmkích sẽ là tướng văn chứ không phải là tướng võ.   
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #24 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2014, 02:37:41 pm »



   Chào bác chủ. Chào qtdc. Tối hôm gặp giao lưu với các anh 19C NH. trong không khí rất vui, các anh giới thiệu các thành viên với  xuanv338. Lần đầu tiên còn lạ, trí nhớ lại kém, tối về ngẫm lại tên và nét mặt mọi người.  hì .... lại quên mất rồi. Có lẽ phải vài lần nữa ra 19C mới nhớ kỹ được. Nhưng trong đầu của mình thì người có số bài viết kỷ lục gần 3000 bài, cao ngất ngây trên trang, người được mệnh danh là một trong những người viết chắc nhất, là người tối hôm đó có màu áo rất riêng, đang rất đăm chiêu một điều gì?  Lại còn có quê hương nơi xứ biển Diêm Điền có phải là qtdc đây không nhỉ?  Bác phicongtiemkich đã bao giờ gặp đồng chí này chưa ạ? Áo màu lòng Tôm trông rất trẻ trung đấy ạ.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười, 2014, 05:42:06 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
linh_8_78_88_68
Thành viên
*
Bài viết: 793

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa....


« Trả lời #25 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2014, 03:38:20 pm »


Tôi có một thắc mắc xin Bác Phicongtiemkich vui lòng giải thích (khi cháu đã đi ngũ và Bác có thì giờ rỗi): những phi công tiêm kích của Liên xô đã có những trận dogfight với phát xít Đức trong thập kỹ 50, phi công Trung quốc thì có được những kinh nghiệm qua cuộc chiến Triều tiên thập niên 50 và phi công tiêm kích Việt nam "hân hạnh" đón tiếp những phi công lão luyện của không quân, không quân hải quân Mỹ trong thập niên 60 và 70. Đương nhiên, những trận dogfight của Việt nam và Mỹ khốc liệt hơn vì mọi khí tài, vũ khí...đã tiến bộ vượt bậc. Qua cuộc chiến này, lực lượng không quân tiêm kích của Việt nam đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm phải đổi bằng máu. Câu hỏi là: với những kinh nghiệm chiến đấu ấy, quân đội ta có "trao đổi kinh nghiệm" với Liên Xô và Trung quốc không?

Xin cảm ơn Bác phicongtiemkich.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #26 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2014, 04:17:00 pm »

Chị xuanv338 điểm danh chính xác đấy ạ. Mà người Thái Bình có điểm nổi bật là tính cách quyết liệt. Là phụ nữ có chồng đàng hoàng mà sẵn sàng lấy vợ cho chồng rồi xuống tàu vào Nam hoạt động bí mật. Cũng người Thái Bình dưới chính thể CHXHCN Việt Nam nhưng khi "quan" không đàng hoàng thì "nổi dậy" bắt giam "quan" ngay, rồi còn nhiều chuyện "tày đình" nữa. Hội đồng hương Thái Bình luôn là hội to nhất ở thủ đô, không họp thì thôi, họp thì luôn họp ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia chứ không họp ở nơi lúi xùi.  Wink

Các bác và các bạn chưa có tài liệu thì nên tìm xem cuốn sách sau mà bác phicôngtiêmkích là một trong những tác giả biên soạn:

Đây là một cuốn sử ký khá đầy đủ và khách quan, được chính các CCB KQNDVN biên soạn. Sau mỗi trận không chiến (kể cả không chiến đối không, đối đất, đối hải) đều có phân tích ý đồ tác chiến, quá trình chuẩn bị, diễn biến, nguyên nhân thắng, bại một cách rõ ràng.  

Phía Mỹ thì có cuốn sau (xuất bản từ cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, tác giả đã sang Việt Nam tìm và đối chiếu tài liệu của hai bên):
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười, 2014, 07:02:00 pm gửi bởi qtdc » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #27 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2014, 10:14:36 pm »

 Cám ơn Xuanv338 và các đồng đội đã chia sẻ với tôi những tình cảm thật chân thành, thực sự quý giá. Bộ sưu tập về những lời hát ru quanh con cò của Xuanv338 cũng khá dày dặn đấy. Bản thân tôi cũng thuộc cả. Rồi còn những bài như "Con Cò, con Vạc, con Nông. Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi Cò ?..." hoặc lả "Con Cò là con Cò quăm. Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai ?..." Nghĩa là nhiều lắm. Hình tượng cánh cò lặn lội cũng giống như người Phụ nữ Việt Nam chịu đựng mọi gian nan vất vả để chăm chồng, nuôi con. Ngoài đảm việc nhà lại còn đảm việc nước nữa. Đáng khâm phục lắm. Cũng đến ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 rồi, tôi xin chúc các đồng đội nữ, các chị em "Tiểu đội trưởng" của các đồng đội nam ... luôn mạnh khỏe, xinh đẹp, hạnh phúc và gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống !
 Tôi xin trở lại vấn đề không chiến. Đúng là Mỹ đã có chiến dịch mang tên Bolo thật. Vì ý tưởng của chiến dịch tìm diệt MiG để làm chủ bầu trời được ra đời ở Philippin nên cái chiến dịch ấy được mang mật danh Bolo. Bolo chính là tên một loại đoản kiếm của thổ dân của Philippin. Trong một cuộc Hội nghị của các Tư lệnh Không quân được tổ chức tại Philippin thì Tướng Momyer - người được bổ nhiệm làm Tư lệnh Tập đoàn Không quân số 7 đã bàn bạc với Tư lệnh Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 8 là Đại tá R.Old để khởi thảo chiến dịch.
 Các phi công Mỹ được tham gia chiến dịch này đã tập trung ở căn cứ Không quân của Thái Lan là Ubon để chuẩn bị. Chỉ huy đội hình chiến đấu của chiến dịch này chính là Tư lệnh Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 8 - một phi công kỳ cựu từ chiến tranh Thế giới thứ hai - Đại tá Robin Old.
 Ý đồ tác chiến của chiến dịch này là sử dụng 56 chiếc F-4 bay vào từ hai hướng Đông và Tây để khống chế các sân bay của ta, tạo nên một gọng kìm. Trong khi đó thì 24 chiếc F-105 sẽ làm nhiệm vụ chế áp các trận địa tên lửa SAM. Các tốp máy bay F-4 bay với đội hình, với độ cao và tốc độ hệt như đội hình của F-105 nhằm đánh lừa các trạm ra đa và SCH của ta. Ngoài ra, còn có các máy bay F-104, RB-66, RC-121, KC-135 làm các nhiệm vụ gây nhiễu, chỉ huy bổ trợ và tiếp dầu trên không. Theo kế hoạch tác chiến, đội hình các máy bay cường kích sẽ thay nhau ném bom các mục tiêu, mỗi chiếc vào công kích 5 phút để trận tấn công diễn ra trong khoảng thời gian đủ cần thiết, nhằm "nhử" MiG cất cánh và lao vào cuộc chiến với "cái bẫy" của đội hình F-4 đã chờ sẵn. Ngày dự định của trận mở màn chiến dịch là ngày 2-1-1967. Mọi kế hoạch được giữ gìn cẩn mật và chỉ trước đó 3 ngày, các phi công tham gia chiến dịch mới được biết chi tiết.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2014, 05:12:10 am »

Tháng 7 năm 1945 người Mỹ đến Việt Nam chính thức bằng đường không. Họ nhảy dù xuống Tân Trào, Bắc Việt Nam, giảng dạy quân sự cho đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại Trường Quân Chính Kháng Nhật, dù họ biết rõ hạt nhân của Việt Minh là những người Cộng sản, nắm rõ Cụ Hồ là người của QTCS. Họ thả dù vũ khí, điện đài xuống cho Việt Minh, hướng dẫn Việt Minh sử dụng điện đài Mỹ, tiểu liên Mỹ, bazoka Mỹ, nhưng họ chưa dạy Việt Minh lái máy bay, đồng thời theo yêu cầu của Cụ Hồ, họ cũng thả dù xuống một quyển Tuyên ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ. Người Việt Nam đón tiếp người Mỹ rất trọng thị, người Mỹ có mặt trong lễ Tuyên ngôn Độc lập của VNDCCH trong khi người Nga thì làm ngơ. Hai mươi năm sau thì không quân VNDCCH không do người Mỹ đào tạo mà do Trung Quốc và Liên Xô đào tạo, trang bị, lại không chiến với không quân Mỹ trên bầu trời Bắc Việt Nam. Mười năm sau nữa thì người Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam sau khi không quân VNDCCH ném bom sân bay Tân Sơn Nhất bằng chính máy bay Mỹ và bom Mỹ, giục khéo người Mỹ rút cho nhanh để lịch sử sang trang mới. Lần này người Mỹ lại ra đi bằng đường không. Tháng 6 năm 1975 Việt Nam đề nghị qua trung gian của Liên Xô việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Nhưng Mỹ đã chơi con bài Trung Quốc để chống Liên Xô và phải 20 năm sau thì Mỹ-Việt mới chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với nhau. Rồi lại gần 20 năm sau nữa, tháng 7 năm 2013 Chủ tịch TTS lại sang Mỹ trao cho TT Mỹ Obama bản sao bức thư của Cụ Hồ gửi TT Mỹ Truman năm 1946. Cho nên chắc sẽ không còn có chiến dịch Bolo nào nữa trên bầu trời Việt Nam.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #29 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2014, 02:21:06 pm »

 Cũng hy vọng là sẽ không còn có chiến dịch Bolo nào nữa, dù là Bolo trên không hay là Bolo-bưởi lai ở dưới mặt đất. Chiến tranh đối với dân tộc ta và mọi dân tộc trên trái đất này là quá đủ rồi.
 Còn bây giờ muốn hay không vẫn phải trở lại cái chiến dịch Bolo năm 1967.
 Trưa ngày 2-1-1967, Đại tá Robin Old dẫn đầu đội hình của chiến dịch gần 100 chiếc máy bay với mật danh liên lạc "Olds" bay vào miền Bắc Việt Nam dọc theo hành lang phía Bắc và vào từ hướng Đông.
 13h46 phút, ta cho biên đội của các anh Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Đăng Kính và Bùi Đức Nhu cất cánh từ sân bay Đa Phúc. Biên đội 4 chiếc MiG-21 xuyên mây đến Phù Ninh thì gặp 4 chiếc F-4 bay từ Phú Thọ vào. Biên đội lập tức bám theo, đến phía Tây sân bay thì lại gặp 4 chiếc F-4 khác nữa. Các máy bay quần thảo, cơ động ác liệt. Anh Vũ Ngọc Đỉnh cố bám theo tốp F-4, nhưng chúng cơ động rất gấp, không thể đưa được vào vòng ngắm, không thể nào có điều kiện phóng tên lửa. Trong quá trình giao tranh ấy, bọn F-4 phía sau đã lợi dụng thời cơ, bắn trúng máy bay của anh Đỉnh. Máy bay bị chấn động mạnh và không thể điều khiển được. Anh Vũ Ngọc Đỉnh đành phải nhảy dù. Anh Nguyễn Đăng Kính cũng bám theo một tốp nhưng tốp này nhanh chóng tháo chạy, lại thấy một tốp nữa. Anh hỏi vị trí của các anh Nhu và Thuận nhưng không thấy hai anh trả lời. Anh quay lại phía sau thì thấy ba bốn chấm đen đang lao tới. Trong tích tắc, máy bay của anh rung lên, chao đảo mạnh. Anh biết mình đã bị bọn F-4 bắn trúng nên quyết định nhảy dù. Hai anh Nguyễn Văn Thuận và Bùi Đức Nhu mất mất số 1 và số 3, vẫn phải tiếp tục quần nhau với lũ F-4 kéo đến với số lượng ngày càng đông. Chúng liên tục phóng tên lửa về phía các anh. Máy bay các anh cũng bị trúng tên lửa và các anh đều phải nhảy dù.

13h55 phút, biên đội của các anh Nguyễn Ngọc Độ, Đặng Ngọc Ngự, Đồng Văn Đe và Nguyễn Văn Cốc cất cánh. Sau khi lên khỏi mây, các anh phát hiện được địch, lập tức vứt thùng dầu phụ, tăng lực, bám vào phía sau đội hình của bọn F-4. Lúc này, anh Độ thấy bọn F-4 phóng 2 quả tên lửa về phía đội hình MiG. Anh quyết định bám theo 2 chiếc F-4 bay ở phía trước, đến cự li 2000 mét, anh ấn nút phóng 1 quả tên lửa. Sau đó anh thấy máy bay không ổn định, xoay nghiêng và mất độ cao. Anh biết, anh đã bị chúng bắn nên phải nhảy dù. Trong thời gian đó, các số còn lại của biên đội quần nhau quyết liệt với bọn F-4 nhưng không bên nào chiếm được vị trí để công kích cả nên các anh Ngự, Đe, Cốc tìm cách quay về hạ cánh trên sân bay.
 Tất cả các phi công của ta nhảy dù đều an toàn, sức khỏe đều tốt. Chỉ sau mấy ngày là các anh lại tiếp tục tham gia trực ban chiến đấu và tiếp tục những chuyến xuất kích chiến đấu mới với những trận không chiến mới.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM