Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:23:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời chiến trận  (Đọc 200075 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #560 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 09:06:53 am »

              Chào bác chủ phuockhanh! Chào các bác!

                Đầu xuân năm mới mà bác chủ đã được gặp rất nhiều đồng đội cùng thời chỉ huy Đại đội Thật quý hóa. Hôm nay 10-3 kỷ niệm 40 năm giải phóng Buôn Mê Thuột. Bác chủ cùng những người lính xưa, những người đã góp nhiều công sức, góp nhiều máu xương để làm góp phần làm lên chiến thắng đó.

                Tranphu341 chúc mừng các bác. Chúc mừng sự gặp mặt vô cùng nhiều niềm vui, nhiều nứơc mắt. Tranphu341 cũng như bạn đọc mong các bác có loạt bài viết về những ngày tháng chiến đấu cam go và thật hào hùng đó. Kính bác!
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Ba, 2015, 04:03:09 pm gửi bởi tranphu341 » Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #561 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 10:47:15 am »

 TIẾNG SÚNG TẤN CÔNG ĐÁNH VÀO thị xã BUÔN MA THUỘT MUÀ XUÂN 1975 vào đúng ngày hôm nay 10/3. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch Phước Khánh xin giới thiệu một chương  CHƯƠNG VII  trong cuốn Hồi ký MỘT THỜI CHIẾN TRẬN để CCb trên Máu và Hoa cùng đọc. Cuốn hồi ký MỘT THỜI CHIẾN TRẬN ghi lại cả thời chiến đấu của PK từ khi vào chiến trường chiến đấu ở Tây Nguyên và giúp nhan dân CĂM PU CHIA đánh đổ chế độ diệt chủng Khme-Đỏ. Chương VII kể về từ khi đánh Buôn Ma Thuật cho đến Tân Sơn Nhất.
         Đây là những trang viết của Pk, theo những dòng nhật ký,  sự kiện, trận đánh bản thân chứng kiến hoặc tham dự và những lời kể của đồng đội mà PK nghi lại. Trong chiến đấu mỗi người một nhiệm vụ, một vị trí, một góc nhìn và nhất là trí nhớ của mỗi người khác nhau. Câu chuyện chiến đấu của mình không ai bịa ra nhưng đã 40 năm thì trí nhớ có thể không chuẩn nếu như không có sự ghi chép lại.Tôi có ghi chép lại nên ít nhầm lẫn. Tuy nhiên trong một trận đánh diễn biến có khác nhau do đó có góc nhìn khác nhau, thậm trí bây giờ tôi được nghe cùng trận đánh người nọ kể thế này, người kia bảo thế khác… Tôi viết hồi ký chứ không phải viết sử nên có thể có những cái nhìn khác nhau. Còn nếu ai có thể bổ xung được là điều tôi rất mong muốn vì đây mới là bản thảo. Tôi không phải là người có chuyên môn về văn học nên sẽ có những lỗi về ngữ pháp, hành văn, thậm chí cả lỗi chính tả mong CCb thông cảm và giúp đỡ. Có những đoạn trước tôi đã kể rồi mà các thành viên dã đọc, tôi vẫn gữi nguyên để cho liến mạch chuyện.  Xin trân trọng cảm ơn!





Chương VII   MÙA XUÂN 1975

Gần tết, Sư đoàn 10 của chúng tôi lặng lẽ rút khỏi tây bắc tỉnh Kôn Tum, ra đường Hồ Chí Minh lúc bấy giờ đã lật sang bên đông Trường Sơn.  
Khi rút khỏi chốt tôi không còn ở đơn vị, nhưng sau này được anh em kể lại:  Trời tối có lệnh rút khỏi chốt, mọi người chỉ biết nhét tăng võng, chăn màn và những thứ lặt vặt vào ba lô, rồi khoác súng đạn lên vai đi về phía sau. Hỏi đơn vị vào thế chân,  biết là Sư đoàn 968 cũng bí mật từ bên Lào thay thế  Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320.  
Cuộc chuyển quân của sư đoàn bí mật đến tướng, tá quân đội ngụy mù tịt. Khi tiếng súng tiến công vang dội ở thị xã Ban Mê Thuột thì chúng mới ngã ngửa ra là tiếng súng của Sư đoàn 10.  Việc nghi binh đánh lừa đối phương là một nghệ thuật tài tình mà người ta bảo phải viết cả một cuốn sách mới nói hết cái tài tình ấy! Còn chúng tôi chỉ biết là sư đoàn rút đi vẫn để lại hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, cả người và máy hàng ngày vẫn đánh đi những bức điện thân quen đánh lừa địch cứ như sư đoàn còn ở lại. Và bộ phận tăng gia ở Tân Cảnh, ngay chính họ cũng không biết gì, vẫn làm việc như không có chuyện gì sẩy ra.
Từ khu vực gần sở chỉ huy sư đoàn, mất một ngày hành quân bộ thì đến nơi tập kết ở đường Trường Sơn. Chờ đến ngày hôm sau ra bãi xe ô tô để lên xe, sắp xếp đội hình hành quân. Xe nổ máy một hồi rồi tắt, lại chưa đi, xuống xe chờ.
Việc thay đổi địa bàn hoạt động của sư đoàn là điều mong chờ bất lâu nay của bộ đội. Chuyến địa bàn báo hiệu một sự chuyển biến lớn trên chiến trường. Chuyển biến như thế nào còn chờ. Song tinh thần bộ đội lên rất cao,  đúng tâm lý, đúng nguyện vọng mong mỏi từ lâu. Niềm vui tràn ngập làm lây đến số ít chiến sỹ “nằm ì” ở phía sau cũng bật dậy phấn khởi lên đường. Cuộc chuyển quân chấm dứt cái cảnh đánh loanh quanh, luẩn quẩn, đánh cò con không bõ với cái thế và lực của ta sau hai năm xây dựng lực lượng.
   Trước đây mong nhổ cái Kon Tum cho đỡ nhức nhối. Hôm nay thì không nhổ Kon Tum, mà Sư đoàn 10 lại đi nhổ cái khác. Cái nào thì không ai biết được. Chắc chỉ có cấp “Chùa”(chúng tôi hay gọi cấp Sư đoàn) mới biết.
   Đang giữa mùa khô, vào buổi trưa nắng gắt. Mọi người moi võng trong ba lô vào gốc cây bên đường mắc chờ đợi. Đoàn xe chở quân hôm nay là đoàn xe chở hàng từ bắc vào và ở lại nhận nhiệm vụ chở sư đoàn chúng tôi luôn. Người và xe ở bắc mới vào nên gặp bộ đội ở chiến trường  tay bắt mặt mừng như xa lâu ngày gặp lại và thăm hỏi quê quán để tìm người thân hoặc chí ít gặp người đồng hương, mong một cuộc hội ngộ bất ngờ như nắng hạn gặp mưa rào.  
   Khoảng bốn giờ chiều ngày ba mươi tết ất Mão (1975) xe bắt đầu nổ máy chuyển bánh chạy ra đường lớn xếp đội hình. Cuộc hành quân đầu tiên chuẩn bị cho chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam bắt đầu. Đường đông Trường Sơn mở rộng cho đủ hai xe tránh nhau thoải mái. Thỉnh thoảng gặp tốp thanh niên xung phong, có cả nữ vác cuốc xẻng đi trên đường, chúng tôi dơ tay vẫy chào. Trước đây hành quân bộ leo đèo, lội suối mang vác bằng đôi vai, gối mỏi, chân chồn; hôm nay hành quân bằng ô tô sướng như được tung bay trên bầu trời lộng gió. Thấy sự lớn mạnh của cách mạng Miền Nam, của quân Giải phóng và của ngay chính mình!
   Khi xe chạy đèn pha bật sáng rực như chạy trong thời bình. Điều đó chứng tỏ ta coi kinh lũ không quân ngụy, kẻ bám vào ngoại bang bây giờ hết chỗ vơ víu, không còn đủ lực hoạt động về đêm. Xe đang bon trên đường chợt dừng lại, mọi người nhớn nhác chưa rõ chuyện gì thì thấy lái xe mở ca pin, nhảy xuống đường, tay sách súng AK chĩa lên trời kéo hết cả băng đạn và hô to:
   - Giao thừa các đồng chí ơi!  
   Mọi người trên xe cùng reo lên :
   - Giao thừa! Giao thừa rồi!
   Một anh ở Trung đoàn 28 nói: Mình ngủ ngà ngủ ngật suốt từ lúc đi đến giờ chả nghĩ hôm nay là tết. Còn anh Luật ở Trung đoàn 24 thì nói văn hoa hơn:
   - Thực ra lính chiến chúng mình bao năm rồi đã quên khái niện giao thừa, vào giờ này năm ngoái thì đang ở trên chốt, ôm súng gác có phải không..? Gì thì gì đây vẫn là cái tết đặc biệt của sư đoàn chúng mình: Tết ngồi trên xe chạy tên đường Trường Sơn hùng vĩ !
   Anh nói đúng! Một cái tết đầy kỷ niệm của Sư đoàn 10 không bao giờ phai mờ. Xe chạy suốt đêm giao thừa và đến sáng mồng một thì dừng ở một khu rừng thưa thớt cây cối, chẳng thể nào biết đây là đâu? Bộ đội xuống mắc võng dưới những gốc cây, tán lá không phủ hết mặt đất để cả ngày chịu đựng cái nắng khô rất khó chịu, với bụi bám đầy người, mệt mỏi vì thức đêm mà giấc ngủ cứ chập chờn.
   Sau bữa cơm chiều xe lại tiếp tục chạy. Không còn những đoạn đường bạt núi mở đường mà càng vào sâu đường bằng phằng, nhưng xe lại sóc nảy tung người vì khi mở đường công binh chỉ cần cưa gốc cây sát mặt đất, khi bánh xe lăn qua gốc cây là nhẩy chồm chồm, lắc lư, người văng vật bên này, hất sang bên kia. Có lúc xe nghiêng tưởng như muốn hất tất cả người xuống lòng đường. Xe vào xe ra nối đuôi nhau chạy suốt cả đêm. Lần đầu tiên từ khi vào chiến trường làm lính chiến mới có cuộc hành quân đặc biệt như thế này.
   Để khỏi ngủ gật, tôi đếm xe chạy ra cho tới sáng, gần ba trăm chiếc. Một con số làm cho mọi người phải ngạc nhiên, giật mình. Mặt đường phủ một lớp đất vụn tơi như bột, bước chân lên cứ phộp phộp, lún hết gập cả bàn chân. Bụi cuốn lên mù mịt, đục như sương mù, bám một lớp dày trên lá cây và cả trên người chúng tôi. Nhiều anh say vật vã, nôn ọe trên xe, đến mềm nhũm cả người. Đêm thứ ba anh nào anh nấy bắt đầu thấm mệt, quần áo cứng vì bụi bám dày, đi lại sột soạt như khoác mo cau. Mặt mũi mốc thếch, lem luốc, lông mi và tóc trắng xóa, như vưa móc ở dưới lỗ lên. Tiếc một điều chẳng có máy chụp một kiểu kỷ niệm cuộc hành quân bước vào chiến dịch lịch sử thì thật tuyệt vời.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Ba, 2015, 11:05:20 am gửi bởi phuockhanh » Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #562 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 10:57:30 am »


Có lẽ Tranphu341 đã "đọc" được nhừng điều ở trong đầu PK hay sao ấy. Sau những công việc của buổi sáng và ngồi trước máy viết mấy lời dạo đầu trước khi đưa lên đã thấy tranphu341 có lời yêu cầu và PK đáp ứng luôn cho Tranphu đây .
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #563 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 11:19:34 am »

CB chào bác chủ nhà. Chào mọi người trong VMH. Thỉnh thoảng qua nhà  Cb không quên đảo sang mấy nhà hàng xóm. Gần 30/4 rồi đọc những dòng hổi ức của lính Tay Nguyên thật xúc động. Những bước chân chiến trận đang rầm rập tiến về Sài gòn. Ngày vui ấy như vừa mới hôm qua. Chúc các anh khỏe, viết tiếp tiếp ngày toàn thắng.
Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #564 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2015, 12:16:15 pm »

Tưởng CB bỏ lính Tây Nguyên nghèo khó, khổ sở, về đầng bằng Cửu Long lắm tôm nhiều cá, lúa gạo dư thừa. Thế mà vẫn bám các anh sát gớm nhẩy? Vừa bước chân vào đã bám gót theo. Yên tâm đi, bob cũng theo sát mọi di bién động đấy! Mà thóp đâu cái chuyện thơ với phú gỉ đấy?
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #565 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2015, 08:45:39 am »


             Chào bác chủ, chào các bác!

             Vâng thưa bác chủ, thưa các bạn! Thế hệ chúng mình những ccb đã từng một thời chiến trận. Một thời ở sống trong những ngày tháng cam go, vất vả, ác liệt nhất. Chúng ta đã may mắn được trở về. Tranphu341 muốn nhấn mạnh 2 từ "MAY MẮN". Vì theo Tranphu341 thì trong cuộc chiến khốc liệt có hàng ngàn hàng vạn những bom, những đạn của thù, đúng ra là của cả hai bên đều nhằm bắn vào nhau, đều muốn tiêu diệt nhau thì mấy ai là người tránh được. Có chăng thì là "TRỜI TRÁNH HỘ" cái sự may có thể đến 1 lần, 2 lần hoặc 3 lần là cùng thế mà chúng ta đã sống sót qua cả 2 cuộc, 3 cuộc chiến tranh mà vẫn "nhe răng" ra sống chứ không phải " nhe răng" ra chết thì quả là một sự may mắn thần kỳ.

             Vâng chúng ta may mắn, chúng ta thật may mắn nhưng có biết bao đồng đội của chúng ta hàng ngàn, hàng vạn thậm chí có khi hàng triệu người đã không được cái may mắn đó để đợi để hưởng những giây phút vỡ òa của niềm vui chiến thắng.

              Âý thế mà niềm vui chiến thắng đó đã có tuổi là 40 tròn rồi đấy. Những chàng trai, những người lính 19-20 xung trận năm xưa nay đã quá ngưỡng "LỤC TUẦN". Đời ta chúng ta đã quá nhiều chuân chuyên trong chiến tranh rồi lại rất nhiều chuân chuyên trong những ngày sau cuộc chiến vì miếng cơm, vì manh áo, vì cái sự thèm khát được cuộc sống đủ đầy. Cùng cả vì những sự bất công còn đó của cuộc đời. Những người lính, những sỹ quan chỉ huy môt thời gặp nhau nhìn nhau mà thèm khát và cả ngượng ngùng khí ngày xưa thì chia ngọt sẻ bùi còn ngày nay thì có khi lại tranh giành đồng tiền, tranh giành bát gạo, tranh giành manh áo, tranh giành đất cát nhà cửa của nhau khi đang thừa bứa bởi tính THAM của thói đời.

             Chính vì thế mà nhẹ nhõm nhất cho chúng ta là ngẫm nghĩ về quá khứ, cái quãng đời lính chiến thật vất vả ấy mà lại thanh thản vô tư lạ kỳ. Chính vì thế mà giờ đây mấy "lão già" đã cầm súng một thời ai mà không muốn nhớ muốn kể, muốn viết lại, muốn ôn lại cái thời vô tư trong sáng đó. Điều này là bình thường, thật bình thường có phải không bác Phuockhánh chứ nào Tranphu341 có phải là chiêm gia là bói toán gì đâu hi hi...

              Vâng rất cảm ơn bác chủ đã có bài viết đúng ngày giải phóng Buôn Mê Thuột cách đây trò 40 năm. Tranphu341 cùng anh em mong chúc bác luôn khỏe để tiếp ra những bài viết thật giá trị thật ý nghĩa như vậy. Kính bác.
Logged
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #566 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2015, 07:22:25 pm »

... Mặt đường phủ một lớp đất vụn tơi như bột, bước chân lên cứ phộp phộp, lún hết gập cả bàn chân. Bụi cuốn lên mù mịt, đục như sương mù, bám một lớp dày trên lá cây và cả trên người chúng tôi. Nhiều anh say vật vã, nôn ọe trên xe, đến mềm nhũm cả người. Đêm thứ ba anh nào anh nấy bắt đầu thấm mệt, quần áo cứng vì bụi bám dày, đi lại sột soạt như khoác mo cau. Mặt mũi mốc thếch, lem luốc, lông mi và tóc trắng xóa, như vưa móc ở dưới lỗ lên. Tiếc một điều chẳng có máy chụp một kiểu kỷ niệm cuộc hành quân bước vào chiến dịch lịch sử thì thật tuyệt vời.


 He he...! Hôm trước còn là "lều văn". Hôm nay thành "nhà văn" thực sự rồi. Mới đoạn đầu mà đã hay ra phết, Đúng cái hoàn cảnh hành quân vào chiến dịch 1975. Ngày đầu tiên bob cũng bị say xe " đúng như PK kể" ... nôn hết mọi thứ trong bụng ra...khi trong dạ dày không còn gì nữa thì nôn cả mật xanh, mật vàng ra...đắng cả cổ họng. Mệt thật, nhưng tinh thần , ý chí vẫn lạc quan phấn khởi... lạ thật! Chúc PK khỏe viết khỏe, bob luôn đồng hành cùng PK như trong chiến đấu vậy .
# Bob đọc tin có số ĐT của Dậu và Quýnh rồi. còn số ĐT của Thảo chưa có. PK có số của Thảo nhắn cho bob nhé. Cảm ơn.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2015, 07:28:46 pm gửi bởi bob » Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #567 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2015, 09:06:48 pm »

Chào Tranphu341, bob cùng các thành viên! Tranphu đã viết những điều từ tâm can người lính chiến được trở về do "số trời cho". Nhưng nhiều người khi về trời không cho gì cả? Thôi thì ta biết đồng cảm với nhau là đủ lắm rồi. Cũng như Bob Pk về cho đến bây giờ mới làm được điều mình muốn từ ngày bước vào chiến trường là kể lại những năm tháng cùng đồng đội sống chết với quân thù. Tuy nhiên để ra được sách phải có khoản lớn nghe mà ớn. Kỷ niệm năm nay đưa lên để CCb đọc chương nóng nhất xem "ra răng".
 Gửi bob: số điện thoại của bob Thảo đã lấy rồi, chắc bận gì chưa liên lạc được thôi.

 
Logged
Tomqb3
Thành viên
*
Bài viết: 302


« Trả lời #568 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2015, 06:46:54 pm »

Trích dẫn
Chương VII   MÙA XUÂN 1975
Nhất trí với bác  Bob ,đây là nhà văn nhớn rồi !các bác nhớ công tom tôi dẫn vàotrang này đấy nhá ! p/k viết khỏe vào ,liên tục ! chứ tích lịch hỏa này chờ lâu xôt cả ruột !
Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #569 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2015, 08:27:20 pm »

Văn vẻ đâu không biết/ Hay dở cũng chẳng hay/ Cứ đưa lên liền tay/ Cho xóm nhà vui đọc/  khen chê là thoải mái/ Chỉ ra nhiều cái sai / Đây tiếp thu không cãi/ Và chắng dận trách ai/ Riêng chàng tôm và bob/ Của núi rừng Tây nguyên/ Đã đói khổ triền miên/ Ta nâng lên hạng "cốp"...Tom, bob và mọi thành viên đọc và góp ý. Mong!


Sau ba đêm hành quân liên tục, trọn ba ngày tết Nguyên đán năm Ất Mão thì đến nơi đứng chân ở một khu rừng khộp trên đất Căm pu chia, gần con suối có trên bản đồ: Đắk-kan. Chúng tôi bắt tay làm lán trại. Các đơn vị chiến đấu còn làm thao trường và huấn luyện cách đánh thành phố. Rõ ràng là chiến dịch đánh lớn đã đến rồi, hồi hộp chờ đợi...  
   Nơi đứng chân toàn là rừng khộp, rừng le. Những khu rừng như thế này đã mấy lần chúng tôi hành quân vào những năm trước, đây thuộc cánh nam của Tây Nguyên. Biết mình thuộc diện dự trữ, sẽ điều động vào pha hai của chiến dịch. Anh em bảo nhau gì thì gì, trước hay sau cũng được tham gia chiến đấu là được rồi. Cuộc chiến này đâu phải ngày một ngày hai. Điều cốt yếu là chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng sống mái một phen xem nó ra làm sao.
   Điều mong đợi một trận đánh lớn từ ngày còn ở tây bắc Kon Tum nay đã thành hiện thực. Cái kiểu đánh phòng ngự trước đây chỉ làm cơn tức nổi lên thành ra nói cùn thà chết khi đánh tấn công còn sướng hơn cái chết thập thò trong công sự ! Những ngày ấy đã qua. Bây giờ là hổ sám tháo cũi sổ lồng về với rừng, tha hồ tung hoành ngang dọc. Cứ sau bữa cơm chiều, trời mát mẻ, chúng tôi ngồi đoán non đoán già và kết luận “chính xác” đến mức: Đánh lớn!.. Hết !
   Rừng khộp thưa thớt, đã cuối mùa khô lá vàng rụng xuống phủ lớp dày trên mặt đất. Khi dẫm chân lên lá vỡ vụn như dẫm lên chiếc bánh đa. Dưới cây khộp là cỏ le dày như mạ, chạy tít tắp, úa vàng vì lâu rồi không mưa. Ở cánh Nam này lắm thú dữ lắm. Một hôm vào chập tối tự dưng mùi hôi thối xộc vào lán, làm cho anh nọ rủa anh kia đi bậy bạ gần lán. Dĩ nhiên ai cũng cãi. Sáng hôm sau kể huyện cho lán bên cạch,  bên đó cũng thấy mùi thối như vậy mới vỡ lẽ và đoán có lẽ hổ về rình bên kia suối. Hồi năm 1972 một chiến sỹ thông tin của Tiểu đoàn 6 đã bị hổ vồ. Cũng may hôm ấy chỗ chúng tôi ở gần nhưng bốn chung quanh là con suối rộng. Anh nào cũng công nhận đại đội khéo chọn nơi ở an toàn.
   Hơi hám của tết đã hết, ở đây lại rất hiếm rau rừng. Bữa ăn hàng ngày chỉ có rau khoai nước phơi khô chuẩn bị từ khi ở Kon Tum mang theo. Chặt nhỏ, sào với nuối, màu sẫm và nhũn như rạ chiêm ngân nước, nũng nùng, nói thực nồi cám lợn trông còn ngon hơn, ăn lắm ớn đến tận cổ.
   Sau 25 ngày về đây đứng chân, trưa ngày 9-3-1975 một nửa số cán bộ dư trữ được gọi về Phòng chính trị sư đoàn nhận nhiêm vụ. Khoảng 1 giờ chiều chúng tôi khoác ba lô đi bộ hơn tiếng đồng hồ đến suối Đắc Kan sẽ có xe ô tô đón. Bốn giờ chiều chiếc xe giải phóng trông còn mới đến đón chúng tôi. Xe chạy ngược trở ra một đoạn rồi rẽ vào con đường nhánh, vẫn là đường dã chiến. Chạy suốt một đêm, bật đèn gầm tỏa quầng sáng đủ soi rõ con đường gồ gề. Qua rừng khộp, rồi rừng non, không có xe chạy ngược lại. Khoảng chín giờ sáng hôm sau thì chúng tôi xuống xe vào cứ của Trung đoàn 25 đã chuyển đi (sau này được biết trung đoàn vào tham gia chiến dịch, cắt đường 21 từ Khánh Hòa đi Buôn Mê Thuột).
   Buổi chiều đoàn trưởng người Nghệ An là chính trị viên tiểu đoàn ở Trung đoàn 66 đi liên lạc nhận nhiệm vụ. Bộ phận còn lại tranh thủ ra suối tắm giặt, tình cờ phát hiện trong rễ hốc cây bên bờ suối có rất nhiều trai. Ở cánh Nam này nhiều con suối có nhiều trai lắm, năm 1972 tôi cũng có lần bắt được trai ở suối. Thế là tất cả quay ra mò trai. Những chú trai xếp tầng tầng, lớp lớp trong rễ cây cứ việc lôi ra bỏ vào nồi quân dụng, chả mấy lúc được hai nồi quân dụng đầy. Hôm đó có trai xào, trai nấu; đêm lại nấu cháo, được một bữa trai thiếu lá lốt vẫn thấy ngon đã đời. Lính Tây nguyên “tụt tạt” theo cái kiểu này giỏi hết ý, nhanh như chớp, chẳng ai chê vào đâu được, tất nhiên là đi lẻ thôi. Khi trưởng đoàn về mang tin vui nức lòng mọi người: Ta đã nổ súng tấn công thị xã Buôn Ma Thuột và sáng nay đã tiến đến Ngã Sáu. Tin quá bất ngờ, niềm vui sướng làm mọi người lặng đi giây phút tưởng tai mình nghe lầm.
   Ngày hôm sau chúng tôi hành quân cấp tốc tìm về đơn vị. Đi bộ theo một con đường đất đến gần trưa thì gặp bộ đội đang áp giải tù binh, có đến hàng mấy trăm tên. Những tên tù binh thất thểu bước, thằng thì còn mặc quần áo lính, thằng đã kịp trút bỏ quần áo trận khoác trên mình bộ thường phục để lẩn trốn, có thằng bế theo trẻ con, chắc là con nó. Tôi gặp Vượng cùng đội công tác địch vận trước đây, Vượng đang áp giải tù binh. Vượng cho biết đã giải phóng hoàn toàn thị xã Ban Mê Thuột. Vui sướng quá làm bước chân như nhanh hơn!
   Trời tháng ba ở vùng đất đỏ ba dan đang nắng dữ, tuy không rát như nắng ngoài bắc nhưng khô, rất khó chịu. Nếu như vào cuộc hành quân khác chắc sẽ mệt vì nắng. Nhưng hôm nay chẳng ai thấy mệt, không khí chiến thắng nức lòng như tiếp thêm sức mạnh. Hết con đường đất thì gặp đường dây hữu tuyến. Chúng tôi bám theo đường dây vì biết đi theo đường dây sẽ gặp đơn vị bộ đội. Đường dây tắt qua hết đồi khoai, qua đồi ngô, đồi cây lúp xúp. Có lúc đã nghĩ đến một tình huống xấu là vô tình chạm trán một toán tàn binh đang lẩn trốn thì phải sử lý như thế nào đây? Trong khi cả đoàn chỉ có hai khẩu súng ngắn của đoàn trưởng và của Đương mang theo từ đơn vị? Lúc đó chỉ còn cách hô xung phong cho bọn nó hoảng mà bỏ chạy. Sử lý tình huống như thế ai cũng cho là đúng vì kẻ trốn chạy tâm lý đang hốt hoảng, lo cho mạng sống được bảo toàn, chạy là thượng sách. Tình huống giả định thôi chứ chuyện đó không sẩy ra.
   Theo đường dây đến tổ thông tin của mặt trận ở một đồi cà phê. Hỏi thì các chiến sỹ cũng không biết sở chỉ huy Sư 10 ở đâu và mách cứ vào trong thị xã Buôn Ma Thuật hỏi đơn vị trong đó. Chúng tôi không vào ngay vì trời đã sắp tối, tối vào trong thị xã vừa giải phóng rất nguy hiểm. Nghỉ lại chỗ tổ thông tin để sáng mai vào trong thị xã tìm đơn vị.  
   Lúc này hai chiếc phản lực A37 đang ném bom cách chỗ chúng tôi độ cây số. Chúng tôi hỏi nơi đang bị ném bom, chiến sỹ trực đài cho biết đó là ấp Châu Sơn và kể là hiện bọn tàn quân chạy dồn về đây, có cả sỹ quan và cha cố. Chúng bắt ép dân, kể cả bà già và trẻ con phải cầm súng, cầm lựu đạn chống trả rất quyết liệt. Ta bao vây chặt, gọi hàng nhưng chúng chỉ đáp trả bằng lựu đạn và tiểu liên AR15 bắn ra mãnh liệt. Đã sang ngày thứ hai mà ta chưa dứt điểm được. Dùng hỏa lực bắn phá thì sợ dân thương vong. Bọn này có âm mưu cố thủ để chờ lực lượng đến ứng cứu.
   Cả thị xã đã được giải phóng, bộ đội đang tuy kích địch trên đường 21. Không thể để cái gai trước mắt, phải giải quyết dứt điểm, phải tiêu diệt hết những kẻ ngoan cố bảo vệ cái chính quyền tay sai của Mỹ. Ta đưa loa phát thanh đến sát hàng rào kêu gọi đầu hàng và tuyên bố nếu không đầu hàng phải hủy bản. Đó là cách cuối cùng.  Ngày hôm sau, cũng cậu lính thông tin ấy báo tin ấp Châu Sơn đã đầu hàng khi ta mới bắn dọa mấy quả pháo vào ấp.
   Sáng hôm sau tôi và trưởng đoàn theo con đường nhựa dẫn vào cổng khu kho Mai Hắc Đế. Trận chiến để lại những hố lớn nhỏ của các loại đạn pháo, cối, lựu đạn…và vết lỗ chỗ trên tường nhà chưa bị đổ nát. Một chiếc lô cốt bên đường, trên tháp canh có một lỗ thủng tường bê tông. Tính tò mò muốn xem sức công phá của quả đạn B41 thế nào, tôi trèo lên và ngó vào thì thấy một chiếc dày ngụy ở bên trong có bàn chân. Quả đạn nổ phụt tia lửa xuyên qua tường bê tông, tiện đứt chân thằng lính ngụy. Đoán thằng lính này sẽ bò xuống bên dưới, tôi chui vào trong lô cốt và quả thấy nó nằm trên võng thõng cái chân cụt xuống đất. Nó đã chết. Tôi bước thêm bước nữa thì mùi tử khí sộc vào mũi làm nôn ọe, phải chạy vội ra ngoài. Cái mùi kinh khủng ấy còn ám ảnh tôi cho đến bây giờ.
   Cổng kho Mai Hắc Đế vẫn còn nguyên vẹn. Gặp mấy chiến sỹ của Sư đoàn 316, hỏi họ cũng không rõ Sư 10 ở đâu, chỉ biết trên một quãng nữa có môt bộ phận của Trung đoàn24 đang đào công sự. Tôi rất mừng vì 24 là trung đoàn tôi.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2015, 10:45:13 am gửi bởi phuockhanh » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM