CHUYẾN TÀU TRƯA ĐÃ XA.
Tháng 12/1971.
Trưa ấy! Một ngày mùa Đông đã rất xa. Khi đợt gió mùa đã yếu dần. Bầu trời Gia khánh cũng như đã cao hơn, ánh nắng yếu ớt lúc hoe, lúc tắt. Ngày lễ. Buổi sáng mít tinh kỷ niệm, buổi trưa có một bữa ăn gọi là tươi tươi, buổi chiều được nghỉ. Lính thời chiến có một chiều được thế là hạnh phúc lắm rồi.
Đã hơn mười ngày rồi đến đây trong háo hấc với núi non. Bởi đất Lúa quê mình là tỉnh đồng bằng, ở đâu cũng chỉ có làng quê bình dị, là những dòng sông và những cánh đồng rộng mênh mông thẳng cánh cò bay. Giờ nhìn thấy núi non trùng điệp bốn bề, ai cũng ước có một ngày được đi leo núi.
Trời chiều nay không mưa, chỉ hơi xe xe lạnh. Phụ cấp đã lĩnh rồi đi leo núi thôi và còn phải ăn một chầu Kem nữa chứ!
Cung đường từ Ninh Phúc ra tới ga Thị xã chừng 3 cây số. tốp lính bộ binh nên cuốc bộ loáng cái mà đã tới ga tàu. Lính trẻ nhao nhao như đàn Mại Bầu gặp nước khi tràn vào khu sân ga để tắt qua sang bên kia đường tàu để lên núi gần hơn.
Trên đường Ray trước nhà Ga lúc này đang có một đoàn tàu rất dài đang dừng lại. Trên các toa tàu kín cả lính trai. Không riêng mình mà còn có bao con mắt đang như dán vào trong các toa tàu mà ngơ ngơ, ngác ngác. Đoàn tàu và những cô lính quê lúa giờ đang cách nhau chỉ một khoảng không gian từ sân ga tới đường tàu. Rất gần thôi mà như xa xôi cách trở.
Từ trên các khung cửa sổ của toa tàu, đồng loạt rất nhiều cái đầu lô nhô đang cố chen nhau ra ngoài khung cửa mỗi toa. Tiếng họ đang gọi to trêu đùa cùng những nụ cười rạng rỡ.
- Nà..i… các Thím bộ đội ở tỉnh nào đ…ớ…i!
- Là……Dân nhà máy Cháo đ….ơ….i….
- Các em ở Tiểu đoàn nào đ..ớ..i…
- 9..1..9 …
- Thế thì đồng hương rồi! Các anh cũng Thái Bình đ….ơ….i…!
- Các anh ở tiểu đoàn nào?
- 918… có biết ai k…h…ô..n..g….?
- Chúng em chào các anh đồng hương! Chỉ mới được thế thôi!
Tiếng còi tàu đã hú lên nhọn hoắt, tiếng vọng đang xuyên rất sâu vào trong vách núi Cánh Diều. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy cả con tàu dài có nhiều toa nối nhau và được tận tai nghe tiếng hú của còi tàu.
Sịt… sịt…. Ống khói con tàu đen ngòm cuồn cuộn nhả lên bầu trời một luồng khói xám xịt bay lên quyện vào không gian xa dần mỏng dần thành những vầng mây xám nhạt lang thang bay theo chiều gió.
Cục..kịch...cục ...kịch.... Tiếng con tàu bắt đầu chuyển bánh. Tiếng tàu nghe như rất nặng nề. Rồi những tiếng gấp gáp xa dần của những chàng trai quê Lúa.
- Đi ...s…a…u ..nh....á .....c…á..c ...a..n..h… đi…t…r..ư…ơ…c…đ....ơ..i.... …T…a…m …bi..ê…t.....
Những tiếng gào thật to của các anh vọng lại, quyện hoà vào không gian đang ồn ã. Những tiếng gào to đang như làm át đi cả tiếng con tàu, rồi hàng loạt những cánh tay lại vươn dài ra qua cửa sổ các toa tàu vẫy chào thay cho lời tạm biệt. Chúng tôi chẳng ai bảo ai, đứng thành hàng ngang giơ tay vẫy về phía con tàu để nói thay lời tạm biệt, mắt ai cũng đỏ hoe.
Chỉ thoáng mấy phút thôi trong tiếng cục kịch nghe rất nặng nề! Rồi bất thần con tàu tăng tốc lao nhanh về phía ga Ghềnh.
Tôi đứng nhìn theo bóng con tàu đang lao nhanh rồi nghĩ gì chẳng biết.
Chợt tôi như bừng tỉnh qua cơn mộng mị và nhớ ra. Ồ! Chết rồi! Sao mình lại quên không sao nghĩ ra thế nhỉ? Nếu ở 918 mà họ lại đóng quân ở xã Lô giang, Đông Hưng. Thế thì trên con tàu kía làng mình có anh Cương và bạn Sao rồi! Nhớ hôm tháng bảy Sao được về tranh thủ qua nhà. Trên đường đi xem Phim qua bờ sông đường lối lên chùa Thị. Tình cờ mình đã gặp được Sao. Hồi này lớn lên đi lính bạn cũng người lớn ra trò rồi còn gì. Lờ mờ dưới ánh trăng thượng tuần mà bạn đã khéo khen mình hồi này lớn lên trông xinh phết! Rồi bạn ấy chả bảo mình là tớ đang đóng quân ở Lô giang, gần chỗ cầu Đình Thượng, lối đường đi về trên quê nhà mình Hưng Nhân đấy. Bao giờ cậu cấy xong, có về quê thì dẽ vào chỗ tớ chơi. Chắc là cánh tớ cũng chưa phải đi chiến đầu. Còn Sao hôm ấy mình trông cậu cũng lớn phổng phao hơn. Sao có dáng người mảnh mai thư sinh, trong trang phục lính cậu sơ vin rất đẹp. Gương mặt của Sao thì mình không nhìn không rõ lắm. Không biết cậu có béo lên hay vẫn gày nhom.
Giờ câu nói ấy của Sao giờ cứ còn đang văng vẳng lại. Nhưng mọi chuyện giờ đã muộn cả rồi. Con tàu vẫn cứ đang vun vút lao nhanh về phía Nam. Trên con tàu kia sẽ có một toa nào đó sẽ có anh Cương và cả Sao trong đó. Vậy là mình đã không gặp được Sao với cả anh Cương
Sao ơi! Giờ mình chỉ biết thầm chúc cho Sao và anh Cương, hai người đi vào trận hôm nay được mọi sự bình an, hăng say chiến đấu. Bao giờ hết chiến tranh, ngày Thống Nhất nếu còn sống trở về, chúng mình sẽ gặp lại nhau tại làng quê. Sao có biết không? Bây giờ tớ cũng đang là cô lính rồi Sao ạ!
Còn những chuyện cũ của Sao và tớ! Giờ chúng mình hãy cùng quên đi về những trận cãi vã nhau trên cánh đồng làng, chuyện Sao đã có lần trêu ném bùn vào mặt tớ hôm đi càn cá ở cừ cửa nhà ông Thuỳ vào chiều nước xuống, mình vẫn nhớ hôm ấy ông Tục đã bênh mình là con gái nên ông đã tát cho Sao một cái đến đỏ má. Nhưng tớ vẫn chưa quên phải mang ơn cậu về chuyện, có lần cậu đã dấu hai bố con ông Dẫn và thằng Thủy chăn vịt của hợp tác xã cùng vớicậu ở trái bà Khè. Cậu đã cho tớ hai quả trứng Vịt và một quả trứng Ngỗng. Tớ đã phải dấu tận vào trong sâu gánh cỏ sợ ông Dẫn bắt được. Giờ thì tớ cũng thấy ân hận có lúc Sao trêu tớ đã chửi lại Sao.
Từ giờ trở đi, mình hứa sẽ không giận Sao nữa. Vì ngày ấy chúng mình đều còn là trẻ con cả phải không Sao?
Tôi đứng nhìn theo con Tàu mà lòng bâng khuâng quá! Rồi một ngày không xa nữa biết đâu mình cũng được ngồi trên chuyến tàu tốc hành này tiếp bước các anh đi vào chiến trận. Cô lính cùng làng xin chúc cho hai người đi mạnh khoẻ và chúc cho cả chuyến tốc hành vào chiến trận hôm nay sẽ nở đầy hoa chiến thắng. Tạm biệt các anh…..
Con tàu vẫn vun vút lao, bóng cứ nhỏ dần.... xa dần......
THÁNG 5/1976
Đi hết cuộc chiến tranh khi tôi trở về làng. Chiều buồn chợt nhớ đến bạn. Tôi vội đến nhà Sao. Ngập ngừng, đứng ngoài đường nhìn vào nhà Sao qua bờ ao sau hàng cây hoa Râm Bụt đang mùa nở đỏ. Bóng mẹ Sao đang còng lưng lầm lũi, hai tay uể oải nhấc theo từng nhát chổi trên cái sân gạch đã rêu phong. Cái sân mà ngày xưa tôi và Sao thường hay đánh Đáo, quay Cù và nhảy ô quan.
Bước vào sân. Tôi cố chấn tĩnh để chào mẹ Sao.
- Cháu chào bà ạ! Bà Thặng dừng tay chổi ngẩng lên nheo nheo hai đuôi mắt nhìn tôi rồi tru tru khóc.
- Cái x! Cháu đã về đấy à! Trời ơi! Quý hoá quá. Sau câu lời mừng cho tôi giọng bà như nghẹn lại. Rồi bà Thặng đã nói thật to trong tiếng khóc. Thằng Sao nó chết rồi! Nó không bao giờ về đây nữa đ…â…u….!
- Sống mũi tôi cay xè. Bàn tay gân guốc của mẹ Sao nắm chặt lấy bàn tay và kéo tôi đi vào nhà.
Mắt tôi đã nhoà đi khi nhìn lên tấm bằng tổ Quốc ghi công. Dòng tên ghi đậm nét Vũ Hồng Sao. Một góc bàn thờ cùng với gia tiên có bát hương nho nhỏ và tấm ảnh thờ, khuôn mặt non tơ của bạn vẻ rất trang nghiêm trong trang phục lính.
Như có vật gì nút trong cổ họng. Tay tôi run run thắp cho Sao một tuần hương. Thẫn thờ đứng trước làn khói trầm bay, hương thơm ngan ngát, một không gian nhỏ rất buồn. Tôi cứ đứng lặng ngắm nhìn mãi khuôn mặt của Sao. Sao ơi! Sao cậu cứ nhìn mình trừng trừng như thế! Chiến tranh đã qua đi tròn một năm rồi. Rời áo lính, hôm nay mình đã về làng đây Sao ạ!
Sao có biết không? Từ cái chuyến tàu trưa hôm ấy mình đã không gặp được Sao và cả anh Cương nữa. Lúc đứng nhìn theo con tàu tăng tốc vun vút lao về hướng Nam, mình chỉ biết thầm chúc cho Sao và anh Cương đi vào trận được mọi sự bình an, chiến đấu thật ngoan cường. Ngày Thống Nhất, nếu còn sống chúng mình sẽ gặp lại nhau ở làng quê, cái nơi cả tuổi thơ ta đắm mình vào trong đó. Mình sẽ cùng nhau ôn lại chuyện ngày xưa ta đi đánh Dậm, cưỡi Trâu ….. Và mình sẽ kể cho nhau nghe chuyện của những ngày đi chiến đấu.
Giờ thì anh Cương cũng bị thương nghe người làng nói anh ấy về lập nghiệp tận trên quê vợ, hay lại đã đi vào tận trong Nam. Chỉ còn lại Sao là đã mãi mãi không về. Sao ơi! Không chỉ có mình Sao không về đâu Sao ạ! Ngày ấy chiến tranh, bao thế hệ trẻ trai làng mình tiếp bước nhau lên đường nhiều như thế. Vậy mà! Hôm nay chiến tranh đã ngừng thôi, non sông đã nối liền một giải. Người ra đi ngày ấy hôm nay trở về làng chỉ được tính bằng những ngón tay, trong số người về thì có mấy ai được còn nguyên vẹn. Thôi! Chiến tranh mà Sao! Ở nơi xa xôi ấy Sao đừng buồn nhiều nữa nhé! Bạn hãy tự hào vì bạn đã ngã xuống để có ngày Độc lập hôm nay. Mình xin hứa trước vong linh bạn là sẽ không giận Sao nữa về những chuyện trẻ con ngày ấy và sẽ tiếp tục cống hiến sức trẻ của mình để xứng đáng với Sao.
Trở lại làng xưa sau chiến tranh mà thấy buồn mênh mang quá. Từ cái ngày mình cũng lên đường nhập ngũ. Rồi hình ảnh của bao cuộc mít tinh liên hoan tiễn trai làng vào trận. Những bài hát, những lời chúc, những chiếc khăn tay làm quà kỷ niệm, những tấm hình mộc mạc tặng nhau trước lúc lên đường. Thật khó mà quên khi mình còn được sống…
Chiều đã muộn rồi! Sao ơi!... Mình về nhé! Rồi mình sẽ luôn đến nhà Sao.
Nắm chặt bàn tay gân guốc của mẹ Sao, tôi xin phép ra về. Bước chân trong hụt hẫng, tôi lại đi qua cái bờ ao nơi có hàng cây Râm bụt. Những cánh hoa buồn giờ như tím lại, hoàng hôn về, ráng chiều cũng đang tim tím theo.
MÙA XUÂN 2011.
Rời áo lính từ ngày ấy đến nay! Tôi đi công tác xa nhà và cũng đi lấy chồng ở cách xa quê. Thỉnh thoảng có về làng xưa làm nghĩa vụ của một người con với nấm mồ cha mẹ thì về lần nào cũng cứ vội vội vàng vàng. Thế là thời gian chẳng có để dành cho bạn bè cả người còn sống và người đã chết. Thôi thì chỉ biết thầm nói với bạn bè một câu tạ lỗi.
Rồi có một ngày Thanh mình hiếm hoi tôi đã có một đêm được ở lại làng xưa, được ngủ trong ngồi nhà mà cả tuổi thơ tôi đã lớn lên từ đó. Ngôi nhà yêu thương ấy bây giờ đã trở thảnh ngôi nhà riêng của cô cháu gái còn ở lại lập nghiệp tại làng quê.
Chiều buồn tôi sang rủ cô bạn gái thuở học trò. Thoa và tôi cùng đến thăm nhà Sao và đã từ lâu tôi cũng muốn đến thắp cho Sao một tuần hương. Nhà Sao giờ chỉ còn anh trai và chị dâu ở lại đất xưa đèn nhang cho mẹ , cha và gia tiên nhà họ Vũ. Xin phép anh trai Sao. Tôi lặng lẽ bước tới ban thờ. Vẫn cái nhìn rất sâu đầy nhớ nhung của Sao. Sao ơi! Đã lâu lắm rồi hôm nay tớ lại về đây. 40 năm qua Sao ở đâu? Anh em và bè bạn, người trong làng xóm vẫn đang mong và đợi Sao về dù chỉ là nắm đất.
Lâu rồi hôm nay trở lại làng xưa mình lại đến thắp cho Sao một tuần hương nữa nhé! Chúc Sao nơi miền cực lạc, bạn hãy luôn thật vui cùng đồng đội bốn phương. Thôi mà! Nếu vì lý do nào mà mãi mãi bạn không về được với làng mình, thì Sao cũng cứ vẫn vui lên đấy nhé! Vì ở nơi đâu cũng là mảnh đất thân yêu của Tổ Quốc mình Sao ạ!
MÙA ĐÔNG 2014 NGÀY 23/11.
Lại một mùa Đông nữa đã về. Tiết Đông nhưng hôm nay trời chỉ xe xe lạnh. Nắng nhẹ thỉnh thoảng lại bất chợt hoe lên nhuộm óng cả không gian làng quê. Đã rất lâu hôm nay tôi mới lại trở về quê cũ ngày xưa gặp lại bạn bè trong ngày hội lớp. Cái lớp mà ngày xưa đi đánh Dậm, bắt Cua, cái lớp cùng nhau đi thả Trâu và buông diều cánh Cốc……Hai ngày thôi mà lịch xếp kín cả thời gian. Mà vẫn còn sót chưa thể làm được hết. Nhưng những việc gì làm trước tôi cũng đã thỏa nguyện vì đã được làm. Đó là việc con gái cùng cô cháu nhỏ ra bãi tha ma phía Bến Giang thắp cho mẹ, cha nén Trầm thơm báo hiếu, được đi phiên chợ quê, là ra công đức và dự đón tượng về Chùa làng, là ra nhà thờ vào lúc gióng chuông báo lễ tuần chiều thứ bảy để ghi âm lại tiếng chuông ngân, là ra thăm bến đò xưa và cả dòng sông tuổi thơ còn mãi vương vào trong ký ức, là dạo chơi thăm bà con bên xóm Đạo, đi phiên chợ quê và một lần vào nghĩa trang liệt sỹ quê nhà thắp cho các anh, các bạn, các em một tuần nhang tri ân. Được tận mắt nhìn những ngôi mộ gió của anh Lê Thanh Huyền và bạn Vũ Hồng Sao. Cả hai ngôi mộ cùng chưa được đặt bình hoa, tất cả mộ ai chưa được có bình hoa vẫn chỉ là ngôi mộ gió. Thật là đau xót quá!
Hai ngày chỉ bốn mươi tám tiếng thôi ở lại làng quê. Mà được nghe bao nhiêu tiếng hòa âm hỗn loạn. Là âm vang tiếng hò hét của trẻ Trâu xưa rộn lại, là tiếng chuông nhà thờ xứ đạo, là tiếng chuông chùa sâu lắng của làng Cao, là bến đò, là dòng, là cả bức tranh quê còn nguyên vẹn. Và như còn có cả tiếng hú nhọn vang của chuyến tàu trưa bốn mươi ba năm vọng lại.
Thái Bình 18/12/2014

Nghĩa Trang quê nhà sáng nay rất vắng. Xin các anh, các bạn, các em. Dẫu đâu đó quanh đây còn thiếu đi đôi nén! Thì cũng cảm thông cho cô gái xa quê. Nghĩa trang sáng nay chỉ có một mình em. Chỉ mình em thôi là đã đủ. Vì mùi Trầm đang ngan ngát bay xa.

Sao ơi tớ đã về đây. Dù cho biết đây chỉ là ngôi mộ gió nhưng biết đâu cậu cũng vẫn về đây. Cúc thơm tớ chỉ đủ cho hai người. Cho Sao và anh Huyền thôi đấy nhé! Sao đang ở đâu nếu lúc rong chơi. Bạn hãy cứ về thăm gia tiên rồi lên cả nghĩa trang. Quê hương vẫn để dành cho Sao và các anh chưa về một bia mộ sáng. Sao hãy luôn được vui với đồng đội nơi miền cực lạc.