Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:52:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tập nhật ký chiến đấu! Đại tá Trần Hiếu Định  (Đọc 19649 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
as4best
Thành viên
*
Bài viết: 7


« vào lúc: 24 Tháng Tám, 2014, 02:08:55 am »

Về tác giả:
Đại tá Trần Hiếu Định (Sinh ngày: 1/11/1934 Mất: 14/1/2010 )



Quê quán: Sơn Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Tham gia Cách Mạng: Tháng 5 - 1952
Vào bộ đội: tháng 5-1953
Vào Đảng Lao động VN: 4/11/1956 chi bộ: 88, Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101 - Sư Đoàn 325
Công tác và chức vụ đã qua:
11-54: Chiến sĩ cứu thương, tiểu đội phó bộ binh (c88, d436, E101, F325)
5-60: Tiểu đội trưởng. Học viện sĩ quan Lục quân (Sơn Tây)
5-63: Thiếu úy, Chính trị phó (C38, F325)
3-65: Thiếu úy, Chính trị viên, bí thư chi bộ (C38, F325)
10-71: Đại úy, chủ nhiệm chính trị, Đảng ủy viên Trung đoàn (E1 - F324)
8-72: Phó chính ủy(E1 - F324)
3-73 : Chính ủy, Bí thư Đảng ủy(E1 - F324)

7-76: Phó chủ nhiệm chính trị (Sư đoàn 324)
7/78 - 8/80: Phó bí thư Đảng bộ lớp Học viện học viên quân sự Cao cấp.
8/80-4/83: Tham mưu trưởng, Phó bí thư Đảng ủy
5/83 - 6/85: Sư Trưởng Sư 327. Ủy viên thường vụ sư đoàn
6/85- 9/87: BT Đảng ủy, TM phó trực tiếp chỉ huy hướng Lạng Sơn.

----------------------------------------------------------------------------------------------
Bước vào đời
(1953)
****
Những dòng kỉ nệm trong bước trưởng thành



       Thế là trở nên người lính!
        Dưới cây bưởi đào, bao ý nghĩa nhớ nhung trong đầu óc mừng mừng, tủi tủi, mừng là ý nguyện đã đạt được, tủi là nhớ thương cha mẹ, quê hương, bạn bè anh em trước khi sắp lên đường.
-   Quả! Mày nhớ tao không? Nói những gì bây giờ để chia tay hở Quả?
-   Định ạ! Anh kiên quyết lắm. Đúng là lứa tuổi của thanh niên mạnh mẽ, dũng khí trước khi lên đường. Quả chỉ chúc Định lên đường khỏe mạnh và biên thư về cho mình luôn, mình sẽ chờ tin chiến thắng của người anh và cũng là người bạn chí thân.
Đừng lo gì cả, ở nhà bọn mình sẽ là thanh niên hậu phương, phục vụ tất cả cho cậu ở tiền tuyến.
-   Thôi bắt tay cậu!
        Hôm nay và cũng là ngày mà Định phải đấu tranh với tư tưởng với gia đình để ra đi .
Sao? Bốn đứa chỉ được một mình là thế nào? Thằng Hưng đau gì nhỉ? To béo thế mà không trúng tuyển.
-   Sao? Thằng Tưởng không đi, đâu gì? Nó bị sốt à? Chưa chắc, có lẽ....!
-   Sao? Mẹ lại khóc? Được không can gì, mẹ lo gì cho thêm phiền lòng, con đi con sẽ viết thư về cho mẹ.
-   Mẹ nhớ con lắm hở?
-   Mi thật quá tệ! Đi không nói năng tý gì cho tau biết cả, chừ tiền mô mà cho mi, áo quần mô mà sắm được bây giờ.
-   Khổ! Con cứ làm tội mẹ.
-   Thôi mẹ đừng nhớ nữa! Con đi rứa là đủ rồi, ba lô con mua của Phước rồi, đầy đủ rồi, tiền mẹ để tiêu, áo quần sắm cho em, con có vài bộ là đủ rồi, con đi sẽ viết thư về cho mẹ luôn, mẹ đừng khóc nữa.
****
-   Quả ơi! Vào ăn quả chuối mày!
-   Ông Ngụ! Vào ăn bát chè cho vui.
Các anh! Lại ngồi liên hoan. Anh Trình, anh!.
Quanh mâm chè, Định ngậm ngùi, ruột cứ bồn chồn không tài nào ăn được, gắng ngồi hết một bát là Định đã hạ đũa, lễ phép với câu thường dùng với bà con.
         Định bước ra sân, rồi lại vào nhà. Nhìn rất kĩ cha, các em, mẹ và bà con, các anh bộ đội trong nhà.
        Định nhìn lại với cặp mặt in sâu vào trong trí, từ căn buồng, mái hiên, chiếc bếp, chiếc cày, con bò và thú vị vuốt ve đôi gụ con Hươu mảnh dẻ hiền lành ấy.
        Rồi một phút sâu xa nhất cây dừa đang mơn mởn tốt tươi trước vườn, của ông chú đã tử trận ở nơi chiến trường xa xôi – với một thành tích vẻ vang cho Tổ Quốc và cho gia đình.
        Vì thế! Định lại có 1 nghị lực đầy đủ mạnh rạn ra đi để trả mối thù ấy.
-   Chào các bà !
-   Định sắp đi chưa con?
-   Dạ, đi bây giờ đây các bà ạ !
        Giọng các bà thân mật hỏi han, an ủi, tiễn chân làm Định thêm phấn khởi vui mừng lên đường.
Đến chỗ tập trung, ở cách nhà, mới chừng khoảng 1 cây mà cứ như đã xa lắc xa lơ
        Chiều nay Ba, Hường lại đưa cho anh 1 túi quả “thanh trà“ và mấy ngàn đồng.
-   Anh khi nào đi, cho mẹ và em biết với.
-   Anh mai đi rồi, trưa mai đấy – Nói mẹ anh không về nữa mô nha! Về mẹ lại khóc khổ mẹ.
       Nhìn Hường đứa em gái ngây thơ dại dột ấy, thằng Ba nhỏ nhỏ láu lỉnh đen như “tấy cạu“  hai đứa nó không nói 1 tý gì, chỉ nhìn anh với cặp mắt ngây thơ, trìu mến, đầy 1 tình thương ruột thịt.
-   Nó không khóc, nó cứ trằng trằng nhìn anh từ đầu đến cuối, rồi như không muốn nói gì thêm, hai đứa lặng lẽ ra về, Định nhìn hai đứa không chớp mắt
-   Nắng chiều, chiếu ngang lên cánh đồng đã gặt, bóng hai đứa cứ in mãi trong óc Định cho đến khi hai đứa khuất dần trong đám nứa trước cổng trường.
        Để lại 1 mình Định rão bước trên đường số tám,nhìn về làng.
        Trong ánh nắng vàng của mùa hè, núi “Am”, núi “ Đá ” , “ Tình Cờ “ càng nổi lên 1 màu xanh biếc, đẹp đẽ biết bao.
Gió nam lay động các cây cau cao vút, lấp ló những mái nhà xanh trong xóm – dưới hàng “Sắn“ mà hàng ngày Định cùng mấy đứa trèo lên, như vượn lao qua từ cành này qua cành kia hái bột sắn, ăn không biết chán. Chim “cà cưởng” từng đàn, từng đàn bay vùng lên rồi đậu xuống hót vang cả xóm làng như tiễn đưa anh lính lên đường ra tiền tuyến.
        Định sắp quay về chỗ tập trung, thì phía xa 2 đứa nào lại chạy lon xon đến phía Định.
-   Ơi Định! – anh Định.
-   Gì thế Tý
-   Bát đó ạ!
-   Đi chưa – Mai đi.
-   Sớm hay chiều?
-   Trưa mai.
-   Rứa ạ.
-   Đi mô đó!
-   Đi chơi!
-   Chơi tối rứa ạ!
        Vớ vẩn chỉ hỏi tiếng một! Và trả lời câu một. Định cũng biết là các cô ra tiễn chân nhưng không muốn nói, hay nói thế nào.
Nhưng chính lúc này Định cũng chưa biết nói gì vì Định cũng nhớ bạn bè, nhớ các em thiếu nhi ngoan ngoãn hoạt động hăng hái ấy, mà hôm ra đi Định không cho các em biết.
-   Tý ạ ! Định mai đi rồi! mày ở nhà cố xây dựng cho đội nữ nó tiến nha. Và Bát cũng thế, là phân đoàn trưởng cố gắng đừng để nó tụt  thì hỏng.
Định gửi lời chào các em.Và Định đi sẽ viết thư về luôn nha.
        Tý và Bát, cứ yên lặng, chỉ cười mỉm nhìn Định và không nói gì thêm.
  1 phút qua, ba đứa chỉ nhìn nhau cười.
-   Anh Định!
-   Gì?     Anh đi, các em không tiễn đưa anh, liên hoan trước khi anh lên đường. Bây giờ chúng em đến gặp anh đại diện cho đoàn và đội.
    Tặng anh chiếc khăn làm kỷ niệm.
-   Tý – Ung đi mạnh khỏe nha! nhớ gửi thư về cho bọn mình luôn
-   Tưởng gì? Được mình sẽ nhận!
-   Tối rồi, bọn mình về nha!
-   Đi mạnh khỏe anh Định nha
-   Thôi! Về nha!
Màn trời đã dần buông xuống. Định cầm khăn, càng nhớ tới đám em mà Định sống gần chúng nhiều nhất, đàn em ngoan ngoãn ấy, những đóa hoa hồng đang búp ấy, những mầm non của tương lai đất nước ấy! Đang tung tăng múa ca trong những đêm thu trăng sáng, mà bây giờ Định phải tạm biệt xa các em, để đi đến đội ngũ của hàng ngũ quân đội để bảo vệ lấy đất nước Tổ Quốc, giải phóng cho ngày mai đây các em sẽ múa ca trong thế hệ trẻ xã hội chủ nghĩa.
***********
****
       Sáu tháng luyện tập, Định từ 1 học sinh ra lính, tuy cũng vất vả, làm hết tất cả những việc mà Định đã từng mục kích các lần tập trận của các đơn vị đóng trong làng. Cũng cây súng lục với bộ quần áo đã mang từ nhà đi vượt núi này đồng nọ, ban ngày ban đêm đào hầm, đào hố ỏm tỏi. Cũng đi đùng đì đoàng suốt ngày trên thao trường.
        Nhưng Định cũng khá tiến bộ, biết chịu khó,không sợ gian khổ mệt nhọc.
Định biết, Định đi ra không bao giờ Định để lại 1 cái nhục cho gia đình, cho bà con mà Định quyết nhận lấy 1 cái vinh, cái vinh quang cách mạng. Định sẵn sang vượt hết khó khăn, luôn luôn tiên phong làm ra làm, tập ra tập.
        Cho nên Định, từ khi là 1 học sinh bước vào lính, Định đã học tập được nhiều ở tập thể, biết gánh vác nặng, biết đánh giặc, biết cầm khẩu súng, và Định đã trưởng thành 1 chiến binh ưu tú, không bao giờ phạm khuyết điểm, được đồng đội tín nhiệm, bạn bè khâm phục đức tính hiền lành của ông bạn nhỏ, trẻ đẹp trai, vui tính.       Chính bởi thế, bước đầu Định đã nhận lấy 1 cái vinh của cách mạng, được tuyên dương là 1 chiến sĩ thi đua sau mấy tháng rèn luyện, nhận phần thưởng, Định càng phấn khởi và càng ra sức học tập xây dựng đơn vị. Từ đó Định không nhớ nhà nữa Định biến tình thương sang tình yêu Đất Nước và luôn luôn phấn đấu không ngừng trong hàng ngũ quân đội.
-   Hôm nay tiết trời đã sang đông, lần đầu tiên Định và đồng đội nhận được bộ quần áo vải to – của trên phát và chiếc áo trấn thủ, chăn màn đầy đủ.  Định, mặc vào. Định có vẻ ngây thơ nhìn bộ quần áo mới, mừng vô hạn, như chính mẹ mình may cho bộ quần áo ăn tết. Định thấy mình lớn hẳn lên, không như hồi ở nhà nữa.
        Từ nay, Định đã chính thức là 1 chiến binh, từ ngoài cho đên trong đúng là 1 chiến sỹ “ Vệ Quốc đoàn “
        Định gửi thư luôn về nhà, và hôm nay Định cũng cầm cây bút viết bức thư dài những 2 trang cho Đức, Huyên, Quả và mấy ông bạn ở nhà, báo tin và thành tích của mình. Định tự hào với các ông bạn Định là 1 chiến binh trưởng thành trước các ông.
        “Chú Đức, hôm nay, Định hẳn là 1 chiến binh, 1 chiến binh non trẻ, sẵn sàng chiến đấu cho Tổ Quốc. Chú Đức ạ! Chú cứ tin ở Định, đứa cháu của chú và lớp người cùng tuổi. Định luôn luôn tiến bộ và tiến bộ không ngừng. Định gửi lời thăm tới các ông bạn, mong các ông bạn trưởng thành những bước vững chắc.
        Định gửi thư luôn cho các em, xa các em, lại nhớ các em nhiều.
        Trạch, Thụy, Nhụy, Luyện, mấy đứa tinh ranh lắm, khôn lắm, học cũng khá hoạt động thanh niên lại hăng. Thật đáng yêu quá! Các em của anh! Các em hãy giữ vững mãi truyền thống cũ, không ngừng xây dựng đoàn đội vững mạnh.Còn anh, anh sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ và xứng đáng người anh của các em.
         Càng học tập Định càng hiểu biết nhiều, nhận thức nhanh. Định đã biết lập trường phục vụ, chiến đấu cho ai, quân đội của ai, ai bạn, ai thù.
         Nhờ vậy Định đã nhận ra giai cấp địa chủ là thế nào? Cần dứt khoát đánh đổ ra sao? Lập trường tư tưởng càng vững chắc, thì tập càng hăng.
 Nên Định vẫn giữ truyền thống đứng đầu tàu trong 6 tháng luyện tập.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2014, 07:03:41 pm gửi bởi as4best » Logged
as4best
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2014, 02:13:05 am »

Đã là CHIẾN BINH

Hôm nay Định đã là 1 chiến binh chưa phải là đã chiến đấu đâu, nhưng đã được bổ sung sang đơn vị chiến đấu và ở đơn vị X súng cối, có thể sơ sơ gọi 1 chút cho oai là pháo binh.
-   Ông chiến sĩ pháo binh ơi! Ông liệu có vác nổi gánh đạn này không? Kia là cái đế nữa ông ơi, không phải đơn giản ông bạn Định ạ! Vất vả hơn trước nhiều, nặng nề lắm ông bạn tôi ơi!
         Định cứ vớ vẩn, nghĩ ngợi trong đầu óc, là 1 tân binh cứ bỡ ngỡ với mấy khẩu súng to ấy.
Nhưng Định đã gánh thử, làm thử các động tác dần dà thấy quen quen và Định xin nhận vai phụ để Định cố gắng học hỏi, không mấy chốc ông bạn Định không lo ngại gì nữa mà đã quen dần, lại học nhanh nữa, ngắm cũng cừ.
        Đêm hôm ấy, bất thình lình, báo động còi rú liên hồi. Định  mất bình tĩnh vày vò chiếc màn chiếc chăn, bỏ vào ba lô, lúng ta lúng túng, lựu đạn xên,1 lô tríu nhèo như mạng nhện. Nhưng may mà cũng theo kịp đồng đội.
        Lệnh hành quân,vượt đồi, băng núi từ cửa Lò, lên Nam Đàn, nghỉ chuẩn bị gạo cơm đâu vào đó tiếp tục hành quân.Vượt truông, qua Đô Lương rẽ về Rú Thành, qua chợ Tràng, hẳng đường số tám về Can Lộc.
        Lần mò 1 đêm mưa gió ướt như chuột lột. Rồi tiếp tục đi, ngày nghỉ đêm đi. Đi đâu, ai biết, là tân binh Định cứ lặng 1 mạch đi chẳng biết trời đất là đâu, nơi nào? Huyện nào?
        Xuyên núi, băng đồi, đến sông cửa Rào, nghe anh em nói mới biết là đất Hương Khê.
        Giờ đây ông Định, mới biết 1 tỷ là đi chiến dịch chứ không phải đi hành quân trú quân nữa.
        Chiến dịch nào, ông chưa biết,mọi người cũng chưa biết.
-   B.T.T chăng? Có lẽ.
-   Sao mò vào rừng Cao Thắng làm chi
-   Sao 1 ngày vượt núi leo đèo.
Trời tiết mùa đông, mưa dầm rả rích suốt ngày đêm không ngớt.
Đến khu rừng Cao Thắng.
Lần đầu tiên Định nằm đất,căng chăn làm mái nhà.
     Chuẩn bị tất cả cho chiến đấu, lương khô, thức ăn, muối, dò chả.
     Hai ngày ở rừng,nhưng Định cảm thấy thú vị của tuổi thanh niên như hồi cấm tăng ở chùa Hầm Hầm vậy.
     Hôm nay tất cả bí mật đã được phổ biến_đ/c ctv.
     “Ta hoạt động chiến trường D.
Chiến trường nước bạn, nào là khó khăn, nào là gian khổ này nọ, đặc điểm của chiến trường, rồi nhiệm vụ ta”
        Ngày hôm nay lại hành quân, vừa đi vừa bập bẹ học tiếng Lào.
“Fò, mè, Fa lăng.
        Pay thang đay, ăn ni.....”
Núi rừng thăm thẳm, suối thác ầm ầm. Định càng thấy gian khổ của chiến tranh, trên vai nặng trĩu súng đạn, gạo cơm.
Dốc đèo, trơn như mỡ, bùn lầy.
        Nhưng Định vẫn cảm thấy rằng đây là thử thách của người chiến binh .
        Vượt đã 2,3 cái đèo, lội hàng mấy chục khúc suối. Đôi dép ngậm đầy bùn leo lên càng vất vả, trụt xuống cũng không vừa. Hai chân đã mỏi nhừ, chỉ biết trượt tha hồ, không kể dốc đá cheo leo, đôi dép lốp đã không chịu dính bàn, mà đã từ chối tuột lên đầu gối
-   Thôi thì đi chân vậy, ta ngoắc mày vào Ceinture cho mày đỡ mệt.
        Một ngày, hai ngày tiếp tục hành quân hướng tiến là nơi trận địa.
Đi! Dốc trước mặt là dốc gì?
 “Trúm trẹo” là tên! Một ngày mới hòng vượt khỏi – Đây chính là đỉnh cao nhất của Trường Sơn.
        Ngày xưa Nhật đã vượt đèo này hòng xâm lược Đông Dương. Nhưng ngày nay, đoàn quân Vệ Quốc vượt đèo này để giải phóng Đông Dương.
Các bạn hãy tiến lên!
   Như người đang gặp mối lo gì nguy ngập! Định đâm ra tâm trạng lo lắng, Định mong sao vượt qua cái đèo này sớm chừng nào hay chừng ấy.
         Tiếng reo hò, tận trời mây cao vút của đoàn quân đi trước vang khắp núi rừng. Định càng lo, sức quá mệt với mấy ngày mưa nắng đường rừng, dốc núi lầy lội. Định càng lo, Định đấu tranh, Định nghĩ họ làm được thì ta cũng ngại gì?
-   Đồng chí Thùy - mai cho tôi vác đạn nghe.
        Đêm ấy! dưới lán cây thô sơ, tổ ấm là lá cây, gió càng lạnh mưa càng sẵn hột. Định thu mình trong chiếc khăn mỏng.
        Khó ngủ quá! Trời chưa sáng! Sao mà đêm dài như thế này? Mưa lách tách dột vào chân lạn buốt làm cho Định càng khó ngủ, mắt cứ thau láu như mắt ếch,chờ trời sáng. Nhưng thời gian không để định chờ,và mệt nhọc đã làm Định thiếp đi trong đêm vắng.
        Trời sáng dần! Như người chờ mong được thấy sự thật. Định thức trước, dậy sớm hơn mọi người. Rừng vắng, chim rừng rúc lên từng hồi lanh lảnh, vượn rú, trên đèo cao.Trong lúc mọi người đang im lỉm nằm trong chăn, Định đã xuống khe rửa mặt. Bóp đều cái chân đau nhừ vì rét lạnh, vì đường dài. Định không buồn, không nhớ nhà, mà Định chỉ chờ lệnh hành quân, lo cho ngày vượt đèo hôm nay.
                                                          
  *******
                                                                ***
Kèn dục dã động viên.
                  “Xung pho.o.ong_xung pho o ong”
Từng loạt kèn,rồi tiếng kêu vang đồi núi.
         Định càng hứng,càng cao giọng hô reo, theo đoàn quân tiến – Mắt Định cứ ngước lên trên đỉnh, chót vót, trên tầng mây phủ trắng rừng cây ấy. Định cứ bước. Nặng nhọc vất vả sao! Nhưng Định đâu có nghĩ đến!
        Dô nậy! Lên nậy. Một bức tường đất đứng thành vai, đã bám đầy bùn. Người đi sau, đẩy người trước. Người lên trước kéo người leo sau, cứ thế chẳng dép, chẳng dày, họ vượt lên, Định cũng leo lên với sức người dung khí.
        Càng lên cao! càng thấy núi rừng hung vĩ. Một quãng trảng, có thể nhìn ra xa. Định mới thấy,Trường Sơn thăm thẳm mịt mù, toàn là cây cối, mây mù phủ kín.
        Một ngày đúng. Thế là nỗi lo của Định nó đã quên đi đâu mất. Thật hay quá, khi nào về ta phải nói chuyện này chắc các cô phải chấp miệng, phải lắng nghe mà chỉ lắng nghe, mà không muốn hỏi thêm sợ đứt mất đoạn chuyện ly kỳ của anh chàng Vệ Quốc quân kể.
        Trời nắng hanh, lành lạnh, không nóng, chỉ thấy khô khô, khó chịu.
-   Đến đâu rồi đây?
-   A! đất Lào rồi các ông ạ!
Rừng núi Lào, hay nhỉ! Bằng Phẳng cây cối thưa chỉ có cây to mà không có gai gốc gì cả nhỉ?
        Hành quân như đường này thì êm ru chứ gì. Địch có cóc mà biết.
-   ùng oàng!ùng oàng!
Tiếng súng đâu hở? Đại bác à!
-   Theo các ông cựu binh, có lẽ cách đây 10 cây thôi, gần tới chắc.
        Sau ngày hành quân vất vả nay mới thở hơi khoan khoái 1 tý.
-   Đêm nay,nghỉ tại đây.
Lệnh được nghỉ. Định đặt đồ xuống, đi đi đi lại trong rừng, khô khan, dưới màn cây im bóng che khuất.
-   Kìa đồng bào Lào Chiến ơi !
-   Đâu – đầu kia.
        Lần đầu Định gặp đồng bào Lào,và cũng như mọi người, ngơ ngác nhìn họ không chớp mắt.
-   Đây gần bản chắc?
-   Có lẽ
-   Họ ăn mặc hay nhỉ
-   Nhưng thôi các ông bạn, nhìn họ làm gì? Không nên chỉ trỏ.
-   Làm lán đi, tối rồi.
Thế là một lúc,chỗ nằm,chỗ ngủ xong xuôi.
           Bên bếp lửa đỏ rực, gió lạnh, lính ta xoay quanh sưởi ấm, nói chuyện nhảm. Và đêm nay Định ngủ như chết từ đầu hôm đến sáng. Rồi phấn khởi lên đường không một tý mệt mỏi.
                                                      
*********
                                                            ****
       Tin truyền xuống, trinh sát đã tiêu diệt được 1 ụ súng, lấy 1 DKZ, bắt 1 quan ba Pháp.
        Mới đó mà đã có tin chiến thắng,mọi người reo lên mừng chiến thắng.
        Lệnh hành quân cấp tốc kịp đánh giặc đêm nay.
        Như cờ được gió, tốc độ hành quân càng nhanh, đầu đi sau chạy, Định với sự phấn khởi chung càng hăng, không thấy mệt.
Bốn giờ xuất phát.
        Lần đầu tiên Định đi đánh giặc. Chưa biết đồn địch thế nào? Ta đánh thế nào? Định chỉ biết đi theo đồng đội rồi đến đâu hay đó.
        1 đêm hoàn toàn xuống dốc, không leo 1 tý nào, dốc nào mà cao thế này hở?
        4 giời sáng, trụt hết dốc cánh đồng.Trời còn tối Định bám rất sát đ/c, đđ, không rời, Định chỉ sợ lạc mà chết đói. Đến nơi bố trí!
-   Các đ/c đào hầm đi.
Theo lệnh nhanh chóng tháo xên làm công sự
-   Tằng!Tằng!Tằng!.........!
Bất ngời sung nổ từ đâu? Định cũng chẳng rõ, súng địch, súng ta.
-   Tằng!Tằng!Xíu!Xíu!......!Rẹt!.....Và súng nổ liên tục, Định lúng túng nằm tại chỗ bám sát đ/c, đđ.
-   Xung kích lên.
-   33 lên. Đại liên đâu?
-   Mau, đặt đây? Bắn.
        Giữa lúc lộn rộn, bên ta như đi chữa cháy, rầm rầm chạy. Định chỉ biết định hướng phía núi lên cao đó thôi.
Định chờ lệnh.
-   Đào công sự đi, đào tại chỗ.
Theo lệnh, Định cứ đào, Định lo tối thế này thì bắn làm sao?
-   Không khéo ăn đạn bây giờ
-   Định cấp tốc đào không ngưởng cổ
-   Vu!Vu!Oàng!Oàng!....!
-   Định nằm xuống – Lộ rồi à!
-   Các đ/c bình tĩnh, nó bắn xa lắm sau lên kìa, sợ cóc gì.
Đạn lửa xiu, xiu, loang loáng, bay như sao trong màn trời đen.
Đạn nổ loạn xạ, một lúc Định đã nghe được tiếng đạn.
        A! Đại liên mình – Trung liên định ghê gớm nè.  
        Viu ....toàng!...DKZ ta.
Trời sáng dần,45 phút ta giải quyết xong, địch bỏ chạy,ta bao vây chặt.
Lệnh đ/c trung đoàn trưởng cho người gánh pháo
-   82 mau lên
-   Ai lái xe được
-   Mau ra kéo 4 khẩu pháo.
   Thế là xong 1 trận, ta đã chiến thằng hoàn toàn.
   Đ/c Thùy cho khẩn đ/c chỉ ra bố trí bắn vào lèn kia.
        Định chờ từ lâu chưa được tham chiến gì cả. Bây giờ Định được ra bố trí.
Chuẩn bị xong đâu vào đó
Định ngắm rất chính xác, Định báo cáo xong.
-   Cho bắn 6 phát.
-   Toằng,toằng.......!
-   Oàng, oàng.....!
Trúng đích rồi. Hay quá!
-   Khá lắm ông pháo binh ơi
-   Giỏi lắm
        Trở về hầm, Định ngủ 1 giấc từ trưa đến chiều, khoái quá, làm 1 vắt cơm ngon nhỉ.
-   Mày hút thuốc lá không? Dũng
-   Cho tao điếu – “Gonloire” bay ạ.
-   Ngon đấy chứ, cho mày miếng chocolate đây!
Ồ! Ngon quá mày ạ. Có cái ca nào cho tao ăn cơm nào?
-   Tao tìm chưa ra đây này.
Chút chiến lợi phẩm loa qua thế là khoái cái đời lính nhỉ.
        Đà chiến thắng của đơn vị là đà phấn khởi của Định.
        Đêm nay lại tiếp tục vận động. Như con ngựa đã thuần thục, Định lao mình theo đơn vị. Nặng nhọc là mấy. Chặng đường dài, Định không bị rơi bám chặt, tiến quân. Một đêm không ngừng bước liên tục chạy.
        Đến 1 rừng rậm. Trời dần dần sáng vết lằn xe rõ hầu như mới chạy hôm qua. Đơn vị dừng lại bố trí.
Thế là bắt đầu trận thứ 2.
Khẩu đội Định được tham chiến.
-   Cẩn thận nha – khéo lộ thì bỏ mẹ - hỏng hết kế hoạch đấy!
    Súng đạn, cộng sự đâu vào đó, rồi – Nổ súng. 1 loạt đạn “móc” thi nhau nổ vào trận địa địch. Đại liên rầm rầm nổ.
        Kèn xung phong.
Xung kích ào ào xông lên.
     Địch không kip trở tay, bỏ chạy vào lèn.
     Nổ liên tục.
        Mùi thuốc súng xông lên, tiếng nổ điếc cả tai. Định chỉnh súng, ngắm bắn, thật quá hay.
Trúng lắm.
        10 phút sau ta chiếm hoàn toàn trận địa.
        Xe địch không kịp rú, máy chạy bỏ lại bên đường 13.
Súng đạn linh tinh.
-   Sướng quá! Bay ơi! Đường này, sữa này, thuốc lá này.
-   Khẩu DKZ bay ơi
Định đi thu rọn chiến trường
-   Thú quá, các ông bạn ơi.
-   Nhanh lên, không máy bay nó rẹt cho mà không kịp chạy đấy nha
        Một ngày chiến đấu, khuân vác đạn dược. Định gặp lại anh Thâm.
-   Anh Thâm.
-   Ai đó?
-   Định chứ còn ai nữa?
-   Tao quên rồi
-   Cháu Tuy đây?
-   Thế à! Ồ, mày lớn thế rồi à, ở đơn vị nào?
-   ở đại đội....! trung đoàn....!
-   ăn kẹo mày, bánh này.
-   Tôi làm chán chê rồi
-   Mày đi lâu chưa?
-   Mới đi hồi 5-53 đây
-   Bà con ta khỏe không?
-   Hồi ấy em đi ở đây ta, bà con khỏe lắm, ông bà nhà anh mạnh cả.
-   Thôi nha anh đi đã nha!
-   Anh đi mạnh khỏe nha! rồi thư cho nhau nha!
-   Được! Gặp ai nói tao vẫn khỏe nha!
Đêm ấy, trận địa thu dọn vẫn chưa xong.
        Nhưng lệnh trên lại kịp thời truy kích sát nút không để lỡ.
        Thắng thế, truy kích, địch chạy. Chúng phải bỏ cả Nho marat, Mahaxây, Tha khẹt rút về Xéc nô, không kịp thở.

Logged
as4best
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2014, 02:14:06 am »



Đêm vào THAKHET_

-Sáu mươi cây số đường trường
Định khỏe lắm, gan bền lắm.
        Một đêm đằng đẵng chạy như bay, có sức bao nhiêu thì đổ ra bấy nhiêu. Cả đội đã có đ/c mệt nhừ, lùi về phía sau, riêng Định vẫn đi đầu. Đói rồi nhưng Định vẫn chưa muốn sử dụng vắt cơm chiều qua.
Khát rồi, nhưng Định không chịu uống nước bẩn.
        Đi cứ đi, ta đi trước, đến trước, nghỉ trước.
        Và 1 đêm qua, trời sáng dần. Định vẫn tươi tỉnh tỏ cái hăng hái của tuổi thanh niên, thích mạo hiểm ấy, Định nhìn trời mây, nhìn núi len vách đá. Đất Lào sao khô khan đến thế này, đồng khô cỏ cháy, núi đá cheo leo, không 1 tý nước, đất Lào khổ lắm.
Định nhìn kỹ vách đá,đường sá núi non, rồi Định quên cả mệt nhọc, đ/c Chiến đưa cái chân “móc” đây tôi. Lên vai 1 cách nhẹ nhõm, thế là Định nói với Chiến, Định đi trước nha, các cậu gắng lên cho kịp chiến đấu nha.
        Nắng Lào vẫn hanh hanh thế. Khó chịu, Định mở vắt cơm, Định không tiếc nữa, nếu đói thì đã có lương khô.
-   Xong vắt cơm – còn nước.
Ngậm tăm vậy, Định theo kinh nghiệm mời bạn già ấy. Định có sức hơn một mạch cứ đi. Đi mãi – trưa, rồi chiều. Lại càng đói. Nhưng gắng lên 25 cây nữa. Định theo kịp ông tiểu đoàn phó, bám sát không rời lại thách đi thi nữa chứ.
-   À còn 4 cây nữa đ/c ơi.
-   Thôi nghỉ đây.
-   Nghỉ đây hở đ/c.
-   ừ
-   Như người đi nắng được bóng cây đa – Định – dựng chân súng vào cây trải chiếu bạt, thiếp đi trong màn trời úa vàng của nắng chiều.
                                      
  ***********
                                               *****
-   Đã có tiếng xe rú
-   Mô tô bình bịch
-   Xe đạp nhốn nháo
Đúng Tha Khẹt rồi.
-   Sao ta lại rẽ về bên trái.
-   Vì là quân sự ai lại dại ở thành phố,vào rừng bên kia kìa.
-   Sáng ngày mai ta vào Tha Khẹt chơi mày. Dũng
-   Phải tắm rửa cắt tóc tai đã chứ
-   ừ nếu có khe.
Ngày hôm ấy, Định ranh lắm, thăm hỏi mấy cậu đến trước – Tha Khẹt lớn không mày.
Nam – Lớn lắm, sông Mê Kong to lắm, thuốc tha hồ mà xơi
Míc.cotabla. BâTem
Sữa – đồ hộp – cơm nếp
Xe đạp loạn loạn mầy a !
        Này có cả đồng bào ta nữa nha, họ vui lắm – họ thương anh em mình lắm – xuống đó thì không chết đói đâu mà sợ - cơm cũng có,xôi cũng tha hồi.
-   Thôi lo mà đi tắm đi.
-   Ừ. Khe ở đâu
-   Cách đây 1 cây, phía dưới bạn kia.
Một tháng rồi,tóc tốt quá tai.
Người bẩn như trâu cày.
Hôm nay ngâm mình trong vũng khe nước đọng đen ngòm, ngó cũng dễ sợ. Nhưng “rác lấy rác làm sạch”. Tắm xong, quần áo trang bị vào, ngó cũng oách ra phết, anh lính ở chốn này thật quý hơn khách lạ.
-   Chiều nay đi lấy gạo.
Định xung phong đi trước, mục đích cũng để ngắm cái thị xạ Tha Khẹt thế nào? ngang dọc ra sao?
        Nơi đây, ngày trước ông bà Ngụ đã buôn bán từ thủa Định còn nhỏ 5,6 tuổi – nghe kể thì cũng hay lắm đấy mà – Nhớ lại trên bản đồ thì xa lắm, sao mà con người ta cũng đã giai sức, núi đèo gian lao thế nào nay đã vượt đến tận giáp giới đất Xiêm.
        Một thị xã cũng không to lắm, nhà cửa cũng đồ sộ ghê nhỉ. Đường sá phẳng lì cũng thích mắt đấy chứ.
        Thà Khẹt, sau mấy ngày địch rút. Nó không rộn rịp, người đi lại thưa thớt, lắm vụ trộm cắp la ơi ới!
       Cảnh vật hình như nằm trong yên lặng vết tích đồn bốt,giây thép gai chằng chịt, như cả một căn cứ quân sự. Đúng! chính nơi này không phải là một thị xã hòa bình, mà  là thị xã nằm trong tay địch, dù là đã giải phóng, nhưng đồng bào chưa hiểu ta, chưa biết gì đến độc lập, cách mạng cả.
        Họ chỉ biết VM và Pháp đánh nhau, Pháp thua VM bỏ chạy thế thôi.
        Họ chào quan, chào thầy, khúm núm sợ hãi.
Nhưng đi đến đâu, anh em ta, Định cũng thế, luôn luôn phải giữ đúng chính sách ăn nói lễ phép, tuyên truyền vận động, giải thích, và nói nhiều tin tức cho đồng bào ta, tin chiến thắng, tin nước nhà, họ càng vui, càng phấn khởi càng tin tưởng những người lính hiền từ đơn giản, đầy gian khổ, đầy nghị lực chiến thắng kẻ thù. Họ phục ta, họ tán dương ta.
        Định càng oai nghiêm, trong thế bảnh diện của người lính “vệ quốc đoàn”. Nhưng Định càng khiêm tốn đối đãi với họ như bà con ở nhà.
        Định rảo bước quanh phố, nhìn kỹ từ nơi ăn, chốn ở, quang cảnh phố xá, rồi ra tận bờ sông Cửu Long ngắm cảnh.
        Giòng sông Cửu Long xanh biếc, trong veo, cuồn cuộn chảy – Cửu Long rộng lắm, gấp 3,4 lần sông Phố.
Bờ sông dốc vát thành đê, cao lắm làm tăng thêm bề rộng của lòng sông.
        Bên kia sông là “Xiêm” ngó cũng trù phú lắm, cây cối sầm uất. Chắc cũng là nơi đô hội lắm thì phải, Định ước gì, được 1 chiếc thuyền thả trên giòng sông nầy mà ngắm cho hết cảnh đẹp của Cửu Long lịch sử này.
        Thế là đủ rồi, biết đó biết đây rồi, Định trở lại kho gạo! Chọn lấy 1 bao gạo to nhất.
-   Vác cho nhiều vào bây ơi, tối nay về đề nghị đơn vị ăn một bữa nếp tha hồ bay.
     Dọc đường về, trời gần tối, cùng mấy đứa đang tán chuyện gẫu, chuyện người Lào, chuyện xe đạp, thuốc lá....linh tinh.
     Thình lình có chuyện, máy bay rầm rầm bay bát nháo trên vòm trời đen, quần đi, quần lại mấy vòng.
     Rồi lệnh ở đâu? Vất gạo bên đường nhanh về chiến đấu.
     Thế là như gió vút, Định 1 mạch lao về nhà. Rồi như những ngày khác, súng đạn lên đường chiến đấu, trận nầy liên tục trận khác.Từ đó xa Tha Khẹt, để giữ lấy đà chiến thắng không ngừng.


Tết bên sông
                                         _BANG FAY_

        Sau cái trận Pung ác liệt ấy ,tinh thần lính càng căng thẳng, có phần hoang mang. Định cũng thấy ngài ngại. Cái thần chết có lúc đe dọa ghê tởm.
        Nhưng Tết đến, dù sao đi nữa cũng là không khí Tết.
        Trong các lán sạch sẽ, bằng phẳng như những liếp giường nhà quê, dưới rừng cây rậm rạp chen kín cho 1 doanh trại tạm thời nầy, lính tha hồ mà nhảy múa.
        Nơi đây lá cây cũng đẹp lại sát bờ sông. Kể về tinh thần với sức tự lực cánh sinh thì cũng khá.
       Định là 1 tay học sinh, Định cũng lắm sáng kiến, Định đề nghị cho làm cổng chào, trang hoàng lán liếp, và làm vệ sinh, cào lá khô đi cho sạch.Ý kiến cũng hay hay, có phần hơi tốn công nhưng cũng dễ thực hiện được mọi người đồng ý.
        Rồi từ trung đội Định lan sang các trung đội khác, thế là cả đơn vị luôn tay chuẩn bị tết cũng khá vui.
Hiềm vì 1 nỗi là cần bí mật, nên hát hò không được có phần kém vui, chỉ hoạt động tú lơ khơ, ca dao báo chí, cờ gánh và mọi cách chơi thầm lặng. Riêng Định “tú lơ khơ, các loại chơi cờ” lại kém nên lẩn thẩn lơ thơ chuyện rãi với cậu Chiến, cậu Dũng, chuyện hay chuyện dở, chuyện chiến đấu linh tinh. Sôi nổi là chuyện gia đình. BTT và mỗi người mỗi vẻ Tết khác nhau gộp lại thành lắm câu chuyện lý thú.
        Còn vật chất, thì cũng hay hay. Đã là Tết chiến trường, thì đâu có sang, chẳng những không sang, không đủ mà lại còn đói nữa là khác.
        Bữa sáng với ½ long muối lạc. Buổi chiều hơi tập trung 1 tý, thì chỉ đủ 1 vắt cơm và 1 ít nước đậu phụng rang lên kho muối.
        Tết này chỉ là cái Tết tinh thần, cái Tết bốn phương góp lại, mà lần đầu tiên Định thưởng thức cái Tết ấy.




Nhiệm vụ mới
                                       _CÔNG TÁC MỚI_


        Sau cái Tết ấy, thế ta chuyển về thế nghi binh rút về tập trung trên đất TL.
        Từ đó Định cũng chuyển vào công tác mới, công tác mà Định chưa từng làm, Định nhận lấy công tác cứu thương. Công tác có phần nhẹ nhàng, nhưng cũng khá vất vả, vì Định chưa học qua lớp nào về hắn cả. Mặc dầu sao, quyết tâm là xong cả.
        Cẩn giao cho Định 1 gói toàn là bông băng như gói thuốc của lớp người buôn rông lúc ở nhà mà Định thường gặp.
       Tuy cồng kềnh, nhưng mà nhẹ. Định từ đó anh em gọi là ông cứu thương. Sống với Cẩn, Tùng, Phong, Dũng nằm trong cái đại nội bộ. Định vẫn là đứa trẻ nhất đứa em út của cán bộ, anh Phong dáng người khỏe mạnh ấy, Cẩn cũng khá béo ấy, dần dần đã thông cảm nhau, quen nhau như anh em ruột. Trên đường hành quân, tuy là đứa em út, nhưng đứa em luôn luôn hăng hái tích cực, xung phong làm hết mọi việc khi nghỉ lại bất kỳ 1 nơi đâu. Đứa em nầy cũng không để cho các anh phải phiền lòng la mắng. Nên các anh đã hết nâng đỡ Định và lúc nào cũng gọi Định là “Cu em”, cái tên mà anh Phong khi nào cũng gọi một cách thân mật làm “Cu em” đỏ ửng mặt cười với anh. ”Cu em” chẳng những tích cực công tác là lại rất cố gắng học tập, anh Cẩn đã giúp, bày cho em băng bó. Định tinh ý lắm làm được đầy đủ lắm, anh Cẩn đã phải khen lấy khen để “Cu em”.
        Rồi cứ thế hành quân, ngày nghỉ, đêm đi, hết nơi này qua nơi khác. Vượt đèo vượt suối cứ đi theo lệnh trên không kể ngày tháng.
Một ngày nào đó, đến khu rừng rậm đầy 1 lớp người nằm xoải đôi bên đường quanh bếp lửa leo heo.
-   Ôi chao! Lính lại gặp phải dân công bay ui.
-   Gánh gánh gồng gồng. Các cô các cậu nhà mình nằm lăn ra ngủ.
Nghe tiếng bộ đội họ ngái ngủ ú ớ hỏi nhau
-   Ai đó? đi mô đó?
-   Lính ông Giáp đây.
-   Hà Tĩnh bay ạ
-   Người Nghi Xuân bay ạ
Định vừa đi vừa đi vừa nghĩ không biết có các ông Hương Sơn nào không, chắc cũng có. Nhưng mộng chẳng gặp đâu – Đi! Còn đi! ở mô đây mà gặp được. Đêm ấy đi 1 chặng đường ¾ cây nữa rồi nghỉ lại.
        Loanh quanh ngày mai lại được cử đi lấy gạo. Đêm ấy Định cũng nằm mới 1 tý thì trời sáng.
     Anh Phong gọi – Định ơi đi lấy gạo mày? Cho “Cu em” cái bao to nầy? Phong và “Cu em” vừa đi vừa bàn chuyện gặp bà con.
        Định thì chắc có thể gặp.
-   Đây là trạm mấy? Định hỏi
-   Trạm 21
-   Các anh ở đâu đây?
-   ở Can Lộc cả.
Thôi thế là hỏng rồi, Phong cũng trật ý, Định cũng thôi mong.
Đang đi lững thững tìm anh Lâu. Định bắt gặp như ai đó quen quen ấy nhỉ.
-    Ông Triền chăng?
-   Đúng rồi – chú Triền.
-   À – cháu ạ!
-   May quá!
Định không nói được nữa mừng quá đi rồi, mừng như mình được về nhà vậy.
-   Cháu đi xin phép gặp chú tý nha!
-   Lại lán đằng kia nha!
Lần này Định gặp chú, Định trong tay không có gì tặng chú, Định ngẫm nghĩ, cho chú cái gì bây giờ.
        Thôi thì gặp nói chuyện tý là đủ rồi.Thình lình thế này thì làm sao mà chuẩn bị trước được.
-   Đây Định! vào đây. Chú gọi
-   Chú hỏi chuyện, rất nhiều chuyện, Định nhìn chú – Định nhớ nhà! Cha mẹ? Các em? Bà con và kể hết mọi chuyện cho chú nghe.
-   Thời gian không cho phép chú và cháu thêm 1 phút nào nữa.
-   Định xin phép chú đi.
-   Chú gọi nhỏ, cho Định ít tiền làm quà, Định từ chối, vì Định thương chú nghĩ đến chú, hơn nữa có tiền ở đây Định cũng bỏ túi mà thôi, thuốc không hay, quà bánh đâu giữa rừng mà ăn tiêu.
-   Thôi chú, chú để tiêu, cháu thật không dùng đến – mua gì – khi mình về nước hẵng hay.
-   Thôi cháu đi
Từ biệt chú, Định in hình bóng chú mãi trong đầu óc, Định ngẩn ngơ quên cả lấy gạo.
-   Anh Phong đổ cho Định chưa?
-   Này vác lên này.
-   Thôi ta đi về anh Phong.
Định mừng như đứa bé được kẹo, kể chuyện cho anh Phong nghe 1 cách khoái trá.
        Từ đó – trên lưng 15 ngày gạo lại hành quân, mãi 1 tháng, lại tháng rưỡi, 2 tháng tròn mới đến chỗ nghỉ tạm thời.
    “Lào ngam” nơi Hạ Lào.
Về đây Định cảm thấy có phần thoải mái hơn, ăn nghỉ, thịt bò, thịt lợn, nếp xôi – Lại tiếp tục ăn khỏe.
Thú vị nhất là mỗi lần nấu bánh.Và cũng từ đây bắt đầu sát với dân bản Lào, đi chơi nói chuyện luôn. Một phần cũng vui với công tác, vui với nhiệm vụ. Một phần Định cũng nghĩ có còn ngày về nữa không?
-   Ngày ấy sẽ là lúc nào?
-   Có ai thay thế không nhỉ?
-   Chắc có lẽ còn đi, và còn phải ít nhất 3/4/5 năm nữa.
Đúng thế! Lại tiếp tục hành quân, lần này quy mô lớn hơn, bồ oi đem nhiều lắm đủ mỗi đứa 1 gánh.
-   Chắc đi xa lắm.
-   Vì đi đâu thì đi, tau quý ăn no là được. Cẩn nói. Làm mọi đứa đều tán thành.
Định cũng nhận lấy 1 gánh. Tuy có nặng 1 vài ngày đầu nhưng rồi đâu cứ đấy thuần thục như ngựa thồ vậy. Cẩn lên sốt đau nhiều. Hiện lại về bổ sung thêm, thế là Định lại thêm anh Hiện, người nhỏ dẻ, thấp thấp, vui tính đáo để.
        Từ đó lại rôm trò lắm, anh Phong, anh Hiện rồi “Cu em” mấy tay lúc nào cũng vui,vui không biết mệt.

Logged
as4best
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2014, 02:15:40 am »



Vượt sông
                            _Cửu Long_


        Đêm nay, mưa như trút, trời tối đen như mực. Lần mò 1 đêm trong rừng cây rậm rạp, đoàn quân lặng thinh không 1 tiếng nói. Tiếng chim rừng kêu lên lanh lảnh tăng thêm vẻ rùng rợn của đêm mưa đổ ấy. Người sau phải níu lấy người trước mới đi được, hễ đứt là có thể lạc mất.
        Vượt qua đường 13, lội qua mấy thửa ruộng đến bờ sông. Từng người, từng người một, níu lấy nhau, ngồi lặng lẽ đợi chờ. Mặt sông sau trận mưa trở nên phẳng lặng, xa xa bên bờ kia lốm đốm những ngọn đuốc lập lòe như “ma trơi”.
     Không tiếng nói, xì xào, gió từ đâu tới vun vút làm cho mặt sông cuồn cuộn sóng.
        Định nhìn kỹ bờ sông bên kia, trong bóng đêm, trời đầy sao, mặt sông in bóng lấp lánh những ánh sao như những đoàn cá bạc đuổi nhau theo làn sóng.
        Trong không khí lặng lẽ ấy, đoàn thuyền từ phía xa tới dày đặc 1 lớp có hàng trăm chiếc đang tiến thẳng vào hướng đơn vị, tiếng va chạm của thuyền chèo càng gần. Định nhìn kỹ lớp thuyền dày đặc toàn người Lào cầm lái.
        Những chiếc thuyền hình thù lạ, dài như 1 cái đòn xóc, có chiếc ngồi 1 người 2 người, nhiều lắm là 3 người.
Định lên chiếc thuyền cả anh Phong nữa là 2, chồng chềnh như thuyền không lái. Trong làn sóng cuồn cuộn nhấp nhô, mũi thuyền nhọn hoắt lao lên, rụp xuống. Định nhìn mặt sông mà lao đao với chiếc thuyền giữa khơi.
-   Phò ơi, mi dạ đụt bò? anh Phong hỏi.
-   Hạy lục chắc nọi nơ.
Cũng là 1 dịp quân dân gặp nhau, thỏa mãn nguyện vọng của họ mấy lần chờ mong. Họ mừng vô hạn tỏ vẻ ân cần săn sóc. Họ cẩn thận tay lái mái chèo đẩy thuyền sang sông.
        Cũng là 1 dịp anh em mình hút điếu thuốc nước bạn, mà từ mấy tháng nay không 1 tý cầm hơi.
        Nên càng làm cho tình quân dân tăng thêm thương yêu từ lúc đầu.
        Định không hút thuốc! Định cũng nói bập bẹ hỏi thăm vài câu chuyện gây tình cảm.
        Giữa lòng sông mênh mông, đoàn thuyền lướt sóng rầm rập, vui vô cùng. Định tưởng tượng đêm nay vượt sông như câu chuyện các chiến sĩ Trung Quốc vượt Trường Giang vậy.
        Từ đó đoàn quân lại 1 phen vẫy vùng với khỏi lửa, đánh cho quân địch bạt vía chạy hỗn loạn, từ rừng này qua rừng nọ, chiến thắng và chỉ có chiến thắng mà thôi.
        Trên các trận, Định đã trở nên 1 tay cứu thương lanh lẹn, xông pha lửa đạn băng bó vết thương. Định đã cố gắng rất nhiều và vui sướng nhất trong những ngày Định đi làm tròn nhiệm vụ được anh em tín phục.
        Những ngày nằm lại bên lán, những rừng cây khe nước, và tất cả quang cảnh của đất nước Balsak trù phú này. Định hồi tỉnh lại bước chân của mình bước và sẽ bước đến đâu nữa, có thể trở lại với đất nước quê hương thân yêu của mình nữa không?
    Chắc đã có ngày về!
Định nhớ lại bước đường tiến quân. Rõ thật 1 việc mà Định tự hào với tuổi trẻ đã từng đánh Bắc dẹp Nam, từng vượt Trường Sơn vạn dặm, Cửu Long chín khúc bảo vệ lấy đất nước bạn và cũng là Tổ Quốc ta thân yêu.
        Hôm nay, quê ta đã làm gì? Sang mùa gì rồi. Lúa tốt chưa?
        Định sao mày chóng quên thế?
        Định trách mình sao mà ngẩn ngơ thế?
Trách mình quá dở dang, lúc ở nhà chỉ nhìn người, nhìn đời bằng 2 cặp mắt học sinh, mà không nghĩ gì đến ruộng đất, ít hiểu về nhà nông.
        Cũng vì 1 nguyên nhân, đất nước bạn phương thức làm ăn, khí hậu cũng khác nên Định cũng không thể nhìn cảnh vật chung quanh mà đoán được quê hương mình.
-   Cha. Cha đang làm gì?
-   Mẹ - có nhớ mình nữa không, có đau ốm nhiều không?
-   Các em làm gì? học hành thế nào?
Đầu óc lộn quanh với góc nhà, cái ao. Đình làng, bến tắm và bao nhiêu cảnh đất nước quê hương làng mạc.
     Định viết thư cho nhà, cho mấy ông bạn học. Nhưng đã mấy tuần, mấy tháng rồi mà nay cũng chưa tin tức gì hay. Chắc rằng với những đoạn đường dốc đá đèo cao, suối khe thăm thẳm đã ngăn cách quê hương. Để cho người lính nơi  này phải suy nghĩ lang mang như thế này chăng. Hay là để cho người lính khỏi vương vấn đến tình nhà mà lo nợ nước chăng. Cũng không phải thế!
        Chỉ vì.....!
        Chỉ vì chiến tranh tàn khốc, vì đế quốc kia mà phải thế.
        Mà chính vì thế Định ơi!
        Định có biết chăng! Địch còn cách đây 15 cây mà chính Định ngày mai đây, Định sẽ giết nó không?
     Phải rồi!
Định hãy đứng dậy, lao mình vào chuẩn bị cho ngày mai đi.
        Thế là phút chốc thằng Định lại đâu vào đó, sắp xếp chuẩn bị cho ngày mai và tất cả những ngày khác. Sẵn sang phục vụ bất cứ lúc nào cho đơn vị.
        Ngày ngày đêm đêm Định cứ lao vào công tác chiến đấu không phút nào ngừng.

Nỗi vui mừng
                                          _KHI VỀ NƯỚC_


         Ngày tháng trôi qua 1 cách mau lẹ.
Tin đến chiến thắng Điện Biên Phủ.
Rồi thắng lợi hội nghị Geneve.
        Lệnh hành quân về nước truyền đến tận từng người.
        Trên đỉnh cao nguyên Boloven, dân bản Lào cứ như mọi ngày sống chung với bộ đội.  Núi rừng cao nguyên lay chuyển trong ngọn gió nam. Sương mù tan dần, 1 bầu trời trong sáng. Không khí núi rừng phút chốc đã biến đổi. Câu ca, tiếng hát nổi lên rộn rang trên đỉnh cao nguyên ngân vang xuống tận giòng suối trong xanh, lọt qua lớp cây dày đặc, vang mãi đến tận chân trời đất nước.
_Vui lên hát lên_
Hãy múa đi, múa đi cho đời lính tươi, cho bạn Lào vui càng thêm vui, cho tiếng ca vang càng thêm vang mãi cho thấu tai người bạn quê hương nghe thấy, để cùng ta hưởng lấy phút vui mừng chiến thắng, thưởng thức cùng nhau khúc khải hoàn ca của đoàn quân tình nguyện đang hiên ngang trên đỉnh cao nguyên Boloven này.
     Núi rừng, dốc đá, suối khe như đang mở ra trước mắt Định 1 con đường.....! Con đường về nước, con đường đầy cờ chiến thắng đón lấy anh lính trở về quê hương.
        Nhưng con đường đó chưa phải đã là hiên ngang thênh thang như Định tưởng.Vẫn phải gian lao như những ngày trước Định từng trải.
 Trong phút mừng vui về nước, Định cũng như mọi người vẫn nghĩ đến dốc đá đèo cao, núi sông hiểm trở,vẫn lo ngại đến quãng thời gian hành quân liên tục hàng tháng, ngày đêm trên đất nước bạn.
******
***

         Hai tháng ròng rã, gian khổ đã từng trải. Núi rừng đèo cao, đã lùi hẳn về phía sau. Trước mặt Định là đèo Mụ Dạ, 1 đèo cuối cùng nữa là tới đất nước thân yêu. Xa đất nước đã 6 tháng trời, vắng cảnh, vắng tình, không tin tức. Hôm nay chợt thấy đoàn dân công như người nhà. Định thấy lòng mình rạo rực như ngày hội. Chiếc nón, cái tơi, đôi quang gánh, màu áo vải nâu làm Định nhớ lại tất cả những cái gì nhỏ nhoi nhất của đất nước, của cuộc sống người quê hương “điếu thuốc, tiếng nói, tình cảm quân dân” làm Định cảm kích, càng mừng càng phấn khởi, đi không biết mệt, lại càng trông làm sao, ngày kéo dài thời gian để kịp bước nhanh về đồng bằng càng sớm càng hay.
         Dân công từng đoàn chạy rầm rập chuyển gạo về phía sau. Họ vừa chạy vừa liếc vào hàng quân, họ cố tìm lấy bất kỳ 1 ai là người cùng quê hay bà con họ. Định cũng cố nhìn theo, đầu óc cứ thấy thấp thỏm sao mà gặp được bạn và bà con thì hay biết mấy..
        Trên quảng trường trạm 10 đến Tân ấp Định lại gặp chú, gặp thầy Hân. Nhưng trong giây phút phải bắt tay nhau không kịp nói thêm vài câu chuyện cho nhau  nghe.
        Xa xa tiếng trống, tiếng reo hò lẫn tiếng kèn dục dã, như ngày hội đầu xuân. Đoàn quân rảo bước nhịp nhàng hung dung trong bộ quần áo đầy gian khổ nhưng đầy chiến thắng.
        Định như cờ được gó, cười reo luôn miệng. Chính con đường đầy cờ chiến thắng đây. Chính lúc này câu ca tiếng hát khải hoàn đã hòa hợp giữa quân và dân là đây.
-   “Yêu hòa bình Tổ Quốc chúng ta...”
Tiếng hát, điệu nhảy tíu tít bên đường, hòa nhịp với tiếng hoan hô rộn rang của nhân dân. Thanh niên, thiếu nhi nụ cười hiền lành âu yếm, tiếng hát nhí nhảnh, thanh thanh của các cô thôn nữ như đẩy nhẹ bước chân của Định, của hàng quân chiến thắng tiến về đất nước thân yêu.
        Định nhìn kỹ lại đồng quê thôn xóm, cây cau, quả mít, tà áo trắng, mái tóc uốn cong thật rõ là 1 cảnh hòa bình, đã từ lâu không còn 1 ai nghĩ đến cái máy bay, quả bom đạn trong những ngày tháng này nữa.
        Và từ đây – đoàn quân ấy lại giữ vững truyền thống đó đang bước lên 1 con đường mới, mà Định vẫn sống trong hàng quân hùng dũng ấy.


Logged
as4best
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2014, 02:17:00 am »



Ngày
                                     _THĂM QUÊ_
                                                                  dịp tết Đinh Dậu
       
           Đêm ấy, Định không sao nhấp mắt được 1 tý.
Ngoài trười gió heo thổi rào rào, đập vào phèn cửa xào xạc càng tăng thêm khí lạnh đêm đông, Định đắp chiếc chăn bông kín cả đầu, quanh co trên mấy tấm ván trong căn nhà ấm cúng, thế mà đôi mắt vẫn trâng trâng lên như mắt cá.Tiếng bong bong của máy đồng hồ nhịp đều thở trong đêm vắng, làm cho Định nóng dần với thời gian, sao mà ác thế, không chịu lao nhanh cho đêm chóng sáng.
       Một giờ, hai giờ,rồi 3 giờ, kim đồng hồ vẫn cứ thế không nhích thêm tý nào nữa. Hay là đồng hồ mình đã chết sao? không! tiếng boong boong vẫn thở đều. Định thò đầu ra khỏi chăn bông, tiếng gió rít lên xạc xào, lay tấm cửa phập phình bên mé trái chỗ nằm, để hé mở 1 vệt sáng của trăng non 18. Định ngỡ là trời đã sáng, nhưng lầm rồi mới 3 giờ rưỡi, màu trời vẩn đục của đêm trăng lạnh lẽo,vắng ngắt, làm Định càng bồn chồn ruột gan.
        Định dương đôi mắt lên tầng màn thưa, tính chuyện quê hương. Đầu óc Định cứ nhớ lẫn lộn đoạn đường về quê. Sao mà lúc này Định minh mẫn đến thế, nhớ hết tất cả từng mảnh ruộng, đoạn đường, đám nứa, bến đò ngang, đường số 8 và bao nhiêu cảnh tượng trước lúc lên đường. Định tính thời gian từng ly từng tý làm sao tranh thủ cho hết ngày giờ khỏi uổng công 1 chuyến về thăm nhà. Định nghĩ, nhớ lại trong óc, con đường tỉnh lỵ, con đò “tam Sa”, chiếc cổng chào bằng cau bên cái giếng Rủ đất, cái co “Cửa Háp”, mái nhà trường cơ bản, cái cổng họ Trần, rồi lối ngõ vào nhà, dặng kè phủ kín quanh vườn, cây dừa năm ấy, hàng cau cao vút bù kín những trầu không, bện chặt dây khoai sắn chạc, khoai từ khoai vạc mà ngày Định đào hố, chất bèo trồng nó trước khi lên đường. Định còn nhớ kỹ bao nhiêu cây mít, cây bưởi, hàng tre mới trồng năm ấy nay chắc đã tốt lút vườn. Còn cái ao trước vườn giờ chắc đầy 1 lớp rau muống nước phủ kín hay là 1 lớp bèo Nhật Bản rải đầy trên mặt nước mà hàng năm Định vớt nó lên làm phân ủ bón ruộng.
        À, căn nhà ba gian không biết bây giờ thế nào Định chưa hình dung rõ.
        Phải rồi! lúc mình đi căn buồng đã ngăn thành 1 gian, chiếc nhà bếp vẫn lụp xụp đầy khói bám đen, chiếc giường bộ phản ngay ngắn nằm ở gian ngoài, bộ bàn mặt liền gập ghềnh kê ở gian giữa, chiếc chõng gỗ, nan cau lủng lẳng giữa trần nhà, trong những ngày hè gay gắt Định nằm trên hắn đưa đi đưa lại, hát nghêu ngao rồi khò khò trong giấc ngủ trưa ngon lành.
        Còn mấy chiếc tráp đầy sách vở có còn nữa hay không? tập sách vở lớp 7 nay nằm chốn nào hay đã đi theo tấm bìa bưng tằm cả rồi.
        Rồi như giấc mơ, Định chuyển trí sang người cha già thật thà, cục mịch nuôi đàn em nhỏ không còn mẹ nó nữa. Mẹ nó đã mất từ hồi 55. Định đã bao ngày nhớ không ra mặt mẹ hiền lành đầy tình cảm, lúc ra đi mẹ còn để lộ rõ những nét nhăn trên trán nhíu lại, mắng mấy đứa con ra đi trong lúc nhà còn chưa sắm được gì cho đứa con bộ quần áo mới, món quà lên đường vào hàng ngũ quân đội. Định còn nhớ, những lúc mẹ khóc, nước mắt ướt đẫm gò má, ôm lấy Định dặn dò từng lời đầy tình thương của người mẹ ốm yếu gầy gò ấy. Rồi ngày nào mẹ đã phải nhắm mắt sau mấy tháng trời với bệnh tình nguy hiểm, không nhìn được đứa con đầu lòng của mẹ đang đứng trong hành ngũ quân đội chiến thắng vẻ vang nầy. Để lại bầy con, bầy em dại dột của tôi, đứa đã lớn, đứa đang học, đứa lên 10, đứa lên năm và 1 đứa con mới lọt lòng 3 tháng chưa biết ăn cho người cha tôi. Định xúc cảm, nóng bừng cả người! Không biết cha tôi bây giờ như thế nào? người cha dày dặn nắng mưa, sức vóc mập mạp ấy đã sống vất vả với trận đau lúc còn tuổi thanh niên làm cho đầu óc mang lấy 1 trí tuệ không sáng sủa như xưa nữa.Và nay lại sống với 1 cảnh gà trống nuôi đám con thơ ấy. Chắc cha tôi khổ lắm, đang chờ tin tôi, ngày nào tôi về,  không biết nó có thương gia đình, thương cha, thương đàn em không? Bao giờ nó về?
        Rồi đàn em kia, các em của anh ơi! Hường,Ba có ngớ ngẩn thẫn thờ, như ngày ấy nữa không? Có làm ăn gì được không? Định chỉ nhớ, hình dung được Hường, Ba, Điu, Sen con ông chú. Hồi ấy chúng nó còn nhỏ chỉ biết ăn mà thôi, chưa làm được gì nấu ăn anh còn phải đảm nhiệm, gánh nước còn nhờ tới vai anh.
     Hường, mái tóc hoe hoe, dáng người cao cao, tiếng nói chanh chua ấy nay còn làm gì nữa không? Nó khôn lớn thế nào rồi? Ba, đứa em trai khỏe mạnh gai gốc đen ngăm như tấy cạn ấy còn học nữa không? học giỏi không? hay lại trở về cày cho cha rồi hả em? còn mấy đứa sau thật Định chưa hình dung ra được nữa.
        Ngày mai Định mua những gì về cho em?
         Ừ. mua cho nó mấy sấp giấy, mấy cái bút máy TQ, ít kẹo.
- Chiếc áo nô nơlin – nếu có thể thì để cho người yêu. Không thì con Hường vậy. Nói đến người yêu, Định sực nhớ đã yêu ai đâu? mà thật chưa ai yêu Định thật. Thế thì làm sao bây giờ? Kế hoạch.
        10 ngày, rồi lại tết nhất nữa, có phải để Định nghĩ mình còn trẻ, lại hơi có sắc 1 tý cũng đẹp giai, mấy ông bạn đồng đội đã nhạo hàng ngày “Định về thì chỉ hú 1 tiếng thì các cô tập  trung đầy nhà chứ gì? Lo gì?
        Ừ cũng có lý! Thuận lợi cũng nhiều.
Nhưng nhà có biết mình về bây giờ đâu mà chuẩn bị trước. Thôi thì ta cứ tiến hành đợt 1 rồi đợt 2 hãng hay. Được thế cũng ổn.
Nhưng điểm xem các cô bây giờ còn ai mới được. Cũng khó mà đoán, xóm ta hiếm lắm. Xóm trên, cô Hà đã lấy ai chưa? Nếu có thể chưa thì ta nhắm vậy. Cô ấy thời còn thiếu nữ cũng xinh, gia đình bên ấy cũng khá đấy. Ngoài ra còn ai nữa không, hết rồi, cũng hiếm đấy chứ.
        Thôi hãy về đã! Ba bữa Tết thì ta cũng tranh thủ được đấy, ngồi bên nồi bánh chưng mà tán chuyện ấy và nhờ bà Ngụ, o Tý thì cũng có thể được đấy.

***
*****


Định mới thiếp đi trong tấm chăn ấm cúng thì đ/c trực ban đã lay chân thức Định dậy. Như nằm trên giường lò xo, Định bật tung chiếc chăn, gió lạnh đêm đông lọt vào bất ngờ, lạnh buốt toàn thân. Định cuốn màn chăn hai chân dung cầm cập, đầu gối đụng phải nhau. Định rét hay là Định bồn chồn, hồi hộp, nóng lòng mà rung đến thế. Rét 1 phần nhưng cũng vì Định phấn khởi quá đâm quýnh cả chân tay đến thế.
        5 giờ đúng, xe rú ga vang lên khắp núi đồi trong đêm vắng nghe càng rõ. Định vội vàng khoác ba lô nhẹ nhõm bước đi trong màu trời trăng sáng.
          Giấy tờ đầy đủ, Định tót lên xe chọn chỗ ngồi chu đáo. Cũng 1 đời Định mới ngồi trên ôtô, xe nổ máy, đèn pha chiếu sáng, lướt đi trong đêm, vun vút lao nhanh trên quãng đường nhựa. Thú quá nhỉ, màn trời đã sáng rõ, xe vẫn lao nhanh trên đường số 1, tiến về phía Bắc. Xe quân sự có khác, đi nhanh thật. Tăng số lên, phóng nhanh đi.
        1 ngày thì tới thôi, mau lên tranh thủ tranh thủ đ/c lái xe ơi.
        Xe vẫn tiến, Định nhìn trời mây đất nước lướt qua trong đôi mắt đầy thơ mộng, đồng ruộng, núi sông, nhà cửa lùi dần về phía sau. Định tưởng tượng như mình đang nằm trong 1 cuốn phim nào đó trên màn ảnh.
   Đèo ngang, thế là gần hết đất Quảng Bình rồi bay ơi. Biển cả sóng rập rờn, xanh biếc 1 màu tận chân trời xa tắp. Sóng đuổi nhau trên mặt biển vỗ dạt dào tung tóe vào tảng đá như đón chào các anh chiến binh bao ngày xa nhà nay về thăm đồng ruộng, thăng biển cả, núi non của quê hương yêu dấu.
        Xe vun vút xuống đèo, đến cánh đồng Kỳ Anh, Định đã thoáng thấy bà con Hà Tĩnh vẫn chào xe nhà binh. Hoan hô anh bộ đội. Nhìn họ Định càng thấy họ đối với mình thật đầy tình cảm của quê hương, chiếc váy mà hành ngày các đ/c miền trong chế nhạo làm Định tức cả ruột lên đâm thành kiến với quê hương mình. Nhưng nay Định càng thấy nó thông cảm làm sao, không ngượng mà Định lại nhìn, nhìn rất kỹ như chính đó là người bà con nhà mình.
-   Định hát lên, bài ca chiến thắng Điện Biên và tất cả trong xe đều nhịp đều cùng cất lên tiếng hát như mừng đón quê hương ta đã tới
Càng về chiều xe càng phóng nhanh. Định không xuống để về Đức Thọ, rồi Định còn phải ra Vinh, vào quân khu để tranh thủ nhận cái huân chương của chú Luân liệt sĩ để giải quyết 1 số thắc mắc cho gia đình luôn.
******
****


Trên đường Vinh - Đức Thọ, chỉ lơ thơ 1 vài người làm đồng hay đi chợ về. Định rão bước nhanh thằng hướng về quê, gió rét hanh hanh thổi làm mưa bụi tạt vào mặt Định lẫn cả mồ hôi lăn xuống gò má. Nhưng Định vẫn như thấy có 1 động cơ nào thổi mình đi, hai chân thoăn thoắt nhẹ nhành chốc chốc Định đã đuổi kịp đoàn người gánh gánh chạy về chợ Thượng.
  Qua đò sang Đức Thọ. Từ đây Định mới ôn lại quãng đường quen biết. Thị trấn Đức Thọ không rộn rịp như xưa nữa, lơ thơ vài hàng dép, hàng da, vài cái quán ăn thường không phồn thịnh như những ngày Định về đây thi vào trường PĐP nữa.
Đưa chiếc thư vào cho gia đình Thường xong, Định lên đường đê tống 1 mạch về ngược. Đến nơi rồi, bến đò Tam Sa – sao bây giờ nó hẹp không rộng thênh thang như hồi xưa nữa, hay là Định lớn lên nhìn bằng mắt người lớn như thế.
   Kìa! ngọn núi “Mồng Gà” chạy dài từ Tây sang Nam như 1 lớp sương mù dày đặc. A! 4 cây thông trên mỏm “Núi Đá”. Đúng rồi Sơn Châu là đó. Định thẳng theo đường số 8, hướng mỏm “Núi Đá” càng phấn khởi càng tăng nhịp bước.
   Tất cả sự vật vẫn thế chưa thay đổi gì mấy. Con đường số 8 cũ kỹ vẫn bám đầy cỏ. Cánh đồng xa làng đã bao 1 màu xanh mạ. Chợ Choi vẫn nằm ngay mé sông chỗ cũ. Nhưng chiếc cầu“Cửa Khâu”đã sập mất mấy nhịp, để lại một vết tích của chiến tranh chưa hàn gắn kịp.
          Trời càng về trưa nắng hanh vàng nhạt rải đều trên cánh đồng, đàn chim chích vung lên cáo kêu chiêm chiếp, lao nhanh trong gió rét rồi sà sà hạ cánh xuống mặt đường chập chớp chập chờn bay nhảy như đón Định về quê.
    Định rẽ xuống con đường vào làng; thoáng 1 lượt Định nhìn làng xóm. Sao mà lại mình lại nhỏ bé ngắn ngủi thế này. Cái Đất Sơn Châu xinh xinh đẹp đẽ ấy ngày trước rộng lắm cơ mà. Hồi còn nhỏ đi đến trường học Định đã thấy xa xa. Bây giờ từ trường đến lối vào xóm ngắn lại bằng nữa xưa kia thế. Định vẫn thoăn thoắt bước, gặp bà con. Một cách bỡ ngỡ, đầu tiên Định thấy ai cũng nhìn mình rất lâu, họ đoán không ra là ai cả. Có lúc Định chào họ mà, họ vẫn một tiếng chào như để đáp lễ mà không thấy họ ân cần hỏi nhau. Định cứ thế lướt qua, có người nhìn thấy Định cứ thế họ ngờ ngợ, không dám hỏi thêm. Định tỏ ý bật cười, và có ý ghĩ chắc họ quên mình thôi. Được cũng thuận lợi về nhà hẵng hay. Để rảnh bước về đến nhà Định rẽ qua ngõ anh Thành -  tạt qua nhà mình.
     Bước qua ngõ, Định như trong giấc mơ nào đó, nhà mình ạ, kìa cha, các em Hường, Ba. Cả nhà mừng quýnh lên, Định bước vào nhà, căn nhà rộng thênh thang lúc Định còn ở nhà, tối đen từ trong nhà ra ngoài hồi còn nhỏ còn sợ không dám ra, mà nay cũng chừng ấy gian không khác xưa mấy nhưng sao Định thấy nó nhỏ hẹp lại. Định bỏ ba lô xuống, bước vào buồng vào bếp, mấy đứa em nó mừng níu lấy tay anh. Định cảm thấy sao sao trong lòng ấy, con Tuyết, con Liên, Định nhận không ra mặt nó nữa. Định hỏi đứa nào đây hở cha
-   Em mày cả hai đó chứ lầy.
Định đâu ra nao nao tủi tủi, ôm choàng lấy đứa em út vỗ về nó.
        Con Tuyết níu lấy anh cười rả rich còn con Liên mắt không chớp trằng trằng nhìn anh, nó sợ nó muốn khóc. Định phải đặt nó xuống cho nó cái kẹo.
        Định nhìn quanh một lúc, bước thẳng ra cái vườn, sang nhà ông bà Ngụ. Định như bâng khuâng nhẹ gồng con người lên, la ầm lên, chào bà con, rồi trở về nhà ngay, Định nhìn lại, căn nhà, sàn gạch, con hươu, bao nhớ nhung hôm nay đã đến với Định, nó có phần thay đổi. Cha già đi nhiều nhưng còn khỏe, bầy em lớn hơn nhiều, nó khác trước nhiều rồi, nên người cả.
        Nhưng cũng thấy còn thiếu đi rất nhiều, thiếu những gì? Định chưa hình dung ra được chính cái đó mà Định có phần nào tủi tủi cái thân, cảnh nhà ngó có phần nào lạnh lẽo, chưa ấm cúng 1 tý nào?
        Định ạ! Tâm tư Định đang ngần nghĩ gì? Óc Định mơ màng 1 cái gì đó? Định chưa rõ?
**
*
         Định lấy chiếc túi dết, mớ gói kẹo đưa cho thằng Ba phân phát cho mấy đứa em và lớp trẻ quanh xóm đến chơi.
-   Kìa thằng Kháng. Con Chiến đâu.
-   Hắn đang đi sau đó.
-   Mày láo lắm, học được chữ gì rồi. Ngịch lắm nữa không. Vào đây lấy kẹo Kháng nầy.
Mấy đứa em nho nhỏ xinh xoay xung quanh anh cười ríu ra ríu rích. Định nhìn đàn em chóng lớn. Định càng mừng. Định hỏi chuyện mấy đứa rồi bảo Hường nấu nước uống, Định nhìn mấy đứa trẻ quanh xóm,có đứa biết Định có đứa không biết,mà Định hầu như quên hết mặt mấy đứa ấy.
-   Mấy đứa nầy con ai.
-   Con ông An à - gớm nhỉ đâu mà lắm thế?
-   Còn mấy đứa này có phải con anh Thành ko? Nhanh thật nhỉ? Loanh quanh thế mà bọn này mau lớn thật nhỉ?
-   À! Chú Triền, mô về rứa?
-   Chú đi tiêm ở xóm trên về. Cháu mới về à.
-   Dạ
-   Vào nhà uống nác chú.
-   Ừ!
    Ba ơi! Nói ông Ngụ sang uống nác đi.
        Bà con quanh xóm nghe tin, họ đến vây kín cả nhà, và mấy chú thanh niên quanh đấy đến thăm.
    Vào nhà uống nước đi các cậu! hút thuốc nói chuyện cho vui.
    Họ nhìn Định. Họ thấy Định lớn lên khác đi nhiều. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập!
-   Về được mấy ngày?
Anh Liệu – Mần răng lo chuyện đời cho rồi chứ?
-   Ừ chuyến ni thì cũng cố lo lên 1 tý cậu rồi đi nữa biết khi mô về. Không biết họ có lấy nữa là không đây chứ!
-   Ai mà lậy có chuyện nói chuyện nhá, sợ các a cũng không muốn, chứ ai mà không muốn lấy bộ đội.
-   Câu chuyện làng xóm hỏi thăm làm cho Định cũng thấy vui vui. Định càng thêm những câu chuyện rôm trò vào, mọi người phá lên cười. Không khí rộn ràng trong phút hoan đón càng ngày càng lắm chuyện vui rộn rã..

Logged
as4best
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2014, 02:17:29 am »



Những đêm trằn trọc thâu canh

        Căn nhà ấm cúng, thế mà sao Định không sao thấy ấm lòng. Đêm càng khuya Định càng thấy mình lạnh lẽo.Trong chiếc chắn bông Định ôm thằng Ba, ghì chặt vào lòng. Định ôm má đầy hơi ấm của đứa con trai cũng như mấy đứa em khác đã chịu mọi cái đau khổ về tình cảm. Chúng đã từng thấy và đã từng chịu mọi sự việc mà Định đã nghĩ bấy lâu nay.
        Những đứa em đáng yêu của anh ơi, các em ngây thơ trẻ dại đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Các em đã phải khóc nhiều sau những ngày mẹ mất. Rồi cấc em đã sống trong những ngày vất vả ma anh đáng phải lo cho đời các em.
Ba ơi! Em của anh yêu quý quá! Anh chưa làm gì cho các em được ấm lòng. Nhưng em ơi em hãy ngủ cho ngoan đi. Ngủ như những ngày còn mẹ đi. Đêm nay anh sẽ thức cho em ngủ đây. Anh đắp chăn cho em. Em đừng lo lạnh.Tuy những ngày em sống còn vất vả, còn lạnh lẽo. Nhưng đêm nay anh đừng thức giấc. Anh sẽ chịu khổ thay cho em mấy hôm nay. Hơi thở đầu tiên trong giấc ngủ ngon của thằng Ba. Định thấy có phần nào an ủi lòng. Nhưng Định thấy lòng mình sao mà lắm tâm tư khó ngủ quá, đàn em kia chưa đủ ấm, nó còn quây quanh trong mẩu chiếu lúc nằm trên nệm rơm, chúng chưa hề bao giờ có chiếc chăn bông để đắp trong những ngày giá lạnh, và cũng chưa bao giờ có chiếc áo bông quàng chặt người khi ra đồng. Chúng còn phải thức giấc nhiều trong những đêm trường mùa đông lạnh lẽo.
        Định mê man trong những ý nghĩ tình thương ruột thịt gia đình, Định thiếp đi bên đứa em yêu quý ấy.
        Giấc ngủ đang ngon của hai anh em trong chiếc chăn bông Định đang mơ màng trong giấc mơ thao trường ở đơn vị. Nhưng Định chợt thức bởi tiếng khóc của đứa em gái út. Mắt Định bỗng mở ra trong đêm tối. Tình thương em, Định lại mở ra trong tâm hồn người anh xa các em lâu ngày nay đã về. Như kim đâm vào ruột  Định lại không tài nào ngủ được
        Tiếng khóc ri rĩ vì lạnh của đứa em. Định phải giật mình dậy bấm đèn vào buồng, bồng nó vào lòng dỗ dành. Định miết chặt tay thoa nhẹ lên má đứa em nho nhỏ xinh xinh dại dột ấy. Định cũng thấy lòng lao lao.
“Ru em chẳng biết hát gì
Chỉ mong em ngáy, ngáy đi khỏi phiền
Biết rằng em ngủ không yên
Chỉ vì gió lạnh đêm đông lọt vào
Em ơi em ngủ đi nào
Có tay anh bế thay lời mẹ ru
Ru em,em ngủ đi em
Chăn bông anh đắp ấm lòng em đây”
        Liên ơi! em đừng khóc nữa! anh biết lắm rồi, biết từ lâu từ sau ngày mẹ mất em ạ! Biết làm sao bây giờ? Em ngủ đi! Cho cha yên tâm, chính anh đây đang còn bối rối tâm tình, anh thương các em lắm. Những đứa em của anh ơi. Các em đã khóc nhiều rồi! Các em đã nói với anh nhiều rồi! Anh biết lắm rồi!
   Định nằm xuống bên hai đứa em. Chiếc chăn chùm lấy 3 anh em. Hơi ấm ruột thịt truyền đi khắp lòng Định. Hai đứa em ngủ yên trong chăn. Định vẫn chưa làm sao ngủ yên được. Gà gáy canh khuya. Định nhìn đồng hồ thấy đêm vẫn dài chưa sáng được. Mới 2h! Còn nhiều giờ lắm các em ngủ đi cho say, có anh đây hơi ấm cho các em đây
        Mắt Định mở tiếp trong đêm vắng. Định đếm từng hơi thở, từng nhịp tim đập của 2 đứa em. Định càng thấy đời chúng còn vất vả nhiều. Đêm nay các em ngủ được yên giấc. Rồi những ngày sau này các em sẽ ngủ với ai? Chăn đâu để các em có thể ấm mãi lòng thơ ngây ấy. Đời các em rồi sẽ ra sao? Khổ tâm nhiều lắm! Định thấy càng nhớ mẹ! Người mẹ hiền lành bỏ đàn em cho người cha già thêm khổ. Định trách đời sao mà chỉ thấy thiếu những gì thế này. Trách ai bây giờ? Làm những gì bây giờ? Để có thể cứu đàn em ngây thơ dại dột nay sống vào những ngày ăn no mặc lành.
“Càng nghĩ càng thấy khổ tâm
Đàn em nhỏ dai không hình mẹ xưa
Càng nhìn càng thấy đơn côi
Cha già sức yếu phải lo một mình
Cảnh tình gà trống nuôi con
Đầu óc bối rối ruột gan tơ vò
Trách đời lăm khúc éo le
Để cho con nhỏ quấy rầy tâm tôi”
        Trong đêm vắng Định ngủ không yên đã đành. Nhưng người cha thân yêu hình như cũng trằn chọc với những nỗi no âu cho đứa con đầu lòng tình cảnh này tính sao đây.
        Định cũng biết cha đang lo cho Định nhiều, mà chính cha đã lo từ lâu trông mong từng ngày để sao cho đứa con sớm chuyện đời cũng tròn nghĩa vụ người cha. Định cũng tự thấy mình đừng làm phiền cha lắm nữa. Đừng để các em phải mong chờ nữa.
        Nhưng Định chưa có một ý kiến gì? Chưa thấy được ai là có thể...!
        Định tính rất lâu làm từng bài tính một để lo cho kế hoạch. Nhưng làm sao ấy? Định tự thấy mình còn khó khăn nhiều chưa có một chút thuận lợi nào.
Gà gáy, canh tan, trời sáng dần, cả nhà đang yên lặng trong giấc ngủ ngon. Định giỡ chăn chùm kín phủ đầu cho em đưa em nó ngủ càng ấm thâm. Một mình trở mình nhảy ra sân nhìn trời mây quê nhà để đánh tan bao ý nghĩ lo đời của tuổi xuân này. Mặc cho bao ngày tháng trôi qua chí này cũng chẳng phải chịu thua ai bao giờ . Chẳng hèn đâu.




Ngày XUÂN TRÊN QUÊ NHÀ
     
        Trong những phút lo đời. Như những lớp người khác họ thấy thời gian sao mà chóng thế, đông tàn xuân sang là họ ngay ngáy cho đời xuân già. Râu mọc thêm dài.
        Nhưng ở thế gian này Định lại lạc quan vô cùng, không phải những kẻ vô tư nhìn đời bằng ½ con mắt. Chỉ vì Định còn tuổi thanh xuân. Định đã lần tính đo đi đo lại vẫn còn tương lai chán. Định nở nụ cười đón xuân ngay từ khi bước chân về tới cổng làng. Bao cảnh tình, đất nước thân quê hương thân yêu này.
        Vốn là con người tình cảm, Định nhìn kỹ quê hương với con mắt đầy thơ mộng. 
     Sơn Châu, cái đất thay đổi sau những ngày thắng lợi của nông dân, chính đó tên em là “Tứ Mỹ”. Nói đến Sơn Châu là nhớ ngay “Tứ Mỹ” thô sơ nói nôm hắn ra là “4 đẹp”. Thật ra khổng chỉ 4 đẹp mà tất cả đều đẹp. Định đã từng đi đó đi đây cũng chưa khắp Trung – Nam – Bắc nhưng tạm nói là khắp đó đây thì cũng chỉ có đất Sơn Châu là có thể nói là đất phong tình nên thơ nhất.
        Bốn năm xa quê, khi bước tới cổng làng, không ai là không bồn chồn hồi hộp. Cũng như Định đây con người sinh trưởng trong khoảng đất này. Lớn lên và từ chốn đó ra trận tuyến trong những ngày kháng chiến. Những phút giây trên mặt trận, trong những ngày gian khổ hành quân, Định đều tưởng tượng cái cảnh đẹp của quê hương. Khoảng đất hữu tình nên thơ ấy lúc nào cũng hiện hình trong óc Định nhất là sau những ngày hòa bình gần đây thì Định lại cành nhớ càng thấy nó đẹp vô ngàn.
        Xuân về đón Định trên đất quê hương.
Mảnh đất Sơn Châu với cặp mắt tình cảm của người con yêu dấu này.
-   Kìa là núi Đá, mấy cây thông xanh biếc 1 màu lầm lì chót vót trên đỉnh núi là 1 dấu hiệu rõ nhất dù ai có xa hàng thế kỷ lúc già trở về, cũng nhận ra được là nơi cắt rốn chôn rau, hay những kẻ nào có đặt chân dẫu có ba ngày trên đấy ấy thì bây giờ có tạt ngang qua đó cũng nhớ lại được cái làng ấy là Sơn Châu chính cống không thể nhầm được.
-   Ánh nắng chiều vàng nhạt trải dày trên cánh đồng xanh mượt lúa non, nổi hẳn lên, con đường số tám chạy dài mé sát làng. Hồi nhỏ Định đã bế em ra chơi tận đường nhìn xe xuôi ngược quên cả ăn. Nay cũng vì chiến tranh đường số 8 phải chịu 1 cảnh phá hoại tiện thể kháng chiến, để giữ lấy làng nước thân yêu, cắt đứt mọi âm mưu của kẻ địch hòng tấn công từ Napi xuống vùng T.N.T. Nhưng đường số 8 bây giờ đã khác, đông đúc kẻ ngược người xuôi. Rải rác trên đường lính ta trở về quê cũng khá đông. Họ đón gặp bà con, kẻ nhìn anh, cô nhìn chú, mừng mừng thăm hỏi cười rả rích kéo nhau theo ngược đường. Rẽ vào làng. Xuân về có khác. Đường làng rải cát, gót dày nện sạt sào nhịp bước Định thấy thích thú làm sao! Cũng chẳng có gì là lạ. Đường sá như vậy đó, nó khác hẳn mọi nơi. Dù có mưa dầm lụt lội mấy đường sá Sơn Châu vẫn sạch như sân gạch nện xi măng, không hề tý bùn. Từ xưa đến nay loáng thoáng hàng năm Sơn Châu vẫn lẫy lừng cái tốt đẹp đó. Dân làng đã sẵn có 1 tính cần cù lo lắng vệ sinh. Hồi còn nô lệ trước CM cũng thế. Sau khởi nghĩa lại càng tốt hơn huống chi nay đã Hòa Bình.
        Nên những ai đã qua nghỉ trên đất này cũng phải tặc cái lưỡi khen ngợi ca tụng và hình như họ tiêng tiếc sau những ngày rời khỏi đó.Họ đã phải để lại nhiều câu thơ:
“Ai về Hà Tĩnh Hương Sơn.
Ghé qua Tứ mỹ nhìn đường họ đi,
Đường đi cát sạch lỳ.
Phong tình cảnh đẹp mê ly con người
Còn có câu:
....”Đường làng lắm cát dễ đi
Phố giang cảnh đẹp như là Hương Giang”
        Còn Định thấy muốn viết, muốn nói hết cái đẹp này thì chỉ có thời gian hành năm thơ hàng cuốn mưới có thể nói hết cái đẹp của nó được.
        Đến trường tiểu học, chiếc trường 4 gian đồ sộ năm xưa nay đã khôi phục lại, gần Tết rồi nhưng học sinh chưa nghỉ Tết. Đàn em nhỏ chạy tung tăng trên sân đùa bỡn nhảy múa với mọi cách tinh nghịch trên đời, mới đó mà hôm nay học sinh càng đông càng nhiều – có phải chỉ có 4 lớp đó đâu. Xóm kia còn phải học nhà dân 3 lớp nữa, xóm trên lại học thêm 1 trường cấp II, gớm nhỉ, phong trào văn hóa chắc lên cao lắm chắc.
        Phải lắm! Nguyên thời Pháp thuộc người ta cũng đã từng thấy đất Sơn Châu là 1 đất văn học. Lớp tuổi các cụ nho Hán ngày xưa cũng  lắm anh Tài ông Cử ông Đồ loạn xạ. Qua lớp tuổi đàn anh Định, như chú Luân của Định người ta cũng thấy kha khá, cứ học hết tiểu học cũng đến hàng chục người, rồi đến lớp tuổi Định thì cũng ghê gớm, lớp 7 lớp 8,9,10 nay có đứa vào đại học làm thầy, làm cán bộ khắp nơi. Tính chỉ cái đó Hà Nội cũng khối nhiều thằng công tác ở đó.
        Và ngày nay, lớp đàn em sau thì càng nhan nhản đua nhau đi học hết trường này đến trường nọ đâu cũng có con em của đất Sơn Châu vào học.
Lớp 5,6,7 là 1 chuyện rất thường ở đất ấy.
        Qua mấy ngày, Định về quê thăm làng chơi khắp xóm thôn, bao nhiêu câu chuyện bà con kể lại. Định cũng rõ hết tinh thần bà con nhà mình.
        Sơn Châu chẳng những đẹp cảng đẹp tình mà còn đẹp cả nội dung của nó nữa. Hẳn cũng là 1 đất CM vang lừng. Bao nhiêu lần nổi sóng căm hờn vì giặc vì nô lệ, nhân dân đã đoàn kết, đấu tranh tham gia Cm từ hồi bí mật.
Kháng chiến trường kỳ nó cũng là 1 kho người kho của ra tiền tuyến. Bao nhiêu gương anh dũng của con người trên mặt trận ghi lại những tranh lịch sử vẻ vang,vinh quang cho Tổ Quốc và cả xóm làng.
        Chỉ có 1 cái Tết mà tính cả trăm chàng lính về ăn Tết, chỉ mới 1 phân nhỏ, còn nhiều lắm, tính có hàng đại đội.
        Và nay đất Sơn Châu vẫn vang danh lẫy lừng đầu tầu trong huyện về mọi công tác.
**********
*****


Cảnh Tết đã bắt đầu, xóm làng nhộn nhịp. Đàn em nhỏ tung tăng chơi xuân trong bộ áo mới. Khẩu hiệu chăng đầy ngõ. Tuy Tết năm nay chưa được vui hoàn toàn thắng lợi. Nhưng cũng thật lắm cảnh vui.
        Xa quê hương hàng 3-4 năm nay, được ăn Tết trên đất quê hương là cả 1 vinh dự. Thật cả 1 cảnh xuân sang hoa nở muôn màu, Định cảm thấy nó khác xưa nhiều, cả 1 vườn hoa nở không phải 1 đôi bông đâu. Những bông hoa tươi tắn đẹp đẽ của vườn hoa Sơn Châu sao mà đẹp thế. Đường làng hôm mồng 1 mồng 2 hình như nó đã biến hóa đất Sơn Châu thành 1 thị trấn nào đó.
        Những tà áo trắng, xanh màu da trời, trứng tráo, hồng tươi, của các cô cậu lớp tuổi đôi mươi thành từng tốp từng tốp kéo nhau chơi xuân với những nụ cười xinh xắn, rộn rịp, bước những bước thanh nhàn có vẻ những chàng trai những cô gái đã thạo đời ăn chơi lắm.
        Định thì ngược lại, 1 anh lính đâu có để tác phong ấy, nhưng Định cũng oai hùng trong bộ quân phục nghiêm trang và phong độ tư thế hùng dũng bước đi trong những đoàn thanh niên bạn bè quen thuộc. Nói hết chuyện nông thôn, chuyện thanh niên và bao nhiệm vụ câu chuyện trao đổi không bao giờ hết.
        Trong cảnh Tết này, vui thì có vui nhiều cũng có lắm chuyện chơi xuân thật. Nhưng cũng có nhiều điều rắc rối chưa giải quyết sau những hậu quả sai lầm của Cải Cách Ruộng Đất để lại. Nói chuyện với nhau không ngoài những câu chuyện sai lầm và tố điêu. Định cũng như mọi đồng chí khác chỉ có cách giải thích dung hòa ý kiến để dần dần chuyển sang những câu chuyện thú vị hơn.
        Những ngày Tết dần dần trôi qua chuyển sang 1 năm hoàn toàn mới. Riêng Định vẫn như xưa, con người ấy muốn đạt rất nhiều ước muốn của mình trước khi về thăm quê hương. Nhưng rồi cũng mặc cho thời gian đi nhanh theo thời cuộc. Định lại khăn gói lên đường theo nhịp bước âm thầm lặng lẽ. Không buồn không vui không nhớ mà chỉ trông cho tới mau đơn vị để kịp thời công tác.
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM