Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:23:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Góc nhìn của lính chiến  (Đọc 28312 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #30 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2013, 08:55:27 am »

      
       Về lại Thường Tín, về nơi nhà mình ở khi sơ tán là nhà Quang, con đường xưa mới 43 năm đã đi vào chuyện cổ tích; cái mộng mơ được đi giữa cánh đồng lúa chín vàng, ngắm nhìn đôi má hồng của cô thôn nữ với màu áo nâu non có cánh cò trằng bay, bay; được thả mình cuốc bộ, từng bước trên con đường làng lót bằng gạch thẻ xưa rợp bóng tre, tất cả hình ảnh đó đã vĩnh viến không tồn tại ở nơi đây, không còn khái niện trong tuổi học trò ngày nay. Mình không dám chụp cảnh cũ dọc đường vào làng quê của Quang, mình sợ bị tổn thương ký ức thiên nhiên một thời đẹp như cõi thần tiên của nông thôn Miền Bắc. Quang là người mình từng viết trong nhóm học trò – 4 thằng chốn học đi chùa Hương mà mình đã kể ở phần trước.


Kính cẩn thắp ném hương cho ba Quang, liệt sĩ thời chống Pháp



        Rồi cả nhóm trò nhỏ 10D năm xưa ùa vào chào mẹ Quang, vợ liệt sĩ tuổi đã hơn 90, kính chúc bà khỏe mạnh sống lâu.


       Món ăn vùng quê xứ Bắc vẫn là món ăn miền đất cổ xưa không thể bỏ đi được món tiết canh, Quang đãi bạn ở Miền Nam ra hết sức chân tình…món tiết canh ngan không thể thiếu. Do ở Đà nẵng mình cấm tiệt từ nhiều năm nay, mình lại không khoái khẩu món này nên vừa ăn, vừa run; hai đứa con gái ngày xưa mình hay bắt nạt, giật tóc nó, nay nó chê mình nhát thế, vừa  Grin…vừa run, sợ bị Bí thư chi đoàn họp thanh niên kiểm điểm sao Undecided sao chẳng thấy ăn  Grin tuổi trẻ đã ngu ngơ rồi, nay chẵng lẽ bị bọn con gái chê ngũ ngơ nữa à, thôi đành liều mình, nhắm mắt ăn bát nhỏ. Giờ nghĩ lại tuổi trẻ bọn mình hồi đó, thích đó nhưng cứ loanh quanh mãi, đạp xe đèo nhau đi cả chục cây số, ướt đầm áo, em hỏi có mệt không…không, không mệt; rồi chỉ biết nói trời xanh xanh, nước trong veo mày hỉ….và chấm hết.



Bốn thằng trốn học đi chùa Hương năm xưa, mình đã viết ở trang “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”,
43 năm mới khéo dụ chụp chung được khuôn mặt 4 thằng trốn học đi chùa Hương năm xưa làm bằng chứng "dành dành" để kiểm điểm. Thưa cô Chỉnh chủ nhiệm 10D, báo cáo lớp trưởng Hoài (người đeo kính áo trắng ảnh đầu 60 năm...) sĩ quan viện vật lý quân đội: giờ thú tội, chúng em có phải kiểm điểm không ạ?.

    

        Thằng Hoài lớp trưởng hồi đó, nếu nó mà biết cụ thể như bài viết trốn học đi chùa Hương dứt khoát có buổi họp lớp kiểm điểm, đấu tranh tự phê bình, chỉ rõ "địch – ta" là cái chắc; rồi “cái” bí thư chi đoàn biết được thằng xuân xoăn búng cây hương, tắt nến ở động Hương Tích để lấy oản ăn, rồi thằng Hộ “xoắn” mấy cái nắp chuông nơi gửi xe đạp, bán kiếm tiền ăn đường, dứt khoát “cái Ái, bọn lãnh đạo lớp” bắt kiểm điểm, kết tội bọn mình là thanh niên chậm tiến là hết đường có điểm A,B hạnh kiểm rồi. Với mình, có lẽ nhờ ăn oản, uống nước từ bầu sữa mẹ ở chùa Hương nên mấy thằng dù tham chiến ở mặt trận Nam Lào hay ở mặt trận Tây Nguyên, Bình Trị Thiên khói lửa đều may mắn sống sót ( mê tín quá).
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Chín, 2013, 09:43:14 am gửi bởi xuanxoan » Logged
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #31 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2013, 08:11:39 am »

        

        “GẶP NHAU TUỔI 60, NGÓ NHƯ TUỔI ĐÔI MƯƠI” là những kỷ niệm vui buồn của lớp học trò 10D Thường Tín niên khóa 67 -70. Chúng tôi chỉ là số lẻ người thuộc thế hệ sinh ra trong nghèo đói như bạn tôi viết, nhưng tình nghĩa bạn bè lại rất mực thủy chung, dù tuổi 60 vẫn nhớ thương nhau, ới nhau về họp lớp.

        Tuổi học trò từ mẫu giáo đến đại học hay sau đại học, có lẽ chỉ có tình bạn của thời học sinh phổ thông trung học cấp 3 là thủy chung trong sáng nhất, vật chất chưa len vào tình cảm; yêu dại khờ, yêu viễn vông như chàng Trương Chi. Lý tưởng sống tuổi trẻ thật đơn sơ giản dị, chỉ mong muốn hai miền Nam Bắc thống nhất, được sống trong hòa bình, trong thể chế một nước Việt nam dân chủ cộng hòa; triết lý sống mà chúng tôi được dạy dỗ ngay từ khi biết đọc, biết viết rất cụ thể, chỉ có: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, đoàn kết tốt; chứ có biết gì đến những triết lý sâu xa như bọn trẻ giờ được  học đủ thứ triết lý bác học trên sách vở.

       Thế hệ chúng tôi học trong thời bao cấp, thông tin truyền miệng chủ yếu kiểu như câu thơ của Việt Phương gần 50 năm trước “… Mạc Tư khoa còn hơn cả thiên đường/ ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy sĩ/mường tượng rằng trăng Trung quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…” ; khi ngồi học ở nơi sơ tán bên dòng sông Nhuệ mơ thấy mình được du học ở đất nước Nga Xô Viết, được bơi thuyền trên sông Vonga thơ mộng…đó là  điều bọn học sinh cấp 3 chúng tôi thường mơ tưởng và trong lớp hồi đó cũng có gần chục bạn thực hiện được ước mơ du học ở nước Nga Xô Viết. Còn bọn con trai chúng tôi, ước mơ là vậy nhưng khi tổ quốc gọi, cả lớp đều đăng ký nhập ngũ, có đứa đã ký bằng máu xin được đi bộ đội. lớp chúng tôi cũng có gần 2 chục thằng mặc áo nhà binh và hơn chục thằng vào Nam chiến đấu ở các mặt trận từ những năm 1969.

        Năm nay lớp họp nhân dịp tất cả đều về hưu, điểm lại không đứa nào hại dân, bán nước. Người làm ruộng thì một nắng hai sương tần tảo nuôi chồng, nuôi con, đứa dạy đại học thì tận tâm truyền đạt kiến thức như thầy cô ngày xưa dạy mình, thằng làm công chức tận tâm với công việc, lưng thẳng đầu gối không khom dù bị “bắt phong trần thì phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao” như cụ nguyễn Du đã bảo; đứa hành nghề luật sư, bác sĩ hay sĩ quân quân đội đều là người có học hàm, học vị thật học ở Nga về từ thời chiến tranh, số vào quân Giải phóng Miền Nam có 4 bạn đã hy sinh anh dũng, mấy thằng còn sống không đứa nào đào ngũ, tất cả đều đánh đến ngày 30/4 giải phóng, sau mới giải ngũ về với ruộng vườn, đường phố.

      Nguyễn Vũ, hiện đang ở Sài Gòn, khi ra Bắc họp lớp năm 2013 đã làm “biên bản” cuộc họp; Xuanxoan xin gửi đến đồng đội “Góc nhìn của lính” sau chiến tranh qua cảm xúc của Vũ, học sinh lớp 10D Thương Tín khóa 1967 -1970:


THƯ TÌNH GỬI BẠN

Lớp “đặc biệt” *chúng mình…
Sinh ra trong đói nghèo,
Lớn lên trong đạn lửa,
Trọng nghĩa tình, rất mực thương nhau…
Trái tim đã bao lần quặn đau
Trước quy luật muôn đời – đứa còn đúa mất…
Châu ơi! Tuynh ơi! Thành ơi! Lộc ơi** Chúng mày đi xa lâu nhất
Sao không rủ nhau về họp lớp một lần thôi?
Tuổi học sinh, trong gian khó một thời…
Mình đi trận như đi trẩy hội.
Chân trời xa, lớp chúng mình đã tới
Đất nước Liên Xô – mơ ước của bao người…
Những giảng đường đại học muôn nơi,
Những công trường, chiến trường xa vẫy gọi…
Hoài niệm tuổi xuân như vẫn còn thúc hối
Bài toán cuộc đời mình giải mãi chưa xong…

Giờ điểm danh – cả lớp khắc khoải mong
Vẫn thiếu Hách, Thìn, Thục Viên, Lập, Hùng*** chưa tới
Mỗi chuyến tầu xa vẫn còn ai nữa đợi
Bước xuống ga đời, trả lại vé quê hương?
Vắng chúng mày nỗi nhớ cứ vấn vương…
Biết thời gian không bao giờ trở lại
Tuổi ấu thơ
                  Theo năm tháng
                                           Trôi mãi
Hãy nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời,
Tình bạn sáu mươi trong sáng tựa đôi mươi!

Hà Nội – Sài Gòn 21/6/2013
Viết nhận dịp 8D – 10D cấp 3 Thường tín, Hà Tây
Khóa 1967 – 1970 gặp mặt tuổi 60

NGUYỄN VŨ


*Tên lớp 8 tuyển chọn của trường cấp 3 Thường Tín
** 4 bạn hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ
***5 bạn đã mất
  
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Chín, 2013, 08:26:32 pm gửi bởi xuanxoan » Logged
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #32 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2013, 10:03:51 pm »

      Ngày 18 tháng 12 năm 2013, Tại Đà nẵng UBND thành phố đã tổ chức đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp nhà nước. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã trao trao các danh hiệu thi đua và Huân chương độc lập, huân chương lao động cho các tổ chức và cá nhân đã có thành tích trong nhiều thời kỳ.


       Trong số người được trao tặng, gia đình xuanxoan có hai người được đón nhận:


        
Đây là ông Nguyễn Tấn Lợi được Chủ tịch nước ký tặng Huân chương độc lập hạng 3, ba của xuanxoan


      
Có 4 vị lão thành cách mạng trực tiếp nhận và 1 truy tặng (đại diện gia đình nhận).
 Tất cả các bậc tiền bối đều hoạt động trước 1945 và đều trên 90 xuân cả.

« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2013, 10:14:15 pm gửi bởi xuanxoan » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #33 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2013, 10:17:21 am »

            Chào bác xuanxoan! Chuyện về "góc nhìn của lính chiến với những nhận xét những tình cảm, những kỷ niệm xưa - nay cũng cùng bạn bè, cùng những người thân, quá khứ- Hiện tại- Tương lai thật cụ thể, thật xa và lại cũng thật gần. Tranphu341 đọc bài bác viết thấy thật nhiều tâm sự.

             Có điều xem mãi đọc mãi nhưng không nhận ra bác là ai trong bức ảnh "4 thằng" đó hi hi  Grin Grin Grin

             Chúc bác cùng gia đình luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui trong những ngày cuối năm này. Bác có thể thì cho Tranphu341 xin số đ/t nhé! Kính bác!
Logged
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #34 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2013, 05:38:05 pm »

        
          1.Anh Trần Phú 341. Xuân xoăn đã gửi tin cho anh. Hy vọng khi anh không bay trên đầu xuanxoan, lòng vòng dong duổi bộ hành qua Miền Trung một bên trường sơn cây xanh, một bên Trường Sơn cát trắng xuanxoan được gặp anh.
  
          2.Gửi anh, người lính Trường Sơn!
    
          Hết chiến tranh, anh về với mẹ; 39 năm xa binh trạm, xa đường mòn chiến lược. Rừng Trường Sơn, mờ ảo trong ký ức. Hẹn gặp nhé, ơi anh lính Tây Nguyên; 40 năm, ngày đánh Đồn Tầm chốt Mỹ.Ta lại trào nước mắt, như tuổi 20 mươi.

          Đấy là hy vọng được gặp đồng đội Lính Tây nguyên vào tháng 3/2015, mong là vậy.

         Giờ mình gửi bài đang viết dở, dự định đăng đầu năm 2014 trên trang "Hội Trường Sơn" coi như tâm tư người chiến binh. Đây là phần mở đầu, hy vọng mình sẽ tổng hợp được sự kiện ngắn gọn nhất, chính xác của 2 chiến dịch này.                                                                        
                                                          

Học binh pháp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về
Ba nguyên tắc vàng trong chiến dịch Biên giới 1950 và chiến dịch Tây Nguyên 1975
[/b][/b]
***
        Chiến dịch biên giới 1950 mở màn từ ngày 16/9 và kết thúc 17/10 với phương án ban đầu là đánh thẳng vào thị xã Cao Bằng, nhưng sau chuyển đánh mở màn chiến dịch tại Đông khê với binh pháp “nhử thú dữ vào tròng - khép vòng lưới thép” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lịch sử sau 25 năm được tái hiện ngay từ trận đánh mở màn nghi binh chiến dịch Tây Nguyên ngày 1/3, kết thúc ngày 24/3, cũng quan điểm chỉ đạo ban đầu đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột, nhưng sau chuyển đánh mở màn chiến dịch tại Đồn tầm - Chốt Mỹ, thực hiện diệu kế của Tướng Hoàng Minh Thảo “nghi binh vây hãm, cô lập, trói địch lại, đánh nghi binh cấp sư đoàn ở phía Bắc (Pleiku), để tập trung sức mạnh của ta ở phía Nam là Buôn Ma Thuột, phá thế cài răng lược, tạo nên thế cục mới”. Trận pháp chiến dịch Tây nguyên được biến hóa uyển chuyển, nhưng bản chất “đánh điểm, diệt viện” không thay đổi, đều dùng lối “đánh không theo chiến tranh quy ước”, đều dựa trên 3 nguyên tắc vàng cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng tổng kết: “Tôn trọng đối thủ; không đánh bằng quân số giống như đối thủ; không đánh theo cách đánh đã được chuẩn bị của đối thủ “. Ba nguyên tắc này yêu cầu vị tướng tư lệnh mặt trận phải có bản lĩnh “tướng ở xa trường”, có mưu kế hay, ứng chiến linh hoạt, nhạy bén và có tầm nhìn hơn hẳn đối phương trong chỉ đạo chiến dịch.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Mười Hai, 2013, 05:46:11 pm gửi bởi xuanxoan » Logged
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #35 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2016, 04:48:53 pm »

THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ MINH BẠCH

Năm nay thực sự được đọc những thông tin cô đọng nhất về cuộc chiến tranh 17 / 2/1979. Liên tiếp nhiều thông tin được tung ra từ bức hình đầy xúc động của người nữ chiến sĩ bế cháu gái nhỏ, chuyện những người đồng đội cõng bế mẹ con cháu bé bị thương luồn rừng thoát khoải những họng súng khát máu của lính Trung Quốc chiếm đóng trên đất ta đến các chuyện kể của dân, của người lính biên cương về cuộc chiến 17.2.

Là người lính từng cầm súng trong cuộc chiến tranh KCCM, tôi hiểu tổn thất cuộc chiến qua những câu văn tròn trịa đã được các phóng viên gọt rũa bớt những tang tóc của cuộc chiến khi lính Trung Quốc dùng chiến thuật biển người lấp biên giới và những vũ khí tàn độc nhất để hủy diệt những người dân nước ta bảo vệ biên cương.Tuy chưa phải là số liệu chính thức được công bố, nhưng từ đầu cuộc chiến đến nay, Việt Nam không có sự thay đổi công bố số liệu trước đó. Nay đọc lại, thật khủng khiếp sự chết chóc trên chiến trường từ 2 phía & cộng đồng quốc tế công bố. Các trận đánh diễn ở từng tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, có nơi với thời gian ngắn, rất ngắn nhưng sự đẫm máu không khác mặt trận thành cổ Quảng trị trước đây.

Cuộc chiến biên giới khốc liệt không tưởng tượng nổi, chỉ cần xét chuyện nướng quân của giới cầm quyền Trung Quốc (bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn Trung Quốc bị loại khỏi vòng chiến); cho dù Trung Quốc tuyên bố họ là người chiến thắng với thương vong rất thấp, còn Việt Nam & thế giới từng đánh giá đây là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử hàng ngàn năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam.

Chúng ta không có hy vọng người Trung Quốc cúi đầu xin lỗi trước nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến biên giới 17.2.1979 như người Hàn Quốc đã cử đoàn đại diện đến Bình Định xin lỗi hành động bắn giết người dân Việt vô tội của những người lính đánh thuê Nam Triều Tiên trước đây. Lí do rất đơn giản vì nền văn minh dân chủ của đất nước Hàn Quốc cao hơn và khác xa bản chất bành trướng phát xít của người Trung Quốc.

"Chiến tranh không phải trò đùa".

 Đối với nhân dận Việt Nam, chúng ta không bao giờ muốn có cuộc chiến tranh như thế diễn ra nữa; trừ trường hợp kẻ thù buộc ta ôm cây súng, buộc chúng ta chiến đấu để bảo vệ biên cương, hải đảo Hoàng sa - Trường sa. Chúng ta luôn sẵn sàng cầm súng để bảo vệ Tổ Quốc thiêng liêng.

Ghi chú: xem thêm tư liệu cuộc chiến.
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-chien-tranh-17-2-1979-quoc-te-chung-minh-trung-quoc-tham-bai-3301425/
Logged
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2016, 01:43:52 pm »

Nỗi nhớ hoa Dã quỳ

Tháng 3 lại về, nỗi nhớ màu hoa Dã Quỳ trỗi dậy, day dứt trong người. Mà cũng lạ, tháng 3 đâu phải mùa hoa Dã Quỳ nở rộ cơ chứ; tháng 3 Tây nguyên là mùa người dân đi làm nương rẫy, gài bẫy bắn chim thú cơ mà.

Cuộc đời lính chiến của tôi chỉ gói gọn trong 5 năm, chưa bao giờ được đeo quân hàm quân hiệu; không ở nhiều năm trong quân ngũ như nhiều đồng đội khác, nhưng 5 năm đó đã lột xác tôi nhiều điều khác lạ.

Từ một cậu choai choai chỉ thích tán gái Bờ Hồ, vụt lớn lên sau ngày 4.9.1971 cùng các chàng trai “đất thánh” trang lứa trong bộ đồ “anh giải phóng quân”. Vượt Trường Sơn sang Lào sát cánh chiến đấu cùng quân dân các bộ tộc ở Nam Lào. Lời thơ Tây tiến đoàn quân không mọc tóc của nhà thơ Quang Dũng hiện diện trên tường khuôn mặt của người lính K3 tình nguyện, đơn vị tân binh chúng tôi được bổ sung vào.

Paksong, vùng đất trên cao nguyên Bôlôven ghi đậm trong tri thức của tôi với mầu xanh bất tận, cái lạnh mài mại như ở Miền Bắc; có khác chăng chỉ là màu hoa Dã Quỳ vàng rực bên đường, sau này mỗi lần tôi có dịp đi cải thiện, dứt khoát tôi phải kiếm cho được một bó hoa Dã Quỳ để đặt trên ngôi mộ 2 người nữ chiến sĩ quân giải phóng sư đoàn 2 đã hy sinh khi đánh phối thuộc với đơn vị chúng tôi năm 1971 ( khi đi cải thiện anh em lính cũ kể cho nghe về sự tích ngôi mộ nằm ven đường xe bò này).

Chưa đầy tháng, bọn trẻ tân binh chúng tôi mới chập chững bước trên những điểm chốt, bãi mìn đã được lệnh hành quân cấp tốc cùng đơn vị xuống đánh Không Sê Đôn…Lũ dâng, mặc; lệnh trên yêu cầu vượt gấp đánh chi viện cho đơn vị bạn…đơn vị vẫn hành quân qua, lũ ập xuống, như muốn quét chúng tôi xuống thác. Tan tác, sau trận lũ chúng tôi lại tìm nhau hành quân tiếp.

Bản Nabong, xưởng cưa, ngã ba Khottaben, sân bay Nongno, bản cháy, Phù khống, sân bay XaLaVan…những địa danh đó đã nuốt gần hết số quân của tiểu đoàn 3 tình nguyện bọn tôi. Trên bổ sung quân, đánh tiếp, hết quân lại được bổ sung đánh tiếp…một năm trời, đánh “ngược” từ mùa mưa sang mùa khô gần 360 ngày không nghỉ; từ KhôngSêĐôn đến XaLaVan…đơn vị sơ xác, cả tiểu đoàn hơn 500 quân, bổ sung 2 đợt tân binh nay còn chỉ còn ngót nghét trăm thằng gầy guộc, băng bó đủ kiểu…Đình chiến rồi bay ơi, tiếng anh lính tác chiến tiểu đoàn reo lên qua tổ hợp…mừng quá, anh Tươi - người lính già nhất ở đại đội 3 bật khóc…con lại được về với mẹ rồi.

Tháng 12 năm 1974, Bộ Tổng tham mưu lệnh sư đoàn 968 quân tình nguyện Việt – Lào để trung đoàn 39 ở lại Nam Lào, tất cả hành quân về Tây nguyên. Đường dây – đường Trường Sơn sao vui thế, quân đi như trẩy hội, í éo tiếng anh anh, em em của dân binh trạm sao nghe ngọt ngào thế. Trong lính bọn tôi không biết có mấy thằng đã được hôn em gái binh trạm?...chỉ biết khi lên xe cũng có em binh trạm chạy ra vẫy vẫy…và có những nụ hôn xẹt qua cháy bỏng.

Rời cao nguyên Nam Lào, lại lên cao nguyên Tây Nguyên; duyên phận người lính Hà Nội với hoa Dã Quỳ cứ như duyên kiếp ngàn năm…một màu vàng tươi sắc trong nắng gió cao nguyên, chạnh lòng…nhớ Hà Nội mùa thu.

Cả một sư đoàn 968 (thiếu) quân tình nguyện lật cánh từ Nam Lào về Tây Nguyên, tuy không có mở cờ giong trống nhưng cũng úp úp úp mở mở…bằng những lớp bụi đỏ bay đầy trời trên cung đường về Bắc Tây nguyên của một sư đoàn 471 ô tô vận tải chở sư đoàn bộ binh hành quân về Đức Cơ; dân giao liên, lính mới hành quân vào Nam đi sau chúng tôi nhiều anh chửi đổng vì có những đoạn bụi đất phủ đầy vệt xe chạy tới gần đầu gối là chuyện có thật.

Giờ dân khoác áo lính thời bình nói lính chiến bọn tôi nói phét. Một sư đoàn bộ binh (thiếu) không chỉ đánh hơn sức nó có được, mà còn đánh hơn cả 3 sư đoàn bộ binh gộp lại. Mị, Xuân xoan lính tình nguyện Việt – Lào thời KCCM nói phét không hà…

Mặc dân cổ cồn trắng thời bình, chúng đâu biết là huyền cơ trong mưu lược nhà binh, giờ nếu cần thì chạy sang Camphuchia đề nghị quân đội bạn giúp đào tạo lực lượng quân đội gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc.

Huyền cơ đến giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tướng Hoàng Minh Thảo, Vũ Lăng…chưa nói ra được vì…dám đánh mở màn không đúng chỉ đạo của Bộ chính trị.

Đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên không phải là hình ảnh hùng dũng của hơn 3 sư đoàn bộ binh thiện chiến (có trung đoàn 9 của sư 968 tham gia) cùng nhiều trung đoàn binh chủng hùng mạnh như tăng thiết giáp, pháo, đặc công, công binh… vào thị xã Buôn Ma Thuột không có lực lượng chủ lực Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ. Các cụ bảo 3 đánh 1 không chột cũng què, đây ta 5 đánh 1 không chiếm được thị xã mới là lạ.

Hình ảnh thật ngày đánh mở màn Chiến dịch Tây Nguyên thuần túy như muôn ngàn chiến dịch khác trước đó (khi chưa được gọi là đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975) chính là ngày 1 tháng 3 năm 1975 - Ngày Trung đoàn 19 đánh Đồn Tầm - Chốt Mỹ. Sư 10 hoặc sư 320, sư 316 hoặc bất kỳ sư đoàn thiện chiến nhất cũng không thể nằm ở vị trí chiến đấu của sư 968. Đây chính là huyền cơ mưu lược thần kỳ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thượng tướng Hoàng Minh thảo – Vũ Lăng. Chỉ có sư đoàn 968 (thiếu) mới đảm nhận việc nhân danh 3 sư thiện chiến đánh mở màn ở Pleiku; huyền cơ là ở đây, “nó là nó” nhưng không phải là nó chính là vậy.

Khi về miền Nam, tình báo đối phương đã theo dõi sát sao từng bước đi của sư đoàn 968. Báo chí Sài Gòn ngày ấy đã gọi sư đoàn 968 là “hùm sám Bô lô Ven” đã về Tây Nguyên. Khi cả Bắc Tây Nguyên ken đặc điện báo 15W của 3 sư đoàn (sư 10, sư 320, sư 968), thì sư đoàn 23 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đang cho Trung đoàn 45 thiện chiến nhất của sư lùng sục để tìm và diệt sư 10, sư 320 của Quân giải phóng Miền Nam ở quanh Buôn Ma Thuột.

Thời cơ không không nhanh cũng không chậm, tướng Hoàng Minh Thảo quyết định cho Bắc Tây Nguyên nổ súng để kéo địch ra khỏi Buôn Ma Thuột, hút toàn bộ sinh lực còn lại, kìm toàn bộ lực lượng thiện chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa về Pleiku. Ngày 1 tháng 3, Trung đoàn bộ binh 19 được tăng cường một trung đoàn pháo mặt đất (thiếu), một tiểu đoàn pháo cao xạ, một tiểu đoàn công binh đánh mở màn chiến dịch. 16 giờ 30 phút, 3 quả pháo hiệu được bắn lên bầu trời xanh ngắt của cao nguyên, hơn 30 phút, pháo binh nã dồn dập vào đồn địch, bộ binh mở cửa cửa mở xung phong đánh chiếm. 17 giờ 30 lá cờ quân giải phóng Miền Nam được kéo lên trong tiếng reo mừng của lính chiến binh bét thủa ấy.

Mười ngày sau đó, mới gọi là ác liệt, mới thật sự lính tình nguyện Việt Lào đánh trên sức mình, đánh bằng danh tiếng của 3 sư đoàn bộ binh: sư 10, sư 320, sư 968. Chỉ riêng cao điểm 605, lính các tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 quần nhau với các liên đoàn biệt động quân, trung đoàn 45 của sư 23 suốt ngày đêm. Bom, pháo hủy diệt chốt, có nhiều đại đội của trung đoàn chúng tôi bị xóa xổ. Nằm trên đỉnh cao, thỉnh thoảng vài mảnh cánh hoa Dã Quỳ còn sót lại bay xuống sau đợt bom rơi, ước ao được ngắm trọn vẹn một bông Dã Quỳ.

 30 tháng 4 năm 1975, cứ tưởng giã từ Tây Nguyên xuống đồng bằng với các em gái nhỏ ở cây số 9 Ba Ngòi…lính ta tranh thủ tạt ngang tạt ngửa nhà dân làm quen tính kế lâu dài; vì lính chuyên đánh rừng đâu biết con gái kinh đâu…đùng một phát, lên xe về Tây nguyên tiểu trừ Fulro, lại đít mốc, mốc dít. Duyên kiếp là trời định cho lính 968, lại lên rừng ngắm hoa Dã Quỳ…mơ nàng tiên cá quê nhà.
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM