Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:07:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nó và tôi  (Đọc 23148 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #50 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2014, 08:58:42 pm »

Nhân chuyện chó của bác NT và 6971 tôi cũng kể chuyện con chó nhà tôi

Số là năm 1992 vợ chồng tôi nhờ bạn bè giúp đỡ mua được 1 căn hộ ở Nghĩa Tân. Vì ham chơi nên chúng tôi chỉ có 1 thằng con trai và năm ấy cháu học lớp 6. Tôi là 1 thằng rất thích nuôi súc vật như chó và mèo. Sự thích đó cộng với việc muốn có con chó để cho thằng con bầu bạn. Đúng dịp phong trào nuôi chó cảnh đang ở thoái trào (đi là về là thấy cả lũ chó tây và chó ta tranh nhau bới rác), tôi xin được 1 con chó mầu xám mõm đen rất đẹp và đặc biệt rất dữ. Vợ tôi rất ngại sợ nó cắn trẻ con hàng xóm. Chẳng may mới nuôi nó được khoảng 2 tháng thì nó bị ốm. Chú hàng xóm tiếc của đem thịt, thằng con tôi khóc lăn khóc lộn, nó mách mẹ nó: " Bố bảo thương nó mà bố và chú Tiệc còn ăn thịt lại cười đùa nữa". Tổi bảo: " Tao thương nó nên mới ăn thịt để máu thịt nó ngấm vào tao cho khỏi quên"  Grin. Rồi sau đó bà mẹ nuôi con tôi cho 1 con chó không biết lai F mấy và tôi đặt tên là con Đốm. Đúng là giống chó có máu tây y như chó tây của bác NT, chẳng bao giờ sủa người lạ, ai đến cũng vẫy đuôi mừng, chỉ được mỗi cái đức không phải đưa đi vệ sinh, cứ mở tấm chắn ra là ton ton chạy vào toilet để giải quyết, chủ chỉ việc xịt nước xả là xong.

Năm 2002 chúng tôi chuyển nhà lần thứ 2 về khu Vĩnh Phúc hiện nay và con Đốm cùng chúng tôi về nhà mới. Những năm sau đó nó cũng đã già mặc dù vẫn nhai được xương nhưng đêm đến nó đau xương đau cốt nên rên rỉ cả đêm, cả nhà đi vắng thì nó tru như chó sói cho đến khi có người về, hàng xóm phàn nàn quá thể. Rồi cũng may bà mẹ nuôi con tôi xin lại nó để đưa về trang trại có chỗ rộng rãi chạy nhảy. Vợ chồng tôi theo xe vợ chồng bà chị lên trang trại ở gần Xuân Mai. Lúc ra về tôi cũng bùi ngùi vì mười mấy năm nó như là thành viên trong nhà. Nhớ những lúc bà vợ nói chuyện có những bữa chồng con không về ăn cơm, bà xúc 1 bát cơm ngồi ở thềm nhà ăn 1 bên là con mèo, 1 bên là con Đốm.

 Nhưng được hơn một tháng con Đốm bỏ ăn và ra đi, đó là năm 2006. Tôi đoán chắc nó bỏ ăn và chết một phần do già yếu còn đa phần nhớ đến chủ cũ. Đúng là khuyển, mã chi tình . Nó ở với chúng tôi hơn 13 năm. Người ta bảo: 1 năm tuổi chó bằng 7 năm tuổi người. Như thế nó đã ở tuổi 81 của con người.
 
Cậu Đốm nhà tôi.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Năm, 2014, 08:53:47 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #51 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2014, 11:45:26 am »

Kỷ niệm 67 năm ngày thương binh, liệt sĩ - 27/7/1947-27/7/2014


NGUYÊN ĐẠT SỬ
   

    Thực ra, họ của tôi là Nguyên, Nguyên Như cả đệm… chứ không phải là Nguyễn Như. Cái  họ khá lạ, đi nhiều nhưng chưa thấy ở đâu có họ Nguyên như quê tôi, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Có lẽ vì quá lạ nên khi khai sinh hay làm đăng ký hộ khẩu, các viên chức nhà nước tiện tay thêm luôn dấu ngã vào chữ Nguyên, thành thử cả nhà tôi đành miễn cưỡng phải cải họ.
     Nhưng ở dưới quê, họ Nguyên vẫn được giữ gìn. Họ Nguyên quê tôi có hai chi: Chi trên, đệm Nguyên Đạt…và chi dưới, đệm Nguyên Như.
    Lại nói về sự kiện Cây đa Đông Tảo năm Mậu tý, ngày 23 tháng mười âm lịch, tức ngày 23/11 năm 1948. Giặc Pháp sát hại hơn 40 đàn  ông trai tráng trong làng, có hai người may mắn sống sót: Cha tôi và người anh họ chi trên Nguyên Đạt.
    Cả làng hồi ấy bảo: Họ Nguyên nhà tôi có phúc lớn.
    Hai mươi bốn năm sau, tại chiến trường Quảng Trị có hai người lính họ Nguyên sát cánh bên nhau trong cùng chiến hào, đó là tôi, lính đại đội 12 hỏa lực, trung đoàn 101và Nguyên Đạt Sử, lính thông tin đại đội 18, trung đoàn 95, cùng  sư đoàn 325.
   Nhưng phúc bất trùng lai.
   Nguyên Đạt Sử đã mãi nằm lại tại chiến trường.
  Vào một sáng mùa hè oi bức, tôi sang bên kia cầu Vĩnh Tuy, xuống bãi sông Hồng bơi, tiện thể hái nắm rau tầu bay, mò mớ trai, trưa về nấu bát canh ăn giải nhiệt. Thói quen hậu cần tự túc có từ hồi chiến tranh thỉnh thoảng lại phát huy.
   Trở về nhà, tôi nhận được cú điện thoại của Nguyễn Dũng, nguyên lính sinh viên trường ĐHBK Hà Nội, nguyên lính thông tin C18, E95, hiện đã nghỉ hưu mà vẫn còn đơn chiếc. Hình như bao tâm trí của anh đều  dồn cả vào việc đi tìm hài cốt đồng đội, đến mức quên cả chuyện vợ con. Anh bảo:
-   Ông còn cuốn sách nào không ? Mang theo, đi với tôi một chuyến.
-   Nhưng mà đi đâu?
Tôi hỏi lại.
Anh nói:
-   Ngày mai ông đi với tôi về Hưng Yên. Anh em CCB chiến trường Quảng Trị tổ chức đại hội Hội Chiến Sĩ Thành Cổ. Chúng nó bảo, các ông lính sinh viên toàn viết về lính sinh viên. Đọc cứ như chiến trường Quảng Trị chỉ có lính sinh viên mà thôi. Rất tự ái. Ông đem hai cuốn sách của ông về cho họ đọc. Ông hay viết về đám lính “ lạc loài, chân đất, rũ bùn đứng dậy”, lần này bắt chúng phải tâm phục khẩu phục.
-   Nhưng Hưng Yên, huyện nào?
Tôi hỏi.
-     Khoái Châu.
Anh trả lời.
-   Ôi đúng quê tôi, được rồi, tôi sẽ đi cùng ông.
Tôi đồng ý.
          Nhân  có họa sĩ Lê Trí Dũng đang đến chơi, tôi rủ luôn, anh về Khoái Châu với tôi, anh cũng gốc quê Hồng Tiến, Bô Thời, tiện thể thắp cho các cụ mấy nén hương. Họa sĩ Lê Trí Dũng ok ngay. Chúng tôi hẹn nhau, sớm mai nhảy xe tuyến 208 về tận phố huyện. Nhưng đến phút chót, anh mắc việc đành cáo lỗi, nhắn tìm giúp một đồng đội trong binh chủng tăng thiết giáp năm xưa.
       Sáng hôm sau, cầm tấm vé  xe buýt miễn phí, tôi nhảy đại lên một chiếc đỗ bên đường, đến cầu Mai Động, bắt xe về Hưng Yên.
      Chừng một tiếng sau, xe qua Đông Tảo và xuôi về  phủ Khoái. Gần nửa thế kỷ tôi mới có dịp trở lại con đường này. Cảm xúc thật bồi hồi khó tả. Con đường đất đỏ bụi mù năm xưa, nay đã được trải nhựa phẳng lỳ.Vẫn hai hàng nhãn bên đường nhưng nay  đều đã lên lão cả. Những cây nhãn cổ thụ tỏa bóng mát gần kín cả con đường. Bức tranh quê tuyệt đẹp trong mắt người con xa xứ đã lâu ngày. Xe lướt êm  đưa tôi  trở về miền ký ức xa xưa thủa thiếu thời. Những năm xa gia đình, đi sơ tán, thiếu thốn trăm bề,  nhưng vẫn  rất vui vì tôi  được thỏa  thích  hòa mình với thiên nhiên theo đúng nghĩa…. “…Trên cánh đồng đay, con chim chiền chiện…” lời Bài ca đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý  cứ văng vẳng bên tai  như ru tôi vào thế giới tuổi thơ  đầy ắp những kỷ niệm.
   Chẳng mấy chốc, xe đã vào trung tâm thị trấn. Không còn bóng dáng của những ngôi nhà lụp xụp  nghèo nàn năm xưa, thay vào đó là những dãy phố với  nhiều nhà cao tầng, cửa hàng, cửa hiệu đua chen. Được qui hoạch khá cẩn thận, thị trấn như một thành phố thu nhỏ vậy. Chỉ mấy phút sau, tôi đã có mặt ở nhà Văn Hóa, nơi tổ chức đại hội của anh em cựu chiến binh Thành Cổ Quảng Trị.
  Vì được giới thiệu trước, nên tôi được Bùi Xuân Tuẫn, thay mặt anh em đón tiếp rất trọng thị. Trên khán trường long trọng, tôi tặng hai cuốn sách cho Hội Chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị  và nói: “ Hai cuốn sách này không phải viết bằng mực thông thường mà bằng máu và nước mắt của các đồng đội đã đổ xuống”. Cả hội trường vỗ tay. Khi biết tôi còn là con em của huyện nhà, họ càng thêm quí mến.
   Giờ nghỉ giải lao, một Hội Viên khá đẹp trai lại gần tôi và tự giới thiệu tên Minh, họ  Nguyên, em trai của liệt sĩ Nguyên Đạt Sử. Thì ra, Hội Chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị huyện Khoái Châu,  đã kết nạp cả những hội viên danh dự là con, em của các đồng đội đã hy sinh. Sau dăm câu hỏi han chi, cánh, họ mạc, Minh bảo, vậy em phải gọi anh bằng chú rồi. Tôi quá ngạc nhiên vì đến tận bây giờ mới biết có một  đồng đội, lại là cháu họ đã hy sinh tại Quảng Trị năm 1972.
   Bùi Xuân Tuẫn ( Chủ tịch hội CS Thành Cổ Quảng Trị, vừa được bầu, nhiệm kỳ thứ nhất  2014-2019), trong bộ quân phục bạc mầu, ngực đỏ chói huân, huy chương, chân tập tễnh vì thương tật vẫn không  ảnh hưởng nhiều đến vẻ lanh lợi, hoạt bát, đôi mắt tinh anh, giọng nói thuyết phục.
Anh kể:
  Ngày mồng 5/12/1972, trời  sầm sì, mưa rải rác, thời tiết rất xấu,  tôi và Nguyên Đạt Sử được lệnh đi thay cho  anh em ở trạm T1, Nguyễn Văn  Lực và Đào Văn Thưởng  tải gạo theo hỗ trợ.  Trạm thông tin hữu tuyến T1 bên bờ bắc sông Ái Tử (Sông Ái Tử chảy từ Cầu Ái Tử  tới đầu sân bay, cuối làng Trà Liên rồi đổ vào sông Thạch Hãn). Sau khi tái chiếm được Thành Cổ, địch cố đẩy quân ta khỏi thôn Tích Tường Như Lệ, bên bờ Nam sông Thạch Hãn. Trạm thông tin T1có nhiệm vụ đầu cầu nối thông tin với các anh em đang chiến đấu giữ từng tấc đất  bên kia sông, cam go và ác liệt. Đến thôn Cô Bác gần trận địa pháo phòng không 57 ly thì bất ngờ một đợt bom tọa độ đánh trúng đội hình.  Pháo cao xạ chẳng kịp phản ứng gì, mấy chiến sĩ hy sinh. Tôi, Lực và Thưởng may mắn không sao nhưng Sử thì ôm bụng kêu la, quằn quại . Chúng tôi vạch áo Sử ra xem, chỉ thấy một vết nhỏ bằng hạt ngô hơi rỉ máu bên bụng phải. Vậy mà Sử đau đớn khủng khiếp, toàn thân dần lạnh toát. Tôi vội bắn ba phát súng cấp cứu nhờ giúp đỡ. Ít phút sau, các chiến sĩ ở trận địa pháo  xuất  hiện . Họ mang đầy đủ bông băng  ra nhưng chẳng biết băng bó ra sao nữa, vì vết thương  không ra máu họ đành cho Sử uống ít rượu thuốc cho ấm người. Vội vã khiêng Sử về phẫu trung đoàn đặt tại khe Lấu  ( Khe Lấu – Hay còn gọi là khe Cóc, bộ đội nghe cóc kêu suốt ngày đêm nên gọi thế) xong, anh em trở lại trạm T1 làm  nhiệm vụ. Đến chiều thì bàng hoàng hay tin Sử hy sinh. Thật không thể tin nổi. Mộ anh được mai táng gần trạm phẫu, vậy mà mấy mươi năm rồi vẫn không tìm thấy, thật buồn! Sử hy sinh đúng ngày nhập ngũ tròn một năm.
   Anh họ tôi kể:
   Vào ngày giỗ liệt sĩ Nguyên Đạt Sử, đi ngang qua nhà, thỉnh thoảng lại thấy chị dâu tôi khóc hờ con nghe thật não lòng:
   “…Đau xót quá con ơi, khốn nạn quá con ơi….Con đi “nhảy dây” mà chết thì có khổ không hả con…”
   Trong số vốn từ nghèo nàn của người đàn bà suốt đời lam lũ ruộng vườn, không có chữ “rải dây” thông tin. Bà mường tượng con trai bà đi “nhảy dây” như mấy đứa trẻ chăn trâu hàng xóm mà thôi. Trò chơi chiến tranh mà con bà tham gia thật khó hiểu và quá tàn khốc.
     Ngày mồng 9/7/2014 sắp tới, tôi sẽ theo đoàn Nguyễn Dũng vào lại Quảng Trị. Nếu trời cho sức khỏe, tôi sẽ theo Bùi Xuân Tuẫn, Nguyên Đạt Minh, tách đoàn, cố cầy nát từng tấc đất  Quảng Trị một lần nữa, quyết tìm cho bằng được mộ của thằng cháu họ Nguyên: Chỉ “nhảy dây” mà chết có khổ không?

                                                                                                                                               Tháng 7,  năm  2014
                                                                                                                                                                        NT

P/S
  Anh em được mai táng tại khu vực phẫu E95 ở Khe Cóc nghe nói đã được quy tập, nhưng quy tập về đâu? Ai đã qui tập. Mấy chục năm rồi vẫn còn là ẩn số, khó tìm.


  
( Trái sang: Nguyễn Dũng, Bùi Xuân Tuẫn, Nguyên Như Thìn)
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2014, 04:31:57 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged
Vixuyen-hg
Thành viên
*
Bài viết: 260


« Trả lời #52 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2014, 07:53:47 pm »

Chào các bác các chú các Anh thành Quảng trị
Chào bác Nhu Thìn đọc những Trang bác viết thật cảm động
Sâu sắc từng lời từng chữ như cuốn hút người đọc như được sống cùNG
Những năm tháng hào hùng thế hệ cha Anh các bác đị trước là người Linh vi xuyên chúng
Em tiếp bước Trang sử của các bác thành Quảng Trị -chảo lửa Vị xuyên hai chiến trường
Sao gần giống nhau đến thế khi đọc những Trang nhật ký & ký ức của các bác các Anh
Thật súc động lệ tuôn nhìn lại chiến tranh đã đi qua lâu giờ như mới hôm qua
 Kính Chúc các bác các ccb  các Anh luôn mạnh khỏe vạn sự như ý
Em luôn theo cùNG các bác ạ ....
Logged
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #53 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2014, 09:18:18 pm »

LÂM "THÀY CÚNG", DŨNG "BA QUE"
[/b]
    
     Lính chiến chúng tôi đa phần đều có biệt danh. Mỗi biệt danh thường gắn với đặc điểm hình thức hay một giai thoại vui, buồn nào đó của mỗi người. Tiểu đội tôi mười lính thì  tám người có biệt danh. Nào là Bình “ Méo”vì cái miệng hơi lệch, Tân “Vịt” lạch bạch lại không biết bơi, Định “ Xịt” nói ngọng,  Khánh “Voi”, to con, Minh “Già” mặt khó đăm đăm, Hải “Sún”  răng xỉn vv…Ngay cả tôi, vốn là tác giả của nhiều biệt danh trên cũng không tránh khỏi bị gán thêm  đuôi cho cái tên cha mẹ đã khai sinh.
     Hồi ở chốt An Tiêm, Chợ Sải hướng đông ven Thành cổ Quảng Trị, ác liệt, căng thẳng, mệt mỏi, hàng tháng trời tôi chẳng thiết gì vệ sinh cá nhân, thành thử  cái áo tôi mặc từ màu xanh Tô Châu chuyển sang màu vàng của đất, anh em gọi tôi là “Công An” từ đó. Nhưng biệt danh đôi khi cũng luân chuyển như : “ Sự  luân chuyển tính cách của nhân vật  trong hoàn cảnh điển hình”, ở môn lý luận văn học mà tôi được học sau này, khi trở lại trường đại học. Có nghĩa là, cũng có lúc biệt danh  được thay đổi.
     Sau trận Cửa Việt, chúng tôi đi thu dọn chiến trường. Ngang qua một hố bom cũ nông choèn, tôi thấy lưng của một con tôm hùm. Mùa này biển động, thỉnh thoảng nước tràn bờ, rút đi để lại khá nhiều cua cá. Vội vàng vớ lấy cái xẻng Liên Xô, tôi chém luôn một nhát. Anh em hồi hộp theo dõi tôi xắn quần lội xuống  mò.  Nhấc lên, té ra là một chiếc đế giầy của lính Việt Nam Cộng Hòa. Vừa bực vừa xấu hổ, anh em trong tiểu đội được một phen cười ngả nghiêng. Từ đấy họ gọi tôi là Thìn “Tôm”. Vì khiêng súng  12,7 ly nhiều, dáng tôi  còng còng nên cái tên ấy xem chừng càng thêm hợp. Bằng chứng là nó theo tôi đến tận khi ra quân.
     Giữa tháng 7 vừa rồi, tôi cùng anh em trung đoàn 95 trở lại chiến trường Quảng Trị tri ân các liệt sĩ. Tôi mới ngộ ra rằng, biệt danh của lính tráng không phải là món hàng  độc quyền riêng  trung  đoàn 101 của tôi. Nhan nhản những cái tên hết sức kỳ quái: Thái “Bọ”, Tuấn “Giò chả”, Lâm “Thày cúng”, Dũng “Ba Que”vv…cứ đập vào tai  hàng ngày, trên suốt cả  chặng đường.
    Có biệt danh dễ hiểu lý do và nguồn gốc sinh ra. Chẳng hạn như Thái “Bọ”, vì anh là dân Quảng Bình, tiếng địa phương,  gọi bọ là bố. Tết năm kia, Thái “Bọ” lọ mọ cùng Nguyễn Dũng vào Thành Cổ Quảng Trị, đón năm mới. Hay như Tuấn “Giò Chả” , từ ngày ra quân, Tuấn lấy nghề giò chả mưu sinh. Nhân đợt vào  Quảng Trị năm 2011, chương trình có tên “ Thành Cổ Quảng Trị, trái tim  bạn và tôi”, Tuấn “Giò chả” mang một tạ sản phẩm của nhà làm được vào Thành Cổ, cùng anh em đặt 81 mâm cơm cúng đồng đội. Mấy năm nay, cứ vào dịp tháng bảy, anh lại từ Hà Nội  lặn lội đến di tích trường Bồ Đề tại thị xã Quảng Trị, sắp một mâm cơm thắp hương  cho 36 đồng đội C3, D4 của anh hy sinh trận ngày 10/8/1972. Mâm cơm ấy không thiếu món giò chả tự tay anh làm.
   Nhưng còn nhiều biệt danh rất khó hiểu,  chẳng hạn như : Lâm “Thày cúng”, Dũng “Ba Que”. Tốt nhất là nên hỏi Minh “Sứt” ngươì đã đặt ra những biệt danh ấy. Song, rất tiếc , Minh “Sứt” vừa “hy sinh” năm ngoái mất rồi.
  Nhân một buổi trà dư, tửu hậu, tôi hỏi thẳng Lâm “Thày Cúng” cái tên khiến tôi lăn tăn mãi đến giờ. Lâm chưa kịp trả lời, Dũng “Ba Que” lên tiếng:
-   Để tao giải thích cho
   Chuyện là thế này, anh em mình nằm trong chốt ăn pháo kích của địch như cơm bữa. Cứ mỗi lần nghe tiếng rít gió của trái phá sắp tiếp đất , ruột gan cứ thắt lại. Hãi nhất là pháo khoan, chỉ nghe ục một cái, hầm đảo như đu võng. Vô phúc mà dính một quả thì… mà  pháo nào cũng vậy thôi…hầm làm sơ sài sức mấy mà chịu nổi. Lâm “Thày Cúng”, rúc vào một góc hầm lẩm bẩm : “ Lạy trời, lậy phật, đạn rơi đâu thì rơi đừng rơi vào hầm con…lậy giời lạy phật…”
    Hắn khấn vậy khá hiệu nghiệm, đạn nổ quanh mà vẫn  chừa hầm của hắn ra.
    Một lần, cả tiểu đội dọn cơm chuẩn bị ăn, Lâm “Thày Cúng” bê luôn xoong cơm đi chỗ khác cách đấy hơn chục thước tuyên bố hôm nay ăn ở đây. Cả bọn rất bực đành lục tục theo hắn. Dăm phút sau, một quả trái phá nã đúng chỗ vừa di dời. Cả tiểu đội xanh mắt. Từ đấy hắn phán như thánh sống .
    Nghe Dũng kể xong, Lâm “Thày Cúng” bảo:
-   Sai bét.
    Dũng “Ba Que” cãi lại:
-   Vừa hôm nọ mày chả kể cho lão Đinh Thế Huynh như thế là gì.
    Lâm “Thày Cúng” nói: Thực ra là thế này…
     Tóm lại cũng quanh quẩn chuyện tâm linh,  khấn bái mà thôi. Anh mang biệt danh ấy quả là chí lý.
     Tay nghề cúng bái của anh được “mê tín”, đến tận giờ. Cứ mỗi dịp vào Quảng Trị hương khói cho đồng đội, không thể thiếu một tay Lâm “Thày Cúng”.
      Vậy đã rõ, thế còn Dũng “Ba Que”?
    Tôi quen Dũng “Ba Que” gần hai năm nay. Trước đấy, tuy chưa gặp mặt đã  nghe nhiều về anh. Rằng có một lính sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cứ mỗi sáng đầu giờ làm việc lại đặt một bông hoa bên đài tưởng niệm Sinh Viên Chiến Sĩ trong khuôn viên của trường.
     Rằng vì lý do nào đó, đến  giờ anh vẫn chưa lập gia đình riêng. Dường như, bao tâm trí và tiền bạc anh đều dồn vào việc đi tìm hài cốt của các đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường.
     Đến tận cuối năm 2012 tôi mới có dịp gặp anh tại hội trường trường ĐHBK. Người cựu binh của đại đội 18 thông tin, trung đoàn 95, sư đoàn 325 ấy có mái đầu trắng, đôi mắt lúc nào cũng như đang dõi về chốn xa xăm, bộ ria bàng bạc rất phong trần. Ăn mặc giản dị. Nói năng thì bộc trực rất khó lọt tai.
     Nghe nói anh đã góp phần đưa gần trăm bộ hài cốt  về với gia đình liệt sĩ. Thật đáng nể. Tướng Lê Khả Phiêu có mặt lúc đó cũng phải có đôi  lời ngợi khen. Anh đã làm vợi đi  nỗi đau cho các thân nhân của những đồng đội xấu số trong cuộc chiến tàn  khốc .
      Nhiều lần, anh đón năm mới tại Thành Cổ Quảng Trị. Trong thời khắc giao mùa của đất trời, anh thắp hương cho những anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chốn linh thiêng , cho họ bớt quạnh quẽ. Ngoài kia, nhà nhà đang xum vầy đón tết tưng bừng.
      Nhiều lần, chàng “Hiệp sĩ” tóc bạc này, một mình từ Hà Nội vào chiến trường xưa, cóp nhặt từng thông tin nhỏ nhoi cuả đồng đội đã ngã xuống. Không một ai trong sư đoàn của tôi lại quen nhiều “công dân” Quảng Trị như anh. Từ quan chức đương  nhiệm,  mãn nhiệm, hàng tỉnh đến cấp phường, xã. Từ người quản trang đến nhân viên bảo tàng vv…Họ coi anh như người nhà, nhắc đến tên anh, mắt họ sáng ngời, nói chuyện về anh mãi không dứt.
    Tìm được thông tin liệt sĩ rồi, chắp nối với gia đình họ cũng chẳng dễ dàng gì. Nguyễn Văn Quang em của liệt sĩ Nguyễn Văn Bình C6, D5  kể:
    Cứ đến đêm em lại thấy một số điện thoại lạ gọi đến. Em sợ không dám cầm máy. Nhưng cái số điện thoại lạ ấy vẫn kiên nhẫn  gọi về hàng đêm, cho tới lúc em mạnh dạn trả lời. Người đầu máy lạ mắng luôn: “ Mày là tướng tá gì mà sao không nghe máy. Tao cho mày biết tin tức thằng anh mày đang nằm ở Quảng Trị đây”. Hóa ra anh Dũng  gọi. Nhân đây, em xin lỗi anh ạ…
      Sau lần giáp mặt ở trường ĐHBK ấy, tôi sớm quen và thân anh. Anh rất quý tôi bởi cách tôi tri ân đồng đội qua từng trang viết. Tuy khác anh về hình thức nhưng  chí hướng thì đồng lòng.
      Nguyễn Dũng có một ước muốn dẫn một đoàn cựu chiến binh và thân nhân của các liệt sĩ trở lại chiến trường xưa. Nhiều người vì nhiều lý do, trong đó có cả khó khăn tiền bạc, chưa một lần được đến đúng nơi mà cha, anh họ đã từng anh dũng chiến đấu và hy sinh. Đồng cảm với mong muốn của anh, cựu chiến binh Đặng Thế Minh, một doanh nhân thành đạt, người đứng đầu Công ty cổ phần y tế quốc tế Việt Minh  đã tài trợ cho chuyến đi.
     Dũng bảo, tôi  sẽ cho cả mấy sinh viên, đoàn viên ưu tú của trường Bách Khoa đi cùng. Tôi muốn cho thế hệ sau biết cha, anh của chúng đã đổ xương máu để thống nhất đất nước ra sao và trách nhiệm của chúng phải giữ gìn tổ quốc thế nào?
     Chuyến đi ấy đã thành công ngoài mong đợi.
     Đấy, chân dung thằng bạn tôi là như thế, vậy mà chẳng hiểu sao nó lại  bị gán cho biệt danh là “Ba Que” xỏ lá có oan không?  Đáng phải gọi là Dũng  “Tử Tế” mới xứng đáng.
   Đem thắc mắc hỏi mấy chiến sĩ đi cùng, họ cười ồ nói:
  Thế ông không biết Nguyễn  Dũng  còn được gọi là Dũng “Tử Tế” à.
  Có vậy chứ, nhưng tôi vẫn thắc mắc vì sao từ “Tử Tế” lại biến thành “Ba Que”.
    Anh em bảo, các đồng đội may mắn sống sót trở về, đa phần là tử tế. Kẻ ít, người nhiều, chung tay làm vợi đi nỗi đau mất mát của các gia đình liệt sĩ. Song cũng không thiếu kẻ “ba que”, với những kẻ đó, Dũng nhà mình đối xử còn “Ba Que” gấp đôi.

   Cái khoản “ đi với ma mặc áo giấy ấy”, tôi phải tôn anh làm đại ca.
   Vào Quảng Trị với anh em trung đoàn 95 lần này, tôi đã vỡ ra được nhiều điều.
  Ấn tượng nhất vẫn  là:  Lâm “Thày Cúng”,  Dũng “Ba Que”.
                                                                            
                                                                                                                Tháng 7/2014
                                                                                                                                   N T




      
          Từ trái sang: Lâm "Thầy Cúng", Dũng "Ba Que"
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2014, 08:10:05 pm gửi bởi nhuthin » Logged
nhuthin
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #54 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2014, 07:43:01 am »

KỶ NIỆM NGÀY SINH VIÊN NHẬP NGŨ 6/9/1971-6/9/2014

Thay lời tạ từ M&H


 



NGƯỜI LÍNH GIÀ VÀ NHỮNG "ĐỨA CON MUỘN'
  
Hai tập hồi ức chiến tranh “Nó và Tôi- Một thời hoa lửa”, “Trăng khuyết” của tác giả Nguyễn Như Thìn ra mắt cách nhau đúng 2 năm- tháng 4.2012 và 4.2014. Tôi đọc một mạch trong đêm mỗi tập, không hẳn vì sách mỏng mà vì không dứt được.
 Một người lính trận đã già, tuy “sinh con muộn” nhưng thật bõ công thai nghén.
 Như mới hôm qua
 Tôi và anh cùng nhập học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tháng 11.1975. Chúng tôi là học sinh phổ thông ở các miền quê về Hà Nội. Anh và nhiều đồng đội khác từ chiến trường mới im tiếng súng trở lại giảng đường. Sinh viên tỉnh lẻ nội trú. Anh người Hà Nội ngoại trú mà lại sống ở phố Nguyễn Hữu Huân. Chúng tôi nghĩ về anh với cái nhìn ngước lên trong khái niệm vật chất, sung sướng. Ra trường, anh về làm việc trong ngành điện ảnh. Lâu ngày gặp nhau, bạn bè nói anh vẫn thế, không có gì đặc biệt. Thế rồi một ngày…
 
 Tháng 4 năm 2012, Nguyễn Như Thìn ra mắt tập hồi ức chiến tranh đầu tiên “Nó và Tôi- Một thời hoa lửa”. 20 câu chuyện trong giới hạn chưa tới 170 trang nhưng đứa con tinh thần sinh muộn của người lính trận đã ngoài 60 tuổi này khiến tôi và nhiều bạn học, đồng nghiệp thẫn thờ khi đọc từng trang cho đến lúc gấp sách lại.
 Thẫn thờ vì quá khứ trận mạc đầy bi hùng, chân thực và sống động, nhất là thời mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972, sao anh cất trong ba lô lâu thế. Thẫn thờ vì ngòi bút văn chương muộn của anh về bom rơi đạn nổ vẫn khiến nhiều người đọc không cầm được nước mắt. Tập thứ hai vừa mới ra mắt “Trăng khuyết” cũng gồm 20 câu chuyện trong chưa tới 200 trang.
 Với bạn đọc không quen tác giả, qua 2 tập sách được dịp “vào trận” với nhân vật “tôi” cùng không quá nhiều đồng đội của anh trở đi trở lại qua các tên gọi nhắc đến nhiều thành quen như Khánh voi, Minh già, Tân vịt, Định xịt, Sơn mốc… Họ hiện ra như mới hôm qua.
 Với tôi, sách của anh mở mắt cho tôi nhiều điều. Một hình ảnh hoàn toàn mới và khác về người anh ngồi cùng 4 năm trên ghế giảng đường. Trong cuộc sống đầy bận bịu về những ham hố vật chất, danh vọng này... vẫn còn những người lính già như anh luôn đau đáu trả nợ ân tình đồng đội “chết cho mình được sống”, vậy mà chúng ta, thế hệ đi sau được hưởng nguyên nền hòa bình phải trả bằng biển máu của lớp người đi trước, sao nỡ dễ quên?!
 Nguyễn Như Thìn từ một sinh viên khoa Toán cơ nhập ngũ nhưng trở lại giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngồi ở ghế khoa Ngữ văn. 3 cuốn sổ ghi chép qua 4 năm trận mạc đã khiến anh đi tới quyết định ngược nghề ấy. Người đầu tiên khuyến khích anh “mở ba lô có 3 cuốn ghi chép” là GS Hà Minh Đức. Nhưng nó vẫn còn được giấu kín mãi tới năm 2009, khi đã bắt đầu có tuổi, khi cái thứ sợ còn hơn sợ chết thời quân ngũ bắt đầu hiện hình trong anh- sự đày đọa thân xác.
 Di chứng của những lần vác nặng trong các cuộc hành quân dài ngày giữa cái nắng miền Trung, trèo đèo lội suối, hai vai phồng loét khiến năm ấy anh phải về hưu sớm. Hôm nay ngồi nói chuyện với tôi, anh bảo xương sống của anh bây giờ đỡ riêng trọng lượng cơ thể đã như quá tải. Anh cảm nhận rõ ràng sự hối thúc phải viết để “trả ân tình những thằng bạn đã chết cho mình được sống”.
 Lay động bởi tính thật
 Sức hấp dẫn ở những câu chuyện hồi ức của Nguyễn Như Thìn trước hết là tính thật. Mọi địa danh, trận đánh, mọi nhân vật, từng câu chuyện đều là thật. Là các trận anh trực tiếp tham dự. Là nỗi sợ hãi có thật của người lính trẻ lần đầu vào trận. Là những cái chết muôn kiểu theo tính năng sát thương của bom đạn diễn ra ngay trước mắt anh. Là chiếc ba lô của người lính từ chiến tuyến bên kia bỏ mạng, anh nhặt được trong một trận đánh ở Cửa Việt rồi theo anh vào tận Sài Gòn ngày 30.4.1975, ngược ra Bắc, nằm thu mình trong nhà anh giữa Hà Nội như một nhân chứng lặng thầm đại diện cho cả hai phía trong cuộc chiến tranh dai dẳng, đẫm máu.
 Tác giả Nguyễn Như Thìn nhập ngũ tháng 9.1971. Ngày huấn luyện tân binh anh cùng tiểu đội với Nguyễn Văn Thạc, tác giả “Mãi mãi tuổi 20”. Anh thuộc tiểu đội 12ly7, Đại đội 12 trợ chiến Trung đoàn 101. Đơn vị anh tham gia trận đánh đầu tiên ở Thành cổ tháng 8.1972. Ngay trận đầu, tiểu đội anh đã hy sinh quá nửa.
 Tính thật trong sách của Nguyễn Như Thìn làm động lòng độc giả nhiều hơn bởi lẽ mọi câu chuyện anh đều viết mãi sau này, chắp nối quá khứ - hiện tại, miêu tả cuộc sống đồng đội sau chiến tranh với đủ các cung bậc sướng khổ theo hoàn cảnh của mỗi người.
 Hồi ức quá khứ gần 40 năm với những câu chuyện trận mạc bi hùng và chuỗi thời gian tiếp nối tới hiện tại ở từng số phận có thật nâng giá trị tác phẩm của người lính già ở tầm nhân sinh quan cao hơn, nhất là về lẽ sống thời đương đại không chỉ của một người, một thế hệ mà của cả một đất nước, một dân tộc.
 Gần 40 năm sau mới được đọc, phát hiện ra một Nguyễn Như Thìn hoàn toàn khác, chúng tôi, bạn học cũ, thực lòng thấy có lỗi khi hồi ấy học cùng các anh mà chẳng hiểu mấy về các anh. Trong lớp còn có anh Lê Đỗ Khanh- lớp trưởng Văn B khóa 20, cựu lính trinh sát pháo binh Sư đoàn 325, sau về làm giảng viên khoa Xuất bản Học viện Báo chí tuyên truyền- không lấy vợ, năm 2009 chết cô đơn trong phòng không ai hay.
 Anh không chịu lấy vợ có lẽ bởi anh biết mình dính chất độc da cam, chúng tôi đau lòng nghĩ thế. Chúng tôi đã không hiểu, không cùng dòng cảm xúc với các anh khi ngồi trên giảng đường nhìn ra khung cửa ngắm bầu trời xanh hay nghe tiếng ve kêu liên tưởng tới những mối tình mình đã có hoặc tưởng tượng; còn các anh, vẫn những khung cửa ấy, bầu trời ấy, tiếng chim ấy lại gợi lên hồi ức về những cái chết của đồng đội, về những tấm bia bằng tôn đục sẵn mẫu ghi, là số huyệt đào trước mỗi trận đánh…
 Đọc 2 tập hồi ức chiến tranh của Nguyễn Như Thìn, điều đọng lại như thứ cô đặc nữa là tình cảm giữa những người lính không chỉ thời trận mạc mà cho đến tận hôm nay- khi tất cả đã về già. Những con người tuy số phận khác nhau nhưng có chung một khuôn mặt- sự chung tình đúng nghĩa đồng đội thời trận mạc.
  
ĐỨC NGUYỆN
Nguyên phó tổng biên tập báo Nông  Thôn Ngày Nay
Báo Dân Việt số ra ngày 3/5/2014

« Sửa lần cuối: 06 Tháng Chín, 2014, 07:56:52 am gửi bởi nhuthin » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM