Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:35:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 9  (Đọc 72178 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #100 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 09:46:28 pm »

Đến những năm cuối chiến tranh, vùng giải phóng được mở rộng, nối liền các căn cứ địa, vùng giải phóng ở rừng núi từ Trị - Thiên tới Khu 5, Tây Nguyên vào tới miền Đông Nam Bộ, vây quanh thành phố Sài Gòn, có tuyến nối liền với đồng bằng sông Cửu Long, trở thành hậu phương chiến lược tại chỗ vững chắc của cách mạng miền Nam(1) nói chung và hậu phương trực tiếp của các binh đoàn chủ lực nói riêng. Dựa vào đó, sau khi củng cố và tăng cường lực lượng, chuẩn bị thế trận, các binh đoàn chủ lực mở cuộc tiến công mãnh liệt giải phóng Tây Nguyên, tiến nhanh xuống đồng bằng, cùng quân và dân cả nước mở cuộc tiến công thần tốc giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung, góp phần tạo nên tính thần tốc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tạo nên thế và lực áp đảo đối phương trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hậu phương tại chỗ còn là một trong những nhân tố cơ bản để xây dựng thế chiến lược của chiến tranh nhân dân. Đó là thế trận xen cài giữa vùng ta và vùng bị đối phương tạm thời kiểm soát, bao gồm những cơ sở cách mạng, căn cứ lõm, khu du kích, vùng làm chủ, vùng căn cứ, vùng giải phóng được xây dựng thành hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam, thành địa bàn triển khai các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị một cách tương đối hợp lý trên khắp các vùng chiến lược. Trên các địa bàn chiến lược, lực lượng vũ trang ba thứ quân được bố trí thành thế trận liên hoàn, có chiều sâu, chi viện và hỗ trợ cho nhau thuận lợi, bảo đảm việc kiềm tỏa, bao vây, chia cắt và tiêu diệt đối phương. Ở các căn cứ địa, vùng giải phóng, các đại đội vũ trang được xây dựng làm nòng cốt trong việc phát triển chiến tranh du kích, hợp đồng với các đơn vị đóng trong khu vực và du kích tự vệ tác chiến tại chỗ bảo vệ căn cứ, bảo vệ nhân dân. Ở các vành đai diệt Mỹ, phong trào chiến tranh du kích đã đưa quân Mỹ vào “ma trận”, ở trong căn cứ thì không yên, ra khỏi căn cứ không vấp phải mìn, thì cũng bị bắn tỉa, đêm đến co cụm ở chỗ nào cũng bị tập kích; đi đến đâu cũng vấp phải những lối đánh mưu trí, kỳ lạ của cuộc chiến tranh nhân dân thiên biến vạn hóa, mỗi xóm làng, mỗi gò đồi đều trở thành một thế trận thiên la địa võng chụp bắt, tiêu diệt quân thù. Thế trận chiến tranh nhân dân đã làm cho Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, suốt cuộc chiến tranh, luôn lâm vào thế tình thế giằng co, mâu thuẫn giữa chiếm đóng và cơ động, giữa phân tán và tập trung, giữa phòng ngự và tiến công, giữa bình định và tìm diệt, rồi cuối cùng chúng buộc phải thua.

Hậu phương tại chỗ là nơi tiếp nhận, bảo quản, phân phối vũ khí, phương tiện chiến tranh và các vật phẩm khác tư hậu phương miền Bắc chuyên vào. Hầu hết mạng đường chiến lược Trường Sơn chạy qua các khu vực hậu phương của chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, vào tới Lộc Ninh của chiến trường miền Đông Nam Bộ. Hệ thống căn cứ hậu cần, kho chứa, trạm sửa chữa, khu vực tập kết bộ đội... cũng được bố trí ở các vùng giải phóng, vùng căn cứ men theo trục dọc, trục ngang và mạng đường nhánh chiến dịch thuộc tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn và hệ thống các đường trục trong khu vực căn cứ, vùng giải phóng. Ở vùng ven biển miền Nam, dựa vào sự che chở của nhân dân, sự giúp đỡ của chính quyền và đoàn thể cách mạng vùng giải phóng, một số bến bãi, kho chứa tiếp nhận vũ khí do miền Bắc chi viện bằng đường Hồ Chí Minh trên biển đã được xây dựng ở Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Các đơn vị vũ trang, binh chủng kỹ thuật, lực lượng đặc biệt (giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ dân, chính, đảng...) từ miền Bắc vào được hậu phương tại chỗ tiếp nhận, bố trí sử dụng(2).

Trong chiến tranh cách mạng Việt Nam, việc xây dựng và giữ vững căn cứ địa, mở rộng thành vùng giải phóng, dựa lưng được vào căn cứ, vùng giải phóng của cách mạng Lào và Campuchia, tạo thành hậu phương tại chỗ trên chiến trường miền Nam, là một nhân tố quan trọng quyết định trực tiếp thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam(3). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta giúp cách mạng Lào về xây dựng lực lượng cách mạng về vật chất, về xây dựng và giữ vững căn cứ địa, vùng giải phóng. Ta giúp bạn mở rộng và củng cố các căn cứ, tạo thành thế hai bên cùng có thể đứng vững, dựa lưng vào nhau. Trên cơ sở này, ta xây dựng tuyến vận tải quân sự chiến lược đông - tây Trường Sơn nối liền căn cứ địa - hậu phương lớn miền Bắc với hậu phương tại chỗ miền Nam và căn cứ cách mạng của hai nước Lào, Campuchia, tạo thành một hệ thống căn cứ địa - hậu phương liên hoàn, ngày càng rộng lớn, vững mạnh. Với Campuchia, ta đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền trung lập của Vương quốc, thu mua được một số vật chất, nhất là lương thực, thực phẩm để cung cấp cho chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên, sử dụng được cảng Xihanúcvin để tiếp nhận một số hàng viện trợ theo đường biển quốc tế. Ta chi viện về vật chất, trợ giúp về kỹ thuật và phối hợp cùng lực lượng cách mạng Campuchia đánh bại các cuộc hành quân của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa, quân của Lon Non, mở rộng vùng giải phóng gồm nhiều tỉnh. Vì vậy, liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia dần dần được hình thành. Căn cứ địa, vùng giải phóng miền Nam và các căn cứ, vùng giải phóng của cách mạng Lào và Campuchia đã dựa lưng được vào nhau, tạo nên thế trận hậu phương vững chắc của chiến tranh cách mạng cả ba nước Đông Dương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam là một trong những nhân tố cơ bản để xây dựng và tăng cường tiềm lực, sức mạnh của cách mạng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, cuộc kháng chiến giằng co quyết liệt, liên tục với đối phương để bảo vệ, giữ vững và mở rộng căn cứ địa - hậu phương tại chỗ là nhiệm vụ thường xuyên của đảng bộ, của lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương.

Việc xây dựng căn cứ địa, vùng giải phóng trên các chiến trường được tiến hành từng bước, với quy mô, hình thức phù hợp tùy thuộc vào so sánh lực lượng giữa ta và đối phương trên từng vùng, từng địa bàn(4): vùng rừng núi, vùng giải phóng, vùng nông thôn đồng bằng đông dân nhiều của. Nhưng, điều cốt yếu mà chúng ta đã rút ra được là phải biết tin vào nhân dân, dựa vào “thế trận lòng dân”, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân, xuất phát từ quyền lợi, nguyện vọng và ý chí của nhân dân mà tìm ra các hình thức và biện pháp xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng trong nhân dân, phát động nhân dân đẩy mạnh đấu tranh, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và bảo vệ hậu phương tại chỗ ngày càng lớn mạnh.

Thực tiễn cách mạng miền Nam cho thấy, khi nào và ở đâu mà công tác xây dựng, bảo vệ và mở rộng hậu phương tại chỗ được chú trọng thực hiện tốt thì khi ấy và ở đó, các nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng lực lượng sẽ đạt kết quả rõ rệt, to lớn. Ngược lại, nếu nơi nào, lúc nào, việc chỉ đạo xây dựng và bảo vệ hậu phương tại chỗ bị buông lỏng, để cho đối phương lấn đất, giành dân, thu hẹp hậu phương tại chỗ thì nơi đó, lúc đó, lực lượng cách mạng ắt bị tổn thất, thế trận chiến tranh nhân dân bị sa sút, cách mạng miền Nam bị uy hiếp nặng nề. Đây là một trong những bài học luôn và mãi còn giá trị khi chúng ta tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra trong tương lai.


(1) Xem Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.217.
(2) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hậu phương tại chỗ đã tiếp nhận 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đoàn binh khí kỹ thuật (1959 - 1975), 1.647 cán bộ dân y (1961 - 1975) do miền Bắc chi viện, chủ yếu qua tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
(3) Xem Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.222.
(4) Xem Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.218.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #101 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 09:48:47 pm »

III - MỞ CÁC TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC CHI VIỆN NHÂN LỰC, VẬT LỰC
TỪ HẬU PHƯƠNG LỚN MIỀN BẮC CHO TIỀN TUYẾN LỚN MIỀN NAM

Đồng thời với xây dựng lực lượng chiến lược miền Bắc, đáp ứng nhu cầu nhân lực và vật lực - yếu tố quyết định nhất bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngay từ rất sớm Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định xây dựng hệ thống đường vận tải chiến lược để chuyên chở nguồn lực đó đến hầu khắp các địa bàn chiến trường miền Nam.

Ngay từ Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) mở rộng, đã khẳng định: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, miền Bắc phải đẩy mạnh chi viện cho miền Nam. Trong điều kiện đó, đường dây thống nhất Bắc - Nam không còn phù hợp. Hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ chỉ có thể huy động đầy đủ vai trò, tác dụng và sức mạnh khi nó được nối liền bằng hệ thống giao thông thông suốt. Đất nước ta dài và hẹp, nhân dân miền Bắc còn nghèo, Mỹ là nước giàu và có tiềm lực kinh tế, quân sự và nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại… Vì vậy, việc mở tuyến vận tải nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam là cấp thiết và rất khẩn trương, song cũng đầy khó khăn, thử thách cam go và ác liệt.

Theo đó, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Đoàn 559 (5-1959), với nhiệm vụ cùng với đường dây của Ủy ban Thống nhất, tạo nên tuyến vận chuyển bộ đầu tiên, nối liền Bắc - Nam, tổ chức đưa người và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam, trước mắt là cho Liên khu 5; tiếp đó, thành lập Đoàn 759(1), với trọng trách mở tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển - đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa vũ khí, đạn dược và trang bị quân sự cho chiến trường miền Nam. Thời gian đầu, tuyến vận tải đường bộ chủ yếu làm nhiệm vụ giao liên và sử dụng phương thức gùi thồ vận chuyển được một số hàng hóa đưa vào chiến trường an toàn. Nhưng đối với tuyến vận tải trên biển hoạt động rất khó khăn, do hải quân Mỹ và hải quân Việt Nam Cộng hòa tuần tiễu, kiểm soát trên biển rất ngặt nghèo. Tuy niên, bằng nhiều biện pháp, mở nhiều tuyến ven biển, thậm chí đi vòng qua tây hoặc đông quần đảo Trường Sa, một số chuyến đi có tính trinh sát, “thám hiểm” của Đoàn 759 đã vào được Nam Bộ. Tiếp đó, theo chỉ thị của Bô Chính trị, từ giữa năm 1961, các thuyền gắn máy có trọng tải 4 đến 5 tấn của các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh… lần lượt ra miền Bắc để tiếp nhận vũ khí vận chuyển vào địa phương mình.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 11-10-1962, tàu Phương Đông 1 của Đoàn 759 được lệnh rời bến Vạn Sét (thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng) chở 30 tấn vũ khí vào Nam Bộ. Đến ngày 19-10-1962, tàu Phương Đông 1 đã cấp bến Vàm Lũng (xóm Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Năm Căn, Cà Mau) an toàn. Tính từ tháng 10-1962 đến tháng 5-1975, tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển mang tên Hồ Chí Minh đã vận chuyển được 106.317 tấn vũ khí, hàng hóa quân sự và 17.700 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam. Dù còn rất khiêm tốt về số lượng, song đây là những vũ khí được chuyển đến những chiến trường trọng điểm mà tuyến vận tải Trường Sơn chưa vươn tới được (Nam Bộ, chiến trường ven biển Nam Trung Bộ và Khu 5), vào những thời điểm cam go nhất của phong trào cách mạng miền Nam - thời điểm trước và sau cuộc Đồng khởi. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã đánh giá: “Có thể nói, quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến trường bằng đường biển, là thể hiện sự quan tâm trực tiếp, sâu sát và tài thao lược của Đảng ta. Đó vừa là sự kế thừa kinh nghiệm truyền thống lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời là sự sáng tạo mẫu mực, tạo nên nét độc đáo giá trị của nghệ thuật quân sự trong giai đoạn rất khó khăn, gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, giữa lúc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đòi hỏi vũ khí đạn dược để đánh giặc rất cấp bách, có tính chất sống còn của phong trào Đồng khởi, mà ở đó vận tải đường Trường Sơn chưa có khả năng vươn tới được”(2).

Như vậy, sức mạnh của hậu phương miền Bắc đã bước đầu trực tiếp góp phần rất quan trọng cho thắng lợi của phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam (1960). Đây cũng chính là cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị (1-1961). Nhu cầu tăng cường cán bộ, đẩy mạnh tiếp tế vũ khí, tài chính cho cách mạng miền Nam được đặt ra một cách cấp bách hơn nữa.

Nhận thấy những khó khăn rất lớn của tuyến vận tải quân sự trên biển, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng tăng cường lực lượng cho Đoàn 559, mở rộng tuyến vận tải quân sự Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh theo hướng: kiên trì giữ vững hành lang phía đông, đồng thời khẩn trương mở thêm hành lang phía tây Trường Sơn, về phương thức vận tải: mạnh dạn kết hợp vận tải cơ giới với vận tải thô sơ (xe đạp thồ, gùi) và khai thác vận chuyển bằng bè mảng trên sông suối.

Với lực lượng được tăng cường là những đơn vị từng có ít nhiều kinh nghiệm trong việc mở đường lên Tây Bắc, Điện Biên thời kháng chiến chống Pháp, tuy dụng cụ và phương tiện mở đường lúc đó mới chỉ là những cuốc xẻng, xà beng, quang sọt là chủ yếu, nhưng với ý chí quyết tâm cao nhất, tinh thần thi đua lao động sáng tạo, đến giữa năm 1964, Đoàn 559 đã tạo dựng được địa bàn hoạt động từ tây Quảng Bình đến Ngã ba biên giới, mở được một số tuyến, thành lập một số cung trạm, hình thành nên tuyến hành lang vận tải nối liền hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam. Đồng thời, cũng từ năm 1961 đến năm 1964, Đoàn 559 đã vận chuyển được gần 3.000 tấn vật chất các loại và bảo đảm hành quân cho 12.000 lượt cán bộ quân - dân - chính - đảng qua lại đường Trường Sơn.


(1) Theo Quyết định số 97/QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày 23-10-1961.
(2) Bộ Quốc phòng - Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh - Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.263.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #102 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 09:50:40 pm »

Bước sang năm 1965, đế quốc Mỹ triển khai thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân chiến đấu Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ vào tham chiến trên chiến trường miền Nam, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Từ đây, hậu phương miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất và vừa phải tăng cường chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Hơn bao giờ hết, hệ thống đường sá giao thông và lực lượng vận tải trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu. Với phương châm hành động “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc”, Đảng và Nhà nước huy động cả lực lượng vận tải dân sự trên miền Bắc phối hợp cùng lực lượng vận tải quân sự đẩy nhanh tốc độ vận chuyển, tạo chân hàng cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Đồng thời, Đoàn 559 nhanh chóng được Bộ Quốc phòng tăng cường về quân sự, phương tiện và vũ khí, hình thành nên một binh đoàn binh chủng hợp thành; được tổ chức thành thế trận đánh đối phương, đảm bảo giao thông và vận tải quân sự trên toàn tuyến theo phương châm vừa có lực lượng tại chỗ vừa có lực lượng cơ động mạnh. Từ đây, nhiều cán bộ và nhân viên kỹ thuật thuộc các quân binh chủng, trong đó có cả những cán bộ có trình độ cao về vũ khí, kỹ thuật quân sự thuộc Viện Kỹ thuật quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) của quân đội và cả một bộ phận cán bộ ưu tú thuộc các cơ quan khoa học của Nhà nước được huy động vào chiến đấu, công tác trên tuyến vận tải chiến lược này. Bởi vậy, hầu như tất cả những vũ khí và phương tiện quân sự hiện đại nhất của Mỹ sử dụng để đánh phá hủy diệt trên tuyến vận tải này (Trường Sơn là nơi thử nghiệm tất cả những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam) đều được ta nghiên cứu đối phó kịp thời, hiệu quả. Đây là một bài học rất sâu sắc và không thể thiếu đối với bất cứ một cuộc chiến tranh nào - kể cả chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay, và chúng ta đã tiến hành rất thành công.

Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, toàn thể cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên tuyến vận tải chiến lược 559 không quản thời tiết khắc nghiệt của rừng núi Trường Sơn, ngày đêm bền gan, mưu trí đánh bại các thủ đoạn đánh phá của đối phương, vừa mở tuyến vừa sửa đường, bảo đảm thắng lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển hàng từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em) và nguồn hàng thu mua từ Campuchia chi viện cho chiến trường miền Nam và Lào. Cụ thể là, từ năm 1965 đến năm 1968, Đoàn 559 đã tiếp nhận và chuyển gần 100.000 tấn hàng hóa đáp ứng cho chiến trường miền Nam và Lào; đồng thời đảm bảo cho hơn 200.000 lượt bộ đội và cán bộ dân - chính - đảng qua lại trên đường Trường Sơn, góp phần rất quan trọng vào việc đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam, chiến lược chiến tranh đặc biệt ở Lào của đế quốc Mỹ.

Ngay từ năm 1964, đế quốc Mỹ đã chủ trương tiến hành chiến tranh không quân ngăn chặn đối với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Các đời tổng thống Mỹ đều phê chuẩn lấy Trường Sơn làm “phòng thí nghiệm dã chiến” của chiến tranh điện tử và các loại kỹ thuật, hóa học, tạo ra sức hủy diệt môi trường sống rộng lớn, sát thương hàng loạt.

Khối lượng bom đạn, chất độc hóa học và các thiết bị điện tử của Mỹ thời kỳ 1969 - 1972 tăng gấp 4 lần thời kỳ 1965 - 1968, gấp 20 lần thời kỳ 1960 - 1964. Chỉ tính riêng năm 1970 và 1971, ngoài khoảng 4.959.489 quả bom, hàng chục vạn quả mìn, nhiều thiết bị điện tử quân sự tinh vi được ném xuống các cung đường ngang dọc Trường Sơn(1), quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa còn tập trung lực lượng và phương tiện, vũ khí ưu thế, liên tục mở những cuộc hành quân mang tên Chenla 1, Chenla 2 quy mô 25.000 quân đánh vào vùng Ngã ba biên giới; Lam Sơn 719 với 45.000 quân Việt Nam Cộng hòa và 9.000 quân Mỹ, hàng ngàn máy bay và xe quân sự các loại đánh ra khu vực đường 9 - Nam Lào... Như vậy, tuyến vận tải chiến lược 559 đã thực sự trở thành một chiến trường đầy máu lửa - chiến trường Trường Sơn.

Không chịu khuất phục trước sức mạnh của quân thù, được hậu phương miền Bắc nhanh chóng tăng cường lực lượng, phương tiện, vũ khí, bộ đội Trường Sơn tổ chức lại đội hình, thế trận, điều chỉnh lại giới tuyến chiến đấu, hiệp đồng tác chiến giữa các quân binh chủng, từng binh trạm, bố trí lại hệ thống chỉ huy, nhất là đối với những trọng điểm..., chủ động đối phó hiệu quả với các thủ đoạn đánh phá và các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ, không những đảm bảo cho tuyến vận tải chiến lược 559 luôn thông suốt, mà còn không ngừng được nối dài với các hướng chiến trường. Nếu năm 1968, mới chỉ mở thông được trục đường 20 với trục dọc chiến lược thuộc tây Trường Sơn, thì đến năm 1972, bộ đội 559 đã mở thêm được 4 trục ngang (gồm các đường 18, 16, 10 và 12) thông đông Trường Sơn với tây Trường Sơn; nâng tổng chiều dài tuyến vận tải chiên lược 559 từ 2.930 km (1968) lên tới gần 11.000km (1972), đó là chưa tính khoảng 6.500km đường giao liên, gùi thồ. Đây là yếu tố quyết định để tuyến vận tải 559 thực hiện xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa chi viện của hậu phương miền Bắc cho quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. So với kế hoạch giao: từ năm 1969 đến năm 1972, tuyến vận tải 559 vận chuyển 114.820 tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm nhưng thực tế đạt 118%, đảm bảo hành quân cho 598.000 lượt người, thực tế đạt gần 190%. Cụ thể là, trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (29-1 – 23-3-1971), một số binh trạm, trạm quân y, thông tin, vận tải, công binh của 559 đã góp phần tích cực cho công tác chuẩn bị và thực hành chiến đấu của 5 sư đoàn (308, 304, 324, 320 và 2), 4 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo phòng không và một số tiểu đoàn đặc công tham gia chiến dịch. Bên cạnh đó, các đơn vị phòng không và nhiều đơn vị khác của 559 còn thực hiện xuất sắc vai trò lực lượng tại chỗ kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận đối phương, tạo điều kiện cho các đơn vị chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của đối phương. Đặc biệt, để chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đến cuối tháng 2-1972, Bộ Tư lệnh 559 đã đảm bảo đủ khối lượng hàng cho các hướng chiến trường, đảm bảo vật chất và tổ chức hành quân cho 55.000 cán bộ, chiến sĩ, gồm 1 sư đoàn và 3 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn xe tăng, 20 tiểu đoàn và 44 đại đội bộ đội địa phương cùng hàng ngàn cán bộ cao cấp, trung cấp thuộc các ngành từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào tăng cường cho các chiến trường. Đặc biệt là đã bảo đảm cơ động cho nhiều đơn vị cấp trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật hành quân vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ, tao sự chuyển biến mạnh mẽ về tương quan lực lượng trên chiến trường, gây bất ngờ lớn đối với đối phương(2).


(1) Trong 16 năm (1959 - 1975), Mỹ đã huy động 80 vạn lần phi vụ cường kích, 33.460 phi vụ B.52, ném hơn 20 vạn tấn bom các loại và hàng trăm tấn thuốc diệt cỏ (điôxin) xuống Trường Sơn. Không quân Mỹ mở liên tiếp các chiến dịch “cắt cổ”, “khoét đáy”... hòng chặn đứng, hủy diệt mọi tiềm lực hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường.
(2) Xem Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.489, 490.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #103 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 09:52:19 pm »

Thắng lợi chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam đánh bại cuộc tập kích không quân chiến lược của Mỹ trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, thời cơ lớn để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã mở ra. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược này, cả nước cùng dốc sức vào trận. Theo đó, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh phải chạy đua với thời gian, “thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho các chiến trường, chủ yếu là vận chuyển chiến lược, nhưng phải làm cả nhiệm vụ vận chuyển chiến dịch. Vừa chở bộ đội và bảo đảm hành quân cho các binh chủng, vừa vận chuyển hàng quân sự và hàng dân sinh cho vùng giải phóng miền Nam, cho các căn cứ Lào và Campuchia. Trong nhiệm vụ vận chuyển phải bảo đảm một lực lượng dự trữ cần thiết về vũ khí, đạn dược, nhiên liệu cũng như lương thực để cho ta chủ động trong bất cứ tình huống nào”(1).

Để tạo điều kiện đưa nhanh chóng nhân lực, vật lực cho chiến trường, tháng 11-1973, Hội đồng Chính phủ phê duyệt kế hoạch mở rộng tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Theo đó, một số lượng nhân lực và phương tiện mở đường, đảm bảo giao thông rất lớn được nhanh chóng huy động vào Trường Sơn, nâng lực lượng bộ đội 559 lên tới 100.595 người, gồm 8 sư đoàn, 14 trung đoàn và đơn vị tương đương (lực lượng thuộc các kho hàng, trạm quân y, xưởng sửa chữa). Riêng công binh từ 8 trung đoàn, 65 tiểu đoàn (1972) đã tăng lên 1 sư đoàn, 17 trung đoàn và 40 tiểu đoàn, với tổng quân số biên chế là 36.341 người. Ngoài ra, còn có 2.741 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Nhà nước và quân đội cũng tập trung đầu tư hàng ngàn xe ủi, xe lu, máy ép hơi, máy nghiền đá, xe tải phục vụ cho nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.

Nhằm đảm bảo cho việc vận chuyển nguồn nhân vật lực đạt hiệu quả cao nhất và kịp thời nhất cho chiến trường, toàn bộ lực lượng này được tổ chức thành hai bộ phận: lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ. Lực lượng cơ động bao gồm các đơn vị hợp thành, đơn vị chuyên môn binh chủng, chuyên thực hiện các chiến dịch vận chuyển và đánh đối phương trên từng hướng, hoặc những thời điểm xác định, nhằm phục vụ cho ý đồ chiến lược chung. Lực lượng tại chỗ gồm các binh trạm, với các đơn vị binh chủng và đơn vị phục vụ, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, vận tải, bảo vệ giao thông, bảo đảm hành quân… trên từng cung, từng chặng được phân công. Trong quá trình hoạt động, các lực lượng luôn có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với nhau, nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu chiến lược cuối cùng được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó là vận chuyển nguồn lực chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sức mạnh của dân tộc hội tụ ở Trường Sơn còn tiếp tục được nhân lên gấp bội bởi chính những chiến thắng liên tiếp từ chiến trường dội đến đã hối thúc tinh thần hăng say lao động không quản mưa nắng, ngày đêm của hết thảy những người tham gia mở đường, đảm bảo giao thông trên tuyến vận tải chiến lược 559, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam. Bộ đội Trường Sơn phối hợp với các đơn vị bạn đẩy mạnh tiến công tiêu diệt và bức rút các đơn vị khống chế phía đông của đối phương, mở rộng tuyến hành lang đông Trường Sơn, nối thông đường 9 qua các khu vực hậu phương tại chỗ của chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên đến Lộc Ninh (Đông Nam Bộ). Tính đến cuối năm 1974, Đoàn 559 đã mở thêm được 3.480km đường cơ giới với các trục dọc cả bên đông và tây Trường Sơn. Mặt khác, gần 5.000km đường ống dẫn xăng dầu với đầy đủ hệ thống trạm bơm đẩy, kho bể chứa cố định hoặc dã chiến tương đối hiện đại từ hậu phương miền Bắc, chạy theo các trục dọc của tuyến vận tải Trường Sơn rồi tỏa đến các khu căn cứ dự trữ chiến lược của Bộ, các khu căn cứ hậu cần của quân khu, mặt trận trên các hướng chiến trường, trực tiếp phục vụ cho từng chiến dịch và kế hoạch tác chiến chiến lược. Tính đến trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tuyến vận tải Trường Sơn - 559 có tổng chiều dài gần 20.000km, gồm 4 trục dọc, với độ dài 6.810km, 13 trục ngang, với chiều dài 4.980km, 5 hệ thống (ngầm) vượt khẩu dài 700km, một hệ thống đường vòng tránh có chiều dài 4.700km và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu 1.300km, đó là chưa kể tới hệ thống vận tải bằng đường sông, suối dọc ngang Trường Sơn(2); vận chuyển được khối lượng vật chất dự trữ 240.000 tấn trong tổng khối lượng vật chất dự trữ chiến lược 255.000 tấn trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu(3). Cũng trong thời gian này, các chiến trường khác cũng tích cực tác chiến mở rộng địa bàn, xây dựng và củng cố mạng đường chiến dịch, nối các trục của tuyến vận tải 559 tới các vùng giáp ranh, áp sát hậu phương và vùng kiểm soát của đối phương.


(1) Nhiệm vụ do Thường vụ Quân ủy Trung ương giao cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - 559, ngày 5-2-1973 (đây cũng là nội dung Nghị quyết 81/QUTW của Quân ủy Trung ương ngày 5-5-1973).
(2) Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945 - 1975), Sđd, tr.238.
(3) Trong 16 năm, kể từ khi ra đời (1959 - 1975), Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho các chiến trường 1.500.000 tấn hàng hóa quân sự, 5.500.000 mét khối xăng dầu; đưa đón, vận chuyển và đảm bảo hành quân cho trên 2 triệu lượt người qua lại trên đường Trường Sơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #104 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 09:53:38 pm »

Như vậy, đến thời gian cuối của cuộc kháng chiến, Trường Sơn đã thực sự trở thành căn cứ chiến lược rộng lớn, nối thông hậu phương chiến lược miền Bắc với hậu phương tại chỗ miền Nam; gắn Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ thành thế trận hậu phương trực tiếp vững chắc cho tác chiến của các binh đoàn chủ lực cơ động. Từ đây, nhiều binh đoàn chủ lực đã cơ động xuống phối hợp với lực lượng tại chỗ giải phóng Huế, Đà Nẵng và nhiều tỉnh ven biển miền Trung, rồi tham gia vào đội hình tiến quân vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Cùng với việc không ngừng nối dài tuyến vận tải, hệ thống các binh trạm để điều hành kế hoạch vận tải, việc đảm bảo giao thông, giao liên, cấp phát hàng hóa, bảo đảm hành quân, đưa đón và điều trị thương bệnh binh, xây dựng hệ thống kho bãi chứa hàng hóa, bố trí các trận địa phòng không, các trạm bảo dưỡng và sửa chữa xe pháo nhanh chóng được củng cố và hoàn thiện, đảm bảo cho tuyến đường luôn thông suốt, mọi phương tiện vận tải và xe pháo được đảm bảo kỹ thuật tốt nhất đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến trường.

Đi đôi với hoàn thiện thế trận giao thông vận tải, ngay từ rất sớm, bộ đội Trường Sơn đã chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Lào đẩy mạnh tác chiến ở khu vực hành lang phía tây Trường Sơn, điển hình như giải phóng Mường Phìn, Bản Đông (1961 - 1962), đường 12 từ Mụ Giạ đến đường 9 (1962 - 1963), Pha Lan - Đồng Hến (1964 - 1965), Atôpư, Bôlôven, Saravan... (1971 - 1972). Địa bàn được giải phóng đến đâu, ta nhanh chóng triển khai các đơn vị công binh, giao liên, kho tàng, trạm sửa chữa, cơ sở sản xuất ngay tời đó. Đây là lực lượng vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm chức năng của lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu bảo vệ địa bàn (khắc phục tình trạng thiếu vắng dân cư); mặt khác, tích cực giúp đỡ nhân dân các bản làng của bạn Lào xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ dân làng, bảo vệ hành lang tuyến vận tải chiến lược(1). Với thắng lợi này, vùng giải phóng dọc tuyến hành lang không ngừng được mở rộng, tạo ra sự liên hoàn giữa vận tải chiến lược với các chiến trường ngày thêm vững chắc.

Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cũng chính là “hình ảnh nối dài” liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương, nhất là tinh thần đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt - Lào. Qua 16 năm xây dựng và phát triển, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành hậu phương tại chỗ - căn cứ vững chắc của chiến trường ba nước Đông Dương; nối hậu phương tại chỗ này với hậu phương lớn miền Bắc. Nhờ vậy, nguồn chi viện của hậu phương miền Bắc Việt Nam và bạn bè quốc tế giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Lào và Campuchia luôn được giữ vững và không ngừng tăng lên cùng với sự vươn dài của tuyến đường. Trong những năm 1959 - 1964, tuyên vận tải 559 đã vận chuyển 10.136 tấn hàng háo của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và Lào, đồng thời chuyển hàng ngàn tấn vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho cách mạng Lào. Năm 1970, tuyến vận tải Trường Sơn - 559 đã vận chuyển hơn 5.000 tấn vũ khí, đạn dược và trang bị quân sự cho lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và Quân giải phóng Campuchia và Quân giải phóng miền Nam hiệp đồng chiến đấu đập tan cuộc hành quân mang mật danh Chenla của đối phương. Từ khi Mỹ và Lon Non tiến hành đảo chính ở Campuchia, đường vào cảng Xihanúcvin bị cắt đứt, Đoàn 559 đã đảm trách toàn bộ nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí quân sự chi viện cho quân đội cách mạng Campuchia. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, khối lượng vật chất Đoàn 559 vận chuyển chi viện cho chiến trường Lào, Campuchia và Nam Việt Nam gấp 3,8 lần so với thời gian 1969 - 1972, bằng 65,5% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển đáp ứng cho chiến trường ba nước trong suốt 17 năm ròng (1955 - 1972) - yếu tố bảo đảm có tính quyết định để quân và dân nước bạn mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn đất nước.

Như vậy, thực tế lịch sử đã minh chứng rằng, việc mở tuyến vận tải quân sự chiến lược 559 - đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến vận tải quân sự chiến lược 759 - đường Hồ Chí Minh trên biển là quyết định vô cùng sáng suốt - một trong những thành công rất lớn trong chỉ đạo kháng chiến cứu nước của Đảng và Nhà nước; là biểu tượng sáng ngời về ý chí, sức mạnh, trí thông minh và lòng dũng cảm của toàn thể dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng là một trong những hình ảnh sáng ngời về tình đoàn kết chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau chí nghĩa, chí tình của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và như thế, tuyến vận tải quân sự chiến lược - chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến vận tải quân sự chiến lược mang tên Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần rất lớn lao cùng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa thực hiện nghĩa vụ chi viện nhân lực, vật lực - nhân tố quyết định để làm nên thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; góp phần cùng nhân dân Lào và Campuchia giành toàn thắng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đúng như đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: miền Bắc là một hậu phương có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng hậu, có một nguồn dự trữ dồi dạo để cung cấp lương thực, súng đạn, sức người, sức của đầy đủ cho tiền tuyến đánh bại quân xâm lược Mỹ - một quân đội xâm lược hùng mạnh hàng đầu thế giới ở thế kỷ XX(2).


(1) Trong 16 năm (1959 - 1975), bộ đội 559 đã góp phần giúp đỡ và ổn định đời sống và sinh hoạt cho khoảng 25 vạn đồng bào các dân tộc trên địa bàn hoạt động của mình.
(2) Xem Lê Duẩn: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr.28.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #105 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 09:54:49 pm »

*
*   *

Kế thừa những bài học lịch sử và kinh nghiệm từ thực tiến xây dựng căn cứ địa thời kỳ tiền khởi nghĩa, căn cứ địa và hậu phương kháng chiến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền Bắc đến miền Nam, tùy theo điều kiện thực tiễn của mình đã tạo dựng nên một hậu phương kháng chiến rộng khắp vững chắc, gồm: hậu phương chiến lược miền Bắc xã hội chủ nghĩa, căn cứ cách mạng - chiến khu - hậu phương tại chỗ trên chiến trường miền Nam để cung cấp nhân lực, vật lực không chỉ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, mà còn làm nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia anh em. Và, công cụ vận chuyển nguồn bảo đảm ấy đến từng chiến trường, cho từng đơn vị, cho mỗi chiến dịch, trận đánh là tuyến vận tải quân sự chiến lược 559 - đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến vận tải quân sự chiến lược 759 - đường Hồ Chí Minh trên biển - những “trận đồ bát quái” xuyên rừng rậm Trường Sơn và xuyên biển Đông được hình thành và phát triển song cùng với tiến trình chiến đấu và chiến thắng của công cuộc kháng chiến thần thánh đó.

Hậu phương và căn cứ địa cách mạng ở đây có mỗi quan hệ hữu cơ bền chặt và biện chứng. Cách mạng phát triển đến một mức nào đó và trong những điều kiện cụ thể nhất định đã chuyển hóa thành chiến tranh cách mạng; căn cứ địa của cách mạng đã chuyển hóa thành hậu phương của chiến tranh cách mạng. Và trong quá trình chiến tranh, hậu phương được xây dựng và củng cố đã tác động trở lại, thúc đẩy các căn cứ địa hình thành và phát triển(1).

Tiến hành cuộc kháng chiến chính nghĩa, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, với đường lối chính trị, quân sự, đối nội, đối ngoại đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ, phù hợp với thực tiễn chiến tranh, thực tế chiến trường, truyền thống đấu tranh bảo tồn sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc và cốt cách của con người Việt Nam, nên cùng với năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, ác liệt và hy sinh, hậu phương kháng chiến của ta ngày càng phát triển, từng bước áp sát và đẩy lùi vùng kiểm soát, căn cứ và hậu phương của đối phương. Nhân cốt trong hậu phương kháng chiến của ta chính là lòng dân. Không chỉ lòng người hậu phương miền Bắc luôn một lòng, một dạ phấn đấu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc”, mà từ vùng bị kiểm soát vô cùng hà khắc của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lòng đồng bào miền Nam vẫn nhất mực thủy chung với cách mạng, với Bác Hồ, ngày đêm đau đáu hướng về miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vị thế và uy tín của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã tạo cho nhân loại tiến bộ, nhất là nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa niềm tin yêu và dành sự ủng hộ, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất rất hiệu quả cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta; ngược lại, uy thế và phạm vi ảnh hưởng của chính quyền Mỹ mỗi ngày thêm suy giảm, gây áp lực mạnh đối với quá trình điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, trực tiếp nhất là Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Sài Gòn (MAAV)…

Không chỉ có căn cứ kháng chiến - hậu phương tại chỗ ở chiến trường miền Nam phải thường xuyên đối phó với các thủ đoạn đánh phá quyết liệt của quân thù, mà ngay tại hậu phương miền Bắc, trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến cũng phải liên tục chống chọi với các âm mưu và hình thức phá hoại hiểm độc của không quân, hải quân và gián điệp của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mà đỉnh cao nhất là cuộc tập kích không quân chiến lược B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và phong tỏa thủ lôi đối với các cửa sông biển, luồng lạch miền Bắc. Tuy có gây cho hậu phương miền Bắc những thiệt hại rất nghiêm trọng về người và cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, song, bom đạn Mỹ không khuất phục được quân và dân miền Bắc: kinh tế vẫn phát triển mạnh, chính trị ổn định, văn hóa, giáo dục và y tế đạt được những thành tựu ngày càng cao. Đặc biệt, hậu phương miền Bắc đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời và hiệu quả sức người và sức của cho tiền tuyến miền Nam lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam (chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh), rồi tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Lào và Campuchia trong kháng chiến chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Như vậy, hậu phương của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1954 - 1975, gồm cả hậu phương miền Bắc, căn cứ của địa - chiến khu - hậu phương tại chỗ ở miền Nam; trong đó hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa là quan trọng nhất, thực sự là một trong những nhân tố quyết định tạo nên thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông đất nước về một mối.

Trong cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, nhà báo Đức Bôrít Galát viết: “Tướng Giáp đã nói nhiều đến ý nghĩa xây dựng căn cứ - hậu phương quân sự hùng mạnh. Căn cứ hậu phương lớn là miền Bắc. Hậu phương có đường biên giới dài trên bộ giáp với một nước bạn thân hữu bảo đảm tiếp tế hậu cần chiến tranh. Các cuộc đánh phá của không quân Mỹ không sao phá hủy tiềm năng của hậu phương lớn.

Một hậu phương còn nguyên vẹn đặc biệt có một ý nghĩa to lớn trong cuộc chiến tranh giải phóng khi kẻ thù xâm lược là một cường quốc, sử dụng hậu cần trên các tàu sân bay hay căn cứ không quân ở những nước lân cận”(2).

Những chủ trương, đường lối, biện pháp cụ thể trong quá trình xây dựng, chiến đấu bảo vệ hậu phương, những thành tựu và những hạn chế, thậm chí kể cả những sai lầm, thất bại trong thực hiện một số mặt này hay mặt khác… đều trở thành bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá để chúng ta nghiên cứu, vận dụng trong công cuộc xây dựng thế trận quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; trong đó, hậu phương - căn cứ địa vẫn mãi là khâu quyết định đảm bảo thắng lợi cho công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia dân tộc hôm nay và ngày mai.


(1) Xem Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.396.
(2) Borriies Gallasch: Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, Nxb. Thời đại, 2010, tr.179-180.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #106 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 09:57:17 pm »

Chương 42

LIÊN MINH ĐOÀN KẾT CHIẾN ĐẤU VỚI LÀO VÀ CAMPUCHIA
CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC

I - LIÊN MINH ĐOÀN KẾT CHIẾN ĐẤU
BA NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG - MỘT TẤT YẾU KHÁCH QUAN CỦA LỊCH SỬ

Trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới, vấn đề đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quốc gia, dân tộc này với quốc gia, dân tộc khác vẫn thường diễn ra; đặc biệt, trong lịch sử thế giới hiện đại, khi mà chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược trên phạm vi toàn cầu và trở thành kẻ thù chung của nhân loại. Để chống xâm lược, nhân dân các nước bị áp bức không có con đường nào khác là phải đoàn kết nhau lại, tạo nên sức mạnh để chiến đấu, giành độc lập, tự do. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Tình đoàn kết và liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương là điểm nhấn đặc biệt - một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam nói riêng, của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung. Thực tế lịch sử đã khẳng định: “Sự nghiệp liên minh chiến đấu lâu dài của nhân dân ba nước dưới sự lãnh đạo của các chính đảng cộng sản đã trở thành một nội dung chủ đạo của lịch sử hiện đại Việt Nam, Lào, Campuchia”(1).

Ba nước Việt Nam, Lào, Campcuhia có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên và lịch sử - văn hóa. Đây là ba quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, trong đó mỗi quốc gia đều có biên giới chung với hai nước còn lại. Từ mỗi nước đều có thể dễ dàng đi theo đường bộ (qua các cửa khẩu) hoặc đi theo đường thủy (các con sông lớn) để đến hai nước khác. Do có mối quan hệ chặt chẽ về vị trí địa lý nên nếu một quốc gia nào đó bị thực dân, đế quốc xâm lược, bị mất độc lập thì hai quốc gia còn lại sớm muộn cũng sẽ bị thôn tính. Thực tế lịch sử đã chứng minh rõ điều đó. Trong cuộc xâm lược Đông Dương, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ đều tiến hành chiến tranh từng nước cho đến cả ba nước và luôn coi bán đảo Đông Dương là một đơn vị địa lý thống nhất. Và chính vị trí địa lý là một trong những yếu tố quan trọng tạo dựng nên mối quan hệ đoàn kết ba nước.

Bán đảo Đông Dương là nơi gặp cỡ của nhiều luồng di cư khác nhau, tạo nên sự đa dạng về thành phần tộc người đại diện cho ngữ hệ Nam Á (gồm nhiều nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Tày - Thái, Môn - Khmer, Mông - Dao) và ngữ hệ Nam Đảo. Đây là những ngữ hệ của cư dân bản địa đã sinh sống lâu đời. Ngoài ra còn có ngữ hệ Hán - Tạng và ngoại kiều gia nhập “đại gia đình Đông Dương” khá muộn và chịu sự chi phối của các tộc người bản địa. Do nằm gọn trong vành đai nhiệt đới bắc bán cầu, có hoàn lưu gió mùa, điều kiện đất đai màu mỡ và nguồn nước thuận lợi (nhiều sông lớn) nên từ rất sớm, nơi đây đã xuất hiện nhiều nền văn minh rực rỡ, kết hợp với quá trình tiếp xúc, giao thoa văn hóa với hai nền văn minh lớn (Ấn Độ, Trung Hoa) đã tạo nên nền văn hóa đa dạng. Mặc dù mỗi dân tộc, mỗi quốc gia hình thành nên nền văn minh mang những bản sắc riêng, nhưng nhìn chung, do môi trường tự nhiên tương đối đồng nhất (có đất đai và khí hậu thuận lợi trồng lúa) nên cơ tầng văn hóa nông nghiệp trồng lúa là yếu tố chính quy định sinh hoạt, văn hóa của các cư dân trên lãnh thổ. Điều đó giải thích vì sao đến tận ngày nay, giữa ba nước Đông Dương có nhiều yếu tố văn hóa, xã hội giống nhau, mang tính bạn địa sâu sắc như tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tục thờ cúng, tư duy biện chứng nguyên thủy, các tập tục và sinh hoạt văn hóa dân gian đi kèm hội mùa nông nghiệp, sự xuất hiện rộng khắp loại hình nhà sàn, vai trò của phụ nữ và người già trong đời sống xã hội, tục ăn trầu và hình ảnh trầu cau từ xa xưa đã đi vào kho tàng văn học dân gian của các dân tộc Đông Dương như một biểu tượng của tình yêu đôi lứa, tình cảm cộng đồng(2)… Đó thực sự là “mẫu số chung” về văn hóa của cư dân Đông Dương, tạo nên sự giao hòa gần gũi giữa nhân dân ba nước.

Để đủ sức chinh phục thiên nhiên, các tộc người trên toàn Đông Dương đã có sự hợp tác, giúp đỡ cùng nhau, không ngừng mở rộng khu vực địa lý sinh sống. Khi đã hình thành nên ba quốc gia trên bán đảo Đông Dương, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân ba nước vẫn tiếp tục phát triển mà biểu hiện rõ nét nhất là nhân dân Việt Nam ở Đàng Trong cùng với nhân dân Khmer chung tay, chung sức khai thác vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông, hình thành một vùng kinh tế mới đem lại cuộc sống mới tốt đẹp cho nhân dân hai nước khu vực này. Trên thực tế, nhiều tộc người ở cả Việt Nam, Lào, Campuchia đều có chung nguồn gốc. Trải qua sự biến thiên của lịch sử, họ bị phân tách và định cư trên các vùng đất khác nhau. Đến đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp thôn tính thành lập Liên bang Đông Dương, có nhiều tộc người (nhất là vùng biên giới) vẫn sống theo hình thành du canh, du cư và họ không có sự phân biệt về biên giới quốc gia. Sự giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình chinh phục thiên nhiên, mở rộng địa bàn cư trú đã tạo nên tình cảm thân thiên trong lòng nhân dân ba nước.


(1) Nguyễn Hào Hùng: Lịch sử một thế kỷ liên minh đoàn kết chiến đấu và toàn thắng của nhân dân ba nước Đông Dương. Dẫn theo Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử - văn hóa Đông Nam Á - Về lịch sử - văn hóa ba nước Đông Dương, Viện Đông Nam Á xuất bản, 1983, tr.12.
(2) Xem Viện Đông Nam Á: Văn hóa ba nước Đông Dương, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1992.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 10:02:55 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #107 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 10:02:27 pm »

Đông Dương là khu vực có vị trí chiến lược rất quan trọng (bao lơn nhô ra biển Đông, tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là cầu nỗi giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú…) nên từ rất sớm, Đông Dương đã trở thành đối tượng xâm lược của các thế lực ngoại bang (chủ yếu đến từ phía bắc và phía tây). Cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất chống xâm lược của nhân dân mỗi nước trong suốt dặm dài lịch sử đã tạo nên tinh thần yêu nước nồng nàn, sự cảm thông, chia sẻ hiểm họa xâm lăng cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc(1). Đây chính là một trong những nền tảng, đóng góp to lớn cho “mẫu số chung” để đoàn kết nhân dân Đông Dương trong cuộc đụng đầu lịch sử chống thực dân, đế quốc xâm lược.

Sự cấu thành chặt chẽ về vị trí địa lý, nét tương đồng về lịch sử - văn hóa, mối quan hệ qua lại mật thiết gắn bó cùng với sự giúp đỡ lẫn nhau trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước đã được lịch sử ghi nhận như những tiền đề cho truyền thống đoàn kết, hữu nghị lâu dài giữa nhân dân ba nước Đông Dương, trước khi chủ nghĩa thực dân đế quốc phương Tây đặt chân đến vùng đất này. Khi bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, mối quan hệ giữa nhân dân ba nước càng trở nên mật thiết hơn trong công cuộc chống kẻ thù chung. Để phục vụ cho chính sách cai trị, khai thác nguồn tài nguyên khắp lãnh thổ Đông Dương, thực dân Pháp cưỡng bức nhiều trí thức, lao động người Việt Nam sang Lào, Campuchia tham gia vào bộ máy cai trị hay làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã gắn bó chặt chẽ với cộng đồng người bản xứ, coi Lào, Campuchia như quê hương thứ hai của mình. Thực dân, đế quốc chủ trương xây dựng quan hệ buôn bán giữa các khu vực, xây dựng nhiều tuyến đường xuyên Đông Dương tạo ra sự giao lưu khá rộng mở giữa nhân dân ba nước, tăng cường mối quan hệ vốn có trong lịch sử(2). Trong khi các triều đình phong kiến Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt đầu hàng, cam chịu làm tay sai cho thực dân, đế quốc thì nhân dân ba nước vẫn kiên quyết đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Xu hướng liên kết đấu tranh của nhân dân ba nước nhằm đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc ngày càng được tăng cường. Nhiều cuộc đấu tranh, nhiều phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp đã có sự tham gia, ủng hộ, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân ba nước(3).

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời đánh dấu bước ngoặt phát triển trong quan hệ đoàn kết của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Từ đây, nhân dân mỗi nước có điều kiện thuận lợi để tham gia tích cực trào lưu cách mạng của thời đại, kết hợp giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội, mở đường cho những quan hệ tốt đẹp chưa từng có trong lịch sử ba nước. “Từ đây, tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước không chỉ còn đóng khung trong tình đoàn kết giữa các dân tộc láng giềng với nhau nữa, mà đã mang nội dung giai cấp của tình đoàn kết chiến đấu rộng lớn hơn giữa giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”(4). Với chủ trương, đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân ba nước đấu tranh giành độc lập. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đảng viên cộng sản Việt Nam được điều động sang hoạt động ở Lào, Campuchia nhằm xây dựng các thành công đảng ở hai nước bạn, góp phần làm cho phong trào cách mạng Đông Dương thêm gắn bó. Thời cơ cách mạng đến, tháng 8-1945, nhân dân Đông Dương đứng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành độc lập. Tuy nhiên, ngay sau đó, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương. Kiên định chủ trương “Đông Dương là một chiến trường, chiến đấu theo một chiến lược chung”, trong khi tổ chức lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng vun đắp tình đoàn kết, quan hệ chiến lược giữa nhân dân ba nước ngày càng bền chặt thông qua việc ký kết các hiệp ước liên minh và dành sự ủng hộ, giúp đỡ hết lòng về nhân lực, vật lực cho các nước bạn. Đến năm 1951, xuất phát từ đặc điểm tình hình cách mạng chung ở Đông Dương và tình hình cách mạng mỗi nước, Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II quyết định thành lập ở mỗi nước một chính đảng vô sản(5). Tiếp đó, Hội nghị đại biểu liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào, bao gồm đại biểu các mặt trận dân tộc thống nhất ba nước, đã họp (11-3-1951) và quyết định thành lập khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ.

Sau khi mặt trận liên minh được thành lập, cán bộ và chiến sĩ tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ ở Lào và Campuchia đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh giúp đỡ bạn xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng vũ trang, phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Nhiều đơn vị chủ lực Việt Nam phối hợp với bạn mở nhiêu chiến dịch và giành thắng lợi to lớn. Trong muôn vàn gian khó, sự giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau của nhân dân ba nước chính là một trong những nguyên nhân cơ bản làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng mỗi nước và cũng là của sự nghiệp chống kẻ thù chung, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân mỗi nước. Sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương được xây dựng, phát triển và thử thách qua máu lửa đấu tranh chống quân xâm lược và xây dựng đất nước của ba dân tộc thực sự là biểu tượng sinh động, chói ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản.


(1) Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, Lê Lợi từng nhờ đất Ai Lao (Lào) làm chỗ đứng chân buổi ban đầu; triều Tây Sơn có mối quan hệ thông hiếu với triều đình Viêng Chăn, tiếp đó giúp một số bộ tộc Lào đánh đuổi quân xâm lược Xiêm (Thái Lan); các chúa Nguyễn ở Đàng Trong từng giúp đỡ nhân dân Campuchia và Lào chống xâm lược Xiêm.
(2) Trao đổi hàng hóa thương mại trong nội bộ giữa ba nước Đông Dương có sự phát triển đa dạng. Nền kinh tế cả ba nước chủ yếu là nông nghiệp có tính bố sung cho nhau và có khuynh hướng chuyên môn hóa rõ rệt. Đến năm 1954, Campuchia đứng hàng thứ ba trong số các nước cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (đứng sau Pháp và Hoa Kỳ).
(3) Tiêu biểu cho sự phối hợp giữa nghĩa quân Acha Soa với nghĩa quân của Đề đốc Huân trên địa bàn Châu Đốc, Vĩnh Long, Đồng Tháp Mười (1862); liên quân chiến đấu giữa nghĩa binh Pôkumbô và nghĩa quân của Trương Quyền, Võ Duy Dương tại các vùng dọc biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia (1866); sự phối hợp giữa quân lính (bị thực dân Pháp cưỡng bức) Việt - Lào chống Pháp tại hai vùng Bôlôven và Tây Nguyên (1901); sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào đối với các nghĩa binh, sĩ phu trong phong trào Cần Vương (1885 - 1896)…
(4) Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử - văn hóa Đông Nam Á - Về lịch sử - văn hóa ba nước Đông Dương, Viện Đông Nam Á xuất bản, Hà Nội, 1983, tr.64.
(5) Từ một Đảng Cộng sản Đông Dương đã tách ra thành ba đảng cách mạng: Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia (thành lập ngày 28-6-1951), Đảng Nhân dân Lào (thành lập ngày 22-3-1955).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #108 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 10:05:42 pm »

Như vậy, những điều kiện tương đồng, gần gũi về lịch sử - văn hóa, sự gắn bó chặt chẽ về phương diện địa - chính trị cùng sự giao lưu, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong lịch sử xây dựng chiến đấu giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc là những tiền đề thuận lợi, định hướng cho liên minh đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước. Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và hành động đã đánh dấu bước phát triển về chất lượng quan hệ giữa nhân dân ba nước liên minh đoàn kết chiến đấu nhân dân Đông Dương ra đời. Thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định: “xây dựng, củng cố, không ngừng phát triển sự nghiệp đoàn kết liên minh chiến đấu giữa ba nước thực sự là một yêu cầu khách quan, thực sự là một nhân tốt giành thắng lợi của cách mạng và chiến tranh giải phóng của mỗi nước và của cả ba nước”(1). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vấn đề tăng cường tình đoàn kết và liên minh chiến đấu ấy đã trở thành một nhu cầu bức thiết hơn trước rất nhiều, bởi kẻ thù của nhân dân Đông Dương lúc này là đế quốc Mỹ cùng các thế lực phản động tay sai trong nước câu kết chặt chẽ với nhau; chúng có sức mạnh kinh tế; quân sự hơn ta gấp nhiều lần, sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức nham hiểm, xảo quyệt được rút ra từ chính những thất bại của thực dân Pháp trước đó nhằm áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở Đông Dương - một bộ phận của chiến lược toàn cầu hòng làm bá chủ thế giới của chúng. Chính bởi vậy, “với nhân dân ta và nhân dân ba nước Đông Dương, cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược đã gắn chặt tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước”(2).

Đông Dương từ lâu đã được các công ty tư bản Mỹ quan tâm, là một trong những thị trường hấp dẫn mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp đối với Mỹ. Đây vốn là một trong những thuộc địa giàu có nhất của tư bản Pháp, trong đó có những tài nguyên và sản phẩm quan trọng để xuất khẩu như thiếc, than đá, gỗ, gạo, cao su, dừa, hồ tiêu... Đó là những sản phẩm rất cần thiết đối với Mỹ, đồng minh của Mỹ (đặc biệt là Nhật Bản ở Đông Bắc Á) và còn là yếu tố góp phần giúp Mỹ chi phối thị trường thế giới. Ngay từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai, thông qua tư bản Pháp, Mỹ đã mau nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ Đông Dương(3). Tuy nhiên, mối quan tâm của Mỹ đối với bán đảo này chỉ thực sự được đẩy mạnh từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Đó là, lợi dụng việc thực dân Pháp sa lầy ngày càng nghiêm trọng trong cuộc xâm lược Đông Dương lần hai, thông qua viện trợ quân sự cho Pháp, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến Đông Dương nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng. Năm 1950, đế quốc Mỹ chinh thức viện trợ cho Pháp nhằm duy trì và đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Đến năm 1954, Mỹ đã gánh 78% phí tổn cuộc chiến Đông Dương. Điều đó có nghĩa là: “Chiến tranh Đông Dương thực tế đã trở thành chiến tranh của đế quốc Mỹ và quân đội viễn chinh Pháp chỉ là quân đội đánh thuê cho Mỹ”(4).

Với đế quốc Mỹ, Việt Nam và Đông Dương không chỉ là miếng mồi béo bở, với nguồn nguyên liệu chiến lược giàu có, nguồn nhân lực rẻ mạt, mà hơn hết đây chính là một địa bàn chiến lược quan trọng, án ngữ đường giao thông xung yếu trên biển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mặt khác, nơi đây, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang diễn mạnh mẽ, đều khắp, trong đó Việt Nam là tâm điểm và đang trở thành ngọn cờ cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới - một trào lưu cách mạng mới của thời đại. Chính bởi căn nguyên chiến lược đó, đế quốc Mỹ luôn sẵn sàng hất cẳng, thay chân Pháp bất cứ khi nào có thời cơ. Theo cách nhìn nhận của nhà sử học Mỹ Gabrien Côncô, thì: “Về nguyên tắc mà nói, trong khi giúp đỡ Mỹ chiến đấu cho một sự nghiệp lớn hơn mà Mỹ coi như của chính mình, các nhà lãnh đạo Oasinhtơn vẫn chuẩn bị cho sự can thiệp sâu hơn khi họ thấy là cần thiết để ủng hộ con đôminô hàng đầu là Đông Dương”(5).

Ngày 7-5-1954, quân Pháp bị đại bại tại Điện Biên Phủ, chính phủ mới thành lập ở Pháp muốn thương lượng đi đến ký kết hiệp định đình chiến, rút quân khỏi Đông Dương. Để chống lại “sự đầu hàng” của đồng minh Pháp, Tổng thống Mỹ Aixenhao một lần nữa khẳng định: Tầm quan trọng chiến lược của Đông Dương, gồm ba quốc gia liên kết Việt Nam, Lào, Campuchia là điều rõ ràng (…). Mất toàn bộ Việt Nam, cùng với Lào ở phía tây và Campuchia ở phía tây nam, sẽ có nghĩa là để hàng triệu người vào vòng nô dịch của cộng sản; về mặt vật chất, điều đó có nghĩa là sẽ mất đi những mỏ thiếc giá trị và những nguồn cung cấp cao su và gạo khổng lồ. Điều đó cũng có nghĩa là Thái Lan, với Đông Dương là khu đệm giữa nó với Trung cộng, sẽ bị hở hoàn toàn biên giới phía đông trước nguy cơ xâm nhập hay tấn công, và nếu Đông Dương sụp đổ thì không những Thái Lan mà cả Miến Điện và Mã Lai sẽ bị đe dọa, lại còn thêm những nguy cơ đối với Đông Pakistan và Nam Á cũng như toàn bộ Inđônêxia. Và chính Tổng thống Aixenhao đã công khai tuyên bố: “Chiến trận ở Đông Dương hãy còn tiếp tục, tuy có khác trước”(6).


(1) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1986, tr.368.
(2) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (in lần thứ hai, có bổ sung), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.285.
(3) Từ năm 1930 đến năm 1939, Mỹ đã mua khoảng 30% tổng số cao su xuất khẩu ở Đông Dương. Từ năm 1946 đến 1950, cao su chiếm 98% giá trị hàng hóa của Đông Dương bán cho Mỹ. Dẫn theo Đặng Phong: 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường - giá cả xuất bản, Hà Nội, 1991, tr.9.
(4)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.174.
(5) Gabrel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.116.
(6) Hồi ký Dwight D. Eisenhower: Mandate for change (1953 - 1956), Doubleday and Company, New York, 1963, Lê Thế Mỹ trích dịch chương 14: Thời kỳ lộn xộn ở Đông Dương, Viện Khoa học quân sự, 1976, tr.39, tài liệu Viện Lịch sử quân sự, ký hiệu VL-2736.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #109 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2014, 10:10:44 pm »

Sau khi không thành công trong việc ngăn cản việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ tìm mọi cách thực hiện kế hoạch vạch ra từ trước, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở bán đảo Đông Dương. Chỉ một ngày sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Tổng thống Mỹ Aixenhao đã tuyên bố: “Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Giơnevơ và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy”(1). Ngày 23-7-1954, tức là chỉ vài ngày sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Ngoại trưởng Mỹ Đalét tuyên bố: “Từ nay về sau, vấn đề bức thiết không phải là than tiếc dĩ vãng, mà là lợi dụng thời cơ để việc thất thủ ở miền Bắc Việt Nam không mở đường cho chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương”(2). Như vậy, đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài 21 năm, sau thất bại năm 1954 của thực dân Pháp, hòng ngăn chặn sự phát triển cách mạng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, biến Đông Dương thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới.

Tuy nhiên, sau Hiệp định Giơnevơ, do tính chất, đặc điểm tình hình và tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng ở mỗi nước là khác nhau, bởi vậy, ở mỗi nước, đế quốc Mỹ triển khai những chính sách, biện pháp quân sự, chính trị khác nhau.

Việt Nam nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương, là ngọn cờ tiêu biểu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khu vực Đông Nam Á. Do vậy, đế quốc Mỹ xem cuộc chiến tranh xâm luộc Việt Nam là một trọng điểm gắn với “thuyết đôminô về châu Á”. Theo Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền (lấy vĩ tuyến 17 - dọc sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời), sau hai năm (7-1956) sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Lợi dụng tình hình đó, đế quốc Mỹ nhanh chóng đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn, dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam, tiến hành đàn áp dã man lực lượng kháng chiến(3), quyết chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của chúng. Từ năm 1954 đến năm 1975, năm đời tổng thống Mỹ đề ra bốn chiến lược chiến tranh xâm lược nối tiếp nhau. Đặc biệt, trong chiến lược chiến tranh cục bộ (1965 - 1968) - nỗ lực chiến tranh xâm lược Việt Nam cao nhất, Mỹ đã huy động gần 55 vạn quân viễn chinh và quân một số nước đồng minh cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam trực tiếp tham chiến và làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân đội Sài Gòn. Phối hợp với chiến tranh xâm lược miền Nam, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân đối với miền Bắc, mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước. Mỹ đã ném tổng số khoảng 7,8 triệu tấn bom đạn xuống hai miền Nam, Bắc Việt Nam, một khối lượng bom đạn lớn hơn bất cứ khối lượng bom đạn nào mà Mỹ đã sử dụng trước đó.

Đối với Lào một quốc gia nằm ở phía tây bán đảo Đông Dương, có vị trí địa lý đặc biệt, biên giới tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Việt Nam, Mianma, Thái Lan, Campuchia - những quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khách nhau, nên đế quốc Mỹ muốn biến Lào thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự, dùng Lào làm chiến trường phối hợp quan trọng với chiến trường chính Nam Việt Nam để thực hiện âm mưu chiến lược thôn tính toàn Đông Dương; đồng thời, “đối với Mỹ, việc kiểm soát nửa phía tây của Lào là tối quan trọng cho việc phòng thủ Thái Lan, một đồng minh mạnh nhất của Mỹ trên đất liền Đông Nam Á”(4). Sau Hiệp định Giơnevơ, lực lượng kháng chiến Lào tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phongxalỳ. Chính quyền Viêng Chăng vẫn giành quyền kiểm soát đại bộ phận lãnh thổ Lào (10 tỉnh). Thực hiện âm mưu tiêu diệt lực lượng kháng chiến Lào, Mỹ ồ ạt viện trợ kinh tế, quân sự(5) cho chính quyền, quân đội tay sai Viêng Chăn(6) (phái hữu), từng bước chi phối mọi mặt hoạt động ở Lào. Giữa năm 1955, Mỹ hậu thuẫn cho quân đội tay sai Viêng Chăn mở các cuộc tiến công vào hai tỉnh tập kết của lực lượng cách mạng Lào ở Sầm Nưa và Phongxalỳ; đồng thời tiến hành các cuộc hành quân càn quét, đàn áp lực lượng kháng chiến cũ trên phạm vi cả nước, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở Lào. Từ năm 1954 đến năm 1963, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược hai mặt: “diễn biến hòa bình” kết hợp bạo lực phản cách mạng, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng Lào, củng cố chính quyền và quân đội phái hữu. Bước sang năm 1964, đế quốc Mỹ triển khai thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt, bắt đầu sử dụng không quân ném bom tàn phá khốc liệt vùng giải phóng, các khu căn cứ cách mạng, phái hàng ngàn cố vấn quân sự Mỹ sang trực tiếp điều khiển cuộc chiến và đưa nhiều đơn vị lính đánh thuê Thái Lan sang tham chiến trên chiến trường Lào. Đến năm 1969, đế quốc Mỹ đưa cuộc chiến tranh xâm lược Lào lên đỉnh cao nhất dưới hình thái “chiến tranh đặc biệt tăng cường”. Không quân Mỹ đã dội khoảng 3 triệu trấn bom, đạn xuống lãnh thổ Lào (tính trung bình mỗi người dân Lào chịu đựng 1 tấn bom), liên tiếp mở các cuộc hành quân vào vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng kháng chiến Lào. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, đặc biệt đối với Lào, đế quốc Mỹ đã sử dụng lãnh thổ Thái Lan làm căn cứ quân sự - hậu cần, làm bàn đạp xuất phát các cuộc tiến công sang đất Lào, và sử dụng lính đánh thuê Thái Lan trực tiếp tham chiến trên chiến trường Lào và Việt Nam với quy mô lớn.


(1) Nguyễn Hùng Phi - TS. Buasi Chalơnsúc: Lịch sử Lào hiện đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.II, tr.24.
(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003, t.2, tr.118.
(3) Chỉ trong vòng 4 năm (1954 - 1958), cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ; khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên ta bị đối phương giết; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, bị tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn thành tàn tật, chỉ còn khoảng 5.000 đảng viên. Bến Tre còn 162 đảng viên, Tiền Giang còn 92, Gia Định, Biên Hòa mỗi nơi chỉ còn 1 chi bộ đảng. Riêng ở Khu 5 (lúc đó gồm cả Trị - Thiên và cực Nam Trung Bộ) khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên bị bắt, bị giết, có tỉnh chỉ còn 2-3 chi bộ, 12 huyện đồng bằng không còn cơ sở đảng. Trị - Thiên chỉ còn 160/23.400 đảng viên trước đó. Dẫn theo Ban chỉ đạo tổng kế chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.310.
(4) Pitơ A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1986, tr.78.
(5) Trong 20 năm (1955 - 1975), Mỹ đã viện trợ cho Lào gần 4 tỷ đôla, trong đó viện trợ quân sự chiếm 3 tỷ đôla. Giai đoạn 1955 - 1961, viện trợ bình quân mỗi năm 230 triệu đôla. Dẫn theo Nguyễn Hùng Phi - TS. Buasi Chalơnsúc: Lịch sử Lào hiện đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.II, tr.28-29.
(6) Sau Hiệp định Giơnevơ, quân đội Viêng Chăn (còn được gọi là “quân đội quốc gia Lào”) do Pháp xây dựng còn khoảng 10.000 quân có trang bị vũ khí kém và phụ thuộc nặng nề vào Pháp. Đế quốc Mỹ đã tổ chức, xây dựng, huấn luyện và phát triển đội quân này nhanh chóng nhằm phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ bởi như chính các nhà chính trị, quân sự Mỹ đã nói: ”Quân đội Hoàng gia Lào đã ra đời với sự trả giá của những người nộp thuế của nước Mỹ”, dẫn theo Pitơ A. Pulơ: Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1986, tr.79. Đến năm 1955, quân số đạt 25.000, cuối năm 160 lên 44.000 người và cuối năm 1965 lên 70.000 người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM