Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:14:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 9  (Đọc 72376 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:00:17 pm »

Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Tập IX: Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2013
Số hóa: macbupda

HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN

TS. NGUYỄN DUY HÙNG         - Chủ tịch
Thiếu tướng, PGS. TS. VŨ QUANG ĐẠO   - Phó Chủ tịch
TS. HOÀNG PHONG HÀ            - Ủy viên
Đại tá, PGS. TS. HỒ KHANG         - Ủy viên
TS. LƯU TRẦN LUÂN            - Ủy viên

CHỈ ĐẠO NỘI DUNG

Thiếu tướng, PGS. TS. VŨ QUANG ĐẠO
Đại tá, PGS. TS. NGUYỄN MẠNH HÀ
Đại tá, PGS. TS. HỒ KHANG

CHỦ BIÊN

Đại tá, TS. NGUYỄN HUY THỤC

TÁC GIẢ

GS. TS. NGUYỄN NGỌC CƠ
Đại tá, PGS. TS. HỒ KHANG
Đại tá ĐỖ XUÂN HUY
Đại tá NGUYỄN VĂN MINH
Đại tá, TS. NGUYỄN HUY THỤC
Thiếu tá, ThS. NGUYỄN VĂN QUYỀN
Thiếu tá, ThS. LÊ QUANG LẠNG
Trung úy, ThS. TRẦN HỮU HUY
Cử nhân NGÔ QUANG CHÍNH
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 09:50:25 am gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:02:28 pm »

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, phản ánh nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong suốt 21 năm chiến đấu đầu gian khổ, hy sinh, là thiên hùng ca bất hủ của thế kỷ XX. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng “thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc”. Thắng lợi đó đã mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, xóa bỏ mọi chướng ngại trên con đường thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đem lại niềm tin cho các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Với dã tâm đen tối, ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam thay chân Pháp, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam nước ta thành căn cứ quân sự, nơi thử nghiệm chính sách thực dân mới, phòng tuyến ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội tràn xuống Đông Nam Á, răn đe phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

Để thực hiện được mục tiêu chiến lược đề ra, đế quốc Mỹ đã liên tục thực hiện nhiều chiến lược chiến tranh, huy động đến mức cao nhất tiềm lực kinh tế, quân sự của nước Mỹ, đồng thời ra sức tuyên truyền lừa bịp nhân dân thế giới và lôi kéo các nước phụ thuộc tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trước âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, huy động sức mạnh của cả dân tộc và thời đại tiến hành cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại vì độc lập, tự do và phẩm giá con người. Kế thừa những kinh nghiệm quý báu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phát huy truyền thống đánh giặc của tổ tiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân và dân cả nước đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng về mọi mặt, vừa ra sức xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc, vừa anh dũng chiến đấu giải phóng miền Nam. Trước một kẻ địch lớn mạnh gấp bội, quán triệt tư tưởng tiến công cách mạng, quân và dân ta đã sáng tạo ra nhiều cách đánh hiệu quả, vừa đánh vừa thăm dò, vừa đánh vừa đúc rút kinh nghiệm chiến đấu, đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, vừa đánh vừa mài sắc nghệ thuật quân sự, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng, lần lượt đánh bại từng bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Luận giải, phân tích tính chất, đặc điểm, tầm vóc và những bài học lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nội dung tập cuối cùng của bộ sách.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Tháng 3 năm 2013
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:03:51 pm »

LỜI NÓI ĐẦU

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là mốc lịch sử trọng đại, đánh dấu sự toàn thắng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và là một trong những chiến công rực rỡ nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đó là bản thiên anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Thắng lợi đó là thành quả vĩ đại phản ánh những nỗ lực phi thường của một dân tộc nhỏ, một nước nghèo, nhưng biết đồng lòng chung sức, triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, biết đánh và biết thắng quân xâm lược Mỹ - một siêu cường về kinh tế, quân sự, khoa học - kỹ thuật số một thế giới.

Với nhãn quan sáng suốt, ý thức cảnh giác, đặc biệt là sự giác ngộ chính trị của một dân tộc đã trải qua thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước, mà trực tiếp nhất là trong kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó, chúng ta đã sớm nhận thức chính xác bản chất xâm lược, hiếu chiến của đế quốc Mỹ và tìm ra những phương sách đối phó hiệu quả, từng bước đánh thắng các chiến lược chiến tranh, tiến tới đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đó chính là nghệ thuật chiến thắng đối phương từng bước.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7-1954), đế quốc Mỹ đã nhanh chóng đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn, thiết lập nên chính quyền tay sai, triển khai chính sách xâm lược thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Trước tình hình mới, dưới sự lãnh đạo ủa Đảng, nhân dân miền Bắc ra sức ổn định, xây dựng và củng cố miền Bắc theo hướng xã hội chủ nghĩa làm căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước, nhân dân miền Nam tiến hành đấu tranh chính trị đòi Mỹ - chính quyền Sài Gòn thi hành hiệp định Giơnevơ, chống lại chính sách “tố cộng, diệt cộng”, rồi tiến lên làm cuộc Đồng khởi năm 1960 trên toàn miền Nam, làm thất bại mưu đồ xâm lược giấu mặt, trá hình của Mỹ, buộc chúng phải lộ diện. Bắt đầu từ năm 1961, đế quốc Mỹ thi hành chiến lược chiến tranh đặc biệt - cuộc chiến tranh bằng quân đội Việt Nam Cộng hòa với tiền của, vũ khí và sự chỉ huy của Mỹ - nhằm đè bẹp và tiêu diệt cách mạng miền Nam. Cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển lên chiến tranh cách mạng, kết hợp đấu tranh quân sự và chính trị song song, đánh đối phương bằng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, phát huy sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân, đánh bại các biện pháp chiến thuật cơ bản “trực thăng vận”, “thiết xa vận”... và quốc sách “ấp chiến lược”, làm thất bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

 Chưa cam chịu thất bại, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh, triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh vào trực tiếp tham chiến trên quy mô lớn ở chiến trường miền Nam; đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Cả nước ta sục sôi đánh Mỹ, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao trên cả hai miền: quân và dân miền Nam đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, rồi mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968; miền Bắc làm tròn nghĩa vụ của hậu phương phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, làm thất bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh cục bộ, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ, lại bị nhân dân thế giới và nhân dân chính nước Mỹ phản đối quyết liệt, đế quốc Mỹ thi hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh - xuống thang chiến tranh, rút dần quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đồng thời phối hợp với quân và dân hai nước Lào và Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh vLịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), tập IX tập trung luận giải những vấn đề sau:

- Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

- Đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo.

- Phát huy sức mạnh của dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

- Phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam.

- Xây dựng và phát huy vai trò hậu phương - căn cứ địa cách mạng.

- Liên minh đoàn kết chiến đấu với Lào và Campuchia chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Mặc dù tập thể tác giả thực hiện tập sách này đã hết sức cố gắng, nhưng đây là những nội dung đòi hỏi tính luận giải, khái quát rất cao, trong khi trình độ nhận thức và lý luận còn hạn chế, nên sự thiếu sót và bất cập về mặt này, mặt khác là khó tránh khỏi.

Rất mong sự đóng góp ý kiến của bạn đọc.

VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ IỆT NAM
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:05:13 pm »

Chương 37

TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM, TẦM VÓC VÀ Ý NGHĨA THẮNG LỢI
CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
(1954 - 1975)

I - TÍNH CHẤT

Trải qua 21 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra với tính chất khác biệt so với nhiều cuộc chiến tranh cách mạng trên thế giới và có những bước phát triển mới so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó. Những điều kiện ấy quy định tính chất đặc trưng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

1. Đây là một cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới do đế quốc Mỹ tiến hành

Tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới đối với miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự, dùng miền Nam làm bàn đạp tiến công miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc tại khu vực Đông Nam Á.

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ đã triệt để khai thác những điều kiện thuận lợi (về tài nguyên, nguồn nhân lực dồi dào, trình độ khoa học - kỹ thuật cao, bị tổn thất ít hơn so với nhiều nước khác, đồng thời lợi dụng chiến tranh để làm giàu, thu lợi nhuận từ buôn bán vũ khí...) để vươn lên trở thành một đế quốc giàu có và hùng mạnh nhất thế giới. Mỹ tự đứng ra “đảm nhận” vai trò sen đầm quốc tế để bảo vệ và cứu nguy cho cả hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa đang suy yếu trước sự lớn mạnh nhanh chóng của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và những đòn tiến công liên tục của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp thế giới, phong trào công nhân trong các nước tư bản.

Để thực hiện những tham vọng của mình, ngay từ năm 1949, đế quốc Mỹ tăng cường chạy đua vũ trang, lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO, tháng 9-1949), đẩy mạnh chiến tranh lạnh, tiếp tay cho các thế lực đế quốc khác trong cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa và trực tiếp nhảy vào tham gia cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên (10-1950).

Tháng 5-1950, Tổng thống Mỹ Truman chính thức viện trợ cho Cộng hòa Pháp trong cuộc chiên tranh xâm lược Đông Dương, ủng hộ Chính phủ “quốc gia” Bảo Đại.

Tháng 12-1950, Mỹ và Pháp cùng các chính phủ “quốc gia” Việt, Miên, Lào ký kết bản Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương. Theo đó, Mỹ cam kết sẽ viện trợ quân sự cho chính phủ các nước này đối phó với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng 9 và tháng 12-1951, Mỹ trực tiếp ký với Bảo Đại hai bản hiệp ước tay đôi: Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt - MỹHiệp ước an ninh chung.

Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ không ngừng gia tăng viện trợ quân sự cho thực dân Pháp. Cụ thể, nếu năm 1952 ngân sách viện trợ của Mỹ mới chỉ chiếm 35%, năm 1953 lên 43% thì đến năm 1954 đã tăng vọt đến 73% trong tổng ngân sách dành cho cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp.

Được Mỹ hà hơi tiếp sức, Pháp rắp tâm kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương bằng nhiều thủ đoạn chính trị và quân sự; dù vậy, mọi cố gắng cũng không thể xoay ngược được tình thế trên chiến trường, còn các chính phủ “quốc gia” bản xứ do Mỹ hậu thuẫn thì liên tiếp sụp đổ.

Tại Việt Nam, dưới áp lực của Mỹ, ngày 12-1-1954, Bảo Đại buộc phải đưa Bửu Lộc đứng ra lập nội các mới thay thế cho nội các Nguyễn Văn Tâm (lập tháng 6-1952), nhưng nội các Bửu Lộc cũng chỉ tồn tại được sáu tháng.

Với con bài đã chuẩn bị từ lâu, đầu tháng 7-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam Việt Nam và gây sức ép với Pháp để cho Ngô Đình Diệm chấp chính. “Quốc trưởng” Bảo Đại lúc đó tuy bất bình, nhưng phản ứng của ông ta không mang lại kết quả. Sự kiện này đánh dấu quan hệ giữa Pháp và Mỹ về vấn đề Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới. Mỹ bắt đầu ra mặt gạt Pháp ra khỏi Đông Dương, đơn phương thao túng thế cờ Việt Nam. Đó cũng là một trong những cột mốc đánh dấu quá trình Mỹ áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:07:02 pm »

Ngày 23-7-1954, nghĩa là chỉ hai ngày sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Ngoại trưởng Mỹ Đalét (Dulles) tuyên bố: “Từ nay về sau, vấn đề bức thiết không phải là than tiếc dĩ vãng, mà là lợi dụng thời cơ để việc thất thủ miền Bắc Việt Nam không mở đường cho chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương” (1).

Ngày 8-8-1954, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ họp đưới sự chủ trì của tổng thống Aixenhao (Eisehhower) quyết định thay Pháp “ngăn làn thủy triều đỏ của chủ nghĩa cộng sản” ở Việt Nam.

Các hành động của Mỹ tiếp tay cho Ngô Đình Diệm từ chối hiệp thương tổng tuyến cử (10-1955), tổ chức “trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại (23-10-1955), rồi tổ chức bầu cử gian lận để thành lập một quốc gia riêng với tên gọi Việt Nam Cộng hòa ở nam vĩ tuyến 17 do chính Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đánh dấu việc Mỹ đã xác lập thành công một bước chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam.

Mục đích của Mỹ nhằm:

- Biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự, ngăn chặn và đe dọa tiến công các lực lượng cách mạng xã hội chủ nghĩa đang phát triển trong khu vực mà Mỹ cho rằng các lực lượng đó đang đe dọa đến các quyền lợi của Mỹ.

- Xây dựng “con đê” ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc đang dâng cao ở khu vực Đông Nam Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954) của Việt Nam.

Những âm mưu trên đây đã chi phối các chính sách cơ bản trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ, nhằm chống lại các trào lưu cách mạng trên thế giới, đàn áp và phá hoại phong trào độc lập dân tộc, kìm giữ các nước mới trỗi dậy trong quỹ đạo chủ nghĩa tư bản, thực hiện chính sách lũng đoạn của tư bản độc quyền Mỹ và ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, đồng thời tranh giành ảnh hưởng với các nước đế quốc khác. Nếu đánh bại được Việt Nam, đế quốc Mỹ có thể thử nghiệm thành công các chiến lược, chiến thuật chiến tranh “chống cộng”, vừa có thể xóa bỏ được ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam - ngọn cờ tiêu biểu cho ý chí độc lập, tự do và cho sự kết hợp giữa các trào lưu cách mạng của thời đại, có xu thế phát triển tất yếu khách quan của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hướng tới chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Năm đời tổng thống Mỹ (Aixenhao, Kennơđi, Giônxơn, Níchxơn, Pho) đã theo đuổi âm mưu ấy bằng con đường chiến tranh xâm lược, ngoan cố bám lấy chính sách thực dân kiểu mới và lao vào những cuộc phiêu lưu quân sự với bất cứ giá nào.

Như vậy, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ. Mỹ muốn chứng tỏ với nhân dân thế giới rằng lực lượng quân sự và kinh tế khổng lồ của chúng có thể khuất phục được nhân dân Việt Nam, từ đó đè bẹp phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của toàn thể nhân dân Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, vì vậy không chỉ nhằm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mà còn nhằm để bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng Tám (1945), của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, mà còn mang ý nghĩa quốc tế to lớn.

Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa điển hình trong thế kỷ XX, là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc nhược tiểu đã tự giải phóng khỏi ách thực dân đế quốc.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa tới việc thành lập chính quyền dân chủ nhân dân, lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên cầm quyền ở một nước thuộc địa. Cách mạng Tháng Tám đồng thời góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh tự giải phóng.

Tiếp theo thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp của quân và dân Việt Nam đã giáng đòn quyết định vào dinh lũy của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Đây là một trong những “cống hiến đặc biệt”, “vô giá”(2) của nhân dân Việt Nam vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ của nhân dân toàn thế giới.


(1) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003, 6.3, tr.118.
(2) Lời Chủ tịch Bumêđiên trong dịp sang thăm Việt Nam tháng 3-1974, báo Nhân dân, số ra ngày 7-3-1974.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:08:14 pm »

Mặc dù kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành được thắng lợi vẻ vang nhưng ta mới chỉ giải phóng được một nửa đất nước. Ở miền Nam, nhân dân vẫn còn phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới do Mỹ dựng lên. Toàn thể dân tộc ta tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh mới, chống lại một kẻ thù lớn mạnh hơn gấp bội đó là đế quốc Mỹ. Cách mạng Việt Nam đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, nhằm hướng tới mục tiêu chung hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà. Mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phồn vinh trở thành nguyện vọng thiêng liêng, là sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và cũng là mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng cả nước. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam vì vậy, bên cạnh thực hiện các mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc còn góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì những mục tiêu cách mạng của thời đại là: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là sự kế tục của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) bằng chiến tranh và trong chiến tranh. Đáng lẽ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng tám và của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã có hòa bình, có thể “an cư lạc nghiệp”, tập trung xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn. Nhưng đế quốc Mỹ - kẻ thù của nhân loại tiến bộ - quyết tâm đặt ách thống trị thực dân mới đối với đất nước ta. Vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vì sự tiến bộ của nhân loại, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta quyết tâm đánh Mỹ đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Việt Nam khởi đầu kháng chiến chống Mỹ xâm lược trong bối cảnh Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954) - một văn bản mang tính pháp lý quốc tế, công nhận chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia đã được ký kết và có hiệu lực: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Trong tình hình đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu cao thiện chí hòa bình, sẵn sàng hiệp thương với chính quyền Việt Nam Cộng hòa để thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ chung của chúng ta hiện nay là: Thi hành đúng đắn hiệp định đình chiến, đấu tranh để giữ gìn và củng cố hòa bình, để thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc(1).

Nhưng thiện chỉ của Đảng và Chính phủ Việt Nam bị đáp lại bằng hành động thù địch tàn bạo của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chúng trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại cuộc tổng tuyển cử, liên tiếp mở các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” dùng mọi thủ đoạn chiến tranh nhằm tiêu diệt các lực lượng cách mạng và những người yêu nước miền Nam.

Trước những âm mưu và hành động của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhân dân ta không còn con đường nào khác là phải tiếp tục đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Suốt quá trình kháng chiến, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần muốn chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Nhưng thực tế đã chỉ rõ, phá hoại hòa bình là bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Muốn có hòa bình thực sự, nhân dân ta chỉ có một con đường duy nhất là tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng - tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược dã man, tàn khốc nhất của đế quốc Mỹ trong thế kỷ XX.

Trong 21 năm (1954 - 1975) trên chiến trường miền Nam, nhân dân Việt Nam đã phải liên tục chiến đấu chống lại các lực lượng đế quốc, bọn phản động trong nước và quốc tế để hoàn thành những mục tiêu nói trên. Cho dù có lúc, có nơi không có sự tham gia trực tiếp của quân đội viễn chinh Mỹ trên chiến trường, chỉ có quân đội Việt Nam Cộng hòa mang chiêu bài quốc gia, dân tộc, như trong những năm trước Đồng khởi (1960), hoặc khi Mỹ thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” - “thay màu da trên xác chết (chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh) nhưng chúng vẫn không thể che đậy được bản chất của một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới do Mỹ gây nên ở miền Nam Việt Nam.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.7, tr.339.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:09:38 pm »

2. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam mang tính chất một cuộc đấu tranh giai cấp sâu sắc

Tính chất nổi bật của các chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới mà Mỹ áp đặt ở miền Nam Việt Nam là tổ chức một cơ chế thống trị gián tiếp, thông qua hệ thống chính quyền do một người đứng đầu, đồng thời tiến hành xây dựng một lực lượng quân sự người bản xứ, sẵn sàng thi hành mệnh lệnh và thực hiện các ý đồ chiến lược của hệ thống cố vấn quân sự ở các cấp, các ngành của Mỹ.

Ngay sau khi được Mỹ dựng lên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã gấp rút tìm đủ mọi cách để xây dựng miền Nam Việt Nam thành một “quốc gia mạnh” của “thế giới tự do”, với bộ máy quân đội, cảnh sát có số lượng lớn, được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, được đầu tư huấn luyện thuần thục để chống lại phong trào cách mạng và những người yêu nước miền Nam.

Để tạo chỗ dựa về chính trị, Ngô Đình Diệm cho thành lập hệ thống tổ chức Đảng Cần lao nhân vị, phong trào Cách mạng quốc gia, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ liên đới từ trung ương xuống tận xã, ấp, nhằm tập hợp mọi lực lượng phản cách mạng trong giai cấp tư sản, địa chủ, tổ chức Thiên Chúa giáo và những phần tử có mối hận thù với cách mạng làm hậu thuẫn cho hệ thống chính quyền các cấp của chúng. Đồng thời, chúng tuyên bố xóa bỏ các khu hành chính chịu ảnh hưởng lớn của cách mạng. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn quân sự Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng đôn quân, bắt lính, xây dựng và huấn luyện hàng chục sư đoàn bộ binh, nhiều đơn vị pháo binh và xe tăng; tiến hành xây dựng hệ thống sân bay, quân cảng, đường giao thông chiến lược nhằm biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự khổng lồ, sẵn sàng thực thi các chiến lược chiến tranh của Mỹ.

Với một hệ thống cố vấn được tổ chức chặt chẽ từ Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, các bộ máy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến các đơn vị quân đội, cảnh sát, các địa phương và dựa vào sức mạnh của vũ khí, đôla viện trợ, Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào miền Nam Việt Nam về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao…

Về kinh tế, từ năm 1955 - 1958, viện trợ của Mỹ cho chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa lên tới 965 triệu đôla (trong đó, 626 triệu đôla là viện trợ quân sự). Được Mỹ dung dưỡng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa khẩn trương ban bố nhiều chính sách kinh tế mới.

Tháng 1-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm ban bố chương trình Cải cách điền địa với các luận điệu: “chia ruộng đất cho dân”, “hữu sản hóa vô sản”, “đả thực, bài phong”…, nhưng thực chất là chúng tiến hành cướp lại ruộng đất mà cách mạng đã chia cho nông dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và khôi phục, củng cố giai cấp địa chủ, tư sản dân tộc ở miền Nam.

Thông qua Dụ số 2 (8-1-1955), Dụ số 7 (3-2-1955) và Dụ số 57 (22-10-1056), chính quyền Ngô Đình Diệm đã câu kết với giai cấp địa chủ, tư sản trong nước để chiếm đoạt ruộng đất tư nhân, tăng tô thuế tràn lan, từng bước xóa bỏ những thành quả mà cách mạng đã đem lại cho nông dân trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Trong suốt thời gian có mặt ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã thiết lập được sự câu kết chặt chẽ giữa bọn đế quốc bên ngoài và bộ phận tư sản mại bản, địa chủ phong kiến phản động trong nước, nhằm duy trì ách thống trị thực dân mới với những hình thức và phương pháp phong phú, đa dạng; đồng thời, ngăn cản và chống phá phong trào giải phóng dân tộc, cũng như ảnh hưởng của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chẳng những xâm chiếm, ngăn cản sự phát triển xã hội ở miền Nam Việt Nam mà còn âm mưu xâm chiếm cả nước Việt Nam, thủ tiêu toàn bộ thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được. Vì vậy, chúng chẳng những là kẻ thù trực tiếp của nhân dân miền Nam, mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam. Đúng như nhận định, đánh giá của Đảng Lao động Việt Nam về hai mâu thuẫn cơ bản đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải giải quyết trong cuộc đối đầu lịch sử với Mỹ. Đó là:

“1. Mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ phong kiến, và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị ở miền Nam và một bên là dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước Việt Nam, bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam.

2. Mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc”(1).

Như vậy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam trong những năm 1954 - 1975 vừa mang tính chất của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vừa mang nội dung đấu tranh giai cấp rõ rệt; song đây nhất định không phải là một cuộc nội chiến.

Chính sách của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa lành chính sách xâm lược và phản động. Cuộc chiến tranh do chúng tiến hành ở miền Nam Việt Nam từ sau tháng 7-1954, với các chiến lược chiến tranh kế tiếp nhau, lúc leo thang, lúc xuống thang, suy cho cùng đều nhằm thực hiện ho được mục tiêu là đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, nô dịch nhân dân Việt Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới. Rõ ràng đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền. Cho nên về mục tiêu chính trị và về bản chất của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ, chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến hành ở Việt Nam không có gì khác với cuộc chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp đã gây ra trước đây, hòng cướp nước ta, bắt nhân dân ta làm nô lệ.

Đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa - đại diện cho giai cấp tư sản và địa chủ ở miền Nam Việt Nam gây ra, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa của một cuộc đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, mà còn là nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa một bên muốn đưa miền Nam Việt Nam tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội còn bên kia thì lại muốn miền Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Là một bộ phận của cuộc đấu tranh giai cấp giữa hai trận tuyến trên phạm vi toàn cầu, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, vì vậy trở thành một bộ phận của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới và mang ý nghĩa quốc tế sâu sắc.


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gian, Hà Nội, 2002, t.20, tr.60.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2014, 10:25:17 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:11:46 pm »

3. Tiến hành đồng thời chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết và có hiệu lực. Bản hiệp định đánh dấu thắng lợi của chín năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh và của gần một trăm năm đấu tranh giải phóng dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam. Với thắng lợi đó, quân và dân ta đã bảo vệ được thành quả của Cách mạng Tháng Tám trên miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đối với thực dân Pháp và can thiệp Mỹ thì Hiệp định Giơnevơ là một thất bại hết sức thảm hại. Nó kết thúc nền thống trị của Pháp ở Đông Dương, đánh bại âm mưu nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh để từng bước biến các nước Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự lúc bấy giờ của đế quốc Mỹ. Đây là thất bại nặng nề nhất của Mỹ ở châu Á sau thất bại ở lục địa Trung Quốc và trên bán đảo Triều Tiên.

Hiệp định Giơnevơ ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO), ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam vào “khu vực bảo hộ” của khối này. Âm mưu của Mỹ là ra sức củng cố những vị trí chiến lược trong khu vực, đồng thời sử dụng khối liên minh quân sự này làm công cụ thực hiện chính sách gây chiến và xâm lược của chúng. Ý đồ đen tối và thâm độc đó đã biểu lộ rõ rệt trong lời tuyên bố của giới cầm quyền Nhà Trắng, rằng an ninh của Mỹ quyết định ở dọc vĩ tuyến 17 và biên giới Việt - Lào.

Trong kế hoạch chiến lược quân sự toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ, miền Nam Việt Nam có một vị trí chính trị, quân sự, kinh tế cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, chẳng bao lâu sau ngày đình chiến, đế quốc Mỹ đã tìm cách hất cẳng Pháp, lập nên chính quyền bản xứ Ngô Đình Diệm và thông qua chính quyền đó để phá hoại sự nghiệp cách mạng, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam.

Đế quốc Mỹ đã chà đạp lên mọi điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, ngang nhiên đưa vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam với nhịp độ ngày càng tăng.

Miền Nam Việt Nam từ sau năm 1954 đã thực sự chuyển từ thuộc địa của Pháp thành thuộc địa của Mỹ. Cách mạng Việt Nam từ nay chuyển sang một giai đoạn mới với nhiệm vụ củng cố và xây dựng miền Bắc ngày càng vững mạnh về mọi mặt, cùng với miền Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Điểm nổi bật của cách mạng Việt Nam những năm 1954 - 1975 là hai miền thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau, nhưng đều nhằm vào một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có đấu tranh giải phóng được miền Nam chúng ta mới bảo vệ được miền Bắc và có bảo vệ được miền Bắc một cách vững chắc, chúng ta mới có điều kiện về mọi mặt để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tháng 3-1955, Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: Củng cố miền Bắc về mọi mặt là một nhiệm vụ rất quan trọng, vì miền Bắc có được củng cố, ta mới có đủ lực lượng để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Theo quan điểm của Đảng Lao động Việt Nam, hai chiến lược cách mạng(*) khác nhau được tiến hành đồng thời trong cùng một thời gian, về lý luận cũng như về thực tiễn không có gì mâu thuẫn, ngược lại còn hỗ trợ, bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Điều đó phản ánh sự kết hợp biện chứng giữa hai chiến lược của cách mạng nước ta. Mỗi miền thông qua nhiệm vụ cách mạng của mình mà góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của cả dân tộc.

Bất cứ một hành động cách mạng nào của nhân dân ta ở miền Bắc cũng có hai tác dụng: một mặt củng cố miền Bắc, cải thiện đời sống nhân dân, mặt khác làm tăng thêm lực lượng, làm hậu thuẫn và chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Bất kỳ một hành động cách mạng nào của nhân dân ta ở miền Nam cũng có hai tác dụng; phá tan chính sách xâm lược và nô dịch của đế quốc Mỹ, làm suy yếu đối phương, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, tiến tới giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, đồng thời tích cực bảo vệ miền Bắc, bảo vệ căn cứ địa chung của cả nước, tạo điều kiện cho miền Bắc thực hiện thành công nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong khi sớm xác định vai trò quyết định của miền Bắc đối với toàn bộ tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng Lao động Việt Nam đồng thời cũng chỉ rõ vai trò quyết định trực tiếp của cách mạng miền Nam trong việc đánh đổ nền thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước(1).

Mối quan hệ hữu cơ giữa cách mạng hai miền Nam - Bắc không phải chỉ riêng phía ta nhận thức được mà ngay cả kẻ thù của cách mạng, cụ thể là đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng sớm nhận ra theo lập trường quan điểm của chúng.

Quá trình xâm lược miền Nam cũng là quá trình đế quốc Mỹ thực hiện mưu đồ phá hoại miền Bắc bằng nhiều thủ đoạn như: tung gián điệp, biệt kích, gây chiến tranh tâm lý, và cao nhất là đánh phá miền Bắc bằng không quân và hai quân, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Cứ mỗi lần kế hoạch chiến tranh của Mỹ bị quân và dân ta ở miền Nam đánh bại, chúng lại leo thang đánh phá miền Bắc, bởi chúng biết rằng, chính nhờ miền Bắc nên cách mạng miền Nam mới có điều kiện phát triển, quân và dân ta mới có đủ thế và lực để đứng vững và tiến công.

Như vậy, trong thực tế, quân và dân miền Bắc vừa phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến, vừa phải trực tiếp chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ do đó, cũng chính là một loại hình chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hậu phương chiến lược, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.


(*) Lúc bấy giờ Đảng Lao động Việt Nam xác định là hai nhiệm vụ chiến lược.
(1) Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.21, t.508-512.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:13:19 pm »

4. Là biểu hiện đặc sắc về liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong thời đại mới

Việt Nam, Lào, Campuchia là ba quốc gia có quan hệ láng giềng thân thiện. Do nằm ở vị trí địa lý đặc biệt nên ngay từ xa xưa trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân ba nước đã có mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau và có nhiều nét tương đồng về mặt kinh tế, văn hóa...

Trong thế kỷ XX, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và cả bán đảo Đông Dương là một bộ phận trọng yếu của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ. Năm 1954, trong Báo cáo của Ủy ban đặc biệt về Đông Dương, chính quyền Mỹ đã “cảnh báo” về nguy cơ “đe dọa” của chủ nghĩa cộng sản ở khu vực này và nêu rõ “chính sách của Mỹ là không chấp nhận điều gì khác ngoài sự thắng lợi quân sự ở Đông Dương”.

Để chống lại âm mưu và thủ đoạn xâm lược của đế quốc Mỹ, nhân dân ba nước Đông Dương đã tăng cường đoàn kết chiến đấu, trong đó cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam đã trở thành điểm xuất phát, trung tâm của toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng khu vực. Từ đây, liên minh kháng chiến chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia chính thức hình thành. Trong suốt những năm chiến tranh, tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa ba dân tộc ngày càng trở nên bền chặt và không ngừng phát triển(1).

Sau khi thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, đồng thời tăng cường các hoạt động đánh phá bằng không quân trên khắp chiến trường Đông Dương: Bắc Việt nam, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Bắc Lào và Campuchia. Tháng 3-1965, Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương được tiến hành trọng thể tại Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) đánh dấu bước phát triển mới của liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước.

Trước mưu đồ mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương với những mức độ, biện pháp khác nhau của đế quốc Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam đã xác định rõ: “Do tình hình cụ thể của mỗi nước, cho nên về hình thức tiến lên (của cách mạng - TG) có khác nhau, nhưng có những vấn đề khách quan ràng buộc ba nước với nhau, không thể tách rời được”(2).

Cùng với việc đập tan những cuộc phản kích của quân viễn chinh Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa trong các mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, đường Hồ Chí Minh - tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn, cung cấp sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ, trong đó có nhiều đoạn xuyên qua nước bạn, ngày càng được nối dài, mở rộng và có ảnh hưởng đáng kể đối với toàn bộ tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến.

Năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta ở miền Nam cùng với chiến thắng Nậm Bạc (Thượng Lào) của liên quân chiến đấu Lào - Việt đã làm đảo lộn thế chiến lược chiến tranh và làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của chúng, buộc chúng ngừng ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam và ngồi đàm phán với ta tại Pari.

Từ năm 1969, với mưu đồ kéo dài chiến tranh xâm lược, dọn đường để từng bước rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường Đông Dương trong danh dự, đế quốc Mỹ triển khai chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, thực chất là “thay màu da trên xác chết”, quân chiến đấu Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa liên tiếp mở các cuộc hành quân quy mô lớn sang Campuchia và Lào. Từ chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ phát triển thành Khmer hóa chiến tranh, Lào hóa chiến tranh và Đông Dương hóa chiến tranh. Hàng chục nghìn phi vụ đánh phá của máy bay B.52 đã được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 5-1969 nhằm vào những địa bàn trọng điểm, nơi mà chúng cho là “đất thánh của Việt cộng”, tức là những khu vực đóng quân, kho tàng hậu cần, những căn cứ xuất phát tiến công của các đơn vị lực lượng vũ trang Việt Nam trên đất bạn. Bên cạnh đó, chúng còn tìm mọi cách chặn phá hoạt động của cảng Cômpông Xom, nơi mà Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn ước tính đã có khoảng 10.000 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc được chuyển qua đây để tiếp tế cho Quân giải phóng miền Nam Việt Nam từ tháng 10-1967 đến tháng 9-1968(3).

Sau sự kiện giật dây cho Lon Non làm cuộc đảo chính ở Campuchia (3-1970), đế quốc Mỹ đã áp đặt toàn bộ quyền kiểm soát đối với Campuchia, thì hơn lúc nào hết, nhân dân ba nước Đông Dương càng nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết phải đoàn kết chiến đấu trong một chiến lược chung nhằm đánh bại mọi mưu đồ và biện pháp chiến tranh mới của kẻ thù.


(1) Với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, chỉ riêng trong các năm từ 1954 đến năm 1957, miền Bắc Việt Nam đã viện trợ cho Mặt trận Neo Lào Hắc Xạt 36.437 tấn thóc, 53.612 đồng bạc trắng, 109.457 nông cụ, 179.374 mét vải, 4.332 tấn xăng dầu, 280 tấn vũ khí, 93 tấn quân trang, 72 tấn thuốc men, 21 tấn máy móc và nhiều loại hàng hóa khác. Theo Tài liệu tra cứu những sự kiện Lào, Thư viện Trung ương Quân đội, Hà Nội, 1980, t.III, tr.39-40.
(2) Phát biểu của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc hội đàm giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào tại Hà Nội (từ ngày 22 đến ngày 29-6-1965). Xem Tài liệu tra cứu các sự kiện Lào, Sđd, t.IV, tr.57.
(3) Xem Henry Kissinger: The White House years (Những năm tháng ở Nhà Trắng), bản dịch tiếng Việt, tr.31-32.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 08:14:41 pm »

Từ ngày 24 đến ngày 25-4-1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Đây thực sự là “Hội nghị tăng cường đoàn kết, siết chặt hàng ngũ của nhân dân Campuchia, nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam để kiên trì đẩy mạnh chiến đấu, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, đây là hội nghị đánh dấu một bước phát triển mới của tình hữu nghị thắm thiết và sự hợp tác lâu dài trong tương lai giữa nhân dân ba nước”(1). Cũng từ đây, cách mạng Đông Dương đã có những bước phát triển nhảy vọt. Trên chiến trường Campuchia, các cuộc hành quân quy mô lớn mang tên “Thần lửa” (6-1970), Chenla 1 (12-1970), “Toàn thắng” (1-1971), Chenla 2 (12-1971) của quân viễn chinh Mỹ, quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân Lon Non lần lượt bị đánh bại.

Phối hợp nhịp nhàng với chiến trường Campuchia, sau chiến thắng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (2-1970), liên quân chiến đấu Lào - Việt liên tiếp chủ động tiến công địch, giải phóng Atôpơ và Saravan (6-1970), đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” tại khu vực đường 9 - Nam Lào (1-1971), mở ra một vùng căn cứ rộng lớn, vững chắc, liên hoàn cho cách mạng ba nước Đông Dương, kéo dài từ Nam Lào, Tây Trị - Thiên, Đông Nam Bộ (Việt Nam) đến Biển Hồ (Campuchia).

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam Việt Nam, cùng với thắng lợi trên các chiến trường Lào và Campuchia, đặc biệt là trận thắng giòn giã của quân và dân miền Bắc Việt Nam, đập tan cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và đơn phương rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Pari (27-1-1973) được ký kết và có hiệu lực đã làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam Việt Nam và tạo điều kiện có lợi cho cách mạng các nước Đông Dương phát triển.

Tiếp sau Hiệp định Pari về Việt Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền phái hữu hở Lào cũng đã phải ký kết Hiệp định Viên Chăn về việc lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào (22-2-1973).

Những thắng lợi trên đây đã tạo thời cơ thuận lợi cho quân đội cách mạng và nhân dân Campuchia đẩy mạnh tiến công và nổi dậy. Ngày 15-8-1973, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt chiến dịch ném bom bằng không quân trên đất Campuchia. Đến cuối năm 1973, 90% lãnh thổ và hơn 5 triệu dân Campuchia được giải phóng.

Trong các năm 1974 - 1975, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ba nước Đông Dương bước sang giai đoạn cuối. Cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía cách mạng.

Mùa Xuân 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp miền Nam Việt Nam đã tạo thời cơ lớn chưa từng có cho cách mạng Campuchia và Lào tiến lên giành thắng lợi quyết định. Trên đà thắng lợi to lớn trong các đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng ở miền Nam Việt Nam, quân và dân Campuchia đã chọc thủng tuyến phòng ngự của quân đội Lon Non ở ngoại vi Phmôm Pênh và ngày 10-4-1975, đã siết chặt vòng vây thành phố này.

Thế và lực của cách mạng Campuchia càng được nhân lên nhanh chóng khi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về nhân lực và vật lực của cách mạng Việt Nam. Ngày 17-4-1975, quân và dân Campuchia đã thực hiện trận quyết chiến quyết định, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Thắng lợi này đã góp phần cổ vũ tinh thần cho quân và dân Việt Nam cũng như quân và dân Lào anh em đẩy mạnh tiến công và nổi dậy giải phóng đất nước mình, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ.

Nhờ liên minh đoàn kết chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau của nhân dân ba nước Đông Dương, quân và dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, tổ chức những đợt tiến công quân sự dồn dập và cuối cùng mở chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vào ngày 30-4-1975, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nắm chắc và kịp thời chớp thời cơ lịch sử sau đại thắng mùa Xuân 1975 của cách mạng Việt Nam và Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quân và dân Lào đã chủ động tiến công và nổi dậy trên cả nước. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào được thành lập. đến đây, sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương đã đã giành toàn thắng.

Thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), không những là thắng lợi tất yếu của quá trình phát triển của chiến tranh cách mạng Việt Nam vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, mà còn là biểu hiện sức mạnh và hiệu quả to lớn của liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.


(1) Phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong buổi khai mạc Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương, tháng 4-1970.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM