Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:40:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 100 câu Hỏi - Đáp về biển, đảo  (Đọc 60048 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2014, 10:48:46 am »

96. Nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng kiểm ngư Việt Nam?

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm ngư

1. Tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật quy định về công tác kiểm ngư theo sự phân công, phân cấp.

2. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.

3. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản.

5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản.

6. Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

7. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm ngư viên, công chức, viên chức và Thuyền viên tàu Kiểm ngư.

9. Thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật.



97. Việt Nam có những hoạt động phối hợp chung nào với các quốc gia trong khu vực nhằm bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông?

Việt Nam nhận thức sâu sắc được việc duy trì hòa bình và bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông chính là để duy trì hòa bình và bảo vệ trật tự, an ninh của cả khu vực; đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp chung với các nước trong khu vực tiến hành một số hoạt động như:

- Việt Nam tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, một số Công ước đa phương khác liên quan đến giao thông hàng hải, an toàn trên biển.

- Tích cực thúc đẩy ký kết và kêu gọi các bên nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC). Tháng 7/2011, tại In-đô-nê-xia trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM-44), Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các bên đạt được sự nhất trí và chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông -một văn kiện quan trọng có tính chất ghi dấu cho sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN đối với vấn đề Biển Đông, đồng thời đặt nền tảng cho việc hướng tới một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, đó là Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

- Bên cạnh đó Hải quân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam cũng hợp tác với Hải quân, Cảnh sát biển các nước láng giềng như: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan... tiến hành tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng, hợp tác, diễn tập cứu hộ, cứu nạn... Các hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả, đem lại lợi ích thiết thực cho hải quân và nhân dân các nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và xây dựng môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hàng năm, Việt Nam đón các tàu Hải quân của các nước tới thăm như: Ấn Độ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản; Trung Quốc, Mỹ, Nga,...

- Việt Nam đã tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng chồng lấn với Ma-lai-xi-a; Việt Nam, Trung Quốc và Phi-líp-pin đã ký và triển khai Hiệp định “Ba bên liên hợp thăm dò địa chấn ở khu vực biển thoả thuận ở Biển Đông” năm 2005.

- Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực tham gia các diễn đàn khu vực (ASEAN+1, ASEAN+3, ADM, ADMM, ARF, EAS,...), các Hội nghị, Hội thảo quốc tế và đưa ra các sáng kiến, đề xuất có ý nghĩa thiết thực nhằm duy trì hòa bình, bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2014, 10:56:38 am »

98. Bạn hiểu như thế nào về Ngày đại dương Thế'giới (Ngày 8 tháng 6)?

Ngày Đại dương Thế giới 8/6 bắt đầu từ sáng kiến đề xuất của Chính phủ Canada trong Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro vào năm 1992. Sau đó, Ngày Đại dương Thế giới 8/6 đã được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO) thừa nhận vào Năm quốc tế Đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), khi ấy Việt Nam cũng tham gia sự kiện này. Từ Cuộc họp quốc tế năm 2002 “Hành động cùng nhau vì tương lai của Hành tinh xanh” với sự hỗ trợ của Diễn đàn toàn cầu Đại dương, Vùng bờ và Hải đảo (GFOCI), Mạng lưới Đại dương Thế giới (WON), Đề án Đại dương, Viện Đại dương quốc tế (IOI), Diễn đàn Aquarium quốc tế,. hàng năm có hàng trăm tổ chức của trên 50 quốc gia đã tổ chức trọng thể ngày này.

Ngày Đại dương Thế giới đã được xem là một sự kiện duy nhất nhằm tôn vinh Đại dương Thế giới, và để bày tỏ mối quan tâm gắn bó của loài người với biển và đại dương vì tương lai của chính loài người. Mục tiêu chung của việc tổ chức Ngày Đại dương Thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà ra quyết định về vai trò cực kỳ quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta, và cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển cả”.

Trên thế giới cứ đến ngày này, để hưởng ứng người ta đã tổ chức một chuỗi sự kiện và hoạt đông như: các cuộc Tuần hành vì đại dương, các Con đường xanh kết nối con người, thủy sản và thị trường bền vững, Tọa đàm đại dương hòa bình, Thi nghệ thuật và văn hóa biển, Xây dựng lâu đài cát, Cấp hộ chiếu cho công dân đại dương,.

Đặc biệt, các quốc gia có biển trên thế giới đã thông qua lần đầu tiên “Tuyên bố Đại dương Manado” tại Hội nghị Đại dương thế giới tổ chức ở In-đô-nê-xia ngày 14/5/2009, mà Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Việt Nam tham gia thảo luận và thông qua tuyên bố nói trên.

Nhờ những nỗ lực toàn cầu không mệt mỏi nói trên, từ năm 2009 Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chính thức thông qua chủ trương kỷ niệm hàng năm Ngày Đại dương Thế giới 8 tháng 6 ở các nước thành viên. Mỗi năm Cục Đại dương và Luật Biển của Liên Hợp quốc với sự giúp đỡ của Mạng lưới Đại dương toàn cầu chọn, công bố một chủ đề và cũng là thông điệp của ngày này. Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2009 là ‘Chúng ta chỉ có chung một đại dương, một bầu khí quyển và một tương lai’ (One Ocean, One Climate, One Future). Chủ đề năm 2010 là “Đại dương của cuộc sống” (Ocean of Life),...

Đây là chủ đề bao trùm về đại dương với tư cách là hệ thống hỗ trợ cho sự sống trên Trái đất và đặc biệt về vai trò và mối quan hệ của đại dương với việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên toàn Trái đất.



99. Vài nét về Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 01 đến ngày 07 tháng 6 hàng năm)?

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo vì sự phát triển bền vững đất nước, cũng như ý nghĩa trọng đại của Ngày Đại dương Thế giới 8/6, năm 2008, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ngay từ những tháng đầu thành lập đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tổ chức một Tọa đàm về ngày này. Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam. Và những người tham gia tọa đàm nhận thấy cần phải tổ chức Tháng hoặc Tuần lễ biển đảo cho Việt Nam để có những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Trong quá trình soạn Nghị định Chính phủ về Quản lý tổng hợp tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý đề xuất của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa vào dự thảo nghị định này “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6 và Ngày Môi trường Thế giới 5/6”. Ngày 06/3/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trong đó có yêu cầu tổ chức hàng năm “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Biển và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, năng lượng và nguyên nhiên liệu. Nhưng sự hiểu biết kỹ lưỡng về chúng lại chủ yếu thuộc về các nhà khoa học và các nhà quản lý chuyên ngành, trong khi để quản lý, khai thác lâu dài nguồn lợi khổng lồ này lại cần đến sự tham gia của các bên liên quan, của người dân ven biển và của toàn xã hội.

Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi nương tựa của hàng chục triệu người dân đất Việt, là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng trên biển của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế,. Vì vậy, việc tổ chức thành công hàng năm “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” với các hoạt động thiết thực đối với đất nước và bắt nhịp với yêu cầu thời đại, sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương, đối với việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Từ đó khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, lòng tự hào, ý thức dân tộc của mọi người dân Việt Nam đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, đối với chính cuộc sống của cộng đồng và đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển lâu dài của đất nước, góp phần “đưa nước ta trở thành một quốc gia giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển” theo tinh thần Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 12/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 950/TTg-KTN công nhận Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ven biển tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hàng năm để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (8/6).

Từ đó tới nay Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thế mạnh và tiềm năng của biển, hải đảo Việt Nam, nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm với biển và chủ quyền vùng biển đất nước. Thông qua những hoạt động thiết thực được tổ chức, sự kiện đã thu hút và tạo được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội.

Việc Chính phủ chính thức cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kịp thời Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ năm 2009 (từ ngày 1-8/6) phải được xem là một “mốc sự kiện” có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực quản lý biển và hải đảo không chỉ ở nước ta, mà cả đối với cộng đồng đại dương thế giới.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2014, 10:59:57 am »



100. Học sinh, sinh viên Việt Nam cần có ý thức và trách nhiệm như thế nào trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của ta trên Biển Đông?

Học sinh, sinh viên (HSSV) là lực lượng trẻ, có tri thức trong xã hội, là tương lai của đất nước, là tầng lớp đi tiên phong trong các hoạt động thúc đẩy cộng đồng quan tâm và có trách nhiệm đối với những vấn đề liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chúng ta cần quán triệt lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ quyền đối với vùng nội thủy, lãnh hải; quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chủ trương của ta là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp và thực tiễn quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Với lập trường và chủ trương đúng đắn đó, Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ một loạt công tác nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của ta trên Biển Đông.

HSSV đi đầu trong việc tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ từ hợp tác quốc tế với các nước bè bạn và các tổ chức quốc tế trên mọi lĩnh vực.
Tăng cường học tập, nghiên cứu, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Việt Nam.

Góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo.

Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia vào học các ngành nghề liên quan tới biển, đảo.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười, 2019, 11:29:28 am gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2014, 11:02:46 am »










« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười, 2019, 11:30:41 am gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #64 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2014, 04:45:58 pm »

Phụ lục
TÌM HIỂU MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH NIÊN
HƯỚNG VỀ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG


1. Bạn hãy cho biết Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” vào thời gian nào? Nội dung chính của Cuộc vận động?

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” vào năm 1998 với ba nội dung chính:

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu về biên giới, hải đảo để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

- Kêu gọi mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi hãy dành dụm tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt, quyên góp ủng hộ bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho đồng bào chiến sĩ, thanh thiếu nhi đang sinh sống và làm nhiệm vụ tại biên giới, hải đảo.

- Các cấp bộ Đoàn tổ chức và duy trì có hiệu quả hoạt động giao lưu kết nghĩa và đăng ký các công trình phần việc thanh niên góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Đến nay, qua 15 năm hoạt động, các nội dung của Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” đã được các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên với các nội dung hình thức phong phú sinh động phù hợp với tính thời sự của từng giai đoạn lịch sử. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X nhiệm kỳ 2012 - 2017 đã đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2007 - 2012, Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” có bước phát triển, góp phần nâng cao nhận thức của Đoàn viên, thanh niên về lãnh thổ và chủ quyền của Tổ quốc, tiêu biểu như các hoạt động: Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển, Xuân biên giới - Tết hải đảo, Mái ấm biên cương, Nốt nhạc biên cương... đồng thời xác định nhiệm kỳ 2012 - 2017 tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” .




2. Bạn có biết thông tin về chương trình “Góp đá xây Trường sa” do Trung ương Đoàn và báo Tuổi trẻ Thành phô'Hồ Chí Minh phát động? Mục đích, ý nghĩa của chương trình?

Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” là chương trình được xuất phát từ kết quả của việc bạn sinh viên Nguyễn Phan Hà Châu - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM khi được Trung ương Đoàn lựa chọn tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2011 đã mang theo một nắm đất liền ra đảo để góp phần làm cho đảo bớt nhỏ trước biển. Câu chuyện nhiều cảm xúc và đầy ý nghĩa này là một gợi ý cho Báo Tuổi trẻ, sau khi được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đoàn - Báo Tuổi trẻ đã phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Chương trình không chỉ tác động trong phạm vi của Đoàn TN mà lan tỏa ra xã hội. Đến nay, chương trình đã nhận được sự đóng góp của hàng chục vạn tập thể, cá nhân, mà trong số họ, có những người đi bán ve chai, những em học sinh nhỏ nhịn ăn sáng, có thanh niên công nhân để dành phần tiền tăng ca, hoặc cụ già trước khi “quy tiên” đã dặn con cháu sử dụng tiền phúng điếu “làm việc nước”... Tính đến tháng 3/2013, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã nhận được hơn 50 tỉ đồng đóng góp, cho thấy tình cảm, trách nhiệm, sự tự nguyện của thanh niên, nhân dân trước các vấn đề biển đảo... là vô cùng to lớn.



3. Bạn cho biết thông tin về chương trình “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi” do báo Thanh Niên phát động? Mục đích, ý nghĩa của chương trình?

Thiên tai luôn là nỗi ám ảnh ngư dân trong mùa mưa bão; mặt khác, cũng có các trường hợp ngư dân trẻ mất tàu, mất ngư cụ, trang thiết bị, hải sản vừa đánh bắt... khi bị uy hiếp bởi tàu nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Trong những rủi ro ấy, đã có gia đình ngư dân bị khánh kiệt, mất nhà cửa, con cái không được đi học.

Đây chính là mối quan tâm của toàn xã hội, bởi lực lượng ngư dân trẻ, ngoài việc làm ăn sinh sống, còn là lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế biển, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Cụ thể hóa các kế hoạch công tác của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN VN trong Năm Thanh niên 2011, để có hành động thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân trẻ khi gặp hoạn nạn và tiếp sức cho họ yên tâm bám biển, được sự đồng ý của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, ngày 23/6/2011, Báo Thanh Niên chính thức phát động chương trình “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi”.

Chương trình nhằm: hỗ trợ ngư dân trẻ các loại phương tiện, máy móc, ngư cụ đã bị tổn thất do gặp thiên tai hoặc do gặp sự xâm phạm trên biển; giúp đỡ trang thiết bị thông dụng trên tàu để có thể liên lạc với đất liền và liên lạc để hỗ trợ, ứng cứu cho nhau; hỗ trợ cho con em gia đình ngư dân trẻ hoàn cảnh quá khó khăn được đến trường; hỗ trợ giáo viên và thầy thuốc trẻ tình nguyện phục vụ đảo xa; giúp đỡ kịp thời cho gia đình một số trường hợp ngư dân trẻ bị thương vong, mất tích khi bám ngư trường; góp phần hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho lực lượng kiểm ngư làm nhiệm vụ trên biển.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #65 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2014, 04:54:52 pm »

4. Bạn cho biết về mục tiêu xây dựng đảo thanh niên, kể tên và quá trình thành lập những đảo thanh niên hiện nay mà bạn biết?

Mục tiêu xây dựng đảo thanh niên là phát huy vai trò xung kích sáng tạo của tuổi trẻ, trực tiếp là Thanh niên xung phong tình nguyện ra đảo định cư lâu dài, ổn định để hình thành một đơn vị hành chính mới, nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của đảo kết hợp bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển quốc gia, gắn với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Thông qua đó, giáo dục tinh thần lao động, ý chí vượt khó; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong những năm qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ và đảo Thanh niên Cồn Cỏ.

- Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ: Bạch Long Vĩ có diện tích khoảng 2,7 km2 khi thủy triều cao và 3,2 km2 khi thủy triều thấp, nằm giữa ngư trường vịnh Bắc Bộ, là đảo xa bờ nhất trên vịnh Bắc Bộ, cách Hải Phòng 133 km và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km. Năm 1957, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đơn vị hành chính cấp xã thuộc UBND thành phố Hải Phòng. Cuối năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, toàn bộ ngư dân được di chuyển vào đất liền, từ đó chỉ còn lực lượng vũ trang trên đảo. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Thành ủy thành phố Hải Phòng, ngày 26/2/1993 Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức Đội thanh niên xung phong với 62 đội viên ra lập nghiệp tại đảo, xây dựng quê hương mới, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Để góp phần cùng quân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo vệ quốc phòng an ninh, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đảo của Đoàn Thanh niên cộng sản Cu Ba, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề xuất sáng kiến phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng xây dựng đảo Bạch Long Vĩ thành Đảo Thanh niên. Dự án xây dựng Đảo Thanh niên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 3110/VPCP-NC ngày 12/8/1998.

- Đảo Thanh niên Cồn Cỏ: Đảo Cồn Cỏ cách bờ biển Vĩnh Linh, Quảng Trị 27 km về phía Đông, cách cảng Cửa Việt 30 km, diện tích khoảng 2,3 km2. Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế biển ở khu vực cửa vịnh Bắc Bộ. Chính vì vậy trong phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đảo Cồn Cỏ được sử dụng làm một điểm đóng cửa vịnh và được hưởng 50% hiệu lực. Trong tương lai, Cồn Cỏ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Xuất phát từ vị trí quan trọng của đảo trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, năm 2001, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đồng trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo Thanh niên.

- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang lập đề án thí điểm xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2020. Bao gồm: Tiếp tục xây dựng Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng; Đảo Thanh niên Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị và xây dựng mới Đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh, Đảo Hòn Chuối, tỉnh cà Mau và Đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang.



5. Bạn cho biết thông tin về “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, chủ đề của “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” từ năm 2009 đến nay là gì?

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Kết luận số 156KL/TWĐTN ngày 15/01/2009 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về một số giải pháp đẩy mạnh Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” giai đoạn 2008 - 2012; Biên bản ghi nhớ giữa Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân về việc phối hợp hoạt động giai đoạn 2008 - 2012.

Với chủ đề “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo”, Hành trình đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ cả nước vì Trường Sa thân yêu; thể hiện tinh thần yêu nước và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tham gia ủng hộ, giúp đỡ xây dựng các điểm đảo, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là dịp để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước. Đồng thời, động viên, cổ vũ quân và dân làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong quá trình diễn ra Hành trình, các đại biểu sẽ được phân thành các Trung đội, cùng tổ chức và tham gia các hoạt động trên tàu và tại các điểm đảo, Nhà giàn DK1, được thăm, tặng quà và tìm hiểu cuộc sống và giao lưu với quân và dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, được tham gia các cuộc thi ảnh, thi kỹ năng, sáng tác văn, thơ, các bài hát, các hoạt động văn hóa văn nghệ... nhằm phát huy năng khiếu của các cá nhân, tập thể trên tàu; tham gia viết nhật ký “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”; tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, xem phim tư liệu, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của tàu nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng và Công ước Luật Biển quốc tế.



TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH


1. Lê Đức An, 2008, Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam: Tài nguyên và Phát triển, Nxb Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.

2. Ban chấp hành TW Đảng, 2008, Nghị quyết số 09/2007/NQ-TW khóa X về ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Hà Nội.

3. Nguyễn Bá Diến (Chủ biên), 2006, Chính sách pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững, Sách chuyên khảo, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

4. Nguyễn Bá Diến (Chủ biên), 2012, Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

5. Nguyễn Chu Hồi, 2005, Giáo trình Cơ sở Tài nguyên và Môi trường biển, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Nguyễn Chu Hồi (Chủ biên), 2007, Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển ngành thủy sản, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia, Hà Nội.

7. Nguyễn Chu Hồi (Chủ biên), 2007, Chính sách ngành thủy sản Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

8. Lê Quý Quỳnh (Chủ biên), 2012, Các hiệp định phân định biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Liên Hợp quốc, 1982, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (Bản dịch tiếng Việt), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

10. Quốc Hội CHXHCN Việt Nam, 2003, Luật Thủy sản, Hà Nội.

11. Quốc Hội CHXHCN Việt Nam, 2008, Luật Dầu khí (sửa đổi), Hà Nội.

12. Quốc Hội CHXHCN Việt Nam, 2012, Luật Biển Việt Nam, Hà Nội.

13. Trần Công Trục (Chủ biên), 2011, Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

14. Đào Mạnh Sơn, Vũ Việt Hà, Đặng Văn Thi, Nguyễn Viết Nghĩa, Bách Văn Hạnh, Mai Công Nhuận, 2005, Nguồn lợi hải sản biển Việt Nam giai đoạn 2000 - 2005, Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.

15. Lê Đức Tố và nhóm nghiên cứu, 2005, Quản lý biển, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

17. Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ, 2010, Chính sách biển quốc gia (bản dịch tiếng Việt), Hà Nội.

18. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2009, Biển Đông: tập I, II, III, IV. Nxb Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.



Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM