Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:03:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tranphu341- Đoàn bb Sông Lam- Trên chiến trường A ( Phần 5 )  (Đọc 250545 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #440 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2015, 07:11:45 am »


         Chào bác phuockhanh, chào xuanv338! Chào các bác!

          Tranphu341 rất vui khi các bạn đến thăm nhà cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm xưa và những tình cảm cuộc sống hôm nay. Thưa các bạn. Tranphu341 đang viết lại quãng đời bộ đội đầu tiên khi nhập ngũ và những năm tháng huấn luện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu trên chiến trường A. Những dòng suy nghĩ và những ký ức này hầu như tất cả những ai đã là lính thì đều giống nhau. Trừ một số trường hợp cá biệt. Binh chủng đặc biệt mà cách huấn luyện , cách phong quân hàm hay một số bộ phận không giống với những người lính thông thường. Nhất là người lính Bộ Binh.

            Chính vì vậy nên viết về những ngày đầu này Tranphu341 lại thấy thật khó. Bới vì kể lại trần trụi quá thì nó lại nhạt nhẽo không như viết, không như kể về những ngày chiến đấu. Vì độc giả thường chỉ quan tâm đến sự ác liệt, những gay cấn, những nguy hiểm của cuộc chiến. Song đây là hồi ký, là ký ức nên Tranphu341 cũng cố gắng kể lại những ngày tháng đầu tiên đó. Những ngày luyện quân, những ngày hành quân từ Bắc vào tới Vĩ Tuyến 17 rồi mở đường Trường sơn rồi rất nhiều những chuyện mà tại chiến trừng A TRANPHU341 CÙNG ĐỒNG ĐỘI LUYỆN QUÂN GẦN 3 NĂM. ĐỂ RỒI ĐẦU NĂM 75 TOÀN SƯ ĐOÀN ĐƯỢC LỆNH" Đi sâu, đi lâu, đi xa, đi đến ngày toàn thắng". Đúng là đơn vị Tranphu341 luyện quân 3 năm. Chiến đấu 3 tháng ( Không kể cuộc chiến biên giới Tây Nam)

           Tranphu341 mong nhận được sự quan tâm sẻ chia cùng các bạn.

            Tranphu341 xin chúc các bạn cùng đại gia đình luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui cuộc sống!
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #441 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2015, 11:40:49 am »



              Mọi người vội vã về nghỉ trưa. Anh Thỉnh cũng giục tôi và Thắng đi ngủ. Anh chị chủ nhà ăn cơm ngay tại bếp. Chị chủ nhà thật nhanh nhẹn. Trong lúc chúng tôi đang ăn cơm, thổi cơm xong, đợi cơm chín, chị đã tranh thủ giặt cho tôi toàn bộ số quần áo tư trang, phơi giăng đầy trước sân. Tôi cảm ơn chị chủ rồi cũng lên giường nằm nghỉ. Trời nóng quá, trằn trọc mãi mà chẳng ngủ được. Đúng là chỉ có hai ngày mà cuộc sống đã thay đổi hẳn so với nếp sống của công nhân.

              Tôi dậy đi xuống bếp nói chuyện với anh chị chủ nhà. Nhìn cuộc sống đạm bạc của anh chị chủ, cơm độn khoai, thức ăn thì có mấy con tép, rau thì hái ở vườn nhà. Bát đĩa thì là loại cũ mèm sứt sẹo. Vợ chồng chị chủ có vẻ tâm đầu ý hợp. Vừa ăn, vừa nói chuyện đồng áng, lúa má thật rôm rả. Thấy tôi xuống, cả anh chị đều tranh nhau hỏi thăm tôi về gia đình bố mẹ anh chị em. Anh chị nói: Biết tôi là dân Thị xã lại là công nhân nếp sống tác phong khác hẳn những anh em khác. Các thầy giáo thì đạo mạo, anh em ở quê thì ngây thơ quê mùa. Anh chị có vẻ rất quý và nể trọng tôi. Bỗng chốc tôi có cảm giác trào lên bâng khuâng thèm khát có được cuộc sống vợ chồng như anh chị chủ. Một cuộc sống lứa đôi thật mộc mạc mà thời ấy mọi người hay ca ngợi” Một túp lều tranh, hai trái tim vàng”. Thấy tôi nói là làm nghề thợ hàn hơi, chị chủ vồ vập hỏi: Thế chú làm thợ hàn, có hàn được nồi nhôm không? Anh chị có mấy cái nồi bị thủng. Có cái nồi nấu cám lợn to cũng thủng, bây giờ không biết lấy nồi nào nấu cám. Mãi mà chưa thấy mấy ông hàn nồi đi qua. Tôi phì cười nghĩ chắc chị nghĩ tôi cũng giống như mấy ông già thợ hàn nồi gánh hai cái sọt lớn, tồng ten mấy cái nồi, cái ấm hỏng đi đổi, đi hàn, đi vá những xoong nhuôm, xoong đồng bị thủng. Tôi nói: Em không phải thợ hàn nồi như các ông thợ đi dong. Mà là thợ hàn những con tàu, cano hay xàlan rất lớn đi sông đi biển. Phải có điện, có khí, có máy hàn hiện đại mới làm được. Nghĩ một chút hình ảnh mấy ông hàn nồi mà tôi cũng đã có dịp xem ông làm tôi nói: Nhưng em cũng đã xem người ta hàn vá nồi rồi. Chị cứ bỏ xoong nồi thủng ra, để chiều lau chùi vũ khí xong, em xem có làm được không. Chị chủ vui hẳn lên. Chú giúp được chị thì tốt quá. Còn lựu đạn gỗ thì chú không phải đẽo. Ở nhà anh chị còn cất đi mấy quả lựu đạn của mấy chú. Trước khi đi B được lĩnh lựu đạn thật, các chú cho anh chị làm củi nhưng chị không đun mà vẫn giữ cất đi. Có cả vòng ngụy trang nữa. Tôi nói: Ồ, thế thì tốt quá anh chị cho em em đỡ phải đẽo.

              Cùng lúc còi báo thức vang lên. Đã nghe vẳng tiếng anh Thỉnh giục Thắng dậy chuẩn bị đi tập. Anh Thỉnh chắc không thấy tôi đâu, chạy ngay xuống bếp. Thấy tôi ngồi chuyện trò với anh chị chủ, anh Thỉnh hỏi: Ơ, thế Phú không ngủ trưa à? Tôi chưa kịp trả lời thì chị chủ đã nói: Chắc nhận được súng mới nên chú Phú thao thức không ngủ được. Cùng lúc liên lạc Trung đội dẫn một bộ đội sang giới thiệu: Báo cáo anh Thỉnh đây là anh Loan Tiểu đội trưởng, sang hướng dẫn các anh tháo lắp, lau chùi súng.

             Chúng tôi mượn của anh chị chủ cái mẹt, trải lên một lớp giấy xi măng rồi xé bọc súng ra. Trời, bọc súng đắp rất nhiều mỡ bảo quản. Loại mỡ bò công nghiệp vàng ươm. Chúng tôi gạt gom ngay tại bên ngoài đã được rất nhiều mỡ. Nòng súng cũng được nhét đặc mỡ. Tôi gom tất cả số mỡ bảo quản lại đưa cho anh chủ nói anh gói cất đi để dùng. Cho vào các ổ bi xe đạp vào cả xích nữa cũng rất tốt. Mỡ này là quý lắm. Mỡ hóa học không ăn được đâu. Chị chủ lấy thêm cho chúng tôi mấy cái áo rách để lau sơ qua. Lau đi lau lại mà súng vẫn nhớp mỡ. Lúc này nồi nước sôi mới có tác dụng. Anh Loan tháo từng bộ phận súng rồi lấy dẻ đã được nhúng nước sôi lau súng. Một hai lần như vậy khẩu súng mới cầm được, không bị dính nhớp mỡ nữa. Khẩu súng thật đẹp. Màu gỗ ốp cánh dán vàng đanh. Những phần kim loại được nhuộm đen kít. Ai cũng trầm trồ khen đẹp.

             Bắt đầu anh Loan hướng dẫn chúng tôi cách tháo lắp súng. Anh nói: Trước khi tháo súng, phải tháo băng tiếp đạn ra trước. Ở đây súng mới chưa lắp băng tiếp đạn thì mình vẫn phải lên quy lát. Nếu súng có đạn thì đạn văng ra. Sau đó chĩa lên trời bóp có súng. Vừa nói anh vừa làm. Lên quy lát xoạch roóp rồi chĩa súng lên trời bóp cò. Búa đập “ Chát” đanh gọn. Khi tháo súng theo nguyên tắc: Bộ phận nào tháo ra trước thì để xuống trước như xếp hàng lần lượt thứ tự. Khi lắp súng thì ngược lại. Bộ phận nào tháo ra sau thì lắp trước. Không được để lẫn lộn lung tung. Anh Loan nói: Các ông tập tháo lắp cho thật quen, thật nhanh. Quen đến mức độ bịt mắt vào vẫn có thể tháo lắp súng được. Đấy là tình huống trong chiến đấu ban đêm súng bị hóc đạn. Phải nhanh chóng xử lý tháo súng lấy đạn hóc ra. Các ông cứ bình tĩnh từ từ rồi quen. Với tôi thì những việc này quá đơn giản. Anh Loan chỉ hướng dẫn qua một lần là tôi làm tốt được ngay. Vì thực ra thời học cơ khí tháo lắp động cơ ôtô có nhiều chi tiết phức tạp hơn tôi đã làm qua. Cũng đã học cả tháo lắp ban đêm nữa. Nên khẩu súng hơn chục bộ phận này không có gì đáng ngại.

            Sau khi mọi người đã tháo lắp súng thành thạo. Tôi mới sực nhớ ra chuyện cái nồi cám lợn của anh chị chủ. Tôi nói anh chị chủ cầm ra cho tôi xem. Đây là cái nồi nhôm gò quá cũ, như vậy là đáy nồi lỗ thủng lớn bị cháy do nấu cám khê. Việc này không thật khó. Chỉ sợ không có những vật liệu mình cần. Tôi đi quanh nhà ngó nghiêng tìm vật liệu. Anh chủ hỏi tôi tìm gì? Tôi nói: Em có thể vá được cái nồi này nhưng anh xem nhà ta hay hàng xóm có mảng nhôm hay mảnh đồng mỏng nào không. Nghĩ một lúc anh chủ chạy sang hàng xóm mang về một đoạn chắn bùn bằng nhôm của xe đạp. Tôi xem và nói có thể tạm được. Miếng nhôm này hơi mỏng vá dùng tạm được. Nhưng anh chị kiếm cho em cái búa nhỏ và cái kéo, cái kìm. Vừa nói nhưng tôi vừa nghĩ, nhớ lại cái cách mà ông thợ hàn nồi đã vá nồi mà tôi đã được xem. Kéo và búa, kìm ở nhà đều có. Tôi nói chị chủ đánh rửa thật sạch cho tôi cái nồi. Rồi tôi lấy cái kéo gọt cho chỗ bị cháy thủng tròn to ra để mép cháy không bị nham nhở. Gọt xong chỗ thủng to bằng miệng chén uống nước. Tôi tán cho miếng nhôm chắn bùn phẳng ra rồi ốp vào khoanh lấy dấu kích thước chỗ thủng. Rồi tiếp tục cắt miếng nhôm to hẳn ra, dùng kéo cắt mép hình gập vào cho chờm khỏi lỗ thủng. Ấp vào lỗ thủng rồi bẻ ngược các chân rết ra. Mọi người xem chăm chú tôi làm như một người thợ hàn nồi thực thụ. Tôi dùng búa tán nhẹ các chân rết ép chặt xuống. Như vậy cơ bản là nồi đã được hàn vá kín. Anh chị chủ thì cứ trầm trồ khen tôi khéo tay. Chị chủ nói chú làm giỏi quá. Cho chị xin để nấu cám lợn ngay. Tôi nói: Thế này mới tạm được chứ chưa kín nước đâu. Chị chủ cầm cái nồi giơ lên trời xem có lỗ thủng không. Nói: Hết thủng, tốt rồi, kín rồi chú à. Tôi nói chưa kín đâu. Muốn kín không bị dò nước, anh đi kiếm cho em một ít vôi ăn trầu. Anh chủ lại chạy đi xin vôi. Tôi thì ra sau vườn hái tàu lá khoai ngứa, vo viên cùng vôi cho vào cái bát giã nhuyễn. Rồi lấy thứ vôi lá khoai tổng hợp đó chà miết vào toàn bộ khe kẽ của chỗ vá cả trong lẫn ngoài. Xong, tôi nói đây là bí mật nhà nghề. Bây giờ thì nồi thật kín nước rồi. Anh chị dùng tạm, khi nào về nhà em lấy miếng nhôm dầy thay lại cho anh chị.

            Biết tin tôi vá được xoong nồi thủng, mấy người hàng xóm cũng mang nồi thủng sang nhờ tôi vá. Tiếp đến những ngày sau cũng vậy, cả xóm ai có xoong thủng, nồi thủng, ấm thủng là lại đến nhờ tôi. Từ đó tôi có thêm cái biệt danh là: “ Phú vá nồi”.




Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #442 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2015, 07:31:23 pm »

Đúng là anh chàng hàn nồi thực thụ, chả chê vào đâu được. Ngày ấy anh lính nào kéo tay thế này là bị các em làng xóm bắt mất "tinh" ngay Tranphu à. PK đóng ở Đông Triều, trong nhà dân, chỉ đẽo khẩu súng cho cô bé học sinh đi tập mà chủ nhật cô bé rủ đi hái xim trên đồi xa ba bốn cây số... và bảo sẽ học bằng anh thì thôi. Nhưng anh đi chiến trường 5 năm, hòa bình không quay lại thăm được. Đọc ký ức Tranphu lại nhớ thủa xưa quá!
Chúc chủ bút luôn  khỏe! PK đón đọc tiếp.   
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #443 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2015, 02:30:59 pm »

xuanv338 xin chào anh chủ Tranphu341 , chào các bác trang nhà. Thật là tuyệt với hồi ức của anh lính xuất thân từ anh thợ hàn. Làm bao người lại thầm thì câu hát" Ngước trông lên lò cao, thấy anh thợ hàn sáng mắt hơn sao....Anh TranPhu341 thật đa nghề. Hồi ức lính thật hay, cuộc sông vào đời mỗi người mỗi vẻ nhưng chất lính thì vẫn là chung nhất. Lang thang nhiều việc. Hôm nảy trở về thấy anh CCB 341 đã hàn xong cái nồi nấu cám lơn bị thủng cho anh chủ. Đúng là đi dân nhớ , ở dân thương. CB chúc anh luôn mạnh khỏe, ít cảm cúm, viết tiếp những dòng hồi ức.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #444 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2015, 11:49:44 am »

               Chào bác phuóckhanh, chào cô em xuanv338, chào các bác!

               Tranphu341 rất vui và cảm ơn các bác đã tới thăm nhà cùng đồng viên " Anh thợ hàn nồi" kể lại những ngày tháng đầu tiên đời quân ngũ. Những điều này đã động viên Tranphu341 rất nhiều để tiếp nối phần bài viết của mình.

               Ngày mùng một đầu tháng kính chúc bác phuckhanh, xuanv338 cùng các bạn luôn có thật nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui cuộc sống!



              Tranphu341 xin tiếp mạch bài viết:





               Sau khi ăn xong cơm chiều. Mọi người nghỉ ngơi khoảng 15 phút thì các tổ 3 người họp kiểm điểm những ưu khuyết điểm trong ngày. Tôi là tổ trưởng nhưng chưa biết cách họp tổ, nên anh Thỉnh trực tiếp duy trì cuộc họp. Đầu tiên anh Thỉnh cho từng người tự phát biểu những ưu khuyết điểm, những mạnh yếu của mình. Rồi người này nhận xét về người kia. Sau đó anh Thỉnh nhận xét: Ngày hôm nay nói chung trong tổ có nhiều tiến bộ, Thắng, Văn đều rất nhanh nhẹn. Không bị chậm trễ trong dậy buổi sáng và tập tành ở thao trường, nói chung là tích cực. Riêng tôi thì được biểu dương đã lau chùi vũ khí tốt, lại làm tốt công tác dân vận.

              Cuộc họp tổ 3 người kéo dài khoảng 20 phút. Anh Thỉnh đi nắm tình hình 2 tổ khác và lên Trung đội báo cáo kết quả họp tổ trong Tiểu đội. Trời xẩm tối. Mọi người đợi đến 7 giờ đi họp Trung đội. Những lúc thư giãn như thế này với đời lính là quý lắm. Tôi lấy thuốc lá mời anh chủ và mọi người cùng hút. Thắng thì đùa nghịch với con anh chị chủ. Chị chủ nhà rất vui. Chị bê lên một nồi sắn hấp nghi ngút khói thơm lừng đon đả mời, nói là chiêu đãi chú Phú và mọi người. Chị quyết định nhổ cây sắn ở góc vườn, bóc vỏ, cắt thành khúc, đồ hấp cho anh em tôi ăn. Thái Bình khoai lang 3 tháng, 6 tháng thì nhiều, nhưng sắn thì dân trồng không nhiều vì hiếm đất. Vì lẽ nữa là trồng sắn phải kéo dài một năm mới được thu hoạch. Không hợp với việc cung cấp lương thực. Nên thời đó dân Thái Bình hay được ăn độn sắn là loại sắn dẻo từ mạn ngược đem về. Vì vậy sắn vẫn là loại lương thực khoái khẩu quý hơn khoai. Chị chủ sẻ gói đường ra cho chúng tôi chấm. Sắn nóng rất bở, chấm với đường ngon tuyệt. Tôi thích ăn sắn hơn ăn khoai. Vừa ăn hết hai khoanh sắn, anh Thỉnh về cũng ăn vội vàng một khúc rồi báo mọi người đi họp Trung đội. Địa điểm họp là tại sân kho hợp tác xã cách đó không xa.

              Trung đội huấn luyện lúc này là đủ 3 Tiểu đội với quân số gần 40 người. Đồng chí Đởn là Trung đội trưởng, chưa có Trung đội phó. Tiểu đội trưởng thiếu một người, nên anh Thỉnh phụ trách Tiểu đội tôi. Các Tiểu đội đã đến đủ. Trung đội trưởng nói đồng chí Loan Tiểu đội trưởng bắt điệu cho anh em hát. Đầu tiên là bài: “Vì nhân dân quên mình”. Những giai điệu của bài hát cách mạng vang lên thật hào hùng, hấp dẫn và cuốn hút. “ Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, Anh em ơi vì nhân dân quên mình”... Tiếp đến là bài:" Giaỉ phóng miền Nam”. Bài hát cũng hào hùng không kém kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, cùng lực lượng võ trang các tầng lớp chiến đấu để giải phóng miền Nam. Cây đèn bão vặn cỡ to nhất cũng chỉ phát ra ánh sáng tù mù trên cái bàn để giữa sân nên không nhìn rõ mặt mọi người. Có nhiều em nhỏ đứng xem bộ đội họp cùng hát nhại theo. Những bài ca cách mạng thời đó nó là động lực rất mạnh, rất lớn động viên thanh niên và động viên toàn dân thi đua thực hiện các phong trào như đi bộ đội, phục vụ quốc phòng, tích tực tăng gia sản xuất. Nơi nào, chỗ nào cũng có kẻ câu khẩu hiệu:”Tất cả làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt “vv…

              Tôi chưa thuộc lời của những bài hát trên lên nhẩm nhẩm hát theo. Hết màn hát tập thể đến màn hát cá nhân. Những đồng chí có khiếu hát dân ca, hát tân nhạc hay ngâm thơ đều được khuyến khích hát phục vụ mọi người. Tiếng hát, điệu chèo không đàn, không trống phách, nhưng lời các bài ca thì đều thuộc loại “ Nhạc Đỏ” Cách mạng, động viên mọi người vì Đất Nước vì nhiệm vụ.

                 Sau những màn “Văn nghệ nghiệp dư” Nhưng không kém phần sôi động thì đến màn đọc báo. Một đồng chí điểm và đọc mấy bài báo Quân đội, báo Nhân Dân. Xong màn văn nghệ, màn đọc báo, đồng chí Trung đội trưởng Đởn nhận xét về tình hình của Trung đội trong ngày. Những sai sót của từng cá nhân, của từng Tiểu đội như là chậm trong giờ tập thể dục sáng, hoặc có đồng chí còn ngại nắng, chỉ mau chóng chạy vào chỗ dâm chỗ mát vv… Hoặc có đồng chí còn để súng han, xẻng rỉ. Ăn cơm còn nói chuyện riêng, không ăn đũa hai đầu, đêm đi ngủ không đúng giờ vv.. Bao nhiêu là vấn đề. Cuối cuộc họp Trung đội Trưởng tuyên dương mỗi Tiểu đội hai đồng chí theo đề nghị của từng Trung đội. Tôi cũng được biểu dương về làm công tác dân vận. Cuộc họp như vậy là đúng đến 9 giờ tối thì giải tán mọi người về nghỉ.

             Đây là buổi họp tổ 3 người và họp Trung đội đầu tiên của đời lính của tôi. Anh em tôi đi về nhà. Quần áo giặt đã khô. Anh Thỉnh nói tôi mặc thử quần áo lính. Rồi đeo xẻng, đeo túi lựu đạn, vòng ngụy trang đủ các thứ trang bị. Ngoài xanh tuya quần phải thắc thêm cả xanh tuya rông to bản để đeo túi băng đạn, túi lựu đạn, bi đông nước. Lưng thì phải đeo xẻng buột ép sát vào lưng, trồng thêm là vòng lá ngụy trang bên ngoài. Đeo các thứ vào thật ngượng ngựu và vướng vứu. Nhưng đây là trang bị tối thiểu của người lính bộ binh trong huấn luyện. Mọi người nhất là anh chị chủ nhà nói tôi mặc đồ bộ đội đẹp vì tôi gầy nhưng dáng cao. Ở đây chẳng có gương to để soi nên cũng chẳng biết dung nhan thực sự của mình trong sắc lính thế nào. Nhưng tôi biết là chị chủ khen động viên, chứ quần áo bộ đội theo số thì tôi mặc số một chiều cao thì được. Nhưng độ rộng thì dúm dó như dúm mắm nhìn đâu thấy mông. Thôi thì cứ thắt dây lưng cho chặt vào chứ làm sao mà mang đi đâu sửa được.

             Đây là lần mặc quần áo lính chính thức đầu tiên. Tôi cũng không thể ngờ được nghiệp lính, màu xanh của lính, khẩu súng AK, trang thiết bị của người lính bộ binh gắn bó tôi hơn chục năm trời. Trên khắp các vùng miền chiến trận của đời binh nghiệp.


« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2015, 05:45:26 pm gửi bởi tranphu341 » Logged
Mạnh1427
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 721


« Trả lời #445 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2015, 04:14:51 pm »

Kính Chào toàn thể các bác

          Kính chào bác tranphu341. .Bác Trần Phú ơi đọc chuyện của bác hay quá ,sát thực với đời sống của người dân thời kỳ 70-80 ,lúc bấy giờ vẫn có những ông thợ hàn đạp một chiếc xe đạp cà tàng đi trong thôn xóm rao ,đến bây giờ em vẫn còn nhớ đến cái giọng rao ấy bác ạ,em đứng xem ông ấy làm ,em thích nhất là cái búa ,và cái đe của ông ấy,không biết có phải bằng đồng không,nhưng trông nó sáng và đẹp lắm.Thế là chỉ một lần xem ông thợ hàn , em lấy luôn nghề cuả ông ấy ,ông còn bảo không có lá khoai môn ,thì lấy lá khoai lang trộn với vôi cũng được .

          Bác viết đoạn làm anh ''thợ hàn'' khéo tay, sao mà trúng cái công việc ngày xưa em hay làm cho gia đình em và bà con lối xóm vậy ,cám ơn bác đã nhắc lại cái ký ức này .
          Câu chuyên của bác rất hay mong bác chia sẻ tiếp ,kính chúc bác luôn vui khỏe hạnh phúc .
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #446 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2015, 04:09:49 pm »

xuanv338 chào anh chủ TranPhu341. chào các bác. Hồi ức lính thì mỗi người mỗi vè, những buồn vui, khát vọng của tuổi trẻ. Nhưng ở đây, hồi ức lính được anh thợ hàn khéo léo đưa nó vào thành văn, mềm mại, cuốn hút. Hihi... Nhưng anh thợ hàn, lính binh nhì thời đó mà có thuốc lá mời anh chủ là khá giả lắm đấy ạ. xuanv338 chúc anh mạnh khỏe, viết tiếp hồi ức đừng để người đọc chờ lâu.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #447 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2015, 10:23:07 am »

           Chào bạn manh1427, bạn xuav338 chào các bạn!

           Tranphu341 rất vui khi các bạn đến thăm nhà cùng nhau ôn lại những năm tháng đầu đời LÍNH. Bạn manh1427 như vậy là cùng nghề " Hàn vá nồi" như Tranphu341. Thời ấy ở bộ đội, nhất là đóng quân ở nhà dân mà ai biết được những nghệ phụ, những "tài lẻ" như đàn, hát, kẻ vẽ vv... là hay được ưu ái về khoản " Cái bụng" lắm. Chưa kể được các "bóng hồng" để ý hi hi...Bạn như vậy là thuộc diện khéo tay. Chỉ nhìn qua ông thợ hàn mà cũng làm theo được là giỏi đấy. Thời Tranphu341 kể thì các ông thợ những năm 60 nên hầu như thợ hàn vá đều gánh 2 cái sọt to đi bộ thôi chứ không như sau này năm 70-80 đội ngũ này trẻ hơn và đã có xe đạp đi làm nghề.

            @ xuanv338 thời đó các bạn ở quê đi thì kinh tế còn hạn hẹp hơn nên không có thuốc lá là đúng. Còn Tranphu341 đã đang là công nhân có lương tháng nên việc hút thuốc lá lúc đầu là bình thường. Trong túi còn rủng rỉnh mấy chục đồng mà. hi hi..


                  Tranphu341 xin tiếp mạch bài viết:




            Anh em tôi cùng gia đình chủ nhà ngồi chuyện trò một lúc. Anh Thỉnh nhắc: Đến giờ ngủ rồi đấy. Anh em mình đi ngủ thôi, không trực ban Trung đội lại ghi sổ khuyết điểm. Hôm nay Thắng gác ca đầu từ 10 giờ đến 11 giờ. Tiếp đến là Văn tới 12 giờ, thì gọi anh Thịnh nhóm bên kia. Chú ý súng đạn cho cẩn thận đấy. Nhắc lại là đạn không được lắp vào súng đâu. Hôm nay Phú cứ đi ngủ chưa phải gác.

            Vừa nói, anh Thỉnh vừa tháo cái đồng hồ hiệu Podot Liên Xô mạ vàng đeo ở tay đưa cho Thắng nói: Đồng hồ đây, giữ cho cho tốt nhé. Cấm không được vặn chỉnh đấy bố ạ. Thắng nói: Hôm trước chắc chúng nó vặn chứ em không bao giờ vặn đồng hồ cả. Mà em có biết vặn thế nào đâu mà chỉnh. Tôi nghĩ: Chuyện gác sách của lính có nhiều phức tạp đây. Chắc có bạn nào gian dối vặn chỉnh đồng hồ cho nhanh lên. Vấn đề này thật khó, vì ngoài anh Thỉnh ra thì có ai có đồng hồ đâu? Thời đó đồng hồ là hiếm lắm. Ngay tôi đi làm đã được mấy năm, ý định góp tiền để mua đồng hồ đeo tay mà cũng chưa mua được. Những người đi xe đạp, tay đeo đồng hồ, áo cài bút máy, vai đeo đài bán dẫn là thuộc tầng lớp cán bộ huyện trở lên, hoặc giầu có hơn người lắm, mới có những thứ cao sang đó. Hôm nay tôi vẫn chưa phải gác. Nhưng ngày mai, mọi sinh hoạt cũng sẽ như mọi người. Nghĩ ngợi mông lung một lúc rồi tôi chìm vào giấc ngủ thật say, thậm chí Thắng, Văn đổi gác cho nhau thế nào tôi cũng không biết.

            Tuýt tuýt tuýt…Tuýt tuýt tuýt. Tiếng còi báo thức của trực ban lanh lảnh. Anh Thỉnh lại khua mọi người dậy. Tôi cũng choàng dậy mặc quần áo, vệ sinh nhẹ rồi chạy theo mọi người ra sân kho hợp tác. Tiếng bước chân của mọi người dồn về. Tiếng Trung đội Trưởng Đởn lanh lảnh: Toàn Trung đội chú ý, Trung đội hàng dọc, Tiểu đội hàng ngang tâập hợp…Dứt khẩu lệnh, Trung đội trưởng đứng nghiêm quay góc 90 độ ngay tại vị trí hô. Mọi người đang đứng lộn xộn liền nhanh chóng chạy đứng vào đội hình các Tiểu đội. Hàng dọc thứ tự là 3 Tiểu đội Trưởng 7- 8- 9. Tiểu đội trưởng đứng trước đầu hàng. Kế bên đến mọi người trong Tiểu đội. Khi các Tiểu đội đã đứng vào hàng. Trung đội trung Đởn bước chéo lên mấy bước đứng đối diện với hàng quân. Hô: Nghiêêm…Điểm số từng Tiểu đội. Tiểu đội tôi là Tiểu đội 7 đứng đầu hàng là anh Thỉnh. Anh Thỉnh đếm một… Rồi quay đầu đúng ra là đánh đầu sang người kế bên. Người kế bên đếm 2… Rồi lại cũng đánh đầu sang người kế bên. Người kế bên đếm 3… Rồi cũng đánh đầu sang người kế tiếp.  Cứ như vậy đến người cuối cùng hô 12 và kèm thêm câu hết... Anh Thỉnh nói to: Báo cáo quân số của Tiểu đội 7 là 12 đủ. Lại tiếp đến là Tiểu đội 8. Quân số có 10. Đồng chí Tiểu đội Trưởng báo cáo quân số Tiểu đội là 12. Có hai đồng chí ốm, Có mặt 10. Tiếp đến Tiểu đội 9 cũng thiếu vắng 3 đồng chí có lý do.

             Trung đội Trưởng hô tiếp: Dãn cách cự ly, vận động tại chỗ. Mọi người tự điều chỉnh dãn cách nhau khoảng nửa mét. Hàng trước cách hàng sau khoảng một mét. Đợi cho dãn cách xong, Trung đội Trưởng hô: Vận động tại chỗ. Một hai, một hai, một haai…Tiếng bước chân của mọi người mới đầu nghe lộp bộp rời rạc rồi bước chạy theo tiếng hô của Trung đội Trưởng thật đều, nghe rầm rập âm vang. Chạy tại chỗ khoảng 3 phút. Trung đội trưởng hô: Vận động…Rồi Trung đội Trưởng chạy đầu hàng bước chạy chậm chậm. Tiếp sau là Tiểu đội tôi anh Thỉnh chạy sau Trung đội trưởng. Hết đội hình Tiểu đội 7, sang đội hình Tiểu đội 8 rồi Tiểu đội 9. Đội hình không chạy ra ngoài đường mà chỉ chạy vòng trong sân kho, chạy sát vào các mép sân nên vòng chạy cũng rộng. Tiếng hô, tiếng bước chân chạy rầm rập vang vang trong buổi sớm. Làm những ai đang ngái ngủ, thèm ngủ cũng tỉnh táo lại hết. Chạy được khoảng mười vòng. Trong hàng đã thấy nhiều tiếng thở dồn. Tôi cũng đã thấy khó thở, nghe rõ tiếng tim đập thình thịch. Có lẽ bao nhiêu năm mình không chạy thế này nên cũng nhanh thấm mệt. Đúng lúc khó có thể cố chạy được nữa, thì Trung đội trưởng hô vận động chậm điều hòa. Mọi người không chạy nữa mà đi chậm. Vừa đi vừa vươn vai làm động tác hít thở. Tiếng chuyện trò rộ lên râm ran.

              Thư dãn vận động nhẹ khoảng 3 phút. Tiếng Trung đội Trưởng lại vang lên lanh lảnh: Trung đội hàng dọc, Tiểu đội hàng ngang tập hợơp…Mọi người nhanh chóng đứng vào hàng theo khẩu lệnh. Trung đội Trưởng lại bước chéo lên mấy bước hô: Nghiêm…Tiếng xì xầm chuyện trò im bặt Trung đội trưởng nói: Các Tiểu đội cử các đồng chí Tân binh ra một chỗ và phân công Tiểu đội Trưởng Loan ra hướng dẫn tập thể dục. Đợi số Tân binh chúng tôi ra khỏi vị trí . Trung đội trưởng hô: Dàn đội hình tập thể dục.

               Nhóm chúng tôi được Tiểu đội Trưởng Loan tập trung rồi hướng dẫn tập thể dục theo bài tập 24 động tác thể dục của Quân đội Liên Xô. Bên Trung đội thì tập xong bài tập thể dục thì tiếp đến tập 16 động tác võ thể dục. Tiếng hô diệêt… Vang rền khi đến động tác diệt đối phương thật mạnh mẽ, đanh thép và oai hùng. Nhóm chúng tôi hôm nay chỉ tập để thuộc bài thể dục buổi sáng. Sau khi tập xong bài thể dục và bài võ thể dục. Trung đội trưởng cho tập hợp toàn Trung đội nhận xét về ý thức tác phong nhanh chậm của từng Tiểu đội. Tiểu đội tôi được biểu dương là đi tập đủ quân số. Tiếp đến là nhắc các Tiểu đội về chuẩn bị cho anh em đi tập. Tối nay thứ 7 toàn đơn vị đi rèn thể lực hành quân.

             Sau màn nhận xét. Trung đội Trưởng hô nghiêêm…Toàn Trung đội đứng ở tư thế hô khẩu lệnh. Mọi người đứng theo tư thế chân mở rộng bằng vai. Hai tay vòng ra đằng sau mông. Trung đội trưởng hô tiếp: Chiến sỹ… Mọi người hô vang theo: Khỏe. Chiến sỹ…Khỏe, Chiến sỹ …Khỏe. Sau 3 lần hô khỏe. Trung đội Trưởng cho anh em giải tán. Xong chương trình thể dục buổi sáng. Đây là buổi sáng thể dục đầu tiên trong đời quân ngũ. Nó cũng đã để lại cho thôi thật nhiều ấn tượng đáng nhớ.







« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười, 2015, 10:39:35 am gửi bởi tranphu341 » Logged
Binh đoàn chi lăng
Thành viên
*
Bài viết: 10


« Trả lời #448 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2015, 12:56:15 pm »

Chào a Trần Phú,đọc những bài của anh thấy rất hay và làm cho người đọc lôi cuốn theo dòng hồi tưởng về những năm tháng thiếu thốn nhưng vô cùng hãnh diện đã qua ,chúc anh đều tay.Kính
Logged
Mạnh1427
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 721


« Trả lời #449 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2015, 11:43:00 am »

Kính chào toàn thể các bác .

      Bác tranphu341 ơi ,em đọc chuyện của bác em thấy lôi cuốn người đọc quá ,dù rằng đời lính ai cũng phải trải qua giai đoạn huấn luyện đầy vất vả này,trong đó có một chi tiết nhỏ,bác đã gợi cho em nhớ lại một kỷ niệm,ngày bọn em còn nằm chốt ở biên giới phía bắc ,chi tiết nho nhỏ đó là .Chiếc đồng hồ bị vặn nhích lên sau mỗi một ca gác trong đêm .Ở trong quê em lại đến lịch cắt điện ,điện chạy bằng máy nổ chập chờn quá ,hôm nào đấy em sẽ kể mẫu chuyện nho nhỏ này .

       Em chúc bác luôn vui khỏe .
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM