Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 07:36:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tranphu341- Đoàn bb Sông Lam- Trên chiến trường A ( Phần 5 )  (Đọc 250841 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #210 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2014, 08:14:15 am »

Chào bác tranphu341- chào các bác một ngày mới vui vẻ .
Vẫn biết trước ngày hôm qua có cuộc gặp mặt , ra mắt , để rồi chia tay phải vợ chồng thanhloanyta 262 tại TP Thái bình .Nhưng duccuong thật ấn tượng vì bất ngờ trước sự tiếp đón chu đáo và cách tổ chức của những người Thái bình .
duccuong tin rằng hạnh phúc của hai bạn đó sẽ được thăng hoa trước sự chân tình , chu đáo của những người bạn lính ở Hà nội , Thái bình...
Chắc hẳn vợ chồng thanhloan , mà nhất là chú rể sẽ không bao giờ quên được hình ảnh rất Việt nam qua văn hoá giao tiếp của các bác .
Còn một bất ngờ nữa đó là sự có mặt của anh Trác nguyên Là đại đội trưởng C20 của duccuong trong những ngày mới vào đơn vị cũng có mặt theo lời mời của bác tranphu . Lần đầu tiên được nhìn thấy người đại đội trưởng sau 35 năm xa cách , cho dù chỉ trên tấm hình nhưng đã làm duccuong xúc động nhớ lại những ngày " đồng cam cộng khổ " tại Lò gò. Duccuong rất vui coi sự có mặt của anh Trác như chính sự hiện diện của mình tại Thái bình .
Xin chúc mừng thanhloanyta262 . Cảm ơn bác: tranphu, binhyen, sư đoàn 5 , jinbacau, chị xuanv ...Đã đại diện cho anh em MVH phía bắc bày tỏ tình cảm của mình .
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2014, 08:21:35 am gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
sudoan5
Thành viên
*
Bài viết: 790


Bao giờ cho đến ngày xưa


« Trả lời #211 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2014, 09:05:36 am »

   Bác Đức Cường! anh Trác CCB trinh sát F320 người Thái bình, một người lính trung kiên đã trải qua 3 cuộc chiến (KCCM – BGTN – BGPB).

Logged

Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #212 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2014, 03:05:35 pm »

Hiện nay ban liên lạc truyền thống sư đoàn 320 đang phát đông CCB viết hồi ký để lựa chọn in thành sách truyền thống . Đồng chí Nguyễn công Trác (người bác sư đoàn 5 đưa hình trên ) là đại đội trưởng C20 đã viết bài kể về một chuyến luồn sâu vào đất địch .
duccuong ra thủ đô đến thăm nhà đồng chí chính trị viên đại đội thì thấy bản thảo viết bằng bút mực bác Trác   nhờ chuyển lại Nguyentrongluan@( re : Lính Tây nguyên ) là trưởng ban biên tập . Duccuong cầm đọc ,sau đó pho tô cầm về và đã điện thoại trao đổi với bác nguyentrongluan . bác NTL nhờ duccuong đánh máy hộ rồi chuyển bằng gmail ra .
Được sự đồng ý của tác giả và anh NTL . duccuong đưa nguyên bản (chưa chỉnh sửa ) lên trang " Đoàn bb sông lam ..." của anh tranphu341 vì tài khoản trên trang Đời quân ngũ đã hết ( 60 trang ) . Mong bác tranphu đồng ý cảm thông .



                                          18 ngày sống trên đất kẻ thù



                                                                                               Nguyễn công Trác
                                                                                          TP Thái bình tháng 10/2004

Ai đã tham gia cuộc chiến tranh biên giới tây nam và chiến dịch tiến công giải phóng Căm phu chia đều có chung nhận xét : Đó là cuộc chiến hao người tốn của, ít người biết đến nhưng vô cùng nguy hiểm, khốc liệt và trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ.

Để bảo vệ toàn vẹn biên giới thiêng liêng của tổ quốc, cứu nhân dân căm phu chia thoát khỏi hoạ diệt chủng của bọn phản động khơ me đỏ pon pốt nhiều đơn vị quân đội ta phải chịu tổn thất nặng nề…
  Từ tháng 5 năm 1977. Trên toàn tuyến biên giới tây nam chúng đồng loạt liên tục bao vây tập kích bằng hoả lực và bộ binh vào các đồn biên phòng của ta. Có nơi quân khơ me đỏ còn dùng xe tăng pháo hạng nặng tấn công sâu vào đất của ta hàng km. chúng điên cuồng tàn phá , huỷ diệt các cơ sở kinh tế và làng xóm dân cư ven biên giới. chúng dùng súng đạn và cả dao búa bắn giết đâm chém , mổ bụng đập đầu chặt xác… sát hại nhân dân ta vô cùng man rợ như thời trung cổ mà điển hình là các vụ thảm sát hàng trăm người ở Xa mát tây ninh và Bảy núi An giang.Nghị quyết trung ương khơ me đỏ xác định “ Việt nam là kẻ thù số một , kẻ thù truyền kiếp…” chúng đòi sáu tỉnh nam bộ Việt nam là dất của người khơ me vv…Bị xúi dục kích động và được bọn bành trướng bắc kinh hậu thuẫn chúng đã huy động lực lượng toàn xã hội và sức mạnh cao nhất và sức mạnh cao nhất của cả nước vào cuộc chiến tranh biên giới chống việt nam, một dân tộc yêu chuộng hoà bình vừa trải qua 30 năm chiến tranh mà chỉ cách đây vài năm thôi còn là người bạn, người láng diềng tốtcùng kề vai sát cách chia ngọt sẻ bùi đoàn kết liên minh chiến đấu chống lại các chế độ độc tài tay sai ngoại bang mang lại hoà bình và quyền độc lập, trung lập cho đất nước chùa tháp.
Quân đội pôn pốt được vũ trang hoàn toàn bằng trang thiết bị Quân sự của trung quốc. Để tránh lộ diện, sợ bị thế giới lên án chúng đều sơn bằng một màu xanh quân sự Các cố vấn trung quốc xuống tận các tiểu đoàn pon pốt để huấn luyện kỹ thuật chiến đấu. Xe tăng T59 và pháo cỡ lớn thời gian đầu đều do các cố vấn trung quốc trực tiếp chỉ huy lái bắn. lính pon pốt đều rất thành thạo chiến thuật chiến tranh du kích. Chúng giỏi tác chiến phân đội nhỏ ở các địa hình rừng núi, đồng trống cũng như quanh phum sóc, làng bản. chúng luôn luôn cơ động linh hoạt chú trọng nghi binh . Đặc biệt sử dụng đa dạng các loại mìn và lựu đạn cài để phòng thủ và chống xâm nhập. Khi đánh vào chốt thì phía trước cho lính đào hào lấn dũi vây ép.Ngày đêm tập kích hoả lực và bắn tỉa làm cho ta căng thẳng mệt mỏi. Đồng thời cho lực lượng tinh nhuệ luồn về phía sau tổ chức phục kích gài mìn cắt đứt liên lạc, tiếp tế và chi viện . làm cho ta bị động , hoang mang,mất tinh thần, cạn lương thực phải mở đường máu tháo chạy. Nếu trụ lại sẽ bị tiêu hao dần và cuối cùng có thể sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Nhớ lại mùa khô năm 1978 trong chiến dịch Đ7. Sư đoàn đang tiến công đuổi địch theo đường 7 đến tận suông, chúp.Vào sâu đất Công phông chàm gần 30km thì được lệnh phải rút về bên kia biên giới 30km. Đội hình sư đoàn gồm các trung đoàn bộ binh 48,52,64 nhanh chóng triển khai đào công sự hầm hào, bố trí vật cản, hình thành tuyến phòng ngự kéo dài theo đường 20 suốt từ Thiện ngôn , Sa mát tới Lò gò Xóm giữa thuộc địa bàn huyện Tân biên tỉnh tây ninh. Và từ đây cuộc chiến đấu đầy cam go khốc liệt đẫm máu và dai dẳng bắt đầu . Địch cho đại quân vượt qua biên giới áp sát các đơn vị chốt phía trước cuả ta . Suối đà ha trở thành địa danh nổi tiếng là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giành dật giữa ta và địch suốt cả mùa mưa năm 1978 khiến cả ta và địch đều phải chịu những thương vong tổn thất nặng nề.
Cần phải biết thực lực của địch trong khu vực tác chiến của sư đoàn, nắm được vị trí bố trí sở chỉ huy,binh hoả lực ,kho tàng, cơ sở hậu cần, phươngh tiện vận tải, địa hình đường xá, khả năng cơ động lực lượng phía sau của chúng phục vụ cho sư đoàn làm kế hoạch tác chiến chuẩn bị tấn công địch vào mùa khô năm 1979. Thượng tá Khất duy Tiến giao nhiệm vụ cho ban trinh sát sư đoàn yêu cầu chức ngay một phân đội trinh sát luồn sâu sang đất địch để nắm rõ tình hình .

Đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, một số cán bộ chiến sỹ trinh sát có tinh thần tư tưởng và sức khoẻ tốt tinh thông ngiệp vụ được lựa chon cho đợt hoạt động này. Ban 2 giao cho tôi ( lúc đó là đại đội trưởng c20) trực tiếp chỉ huy phân đội . Tôi chọn đồng chí Lê thanh Trung quê Thanh hoá một cán bộ trung đội trưởng, trẻ, khoẻ, nhanh nhẹn thông minh .Một sỹ quan lục quân khoa trinh sát mới ra trường làm phân đội phó . Quân số 12 người. Chia thành ba tổ. Có 9 trinh sát, 2 y tá và hai thông tin. Chúng tôi mang theo một máy thông tin 2w loại si lích 71. Một túi thuốc quân y cùng các loại thuốc và bông đủ dùng. Trang bị vũ khí mỗi người một tiểu liên AK với hai cơ số đạn và hai quả lựu đạn. Hoả lực chỉ có một khẩu M79. Mỗi tổ có một bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000, một địa bàn một ống nhòm . Tư trang cá nhân thì rất gọn nhẹ chỉ có tăng ,võng và một bộ quần áo. Nặng nhất là LTTP mỗi người phải cõng trên vai tới 20 ngày ăn trong đó có 13 ngày cấp gạo và 7 ngày lương khô.

Chúng tôi chọn vị trí bàn đạp để xuất phát là một chốt tiền tiêu trên một mỏm đồi cao của tiểu đoàn 7 bộ binh.Sau khi nghe bộ đội trên chốt cho biết tình hình . trước lúc trời tối chúng tôi chú ý quan sát địa hình gi nhớ các vị trí của đich ở phía trước. Xác định vật chuẩn. Lấy góc phương vị trên thực địa , phổ biến quán triệt về thời gian, cự ly ,tốc độ., cách thức tiền nhập cho phân đội xong xuôi , tôi cho anh em ăn cơm tối và tranh thủ nghỉ lấy sức.

24 giờ . Tôi đánh thức anh em dậy làm công tác chuẩn bị và kiểm tra rồi lệnh xuất phát. Đêm yên tĩnh quá. Tối qua địch không đánh vào chốt. giờ này chắc chung đã ngủ say. Trời nhiều mây, đêm cuối tháng âm lịch nên trăng mờ và gió thổi rất mạnh. Bây giờ đã cuối tháng 6 trời se lạnh . Chúng tôi nhẹ nhàng rời đỉnh đồi xuống dốc, lướt đi giữa bãi cỏ tranh cao gần bằng mặt người. Lá cỏ tranh đẫm sương đêm, lấp lánh dưới ánh trăng. Mỗi người cách nhau chừng 5m .Mắt và tai căng ra để quan sát nghe ngóng động tĩnh. Tay đặt lên cò súng sẵn sàng chiến đấu cao. Thỉnh thoảng từ các lừm cây, mô đất hai bên phát ra những tiếng sột soạt và tiếng ho của địch .

Xuống tới chân đồi là bãi trống lớn toàn cỏ tranh. Thỉnh thoảng mới có vài cây khoọc non. Cuối bãi trống là một vạt rừng già đen thẫm . Chúng tôi đi về hướng đó . Có lẽ đã vào sâu đất địch được chừng một cây số. Tổ đi đầu đã vào đến bìa rừng. Hai tổ đi sau vẫn còn ngoài bãi trống. Bỗng nge tiếng động mạnh, cành cây gãy…Rồi thấy tổ đi đầu chạy ngược trở lại . Cả phân đội nằm rạp xuống , súng giương lên sẵn sàng nhả đạn .Tôi ra hiệu cho anh em nằm yên nghe ngóng . Trong rừng thấy có động , một số tên địch đang ngủ trong các nhà hầm và công sự thức giấc . Có ánh đèn pin loang loáng cùng những tiếng hỏi nhau lao xao bằng tiếng khơ me . Một lúc sau yên tĩnh trở lại, chắc chúng nghĩ tiếng động là của thú rừng đi ăn đêm nên tiếp tục ngủ .Tôi ra hiệu cho phân đội nhẹ nhàng lùi ra giữa bãi trống . Kiểm tra quân số thấy đủ cả nhưng cậu Thắng “ đen ”người Hà nội do trời tối đã ngả vào công sự của địch , văng mất chiếc ba lô ra khỏi người . Tôi và lê thanh Trung hội ý nhanh nhắc mọi người thận trọng.  Phải khẩn trương tranh thủ thời gian trước khi trời sáng . Vòng tránh, tiến nhanh về phía sau lưng địch đề phòng sáng dậy thấy có dấu vết quân đội Việt nam xâm nhập, chúng sẽ cho quân lùng sục và truy đuổi…( còn nữa )








« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2014, 07:47:58 am gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #213 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2014, 05:46:40 pm »

              Hay quá! Tranphu341 rất cảm ơn và chúc mừng duccuong đã gặp lại thủ trưởng cũ. Rồi lại có những bài viết mới rất " Người thật việc thật" CÂU CHUYỆN RẤT HAY CÙNG SỰ HẤP DẪN TUYỆT VỜI. Tiếp đi bạn nhé!

               Chúc đức cường cùng các bạn luôn vui khỏe!


Nhớ lại mùa khô đầu năm 1998 trong chiến dịch Đ7.

   Đoạn này duccuong sử lại năm cho hợp lý. Cảm ơn.

      
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2014, 06:42:18 pm gửi bởi tranphu341 » Logged
vaphothotu
Thành viên
*
Bài viết: 496


Một thời. Ai có nhớ?


« Trả lời #214 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2014, 09:17:35 pm »

Có lẽ mùa khô 1978
Logged

Mời các đồng chí xem thông tin chi tiết trên Blog http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/         
 và blog Quê cha đất tổ http://blogtiengviet.net/Phan2
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #215 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2014, 10:53:02 pm »

Đầu mùa khô 1977 là Đ7. Sau đó rút về biên giới. Vây đúng là mùa khô đầu năm 1978 bác vaphothotu à.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2014, 11:16:35 pm gửi bởi tuanb5 » Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #216 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2014, 11:20:02 pm »

 Chào các bác :

 duccuong cũng không biết chiến dịch D7 năm nào vì thời điểm đó chưa vào chiến trường . Mùa khô của K thường được tính thời gian vào mùa đông + mùa xuân năm sau ở miền bắc . Tháng 3/ 1978 duccuong mới bổ sung vào C20F320 , có nghe các cựu binh nói về chiến dịch đánh sang đất k này . Có lẽ cuối năm 1977 thì đúng hơn . Vậy đuccuong xin sửa lại như vậy . Còn nguyên bản anh trác viết là mùa khô 1978. . Các bác tham gia chiến trường k sớm chắc biết rõ điều này . Có gì duccuong sửa lại thời gian sau .

Cảm ơn các bác .
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2014, 11:26:10 pm gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #217 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2014, 12:09:10 am »

Cũng là cùng nhau trao đổi, tìm hiểu về thời gian đó, bác Đức Cường à!
Nhân thể, xem chỗ nào chưa rõ thì ta sửa lại để hồi ký của bác Trác trọn vẹn hơn cũng là điều tốt đúng không bác?

Cách tính mùa (khô, mưa) quả thật dễ làm cho ta nhầm lẫn.

Và tôi thấy chỗ này nữa, bác Đức Cường thử xem có phải sửa lại không?

...
Cần phải biết thực lực của địch trong khu vực tác chiến của sư đoàn, nắm được vị trí bố trí sở chỉ huy,binh hoả lực ,kho tàng, cơ sở hậu cần, phươngh tiện vận tải, địa hình đường xá, khả năng cơ động lực lượng phía sau của chúng phục vụ cho sư đoàn làm kế hoạch tác chiến chuẩn bị tấn công địch vào mùa mưa năm 1979.

Tôi đoán rằng bác Trác và bên F320 đang đi trinh sát chuẩn bị cho chiến dịch A68 trong mùa mưa 1978 (các bác đánh CĐ 200, bên F10 đánh CĐ 62. Quãng tháng 6-1978)
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #218 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2014, 07:35:06 am »

                 Chào bác duccuong, bạn vaphothotu, bạn tuanb5 cùng các bạn! Tranphu341 thấy câu chuyện của đứccuong đưa lên vô cùng hấp dẫn.

                 Những trận chiến giáp mặt đối kháng trực tiếp với quân Pốt anh em mình đã kể đã đọc nhiều. Riêng những chuyện phía sau của Pốt thì phải nói anh em mình đang, vẫn đang thèm khát. Đã mấy lần trên VMH mình bị mấy ông bạn cho ăn quả "Lừa" rồi nên phía sau, việc tìm hiểu phía sau của đối phương như chuyện bác Trác kể và Đức Cường chép lại theo Tranphu341 thì quý lắm. Rất quý là khác. Tranphu341 đồng ý với bạn Tuanb5 là nên chỉnh lại tháng năm cho dễ hiểu và cun thể hơn. Vì mùa khô, mùa mưa nó dài lắm. Đức Cường nên điện hỏi lại bác Trác rồi sửa lại cho thêm phần hấp dẫn hơn.

                Chúc các bác luôn vui khỏe!
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2014, 07:54:40 am gửi bởi tranphu341 » Logged
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #219 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2014, 07:42:50 am »

Khi đánh bài này gửi bác nguyentrongluan@ , duccuong cũng phát hiện nhiều mâu thuẫn thời gian ,sự kiện ...cũng do tuổi bác đã cao , thời gian câu chuyện đã 35 năm rồi nên cũng thật khó cho bác trác .
Câu chuyện này xảy ra khi duccuong đã về C20 . Nhưng đây là chuyến trinh sát dài ngày như hàng trăm chuyến đi khác nên ngay duccuong cũng không nhớ vào thời điểm nào .
 Duccuong có Đt hỏi lại bác nhớ lúc đó đơn vị đang ở đâu? thì bác nói " ở Lò gò " ,Vậy thì câu chuyện sẽ từ tháng 7/1978 trở lại . Bởi cuối tháng 7/1978 đại đội 20 đã sang K .Vì vậy , chuyến luồn sâu này sẽ là trên đất của ta , có thể khu vực Tà nốt, hay bàu điếc...Bởi  lúc đó địch đang chiếm giữ đất ta có nơi vào sâu 9-10km.
Đây cũng là điều để  anh em chúng ta lục lại ký ức , kiểm ngiệm thời gian . Chúng ta trao đổi sau . Bây giờ duccuong mời các bác đọc tiếp nhé .




Tiếp theo                                       18 ngày sống trên đất kẻ thù



...Cả phân đội như một con trăn gió khổng lồ , không một tiếng động nhẹ nhàng luồn lách lướt nhẹ dọc theo các bãi cỏ tranh thẳng tiến vào rừng . Nhiều lần chúng tôi đi qua ngay sát hầm địch. Tôi nghe rõ cả tiếng ngáy, tiếng nói mê và tiếng chúng đập muỗi. Khi trời sáng chúng tôi lọt hẳn phía sau của một đơn vị địch. Đến một chỗ rừng cây lúp xúp, rậm rạp có một con suối cạn tôi cho phân đội dừng lại ăn lương khô và nghỉ ngơi cho lại sức. Suốt đêm căng thẳng mệt mởi đã có người ôm súng tựa lưng vào ba lô ngồi ngủ thiếp đi. Bỗng vang lên những tiếng nổ lớn làm mọi người cùng dật mình ngơ ngác!.Thì ra cách chỗ chúng tôi vài trăm mét là một trận địa pháo lớn của địch cũng đang bắn về phía việt nam. Tiếng hô khẩu lệnh “ bắn ” nghe rất rõ. Tôi vừa nhai xong vài thanh lương khô đang uống nước định xem bản đồ thì bỗng có tiếng chim lếu tếu lao xao trên ngọn cây rất gần. Theo kinh ngiệm đi rừng tôi biết chắc chắn đang có người hoặc thú lớn chim mới kêu như thế. Không sai, Một toán lính địch đang mặc đồ đen  cổ quàng khăn rằn, vai khoác súng, tay cầm xô chậu đang đạp cây đi về phía chúng tôi. Bọn chúng có năm tên ,đi rất nhanh. Vừa đi vừa gọi nhau, tiếng xô chậu va vào nhau kêu lanh canh . Chúng đi theo dọc đội hình chúng tôi đang nằm chỉ cách vài chục mét. Tôi ra hiệu cho bộ đội nằm im theo dõi . Các họng súng đều rê theo chúng sẵn sàng nhã đạn nếu bị lộ. Nhưng chúng không phát hiện ra chúng tôi. Đến đoạn suốt dưới hạ nguồn, nơi có nhiều nước. cách chúng tôi khoảng trăm mét chúng mới dừng lại. Tất cả chúng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng chúng gọi nhau và tiếng nước đổ ào ào.

Những ngày sau đó , ngày nào chúng tôi cũng cho hai tổ đi nắm địch . Một tổ “ở nhà” bảo vệ điện đài , lương thực, tư trang . Theo chỉ đạo của ban trinh sát sư đoàn , thời gian đầu chúng tôi tập trung điều tra các trận địa pháo, các sở chỉ huy và đội hình địch đang bố trí trước trận địa phòng ngự của ta. Thời gian sau chúng tôi vào sâu hơn điều tra các mục tiêu nghi là sở chỉ huy, nơi tập kết lương thực , đạn dược, hệ thống kho tàng, đường xá, phương tiện vận chuyển và những quy luật hoạt động phía sau của địch. Hằng ngày mọi kết quả điều tra đều được tôi tổng hợp viết điện rồi cho lên máy gửi báo cáo ngay về ban trinh sát sư đoàn .
Để giữ bí mật chỗ ở. Sáng dậy chúng tôi đều thu dọn gọn gàng cẩn thận nguy trang xoá sạch dấu vết . Anh em điều hiểu ở ngay sát địch thận trọng không bao giờ là thừa . Vì vậy mọi người đều tự giác làm tốt công việc không phải để cán bộ nhắc nhở.Chúng tôi tuyệt đối không đi theo đường mòn mà hoàn toàn đi cắt góc phương vị bằng bản đồ, địa bàn . Vì vậy, tuy hoạt động dài ngày trên đất địch nhưng chúng tôi không lần nào dính mìn . Nhiều lần gặp địch , chúng tôi đều phát hiện trước. Chủ động luồn trách, bảo đảm bí mật an toàn để hoàn thành nhiệm vụ . Sống trong đất địch chúng tôi rút ra một kinh ngiệm : Nếu cảnh giác cao, bình tĩnh, thận trọng  ,giữ được bí mật thì ở gần địch sẽ là nơi bất ngờ và an toàn nhất. Vì thế về sau này tuy có chuẩn bị mấy chỗ dự bị nhưng chỗ suốt cạn gần trận địa pháo là nơi chúng tôi đã ở lâu nhất mà địch không phát hiện được .

Nhiệm vụ đã hoàn thành . Tính ra chúng tôi đã sống trên đất địch 18 ngày . Lương thực cũng đã cạn , một số đồng chí bị ốm . Ban 2 điện cho phân đội rút về . Tôi hội ý cán bộ , phổ biến kế hoạch và thời gian hành quân . Anh em rất phấn khởi , tư tưởng và quyết tâm cao. Khi trở về có thuận lợi là mang vác gọn nhẹ hơn ( vì lương thực đã gần hết ). Nhưng do nhiều ngày ăn uống kham khổ,  lại căng thẳng , sức khoẻ giảm sút nên mọi người lại cảm thấy mệt mỏi .

Chúng tôi đi về hướng Đông nam , men theo bìa rừng để tìm chỗ vượt về , Nhưng chỗ nào cũng phát hiện có địch . chúng rải quân thành một tuyến hàng ngang kéo dài giữa rừng khoọc trống trải đối diên với các tổ chốt của ta.Chúng đào các hố chiến đấu kiểu chữ L ở giữa đắp đất tránh pháo. Hai đầu để lên xuống và ngắm bắn .( Chúng tôi vẫn gọi chúng là hầm còi , vì nó giống cái còi ). Mỗi hầm có hai tên cách xa nhau từ 10-30m và kéo dài hàng km . Địa hình trống , cây khoọc thưa  và cỏ thấp nên tầm quan sát rất rộng. Ban ngày chỉ một con thỏ chạy qua cũng bị chúng  phát hiện. Hơn 5 giờ chiều , qua ống nhòm theo dõi bọn đưa cơm, chúng tôi đã biết từng vị trí công sự của địch. Tôi quyết định đường vượt sẽ là nơi giữa hai công sự địch cách xa nhau nhất.

Sau khi đã hội ý cán bộ. Phổ biến quán triệt đến từng người. Đợi trời tối hẳn , lợi dung lúc địch đang chủ quan sơ hở , chúng tôi chia làm hai tổ yểm hộ lẫn nhau, nhẹ nhàng từng người một vượt nhanh qua phòng tuyến của địch . Chúng tôi nhằm hướng cao điểm nơi có các trận địa chốt của ta đi tới . Mọi việc đều thuận lợi suôn sẻ. Ai cũng vui mừng và thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ nỗi lo lớn nhất là mìn . Bao giờ trước trận địa của ta và địch mật độ mìn cũng bố trí rất dày đặc . Rồi còn lo nếu không cẩn thẩn thì lại “ quân ta chiến thắng quân mình ”. Chúng tôi vừa đi chậm lại , vừa thận trọng dò mìn . Tới chân cao điểm đã cách xa địch khoảng 100m tôi cho phân đội dùng lại nghỉ đêm . Mờ sáng hôm sau chúng tôi luồn rừng vòng về sau trận địa chốtcuar bộ đội ta và leo lên cao điểm . Trời sáng rõ , tổ đi đầu phát hiện phía trước có người . Chúng tôi dừng lại quan sát . Trước mặt là một con đường mòn . Một tốp bộ đội ta đang gùi hàng vừa di vừa nói chuyện vui vẻ … . Khi đã biết đúng là quân mình , chờ cho họ đi khuất tôi cho phân đội ra đường đi theo họ lên chốt .

  Đó là một trận địa chốt phía trước của tiểu đoàn 9 bộ binh trung đoàn 64 . Chúng tôi vào chốt nói chuyện với anh em bộ binh , xin nước uống , nhờ bếp nấu cơm ăn .. vì đã mấy bữa phải nhai lương khô ai cũng thèm được ăn một bữa cơm có rau và canh nóng . Trong khi chờ cơm chín , tôi cho thông tin lên máy và gửi điện báo cáo về ban trinh sát : “ phân đội đã hoàn thành nhiệm vụ an toàn . Xin chỉ thị của cấp trên ”.

Luồn sâu nắm địch là một công việc nhiều nguy hiểm và gian khổ. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể đổ máu , hy sinh . Nhưng với lính trinh sát chuyện đó là bình thường, chúng tôi không sợ hãi hay e ngại . Điều làm chúng tôi luôn lo lắng , trăn trở là làm sao nắm được chính xác mọi thông tin về địch , báo cáo kịp thời . Giúp người chỉ huy hạ quyết tâm và đề ra phương án tác chiến đúng đắn giành thắng lợi giòn giã , trọn vẹn trong từng trận đánh . Hạn chế thấp nhất sự hy sinh xương máu của đồng đội .

  18 ngày luồn sâu nắm địch của trinh sát đại đội 20 đã góp phần vào chiến thắng chung của sư đoàn trong chiến dịch tiến công giải phóng Căm phu chia và được cục 2 bộ tổng tham mưu đanghs giá là một đợt luồn sâu xuất sắc . Là tấm gương điển hình cho các đơn vị trinh sát trên toàn tuyến biên giới tây nam rút kinh ngiệm và học tập .

Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày ấy . Đồng đội của tôi có một số người đã không trở về …Trung đội trưởng Lê thanh Trung sau này đã là Đại tá trưởng phòng trinh sát quân báo quân đoàn 3 . Chúng tôi đều đã nghỉ hưu  . Nhưng mỗi lần có dịp gặp nhau , nhắc lại đợt luồn sâu năm ấy mọi người đều cảm thấy thật là may mắn . Chỉ có một điều đáng tiếc là đã biếu không cho bọn “ Miên ” một chiếc ba lô mà trong đó phải đến mười mấy cân toàn là muối , gạo , lương khô và thịt hộp.


                                                         TP Thái binh . Tháng 10 năm 2014
                                                                 Nguyễn công Trác

« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2014, 08:41:38 am gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM