Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:23:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Tây Nguyên phần 6  (Đọc 55243 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #10 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2014, 09:17:43 am »

                 Về với Lính Đồng Bằng 320 ở đất miền đông  
                                                                                           ( tiếp theo và hết )


.......Trở về đến Bình Long đã chập tối. Con đường về vẫn thế, nắng sà xuống đằng sau xe, ngọn sông Tha La của hồ Dầu Tiếng leo lét nước . Bụi đỏ ngầu trên lưng những con bò kéo củi từ rừng ra.
Những thằng lính tuổi 60 ngồi im, tôi biết họ đang nhĩ về những ngôi mộ trên đồi 82.

Bữa cơm tối hôm ấy thêm mấy ông khách cũng là lính miền đông người bắc nay cư ngụ luôn lại vùng này. Hầu như tối nay ít uống hơn, ai cũng nghĩ đến lúc chia tay nhau. Tôi hỏi Sáng Dak nong, chú còn phải lo đứa nào học hành nữa không? Sáng bảo, các cháu học xong đi làm hết dưới Thành phố Sài gòn ở nhà chỉ có hai vợ chồng trông nom mấy sào vườn anh ạ. Thôi thì mỗi năm hai đứa già cũng có hơn trăm triệu nuôi mồm. Các con vài ba tháng về vui tí rồi lại vắng teo. Những lúc ấy nhớ đất Hưng yên nhớ ngày ở lính nhớ đồng đội lắm.
Quay sang thằng Doãn Đồng Nai nó giơ cái ngón tay thâm tím lên mà bảo thau cái cống đõ ở ao cá mà bị kẹt nhẽ mất ngón tay. Rồi nó cười, bác mà xuỗng nhà em ngồi nhậu trong nhà vẫn ngửi thấy mùi nước đái heo. Vợ thằng Bình kêu lên. Khiếp đang ăn mà cái chú này… Cả lũ cười hì hì. Doãn khoe, cứ 6 tháng em suất 250 con heo thịt. Mỗi năm cũng được vài ba tấn cá. Em vẫn chạy xe HonDa mặc dù có thể mua được ô tô. Nhưng suốt ngày ao chuồng lên ô tô mà làm gì, với lại mỗi lần lên với bạn bè là em phải ở lại đâu có về ngay. Ấy hôm nay mà gặp thằng Tuấn thằng Thịnh thì còn vui nữa. Cái thằng Thịnh ngày xưa ở D8 E64 bây giờ ở tít hút trên Đức Trọng mỗi lần nó về họp mặt với chúng em là nó xin vợ đi hẳn 5 ngày.
Tôi nhìn những người lính đơn vị tôi nay vào tuổi 60 ai cũng rắn giỏi phong sương. Ấy thế mà đứa nào cũng một điều vợ em thế này hai điều vợ em thế khác. Thì ra trong cái sự hiển hiện lên tình đồng đội máu xương chinh chiến một thời là có gương mặt phụ nữ. Những người đàn bà gắn bó khổ đau hạnh phúc cả đời mình cho lính. Không có họ tôi và các bạn tôi đâu dễ có ngày như hôm nay. Hơn mười anh em ở miền đông lập ra cái hội góp họ để giúp nhau . Họ của lính Bình Phước này có cả Nguyễn Thế Tân nguyên sư đoàn trưởng 320. Vài năm nay cũng nhờ có cái họ cuốn chiếu này mà giúp đỡ nhau được khối chuyện. Nào lo cưới vợ gả chồng cho con, lo mua thêm tí rẫy lo mua thêm con giống. Tôi lại ngồi hình dung ra mấy trăm đoc ong của Bình hói trong vạt rừng cao su An lộc, tôi nhớ mãi cái hình ảnh Bình nhấc cái tầng ong vàng ềnh ễnh cho tôi xem. Trưa nắng loang lổ trên vòm lá những con ong bay nhặng xị và mùi mật loang loang khắp cánh rừng.
Mấy chục năm nay mới lại gặp nhau. Bạn lính nhìn nhau là đã ồn ào ùa về kí ức nhưng còn những người vợ lính thì khiêm nhường quá đỗi dù nghèo khó hay dư dật đủ đầy. Trong cái ồn ã oang oang của chúng tôi họ vẫn nhẹ nhàng nép phía sau chồng đầy âu yếm Người đàn bà lấy chồng lính chiến ra quân không một người nào hi vọng sẽ no cơm ấm áo. Người đàn bà lấy lính trận trở về là ở cái tình thương đằm thắm át hết mọi sự đắn đo ở đời. Chả thế, những người lính Đồng Bằng hết đánh giặc ở Tây Nguyên lại sang CPC ra về hai bàn tay trắng mà những cô gái xinh xẻo kia lại đi theo hết bắc rồi xuôi nam qua muôn trùng khốn khó. Tôi hỏi cô giáo Nga vợ của Bình hói. Em có thấy vui khi bạn của Bình xa về tụ họp ở nhà mình không ? Nga bảo, Một thời khốn khó trôi nổi mãi mới tìm được nhau anh ạ. Hội lính 320 các anh tụ họp được mươi năm nay thôi. Nhưng khi đã tìm được nhau rồi em thấy chồng em và cả em nữa trẻ ra được mười tuổi.
Chúng tôi im lặng. Ngoài đường lóng lánh đèn và tiếng người ríu rít nói cười. Đêm ở Bình Long không gian nhẹ bẫng như đêm Cao nguyên. Những người lính Đồng Bằng ngồi bên nhau trong căn nhà đầy đủ tiện nghi bỗng chợt nhớ về những mùa khô và những căn hầm nơi cánh rừng tan hoang bom đạn.

Bình Long- Hà nội 28/4/2014


 
 
 
Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2014, 10:49:53 am »

                Về với Lính Đồng Bằng 320 ở đất miền đông  
         . Những người lính Đồng Bằng ngồi bên nhau trong căn nhà đầy đủ tiện nghi...

 


Có câu này ở đoạn kết là hay rồi, là yên tâm rồi và cũng chỉ mong các anh ai ai cũng được như vậy.
Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #12 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 10:13:45 pm »

Báo Văn Nghệ ( hôi nhà văn VN) số ra 30/4 gộp hai số 18 và 19/2014 in bài của DNGN

Đó là truyện Bóng đổ nhà mồ mà tôi đã treo lên LINH TAY NGUYEN phần 5 ngày 19/3/2014

 » Tin tức

 
Đón đọc báo Văn nghệ số 18+19/2014
29-04-2014 09:04:39 AM

Báo Văn Nghệ số 18+19 ra ngày 3-5-2014 có các nội dung chính sau đây
Kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2014)
60 năm chiến thắng lịch sử điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2014)
với những bài viết:
Mãi mãi một mốc son lịch sử của tác giả Nguyễn Thanh Tuấn.
Ngày 30-4-1975 của tác giả Lê Thế Thành.
Biên bản chiến tranh của tác giả Trần Mai Hạnh.
Khúc tâm tình của một thời đạn lửa của tác giả Khuất Bình Nguyên.

Sáng tác:
Truyện ngắn: Đêm thị xã của tác giả Nguyễn Hiền Lương. Những buổi chiều tháng bảy của tác giả Vũ Minh Nguyệt.
Bóng đổ nhà mồ của tác giả Nguyễn Trọng Luân.

Ông Tây việt minh của tác giả Phương Đình.

Thơ của các tác giả: Đặng Bá Tiến, Quang Chuyền, Phan Trọng Tảo, Nguyễn Đình Minh, Ngọc Chấn, Trần Tuấn Anh, Trịnh Xuân Thu, Trần Trương, Đoàn Văn Thanh, Châu La Việt, Đoàn Xuân Hoà, Nguyễn Minh Khiêm, Đỗ Hàn, Giang Nam.  
Bút ký: Đồng đội của anh tôi của tác giả Hà Nguyên Huyến. Nghĩ về ngày đất nước toàn thắng của tác giả Kiều Vượng.
Chân dung văn học: Nguyễn Mỹ, thơ như người, như số phận của tác giả Anh Chi. Nhà thơ Hữu Thỉnh: cỏ bao phen phải làm lại từ đầu của tác giả Thiên Sơn. Nhớ anh Trần Hữu Thung của tác giả Trình Quang Phú. Thầy Năm chợ mới của tác giả Lê Giang.
Lý luận phê bình: Đổi mới nhân vật kể chuyện trong truyện ngắn sau 1975 của tác giả Nguyễn Thị Bích. Điện Biên Phủ trong tiểu thuyết Việt Nam 1954-1975 của tác giả Phạm Ngọc Hiền.
Văn học nước ngoài: Mùa hè năm 1938 của dịch giả Văn Tuệ Anh.  
Đối thoại văn học: Từ Điện Biên Phủ đến những bài học giáo dục lịch sử của tác giả Minh Anh. Hào quang là thứ đủ mạnh để xô ngã tài năng của tác giả Phong Điệp
Cùng sự tham gia của các tác giả: Thanh Thảo, Anh Nguyễn, Trần Huy Minh Phương, Kiều Thẩm, Nguyễn Phan Quế Mai, Lê Sơn, Nguyễn Hữu Quý, Trần Quỳnh Nga, Dương Kim Thoa, Xuân Hùng, Văn Chinh… trong các chuyên mục khác.
Các họa sỹ: Thành Chương, Phạm Minh Hải, Lê Anh Vân, Lê Trí Dũng, Trần Ngọc Quỳ, Nguyễn Đăng Phú, Hoàng Phượng Vỹ, Vũ Đình Tuấn.
Logged
khanhhuyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1957

Cao điểm 1100/85 E2 F3 SV


« Trả lời #13 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2014, 01:26:37 am »

...Dưới mồ kia là những thân thể trai tân là những linh hồn học trò là những khuôn mặt hiền như hạt lúa củ khoai của làng quê đất Việt.
Đọc những dòng viết của Lính Tây Nguyên,anh Nguyễn Trọng Luân nó mang đến cho Khanhhuyen,một người cũng từng là lính nơi cửa tử trở về thấy như cõi lòng mình thêm ấm áp tình người.
Chúc anh mạnh khỏe,viết đều về ký ức một thời.
KH
Logged

TA LÀ CON CỦA BỐ TA,MẸ TA. - H3/85 - CÁC BẠN ĐANG THẢO LUẬN CÙNG KHANHHUYEN,XIN CẢM ƠN.!
NGƯỜI ....CHIẾN SỸ ẤY... AI ĐÃ GẶP ANH... KHÔNG.. THỂ NÀO QUÊN .KHÔNG.. THỂ NÀO....QUÊN...
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2014, 06:16:25 pm »


 Trưa nay 30/4. Hai chục anh em chúng tôi những người từng là cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 64 có mặt ở Sài gòn vào trưa 30/4 của ba chín năm về trước họp mặt với nhau ở Vườn treo trên phố Đội Cấn. Chỉ có tôi là 63 tuổi còn các anh đều đã 70 , có anh 75 tuổi . Ai cũng khỏe và vui. Người đứng ra gọi nhau là anh NGuyễn Đác từng là chính ủy E 64 khi đánh vào Sài gòn. Có anh Lê đình Hược E phó hồi ấy cũng từ Thanh hóa ra , Hà nội vừa mưa xong mát mẻ và vắng hơn ngày thường. Chúng tôi quên hết tuổi tác chỉ ôn lại chuyện diễn ra sáng 30/4 /75 ôn lại những ngày ngây ngơ bỡ ngỡ ở Sài gòn rồi lại chuyện về những người không về,

Tôi nhớ bài thơ dài viết đã lâu về 30/4


Viết Cho ngày 30 /4 

Khúc 3 - Giải phóng

Sáng nay
Người cuồn cuộn
Cờ hoa cuồn cuộn
Sài gòn thức không có đêm
Thành phố vừa lạ vừa quen
tiếng Nam tiếng Bắc
tràn trề nôn nao
Cười trong tức tưởi
Người đi tìm người, gọi tên nhau nghẹn trào nước mắt
Đồng đội tôi hiền từ
Ngẩn ngơ ...

Sáng nay chợt nhớ quê hương
Sáng nay chợt nhớ mẹ cha vẫn khoai sắn thay cơm
Sáng nay
Sau đêm 30/4 chúng mình như bé lại
Những thằng cu của mẹ ngày nào
Hoa phượng rơi đỏ cánh mũ tai bèo
Góc đường Pastơ bạn tôi đứng gác
Nét da xanh của một thời sốt rét
Hiên ngang trước dinh Độc Lập
Mắt cay cay xa xót nhớ cánh rừng
Những ngọn suối khúc sông
Sa Thầy, Đức Cơ, Đắc Tô , Tân Cảnh...
Cam lộ , Ba Tơ... Tích Tường Như lệ
A sầu ... một thủa
Tên những chiến khu hào phóng chở che
Sáng nay bỗng nhớ
....Rưng rưng đêm  , rượu ăn thề .

Chúng mình đi từ quê hương
Đến cuối con đường -
Con đường chúng mình đã chôn bao nhiêu đồng đội
Trên đầu là hoa là cờ đỏ
Hân hoan nghèn nghẹn sững sờ
Những bản làng heo hút chốn Pô cô
 Hoa Pơ lang đỏ sang mùa hoa phượng
Em gái Tây nguyên ngóng bộ đội về  nơi hoang vu tĩnh lặng
Chiều chiều ra thăm
Những nấm mồ xanh lạnh lẽo góc rừng
Khói thuốc già làng trầm ngâm
Bay nghiêng qua mùa đói
Bao giờ ?
Ai trở lại Tây nguyên ?

Chiều qua
Đắp mộ cho người bạn cuối cùng
Có con bướm đậu hoa bằng lăng ngan ngát gió
Chôn cho bạn tập thơ tình
Nhặt trên đường Tân Phú
Sài gòn sáng nay vui thế
Chúng mình cứ ngước về
Đồng Dù, Củ Chi
Cứ nhìn về lửa đỏ trời Tân phú Trung , Cầu Bông , Cầu Sáng...
Bao gương mặt vắng trong ngày giải phóng
 Thấp thoáng trong dáng cờ hoa
Những người bạn chúng mình
Nằm lại nơi này
Thơm lúa đồng vàng
Nhớ nắng mùa thi

Đồng đội ơi !
Chúng mình sẽ về
Với mẹ
Sài gòn ơi !
Chúng tôi đi bao năm mới tới
Để sớm nay giữa Đô Thành oà gọi
Tiếng gọi sung sướng nhất cuộc đời
Mẹ ơi !

Khúc 4 - Trở về

Chúng mình trở về niềm vui lẫn nỗi thương đau
Bè bạn người còn người mất
Lời nhắn gửi mang về đắng ngắt
Làng quê rớm máu hồi sinh
Đêm đêm tiếng hát sân đình
Vắng bao trai làng nằm đâu không về mở hội
Đồng đội ơi
Thời của chúng mình đàn bà sống là chờ đợi
Thời đàn bà không có tuổi
Suốt đời cứ thanh xuân
Thanh xuân se sắt

Tiếng pháo nổ sau vòm tre ngăn ngắt
Mẹ già đổ bóng cầu ao
Ngước qua rào
Hỏi nhà ai làm đám cưới ?
 
Đám cưới ai ? nước mắt nhỏ sau nhà
Gói kỉ vật gửi cho mẹ đẻ
Cắp nón đi tìm hài cốt người yêu
Con sông quê trôi mùa lũ ầm ào
Hoa phượng học trò tan theo nỗi nhớ
Những mùa hoa sau chiến tranh
 - Sao mà hoa đỏ thế ?

Một thời bom đạn có nhau
Nay nỡ quên làm sao được
Những Người Ba mươi tháng tư năm trước
Bây giờ ở đâu?
Lời hò hẹn năm nao
Cuốn vùn vụt với mưu sinh vật vã
Bát cơm chan mồ hôi bết trên trán vợ
Mảnh đạn trong người cũng lên ruộng cạn xuống đồng sâu
Ơi bạn nằm đâu?
Ơi bạn về đâu?
Thoáng đã sợi đen sợi bạc
Vẫn nhớ
Những người Ba mươi tháng tư năm trước
Bây giờ ở đâu?
 Người lính năm xưa da sạm bạc đầu
Ngân ngấn khóc trước màn hình “ Nhắn tìm đồng đội “




Ba mươi tháng tư lại tháng tư
Phượng lại đỏ nắng cứ vàng cứ gió
Kỉ niệm cứ đan dầy hoa đỏ
Thêm mỗi mùa hoa thêm sợi bạc trên đầu
Thêm thương thời rau cháo bên nhau
Nhớ khuôn mặt mình ngây ngô ngày Sài gòn giải phóng
Con búp bê váy hồng
-   Bây giờ
.... bạn có còn không ?

Khúc 5 – Tâm sự

Chúng mình đã từng nhịn đói
để người bạn ốm cầm hơi
Chúng mình đã từng hút đạn
Cho nhau thoát phút hiểm nghèo
Chúng mình đã từng trao nhau
Tên người yêu và địa chỉ
Những bạn bè mình năm nao
Nay sao bỗng dưng không nhớ ?
Chúng mình tìm mình năm cũ
Đồng đội ơi ! đồng đội ơi !
Nếu một ngày không nhớ nữa
Thì mình biết mình là ai?

Hà nội 30/4 năm 2009
                    NTL

Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #15 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2014, 10:42:56 am »

  

Quán hai Bền

        Quán nhà Hai Bền nằm dưới những tán bằng lăng. Lâu rồi, lúc mới mở đầu những năm 90 con đường cũng nhỏ và dẫy Bằng lăng cũng nhỏ nên có cảm giác dẫy quán lợp lá thật  là gầy và dài chạy treo trên mương y chang quán chợ. Mươi năm sau, bờ mương thành đường lớn, cây bằng lăng cũng lớn, quán xây tường bổ trụ và lợp ngói thế là quán Hai bền xum xuê như nhà hàng.
        
        Hai Bền xêm xêm tuổi tôi. Chuyến ghé quán đầu tiên là chúng tôi về Nhuận Đức tìm má Bẩy rồi lên An Nhơn Tây tìm danh sách anh em E 64 qui tập về đây. Má Bẩy theo con về trên Tây Ninh , chỉ gặp được con Nhỡ cháu gọi má bằng Dì. Hồi chúng tôi về điều nghiên Đồng Dù con Nhỡ mới tám tuổi . Bây giờ nó sổ ra phụng phệ ngồi bán quán ngay đầu ngã rẽ xuống Phú Hòa. Con Nhỡ dắt chúng tôi ra cái quán nhà nó tùng tằng những chuối những ổi và mấy chai xăng dấu sau gốc cây me. Nó bảo Dì con đi rồi, đi mà khóc quá chừng kêu mồ mả ông cha Mỹ nó cày lên sới xuống bây giờ ai trông. Dì con đi lên trển héo hon chú ơi. Thằng Thành chặn ngang :
-   Con con cái gì, tao đẻ sao được mày. Em thôi .
Con Nhỡ cười hí hí. Quen rồi mà chú ơi. Trưa ấy nắng quá. Con đường 15 chạy tuốt lên cầu bến Súc vàng hoe những loa kèn hoa Đai Vàng . Lục Bình ở Củ chi xanh se sắt đầm đìa những châu chấu cào cào. Trưa nắng. Nắng ở Củ Chi đến héo tóc mai thế mà có cái xe ngựa bánh gỗ cao lòng khòng đi qua. Mắt ngựa lim dim, trên xe mắt của thằng đánh xe trông như một thiếu niên gầy đen như điếu thuốc More cũng lim dim. Thằng Thành bạn tôi gọi giật :
-   Đực ! stop
Con ngựa giật mình sững lại mõm hất ngược lên trời. Thằng tên Đực choàng mắt :
-  Ủa, anh Thành. Đi đâu vậy anh
-  Đi thăm Củ Chi chứ đi đâu? Ngon không, đi với tụi anh về hai Bền chơi . Thằng Đực cười lóe hàm răng trắng :
-    Đi liền, đi liền .
Cuộc nhậu quán Hai Bền hôm đó có hai thằng tôi lính đánh Đồng Dù Tân Phú Trung, vợ chồng con Nhỡ và thằng Đực.  Hai Bền ngồi ghé vừa đưa chuyện vừa hóng chuyện. Hai Bền mới mở quán vài năm lại vướng cái gốc dân vệ dân vẽo nên bẽn lẽn cầm chừng.
-   Dạ . Thưa anh hai, cuộc sống khó quá nhờ mấy anh trên xã em mở cái quán này thuế má môn bài đầy đủ kiếm chút đỉnh nuôi cháu chớ lời lãi chi đâu . Cũng là có cái chỗ mấy anh qua lại , bà con sớm tối có chỗ qua lai rai .
Thành gật gật :
-    Hai Bền tình nghĩa ngon ha. Môn bài đủ mua chục hột vịt chớ mấy !
-   Dạ anh hai dưới truyền hình dậy thế chết thằng em đó. Thuế má nhà nước qui định chứ em đâu tự nghĩ ra. Hà hà ! Rắn chuột con cháu bắt lấy, có mua chỉ mua đế của mấy nhỏ cùng xóm rượu  nhà cất . Các anh ủy ban ưng nhậu thì em mới đưa nhậu . Đang nhậu mấy anh xã kêu thôi là em đóng cửa liền. Hai Bền lại lúc lắc cái đầu
Hai Bền trước 75 là lính dân vệ. Làm dân vệ để giữ cái gáo chứ đánh đấm chi cái thứ lính thường dân đi dọa nạt thường dân ấy. Bọn dân vệ ở tại địa phương nên rất giành lí lịch dân cư. Đì đọp ở xóm nào chúng thừa đoán súng đạn của con em nhà ai…..
THành nói lạnh tanh: - Hồi đêm 28/4/75 tụi tao hành quân qua Tân Qui về Tân Phú Trung cái đồn dân vệ ngã ba mày không biết à? Lúc ấy tụi bay vẫn bí tỉ như ngày trước à Bền?
:    - Đâu có anh, đêm đó tụi em biết hết, các anh đi rần rần lội đồng Phước Vĩnh An ra lộ 15. Biết mà sợ , sợ không dám động cái chân chứ nói chi bắn chác.
-   He he, phải phải cái đồn dân vệ ho cái xẹp liền. May cho mày hen, cố nội vải nhà mày phù hộ tốt đấy. Hai Bền cười hi hi. Thành tiếp
-    Bấy nay vẫn làm ăn tiến bộ ngon nhỉ Bền? :
-   Em vẫn ở đây chả đi ra khỏi Củ Chi.  Cũng học tập về ít tháng rồi bán hàng tùng tằng kiếm ăn . Vậy mà Buồn quá , buồn quá . Lâu lâu mấy thằng bạn học cũ giờ làm cán bộ xã ghé nhậu rồi dậy dỗ đừng có mà ăn bả bọn bóc lột đừng làm tư bản  nghe Bền …nghe thúi ruột luôn , những mong kiếm cơm cho con nên gật gật vui vui ờ hỡ cho qua . Lâu lâu nó lại qua lại dậy bài tư bản. Được cái, chỗ bạn cũ lúc bé nên nó bảo gì em làm nấy miết rồi cán bộ xã tin yêu. Hội họp đình đám em lo tuốt. Có bữa xã họp luôn trong quán nhà em. Bền lại cười he he
-   Đã hai mươi năm nay dịp 30/4 nào các ổng cũng nhậu mút mùa chỗ em. Rồi các anh CCB về thăm chiến trường xưa ồn ào ăn uống tri âm tri kỉ kiếm cũng đỡ. Hi hi em cứ mong mỗi năm có hai lần 30/4 thì tốt quá .
-   Thằng này bậy, cái thứ chúng mày kêu 30/4 quốc hận cò hận ngoài mồm trong bụng lại mong nó đến, mày thật đồ dưa hấu Hai bền ơi. Hai Bền lại he he cười
Có mấy đứa cháu hai Bền nhòm vô ,
-   Cậu hai , con mới bắt được cặp rắn nè
-   ừa ừa kêu mợ con cân cho , có chuột không ? khách hồi này thích chuột nướng đó mấy đứa nhất là mấy ông dự án khu CN bắc Củ Chi.
Mấy đứa cháu đen đúa lui ra . Tôi ngó thấy vợ hai Bền móc tiên cho mấy đứa  nhỏ rồi chí tay vào đầu một đứa bé gái chừng mươi tuổi tóc hoe như đuôi bò cười hinh hích
Cái bàn ăn đan bằng trúc thật khéo . Mấy cái ghế cũng bằng trúc . Đúng là trúc Củ chi mát rượi hệt như cái ngày xa hai mươi năm trước lính 320 tụi tôi được nằm những phên trúc này dưới hầm bên trên hầm là  Bằng lăng hoa bung biêng tím . Ong rập rờn nhẫn nại và hoa bằng lăng cũng thật lạnh lùng. Trưa không có gió mồ hôi rịn lưng áo lính của tôi .
Con Nhỡ bảo với Thành :
-   Dì em lên Trảng Bàng bỏ lại cái nhà dọc lộ đó . Xã lấy ngôi nhà dì làm trụ sở tuần tra . Em kêu dì ơi cho con mở quán nước kiếm ăn đi dì , tội chi cho họ làm nơi tụ tập nước trà Dì mắng :
-   Bậy nào , đó là nơi công an du kích làm việc , mày làm quán xá để tùm lum ngồi lê đôi mách. Không được, không được . Mấy anh mày hi sinh đâu có ưng cái vụ tụ tập nói xấu chính quyền. Vợ chồng em đành mướn chỗ khác ngồi bán qua ngày đó anh .
Thằng chồng con Nhỡ ngồi im lặng ngó lơ lơ ngoài nắng . Con NHỡ cũng uống được bia mắt nó long lanh kể về thời đánh Đồng Dù chúi trong hầm nghe đạn nổ mấy ngày đêm liền, rồi nó cười rõ thật là tươi :
- hồi đó nhỏ quá chớ không chắc lấy chồng bắc kỳ quá . Cả mâm cười , hai Bền cũng cười . Thằng chồng con Nhỡ không cười lơ lơ gõ tay lên cái nút chai bia . Hai Bền ngó tôi và Thành :
-   Ước gì quán hai Bền toàn bộ đội về nhậu hỉ ? thằng Thành cười hi hi, bộ đội móc đâu ra tiền nộp cho thằng tư bản . Bền bá vai Thành :
-    Bộ đội có thằng em tư bản, rồi lại cười hi hi
Nãy giờ thằng Đực ngồi tơ hơ uống bia và xé chuột nướng . Cái ngón tay khòng khòng của nó đen queo quắt nhựa lá khoai lang . Ai chuyện nó cũng cười hì cái rồi ngó lơ . Con NHỡ quay chọc thằng Đực :
-   Mày đánh xe ngựa  có mấy con trên bến Dược quá giang sao không cho đi ? Cứ chịu khó cho gái quá giang mà kiếm vợ chứ Đực ơi .
Đực ngừng nhai : Chị ơi nghèo dớt như chòi canh đồng lấy chi vợ . Đực này chỉ mong chiều có bát ăn ngựa có cỏ rồi ngủ tại bờ sông cho khỏe . Nó cười , cái cười cũng yếm thế , ri rí nơi miệng . Nhà Đực chả còn ai. Ba má nó đều chết càn hồi 70 . Hai anh trai đi bộ đội cũng hi sinh hết . Chòm vườn sót lại nó bán mua xe ngựa mà vẫn nghèo kiết cái đời phu xe . Nó đần đần như thể bao nhiêu cái khổ cái đau cha mẹ anh em dồn lên nó cả . Thành biết Đực là hồi 77 sư đoàn cử C25 ra làm nhà cho Đực trong diện gia đình Liệt sĩ neo đơn . Nhà hồi ấy Nó bán hết rồi nó lang thang trên đường ..Thành rỉ tai tôi như vậy . Thằng Đực bỗng dừng nhai thịt chuột nó nói với tụi tôi :
-   Em đi xe chở đá bia cho mấy ổng làm bia liệt sĩ . Tùm lum à anh ơi . Cái giấy ghi tên tuổi để dưới chân các ông đục đá bên cạnh . Bụi nước tèm lem đánh vần không ra tên nữa . Mấy ông thợ đá dưới chợ em lạ gì cũng đánh vần mới ra chữ như em đó thôi . Hai Bền xuỵt :
-   Bậy nào mày , quán hai Bền không có được nói xấu chính quyền nha!  Ngoài cổng lại tiếng còi xe máy toe toe . Hai Bền nhớm dậy em xin phép . Khách quen , khách quen. Rồi biến mất .

                                               * * *

       Mươi năm sau lại một mùa hè, gần đến 30/4 tôi và Thành lên thắp hương cho anh em ở An Nhơn Tây . Trên đường trở về lại ghé Quán hai Bền  . Từ xa dẫy nhà hàng mang tên Hai Bền bề thế cả hai phía con đường . Mấy chân dài đứng dưới nắng mồ hôi ngân ngấn nách áo dài . Xe ô tô xếp hàng nhộn nhạo . Quạt gió hơi nước khiến như thấy mình đang ở một quán bia hơi trên đường Hà nội . CHúng tôi lại muốn ăn chuột nướng . Bạn tôi vội ngăn lại . Chuột cống đấy ! chúng tôi đành gọi món hệt như ở Sài gòn . Tôi ra ghé lên cái võng dù treo ngoài gốc bằng lăng cuối vườn đợi Thành đi đón con Nhỡ và thằng Đực .

      Hai Bền đi ra ngó võng lơ lơ. Nó không nhận ra tôi. Trong dẫy phòng Vip đang có hội nghị. Có mấy người áo thắt cà vạt lách ra. Hai Bền khoát tay, ông không lo vụ đó tôi tính, dự án nào cũng vậy thôi tôi đã bàn bạc hết với ủy ban huyện các ông cứ vô nhậu tưng bừng đi. Hai Bền đã thành thằng Tư Bản rồi, nó đang điều hành hội nghị chứ không phải là anh chủ quán chuột rắn ngày xưa nữa. Hay thật. Ngon quá rồi, tiến bộ quá Hai Bền ơi .
Lát sau thằng Thành đèo xe máy về có một người đàn bà phốp pháp môi đỏ chót . Nó bảo , thằng Đực chết rồi , nó say rượu chết trong cái xe ngựa bên bờ sông Sài Gòn vào một đêm trăng rất đẹp trên bến Đình.
Con Nhỡ béo và đẹp hơn ngày xưa quá. 50 tuổi mà cứ như gần 50 thôi . NÓ bảo em bỏ cái thằng chồng ăn hại đó rồi, em mở quán trên du lịch bến Đình . Hai đứa con học đại học dưới sài gòn . Mình em điều hành bao nhiêu nhân công chân ngắn chân dài khỏe re . Bọn anh ghé em rồi mình sang Bến Súc nhậu anh há . Nó nghiêng người sang tôi. Cái ngực áo trễ nghiêng thũng thẵng bộ ngực nhễ nhại :
-   Ở lại đi anh à , mốt là 30/4 mình lên bến Dược thắp hương mấy anh rồi đi Công viên nước. Ở lại đi, em mong hoài mà anh. Đã ba mươi cái 30/4 rồi đấy sao nhanh quá há anh?
Trưa nắng. Nắng ở Củ Chi đẹp hơn bất kì nơi nào khác tôi từng gặp . Hoa Bằng lăng bông bênh hắt tím lên giời. Mùi bùn đất Củ Chi cứ hanh hanh vào mũi vào da thịt người . Hai Bền bụng bự cười tươi với dẫy khách này lại mang nguyên nụ cười ấy sang mâm khách khác . Hai Bền điều hành cán bộ địa phương. Còn Hai bền dân vệ thì đã biến mất rồi. Cũng là phải , ai mà nhớ được thực khách rắn chuột của cuộc đời đã ba chục năm làm nghề chuột rắn . Cái má bóng nhẫy của con Nhỡ và tấm áo Nhỡ mặc mới long lanh làm sao. Nhìn nó cứ nhấp nhóa những cười và nói. Bỗng con Nhỡ chừng nụ cười bóng nhoang phấn son lại. Bảo rằng , Dì Bẩy em mất lâu rồi căn nhà của dì xã vẫn trưng dụng làm trụ sở tuần tra. Nó gục vào vai tôi, nó khóc. Chả biết vì sao nó khóc. Cặp vú nó núng nính rung rung nơi lưng tôi đang đổ mồ hôi.
Đột nhiên tôi lại nhớ quán hai Bền hồi những năm 90 . Nhớ con Nhỡ vô tư và thằng Đực đen đúa . Nhớ dẫy bằng lăng còn non đã có những chùm hoa tím mỡ . Nhớ những tấm bia liệt sĩ đục dở trên An Nhơn Tây bụi nước tèm lem


 LTN 30/4/2013- viết lại 30/42014
 
 
Logged
Tomqb3
Thành viên
*
Bài viết: 302


« Trả lời #16 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2014, 03:41:46 pm »

đọc bài của NTL lại nhớ về SG năm ấy : tối 30-4 bọn mình về sân bay TSN ,suốt đêm không ngủ ! sang ra đi các phòng tìm đồ ,bọn mình tìm được một phòng có máy ảnh và rất nhiều pim có cả thuốc rừa ảnh ,lúc đầu không biết loại nào là tráng ,loại nào là hãm ,nhớ là có hai loại  : đỏ và xanh ,lúc đầu rất hồi hộp nhưng cơ bản là hỏng ! hôm sau phải hỏi mấy tay phóng viên bày cho ,thế là mấy thằng lại rủ nhau ra bến Bạch Đằng chụp ,tối về lại thức tráng pim rồi rửa ảnh , được cái là các thứ rất nhiều …
  đây là một trong những tác phẩm của bọn mình , ảnh không được đẹp lắm nhưng là một kỉ niệm khó quên ,năm ngoái đi SG mình ra bến tìm chỗ ngày xưa chụp ảnh có mấy cây dừa đằng sau mà không tìm ra ,chắc là họ chặt hết rồi ! hôm nay cứ liên miên nghĩ về những ngày này 39 năm , mình đưa bức ảnh lên khoe tí !    
 
"http://i1101.photobucket.com/albums/g435/tomqb3/z003.jpg" border="0" alt="Photobucket"
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Năm, 2014, 03:51:46 pm gửi bởi Tomqb3 » Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #17 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2014, 10:22:46 am »

 

Quán hai Bền

        Quán nhà Hai Bền nằm dưới những tán bằng lăng. ...

 LTN 30/4/2013- viết lại 30/42014
 
 

Dân Chí Chủ - Vũ Ẻn gốc, ngẩn ngơ tán cọ, thế mà rỉ rả chuyện Củ Chi, xa ất xa ơ phương Nam, nghe thấy mê mẩn luôn.  

"Tài thật, tài thật ....".

Ngày lễ, xin cạn chén với NTL, rồi siết tay nhau, lắc lắc mấy cái theo kiểu dân Ấm Thượng, Đoan Thượng nha.
Logged

Nhật ký Viết lại
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #18 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2014, 12:08:06 pm »

Hi hi. Đã mấy tuần nay kể từ hôm ngồi ở Mỹ Đình GS có khỏe không ? À mà phải hỏi theo kiểu lính: Trinh sát sư đoàn khỏe không ? Thú thật viết truyện về nơi nào nơi nảo nhưng chuyện chăn trâu ven đường tàu hỏa là sướng nhất , sướng trong veo cái đầu bạn ạ.
Hẹn gặp nhau uống bia hơi đi 6971 ơi.
..."tài thật, tài thật ..." may mà mình chưa là anh Tào Tháo
Logged
Tomqb3
Thành viên
*
Bài viết: 302


« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2014, 08:08:22 am »

"http://i1101.photobucket.com/albums/g435/tomqb3/DSCF41652.jpg"
 Tặng TL tấm ảnh để  nhớ về Củ Chi !   
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Năm, 2014, 02:43:49 pm gửi bởi Tomqb3 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM