Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:34:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: ĐĂK TÔ ‘Lính nhà trời’ Mỹ trên cao nguyên trung phần Nam Việt Nam  (Đọc 98824 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #140 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2014, 08:03:37 am »

Ngày 20 tháng 10 năm 1944, quân Mỹ đã đổ bộ lên bờ biển phía bắc Leyte và tướng MacArthur trở lại quần đảo Philippine như dự định sau 1 hành trình dài kể từ khi ông ta buộc phải rút lui hồi tháng 4 năm 1942. Đã diễn ra những tuần chiến đấu rất ác liệt cho đến khi hòn đảo thất thủ ngày 25 tháng 12 năm 1944.

Nhằm thít chặt yết hầu số quân Nhật trên phần còn lại của Philippines, ngày 9 tháng 1 năm 1945, MacArthur lại đổ bộ lên bờ biển phía bắc đảo Luzon. Chiến lợi phẩm lớn nhất tại Philippines, chính là thủ đô Manila, nằm cách đó ở phía nam 177km.

Sự kháng cự của đối phương yếu 1 cách ko ngờ, và các sư đoàn của MacArthur đã vượt qua được vùng đồng bằng phía bắc đảo Luzon dẫn đến Manila. Thế nhưng trận Manila sẽ chứng tỏ rằng đó là 1 trong những trận đánh hao tổn sinh mạng nhất đệ nhị thế chiến. Quân cố thủ Nhật ngoan cường chống cự quyết liệt những binh sĩ tiến công đầy can đảm Mỹ từ khu phố này sang khu phố khác. Ko ít hơn 4 sư đoàn bộ binh đầy đủ đã được tung vào trận chiến giành lại Manila từ tay quân Nhật.

Các trận đánh trên đường phố ác liệt vẫn còn diễn ra cho đến tận ngày 16 tháng 2 năm 1945, khi trung đoàn 503 xuất phát từ đảo Mindoro để tung ra 1 đòn tấn công nhảy dù táo bạo, vô tiền khoán hậu trong chiến tranh TG thứ 2 - nhảy dù chiến đấu xuống hòn đảo nhỏ tí Corregidor.

Nằm trên vịnh Manila, đảo Corregidor vừa có tính chiến lược lại vừa mang tính biểu tượng. Đám quân Nhật ngoan cố phòng thủ trên đảo Corregidor nã đạn pháo vào bất kỳ chiếc tàu nào của hải quân Mỹ ra vào vịnh. Trước khi số pháo trên hòn đảo đá này bị bắt phải câm họng thì mọi tàu bè hải quân đều chưa thể được an toàn.

Ước chừng 4000 lính Mỹ can trường đã cố thủ tại Corregidor vào lúc tổng thống Franklin D. Roosevelt hạ lệnh cho MacArthur thoát thân đến Úc. Ông miễn cưỡng tuân lệnh và giao lại quyền chỉ huy cho tướng Jonathan M. Wainwright. Với tinh thần bất khuất của Wainwright mà quân trú phòng trụ được thêm 1 tháng nữa. Ngày 6 tháng 5 năm 1942 sau trận oanh kích dã man suốt 24 tiếng đồng hồ chôn sống trong đống đất đá nhiều lính phòng thủ, Wainwright đã phải tuân theo lời gọi hàng của tư lệnh quân Nhật.

Và bây giờ, sau 3 năm, tướng MacArthur đang chuẩn bị tái diễn lại sự kiện đó với quân thù. Ban tham mưu của ông đã lên kế hoạch tiến công vào "chốt chặn" ngày 16 tháng 2 bằng 3 tiểu đoàn. 2 trong số đó lấy từ trung đoàn 503 của đại tá Jones. Sau khi 2 tiểu đoàn dù đã được thả xuống Corregidor thì tiểu đoàn 3, trung đoàn 34, sư đoàn 24 bộ binh sẽ đổ bộ đường biển vào tại chân đồi Malinta, phía nam Corregidor. Hai lực lượng này sau đó sẽ hội quân để hoàn tất việc đánh chiếm pháo đài.

Đại tá Jones rất hoan nghênh cơ hội nhảy dù này. Ban đầu trung đoàn của ông được điều đến Leyte để làm trừ bị và đã bỏ lỡ tất cả những trận đánh trong chiến dịch này. Ngày 15 tháng 12 năm 1944 họ tiến hành đổ bộ đường biển lên đảo Mindoro nhưng ko gặp đối thủ. Từ lúc đó họ toàn phải nằm ở Mindoro để chờ lệnh chiến đấu.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Jones bắt tay ngay vào việc nghiên cứu hòn đảo nhỏ và lên kế hoạch cho đợt nhảy dù cùng với hoạt động tấn công dưới mặt đất diễn ra sau đó. Qua không ảnh và trinh sát đường không đảo Corregidor thì đây là 1 hòn đảo dài 5,6km với hình củ hành đầu to, đuôi dài và hẹp. Nơi rộng nhất trên đầu đảo Corregidor là khoảng 2,4km.

Ở đầu hòn đảo, hay phía tây, có chỗ cao đến 167m so với mực nước biển. Lính Mỹ trước chiến tranh đã gọi chỗ này là Topside của Corregidor. Có 1 số doanh trại lớn nằm ngay gần giữa Topside. Từ mấy trại lính đi thẳng xuống phía nam là 1 sân duyệt binh lớn (rộng 325 dài 250m). Tiếp giáp với rìa đông của sân duyệt binh là 1 sân đánh golf 9 lỗ.

Corregidor tiếp tục dốc xuống phía đông đến 1 cao nguyên nhỏ tên là Middleside. Từ đây mặt đất dốc đứng đến gần 100m cho tới tận chỗ hẹp nhất của hòn đảo, gọi là Bottomside. Tại đây bề ngang của đảo chỉ còn có 300m.

Phía đông Bottomside là quả đồi Malinta cao 118m, qua khỏi quả đồi, cái đuôi nòng nòng tiếp tục kéo dài về phía đông rồi bẻ quặt ở Mũi con Khỉ và đi thêm chừng 800m nữa. Tại Mũi con Khỉ, trước chiến tranh TG thứ 2, công binh Mỹ đã xây 1 sân bay trên đá. Một số đường hầm để cất trữ hàng hóa cũng đi qua khu vực này.

Sau khi cân nhắc, đại tá Jones, người được chỉ định làm tổng chỉ huy lực lượng chiếm đảo đã đưa ra kế hoạch tiến công. Sáng ngày 16 tháng 2 năm 1945, tiểu đoàn 3/503, do trung tá mới được thăng cấp John Erickson chỉ huy sẽ nhảy xuống Topside. Bãi thả quân sẽ là sân duyệt binh và sân golf. Đi cùng bộ binh dù có đại đội C, tiểu đoàn công binh dù 161 và pháo đội D, tiểu đoàn pháo dù 462.

Erickson có 2 nhiệm vụ: Chiếm lĩnh, giữ vững cả 2 bãi thả dù để cho tiểu đoàn 2/503 của thiếu tá Lawson B. Caskey cùng những lính dù trợ chiến khác sử dụng chiều hôm đó và chiếm phần Topside nhìn xuống những bãi đổ bộ của tiểu đoàn 3, trung đoàn 34.

Đến ngày 17 tháng 2 thì tiểu đoàn còn lại của Jones là tiểu đoàn 1/503 do thiếu tá Robert Woods chỉ huy, và pháo đội cuối cùng cũng sẽ nhảy xuống Topside. Khi tất cả lính dù đã ở dưới đất, họ sẽ tiến sang phía đông đến đồi Malinta, bắt tay với tiểu đoàn 3/34 rồi lính dù cùng bộ binh sẽ tiến công tiếp tục về hướng đông cho đến khi quét hết lính Nhật ra khỏi hòn đảo.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #141 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2014, 09:39:19 am »

8g30 ngày D, những máy bay C-47 chở đại tá Jones và tiểu đoàn của trung tá Erickson từ phía nam bay đến Corregidor. Do bãi thả dù rất nhỏ, nên mỗi máy bay chỉ bay qua chúng trong 6 giây - đủ thời gian cho 6 lính dù nhảy ra. Đoàn máy bay sau đó sẽ vòng lại và bay các lượt tiếp theo qua đảo cho đến lính dù nhảy hết.

Trung tá Erickson nhảy đầu tiên. Từ độ cao 150m, ông cùng các lính dù khác bắt đầu nhảy xuống đảo Corregidor. Ngoài 1 số lính dù dạt quá về phía nam và rơi xuống các mỏm đá của Topside, còn thì hầu hết đều tiếp đất an toàn. Người ko may ở đây lại chính là đại tá Jones. Ông đâm sầm vào 1 cái cây bị đạn pháo làm cho trơ trụi. 1 nhánh cây dài đã đâm xuyên vào đùi Jones. Dù rất đau đớn, Jones vẫn rút được cành cây ra, băng bó vế thương rồi đi cà nhắc về nơi đặt chỉ huy sở.

Quân Nhật, dù rất kinh ngạc trước đòn đột kích đường không, đã ko để phí nhiều thời gian.  Địch quân bắn vào những lính dù đang nhảy xuống và tập kích ngay những người vừa tiếp đất. Giao tranh dữ dội đã nổ ra tại nhiều chỗ trong khi lính dù vẫn còn đang lơ lửng. Đợt nhảy dù đầu tiên vừa bị thiệt hại trong khi nhảy vừa phải chịu thương vong do đụng độ đã tổn thất tới 25%.

Khi mà quân dù vẫn từ trên trời rơi xuống như mưa, lực lượng đổ bộ đường biển rời điểm xuất phát ở Bataan. Do địch đang bị lính dù nhảy xuống Topside thu hút, 4 đợt bộ binh đầu tiên cập bờ đã ko gặp phải sự kháng cự nào. Đến đợt thứ 5 thì bị đạn của 1 ổ súng máy Nhật vẫn im lìm trước đó bắn đến nhưng kỳ diệu thay chẳng có thiệt hại gì. Cũng đột ngột như lúc đầu, khẩu súng máy địch ngừng bắn. Đợt 5 cũng lên bờ mà ko gặp thêm sự cố gì nữa rồi nhập cùng mấy đợt đổ quân trước. Họ đã chiếm được đồi Malinta với mức thương vong tối thiểu.

Đợt lính dù thứ 2 của đại tá Jones bắt đầu nhảy khỏi máy bay lúc 12g40. Jones đã định hủy bỏ cuộc đột kích đường không của tiểu đoàn 2/503 nhưng vì lo quân Nhật phản kích nên ông vẫn quyết định tiếp tục theo kế hoạch.

Do quân trú phòng đã được báo động về trận đột kích pháo đài, tiểu đoàn của thiếu tá Caskey bị địch bắn mạnh hơn đợt đầu tiên. Dù thế đến khi thành viên cuối cùng của tiểu đoàn 2/503 tiếp đất, Jones đã có hơn 2000 quân trong tay. 50 binh sĩ đã bị bắn chết trong khi nhảy dù. 8 người khác tử nạn vì dù đẩy họ sang phía bên kia Topside và quật vào những tảng đá bên dưới 150m. 210 lính dù nữa bị loại khỏi vòng chiến do bị thương hoặc gặp tai nạn khi nhảy. Dù sức chiến đấu đã giảm sút, Jones mới phải chịu 50% tổn thất đã tiên liệu trước trong kế hoạch.

Hơn thế cuộc đổ bộ đường không và đường biển lên Corregidor đã thành công vượt xa cả dự đoán. Đại tá Jones rất hài lòng trước màn trình diễn của cả lính dù lẫn lính bộ binh, thương vong nhẹ hơn dự định và quân Mỹ đã đứng vững tại nơi đã từng đóng bộ tư lệnh của tướng MacArthur. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Hơn 5000 lính Nhật vẫn đang kiểm soát hệ thống địa đạo của Corregidor và quyết tâm hoặc đánh bật quân Mỹ ra khỏi hòn đảo hoặc là chết.

Trong thời gian còn lại của ngày D, lính dù lo việc quét sạch quân Nhật ra khỏi Topside. Tiểu đoàn 3/503 của trung tá Erickson tập trung càn quét nửa phía bắc Topside, trong khi tiểu đoàn 2/503 của thiếu tá Caskey đảm trách nửa phía nam. Phát hiện được 1 số ít lính Nhật nhưng chúng nhanh chóng bị bị hỏa lực chết chóc của quân dù bắn hạ ngay. Vào lúc ngày D sắp kết thúc, thì đại tá Jones cho rằng mình đã kiểm soát được Topside. Ông báo tin cho thiếu tá Robert Woods, chỉ huy tiểu đoàn 1/503 để hủy kế hoạch nhảy dù ngày 17 tháng 2 của tiểu đoàn Woods, và pháo đội cuối cùng của tiểu đoàn pháo 462. Thay vào đó, bộ phận này sẽ bay đến sân bay gần vịnh Subic rồi chuyển sang tàu đổ bộ rồi đổ quân lên bãi biển mà tiểu đoàn 3/34 đã lên bờ.

Quyết định thay đổi lệnh cho thiếu tá Woods là dựa vào việc cho rằng những bãi biển đã an toàn. Tuy thế, ngày 17 tháng 2, khi tiểu đoàn 1/503 áp sát những bãi biển phía nam đồi Malinta, thì tàu đổ bộ đã bị 2 khẩu súng máy Nhật xạ kích. Dù địch quân chỉ bắn có 1 lúc nhưng cũng có 6 lính dù thiệt mạng. Ngoài việc đó ra ko còn thấy hoạt động nào ngăn cản việc đổ bộ nữa. Lính tiểu đoàn 1/503 leo lên những con đường mòn đi về Topside và đảm nhiệm vị trí dự bị cho trung đoàn.

Hành động chống trả có tổ chức đầu tiên của quân Nhật ở Corregidor diễn ra gần nửa đêm ngày 17 tháng 2. Tiếng reo hò kêu thét của chừng 50 lính Nhật dậy lên trong đêm tối. Địch lao ngay vào vị trí của đại đội K, tiểu đoàn 3/34 đóng trên đỉnh đồi Malinta. Vì tiến công trên địa hình dốc đứng, trống trải nên quân Nhật bị những binh sĩ có công sự vững chắc mau chóng đánh bật.

Một lực lượng mạnh khác của Nhật tiến đánh đồi Malinta vào 3 giờ sáng ngày 18 tháng 2. Giao tranh kéo dài cho đến tận đầu giờ chiều. Có lúc tưởng chừng những cố gắng của quân Nhật đã thành công. Chỉ có hỏa lực dày đặc của các đại đội súng trường Mỹ mới có thể ngăn được điều đó. Có 68 lính Mỹ bị thương vong trong trận đánh. Phía Nhật bỏ lại rải rác trên sườn đồi 150 xác.

Tại Topside, lính dù trung đoàn 503 lo lắng nghe ngóng âm thanh trận đánh phía dưới. Phần lớn đều thấy mình may mắn khi ko phải thu mình trên đồi Malinta để chống trả quân Nhật. Đến lúc này thì họ đã qua được 1 ngày nhưng rồi trong đám lính dù kia cũng có nhiều người sắp phải chết. Trong hệ thống địa đạo nằm sâu bên dưới Topside, có 600 lính Nhật đang chuẩn bị tấn công banzai (tấn công tự sát.ND).

Lúc 6g sáng 19 tháng 2, lính dù trung đoàn 503 vừa mới cạo râu, ăn sáng xong và đang chuẩn bị đón 1 ngày yên ả trên Topside. Thình lình, tiếng hát đáng sợ của hàng trăm lính Nhật từ khu rừng rậm nằm ngay phía tây sân duyệt binh vọng đến. Trong khi quân dù còn đang sửng sốt thì tiếng hát đã chuyển thành tiếng thét “Banzai! Banzai! Banzai!”, rồi 1 rừng lính Nhật vừa gào thét vừa xông ra khoảng đất trống phía sau những khối nhà của Topside. Nhiều lính dù còn chưa kịp phản ứng thì quân Nhật đã ập đến dùng đao kiếm xả họ ra từng mảnh.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #142 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2014, 10:51:24 am »

Trung đội lính dù ở gần đợt tấn công nhất đã biến mất trước số lượng áp đảo quân Nhật. Những lính dù còn lại vội chộp lấy súng và nhảy xuống công sự. Trong phút chốc, không trung ngập tràn tiếng nổ đùng đoàng của súng trường M1 cùng trung liên BAR. Quân Nhật bắt đầu gục xuống, nhưng số sống sót vẫn ùa lên.

Giao tranh chuyển thành đánh giáp lá cà khi lính Nhật cuồng tín áp sát những lính dù còn đang quờ quạng. Ở cự ly sát sạt này thì súng trường, súng máy đã được thay bằng lưỡi lê và súng lục. Những đám nhỏ chiến binh đánh nhau chí chết trong khi lính Nhật thì vẫn ùa tới.

Chẳng hiểu bằng cách nào mà số lính dù bị bao vây lại có thể chặn cuộc đột kích banzai lại. Binh lính Mỹ can trường liều mạng đã chặn đứng được quân Nhật. Trận đánh cuối cùng cũng đã chấm dứt. Gần 500 xác lính Nhật nằm rải đầy trên sân duyệt binh. Ngạc nhiên thay, thương vong của trung đoàn 503 lại tương đối nhẹ: 33 tử trận, 75 bị thương.

Những lính Nhật còn sống sót sau cuộc đột kích banzai điên cuồng tiếp tục chạy về phía đông. Quân dù tổ chức những đội ứng chiến tiến hành săn đuổi chúng. Thay vì đầu hàng, hầu hết lính Nhật đều chiến đấu đến cùng. Quân Nhật nấp trong các hang nhỏ, các hẻm núi và chiến đấu với quân truy kích. Lính địch vẫn ngoan cố đánh tiếp cho đến khi bị quân dù tiêu diệt. Phải mất hơn 2 ngày mời trừ khử được hết số lính Nhật.

Trong khi diễn ra các cuộc truy quét, binh sĩ trung đoàn 503 đã tình cờ được chứng kiến 1 cố gắng tuyệt vọng của quân Nhật nhằm đánh bật phía Mỹ ra khỏi hòn đảo. Những thành viên tiểu đoàn 3/34 trên đỉnh đồi Malinta ko hề hay biết có 2000 lính Nhật đang bị mắc kẹt trong địa đạo dưới mặt đất. Những trận oanh kích quá dữ dội đã khiến cho đất sụt lở và bít kín các lối ra vào của địa đạo. Cùng mắc kẹt với lính Nhật dưới địa đạo là hàng tấn đạn dược, bom mìn cùng đủ loại pháo hiệu.

Các chỉ huy của số quân Nhật bị mắc kẹt đã trù tính 1 kế hoạch ko những mang đến cho họ cái chết vinh quang mà còn giết được nhiều tên Mỹ mà họ căm thù. Họ sẽ dùng hàng trăm pound thuốc nổ TNT phá bung 1 cửa ra bị bít kín rồi vội vã tung ra cuộc đột kích banzai lớn, giết hết mọi lính Mỹ bắt gặp.

Vào lúc 22g30 ngày 20 tháng 2, bên trong đồi Malinta phát ra 1 tiếng nổ cực lớn. Vụ nổ lớn đến nỗi rất nhiều lính Mỹ thấy như ngọn đồi rung rinh dịch chuyển. Khối lửa lớn phụt ra khỏi cửa địa đạo. Đất, đá, cây cối, mảnh vụn bay tới tấp. Đồi Malinta bị nứt nhiều chỗ lớn gây ra nhiều vụ lở đất.

Quân dù đóng trên Topside hoảng hốt nhìn xuống lối vào địa đạo, lúc này vẫn bị lửa khói vây kín. Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Phía Nhật đã tính sai hiệu quả của khối thuốc nổ. Sức nổ đã dội ngược sâu vào đường hầm và kích nổ hàng tấn thuốc nổ đang cất trữ bên trong. Vụ nổ đã giết chết gần 1500 lính Nhật đang tập trung ở đó. Chỉ có khoảng 500 ở đường hầm bên cạnh là còn sống sót sau hỏa ngục. Khi khói tan, phần lớn bọn họ đã lẻn ra khỏi địa đạo tìm đường về 'cái đuôi' của đảo và ở đó chờ quân Mỹ tiến đến.

Quân dù cũng bám sát phía sau. Tới ngày D+8, thì đại tá Jones cho rằng tình hình trên phần chính của Corregidor đã đủ ổn định để bắt đầu tiến đánh phần đuôi đào. Ngày 24 tháng 2, tiểu đoàn 1/503 của thiếu tá Woods dẫn đầu tiến công sang phía đông.

Cuộc tiến công tiến triển tốt. Đến chiều thì đã có 100 lính Nhật bị tiêu diệt. Đến đêm thì sức đề kháng mạnh lên và lính dù đã phải đào công sự phòng thủ. Chỉ lát sau 1 cuộc tấn công banzai ngắn ngủi nhưng rất dữ dội đã đánh vào tiểu đoàn Woods. Lính dù đánh bại đợt tấn công với tổn thất 3 người chết, 21 bị thương. Trong số chết có cả thiếu tá Woods.

Lính dù đã đẩy quân Nhật về phía đông đến 1 vùng đất rất nhỏ 2 ngày sau đó. Diễn ra những trận giáp chiến ác liệt khi quân địch chiến đấu từ mọi tảng đá, từng gốc cây, hẻm núi, hang hốc và bất kỳ chỗ nào có thể ẩn nấp. Phải trục từng lính Nhật 1 khi chúng quyết đánh đến cùng. Cũng như lúc ở Noemfoor, lính dù trung đoàn 503 phải dấn thân vào 1 trận chiến man rợ bất chấp luật lệ với những kẻ thù cuồng tín.

Thiếu tá John N. Davis lên nắm quyền chỉ tiểu đoàn 1/503 sau cái chết của Woods. Tiểu đoàn của ông vẫn tiếp tục đi đầu tiến về hướng đông. Sáng ngày 26 tháng 2 họ đến Mũi con Khỉ nhìn xuống sân bay. Họ ko hề hay biết mạng lưới rông lớn đường hầm chằng chịt ở đây và cũng ko biết bên trong đó cũng cất trữ hàng tấn thuốc nổ.

Trưa ngày 26 tháng 2, quân Nhật cho nổ tung Mũi con Khỉ. Vụ nổ này có khi còn lớn hơn cả vụ nổ đã làm rung chuyển quả đối Malinta. Thiếu tá Davis bị hất tung lên trời, nhưng rất may khi rơi xuống ko bị thương tích gì nghiêm trọng. 1 chiếc xe tăng Sherman nặng 35 tấn bị ném văng đi như thứ đồ chơi của trẻ con. Những người trong xe đều chết. Đá tảng cùng mảnh xác người bay tung tóe lên ko trung, 1 số hòn đá tưởng chừng văng xa cho đến tận Topside.

Tổn thất của quân Mỹ khá là lớn: Có 52 lính dù mất mạng, 140 bị thương. Ước tính có khoảng 150 lính Nhật chết bên trong địa đạo.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #143 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2014, 07:28:06 am »

Đại tá Jones vội điều lính cứu thương từ những tiểu đoàn khác lên cứu giúp thương binh. Ngay khi tình hình đã được kiểm soát ông thúc tiểu đoàn của trung tá Erickson vượt lên tiến qua tiểu đoàn 1/503 đã mất sức chiến đấu và tiếp tục truy kích địch.

Quân dù tiến từ từ, thận trọng xuống phần đuôi của đảo Corregidor. Các binh sĩ dùng lựu đạn và súng cá nhân tiêu diệt lính Nhật ở bất kỳ chỗ nào họ phát hiện được. Giao tranh còn tiếp diễn mấy hôm nữa nhưng đại tá Jones vào ngày 27 tháng 2 đã tuyên bố là sự kháng cự có tổ chức đã chấm dứt.

Tổn thất của phía Nhật, dựa trên con số thống kê xác chết thực tế là 4500 thiệt mạng, chỉ có 20 bị bắt làm tù binh. Số còn lại được phỏng đoán là đã mất xác trong 2 vụ nổ lớn.

Tổng thiệt hại của Mỹ 1005, trong đó có 455 tử trận.

Ngày 2 tháng 3 năm 1945, tướng MacArthur trở lại đảo Corregidor. Để cho ấn tượng, MacArthur đến theo cùng 1 cách mà ông đã dùng để đi 3 năm về trước -  là bằng tàu phóng lôi (PT boat). Jones tháp tùng MacArthur đi thăm thú Topside, chỉ cho ông ta thấy nơi diễn ra trận giao tranh ác liệt. Sau đó 2 người đi về phía sân duyệt binh.

Đứng trước hàng ngũ những binh sĩ còn lại của trung đoàn dù 503 và tiểu đoàn 3/34, đại tá Jones nghiêm chào vị tư lệnh rồi nói: "Thưa sếp, tôi xin dâng tặng pháo đài Corregidor cho ngài."

MacArthur chào đáp lễ rồi nói chuyện với những binh sĩ đang tập hợp. Ông biểu dương tinh thần anh dũng và chúc mừng chiến thắng của bọn họ. Sau đó với giọng xúc động, MacArthur nhận xét: "Tôi thấy cây cột cờ khi xưa vẫn còn đứng đó. Hãy cho binh sĩ kéo cờ lên và đừng bao giờ để kẻ thù kéo nó xuống." Đến lúc đó, 1 lính danh dự liền nhanh chóng kéo lá cờ sao và vạch tung bay lên đỉnh cột.

1 tuần sau đó, trung đoàn dù 503 rời đảo Corregidor. Họ trở về đảo Mindoro để nghỉ ngơi, huấn luyện và bổ sung quân số.

Ngày 25 tháng 3 năm 1945, trung đoàn được báo động chuẩn bị nhảy dù chiến đấu lần thứ 4 trong đệ nhị thế chiến. Sư đoàn 40 bộ binh được dự định sẽ đổ bộ lên đảo Negros, nam trung bộ Philippines vào ngày 28 tháng 3. Tính báo Mỹ ước tính có 40.000 quân Nhật đang cố thủ trên đảo. Hầu hết đều là cựu thành viên của lực lượng không quân Nhật, tuy chưa được huấn luyện kỹ thuật tác chiến bộ binh, nhưng vẫn là 1 đối thủ đáng gờm. Nếu quân địch quá áp đảo sư đoàn 40, thì lính dù sẽ phải lập tức nhảy dù xuống chi viện.

Sư đoàn 40 bộ binh đã đổ bộ thành công và nhanh chóng đẩy quân Nhật vào trung tâm đảo. Khi đã thấy rõ là 1 đòn đột kích đường không sẽ ko còn cần thiết nữa, trung đoàn 503 của đại tá Jones được cho đổ bộ lên bờ bằng xe lội nước. Được tăng phái cho sư đoàn 40, trung đoàn 503 chiến đấu như lính bộ binh thường qua những dãy núi cây rừng rậm rịt bao phủ trên đảo Negros.

Quân nhảy dù phải trục những lính phòng thủ ngoan cố bằng chiến thuật sử dụng các đơn vị nhỏ, như rất nhiều lần trước đó. Cũng những chiến thuật này sẽ lại được lớp con cái của những cựu binh chiến tranh TG thứ 2 sử dụng chống lại quân giải phóng ở nam VN 20 năm sau đó.

Nhưng đó là chuyện tương lai. Suốt tháng 4, tháng 5 và tháng 6 lính dù truy đuổi quân Nhật khắp đảo Negros. Ngày 10 tháng 6 năm 1945, sự kháng cự có tổ chức trên đảo được tuyên bố là đã chấm dứt. Từ thời điểm đó quân dù tiến hành các cuộc truy quét hàng ngày để săn lùng những toán nhỏ lính Nhật.

Việc lùng sục vẫn tiếp diễn cho đến khi chiến tranh kết thúc vào tháng 8. Trong những tháng sau đó, trước sự sửng sốt của lính dù, có tới 6000 lính Nhật chui ra khỏi vùng núi trên đảo Negros để đầu hàng và trở về quê hương.

Đầu tháng 12 năm 1945, trung đoàn dù 503 đáp tàu từ Philippines về Mỹ. Vào lễ Giáng sinh năm 1945, tại căn cứ Anza, California, trung đoàn dù 503 bị giải thể.

Trung đoàn được tái lập lại sau 13 năm. Sau đó trung đoàn bộ binh dù 503 được bàn giao cho Chiến đoàn 2 nhảy dù(Airborne Battle Group) trên đảo Okinawa.
 





HẾT




Tèn tén ten...chuyện lính dù Mỹ đến đây kết thúc..Các bác trên forum có thể in ra đọc cũng được nhưng xin không sử dụng cho mục đích thương mại...Cảm ơn mọi người
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM