Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:19:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc  (Đọc 78346 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 09:56:52 am »

28 NGÀY ĐÊM QUYẾT ĐỊNH VẬN MỆNH TRUNG QUỐC

THÁI NGUYỄN BẠCH LIÊN biên dịch

NHÀ XUẤT BẢN MŨI CÀ MAU - 2001

Số hóa: hoi_ls









Thay lời tựa


Cách mạng Tân Hợi - 1911 - đã lật đổ chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở Trung Quốc, thay bằng một nền Cộng hoà. Tôn Trung Sơn - người đề xướng chủ nghĩa Tam dân (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) sớm qua đời để lại lời di chúc “Cách mạng thượng vị thành công, đồng chí nhưng tất nỗ lực (Cách mạng còn chưa thành công, đồng chí vẫn phải nỗ lực). Đảng Cộng sản và Mao Trạch Đông, Đảng Quốc dân và Tưởng Giới Thạch, mỗi bên, mỗi người đều nỗ lực theo một phương hướng riêng của mình, lắm lúc cùng hợp tác, nắm tay nhau trên con đường Bắc phạt, kề vai sát cánh chung chiến hào kháng Nhật, nhưng trên toàn cục là đấu tranh, là nội chiến, bên này tư tưởng Mao Trạch Đông, bên kia chủ nghĩa Tưởng Giới Thạch, chính trường Trung Quốc không lúc nào lặng cơn bão táp. Năm 1949, lịch sử chọn Đảng Cộng sản, lịch sử chọn Mao Trạch Đông, Trung Quốc mới với nền Cộng hoà Nhân dân ra đời, Đảng Quốc dân, Tưởng Giới Thạch vượt biển cố thủ trên đảo Đài Loan và vẫn giữ tên gọi Trung Hoa Dân Quốc.

Ngoài kia, Tưởng chấn hưng kinh tế, biến Đài Loan trở thành “con rồng nhỏ”. Trong này, Mao cải cũ xây mới với 3 ngọn cờ hồng - Đường lối chung, Công xã nhân dân, Đại nhảy vọt - và Cách mạng văn hoá kéo dài hơn 10 năm. Về sau Đặng Tiểu Bình đề xướng cải cách, Mở cửa, nỗ lực chuyển sang một phương hướng mới, giai đoạn mới, thực hiện Bốn hiện đại, xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc và quyết tâm thống nhất đất nước cho dù phải “nhất quốc lưỡng chế”.

Chưa có một tác giả nào đủ sức thâu tóm tình hình trên đất nước Trung Hoa non thế kỉ qua để dựng nên những thiên truyện tầm cỡ tỉ như Sử kí Tư Mã Thiên hay Tam Quốc Chí, nhưng hàng loạt pho sách miêu tả các nhân vật, các thời kì, các cơn bão trên chính trường Trung Quốc trước và sau năm 1949 thì đã và đang dồn dập ra đời, lần theo thâm cung, giở trang bí sử, lọt giữa tường hồng... mà lâu nay vẫn tò mò muốn biết, ngõ hầu dĩ cổ vi kim, để có được một bài học nên tránh, nên theo.

Trung Quốc đất rộng người đông, văn liệu, sử liệu mênh mông như biển cả, người viết thì sức có hạn, nên chỉ dám chọn vài ba quyển đọc, dịch và viết thành dăm ba bài đăng in đây đó, nay nhờ Nhà xuất bản Mũi Cà Mau tập hợp nên một cuốn sách bao gồm 4 phần: Cuộc cờ thế kỉ, Đặng Tiểu Bình ba lần vào ra Trung Nam Hải, Chu Ân Lai - khi người rời khỏi thánh đànHai mươi tám ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc, giới thiệu đôi điều về các nhân vật phong vân trên chính trường Trung Quốc, những mong gửi đến bạn đọc. Cũng xin được nhận lời chỉ giáo.

Cám ơn Nhà xuất bản   lần này tái bản cuốn sách có sự chỉnh lí nội dung và hình thức.


Tháng Tư, 1996
THÁI NGUYỄN BẠCH LIÊN
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Ba, 2021, 12:31:30 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:12:36 am »

DIỆP VĨNH LIỆT


CUỘC CỜ THẾ KỈ
(Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch)




Tiểu dẫn


Trung Quốc thế kỉ XX, tựa như một cuộc cờ sóng gió bao la, nổi chìm khúc khuỷu mà quyết định vận mệnh cả dân tộc, đất nước.

Người cầm quân xanh, đầu không sợi tóc, mặc áo trường bào, khi nói thích kéo âm nhấn điệu, đặc một giọng “quan thoại” kiểu Triết Giang, cẩn trọng lời lẽ nụ cười, nhưng vội vã nóng lên cũng từng mắng chửi “niáng-xi-pỉ”.

Người cầm quân đỏ, tóc dài chải ngược, chuyên mặc mỗi kiểu Trung Sơn, nói năng không nhanh không chậm, khẩu âm Hồ Nam, bình thường hay nói nói cười cười, giàu chất trào lộng châm biếm, khi nổi trận lôi đình không khỏi mắng nhiếc “fang-pi”.

Hai người đểu có phong độ nam nhi hảo hán, cao khoảng một mét tám mấy gì đó, người không có tóc nhỉnh hơn người tóc dài đâu một phân thì phải, người treo “thanh thiên, bạch nhật, mãn địa hồng” (1), người tôn suy cờ đỏ búa liềm.

Hai bên chức tước, vương vị như sau:

Tổng tài Quốc dân đảng Trung Quốc, Tổng thống Trung Hoa dân quốc.

Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà xô viết Trung Hoa (sau này là Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa).
Lực lượng quân đội dưới quyền chỉ huy của họ:

Quân cách mạng Trung Hoa dân quốc.

Quân cách mạng công nông Trung Quốc (sau đổi thành Hồng quân công nông Trung Quốc, và lại đổi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc).

Về chức vụ quân ngũ:

Một bên là Đại nguyên soái hải, lục, không quân, Chủ tịch hội đồng quân sự. Tổng Tư lệnh. Một bên là Chủ tịch Quân uỷ Trung ương.
Danh tính của hai người:

Tưởng Thuỵ Nguyên, phổ danh Chu Thái, học danh Chí Thanh, tự Giới Thạch, sau này phỏng theo Tôn Trung Sơn, cải danh thành Trung Chính. Người đời thường gọi Tưởng Giới Thạch, giới có nghĩa là “đại”, giới thạch vì thế mà hiểu là “cự thạch” (hòn đá lớn), tất cả đều từ phổ danh chữ “thái” suy ra.

Mao Trạch Đông, tự Nhuận Chi (chữ “chi” có thể viết theo hai nghĩa), bút danh Nhị Thập Bát Hoa Sinh (ba chữ Hán mao - trạch - đông viết theo phồn thể gồm 28 nét, nên bút danh trên có nghĩa: người mang tên 28 nét). Người đời dùng bản danh Mao Trạch Đông mà xưng tụng, chữ “trạch” lấy trong tuần tự các đời của họ Mao là Tổ - Ân - Di -Trạch - Viễn) (2) còn “đông” muốn chỉ phương mặt trời mọc, đang dần dần vươn lên. Ông thường kính phục Lương Khải Siêu (Lương Nhậm Công) đã có biệt hiệu “Tử Nhậm”, đến lượt mình chọn tên chữ “Nhuận Chi”, trong đó chữ “nhuận” suy từ chữ “trạch” mà ra, ta vẫn nói “vũ lộ tư nhuận” (mưa móc tưới nhuần khắp nơi).

Hai người sinh cùng thời, Tưởng Giới Thạch lớn hơn Mao Trạch Đông 5 tuổi, và chết trước 1 năm. Tưởng Giới Thạch thọ 88 tuổi, Mao Trạch Đông 84, như vậy trong đó họ có những 83 năm từng “chung sống với nhau trên thế gian này”.

Luận về khí chất, hai người quả nhiên khác nhau. Tưởng Giới Thạch khí chất quân nhân, mỗi sớm tinh mơ đều thức dậy luyện tập, luôn đọc tam bảo thư: “Truyện Bismarck”, “Tằng hồ trị binh ngữ lực” và “Tằng văn chính công gia thư”. Tưởng Giới Thạch không hút thuốc, không uống rượu, thậm chí không ẩm trà, chỉ dùng nước trắng đun sôi, ưa các hải sản tươi, rau muối xào cá hoặc rau khô Thiệu Hưng.

Mao Trạch Đông tư chất thi nhân, thiện nghệ sáng tác thơ ca, thảo chương, đề từ, thức khuya dậy muộn, sách vở không rời tay, ông đã đọc không biết đến bao nhiêu lần cuốn “Tư trị thông giám”, muôn từ trong rối loạn của lịch sử tìm ra đôi điều kinh bang tế thế. Mao Trạch Đông chỉ uống chút ít rượu nho, nhưng liều mạng hút thuốc, ưa uống trà đậm, ăn ớt cay, và thường lấy thịt nướng làm thuốc “bổ não”.

Hai người có hành trình chính trị tương tự.

Năm 1924, Tưởng Giới Thạch được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân Quốc dân đảng Trung Quốc (vì trường đóng quân tại Hoàng Phố - Quảng Châu, nên người ta thường gọi là Trường quân sự Hoàng Phố), và từ đó thế lực của ông trong quân đội ngày một phát triển, nắm dần quân quyền, từ uỷ viên hội đồng quân sự trở thành Tổng giám, rồi Tổng Tư lệnh Quân cách mạng Quốc dân đảng. Tưởng Giới Thạch xem quân đội là mạng sống của đời mình.

Còn Mao Trạch Đông, mùa thu năm 1927, phát động khỏi nghĩa nông dân ở Hồ Nam, đảm nhận chức bí thư ban chấp hành tiền phương, sau đó cùng Chu Đức hội sự tại Tĩnh Cương Sơn - Giang Tây, thành lập Quân cách mạng công nông Trung Quốc, Chu Đức làm chỉ huy, Mao Trạch Đông là người đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đó Hồng quân Chu - Mao bắt đầu đổi địch với Tưởng Giới Thạch và một danh ngôn của Mao Trạch Đông - “họng súng đẻ ra chính quyền” cũng bắt đầu lưu truyền cùng thời.

Mao Trạch Đông từng nói, Tưởng Giới Thạch “xem quân đội như sinh mạng”, “có quân đội là có chính quyền, đấu tranh giải quyết tất cả”. Ông cười mà cho rằng: quân đội đối với Tưởng Giới Thạch như hòn đá treo trên cổ của Giả Bảo Ngọc, “về điểm này cần phải học tập ông ấy, và Tưởng Giới Thạch quả là tiên sinh của chúng ta!”

Mao Trạch Đông lại nói, “Đảng viên cộng sản không dành binh quyền cho cá nhân, mà vì đảng và nhân dân”. Ông cho rằng “họng súng đẻ ra tất cả”, “thế giới chỉ có thể cải tạo bằng súng ống”. (3)



----------------------------------------------------------
(1) Cờ của Trung Hoa dân quốc, nền đỏ, mảng xanh và vòng tròn trắng.
(2) Cha: Mao Di Xương, cháu: Mao Viễn Tân.
(3) Trích Mao tuyển.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:16:23 am »

Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch đều là bạn của Nixon - Tổng thống Mỹ, Nixon đã so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai người như sau:

“Hai ông đều là người phương Đông và thật trùng hợp kì lạ, Mao Trạch Đông đi ra nước ngoài chỉ có 2 lần, năm 1949 và năm 1957, đều sang Mạc Tư Khoa để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Liên Xô; Tưởng Giới Thạch cũng vậy, 2 lần, năm 1923 đi Liên Xô và năm 1943 với tư cách đại biểu của một trong bốn cường quốc dự hội nghị Cairo, Ai Cập. Ngoài công vụ hàng ngày, hai ông đều dành thời giờ ở nhà, rất ít xuất ngoại, Mao Trạch Đông làm thơ, còn Tưởng Giới Thạch thì bách bộ, ngâm vịnh cổ thi. Mao Trạch Đông phản đối sự chuyên chế của người cha và cả chế độ xã hội đương thời, Tưởng Giới Thạch phản đối sự hủ bại và quỳ gối nước ngoài của triều Mãn Thanh, cắt bím tóc đuôi sam trước Mao Trạch Đông 7 năm, hai vị đều là những nhà cách mạng”.

“Sự khác nhau giữa họ có chỗ nhìn rõ ngay, có chỗ rất sâu kín. Mao nói cười ung dung tự tại, trào lộng, châm biếm, còn Tưởng ít khi hàm tiếu và hay kín đáo. Chữ viết của Mao như rồng bay phượng múa, không phân rõ hàng lối, ngược lại Tưởng viết rất đoan chính, vuông vức, cách ô, cách hàng cẩn thận. Nói một cách cụ thể hơn, họ đều xem Trung Quốc là thần thánh, nhưng cách biểu hiện khác nhau. Cả hai đều yêu mến mảnh đất này, nhưng Mao thì muốn quét sạch tất cả quá khứ, còn Tưởng chủ trương xây dựng từ đây. Sau khi thu hút được thắng lợi, Mao giản hoá chữ Hán, vừa để cho người dân dễ dàng học tập thoát nạn mù chữ và, theo tôi, vừa xoá đi những hàm ý rối rắm lịch sử đọng lại trong phồn thể của Hán tự. Tưởng thua trận, lúc bỏ chạy ra đảo Đài Loan chỉ kịp mang theo 400.000 văn vật đồ cổ, “vứt” lại hầu như rất nhiều trợ thủ, thuộc hạ từng trung thành với ông tại Hoa Lục”.

Tưởng Giới Thạch ưa sạch sẽ, ngăn nắp, văn phòng và doanh trại của ông đâu vào đấy, chỉnh tề, bóng loáng. Có một lần lưu trú tại chiêu đãi sở Phúc Đại - Đài Loan, không may khi tản bộ, Tưởng Giới Thạch ngẫu nhiên nhìn thấy bãi phân chó bên vệ cỏ. Ông nổi lôi đình, mắng chửi viên chủ quản chiêu đãi sở, khiến y ức quá mà chết luôn. Mao Trạch Đông cũng rất sạch sẽ, trong cuộc Vạn lí trường chinh từ Hoa Nam lên Diên An, ông chưa hề ngủ trên bất cứ giường của một ai, mà qua đêm bằng các tấm ván cửa. Ông ưa sạch, nhưng không chỉnh tề ngăn nắp, văn phòng, thư phòng và giường ngủ của Mao Trạch Đông đều bề bộn hàng chồng sách mới xem được một nửa. Mao Trạch Đông thích xem nhiều cuốn sách có nội dung hoàn toàn khác nhau, còn Tưởng Giới Thạch đọc xong cuốn này rồi mới lật sang cuốn khác.

Văn bản mà Tưởng Giới Thạch phát biểu, công bố phần lớn do thư kí dự thảo và ông sửa đi sửa lại nhiều lần. Ngược lại, Mao Trạch Đông như có cái duyên cầm bút, tự tay thảo chương, viết lách những gì sẽ nói sẽ đọc, một vài bài phát biểu miệng của ông do thư kí ghi chép hiện trường, chỉnh lí, trình duyệt sau để làm tài liệu. Không những thế, Mao Trạch Đông còn lấy danh nghĩa người bình luận của Tân Hoa xã, Nhân Dân nhật báo, Giải Phóng nhật báo viết xã luận, bài vở thậm chí kí cả tên của Chu Đức hay Bành Đức Hoài nữa.

Mao, Tưởng đối lập suốt cả một đời, hai chữ “chống cộng” luôn luôn quán xuyến đối với Tưởng Giới Thạch, đến như “một nước Trung Hoa” mà hai người thường nhắc tới cũng hoàn toàn khác nhau, một bên là CHND Trung Hoa, một bên là Trung Hoa dân quốc.

Đối thủ của Tưởng Giới Thạch trong Quốc dân đảng là Uông Tinh Vệ và Hồ Hán Dân, phải qua năm lần bảy lượt đấu tranh giành giật, mãi tới hội nghị Vũ Xương tháng 3 năm 1939 Tưởng Giới Thạch mới được bầu là Tổng tài, xác định vị trí lãnh tụ của ông trong Quốc dân đảng. Còn đối thủ của Mao Trạch Đông là Vương Minh, Bác Cổ, Trương Quốc Đào, và cũng phải tới tháng 1 năm 1935, tại hội nghị Tuân Nghĩa ông mới trúng cử Chủ tịch Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành lãnh tụ của đảng này.

Về đường hôn nhân luyến ái của hai người, kì lạ thay, cũng khá tương đồng.

Năm 14 tuổi, do thân mẫu là Vương Thái Ngọc chủ hôn, Tưởng Giới Thạch lấy Mao Phức Mai lớn hơn mình 5 tuổi làm vợ (về sau do chữ “phức” khó nhận biết, dân quê bèn gọi là Mao Phúc Mai). Khi lên Thượng Hải, ông đã cùng chung sống với Diêu Di Thành người huvện Ngô, tỉnh Giang Tô, sau đó lại là Trần Khiết Như người Tô Châu, cuối cùng, với Tống Mỹ Linh kết thành vợ chồng chính trị. Người đời thường lấy chữ “Trung” trong Tưởng Trung Chính và chữ “Mỹ” trong Tống Mỹ Linh gắn với nhau và gọi đó là “cuộc hôn nhân Trung Mỹ” đầy huyền bí.
Mao Trạch Đông cũng 4 lần hôn thú, cũng năm 14 tuổi, vâng lời cha mẹ lấy người con gái họ La hơn mình 4 tuổi làm vợ, nhưng hai vợ chồng chưa hề ăn ở với nhau. Sau đó, lúc ở Trường Sa, Mao Trạch Đông yêu Dương Khai Tuệ và đã kết hôn. Khi lên Tỉnh Cương Sơn cùng chung sống với Hạ Tử Trân người Vĩnh Tân - Giang Tây. Thời kì ở Diên An, Giang Thanh - nữ diễn viên điện ảnh Thượng Hải (nghệ danh Lam Bình, bản danh Lý Vân Hạc) xuất hiện và cuối cùng Mao Trạch Đông chọn người này.

Tưởng Giới Thạch là một lãnh tụ độc tài với bàn tay sắt, ông thực hiện hình thức thống trị “tam nhất” (ba một): một chính đảng, một chủ nghĩa, một lãnh tụ, đó là Quốc dân đảng, chủ nghĩa tam dân và có lẽ mỗi một Tưởng Giới Thạch mà thôi. Tháng 7 năm 1945, tại Diên An, Mao Trạch Đông đã nói “Tưởng tiên sinh cho rằng thiên vô nhị nhật, dân vô nhị chủ, tôi, không tin là thuyết nên cứ để hai mặt trời mọc lên cho ông ấy xem xem”.

Quả nhiên Trung Quốc xuất hiện cục diện “thiên hữu nhị nhật, dân hữu nhị chủ”, kỳ thực thì trước khi Mao Trạch Đông đề xướng luận thuyết nêu trên, cục diện này đã xảy ra và tồn tại cho tới nay, lúc hai ông Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông đều đã qua đời.

Tưởng Giới Thạch một bên, Mao Trạch Đông một bên, với bàn cờ là 9,6 triệu cây số vuông lãnh thổ Trung Quốc và hai bên đã “chơi” một cuộc cờ làm chấn động cả thế giới.

Ghi lại cuộc cờ này, chúng ta sẽ được một bộ lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Tất nhiên, trong cuộc đấu tranh phức tạp nêu trên không thiếu gì những cảnh gươm đao, súng đạn, pháo dập, lửa thiêu v.v... cũng có lúc hai bên phái khiển mật sứ, bàn việc nội trướng, đánh đánh đàm đàm, đàm đàm đánh đánh. Hai bên từng không tiếc lời chửi nhau, Tưởng Giới Thạch chửi Mao Trạch Đông là “Mao phỉ”, “phỉ đỏ”, “cộng phỉ”, “gian đảng”, “gian quân” v.v... ngược lại, Mao Trạch Đông chửi Tưởng Giới Thạch là “độc phu dân tặc”, “kẻ thù chung của nhân dân”, “tội phạm chiến tranh số 1”, “bọn phỉ Tưởng” v.v... xem ra ngôn từ có vẻ phong phú hơn.

Ấy mà có lúc hai vị chủ soái đã tay bắt mặt mừng, cụng li cạn cốc, xưng hô lịch sự “Mao tiên sinh”, “Tưởng tiên sinh”. Những ngày hoà đàm ở Sơn Thành, Mao Trạch Đông biết Tưởng Giới Thạch không hút thuốc và cũng không ưa người nói chuyện với ông hút thuốc, bạn bè cận thần của Tưởng Giới Thạch là tay ghiền thuốc mỗi lần đi gặp ông đều phải súc miệng sạch sẽ, tránh hơi thuốc phả ra, gây khó chịu cho Tưởng Giới Thạch. Tất nhiên, Mao Trạch Đông không đến nỗi phải cần súc miệng, nhưng để tôn trọng Tưởng Giới Thạch, ông đã “cai thuốc” khi ngồi vào bàn hoà đàm hay nói chuyện ngoài hành lang. Tiểu tiết này làm Tưởng Giới Thạch vô cùng cảm động, ông nói với thuộc hạ: “Mao Trạch Đông, con người này không thể xem thường, ông ta là tay ghiền thuốc, hết điều này sang điếu khác, nghe nói cả ngày phải cả ống (khoảng 50 điếu), thế mà lúc biết ta không hút thuốc, Mao tiên sinh đã tuyệt nhiên tạm ngừng khi đôi bên trò chuyện, tinh thần và quyết tâm ấy thật đáng trọng thị”. Còn Mao Trạch Đông, ông ưa dí dỏm, khi trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí Quốc dân đảng: “Ngài có ấn tượng gì về Tưởng tiên sinh?”, ông nói: “Chữ Tưởng là chữ Tướng dưới bộ Thảo, nên có thể gọi Thảo đầu tướng quân!” (ông tướng có cỏ trên đầu).

Một năm sau đàm phán ở Trùng Khánh - 1946, nữ kí giả ngưòi Mỹ hỏi Mao Trạch Đông, cũng về ấn tượng đối với Tưởng Giới Thạch, ông chỉ dùng 2 chữ trả lời gọn lỏn: “con hổ giấy!”

Quả nhiên, 3 năm sau, Mao Trạch Đông chiếm trọn lục địa, chiến thắng Tưởng Giới Thạch!

Hôm nay, khói súng đã tiêu tan, trọng pháo thôi gầm rú, hai kì thủ kẻ trước người sau đều rời nhân thế. Nghiên cứu hai kì thủ, cũng là hai người cầm cờ của hai đảng, nghiên cứu các thế cờ của cuộc cờ thế kỉ, ảnh hưởng của chúng đối với vận mệnh Trung Quốc khiến chúng ta hồi ức vô cùng và thật đáng quý.

Kì ngạn có câu “quân cờ làm bằng gỗ, nếu thua chơi lại!” (Kỳ tử mộc đầu tác, thâu liễu trùng lai quá”), nhưng những ván cờ lịch sử thì không có cách nào “chơi lại”. Song quay về với chúng và quá vãng, để mà suy tư, để mà gợi mở, kể cũng không thừa!

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:20:01 am »

I

NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN GẠT LỆ CHIA TAY,
MAO TRẠCH ĐÔNG LÊN ĐƯỜNG ĐI QUẢNG CHÂU


Chu Giang chầm chậm trôi, sóng bạc lấp lánh tựa như dải khăn quàng vươn trên cổ ngọc của thành Quảng Châu. Đã là tháng chạp mà nơi đây vẫn chưa hề lạnh lẽo, cây lá vẫn xanh tươi, ngàn hoa vẫn sắc thắm, tô vẽ cho Ngũ Dương thành này rực rỡ lạ thường.

Cuối năm 1923, Quảng Châu mùa xuân về sớm, ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp sắc cờ “thanh thiên, bạch nhật, mãn địa hồng” (bầu trời xanh, vầng dương trắng và đỏ khắp thế gian), cũng như chân dung Tôn Trung Sơn với kiểu tóc cắt bằng và chòm râu chữ “bát”. Những chiến sĩ quân cách mạng Dân quốc đầu đội mũ rộng vành, vai mang súng trường nghiêm trang đứng ở mọi nơi: bến xe, nhà ga, đầu cầu, cũng như trước các cao ốc. Chỉ ở phía Tây Nam, trên hòn đảo nhỏ Sa Diện là còn thấy quân Anh tuần tra canh gác, vì đó là tô giới của nước Anh. Từ năm 1840, sau khi cánh cửa lớn của Trung Quốc bị “trọng pháo” chiến tranh nha phiến phương Tây công phá mở toang, người Anh cho xây cất ở đây hàng dãy nhà lầu kiểu Âu Châu. Những con đường rải nhựa đen bóng cứ vươn dần vào nội thị, xe buýt đậu ở mọi nẻo, tuy nhiên các con hẻm vẫn còn chật hẹp và thiếu cả ánh nắng mặt trời. Quảng Châu nhộn nhịp, hình ảnh những phụ nữ bó chân, dáng đi núc ních chậm chạp như con vịt bầu, hoặc những thanh niên với bím tóc đuôi sam dài lượt thượt sớm lùi về dĩ vãng ở cái thành phố bị mở cửa bởi sức mạnh thuốc phiện của ngoại bang.

Một thanh niên dáng người cao ráo, mình mặc trường bào, chân đi giày vải Hồ Nam, tóc dài và ken dày, đôi mày tuy thưa, song mắt to và thật sáng, đáng chú ý nhất là nốt ruồi rất lớn ở ngay cằm phía trái... anh cắp chiếc ô che mưa làm bằng giấy dầu và từ tốn rảo bước trên đường phố Quảng Châu. Hình ảnh mô tả trên đây làm chúng ta nhớ lại hồi “văn cách”, Lưu Xuân Hoa đã vẽ một con người như vậy cùng lời tựa “Mao Trạch Đông đi An Nguyên”, hoạ phẩm sơn dầu này của Lưu từng được ấn hành 900 triệu bản và tán phát khắp nơi.

“Tam thập nhi lập”, Mao Trạch Đông vừa tròn 30 tuổi, ông sinh năm Quang Tự thứ 19 (Quý Tị) nhằm ngày 19 tháng 11 âm lịch. Lâu nay Mao Trạch Đông mừng sinh nhật đều theo ngày âm, mãi đến những năm 40 khi đã có tên tuổi bèn đổi thành dương lịch 26-12 (1893), và cũng thật kì lạ, ngày 26-12 năm 1923 này lại trùng hợp với âm lịch 19-11 Quý Hợi.

Mao Trạch Đông từ Trường Sa tới đây, ở đó tại số nhà 22 Thanh Thủy Đường phía ngoài cổng Tiểu Ngô, hiền thê Dương Khai Tuệ, trưởng nam Ngạn Anh và thứ nam Ngạn Thanh vừa mới sinh đang ngóng chờ ông. Là người lấy cách mạng làm chức nghiệp, Mao Trạch Đông phải đi mây về gió, nam chinh bắc chiến, lần này đi cũng dễ đến hai tháng, gánh nặng gia đình trút cả lên vai ngưòi vợ trẻ, Mao tự lấy làm an ủi và động viên một mình. Huống hồ đây lại là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Quốc dân đảng Trung Quốc (theo cách nói tắt của ngưòi Hoa lục: “Nhất đại”, còn tập quán ở Đài Loan: “Nhất toàn”) và Mao Trạch Đông được mời với danh nghĩa đại biểu Hồ Nam, ông không thể vắng mặt. Trước khi lên đường đi Quảng Châu tham dự Nhất toàn, Mao Trạch Đông viết bài “Chúc tân lang”, như muốn bộc bạch tấm lòng mình với Khai Tuệ những tháng ngày qua, gạt lệ chia tay để dấn thân vì sự nghiệp. Cái tài và cái tình của ông đang múa trên trang giấy, ngay lúc bấy giờ Mao Trạch Đông quả là một thi nhân hẹn người đời sau phải kính nể.

Mao Trạch Đông phải vượt qua Hằng Dương, với một quãng đường đầy gian nan mới tới được Ngũ Dương thành này. Quảng Châu là miền đất lạ đối với Mao Trạch Đông, nhưng “trước lạ sau quen”, vì cũng gần đây thôi, tháng 6 - 1923, theo giấy triệu tập của Trần Độc Tú, ông cùng 40 đại biểu khác đã về Nam quốc chi thành - Quảng Châu dự Đại hội đại biểu lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ đề của Tam đại lần ấy là thực hiện Quốc - Cộng hợp tác, đại biểu Quốc tế Cộng sản lúc bấy giò là Ma-lin, người Hà Lan, vóc dáng tráng kiện, giọng nói âm vang đã truyền đạt quyết nghị của tổ chức, yêu cầu các đảng viên cộng sản Trung Quốc với danh nghĩa cá nhân gia nhập hàng ngũ Quốc dân đảng để triển khai sách lược hợp tác giữa hai đảng. Trương Quốc Đào kiên quyết phản đối, Mao Trạch Đông tích cực ủng hộ, kết quả: Trương rớt khỏi Ban chấp hành Trung ương; còn Mao trúng cử với quá bán 34 phiếu. Đại hội bầu 5 người làm uỷ viên trung ương, Trần Độc Tú vẫn là ủy viên trưởng, và Mao Trạch Đông thư kí, phụ trách công việc hàng ngày của ban chấp hành. Theo nghị quyết của Tam đại, Mao Trạch Đông gia nhập Quốc dân đảng, trở thành “phần tử liên đảng”, vừa là đảng viên cộng sản, vừa là đảng viên quốc dân. Tháng 9 năm ấy, Mao Trạch Đông cùng trung ương chuyển lên Thượng Hải, rồi sau đó không lâu ông về Trường Sa và lần này với tư cách đại biểu Hồ Nam, Mao Trạch Đông dự Nhất đại của Quốc dân đảng...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:28:37 am »

TÔN TRUNG SƠN ĐIỆN BÁO THÚC GIỤC
TƯỞNG GIỚI THẠCH MAU VỀ QUẢNG CHÂU


Cùng lúc Mao Trạch Đông trên đường đến Quảng Châu liên tục từ nơi đây điện báo phát về Khê Khẩu - một trấn nhỏ miền Phụng Hoá tỉnh Triết Giang, thúc giục Tưởng Giới Thạch đang chú tâm làm lễ minh thọ (1) sáu mươi cho thân mẫu Vương Thái Ngọc, mau mau trở lại Quảng Châu.

Khê Khẩu nổi tiếng non xanh nước biếc, nơi hội lưu của hai dòng sông rồi tiếp tục uốn lượn giữa hai rặng núi và đổ về biển. Hàng trăm ngôi nhà tường xanh ngói xám được xây cất bên này bờ nam, còn phía bên kia bờ bắc là cả một phố chợ chạy dài như hình con cá, gồm hàng gạo, hàng mì, hiệu tạp hoá, quán cơm, quán rượu v.v... đông vui nhộn nhịp, và người ta gọi đây là trấn Khê Khẩu.

Khê Khẩu là đại bản doanh của họ Tưởng, phải hơn nửa số dân ở đây mang họ này. Phía đông của Khê Khẩu có cổng thành, trên ghi 3 chữ: “Võ lĩnh môn”, qua khỏi Võ lĩnh môn, men theo một con đường hẹp đến lâu đài hai tầng, xung quanh bao bọc bởi tường vây màu trắng, đó là dinh cơ của tổ tiên Tưởng Giới Thạch, sau có tên gọi “Phong cảo phòng”. Hai chữ “phong” và “cảo” đều có lai lịch từ điển tích “lưỡng Chu Văn võ, lưỡng vương Tống đố, rằng Chu Văn Vương dựng đô ở Phong Ấp, còn Chu Võ Vương thì ở Cảo Kinh. Phong cảo phòng có tiểu viện và 10 gian nhà, thật là một tố cư nơi trấn nhỏ Khê Khẩu này.

Ông nội của Tưởng Giới Thạch tên là Tưởng Ngọc Biểu đã mở ba gian hàng với bảng hiệu: “Ngọc Thái diêm phố” ở Khê Khẩu chuyên bán muối, vôi, rượu và gạo. Tưởng Ngọc Biểu sinh được hai con trai, trưởng nam Tưởng Triệu Hải, thứ nam Tưởng Triệu Thông. Người anh thứ hai của Tưởng Ngọc Biểu không có con cái, nên ông đã cho trưởng nam của mình là Triệu Hải về ở với anh làm người kế nghiệp, và giao thứ nam Triệu Thông đảm đương công việc kinh doanh Ngọc Thái diêm phố.

Triệu Thông khôn ngoan lanh lợi, có đầu óc buôn bán, được thân phụ giao phó cả cơ nghiệp cửa hàng, ông đã khuếch trương kinh doanh, làm ăn phát tài, nổi danh cả trấn Khê Khẩu, đi đâu cũng dương dương tự đắc. Tưởng Triệu Thông đầu tiên lấy con gái họ Từ làm vợ, bà sinh được một trai một gái, trưởng nữ Tưởng Thuỵ Xuân, và thứ nam Tưởng Thuỵ Sinh (dân trấn thường gọi Tưởng Giới Khanh). Năm 1882 (tức Quang Tự thứ 8 ), lúc Triệu Thông 41 tuổi, Từ thị không may lâm bệnh qua đời, chẳng bao lâu ông tục huyền, cưới Tôn Thị làm kế thất và lại “sát thê”. Khi ấy, viên kế toán Ngọc Thái diêm phố là Vương Hiền Đông bèn giới thiệu cô em họ Vương Thái Ngọc cho Triệu Thông và ông ưng thuận ngay.

Vương Thái Ngọc mới 22 tuổi, đã có một đời chồng với người họ Trúc, anh chàng này tính nết cục cằn, thô lỗ, thường hành hạ mắng chửi Vương thị, rồi sớm lâm bệnh, chết non. Sau khi goá bụa, Vương Thái Ngọc định đi tu, nhưng nghe lời anh họ, thị cũng đành nhắm mắt đưa chân, lên kiệu hoa về Ngọc Thái diêm phố vào năm 1886. Ngày 15 tháng 9 Quang Tự thứ 13 nhằm 31.10.1887 Tây lịch, tại đông phòng Ngọc Thái diêm phố, bà sinh hạ con trai cho họ Tưởng, bà xứng đáng là người vợ làm rạng danh Triệu Thông, nhạc phụ Tưởng Ngọc Biểu mừng rỡ liền đặt tên cho hạt giống Tưởng gia là Thuỵ Nguyên, phổ danh Chu Thái, tên trung học là Chí Thanh, tự Giới Thạch, về sau đi theo Tôn Trung Sơn lại cải danh thành Trung Chính. Tưởng Giới Thạch chỉ còn một người em gái là Tưởng Thuỵ Liên, hai người em khác - Thuỵ Cúc và Thuỵ Thanh đều chết yểu từ bé.

Năm 1895, lúc lên tám, Tưởng Giới Thạch mồ côi cha, cả nhà chuyển vào Phong cảo phòng sinh sống, mọi công việc dạy dỗ, nuôi nấng đều trông vào thân mẫu, nên ông rất quý mến và có hiếu với bà.

Thuở nhỏ, lúc chơi trò đánh trận giả, Tưởng Giới Thạch rất thích tự xưng là đại tướng quân, và lớn lên quả nhiên chức danh “đại tướng quân” đã theo ông suốt đời, nhưng có ba lần mấu chốt mà khi nghiên cứu thân thế và sự nghiệp Tưởng Giới Thạch, người ta không thể không nhắc tới.

Lần thứ nhất năm 1906, lúc Tưởng Giới Thạch 19 tuổi và đang học ỏ trường trung học Long Tân - Phụng Hoá thì được đưa sang Nhật Bản theo ngành quân sự, tại đây ông quen thân với Trần Kỳ Mỹ. Nhờ Trần giới thiệu, năm 1908 Tưởng Giới Thạch gia nhập Đồng minh hội. Ông cùng Trần Kỳ Mỹ, Hoàng Khổng kết nghĩa anh em. Sau khi về nước, Trần giữ chức đô đốc quân đội Thượng Hải kiêm Tổng Tư lệnh thảo Viên quân (2), còn Tưởng Giới Thạch, dưới trướng của Kỳ Mỹ, ông được cử làm trung đoàn trưởng trung đoàn số 5.

Lần thứ hai là năm 1922, cũng nhờ quan hệ với Trần Kỳ Mỹ mà Tưởng Giới Thạch đã đi theo Tôn Trung Sơn. Năm 1914, Trung Hoa cách mạng đảng (tiền thân của Quốc dân đảng Trung Quốc) thành lập, Tôn Trung Sơn làm Tổng lý, Trần Kỳ Mỹ làm Bộ trưởng tổng vụ. Hai năm sau, Trần bị ám hại ở Thượng Hải, và đây là lúc Tưởng Giới Thạch tìm đến với Tôn Trung Sơn. Mùa xuân năm 1918, Tôn Trung Sơn bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm chủ nhiệm phòng tác chiến bộ Tổng Tư lệnh quân đội. Tuy nói rằng đã có lúc nhận thấy không có thực quyền, Tưởng Giới Thạch bèn xin Tôn Trung Sơn cho từ chức trở về Thượng Hải lao vào làm ăn với thị trường chứng khoán. Nhưng năm 1921, khi nghe Tôn Trung Sơn kêu gọi, ông liền đi Quế Lâm tham gia trù bị công việc Bắc phạt. Ngày 16.6.1922, Trần Quýnh Minh bội phản, cho lính nổ pháo vào phủ Tổng thống của Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, Tôn điện khẩn cho Tưởng mau về ứng viện. Tưởng Giới Thạch kịp thời hỗ trợ Tôn Trung Sơn phản kích quân đội của Trần Quýnh Minh, và ngày 10.8.1922 hộ tống Tôn rời Quảng Châu đi Thượng Hải. Nhân dịp này, Tưởng Giới Thạch đã viết cuốn “Tôn đại Tổng thống Quảng Châu mông nạn kí” và được cất nhắc lên chức tham mưu trưởng đại bản doanh.

Lần thứ ba, chính là lúc này, Tôn Trung Sơn đang thúc giục Tưởng Giới Thạch nhanh chóng trở lại Quảng Châu để chuẩn bị xây dựng trường quân sự Hoàng Phố. Ông nhớ lại những kỉ niệm khó quên trên chiến hạm Vĩnh Phong lúc Tưởng Giới Thạch xả thân che chở, đưa ông thoát khỏi vòng hiểm nguy, tạm lánh về Thượng Hải mà lòng càng tin tưởng viên tướng trẻ họ Tưởng.

Vì sao Tưởng Giới Thạch lại từ bỏ Quảng Châu, nơi phong ba bão táp, để náu mình ở Khê Khẩu - một trấn nhỏ vô cùng yên tĩnh và không mấy nổi danh? Phần vì thân mẫu và lễ minh thọ, nhưng phần do cảm thấy vẫn chưa có thực quyền, đã có lúc ông “bức rức, trăn trở, sách chẳng buồn xem, việc chẳng muốn làm, định tự sát!”.

Lúc bấy giờ Tôn Trung Sơn đang thực hiện ba chính sách lớn “liên Nga, thân Cộng, giúp đỡ công nông”, quan hệ với Liên Xô ngày một bền chặt. Đại diện Quốc tế Cộng sản là Ma-lin đã đề nghị Tôn Trung Sơn cử đoàn đại biểu sang thăm Liên Xô. Tưởng Giới Thạch may mắn được Tôn Trung Sơn giao cho nhiệm vụ làm trưởng đoàn cùng ba thành viên khác là Trương Thái Lôi, Thẩm Định Nhất và Vương Đăng Vân lên đường Tây du. Trương Thái Lôi là một chiến sĩ cộng sản trứ danh, năm 1920 đã tham gia nhóm chủ nghĩa cộng sản ở Bắc Kinh, nói tiếng Anh rất lưu loát. Thẩm Định Nhất cũng là đảng viên cộng sản, một mãnh tướng của tạp chí “Tân thanh niên”. Còn Vương Đăng Vân làm thư kí Anh ngữ cho Tưởng Giới Thạch. Ngày 16-8-1923 đoàn khởi hành, ở thăm Liên Xô ba tháng, khi đến Mạc Tư Khoa đoàn định xin gặp Lênin nhưng không được đáp ứng vì Người đang nằm viện để cứu chữa do bị ám sát. Tại đây, Tưởng Giới Thạch và các thành viên của đoàn đã gặp gỡ và làm việc với nhiều cán bộ lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ, ngoài ra còn gặp nhà cách mạng Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc cũng vừa tới Mạc Tư Khoa. Tưởng Giới Thạch được các nhà lãnh đạo Liên Xô sắp xếp chương trình nghiên cứu khảo sát về quân sự, tham quan nhiều học viện đào tạo sĩ quan và khi xưng hô với nhau, hai bên đều dùng đại từ “đồng chí” phát âm theo tiếng Nga - “ta-va-rit”. Ngày 15.12.1923, Tưởng Giới Thạch cùng đoàn đại biểu đáp tàu thủy về đến Thượng Hải, sau khi vội vàng báo cáo sơ qua với Hồ Hán Dân, Uông Tinh Vệ, ngay hôm ấy Tưởng Giới Thạch liền tiếp tục hồi hương và đúng ngày 16.12.1923 có mặt ở Khê Khẩu.

Tưởng Giới Thạch nóng lòng như vậy vì hôm nay chính là ngày minh thọ sáu mươi cho thân mẫu Vương Thái Ngọc. Mùa xuân năm 1921, lão bà lâm bệnh nặng, đích thân Tưởng Giới Thạch chăm nom thuốc thang để báo đáp công sinh thành dưỡng dục. Lúc bấy giờ Tôn Trung Sơn dẫn quân xuất chinh Quảng Tây nên đã điện khẩn cho Tưởng Giới Thạch có mặt ở Quảng Châu lo việc nội trướng, ông không thể từ nan, nhưng cũng chỉ năm ngày ở đó mà thôi, trở về Khê Khẩu vào đúng ngày 14 tháng 6 thì thân mẫu quy tiên, thọ chưa tròn lục tuần.

Những ngày ở Khê Khẩu làm lễ minh thọ sáu mươi cho mẹ, Tưởng Giới Thạch trú tại Từ Am gần ngay lăng mộ của bà, tranh thủ viết xong bản “Du Nga báo cáo thư” rồi cử người trình cho Tôn Trung Sơn.

Ngày 30.12.1923, Tôn Trung Sơn lại điện giục Tưởng Giới Thạch “mau về Quảng Châu báo cáo cụ thể kết quả khảo sát ở Liên Xô và chuẩn bị phương án hợp tác Trung - Nga”, song ông vẫn nấn ná ở Từ Am lo nhang khói cho mẹ và ngày ngày bách bộ nghĩ suy... đường đường là trưởng một phái đoàn thay mặt cho Tôn Trung Sơn sang thăm và khảo sát ở Liên Xô mà lại bị gạt ra ngoài danh sách đại biểu chính thức đi dự Nhất toàn của Quốc dân đảng Trung Quốc...

Mồng một tết Giáp Tý, nhằm 5.2.1924 Tây lịch, sau khi đắn đo mọi bề, Tưởng Giới Thạch quyết định trở về Quảng Châu, không ngờ hai ngôi sao lớn trên chính trường Trung Quốc lại sớm gặp nhau ở Ngũ Dương thành này, ghi một cột mốc khởi đầu quan trọng trong cuộc cờ thế kỉ giữa họ - Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch.




-----------------------------------------------------------
(1) Lễ mừng thọ cho người đã khuất, chữ “minh” ở đây có nghĩa là tối tăm, âm phủ...
(2) Viên Thế Khải  
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:31:52 am »

ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT QUỐC DÂN ĐẢNG
BỎ RƠI TƯỞNG GIỚI THẠCH


Ngày 16 tháng 1 năm 1924, khi Tưởng Giới Thạch trở lại Quảng Châu, trung tâm cách mạng của Trung Quốc lúc bấy giờ thật náo nhiệt và bận rộn. Cả thành phố rợp một màu cờ, dân Ngũ Dương vốn ham buôn bán nay cũng bàn tán chính trị, nào Quốc - Cộng hợp tác, nào Tôn Tổng lý triệu tập Quốc dân đảng Nhất toàn v.v... Quân lính súng ống nai nịt tuần tra đi lại khắp thành phố, thể như sục sôi một cao trào cứu nước cứu nhà, ngựa xe rộn rịp đưa đón người tứ xứ, giọng nam giọng bắc từ khắp nơi về dự Nhất toàn. Họ gồm 165 đại biểu trong nước và 31 hải ngoại, thế mà vẫn không tìm thấy ba chữ “Tưởng Giới Thạch”, có một đại biểu khu đặc biệt Hán Khẩu, trùng tên “Giới Thạch” nhưng lại là họ “Bành”. Những nhân vật trứ danh, bô lão của Quốc dân đảng như Liêu Trọng Khải, Đới Quý Đào, Vũ Hữu Nhậm v.v... những đại biểu của Đảng Cộng sản tham gia vào hợp tác như Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch, Mao Trạch Đông v.v... đều có mặt.

Ngày 24 tháng 11 năm 1894, lúc 28 tuổi, Tôn Trung Sơn đã nhóm họp hơn 20 Hoa kiều ở Mỹ thành lập một tổ chức phản Thanh gọi là Hưng Trung hội, thông qua điều lệ của hội do Tôn khởi thảo và tuyên thệ “chống ngoại xâm, khôi phục Trung Hoa, thành lập chính phủ đại chúng”. Từ khi Hưng Trung hội ra do đời, các nơi trong nước nhiệt liệt hưởng ứng tôn chỉ của hội và cũng nhóm thành nhiều đoàn thể phản Thanh. Ngày 20 tháng 8 năm 1905, tại Tokyo, Tôn Trung Sơn lại chủ trì đại hội thành lập Trung Quốc Đồng minh hội. Đồng minh hội là tổ chức liên hợp giữa Hưng Trung hội, Hoa Hưng hội, Quang Phục hội, do Tôn Trung Sơn làm Tổng lý. Ngày nay người ta quen gọi ngưòi đứng đầu chính phủ là “Tổng lý” (thủ tướng), nhưng lúc bấy giờ “Tổng lý” có nghĩa là thủ lĩnh một chính đảng. Tôn chỉ của Đồng minh hội rõ ràng hơn, “chống ngoại xâm, khôi phục Trung Hoa, xây dựng dân quốc, quyền lợi bình đẳng” và được khái quát thành chủ nghĩa tam dân (dân tộc, dân quyền, dân sinh).

Trung Quốc Đồng minh hội lãnh đạo khởi nghĩa Vũ Xương ngày 10 tháng 10 năm 1911, lật đổ vương triều nhà Thanh, kết thúc những thiên kỉ dằng dặc của chế độ phong kiến ở Trung Quốc. Theo lịch cũ Trung Hoa, đó là năm Tân Hợi và vì vậy cuộc cách mạng nói trên có tên gọi Cách mạng Tân Hợi. Ngày 1 tháng 1 năm 1912, lúc 46 tuổi, Tôn Trung Sơn đứng ra thành lập chính phủ lâm thời Trung Hoa dân quốc, tự mình đảm nhận chức vụ Tổng thống lâm thời, và đặt niên hiệu Trung Hoa dân quốc năm thứ nhất từ đó.

Ngày 25 tháng 8 năm 1919, Tôn Trung Sơn liên tục hợp nhất Đồng minh hội với nhiều tổ chức chính trị khác như đảng Cộng hoà thống nhất, Quốc dân cộng tiến hội, Quốc dân công đảng, Cộng hoà thực tiến hội thành Quốc dân đảng và ông đảm nhận chức vụ Lý sự trưởng (thủ lĩnh) của đảng này. Ngày 23 tháng 6 năm 1992 vừa qua, người ta đã xác nhận di tích lịch sử - nơi ra đời của Quốc dân đảng (Tôn Trung Sơn), ở Bắc Kinh. Quốc dân đảng do Tôn Trung Sơn sáng lập và đảng Cộng hoà Trung Quốc do Viên Thế Khải cầm đầu trở thành hai tổ chức chính trị đối kháng trong quốc hội lúc bấy giờ. Ngày 4 tháng 11 năm sau (1913) quả nhiên Viên Thế Khải ra lệnh giải tán Quốc dân đảng, Tôn Trung Sơn phải lưu vong sang Nhật Bản.

Ngày 8 tháng 7 năm 1914, tại Nhật Bản, Tôn Trung Sơn tuyên bố thành lập Trung Hoa Cách mạng đảng, thực chất là những phần tử cốt cán của Quốc dân đảng đang hoạt động bí mật nhằm bảo vệ thành quả của Cách mạng Tân Hợi. Ngày 10 tháng 10 năm 1919 (cũng là ngày song thập như 18 năm trước), Tôn Trung Sơn cải tổ Trung Hoa Cách mạng đảng thành Trung Quốc Quốc dân đảng (thêm hai chữ Trung Quốc đứng đầu để phân biệt với Quốc dân đảng năm 1912), ông làm Tổng lý và nêu cao tôn chỉ “củng cố cộng hoà, thực hiện chủ nghĩa tam dân”.
Con đường khúc khuỷu của chính đảng Tôn Trung Sơn là như vậy, từ 1894 với Hưng Trung hội cho đến nay Trung Quốc Quốc dân đảng 1919, ra đời trước đảng Cộng sản, nhưng đại hội lần thứ nhất lại chậm thua gần ba năm. Người ta dùng hai chữ “Trung Cộng” để gọi tắt Trung Quốc Cộng sản đảng, cách xưng hô này đã thành thói quen trong và ngoài đảng, về sau Tưởng Giới Thạch có sáng tác thêm một thuật ngữ là “Cộng đảng”, nhưng chỉ đơn phương sử dụng mà thôi. Theo cách gọi tắt như trên, Trung Quốc Quốc dân đảng sẽ là “Trung Quốc” hoặc “Trung Dân”, xem ra không ổn, nên trước sau vẫn là “Quốc dân đảng”.

Trở lại với nhân vật Tưởng Giới Thạch, người bị Nhất toàn lạnh lùng bỏ rơi, độc giả sẽ nhận thây những điều trắc ẩn của ông. Theo ông, “Quang Tự thứ 33, tôi gia nhập Đồng minh hội”, có nghĩa là năm 21 tuổi (tính cả tuổi mụ bà) Tưởng Giới Thạch đã là đảng viên Quõc dân đảng, không thể sánh vai với các bậc bô lão như Trần Kỳ Mỹ, Hồ Hán Dân, Liêu Trọng Khải v.v... nhưng với một thành viên 17 tuổi đảng như Tưởng Giới Thạch mà không được xếp vào danh sách đại biểu chính thức của Nhất toàn thì thật đáng suy nghĩ, ngay như trường hợp Hàng Hạnh Tề - đại biểu Triết Giang lâm bệnh vắng mặt, Tưởng Giới Thạch vẫn đứng ngoài dự thính, mặc dầu ông là người cùng tỉnh, tưởng sẽ thế chân. Tưởng Giới Thạch cố đoán mà vẫn không rõ Tôn Trung Sơn gọi ông về Quảng Châu để làm gì?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:34:49 am »

MAO TRẠCH ĐÔNG QUA NHẤT TOÀN TIẾN LÊN
TẦNG CAO CỦA QUỐC DÂN ĐẢNG


Trong khi đó, Mao Trạch Đông với số thẻ 39 nghiễm nhiên ngồi vào hàng ghế đại biểu chính thức của đại hội và nhiều lần lên diễn đàn phát biểu. Hôm ấy là ngày 20 tháng 1 năm 1924, tại hội trường trường Cao đẳng sư phạm Quảng Đông, Tôn Trung Sơn dõng dạc tuyên bố “Cách mạng đảng đã lật đổ triều đình Mãn Thanh, thành công đầu tiên là khởi nghĩa Vũ Xương, ngày hôm đó là song thập - mồng mười tháng mười, một ngày đáng ghi nhớ của chúng ta. 13 năm sau, để kỉ niệm khởi nghĩa Vũ Xương, hôm nay chúng ta mở đại hội lần thứ nhất của Quốc dân đảng, cũng lấy ngày “song thập” (20), tất cả đều có ý nghĩa lịch sử...”

Hội trường treo đảng kì của Quốc dân đảng - cờ “thanh thiên bạch nhật”, khi khai mạc, Tôn Trung Sơn cùng tất cả đại biểu đứng dậy hướng về đảng kì lạy ba lạy như thể nghi thức chào cờ ngày nay. Năm 1894, lúc Tôn Trung Sơn sáng lập Hưng Trung hội, một hội viên tên gọi Lục Hạo Đông đã thiết kế lá cờ này, màu xanh tượng trưng cho thanh niên, chính giữa là mặt trời trắng, toả tia sáng ra bốn phương. Ban đầu số tia sáng không quy định cụ thể, sau đó Tôn Trung Sơn đề nghị nên 12, vừa là 12 can chi, vừa là 12 thời khắc. Hoàng Hưng nhận thấy cờ chỉ có hai màu xanh trắng không đẹp, Tôn Trung Sơn đồng ý và thêm vào màu đỏ thành tên gọi “thanh thiên, bạch nhật, mãn địa hồng”. Ba màu xanh trắng đỏ còn tượng trưng cho tự do, bình đẳng, bác ái. Năm nhậm chức Tổng thống lâm thời Trung Hoa dân quốc, Tôn Trung Sơn quyết định lấy “thanh thiên, bạch nhật, mãn địa hồng” làm quốc kì, còn đảng kì chỉ có phần “trời xanh, vầng dương trắng” mà thôi.

Nơi “chôn rau cắt rốn” của Quốc dân đảng là Bắc Kinh, còn nay Quảng Châu - trung tâm cách mạng của Trung Quốc là địa điểm cử hành Nhất toàn bầu cơ quan lãnh đạo của đảng. Sau này trường Cao đẳng sư phạm hợp nhất với hai trường Chuyên nghiệp nông học, Chuyên nghiệp pháp luật và chính trị thành Đại học Trung Sơn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay, là nhân chứng của cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch.

Sáng ngày 30 tháng 1 năm ấy, Nhất toàn đã bầu cử được các uỷ viên chính thức và uỷ viên dự khuyết ban chấp hành trung ương của Quốc dân đảng, trong 24 uỷ viên chính thức có ba vị là đảng viên Trung Cộng (Đàm Bình Sơn, Lý Đại Chiêu, Vu Thụ Đức), và trong 17 uỷ viên dự khuyết có bảy vị là cộng sản (Mao Trạch Đông, Cù Thu Bạch, Trương Quốc Đào, Thẩm Định Nhất, Lâm Tổ Hàm, Vu Phương Châu, Hàn Lân Phù).

Chiều hôm ấy, từ hội trường Cao đẳng sư phạm Quảng Đông vang lên ba lần tiếng hô như sấm dậy “Trung Quốc Quốc dân đảng muôn năm”, hai nhân vật của cuốn sách này, người đại biểu chính thức và tiến vào tầng cao lãnh đạo, kẻ dự thính ngồi suy ngẫm sự đời chắc đều phải ba lần giơ tay và hưởng ứng “muôn năm, muôn năm” và “muôn năm”.

Mao Trạch Đông lên đường đi Thượng Hải, làm việc tại cơ quan ban chấp hành Quốc dân đảng ở đó. Còn Tưởng Giới Thạch? Theo phân công của Tôn Trung Sơn, làm trưởng ban trù bị thành lập trường sĩ quan lục quân, sau này thường gọi trường quân sự Hoàng Phố vì địa điểm của nó là đảo Hoàng Phố, Trường Châu trên sông Châu Giang, ngoại ô Quảng Châu.

Qua nhiều năm thất bại, Tôn Trung Sơn rút ra bài học: cần phải có trong tay một lực lượng quân đội mạnh và ông quyết định bắt đầu từ việc xây dựng trường đạo tạo sĩ quan. Cũng theo Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch từng du học quân sự ở Nhật Bản, là một tướng tài, ông chỉ muốn dựa vào Tưởng Giới Thạch trong lãnh vực vũ trang mà không đào tạo Tưởng Giới Thạch trở thành nhà hoạt động chính trị, cho nên trong Nhất toàn Tưởng Giới Thạch bị “bỏ rơi”, Tôn Trung Sơn hi vọng Tưởng sẽ chuyên tâm cho nhà trường. Tưởng Giới Thạch chưa hiểu hết ý nghĩa của vấn đề, ngày 21 tháng 2 ông đệ đơn từ chức trưởng ban và trở về Khê Khẩu.

Lúc này Mao Trạch Đông đã đến Thượng Hải, ông vừa làm việc cho Trung Cộng ở Cục Trung ương, vừa làm việc cho Quốc dân đảng ở cơ quan ban chấp hành. Hai ngôi sao trên chính trường Trung Quốc tạm thời cùng toạ lạc ở Quảng Châu khoảng hơn một tháng, nay kẻ nam ngưòi bắc, kẻ khóc người cười, song chưa có gì phải quan ngại, bởi vì họ đang đều là những quân cờ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:38:48 am »

VÀ ĐẾN LƯỢT MAO TRẠCH ĐÔNG SA CHÂN VÀO NGHỊCH CẢNH


Hai người xa nhau dễ phải hơn năm rưỡi, nay gặp lại. Tưởng Giới Thạch đã hoàn toàn khác xưa, binh quyền nắm chắc trong tay và nghiễm nhiên là tân quý tộc của Quốc dân đảng, còn Mao Trạch Đông - mệt mỏi, xanh xao và theo cách nói của ông, “Triệu Hằng Thích (1) đem quân đuổi bắt tôi, nên phải chạy về Quảng Châu”. Ở Thượng Hải, Mao Trạch Đông thường lui tới số nhà 44 trên đường Hoàn Long (nay là đường Nam Xương) thuộc tô giới của Pháp, đó là trụ sở cơ quan ban chấp hành Quốc dân đảng thành phố, ông đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm khoa văn thư của ban thư kí kiêm thư kí của ban tổ chức, thường ghi chép biên bản cho các hội nghị ban chấp hành. Còn bên Trung Cộng, Mao Trạch Đông cũng là thư kí, và đây là một chức nghiệp đem đến cho ông nhiều phiền toái. Đối với Quốc dân đảng, lí lịch của Mao chưa mấy nổi danh, trong con mắt các bô lão, ông chỉ là “thằng bé tóc còn để chỏm” và trước tiên bị Diệp Sở Thương bài xích. Diệp người Giang Tô, tuy chỉ lớn hơn Mao Trạch Đông năm tuổi, nhưng từ năm 1908 đã gia nhập Đồng Minh hội năm 1912 sáng lập tờ “Thái Bình Dương nhật báo”, năm 1916 làm tổng biên tập tờ “Dân quốc nhật báo”, sau Nhất toàn ông là uỷ viên trung ương Quốc dân đảng trực tiếp làm uỷ viên thường vụ thành uỷ Thượng Hải. Diệp luôn luôn gây khó khăn cho Mao, không chỉ vì Mao, một “thằng bé tóc còn để chỏm” sớm đã leo cao, hơn thế nữa, còn là đảng viên cộng sản, “phần tư liên đảng”. Diệp là người phản đối chủ trương “liên Nga, thân Cộng” của Tôn Trung Sơn, và hiển nhiên, nay dưới trướng của Diệp, Mao Trạch Đông chẳng khác gì một nàng dâu khổ sở. Ngày 17 tháng 11 năm 1924, trên đường công cán phía bắc, Tôn Trung Sơn ghé qua Thượng Hải, Mao Trạch Đông đã trình lên ông một bức thư gồm ba chữ kí của Uẩn Đại Anh, La Chương Long và Mao đều là nhân viên cơ quan thành uỷ, nội dung ghi rõ: “kinh phí từ tháng 8 đến nay chưa được cấp phát, nội bộ thiếu ngưòi chủ trì, công việc của thành uỷ bị đình trệ, nhân viên đã bốn tháng nay chưa nhận lương, khó khăn vô cùng, không sao nói hết, mong Tổng lý nhanh chóng cử chuyên viên tiến hành điều tra giải quyết”. Khi viết thư này để gửi cho Tôn Trung Sơn, quả tình gia cảnh của Mao Trạch Đông thật túng bấn, sáu tháng nay Dương Khai Tuệ và hai con Ngạn Anh, Ngạn Thanh từ quê đã bồng bế nhau lên Thượng Hải chung sống cùng Mao Trạch Đông mà cả nhà chưa có lấy một đồng lương.

Phía Trung Cộng, ban đầu Mao Trạch Đông làm việc thật xuất sắc, hầu như các văn bản của trung ương đều do ông khởi thảo và cùng kí tên với Trần Độc Tú. Sau đó không lâu, sự bất đồng giữa Tổng bí thư Trần Độc Tú và Mao Trạch Đông đã nảy sinh, cộng thêm tác phong “gia trưởng” của Trần, càng làm cho Mao khó ở. Nhà dột lại gặp mưa dai. Mao Trạch Đông năm canh suy nghĩ, mất ngủ, làm việc chểnh mảng, cuối cùng thì đổ bệnh.

Cũng như Tưởng Giới Thạch - người rất yêu mến quê hương bản quán, những khi thất sủng thường trở về nơi chôn rau cắt rốn ngỏ hầu đôi phần an ủi, Mao Trạch Đông nặng tình cố hương hàng xóm, ông đệ đơn “hồi hương dưỡng bệnh”, dắt vợ bồng con rời Thượng Hải đi Hồ Nam. Ngày 11 tháng 1 năm 1925, khi vắng Mao Trạch Đông, Trần Độc Tú triệu tập Tứ đại của Trung Cộng, tổ chức tại Thượng Hải, bầu lại ban chấp hành trung ương, vẫn do Trần chủ trì, còn Mao thì bị đẩy ra ngoài. Từ vị trí thứ hai sau Trần Độc Tú ở Tam đại, nay Mao Trạch Đông lại hoàn tay không.

Đời bỗng chốc mà lên voi, mà xuống chó, thật trớ trêu thay!



---------------------------------------------------------
(1) Triệu Hằng Thích - tỉnh trưởng Hồ Nam kiêm Tổng tư lệnh Tương quân - Tương: tên gọi tắt của tỉnh Hồ Nam - là bá vương của vùng này, đồng hương với Mao - ND.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:42:43 am »

TƯỞNG GIỚI THẠCH LÊN VOI
NHẬN CHỨC HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG QUÂN SỰ HOÀNG PHỐ


Như Mao Trạch Đông, Tưởng đã từ chức sau Nhất toàn trở về cố hương Khê Khẩu, sau đó không lâu, ngày 29 tháng 2 năm 1924, ông nhận được điện báo của Tôn Trung Sơn do thành uỷ Thượng Hải chuyển tới: “Trường sĩ quan giao huynh đảm nhiệm, cần bắt tay thực hiện kinh phí đã cấp, thầy trò từ bốn phương tụ tập đến cả trăm, chỉ còn chờ huynh chủ trì, không nên khiến nhiệt tình biến thành thất vọng, vả lại đang còn tại chức, đơn của huynh không được chấp thuận, đừng dứt áo ra đi một cách đường đột như vậy, mong kíp về, không chậm trễ”. Nhận bức điện này, Tưởng Giới Thạch vui như mở tấc lòng nhất là câu “chỉ còn chờ huynh chủ trì” rõ ràng Tôn Trung Sơn rất tôn trọng ta. Sau đó, Liêu Trọng Khải lại ba lần thúc giục, ngày 14 tháng 4, Tưởng khởi hành, sáng 21 bái kiến Tôn Trung Sơn, ngày 26 chính thức nhậm chức hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố với tuyên bố “hi sinh vì tôn chỉ duy nhất của đảng cách mạng” và hôm sau lên lớp ngay cho học viên, nội dung bài giảng “Như thế nào mới là đảng viên cách mạng chân chính?”

Ngày 2 tháng 5 năm 1924, Tôn Trung Sơn phong thêm chức cho Tưởng Giới Thạch, ngoài nhiệm vụ hiệu trưởng còn kiêm tham mưu trưởng bộ Tư lệnh Việt quân (1). Đó là một ngày lịch sử trong cuộc đời của Tưởng Giới Thạch, là cột mốc quan trọng trên hành trình chính trị của ông, bắt đầu nắm quân quyền, cũng có thể ban đầu Tưởng chưa hiểu hết ý nghĩa của hai chữ “hiệu trưởng” - quân hàm rất đặc biệt ấy. Sau này khi trở thành thủ lĩnh, Tổng thống, nhiều thuộc hạ vẫn cung kính “Tưởng hiệu trưởng”, vừa thân quý, vừa tôn vinh, họ nguyện làm học trò bé nhỏ suốt đời của ông. Làm hiệu truởng một trường quân sự, Tưởng Giới Thạch luôn luôn phải tỏ ra gương mẫu trước giáo viên và học sinh, mỗi sáng tinh mơ thức dậy theo hiệu lệnh, quân phục chỉnh tề, kỉ luật nghiêm minh, cứ ba ngày hai lượt lên lớp giảng bài, đêm hôm thị sát đến tận kí túc xá xem xét công việc học hành ra sao, tác phong quân sự của Tưởng Giới Thạch cũng hình thành từ đó.

Tôn Trung Sơn bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm hiệu trưởng và không quên cử thêm Liêu Trọng Khải - người đại diện của đảng đứng bên cạnh, chức danh này xưa nay chưa có trong quân đội, vừa mới quy định sau khi mô phỏng hình thức tổ chức của Hồng quân Liên Xô. Ngày 6 tháng 6 năm 1924, Hoàng Phố Trường Châu rực rỡ cờ hoa, lần đầu tiên xuất hiện biểu ngữ viết ngang nhưng từ phải sang trái với dòng chữ “Lễ khai giảng trường sĩ quan lục quân Quốc dân đảng Trung Quốc”, và trên thao trường huấn luyện vang lên khúc quân hành mà nội dung tràn ngập hào khí: “Đả đảo cường quyền, khử trừ quân phiệt, cách mạng quốc dân thành công, hát lên ta cùng hát lên”. Tôn Trung Sơn bước lên diễn đàn giữa tiếng vỗ tay và reo hò như sấm dậy của sĩ tướng, ông nói: “Hôm nay chúng ta khai giảng trường học này, với mục đích gì? Đó là, kể từ đây sáng tạo lại sự nghiệp cách mạng, lấy các học viên của trường làm gốc rễ để lập nên quân đội cách mạng”. Tôn Trung Sơn tiếp tục bài diễn thuyết với một giọng nói bi thống mà rằng: “Nguyên nhân làm cho cách mạng Trung Quốc chưa đi tới thành công là do chưa có một lực lượng vũ trang cách mạng của chính mình... Để hoàn thành sứ mạng mà lịch sử giao phó, tôi hạ quyết tâm cải tổ Quốc dân đảng và xây dựng quân đội cách mạng của chúng ta!”. Hôm ấy, Tưởng Giới Thạch nghiêm trang trong quân phục, mũ rộng vành, áo Trung Sơn bốn túi lắng nghe Tôn Tổng lý nhấn mạnh từng lời”.



----------------------------------------------------------
(1) Việt - tên gọi tắt của Quảng Đông - ND.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2014, 10:45:28 am »

MAO TRẠCH ĐÔNG DẪN VỢ CON TRỞ VỀ BẢN QUÁN


Tại Quảng Châu, Tưởng Giới Thạch hồng lên rực rỡ, thì trên đường về cố hương, Mao Trạch Đông cùng vợ con mới thật là thê lương ảm đạm. Thoạt đầu họ tạm trú ở Trường Sa với gia đình bên ngoại ăn Tết, sau đó mồng 6 tháng 2 năm 1925 (một ngày trước Nguyên tiêu) tiếp tục về Thiều Sơn.

Mao Trạch Đông sinh ở Thiều Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, “thiều” có nghĩa là đẹp, “thiều sơn” vì vậy mà hiểu là núi non mĩ lệ. Theo gia phả họ Mao, Mao Trạch Đông có nguyên quán ở huyện Long Thành, phủ Cát Châu, tỉnh Giang Tây (nay là huyện Cát Thuỷ). Cuối đời Nguyên, tổ tiên của Mao Trạch Đông là Mao Thái Hoa tham gia quân khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương cầm đầu. Chu Nguyên Chương chiến thắng, lên làm hoàng đế Triều Minh, bèn ban thưởng cho sĩ tướng ruộng đất khắp nơi, Mao Thái Hoa nhận đất đai ở huyện Tương Hương, Hồ Nam và dòng họ Mao di chuyển về đây, sau đó chính thức lập nghiệp ở Thiều Sơn Tương Đàm. Đời thứ 18 sau Mao Thái Hoa là Mao Ân Trước - ông nội của Mao Trạch Đông, chỉ sinh được một người con trai, chính là thân phụ của Mao - tên gọi Mao Di Xương.
Tưởng Giới Thạch xuất thân tại một hiệu bán muối, lớn lên là quân nhân, khí chất ít nhiều mang màu sắc thương gia, còn Mao Trạch Đông tổ tiên nông dân, bản thân ông tuy thuộc làu văn, sử, là thi nhân nhưng có sắc thái nhà nông.

Mao Trạch Đông mở trường học ban đêm cho dân cày, Dương Khai Tuệ vợ Mao cũng làm giáo viên ở đó, và đêm đêm thầy trò ê a những bài khai trí “Trường Giang dài, Hoàng Hà vàng, phát nguyên từ núi Côn Lôn, đều chảy ra Thái Bình Dương”. Thầy Mao và cô Dương không dạy họ học “Tam tự kinh”, “Bách gia tính” mà chủ yếu là “Tân học”, ví như dạy đến chữ “dương” ông ghép thành các từ “dương du” (dầu mỏ), “dương nhân” (người phương Tây), rồi bắt sang “cường quyền” (ngoại bang tàn bạo) và cuối cùng là “đả đảo” (đánh đổ cường quyền) v.v... Còn cô Dương lại dạy hát: “Hạt kim hoa, nở hồng hoa, nở khắp nhà người nghèo, thế giới thật là đẹp. Hôm nay trông, ngày mai chờ, chờ ông trời nở vầng dương, vầng dương toả bốn phương, ai ai cũng vui vẻ”.

Mao Trạch Đông về quê ở ẩn, gõ đầu trẻ nhưng chứng suy nhược thần kinh vẫn không thuyên giảm. Tại Thiều Sơn, ông lập ra “Tuyết Sỉ hội” làm kinh động thổ hào ác bá một vùng, và đến tai Triệu Hằng Thích. Dân Hồ Nam gọi Triệu là Nam Bá Thiên, khi Tôn Trung Sơn trúng cử Tổng thống, y lấy danh nghĩa toàn thể tướng lĩnh Tương quân lên tiếng phản đối và do đó lần này không thể tha thứ cho Mao Trạch Đông mà theo y là thuộc hạ của Tôn Trung Sơn. Tình thế quẫn bách, Mao phải xa vợ con, xa quê hương bản quán ra đi, đi về đâu, thôi chỉ còn Quảng Châu - trung tâm của cách mạng. Mao vừa ra đi thì quân của Triệu ập tới, Dương Khai Tuệ phải bồng con lánh nạn chờ chồng, hơn hai tháng trôi qua Mao Trạch Đông vẫn chưa về, bà đành quay lại Trường Sa tá túc với cha mẹ đẻ.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM