Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:36:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nơi gặp gỡ CCB Mặt trận 479 – Quân tình nguyện VN ở Campuchia  (Đọc 222867 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Nam Huy
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #190 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2014, 10:20:04 pm »

   DinhLongGiang bạn của tôi ơi!
   Sướng khổ do ta cảm nhận đời
   Còn sống còn vui, còn xả láng
   Túi thơ, bầu rươu, bóng hồng...chơi.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tư, 2014, 07:51:47 am gửi bởi Nam Huy » Logged
Nam Huy
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #191 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2014, 10:58:25 pm »

  Có lần tôi đến thăm Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Phan Thị Phi Phi. Phòng khách của bà trưng bày khá nhiều vật lưu niệm. Tôi đặc biệt chú ý đến bài thơ viết bằng chữ Hán được lồng khung kính treo trang trọng giữa phòng. Tôi hỏi Giáo sư hiện vật quý đó. Bà cho biết bài thơ ấy do một Giáo sư ở Trường Đại học Huế viết tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của bà. Đó lả một bài thơ thiền của Vạn Hạnh thiền sư. Từ đó, tôi thường hay ngẫm ngợi bài thơ này và cảm thấy vô cùng tuyệt vời. Rất tiếc là tôi chưa biết đánh máy chữ Hán, nên cứ phiên âm ra từ Hán Việt và tạm dịch để anh em ta cùng thưởng thức. Nếu có sơ sót xin được các đồng đội và các bậc cao minh chỉ giáo. Nội dung bài thơ như sau:
    Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
     Vạn mộc xuân vinh thu hậu khô
     Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
     Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
               (Vạn Hạnh thiền sư).
  NH tôi xin bạo gan tạm dịch như sau:
  Đời người giống như ánh chớp, có rồi không
  Muôn cây lá mùa xuân tốt tươi, sau thu khô héo
  Gặp hên đừng khoe, gặp sui đừng sợ
  Thịnh suy như giọt sương đầu ngọn cỏ mà thôi.
 
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tư, 2014, 09:54:30 am gửi bởi Nam Huy » Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #192 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2014, 07:06:28 am »

Thưa các CCB MT 479! NH tôi xin lần lượt đưa lên diễn đàn một số ý kiến phát biểu tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập MT 479 được tổ chức ngày 6/4/2014 tại Hội trường Bộ Tư lệnh Thủ Đô.
 1. PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN ĐẮC VÂN:
  Kính thưa các quý vị đại biểu và các đồng chí,
   Tôi nguyên là sĩ quan tác chiến, Ban Tham mưu Trung đoàn 812, Sư đoàn 309. Trước khi bị thương,từ tháng 01/1979 - 02/1985, tôi cùng Ban Tham mưu Trung đoàn đã tham mưu cho Ban Chỉ huy Trung đoàn 812 chỉ huy đơn vị chiến đấu truy quét bọn tàn quân Pôn Pốt trên dọc tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan từ Tà Xanh, Săm lốp đến Pai Lin, Côn Riêng, Ô Đa, tổ chức nhiều trận đánh quy mô cấp trung đoàn và phối hợp chiến đấu cấp sư đoàn, giành nhiều thắng lợi, tiêu hao nhiều sinh lực địch, đập tan mọi thủ doạn của địch đưa lực lượng vào nội địa để chống phá cách mạng, đặc biệt là trận đánh cấp trung đoàn tăng cường ở cao điểm 544, phía Tây Bắc Côn Riêng, tỉnh Bát Tam Băng. Đây là trận đánh mở màn chiến dịch K85 của ta và bạn phối hợp trên toàn tuyến biên giới CPC - Thái Lan. Trong trận chiến đấu gay go và ác liệt đó, tôi được Ban Chỉ huy Trung đoàn 812, Sư đoàn 309 giao nhiệm vụ tăng cường xuống Tiểu đoàn BB1 truy quét địch co cụm ở chân cao điểm 271 phía Tây Nam Côn Riêng. Trên đường tiến công truy quét địch co cụm, tôi và một số cán bộ, chiến sĩ dBB1 vấp phải mìn dày đặc của địch. Tôi bị thương trong trận đó, vào ngày 28/02/1985. Vậy là, tôi vĩnh viễn để lại một bên chân trên nước bạn Campuchia. Và điều đặc biệt với tôi là vĩnh viễn không còn được cùng Ban Tham mưu Trung đoàn 812 chỉ huy đơn vị trong các trận chiến đấu tiếp theo đến ngày hoàn thành nhiệm vụ rút quân tình nguyện Việt Nam về nước
  Sau khi bị thương, tôi được điều trị ở Quân y viện 7A và 7E / Quân khu 7, rồi về Đoàn an dưỡng 646 ở Củ Chi, đến năm 1988 mới ổn định vết thương và chuyển về miền Bắc. Với tỉ lệ thương tật 81%, tôi được nuôi dưỡng tại trại vĩnh viễn.Tuy nhiên, lúc bấy giờ hoàn cảnh gia đình tôi gặp muôn vàn khó khăn. Vợ tôi là công nhân viên chức nhà nước, nhà ở không có, phải ở nhà tập thể, 3 con còn nhỏ, trợ cấp thương tật hàng tháng quá thấp; hơn nữa lúc đó Nhà nước xóa bỏ chế độ bao cấp, có lúc 3,4 tháng vợ tôi không có lương. Trước hoàn cảnh đó, tôi làm đơn tự nguyện về nuôi dưỡng tại gia đình mặc dù thương tật trên mình quá nặng, sức khỏe quá yếu, đi lại rất khó khăn.
  Với ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, tôi đã cùng vợ con chăn nuôi lợn gà để tăng thu nhập, ổn định đời sống. Đến năm 1992, tôi được địa phương cấp đất ở, tôi vay mượn thêm làm được ngôi nhà cấp 4 và mua sắm được những đồ dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống gia đình. Đầu năm 2001, tôi mạnh dạn tham gia đấu thầu một đầm chăn thả cá khoảng hơn 10 ha mặt nước. Khi trúng thầu, tôi đã huy động vốn và vay mượn, thế chấp nhà ở để vay vốn Ngân hàng, đầu tư mua sắm máy móc, lều lán và các phương tiện đánh cá, ước tính khoảng 400 - 500 triệu đồng. Từ năm  2001 đến nay,mỗi năm tôi thu hoạch 2 - 3 lứa cá, mỗi lứa từ 15 - 20 tấn cá các loại; ngoài ra còn chăn nuôi vịt, gà, mỗi năm thu hoạch hơn 10 tấn thịt thịt gà, vịt bán ra thị trường; giao nộp sản phẩm cho địa phương hàng năm gần 100 triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và hàng trăm ngày công thời vụ thu hoạch cá; đảm bảo cho người lao động thường xuyên có mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng / tháng. Đến nay kinh tế gia đình tôi đã ổn định và ngày một phát triển. Các con tôi đều học hết cao đẳng, đại học, có công ăn việc làm ổn định, đều là công chức, viên chức nhà nước, có một cháu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vợ tôi đã nghỉ hưu.
  Có dược kết quả như ngày hôm nay, trước hết là nhờ sự giáo dục của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của lãnh đạo Trung đoàn 812, Sư đoàn 309 nói riêng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện của bản thân luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", vượt lên thương tật, vượt lên đói nghèo, tích cực chủ động sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, thực hiện kỳ vọng lớn lao của Đảng là: "Dân giàu, nước mạnh,dân chủ, công bằng, văn minh"
   Kính chúc quý vị đại biểu và các đồng chí  cựu quân tình nguyện Mặt trân 479 mạnh khỏe, an khang, thành đạt.
   Chúc buổi gặp mặt thành công tốt đẹp!
  
   Ghi chú: Đồng chí Trần Đắc Vân, sinh năm 1954, nhập ngũ tháng 2/1975, thương binh 81%; hiện ở xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội;Đt 01665600914

 Đây là hình ảnh của đ/c Trần đắc Vân trong ngày gặp mặt 35 năm MT479...



Đ/c Lê Cường Chủ tịch và Trần đức Vân  đ/c Bùi trung Bình f302 ( ủy viên BCH ) áo trắng

Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #193 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2014, 07:30:35 am »

 2. PHÁT BIỂU CỦA TRUNG TÁ SENG SOMETH
  Kính thưa các quý vị đại biểu,
  Tôi là Trung tá Seng Someth, Trưởng khoa Y, Học viện Quân y Quân đội Hoàng gia Campuchia, hiện đang là Nghiên cứu sinh và là Trưởng đoàn Lưu học viên quân sự Campuchia đang học tập tại Học viện Quân y, Quân đội nhân dân Việt Nam.
  Là thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập, nhưng qua những trang sử, những dấu tích tàn bạo của Khơ me đỏ để lại, qua những lời kể của các thế hệ cha anh đi trước, chúng tôi đã thấu hiểu được tội ác mà Khơ me đỏ đã gây ra với chính dân tộc mình và càng hiểu hơn giá trị của cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc hôm nay.
  Dưới thời Khơ me đỏ, toàn bộ nhân dân sống như dưới địa ngục trần gian, cuộc sống rất cực khổ và sợ hãi, không biết bản thân mình sẽ phải chết lúc nào. Tất cả gia đình người dân Campuchia đều bị mất đi thành viên trong gia đình. Có những gia đình không còn ai sống sót. Những người trí thức bị chúng giết hết vì bị vu khống là phản bội. Gia đình tôi cũng phải chịu chung cảnh đó. Ông bà nội, 4 chú ruột và cả gia đình cô ruột tôi cùng với người chồng và 5 người con đều bị Khơ me đỏ sát hại dã man. Nỗi đau đó chúng tôi không bao giờ quên được.
  Trong 3 năm, 8 tháng, 20 ngày, đã có hơn 3 triệu người dân Campuchia bị giết hại một cách man rợ. Khắp nơi đầy rẫy những hố chôn người tập thể. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội bị tàn phá hoàn toàn. Một chế độ xã hội không bệnh viện, không chợ búa, tôn giáo, trường học trở thành nơi chứa tù nhân như Toul Sleng, Beng Chongak...Người dân phải làm việc cực khổ nhưng chỉ được ăn cháo loãng, ốm đau không có thuốc men, không được chăm sóc, không biết sống chết lúc nào dưới những lưỡi búa, rìu của bọn Khơ me đỏ. Sự tàn bạo đó không có ngòi bút nào diễn tả hết được. Có lẽ ở trên thế giới này không có nơi nào như vậy.
  35 năm trôi qua, kể từ ngày Thủ đô Phnom Pênh được hoàn toàn giải phóng, nhân dân Campuchia đã thoát khỏi thảm họa diệt chủng, nhưng những hồi ức về lịch sử chúng tôi không bao giờ quên đối với dân tộc Campuchia.
  Nhờ cuộc nỗi dậy của Lực lượng vũ trang nhân dân yêu nước, dẫn đầu là Mặt trận đoàn kết cữu nước Campuchia, cùng với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam. Ngày 7/1/1979 là một dấu mốc hết sức quan trọng, đã đưa đất nước và nhân dân Campuchia chúng tôi thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn ác, đất nước Campuchia được giải phóng và giành lại độc lập.
  Được sự giúp đỡ kịp thời và nhiệt tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam, trong đó có sự giúp đỡ trực tiếp của các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam trên khắp đất nước Campuchia, kể cả trong công cuộc giải phóng cũng như bảo vệ và xây dựng lại đất nước, Chính phủ và nhân dân Campuchia chúng tôi đã cùng nhau xây dựng lại đất nước bắt đầu từ con số "Không". Đất nước Campuchia chúng tôi đã bắt đầu hồi sinh và từng bước phát triển vững chắc như ngày nay.
  Kính thưa các quý vị đại biểu,
  Việt Nam và Campuchia là hai nước cùng uống chung dòng sông Mê Kông, có mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống rất lâu đời. Hai dân tộc chúng ta luôn kề vai sát cánh bên nhau trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử đã chứng minh rằng: Chúng ta đã đoàn kết đấu tranh chống lại kẻ thù chung cũng chỉ vì độc lập tự do, cũng chỉ vì dân giàu nước mạnh, xã hội phồn vinh. Những người trong hoàn cảnh như nhau mới giúp đỡ nhau, yêu thương nhau thật sự. Đất nước Campuchia nói chung, nhân dân Campuchia nói riêng, luôn ghi nhớ mãi mãi trong trái tim mình sự hy sinh cao cả của Bộ đội tình nguyện Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khơ me đỏ.
  Tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia từ lâu đã trở thành tài sản vô giá, là tình cảm thiêng liêng của hai dân tộc, không chỉ đối với thế hệ hôm nay mà đối với cả thế hệ mai sau. Tài sản vô giá đó đã được xây đắp bằng biết bao công sức và xương máu của hàng vạn người Việt Nam Và Campuchia thuộc nhiều thế hệ. Chính vì vậy hơn lúc nào hết, chúng tôi rất mong muốn Việt Nam và Campuchia nói chung, nhất là thế hệ trẻ của hai nước cần phải hết sức trân trọng, giữ gìn và vun đắp cho quan hệ hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ theo phương châm mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã định hướng là: "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống,hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".
  Trong bầu không khí đoàn kết gắn bó hữu nghị, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Mặt trận 479 Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và đặc biệt là Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh tính mạng, không ngại khó khăn gian khổ, để giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và xây dựng lại đất nước có được như ngày hôm nay.
  Thay mặt cho toàn thể Lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Việt Nam, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đến các học viện, nhà trường, cùng toàn thể các thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm quan tâm giúp đỡ, truyền đạt kiến thức cho chúng tôi để trở thành những người chủ tương lai của đất nước.
  Chúng tôi xin hứa sẽ phát huy tốt truyền thống vẻ vang của bao thế hệ người Việt Nam và Campuchia đã dày công vun đắp; tiếp tục phấn đấu học tập và rèn luyện thật tốt để xây dựng đất nước Chùa Tháp ngày càng tươi đẹp.
  Cuối cùng, xin được kính chúc các quý vị đại biểu cùng toàn thể Cựu quân tình nguyện Việt Nam, các bạn lưu học sinh Campuchia luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.
  Chúng tôi luôn ghi nhớ mãi hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ anh hùng trong lòng người dân Campuchia.
  Chúc tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước Campuchia - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
  Tôi xin trân trọng cảm ơn  

 Đ/c thiếu tá Seng Someth . Đây là bài phát biểu hay có tình nghĩa, có trình độ chính trị có tố chất người lính từ giong nói tiếng việt tới nội dung...



 Thiếu tá Seng... đứng cạnh cô hoc viên QS và sau Nguyên Tổng Bí thư

Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #194 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2014, 07:43:46 am »

  3, PHÁT BIỂU CỦA BÀ PHEN SA VNY, THAM TÁN ĐẠI SỨ QUÁN VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA TẠI VIỆT NAM
   Kính thưa quý Ngài các ông, các bà và toàn thể mọi người,
   Hôm nay tôi rất vinh dự và tự hào được thay mặt cho Đại sứ Hun Phany phát biểu tại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Mặt trận 479 Quân tình nguyện Việt Nam (14/4/1979-14/4/2014) do Hội Hữu nghị VN-CPC Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội tổ chức.
   Kính thưa tất cả quý vị,
   Sau khi Vương quốc Campuchia giành được độc lập, Campuchia đã trải qua sự thay đổi về chính trị và xã hội trong rất nhiều giain đoạn. Sau khi đấu tranh giành quyền độc lập từ thực dân Pháp, tiếp đến giành độc lập năm 1953, cựu Quốc vương Norodom Shihanouk đã lãnh đạo chiến dịch toàn quốc để phát triển Campuchia trên mọi phương diện. Sự cố gắng của cựu Quốc vương  trong thời kỳ chế độ xã hội dân chủ từ năm 1953 - 1970 là khoảng thời gian nhân dân được sống trong yên bình cùng với sự phát triển to lớn về kinh tế xã hội. Nhưng thật không may, Vương quốc Campuchia bị rơi vào cuộcc chiến tranh lạnh do xẩy ra đảo chính nhằm lật đổ Quốc vương Norodom Shihanouk vào ngày 18/3/1970. Sau 3 thập kỷ Campuchia trải qua chiến tranh tàn khốc trong thời kỳ Cộng hòa do Lon Nol đứng đầu, đặc biệt là chế độ Campuchia dân chủ dưới sự lãnh đạo của người cầm đầu Khmer đỏ Pôn Pốt, Iêng Sary là chế độ diệt chủng tàn bạo nhất đã giết hại hàng triệu người dân Campuchia lương thiện, phá hủy các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực Campuchia.
   Ngày 7/1/1979 là ngày đánh dấu sự kiện lịch sử và là ngày sinh thứ hai trong đời người dân Campuchia, là ngày đánh dấu sự hồi sinh, thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt nhờ có sự giúp đỡ quý báu của Quân tình nguyện Việt Nam, theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết giải phóng dân tộc Campuchia dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Samdech Heng Somrin, Samdech Chea Sim, Samdech Hun Sen đã cùng nhau giải phóng đất nước, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ tàn bạo hung hãn đó. Chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhớ mãi và không bao giờ quên sự kiện lịch sử này. Hơn nữa chúng ta được tận mắt chứng kiến và ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh thân mình trong vai trò là người bạn lớn từng sát cánh bên nhau chiến đấu giành thống nhất từ chủ nghĩa thực dân.
   Sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam lúc đó là sự giúp đỡ kịp thời, ví như người đã khai sinh lần thứ hai, nhân dân Campuchia được tiếp tục sinh sống và lại thấy hào quang ánh sáng và hạnh phúc. Đặc biệt là những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục giúp đỡ xây dựng lại đất nước nâng cao đời sống của người dân Campuchia từ hai bàn tay trắng vì tất cả đã bị chế độ Khmer đỏ tàn phá, mặt khác còn giúp giữ gìn những thành quả từ năm 1979-1989 không để chế độ Khmer đỏ quay lại nữa.
   Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới Mặt trận 479 đã được thành lập nên từ những người chú, người anh, những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã giải phóng nhân dân Campuchia bên bờ vực tử thần. Sự hy sinh thân mình của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam xả thân cứu giúp người dân Campuchia thời kỳ đó là minh chứng quý giá nhất trong vai trò là láng giềng tốt đẹp, không khoanh tay đứng nhìn người dân Campuchia chịu khổ cực.
   Hàng năm, Chính phủ Campuchia luôn quan tâm và đưa tin trên báo chí, tổ chức các buổi lễ mít tinh để kỷ niệm chiến thắng ngày 7/1 này. Ngày 5/1/2014 vừa qua, Samdech Heng Somrin, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Campuchia đã đến dự lễ mít tinh tổ chức tai Hà Nội.
   Trên tinh thần quan hệ đặc biệt giữa Campuchia và Việt Nam, Đại sứ quán có vai trò đại diện cho Chính phủ trong việc hoàn thành sứ mệnh thúc đẩy hợp tác hai nước ngày một phát triển và bền vững. Đại sứ quán cũng có vai trò quản lý, giáo dục sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam, những người được hiểu biết và hành động cụ thể để tăng cường hợp tác hai nước trên tất cả các phương diện.
   Đất nước Campuchia - Việt Nam có mối quan hệ truyền thống từ rất lâu đời và là hai nước láng giềng tốt. Mối quan hệ này được xây dựng và gìn giữ từ cựu Quốc vương Norodom Shihanouk cùng với cựu lãnh đạo Việt Nam từ năm 1967. Mối quan hệ này ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các phương diện thông qua các chuyến thăm và làm việc ở tất cả các cấp. Điển hình như chuyến thăm Việt Nam năm 2010 của cựu Quốc vương Norodom Shihanouk, chuyến thăm Campuchia năm 2005 của Ngài Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, chuyến thăm của Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2011, chuyến đi của Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đén Campuchia vào ngày hỏa táng cựu Quốc vương Norodom Shihanouk đầu tháng 2/2013 vừa qua.
   Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 26-27/12/2013, Ngài Thủ tướng Campuchia, Samdech Hun Xen đã nhấn mạnh về chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979 trong buổi gặp gỡ hơn 500 cựu quân tình nguyện Việt Nam tai TP Hà Nội. Từ ngày 4-5/1/2014, Ngài Samdech Heng Somrin đã thăm chính thức Việt Nam và dự lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm chiến thắng ngày 7/1. Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị lần thứ 4 về thúc đẩy đầu tư Việt Nam ở Campuchia, dự lễ khánh thành Bệnh viện Chợ Rẫy và lễ khởi công xây dựng cầu Long Bình từ ngày 11-12/1/2014 và Ngài Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự cuộc họp Ủy ban hỗn hợp hợp tác song phương Campuchia - Việt Nam lần thứ 13.
   Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thanh lập Mặt trận 479 Quân tình nguyên Việt Nam, Đảng Nhân dân Campuchia, Chính phủ Campuchia dưới sự lãnh đạo của Samdech Heng Somrin, Samdech Chea Sim, Samdech Hun Sen cùng với cá nhân tôi luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn không gì có thể sánh được về sự anh hùng dũng cảm của Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trước khi giải phóng Campuchia, tôi không có hy vọng ai đó có thể cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng đen tối.
   Tôi xin đánh giá cao rằng, nếu không có chiến thắng ngày 7/1 thì nhân dân Campuchia sẽ tiếp tục bị chém giết nhiều hơn nữa và cũng sẽ không có thành quả đang ngày một phát triển như hiện nay.
   Nhân dịp này cho phép tôi được tưởng nhớ những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì giúp nhân dân Campuchia.
   Nhân dịp Tết cổ truyền Khmer, tôi xin kính chúc lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em lời chúc sức khỏe, đạt được nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quộc.
   Chúc cho mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị Campuchia - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
   Xin cảm ơn!

 Bà Phen sa Vny Tham tán ....



Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #195 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2014, 08:54:27 am »

 Trong buổi gặp gỡ giao lưu kỷ niệm 35 năm ngày thành lập MT479 khu vực HN ngày 6.4 vừa qua, CCB Mặt trận 479 rất vinh dự được đón tiếp TBT Lê Khả Phiêu cũng tới tham dự và có bài phát biểu khá dài. Tôi thích nhất phần cuối của bài phát biểu này, TBT nói lên quan điểm của Đảng và nhà nước VN chúng ta trước tình hình mới, sự kiên quyết về mặt chính trị và ngoại giao để gìn giữ biển đảo của VN chúng ta. TBT Lê Khả Phiêu, ông đúng là một nhà lãnh đạo đi lên từ người lính.

 

 Thứ hai là bài phát biểu của anh Lê Cường nguyên Chủ tịch hội CCB MT479 khu vực HN (người đứng ngoài cùng bên phải), đã thay mặt CCB MT479 nói lên tâm tư, nguyện vọng của người lính sau cuộc chiến.

 

 

 Thật là vui trong buổi gặp gỡ họp mặt giữa những người lính từng một thời xông pha trên mặt trận K năm xưa. Rất vô tình tôi gặp lại người lính đàn anh đồng đội cũ trong QD4, anh Thành nguyên Chủ nhiệm nhà văn hóa cục chính trị QD4.

 
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Nam Huy
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #196 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2014, 09:50:01 am »

  Anh Zin Ba Cầu ơi? Trung tá Seng Someth chứ không phải là Thiếu tá đâu nhé!
Logged
Nam Huy
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #197 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2014, 12:35:29 am »

k"

  4,  PHÁT BIỂU KHAI MẠC CUỘC GẶP MẶT CỦA ĐẠI TÁ LÊ CƯỜNG, CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VN - CPC CỰU QUÂN TÌNH NGUYỆN MẶT TRẬN 479 KHU VỰC HÀ NỘI
       Kính thưa Thủ trưởng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
       Kinh thưa đồng chí Vũ Mão, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia,
       Kính thưa bà Phen Sa Vny, Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam,
       Kính thưa các mẹ liệt sĩ,
       Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quốc tế,
       Thưa các đồng chí và các bạn,
       Niềm mong ước bấy lâu của các cựu chiến binh Mặt trận 479 đã trở thành hiện thực. Cuộc gặp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Mặt trận 479 Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã được tiến hành đúng kế hoạch,trong không khí thấm đẫm tính nhân văn, ấm áp tình đồng đội, sâu nặng nghĩa đồng bào, chan hòa tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Thật đúng là: "Đến bây giò mới thấy đây / Mà lòng đã chắc những ngày một hai".
       Cho phép tôi thay mặt Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và niềm vinh dự lớn lao được đón nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các mẹ liệt sĩ, các quý vị đại biểu,các bạn Campuchia và toàn thể các đồng chí đã đến dự cuộc trùng phùng hội ngộ đầy ý nghĩa này.
       Thưa các đồng chí,
        Nhớ lại những năm 70 của thế kỷ XX...
        Không ai có thể ngờ được rằng, chỉ 3 ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bè lũ Pôn Pốt đã xua quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc, rồi đánh chiếm đảo Thổ Chu của Việt Nam, giết hại dã man hàng trăm người dân vô tội. Sau đó, chúng phát động chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến, gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng người dân Việt Nam dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Một sự phản bội trắng trợn, một cuồng vọng điên rồ, một tội ác ghê tởm được thực hiện bởi những cái đầu mê muội chủ nghĩa dân tộc cực đoan, theo đúng ý đồ nham hiểm của các thế lực phản động quốc tế.
       Trớ trêu hơn nữa, Khơme Đỏ đã tiến hành cuộc diêt chủng khủng khiếp đối với người dân Campuchia, biến đất nước Chùa Tháp tươi đẹp thành xứ sở "5 không": không trường học, không bệnh viện, không chùa chiền, không tiền, không chợ.
       Trong cảnh nước sôi lửa bỏng đó, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia đã mở cuộc phản công và tổng tiến công đập tan chế độ diệt chủng tàn bạo vào ngày 7/1/1979.
       Tuy nhiên , tình thế lúc bấy giờ chưa cho phép Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước. Phải cùng Bạn tiếp tục chiến đấu để loại bỏ nguy cơ phục hồi chế độ diệt chủng. Phải ở lại giúp Bạn xây dựng lại đất nước từ con số "không",từ những "cánh đồng chết". Đó là nguyện vọng của nhân dân Campuchia, là tiếng gọi của lương tri, là mệnh lệnh của cuộc sống. Vậy là, chẳng những chúng ta buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc mà còn buộc phải ở lại Campuchia tiếp tục cùng Bạn chiến đấu vì sự hồi sinh của dân tộc Campuchia và cũng vì: "Giúp bạn là tự giúp mình".
      Trong bối cảnh đó, ngày 14/4/1979, Mặt trận 479 Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia được thành lập với lực lượng gồm 4 sư đoàn bộ binh, 2 đoàn chuyên gia quân sự, 5 trung đoàn binh chủng, 3 trung đoàn biên phòng, 6 trung đoàn bộ binh trực thuộc và 4 cơ quan Bộ Tư lệnh.
       Hơn 10 năm đảm nhiệm trên hướng chiến lược trọng yếu, đương đầu với đủ loại phản động: Khơme Đỏ, Srayca, Moulinica, vượt qua muôn vàn gian lao thử thách, Mặt trận 479 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
       Cùng với LLVT Bạn, Mặt trận đã đánh hơn 16 nghìn trận lớn nhỏ, loai khỏi vòng chiến đấu gần 10 vạn tên địch, thu hơn 43 nghìn súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đồng thời, Mặt trận đã giúp Bạn xây dựng thực lực cách mạng ở hai tỉnh Xiêm Riệp và Bat Tam Băng  ngày càng phát triển, có khả năng quản lý xã hội, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững thành quả cách mạng, trở thành lực lực lượng nòng cốt xây dưng và bảo vệ đất nước Campuchia.
       Hơn 10 năm liên minh chiến đấu với Bạn, đã có 3 sư doàn, 5 trung đoàn, 13 tiểu đoàn, 5 đại đội, 5 cán bộ, chiến si được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Mặt trận được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước ta và Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương và các phần thưởng cao quý khác.
       Hơn 10 năm ấy, đã có 9.419 cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 479 đã hy sinh, 17.586 đồng chí đã gửi lại một phần xương máu trên đất Bạn. Nhiều đồng chí hiện nay còn mang trong mình thương tích và bệnh tật bởi di chứng chiến tranh.
      Hôm nay đây, trong giờ phút sum họp đoàn viên này, chúng ta vô cùng xúc động tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, những người lính tình nguyện, những người đồng đội thân yêu của chúng ta đã đem cái chết để gieo mầm cho sự sống, tạc vào lịch sử bức phù điêu sừng sững về nghĩa cử sáng ngời, về tinh thần quốc tế vô song của người dân đất Việt; và họ đã hóa thành bất tử cùng non sông, đất nước.
      Xin ngàn lần biết ơn Người Mẹ Việt Nam giàu lòng nhân ái và đức hy sinh đã sinh thành, giáo dưỡng những đứa con trung hiếu vẹn tròn, biết xả thân vì đại nghĩa, làm rạng rỡ truyền thống  Quân đội nhân dân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
      Xin chân thành cảm ơn nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã kề vai sát cánh với các chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung trong những năm tháng đầy cam go, nghiệt ngã.
       Những người lính tình nguyện Mặt trận 479 có thể nào quên Tà Xanh, Xăm Lốp, Pai Lin, Cao Mê Lai, Poi Pet, Si So Phon, Đăng Cum, Am Pin, Sam Rong, A Long Veng, Chong Can, Cra Lanh, Va Rin, Pourk, Phnom Culen...Có thể nào quên Biển Hồ kỳ thú, Angco Thom, Angco Vat trầm mặc, uy nghi, điệu múa Apsara duyên dáng, bài hát Oposato vui nhộn, những ánh mắt và lời chào: "Việt Nam - Campuchia samaki"...
       Giờ đây, tất cả đã trở thành hoài niệm, trở thành nỗi nhớ không nguôi đối với những người là chứng nhân lịch sử,đã góp phần làm nên lịch sử và mỗi người đều chứa một phần lịch sử - lịch sử chiến tranh cách mạng, lịch sử liên minh chiến đấu Việt Nam - Campuchia.
       Vì lẽ đó, từ năm 1995, các cựu chiến binh Mặt trận 479 khu vực Hà Nội dã được tập hợp lại và thành lập Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận 479. Và từ đó, cứ mỗi độ tháng Tư về, anh em lại họp mặt để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống,; để nhớ về một thời gian nan, bi tráng, nhiều máu lửa, lắm thương đau và sâu nặng tình người trên đất Angco; để động viên nhau, nhắc nhở nhau hãy trân trọng nâng niu những giá trị lịch sử, không bao giờ quên những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường; luôn giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội Nhà Phật, sẵn lòng đùm bọc, dũng cảm vượt khó, luôn ngẩng cao đầu trong hành trình muôn nẻo cuộc đời.
      Đén tháng 4/2013, các cựu chiến binh Mặt trận 479 họp Đại hội lần thứ nhất, công bố Quết định gia nhập Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, thông qua Quy chế và Chương trình hoạt động, bầu Ban Chấp hành khóa I, nhiệm kỳ 2013 - 2018. Từ đó, Hội mang tên Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội, trực thuộc Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Cũng từ đó, cùng với hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, Hội còn tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân, góp phần thực hiện chủ trương : "Ươm mầm hữu nghị Việt Nam - Campuchia" của Trung ương Hội.
      Thưa các đồng chí,
       Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, thời thế có thể đổi thay nhưng tình đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia không bao giờ thay đổi. Tình hữu nghị vĩ đại ấy đã được xây đắp nên bằng biết bao xương máu, công sức của nhiều thế hệ. Do đó, những người lính tình nguyện dẫu đã xuất ngũ nhưng không rời đội ngũ, dẫu đã nghỉ hưu vẫn đau đáu sự an nguy của đất nước, đi quá nửa đời vẫn canh cánh món nợ cuộc đời, lòng nhủ lòng tuổi cao ý chí càng phải cao, phải làm cái gì đó để đền ơn đáp nghĩa đồng chí, đồng đội, đồng bào, để vẹn tình trước sau với quê hương, đất nước. Nói như Nhà văn Nga Nicolai Astropski: "Đời người chỉ sống một lần.Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để không phải hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiên dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh để giải phóng loài người". Đối với chúng ta là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp giữ gìn, củng cố và phát triên quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia.
      Ý thức được vinh dự và trách nhiệm của mình, chúng ta nguyện chung sức chung lòng xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.hoàn thành hai nhiệm vụ cơ bản của Hội, về đối nội là đội quân tình nghĩa không mệt mỏi, về đối ngoại là lực lượng ngoại giao nhân dân đáng tin cậy.
      Nhân dịp này,chúng tôi trân trọng đề nghị Trung ương Hội quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ Hội chúng tôi, một hội có tính đặc thù trong các hội thành viên. Đề nghị Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Thành phố Hà Nội và các hội bạn tăng cường sự gắn kết trong Ngôi nhà hữu nghị Việt Nam - Campuchia, cùng nhau trao đổi, tìm tòi các hình thức, biện pháp,phối hợp chặt chẽ với nhau trong các hoạt động, nhằm nâng cao tính hiệu quả và chiều sâu công tác hội.
       Trân trọng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Campuchia tạo điều kiện thuận lợi cho các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa; quan tâm giải quyết tồn đọng về chính sách khen thưởng, thương binh, bệnh binh đối với những đồng chí bị mất giấy tờ hoăc có giấy tờ nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Có hình thức phù hợp đê tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh của cựu chuyên gia và cựu quân tình nguyện ở Campuchia trong cả nươc. Sớm định hướng, chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Biên giới Tây Nam và 30 năm hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.
       Đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường tuyên truyền về lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là 10 năm liên minh chiến đấu Việt Nam - Campuchia (1979 - 1989).
      Nhân dịp đón Tết Chol Chnam Thmay, chúng tôi xin gửi đến boòng ôn Campuchia lời chúc Xốc xơ bai, miên cầm lăng chờ rờn, chờ rờn.
       Việt Nam - Campuchia samaki samaki, samaki!
       Kính chúc sức khỏe các thủ trưởng, các quý vị đại biểu, các đồng chí và các bạn.
       Xin trân trọng cảm ơn!    
 











\. iiili l .x=====s
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tư, 2014, 09:36:27 am gửi bởi Nam Huy » Logged
Nam Huy
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #198 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2014, 09:03:59 am »

GẶP MẶT KỶ NIỆM
35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN 479
 ( 14/4/1979- 14/4/2014)

        Trong niềm phấn khởi tự hào cùng cả nước hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,sang ngày 6/4/2014,tại Hội trường Bộ Tư lệnh Thủ Đô, Hội Hữu nghị Việt Nam Campuchia Cựu Quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội đã tổ chức cuộc gặp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày thành lâp Mặt trận nhằm ôn lại 10 năm liên minh chiến đấu với Bạn bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng lại đất nước Campuchia; động viên hội viên nêu cao hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ- Bộ đội Nhà Phật trong mọi hoàn cảnh, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam- Campuchia; thắt chặt tình đồng đội của các cựu chiến binh Mặt trận 479.
       Đến dự cuộc gặp có đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia; đồng chí Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia; bà Phen Sa Vny, Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam;Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam;Trung tướng Lê Minh Cược, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ Đô, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội;Trung tướng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Lực, nguyên Chánh Văn phòng Quân ùy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam;Trung tướng Trần Văn Nấng, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị QĐNDVN;Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Phạm Ngọc Lan; Thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN; Thiếu tướng Nguyễn Khắc Ngọ, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị QĐNDVN; Thiếu tướng Phan Tiến Hạc, Phó Cục trưởng Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị QĐNDVN; con gái Thiếu tướng Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3, hy sinh  ngày 17/3/1979 ở tỉnh Bát Tam Băng - Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Chính ủy Viện Y học cổ truyền Quân đội; Thiếu tướng Vũ Mạnh Hà, Phó Chính ủy Học viện Hậu cần; Thiếu tướng Say So Vin, Tùy viên quân sự Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam ;Đại tá Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ Đô; đại diện Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật và Văn phòng Bộ Tư lệnh Thủ Đô; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7; Đại tá Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai; Đại tá Trương Văn Vinh, Chính ủy Sư đoàn 302/ Quân khu 7; PGS,TS Lê Huy Bình, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 302; Đại tá Phan Hải Cường, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 302; Đại tá Nguyễn Hồng Giang, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 302 / Quân khu 7; Đại tá Trịnh Vinh Pha, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, đồng chí Nguyễn Thế Đậu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia; đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam Campuchia Thành phố Hà Nội; Đại tá Vũ Duy Vinh, Thường trực Ban liên lạc Cơ quan Bộ Tư lệnh 719; Đại tá Lê Liên, Chủ tịch và Đại tá Lê Danh Bài, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Cựu chuyên gia quân sự Đoàn 478; Đai tá Nguyễn Văn Hoàng, Ủy viên thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam _ Campuchia Cựu quân tình nguyện Quân đoàn 4; đồng chí Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống - lịch sử dân tộc; đồng chí Lý Quốc Hùng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Công thương, Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam; đồng chí Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn; mẹ Trần Thị Liên Hương, mẹ Liệt sĩ Phan Thuận Tường và mẹ Nguyễn Thị Lương, mẹ Liệt sỹ Vũ Quốc Khánh; các cán bộ quản lý và 40 học viên quân sự Campuchia đang học tâp ở Học viện Chinh trị, Học viện Hậu cần, Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuât quân sự, Học viện Khoa học quân sự / Bộ Quốc phòng; đại diện gia đình hội viên, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, hơn 400 hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Cựu quân tình nguyện Mặt trân 479 khu vực Hà Nội và nữ đồng chí Trịnh Thị Thanh Loan, đại diện Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 302, Măt trận 479 ở Thành phố Hồ Chí Minh;
          Đến dự và đưa tin cuộc găp, có các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam; Báo Nhân Dân; Đài Tiếng nói Việt Nam; Truyền hình Đối ngoại, Truyền hình Cựu chiến binh, Truyền hình Thanh niên - Đài Truyền hình Việt Nam; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Báo Quân đội nhân dân, Quân đội nhân dân cuối tuần; Phát thanh Quân đội nhân dân, Truyền hình Quân đội nhân dân; Đài Phát thanh và Truyền hình hình Hà Nội; Báo Cựu chiến binh Viêt Nam, Báo Cựu chiến binh Thủ Đô.
Không đến dự được vì lý do sức khỏe, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN, Bộ Tư lệnh Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Sư đoàn 5, Sư đoàn 302, Đoàn Cựu dân quân tình nguyện huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Việt Hưng cùng có lẵng hoa chúc mừng.
           Sau lễ chào cờ, mặc niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đồng chí Lê Cường, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia Cựu quân tình nguyện Mặt trân 479 khu vực Hà Nội phát biểu khai mạc.
   Các đại biểu dự gặp mặt rất vinh dự và phấn khởi được nghe nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu động viên.
 Sau phát biểu của bà Phen Sa Vny, Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Campuchia và của đồng chí Vũ Mão, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia là phát biểu của Thương binh 81% Trần Đắc Vân, cựu quân tình nguyện Sư đoàn 309 và Trung tá Seng Someth, Trưởng đoàn lưu học viên quân sự Campuchia tại Học viện Quân y.
       Tiếp đó, đồng chí Lý Quốc Hùng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Công thương,Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam và đồng chí Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã trao quà cho các các mẹ liệt sĩ và 40 học viên quân sự Campuchia.
       Trong tiếng nhạc rộn rã, Chủ tich Vũ Mão đã trao Bằng khen của Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho Tổng Công ty Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn; các đồng chí: Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn SABECO; Mai Xuân Tôn, Ủy viên Thường trực; Văn Khắc Hòa, Ủy viên thường trực; Nguyễn Xuân Hà, Ủy viên Ban Chấp hành; Lê Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Hội; Lê Văn Thịnh, Nguyễn Huy Phú và Trần Đắc Vân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tổ chức kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Mặt trận 479.
        Sau khi tặng hoa chúc mừng sinh nhật lần thứ 75 của đồng chí Nguyễn Xuân Dần (Sư đoàn 309), Chủ tịch Hội Lê Cường bày tỏ niềm vinh dự được đón nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các đại biểu; cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của Bộ Tư lệnh và các cơ quan Bộ Tư lệnh Thủ Đô, Tổng cục Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Campuchia; sự ủng hộ hào hiệp của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Công đoàn Công thương Việt Nam, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, Sư đoàn 5, Sư đoàn 302, Công ty TNHH Việt Huy, Bộ Tổng tham mưu QDDNDVN, Cục tài chính Bộ Quốc phòng, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị QDDNDVN, Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu 7, Hội Hữu nghị VN_CPC Thành phố Hà Nội, Cục Chuyên gia Đoàn 479, Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội, Ban Liên lạc cơ quan Chính trị 719, đồng chí Chu Văn Trương, đồng Chí Lê Văn Chính, đồng chí Nguyễn Kim Sơn và nhiều tổ chức, cá nhân khác.Đồng chí Chủ tịch Hội cho rằng, cuộc gặp đã đạt được kết quả hơn mong đợi, giúp Hội có thêm kinh nghiệm để tổ chức các cuôc gặp tiếp theo.
      Trong  không khí hồ hởi, thắm tình đoàn kết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu. Một bữa  liên hoan mặn và giao lưu văn nghệ diễn rả sôi nỗi ngay sau đó càng làm cho cuộc gặp thêm phần hào hứng. Xin bật mí, ngoài 40 triệu đồng tiền mặt, SABECO còn ủng hộ 20 thùng bia Sài Gòn, HABECO ủng hộ 500 lít bia hơi Hà Nội. Vậy mà hết veo đấy nhé. Thật tuyệt vời!!!
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tư, 2014, 09:11:34 am gửi bởi Nam Huy » Logged
loc85c5
Thành viên
*
Bài viết: 1361


Ai qua Căm Pốt mà coi. Pháo binh Khu 7 bắn "toi" c


« Trả lời #199 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2014, 09:30:21 am »

Có lý lắm nghe,bác Nam Huy  Grin tiếp đi bác. Chắc có lẽ bác ít thấy lính uống...khiếp lắm bác ơi Tongue.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM