Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:46:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giải phẫu một cuộc chiến tranh  (Đọc 96867 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:20:10 pm »

Tên sách: Giải phẫu một cuộc chiến tranh
Tác giả: Gabriel Kolko
Người dịch: Nguyễn Tấn Cưu
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: Mytam44, Sao Vang


ĐÔI LỜI VỚI BẠN ĐỌC

Giáo Sư Sử học người Mỹ Ga-bri-en Côn-cô bắt đầu nghiên cứu, viết quyển Giải phẫu một cuộc chiến tranh từ năm 1964 và cuốn sách đã được xuất bản năm 1985 tại Niu Yoóc.

Tư tưởng chủ đề của quyển sách làm nổi lên một số vấn đề rất cơ bản. Một là, sự giới hạn của quyền lực Mỹ, nghĩa là Mỹ không đủ khả năng áp đặt ý muốn của mình lên nước khác. Những khả năng hạn chế của Mỹ không thể đáp ứng được những tham vọng không bờ bến của họ. Hai là. "Cách mạng rất đoàn kết, được lòng nhân dân và có sức mạnh. Họ tiến hành cuộc chiến tranh bằng chính trị và rất kiên trì trong khi người Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh một cách máy móc và vội vã". Cách mạng lấy dân làm gốc, huy động được quần chúng nhân dân và lấy chiến tranh nhân dân làm nền tảng. Ba là, con người ở hai bên rất khác nhau. Một bên thì cách mạng, liêm khiết, vì dân, dốc lòng vì sự nghiệp, sẵn sàng hy sinh tất cả kể cả tính mạng của mình, còn một bên thì tham nhũng, hèn nhát, nghiện ngập, không có lý tưởng, quấy nhiễu, áp bức nhân dân. Quân đội Mỹ không phải chiến đấu cho nền độc lập của nước Mỹ, không có cam kết gì về mặt chính trị nên không dốc lòng chiến đấu mà thực hiện khẩu hiệu "tìm và tránh" và "giữ lấy thân để về nước". Họ thiếu kỷ luật, mất tinh thần, nghiện ma túy và chống lệnh.

Dựa vào những tài liệu mới và sự khai thác những năm quan sát tại chỗ ở Oa-sinh-tơn, Pa-ri và những chuyến thăm Việt Nam, Ga-bri-en Côn-cô đã phân tích chi tiết, sâu sắc các đối tượng trong cuộc chiến tranh; đồng thời trình bày triển vọng của chiến lược chiến tranh hạn chế của Mỹ trong thời đại của chúng ta và lập luận rằng mọi sự can thiệp của Mỹ trong tương lai chắc chắn sẽ phải chịu kết quả tai hại như ở Việt Nam.

Theo dư luận chung của nước ngoài, quyển sách của Côn-cô là một "công trình hợp thời, thiết tha, thúc giục và gợi cảm mà một người quan tâm đến vai trò quá tự cao tự đại của Mỹ trên thế giới cần phải đọc" (Tuần báo Man-sét-tơ Ga-đi-an). Nó cũng là "công trình phong phú về tư liệu có thể trở thành một điểm then chốt để bắt đầu tất cả các cuộc thảo luận tương lai về chiến tranh Việt Nam" (Điểm sách Cơ-cốt, Niu Yoóc). Nó là "một quyển sách rất sinh động và hấp dẫn về một cuộc chiến tranh có tác động sâu sắc đến toàn thế giới. Bất cứ nhà nghiên cứu nghiêm túc nào về cuộc chiến tranh Đông Dương cũng cần phải đọc nó..." (Tạp chí cuối tuần Ô-xtrây-lia).

Quyển "Giải phẫu một cuộc chiến tranh" được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản thành hai tập:

Tập I gồm các phần:

- Phần một: Những nguồn gốc của chiến tranh cho đến nam 1960.

- Phần hai: Cuộc khủng hoảng ở Việt Nam và sự can thiệp của Mỹ, 1961 - 1965.

- Phần ba: Chiến tranh tổng lực, 1955 - 1967 và sự biến đổi của Nam Việt Nam.

- Phần bốn: Cuộc tiến công Tết và các sự kiện năm 1968.

Tập II gồm các phần:

- Phần năm: Chiến tranh và ngoại giao, 1969 - 1972

- Phần sáu: Cuộc khủng hoảng của Việt Nam cộng hòa và sự kết thúc chiến tranh, 1973-1975.

- Kết luận.

Trong việc xuất bản cuốn sách này, do một số khó khăn về các mặt kỹ thuật và phát hành, chúng tôi đã bàn bạc với tác giả lược bớt một số đoạn và đã được tác giả chấp thuận. Chúng tôi chân thành cảm ơn tác giả đã có tình cảm chân tình quý báu đối với nhân dân Việt Nam, đầu tư nhiều công sức viết quyển sách này cung cấp cho chúng ta một tài liệu tham khảo quý và cần thiết. Trong nội dung sách còn có những hạn chế nhất định, nhất là phần nói về lực lượng cách mạng còn nhiều vấn đề chưa thật đúng với thực tiễn và quan điểm của Đảng ta. Nhưng do đây là một cuốn sách tham khảo, chúng tôi tôn trọng chính kiến của tác giả. Chắc chắn rằng bạn đọc có thể thông cảm với hoàn cảnh của một tác giả nước ngoài khi nghiên cứu, viết về chiến tranh ở Việt Nam.

Rất cảm ơn bạn đọc và mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 1991
Người dịch NGUYỄN TẤN CƯU

« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười, 2020, 07:30:50 am gửi bởi ptlinh » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:21:46 pm »

Tặng tất cả những ai mà tôi cùng làm việc, cùng chung một sự nghiệp và đã làm cho quyển sách này vừa hoàn thành được vừa trở nên cần thiết.
Ga-bri-en Côn-cô



LỜI MỞ ĐẦU

Thơ ca và tiểu thuyết đã nở rộ chính bởi vì chuyện kể lịch sử không đủ sức để diễn đạt nội dung tinh tế và phong phú của hoạt động loài người: các phong trào rộng lớn của nhân dân, những lo âu và chịu đựng, những nguyện vọng và vui mừng của họ. Nhưng chiến tranh Việt Nam cho đến nay đã vượt quá các nhà thơ và các nhà tiểu thuyết Cả ở Việt Nam lẫn ở Mỹ. Chỉ phạm vi của cuộc đấu tranh cách mạng và của cuộc chiến tranh đó, dài nhất trong hai thế kỷ vừa qua, đã vượt quá sức tưởng tượng văn học. Độc giả nào đã tự bản thân mình cảm thấy gánh nặng của chiến tranh và sự tàn phá kinh khủng của nó, sẽ tức khắc hiểu được những giới hạn của những từ ngữ đơn thuần. Còn những ai trong số hàng triệu người mà chiến tranh đã trở thành một bộ phận của cuộc sống, nguyên nhân của những lo âu, của suy tính và của hành động gay go thì sẽ nhanh chóng thấy được những khó khăn trong việc nắm bắt ý nghĩa linh hoạt của thực tế.

Tôi đã cố gắng trong quyển sách này xử trí với thách thức đó và tạo ra một sự mạch lạc hợp lý của bốn thập kỷ đầy rẫy những sự kiện không sao kể xiết, bằng cách tập trung vào những sự kiện còn bị xem là mập mờ như những lực lượng thể chế về quân sự, kinh tế và chính trị đã từng hoạt động vừa ở Việt Nam vừa ở Mỹ để hình thành cơ cấu mà dựa trên đó, các chuyện kể lịch sử cổ truyền đã được viết ra. Những tường thuật như vậy thường tập trung vào cách cư xử thông thường của các tướng lĩnh, các tổng thống và các nhà lãnh dạo là những người không làm gì hơn là đối phó với những thúc ép mà bên trên và bên dưới gán ép cho họ. Độc giả sẽ thấy những phân tích sâu rộng về các vấn đề ruộng đất và nông dân, về sự phát triển của các giai cấp xã hội, về vấn đề đô thị hóa, về những khó khăn của con người trong một cuộc xung đột kéo dài, về những giá trị mục tiêu và cách quan hệ luôn luôn thay đổi của những con người đó đối với cộng đồng của họ.

Tôi muốn giới thiệu ở đây một sự giải thích về nhân quả của cuộc chiến tranh Việt Nam và thăm dò ý nghĩa của nó cho kinh nghiệm lịch sử hiện đại. Tôi sẽ nghiên cứu khá sâu Đảng Cộng sản, Việt Nam cộng hòa và Mỹ. Bằng cách tập trung vào việc xem mỗi bên chịu ảnh hưởng như thế nào bởi những xu hướng cơ cấu rộng lớn hơn về quân sự, kinh tế, xã hội, quốc tế và chính trị tư tưởng, tôi có thể đối chiếu với nhau những lực lượng và nhân tố ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến tranh và có thể làm nổi bật những nhân tố quyết định trong đó. Ba nhận thức về cùng một thực tế và ba tác động qua lại trong thực tế đó, đòi hỏi phải có những sự phân tích có tính chất so sánh, và tất nhiên làm cho có thể nắm được toàn bộ quang cảnh của các sự kiện và của thực tế lịch sử. Cách đề cập như vậy làm cho người ta dễ hiểu hơn nhiều, tại sao khả năng về tổ chức, về tư tưởng và về con người đã đưa một bên đến thắng lợi trong khi những điều kiện của bên đó thua kém hơn nhiều về mặt vật chất. Và điều này chiếu rọi ánh sáng vào chính tính chất của sự thay đổi trong thế giới đương thời.

Tin tức sẵn có về Mỹ và về Đảng Cộng sản giữa năm 1950 và năm 1975 là rất phong phú, nhiệm vụ chính bây giờ là tập hợp lại và làm cho chúng trở thành mạch lạc ở mỗi bên. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên là không có bên nào trong hai kẻ thù đó có chuyên gia hiểu nhiều về bên kia, do đó không có sự tồng hợp của cuộc chiến tranh với tư cách là một tổng thể. Những người chống chiến tranh ở Mỹ viết rất ít về chiến tranh, còn những người tán thành hoặc tự xưng là trung lập có viết nhiều hơn, nhưng cũng chẳng đưa lại được nội dung gì mới, tuy họ có đặc quyền tiếp xúc với các nguồn tin. Họ bị ám ảnh chủ yếu vì những vấn đề cổ truyền về tại sao Mỹ thua hoặc làm thế nào thì đáng ra Mỹ phải thắng, và vì những bài học phải rút ra từ cuộc chiến tranh. Nếu các công trình nghiên cứu về Mỹ bị kém giá trị về mặt phân tích thì các công trình nghiên cứu về Đảng Cộng sản cũng chỉ loanh quanh ở một vài học thuyết trừu tượng khi chiến tranh chấm dứt.

Trở ngại lớn nhất cho việc nắm chắc tính chất của cuộc chiến tranh là cả hai bên đều không biết rõ Việt Nam cộng hòa và chế độ xã hội ở Nam Việt Nam. Do tính chất tế nhị trong việc đánh giá một chế độ mà nước Mỹ tìm cách duy trì để nắm quyền lực, cho nên các cơ quan chính thức của Mỹ có đủ điều kiện nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh Việt Nam cộng hòa trong cuộc chiến tranh, đã không làm gì bao nhiêu và nếu có làm chút nào thì cũng chỉ là để sử dụng nội bộ. Khoảng trống to lớn đó tỏ ra là một thách thức ghê gớm đối với tôi. Hiểu Việt Nam cộng hòa và trật tự xã hội ở miền Nam trong suốt thời kỳ đau khổ của cuộc chiến tranh có nghĩa là hiểu những xu hướng cơ bản và điều thực sự khác biệt của mỗi bên đối kháng. Một sự đương đầu với những thực tế xã hội ở miền Nam Việt Nam đòi hỏi phải nghiên cứu những người ở đó, những chỗ mạnh cũng như những chỗ yếu của họ.

Một sự giải phẫu của cuộc chiến tranh đòi hỏi phải rất nhạy cảm với việc quần chúng nhân dân và các tổ chức cơ cấu đã hình thành kinh nghiệm lịch sử phức tạp như thế nào trong khi các nhà lãnh đạo và các đảng phái phải dàn xếp với nhau trong phạm vi mà nhân dân và các thể chế áp đặt cho cuộc đấu tranh vì vận mệnh của Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:22:41 pm »

Tôi cố gắng giải quyết vấn đề tên gọi một cách thực tiễn bằng cách chấp nhận tên mà mỗi bên tự đưa ra. Riêng đối với Đảng Cộng sản tôi cũng dùng từ "Cách mạng”. Tôi dùng từ "Việt Nam cộng hòa" nhưng không dùng từ "chính phủ của Việt Nam" như họ cố gắng nêu ra vì nó không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử. Tôi dùng "Nam Việt Nam" như một từ có tính chất địa lý, bởi vì phần Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17, về mặt pháp lý theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chỉ là một bộ phận của một quốc gia tạm thời bị chia cắt và đang chờ đợi để được thống nhất trở lại.

Về số liệu mà các bên đưa ra cũng vậy, tôi cũng áp dụng một quan điểm thực tiễn trong việc sử dụng. Bất cứ ở đâu số liệu cũng chỉ nói lên cái xấp xỉ của những xu hướng. Tôi rất ghét việc chuyển những thảm kịch to lớn về xã hội và về con người vào các máy tính điện tử bởi vì đây là một cuộc chiến tranh mà quy mô đau khổ và tàn phá vượt quá mọi lời lẽ. Do đó việc sử dụng con số phải rất nhạy cảm, chỉ ở mức tối thiểu cấn thiết.

Chiến tranh Việt Nam là một sự kiện chính trị được tranh luận nhiều nhất trong đời sống trường thành của mỗi một người Mỹ từ tuổi 35 trở lên. Không có con người biết suy nghĩ nào bây giờ dám thừa nhận rằng mình đã sống qua sự kiện đó mà không có một ý kiến dứt khoát về nó. Về phần tôi, ngay từ đầu, tôi hoàn toàn chống lại tất cả sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Với tư cách là một người thuộc phái mà người ta có thể gọi một cách chung chung là phái tả tôi đã tán thành sự phát triển kinh tế tự trị trong Thế giới thứ ba, kể cả Việt Nam, và tôi hoàn toàn hoan nghênh thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với người Pháp và đối với người Mỹ thay cho Pháp. Trong những quyển sách và bài báo khác nhau của tôi về Mỹ và về các quan hệ đối ngoại, từ năm 1968, tôi đã xác định một lập trường độc lập và phê phán đối với công việc thế giới, lập luận rằng sẽ không thể làm được, sẽ không được ai mong muốn và sẽ nguy hiểm cho Mỹ, Liên Xô hay bất cứ nước nào khác nếu muốn tìm cách hướng dẫn sự phát triển của một nước khác hoặc một khu vực khác.

Việc nghiên cứu cho quyển sách này đã bắt đầu từ năm 1964 khi tôi ngày càng tham gia vào hoạt động chống chiến tranh. Từ lúc ban đầu có một mạng lưới không chính thức của nhiều nhà nghiên cứu "phong trào" Mỹ mà trong nhiều năm đã trao đổi với nhau những số lượng lớn tài liệu và tin tức, và sau năm 1968 tôi cũng có những quan hệ vô giá với các chuyên gia chống chiến tranh khác trên khắp thế giới. Phần nào quyển sách của tôi đã dựa vào cố gắng chung lớn lao đó.
Thêm vào đó, tôi đã khai thác các thư viện thông thường và các nguồn tin khác ở các thành phố khác nhau của Bắc Mỹ, thảo luận cuộc chiến tranh với vô số những người Mỹ ủng hộ cuộc chiến tranh, tham gia cuộc chiến tranh đó hoặc vừa ủng hộ vừa tham gia. Ý thức của tôi về những thực tế Mỹ và Việt Nam cũng được làm sáng tỏ thêm bằng kinh nghiệm trực tiếp của tôi, trước tiên với tư cách là một sinh viên tốt nghiệp tại trường đại học Ha-vớt, nơi mà sự thích thú chính sách đối ngoại của tôi đã làm cho tôi quan hệ với một số hiệu trưởng được nhắc đến trong quyển sách này, tuy chỉ quan hệ trên bề mặt, và về sau, năm 1967-1968, trong một năm ở Oa-sinh-tơn, nơi mà tôi trở lại sau đó trong những thời gian ngắn.

Một số năm ở Pa-ri và những nơi khác ở pháp sau năm 1971 đã mở rộng sự hiểu biết của tôi về các sự kiện. Năm 1973 tôi thăm Việt Nam dân chủ cộng hòa và một khu vực do Mặt trận Dân tộc giải phóng kiểm soát ở Nam Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên trong số sáu chuyến thăm trong thập kỷ tiếp theo, đưa tôi đến tất cả các nơi của đất nước và làm cho tôi có thể trên thực tế nói chuyện với hàng trăm người đóng một vai trò có thể có được trong cuộc chiến tranh. Những cuộc thảo luận rất rộng rãi đó với những người Việt Nam trước năm 1981 không phải vì có ý lúc ban đầu để đóng góp cho một quyển sách nhưng cuối cùng đã làm nhiệm vụ đó. Tôi có mặt ở Huế và Đà Nẵng trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh trong tháng 4 năm 1975, và ở Hà Nội trong phần lớn những ngày còn lại của tháng đó.

Tất nhiên tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi điều nói trong quyển sách này và tuyệt đối không có điều gì trong đó có thể bị gán, ngay dù cho là gián tiếp, cho bất cứ ai tôi nói đến hoặc không nói đến sau đây. Tôi biết ơn sâu sắc Chương trình Ki-lam của Hội đồng Ca-na-đa đã cho tôi thời gian để viết quyển sách này. Tôi biết ơn Hội đồng nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân loại của Ca-na-đa, trường đại học Yoóc Tô-rông-tô, đã giúp đỡ rất nhiều trong công việc của tôi. Một tháng ở Trung tâm nghiên cứu Ben-la-gi-ô tỏ ra là vô giá đối với tôi.

Tôi xin nhắc ra đây chỉ một số ít người đã giúp đỡ tôi vì tôi biết rất sâu sắc rằng tôi không có cách nào đủ sức để cảm ơn đúng mức những người đã cùng tôi chia sẻ kinh nghiệm và sự nghiệp chung này, ngay dù cho tôi đề tặng quyển sách này cho họ. Ở Mỹ thì có Lê Anh Tư, Phây Knốp và Xti-oát Mi-sam (đã mất) của ủy ban người bạn Mỹ, có Et-oát Hec-man, Xtan-lây Vích-to-dơ, Mi-ca-en Cle-rơ, Gim Mơ-ren, Nom Som-xki, Ki-nét, Mác Nâu, Rô-bớt Giê Líp-tôn và Gian Pluy-vi-ô. Ngoài Bắc Mỹ có Xa-bu-rô Kin-gai, Pi-tơ Lim-qui-cơ, Rơ-na-tô Công-xtan-ti-nô, Pơ-ghi Đớp (đã mất) và Giắc-cơ Dơ-coóc-noa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:23:41 pm »

Ở Việt Nam, tôi đặc biệt cảm ơn Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Văn Sao và Linh Quy, Huỳnh Hữu Nghiệp, Bình Thanh, Hoàng Tùng, Võ Văn Sung, Phạm Văn Ba, Dương Đình Thảo, Phạm Thị Minh, Phan Thanh Nam, Phan Tứ, Thu Bồn, Đinh Đức Thiện, Võ Đông Giang, Nguyễn Thị Định, Vũ Văn Minh, Hoàng Minh Thảo và Trần Văn Giàu cũng như nhiều người khác ở tỉnh Quảng Trị, Sông Bé, Mỹ Tho, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngô Vĩnh Long và Huỳnh Kim Khánh mỗi người đã dành ra một năm để làm cho tôi tiếp xúc với những tài liệu tiếng Việt Nam tìm được ở các thư viện khác nhau ở Pa-ri, ở trường đại học Ha-vớt và Coóc-nen. Khôi Huynh đã cho tôi những tài liệu ở phút chót. Bộ phận phục vụ ở trường đại học Yoóc đã giúp tôi một cách vô giá trong việc đánh máy bản thảo.

Tôi không đủ lời lẽ để đánh giá đúng về Gioa-xơ, vợ tôi, người đã cùng tôi chia sẻ mọi cố gắng và thử thách của hai thập kỷ viết nên quyển sách này. Cô đã góp phần to lớn vào những vốn quý và những sự hiểu biết sâu sắc trong quyển sách này, do việc cô vừa nghiên cứu vừa sống trong những sự kiện lớn dẫn đến việc ra đời quyển sách này. Vì vậy tôi rất được khuyến khích và trở nên rất vững vàng nhờ tình đồng chí của Gioa-xơ và nhờ nhiệt tình và trách nhiệm chung của chúng tôi.

Giống như toàn bộ quy mô của lịch sử Việt Nam kể từ năm 1940, cuộc chiến tranh Việt Nam là một sự kiện có tính chất anh hùng ca, một cố gắng cách mạng bến bỉ nhất và dài nhất trong lịch sử hiện đại. Dựng lên một cuộc giải phẫu của chiến tranh Việt Nam không những cho phép chúng ta mổ xẻ những nguyên nhân đầu tiên và những tình tiết cơ bản của sự kiện chính trị chính trong đời sống của hàng chục triệu người đó; mà sự kéo dài và tính phức tạp của cuộc chiến tranh cũng còn đưa lại cho chúng ta một khung cảnh rộng lớn để xác định quyền tự do và những hạn chế của nhân dân trong việc quyết định tương lai của chính mình. Một sự tập trung như vậy làm cho cả người viết lẫn người đọc rất tha thiết tìm cho được những nguyên nhân chính xác và những giải thích đấy đủ của những sự kiện to lớn cũng như những nhân tố con người đã từng hướng dẫn lịch sử của Việt Nam trong hơn 45 năm qua. Lịch sử đó đã trải qua một quá trình ngày càng không thể cưỡng lại được dẫn đến một kết luận mà trên thực tế không phải là luôn luôn không tránh được nhưng ngày nay nhìn một cách thoáng qua dường như không có thật. Đó chính là bởi vì người ta rất ít hiểu vế các lực lượng, các con người và các sự kiện đã hình thành nên sự phát triển đặc biệt đó của lịch sử hiện đại. Nói một cách thẳng thắn chúng ta cần biết như thế nào và tại sao Đảng Cộng sản đã thắng ở Việt Nam và Mỹ lại đã thua. Một lịch sử của cuộc chiến tranh đó đi vào nghiên cứu việc các nhân tố khác nhau ở Việt Nam, Mỹ và trên thế giới đóng vai trò khác nhau như thế nào cho mỗi bên, ảnh hưởng đến các lực lượng và các thể chế quan trọng, nhất thiết sẽ đụng chạm đến bản chất của chính những nhân tố đó, những nhân tố hình thành sự kiện lịch sử hiện đại ở Việt Nam và ở cả các nơi khác, tuy ít hấp dẫn hơn nhưng vẫn rất căn bản.

Chính đặc điểm đó của lịch sử Việt Nam và sự can thiệp của Mỹ vào đó, buộc chúng ta phải xem xét tại sao và làm thế nào một ít thanh niên, năm 1930 mới bắt đầu tìm được đến một cuộc cách mạng chống thực dân, cuối cùng đã thành công trong quá trình bị buộc phải chiến đấu trước tiên với nước Pháp và sau cùng với một nước giàu nhất và mạnh nhất về quân sự trên thế giới. Những người đứng ra tìm phương hướng cho Việt Nam sau năm 1940 phải có những lựa chọn gì? Những sự kiện và những diễn biến của thời thế, mà con người không thể kiểm soát được, đã ảnh hưởng ra làm sao và đến mức độ nào dối với những kẻ thù? Có những hạn chế và những ép buộc gì đối với mỗi bên và qua các thời gian? Liệu các lực lượng lịch sử và các nhân tố xã hội và kinh tế trong cuộc chiến tranh kéo dài đó có hợp lại với nhau vào lúc nào đó để sản sinh ra những cản trở mới, những vấn đề mới và những thách thức đối với những người cộng sản và đối với những kẻ chống lại họ không?

Sự phát triển của Việt Nam qua cuộc chiến tranh duy nhất mà dài nhất của thời hiện đại đòi hỏi chúng ta không được để cho diễn biến của các sự kiện, cũng như những vấn đề kém quan trọng hơn che lấp nội dung rộng lớn, bao quát làm nền cho lịch sử của Việt Nam trong mọi giai đoạn. Chiến tranh là lĩnh vực trong đó những người thực hiện cố sức kiểm soát các sự kiện, nhưng cũng bị các sự kiện kiểm soát. Nó là khung cảnh trong đó sự tự phát, những hình dáng mới, những hạn chế mới và những lựa chọn mới luôn luôn xuất hiện, xác định ý thức của con người và tính chất của các hiện tượng xã hội. Tất cả các chế độ thừa kế, dù thuộc hệ tư tưởng hữu hoặc tả, thường bị thay đổi một cách sâu sắc trong chiến tranh, bất chấp những nhận thức và ý muốn của những người muốn áp đặt những ý đồ của họ lên các chế độ đó. Hiểu thấu sự phức tạp cũng như những khả năng của thực tế đó và hiểu thấu cả những hy vọng lẫn những nguy cơ của nó, đưa lại một cơ sở rõ ràng và vô giá cho hành động, bởi vì đó là con đường hợp lý duy nhất để đố chiếu hành động có ý thức với quá trình lịch sử. Kiến thức không nhất thiết là sức mạnh, nhưng ngu dốt thì chắc chắn là sự yếu kém. Việc không có quyền hoàn toàn lựa chọn và quyền tự do trong lịch sử vào những lúc thiết yếu, không thể làm lu mờ thực tế rằng khi những thể chế làm nên lịch sử thay đổi thì vai trò của kiến thức và ý nghĩa tiềm tàng của các quyết định cũng thay đổi như vậy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:24:20 pm »

Chiến tranh không phải chỉ là một cuộc xung đột giữa các đội quân; nó càng ngày càng trở nên một cuộc đấu tranh giữa các chế độ xã hội cạnh tranh nhau bao gồm các thể chế chính trị, kinh tế và văn hóa của tất cả các đối thủ. Chiến tranh càng kéo dài, nó càng có nhiều khả năng được quyết định ngoài lĩnh vực vũ khí và các cuộc chiến đấu. Muốn hiểu được các sự kiện ở Việt Nam trong hơn bốn thập kỷ, điều thiết yếu là phải thấy rõ các bộ máy của chiến tranh như là một quá trình xã hội và một cuộc xung đột về hệ tư tưởng.

Ảnh hưởng của xung đột quốc tế đối với các động lực xã hội bên trong của các quốc gia thường thay đổi theo thời gian và không gian, nhưng ở Việt Nam thì ảnh hưởng đó đã đụng chạm một cách sâu sắc đến tất cả các mặt của đất nước ngay từ đầu, đồng thời cũng dần dần thấm sâu vào đời sống của Mỹ. Các hậu quả kinh tế, xã hội và dân cư của Chiến tranh thế giới thứ hai, việc Pháp quay trở lại và sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam là những sự kiện rất to lớn. Chế độ ruộng đất và cơ cấu giai cấp là những nỗi thương tổn kéo dài trong hàng thập kỷ, làm thay đổi cả điều kiện xã hội lẫn ý thức của cả một đất nước.

Sự biến đổi của chiến tranh đối với cơ cấu giai cấp hiện có ở Việt Nam cũng như ở các nơi khác, dẫn đến một sự tăng cường mạnh mẽ ý thức giác ngộ chính trị của quần chúng và đến nhu cầu của quần chúng có những khả năng lựa chọn thích hợp trong xã hội. Tất cả các bên đều đưa lại cho họ các loại hệ tư tưởng. Nhưng hiệu quả tương đối của họ trong việc huy động nhân tài, vật lực và khả năng phân tích thực tế xã hội và đưa lại cho nhân dân một sự lãnh đạo đáng tin cậy trong hành động tương lai sẽ là điều rất quan trọng trong việc phát triển những mục tiêu và tư tưởng có ý thức khi những mục tiêu và tư tưởng đó xuất hiện và ảnh hưởng đến những giai đoạn thay đổi về thể chế trong một xã hội đang bị khủng hoảng.

Những tư tưởng trở thành trọng yếu trong việc xác định kết quả của cuộc đấu tranh về mặt cả nhân lẫn quả. Vấn đề thực chất là mỗi đối thủ có thể làm được gì và tin ở điều gì? Và cách đối xử cá nhân và thái độ xử sự của mỗi quân đội đối với binh sĩ và đối với những ai mà quân đội có trách nhiệm, có thể phù hợp như thế nào với nhiệm vụ của quân đội? Trong khi chiến tranh có mặt vật chất mà ai cũng biết, bao gồm mọi tổn phí và khả năng của mỗi bên thỏa mãn được nhu cầu của mình, thì nhân tố con người ít rõ ràng hơn nhưng không kém phần trọng yếu. Hệ tư tưởng và ý thức bao trùm nhiều vấn đề trong cuộc chiến tranh kéo dài, từ quan niệm về cư xử cá nhân có tính chất cạnh tranh với nhau và từ mối quan hệ đối với cộng đồng và xã hội cho đến tầm nhìn về sự quan trọng của kỹ thuật trong việc giải quyết chiến tranh và khủng hoảng xã hội. Nó vừa là rõ ràng vừa là mập mờ, vừa phát triển vừa phôi thai.

Những sự kiện lịch sử lớn, rất rõ ràng, bao gồm nhiều nhân tố và lực lượng có tác động lẫn nhau và có tầm quan trọng khác nhau. Cũng khó khăn như nhận thức các sự kiện nhiều mặt như vậy để hiểu chiến tranh Việt Nam, chúng ta luôn luôn cần phải xem xét và nhớ lại những xu hướng rộng lớn hơn và những tác động qua lại, xem chúng như những nhân tố trọn vẹn của toàn cảnh rộng lớn nhưng thống nhất. Nhưng chúng ta cũng phải thấy rõ tính chất độc đáo của những phát triển chính trị, quân sự, kinh tế và tư tưởng riêng biệt ngay dù cho những phát triển đó trộn lẫn với nhau thành một hiện tượng toàn cầu duy nhất. Dù phản ứng của họ khác nhau như thế nào, Đảng Cộng sản, kẻ thù của họ trong nước và Mỹ, mỗi bên đều đối phó với những xu hướng và những vấn đề có liên quan đến họ bằng nhiều cách khác nhau, và trong suốt quyển sách này tôi sẽ đối chiếu các phản ứng đó của họ.

Vì Việt Nam là một nước nông dân, nên điểm xuất phát để phân tích ảnh hưởng của cơ cấu xã hội đối với nền chính trị và đối với xã hội là ruộng đất và người cày ruộng. Những người cộng sản và những đối thủ của họ luôn luôn tìm cách liên hệ với những vấn đề đó, hết thập kỷ này đến thập kỷ khác, khi mà chiến tranh và nổi dậy biến đổi nội dung kinh tế của các vấn đế ruộng đất. Đối với Đảng thì sự phức tạp của tính cấp tiến nông dân mà lúc đầu rất quan tâm đến cải cách ruộng đất, đã để lại cho Đảng một vấn đề đặc biệt tế nhị là làm thế nào hòa hợp được những sức ép từ quần chúng với chiến lược liên minh giai cấp trong phạm vi các vấn đề chính trị.

Cơ cấu giai cấp là một nhân tố thể chế cơ bản trong chiến tranh và cơ cấu đó thay đổi với thời gian bằng nhiều cách rất thiết yếu cho tất cả các bên. Mọi thay đổi trong quyền kiểm soát của Việt Nam cộng hòa sau năm 1954 kéo theo với nó những tác động quan trọng trong việc phân phối tài sản và quyền lực. Và sự mở rộng sức mạnh quân sự của Việt Nam cộng hòa ở miền Nam sau năm 1954 và sự xuất hiện của những hoạt động kinh tế mới sau cuộc can thiệp ào ạt của Mỹ trong năm 1965, đã làm cho tính chất giai cấp và quyền lực trở thành một vấn đề cơ bản trong việc tìm hiểu sự phát triển về sau của Việt Nam, khi mà các chiều hướng trong hệ thống xã hội đã được biến thành những chính sách và sự kiện chính trị và xã hội có tầm quan trọng sống còn. Cũng giống như vậy, sự phát triển của số dân đô thị và của các thành phố mà tất cả các bên đều phải ra sức đối phó một cách tích cực cũng đặt ra những vấn đề cơ bản về huy động và về nhất thể hóa xã hội và kinh tế. Xã hội Việt Nam thay đổi như thế nào và những người cộng sản, Việt Nam cộng hòa và những người Mỹ hiểu các xu hướng đó và đối phó với chúng như thế nào là những nhân tố cốt yếu trong kết quả của chiến tranh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:25:08 pm »

Chiến tranh kéo dài ở Việt Nam gây ra những vấn đề kinh tế và xã hội to lớn. Cơ cấu của xã hội Việt Nam có thể chấp nhận cái gì? Những hình thức cơ chế mới nào sẽ xuất hiện? Loại quân đội nào Mỹ có thể xây dựng nên ở Nam Việt Nam, quy mô quân đội đó như thế nào và nó sẽ quan hệ với nhân dân như thế nào so với những người Cộng sản? Hai kẻ thù có thể vượt qua quân đội của họ để tham gia đấu tranh chính trị không, và mỗi bên nhận thức mặt đó của chiến tranh và hành động như thế nào? Và mỗi bên theo đuổi loại chiến lược quân sự nào để chịu được những tổn phí về nhân lực và về kinh tế của một cuộc chiến tranh dường như không kết thúc, và phản ứng quân sự của mỗi đối thủ có tác dụng đến bên kia như thế nào?

Thế khó xử của Mỹ sau năm 1969 là làm sao biến kho vũ khí khổng lồ của mình thành một phương tiện có hiệu quả để chiến đấu và thắng một cuộc chiến tranh cục bộ, đặc biệt là một cuộc chiến tranh chống những lực lượng cách mạng không quy ước. Những phản ứng và kỹ thuật của Mỹ có thể thành công không và có thể được chuyển cho các lực lượng quân sự của Việt Nam cộng hòa không" Những thế lợi về kỹ thuật và hỏa lực có thề biến thành thắng lợi không? Còn đối với Cách mạng, Cách mạng có thể tìm được những biện pháp vô hiệu hóa sức mạnh to lớn và cuối cùng đánh bại sức mạnh đó không? Và đánh bại như thế nào?

Những xu hướng và thách thức xã hội to lớn trên đây luôn luôn gắn liền với tính chất của những con người, nam cũng như nữ, ủng hộ hoặc chống lại Cách mạng. Quan điểm về hạnh phúc của chính họ và của gia đình họ có liên quan đến quân đội trong cuộc chiến đấu để sống còn, đến các nền kinh tế và đến vấn đề mục tiêu chính trị và xã hội chung của con người.
Bên nào có thể hy sinh nhiều nhất, và bên nào có thể đáp ứng tốt nhất với những lo âu và những nhu cầu của những người tham gia quân đội, của dân làng và người đô thị? Cơ sở nào làm cho con người gắn bó với bên này hay bên kia?
Những tư tưởng và những thể chế nào đưa đến thắng lợi hoặc thất bại trong cuộc chiến tranh kéo dài? Chiến tranh phải được xem như một cuộc đấu tranh không phải chỉ giữa các đội quân, các xã hội cạnh tranh nhau và các quan điểm về sự thay đổi mà là còn giữa những con người, nam cũng như nữ, chấp nhận những chiến lược khác nhau và có những cách nhìn rất khác nhau về sự tồn tại của con người và về vai trò của con người trong việc làm nên lịch sử. Vấn đề chí khí và động cơ quan trọng như thế nào và cả những người Cộng sản lẫn những người muốn tạo ra một xã hội ăn cánh với Mỹ, đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam trước tiên là nhằm nhanh chóng uốn nắn lại nhiều thế khó xử và thất vọng toàn cầu sau chiến tranh của quyền lực quân sự Mỹ, khẳng định lại lòng tin và hiệu lực kỹ thuật của vũ khí Mỹ. Mục tiêu là vô hiệu hóa tiềm lực đang lên trong khắp thế giới thứ ba của các chế độ dân tộc cách mạng. Ít có ai tưởng tượng rằng chiến tranh Việt Nam có thể trở thành một trong những chấn thương nội bộ lớn nhất và dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, kém về tính chất chia rẽ và cay đắng chỉ với cuộc cách mạng Mỹ và cuộc nội chiến. Về mặt nào đó, nó còn đặc biệt hơn bất kỳ cuộc chiến tranh ngoài nước nào mà Mỹ đã chiến đấu từ trước đến nay.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, Mỹ chủ yếu là một bên tham gia phụ vào những cuộc chiến tranh do châu Âu khởi xướng để đóng một vai trò quyết định nhưng chắc chắn không hề bao giờ là duy nhất trong sự kết thúc chiến tranh. Cả hai cuộc chiến tranh đều tương đối ngắn và Mỹ bước ra cuộc chiến tranh với tư thế mạnh hơn nhiều về kinh tế và chính trị so với khi nó vào chiến tranh. Chiến tranh Việt Nam khi thất vọng và thời gian kéo dài thì sự cay đắng và tình trạng chia rẽ trong nước cũng tăng lên, làm suy yếu nền kinh tế và cơ cấu quân sự và đập tan sự nhất trí về chính sách đối ngoại và sự thanh bình của đất nước. Những tổn phí kinh tế của một cuộc chiến tranh như vậy sẽ như thế nào đối với Mỹ, không những ở Việt Nam mà còn trong khả năng lãnh đạo nền kinh tế thế giới và duy trì sức mạnh quân sự ở những nơi khác và Mỹ còn có thể làm được gì? Nhu cầu đối phó với những hiệu quả toàn bộ của cuộc chiến tranh đã gây ra những vấn đề đặc biệt cho nước Mỹ trong suốt những năm tháng, và những sự kiện kinh tế và chính trị ở Mỹ đã có những tác động quyết định đối với những sự kiện ở Việt Nam.

Trong việc quyết định cố gắng tượng trưng của mình ở Việt Nam, Mỹ phải đương đầu với những vấn đề đặc biệt, một mặt với sự quá thừa vũ khí và đạn dược và mặt khác với sự bất đồng giữa các sĩ quan cấp cao về việc sử dụng số vũ khí đạn dược đó như thế nào, ở đâu và thông qua ai. Việc biến sức mạnh chưa từng thấy đó thành chiến thuật và chiến lược cụ thể đã chia rẽ những người có quyền lực ngay từ lúc khởi đầu. Trùm lên trên những quyết định đó là khung cảnh chính trị của Mỹ mà ý nghĩa cả ở Oa-sinh- tợn lẫn trên đường phố của vô số thị xã và thành phố sẽ tăng lên hàng năm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:25:54 pm »

Nguồn gốc sơ khai của chiến tranh Việt Nam là sự can thiệp và cố gắng của Mỹ nhằm thiết lập và duy trì một cơ chế thay thế cho Đảng cộng sản, và Oa-sinh-tơn cho rằng có một cơ sở bản xứ đủ để đưa lại cho họ những hy vọng thành công ngày càng tăng. Với những mức độ khác nhau, Việt Nam là một thế giới vi mô của nhiều nước trên thế giới với những hoạt động xã hội năng động tương tự mà Mỹ từ năm 1946 đã tìm cách gạt ra khỏi tay của các phong trào dân tộc và cấp tiến khác nhau. Một vấn đề trọng yếu, cũng có thể áp dụng ở nơi khác, là Mỹ có thể can thiệp ào ạt như thế nào và với những hậu quả gì vào đời sống của một đất nước nghèo. Trên loại chế độ xã hội nào Mỹ có thể xây dựng một bộ máy chống cộng và có thể có một cơ sở chính trị, kinh tế và con người cho cố gắng đó không? Trên một mức độ cơ bản, toàn bộ công cuộc của Mỹ phụ thuộc vào con người và trật tự xã hội mà Mỹ tìm cách thiết lập và duy trì.

Hiểu thấu được tính chất của chế độ đó đã trở thành một khó khăn lớn cho người Mỹ trong chiến tranh. Đặc điểm của giới thống trị và của quyền lực ở Việt Nam cộng hòa là gì, giới trí thức về kinh tế hiện có tồn tại được bao lâu và có được sức bật như thế nào và vai trò chính trị và kinh tế của các nhà lãnh đạo quân sự của Việt Nam cộng hòa như thế nào so với chức năng quân sự của họ? Một cơ cấu do Mỹ xác định có thể được áp đặt vào những điều kiện kinh tế, xã hội và con người đặc biệt ở Nam Việt Nam và trong các đội quân Việt Nam cộng hòa không? Và gánh nặng chiến tranh có thể chuyển cho cơ cấu đó không? Và cơ sở của nền kinh tế Việt Nam cộng hòa là gì? Nền kinh tế đó có giữ vững được sự phát triển đất nước và đối phó với những thách thức của phái tả và có thể sống còn nếu không có viện trợ Mỹ không? Trên thực tế, Việt Nam cộng hòa có phải là một thực tế tồn tại được, chứ không phải chỉ là một sản phẩm của tiền của và sự có mặt của Pháp và Mỹ không? Và có tồn tại một sự nhất trí xã hội nghiêm chỉnh và một cơ sở thể chế cho việc duy trì Việt Nam cộng hòa không? Về thực chất chiến tranh Việt Nam có thể đi xa hơn một sự can thiệp của nước ngoài vì những lý do quốc tế tượng trưng để trở thành một cuộc xung đột nội bộ không?

Đảng Cộng sản cũng vậy, cũng có những thách thức đặc biệt của mình. Do bị một hệ thống liên lạc nghèo nàn và ở trong một đất nước vốn bị phân tán, Đảng phải điều chỉnh cơ cấu và chính sách của mình theo những đòi hỏi của chiến tranh, mặc dù Đảng muốn lãnh đạo một cuộc đấu tranh phức tạp, sử dụng càng nhiều càng tốt những quan niệm mác-xít lê-nin-nít của một tổ chức tập quyền. Thích nghi với thực tế là một thách thức trọng yếu, đòi hỏi Đảng phải cân đối vai trò mong muốn của mình như một nhà lãnh đạo và nhà tổ chức quần chúng với nhu cầu phải luôn luôn đáp ứng những sức ép và những nguyện vọng độc lập của quần chúng. Đảng buộc phải vừa lãnh đạo vừa đi theo các phong trào cơ sở đến mức độ nào? Vấn đề đó đã trở thành một đề tài thường xuyên sau năm 1945. Và một mặt sống còn của cố gắng chiến tranh là việc đòi hỏi đảng viên và những người theo Đảng phải có những hy sinh to lớn, kéo dài trong một khoảng thời gian nhiều năm. Đó là một vấn đề Đảng phải xem xét có hệ thống, xây dựng một quan niệm về thái độ cách mạng và về thủ tục để liên lạc và thực hiện đòi hỏi đó. Vai trò của hệ tư tưởng và chức năng của lợi ích vật chất là gì trong cuộc đấu tranh kéo dài đó? Đảng có thể dung hòa như thế nào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau năm 1954 với những xu hướng và những cuộc đấu tranh liên tục ở miền Nam? Những câu trả lời cho những câu hỏi như vậy đã trở thành một bộ phận của những cố gắng chiến tranh đặc biệt của Cách mạng.

Đảng Cộng sản cũng phải luôn luôn giải quyết chiến lược chính trị của mình đối với những người ngoài hàng ngũ của Đảng. Đảng có thể xây dựng một mặt trận thống nhất rộng rãi gồm nhiều giai cấp như thế nào, đặc biệt khi ý thức giai cấp của bần nông luôn luôn cản trở khả năng của Đảng thực hiện một khái niệm chính trị rất cơ bản cho sự phát triển của Đảng. Khó khăn trong việc thực hiện liên minh giai cấp bên cạnh đấu tranh giai cấp luôn luôn đứng trước Đảng trong hàng thập kỷ, trở thành một đề tài cho toàn bộ lịch sử của Đảng.

Cuộc chiến tranh Việt Nam bao gồm một phạm vi rộng lớn các lực lượng và các vấn đề. Một số vấn đề tất nhiên là phức tạp có liên quan đến tính tượng trưng toàn cầu của chiến tranh và ảnh hưởng đến chiều hướng của lịch sử hiện đại. Nhưng những vấn đề khác lại quá sức đơn giản từ việc một binh sĩ trốn về với gia đình đến chiếc cầu ao của một nông dân bị hư hại trong một thế giới đầy tàn phá. Chiến tranh bao gồm những vấn đề cổ điển của triết lý xã hội, những vấn đề to lớn của quyền lực thế giới, những thảm kịch của vô số cuộc sống bị mất mát và tan nát, mối nhục của đồi trụy và hèn nhát, vinh dự của chủ nghĩa anh hùng, sự an ủi của nam và nữ sẵn sàng hy sinh, tóm lại toàn bộ tính đa dạng những đáp ứng của con người và của những xu hướng xã hội trong thế kỷ này, mà phần lớn có tính chất lâu dài, vĩnh viễn.

Đương đấu với tất cả các vấn đề đó, từ vinh quang đến vô lý, từ đơn giản đến phức tạp, có nghĩa là hiểu được sự giải phẫu của một cuộc chiến tranh đã từng là một sự kiện quan trọng nhất trong đời sống của hàng triệu triệu người và, nhận thức được sự kiện lịch sử hiện đại đó, nghĩa là rọi vào quá khứ chúng ta và vào chính chúng ta, có lẽ cả vào tương lai chúng ta nữa, và vào hoàn cảnh con người trong nửa cuối của thế kỷ hai mươi.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2008, 10:30:47 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:32:02 pm »

PHẦN MỘT
NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA CHIẾN TRANH CHO ĐẾN NĂM 19
60


Chương một
CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN KHỦNG HOẢNG CỦA VIỆT NAM

Lịch Sử của Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 bao gồm một loạt các biến đổi chính trị, kinh tế và xã hội đau xót một cách sâu sắc mà những người Việt Nam không cộng sản tỏ ra hoàn toàn bất lực để đối phó. Họ không bao giờ thoát khỏi sự thống trị của nước ngoài, một sự thống trị vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của những vấn đề rộng lớn và chồng chất của đất nước. Mô hình cơ bản trong lịch sử Việt Nam hiện đại là sự bất lực cố hữu của những người không cộng sản để đối phó với những sôi động của thời đại họ. Chỉ Đảng Cộng sản mới có thể lấp một khoảng trống như vậy. Thắng lợi của Đảng không phải chỉ đơn thuần nhờ vào khả năng của chính họ mà còn do trên thực tế không có bên chống đối quan trọng nào chống lại chế độ thực dân Pháp và chống lại tác động sâu sắc của Chiến tranh thế giới thứ hai đối với chế độ đó.

Năm 1858 người Pháp tiến hành cuộc chinh phục triều đình nhà Nguyễn suy tàn và kết thúc năm 1884 với việc chia Việt Nam thành ba đơn vị hành chính: Bắc Kỳ ở phía bắc, Nam Kỳ ở phía nam và Trung Kỳ ở giữa. Việc Pháp thay đổi trật tự cổ truyền đã đẩy nhanh những biến đổi tư tưởng và văn hóa sâu sắc của những thành phần tinh túy và có học thức của xã hội Việt Nam. Trong nửa đầu của thế kỷ XIX triều đình nhà Nguyễn đã tìm cách Trung Hoa hóa những luật pháp và thể chế của Việt Nam để củng cố quyền lực của mình, mở rộng hố ngăn cách giữa bản thân họ với nhân dân. Đồng thời họ cũng bị lôi kéo vào hàng hóa và kỹ thuật phương Tây, tuy họ chống lại cố gắng được Pháp ủng hộ và ngày càng có hiệu lực nhằm truyền bá đạo Thiên chúa. Kết quả là hệ tư tưởng Khổng giáo của nhà vua càng thêm yếu đi khi một loạt các quan niệm mới tràn vào toàn bộ đất nước qua nhiều cảng dọc theo bờ biển.

Sự cộng tác của triều đình với người Pháp đã giảm nhiều tính chính thống cổ truyền, tuy một số các học giả tầng lớp quý tộc rải rác ở các thôn xã trong cả nước vẫn tiếp tục sử dụng những biến thể của đạo Khổng. Cùng với số lớn những quan chức có khả năng nhưng không được sử dụng, họ trở thành một lực lượng chống đối thực sự tuy khá dễ bị điều khiển và mang một tâm lý hoài cổ làm cho nền văn hóa cổ truyền vốn đã mong manh càng trở nên mong manh dưới tác động của nền văn hóa phương Tây mà chủ yếu là văn hóa Pháp.

Sự cộng tác của tầng lớp trên với chủ nghĩa thực dân cũng xác định trước nội dung thiết yếu của nền chính trị cũng như của sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Cộng tác với người nước ngoài hay chống lại họ và những đồng minh địa phương của họ, cuối cùng cũng sẽ là một quá trình gạt bỏ những cơ sở chính trị và kinh tế của tầng lớp trên. Người Pháp tự mình không thể phá hủy được trật tự cổ truyền của Việt Nam. Chính chủ nghĩa cơ hội và tính hám lợi của giới thượng lưu đã làm việc đó cho Pháp và tạo thành một khoảng trống chính trị và làm cho cách mạng Việt Nam trở nên tất yếu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:32:51 pm »

RUỘNG ĐẤT VÀ CUỘC KHỦNG HOẢNG NÔNG THÔN

Tác động kinh tế chủ yếu của người Pháp là đối với chế độ ruộng đất, một vấn đề xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam hiện đại như một sợi chỉ chính. Những hoạt động không liên quan đến ruộng đất của họ, tuy quan trọng, nhưng chỉ ảnh hưởng đến một số nhỏ lực lượng lao động sau năm 1918. Người Pháp đã làm tăng thêm và đẩy nhanh cuộc khủng hoảng ruộng đất, làm tổn thương bất kỳ một sự liên kết đã có nào trong một xã hội ruộng đất, và tạo nên những điều kiện tiên quyết khách quan cho kế hoạch động viên triệt để và hiệu lực về sau.

Ruộng đất là tài sản quan trọng nhất người Pháp dùng để nuôi dưỡng chính quyền thuộc địa và để bóc lột đất nước, nhưng vì đồng bằng sông Cửu Long ở Nam Kỳ ít dân, với những đầm lầy nước mặn cần tiêu nước quy mô lớn, cho nên đầu tiên họ tìm cách sử dụng ruộng đất tốt hơn và thuần thục hơn nhiều của đồng bằng sông Hồng đông dân ở Bắc Kỳ. Bất chấp sự chống đối địa phương, người Pháp cấp số lớn ruộng đất cho một số ít thực dân Pháp và thậm chí cho số đông những người cộng tác Việt Nam của họ như những quan chức nhỏ, những người đày tớ, những người thân tín và những người có ích cho bộ máy nhà nước mà người Pháp áp đặt lên khu vực.

Ruộng đất trở thành cốt yếu cho việc củng cố quyền lực thực dân của Pháp, và sau năm 1900 đồng bằng sông Cửu Long ở Nam Kỳ, và với một mức độ thấp hơn, đồng bằng ở Trung Kỳ, đã trở thành nguồn cung cấp mới. Những vùng đất nhượng lớn của những khu vực biên giới chủ yếu thưa người, được cấp cho người Pháp và người Việt Nam để họ cải tạo và huy động nhân lực, hoặc với tư cách là tá điền hoặc với tư cách là lao động được thuê để canh tác. Mặc dù những số liệu không hoàn toàn nhất quán, nhưng tất cả các cách làm trên đây đã đưa đến một chế độ sở hữu ruộng đất cực kỳ không bình đẳng ở Việt Nam, một sự biến đổi sâu sắc chế độ ruộng đất hiện có, và một sự thay đổi trật tự cổ truyền nặng về hoạt động trong nước bằng một trật tự mới hướng vào xuất khẩu gạo và chịu ảnh hưởng của giá cả thế giới, của những địa chủ mới hám lợi và của một loạt các vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng.

Vào khoảng năm 1931 số dân của Nam Kỳ đã đến 4 triệu rưởi, gần ba lần con số năm 1880; hai phần ba đất nhượng cho Pháp nằm ở đó và gần một phần năm nữa ở Trung Kỳ. Không kể một số những người Việt Nam tầng lớp trên lấy quốc tịch Pháp, vào năm 1940 địa chủ Việt Nam chiếm hai phần ba đất nhượng ở Nam Kỳ và một tỷ lệ có phần nhỏ hơn trên khắp Đông Dương. Trên thực tế, người Pháp đã tạo ra một giai cấp địa chủ địa phương ngày càng "Gô-loa" hóa, được hưởng đặc quyền nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ cai trị thuộc địa.

Vào cuối những năm 1930, 6.200 địa chủ ở Nam Kỳ với trên 50 héc-ta ruộng đất mỗi tên, đã sở hữu 45 phần trăm diện tích trồng lúa và con số đó đã được giữ vững như vậy trong hai mươi năm tiếp sau. Khoảng 60.000 địa chủ khác chiếm 37 phần trăm nữa, và ít nhất là ba phần năm đồng bằng là do tá điền cày cấy trong khi gần ba phần năm nhân dân nông thôn không có ruộng đất.

Ở xứ Bắc Kỳ hiếm đất, vào cuối những năm 1930, 20 phần trăm đất trồng lúa thuộc những địa chủ với 50 héc-ta trở lên, 20 phần trăm khác thuộc những địa chủ từ 5 đến 50 héc-ta. Số địa chủ trên chiếm 2 phần trăm số địa chủ trong vùng. Nếu đất ở miền Bắc được phân phối có phần bình đẳng hơn, thì cũng có nhiều người có ruộng hơn nhưng phần ruộng của họ quá ít nên đời sống của họ nói chung là mong manh hơn những nông dân ở dọc sông Cửu Long.

Những con số trên đây khó mà giải thích nỗi khổ cực tràn lan của những nông dân trên khắp Việt Nam. Người Pháp và những người cộng tác địa phương của họ làm khổ quần chúng bằng những cố gắng buôn bán của họ nhằm sản xuất ra gạo để xuất khẩu cho một thị trường thế giới luôn luôn thay đổi. Những bộ máy bóc lột rất nhiều mặt, nhưng nổi bật hơn cả là tô, tiền lãi và thuế.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 10:33:53 pm »

Tùy theo thời gian và không gian, những tá điền nộp tô cho địa chủ 40 đến 60 phần trăm thu hoạch. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tô không tính theo phần trăm mà định sẵn một số lượng nhất định cho một năm "bình thường". Trong những năm mất mùa, tô có thể lên đến 80 phần trăm thu hoạch thực tế. Thêm vào đó, nông dân thường phải làm công không cho địa chủ (hai ngày một tháng ở đồng bằng sông Cửu Long là mức trước 1945) và phải lễ lạt hoặc biếu lương thực, thực phẩm. Nhưng lợi lộc chính của địa chủ thường là cho tá điền vay với lợi tức hàng năm là 50 đến 70 phần trăm, thường là cao hơn. Lợi tức đối với những số tiền nhỏ có thể lên đến 3.600 phần trăm năm. Cho vay nặng lãi với hình thức cực đoan của nó, đã làm hại cho tất cả các tầng lớp của trật tự kinh tế và ngay những địa chủ đầu cơ ruộng đất và vay nhiều tiền cũng trở thành nạn nhân của chế độ đó.

Không kém phiền hà cho nông dân là việc người Pháp tiền tệ hóa nền kinh tế nông thôn bằng cách đánh thuế ruộng đất, giữ độc quyền về muối và bằng những bắt buộc và đòi hỏi khác, làm cho nông dân phải trả tiền mặt do đó mà rơi vào tay những người cho vay nặng lãi. Và vì thuế không được giảm khi giá cả hạ xuống, nên tác động đối với nông dân thường là tai hại. Thảm họa từ các nhân tố đó đã xảy ra khi giá gạo ở Sài Gòn hạ xuống hai phần ba từ năm 1930 đến năm 1933, theo sau cuộc đại khủng hoảng thế giới. Từ năm 1920 đến cuộc suy sụp, những địa chủ ở đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng sản lượng và đầu cơ tích trữ nặng nề. Vào năm 1933, một nhóm các địa chủ lớn, nắm trong tay ít nhất một phần sáu đất canh tác, bị rơi vào tình trạng khốn đốn nghiêm trọng về tài chính. Những xu hướng như vậy nói lên sự biến đổi liên tục trong giới địa chủ và tình cảnh khổ cực ngày càng tăng của nông dân.

Vào lúc Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu, tình hình ruộng đất ở Việt Nam biến chuyển nhanh chóng, bần cùng hóa đại bộ phận nông dân và tạo ra sự thiếu thốn và không an toàn trong cuộc sống của họ. Và ngay một bộ phận của giai cấp trên mới của Việt Nam, đã từng hưởng lợi nhất trong chế độ mong manh của Pháp, cũng tỏ ra thứ yếu và dễ bị tổn thương.

SỰ XUẤT HIỆN MỘT GIAI CẤP NỬA CÔNG NHÂN

Nền kinh tế nông nghiệp trở nên thứ yếu khi người Pháp lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng đặc biệt là sau năm 1918 khi các lĩnh vực đô thị và chế độ ăn lương của Việt Nam phát triển. Các hoạt động kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp không bao giờ được tách bạch ra một cách rõ ràng, nhất là về mặt cung cấp lao động và về mặt nông phẩm xuất khẩu. Thực chất chương trình kinh tế của Pháp là kết hợp một số tư bản và kỹ thuật tương đối nhỏ với việc bóc lột chiến lược một nhân lực lớn dư thừa và rẻ của Bắc Kỳ cho việc phát triển các khu vực xuất khẩu đòi hỏi nhiều lao động.

Người Pháp đã đầu tư 14,2 tỷ phăng cho các quỹ công cộng ở Đông Dương cho đến năm 1939 và 11,6 tỷ đầu tư tư nhân, hầu hết đầu tư tư nhân đã vào sau năm 1918. Tác động xã hội của sự công nghiệp hóa tương đối nhỏ đó đã vượt quá rất nhiều vai trò kinh tế, bởi vì nó cấp tiến hóa một bộ phận có ý nghĩa của quần chúng nhân dân. Thủ tục và thực tiễn đầu tư của Pháp ở Việt Nam là quyết liệt và bóc lột nhất trong thế kỷ thứ XX. Một nửa đầu tư công cộng đi vào đường sắt và trong số 80.000 người lao động thuê để xây dựng con đường từ Hà Nội đến biên giới Trung Quốc, được khai thông năm 1910, gần 30 phần trăm đã chết khi làm việc.

Giai cấp công nhân của Việt Nam rất nhỏ, năm 1931 chỉ có 221.000 trong một nước có 17 triệu dân. Hơn một phần ba số công nhân đó làm việc trong các đồn điền, chủ yếu là cao su, với tư cách là công nhân hợp đồng bị tuyển mộ, đôi khi bằng vũ lực, chủ yếu từ các xã miền Bắc. Gần như tất cả đều phải chịu đựng gian khổ một cách kinh khủng khi làm việc. Thêm vào đó, 44.000 nông dân được tuyển mộ để làm việc ở Pháp những năm 1916 - 1918; khi họ trở về, các điều kiện hợp đồng lao động đã được "cải thiện" đến mức một công nhân ở Nam Kỳ nghỉ việc không có phép chưa được 48 giờ đã bị tù không quá 60 ngày? Cơ quan lao động quốc tế thông báo năm 1938 rằng lương "thấp một cách bất thường" trong suốt thời gian giữa hai cuộc chiến tranh. Trong bối cảnh như vậy, một giai cấp công nhân nhỏ nhưng với tinh thần chiến đấu cao đã xuất hiện, và những cuộc đình công chủ yếu là tự phát và những hoạt động của công nhân đã ngày càng trở nên thường xuyên trong suốt thập kỷ sau chiến tranh.

Những nông dân Bắc Kỳ làm ở các đồn điền hoặc hầm mỏ và xí nghiệp không thể thích nghi với chế độ làm việc nặng nhọc và phiền hà. Trước mỗi lễ Tết, nhiều người bỏ việc vĩnh viễn và các hầm mỏ thường phải thay phần lớn lực lượng lao động của mình sau ngày lễ. Số lao động được thay thường là tương xứng với điều kiện làm việc tồi tệ và điều này có ý nghĩa là số nông dân được tạm tuyển dụng làm công nhân nhiều hơn nhiều so với số công nhân được tuyển dụng thẳng. Tuy nhiên giai cấp công nhân chủ yếu là quá độ, rất chưa ổn định đó đã hấp thụ một cái gì đó từ đô thị và hầm mỏ, kể cả những tư tưởng ở những nơi dó, và những nông dân đi Pháp thì hoàn toàn tiếp xúc với những đường nét của một thế giới mới và những học thuyết của nó. Tri thức của họ được truyền cho nông dân, nhất là ở Bắc Kỳ, nơi sản sinh ra đại đa số công nhân. Ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản đối với Việt Nam do đó có tầm quan trọng lớn, tuy khó đánh giá bằng những tiêu chuẩn thông thường, đưa lại một sự tổng hợp ghép giữa nông dân và vô sản làm cho những quan niệm chính trị của nhiều bộ phận quần chúng nông thôn trở nên cấp tiến.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM