Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:08:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giải phẫu một cuộc chiến tranh  (Đọc 97086 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #90 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 03:17:07 pm »

TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG CUỘC BÌNH ĐỊNH CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA

Các chính phủ nối tiếp nhau của Sài Gòn đã đáp ứng sức ép không mệt mỏi của Mỹ về các hoạt động bình định, vì vậy đến năm 1967 họ đã dành một nửa cố gắng của quân đội Việt Nam cộng hòa và một cố gắng lớn hơn thế của quân địa phương và dân quân cho chương trình đó. Nhưng việc các nhà lãnh dạo Việt Nam cộng hòa thụ động làm theo các kế hoạch của Mỹ là nhằm để tránh những cuộc tranh luận vô ích và để được tự do đấu tranh với nhau giành sự kiểm soát chính trị. Các chương trình mà Mỹ cho là thích hợp đã được áp đặt lên các sĩ quan hoang mang và thờ ơ, và khi các chương trình đó không được thực hiện nhanh chóng thì các quan chức cấp thấp của Mỹ liền tiếp quản để giám sát.

Chương trình quan trọng nhất của những cố gắng đó là chương trình phát triển cách mạng mà lúc ban đầu là một đề án của CIA lấy những cán bộ nông thôn còn lại của Diệm. Đến năm 1968, lực lượng này lên đến 60.000, nhưng đến năm 1972 thì còn lại một nửa, chia ra thành những đội 59 người, mặc đồ bà ba đen nông dân. Nhiệm vụ của họ được coi như là xây dựng các trường học, các trạm y tế hoặc đại khái là như vậy.

Quân đội Việt Nam cộng hòa không có trách nhiệm bảo vệ các đơn vị đó. Trách nhiệm này là của lực lượng dân quân, nhưng các cán bộ của chương trình phát triển cách mạng không tranh thủ được dân quân cho nên nhiều khi cán bộ chương trình bị tiến công mà dân quân thì án binh bất động. Sự quan tâm chính của cán bộ chương trình phát triển là tự bảo vệ mình chứ không phải cùng sống với nông dân như đã được dự định lúc ban đầu. Nhiều người trong bọn họ tìm nơi an toàn để ngủ ban đêm.

Vào cuối năm 1967, các chuyên gia Mỹ cho rằng Việt Nam cộng hòa đã không hợp nhất được các lực lượng của mình để ủng hộ công cuộc bình định và các đội phát triển cách mạng, theo lời của người trợ lý của Cô-mơ, là đang "thất bại".
Chương trình phát triển cách mạng nhằm xây dựng các xã tự quản cũng thất bại. Và thất bại của chương trình phát triển cách mạng kéo theo với nó sự xa rời của nông dân làm cho mọi thành quả mà Việt Nam cộng hòa giành dược nhờ những thắng lợi của Mỹ cũng bị xóa bỏ.

Cùng với sự đau khổ của nông dân vì đạn dược và vì con em bị lùa vào quân ngũ, chương trình bình định trở thành một món nợ chính trị cho cả Mỹ lẫn Việt Nam cộng hòa, dù cho có một số nông dân rút vào tiêu cực trước sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Nhưng đó không phải là sự rút lui khỏi chính trị hoặc khỏi các vấn đề giai cấp. Đó là "một sự lãnh đạm có phần thân Việt cộng" như các chuyên gia Mỹ khẳng định.

Phần đông những người thận trọng và trung lập nói trên dù sao vẫn giữ một thái độ thù địch cơ bản đối với Việt Nam cộng hòa, đối với những hành động và những mục tiêu của họ, như các nhà phân tích của Ran-đơ nói với Oa-sinh-tơn năm 1969. Từ lúc này trở đi, các nhà vạch quyết định của Mỹ và một số nhà lãnh đạo Việt Nam cộng hòa nghĩ rằng chán ngán chiến tranh và thờ ơ lãnh đạm là phản ứng chủ yếu của nông dân đối với cố gắng của họ. Không ai dám tự lừa dối mình là đã tranh thủ được lòng trung thành của nông dân.

Tướng Trần Đình Thọ, người đứng đầu công cuộc bình định của quân đội Việt Nam cộng hòa, về sau thừa nhận rằng "những cố gắng giành sự thống nhất chính trị và sự ủng hộ của nhân dân đã không thành công".

Nguyên nhân quan trọng nhất của thất bại trong cố gắng bình định của Mỹ là phương pháp tiến hành chiến tranh và tác động kinh khủng của nó với con người. Sự ủng hộ của Mỹ đối với cơ cấu chính trị của Việt Nam cộng hòa cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Cả hai nhân tố đó tạo ra những cản trở không thể nào vượt khỏi để đi đến thắng lợi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #91 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 03:17:44 pm »

NỀN KINH TẾ NÔNG THÔN ĐANG THAY ĐỔI

Cải cách ruộng đất là vấn đề trung tâm của nền chính trị nông thôn trong đầu những năm 1960. Tại cuộc họp tháng 2 năm 1966 với Thiệu và Kỳ, một số người Mỹ chủ chốt nghĩ rằng họ đã giành được sự ủng hộ của công chúng để thực hiện cải cách ruộng đất một cách nhanh chóng hơn . . . Nhưng rất mỉa mai là tác động cơ cấu to lớn của chiến tranh, của chính sách bình định và viện trợ của Mỹ đối với nền kinh tế nông thôn đã thay đổi sâu sắc tình hình ruộng đất. Việc nhiều người tị nạn chạy lên thành phố đã làm giảm nhiều số dân ở nông thôn, thêm vào đó cần phải kể đến con số thương vong của chiến tranh nữa. Việc quân đội Việt Nam cộng hòa tăng thêm nửa triệu quân giữa năm 1964 và năm 1970, cộng với một tỷ lệ nhỏ hơn của quân đội giải phóng nhân dân, đã làm giảm nhiều lực lượng lao động nam giới. Kết quả là thiếu nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long trong suốt phần còn lại của chiến tranh.

Tuy rất khó có một con số chính xác Cơ quan phát triển quốc tế ước tính khoảng 900.000 héc-ta đất bị bỏ hóa từ năm 1964 đến năm 1966. Đến cuối năm 1973, ước tính còn khoảng 560.000 héc-ta bỏ hóa. Từ một nước xuất khẩu gạo năm 1964, Nam Việt Nam trở thành một nước phải nhập 700.000 tấn năm 1967. Và trong phần lớn cuộc chiến tranh, gạo của Mỹ đã được bán cho Việt Nam cộng hòa với giá thấp hơn giá thế giới để tránh một cuộc khủng hoảng về lương thực trong các thành phố. Đó là lý do không khuyến khích nông dân trở lại sản xuất gạo, tuy các chuyên gia Mỹ thấy đó là một xu hướng có hậu quả lâu dài rất tai hại. Hơn nữa trồng lúa cũng rất nguy hiểm vì người nông dân dễ lâm vào những cuộc tiến công. Mặt khác thị trường các sản phẩm phụ như rau và quả, trong các đô thị và các căn cứ Mỹ được mở rộng nhanh chóng và thu được giá cao hơn. Được cả Mỹ và Việt Nam cộng hòa khuyến khích, nông dân lao vào sản xuất các sản phẩm phụ quanh nhà, ít sợ bị tiến công. Địa chủ thì không kiếm đâu ra tá điền mặc dù luôn luôn giảm mức tô. Vào khoảng năm 1966, địa chủ hướng tư bản của họ vào đô thị để xây dựng và để làm những ngành công nghiệp phục vụ cho người Mỹ. Nếu nhìn một cách thuần túy kinh tế thì đời sống người nông dân có phần dược cải thiện, do đó anh ta không còn cần đến cải cách ruộng đất nữa. Thực vậy cải cách ruộng đất có thể có lợi cho địa chủ hơn là cho nông dân.

Nhu cầu khẩn thiết nhất của nông dân là an ninh và sống còn. Đồng thời, thế giới kinh tế của anh ta cũng bị thay đổi một cách nhanh chóng làm cho những nhiệm vụ chính trị của cả Mỹ lẫn Cách mạng trở nên phức tạp hơn nhiều. Sự kết hợp của chiến tranh của những “thảm kịch cá nhân tàn nhẫn” và của đổi mới kỹ thuật, cũng như sự gián đoạn giữa quá khứ dù cho rối loạn đến đâu với hiện tại đang thay đổi một cách nhanh chóng, gây ra cho nông dân vô vàn thách thức và bối rối.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #92 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 03:18:48 pm »

chươg hai mươi
TÍNH CHẤT VÀ NHỮNG HẬU QUẢ CỦA HAI ĐỘI QUÂN VIỆT NAM

TÍNH CHẤT CỦA HAI ĐỘI QUÂN: SĨ QUAN VÀ CÁN BỘ

Sau năm 1963, trung tâm chính trị của Việt Nam cộng hòa là giới sĩ quan, và chính trị là mối quan tâm của đa số lớn các sĩ quan cấp cao. Trở thành được một sĩ quan có nghĩa là mon men giành được sức cơ động về xã hội, chính trị và kinh tế. Xuất thân từ những thành phần có đặc quyền ở đô thị và tương đối được học hành tốt hơn, giới sĩ quan là chốn ưa chuộng của những kẻ tham lam. Quyền lực chức tước và sự nghiệp ám ảnh phần đông bọn họ, và người Mỹ ở Sài Gòn thường phàn nàn về mối quan tâm suy nghĩ của bọn họ, đặc biệt là phàn nàn rằng những binh lính có khả năng thuộc các tầng lớp xã hội nghèo hơn không bao giờ được đưa lên những địa vị có trách nhiệm về quân sự.

Các sĩ quan cấp dưới và cấp giữa có trước mặt họ vô số những con đường kinh tế. Sau chiến tranh, tướng Cao Văn Viên thống kê thành hai mươi mốt hình thức tham nhũng thông thường trong quân đội Việt Nam cộng hòa: từ tham ô công quỹ, gian lận lương tiền và mức ăn của binh lính, đút lót của những người ký hợp đồng, bán chức tước và những nhiệm sở an toàn và tuồn nhiên liệu và thuốc men ra thị trường tư nhân cho đến việc buộc các cơ quan đơn vị khác trả tiền vận chuyển thậm chí tiền yểm trợ bằng trọng pháo khi chiến đấu. Toàn bộ hệ thống quân đội Việt Nam cộng hòa tham nhũng trên cơ sở hàng ngày cho đến đơn vị thấp nhất.

Nguồn thu nhập phổ biến nhất là cái gọi là lính ma, lên đến một phần tư, chưa bao giờ dưới một phần mười của tổng số vào bất kỳ lúc nào. Lính ma là những lính đã chết, những lính đào ngũ hoặc những lính đã chuyển sang làm công tác dân sự, mà cấp trên bỏ túi tiền lương và trợ cấp. Bản thân Thiệu cũng là người được chia một phần thu nhập béo bở của thủ đoạn làm tiền đó. Mối quan hệ của sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa với binh lính phản ánh hệ thống làm tiền đó và hệ thống này về phần mình cũng phản ánh mối quan hệ của binh lính với nhân dân.

Còn một vấn đề cũng quan trọng là tính chất đô thị hoặc đô thị hóa của sĩ quan bên cạnh nguồn gốc chủ yếu là nông thôn của binh lính, do đó đã tạo ra một khoảng cách to lớn về thái độ, cách cư xử và giao dịch giữa họ với nhau.

Vấn đề lãnh đạo quân đội cách mạng tất nhiên là hoàn toàn khác vì đó là do những cán bộ chính trị thực hiện. Lầu Năm Góc phân tích tỉ mỉ hệ thống cán bộ và Ran-dơ Coóc-pô-rê-sơn, chịu trách nhiệm về việc phân tích đó đã đưa ra nỗi kinh sợ và khâm phục đối với cán bộ cách mạng. Ran-đơ, chỉ tập trung đánh giá những cán bộ cấp thấp, có quan hệ trực tiếp với binh sĩ thường.

Những cán bộ chính trị trong các lực lượng chủ lực đóng vai trò người cha, người anh, và người bạn đối với binh sĩ. Nhiệm vụ chính của họ là giữ quan hệ giữa các cấp với binh sĩ. Trao đổi, khuyến khích và khêu gợi tình cảm của họ là nhằm giữ một tinh thần cao trong những lúc rất gian khổ và khó khăn. Thuộc nguồn gốc bần nông ở miền Nam, họ không hề có sự cách biệt thành thị nông thôn thường chia rẽ sĩ quan Việt Nam cộng hòa và binh lính. Họ còn có quyền kiểm soát các quyết định quân sự ở cấp cao nhất nếu cần. Điều này làm cho các sĩ quan không thể không lo lắng đến tác động chính trị của hành động họ hoặc đến nhu cầu của binh sĩ họ. Đảng muốn xây dựng một đội quân dựa trên nhưng "nguyên tắc dân chủ" chứ không phải một đội quân hình thức trong đó cấp trên cũng có gặp cấp dưới nhưng lại đâu rồi vào đấy như không có gì xảy ra. Những chỉ thị quân sự của Đảng làm rõ rằng sự giao tiếp là thiết yếu và tuy các sĩ quan phải giữ cho kỷ luật được thực hiện, nhưng nhất thiết không được trở thành "quân phiệt và gia trưởng". Cuối cùng, chính cán bộ phải chịu trách nhiệm toàn bộ quân đội.

Trong giờ làm việc, cấp bậc rất được tôn trọng nhưng sau đó thì họ đối xử với nhau như anh em. Hầu hết xuất thân từ nông thôn, lương tiền và cách sống của họ loại bỏ mọi khác biệt về vật chất đã từng tồn tại trong hàng ngũ quân đội Việt Nam cộng hòa.

Cán bộ tất nhiên là tiến bộ hơn về mặt tư tưởng và phải là cá nhân gương mẫu để binh sĩ có thể kính trọng và noi theo. Cán bộ dám công khai nhận sai lầm để người khác theo đó mà sửa chữa sai lầm của mình. Cán bộ phải kiên nhẫn, biết "thương yêu và quan tâm" đến binh sĩ như người anh hoặc người chú. Cán bộ phải biết hy sinh "đời tư của mình" và các mối quan hệ gia đình cổ truyền để xem các đồng chí của mình như cùng gia đình, vì lợi ích của Cách mạng.

Một khi tính liêm khiết đã được xác nhận trước con mắt của binh sĩ, cán bộ không cần phải dùng đến mệnh lệnh và kỷ luật nữa. Ho hiểu rõ những lo buồn, đơn độc và thiếu thốn của binh sĩ nên tìm mọi cách làm giảm nhẹ một phần bằng cố gắng bản thân nhưng chính là bằng việc xây dựng tình đoàn kết thực sự giữa những người cùng chiến đấu.

Những chuyên gia của Ran-đơ báo cáo với Lầu Năm Góc rằng: Quân đội Việt cộng có vẻ như không có kỷ luật một cách rất đáng ngạc nhiên với quy tắc áp dụng chung là thuyết phục chứ không phải mệnh lệnh, kiên nhẫn chứ không phải hình phạt".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #93 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 03:20:02 pm »

HÀNG NGŨ BINH SĨ THƯỜNG

Khi cuộc chiến tranh mới bắt đấu, số lính mới tuyển của quân đội Việt Nam cộng hòa cũng như của các lực lượng Giải phóng nhân dân và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung khá thuần chất, nhưng lính của Việt Nam cộng hòa càng ngày càng tuyển mộ nhiều từ hàng ngũ dân nghèo thành thị. Sĩ quan của họ chủ yếu là thuộc nguồn gốc đô thị. Ngoài việc đội quân đô thị hóa không quen đánh ban đêm hoặc tiếp xúc có hiệu quả với nông dán, họ còn phụ thuộc một cách điển hình vào việc đi lại bằng xe động cơ. Nhưng vấn đề chính của quân đội Việt Nam cộng hòa, ít nhất theo quan điểm của Mỹ, là vấn đề lấy quân không công bằng một cách nhục nhã. Khi lực lượng quân đội tăng lên, người ta sục vào khắp nơi; nhất là các đô thị để đuổi bắt những người vì yếu quá mà không chạy trốn được. Những người bị cưỡng bức mang theo đầy những thói hư tật xấu của hệ thống đô thị đang trong quá trình tan rã, kề cả những tệ nạn đường phố và mánh khóe bảo mạng cho cá nhân mình. Những lính tuyển từ nông thôn, nhanh chóng học theo thói quen đô thị của đồng đội và nhanh chóng đô thị hóa.

Quân đội giải phóng nhân dân là một đội quân nhỏ hơn nhiều và được lựa chọn kỹ hơn. Họ được giáo dục tốt hơn và thông minh hơn, họ có nhiều quyền lợi nếu Mặt trận Dân tộc Giải phóng thắng. Đó là cơ sở vững chắc cho một quân đội. Cách mạng và Việt Nam cộng hòa xây dựng các lực lượng rất khác nhau.

Tính chất xã hội của quân đội Việt Nam cộng hòa làm cho nó trở thành khác thường bởi vì đó thực sự là một cơ cấu nửa dân sự gồm những binh lính bị cưỡng bức, ngày càng buộc phải tự tìm cách sống sót bằng trí thông minh của chính mình. Ngay khi các nhà lãnh đạo và sĩ quan Việt Nam cộng hòa lợi dụng cơ cấu đó, họ cũng tìm cách một phần biến quân đội chính quy thành một công cụ xã hội với những hậu quả quân sự và chính trị xã hội tai họa.

Khác với các binh sĩ cách mạng, quân đội Việt Nam cộng hòa thường không sống và chiến đấu như một đơn vị xã hội. Vào năm 1968, 23 phần trăm quân đội Việt Nam cộng hòa có thu nhập phụ ngoài quân đội. Những người khác là những lính ma.
Tóm lại họ không phải là những binh lính làm việc trọn ngày. Tất cả thành viên của quân đội Việt Nam cộng hòa phải ở tại ngũ cho đến tuổi 45; do đó 46 phần trăm có gia đình ở gần hoặc ở trong đơn vị. Quân đội Việt Nam cộng hòa để cho phần đông binh lính ở lại vùng tuyển quân của họ do đó mà làm mất tính cơ động, và dự trữ chiến lược của quân đội. Năm 1968, 74 phần trăm lực lượng đã có vợ. Mỗi binh lính có vợ đó, có trung bình 3,9 con. Nói một cách khác năm 1968, vợ và con của lực lượng vũ trang Việt Nam cộng hòa lên đến khoảng 3 triệu người, tức là 17 phần trăm toàn bộ nhân dân miền Nam. Số người sống với vợ hoặc sống gần chồng hoặc cha là trên một triệu và có thể là đến 1,8 triệu. Điều này có nghĩa là thêm vào chiến lược đóng quân tại chỗ quân đội Việt Nam cộng hòa luôn luôn bị níu chặt chân ở trong hoặc gần các căn cứ của họ bởi những người thân mà số lượng còn lớn hơn bản thân quân đội rất nhiều. Và số người khốn khổ, đông đúc đó lại tăng lên sau năm 1968 cả về số lượng tuyệt đối lẫn tăng lên một cách tương đối.

Những quân nhân có vợ từ cấp trung sĩ trở lên có thể sống ở ngoài căn cứ. Điều này giải quyết một số vấn đề tinh thần, nhưng lại tạo ra những vấn đề khác. Nhiều binh lính Việt Nam cộng hòa không ăn chung với nhau và việc nấu ăn chiếm một số quan tâm khác thường của họ. Năm 1968, 42 phần trăm tất cả các đơn vị không có đơn vị phục vụ ăn uống và binh lính phải dành tiền để tự nấu lấy ăn. Phần lớn thì giờ của quân đội được dành cho những việc đại loại như vậy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #94 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 03:21:19 pm »

Đối với Cách mạng, việc giữ vững tinh thần trong những điều kiện có những thách thức đáng sợ và những thiếu thốn mọi bề, là vô cùng cần thiết cho sự sống còn và đã trở thành một nhân tố lớn để hình thành cuộc sống của quân đội. Các binh sĩ quan hệ với nhau như "anh em trong một gia đình". Cán bộ thì tìm cách giúp cho binh sĩ vượt những lo sợ cá nhân và làm cho họ thấy được sức mạnh tập thể và đủ sáng suốt để khắc phục những khó khăn. Tự phê bình được khuyến khích và phê bình và tự phê bình thường thay cho các hình phạt quân sự.

Quân đội cách mạng chiến đấu vì một sự nghiệp chính nghĩa. Nhiều nông dân nghèo biết rằng thắng lợi sẽ đưa lại an ninh vật chất và công bằng cho gia đình và thôn xóm họ. Đảng tìm cách làm cho mọi binh lính hiểu rõ điều đó và luôn luôn thừa nhận rằng đội quân hùng mạnh nhất là đội quân có ý thức chính trị rõ rệt.

Cũng rất cần biết là các binh sĩ cách mạng có một ý thức về so sánh lực lượng và về khả năng thắng lợi của mình Người Mỹ rất lấy làm ngạc nhiên là hai phần ba những binh sĩ bị bắt vẫn còn tin là Mặt trận Dân tộc Giải phóng sẽ thắng chiến tranh.

Nhìn chung lại, quân đội cách mạng rất thành công trong việc giáo dục binh sĩ của mình. Những người Mỹ có tiếp xúc với Cách mạng hiểu được kết quả nhưng không hiểu được nguyên nhân. Một thiếu tá các lực lượng đặc biệt Mỹ bị vây tháng 10 năm 1965 thừa nhận rằng những người tiến công anh ta là "những binh sĩ giỏi nhất mà tôi thấy trên thế giới trừ người Mỹ. Tôi muốn biết người ta cho họ uống thứ thuốc gì để làm cho họ chiến đấu như vậy, họ có động cơ cao thượng và dốc lòng một cách tuyệt diệu" (xem Thời báo Niu Yoóc, 26-lO-1965).

Cả hai bên đều có binh sĩ bỏ ngũ. Trong khi Cách mạng chỉ bỏ ra một ít thì giờ vận động binh lính Việt Nam cộng hòa bỏ ngũ thì quân đội Mỹ và Việt Nam cộng hòa dành ra những số tiền lớn cho công tác chiêu hồi của họ. Số đào ngũ của Cộng sản là khoảng 108.000 từ 1965 đến năm 1971, trong đó dưới 200 là sĩ quan cấp cao và dưới 1.000 là nhân viên quân sự trung cấp. Dưới một phần năm là thuộc lực lượng chính quy. Người đào ngũ trung bình là du kích địa phương bình thường có mối bất bình nào đó và, nhiều khả năng hơn, là vì không chịu được sự xa cách gia đình hoặc gian khổ của chiến tranh. Nếu anh ta muốn trở lại quân đội cách mạng sau một thời gian, thì anh ta không gặp khó khăn gì và nhiều người đã làm như vậy.

Trước những nguy hiểm to lớn hơn nhiều và những khó khăn hàng ngày, việc binh sĩ cách mạng ít đào ngũ nói lên sự hiệu quả của tổ chức và mục tiêu cách mạng đồng thời nói lên khả năng của Cách mạng giữ cho người mình ít bị căng thẳng do cuộc xung đột kéo dài.

Bắt đầu từ năm 1967, Cách mạng cho một số người "liên minh" và tham gia các đơn vị của dân quân Việt Nam cộng hòa hoặc tham gia một số chức vụ ở đô thị. Cuối năm 1970, Mỹ xem những vụ "đào ngũ" giả đó là một đe dọa ngày càng tăng.

Đào ngũ luôn luôn là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều đối với Việt Nam cộng hòa; phải chăng vì những người đào ngũ vẫn còn trong danh sách số quân và các sĩ quan tiếp tục lãnh lương của họ? Nhưng điều quan trọng là không ai biết được số quân trong đơn vị khi đưa đơn vị đi chiến đấu. Số đào ngũ trong quân đội chính quy nhiều hơn nhiều so với lực lượng địa phương và dân quân vì số này sống gần nhà của họ. Và sự đào ngũ thường xảy ra trước mùa chiến đấu, nghĩa là vào lúc cần họ nhất. Số lượng đào ngũ rất lớn 113.000 năm 1965 và 138.000 năm 1972, đưa tổng số lên gần một triệu trong khoảng thời gian đó. Nhìn chung lại thì trung bình trong mỗi năm quân đội Việt Nam cộng hòa mất đi 30 phần trăm lực lượng chiến đấu vì đào ngũ.

Ngoài việc lãnh đạo tồi và huấn luyện kém, các tiểu đoàn Việt Nam cộng hòa trong suốt cuộc chiến tranh đi vào chiến đấu với số quân ít đi 25 phần trăm so với số quân chính thức được có. Số quân đào ngũ và bị thương vong luôn luôn bị báo cáo thấp đi. Và khi cuộc chiến tranh tiến triển thì vấn đế đào ngũ tăng theo và sức chiến đấu lại vì nó mà giảm sút. Nếu kể cả quy mô quân đội của hai bên thì tỷ lệ đào ngũ của toàn các lực lượng vũ trang Việt Nam cộng hòa luôn luôn là từ hai đến ba lần tỷ lệ đào ngũ của Cách mạng. Nhưng nếu chỉ lấy những đơn vị chiến đấu chính quy thì tỷ lệ đó ít nhất là 20 lần hoặc lớn hơn, đôi khi còn gấp đôi con số đó. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #95 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 11:41:03 pm »

Chương hai mươi mốt
NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐỐI VỚI CHIẾN TRANH TỔNG LỰC

Đảng Cộng sản ở Việt Nam tồn tại với tư cách vừa là một nhà nước ở bắc vĩ tuyến 17 vừa là một phong trào kháng chiến ở nam vĩ tuyến đó. Khả năng của Đảng tiến hành cuộc chiến tranh phản ánh chỗ mạnh và chỗ yếu ở miền Nam cũng như quyền lực của bộ phận Đảng ở miền Bắc tức là bộ phận lãnh đạo chiến tranh. Miền Bắc luôn luôn được tuyên bố là hậu phương lớn của cuộc chiến tranh ở miền Nam và khi các hàng ngũ Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị mỏng đi, thì Việt Nam dân chủ cộng hòa cam kết cung cấp nhân lực và vật lực cần thiết để tiếp tục cuộc đấu tranh chung.

Trước kia trong cuộc chiến tranh chống Pháp, Đảng đã thắng lợi bởi vì Đảng biết phát hiện và sử dụng những vấn đề xã hội và chính trị để động viên quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những việc làm quan trọng nhất của Đảng lúc đó là cải cách ruộng đất và quyết tâm thành lập một Đảng lớn mạnh của giai cấp vô sản trong một quốc gia không có giai cấp công nhân.

Một số vấn đề mà Đảng phải đối phó trong đầu những năm 1960 cũng không khác gì về chất với những vấn đề của thập kỷ trước. Mối tác động qua lại giữa Đảng và quần chúng nhân dân là động lực của Cách mạng cho đến khi Mỹ xâm lược ào ạt miền Nam và đó cũng vẫn là công thức để giành thắng lợi trong phần còn lại của cuộc chiến tranh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #96 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 11:41:44 pm »

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ SỰ HUY ĐỘNG QUẦN CHÚNG

Biết rằng tài năng, nghị lực và sự cam kết của nhân dân có thể đưa lại thắng lợi cho chiến tranh, Đảng tiếp tục điều mà họ gọi là "đường lối quần chúng".

Đảng luôn luôn chủ trương gần gũi quần chúng và tìm hiểu dư luận của họ. Đường lối quần chúng cũng bao gồm việc thành lập một Đảng quần chúng, làm giảm bớt tính riêng biệt của Đảng. Sau năm 1965 "đường lối quần chúng" là một vấn đề phân bớt quyền lực và trách nhiệm xuống dưới để cho cố gắng chiến tranh thêm hiệu quả . . .

Chính sách của Đảng đối với quần chúng là chìa khóa cho hai khía cạnh cốt yếu của cuộc chiến tranh. Một là vai trò của Đảng trong việc động viên nhân dân dành hết thì giờ và nếu cần hiến dâng cả cuộc đời mình để bảo vệ đất nước. Đảng biết rõ rằng nếu không có sự cần cù làm việc hết giờ này qua giờ khác của nhân dân dưới những điều kiện vô cùng thô sơ, sau khi phải đứng gác máy bay, nếu không có những hy sinh như vậy thì chiến tranh sẽ thất bại. Tiếp theo là, Đảng được mở rộng nhanh chóng không thể một mình làm chủ được những trách nhiệm quản lý mới của toàn bộ cuộc đấu tranh. Và quần chúng có khả năng tốt nhất để giúp Đảng theo dõi và kiềm chế những đảng viên quá mới.

Đường lối quần chúng và sự động viên của Việt Nam dân chủ cộng hòa tỏ ra là một phương pháp rất có hiệu quả và nếu không làm được như vậy thì sự sống còn của Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ bị nguy hại hay ít ra sẽ không đủ khả năng để duy trì cuộc chiến tranh ở miền Nam. Lý thuyết và thực hành được tổng hợp lại và giúp cho việc giảm đến mức tối thiểu ở Việt Nam nạn quan liêu rất rõ trong các đảng mác-xít lê-nin-nít cầm quyền khác. Vào năm 1968, dù cho những nhược điểm và những mâu thuẫn có thế nào đi chăng nữa, Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thành một xã hội nhất thể hóa ở mức cao, lấy sự nhất trí của quần chúng làm cơ sở.

Cán bộ và đảng viên ở miền Nam ít khi cần phải được nhắc nhở về mối quan hệ với quần chúng. Chính quần chúng, chứ không phải những cán bộ Đảng đã tạo ra sự tiếp xúc với nhau và sự tiếp xúc này là rất cần thiết cho sự sống còn của cán bộ, đảng viên. Quan hệ với quần chúng là lẽ sống của họ. Vì vậy sự trung thành và kiên trì của họ trong những lúc quần chúng tương đối ít hoạt động và cuộc chiến tranh trở nên nguy hiểm nhất đặc biệt thời gian 1969-1972, là một kỳ công của con người, rất thiết yếu cho thành công của Cách mạng và cho kết quả của chiến tranh.

Mục tiêu của giới lãnh đạo Đảng ở Việt Nam dân chủ cộng hòa là đào tạo cho được những cán bộ mới xứng dáng với nhân dân miền Nam đã trưởng thành một cách kỳ lạ và giữ cho những cán bộ cũ đã từng có những thành tích xứng đáng trước năm 1955 không để mất đức tính vô cùng quý giá đó. Các cán bộ phải nâng cao chất lượng và hiểu biết của họ, phải luôn học tập và nhất là phải sẵn sàng đặt lợi ích của Cách mạng lên trên mọi ý muốn cá nhân.

Các đảng viên lúc ban đầu đầu là con em giai cấp tiểu tư sản, trí thức và nông dân và thuộc các gia đình khá giả theo mức của Việt Nam. Tàn dư chủ nghĩa cá nhân của các giai cấp đó vẫn tồn tại và tuy Đảng không cho rằng nguồn gốc giai cấp định trước số phận của con người, nhưng Đảng cũng không thể tùy tiện gạt nó đi. Đảng áp dụng phê bình và tự phê bình để rèn luyện đảng viên. Tuy Đảng có nhiều cách kết nạp đảng viên, nhưng Đảng vẫn xem xét đề nghị và đánh giá của quần chúng, xem đó cũng là một biện pháp quan trọng. Vào cuối những năm 1960 Đảng nhận ra khuyết điểm đã không kết nạp nhiều phụ nữ hơn trong khi phụ nữ đóng một vai trò ngày càng lớn trong lực lượng lao động.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #97 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 11:42:39 pm »

GIÁ TRỊ VÀ TƯ CÁCH ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG VỚI SỰ THAY ĐỔI XÃ HỘI

Đối với các nhà lãnh đạo Cách mạng, chìa khóa tối hậu cho thắng lợi của Đảng và cho việc đạt được chủ nghĩa xã hội là khả năng đào tạo được những người xã hội chủ nghĩa, cả nam lẫn nữ, có động cơ tốt, có ý thức về vai trò của mình và sẵn sàng lãnh đạo người khác bằng tấm gương và tri thức cá nhân của mình. Không có những con người như vậy Đảng sẽ không thành công. Vậy, đạo đức cách mạng, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa lạc quan cách mạng là gì? Nhân cách và đạo đức cách mạng cuối cùng là sự sẵn sàng hy sinh, từ cách sống hằng ngày mà người đảng viên tự chọn cho mình đến sự sẵn sàng tối hậu chết cho sự nghiệp.

Các nhà lý luận Đảng phân biệt đạo đức xã hội chủ nghĩa với những rơi rớt lại của đạo Khổng mà họ cho là phản động. Họ cũng xem chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi là phản động và tự cho mình đi theo phong trào "yêu nước", một bộ phận không thể tách rời của cách mạng vô sản quốc tế. Không bao giờ họ dùng những khẩu hiệu sô-vanh hoặc bài ngoại để huy động quần chúng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #98 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 11:43:08 pm »

XÁC ĐỊNH MỘT HỌC THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐỘC LẬP

Ngoài những khác nhau rõ rệt so với các Đảng Cộng sản khác, có một thực tế quan trọng hơn là Đảng Việt Nam là đảng duy nhất lên cầm quyền mà sau đó không có nhiều chính sách khác biệt nhau và mâu thuẫn nhau một cách cơ bản làm cho Đảng mất tín nhiệm đối với các nhà lãnh đạo chủ chốt. Đảng Việt Nam gạt bỏ "cách lập luận máy móc và cứng đờ" để nắm tốt hơn những thực tế cách mạng.

Vào giữa những năm 1960, Đảng đã thành công trong việc nghiên cứu sâu các vấn đề phải đối phó về mặt kinh tế quân sự và tư tưởng, và đã phát triển được một chính sách gồm cả ba mặt đó. Điều đáng chú ý là cách lý giải và đánh giá mình và đánh giá kẻ thù của mình. Đảng đã tổng hợp một loạt những nguyên tắc và niềm tin làm cho cán bộ và nhân dân dung hòa được tính lạc quan với thực tế để hành động và hy sinh một cách có lý trí và đoàn kết xã hội. Nhưng Đảng không chủ quan xuất phát từ những tham vọng riêng của mình, trái lại tất cả các điều Đảng đưa ra đều được gắn với những phân tích duy vật ở mức độ cao. Nhìn toàn bộ, những nhận thức như vậy sản sinh ra một học thuyết nhất quán và một loạt những mục tiêu làm thay đổi một cách rất quyết định tính chất của những khả năng lịch sử, đưa lại thắng lợi chứ không phải thất bại.

Cách phân tích của Đảng là nhằm vào đánh giá so sánh lực lượng, gồm việc cân nhắc những mâu thuẫn trong nội bộ phe địch, để đánh giá chỗ yếu của mình và chỗ yếu của Mỹ và bối cảnh quốc tế của Mỹ cũng như hành động của mình. Những đánh giá như vậy đưa lại một cơ sở rất thuyết phục cho tính lạc quan cách mạng và biến nó thành hành động để ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến cán cân lực lượng trong tương lai...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #99 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 11:43:46 pm »

KHÁI NIỆM CỦA ĐẢNG VỀ TỔNG KHỞI NGHĨA

Trong Cách mạng tháng Tám, Đảng Việt Nam lên nắm quyền nhanh chóng chính là vì cuộc đấu tranh ở đô thị và nông thôn đã được kết hợp với nhau trong một tình hình thuận lợi một cách khách quan.

Trong chiến tranh Đảng tin rằng "hình thức cao nhất của sự kết hợp là giữa tổng công kích và tổng khởi nghĩa” nghĩa là một sự kết hợp giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn và giữa quân sự và chính trị. Các cách đánh khác nhau của các lực lượng giải phóng nhân dân vào năm 1967 dã phân tán Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa trên khắp đất nước, làm cho họ dễ bị một cuộc tiến công ào ạt ở nơi và lúc mà Cách mạng chọn ra, kể cả khu vực đô thị. Xét về mặt cân bằng quân sự và nội dung chính trị, từ năm 1966, sự kết hợp giữa tổng công kích và tổng khởi nghĩa là phương tiện tối hậu (chứ không phải độc nhất) của Đảng khi tính đến tính chất đô thị hóa của Việt Nam cộng hòa, khâu yếu nhất của cố gắng Mỹ. Khởi nghĩa và tiến công tác động với nhau, trùng lặp lên nhau, tự xây dựng cho mình để tiến tới và lợi dụng sự phân tán của dịch.

Tổng công kích và tổng khởi nghĩa có thể là đồng thời hoặc nối tiếp nhau. Không nhất thiết nó phải đưa lại thắng lợi cuối cùng nhưng ít nhất sẽ đánh vào "ý chí" của Mỹ và làm tổn hại nghiêm trọng quân đội Việt Nam cộng hòa, chuẩn bị điều kiện cho sự "sụp đổ hoàn toàn” của quân đội đó. Đảng xem khái niệm đó là một công thức linh động, được áp dụng một cách sáng tạo tùy theo các hoàn cảnh và mở ra khả năng có thể thúc đẩy những sự kiện tự phát. Tiền đề của nó cuối cùng là không có khác biệt nông thôn và thành thị, là các đô thị vào cuối những năm 1960 sẽ cơ bản không khác những đô thị vào giữa những năm 1940 và những cuộc khủng hoảng xã hội và kinh tế của các đô thị sẽ thức tỉnh những người bị thiệt thòi và đưa lại những hình thức chống đối thích hợp.

Tình hình các đô thị miền Nam trong những năm 1960 có khác so với tình hình của miền Bắc bị nạn đói kinh khủng của những năm 1944-1945, là lúc mà Đảng đã đưa lại biện pháp để khắc phục nạn thiếu lương thực. Nhưng đồng thời cũng có những giống nhau. Trong những năm 1963-1966 những cuộc khủng hoảng chính trị đô thị đã làm cho những cuộc tiến công của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thêm thuận lợi bằng cách buộc Việt Nam cộng hòa rải quân đội của mình mỏng ra khắp nơi. Tóm lại các cuộc đấu tranh đô thị không phải là những sự kiện từ ngoài đưa vào và Đảng thấy rõ tầm quan trọng của chúng đối với cố gắng của Đảng. Vào năm 1967, nhìn một cách khách quan thì các đô thị đã chín muồi cho sự thay đổi và Đảng muốn lãnh đạo công cuộc đó. Một cuộc khởi nghĩa có thể làm nổi lên những mâu thuẫn tiềm tàng của Việt Nam cộng hòa, phá hủy sức mạnh của nó trong các đô thị và gạt bỏ chỗ dựa thiết yếu của toàn bộ cố gắng Mỹ.

Sự phức tạp của kinh nghiệm đô thị và tình hình dân cư trong chiến tranh vừa thách thức vừa có lợi cho Cách mạng. Cuối cùng Việt Nam cộng hòa đòi hỏi phải có số tiền khổng lồ cho sự tồn tại và ổn định của mình mà, nếu không có nó thì Mỹ chỉ có trong tay một cơ cấu xã hội kinh tế bị bóp méo một cách không thể tha thứ được. Còn Mặt trận Dân tộc Giải phóng, dù có bị cản trở thế nào đi nữa, vẫn có cách để sống sót vô thời hạn. Mỹ tạo ra một Nam Việt Nam đô thị hóa để làm một thách thức cho Cách mạng, nhưng việc đó có thể đưa lại sự sụp đổ của Việt Nam cộng hòa. Vấn đề thực sự không phải là liệu Mặt trận Dân tộc Giải phóng có thể nắm quyền trong các đô thị hay không mà là Việt Nam cộng hòa có thể sống sót được bao lâu xét về gánh nặng chính trị và kinh tế đang đè lên vai nó. Các sự kiện quân sự do đó có thể tác động đến tốc độ mà Oa-sinh-tơn và Sài Gòn phải sử dụng để đối phó với những khó khăn và mâu thuẫn nói trên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM