Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:23:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giải phẫu một cuộc chiến tranh  (Đọc 96865 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2008, 02:12:42 pm »

Tác động đối với cộng đồng người Trung Quốc là rất náo động, gây ra một sự sợ hãi và một cảm giác mất an toàn. Nhưng hầu như tất cả người Trung Quốc không chịu lấy thẻ quốc tịch Việt Nam và chính phủ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan nhảy ngay vào cuộc, bởi vì năm 1948 chính phủ đó đã được giao quyền giúp chọn những nhà lãnh đạo các bang. Người Trung Quốc quyết định đương đầu với Diệm bằng cách mở ra nhiều mặt trận, trước tiên là tiến công đồng bạc Việt Nam và đóng cửa thị trường xuất gạo. Họ cũng ngừng cho nông dân vay tiền và ngừng vận tải đường thủy cho đồng bằng. Sự chống đối của họ khá có hiệu quả nhưng Diệm vẫn kiên quyết, và trong khi người Trung Quốc tìm cách tiếp tục nắm ngành kinh tế như trước bằng cách dùng nhiều hình thức khác nhau, nhưng họ không đầu tư quá mức cần thiết. Mặc dù gia đình của Diệm buộc phải liên minh với nhiều người Trung Quốc khác nhau để thực hiện những kinh doanh của nó, người Trung Quốc không hề lấy lại được lòng tin ở Diệm. Diệm chỉ huy động một lực lượng xã hội quan trọng chống lại chính ông ta. Còn người Trung Quốc thì yên lặng mà chờ đợi.

Một khi hệ thống quyền lực của ông ta được củng cố thành một bộ máy chính trị cá nhân toàn diện, Diệm áp đặt nó vào tất cả các lĩnh vực của xã hội. Đàn áp đô thị là việc dễ làm nhất. Tuy con số chính xác không biết được, một ước tính dè dặt đưa ra con số có 40.000 tù chính trị vào cuối năm 1958 và 12.000 bị giết trong những năm 1955-1957. Các báo chí đều bị đóng cửa và coi đó như việc bình thường.

Một lớp sơn hợp pháp cho việc đàn áp đã được sắc lệnh 47 tháng 8 năm 1956 đưa ra và được củng cố trong luật 10/59 tháng 5 năm 1959 lên án rằng một "người cộng sản" hoặc làm việc với một người cộng sản là phạm tội vô cùng tai hại. Cả hai đều bị đưa ra xử ở tòa án quân sự mà không được chống án và việc đưa ra các đạo luật đó là một lời cảnh cáo mạnh mẽ để nhân dân thấy rằng chế độ sẽ không tha thứ bất kỳ đối thủ nào.

Quyền lực càng tăng thì bắt bớ càng nhiều, và ước tính khoảng 150.000 tù chính trị vào cuối năm 1961 có vẻ hợp lý, tuy con số của Việt Nam dân chủ cộng hòa còn cao hơn nhiều con số mà Việt Nam cộng hòa thừa nhận là 50.000 bị bắt năm 1960. Diệm vây bắt đối thủ mà không cần tính toán gì đến hệ tư tưởng, và những người Việt Nam thân Pháp là đặc biệt dễ bị bắt nhất. Tháng 11 năm 1960, 18 trong số những người cộng tác với Pháp quan trọng nhất, cái gọi là nhóm Ca-ra-ven, ra một tuyên bố chống lại sự đàn áp và nền chính trị của Diệm: "Những cuộc bắt bớ liên tục làm cho nhà giam và nhà tù đầy đến nóc... công luận và báo chí buộc phải im hơi lặng tiếng”. Phần đông những người đó bị quẳng vào tù.

Chế độ chuyên chế và cá nhân hóa của Diệm ngày càng làm cho các quan chức Mỹ có nhiều thắc mắc, nhất là sau khi được biết rõ rằng chức năng tối hậu của quân đội Diệm không phải là tiến hành chiến tranh quy ước hoặc chiến tranh du kích mà là giữ cho Diệm nắm quyền lực. Tuy nhiên Diệm "thân Mỹ", ngay dù cho khi ông ta không chấp nhận lời khuyên của Mỹ. Nếu ông ta rời chức vụ, Oa-sinh-tơn cho rằng Nam Việt Nam có lẽ không thể sống sót được. Mỹ sẵn sàng thừa nhận tính chất độc tài của chế độ Diệm.

Năm 1959, nó còn được xem là ổn định, và tin tức về Diệm trên báo chí Mỹ vẫn còn rất thuận lợi. Vì 85 phần trăm ngân sách quân sự của Việt Nam cộng hòa và hai phần ba ngân sách quân dân sự kết hợp những năm 1955 - 1958 là do Mỹ cung cấp, nên ủy thác của Oa-sinh-tơn cho Diệm là hoàn toàn. Ủy thác đó được duy trì cho đến năm 1963, bất chấp lời cảnh cáo của người đứng đầu nhóm cố vấn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) vào cuối năm 1960 rằng Diệm rồi sẽ phải đương đầu với những vấn đề ngày càng tăng về chính trị và do đó mà cả về quân sự nữa.

Trong khi Diệm kiểm soát mọi mặt của quân đội Việt Nam cộng hòa liên quan đến chính trị, ông ta tuy vậy vẫn sẵn sàng chấp nhận ý muốn của Mỹ tổ chức và huấn luyện đội quân đó. Toàn bộ ngân sách quân sự của Việt Nam cộng hòa đã được soạn thảo theo hướng dẫn của Lầu Năm Góc; chính Lầu Năm Góc quyết định loại trang bị và mức độ xây dựng quân đội. Một thỏa hiệp về quy mô của quân đội đã đạt được sau khi đã thảo luận khá gay go. Nhưng Diệm không cho Mỹ làm gì nhiều hơn cho nền kinh tế ngoài việc cung cấp viện trợ chủ yếu là không hạn chế. Trong năm năm đầu sau giải pháp Giơ-ne-vơ, viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ đã tạo ra những tiền đề và bước đi cho cả hai thập kỷ tiếp theo.

Những suy nghĩ về kinh tế của Diệm là một sự pha trộn ngoại lai của việc chống tư bản theo lối quan lại và những ý kiến phong kiến theo đạo Thiên chúa với nguyện vọng muốn có quyền lực và lợi nhuận cá nhân. Diệm không để cho các nhà kinh tế Mỹ làm cố vấn cho ông ta và ông ta đi vào những chính sách kinh tế mà Mỹ cho là có tính chất báo động. Ngoài việc tiến công vào người Trung Quốc, ông ta cắt giảm sức mạnh kinh tế của Pháp ở miền Nam. Ông ta đồng ý hoàn toàn bảo vệ đầu tư của Mỹ, mà hiện chưa có bao nhiêu. Ông ta quyết định xây dựng một khu vực kinh tế nhà nước với một số xí nghiệp quốc gia về lọc đường, giấy, xi-măng, hàng dệt và nhiều thứ khác. Như vậy là ông ta bác bỏ một nguyên tắc cốt yếu của Mỹ về vai trò của đầu tư tư nhân trong phát triển.

Diệm cũng học cách điều khiển chương trình nhập khẩu và tỷ giá hối đoái bằng một phương pháp mà các quan chức Mỹ lên án nhưng phải chấp nhận trong hai thập kỷ. Nhưng khi hàng xa xỉ bắt đầu được đổ vào một nền kinh tế giẫm chân tại chỗ thì xảy ra một tình trạng mà một quan chức Mỹ năm 1961 nghĩ là một chênh lệch cực độ giữa thành thị và nông thôn và là một trong "những nguyên nhân bất bình chính đưa đến cuộc nổi dậy hiện nay". Chính sách của Mỹ là một chính sách mà mỗi một quan chức Mỹ đều xem là lãng phí đối với Mỹ và đầy nguy hiểm đối với Sài Gòn, nhưng vì những ép buộc về chính trị mà việc trợ cấp cho Việt Nam cộng hòa càng ngày càng tăng. Kết quả là một nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc và không cân đối ngay từ lúc Oa-sinh-tơn bắt đầu bảo trợ cho sự tồn tại của Việt Nam cộng hòa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2008, 02:13:25 pm »

DIỆM VÀ SỰ TẠO RA MỘT KHOẢNG TRỐNG QUYỀN LỰC

Chế độ của Diệm đã tìm được cách biến đổi mọi tầng lớp cổ truyền, bảo thủ của một đất nước bị chia rẽ sâu sắc về mọi mặt đang trong quá trình thay đổi trật tự thuộc địa mà Pháp đã xây dựng trên hơn một thế kỷ. Chế độ gia đình mà ông ta thay vào là một sự kết hợp giữa những nhân tố phong kiến và găng-xtơ (kẻ cướp) nhưng không đưa lại được một phương pháp chia lợi có trật tự. Những sĩ quan trẻ, tham lam mà Diệm thăng chức nhanh hơn những sĩ quan của Pháp trước kia là nhóm duy nhất trong các lực lượng không cộng sản có thể gây ra những biến đổi nhanh chóng, nhưng chỉ có hại cho Diệm và bằng cách dựng lên một kiểu cơ cấu chính trị quân sự. Rất rõ ràng là tháng 11 năm 1960, các sĩ quan đã từng gần gũi với Diệm, tổ chức một cuộc đảo chính hụt để tìm cách thay thế Diệm.

Không có một cơ sở giai cấp hoặc tư tưởng nhất quán nào cho chế độ của Diệm, mà chỉ những công chức gắn liến với một bộ máy chính trị mà bản chất gia đình rất riêng tư làm cho không thể thể chế hóa được. Vì lẽ sống của Diệm và của bất kỳ kẻ kế vị nào có thể có, là quyền lực, cho nên những ai làm việc cho Diệm, muốn hưởng được lợi thì phải là một bộ phận của quyền lực. Phần đông những tư sản mại bản Trung Quốc đáng ra có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc ủng hộ Diệm nếu được làm như vậy, thì lại bị Diệm tiến công về quốc tịch. Cuối cùng chẳng phải là một nhà nước mà cũng không hơn gì một gia đình được nước ngoài ủng hộ.

Việc Diệm phá hủy địa vị của những người đã được trật tự thuộc địa Pháp gây dựng nên đã làm cho xã hội đô thị Nam Việt Nam không ổn định, đưa đến việc lật đổ ông ta năm 1963 và phần lớn tình trạng lộn xộn tiếp theo ở miền Nam. Kinh nghiệm thực dân của Pháp không phải là một vấn đề ngẫu nhiêu đối với đa số những người Việt Nam có học thức ở đô thị. Nền giáo dục và những đạo đức của Pháp ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự xã hội đô thị trước năm 1954 ở miền Nam và cách làm kém thông minh của Diệm tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến xã hội đó.

Diệm có thể tiến công gia sản của Pháp, nhưng không thể thay vào đó một gia sản lâu dài được. Ông ta chỉ có thể gây ra sự không ổn định và một khoảng trống trong quyền lực chính trị và xã hội, đồng thời có thể gây ra một cuộc khủng hoảng. Ông ta cũng chắc chắn rằng nhiều người miền Nam thù địch với Diệm rồi cũng sẽ chống Mỹ, trụ cột vững chắc duy nhất mà chế độ ông ta dựa vào, bởi vì sự can thiệp của Mỹ đã thay thế sự thống trị của Pháp. Trong một cuộc chiến tranh mà bề ngoài có vẻ là một cuộc nội chiến, đằng sau lớp sơn mong manh của một bên, là một nước ngoài mà một mình sự ủng hộ của nó đã làm cho Diệm có thể tồn tại và tiến hành sự đàn áp của mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2008, 02:49:14 pm »

DIỆM VÀ CUỘC CHỐNG CÁCH MẠNG Ở NÔNG THÔN 1954 - 1960

Sự kiểm soát ruộng đất và tình hình của giới nông dân vẫn còn là những vấn đề sôi nổi nhất ở miền Nam sau năm 1954. Chế độ Diệm chưa có chút suy nghĩ gì về việc chính sách ruộng đất của họ sẽ tạo ra đe dọa như thế nào cho họ.

Trước Hiệp định Giơ-ne-vơ, những người Cộng sản kiểm soát 60 đến 90 phần trăm lãnh thổ ở miền Nam. Từ năm 1951 trở đi chính sách ruộng đất của Việt Minh ở miền Nam đã tìm được cách giảm mạnh số bần nông ở một số khu vực đẩy nhiều địa chủ lên thành phố. Nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long hăng hái hơn ở miền Bắc, một phần vì họ chỉ là những người lao động. Cách mạng đã chia lại 600.000 héc-ta ruộng đất cho cố nông và những người ủng hộ kháng chiến. Số ruộng đất đó là của người Pháp hoặc những địa chủ Việt Nam lớn nhất, cho nên không ảnh hưởng đến mặt trận đoàn kết với phú nông và đa số địa chủ khác. Những người khai khẩn chỉ chiếm những đất bỏ hóa.

Số lượng cố nông nhiều hơn rất nhiều số lượng nông dân có đất làm cho vấn đề ruộng đất trở nên phức tạp hơn nhiều và không còn đơn thuần là vấn đề chia ruộng đất nữa. Vào lúc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, mười phần trăm giàu nhất của tầng lớp địa chủ chiếm, ít nhất là trên giấy tờ, 65 phần trăm ruộng đất. Vấn đề tô là một vấn đề phổ biến và cấp bách hơn nhưng ít đe dọa hơn đối với liên minh chính trị của Đảng. Tô giảm xuống còn tối đa là 25 phần trăm, và việc lạm dụng cho vay nặng lãi bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và các món nợ trước năm 1945 đều bị hủy bỏ.

Ở một số khu vực, vì địa chủ vắng mặt nên nông dân không phải nộp tô. Vấn đề số phận của con trai nông dân cũng rất quan trọng bởi vì trong đời sống của một nông dân, con trai là chỗ dựa an ninh, là trụ cột của kinh tế gia đình. Quân đội bù nhìn của Pháp vào khoảng tháng 4 năm 1953 đã động viên 112.000 lính ở Nam Kỳ, trong khi Cộng sản chỉ lấy 45.000.

Gia đình những người phục vụ cho Pháp chẳng được gì, trừ việc mất con trong khi những gia đình có con đi với Cách mạng thì được ưu tiên trong việc chia ruộng đất để bù lại những hy sinh của họ. Tất cả những nhân tố đó đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề ruộng đất, cho nên vào năm 1954 Cộng sản bắt đầu đưa lại một biến đổi lớn trong chế độ ruộng đất miền Nam, ảnh hưởng đến bốn phần năm nhân dân ở đó.

Cái gọi là cải cách ruộng đất của Diệm bắt đầu năm 1955 và được đẩy mạnh tháng 10 năm 1956, là một cố gắng vô cùng phức tạp nhằm thiết lập lại sự kiểm soát chính trị ở các vùng Việt Minh, tại đồng bằng sông Cửu Long là nơi có ảnh hưởng mạnh của Việt Minh. Vì đây là một bộ phận của một cố gắng củng cố quyền lực lớn hơn cho nên nó đụng chạm bằng cách này hay cách khác đến nhiều địa chủ, thậm chí gây tổn thương cho một nhóm lớn bọn họ nữa. Và nhờ việc đẩy hoàn toàn Pháp ra khỏi Việt Nam, Diệm tịch thu được một phần tư triệu héc-ta ruộng đất cho nên có thể làm ra vẻ là một nhà cải cách.

Đối với một bộ phận lớn nông dân đã có quyền lợi trong đợt cải cách của Việt Minh, những biện pháp của Diệm là phản cách mạng và sự lo sợ của họ về việc mất quyền lợi và trở lại chế độ địa chủ trước kia đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ở nông thôn. Bởi vì chính chương trình ruộng đất của Diệm, chứ không phải Đảng, đã tất nhiên đưa đến cuộc xung đột được nối lại ở Nam Việt Nam. Lúc đó ông ta hủy bỏ cơ sở hợp pháp của những cải cách ruộng đất của Việt Minh cũng chính là lúc ông ta gây ra sự bất bình xã hội và tạo ra những kẻ thù tiềm tàng và thực tế. Điều này càng rõ ở những nơi mà những cải cách của Cách mạng đã đi sâu nhất vào dân.

Diệm định mức tô tối đa là 25 phần trăm và tịch thu ruộng đất của Pháp trong khi hạn chế mức đất sở hữu của người Việt Nam là 115 héc-ta. Ngoài những nông dân bây giờ bị buộc phải trả tô trở lại, nếu không bị truy thu, đối với ruộng đất mà Việt Minh đã chia cho họ, thì tô ở khắp nơi bây giờ trên thực tế lên đến 40 phần trăm. Và trong khi 115 héc-ta là một số lượng quá lớn, địa chủ được phép giữ lại đất tốt nhất và bán số thừa, chủ yếu bằng công trái. Những địa chủ muốn giữ ruộng lại có thể bán cho gia đình họ hoặc dùng để lung lạc các quan chức có trách nhiệm. Cơ quan quản lý chương trình ruộng đất này bị khắp nơi xem là tham nhũng.

Vào năm 1961, khi chương trình này trên thực tế đã chấm dứt. Diệm đã thu thập được 422.000 héc-ta cộng với ruộng đất của Pháp, thành ra vào khoảng 650.000 héc-ta. Trong số này chỉ 244.000 héc-ta được chia lại sau cuối năm 1958, chủ yếu cho những người di cư Thiên chúa giáo hoặc cho những binh lính cũ hoặc những người mới tới đã từng gây căng thẳng xã hội. Ruộng đất của Pháp là thứ ruộng đất tốt nhất vẫn còn nằm trong tay Việt Nam cộng hòa và không được chia lại. Chỉ 12 phần trăm tá điền được nhận đất mới nhưng phải mua, trong khi chính sách của Việt Minh là phát không. Một phần mười địa chủ năm 1956 còn chiếm hữu 55 phần trăm ruộng lúa so với 65 phần trăm khi bắt đầu cải cách. Rất nhiều nông dân mất đất dưới luật của Việt Nam cộng hòa trong khi rất ít người được chia thêm đôi chút. Không những cải cách về tô và tức của Việt Minh không được thực hiện mà Việt Nam cộng hòa còn trở thành một địa chủ lớn nhất của đất nước. Như một cố vấn Mỹ về sau đưa tin: "Các quan chức tỉnh và địa phương được phép giữ và phát canh ruộng đất tốt nhất mà họ chiếm được”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #43 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2008, 02:49:47 pm »

Trước năm 1955, địa chủ là đối tượng chủ yếu của sự cay đắng của nông dân; bây giờ còn thêm những quan chức hung hăng của Diệm. Thật vậy, nơi nào địa chủ không thể trở về vì còn làm theo luật cải cách của Việt Minh, thì họ thuê các nhà chức trách dân sự và quân sự địa phương làm việc đó và được trả 30 phần trăm thành quả. Do đó, ai ai cũng tin rằng gia đình Diệm đã làm giàu với cải cách ruộng đất cho nên mọi người đều rất căm ghét những quan chức và quân đội của Diệm. 

Thay đổi chính trong mối quan hệ địa chủ - tá điền sẽ không lớn nếu phục hồi trật tự trước Việt Minh bằng trong tình trạng quan liêu thống trị mà Diệm đã tạo ra. Nhưng sự thay đổi trong mối quan hệ của địa chủ với nhà nước là lớn hơn, ngay dù cho các hậu quả chính trị của nó không sâu rộng lắm. Bởi vì, trong khi phần đông các địa chủ muốn trở lại chế độ ruộng đất trước Việt Minh, họ không hoan nghênh cách làm của Diệm. Điều loại trừ duy nhất là các địa chủ vắng mặt rất sung sướng vì tìm được một thị trường cho phần lớn ruộng đất của họ và rút vào các đô thị tương đối an toàn để đầu tư vào nhiều mặt hơn. Đa số thì không vui mừng gì với sự bồi thường thấp, với việc phải giao thiệp với những quan chức lừa đảo và, có lẽ trên tất cả, phải chịu mất quyền lực chính trị ở các xã.

Vào đầu thế kỷ này người Pháp thành lập những hội đồng ở mỗi xã hoạt động như nhà chức trách địa phương, thu thuế, làm những chức năng dân sự, và làm trung gian giữa nhà nước và quần chúng. Những hội đồng là những công cụ tham nhũng của sự đàn áp chính trị và kinh tế và Việt Minh đã hủy bỏ chúng năm 1945. Pháp và Bảo Đại tìm cách khôi phục chúng lại. Tuy nhiên đối với Diệm thì những hội đồng xã không chỉ là di sản Pháp đáng ghét mà còn là một thách thức từ cơ sở đối với quyền lực ông ta. Tháng 6 năm 1956, bất chấp sự lo ngại của Mỹ, Diệm xóa bỏ các hội đồng và giao cho các tỉnh trưởng và huyện trưởng do ông ta cử ra, chọn những quan chức để thay các hội đồng đó. Những người được chọn phần lớn là những người theo đạo Thiên chúa, và những người thân cận của Diệm thuộc khu vực Huế. Tất cả đều nhằm mục đích làm giàu. Họ và cảnh sát của họ hiện thân cho sự đàn áp và tham nhũng hằng ngày của Việt Nam cộng hòa đối với nông dân.

Hoạt động cưỡng chế của Diệm ở nông thôn gồm hai giai đoạn. Trước tiên, ông ta vây bắt và gạt bỏ phe chống đối kể cả các hội đồng xã. Năm 1955, bắt bớ toàn bộ và hăm dọa bắt đầu, nhằm chủ yếu vào các giáo phái trong suốt năm đầu. Các cuộc họp ở xã được triệu tập ở khắp nơi để công khai tố "cộng". Bốn mươi nghìn người bị cầm tù trong chỉ một tỉnh ở nam đồng bằng sông Cửu Long.

Sự kiểm soát nhân dân về vật chất đã đi theo sau sự khủng bế của Việt Nam cộng hòa. Diệm tiến hành di chuyển một số lớn nhân dân, một chương trình mà Mỹ cung cấp tiền và được tiếp tục mãi sau khi Diệm bị bắn. Cuối cùng Diệm đặt tất cả các vấn đề, kể cả vấn đề ruộng đất phụ thuộc vào mong muốn có một nền an ninh quân sự Do có nhiều người theo đạo Thiên chúa di cư từ miền Bắc vào lên có thể tìm được người cho những bế trí mới và việc này đã được làm một cách bình thường sau năm 1956. Nhưng việc tập trung những nông dân địa phương có thề chống lại Việt Nam cộng hòa, vào những vùng eo thể làm cho họ mất hiệu lực, lại là một việc hoàn toàn khác và đòi hỏi phải có những cưỡng bức nhất định. Những cố gắng vào hướng đó đã được bắt đầu từ năm 1959 mà đỉnh cao là chương trình dinh điền tháng 7 năm 1959. Nhưng nông dân không hợp tác, chế độ Diệm mất tiền và thì giờ, và cuối năm 1960, chương trình mất hiệu lực nhưng lại tạo ra vô số nông dân thù địch. Vào thời "ấp chiến lược" ra đời năm 1962, những sự kiện ở nông thôn theo sau Hiệp định Giơ-ne-vơ như sự thay đổi quyền sở hữu ruộng đất, hệ thống chính quyền mới, bắt bớ và ám sát ào ạt và cuối cùng vấn đề di dân, đã làm cho nông dân vô cùng phẫn uất. Chính sách của Diệm đã làm cho một bộ phận lớn nông dân bình thường tại đồng bằng sông Cửu Long nổi dậy một cách không cản trở được.

Xem xét tình hình ở miền Nam tháng 5 năm 1959, Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo, "không có bằng chứng của bất kỳ thái độ ương ngạnh nào trong nhân dân nói chung", nhưng cũng không có "sự ủng hộ nào từ cơ sở" đối với Diệm. Rõ ràng là Diệm không thể tồn tại nếu không có sự ủng hộ của Mỹ và các mục tiêu của Mỹ ở khu vực sẽ không thể giải quyết được nếu không có Diệm. Chính tình trạng khó xử đó làm cho Diệm có thể tiếp tục chính sách của mình mà không bị cản trở. Những người Mỹ tại chỗ thừa nhận những ràng buộc không cho họ tự do chuyền sang hướng khác tuy họ ngày càng có những bảo lưu về chính sách của Diệm. Trên thực tế, Mỹ chỉ có sự chỉ trích nhỏ đối với các chương trình của Diệm. Diệm không làm gì nhiều hơn các nhà độc tài khác mà Oa- sinh-tơn trả tiền vào cùng lúc và còn làm ít hơn một số. Tất cả điều không đoán trước được trong tình hình đó là phản ứng của những kẻ thù tiềm tàng của Diệm đối với những điều kiện xuất hiện ở miền Nam. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #44 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 10:24:50 pm »

Chương tám
THẾ TIẾN LUI ĐỀU KHÓ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN Ở MIỀN NAM 1954 – 1959

LẬP TRƯỜNG CỦA ĐẢNG Ở MIỀN NAM SAU HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ

Đảng tính toán gì cho giai đoạn sau tháng 7 năm 1954 thì không rõ, nhưng dấu hiệu bên ngoài thì không thấy Đảng đã tính toán được những sự kiện sẽ gây đau khổ cho miền Nam. Đảng có thấy trước việc Pháp không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và xem cố gắng được Mỹ ủng hộ nhằm quét sạch Việt Minh và Đảng là một khả năng chứ không phải một điều chắc hẳn. Nhưng Đảng không biết trước những chính sách chính trị và ruộng đất của Diệm là những chính sách đã gây sự bất bình quần chúng đến mức như vậy và đưa lại một tình thế tiền cách mạng, chủ yếu là tự phát, cho cuộc đấu tranh vũ trang và cho sự phát triển của Đảng. Vì một tính toán sai lấm của Đảng ở lĩnh vực này được tính toán sai lầm của Diệm ở lĩnh vực khác bù lại, nên mọi tính toán của Đảng không giống bất kỳ giai đoạn nào trong toàn bộ lịch sử của Đảng.

Phần đông những người tập kết ra Việt Nam dân chủ cộng hòa là nhân viên quân sự, và chỉ một tối đa 15.000 cán bộ chính trị của Đảng và của Việt Minh còn ở lại miền Nam vào năm 1957. Trong số này, số đông hơn nhiều là Việt Minh. Một tỷ lệ lớn trong số họ, không làm chính trị nữa mà hy vọng có thể lo cho việc cá nhân của mình. Một thiểu số còn lo việc huy động quần chúng đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Sự nhấn mạnh bao trùm của Đảng là đấu tranh chính trị. Khi chế độ Diệm củng cố sự kiểm soát ở vùng nông thôn, đa số lớn những người hoạt động bị bắt hoặc bị giết, có nơi tỷ lệ này lên đến 90 phần trăm hoặc hơn. Chính hành động khủng bố dã man đã nhanh chóng xác định số phận và hành động của những người còn ở lại miền Nam, buộc họ không thể sống yên tĩnh mà phải trở lại đấu tranh.

Không thể còn hoạt động chính trị được nữa, những người thoát khỏi bị bắt hoặc không chịu đầu hàng, trốn vào thành phố hoặc ra một vài căn cứ bí mật còn lại hoặc tự tạo ra những căn cứ của riêng mình. Số ra căn cứ lên đến hàng nghìn. Một số khác không chịu ra đi, tổ chức tự vệ kể cả việc ám sát. Đảng cũng yêu cầu một số thâm nhập vào các cơ quan của Việt Nam cộng hòa, một chiến thuật rất gian khổ cho ai làm việc đó nhưng cũng rất nguy hiểm cho Diệm và cho các chế độ tiếp theo. Những chi bộ bí mật của Đảng tiếp tục xây dựng tổ chức ở nông thôn và phần lớn là bị bắt.

Mặc dù những khó khăn và nguy hiểm không thể tưởng tượng nổi, Đảng vẫn duy trì được một bộ khung tổ chức, có thể được nhanh chóng mở rộng, và một kỷ luật đủ sức bảo đảm một sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, tuy có một số bất đồng về chiến lược của Đảng.

Khi Lê Duẩn đến phía nam đồng bằng sông Cửu Long mùa xuân năm 1956, nhiệm vụ của ông ta là giữ vững chính sách của Đảng (dù ông ta thu thập được những ấn tượng sẽ giúp ông ta thay đổi chính sách sau này) và trước hết giữ cho được một Đảng bộ nhất trí ở miền Nam. Ông ta lập luận rằng nhiệm vụ chính là xây dựng lại Đảng, tham gia hành động chính trị và vận động cho các cuộc bầu cử của Giơ-ne-vơ. Vũ lực hạn chế và lực lượng quân sự chỉ được dùng như một lá chắn cho hoạt động chính trị. Chừng nào tổng tuyển cử còn có thể có thì phải giảm xuống tối thiếu việc sử dụng vũ khí. "Chiến đấu chống tư tưởng đấu tranh vũ trang quá khích, liều lĩnh và nguy hiểm" đã được tuyên bố là một mặt của xây dựng Đảng.

Trở lại miền Bắc giữa năm 1957, Lê Duẩn sẵn sàng ủng hộ lập trường của một số đảng viên miền Nam. Bấy giờ ông ta tin rằng không những điều kiện đã chín muồi hơn cho hành động mà nếu không có hành động thì Đảng bộ miền Nam có thể bị tiêu diệt. Tuy vậy đường lối của Đảng ở miền Nam từ cuối năm 1957 qua suốt năm 1958 vẫn còn nhấn mạnh hoạt động chính trị trong nhân dân và tránh vũ lực càng nhiều càng tốt. Tuy số liệu chỉ là ước lượng, nhưng có thể Đảng đã mất ít nhất là hai phần ba đảng viên ở miền Nam hoặc bị bắt hoặc bị giết trong giai đoạn đó, và còn nhiều hơn nữa năm 1959.
Các nhà lãnh đạo Đảng chưa muốn có hành động quyết định nhưng đã bị chính sách của Diệm và phản ứng của quần chúng đối với các chính sách đó, đẩy đến việc phải làm như vậy.

Đảng có để lại ở miền Nam một tổ chức quân sự nhỏ, đề phòng trường hợp Hiệp định Giơ-ne-vơ không được thi hành.
Nhóm đó ban đầu không có tiềm lực thực sự trừ khi những người Việt Minh trở về cung cấp nhân lực cho họ. Họ có trang bị cho khoảng 6000 người và cộng tác với những người còn lại của các giáo phái mà Diệm tìm cách tiêu diệt năm 1955.

Tình hình cơ bản ở miền Nam là một mâu thuẫn lớn đối với Đảng. Mọi việc Diệm làm, làm cho chính phủ Sài Gòn trở nên mất lòng dân và quần chúng thì trông chờ ở những người Việt Minh cũ với cảm tình ngày càng tăng. Đàn áp đã buộc nhiều người theo Việt Minh chạy ra vùng du kích và việc Diệm bắt lính tràn lan tháng 5 năm 1957 làm cho nhiều người chạy trốn và hoạt động bất hợp pháp. Đến mùa hè năm 1958 Đảng bất đắc dĩ đáp ứng lại cuộc khủng hoảng đó và đồng ý xây dựng các vùng căn cứ, chủ yếu trên cao nguyên Trung Bộ hẻo lánh. Các khu vực này, chủ yếu là nhằm để bảo đảm sự sống còn. Trong khi đó thì nông dân muốn đòi lại ruộng đất, nhiều đảng viên phải hoạt động riêng rẽ hoặc từng nhóm nhỏ. Chính lòng trung thành, kỷ luật và những hành động của Diệm nữa, làm cho nhiều người tiếp tục đấu tranh, tuy phải chịu muôn vàn nguy hiểm, nhưng tính đoàn kết dấu tranh đó không thể kéo dài mãi mãi. Để tồn tại, Đảng phải khai thác các điều kiện xã hội khách quan đó để xây dựng lực lượng và muốn làm như vậy, cần phải dựa nhiều hơn vào vũ khí.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #45 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 10:26:34 pm »

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ THẾ TIẾN LUI ĐỀU KHÓ Ở MIỀN NAM

Sự thay đổi của chính sách Đảng ở miền Nam đã được thực hiện từng bước. Trước tiên là sự cần thiết phải quan tâm đến nguyện vọng của quần chúng ở miền Nam nếu không, họ sẽ mất quan hệ với Đảng. Chính sách ruộng đất và các chính sách khác của Diệm đã làm cho cuộc khủng hoảng đó xảy ra sớm hơn nhiều so với dự kiến. Trong khi Đảng có thấy trước rằng Hiệp định Giơ-ne-vơ sẽ không được thực hiện, nhưng Đảng không tưởng tượng được rằng một quyền lực thô bạo, xúc tác có thể xuất hiện ở miền Nam để đẩy nhanh cuộc chống đối mà tất nhiên là do đàn áp gây ra. Thứ hai là Đảng bộ miền Nam muốn có một đường lối có tính chất chiến đấu hơn, và để duy trì hàng ngũ về mặt tổ chức cũng như về mặt chính trị và để đề phòng những sáng kiến địa phương quá hăng hái, cần phải có những nhượng bộ. Mặt khác việc củng cố miền Bắc của Đảng cũng bắt đầu có kết quả, miền Bắc năm 1959 mạnh hơn nhiều so với năm 1954 hoặc thậm chí năm 1945.

Lê Duẩn trở lại Hà Nội cuối năm 1958 sau một chuyến đi miền Nam khác và trong tháng giêng năm 1959. Ban Chấp hành Trung ương xác định một chính sách mới. Cuộc đàn áp ở miền Nam đạt đỉnh cao về cường độ và sự tiêu diệt những nhà hoạt động chính trị còn lại của Đảng có vẻ như sắp xảy ra. Ý muốn thay đổi chính sách của Lê Duẩn đã được tăng cường bằng sức ép mạnh của một số lớn các nhà lãnh đao cấp cao miền Nam tập kết ở Hà Nội. Họ công khai tuyên bố rằng tình hình ở miền Nam đã chín muồi cho hành động và họ hăng hái vận động cho việc đó. Những người tập kết ở cấp thấp hơn sẵn sàng trở về để chiến đấu. Tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương xem xét lại chính sách lấy tên là Nghị quyết 15 tán thành đấu tranh vũ trang, chủ yếu để bảo vệ những cố gắng chính trị. Đồng thời nghị quyết nhắc lại sự cần thiết củng cố quyền lực ở Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tầm quan trọng hơn hẳn của hoạt động chính trị cũng được nhấn mạnh hơn nữa. Bộ Chính trị thấy rằng mình đã có phần chần chừ ở miền Nam, cho nên bây giờ phải tăng cường lãnh đạo ở đó mới kiểm soát được tình hình, đồng thời cũng tìm cách tiếp tục phát triển miền Bắc. Sự căng thẳng này tiếp tục thêm bốn năm nữa. ..

Cuối năm 1960 Việt Nam dân chủ cộng hòa cho 4.500 người tập kết trở về miền Nam. Vào cuối năm 1959, các đảng viên và những người ủng hộ Đảng trở về chiếm nhiều xã, triệt phá các khu dinh điền, thực hiện sự có mặt của họ ở nhiều khu vực rộng lớn. Khẩu hiệu động viên quần chúng là rất đơn giản: ruộng đất cho nông dân. Cuộc đồng khởi Bến Tre nổi tiếng tháng giêng năm 1960 được xem như là một thử nghiệm để xem có nên cho phép các cuộc đồng khởi khác không. Trên thực tế quần chúng không vũ trang, nhanh chóng chiếm phần lớn lãnh thổ của tỉnh; ruộng đất được chia ngay trong cuộc đồng khởi. Đảng thực hiện được sự có mặt rộng rãi của mình tuy quân đội Việt Nam cộng hòa có khả năng chiếm lại các nhà công cộng. Trong vòng vài tháng, một sự thay đổi lực lượng lớn đã xảy ra ở Nam Việt Nam.

Tuy Nghị quyết 15 nhấn mạnh đấu tranh chính trị, nhưng các sự kiện xảy ra đã tạo thành một tình hình mới cho những ưu tiên của Bộ Chính trị và của ban lãnh đạo Đảng ở miền Nam. Tháng 2 năm 1960, trước quy mô những sự kiện ở miền Nam và những nguy hiểm tiềm tàng chúng có thể gây ra, tạp chí lý luận của Đảng nói rõ rằng cả chiến tranh du kích, cả đấu tranh kéo dài để xây dựng một vùng giải phóng đều không thể thực hiện được vào lúc này. Nhưng chuẩn bị lâu dài cho một cuộc tổng khởi nghĩa là cần thiết và trước khi việc đó xảy ra, có thể có những lựa chọn khác. Một là, có thể có khả năng một giải pháp "hòa bình" tuy còn nhỏ. Một lựa chọn khác "rất hạn chế hiện nay" là một sự can thiệp trực tiếp của Mỹ. Một khả năng thứ ba là một cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài nhưng không được sự ủng hộ chính trị của công nhân các thành phần đô thị và các giai cấp khác. Một cuộc đấu tranh như vậy nhất định thất bại. Trước những khả năng đầy mạo hiểm đó, Đảng đưa một lựa chọn là giới hạn đấu tranh vũ trang vào mục đích tự vệ nhằm động viên chính trị trên cơ sở rộng rãi và chỉ chiến đấu khi không còn cách nào khác. Các nhà lãnh đạo rất sợ mất sự kiểm soát các sự kiện ở miền Nam...

Vào cuối năm 1960, khi Đảng công bố thành lập quân đội giải phóng thay cho mặt trận quân sự mong manh, cồng kềnh với các giáo phái, Đảng có một lực lượng chính quy 5.500 và khoảng 30.000 du kích so với khoảng 2.000 hai năm trước đó. Trung tướng Li-ô-nên C. Mác-ga, người đứng đầu nhóm cố vấn quân sự Mỹ đã báo cáo tháng 11 rằng một "bộ phận có ý nghĩa" nhân dân ủng hộ những người Cộng sản. Những sự kiện của cuối năm 1959 và đầu năm 1960 là không đảo ngược được và chỉ bộc lộ những điểm yếu cơ bản của trật tự do Mỹ ủng hộ.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba tháng 9 năm 1960 được triệu tập để vạch ra những mục tiêu tương lai của đất nước. Đảng tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn những phát triển ở miền Nam vì sợ rằng những sự kiện ở đó có thể làm lạc hướng những ưu tiên của Đảng. Nguyện vọng công nghiệp hóa hơn nữa có quan hệ chặt chẽ với việc hạn chế chi tiêu quá lớn cho cuộc xung đột ở miền Nam, trong khi của cải thì có hạn.

Tháng 12 tiếp theo, Đảng tuyên bố công khai việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng, công cụ để thực hiện chiến lược miền Nam của Đảng. Cơ cấu giai cấp bị chia cắt từng mảnh của Việt Nam cộng hòa là thuận lợi hơn nhiều cho một chiến lược mặt trận của Đảng. . . Mặt trận Dân tộc Giải phóng là một cơ cấu linh động hơn và bao quát hơn, có thể làm nhiệm vụ một chính phủ trong bóng tối. Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng đưa lại một cơ cấu lô gích để thu hút một số lớn nông dân mới và các nhà hoạt động chính trị vào một cơ cấu chính trị và Mặt trận cũng là nơi hoạt động của những đảng viên có khả năng nhưng chưa được thử thách. Mặt trận còn là một phương thuốc giải độc cho thái độ quá hăng hái và triệt để của Đảng bộ và quần chúng miền Nam mà có thể cũng không kiểm soát được như cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau năm 1954. Các nhà lãnh đạo Đảng tin vào hiệu quả của Mặt trận, và thời gian và những sự kiện sau đó chứng minh rằng lòng tin đó là đúng đắn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #46 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 10:27:36 pm »

PHẦN HAI
CUỘC KHỦNG HOẢNG Ở NAM VIỆT NAM VÀ SỰ CAN THIỆP CỦA MỸ 1961- 1965

Chương chín
SỰ DÍNH LÍU CỦA MỸ Ở VIỆT NAM: TỪ TRÁCH NHIỆM ĐỠ ĐẦU CHO ĐẾN CHIẾN TRANH KHÔNG QUÂN

Năm 1961, chính phủ Mỹ phải quyết định liệu sẽ là chiến tranh hay là hòa bình ở Việt Nam. Một mình Mỹ mới có thể hy vọng làm đảo ngược các lực lượng xã hội và chính trị ở miền Nam đang làm cho nửa phía nam của đất nước lại trở thành một bộ phận không thể tách rời của một nước Việt Nam duy nhất. Sự xác định của Oa-sinh-tơn về lợi ích quốc gia của mình sẽ quyết định sự phản ứng của họ đối với những rối loạn chính trị của Việt Nam cộng hòa và của tình hình sôi nổi ở Nam Việt Nam. Vũ khí và chiến tranh có thể là biện pháp cuối cùng để đạt cái mà chính trị và những di sản của trật tự thực dân không thể đạt được.

OA-SINH-TƠN XÁC ĐỊNH LỢI ÍCH Ở VIỆT NAM

Lòng tin vào sức mạnh của Mỹ từ năm 1945 đụng đến vấn đề vô cùng trọng yếu của mối quan hệ giữa khả năng của Mỹ đối với các vấn đề Mỹ phải giải quyết với những lợi ích và với mục tiêu của Mỹ. Trước hết, đó là vấn đề của lòng tự tin và của khả năng đạt mục đích. Những mục tiêu và lợi ích của chính sách đối ngoại Mỹ đôi khi được xác định trong mối quan hệ với vấn đề lòng tin, nhưng thường xuyên hơn là độc lập với lòng tin đó. Chính vì các mục tiêu thường vượt quá khả năng thực hiện và vì chúng là kết quả đòi hỏi của những quyền lợi cho nên khoảng cách giữa ý muốn và thực tế tạo ra một bế tắc trong các chính sách của Oa-sinh-tơn. Việc Mỹ luôn luôn bị ám ảnh là có thể sử dụng thành công sức mạnh của mình, đã tất yếu trở thành điều cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ với tham vọng nhất thể hóa một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Vào năm 1960, vấn đề sức mạnh của Mỹ ám ảnh Oa-sinh-tơn. Mỗi một thách thức mới hoặc mỗi một cảm giác về thất bại, dù cho thuộc cuộc chạy đua vũ trụ hoặc thuộc một cuộc nổi dậy địa phương, đều làm tăng thêm tâm trạng thất vọng của họ. Vì trật tự thế giới luôn luôn có những thay đổi nên chắc chắn là luôn luôn có những thử thách. Và mỗi lần đạt được một kết quả nào đó, trong việc áp đặt bá quyền về mặt quân sự hay về mặt tổ chức, Mỹ luôn luôn muốn chứng minh hiệu quả của nó trong thực tế. Chính cái lô-gích về vũ khí và sức mạnh đã che lấp thực tế nhỏ hẹp hơn của nền kinh tế và địa lý chính trị của chủ nghĩa đế quốc.

Vì họ cho rằng vấn đề sử dụng sức mạnh là một vấn đề ít có tính chất nguyên tắc hơn là thuộc về chiến thuật và ưu tiên, ngay dù cho họ bất đồng với nhau trong việc chọn Việt Nam làm nơi thí nghiệm vai trò chống cách mạng của Mỹ, các nhân vật chủ chốt trong các quan hệ đối ngoại của Mỹ không bao giờ nghi ngờ gì về việc những mục tiêu toàn cầu của chính sách đối ngoại có thể đạt được với việc sử dụng khả năng một cách thích hợp và với những phương tiện thực hiện vừa thích hợp vừa đầy đủ. Sự nhất trí sâu sắc đó việc sử dụng sức mạnh của Mỹ là di sản của toàn bộ lòng tham lam sau 1945 của Mỹ và sự tác động qua lại của một thế giới không ổn định và đang thay đổi. Vì vậy mà sức mạnh và uy tín của Mỹ đã được đầu tư rất sâu vào Việt Nam trước khi có người đưa ra những nghi ngờ thực tiễn về việc đó.

Việt Nam là một cơ hội trùng hợp không những chỉ vì học thuyết đô-mi-nô đã làm cho mỗi nước trở nên cốt yếu cho một khu vực, và có tác động luôn luôn có ý nghĩa đến vị trí của Mỹ trong toàn thế giới, mà còn vì cuộc thảo luận về chiến tranh cục bộ, đến năm 1960, đã đạt đỉnh cao và tác động đến cuộc vận động bầu cứ tổng thống năm 1960. Các thuyết đô-mi-nô và lòng tin kết hợp lại thành một khái niệm thống nhất, lòng tin ngày càng trở nên lấn át hơn. Vấn đề càng thiết yếu hơn trong những năm 1960-1962 là ảnh hưởng đặc biệt của cách mạng Cu-ba đối với lòng tự tin của Oa-sinh-tơn. Thất bại của cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn tháng 4 năm 1961 là một thất bại nhục nhã của khái niệm chống nổi dậy và khái niệm chiến tranh cục bộ đang trở nên rất thịnh hành. Cuộc đối đầu Béc-lin tháng giêng năm 1961 cũng thúc đẩy Mỹ tìm cách phô trương sức mạnh của mình ở nơi khác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #47 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 10:28:52 pm »

Do đó năm 1961 là một năm chồng chất những thất vọng sau chiến tranh trong việc điều hành những công việc của quá nhiều nước nhỏ ngoài Việt Nam ra và đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Mỹ có hành động mạnh hơn ở Đông Dương. Lào là một vấn đề đặc biệt nguy hại. Nó chiếm một số lớn thì giờ của chính quyền Ken-nơ-đi trong những tháng đầu tiên làm nhiệm vụ của mình. Khả năng của Mỹ không cho Pa-thét Lào tham gia chính quyền đã trở thành một thử thách của ảnh hưởng Mỹ, đồng thời Mỹ cũng sợ ảnh hưởng đô-mi-nô của một chính phủ liên hiệp Lào đối với sự ổn định của Việt Nam cộng hòa.

Chính quyền Ken-nơ-đi xem Lào như là "một thử thách tượng trưng về sức mạnh giữa các cường quốc lớn của phương Tây và khối Cộng sản” và thấy rằng thế yếu của Mỹ ở đó đòi hỏi phải có những chính sách mạnh hơn ở Nam Việt Nam để cân đối lại tác động của nó đối với khu vực và thế giới. Một ngày sau thất bại Vịnh Con Lợn, Mỹ thành lập một đơn vị tác chiến đặc biệt về Việt Nam với ủy nhiệm "nắm những khái niệm mới và những công cụ mới" về chống nổi dậy có thể làm thất bại "lật đổ" khắp nơi trên thế giới. Việt Nam trở thành nơi thí nghiệm chống nổi dậy và, trong khi chú ý đến Lào, Cu-ba và toàn thế giới, chính quyền Mỹ bắt đầu một loạt các cuộc leo thang, mỗi cuộc tăng thêm thanh thế để gây lòng tin.

Nhận thức đó về Việt Nam từ năm 1961 trở đi đã đưa lại một ý nghĩa toàn cầu tượng trưng, quan trọng hơn nhiều những lợi ích cụ thể của Mỹ ở đó, nhưng đằng sau nhận thức đó còn có những mục tiêu xác thực, tuy khác nhau về tầm quan trọng nhưng đều biện bạch cho cố gắng của Mỹ. Nguyên liệu chẳng hạn, tuy ít được nhắc đến công khai hơn trước, nhưng vẫn còn rất quan trọng trong suy nghĩ của những người làm ra quyết định. Việc này bao gồm cả sự duy trì các thị trường hiện có. Sự nắm lấy Nam Việt Nam cũng được gắn với những quan hệ của Mỹ với các nước khác trong khu vực, nhất là In-đô-nê-xi-a, nơi mà Oa-sinh-tơn xem Xu-các-nô là một đe dọa quan trọng đối với lợi ích của mình.

Lòng tin càng tăng thêm tầm quan trọng khi xảy ra những thất bại liên tiếp của mỗi cuộc leo thang trong việc cung cấp tiền của và cố vấn mà số lượng đã lên đến 11.000 cuối năm 1962 và 23.000 hai năm sau đó. Học thuyết đô-mi-nô và những bối cảnh toàn cầu được kết hợp lại để biện bạch cho cuộc chiến tranh. Sự kết hợp này tỏ ra rất rõ trong năm 1964, khi tướng Mác-xoen Tay-lơ, một nhà lý luận hàng đầu về chiến tranh hạn chế và là đại sứ tại Sài Gòn, lý luận một cách điển hình rằng: "Nếu chúng ta cụp đuôi lại mà rời Việt Nam, thì những hậu quả của thất bại đó ở phần còn lại của châu Á, châu Phi và vùng Mỹ la-tinh sẽ là tai họa".

Khi cam kết của Oa-sinh-tơn tăng lên thì cả lòng tin lẫn khái niệm đô-mi-nô trở nên tinh vi và bao quát hơn. Nói chung Oa-sinh-tơn xem sự phân liệt công khai Trung - Xô sau năm 1962 là một đe dọa trực tiếp bởi vì Trung Quốc không bị ai hạn chế nên sẽ thù địch hơn và sẽ ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc chống lại "con hổ giấy Mỹ” trên khắp thế giới. Vào khoảng năm 1963, chính quyền Ken-nơ-đi ngày càng tin rằng chống lại Cách mạng ở Nam Việt Nam cũng đồng thời là một vấn đề của mối quan hệ Mỹ - Trung. Như Giôn T. Mác Nâu-tơn tháng 3 năm 1965 nói lên ý kiến nổi bật lúc bấy giờ là, các mục đích chiến tranh của Mỹ là "70 phần trăm để tránh một thất bại nhục nhã của Mỹ (với danh nghĩa là một nhà bảo lãnh)" và "20 phần trăm để giữ Nam Việt Nam (và các lãnh thổ lân cận) không rơi vào tay Trung Quốc" (xem Tài liệu Lầu Năm Góc tập III, trang 695. Boston: Beacon press, 1971).

Chính sách kiềm chế Trung Quốc, được xem như có ảnh hưởng lấn át ở các nông thôn xã miền Nam, đã được đưa ra trong một tuyên bố bao quát về mục đích chiến tranh của Hội đồng an ninh quốc gia tháng 3 năm 1964. Tuyên bố đó gắn học thuyết đô-mi-nô với lòng tin để xác định chiến tranh ở miền Nam "như là một trường hợp thử thách khả năng của Mỹ trong việc giúp một quốc gia chống lại chiến tranh giải phóng của Cộng sản".

Bằng cách ngày càng làm cho lòng tin trở thành tính toán cơ bản của Mỹ trong việc leo thang chiến tranh, các nhà lãnh đạo Mỹ đặt Việt Nam trong cán cân lực lượng thế giới và trong lịch sử sau chiến tranh, có liên quan đến hiệu lực của các chính sách truyền thống chống cách mạng của Mỹ. Bằng cách như vậy, vai trò tượng trưng của Mỹ mở rộng rất nhiều lợi ích của Mỹ ở đó. Tất cả các nhà lãnh đạo quan trọng của Mỹ ủng hộ lô-gích đó, cho đến khi nó bắt đầu gây tác hại. Ở mức độ nào đó, cách xác định đó có phần có lý.

Việc Mỹ không còn làm chủ Thế giới thứ ba nữa là một thực tế, nhưng những thay đổi xảy ra trong thế giới không phải là hậu quả của tình trạng thụ động của Mỹ. Trái lại chúng là kết quả của những biến đổi bình thường của tất cả các xã hội, đưa phái tả nổi lên hàng đầu của lịch sử hiện đại. Vũ khí có thể tạm thời ngăn cản sự phát triển của quá trình này ở một số nơi, nhưng tổn phí sẽ là rất lớn. Điều thiết yếu cho vai trò chống cách mạng là chọn chiến tranh vào đúng lúc và ở đúng nơi. Nhưng lấy lòng tin làm cơ sở cho chính sách đối ngoại là một việc làm mạo hiểm cao nhất của một quốc gia. Nó có thể dẫn đến leo thang, hoặc bị làm nhục, hoặc cả hai. Bởi vì dù Mỹ biết được khả năng và quyền lợi của mình một cách rõ ràng đi chăng nữa, Mỹ cũng không thể thấy được mối tương quan của chúng với những điều kiện xã hội, quân sự và con người thiết yếu hơn nhiều hiện đang tồn tại trên thế giới.

Cách lập luận của Mỹ về Việt Nam trong những năm 1961-1964 do đó không phải là độc nhất mà là di sản của chính sách đối ngoại sau 1945 của Mỹ. Nếu Mỹ hoàn toàn tránh được Đông Dương, rồi Mỹ cũng sẽ dính líu vào nơi khác theo một kiểu cách giống như vậy, bởi vì hai thập kỷ sau, Mỹ lại đương đầu với các vấn đế Trung Mỹ với cùng một cách lập luận và phản ứng tương tự.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #48 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 10:29:45 pm »

OA-SINH-TƠN VÀ ĐIỀU BÍ ẨN CỦA NGÔ ĐÌNH DIỆM

Công sức của Mỹ ở Việt Nam kéo dài sáu năm kể từ Hiệp định Giơ-ne-vơ, một phần lớn là do Mỹ gặp may tìm được Ngô Đình Diệm và việc Mỹ đảo ngược lại sau năm 1960 cũng phần lớn là hậu quả của sự lựa chọn đó. Diệm là một nhà lãnh đạo hiếm có mà bạo lực thuần túy, tổ chức và tính quả quyết thô bạo đã làm chậm đà phát triển xã hội, chính trị và quân sự đằng sau những thắng lợi của Cách mạng và những thất bại của Pháp. Những điều nguy hiểm cho Diệm đến từ ba hướng: một là từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lực lượng đối lập có tính chất toàn quốc; hai là từ những phần tử trong chính bộ máy mà Diệm xây dựng, trước tiên là tổ chức quân sự ngày càng tăng; và ba là từ Mỹ, ngày càng có đủ lý lẽ để không ủng hộ những chính sách tự hủy hoại của Diệm.

Cách mạng là nhân tố chủ chốt làm cho Mỹ phải đứng sau Diệm cho đến mãi giữa năm 1963. Vào đầu những năm 1960, Mỹ không thể làm ngơ trước đe dọa mà sự tham nhũng và đàn áp trắng trợn của Diệm đặt ra cho chương trình của Mỹ lấy Nam Việt Nam làm nơi thử nghiệm tượng trưng cho ý chí và vũ khí của mình. Bộ trưởng Ngoại giao Đin Ra-xcơ tuyên bố chính xác một tuần sau khi Ken-nơ-đi nhậm chức rằng Mỹ bị "kẹt giữa việc ép Diệm làm những việc mà ông ta không muốn làm với nhu cầu phải đưa lại cho ông ta sự ủng hộ của Mỹ" (xem giác thư W. W. Rô-xtốp, 30-l-1961). "Diệm là tất cả cái gì chúng ta có, và không thể có ai thay thế được", đó là điều được chấp nhận một cách phổ biến trong chính sách của Mỹ (xem "Cuộc cách mạng thất bại" của Rô-bớt Sa-plên, Niu Yoóc, 1965). Vào năm 1961, Diệm hoàn toàn thấy rõ sự phụ thuộc của chính quyền Ken-nơ-đi vào chế độ của ông ta. Diệm làm ngơ trước những đề nghị phải chăng của Mỹ, nhiều lắm là ông ta đồng ý nghiên cứu, nhưng ông ta lại tích lũy những số tiền lớn, đề phòng khi bị giảm viện trợ. Mỹ thì xem viện trợ kinh tế và sự có mặt ngày càng tăng về quân sự của mình như một điều kiện tiên quyết, nếu không phải là một bảo đảm cho những cải cách phải có.

Trong khi đó thì giới quân sự đưa lại vừa những thách thức vừa những hứa hẹn cho cả Mỹ lẫn Diệm. Vì Diệm, tiêu diệt tất cả các giai cấp trí thức lớp trên và bắt hàng nghìn những người chỉ trích dân sự mà không phải là Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cho nên những đối thủ tiềm tàng chống cộng của Diệm chỉ còn là những con đẻ của Diệm tức là những sĩ quan cấp cao. Vì Diệm không thể bỏ giới quân sự, cho nên lựa chọn duy nhất còn lại là kiểm soát họ càng chặt chẽ càng tốt. Nhưng điều khó xử với Mỹ là Diệm sẵn sàng hy sinh hiệu quả quân sự cho sự vững chắc chính trị, và nếu làm như vậy tức là phải tăng thêm sự có mặt của Mỹ để tránh một chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Tuy Mỹ biết những nguy hiểm của thế cô lập chính trị của Diệm, nhưng cho đến năm 1963, Mỹ chưa thấy phải có hành động gì. Ngay vài tuần trước khi Diệm bị lật đổ, Oa-sinh-tơn còn tin rằng "hoạt động quân sự đã có tiến bộ lớn và tiếp tục tiến bộ", theo cách nói của Mác Na-ma-ra và của Tay-lơ. Diệm không chịu thay đổi cách chỉ huy cũng như sự phối hợp trong quân đội như Mỹ yêu cầu. Diệm sàng lọc các sĩ quan, không cho phép phối hợp và chỉ ông ta mới có quyền kiểm soát. Tất cả các tỉnh trưởng và các chỉ huy khu vực và chiến trường phải báo cáo trực tiếp với ông ta, và họ không được hợp tác với nhau. Chế độ này chủ yếu là nhằm tránh đảo chính. Trong cuộc đảo chính chẳng thành tháng 11 năm 1960 chống Diệm, CIA có tiếp xúc với những người bày mưu nhưng không giúp họ. Diệm biết điều đó và ông ta đánh giá cao vai trò của quân sự đối với Mỹ, nếu Mỹ tìm cách lật đổ ông ta.

Tháng 5 năm 1961 khi phó tổng thống Lin-đơn Giôn-xơn thăm Sài Gòn và thông báo một quyết định chính thức, lấy việc cải cách cơ cấu chỉ huy làm một điều kiện phải có trước cho viện trợ quân sự, Diệm đã đồng ý nhưng rồi đâu lại để đó. Cơ cấu quân sự không hề được thay đổi gì cho đến khi Diệm bị lật đổ. Và sau đó tướng Nguyễn Văn Thiệu lại thiết lập lại một biến thể khác. Trên thực tế cách sắp đặt đó có nghĩa là cơ cấu quân sự ngày càng mở rộng của Việt Nam cộng hòa không phải để tiến hành một cuộc chiến tranh quy ước hay một cuộc chiến tranh du kích mà là để củng cố cơ cấu chính trị hiện có. Vì vậy một giới quân sự chia rẽ tất nhiên sẽ là một bảo đảm cho sự không ổn định và cuối cùng, một đội quân chính trị hóa như vậy hoàn toàn tỏ ra không đáp ứng được những yêu cầu của Oa-sinh-tơn trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #49 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2008, 10:30:29 pm »

Đối với Mỹ, một đội quân không có hiệu quả là vô cùng tai họa và trong suốt thời gian tăng thêm cam kết của Mỹ để biến Nam Việt Nam thành nơi thí nghiệm, thế cô lập chính trị và tình trạng tham nhũng của gia đình Diệm, nhất là những trò hề chủ quan độc ác của Nhu, đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của Mỹ về đồng minh của mình. Trong năm 1962, sau khi nghiên cứu kỹ vấn đề, chính quyền kết luận rằng lúc đó chưa có ai thay thế được Diệm, nhưng việc thay thế là một vấn đề thời gian chứ không phải vấn đề nguyên tắc.

Đầu năm 1963, W. W. Rô-xtốp khởi xướng cuộc thảo luận về vai trò của quân sự trong Thế giới thứ ba và lập luận rằng dựa vào các nhà chức trách dân sự là một sai lầm. Và, vì Mỹ kiểm soát viện trợ cho quân sự cũng như huấn luyện cho họ, nên Mỹ phải biết lợi dụng những đòn bẩy đó để bênh vực quyền lợi của mình . Do đó tìm hiểu quân sự là điều thiết yếu ở In-đô-nê-xi-a hoặc ở Việt Nam, chẳng có gì thay thế được cho việc dựa vào quân sự và đó là ý kiến thường được những người làm ra quyết định tôn trọng.

Khi quân đội giết chín nhà Phật giáo ngày 8 tháng 5 năm 1963 những cuộc biểu tình chống Diệm xảy ra ở Huế, Mỹ lập tức tán thành những yêu sách của các nhà lãnh đạo của tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Vào giữa tháng 6, Mỹ dọa cắt đứt quan hệ với Diệm vì vấn đề đàn áp Phật giáo. Chính lúc đó Nhu bí mật dùng người Pháp tiếp xúc với Việt Nam dân chủ cộng hòa để thảo luận việc nối lại buôn bán và quan hệ bưu điện giữa hai vùng, Oa-sinh-tơn mất hết dè dặt và câu chuyện được nhắc đi nhắc lại về việc lật đổ Diệm.

Còn đối với giới quân sự thì những người tham lam gia nhập đảng Cần lao không bao giờ chịu ở địa vị phụ thuộc. Họ muốn kiểm soát quyền lực thực sự và con đường duy nhất đi đến đó là đảo chính. Khắp nơi không thiếu những kẻ tham danh vọng và điều này không chấm dứt với việc Diệm bị ám sát. Tướng Trần Văn Đôn, quyền tổng tham mưu trưởng lúc đó, đã bình luận: "Một trong những sai lầm lớn nhất của Diệm là giao cho những tướng có tài và được trọng vọng nhất của ông ta những công việc vô nghĩa". Nhàn cư "không những làm cho họ trở nên quyết liệt mà còn dùng thời gian để suy nghĩ, vạch kế hoạch và hoàn thiện các chiến lược".

Nhóm đó gồm những người mà lòng tham là đường lối chính trị của họ, và được người Mỹ cộng tác sau khi quyết định ở Oa-sinh-tơn, ngày 24 tháng 8 nhằm gạt bỏ Nhu và bè lũ và thay đổi chính phủ, hoặc có Diệm hoặc không có Diệm. Phần đông các cố vấn Mỹ tin rằng chế độ Diệm sẽ nhanh chóng thua cuộc chiến tranh và họ rất thất vọng khi cuộc thảo luận đầu tiên về một cuộc đảo chính không đưa lại hành động nào. Kế hoạch đảo chính được nối lại trong tháng 10 và CIA đã biết việc này. Tất cả điều mà các tướng yêu cầu là được tiếp tục viện trợ nếu họ thắng. Trong khi sĩ quan liên lạc Mỹ bảo đảm rõ ràng về sự ủng hộ của Mỹ, họ cũng khuyên hành động một cách "chắc thắng" hoặc là không hành động bởi vì do dự còn tệ hơn là không hành động. CIA cũng hứa chịu mọi phí tổn cho những nhà lãnh đạo đảo chính. Tuy Diệm lựa chọn kỹ những sĩ quan của ông ta, chắc chắn ông ta giữ lại một lực lượng đủ để đối phó với một cuộc đảo chính, nếu ông ta có đủ thì giờ. Vì thế cách chắc chắn duy nhất để tránh việc ông huy động lực lượng chống lại là ám sát ông ta hoặc ít ra là em trai Nhu của ông ta. CIA biết điều đó và báo cho Oa-sinh-tơn vào đầu tháng 10, khi những người đảo chính đề nghị ám sát các em của Diệm là Nhu và Cẩn, coi đó như là biện pháp "tránh một cuộc chiến đấu kéo dài".

Oa-sinh-tơn tích cực ủng hộ một cuộc đảo chính thắng lợi và quyết định. Họ không nói gì để ngăn trở việc giết Nhu và Cẩn vì họ biết những người đảo chính không đủ sức để giành thắng lợi nếu không giết Nhu. Từ đầu, Oa-sinh-tơn đã xem Nhu như tên côn đồ độc ác nhất và CIA báo cho chi nhánh của mình ở Sài Gòn rằng trong khi họ "sẽ không thiên về việc giết Diệm" nhưng họ cũng chống lại việc "tự dính líu vào vấn đề đó"; "cách tốt nhất là không dính vào". Một vài giờ sau cuộc đảo chính bắt đầu ngày 1 tháng 11, CIA cung cấp tiền mặt để trả cho số quân đội tham gia, và chỉ sự ám sát Nhu và Diệm sáng hôm sau mới đưa cố gắng liều lĩnh đó đến kết thúc nhanh chóng và thắng lợi. Và cũng chấm dứt mối quan hệ trong nhiều năm nay nhằm biến Việt Nam thành tuyến trước để lấy lại lòng tin đối với Mỹ trước những cuộc khởi nghĩa cách mạng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM