Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:31:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Giải phẫu một cuộc chiến tranh  (Đọc 97082 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #190 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2008, 12:53:57 pm »

NÔNG THÔN VIỆT NAM VÀ CÁC HẬU QUẢ CỦA SỰ PHỤ THUỘC

Trong khi nền kinh tế Việt Nam cộng hòa năm 1973 nặng về phi nông nghiệp, thì cuộc khủng hoảng kinh tế nông thôn lại đáng ngại hơn, bởi vì phương thuốc có thể cứu cho sự suy thoái đó sẽ phải được tìm ra ở nông thôn chứ không phải ở đâu khác cả. Nhưng những mất cân đối mà nền kinh tế do Mỹ đỡ đầu đã tạo ra, đang gây những khó khăn cơ cấu không thể sửa chữa được ở nông thôn.

Ngoài tình trạng dư thừa to lớn lao động ở thành thị và thiếu hụt gay gắt lao động ở nông thôn, còn xuất hiện sự phụ thuộc mới của nền kinh tế nông nghiệp vào nền kinh tế thế giới về mặt nhập khẩu. Cái gọi là hiện đại hóa nông thôn tạo ra một sự thịnh vượng tạm thời nhưng nó che giấu một điểm yếu mà năm 1973 bắt đầu xuất hiện và báo trước một thảm họa. Chỉ sự kết thúc chiến tranh mới làm cho nó không trở thành một tai ương ác nghiệt nhất.

Nông dân đã được khuyến khích và trợ cấp để hiện đại hóa. Việt Nam cộng hòa bắt con trai của họ đi lính cho nên phụ nữ năm 1971 chiếm gần ba phần tư lao động nông nghiệp. Trước tình hình như vậy, phải có những sáng kiến giảm bớt lao động. Máy nông nghiệp, bơm nước, phân bón và thuốc trừ sâu cùng với giống lúa năng suất cao làm cho một bộ phận lớn nông dân bị nợ nần ở nhiều mức khác nhau.

Giá cả tăng rất nhanh chóng. Phân bón trở thành mối lo âu của nông dân và là biểu tượng khó khăn của họ. Giá phân bón trong những năm 1972-1974 ở Nam Việt Nam tăng 285 phần trăm và cũng thiếu trên thế giới. Trong khi đó thì giống lúa mới của Mỹ đưa vào đòi hỏi phân bón nhiều gấp đôi giống lúa cổ truyền. Kết quả là nông thôn Nam Việt Nam dùng phân bón trên một héc-ta nhiều hơn bất cứ quốc gia nào ở Nam và Đông Nam Á. Vì việc dùng phân bón giảm xuống nên sản lượng sau năm 1975 được thấy trước là sẽ giảm.

Cũng cần xăng dầu cho máy bơm và các máy nông nghiệp của họ. Vào giữa năm 1973, 1974, giá xăng dầu tăng 250 phần trăm. Tiêu thụ dầu lửa và dầu xăng rất cần thiết cho đời sống nông dân đã giảm đi hơn quá nửa năm 1974. Với việc lấy vịt thay cho thuốc trừ sâu phải nhập, với việc giảm phân bón và dầu cần thiết cho hệ thống nông nghiệp mà Mỹ làm cho phụ thuộc tuyệt đối vào họ, Nam Việt Nam đang đi thẳng vào một cuộc khủng hoảng nông thôn.

Trong khi còn tệ hơn trước rất nhiều, nông dân vẫn còn có khả năng hơn những người đô thị để sống sót trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Những vấn đề cấp bách nhất của họ là tiền mặt và thích nghi với kiểu nông nghiệp đắt tiền, do Mỹ đỡ đầu. Những nông dân nào trước đây hợp tác nhiều với Mỹ thì bây giờ rơi vào tình cảnh xấu nhất. Nhiều nông dân trở lại những cách làm nông cổ truyền sau khi đã bị nhiều nợ nần và phải đối phó với những vấn đề mới.

Tuy giá gạo tăng lên 143 phần trăm giữa cuối năm 1972 và cuối năm 1974, nhưng vẫn không đủ để bù lại giá lên của các nhu cầu nông dân. Giá gạo thế giới còn tăng hơn nhiều. Đáng lý tăng giá gạo trong nước và cắt 300.000 tấn gạo nhập hàng năm để khuyến khích sản xuất, thì Việt Nam cộng hòa lại thích duy trì việc nhập gạo của Mỹ làm đòn bẩy giữ giá. Chiến tranh gạo của chính quyền Sài Gòn năm 1973 đã buộc nông dân phải bán gạo của mình với giá thấp giả tạo. Nhưng trong nửa năm sau 1974, nông dân trả đũa bằng cách tích trữ gạo lại chứ không bán ra với giá hạ. Một cuộc đối đầu với nông dân không thể tránh khỏi.

Một vấn đề khó khăn lớn nữa là tham nhũng và tổn thất kinh tế mà tham nhũng gây ra trong năm 1974. Cơ quan phát triển quốc tế nhận định rằng tham nhũng là "đủ để trở thành một nhân tố then chốt trong cuộc suy thoái 1973-1974... Không đánh giá thấp tác dụng của việc giảm viện trợ Mỹ, nhưng rõ ràng là vấn đế tham nhũng, nhất là tham nhũng ở cấp cao, là một nhân tố trọng yếu trong việc làm tan rã tinh thần quốc gia...".

Phân bón là món nhập khẩu quan trọng nhất trong vấn đề sản xuất lương thực. Và cuộc bê bối phân bón tháng 4 năm 1974 liên can đến gia đình Thiệu, bộ trưởng thương mại, mười tỉnh trưởng và một số bạn chí thân của Thiệu. Em vợ Thiệu, người thân nhất của ông ta, là người tổ chức chủ chốt của bê bối này. Các chi tiết đã được công bố công khai vì những kẻ thù chính trị của Thiệu biết rằng vấn đề này làm cho Thiệu sẽ bị tiến công. Lòng hám lợi vô hạn độ của Thiệu trong một vấn đề trọng yếu như vậy bộc lộ một tính chất kẻ cướp đẩy Thiệu nhanh đến chỗ bị lật đổ. Trong cuộc bê bối này trên 85 triệu đô- la đã chạy vào túi của những người cộng tác với Thiệu.

Đến năm 1974, người nông dân ở trong tình cảnh tồi tệ nhất trần gian, không còn con, không có hòa bình, cũng như không có ngoại tệ. Họ chỉ thấy có Thiệu và binh lính của ông ta cướp bóc, giá lên và mất an ninh cùng thảm họa trong tương lai. Xét mặt nào cũng vậy, mặt hoạt động cũng như về con người, nền kinh tế nông thôn ở miền Nam đang suy sụp với một tốc dộ khủng khiếp. Nếu chiến tranh kéo dài thêm một ít nữa, thì ngay những nông dân giàu có cũng sẵn sàng theo Cách mạng.

So sánh với cơ cấu nông thôn, nền kinh tế đô thị còn gần sự sụp đổ hơn nhiều. Việc bần cùng hóa đô thị lao nhanh một cách khủng khiếp. Vì chiến tranh sau năm 1972 làm cho các vấn đề kinh tế trở nên nguy ngập hơn bao giờ hết, chính quyền Ních-xơn phải tìm cách giải quyết chúng. Không làm được như vậy sẽ đưa đến một thất bại của Mỹ còn chắc chắn hơn bất kỳ thất bại nào trên chiến trường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #191 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2008, 12:55:14 pm »

NHỮNG NHÀ VẠCH KẾ HOẠCH MỸ ĐƯƠNG ĐẦU VƠI KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

Những rắc rối kinh tế của Việt Nam cộng hòa là hậu quả không thể xóa bỏ được của sự có mặt gây đau khổ của Mỹ sau năm 1964 mà không có gì có thể cứu chữa được. Sự suy sụp của nền kinh tế gây cho tình hình chính trị và quân sự xấu đi theo nó. Các quan chức Mỹ cũng như tham mưu trưởng liên quân đô đốc Tô-mát Mu-rơ tháng 2 năm 1974, thừa nhận rằng "vấn đề chủ yếu của Thiệu là kinh tế”.
Nhà kinh tế Mỹ thông thạo nhất về Việt Nam, A-tơ Xmi-thi của trường Đại học Ha-vớt luôn luôn là một người bi quan thận trọng về tương lai kinh tế của Việt Nam cộng hòa. Năm 1971, ông ta tiên đoán rằng Việt Nam cộng hòa sẽ tiếp tục phụ thuộc vào viện trợ ít nhất một đến hai thập kỷ nữa.

Việc vạch kế hoạch kinh tế của bản thân Việt Nam cộng hòa là một trong những thành phần đáng lo ngại nhất trong tình hình này, bởi vì không có một kế hoạch nào xứng với chính tên của nó. Mọi bộ có liên quan đến đồng tiền chủ yếu là một trung tâm ban ơn và một ổ tham nhũng mà Thiệu tự tay chọn lấy những người phụ trách.

Bộ trưởng kinh tế năm 1973, Phạm Kim Ngọc có quan hệ chặt chẽ với Lý Lương Thân, người Phúc Kiến quan trọng nhất ở Sài Gòn và là đầu mối chuyển tiền cho Thiệu. Tuy là một con cưng của Cơ quan phát triển quốc tế và là người chủ sở hữu ngôi nhà của AID, Ngọc bị chỉ trích vế nạn lạm phát năm 1973 và chuyển sang lãnh đạo Ủy ban kế hoạch. Thay cho Ngọc là Nguyễn Đức Cương 33 tuổi đã từng cộng tác với Ngọc trong cuộc bê bối phân bón.

Vào mùa hè năm 1974, khi hết quan chức kinh tế này đến quan chức kinh tế khác bị cách chức vì tham nhũng hoặc bất lực, Thiệu bắt đầu dựa vào những người bí mật không xuất hiện công khai. Không có kế hoạch nào của Việt Nam cộng hòa ngoài kế hoạch nhận viện trợ. Bộ máy kinh tế của Thiệu cũng đi song song với tổ chức quân sự của ông ta, nghĩa là những bộ máy của cá nhân trong cơ cấu quyền lực.

Vì các chuyên gia kinh tế Mỹ không thông thạo trong việc vạch một kế hoạch cho Việt Nam cộng hòa, nên năm 1973 họ yêu cầu Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá tình hình. Ngân hàng cho rằng không thể vạch được kế hoạch phát triển nào nếu không có viện trợ ở mức cao. Họ cho rằng đến năm 1980, Việt Nam cộng hòa còn cần 770 triệu đô la và năm 1990, 450 triệu.

Chính quyền Giôn-xơn đã thảo luận việc dùng các ngân hàng quốc tế để viện trợ kinh tế cho Việt Nam cộng hòa, và đầu năm 1973 chính quyền tiếp theo thực hiện chiến lược đó. Lúc đầu có thu được một số kết quả. Ngân hàng phát triển châu Á và nhiều nước khác, đặc biệt là Nhật Bản và Pháp, đã tăng mức cho không và cho vay của họ từ 33 triệu đô-la năm 1970 lên 168 triệu năm 1973, và cao hơn một ít năm 1974. Nhưng về sau các thành viên của ngân hàng chia rẽ, những việc làm trước đây lọt vào tay những nhà hoạt động chống chiến tranh cho nên khi cuộc họp tháng 10 năm 1974 để thảo luận việc nối lại cố gắng thì tờ báo "Thế giới" công bố chi tiết các cuộc họp mặt trước đó nên công việc phải trì hoãn cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Nếu kế hoạch của Mỹ mà thành công thì Việt Nam cộng hòa sẽ nhận được 200 triệu đô-la từ các nguồn không phải là Mỹ trong năm 1975. Sự thất bại trong việc không quyết định được trong năm 1974 viện trợ của các ngân hàng cho Việt Nam cộng hòa đã có ảnh hưởng tâm lý rất quan trọng ở Sài Gòn.

Còn kỳ lạ và hào hiệp viển vông hơn nữa là những ý nghĩ kỳ quặc lấy dầu để cứu vãn Việt Nam cộng hòa ra khỏi thảm họa. Các công ty Mỹ thăm dò khu vực thềm lục địa Nam Việt Nam cuối những năm 1960 và thấy rằng có hứa hẹn về mặt địa chất. Năm 1971, tuyên truyền của phong trào chống chiến tranh và công bố của Quốc hội làm cho nhiều công ty nản lòng. Việt Nam cộng hòa thì muốn có đầu tư của nước ngoài và họ biết chỉ có dầu là cách duy nhất để khuyến khích. Mùa hè năm 1973 họ kêu gọi đấu thầu, nhưng đáp ứng rất ít. Tháng 5 năm 1974 khi giá dầu lên cao, họ kêu gọi lại và đến tháng 11 năm 1974 cũng chưa có kết quả gì dứt khoát hoặc hứa hẹn, làm cho Sài Gòn và Oa-sinh-tơn thất vọng.

Tuy vậy Cơ quan phát triển quốc tế vẫn cố gây ra sự phấn khởi. Mùa hè năm 1974, họ bắt đầu cho biết rằng viện trợ kinh tế có thể có lý của nó bởi vì trong vòng năm năm nữa dầu mỏ sẽ làm giảm viện trợ, thậm chí làm cho nó không cần thiết nữa. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời Việt Nam cộng hòa, các nhà lãnh đạo của họ tin rằng dầu sẽ ngăn chặn mọi thảm họa, bổ sung hoặc thậm chí thay cho mọi viện trợ và đồng thời xây dựng một khối hùng mạnh những người ủng hộ ở Mỹ. Một quan chức phấn khởi nói rằng chúng ta phải dựa vào Sheu, Mobil và Esso và vào thái độ chống cộng của họ".

Khi dấu hiệu đầu tiên của dầu được phát hiện tháng 8 năm 1974, Thiệu rất hoan hỉ. Tuy nhiên một trợ lý thân cận nhất của Thiệu đã nói: ảo tưởng cho rằng "việc phát hiện ra dầu có thể có sức mạnh thần kỳ giải quyết tất cả các vấn đề kinh tế của đất nước", chỉ làm cho thất vọng ngày càng sâu sắc. Trái lại, nó càng khuyến khích những chính sách tai họa, làm tăng thêm khả năng vốn có không dám đương đầu với thực tế. Trong không khí siêu thực tế mà mỗi một đất nước đang tan rã tạo ra, lòng tin rằng dầu có thể cứu khỏi diệt vong chỉ là một biểu hiện hão huyền của một nền văn hóa suy tàn. . 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #192 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2008, 12:56:24 pm »

Chương ba mươi chín
SÀI GÒN VÀ OA-SINH-TƠN GIỮA NĂM 1974; SỰ NỐI TIẾP CỦA HAI CUỘC KHỦNG HOẢNG

CUỘC KHỦNG HOẢNG Ở OA-SINH-TƠN...

Oa-tơ-ghết, sự kiện chính trị đau xót nhất của Mỹ trong hơn một thế kỷ, đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ phạm vi của chính sách đối ngoại Mỹ. Vì phạm vi xoay xở của chính quyền Mỹ bị thu hẹp, nên họ không có khả năng về mặt chiến thuật tập hợp sự ủng hộ cho chính sách hoặc thậm chí suy nghĩ cặn kẽ hơn sau mùa xuân năm 1974. Nhưng vấn đề thực sự là hầu hết các khó khăn toàn cầu của họ đã được để lại từ trước và không có cách giải quyết dưới bất kỳ điều kiện nào.

Oa-tơ-ghết, không phải nguyên nhân của cuộc khủng hoảng quyền lực hành pháp và tính hợp pháp chính trị ở Mỹ, càng không phải nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ở Sài Gòn. Cuộc khủng hoảng đó một phần là kết quả của cơ cấu vạch và thực hiện chính sách ngày càng khép kín và có tính chất đối phó, đã được tạo ra trong thời gian sau năm 1946 và được áp dụng một cách cực đoan ở Việt Nam.

Vào năm 1973, những di tích quan trọng nhất còn lại của hai thập kỷ cộng tác giữa Tổng thống và Quốc hội là việc những quyền làm ra quyết định được tập trung ở Nhà Trắng mà bây giờ những lý lẽ để bênh vực những quyết định đó và cả sự hiệu quả của chế độ trong việc đề ra các lợi ích quốc gia cũng sai lệch và không thuyết phục. Oa-tơ-ghết đã trở thành phương tiện được lựa chọn của Quốc hội để điều chỉnh lại sự mất cân đối giữa chính Quốc hội và Tổng thống, và do đó mà tăng thêm cuộc xung đột đã bắt đầu dưới thời Giôn-xơn năm 1968 và tiếp tục đến ngày nay.

Ngay dù cho không có Oa-tơ-ghết vẫn có cuộc khủng hoảng trong quan hệ hành pháp và lập pháp. Oa-tơ-ghết nổ ra cùng với những khó khăn lớn nhất của Thiệu nhưng chắc chắn không phải là nguyên nhân của chung. Tất nhiên là cơ quan hành pháp nhanh chóng trở nên dễ bị tiến công vì khó khăn của Ních-xơn với Oa-tơ-ghết, nhưng cái chính là vì Ních-xơn sử dụng quá mức quyền hành tổng thống vào một thời điểm không thích hợp. Ông ta làm như vậy chủ yếu là vì quá tham lam quyến lực và bất chấp những hạn chế của hiến pháp, nhưng cũng vì lòng tham vô hạn của Kít-xin-giơ vừa xem thường ý kiến kẻ khác, vừa muốn giữ độc quyền quyết định về chính sách đối ngoại, do đó mà những hậu quả của Oa-tơ-ghết tiếp tục tồn tại sau khi Ních-xơn từ chức ngày 9 tháng 8, để lại cho Thiệu một đồng minh quan trọng nhưng bị suy yếu ở Oa-sinh-tơn.

Vì Oa-tơ-ghết chiếm tất cả sự chú ý của Tổng thống nên Kít-xin-giơ tìm cách khống chế các phương tiện lãnh đạo chính sách đối ngoại. Kít-xin-giơ khéo léo làm cho Bộ trưởng Ngoại giao thụ động Uy-li-am Rô-giơ từ cuối năm 1972 trở thành một "vịt què" trong sáu tháng tiếp theo, và vào mùa hè năm 1973, Kít-xin-giơ trở thành một cách chưa từng có vừa bộ trưởng ngoại giao vừa cố vấn an ninh quốc gia.
Chừng nào Ních-xơn còn tại chức, nhiều nghị sĩ xem Kít-xin-giơ là một sự cản trở có ích, nhưng khi Ních-xơn ra đi rồi, thì Kít-xin-giơ trở thành tiêu điểm của sự thù địch Quốc hội, bị lên án vì "chủ nghĩa độc đoán một người" và vì tự dặt mình "lên trên quyền hạn của luật pháp" trong khi theo đuổi một chính sách đối ngoại "mua chuộc, hứa hão và khoa trương".

Từ đầu năm 1973 đến lúc Ních-xơn rời nhiệm vụ, Nhà Trắng tìm cách gạt tác động của Oa-tơ-ghết ra khỏi việc điều khiển chính sách đối ngoại, nhưng chính quyền vẫn ngày càng lâm vào thế bị động. Đầu năm 1974, như về sau Ních-xơn kể lại, tám tháng trước đó tỏ ra là "tàn bạo", và "bây giờ tôi chỉ còn lại sự phân tích tình hình của tôi thu gọn trong việc có thể sống còn hay không?".

Cuộc chiến tranh Trung Đông tháng 10 năm 1973 và cuộc cấm vận dầu cũng làm cho tình hình Mỹ thêm khó khăn. Giá dầu ở Mỹ tăng 6,2 phần trăm năm 1973, gấp đôi năm trước và cao nhất từ năm 1948, nhưng đến năm 1974 thì vọt lên 11,0 phần trăm. Thâm hụt ngân sách năm 1975 bắt đầu từ tháng 7 năm 1974, là 71 tỷ đô-la, lớn nhất trong lịch sử và bằng tất cả các thâm hụt từ năm 1960 cộng lại.

Những khó khăn kinh tế và những khó xử chính sách đối ngoại xen kẽ vào nhau. Năm 1973 cũng đánh dấu sự bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc chạy đua vũ khí chiến lược, rõ ràng là vì Liên Xô phát triển tên lửa mới và vì chính quyền Mỹ còn muốn một lần nữa xây dựng một ưu thế về chiến tranh quy ước, chiến tranh cục bộ. Các mặt này của chính sách quốc phòng Mỹ gây ra tác động tai hại của lạm phát đối với việc cung cấp vũ khí.

Trong hoàn cảnh như trên, Việt Nam không được chính quyền chú ý đầy đủ như trước và chỉ do những quan chức cấp thấp không có quyền lực cuối cùng phụ trách. Chính sách về Việt Nam không được điều chỉnh để thích hợp với những hoàn cảnh đang thay đổi, bởi vì Nhà Trắng còn một loạt rất lớn các thách thức khác, cấp bách hơn nhiều, từ sự sống còn của chức vụ tổng thống đến sự vững chắc của nền kinh tế và tương lai sức mạnh Mỹ ở châu Âu và Trung Đông.

Ngay dù cho không có bê bối Oa-tơ-ghết thì những vấn đề đó cũng sẽ choán tất cả thì giờ và những ưu tiên về ngân sách. Khi Ních-xơn từ chức và Giê-rôn Pho thay, Tổng thống mới không có thì giờ và sự sẵn lòng đương đầu với Quốc hội về Việt Nam, hoặc về bất cứ vấn đề nào khác. Bộ trưởng ngoại giao của ông ta, mà nhiều người xem là một tàn dư mất tín nhiệm của một quá khứ phá sản, không còn ảnh hưởng nào có ý nghĩa đối với các sự kiện.

... VÀ Ở SÀI GÒN

Vào giữa năm 1974, Việt Nam cộng hòa dễ bị tan rã về mặt chính trị và kinh tế. Số lượng viện trợ không có cách nào giải thích được những điền yếu chính trị của nó. Thế khó khăn về kinh tế là tất nhiên và vốn có trong số những thiếu sót cơ cấu mà Mỹ đã tạo ra trong chế độ của Việt Nam cộng hòa trong hơn một thập kỷ. Sự mong manh về quân sự là hậu quả của một đội quân đang sụp đổ không được trả lương đầy đủ và mất tinh thần nhưng lại gây đau khổ cho nông dân, làm cho họ ngày càng chống lại Việt Nam cộng hòa và đi với Cách mạng.

Cộng với những khó khăn khác của Mỹ, chắc chắn là cán cân lực lượng ở Việt Nam vào mùa hè năm 1974, đã chuyển biến hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam cộng hòa và làm tan rã các thể chế hạ tầng và tạo ra những chấn thương chính trị và những đột biến kinh tế tai họa. Sự sụp đổ của Ních-xơn rõ ràng gây tác hại cho Thiệu và tuy Oa-tơ-ghết không phải là nhân tố quyết định, nhưng làm tăng thêm những khó khăn của Thiệu đúng vào lúc Thiệu không còn có thể chịu thêm được nữa.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #193 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2008, 12:57:54 pm »

CUỘC ĐẦU TRANH XIN VIỆN TRỢ QUÂN SỰ CHO VIỆT NAM CỘNG HÒA

Chế độ của Thiệu có quá nhiều điểm yếu cơ bản về tổ chức và về con người nên một mình tiền không thể cứu chữa được, nhưng viện trợ quân sự Mỹ vẫn là một trong những nhân tố trọng yếu ảnh hưởng đến bước đi của sự kiện ở Nam Việt Nam. Nó vẫn còn là vấn đề xác định mối quan hệ của chính quyền Mỹ với Thiệu. Nhưng rất rắc rối cho nhà độc tài bởi vì Nhà Trắng ra sức tìm cách tập trung vào các vấn đề chính sách ở những nơi khác trên thế giới và đưa Việt Nam vào một ưu tiên thấp hơn.

Chính quyền lúc ban đầu xin 1,6 tỷ đô-la viện trợ quân sự cho năm 1975, xem đó là con số mặc cả, nhưng Mac-tin thì cho rằng con số 1,45 tỷ là tuyệt đối cần thiết. Mac-tin và Mu-rê thiếu tướng đứng đầu Cơ quan tùy viên quốc phòng, vận động cho việc xin viện trợ này vào tháng 4 tại Oa-sinh-tơn.

Theo yêu cầu của ủy ban quân lực Thượng viện, Sơ-lê-xin-giơ cử E-ric von Mac-bôd sang Sài Gòn đánh giá tình hình thực tế. Mac-bôd nhận thấy rằng, quân đội Việt Nam cộng hòa có một dự trữ trọng pháo và đạn thông thường ở gần mức cao của tháng giêng năm 1973, còn nhiên liệu thì phần lớn bị tuôn ra chợ đen. Mac-bôd báo cáo rằng yêu cầu viện trợ đã được đưa ra ở mức cao không cần thiết. Ngày 5 tháng 8, Hạ và Thượng viện đưa ra một mức viện trợ quân sự là 1 tỷ đô-la cho năm 1975. Đồng thời luật viện trợ này cũng giảm nhân viên quân sự và dân sự Mỹ ở Nam Việt Nam xuống mức đã được cho phép.

Một tướng cấp cao quân đội Việt Nam cộng hòa nhắc lại rằng "Tin về việc cắt giảm viện trợ quân sự đã lan rộng trong khắp hệ thống của quân đội Việt Nam cộng hòa như một quả bom khổng lồ có sức tàn phá lớn".

Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất của Thiệu không phải là quân sự mà là chính trị. Câu chuyện hoang đường của Thiệu đã bị đập nát ở Sài Gòn, bởi vì ông ta không còn kiểm soát được kho hàng phong phú lớn của Mỹ nữa. Cố gắng đối phó với quy mô giảm viện trợ đó đã làm cho Việt Nam cộng hòa bận tâm cho đến những ngày cuối cùng và tăng thêm nỗi phiền muộn không bờ bến về chính trị và tâm lý của họ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #194 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2008, 12:58:33 pm »

NỀN KINH TẾ VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐI VÀO NỖI THỐNG KHỔ CUỐI CÙNG

Trong mùa hè năm 1974, một nhóm các nhà kinh tế Mỹ và các quan chức viện trợ có trách nhiệm, đã khởi xướng một sự đánh giá lại quan trọng điều kiện sa sút nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam cộng hòa. Tháng 9, Việt Nam cộng hòa công bố ngân sách năm 1975 của mình; nó bao hàm những điều ngụ ý đáng ngại. Ngân sách năm 1974 dự tính là 561 tỷ đồng Việt Nam, nhưng thực chi là 720 tỷ, do đó đẩy nhanh lạm phát đang lan tràn. Các quan chức Việt Nam cộng hòa đưa ra con số 825 tỷ đồng Việt Nam cho ngân sách 1975, trong khi các chuyên gia Cơ quan phát triển quốc tế tin rằng nó sẽ lên tối thiểu đến 975 tỷ, mà hai phần ba sẽ là thâm hụt.

Vì không tìm đâu được 1,5 tỷ đô-la viện trợ nước ngoài để lấp lỗ trống đó, cho nên những cố vấn Mỹ phải đối phó với triển vọng in thêm tiền. Số viện trợ tổng số của tất cả các nguồn trong năm 1974 đã lên đến con số to lớn là 913 triệu đô-la. Khác với tình hình quân sự, triển vọng và khủng hoảng kinh tế của Việt Nam cộng hòa luôn luôn ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước, và cuối cùng đến cán cân quân sự. Các chuyên gia Cơ quan phát triển quốc tế tiên đoán một mức lạm phát nhảy vọt và một sự mất ổn định kinh tế năm 1975. Mùa thu năm 1974, họ xem xét lại một cách rất rộng rãi nền kinh tế của Việt Nam cộng hòa với hy vọng tìm những giải pháp.

Cơ quan phát triển quốc tế tham khảo ý kiến các cố vấn của mình và Quỹ tiền tệ quốc tế. Trong khi họ có thể đồng ý với nhau về tính chất của vấn đề, nhưng rất khác nhau về các giải pháp. Xmi-thi và các chuyên gia tổ chức Rand cho rằng đồng bạc miền Nam đã bị phá giá quá nhanh, nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế, áp dụng công thức tiêu chuẩn của mình cho mọi nước, lại muốn phá giá đồng tiền miền Nam nhanh hơn nữa (để khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu), muốn một ngân sách cân đối và thậm chí giảm quy mô của quân đội. Những bất đồng đó cộng với quy mô của thách thức, làm cho Cơ quan phát triển quốc tế nản lòng, không có thêm cố gắng để giải quyết thế khó xử kinh tế đó nữa.

Tháng 10, Xmi-thi, công khai mô tả nền kinh tế của Việt Nam cộng hòa đang trong một "tình trạng suy thoái sâu sắc". Trong khi các quan chức Cơ quan phát triển quốc tế ở Oa-sinh-tơn thật thà nói với Quốc hội rằng hỗn loạn đã xảy ra trong nền kinh tế nếu Quốc hội không cho đủ tiền, nhưng những chuyên gia ở Sài Gòn thì lại phải đương đầu với thực tế rằng các vấn đề cơ cấu chồng chất dè nặng lên Việt Nam cộng hòa đã vượt quá mức giải quyết của đồng tiền.

Khi nói chuyện riêng với nhau, các nhà phân tích sắc sảo nhất của Cơ quan phát triển quốc tế ở Sài Gòn nói: "Những chiều cạnh của thảm họa tiền tệ tiềm tàng đang trở thành rất rõ cho mọi người từ khi Phước Long thất thủ (ngày 6 tháng giêng năm 1975)". Họ thấy trước rằng năm 1976 và 1977 sẽ có những khủng hoảng không sao tả xiết. Cách nhìn về những sự kiện kinh tế sắp xảy ra và đáng lo ngại cũng lan tràn trong toàn bộ cơ cấu chính trị của Việt Nam cộng hòa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #195 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2008, 12:59:36 pm »

CUỘC KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ CỦA SÀI GÒN VÀ PHẢN ỨNG CỦA CHÍNH QUYỀN

Sự xói mòn của sự ổn định chính trị của Thiệu, bắt đầu từ năm 1974, kết quả những đe dọa của ông ta chống lại ngành dân sự cũng như những biểu hiện kinh tế và xã hội ngày càng yếu đi ở đô thị, đã đạt những tỷ lệ của khủng hoảng vào cuối mùa hè, và những căng thẳng chính trị ngày càng chiếm lĩnh những tháng cuối cùng tồn tại của Việt Nam cộng hòa. Càng ngày càng nhiều những người lớp trên đã từng ủng hộ Thiệu, bắt đầu tìm cách tự cứu lấy mình bằng cách chống lại tên độc tài quân sự.

Trong hai thập kỷ tồn tại của mình, Việt Nam cộng hòa đã trải qua những giai đoạn gay gắt của những âm mưu và những khả năng chính trị phức tạp làm kiệt quệ những người có liên quan và cả người Mỹ. Nửa sau của năm 1974 có lẽ là rắc rối và phức tạp nhất. Không thể lên biểu đồ được tất cả những mưu mô, thủ đoạn xuất hiện trong thời gian đó. Đặc điểm nổi bật của phe đối lập mới, quan trọng là họ chủ yếu nằm trong quỹ đạo của Thiệu và bao gồm không phải chỉ những quan chức dân sự cấp cao mà còn một số lượng ngày càng tăng những sĩ quan cấp cao đã thấy rõ rằng Thiệu không còn khả năng lợi dụng túi tiền viện trợ quân sự và kinh tế to lớn của Mỹ nữa.

Về phần mình, Thiệu tìm cách vô hiệu hóa tố cáo của linh mục Trần Hữu Thanh về tội tham nhũng của Thiệu, gia đình và bè bạn, trong đó có việc đầu cơ phân bón, buôn bán ma túy, và lợi dụng giá gạo. Những nhân vật chính trị có tiếng kể cả Trần Văn Lắm, bộ trưởng ngoại giao cũ của Thiệu, tướng Cao Văn Viên của bộ tổng tham mưu và Trần Quốc Bửu người đứng đầu các nghiệp đoàn và có quan hệ chặt chẽ với CIA, bây giờ sẵn sàng lợi dụng tội tham nhũng làm nền để có lợi cho mình. Tuy nhiên, phong trào của cha Thanh tuy là một trung tâm chống đối rõ rệt nhất nhưng khi nó kết nạp một số phần tử cơ hội nổi tiếng và những người thuộc phe Diệm cũ và khi nó đi đến tạo ra một liên minh với Nguyễn Cao Kỳ, thì hiệu lực của nó bị hạn chế.

Nhìn bề ngoài thì Thiệu đã đối phó với thách thức một cách khôn khéo: ông ta chấp nhận một số nhượng bộ trên mặt và gạt ra khỏi chính quyền những phần tử có thể không trung thành. Giữa tháng 9, ông ta thay sáu tỉnh trưởng mà ông ta nghi ngờ về lòng trung thành và trong khi ông ta hứa hẹn thêm tự do cho báo chí thì lại đàn áp thẳng tay những báo đăng lời tố cáo của cha Thanh.

Ngày 24 tháng 10, Thiệu cách chức bốn bộ trưởng nội các trong đó chỉ hai bị tố cáo ăn hối lộ và gạt 377 sĩ quan cấp tá ra khỏi quân đội. Quan trọng hơn, ông ta gạt ba trong số bốn tư lệnh vùng chiến thuật, đưa về học viện quân sự. Con người quanh co nhất trong ba người, tướng Nguyễn Văn Toàn, nổi tiếng là tướng "quế” đã được đưa trở lại làm tư lệnh vùng chiến thuật III tháng tiếp theo, khi Thiệu củng cố hơn nữa sự kiểm soát của mình đối với cán bộ chỉ huy quân đội và cảnh sát. Trong phần còn lại của năm 1974 và của cuộc đời Việt Nam cộng hòa, Thiệu tránh né được những thách thức, giữ nguyên được bộ hạ tham nhũng khá trung thành, một phần do cách ông ta xây dựng và duy trì bộ máy từ năm 1968, nhưng chủ yếu là nhờ sự đỡ đầu của Mỹ. Cuối cùng, số phận của Thiệu và của Mỹ không thể nào giải thoát được.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Sài Gòn sau giữa năm 1974 đưa lại cho chính quyền Mỹ nhiều vấn đề hắc búa đau đầu nhưng không đưa lại được thời cơ nào. Người ta chưa rõ những người bảo thủ chỉ trích Thiệu có thể và sẽ làm gì nếu họ được nắm quyền. Chính trách nhiệm của phái đoàn Mỹ ở Sài Gòn là phải theo dõi các sự kiện chính trị xảy ra ở Sài Gòn sau tháng 5; nhờ những máy nghe điện tử trong khắp lâu đài của Thiệu, Mỹ đã biết được những vấn đề riêng tư của Thiệu. Rõ ràng, một số quan chức, nhất là CIA, tán thành gạt Thiệu, nhưng họ không có khả năng thay đổi chính sách hiện có.

Công khai thì Mac-tin chống lại việc gạt Thiệu nhưng lại nói rằng ông ta không tin là nếu điều đó xảy ra thì tình hình rối loạn có thể kéo dài. Ông ta đồng thời cũng cho rằng nếu điều đó xảy ra thì cần phải đưa những người thông thạo vào chính phủ và giữ lại những người đã có sẵn. Ông ta công khai ủng hộ Châu Kim Ngân, bộ trưởng tài chính. Nhưng khi có tin đồn về một sự thay đổi do Mỹ ủng hộ và Ngân có thể là người kế vị, thì Thiệu cho Ngân về hưu, trong số bốn bộ trưởng mà ông ta gạt cuối tháng 10. Một khi thấy rõ rằng Thiệu sẽ chống lại, Mac-tin và hầu hết những người Mỹ ở Sài Gòn muốn có một sự chuyển tiếp hòa bình, có thể thông qua bầu cử tổng thống cuối năm 1975 hơn là một sự phân liệt trong tầng lớp trên chống cộng. Nhưng vì Thiệu kiểm soát một đảng hợp pháp duy nhất, cho nên tương lai chính trị của Việt Nam cộng hòa tỏ ra vô cùng phức tạp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #196 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2008, 01:00:10 pm »

Kít-xin-giơ nói riêng, chống lại những đổi mới chính sách. Nhưng đầu tháng 10, nhiều thượng nghị sĩ công khai chủ trương thay Thiệu và chỉ trích Nhà Trắng không có chính sách rõ ràng về tương lai chính trị của Việt Nam cộng hòa. Tuy vậy, bị rối mù vì những di sản của Oa-tơ-ghết và vì bận tâm với việc thu vén vào tay mình tất cả các khâu của chính sách đối ngoại, Kít-xin-giơ đã công khai bày tỏ nỗi tiếc rằng "đã phí quá nhiều thì giờ trong cuộc chiến tranh Việt Nam trong quá khứ, và ông ta khó có khả năng trở lại cuộc chiến tranh đó.
Ông ta cũng biết như bất cứ ai khác rằng sẽ mất rất nhiều thì giờ và cũng không thể làm gì được để đối phó với những thực tế kinh tế và quân sự đứng nước Việt Nam cộng hòa. Thực tế về cán cân lực lượng ở Nam Việt Nam hơn là những cấp dưới phiêu lưu của ỏng ta trong CIA và ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Kít-xin-giơ không muốn tỏ ra là bỏ Thiệu như Ken-nơ-đi đã bỏ Diệm. Ông ta muốn một sự chuyển tiếp có trật tự, chứ không muốn có một cuộc đảo chính. Ông ta muốn duy trì nguyên trạng.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ trong tháng 10 và tháng 11 CIA và nhiều thành viên cấp thấp của Đại sứ quán Mỹ tiếp tục đưa ra những bình luận, bỏ ngỏ khả năng về một chế độ mới, khuyến khích phe đối lập. Một số chuyên gia về Việt Nam cấp cao nhất của CIA đến Sài Gòn trong tháng 9 và tháng 10 để tiếp xúc với những nhân vật chống đối chủ chốt. Những nhà báo có kinh nghiệm lâu đời biết được những suy tính đó và tập trung vào Trần Quốc Bửu của CIA như là người có thể thay thế, nếu không phải qua một cuộc cải tổ trước mắt thì cũng qua cuộc bầu cử tháng 10 năm 1975.

Tình hình này làm yếu rất nhiều liên minh của Thiệu và ngày 21 tháng 10, Đại sứ quán đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ cải chính việc ủng hộ bất kỳ nhóm đối lập nào và nói rõ sự cam kết với Thiệu. Ngay sau đó, Mac-tin đến văn phòng Châu Kim Ngân một cách công khai, hy vọng ngăn cản Thiệu không gạt bỏ ông ta, nhưng không thành công.

Tin đồn cứ tiếp tục lan truyền làm cho Thiệu thất thế hơn về chính trị. Để có thể giữ được mọi sự lựa chọn, chính quyền Mỹ duy trì một chính sách mập mờ chính vào lúc Quốc hội giảm viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam cộng hòa. Thái độ đó đã làm cho Thiệu lúng túng đúng vào lúc ông ta khó bề xoay xở. Lần đầu tiên trong lịch sử của cuộc chiến tranh, Oa-sinh-tơn theo đuổi một chiến lược thụ động ở Việt Nam, bằng lòng để cho các sự kiện trôi qua dưới mũi. Đó là một lập trường mập mờ, đến lúc đưa lại thất vọng và thất bại nhục nhã.

Thiệu bây giờ phải đương đầu với bạn bè và những người ủng hộ không kiên định mà lòng cam kết cũng giảm sút cùng với số lượng viện trợ của Mỹ. Tự bản thân phe đối lập cánh hữu không có gì đáng sợ bởi vì nó không có cơ sở quần chúng và rất ít lòng tin. Những thành viên nổi bật nhất của họ là những nhà chính trị đồi bại, những tướng lĩnh tham lam và những người yêu sách đáng ngờ về tính trong sạch.
Nhưng những ve vãn của CIA và của Đại sứ quán Mỹ đối với những người đó cũng như những âm mưu công khai chống lại Thiệu làm thiệt hại cho Thiệu kém gì việc Quốc hội giảm viện trợ quân sự và kinh tế. Thiệu không che giấu sự lo ngại của ông ta đối với những mưu đồ của Mỹ. Vì chính quyền Mỹ muốn tránh một cuộc khủng hoảng gây rối loạn, nên cuối cùng họ quyết định rằng con đường dễ nhất để làm như vậy là đưa ra một cử chỉ tượng trưng ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu.

Nói một cách thực tiễn, làm như vậy có nghĩa là phục hồi hình ảnh của ông ta giữa các sĩ quan và quan chức của ông ta như là một nhân vật còn có thể xin được tiền từ Oa-sinh-tơn, khi Nhà Trắng thực hiện kế hoạch này bằng cách đưa ra một yêu cầu viện trợ bổ sung trong tháng giêng năm 1975. Họ không thấy hành động của họ khó khăn và nguy hiểm như thế nào. Bởi vì cũng giống như sự ve vãn để tạo ra sự thay đổi ở Sài Gòn đã gây ra tác dụng làm mất ổn định, sự không đạt được một viện trợ bổ sung nhỏ cho Thiệu sẽ đe dọa làm mất tinh thần hơn nữa chế độ do Mỹ nuôi dưỡng ở Nam Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #197 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2008, 04:08:04 am »

Chương bốn mươi
NHỮNG NHẬN THỨC VÀ KẾ HOẠCH CỦA CÁCH MẠNG CUỐI 1974

Mùa hè năm 1974, quy mô của những căng thẳng chính trị và kinh tế của Việt Nam cộng hòa đã bắt đầu vượt quá mức phân tích của Đảng Cộng sản. Toàn bộ cơ cấu của Việt Nam cộng hòa yếu đi nhanh chóng hơn nhiều so với tốc độ giành lại sức mạnh của Cách mạng, và việc này ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của Đảng. Đảng có thể thấy rõ ràng nhất cán cân sức mạnh quân sự bằng cách đánh giá số đất chiếm được và sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang Việt Nam cộng hòa. Nhưng tốc độ, mức phức tạp và cường độ suy sụp của Thiệu sau cuối năm 1973 không có tiền lệ và ít nhà lãnh đạo Đảng hiểu thấu một cách đầy đủ.

Đến một điểm nhất định, một số mặt của sự suy sụp Việt Nam cộng hòa trở nên rõ rệt, rõ nhất là các xu hướng kinh tế. Đảng hiểu rõ tầm quan trọng của sự cắt giảm viện trợ Mỹ, nhưng không sao thấy hết bằng những nhà kinh tế của Cơ quan phát triển quốc tế, là những người gần gũi với nền kinh tế Việt Nam cộng hòa. Đảng không thể để cho khả năng lãng mạn về một sự tan rã đột ngột và một thắng lợi nhanh chóng xâm chiếm suy nghĩ của mình.

Trong suốt phần sau của năm 1974, tuy thấy những khủng hoảng kinh tế và chính trị trải ra trước mắt mình, Đảng vẫn phàn nàn rằng tổ chức đô thị còn yếu hơn nhiều điều mà Đảng hy vọng. Một liên hiệp kiểu mặt trận đoàn kết không chắc có thể thực hiện được. Đảng vẫn còn tìm cách quan hệ với lực lượng thứ ba yêu hòa bình nhưng phong trào này còn chưa đoàn kết trong khi lực lượng thứ ba cánh hữu đã hoạt động cho đến mùa thu năm 1974. Mùa hè năm 1974, phần đông các nhà lãnh đạo Đảng tin rằng có khả năng sắp xảy ra một cuộc thay Thiệu mà Mỹ sẽ cho phép tiến hành.

Trước tình hình như vậy, nhận thức của Cách mạng về sự suy tàn quân sự của Việt Nam cộng hòa sau giữa năm 1974, làm cho họ mạnh dạn hành động. Thật vậy, toàn bộ những khó khăn của quân đội Việt Nam cộng hòa chỉ bộc lộ sau khi Cách mạng từ bỏ hy vọng rằng Hiệp định Pa-ri sẽ được thực hiện.

Mùa xuân năm 1974 Cách mạng bắt đầu thăm dò các vị trí của quân đội Việt Nam cộng hòa và đáp ứng lại các cuộc tiến công của chúng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và cao nguyên Trung Bộ. Trong khi quân đội Việt Nam cộng hòa còn duy trì hỏa lực cao và ưu thế về trang bị nhưng họ khư khư tiếp tục giữ đất, nên các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam kết luận rằng quân đội Việt Nam cộng hòa là phòng ngự và bối rối, ngày càng dễ bị tiến công, nhất là khi họ không thể sử dụng gần một nửa lực lượng máy bay lên thẳng và không quân chiến thuật của họ. Không có sức cơ động cao, quân đội Việt Nam cộng hòa có thể bị đánh bại dễ dàng.

Quân giải phóng và Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức những cuộc tiến công nhỏ vào các tiền đồn đơn độc, dùng những lực lượng địa phương và du kích để mở những hành lang trong vùng cao nguyên Trung Bộ. Năm 1973, Cách mạng biết rõ rằng quân đội Việt Nam cộng hòa càng ngày càng mất tinh thần, nhưng việc họ không chịu chiến đấu vẫn làm cho Cách mạng ngạc nhiên. Với ít nhất năm trăm thôn nằm trong tay Chính phủ Cách mạng lâm thời ở đồng bằng sông Cửu Long cuối năm 1974, du kích bây giờ có thể xuất hiện ban ngày trên các đường đi, lần đầu tiên kể từ năm 1968.

Trong suốt năm 1973, các nhà lãnh đạo Đảng tập trung vào việc xây dựng lại ở Việt Nam dân chủ cộng hòa và đấu tranh chính trị ở miền Nam, đồng thời xây dựng lại các lực lượng và khả năng quân sự của họ. Tuy nhiên các sự kiện không để yên cho họ thực hiện các kế hoạch của họ. Ngay dù cho tỷ lệ đào ngũ của quân đội Việt Nam cộng hòa tăng lên đột ngột trong khi tinh thần thì lại sa sút nghiêm trọng, nhưng thật là kỳ lạ, Thiệu không những hung hăng về quân sự mà còn bắt đầu vạch những kế hoạch tiến công lớn trong năm 1976-1977. Đảng theo dõi những việc đó rất chặt chẽ, các đơn vị địa phương không cam tâm giữ thế bị động và những thắng lợi dễ dàng của họ cho thấy tính chất hời hợt của quyền lực Thiệu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #198 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2008, 04:09:05 am »

Giữa năm 1974, Việt Nam dân chủ cộng hòa đã xây dựng lại nền kinh tế của mình bằng mức năm 1965. Trong khi nhận viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc với số lượng các nhà lãnh đạo Đảng đã có những tính toán để phòng ngừa trước về viện trợ nhất là đối với Trung Quốc. Vào khoảng tháng 7, Lê Duẩn tin rằng tất cả các nhân tố của tình hình đòi hỏi phải có một thay đổi về chiến lược. Bộ Chính trị bắt đầu xem xét nên đối phó với tình hình sôi động ở miền Nam như thế nào. Tuy Bộ Chính trị cho đến tháng 10 không chính thức quyết định chấm dứt chiến tranh trong năm 1975 và 1976, nhưng cách nói đó rõ ràng là thừa nhận một thực tế và lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng gắn lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của mình với một biểu thời gian chính xác.

Quyết định tháng 10 được đưa ra trong khi các tướng của Đảng thảo luận sôi nổi những khía cạnh kỹ thuật của chiến lược. Về mặt kỹ thuật quân đội Việt Nam cộng hòa được xem là ưu thế về số lượng và trang bị. Then chốt của chiến lược Cách mạng là lôi họ ra, phân tán và dùng tiến công ào ạt và bất ngờ vào những vị trí xung yếu nhưng không mạnh, chú ý đến sự phụ thuộc của chúng vào các cơ sở hậu cần cách xa.

Việc quân đội Việt Nam cộng hòa say mê với việc giữ đất buộc họ phải có một chiến lược phòng ngự và dễ bị tiến công, làm cho thế chủ động chuyển sang Cách mạng. Đảng dùng các lực lượng quân sự và chính trị địa phương để giữ chân số lớn lực lượng Việt Nam cộng hòa, mà Thiệu phải phân tán để giữ bộ máy chính trị quá dàn rộng. Các lực lượng cơ động và chủ lực của Cách mạng có thể tập trung đánh vào nơi yếu nhất và ít sẵn sàng nhất.

Chiến lược này đã được thảo luận công khai, và các nhà chiến lược đều thống nhất rằng không thể nào lãng phí vốn cơ bản và những kinh nghiệm vô giá tích lũy được ở miền Nam. Đó là các đơn vị quân sự và chính trị địa phương đã được rèn luyện trên hai thập kỷ, có đầy đủ khả năng hoạt động bằng nhiều cách và lợi dụng mọi thời cơ; đó là một hệ thống khổng lồ các lực lượng vũ trang Việt Nam cộng hòa đang trên quá trình tan rã nhanh chóng và đang phải chịu những sức ép to lớn từ bên ngoài; đó là một đội quân chủ lực, hiện đại huấn luyện tốt gồm chủ yếu các binh sĩ miền Bắc mà trong cuộc tiến công sẽ là lực lượng xung kích.

Kế hoạch ban đầu là một chiến dịch hai năm tập trung trong năm 1975 ở cao nguyên Trung Bộ là nơi mà quân đội Việt Nam cộng hòa yếu nhất và Quân đội nhân dân Việt Nam mạnh nhất. Mục tiêu là cắt đất nước ra làm đôi và mở rộng sự kiểm soát ra các vùng đông dân. Bộ Chính trị nghĩ rằng một sự kết thúc chiến tranh trong năm 1975 là một khả năng, nhưng không chắc chắn đến mức phải chuẩn bị một kế hoạch chính trị và kinh tế để tiếp quản các vùng giải phóng, đặc biệt là các đô thị, trong trường hợp chiến thắng. Nhưng mặt khác, sự chuẩn bị quân sự cho cố gắng hai năm đã được tổ chức rất tốt.

Nhưng Bộ Chính trị và phần đông Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt là tướng Dũng và những người chủ trương chiến tranh chính quy của ông ta, không tin rằng hậu cần của mình ở miền Nam đã đủ. Họ chủ yếu hy vọng rằng trong năm 1975 họ ngăn cản được Việt Nam cộng hòa rút vào những cứ điểm cố thủ. Họ tin rằng so sánh lực lượng nhanh chóng chuyển biến có lợi cho họ, nhưng họ vẫn thấy Việt Nam cộng hòa còn là một kẻ thù ghê gớm, hoàn toàn còn khả năng giành lại sức mạnh nếu không bị đánh bại sớm. Theo tính toán của họ, năm 1976 sẽ là năm của tiến công lớn, quyết định.

Ngay với khả năng một thắng lợi quân sự cuối cùng, cách nhìn về mặt chính trị các năm tới của họ vẫn còn không rõ ràng. Cuối cùng, phần đông các quan chức cấp cao của Đảng nghĩ rằng một chính phủ liên hiệp chuyển tiếp ở miền Nam sẽ cần thiết như là một mặt của cách mạng dân tộc dân chủ, và không có kế hoạch thống nhất đất nước vào một chế độ chính trị và kinh tế xã hội chủ nghĩa hợp nhất.

Hậu quả của tình hình trên đây là Đảng sẽ thắng cuộc chiến tranh trước khi sẵn sàng đối phó với những khó khăn chính đang gây tai họa cho Việt Nam cộng hòa và đang làm cho thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng chắc chắn đến mức không thể tính trước. Thắng lợi hoàn toàn sẽ đến như một sự bất ngờ hoàn toàn đối với khá nhiều những nhà lãnh đạo Đảng cấp cao, cho nên tính chất kiên nhẫn trong cuộc đấu tranh ba mươi năm đã phần nào làm giảm sút những nhạy cảm chính trị của họ đối với những nhân tố xác định hậu quả cửa chiến tranh. Những người chủ trương phát triển một lực lượng quân sự quy ước dựa vào kỹ thuật và trang bị là những người ít hiểu nhất những nhân tố ngấm ngầm đã làm cho chiến thắng đối với một đội quân lớn hơn và trang bị tốt hơn nhiều có tốc độ nhanh chóng và có tính chất quyết định như vậy. Vấn đề đầu tiên trong việc vạch kế hoạch cho chiến dịch, thực vậy, đã diễn biến quanh sự bất đồng giữa những sĩ quan hướng về kỹ thuật, như tướng Văn Tiến Dũng, với những sĩ quan tinh tế hơn về chính trị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #199 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2008, 04:10:17 am »

SỰ BẤT NGỜ TẠI PHƯỚC LONG VÀ NHỮNG KẾ HOẠCH MỚI CỦA ĐẢNG

Trong kế hoạch ban đầu của mình, các tướng ở Hà Nội chia chiến dịch 1975 làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất sẽ bắt đầu tháng 12 chấm dứt tháng 2 năm 1975 và được giới hạn ở phần tây của chiến trường B2. Giai đoạn thứ hai, sẽ kéo dài từ tháng 3 cho đến tháng 6 và bao trùm toàn bộ đất nước, nhưng đặc biệt là cao nguyên Trung Bộ. Sau tháng 8, sẽ có hoạt động quy mô nhỏ chuẩn bị cho năm 1976 và cuộc tiến công lớn. Những sĩ quan cấp cao vạch kế hoạch cho chiến dịch trước tiên họp ở Hà Nội trong thời gian hai tháng bắt đầu giữa tháng 11 để xem xét toàn bộ chiến lược. Và lúc đó, chỉ giai đoạn đầu là hoàn toàn sẵn sàng để được thực hiện.

Ban lãnh đạo B2 và Trung ương Cục hình thành một khối khá nhất trí trong suốt các cuộc thảo luận trọng yếu đó. Họ trực tiếp tiếp xúc với những điều kiện trong các vùng đông dân và với những binh lính Việt Nam cộng hòa nên họ hăng hái hơn và nhất trí hơn là những hướng hoạt động ở các vùng xa xôi hoặc sống ở Hà Nội. Một mình họ thấy khả năng thực tế sự sụp đổ của Việt Nam cộng hòa và chắc chắn có các kế hoạch quân sự dự phòng nếu điều dó xảy ra.

Nhưng B2, mà đại diện là tướng Trần Văn Trà, và cả ủy viên Bộ Chính trị Phạm Hùng nghĩ rằng cuộc tiến công chiến dịch năm 1975 phải có phạm vi toàn quốc để tránh việc Việt Nam cộng hòa có thể điều quân của họ từ nơi này sang nơi khác. Trên thực tế họ đưa ra lý lẽ cho việc sử dụng mạnh bạo hơn các lực lượng hỗn hợp địa phương, khu vực và chủ lực để tiến công Việt Nam cộng hòa khắp nơi và khai thác những chỗ yếu của họ để gây cho họ những tổn thất tối đa.

B2 có thể sẽ không thuyết phục được trong cuộc tranh luận đó nếu không có cuộc tiến công bắt đầu ngày 13 tháng 12 vào tỉnh Phước Long, một khu vực rộng lớn, thưa dân, chỉ một trăm ki-lô-mét bắc Sài Gòn. Thắng lợi của cuộc tiến công càng có ý nghĩa bởi vì các tướng quân đội Việt Nam cộng hòa đã biết trước một cách chi tiết từ tháng 10, cho nên các lực lượng Cách mạng xáp trận với những quân lính không bị bất ngờ nhưng sợ hãi và mất tinh thần. Dùng một sự phối hợp các lực lượng địa phương với chủ lực, đội quân Cách mạng tương đối nhỏ đã thắng lợi nhanh chóng và ảnh hưởng lớn đến cuộc thảo luận ở Hà Nội.

Các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa đánh rất tồi và Thiệu không chịu tăng quân cho họ. Tổn thất lên đến bốn phần năm số quân phòng thủ kể cả ít nhất hai mươi máy bay. Tỉnh lỵ Sông Bé, bị thất thủ ngày 6 tháng giêng, và việc giải phóng đầu tiên hoàn toàn một tỉnh trong toàn bộ cuộc chiến tranh đã được tiến hành nhanh chóng và dễ dàng.

Tác động tâm lý của thất bại đối với Việt Nam cộng hòa là vô bờ bến. Nó đưa lại sự vững dạ cho những ai ở Hà Nội đang vạch kế hoạch cho giai đoạn sau của cuộc chiến tranh. Nó gạt những nỗi lo sợ kéo dài về việc Mỹ trở lại chiến tranh, và nó bộc lộ sự bất lực của quân đội Việt Nam cộng hòa trên một quy mô rộng lớn chưa từng có.

Mặt khác, binh sĩ Cách mạng chiến đấu rất tốt, làm chủ được những thiếu sót về phối hợp và huấn luyện đã từng gây thiệt hại cho cuộc tiến công 1972 của họ. Rất nhiều mục tiêu quân sự nhỏ hơn cũng đã được chiếm đồng thời ở đồng bằng miền Đông và tỉnh Tây Ninh.
Bộ Chính trị họp từ 18 tháng 12 đến 8 tháng giêng để quyết định kế hoạch cuối cùng cho chiến dịch 1975- 1976. Cho đến lúc này, Bộ Chính trị chỉ có một kế hoạch rất chung chung, mặt cụ thể duy nhất của nó đang được thực hiện ở khu vực B2 với thắng lợi ngày càng nhiều. Đánh giá toàn bộ so sánh lực lượng ở miền Nam đã được Phước Long củng cố rất nhiều. Bộ Chính trị cũng xem xét sự đánh giá của Việt Nam cộng hòa đối với các ý đồ của Cách mạng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM