Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:45:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc truy nã tên Đồ tể Do Thái Adolf Eichmann  (Đọc 79327 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #50 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2014, 09:41:32 pm »

      Về các bạn bè riêng của Eichmann, Wisliceny chỉ có thể nói đến cuộc giao du thân mật của Eichmann với một người đàn bà mà tôi không biết rõ lắm nhưng đã sống tại làng Doppel. Tôi nhớ là tên của bà đã được gọi từa tựa như là Massenbacher. Eichmann đã vẫn nhắc đến bà ta như là “mối tình xa xưa” mà ông ta đã gặp tại Linz. Ông ta cũng đã nói đến Margit Kutschera, như một trong các mối tình Hung gia lợi của ông ta.

     Arthur trở lại Vienne và đi với Cảnh sát đến nhà Wisliceny. Có rất nhiều hình ảnh của Wisliceny, của mẹ hắn ta và phong cảnh Áo quốc, nhưng không có bức ảnh nào của Eichmann. Không một nhóm nào. Chắc một người nào đó trong gia đình đã lấy đi sau chiến tranh. Đây là một thất bại. Tiếp đó, Arthur hỏi Cảnh sát có tên Weisel nào trong trại giam không. Ông ta cũng yêu cầu O.S.S., mở cuộc tìm kiếm trong các trại tù binh.

     Cũng gần như trong khoảng thời gian đó, một người Do thái Ba lan tị nạn tới Vienne. Người này vừa ra khỏi một trại tập trung. Ông ta tên là Tuvia Friedman. Năm vừa qua người ta đã quảng cáo về ông ta một cách rầm rộ như là một người đã hăng hái săn đuổi Eichmann trong suốt 15 năm vừa qua và rồi các cuộc tìm kiếm đưa đến sự bắt được Eichmann. Tôi phải nói nơi đây rằng Friedman không đóng một vai trò nào hết trong việc bắt Eichmann. Và không bao giờ, ông ta được những người đã trù định kế hoạch và đã điều khiển hữu hiệu công tác đến tham khảo ý kiến. Friedman không hay biết ngay cả sự hiện hữu của việc truy nã ấy cho đến khi một phóng viên điện thoại cho ông ta, ít lâu sau lời loan báo của Thủ tướng Israel tại Quốc hội. Những người đã tham dự vào cuộc truy nã này quả quyết công trình sưu khảo tài liệu của ông ta không giúp ích gì cho họ; họ còn bảo rằng việc quảng cáo rầm rộ công việc sưu tầm của ông ta đã gây cho họ một sự lo sợ lớn lao giữa lúc các hoạt động đang hồi khẩn trương. Dù sao cũng phải công bình mà nói rằng Friedman đã cung cấp các bằng chứng giá trị về những hoạt động của Eichmann và đã duy trì một sự thù ghét liên tục Eichmann và các tội phạm chiến tranh khác.

      Nhưng khi gặp gỡ Arthur tại Vienne, ông ta không biết một điều gì về Eichmann cả. Ông ta đến với lòng ao ước nồng nhiệt tìm thấy những tên Quốc xã chịu trách nhiệm về việc thanh toán Cộng đồng Do thái tại tỉnh nhà ông ta, Radom ở Ba lan. Ông ta yêu cầu sự giúp đỡ của Arthur vào việc thiết lập một trung tâm sưu khảo tài liệu Do thái tại Vienne, Arthur chấp nhận tài trợ trung tâm này và thêm vào các mục tiêu của trung tâm công việc tìm ra những tên tội phạm chiến tranh khác có thể đang có mặt tại Áo. (Về sau, Friedman di chuyển trung tâm này tới Haifa và tiếp tục điều khiển nó như một tổ chức tư nhân).  

     Vài tuần lễ sau, Arthur nhận được một cú điện thoại của cảnh sát Áo. Tại khám đường trung ương Vienne có một cựu nhân viên SS tên là Josef Weisel, và có thể đây là người mà Wisliceny đã nói đến, do đó ông ta đã yêu cầu người ta điều tra.

         Arthur chạy ngay đến khám đường. Ông ta cật vấn Weisel. Đúng. Hắn ta có biết Eichmann. Hắn ta đã làm việc với Eichmann từ năm 1938 và ở bên cạnh y lúc chiến tranh kết thúc. Tháng 2 năm 1945, cả hai đều biết rằng tất cả đã hết, và các viên chức của Cơ quan Gestapo, lo lắng cho tương lai, đã bàn thảo kế hoạch đào thoát. Eichmann đã có mặt trong đám đó. Nhưng hắn ta đột nhiên rời Prague và biến mất. Họ đã tưởng rằng hắn ta đi về Áo. Weisel và các bạn hữu chỉ tới Prague vào tháng tư và họ chia làm hai nhóm, nhóm của Weisel đi về Budweis.  
    
        Arthur hỏi Weisel có biết những bạn hữu nào của Eichmann có thể biết hắn ta ở đâu không. Weisel cho tên hai người đàn bà là tình nhân của Eichmann. Một là Margit Kutschera, còn ở tại Budapest với hắn ta năm 1944 và Weisel tin rằng hiện thời bà ta đang ở Đức. (Người ta chẳng bao giờ tìm thấy được bà nầy). Còn người kia sống ở Doppel, tên gọi là Maria Masenbacher, người mà Eichmann thường lui tới. Tại Doppel, bà là chủ một xưởng làm giấy cứng mà Eichmann đã dàn xếp để bọn SS mua lại và đã biến thành một trung tâm “giáo huấn lại” dành cho người Do thái. Việc bán lại nầy có lợi rất nhiều cho Maria Masenbacher. Hình như đó chính là người đàn bà mà Wisliceny đã gọi là Massenbacher. Weisel nghĩ rằng bà ta vẫn còn ở Doppel và vẽ cho Arthur một bản đò chỉ đường đi tới nhà bà Masenbacher.

       Đó là dấu chân tốt nhất cho đến bây giờ, nhưng Arthur không thể đích thân theo dõi được. Sứ mạng chính của ông ta là giúp đỡ người Do thái. Hơn nữa, phải mất rất nhiều thì giờ để làm quen với bà nầy và làm cho bà ta tin tưởng trước khi bà ta chịu thổ lộ tâm sự. Tại Vienne có rất nhiều công việc cấp bách đòi hỏi sự chú ý của Arthur. Trong thời kỳ đó, hàng chục ngàn người tị nạn Do thái từ Trung và Đông Âu đổ xô về phía Tây.

      Họ gây nhiều khó khăn về chỗ ở và thực phẩm cho trại Salzbourg, và Arthur đến đó để xem coi có thể làm gì được, vài ngày sau cuộc gặp gỡ giữa ông ta với Weisel. Tại trại, ông gặp những người phụ tá của mình. Trong đó có một thanh niên trẻ tên là Manus Diamant, thoát nạ từ một trại tập trung ở Ba lan, anh ta muốn đến Palestine với một nhóm người tị nạn trẻ mà anh dẫn theo. Là người có năng khiếu tổ chức, anh ta chấp nhận theo lời yêu cầu của Arthur, dời lại chuyến đi của mình để phụ giúp sự di dân bí mật.

        Khi nhìn anh ta hôm đó, Arthur bỗng có một sáng kiến, Diamant là một thanh niên đẹp trai với vóc người cân đối, tóc vàng, khả ái, nói tiếng Đức trôi chảy, có thể giả làm một người Đức chính cống dễ dàng. Anh ta có óc tổ chức và là một mẫu người hoàn toàn nên gửi đến Doppel để làm quen với bà Masenbacher. Arthur lưu anh lại ngay sau buổi họp và đưa ra đề nghị này, Diamant nhận ngay. Bấy giờ, Arthur chỉ thị anh ta trước hết phải tìm cho được một tấm ảnh của Eichmann. Cần phải dò xem coi bà Masenbacher có biết Eichmann còn sống không, và nếu còn sống, xem coi bà có biết hiện hắn ta ở đâu không.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười Một, 2014, 09:30:54 pm gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #51 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2014, 08:21:47 pm »

       Nếu bà ta không thể trả lời được cả hai câu ấy, thì có lẽ bà ta sẽ có thể cho biết các cuộc di chuyển cuối cùng của Eichmann vào thời kỳ chiến tranh kết liễu và chỉ những người bạn khác có thể biết các việc khác của Eichmann.

       Diamant đi Doppel. Vì giọng Đức của anh không được hoàn toàn, nên anh giả làm một người Hòa lan đã hợp tác với bọn Quốc xã và bị bắt buộc rời khỏi Hòa lan. Anh được tiếp đãi nồng hậu. Nhưng Maria Masenbacher không có ở đó. Bà ta được nhiều người trong vùng biết đến, nhưng từ ít lâu nay người ta không còn thấy bà ta đâu nữa.

       Khách sạn gần nhất nằm tại làng Tembach, cách đó tám cây số, Diamant đến đấy và làm quen với các chủ nhân. Họ có biết Eichmann, hắn ta thường ghé đến khách sạn của họ trong những lần thăm viếng Doppel. Họ không biết hiện giờ hắn ta ở đâu và tin rằng hắn ta đã chết. Diamant thu thập được từ họ những tin tức về các sĩ quan SS khác đã từng phục vụ trong vùng. Anh ta đưa tin về cho Arthur, ông nầy lại chuyển cho O.S.S. và Cảnh sát Áo; Ít ra cũng ba người trong bọn họ đã bị bắt. Nhưng anh ta đã phải mất nhiều tuần lễ để được một bà già ở Doppel cho biết bà Masenbacher hiện cư ngụ tại Urfahr.

        Vài ngày sau, anh ta xuất hiện tại cầu thang số 1 của nhà số 20 đường Harbachchsiedlung, khu phố sang trọng của Urfahr, và được một người đàn bà tóc nâu, dáng dong dỏng cao, vào khoảng 35 tuổi, nét mặt tầm thường, với hàm răng hô tiếp đón. Đó là bà Masenbacher. Anh nói với bà ta rằng Eichmann là một người bạn của gia đình anh, ông ta thường nói về bà ta với họ và có giao cho anh giữ nhiều món đồ quí giá; không biết gửi những món đồ nầy đến đâu cho ông ta nên anh mới nghĩ rằng bà có thể chỉ giùm.

        Bà Masenbacher có vẻ chú ý nhưng rất dè dặt về những gì đã động đến Eichmann. Tuy nhiên bà ta không tỏ ra nghi ngờ gì cả, vì hiện nay đang sống một mình – bà ta đã ly dị với người chồng lớn hơn 15 tuổi, bà ta nói -  và khuyến khích tình bạn của Diamant. Nhiều tuần sau, sự thân mật của họ đã đến chỗ, một hôm ngồi trong phòng khách, bà ta lấy cuốn album ra và bắt đầu nhắc lại những kỷ niệm. Trong khi lật cuốn album, bà ngừng lại tại một trang giấy trên đó chỉ dán có một bức ảnh: “Anh thấy Adolf của tôi thế nào?” – Maria hỏi, Diamant mở to đôi mắt và thốt lên những lời tán thưởng. Eichmann có vẻ rất trẻ; bức ảnh này chắc hắn đã được chụp vào khoảng năm 1935.

       Ngay khi rời nhà Eichmann, Diamant điện thoại cho Arthur. Vài hôm sau, Cảnh sát do Diamant dẫn đến, xông vào nhà bà Masenbacher với lệnh xét nhà do Chỉ huy trưởng Cảnh sát tại Vienne, bạn của Arthur ký tên.Cảnh sát cho bà Masenbacher biết rằng bà đã bị tố giác là đang giữ nhiều thẻ tiếp tế giả mạo. Trong khi lục soát, Diamant với tay lấy cuốn album và xé trang giấy có dán ảnh của Eichmann.

       Trở về Vienne, Arthur và anh ta in bức ảnh ra làm nhiều bản và gửi đến O.S.S. và Sở Cảnh sát, những nơi nầy lại chuyển đến tất cả các khám đường, các trại tù binh, các Sở Cảnh sát của tất cả những xứ mà họ nghĩ rằng Eichmann có thể tìm được chỗ ẩn trốn. Cuộc săn đuổi bây giờ đã có thể diễn ra thực sự.

       Cũng trong khoảng thời gian ấy, Diamant khám phá ra nơi gia quyến của Eichmann cư ngụ. Bà Eichmann và ba đứa con có mặt tại Áo và sống tại làng Alt Aussee. Anh ta lấy được địa chỉ do người cha và người anh của Eichmann, họ vẫn sống tại Linz và nhờ anh ta đã làm quen được với họ, mà không để họ nghi ngờ đến lý lịch thật của anh ta. Và anh ta đã không phải nhọc mệt gì để tìm họ, vì người cha không bao giờ rời Linz. Nhưng ông ta không nói với một ai nơi bà Eichmann đi đến sau chiến tranh. Diamant đến Alt Aussee.  

       Anh ta lại áp dụng với bà Eichmann cùng một thủ đoạn mà anh đã thành công rất là tốt đẹp bên cạnh tình nhân của hắn ta. Sau vài ngày quen biết , anh ta đã được mời và được tiếp đãi như một người bạn của gia đình và chơi đùa với mấy đứa trẻ con. Nhưng anh ta không thâu nhập được một tin tức quan trọng nào. Tại đây không có một bức ảnh hoặc thư từ gì của Eichmann cả. Anh có cảm tưởng, mà anh đã cho Arthur biết rằng, là bà Eichmann đã tin chắc chắn là chồng bà ta đã chết thật rồi.. Nhưng điều đó không hẳn có nghĩa là Eichmann đã chết thật. Nhưng , trong tư cách là một điều tra viên già kinh nghiệm hiện thời, Diamant coi như chẳng rút tỉa được gì nhiều từ bà ta.

        Bây giờ thì người ta biết, do chính Eichmann nói ra, là lúc ấy bà vợ của hắn ta đã tưởng là hắn ta chết thật. Vì bà đã nghĩ rằng, nếu ông còn sống, thế nào ông cũng cho bà biết bằng cách này hay cách khác, cùng lắm là với lời dặn dò giữ im lặng. Về phần Eichmann, hắn ta đã biết rằng, mặc dù tất cả mọi sự cố gắng hết sức, bà vợ của hắn ta chỉ có thể quả quyết một cách chắc chắn rằng hắn ta đã chết nếu chình bà ta đã tin chắc như vậy. Vì vậy, cho nên vì thận trọng và sợ bị phát giác, hắn ta đã để cho bà vợ tin rằng mình đã chết cho đến lúc hắn ta trốn thoát được khỏi lục địa châu Âu. Sự xác tín của bà Eichmann đã truyền đạt sang Diamant. Về phần tôi, tôi tin rằng, sau khi nói chuyện với những người can dự đến cuộc tìm kiếm và sau khi có trước mặt các bản phúc trình của họ, trong thâm tâm họ cũng bị sự nghi ngờ xâm chiếm đến độ, có lúc họ tự hỏi mình có đi theo một ảo ảnh chăng. Vì theo như vài người đã nói với tôi, nếu có đặt giả thuyết Eichmann không bị chết trong thời gian kết thúc chiến tranh đi nữa, thì hắn ta cũng có thể bị một chiếc xe vận tải đè bẹp trong khi chạy trốn hoặc chết vì chứng sưng phổi. Dù sao, chẳng có bằng chứng chắc chắn nào chứng tỏ hắn ta hãy còn sống.
  
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Một, 2014, 08:48:36 pm gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #52 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2014, 08:57:04 pm »

        Chỉ cho đến hạ bán niên 1959, người Do thái mới nhận được tin tức gần như chắc chắn về sự có mặt của Eichmann tại Á căn đình (Nam Mỹ). Trong khi họ bận lo kiểm chứng tin này, một câu chuyện khác phát xuất từ Do thái đã làm cho họ mất ngủ nhiều đêm. Đó là lời phát biểu của Tuvia Friedman, được báo chí thế giới phổ biến rộng rãi, theo đó Eichmann đang ở tại Koweit và cuộc truy nã vẫn diễn tiến ráo riết. Nhóm người Do thái sợ rằng sau chuyện này con mồi của họ tại Buenos Aires lại trốn mất và cuộc săn đuổi dai dẳng, đầy chán nản đã kéo dài suốt mười lăm năm qua  lại hoàn toàn phải bắt đầu lại.

       Tưởng cũng nên ngưng lại một chút trên lời phát biểu này của Friedman, vì nhiều người đã cho rằng nó được gợi hứng bởi các nhà hữu trách Do thái để làm cho Eichmann xuất đầu lộ diện. Không có gì sai lầm bằng. Ngược lại, nó đã làm cho nhóm người tình nguyện đảm trách công việc điều tra tại Á căn đình, ngay đúng lúc đó, vô cùng bực bội.

       Friedman đứng đầu một trung tâm sưu khảo tài liệu tư tại Haifa. Ông ta đã bắt liên lạc với nhiều viên chức Tây Đức sẵn sàng trao đổi những tin với bất cứ người nào đang tìm cách lột mặt nạ bọn tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã.

      Một trong những viên chức ấy là Tiến sĩ Erwin Schule, chưởng lý tại Tòa án Ludwigsburg. Vào mùa thu năm 1959, ông gửi đến Friedman một văn thư ngắn được đánh máy như sau: “Tôi biết được do nguồn tin bí mật rằng Eichmann hình như đang ở tại Koweit”.

      Friedman giữ kín bản tin ấy vài hôm. Đoạn ông liên lạc với một cựu sĩ quan tình báo có nhiệm vụ truy lùng bọn tội phạm chiến tranh, chính ông này lại có chân trong nhóm truy nã Eichmann. Ông nầy đọc bản tin của Schule, viết thư cảm ơn Friedman và trả lời một cách mơ hồ. Lẽ dĩ nhiên, ông ta không có ý định tiết lộ sự việc Eichmann hiện đang, không phải ở Koweit, mà gần như chắc chắn có mặt tại Á căn đình.

      Friedman để cho vài ngày nữa trôi qua, và không nhận được tin gì khác nữa của ông này quyết định công bố bản tin của Đức.

      Ông chọn hôm trước ngày Lễ Cầu An để trao bản tin của Schule cho một trong các nhật báo lớn nhứt của Do thái in bằng tiếng Hébreu. Tin nầy đước các hãng thông tấn thu nhặt và phổ biến trên khắp thế giới.

      Các điều tra viên tình nguyện chỉ còn cách nằm im và càng cẩn mật hơn nữa để khỏi bị phát giác bởi gia đình mà họ đang theo dõi, vì sợ gia đình nầy sẽ bỏ trốn nữa. Thực sự, các sự lo ngại ấy đều vô căn cứ. Sau khi bị bắt, Eichmann khai rằng hắn ta đã đọc bản tin về Koweit và lúc đó hắn ta chẳng cảm thấy, hoàn toàn hết lo về sự lầm lạc nầy, hay tuyệt vọng về sự săn đuổi vẫn tiếp tục. Trong suốt 15 năm trời ấy, hắn ta vẫn nghĩ rằng những gia đình nạn nhân không khi nào từ bỏ cuộc săn đuổi, và hắn ta đã cảm thấy mệt mỏi trong việc chạy trốn.

       Hắn ta cũng thú thực mình có linh cảm rằng thế nào rồi cuối cùng cũng bị bắt.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #53 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2014, 01:22:33 pm »

       V – TẠI ÁO

      Trong khi người ta theo dõi những bóng ma thì Eichmann đi đâu?

      Ngày nay chúng ta biết rằng, ít lâu trước khi cuộc chiến kết thúc, Eichmann rời Prague để trở về Áo quốc. Hắn ta có mặt tại đó khi chiến tranh chấm dứt. Tháng 5 năm 1945, hắn ta đến Alt Aussee để gặp Kaltenbrunner, người cầm đầu Cơ quan R,S,H,A. Hắn ta lại ra đi với lời khuyên của Kaltenbrunner: “Đừng bắn vào người Mỹ hoặc người Anh mà hắn ta có thể gặp”.

     Ngày nay rất khó mà dựng lại được những kế hoạch nào của Eichmann khi hắn ta rời Alt Aussee. Với người này, hắn ta tuyên bố chỉ còn có cách là tự tử. Với người khác, hắn ta tuyên bố chỉ còn có cách là mình đã sắp xếp sẵn sàng để tụ họp với gia đình lại và tổ chức một cuộc sống ẩn danh sau khi hủy bỏ tất cả những tài liệu có hại mà hắn ta đã có thể chiếm lấy được.

       Khi rời Kaltenbrunner, cùng với viên phụ tá Janisch, hắn ta đi về hướng Bad-Ischl. Một toán tuần tiễu Mỹ chặn họ lại, nhưng để họ đi tiếp tục cuộc hành trình khi họ giải thích mình là hạ sĩ không quân Đức đã chán ngấy chiến tranh và bỏ về nhà. Nhưng ít lâu sau đó, họ đã bị một toán tuần tiễu Mỹ khác chặn lại, và toán nầy, không màng chú ý đến câu chuyện kể của họ, đã lùa họ vào một trại tạm giam. Khi được hỏi tên tuổi, Eichmann khai tên là Barth. Đó là tên một nhà doanh thương Đức mà hắn đã gặp và bất chợt nhớ lại. Còn Janisch anh ta khai tên thật.

      Trong trại giam, Eichmann bị nhốt riêng vài tuần lễ, đoạn được khám nghiệm cơ thể. Bấy giờ, người ta khám phá thấy rằng, ở phía bên trong cánh tay trái, cách nách vài phân, có một dấu xăm về loại máu của hắn ta, như tất cả mọi sĩ quan SS. Khi được dẫn đến trước mặt một viên Trung úy Mỹ, hắn ta liền thú thực mình là sĩ quan SS, nhưng thuộc một đơn vị chiến đấu của lực lượng Waffen SS, đồng thời không quên nói rõ là hắn ta không hieeurgif hết về tính chất chính trị của tổ chức ấy, điều duy nhất mà các người thẩm vấn hắn ta chú trọng đến.   

      Hắn ta được chuyển cùng Janisch đến trại tù binh dành cho các sĩ quan SS tại Weiden. Nơi ấy có khoảng 2000 tù binh SS. Để đề phòng cho các cuộc thẩm vấn nghiêm trọng sắp đến. Eichmannđã chuẩn bị sẵn cho mình một câu chuyện có thể tin được. Ngay từ buổi đầu tiên, hắn ta không còn tên Barth nữa mà là Eickmann, sanh tại Breslau., và là Trung úy của Sư đoàn 22 kỵ binh. Câu chuyện của hắn ta có vể được chấp nhận.

       Hắn ta đã chọn tên Eickmann vì sợ rằng, trong một lúc mệt mỏi hay quên lãng, có thể thốt ra tên thật của mình. Vì hai cái tên rất tương tự nhau, hắn ta vẫn sẽ có thể cho mình là đã nói “Eickmann”. Hắn ta đã chọn Breslau làm nơi sanh vì các văn phòng hộ tịch đã bị máy bay oanh tạc phá hủy và do đó rất khó để kiểm chứng lại.

      Tháng 7 năm 1945, Janisch và hắn ta bị chuyển đến trại Oberdachstaetten. Người ta bắt hắn ra lăn tay trên tấm thẻ mang tên Eickmann, sanh tại Breslau, cựu Trung úy của Sư đoàn 22 Kỵ binh SS. Hắn ta ở lại trại nầy cho đến tháng giêng năm 1946.

      Trong thời gian bị giam giữ tại trại nầy, hắn ta được các sĩ quan phản gián Hoa kỳ dẫn đến Ansbach để chịu một cuộc thẩm vấn chi tiết. Sau khi điền vào một bản câu hỏi dài mang tên Eickmann, hắn ta được đưa đến một căn lều biệt lập và được đưa trở lại cho một cuộc phản thẩm vấn. Người ta vẫn không hỏi tại sao lúc trước hắn ta lại khai tên là Barth cũng như tại sao hắn lại khoác đồng phục của Không quân Đức. Hắn ta giải thích việc không có giấy tờ tùy thân bằng cách nại cớ đã thiêu hủy chúng sau khi các trận đánh đã chấm dứt, đúng theo tập quán của quân đội. Hắn ta được trả lại trại như là “phần tử vô hại”. Thế là hắn ta lại trở về Oberdachstaetten, trong kỷ luật quen thuộc và lơ là của thời kỳ đó.   

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #54 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2014, 07:54:46 pm »

       Tuy nhiên, ngày tháng càng qua đi, tên tù Eickmann càng cảm thấy không thoải mái cho lắm. Thắng 11 năm 1945, tại Nuremberg, vụ xử án các tên tội phạm chiến tranh được mở màn trước Tòa án Quân sự Quốc tế. Và ngay từ lúc bắt đầu cuộc xử kiện, tên Eichmann được nhắc đến như là một trong những nhân vật hắc ám nhất chịu trách nhiệm chính trong Chương trình tiêu diệt người Do thái. Sự buộc tội đã lên đến cực điểm khi một người bạn cũ của hắn ta là Wisliceny đã ra làm chứng trước Tòa và cung khai tất cả mọi chi tiết về các chức trách cao cấp của Eichmann. Chứng từ của người ấy được cung khai ngày 3 tháng giêng năm 1946. Trong thời gian giữa tháng 11 và tháng giêng, nhiều tên Quốc xã cao cấp khác đã ký tên sau khi tuyên thệ những lời khai làm chứng vai trò của Eichmann trong cuộc thảm sát dân tộc Do thái. Và mặc dù Eichmann đã cẩn thận thủ tiêu các tài liệu và giấy tờ có thể làm liên lụy, nhiều lệnh viết do chính tay hắn ta hoặc do một thuộc cấp thừa hành mệnh lệnh của hắn ta đã được những điều tra viên trưng ra.

         Eichmann biết được các vụ làm chứng nầy và hiểu rằng bao lâu hắn ta còn ở trong trại thì bấy lâu hắn ta sẽ không được an toàn. Hắn ta sẽ bị bắt chịu những cuộc thẩm vấn khác, như những kẻ đã bị đem đi thẩm vấn lại vì bị một nhân chứng nêu tên tại vụ án Nuremberg và cuối cùng đã khai ra tên họ thật. Hắn ta hy vọng rằng người ta sẽ không bao giờ tìm thấy ảnh của hắn ta. Nhưng hắn ta không lấy làm chắc chắn mấy. Song le, nếu người ta đã tìm được một bức ảnh thì thế nào hắn ta cũng đã bị gọi đi thẩm vấn lại rồi. Hắn ta tự khen mình đã luôn tránh né các nhiếp ảnh viên trong những năm hoạt động. Dẫu vậy hắn ta cũng chưa hoàn toàn chắc chắn là một kẻ nào đó ở một nơi nào đó đã không có nắm giữ một tấm ảnh trong đó có mặt hắn ta. Nếu chẳng may các nhà hữu trách quân sự Đồng minh khám phá ra một tài liệu như vậy, thì tốt hơn hết là hắn ta không nên còn nằm trong tay họ. Hắn ta bắt đầu nghĩ đến chuyện vượt ngục.

        Hắn ta cũng nghĩ đến chuyện khác nữa. Trong những tháng sống trong trại tù binh, hắn ta đã nghĩ đến việc gởi thư báo tin cho vợ biết mình còn sống. Điều đó không khó khăn gì. Gia đình hắn ta hiện nay tại Áo, và từ trại đến đó không xa mấy. Nhiều tù nhân đã vượt ngục, họ không có tên trong danh sách những người bị Công lý truy lùng. Thế nào họ cũng vui lòng đem tin giùm hắn. Nhiều thường dân Áo làm việc lặt vặt chung quanh trại; có một số đã từng có cảm tình với bọn Quốc xã và người ta có thể tin cậy nơi họ. Nhưng hắn ta đã chờ đợi xem sự thể ra sao và bây giờ, hắn ta đã hài lòng vì không viết thư. Vì sau những tiết lộ tại Nuremberg, hắn ta chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc truy lùng gắt gao hơn nhiều do các nhà hữu trách quân sự Đồng minh và, cũng chắc chắn của người Do thái hiện đang chờ cơ hội trả thù. Gia đình hắn ta có thể  sẽ được dùng làm cái bẫy, dụ hắn ta, vậy tốt hơn hắn ta nên tạm tuyệt giao với cha, anh em và vợ con mình. Đừng để cho họ ngờ đến nơi hắn ta đang có mặt cũng như là hắn ta vẫn còn sống cũng là một điều thận trọng. Hắn ta không biết được họ có sẽ bị thẩm vấn không và trong trường hợp này, họ có đủ khôn ngoan và can đảm để đừng nói gì cả không. Giải pháp tốt nhất là không nên cho họ biết một bí mật cần phải giữ nào cả. Điều đó cũng có thể tàn nhẫn với họ, nhưng họ còn khổ hơn nữa nếu hắn ta bị khám phá ra. Có thể sau nầy, khi những phẫn nộ lắng dịu, vị án tại Nuremberg đã được quên đi, khi hàng triệu người Do thái bị thảm sát đã đi vào quên lãng, những kẻ săn đuổi đã được triệu hồi về và lúc đó hắn ta có thể sống lại một cuộc đời mới với gia đình.

         Nhưng bây giờ hắn ta phải ra đi. hắn ta hỏi ý kiến viên chỉ huy nội bộ trong trại, một Sturmbannfuhrer SS, người duy nhất, với Janisch, biết rõ lai lịch hắn ta. Các sĩ quan cao cấp trong trại được nhóm lại., họ đã giúp một số người vượt ngục – loại tép riu – nhưng còn về chính họ, họ cho rằng, cũng như Eichmann, ở lại trại tù là đảm bảo chắc chắn nhất cho họ. Người ta giải thích với họ rằng tù binh Eickmann có nhiều lý do chính đáng để trốn đi, và cuộc vượt ngục của hắn ta được chấp nhận. Họ đặt ra một kế hoạch vượt ngục và một chỗ ẩn có thể tới được. Trước tiên hắn ta phải đến Prien, nơi đó hắn ta sẽ gặp một cảm tình viên của Quốc Xã, người này sẽ tổ chức giai đoạn kế tiếp của cuộc hành trình của hắn ta. Chỗ ẩn trốn tốt nhất nếu sự việc nầy phải kéo dài là một làng nhỏ tại miền Bắc nước Đức, gần Celle, nơi mà một trong các tù binh có một người em làm lính kiểm lâm. Các sỹ quan tù binh cũng sẽ phải làm giấy tờ tùy thân giả, điều họ đã làm ngay hôm sau bằng cách đổi tên Eickmann thành Otto Heninger. Cùng ngày hôm đó, Eichmann thỉ xóa dấu xâm SS dưới nách trái bằng cách đốt nó, với sự giúp đỡ của một y tá. Hắn ta thành công trong công việc xóa dấu xâm, nhưng còn lại cái thẹo.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #55 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2014, 06:45:38 pm »

      Hai ngày sau cuộc làm chứng quan trọng của Wisliceny ở Nuremberg. Eichmann rời khỏi Oberdachstaetten. Thời kỳ đó, các trại tập trung được canh giữ một cách lơ là và Eichmann không gặp một khó khăn nào trong việc vượt ngục.

      Đêm đầu tiên, hắn ta lẩn trốn gần một nhà ga, cách trại tù binh vài cây số. Sáng ngày hôm sau với cái tên Otto Heninger, hắn ta đáp xe lửa đến Munich, rồi đến Prien. hắn ta ẩn tại Prien sáu tuần trước khi đến ẩn thân tại miền Bắc nước Đức. Hắn ta đi ngang qua nước Đức mà không gặp khó khăn nào cũng chẳng bao giờ bị các toán quân Đồng minh chặn lại. Lúc đó rất nhiều người lang thang khắp nước Đức cùng các nước lân cận và Eichmann nghĩ, nếu người ta chặn hắn ta lại, hắn ta có thể tự mạo nhận là một người Do thái trong các trại tập trung được thoát nạn hiện đang đi tìm gia đình. Hắn ta biết rất rõ cuộc sống trong các trại tập trung để có thể đánh lừa tất cả những người nào đặt câu hỏi cật vấn hắn ta.

     Hắn ta đến Celle vào đầu tháng Ba, trong vùng đồng hoang Lunebourg của xứ Basse Saxe cách Bá linh 200 cây số về phía Tây và Hambourg 80 cây số về phía Nam. Hắn đến tìm người lính kiểm lâm, em của người bạn tù, người này lo cho hắn một chỗ trú ngụ tại làng bên và tìm cho hắn một chân tiều phu.

     Chính vì như thế Eichmann trở thành Otto Heninger, đã trải qua ba năm mai danh ẩn tích yên tĩnh trong đời hắn ta.. Hắn ta nghĩ đến gia đình, đến nhiều triệu người Do thái mà hắn ta đã đưa vào cõi chết. Hắn ta cũng nghĩ những gì xảy đến cho hắn ta nếu chẳng may hắn bị bắt.

     Hắn ta đọc báo và biết được mình là một trong ba lãnh tụ Quốc xã mà cuộc truy nã sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Hai tên kia là Matin Borman và Heinrich Muller. Tốt hơn hết, hắn ta nên ở yên một chỗ.

      Rất có thể, nếu tiếp tục cuộc sống của một tiều phu trong ngôi làng hẻo lánh ấy, chấp nhận sự kiện là mình đã chết đối với gia đình và bạn hữu thì ngày hôm nay hắn ta đã không làm đối tượng quái dị quốc tế. Nhưng hắn ta đã bị giày vò bởi sự xung đột liên tục giữa sự lo âu bị trừng phạt và lòng mong ước được tự do hoàn toàn.

      Vào cuối năm 1949, hắn ta nghĩ là có thể bắt đầu thiết lập các kế hoạch để có được một đời sống tự do hoàn toàn và đoàn tụ với gia đình. Hắn ta đã nghe nói về những gì mà các cựu Đảng viên quốc xã cao cấp đã làm. Vài tên bị bắt, thường thường do một sự ngẫu nhiên, sau khi đã lẩn trốn một thời gian lâu. Nhưng số lớn đã thành công trong việc làm lại cuộc đời ở ngoại quốc, xa Đức quốc và Âu châu. Có rất nhiều tên tại các xứ Ả-rập ở Trung đông, nơi đó chúng an hưởng địa vị cao sang mà chúng tự do sống một cách hợp pháp chứ không cần phải ẩn dưới một cái tên giả. Sự việc đó đã cám dỗ hắn ta rất mạnh. Hắn ta sẽ có thể đem lại cho gia đình một sự xa hoa mà hắn ta vẫn hứa hẹn với họ và một đời sống tiện nghi cao xa hơn mộng ước của Veronica Liebl khi nàng ưng thuận lấy thầy đội SS hồi mùa xuân năm 1935. Hắn ta sẽ có thể giúp ích rất nhiều cho các chính phủ thù ghét người Do thái cũng như hắn ta đã từng làm. Hắn ta sẽ tìm thấy bên họ một bầu không khí quen thuộc, và ở đó ít ra hắn ta sẽ có thể tự phụ về dĩ vãng của mình thay vì phải hổ thẹn.

       Nhưng sự thận trọng đã lấn át được sự cám dỗ. Vùng Trung Đông rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm từ khi Quốc gia Do thái được khai sinh từ năm 1948. Tại các xứ Ả-Rập, hắn ta không thể giữ được sự ẩn danh, vì trước mắt người Ả-Rập, tên tộc và các hành vi của hắn ta là những sự minh chứng tốt nhất. Và dù hắn ta có yêu cầu họ đừng quảng cáo rầm rộ chung quanh sự hiện diện của hắn ta đi nữa, thì thế nào cũng có một kẻ loan truyền tin tức ra bên kia biên giới của quốc gia nương tựa của hắn ta. Vả lại chỉ có một ranh giới đất liền phân cách các xứ Ả-Rập với Quốc gia Do thái. Người ta không thể đoán trước được những phản ứng quyết liệt của người Do thái. Họ đã tỏ ra không thiếu can đảm và tài giỏi trong trận chiến giành độc lập do họ chủ động. Làm kẻ lân bang của họ là một việc rất liều lĩnh. Hơn nữa, trong trường hợp có trận chiến mới, quân đội Do thái có thể tràn qua biên giới và bấy giờ hắn ta sẽ lại trở về với cùng thân phận một con mồi bị truy đuổi.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #56 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2014, 12:59:57 am »

       Hắn ta đã lý luận như thế khi nghĩ đến những xứ có thể dung thân. Hắn ta từ bỏ Trung Đông và dù người ta có nói tới việc này. Hắn ta chẳng bao giờ đặt chân đến vùng này trong suốt mười lăm năm qua.

      Miền Nam Mỹ lôi cuốn hắn ta hơn. Đời sống nơi đây hơi khó khăn; ở đây hắn ta sẽ không được đón tiếp nồng hậu, hắn ta sẽ không tìm được những địa vị quan trọng bên cạnh chính phủ. Thế nào cũng phải chấp nhận địa vị thấp kém của sự ẩn danh và chắc phải kiếm sống như thưở hắn ta chưa gia nhập Đảng Quốc Xã. Sự nghèo túng và thiếu thốn sẽ làm người vợ cáu kỉnh; và về phần bọn trẻ, hình ảnh thần tượng của chúng bị hạ bệ và khuất phục  chắc không gây được lòng trắc ẩn cũng như sự cảm thông mà là sự chua chát và sự khinh thường. Đó là những cái bất lợi lớn, nhưng cũng có những mối lợi. Hắn ta sẽ sống giữa các bạn hữu; tại đây có nhiều người Đức cùng lý tưởng với hắn ta, họ đã đến trốn ở đó và hiện tại đã thành công. Sự ẩn danh là một việc tốt. Sẽ không ai biết hắn ta ở đâu và mọi việc sẽ chìm lắng. Một việc làm nhỏ nhặt nào đó sẽ làm đầu óc hắn ta không còn bận rộn lo âu nữa. Và, điều quan trọng nhất, hàng chục ngàn cây số biển cả sẽ chia cách hắn ta với những kẻ truy lùng bất định. Vả chăng, việc chọn lựa một nước không phải là vô giới hạn. Hắn ta đâu phải là khách du lịch đang lật các trang giấy của các quyển sách quảng cáo để tìm một bãi biển cho cuộc nghỉ mát, hắn ta là một kẻ đào vong tuyệt vọng đang đi tìm một nơi ẩn náu, ở đó hắn ta sẽ có thể chung sống với gia đình, vô danh và sau hết được thiên hạ quên lãng.

        Vùng Trung Đông và Châu Mỹ la tinh được Eichmann xem như là hai giải pháp khả dĩ chấp nhận được, vì hắn ta biết có những tổ chức Quốc xã bí mật đưa về hai hướng nầy các cựu nhân viên của Cơ quan Gestapo mà họ giúp đào thoát. Các tổ chức này có những cơ sở tại Đức, Áo, Thụy sĩ và Ý đại lợi. Ý đại lợi là bàn nhúng cho bước nhảy dài; Từ Bari đến Trung Đông và từ Gênes tới Á căn đình.

        Tổ chức hoạt động tích cực nhất trong các nhóm này mang một cái tên chói lọi và dễ gây nhầm lẫn: ODESSA. Những người thành lập ra nó chắc đã thích thú với sáng kiến của họ, vì với danh xưng mang âm điệu Nga sô nầy, họ vui vẻ để các cơ quan nơi họ tới xin giúp đỡ tưởng rằng họ giúp những người trốn thoát từ Nga sô hoặc các nước bên kia bức màn sắt. Thực sự, ODESSA được hợp thành do các chữ đầu của từ “Organization Der SS Angehorige – Tổ chức các thành viên của SS”, điều đó rất tương hợp với thực tại. ODESSA mang trọng trách đưa các tên đào vong Quốc Xã ra khỏi Âu châu.

        Eichmann bắt liên lạc với tổ chức nầy vào đầu năm 1950, và trong tháng năm cùng năm đó, hắn ta rời Celle. Hắn ta băng ngang qua Áo quốc và Ý đại lợi cho tới La mã. Việc vượt biên giới thời đó còn dễ dàng. Tại đây có những sự vãng lui không ngớt của dân tị nạn hoặc của những người dời chỗ ở. Và một cảm tình nào đó phát hiện đối với những kẻ mà người ta nghĩ rằng họ đã chạy trốn khỏi một xứ thuộc khối miền Đông.

          Tại Ý đại lợi, cảm tình nầy được bộc lộ bởi các tổ chức quốc tế người tị nạn, hội Hồng thập tự và Giáo hội Công giáo. Nhưng tại thành Gênes, có một linh mục dòng Thánh Francois d’ Assise, có cảm tình với người quốc xã và đã âm thầm làm việc cho các hệ thống bí mật của họ bằng cách giúp người của họ đào thoát. Eichmann được cấp cho địa chỉ của vị linh mục ấy, được tiếp rước và cho tá túc trong khi vị linh mục gửi thư đến Tung tâm cứu trợ những Người chuyển trú của Tòa thánh Vatican để xin một giấy thông hành người tị nạn mang tên Richard Klement. Trung tâm này đã giúp đỡ những người chuyển trú rất nhiều trong những năm liền sau chiến tranh bằng cách cung cấp cho họ giấy tờ tùy thân giúp họ làm lại cuộc đời tại các nước khác. Việc làm của họ tiếp tục với sự phối hợp của Hội Hồng thập tự Ý đại lợi để giúp các người tị nạn mới bắt đầu đến từ các nước bên kia bức màn sắt.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #57 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2014, 07:42:39 pm »

       Chắc chắn là chẳng một ai tại Tòa thánh, hoặc trong số các linh mục dòng Francois d’ Assise biết lai lịch của Eichmann, cu như như đó là một tên Quốc xã. Nhưng điều đúng với sự thật và ngày nay đã được xác định chắc chắn là vị linh mục dòng Francois d’ Assise tại thành Gênes chẳng những biết đây là tên quốc xã mà còn biết cả tên hắn ta là Adolf  Eichmann đã có liên quan trong chương trình tận diệt người Do thái.

      Danh xưng Klement không phải chỉ là điều giả mạo duy nhứt được ghi trên giấy tờ của hắn ta. Hắn ta còn khai tôn giáo của mình thuộc Công giáo La-mã.

      Giấy thông hành được gửi đến tuần lễ đầu của tháng sáu. Một tuần sau, giấy chiếu khán Á căn đình được chấp nhận. Và cuối tháng sáu, hắn ta lên tàu đi Buenos Aires, hắn ta đến nơi vào giữa tháng bảy.

       Đó là lần đầu tiên hắn ta có thể thở một cách tự do từ lúc chiến tranh kết thúc. Chuyến đi bằng đường biển cho hắn ta cảm giác xa cách. Âu châu thật xa sau lưng hắn ta. Khí hậu, thật khác xa với mùa đông u ám mà hắn ta vừa trải qua trong vùng rừng núi đầy tuyết phủ của miền Bắc nước Đức, xác định việc hắn ta bước vào một thế giới khác biệt: Một thế giới không có lò thiêu người, không có những chuyến xe lửa tử thần, không có trại tập trung. Ở đây, dường như không thể có những người mà gia đình họ đã biết qua tất cả những thứ đó.

       Hắn ta bắt đầu nghĩ đến việc đưa vợ con tới. Nhưng hắn ta phải có một việc làm và thu xếp việc định cư trước đã. Trước hết hắn ta cần một thẻ căn cước, mà người ta gọi là Cedula.. Hắn ta nộp đơn xin , với cái tên là Ricardo Klement, lấy ngữ vĩ Tây ban nha cho cái tên và viết họ bắt đầu bằng chữ K. Hắn ta vẫn khai là theo đạo Công giáo La-mã. Điều khá kỳ quặc là hắn ta đã tự sụt xuống bảy tuổi, khai mình thất nghiệp, độc thân, đã học qua bậc trung học và biết tiếng Đức và tiếng Anh. Hắn ta chỉ nhận được các giấy tờ Á căn đình vào cuối tháng mười.

      Chính trong thời gian nầy, lần đầu tiên, hắn ta cho rằng đã có thể bắt liên lạc lại với gia đình tại Áo mà không có gì nguy hiểm. Tự tay hắn ta đã viết một bức thư dè dặt về cho vợ, để bà nhìn biết nét chữ của mình, bảo rằng người mà họ tưởng đã chết, “Cậu của các con bà” vẫn còn sống. Hiện đang ở Á căn đình. Khi mà ông thu xếp nhà cửa xong xuôi, ông sẽ rước họ tới. Nhưng điều đó đòi hỏi nhiều thì giờ. Họ đã chờ đợi nhiều năm rồi và tốt hơn, họ nên chờ thêm ít lâu nữa để tránh nguy hiểm. Đây là sự xác nhận đích thực đầu tiên đối với trực giác mơ hồ theo đó bà ta cứ nghĩ rằng Adolf cảu bà vẫn còn sống. Trong bức thư thứ hai gửi ít lâu sau đó, hắn ta khẩn khoản yêu cầu bà giữ bí mật và đừng cho ai biết là bà đã nhận được tin tức của hắn ta. Hắn ta biểu lộ sự lo sợ là bà bị theo dõi và sự lo âu của hắn ta là bà có thể vô tình cho kẻ thù biết được dấu vết của hắn ta. Hắn ta khuyên bà đi xin giấy khai tử cho hắn ta. Hắn ta không thể biết là ba năm về trước bà đã thử xin giấy nầy rồi. Thật vậy, vào mùa xuân năm 1947, bà đã đến cơ quan chính quyền tại Bad Ischl, để xin đăng lục việc qua đời của chồng bà, Adolf  Eichmann, bằng cách trưng ra lwoif chứng của một tên lính Đức tên là Karl Lucas, tên này xác nhận đã có mặt bên cạnh Eichmann lúc hắn ta chết ở Prague ngày 28 tháng tư năm 1945. Nhưng người ta đã nhận thấy Lucas là anh em bạn rễ của Eichmann – chồng của em bà ta – đặc điểm mà đã quên khai trình. Và sự việc người ta đã thấy và đã nói chuyện với Eichmann sau ngày được cho là ngày chết của hắn ta cũng đã được chứng thực chiếu theo những lời khai ở Nuremberg. Do đó, bà Eichmann đã rút đơn lại.  

      Đối với bà , những năm tháng dài chờ đợi đã không uổng công. Chồng bà vẫn còn sống và được an toàn. Bà vẫn một mực thận trọng như suốt thời gian qua. Bà ta không phải lo vấn đề tiền bạc, gia đình bên chồng bà đã làm ăn khá giả và trợ giúp bà. Thêm hai năm nữa lại trôi qua trước khi bà có thể đoàn tụ với hắn ta, và hai năm nầy đối với bà rất là khó khăn hơn những năm trước. Bởi vì nỗi nhẹ nhõm tâm hồn vì biết chồng còn sống lại bị chi phối bới sự lo lắng sợ làm tiết lộ điều bí mật ghê gớm nầy.

      Eichmann trải qua những tháng đầu tiên trên  đất Á căn đình ở Buenos Aires. Hắn ta sống thật cách biệt, chỉ lui tới với một vài người bạn rất thân trong số các thành phần của nhóm kiều dân Quốc xã. Đó là những người mà hắn ta có thể tin tưởng để giữ bí mật về lý lịch của hắn ta. Họ giúp hắn ta xin các giấy tờ Á căn đình và lo cho hắn ta trong thời gian giao thời bằng cách tìm cho hắn ta những công việc nho nhỏ. Hắn ta trú ngụ ít lâu trong một nhà trọ Đức, nhà trọ Jurmann, trong khu Partido Vicente Lopez, một nơi hội họp ưa chuộng của bọn cựu đảng viên Quốc xã. Tuy nhiên, Eichmann vẫn nơm nớp lo sợ vì ý nghĩ sẽ bị nhận diện bởi một kẻ nào đó đã từng thấy hắn ta ở Đức và Áo. Vì thế, nhờ một người bạn tên Carlos Fuldner viết thư giới thiệu, hắn ta được chứa chấp tại nhà một người Đức di cư khác tên là Fernando Rifler. Eichmann sống tại nhà người này trong bốn tháng.



« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Một, 2014, 08:29:12 pm gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2014, 10:30:08 am »

      Trong lúc đó, giấy căn cước của hắn ta đã làm xong, và hắn ta được tự do xin một việc làm thường xuyên. Fuldner đứng đầu một công ty hỗn hợp Á căn đình – Đức gọi là Compania Argentina para Realizacionnes Industriales viết tắt là C.A.P.R.I. Xí nghiệp nầy đã xây cất một nhà máy điện và thực hiện nhiều công trình khác có giá trị cho chính quyền tại Tucuman, một thành phố nhỏ cách Buenos Aires khoảng 1.100 cây số về phía Tây bắc ở phía trong và cách vùng núi non biên giới Chí lợi khoảng 300 cây số. Fuldner đã dành một ưu tiên lớn tại xí nghiệp C.A.P.R.I. cho việc thu dụng những người Quốc xã đào vong (Hình như, về phương diện kinh tế, cơ sở nầy không tồn tại được, vì cuối cùng đã phải ngưng mọi hoạt động. Ông nầy cho Eichmann một công việc tại C.A.P.R.I., Eichmann nhận và đến Tucuman ngay.

     Sau nhiều tháng, Eichmann cho là nếp sống tại đây hợp với một kẻ bôn đào. Chính tại đó, hắn ta sẽ định cư vĩnh viễn và đem gia đình tới. Sẽ chẳng có người nào nghĩ đến việc tới Tucuman tìm hắn ta.

      Hắn ta viết thư cho vợ vào đầu năm 1951 bảo bà bắt đầu trù tính kế hoạch rời Áo và đến với hắn ta tại Tucuman. Hắn ta khuyên bà cứ từ từ, cũng thận trọng, và nhất là đừng nói gì với các con vid sợ chúng sẽ nói lại với các bạn ở trường.

      Bà ta làm những việc cần thiết, không vội vã và kín đáo. Và trái lại những lời đồn đãi, bà không nhờ đến một giấy căn cước giả mạo nào để rời Áo. Bà chờ đợi gần một năm trước khi xin và nhận được một giấy thông hành (với tên riêng) cho bà và các con bà. Bà thân hành tới Vienne vào tháng giêng năm 1952 để xin riêng cho bà một giấy thông hành Đức – chứ không phải là Áo – với tên lúc còn con gái, Venorica Liebl. Bà đã là người Đức vùng Sudètes và vì thế bà có quyền xin giấy tờ Đức. Bà giải thích là bà đã kết hôn với một người Áo mang tên là Eichmann nhưng bà đã ly dị và lấy lại tên riêng, mặc dù các đứa con mang họ cha của chúng. (Không có một sự ghi chép nào về cái chết mạo nhận của người chồng mà bà đã mưu định xin đăng lục vào năm 1947). Tại Vienne, người ta cho bà biết ở Zurich có một Sở chuyên lo về giấy thông hành cho các người dân tị nạn Đức sống ngoài nước Đức. Bà gởi đơn đến sở này và vài tuần sau nhận được giấy thông hành Đức mang tên Liebl và ba con trai của Eichmann. (Về việc này, nhiều năm sau đó, trong một cuộc điều tra về các hoạt động bí mật của Quốc xã, người ta truy lục hồ sơ Liebl tại sở ở Zurich. Người ta tìm thấy hồ sơ, nhưng chỉ còn có tấm bìa mang tên nầy thôi. Tất cả các giấy tờ bên trong đã biến mất).

     Mùa Phục sinh năm 1952, bà Eichmann và các con đột nhiên rời Áo. Họ đến Ý và nhận giấy chiếu kháng Á căn đình tại Gênes. Đầu tháng bảy, bà và ba đứa con trai Klaus, Dieter và Horst lên tàu (Dieter được đặt cùng một tên với Wisliceny). Bà có mặt tại Buenos Aires vào cuối tháng. Vài ngày sau bà lên đường tới Tucuman, vẫn còn trong tâm trí hình ảnh một sĩ quan Quốc xã lanh lợi, dáng vẻ oai hùng trong bộ đồng phục đẹp đẽ và với đôi giày bốt bóng loáng. Nhưng người đàn ông ra đón bà tại nhà ga Tucuman là một người thường dân luống tuổi, đi chầm chậm, ăn mặc tầm thường, khôn mặt xanh xao, nhăn nheo và mỏi mệt. Đó chính là Adolf của bà. Lúc đó là tháng 8 năm 1952. Hơn bảy năm trôi qua từ lần gặp gỡ sau cùng của họ.

     Họ sống tại Tucuman –  bà Eichmann, các con trai của bà và “Ông cậu Ricardo”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, vì năm sau, xí nghiệp C.A.P.R.I. bị bắt buộc đóng cửa và những công nhân của họ bị sa thải. Eichmann đã đi từ nước nầy qua nước khác khắp vùng Nam Mỹ, mỗi lần dùng một tên khác. Sự thực là chẳng bao giờ hắn ta rời Á căn đình. Hắn ta rời Tucuman để tới Buenos Aires và định cư tại đó, trừ một thời gian chín tháng hắn ta sống trong một trại nuôi thỏ ở bên trong nội địa.

     Cũng không đúng là bà Eichmann đã rời Á căn đình vào năm 1958 để trở lại Áo gia hạn giấy thông hành. Người ta đã cho rằng chính chuyến đi này đã đưa đến việc bắt được Eichmann. Theo chuyện người ta kể lại thì chính một nhân viên của sở thông hành và một nhân viên của sở du lịch, người đã đưa cho bà Eichmann tấm vé trở về, đã thông báo cho các viên chức Do thái. Những người nầy đã cùng đi trên một chiếc máy bay với bà ta, cùng xuống tại Buenos Aires và họ đã theo dõi đến tận nhà bà ta. Việc tưởng tượng đó không đến nỗi dở; sự việc có thể xảy ra như vậy. Tuy nhiên, việc đó không đúng, vì từ khi bà ta đến từ năm 1952 bà Eichmann chẳng bao giờ rời khỏi Á căn đình.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #59 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2014, 12:51:38 pm »

       Tại Buenos Aires, Eichmann cùng với hai người bạn quốc xã đều vừa rời xí nghiệp C.A.P.R.I. thử mở một tiệm giặt ủi. Nhưng sau vài tháng, công việc đó thất bại. Hắn ta liền rời thủ đô để tới làm việc tại một trại nuôi thỏ của một bà con xa bên vợ, một người Đức đã di cư sang Á căn đình trước chiến tranh và lúc đó đã trở về Đức.

       Nhưng nếp sống này không làm hắn ta toại ý chút nào. Công việc cực nhọc, mà Eichmann thì không còn trẻ nữa. Vả lại, hắn ta phải sống xa gia đình. Buenos Aires cũng là một nơi dễ kiếm việc làm. Điều bất tiện duy nhất của thành phố là mối nguy có thể bị khám phá, vì tại đó có những người quốc xã đã từng biết hắn ta. Tuy nhiên, đã nhiều năm qua rồi từ khi chiến tranh chấm dứt và nghĩ rằng sẽ có thể xảy đến điều gì không hay cho hắn ta bây giờ là điều vô lý. Và những cự đảng viên quốc xã từng biết hắn ta có thể giúp đỡ nhiều cho hắn ta hơn là đem lại những điều phiền toái. Hắn ta trở về Buenos Aires và gặp lại các bạn hữ. Trong vài ngày họ đã tìm được cho hắn ta một việc làm tại xưởng Mercedes-Benz ở Suarez, vùng ngoại ô của thủ đô. Lúc đầu hắn ta làm thợ máy, sau được lên chức đốc công. Hắn ta cùng gia đình ngụ tại một chung cư ở đường Chacabuco, trong khu ngoại ô Partido Vicente Lopez. Bà Eichmann nói với các bạn hữ là bà đã quyết định chấm dứt cuộc sống góa bụa và tái giá với người bạn hiền Ricardo Klement của bà. Năm 1955, đứa con trai thứ tư ra đời, họ đặt tên là Ricardo Francisco (như vậy rốt cuộc ít ra cũng có một trong những người mang tên Ricardo của gia đình đã mang nó một cách hợp pháp; còn tên Francisco có lẽ vì do sự biết ơn vị linh mục Franciscain tại Gênes). Đứa trẻ được khai sinh dưới cái họ Klement và ba đứa con riêng của vợ vẫn tiếp tục mang tên Eichmann. Hơn nữa , căn cước của bà vợ chẳng bao giờ đổi; Giấy căn cước nầy vẫn mang tên thật hồi con gái và tên lúc đã có chồng, Venorica Liebl vợ Eichmann.

     Đầu năm 1960, gia đình Eichmann dọn đến một ngôi nhà riêng biệt, một ngôi nhà gạch một lần xây cất sơ sài, tọa lạc ven một con đường vắng vẻ, đường Gribaldi, trong khu ngoại ô xa xôi, San Fernando.

      Căn nhà nghèo nàn, không có điện cũng không có nước, nhưng thích hợp với Eichmann vì nó biệt lập, khu ngoại ô này rất ít người lui tới và trông có vẻ rất hoang sơ. Mỗi căn nhà được dựng lên giữa một bãi đất trơ trụi, cách biệt sự tò mò của những người láng giềng. Không ai nhìn dược qua các cửa sổ có chấn song, các cánh cửa, bức mành và cánh cửa lớn nặng nề của ngôi nhà Klement. Số tiền lương của hắn ta rất ít ỏi. Eichmann có thể kiếm được việc làm khả quan hơn bằng cách tiết lộ cho nhóm kiều dân Đức biết rằng hắn ta là một cựu sĩ quan cao cấp của Cơ quan Gestapo và tên ông ta là gì. Nhưng không một thứ lwoij tức nào dù cao đến đâu đi nữa có thể bù đắp được với sự gia tăng tương ứng Cơ nguy sẽ bị khám phá. Con đường tốt nhất nên theo, hắn ta quyết định là sống như một người đốc công khiêm tốn của một cơ xưởng, bằng cách điều chỉnh nếp sống cho phù hợp với số tiền kiếm được do công việc làm của hắn ta. Nếu có việc làm tại Tucuman, hắn ta sẽ ở luôn tại đó.     

      Nhưng khu San Fernando, tại thành phố Buenos Aires, là nơi giống Tucuman nhiều nhất. Ít ra, hắn ta cũng đã tưởng như vậy.

      Chính tại San Fernando, hắn ta bị bắt.


Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM