Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:53:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở rừng  (Đọc 55476 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #100 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2020, 10:23:01 am »

5


Không ngờ họ lại quyết định sớm đến thế. Ngay tối hôm đó Trường gọi dây nói báo cáo với chính uỷ, nếu có thể được bảy ngày nữa cho phép họ tổ chức. Ông hỏi lại:

- Sao nhanh thế. Ối giời, anh định "đột kích" chúng tôi để bỏ đột kích tuần trăng à?

Tiếng trả lời ngập ngừng. Ông biết anh chàng ngượng.

- Nói thế thôi, chỉ có điều hơi vất một chút nhưng cũng được anh ạ. Có thể các thứ chuẩn bị "khiếm khuyết" thì anh chị và "hai họ" phải thông cảm cho. Anh định làm bên "nhà trai" hay "nhà gái". Chỗ anh à. Ừ, ở đấy an toàn hơn. Ngay từ giờ anh bảo chị ấy cứ nghỉ ngơi, chuẩn bị. Lát nữa giao ban, phổ biến kế hoạch, nhiệm vụ mới, tôi bàn luôn việc này. Ngày giờ cụ thể tôi sẽ cho thông báo anh chị vào sáng ngày mai. Thế thôi anh nhỉ.

Công việc chuẩn bị đám cưới cho Trường và Ngà được coi là một trong những việc trọng tâm đột xuất của binh trạm bộ, tiểu đoàn 165 và đại đội công binh bến Tiến trong tuần tới. Mọi thứ gì gọi là vật chất, ban hậu cần phải lo chu tất. Ban chính trị "tinh thần", Ban tham mưu tác chiến gác B.52, tổ chức báo động và sơ tán khi bị oanh tạc. Ban công binh và "họ nhà gái" làm hội trường, mở đường mòn giữa "hai họ". Ban vận chuyển và "họ nhà trai" đào thùng nhà, làm bàn ghế, đào hầm đủ cho số người dự cưới.

Binh trạm trưởng làm "tư lệnh" hạnh phúc. Khi nắm báo cáo việc triển khai của các "ngành" xong, ông quyết định lễ cưới sẽ tổ chức hồi tám giờ sáng ngày năm tháng mười tức là đúng ngày cô dâu chú rể yêu cầu.

Theo kế hoạch đã định, cô dâu sẽ về "nhà chồng" từ chiều hôm trước. Đảng uỷ tiểu đoàn "nhà trai" quyết định tiểu đoàn bộ và mỗi đại đội mổ một con lợn "tăng gia" tổ chức liên hoan vào chiều hôm ấy... Năm giờ chiều cỗ bàn ở tiểu đoàn bộ đã bày biện tươm tất vẫn chưa thấy cô dâu về. Mưa tầm tã, điện thoại nối hai họ bị đứt, không hiểu rõ lý do. "Chú rể" mời mọi người ăn cơm, còn mình và hai chiến sĩ lấy súng, áo mưa đội mũ ra đi. Mưa rừng đổ ầm ầm như nước vỡ đê. Ba người gội mưa, băng rừng chạy. Im lặng chạy. Chạy mãi, đến suối Cô Mai họ đành chững lại. Nước suối chảy lên chồm chồm cuốn phăng những cây gỗ bắc ngang đề phòng khi nước lớn. Cứ đà mưa này, ha ngày nữa chưa thể qua ngầm. Buồn, đói và rét khắp người, Trường run lên bần bật. Chốc chốc anh lại lia ánh đèn pin nhìn mặt nước. Con suối vẫn phồng lên sôi sục. Hai chiến sĩ bàn bạc với nhau rồi họ đề nghị để họ đi. Nếu sang được, họ dẫn "cô dâu" theo và tìm cách đưa dây qua suối để cô dâu bám. Trường thấy ý kiến hay nhưng anh gàn:

- Thôi. Đứng đây chút nữa rồi ta về. Ngày mai sẽ hay. Muộn một vài ngày lo gì.

Nói thế nhưng ruột gan anh không thể nào yên. Anh những mong, bằng cách nào đấy, bằng phép gì lúc này lại có tiếng gọi của Ngà ở bên kia. Và như thế, nhất thiết anh lội sang và tìm cách đưa Ngà qua bờ bên này. Tự nhiên anh lại thấy bực Ngà. Cô ấy chả sốt ruột chút nào. Tại sao không đến đây để người ta tìm cách đưa qua?

Giữa lúc nỗi buồn cứ đầy dần trong anh, những ánh đèn pin lấp loé trong rừng bên kia suối. Những ánh đèn chồng chéo vào nhau, vươn tới bờ bên này. Tiếng hò nhau đẵn gỗ, "họ nhà gái" bắc cầu. Trường đứng lặng người. Có lẽ chưa bao giờ anh thấy thương yêu, kính trọng các chiến sĩ công binh bằng lúc này. Anh bấm đèn. Những tiếng quát từ bên kia nghe không rõ. Khi hai chiến sĩ công binh lội sang bờ bên này, anh ôm chầm lấy họ và yêu cầu cho các anh cùng tham gia bắc cầu. Họ nối dây gọi điện thoại sang bờ bên kia. Người chỉ huy đơn vị mời Trường nói chuyện. Họ kể lại chuyện "cô dâu" đến suối phải quay về và quyết tâm của đơn vị sẽ bắc cầu chắc chắn trong đêm nay. Cuối cùng, họ tỏ thái độ kiên quyết yêu cầu Trường và hai chiến sĩ của anh phải quay về.

- Các anh ạ, kiên trì đợi đến sáng mai. Sáng mai chúng tôi sẽ đem cô dâu trao trả các anh đúng giờ quy định.

Cảm động trước sự vất vả của "họ nhà gái", sáng sớm hôm sau "họ nhà trai" quyết định chú rể và hai mươi người nữa đi đón dâu. Tham mưu phó binh trạm chỉ huy cuộc rước dâu tỏ ra rất nghiêm ngặt khi hai họ vượt bãi B.52. Còn cách năm mươi mét ông đã bắt dừng lại và ra lệnh. Giọng ông nghiêm như vào trận đánh:

- Tất cả chú ý. Thằng OV10 đang xoáy trên đầu. Vượt bãi B.52 phải hết sức khẩn trương, bí mật. Tôi phân công đội hình như sau: kể cả cô dâu chú rể, mỗi người cách nhau năm mươi mét, vượt.

Nghe xong mệnh lệnh nghiêm ngặt ấy tiếng cười toá ra và tiếng đề nghị nhao nhao:

- Linh động cho cô dâu chú rể.

- Để cô dâu chú rể đi cùng.

- Cách nhau năm mươi mét "căng cáp" quá.

- Phải đấy, cô dâu chú rể được ưu tiên ngoại lệ thủ trưởng ạ.

Trường còn đang ngần ngừ, các cô gái công binh đã dúi vào tay anh vào một bàn tay mềm mại, lạnh ướt nước mưa. Bàn tay ấy ngoan ngoãn để im trong bàn tay vạm vỡ, cô rảo bước đi ngang anh. Họ ra khỏi khu rừng xanh, vào bãi B.52. Hai người đã đi chừng vài trăm mét rồi, các anh chàng lái xe vẫn nối tay nhau ngáng lấy đường, chưa cho mọi người đi vội.

Giữa những cây tướp xé, cháy sém tan hoang, hai người bước đi chầm chậm, hai vành mũ cứng như chập lại, hai tấm vải nhựa bó gọn, trông họ như cao lên. Phải đến trăm mét vẫn chưa ai đi. Họ dừng lại ở mỏm đồi. Những tiếng reo phía sau:

- Đứng nghỉ đi. Đẹp lắm.

- Tươi lên nào, xin một pô.

Trường hơi quay mặt lại nhìn. "Hai họ" vẫn đứng trong rừng. Trông xa như tất cả đã chìm đi, chỉ thấy mờ trắng. Một trận mưa rào đổ xuống ào ạt. Anh nhích người đứng sát lại, và nhìn sang khuôn mặt của Ngà. Hai vành môi em ướt át, hai mắt nhìn ra xa trông mơ màng như vòm trời mờ sương, còn đôi má tròn trặn của em đỏ lên rân rân bởi ngọn lửa từ mắt anh đã chườm nóng đôi má ấy. Anh gọi khẽ, tiếng gọi lạng đi trong niềm sung sướng rạo rực:

- Em!

Đôi mắt thông minh và sáng long lanh của em hơi ngước nhìn anh. Đôi mắt đang cười, cái miệng cũng đang cười, từ từ lặng lẽ truyền sang anh niềm hạnh phúc lớn lao, khắp người anh run lên, đưa hai bàn tay run rẩy nâng lấy khuôn mặt em. Em mỉm cười ngoan ngoãn dâng cặp môi mím chặt nghiêm trang chờ đợi. Anh áp khuôn mặt nóng bừng của mình với vầng má đỏ dậy của em, hai làn môi nóng bỏng gặp nhau, hai lồng ngực phập phồng xiết chặt lại, hai con người đều như nghẹt thở trong hạnh phúc mới mẻ, khiến những hơi thở ngắn và gấp, những con mắt nhắm nghiền lại. Đám cây cháy sém xung quanh và đất đá ngổn ngang dưới chân như không còn ở đây nữa. Mưa vẫn đổ ào ạt. Họ như bơi mênh mang trong niềm sung sướng và những vòng tay càng xiết chặt hơn, mặc cho thằng OV10 vẫn xành xạch soi mói trên đầu.
Em lấy hai ngón tay mềm mại vuốt vuốt những sợi tóc của anh âu yếm:

- Thôi nghiêm chỉnh, em bảo nhé.

Anh gật đầu.

- Anh làm gì đấy?

- Anh yêu em.

- Yêu em có nhiều không?

- Nhiều lắm. Nhiều không nói được.

Bỗng cô cười phá lên giễu cợt:

- Anh yêu em như sách người ta viết ấy.

- Em nghi ngờ anh à?

- Không, em chỉ thấy anh hồn nhiên, ngây thơ như một đứa trẻ. Anh trẻ con lắm, anh bé bỏng của em ạ. Nào "yêu em" một lần nữa rồi đi nhá. Tạnh mưa rồi.

Cho mãi đến khi về đến ngôi nhà cưới, hai bàn tay rời nhau họ mới như tỉnh lại. Cả hai khuôn mặt đỏ bừng giữa tiếng cười nói xôn xao. Cả khu rừng binh trạm chật chội niềm vui. Nhưng chính uỷ thì phải xin phép "hai họ" ra đi giữa lúc đang "vui vẻ". Việc ông trở về Bộ Tư lệnh gấp như một mệnh lệnh thầm kín truyền đến mọi người một nhiệm vụ mới mẻ, đột ngột, một đòi hỏi lớn lao đang chờ đợi sự gắng vượt bền bỉ của binh trạm "thép". Đấy là những ngày cuối cùng của mùa mưa năm 1972, những ngày cuối cùng để bùng nổ một kỉ nguyên mới.
Cả hai đầu đất nước háo hức bước sang mùa khô mà những buổi sáng hầng nắng cả hai phía đông và tây Trường Sơn như một cái gạch nối, dài lấp lánh - Cả nước ra trận!


Trường Sơn, tháng 10 - 1973
Hà Nội, ngày 19 - 12 - 1975




Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM