Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 07:03:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở rừng  (Đọc 55768 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2015, 08:51:19 am »

2

Vừa về đến nhà ở, cơn sốt đã kéo đến. Gần một tuần lễ Vũ chìm đắm trong những cơn mê hoảng hốt. Khi thì thấy cha, với cái dáng gầy, mặc chiếc áo sơ-mi cộc tay, đội chiếc mũ lá ôm chiếc cặp nâu đang đứng bên bờ hồ Hạnh Phúc và gọi: "Vũ về đấy con. Về uống nước, cậu pha rồi đấy!" Có lúc lại thấy mình đang khoác ba lô đứng dưới tán bàng nhìn qua cửa sổ lẳng lặng xem thằng Phúc nằm xoài, miệng mút mút cây bút chì nửa xanh, nửa đỏ, tô loè loẹt vào các đầu bài ở quyển tập đọc lớp một. Ngẩng  lên trông thấy anh, nó liền quẳng mọi thứ, phốc ra cửa, nhót lấy chiếc mũ "giải phóng" của anh chạy đi khắp phố "ra oai" với bọn trẻ. Anh đuổi theo, nó hãi, chạy xuống bến phà. Anh đuổi sát, nó nhảy ùm xuống sông, anh vừa lao theo, vừa hét ầm lên...

Tỉnh mắt ra đã thấy Thú ngồi cạnh. Nét mặt cậu đầy vẻ lo âu nhìn Vũ: "Anh vừa nằm mê phải không? Cố ngồi dậy húp bát canh đùng đình, có mộc nhĩ ngon lắm. Ăn, anh Vũ nhá. Đang bốc hơi đây này, anh cố húp đi!". Và cho đến bây giờ người anh vẫn luôn hốt hoảng vì cơn mê giữa cơn sốt nóng buổi trưa hôm kia. Lúc ấy hai chiến sĩ của tiểu đội anh trói anh Trường dong về quê. Anh chạy theo họ, hết hò hét lại van lạy họ cởi trói, họ không nghe. Đi đến giữa sân vận động trường cấp ba họ trông thấy chị Lý, anh Trường vung tay tung hết dây chạy vụt đi, vừa chạy vừa gọi: "Lý ơi! Em! Anh về với em đây!" Nhưng chị Lý nhìn anh trừng trừng rồi quát: "Đồ phản bội Tổ quốc! Mày không xứng đáng... Đồ hèn nhát! Mày...". Rồi chị ôm mặt khóc và chạy. Vũ đuổi theo. Chạy rượt mãi, mới đón đầu gặp chị ấy. Chị ấy chạy ngoắt lại. Vũ chạy theo gào: "Chị Lý ơi! Đừng lầm. Anh Trường tốt lắm. Đừng chạy nữa. Chị Lý... !".

Mở mắt ra lại thấy Thú đang hai tay ấn vào hai vai anh, người nhổm lên sẵn sàng tư thế đè lên người Vũ. Ngước nhìn khuôn mặt hốc hác của Thú, tự nhiên nước mắt Vũ ứa nhoà hai vòm mắt. Thú hơi quay nhìn đi, nén hơi thở dài: "Anh mệt quá đấy. Đừng buồn nữa anh Vũ à? Buồn lúc này là không được đâu. Anh cố ngồi dậy ăn bát cơm, có cá chình nấu chua me ngon lắm!". Không thể phụ tấm lòng tận tình của Thú, dù miệng đắng ngăn ngắt Vũ cũng vục dậy, sốt sắng: "Thế thì ngon quá. Chúng mình cùng ăn nhá. Xin được cá chình ở đâu thế?" - "Tôi đi câu" - "Bao giờ?" - "Tối qua!" - "Lúc nào?" - "Lúc anh ngủ được, tôi tranh thủ cải thiện. Con cá chình to, dài lắm, tôi chỉ nấu riêu một phần ba. Còn lại tôi kho. Lúc đầu kéo lên tôi tưởng con rắn đã hoảng!" - "Lúc không ăn được, thức ăn ngon mấy cũng chịu. Ngày nào cậu cũng một lần lên cơn sốt, cứ mò mẫm thế là nguy đấy. Từ mai đừng vất vả long đong vẽ chuyện ăn uống của mình nữa nhá!"- "Của ở rừng ấy muốn lấy lúc nào thì lấy, có gì phải long đong!". - "Nhưng cậu đang sốt, yếu lắm!" - "Ôi giời, sốt rét ở Trường Sơn anh còn lạ gì nữa. Coi nó như con tép riu. Anh mới vào thay đổi khí hậu đột ngột nó "quật" anh, chứ mai kia anh lại khinh!".

Lúc ấy Vũ muốn níu lấy hai cánh tay Thú, ghì xiết người nó vào ngực muốn bảo nó: "Thú ơi, tao vừa thương mày như em tao, vừa kính trọng mày như mẹ tao. Bao giờ tao quên được những ngày sống bên mày thế này!".

Hôm nay Vũ thấy trong người khoẻ khoắn có thể đi lại, chơi bời được. Nhưng chả hiểu Thú nó đi đâu. Hết săn hỏi tình hình anh Trường lại xin thuốc uống, thuốc lào cho Vũ, rồi ra rừng hái măng, nhặt nấm, chả lúc nào thấy nó, ngồi nói chuyện cho vui. Vũ quanh quẩn một mình, khi trời đổ mưa, anh chạy về lán hầm nằm ngửa mặt, nghĩ vẩn vơ bao nhiêu chuyện và chỉ mong thằng Thú về trút hết mọi nỗi niềm của nó.

Phải sau hai trận mưa mới thấy cậu ta chạy lao vào nhà. Nhìn nét mặt Thú có vẻ tươi, Vũ mắng:

- Ướt hết rồi, đi thay quần áo đi.

Thấy Thú không để ý đến chuyện đó, Vũ hỏi:

- Có biết tình hình gì thêm không?

- Chưa, mấy nay xê ba chật vật lắm mới hoàn thành kế koạch. Đêm nay chính uỷ về đây.

- Thế hả? "Cụ" ấy về xem ý thế nào thì có thể đoán được tình hình anh Trường. May, chiều nay mình được về rồi, hai mươi xe nữa bổ sung cho xê ba.

- Ai bảo?

- Hồi sáng binh trạm trưởng đến thăm mình, nói.

- Anh có đả động gì đến "chuyện kia" không?

- Mình nói hết mọi ý nghĩ của tụi mình và hỏi thẳng: "Liệu có phải anh Trường có ý định xấu không?", "cụ" ấy bảo: "Hổng ai kết luận, nhưng thằng cha tồi quá đi!". Mình bảo: "Tôi cam đoan với thủ trưởng anh ấy là người tốt!". Cụ ấy vừa đứng dậy vừa nói, không nhìn mình: "Thôi, nghe Thú nói cậu ốm, mình bận quá, bây giờ mới chạy đến thăm. Gắng ăn uống rồi mai xem thế nào. Nếu khoẻ thì về. Còn mệt cứ ở lại đây đã!". Chỉ có thế, không biết thêm gì cậu ạ.

- Thế thì vẫn gay đấy - Nét mặt Thú lại chìm đi.

Vũ:

- Hãy bình tĩnh đợi chính uỷ về xem tình hình thế nào - Và để Thú đỡ lo lắng Vũ hỏi sang chuyện khác: - Mấy hôm nay cậu sang ban Thông tin gọi điện đi đâu hả?

- Sao anh biết?

- Mình nghe loáng thoáng tiếng cậu. Hình như cậu có nói gì đến Bình Nguyên phải không?

Thú hơi đỏ mặt quay đi. Đó là chứng cớ của sự thú nhận vụng về. Vũ dấn thêm:

- Hiện giờ Bình Nguyên ở đâu?

- Anh có muốn gặp không?

Tự nhiên nét mặt Vũ lắng hẳn:

- Gặp làm gì, thêm phiền ra.

- Sao lại phiền?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2015, 08:53:16 am »

Cả hai cùng im lặng một lúc, Vũ đành phải thú nhận tình cảm của mình:

- Cậu bảo cô ta có yêu mình không?

- Yêu chứ.

- Sao biết?

- Thì những cử chỉ đối với anh đấy.

- Cử chỉ gì?

- Luôn luôn nhắc nhở đến. Lại lội ba cây số suối đem hoa đồng tiền tặng. Khi anh hỏi hoa đồng tiền có thể có quả được không, cô ấy trả lời: có thể được chứ. Thế lại còn gì?

- Sao cậu biết.

- Chuyện gì anh nói với anh Trường mà tôi chả biết.

- Nhưng sau đó cô ta lại bảo: "Nói thế chứ em không biết có quả hay không đâu".

- Thì con gái bao giờ họ chả ý tứ. Họ dễ dãi, cởi mở quá để chưa chi anh đã chắc chắn là họ yêu mình rồi anh khinh thường họ ấy à?

- Có lý.

- ...

- Nhưng việc đó thông thường, không yêu, họ cũng có thể nói như thế cơ mà - Vũ nói.

- Con gái đến tuổi mười chín đôi mươi là tinh khôn lắm rồi, một cử chỉ rất nhỏ họ cũng tính toán chứ không phải với ai họ cũng đối xử như thế đâu.

- Nhưng sao cô ta lại bỏ chạy.

- Có yêu thì nó mới ngượng, mà ngượng thì phải bỏ chạy chứ ai đứng trơ  ra đấy à?

- Ừ, cũng có lý. Lúc ấy hai tay cô ta cứ run lên, mặt đỏ bừng cúi xuống, không dám nhìn mình thật. Thằng nó nói có lý.

- Có một lần thế này nữa nhé: Cùng đi với chị Ngà, đèn mình chưa nguỵ trang, cô ta bảo: "Anh Vũ lấy miếng giấy này che bớt ánh sáng lại". Mình cầm miếng giấy, định xé ra cho vào đèn, cô ta vội vàng thì thào "đọc đi đã". Mình vùa đi xoay ngang, xoay dọc miếng giấy, chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: Anh Vũ tếu lắm đấy.  Thế là mình giữ miếng giấy đó nửa năm nay rồi ông ạ.

- Đúng là yêu rồi.

- Thôi cậu. Mình nghĩ: Một là tính cô ta hồn nhiên, chưa nghĩ gì nên đối với ai cũng thế. Hai là khi gần nhau, cô ta phát hiện ra sự bỗ bã, luộm thuộm của mình rồi bỏ đi thì khổ lắm.

- Tất nhiên tình yêu nào mà chả có sự tính toán. Nhưng họ tính từ trước lúc bộc lộ cử chỉ với anh. Còn khi đã yêu thì có kể gì.

- Thôi, để xem thế nào đã, yêu "toạ độ" căng cáp lắm.

Nói thế nhưng sự thật Vũ đã thấy yên tâm hơn rất nhiều. Những tháng qua anh sống trong một tâm trạng thất thường: Sự yêu thương đang bùng cháy ầm ầm như dấn ga, thoắt lại thấy giận dữ rất vô cớ, hoài nghi rất vô cớ và dự trù bao nhiêu lời lẽ oán trách, mỉa mai, hờn dỗi, tưởng sự sâu cay cả đời dễ không thể phai mờ. Nhưng chỉ cần vài giờ sau hoặc chỉ cần vài phút sau có một thằng bạn nào đó khen cô ta một lời, nói "vun vào" một câu dù chả quan trọng, mới mẻ gì, nhưng mọi dự định lớn lao trong người con mình tan biến đi hết. Những ngày gần đây cái tình cảm thất thường ấy đã chìm lắng đi. Vũ không muốn có một sự mơn trớn, đùa cợt nào chen vào giữa sự mất mát của riêng mình. Nhưng cũng chính những ngày này, anh thầm mong một niềm cảm thông, chia sẻ của người mình đã dồn bao tình cảm khát vọng ở đó, dù mới là một phía bên mình. Không ngờ cái niềm tin còn mỏng manh ấy, hi vọng còn phấp phỏng Vũ không dám nghĩ đến thì Thú lại có những nhận xét tinh tường, những phỏng đoán vững chãi mà Vũ phải nghe, phải tin, phải bộc bạch lòng mình một cách thơ ngây, vụng về. Từ trước đến nay có bao giờ Vũ lại nghĩ rằng sẽ kể chuyện này một cách nghiêm chỉnh, lại càng không thể hỏi ý kiến cậu ta. Nhưng bây giờ thấy cậu ta nói câu nào cũng hay, cũng đúng, cũng sáng suốt cả. Cũng như mình, khi chưa hề hiểu biết một tí gì yêu đương cũng phân tích, đánh giá răn bảo anh Trường và anh ấy phải nhận là đúng, phải nghe mình. Kể cũng lạ: xem ra thì người lớn tuổi bao nhiêu khi yêu cũng thành trẻ con. Từng trải khôn ngoan bao nhiêu đã yêu là vụng dại. Còn những thằng bạn dù ngốc nghếch đờ đẫn đến mấy, với tình yêu của mình nó cũng trở thành "quân sư" và mình phải làm theo nó ngoan ngoãn như một đứa học trò.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2015, 08:54:57 am »

Thú đã bỏ ra ngoài cửa nấu canh từ nãy, lúc này nói vọng vào như ra lệnh:

- Anh Vũ ăn xong đi tắm. Tắm thôi còn để quần áo đấy, chiều nay có khách.

- Ai thế?

- Cứ biết vậy đã.

- Bình Nguyên à?

- Kể cũng nhạy đấy.

- Hiện cô ta đang ở đâu?

- Đi thuyết minh phim. Hôm nay anh thuyết minh chính ra viện rồi. Bình Nguyên xin về tiếp tục ở đài quan sát Phù Lã. Trước khi về sẽ qua đây.

Thế là Vũ đi tắm giặt, chải chuốt. Chưa bao giờ anh cảm thấy mình sạch sẽ gọn gàng như hôm nay. Và, anh mong đợi từng giây, mong từng giây một. Nhưng vẫn không ngờ Bình Nguyên đến đột ngột thế. Lúc ấy Vũ vừa tắm xong đang ngồi ở tảng đá nhìn theo suối chảy. Bình Nguyên đến. Thú đưa cô ta xuống suối. Trông thấy Vũ, Thú dừng lại: "Thông cảm, mình đang có tí việc bận, Bình Nguyên nhé". Nói xong anh bỏ đi, mặc cô bé đứng lại giẫy đành đạch:

- Anh Thú, em không biết đâu. Em về đây!

Thú lặng lẽ đi như không hề để ý đến cô bé, anh ta tủm tỉm cười, còn cô bé thì xịu mặt xuống, hai bàn chân như chẹt giữa hai cây bông tầu ở giữa lối xuống suối.

Vũ vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Trống ngực anh dịu xuống, lại dồn lên chờ đợi. Nhưng cô bé vẫn đứng ở đấy, anh đành phải đi lên. Anh cố hô trong mình rất nhiều khẩu hiệu rằng: "Phải cứng rắn lên, việc quái gì mà sợ". Đến nơi phải mấy lần sửa cổ áo mới hỏi được:

- Bình Nguyên đến bao giờ đấy?

Cô bé chưa ngẩng mặt lên, anh lại tiếp:

- Tôi mới về đây được hơn một tuần. May quá mai tôi lại về đơn vị rồi. Đáng lẽ về ngay hôm mới ở ngoài kia vào, nhưng binh trạm lại thay đổi kế hoạch.

Cô bé hơi mỉm cười ngẩng nhìn anh, khiến anh không nói tiếp được, cũng không dám nhìn lại cô, hai mắt gần như nhoà đi, khắp người gai gai như lúc sắp lên cơn sốt. Cô ấy đến với mình thật ư. Thú ơi, cảm ơn cậu, sao cậu lại đem đến cho mình một sự đột ngột thế này. Một tay anh vịn vào gốc cây, chỉ còn nghe tiếng nước chảy rì rì xiết vào hai tai. Khuôn mặt vốn hiếu động của anh đờ đẫn, cứng lại. Anh vẫn đứng như một chiếc cột ai đem dựa vào gốc cây lúc yên gió vì cái nhìn chằm chằm của cô bé.

- Anh Vũ - Tiếng cô bé gọi thì thầm. Anh hơi ngẩng nhìn cô. Cô cúi xuống hòn đá dưới chân như tìm chỗ truyền lời mình nói xuống đấy: - Em nghe anh Thú nói chuyện anh về nhà rồi. - Giọng cô nghẹn chìm trong tiếng nước chảy. Phải một lúc cô mới như gắng gượng để tiếp: - Em nghĩ lúc đau khổ, có thể san sẻ... Mà em... cũng không phải con người tồi...

Im lặng. Vũ chưa kịp nói gì thì cô đã mạnh dạn hẳn:

- Thôi ngày mai anh yên tâm về đơn vị. Em đi đây.

Nói xong cô bé chạy ù đi. Choáng váng trong một giây Vũ không kịp hiểu những gì đã xảy ra nữa. Anh ngẩng nhìn, cứ nhìn, mà không chạy theo, không gọi với. Cô gái leo lên đỉnh núi rồi đi sang phía đồi bên kia. Đến khi khuất bóng cô, anh mới thấy trong mình dâng lên một cái gì vừa như ân hận, vừa nuối tiếc. Và anh lại cứ đứng như thế. Tiếng cậu Thú gọi máy ở đỉnh đồi vọng xuống. Hình như cậu ta đang nhắc gì về anh Trường. Vũ như tỉnh ra, anh vội chạy lên chỗ Thú.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2020, 02:11:52 pm »

3


Thú đưa Vũ ra bãi xe, lúc lội suối trở về đã mười giờ đêm. Trời đã mưa âm thầm, chốc chốc lại như rùng mình rũ nước lộp bộp xuống mái lán.

Đêm nào cũng vào tầm này trở đi, binh trạm bộ giống một nhà có đám rậm rịch hối hả, tưởng chỗ nào cũng chỉ chực vươn nhoài ra mặt đường, ra trọng điểm. Tiếng quát tháo gào lên, tiếng chuông điện thoại đổ hồi từ trong các vòm cây ướt lạnh đầm đìa vang ra chồng chéo lên nhau. Mỗi trợ lý làm trực ban đêm, sự chuẩn bị trước hết của họ là cái cổ họng cho thật tốt để suốt đêm nằm hoặc ngồi ở võng tiếng quát vào ống nói, cho đến sáng ra anh nào cũng khàn lạc. Một mệnh lệnh ngắn và trầm của chính uỷ: "Chú ý theo thằng xê ba qua cây số 39". Thế là lập tức tiếng quát tháo ầm ĩ, nghe ồn ào nhốn nháo.

Đầu tiên tiếng anh trực ban công binh ở giữa rừng lim: "Z3 đây phải không? Z3! Nước ngầm A1 bao nhiêu? Một mét năm mươi lăm à? Đang xuống hở? Độ mấy giờ nữa xe qua được! Ba giờ nữa vẫn phải tháo dây "cua-roa" mới đi được à? Ngộ mưa to nữa thì sao? Z3 đâu. Nghe tôi nói đây: Lệnh của thủ trưởng binh trạm phải tìm mọi cách cho thằng xê ba qua trước N + 1. Hở? Lấy bao đổ sỏi vào, tôn ngầm lên. Làm sao? Động viên anh em. Binh trạm đề nghị Bộ Tư lệnh rồi, có triển vọng được ăn lên ba, bốn lạng một ngày. Ừ ừ. Chú ý N + 1 cho thằng xê ba qua đấy". Tiếng anh trực ban vận chuyển ở sườn đồi bên kia ồm ồm đổ xuống suối: "T73 đâu? 73! 73 sao nhỏ thế, quay lại đi. Được, nói to lên tí nữa! Alô này. Thằng xê ba qua được bao nhiêu rồi. Mới An Châu, i tờ à? Đọc đi! 4537 do Vĩnh Phúc bê một lái. 56120 do Bá Ngọc bê một lái. Tiếp đi! Ừ, được được. Cứ một đầu tời kèm một gát hả. Đồng chí Tuy đi xe nào? Đi giữa à? Sao lại đi giữa. Ở đầu đội hình ai đi! Không có cán bộ đại đội à? Được, để tôi hỏi lại. Đọc tiếp đi. Được, được rồi, xong! Vì sao Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Nội chưa tới? T82 thả chiếc cuối cùng là 4582 do Lê Xuân Hải bê ba lái cách đây một giờ rồi kia mà? Bị lầy ở số 54 à? Được, tôi sẽ báo công binh. Sao? Một chiếc vênh trục chuyển hướng ngay phải thay hử? Cây số bao nhiêu? Được, tôi sẽ báo tiểu tu. Số xe 4721, à. - Thằng này mang "bánh mì" đây. Cho nó xuống, sơ tán ngay, chú ý kẻo va chạm mạnh nhá".

Rồi tiếng the thé như lách trong mũi kim của trực ban quân y, tiếng đai lên gắt xẵng của trực ban hậu cần, tiếng nhẹ và kèm chữ "ạ" vào cuối mỗi câu của anh trực ban chính trị. Tiếng anh trực đường dây thì hốt hoảng. Anh tham mưu mặt đất nói dằn từng tiếng. Anh tham mưu trên trời giọng đanh chắc như đá... Bao nhiêu âm thanh cứ như chòi ra khỏi các bụi gai, lùm cây hợp thành một sự xăng xái um um giữa những vách đá.

Ở rừng kể cũng khoái. Nói năng hò hét thả cửa. Nhưng lửa thì cấm. Khói cũng cấm. Chỉ cần một vòng bánh răng cưa xoẹt vào đá làm toé lửa phía ngoài lán là lập tức bật lên hàng chục tiếng quát: "Muốn chết hả?". "Anh nào liều lĩnh thế?" "Vứt mẹ nó máy lửa đi, đồ vô kỷ luật ạ!".

Thú cứ luồn trong rừng, trèo lên vách đá, lội suối, vòng vèo hết các ban, nghe từng mệnh lệnh, lọc tách ra từng tiếng để xem có ai đả động gì đến anh Trường không? Đội hình xê ba vượt trọng điểm đêm nay chỉ có một mình Tuy là cán bộ đại dội. Anh Trường vẫn bị đình chỉ công tác có khổ không? Hôm qua ông Vũ chợt nhắc đến chị Lý xong lại vội vàng lảng đi, hỏi thế nào cũng không nói thêm. Không biết tình hình ở nhà thế nào! Ông Vũ chán bỏ mẹ. Biết thì nói rõ ra, mà không thì thôi, việc gì phải kín kín, hở hở. Làm như chỉ một mình ông ấy biết lo nghĩ, giữ gìn cho anh Trường, còn mình là trẻ con đấy. Khổ thân anh ấy, sắp được chính uỷ cho về "tổ chức", lại để xảy ra cháy xe hàng loạt. Anh ấy cũng vô ý lắm. Cứ hỏi ý kiến các thủ trưởng một câu, dù cháy gấp hai, gấp ba thế cũng không tội vạ đến mình! Trách anh Trường rồi Thú lại thấy buồn, tự oán trách mình chưa làm nên tích sự gì trong việc này. Chiều nay, lựa mãi mới được lúc chính uỷ vui vẻ, Thú đánh liều hỏi:

- Thủ trưởng ơi, có tin bảo anh Trường là gián điệp phải không?

- Cậu hỏi để làm gì?

- Tôi cũng muốn biết để còn cảnh giác, nhỡ ra...

- Độ này cậu cũng biến báo khá rồi. Nhưng cậu là hay đi nghe những sự bàn tán vớ vẩn ấy lắm rồi đấy.

- Thế tôi mới phải nói để thủ trưởng biết mà uốn nắn cho kịp thời, chứ cả đến chỗ nhà bếp họ cũng đã thì thào chuyện ấy.

- Cậu có tin là đúng không?

- Tôi thì chả bao giờ tin chuyện đó.

- Không tin, việc gì phải hỏi. Rút kinh nghiệm từ lần sau cậu đừng hỏi những chuyện như thế nhé.

Bao ngày ở với thủ trưởng, lúc sắp sửa chia tay Thú mới bị ông phê bình một câu nặng lời. Nhưng nỗi lo lớn hơn của Thú vẫn là nỗi thấp thỏm rồi mọi chuyện sẽ xảy đến với anh Trường ra sao? Ở con người nhiều lo toan này luôn luôn cảm thấy mình là kẻ tội lỗi, kẻ phũ phàng, khi chưa làm được việc gì đem lại kết quả giảm bớt nỗi phiền muộn của bạn bè. Vì thế, rất ít lúc thấy cậu ta cười vui thoải mái. Có lần chính uỷ đã nói đùa ở xê ba: "Các bạn muốn biết anh bạn Thú nhà tôi ngày hôm đó vui hay buồn thì không cần gặp anh ta mà chỉ cần tập hợp tất cả những người anh ta yêu mến lại. Nếu tất cả họ đều hồ hởi vui tươi, thế là biết hôm nay anh chàng Thú ta mủm mỉm cười rồi đấy. Hờ hờ... cứ lo khắp đông, tây, ngược xuôi nhưng có cô bạn gái lại để nó chạy đi đâu không tài nào tìm được!".

Thú bước vào nhà vẫn thấy chính uỷ ngồi nguyên tư thế lúc anh ra đi. Hai tay đặt ở bàn, người hơi ngả, cặp mắt khép hờ, những nếp nhăn trên trán chùng xô lại. Phía mặt bàn cặp kính lão vẫn đặt giữa hai trang sách đã mở và chiếc ống nói ở bên cạnh. Một dải ánh sáng vuông hắt từ chiếc đèn bão chụp vỏ thùng lương khô khoét hổng hắt chéo qua vai trông như một chiếc khăn mỏng vắt ở đấy để lau mồ hôi. Nếu không nghe tiếng trực ban các nơi báo cáo với ông tình hình mặt đường mà Thú nghe từ nãy, ngỡ tưởng từ tối đến giờ ông chưa hề làm gì. Cố tránh khỏi cắt ngang dòng suy nghĩ đang xiết trong đầu ông, Thú rón rén chui vào ngách hầm người cần vụ mới. Chính uỷ ngẩng lên hỏi:

- Thú về đấy à? Cậu Vũ nó đi chưa?

- Lúc tôi về, chưa đến giờ xuất phát.

- Cậu ấy cũng tội nghiệp. Con Bình Nguyên hôm qua đến đây, cậu xem ý hai đứa có động viên được gì nhau không?

- Lúc nào thủ trưởng phải biên thư hoặc gọi điện thoại bảo cô ấy. Hoàn cảnh của anh Vũ như thế, phải yêu cho thực sự, có thế nào cứ nói cụ thể thế ấy. Xem ra còn nhủng nhẳng, trẻ con lắm.

- Hờ hờ... thanh niên bây giờ nó thế. Các cậu chả góp ý được với nhau, bảo cánh già này nói nó nghe sao được.

- Xem ra cũng có thể hòm hòm được đấy. Thủ trưởng có quyết tâm ủng hộ không?

- Cậu định bắt mình hô quyết tâm à? Hờ hờ... Thôi bây giờ làm việc đã. Còn gì ăn không "ủng hộ" mình một ít, đói đấy cậu ạ.

- Chỉ còn lương khô "mù"(1) thôi thủ trưởng ạ.

- Chà, xót ruột lắm chả ăn được.

- Thế thủ trưởng cứ làm việc đi, chờ tôi nhé.

Nói xong Thú lia ánh đèn pin, nhảy vọt lên cửa nhà thùng. Chính uỷ ngẩng lên gọi cậu ta lại, Thú đã biến ra rừng cây. Ông định nhổm dậy ra cửa. Nhưng biết chắc chả gọi lại được nên ông ngồi xuống và hai cánh tay đặt thuỗi ở mặt bàn, hai nhánh lông mày trùm xuống mắt, ông ân hận về sự vô tình của mình. Trưa nay cậu ấy vẫn còn lên cơn sốt, lại lội suối từ tối đến giờ! Cái thằng, chưa chi đã nhót đi. Không mang vải nhựa đến ướt hết mất thôi. Nỗi ân hận lại cồn lên trong ông. Bao nhiêu cử chỉ, bao nhiêu việc làm và những lời nói chân thành, ngây thơ từ những ngày nó đi bên ông lại cồn lên. Nó là bạn, là đồng chí, là con ông, suốt ngày đêm hết lòng quý mến chăm lo cho ông. Thực tình không bao giờ ông muốn xa nó. Nhưng không thể nghĩ đến mình, kìm hãm sự phát triển của nó nên ông quyết định cho nó đi làm trung đội trưởng đơn vị công binh sẽ thành lập nay mai. Nó ra mặt đường sẽ ác liệt, ông lo cho nó còn ngờ nghệch nhưng cũng như mọi cán bộ, chiến sĩ khác, ông tin vào sự vững chãi của nó sẽ nhanh hơn. Một người mẹ có đứa con từng trải thì ném vào đâu cũng bớt đi vô vàn những lo âu phấp phỏng. Thằng Thú cũng thế. Nó đã bù đắp cho ông nỗi trống trải, nỗi day dứt triền miên vì thằng con trai ông đã gây nên do sự mòn mỏi của nó.

Những hồi chuông điện thoại đổ dồn làm những ý nghĩ  xao động trong ông lắng lại.

Cũng lúc ấy khuôn mặt non nớt của Thú xịu xuống. Cậu tự trách móc sự đểnh đoảng của mình. Chính uỷ vừa ở trọng điểm về đang mệt, gặp bữa chỉ ăn được có lưng bát cơm. Luống cuống đưa anh Vũ đi, quên không nhắc cậu cần vụ mới kiếm cái gì để thủ trưởng ăn đêm. Ngồi làm việc thế, nhịn không, ai chịu được. Còn cậu "ấy" cũng chán bỏ mẹ. Cần vụ gì ngày nào cũng ngủ chỏng lên để chính uỷ phải gọi. Đi công tác, ngồi trên xe đáng lẽ phải nghe ngóng, cảnh giới, lại ngáy ầm ầm hóa ra chính uỷ lại coi cho cậu ta ngủ. Thôi được, từ mai tôi phải rèn luyện cho anh. Tôi không yêu cầu anh phải ngồi thao thức khi chính uỷ phải ngồi căng thẳng làm việc suốt đêm. Tôi không bắt anh phải thuộc hàng trăm loại rau, măng, nấm, mộc nhĩ. Nhưng nhất thiết phải biết những rau gì chính uỷ thích, nó ở đâu, nấu hay xào, luộc hay ngâm dưa. Chính uỷ làm việc mệt, thức đêm, anh không được để đói. Đi bộ anh không được để thủ trưởng trượt chân ngã... Có bao nhiêu chuyện tôi sẽ "vực" anh, khi nào anh làm được tôi mới đi.

Thú lội ngang suối sang đến lán nhỏ bên kia là có đủ măng, mộc nhĩ, cậu lấy mọi thứ không phải mất công sức gì. Vì đấy là những cái "kho" mới: chỗ nào có mấy cây măng đã lên, ăn vào ngày nào thì vừa! Những đọt măng nào sẽ nhú. Chòm mộc nhĩ ở đâu. Chỗ rau nào cần phải ăn ngay, chỗ nào dự trữ được lâu... Tất cả đã "lên phương án thu nhập" cả rồi. Cần đâu, cậu lấy đấy một cách dễ dàng.

Cứ nghĩ đến cái phút ngào ngạt bốc hơi của xoong canh măng, mộc nhĩ xào mỡ sẽ làm cho chính uỷ hào hứng ăn vài bát cơm nguội và đêm nay ông vẫn làm việc tỉnh táo là cậu chạy thoăn thoắt từ lèn lên vách đá. Từ vách xuống suối, rồi thoắt cái đã ở trước cửa nhà. Cho đến khi bắc xoong măng lên bếp cậu mới để ý là quần áo mình đã ướt hết. Nhưng có hề chi. Cởi ra vắt kiệt nước, ngồi bên ngọn lửa một lúc là khô, người lại ấm ngay đấy mà.



------------------------------------------------------------------
1. Loại lương khô không có chữ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #64 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2020, 02:13:32 pm »

4

Cái phút thoải mái nhất trong ngày hôm nay của hai thủ trưởng binh trạm là lúc hai khuôn mặt nhoà trong làn hơi nghi ngút của nồi canh măng Thú vừa bê lên. Nhưng chỉ được một phút thôi. Sau những lời xuýt xoa khen ngon, tiếng xì xoạp nóng bỏng, hai khuôn mặt lại chìm trong nỗi lo toan, những hi vọng còn thấp thỏm ngoài mặt đường.

- Thằng xê ba chưa qua hết cây số 39 anh hè! - Binh trạm trưởng nói. - Thằng cha Tuy có cố gắng, nhưng thiếu kinh nghiệm. Mai tôi định cho thằng xê ba về bắc ngầm Ông Thao, đưa thằng xê bảy vượt cao điểm.

Chính uỷ cười:

- Thế lại phải có phương án cho thằng nào thay thằng xê bảy nữa.

Sợ mình đùa không đúng lúc, chính uỷ nói lại:

- Kể kinh nghiệm vượt trọng điểm, thằng xê ba có nhiều. Nhưng giá nó là trung bình cộng của anh táo bạo đến liều lĩnh với anh thận trọng đến nhút nhát có khi lại hay. Do cứ chần chừ tính thiệt hơn nhiều quá nên cậu Tuy nó bỏ lỡ mất cơ hội anh ạ.

- Các ban họ phản ảnh thì thấy thằng cha Tuy có vẻ rát.

"Không phải chỉ rát đâu. Cậu ta còn sợ chết, muốn chuyển khỏi xê ba nữa kia". Chính uỷ nghĩ khi binh trạm trưởng nói. Nhưng ông im lặng. Anh ấy sống nhiều bằng cảm tình, trừ những điều đã thuộc nguyên tắc quy định ra, còn chừng nào chưa có điều kiện tạo cho anh tự cảm thấy thì sự tranh cãi sẽ đem lại những ấn tượng không tốt đẹp, dẫn đến những quyết định sai lầm.

- Tôi định, trong lúc chờ xét kỷ luật, có lẽ cứ tạm giao cho cậu Trường nó phụ trách đội hình tấn công, cũng là để thử thách xem anh ạ.

- Mần rứa là mình thương nó. Nhưng nó lại làm liều. Thằng cha ni không có tình nghĩa chi hết. Đã bao lần tôi cho qua chuyện nó làm bậy. Nó tưởng thế là mình sai. Anh em phản ảnh thằng cha ni có khi mô nghe ý cấp trên!

"Không nghe sao mọi việc giao nó vẫn thi hành đầy đủ. Còn tình nghĩa nào cao hơn là khi anh bị vây bốn phía, nó đã tự động nổ súng kéo cái chết về phía mình, khi thoát chết lại im lặng nhận kỉ luật để xẻ vợi nỗi đau khổ cho anh. Ngay việc vừa xảy ra, nghĩ cho cùng nó xử trí cũng có phần hợp lý. Hành động đó không đem lại kết quả còn do sự xảo quyệt ghê gớm của thằng địch, mình chưa tìm ra. Điều quan trọng lúc này là cả binh trạm, cả Bộ Tư lệnh và các cơ quan cấp trên nữa phải nghiên cứu tìm cho ra thủ đoạn tinh vi của kẻ thù, không thể dồn cả tội lỗi lên đầu cán bộ của mình, đồng chí thân yêu của mình. Đành rằng khi hành động gây nên sự thiệt hại ấy, không xin ý kiến cấp trên là sai lầm. Nó đang kiểm điểm sai lầm và nhận kỉ luật. Nhưng bên cạnh việc chỉ ra cho nó thấy được sâu sắc những khuyết điểm, còn phải biết chấp nhận những cái mạnh, sử dụng được những cái hay của nó".

Nghĩ là thế, nói ra để cùng nhau nhìn nhận và sử dụng cán bộ cấp dưới một cách thống nhất đã dễ gì. Đấy không phải là những ý nghĩ mới xuất hiện. Ngay từ hôm về binh trạm này, chính uỷ đã nghĩ đến mối quan hệ giữa ông và binh trạm trưởng. Nếu nhìn bề ngoài, người ta dễ nhìn thấy sự chênh lệch giữa hai người. Chính uỷ với cấp thượng tá, nguyên là chủ nhiệm cục chính trị trên Bộ Tư lệnh xuống. Binh trạm trưởng là đại uý mới phong lên thiếu tá và đề bạt từ binh trạm phó lên. Chính uỷ nguyên là chính trị viên tiểu đoàn. Binh trạm trưởng là trung đội phó từ những ngày vạch rừng, dò lối mòn đầu tiên của tuyến đường này.

Cái đó tạo nên thuận lợi trong sự hiểu biết lẫn nhau, dễ làm việc. Nhưng dễ gì giữ được mối quan hệ đấu tranh phê bình, tự phê bình, thẳng thắn và kiên quyết. Rất nhiều lần chính uỷ tự nhủ: Hai người sống, làm việc với nhau tốt hay xấu không phải từ anh ấy mà là do mình tất cả. Mình có bao giờ lởn vởn trong thâm tâm rằng: Tôi xuống đây là để theo dõi các anh, giúp các anh một chừng mực nào đó, về lâu dài, tôi không phải chính uỷ binh trạm. Cái đó sẽ tạo nên sự thiếu bình đẳng về trách nhiệm. Khi có chiến công xuất sắc hẳn mình khoan khoái: Tôi đã xuống đây mà! Lúc gặp khó khăn trầy trụt thì dù có kiểm điểm trách nhiệm chung nhưng đằng sau đó mình vẫn tự che cái màn tự bào chữa rằng: Ở đây cán bộ mới nhiều quá. Ngay cả binh trạm trưởng cũng là mới mẻ, tuy có cố gắng nhưng kinh nghiệm còn thiếu. Còn mình lúc ấy sẽ là người bất bình khó chịu, rằng: tôi đã cố "vực" nhưng anh "non" quá không bật lên được. Một mối quan hệ khác cũng dễ dàng bùng lên. Đó là sự vị nể, lòng thương yêu "nâng đỡ" với những uẩn khúc, vướng mắc của anh "bê" phó nóng nảy được gỡ ra mỗi khi gặp chính trị viên tiểu đoàn. Bây giờ anh phải đối xử với tôi thế nào cho "phải đạo". Và vân vân. Tránh được những cái đó, nhưng phải giữ được nguyên tắc, phải đấu tranh đi đến nhất trí trong mọi công việc!

Có thể nói với nhau một cách dễ dàng nếu như không có một ấn tượng cho rằng: Chính uỷ yêu cậu Trường, ghét cậu Tuy và binh trạm trưởng yêu, ghét ngược lại. Nhưng gì thì gì, cũng không thể vắng cậu Trường trong đội hình tấn công của xê ba trong dịp gay go này. Cốt nhất là gạo, là đạn cho anh em mình trong kia khỏi chết đói, khỏi bị thằng địch "lấn tới" đã, rồi kỉ luật cậu ta sau khi đã có kết luận chính xác muộn gì.

Chính uỷ vẫn ngồi nguyên tư thế như lúc chập tối. Chốc chốc ông lại nhấc chiếc ống nói làm việc nắm tình hình mặt đường. Vào giờ này các đoàn xe bắt buộc phải qua cao điểm, hoặc không, đã phải tìm nơi trú ẩn, coi như công việc trong một ngày đã tạm thời được đánh giá, tạm thời dừng lại, chuẩn bị kế hoạch bước sang ngày hôm sau.

Như mọi đêm, ông nói câu cuối cùng với đồng chí trực ban: "Chú ý nắm tình hình đột xuất" xong, hai mắt nhắm nghiền chừng một phút. Chỉ một vài phút sau ông xoay người đứng dậy chui vào ngách hầm soi xuống đường diềm các chân màn của hai người cần vụ. Ông chiếu đèn qua mặt họ và dừng lại ở khuôn mặt trẻ trung đầy lo toan của người cần vụ sắp sửa xa ông. Nhìn hai mắt khép chặt, cái miệng mím lại, hai nhánh mũi phập phồng đều đều của cậu ta, ông gật gật đầu thoả mãn về giấc ngủ ấy, rồi lại lên bàn ngồi như tư thế ngồi từ chập tối.

Nhưng cậu cần vụ của ông có ngủ đâu. Đêm nào ông thức, cậu ta cũng ngồi trong màn chờ. Biết không thể can ngăn, cấm đoán được ông, cậu đành lặng lẽ ngồi như để chia lấy nỗi mệt nhọc vất vả của thủ trưởng, để rồi có lúc nào đó ông vui vẻ thoải mái, cậu sẽ cau có phê bình ông không chịu giữ gìn sức khoẻ, phê bình ông làm ăn luộm thuộm thiếu kế hoạch, thiếu tổ chức, không có ý thức làm việc lâu dài. Và thế ông phải cười hờ hờ, ngoan ngoãn nhận tất. Và chính lúc ấy ông mới nhận ra rằng cần vụ của ông, không đêm nào ngủ. Mấy đêm nay làm việc xong ông phải kiểm tra lại. Không ngờ ông quay ra, nó lại nhổm dậy và biết chắc là ông đang xem thư. Thư của anh con trai gửi tay anh Vũ vào. Hẳn ông lại buồn vì anh ta. Đã có lần ông nói với Thú như nói với một người bạn về nỗi buồn phiền của ông trong việc này.

Đêm nào sau công việc ông cũng ngồi hàng giờ để nghĩ ngợi đến gia đình, con cái, và buồn vì anh con trai. Ngày nào, lúc sắp sáng ông cũng có một tâm trạng ấy.

Và, cần vụ của ông lặng lẽ xẻ lấy một nửa nỗi buồn phiền mà ông không thể biết.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #65 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2020, 02:15:34 pm »

*
*      *

Lần ấy binh trạm trưởng hỏi:

- Thằng Trình Nhật đã về nước chưa anh?

- Về ba năm rồi.

- Thằng cha vẫn học khá chớ?

- Học thì vẫn khá. Nhưng...

Thấy chính uỷ không vui, binh trạm trưởng ngỡ ngàng nhớ những cử chỉ tràn đầy sung sướng trước kia của ông mỗi khi nói về thằng con có chí, biết tự giác lo toan học hành.

Chính uỷ tiếp với vẻ mặt không buồn nhưng lạnh lùng nói về kết quả học tập, về cương vị công tác, việc nó lấy vợ, đẻ con và những bạn bè kiêng nể, trọng vọng tài năng của nó.

Từ những năm học phổ thông và đi nước ngoài nó đều là học sinh giỏi toàn diện. Về nước, với học vị phó tiến sĩ, nó như một cái cột thu lôi hút lấy sự trân trọng, vồ vập, nương nhẹ của cơ quan và bạn bè. Lẽ ra nó phải tiếp tục dồn tâm lực, trí tuệ phấn đấu cho công việc, cho mong ước nó đang theo đuổi. Ông không cấm nó lấy vợ và đẻ con. Nhưng với ba mươi tuổi đầu nó chưa được phép nghỉ ngơi, chưa được phép sống mòn mỏi trong cái vinh quang quá khứ, không được phép tính toán so đo giữa công sức bỏ ra và kết quả thu lại cho riêng mình. Thử hỏi mười năm sau nó làm được gì nếu hôm nay nó không mất ngủ, không vật vã lo âu, không đau xót trước những người lao động, những chiến sĩ từng đổ máu trên đồng ruộng, trên chiến hào mà khoa học ngành y chưa đáp ứng đầy đủ mọi mong muốn của họ. Những lần ông gặp, chỉ thấy nó chê bai, dè bỉu ngành y học còn non trẻ của ta, tịnh không thấy nó bàn luận, nhắc nhở đến sự lao động, kiên trì tìm tòi trong công việc của nó, trong cái ngành y học non trẻ ấy. Ông còn nhớ lần ta thắng lớn ở Làng Vây, chỉ nửa tiếng sau nó đã nói được suốt ba giờ đồng hồ với bạn bè và trong những cái đầu hào hứng, lười biếng kia ngẩng cả lên nuốt lấy những triển vọng tốt đẹp, những đánh giá lực lượng một cách tinh vi, những nhận định sâu sắc về cuộc chiến đấu ở miền Nam. Từ chuyện chiến tranh, nó chuyển sang nói về tất cả các lĩnh vực đời sống, dân sinh từ Âu sang Á. Ông có cảm giác những người nghe nó đều không muốn rời ra, nếu có thể được thì họ nhẩm cho thuộc cái tri thức "uyên bác" ấy của nó.

Nhưng sáng sớm hôm sau Giôn-xơn tuyên bố "trả đũa" và đến trưa thì máy bay Mỹ ồ ạt đánh bom vào Hà Nội, Hải Phòng. Buổi tối bạn bè nó ngơ ngác xô đến hỏi "nhà hùng biện" về "tình hình", về "triển vọng". Nó buồn phiền buông một lời lơ lửng: "Có lẽ Trung ương mình chưa đánh giá hết tiềm lực của bọn này nên cũng hơi "căng" với nó". Rồi nó lại dẫn ra hàng loại chứng cớ, số liệu đầy hấp dẫn về sự tiềm tàng vô cùng, về nền khoa học hiện đại dùng trong chiến tranh của nước Mỹ. Những buổi ấy, ông vẫn nằm đọc sách ở gian ngoài, người chủ đi sơ tán cho mượn. Qua lần cót thưng ông muốn quát vào mặt nó: "Anh đừng có làm cái hàn thử biểu của thời cuộc như thế!".

Tất nhiên nó vẫn là người biết chừng mực trong mọi chuyện, là một cán bộ trẻ giảng dạy có năng lực, của trường đại học Dược khoa, là người biết lo toan vẹn toàn cho vợ, biết cư xử khôn khéo, lịch thiệp với mọi người. Nghĩ cho cùng, nó vẫn đầy đủ, đứng đắn, một sự thoả mãn cao cho những cô gái đang yêu và những người vợ trẻ ở Hà Nội trong những năm tháng này.

Con người "lý tưởng" ấy chỉ có thiếu một điều, thiếu dần đi tình yêu thương với mọi người, với đất nước. Một đất nước bền bỉ chịu đựng, bền bỉ hi sinh. Hàng chục vạn con người còn lội bùn, còn luồn rừng, còn đổ máu để giật lấy hạnh phúc từ bàn tay nanh ác của kẻ thù cho mọi người, cho tất cả, nhưng hôm nay mới có ít, nó là người đang hưởng đấy rồi. Nó đang sống trong hạnh phúc của người khác, chưa thoả mãn nhưng lại cười cợt muốn xa lánh những con người đã làm nên niềm hạnh phúc còn ít ỏi mà nó đang sống. Cái đó nó cứ ngỡ là tự nhiên lứa tuổi của nó phải thế, xã hội phải đối xử với nó như thế. Còn ông, ông mất dần đi, thất vọng dần đi niềm tự hào của một người cha sáu mươi tuổi vẫn lội suối, luồn rừng, vẫn leo núi, vượt bãi bom, chưa được phép dừng lại, chưa được phép nghỉ ngơi. Người cha ấy bắt buộc phải hỏi thằng con mình: "Anh là ai? Anh đang ở đâu? Nếu lúc này anh không chịu hít vào cái không khí nóng bỏng, gian truân của trời đất này thì ngày mai, ngày kia anh thở ra cái chất gì. Có phải cái hơi thở tê lạnh, độc địa đang bắt đầu trong anh rồi không?"

Với mọi chiến sĩ, ông có thể bàn bạc một cách bình đẳng. Nhưng với nó, ông lại không nói ra được những dằn vặt, phiền muộn trong lòng.
Chao, khó thật! Nó không còn bé bỏng nữa. Rất nhiều lần ông tỏ thái độ bất bình với cách sống của nó, nhưng chưa thể nói được câu gì. Trước sau rồi cũng phải nói thôi. Bằng cách nào nhỉ...?

Bấy lâu nay binh trạm trưởng cứ thầm vụng nhìn vào cậu con trai chính uỷ mà thèm muốn, ước mong, sự khao khát đến nỗi tưởng xoè một que diêm chạm vào ý nghĩ đó là có thể bùng cháy. Chao ơi, thằng Hùng! Giá thằng Hùng được một phần mười của sự học hành ấy thôi, được một phần mười của sự chằm vặp nuôi dưỡng ấy thôi thì đã là nỗi sung sướng khôn cùng của ông rồi. Răng chính uỷ lại buồn khi ông nhắc chuyện thằng Trình Nhật!

Chính uỷ đang ngồi lặng, chợt cười, tựa nụ cười của người mới ngủ dậy:

- Chà, tôi ngớ ngẩn quá nhỉ? Có gì đáng buồn đâu. Nói chung nó vẫn sống không có gì xuất sắc, cũng chẳng ai chê trách. Thế là nó cũng có một cái nghề sinh sống đỡ vất vả hơn nhiều người khác. Lâu nay anh có nhận được tin gì về mạ con cháu Hùng không?

Khuôn mặt binh trạm trưởng bỗng nhợt ra, các tế bào ở lớp da mặt run run, ông hơi quay mặt đi. Lúc sau, ông mới quay lại, giọng nói nghẹt giữa cổ họng:

- Tui viết đi hai mốt lá thư cả thảy, không có tin gì trở lại.

Từ đấy hai người không hề thăm hỏi gì những đứa con trai của họ nữa. Nhưng mỗi đêm khuya, công việc ngoài mặt đường đã lắng vợi như đêm nay, chính uỷ ngồi đọc thư hoặc dằn vặt nghĩ đến thằng con trai mình thì phía sườn đồi bên kia binh trạm trưởng cũng đang ngắm hình thằng Hùng hoặc ngồi thừ ra vì nỗi mong nhớ, khao khát được nhìn mặt con.

Đấy là những phút dồn lại bao nhiêu rối rắm, bao nhiêu nỗi giằng xé đều trồi cộn lên, khiến mỗi con người cứng rắn ấy đều cảm thấy cô đơn. Nhưng đến sáng ra lập tức tan loãng đi mọi thứ khúc mắc, chỉ còn thấy một nét mặt hối hả lao vào mọi công việc khẩn thiết nghiêm trọng của một ngày mới, một cuộc chiến đấu mới hoặc ít nhất là một cuộc chuẩn bị mới được bắt đầu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #66 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2020, 02:19:04 pm »

Chương X


1


Anh trút một hơi thở nặng nề, từ từ ngẩng đầu dậy. Tờ giấy trắng mới viết hai dòng chữ in hằn những sợi tóc rắc rối mà không biết bao lâu rồi, vầng trán anh đã áp xuống đấy. Anh bắt đầu đi vòng quanh chiếc bàn đặt giữa gian nhà hầm. Vẫn hai mắt khép lại như đang ngủ, hai tay buông thõng, chốc chốc đưa lên day day hai bên thái dương giống như cử chỉ của một người đau thần kinh đang cơn giật nhức nhói. Với khuôn mặt nhăn nhó ấy, anh nhìn sang dãy nhà thùng của trung đội một đang buông màn kín hai dãy sạp nứa. Có cậu nào trằn trọc mất ngủ, đang ngồi trong màn viết thư hoặc đang khâu quần áo không? Đêm qua không xe nào cháy là tốt, ít có đêm được trót lọt như thế. Sao xe cậu Thực lại đổ giữa ngầm Lương Khô! Đường ngầm rộng, thẳng, nước nông hơn tất cả các ngầm thác, tự nhiên xe lại lật là nguyên nhân gì?

Đêm nào anh cũng thao thức đợi đoàn xe về bãi, cuống quýt hỏi han mọi chuyện xảy ra trên đường mới an lòng. Nhưng hỏi để biết thôi. Hỏi để nguội vợi nỗi mong đợi nóng nảy thôi, anh có quyền gì tham gia, có quyền gì uốn nắn, bắt bẻ nữa. Anh đã rời khỏi mọi hoạt động căng thẳng, sôi nổi của đơn vị để ngồi tự trình bày lỗi lầm với hàng chục phái viên cấp trên và viết bản kiểm điểm. Gần một tuần lễ anh mới viết được năm trang, và thêm hai dòng ở trang thứ sáu thì tắc. Những điều viết ra cũng như những lời đã nói, anh kể lại toàn bộ diễn biến của sự việc, còn nguyên nhân, bản thân anh chưa hiểu, chưa thể tìm ra, làm sao có thể nói và viết được.

Thực ra, những dòng viết đã không khó khăn gì. Anh viết lại hơn năm trang giấy ba lần vì những dòng chữ ấy đều bị nước mắt anh làm nhoè, người khác không đọc được. Chao ơi, giá được phép anh đã viết thư cho tất cả những người bố, người mẹ, người vợ và những đứa con của bảy chiến sĩ, cán bộ của đại đội anh hi sinh trong đêm ấy. Anh đã hành động liều lĩnh để họ phải chết ư? Các đồng chí ơi, tôi không bao giờ dám có ý nghĩ tàn nhẫn ấy. Trong trường hợp xảy ra với chúng ta, ai cũng phải làm như thế thôi. Chỉ có điều thằng địch xảo quyệt quá, nó đã dùng phép gì để nhìn rõ đơn vị chúng ta cả khi đã lánh vào rừng rất an toàn, đã tắt máy, đã có một vùng trời mưa mù che mắt nó. Vì sao lại có thể thế được? Nếu tôi biết được kẻ địch "bám" mình bằng cái phép thần kì nào đó, tôi cứ cho đội hình vượt như những đêm sau này thì đâu đến nỗi thế!

Anh quay ngoắt lại lấy chiếc mũ sắt trên hòm đạn chụp lên đầu và cầm chiếc xẻng rồi bước dứt khoát ra khỏi nhà.

Tuy xách túm vải nhựa đựng màn võng từ đâu về gọi:

- Anh Trường lại ra trọng điểm à! Thôi anh ạ. Các thủ trưởng binh trạm bắt ta phải thông qua bản kiểm điểm rồi gửi lên ngay. Có lẽ anh tranh thủ viết cho xong, lúc nào ta trao đổi với nhau một tí.

Trường chỉ đi chậm lai:

- Anh báo cáo lại hộ, tôi không viết được như các đồng chí phái viên hướng dẫn đâu. Một là các đồng chí ấy cho mai kia tôi viết. Hai là cứ kết luận và kỉ luật tôi đi. Nếu không, tôi cũng còn được là anh chiến sĩ lái xe. Đằng nào cũng được, cho sơm sớm một chút, "giam" tôi mãi không chịu được đâu. Tôi đã nói với các phái viên trước khi về binh trạm rồi đấy.

Anh đi thẳng xuống suối, lội dấn sang đồi "B.52" đi tắt ra trọng điểm. Không hiểu Tuy có nói gì nữa hay chỉ đứng nhìn anh như mọi lần. Còn anh chỉ biết cắm đầu đi, đi như chạy trên khu đồi cháy trụi, sạm đen ngổn ngang và lạo xạo mảnh bom.

Lúc bấy giờ vào khoảng chín giờ sáng. Anh đến khu rừng cháy ngổn ngang xe của xê ba. Những chiếc xe đổ cong queo vẫn chìm trong mưa mù, vẫn lặng chết như mọi ngày. Anh đến bên chiếc xe bị lật đi, lật lại trong ba ngày liền. Xe của thằng Võ "nhấp nhổm" đây. Nửa vòng tay lái còn lại vẫn ướt bóng màu sơn và mồ hôi tay. Anh cầm vào đó tưởng bàn tay mình đè trùm lên bàn tay ướt lạnh của nó. Cái nỗi lạnh ấy truyền vào sống lưng và khắp người anh tê dại đi.

Rồi đến chiếc xe của thằng Khoa "khịt mũi". Cánh cửa bung đi rồi, khung xe bay tan mát đâu cả, chỉ còn lại cái trục cầu và bộ chế hoả khi cháy đỏ. Chỉ có thế, anh vẫn như nhìn rõ những con số màu trắng và tấm lưng to rộng của nó lúc ấy đang đứng dưới rãnh giữa lòng đường xoay lưng lại tấm biển số 4537. Suốt ba năm giữ chiếc xe, giữa đường Trường Sơn này nó chưa hề để tróc một vệt sơn. Lần xe nó bị rệ tắc đường, công binh định đem bộc phá đánh hất xe xuống suối cho đường thông, nó đã khóc như một đứa trẻ van lạy các đồng chí công binh đừng hất xe nó đi. Nó đứng ở đầu xe chắp tay lạy và mếu máo khóc. Các đồng chí công binh không nỡ đặt bộc phá. Rồi hàng trăm người xúm lại. Ai cũng ráng sức cố lên, nhưng không ai biết bằng cách nào đã cứu được chiếc xe của nó đúng giờ cần phải thông đường. Mỗi lần nhắc đến số xe 4537, Trường phải dừng lại, nói thêm một vài lời về những cử chỉ mới xuất hiện trong việc gìn giữ, yêu quý cái xe của nó. Rồi lúc ngã xuống chính là lúc nó đang tựa lưng vào tấm biển số trước mũi xe.

Anh lần đến chiếc xe của Vương Trí Sông rồi xe cậu Hoà... Nhìn từng chiếc xe cháy, anh nhìn ra khuôn mặt người chiến sĩ. Chạm đến mỗi khung sắt còn lại, anh thấy như nắm vào bàn tay của họ, không muốn rời ra nữa.

Một tuần lễ ngồi viết kiểm điểm, nhưng ngày nào anh cũng ra bãi xe cháy của đại đội. Những ngày đầu anh tháo gỡ phụ tùng còn lại ở xe. Vừa làm, vừa xem xét xung quanh, vừa dằn vặt với một câu hỏi: Tại sao anh cho xe đến đâu nó lại biết đến đấy? Binh trạm đã cho lùng tìm bọn biệt kích. Các mũi trở về đều khẳng định không có dấu hiệu gì chứng cớ có hoạt động "mặt đất". Dù có chăng nữa nó cũng không thể theo sát được. Vậy nguyên do ở đâu? Những băn khoăn ấy cấp trên yêu cầu Trường phải giải thích bằng tất cả sự hiểu biết và ý định của anh một cách thành thật. Mấy ngày đầu, Trường không tài nào hiểu được điều đó. Đến hôm nay, anh quyết định thử một lần nữa xem sao?

Anh rời khỏi đám xe cháy, đi đến vạt rừng cỏ tranh cách vài chục mét. Dừng lại bên gốc lim ngắm nghía một lúc, lấy xẻng phác qua hình thù chiếc hố cá nhân ngay cạnh cây lim rồi anh bắt đầu đào. Chỉ cần đào vừa ngồi ngang đầu, chẳng lâu la gì. Mười lăm phút sau có chỗ ngồi nấp xong xuôi anh đứng dậy nhìn quanh rồi trở về bên một đoạn ống sắt màu cây, có những nhành lá cũng bằng thép mỏng và mềm cắm xuống sườn bên kia cây lim. Ngắm nghía một lúc, anh quay đi hắng giọng, quay trở lại áp mặt gần thân cây miệng anh kề lại nơi lỗ chỗ ở giữa thân đoạn ống trông như cái tổ ong mà anh đoán nó là mi-cờ-rô. Anh nói to như ra mệnh lệnh:

- Chuẩn bị vượt! Các trung đội chú ý, trung đội nọ cách trung đội kia mười phút.

Nói xong, anh cắn hai hàm răng, ghìm hơi, vươn cổ, những đường gân nổi lên. Từ trong cổ họng phát ra tiếng máy rú ga gầm lên rồi tiếng máy êm nhẹ. Xe đi. Rồi xe lên dốc nặng nề. Tiếng xe nhỏ dần. "Chiếc" khác nối theo. Tiếp theo nữa. Trong cái âm thanh phát ra ấy, như có hàng chục chiếc xe đang nối đuôi nhau vượt lên dốc lao vụt đi. Hết "đội hình trung đội một" anh ngồi thở để chuẩn bị cho "trung đội hai vượt". Ba mươi phút sau "tiếng xe của đại đội" đã đi khỏi trọng điểm. Anh ngồi thở và tủm tỉm cười, về cái trò chơi trẻ con này. Hồi đi trại hè của học sinh toàn tỉnh, anh được tặng thưởng về tiết mục khẩu thuật. Anh làm tiếng ô tô, tiếng tàu bay, tàu thuỷ, tiếng lợn, tiếng vịt giống đến nỗi các bạn đổ xô vào nhau, cả sân vận động nghiêng ngả vì cười. Rồi họ túm đến quanh bắt anh há miệng xem có cái gì trong đó không? Mười năm nay những kỉ niệm êm đềm tươi rói về đoàn, về đội hầu như đã quên đi, không ngờ lúc này lại đem nó để đối phó với thằng địch. Năm phút qua đi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Hay không phải cái này. Vô lý! Ngay sau ngày xe cháy, anh đánh chiếc xe đến đây, giữa cảnh mù mịt, không hề có bọn máy bay trinh sát, mà lập tức ba chiếc F4H đã ào tới ném bom. Ngày hôm sau anh lên đây tháo phụ tùng, một chiếc xe tạt vào xem, cũng bị nó quây lại.

Sự lặp lại nhạy bén đó là do cái gì? Nó ở đâu? Nỗi day dứt của anh đã có mấu chốt để lần gỡ ra. Suốt mấy ngày đêm vừa qua, anh lần mò trong rừng và tìm ra cái ống sắt này. Những cánh sóng ở trên đầu và cái tổ ong như mi-cờ-rô ở thân, chứng tỏ đây là cái máy thu và phát. Nó đã thu âm thanh các xe của đại đội anh khi trú vào bãi này ư? Từ chiều qua đến giờ, tuy rời chiếc ống đó về nhà nhưng trong đầu anh, trước mắt anh lúc nào cũng thấy chiếc ống sắt màu cây cắm xuống nền rừng. Anh quyết định hôm nay lên thử. Nhưng sao không thấy động tĩnh gì? Cái máy này đã hỏng, hết điện, hết nguồn pin hay anh làm tiếng động không giống. Liệu phải dùng một chiếc xe nổ máy ở đây hay nhổ quách nó về nghiên cứu? Hãy kiên trì làm lại lần nữa xem sao! Anh đang nén hơi, áp sát miệng vào mi-cờ-rô chuẩn bị "cho xe đi" thì tiếng máy bay đã ầm ầm từ vách núi phía đường xe vọng lại. Chúng nó đến rồi. Anh vội vàng nhổ ống sắt, nhảy xuống chiếc hố vừa đào lúc mới đến. Những loạt bom "toạ độ" trút ầm ầm xuống khu rừng. Cây đổ và đá bay ném đôm đốp vào mũ sắt. Anh vẫn ôm chặt ống sắt trong lòng, hơi ngẩng mặt nhìn xung quanh để tránh những tảng đá to giáng xuống người. Bom lại trúng vào bãi xe cháy và xung quanh đấy. Từng đụn khói hình nấm đùn lên đổ trùm xuống mù mịt quanh người anh. Một câu chửi thầm vừa bật ra khỏi miệng:

- Tiên sư mày, thủ phạm đây rồi. À thì ra làm cho mày ngu đần đi cũng không khó lắm đâu.

Đã định xách chiếc ống về nhà, nhưng sẵn thói quen muốn phá bung mọi sự bí ẩn của máy móc, tìm cho ra cái mấu chốt của nó. Khi vệt bom kéo ra xa, anh nhảy phốc khỏi hố lấy kìm, đinh ở túi bạt cạnh sườn ra hí hoáy tháo. Không mấy chốc những linh kiện nhỏ xíu đã lộ ra. Không hiểu rõ nó là những tầng nào? Nguyên lý vận hành ra sao? Nhưng mới mở ra, anh đã biết chắc chắn đây là chiếc máy thu và phát. Hẳn là nó đã thu âm thanh của rừng để phát đi. Nếu ông mang mày về đặt vào chỗ cần phá núi, dùng cách làm giả tiếng xe để cung cấp "tài liệu" cho mày thì cũng được chứ gì? Tiên sư mày quỷ quyệt thế là cùng.

Anh đang hí hoáy dò xét từng mạch điện, bỗng thấy động dưới chân. Cúi nhận ra những sợi dây điện thoại đứt rơi xuống từ lúc nào, anh đặt chân lên, không hề biết. Anh nhắc chân, những sợi dây vẫn chưa chạy theo phía người kéo. Một đầu dây nằm chẹt xuống tảng đá. Anh đứng dậy. Một người con gái đang xoay lưng lại anh. Hai đường dây máy và súng suôn xuống hai bên nịt căng lấy người cô. Mái tóc xoã xuống hai vai trông xa như vừa uốn. Cô ta đứng cạnh một hố bom, còn cách vài ba chục mét. Nhìn phía sau, Trường cũng đã nhận ra cô Ngà trên tổng đài Phù Lã đi chữa dây mà anh đã có dịp để ý.

Chắc là nghe mình nói tên, cô ta sẽ nhận ra. Trường có ý muốn "làm lành" vì sự bực bội vô cớ, gắt gỏng với cô trong máy. Nhưng với cô này không thể xô bồ, suồng sã được. Qua các bạn, anh đã nhận ra tính nết của cô. Hẳn cô ta phải lên gỡ hai sợi dây chẹt dưới tảng đá cạnh chỗ mình đây. Nghĩ vậy, Trường ngồi xuống, cắm cúi lắp lại máy thu phát.

Ngà quay lên, bước được dăm bước, chị nhận ra Trường. Giữa trọng điểm vừa dứt tiếng bom gặp được người, dù xa lạ cũng dễ quen thân.
Trường nghe bước chân và những tiếng động do cô gái cố ý tạo nên, nhưng anh vẫn cắm đầu chăm chú vào công việc đang làm.

Bắt buộc cô ta đến gần phải cất tiếng chào:

- Đồng chí làm gì đấy ạ?

Trường nhìn cô cười hơi ngượng nhưng trông lại dễ mến:

- Chào đồng chí Ngà.

Ngà đứng sững người, khuôn mặt ánh lên một giây ngượng ngùng. Chị hơi cúi, hỏi giọng đã nhỏ xuống:

- Anh Trường phải không ạ?

Lại đến Trường ngạc nhiên:

- Sao đồng chí biết tôi.

- Vì đồng chí cũng đã biết tên tôi - Nói xong câu đó, sợ mình nói năng thiếu đứng đắn, cô tiếp, giọng dịu dàng hẳn lại: - Nói thế, tôi biết vì anh chị em trên tổng đài nói hàng tuần lễ nay, ngày nào đi chữa dây cũng gặp đồng chí tháo phụ tùng xe hoặc đi tha thẩn ở đây.

- Vâng! - Tự nhiên nét mặt Trường buồn hẳn. Câu nói của cô làm nhói lên nỗi đau anh vẫn cảm thấy hoàn toàn do mình gây nên sự thiệt hại ở cái bãi này.

Ngà nhận ra điều đó. Trước đây, rất nhiều lần Ngà bực bội vì thái độ của Trường qua máy điện thoại. Từ hôm xê ba bị "đốt" hàng loạt xe và chị nghe đồn do anh Trường gây nên, tự nhiên Ngà lại thấy thương anh. Hẳn anh vẫn đang buồn lắm.

- Anh Thú gửi quà cho anh, tôi gửi lại Bình Nguyên, cô ấy lại gửi cho anh nào ở xê ba, anh đã nhận được chưa ạ?

- Cảm ơn đồng chí, xin lỗi, tôi chưa kịp báo lại để các đồng chí yên tâm.

Kể cô gái trông cũng thông minh, lịch lãm. Nhưng ở giữa trọng điểm mà nói năng với nhau ý tứ, giao du thế này mệt lắm. Anh cúi xuống ống sắt đang vặn dở. Hai mắt nhìn lơ đãng ra phía bãi xe cháy, nỗi buồn bỗng chốc lại dâng lên, anh ngồi lặng. Cả hai người đều tránh không muốn nhắc đến những mất mát nặng nề của đơn vị anh nữa. Chị cũng im lặng, hơi cúi xoay xoay kìm tuốt vỏ cao su để các đầu dây lộ ra những đoạn ruột dây đồng nhỏ xíu. Chốc chốc khuôn mặt chị theo đà tay dựt mạnh, ngẩng lên như một sự tất nhiên phải nhìn vào khuôn mặt sạm đen của anh. Một khuôn mặt dễ xúc động, hai vòm mắt rất sáng, lúc bình thường đôi mắt ấy sẽ như cười rất nhiều, nói được rất nhiều điều trong tâm trạng của mình. Nhưng lúc buồn như lúc này, bao nhiêu đau khổ dằn vặt đều dồn vào đôi mắt ấy. Còn cái miệng anh ta, đặc là miệng con gái, trông dẻo và xinh, ở Trường Sơn bao nhiêu năm rồi, vẫn đỏ và tươi. Cái miệng ấy vẫn cố mủm mỉm cười để chứng tỏ trước mặt Ngà, anh không buồn! Nhưng tất cả mọi cử chỉ đều như dại đi, lớp da mặt đờ đẫn, đôi mắt nhìn cũng dại đi làm Ngà thấy thương mến sự chân thành thẳng băng của anh. Con người này sẽ không giấu giếm được điều gì trong lòng đâu.

Anh đứng dậy giúp, Ngà vui vẻ trao cuộn dây cho anh và vui vẻ nhìn bước chân anh đi vội vã như chạy. Đến chỗ tảng đá đè lên dây, anh dồn sức co hai đầu dây bắt đầu nối. Chị cũng không cần bám sát việc làm ấy, cũng không cần dặn dò về kĩ thuật nối dây. Trước mặt chị lúc này chỉ thấy một con người sống rất giàu tình cảm và hành động mãnh liệt. Anh ấy không thể sống thủ đoạn với bất cứ ai đâu.

Chị hơi rùng mình. Cái danh từ đã cố tránh bao lâu nay, bỗng nhiên lại chạm đến nó. Một thoáng buồn chạy qua khuôn mặt chị. Vốn quen kìm nén, vốn biết xua đuổi những lúc cần thiết nên khi anh quay trở lại, giơ hai mối dây lên hỏi, chị cười rất vui:

- Đẹp lắm, đúng kĩ thuật rồi.

Anh lại hăm hở đi tìm đầu dây phía kia. Ngà vẫn ngồi nguyên. Những ý nghĩ tốt đẹp về anh không hiểu sao cứ ùa tới quấn quýt trong tâm trí của Ngà. Mười năm ở chiến trường rồi anh ấy không gặp mẹ, không có tin tức của người yêu, trông vẫn như mới xa gia đình dăm ba tháng. Ở con người này không vô tâm, vô tính đâu. Có điều nó quen dần đi và nỗi khao khát cho công việc át cái tình người vốn mãnh liệt nên anh sống được như thế. Sắp sửa chính uỷ cho anh ấy về xây dựng gia đình riêng rồi. Nếu tất cả đều diễn ra may mắn như Thú nói, mừng cho anh ấy.

Hẳn là chị Lý nào đó thật tuyệt diệu. Chị ta sẽ được hưởng trọn vẹn một tấm lòng thuỷ chung, trọn vẹn một tình yêu lúc nào cũng trào lên nhưng không hề chao sánh đi đâu một ly.

Đã nghe nhiều người nói về tình cảm anh ấy dành cho người yêu, lần gặp gỡ này Ngà hoàn toàn tin ở những lời nói đó. Ngà hoàn toàn tin vào câu chuyện của Vũ kể rằng: tất cả những đồ dùng của anh ấy không bao giờ giữ được năm ngày nhưng chiếc khăn mùi xoa và cái lược nhựa màu xanh người yêu tặng từ ngày vào chiến trường thì vẫn còn. Và rất đều đặn, dù có nước rửa mặt hay không nhưng sáng nào cũng lấy lược chải vài lần lên mái tóc rậm bù xù. Có hôm đang rửa mặt bị ném bom, vào ngồi trong hầm anh ta vẫn chải đầu như lời người yêu dặn.

Lúc này Trường đã trở lại, giọng anh âu yếm hẳn:

- Hết đoạn này rồi, Ngà còn phải đi nối đâu nữa không?

- Phải đi nối lại nữa chứ.

Quen một "phản ứng" mau chóng, Ngà nói xong câu đó bỗng đỏ bừng mặt.

Sự lịch lãm trong người con gái từng trải này đã nhận ra một dấu hiệu gì đó, không bình thường trong cách nói năng của cả hai người.
Có lẽ trong những giờ phút cô đơn, con người rất khát khao một nơi nương tựa, một sự âu yếm thành thật. Lúc này chỉ cần ngồi với nhau một chút nữa, những lời nói chỉ hơi ngượng ngùng một chút, những cử chỉ hơi lúng túng một chút là có thể tạo nên những kỉ niệm không thể nào quên được.

Như thế để làm gì? Chỉ khổ nhau thôi. Hãy giữ một ấn tượng đẹp về anh ấy. Anh có thể đến với mình như một người bạn tốt, một người anh đáng quý trọng.

Không thể để một tình cảm nào khác chen vào lúc này.

Suốt mấy năm rồi trong cái tình cảm lạnh giá của cô, trong cái ý nghĩ hoài nghi và chua chát của cô lúc này lại thấy nó bùng lên sự trẻ trung, dại dột nhưng cô lại phải vội vã đi xem lại mối nối để kìm nén tình cảm đó lại. Khi trở về nét mặt cô giữ một vẻ vồn vã lạnh lùng:

- Nói thế, chứ xong cả rồi đấy. Cám ơn anh Trường.

Trường còn lúng túng vì lời "cám ơn" khách sáo, cô gái đã tiếp:

- Lần đầu tiên gặp anh Trường cũng là dịp may mắn để chia tay anh trong khu vực trọng điểm này.

- Ngà đi đâu?

- Chưa biết sẽ đi đâu nhưng chuyển sang công binh.

- Thế thì vẫn ở quanh đây thôi. Mà công binh với lái xe ở đâu chả gặp được nhau.

- Có thể lắm. Thôi bây giờ tạm biệt anh Trường nhé.

Nói rồi cô quay đi, bước những bước nhanh xuống sườn núi.

Trường đứng lại ngẩn ngơ trước một người con gái thông minh, khôn ngoan và lịch lãm. Anh càng thấy ân hận về những lời cáu kỉnh của mình trước đây. Muốn nói một lời nào đó để nhận lỗi nhưng cô ta đã như biết tất cả và mọi cử chỉ lời nói đều lái anh "đi" hướng khác. Nhưng buổi sáng nay anh cũng cảm thấy vui lên rất nhiều, yên tâm hơn rất nhiều. Cuộc gặp tình cờ cũng rất đúng lúc anh cần san sẻ nỗi vui của một dằn vặt vừa được gỡ ra. Cô ta biết tất cả chuyện đó rồi, chả nói gì nhiều, vẫn cảm thấy chính mình đã nói tất cả sự khám phá đó với cô ta.

Sao cô ta lại có vẻ kiên quyết, cứng rắn không những phải kiêng nể, anh còn thấy mình có vẻ mềm yếu hơn, vụng về hơn.

Anh vẫn nghĩ lung tung và cầm chiếc ống thu phát trong tay đứng nhìn những bước đi mạch lạc, nhanh của cô gái cho đến khi khuất sau "cua tay áo".

Sự thật, không phải như anh nghĩ đâu. Cô gái ấy không dám thú nhận một tình cảm rất vô lý nhen lên trong lòng mình. Và, nếu tinh ý có thể nhận ra những lời nói dứt khoát kia, những cử chỉ cương quyết và những bước đi mạch lạc kia chính là sự thú nhận những xáo động thất thường trong lòng mình rồi.

Ngay từ cái phút chia tay ấy, bao nhiêu ý nghĩ hiện lên cô đều đè gạt, chồng lấp bằng những kết luận bực bội gay gắt và nên án nó bằng bao nhiêu lý lẽ xác đáng. Song, rốt cuộc những ấn tượng chưa hề có kỉ niệm gì sâu sắc của lần gặp gỡ vô tình này không thể nào xoá mờ trong cái tâm trí vẫn thường trực sự hoài nghi chua chát của cô.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #67 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2020, 02:34:13 pm »

2

Tuy đặt máy điện thoại, bước ra cửa. Anh cười rộng rãi với đám chiến sĩ xúm xít dưới gốc cây trước nhà ban chỉ huy:

- Gì đấy! Chắc các chú mày định hỏi chuyện anh Trường hả?

Một chiến sĩ của tiểu đội Vũ ngồi ở phiến đá đầu nhà, nhìn ra rừng nói:

- Chúng tôi biết anh Trường bây giờ chả ở nhà đâu. Có phải chính trị phó vừa nói chuyện với chính uỷ về anh Trường không?

- Đấy... ấy... ấ... y... Các bạn có thấy khổ tôi không? Chính uỷ thúc bản kiểm điểm mà ông ấy ngày nào cũng bỏ ra trọng điểm. Chính uỷ gắt lên: "Có phải anh ấy không còn thiết gì, mặc cấp trên làm sao thì làm không? Bảo anh ấy gặp tôi". Tôi phải vội vàng báo cáo: "Dạ, vâng, thưa thủ trưởng, anh ấy cũng nghĩ rất căng, căng lắm ạ. Dạ, thủ trưởng thông cảm cho tính anh ấy thích hành động hơn là lý luận ạ. Vâng, anh em chúng tôi xin trao đổi để làm tốt ạ!". Đấy, các cậu tính tôi phải đứng ra nhận với thủ trưởng để anh em bàn bạc với nhau. Anh em thấy đấy: anh ấy cứ như thế, làm gì cấp trên chả bực. Là người biết nghĩ ra thì cấp trên bảo làm kiểm điểm, vâng, tôi xin viết. Trên muốn viết dài thì tôi có dài, muốn viết ngắn, tôi cho ngắn, xong rồi nằm khểnh chờ lệnh. Tội quái gì cứ lao vào chỗ chết để rồi lại bị khiển trách. Anh ấy được cái chân thật, thẳng nhưng vụng về nhiều mặt lắm cơ. Các chú mày thấy không: nếu tôi không giơ đầu tôi ra trong việc này, người ta đã xử lý khác với anh ấy rồi chứ. Căn bản anh em sống với nhau phải có nghĩa tình, biết thương yêu, che chở nhau những lúc lâm sự. Thế anh ấy cũng chưa hiểu tôi đâu. Anh em ta cũng chưa hiểu hết tôi đâu.

- Hay đấy.

- Chính trị viên giải quyết phải lắm.

Hàng chục lời tán thưởng việc làm của chính trị viên phó, khiến nụ cười vốn mỏng của anh trở nên ngượng, gò bó.

Và, sự thật anh đã nói những lời chân thành bênh vực cho đại đội trưởng. Chính uỷ đã nhận ra điều đó và ông bực bội về thái độ thiếu nghiêm túc của Trường. Dù sao, Tuy cũng biết rằng qua anh, cấp trên phải giảm nhẹ hình thức kỉ luật đối với Trường.

 Cái ước mơ lý tưởng nhất của Tuy lúc này, mong rằng cấp trên chỉ nên cảnh cáo trong Đảng và chính quyền, cảnh cáo thông tri toàn binh trạm. Chỉ nên thế thôi, đừng hạ chức, đừng điều đi đơn vị khác. Như thế, được như thế, mọi người mới thấy rõ tấm lòng "trung thực, ân nghĩa" của Tuy, về tình thương yêu, đoàn kết nhất trí trong ban chỉ huy. Chỉ những lúc như thế này cái ý nghĩa ấy mới bộc lộ được đầy đủ giá trị của nó. Và điều quan trọng chỉ riêng anh thấm thía. Hơn một tuầnâny vắng Trường, đêm nào anh cũng phải có mặt ở trọng điểm Phù Lã, đêm nào anh cũng phải vật lộn với bom đạn, với trơn, lầy. Lúc chưa vượt thì ruột gan thậm thột một ý nghĩ: Nguy quá, quả nào sẽ trúng xe mình, mảnh bom nào, thình lình xé nát da thịt mình, đứng lại chỗ nào bớt nguy hiểm hơn! Khi đội hình đại đội vượt qua lại thấy rùng mình không hiểu bằng cách nào mình lại thoát được như thế. Không hiểu lúc quay về có trót lọt không? Sự đe doạ triền miên, nỗi lo âu hốt hoảng triền miên, một đêm đã thấy dài dặc, một tuần qua, thấy dài bằng mấy năm trước. May sao trong những ngày ấy, sự hi sinh, hao hụt không đáng kể. Binh trạm đã biểu dương anh, cấp trên, cấp dưới đã bắt đầu đặt niềm tin yêu vào anh, chờ đợi anh. Đằng nào thì anh cũng phải cố. Sự hèn nhát phải lẩn tránh, đức tính dũng cảm sẽ được đẩy dần lên. Nhưng đến bao giờ? Ít nhất cũng còn vài ba tháng nữa "bám" ở cung trọng điểm liên hoàn này. Nếu ai về thay Trường, anh vẫn phải đứng ra hứng chịu mọi việc ở đại đội đến hết mùa mưa. Cứ căng thẳng thế, đến đứt dây thần kinh mà chết, đừng nói gì đến bom đạn. Mà tuần qua được khen, chắc gì tuần tới đã thắng được âm mưu xảo quyệt của thằng địch. Dù có trôi chảy, cũng khó lòng hơn được kết quả tuần qua. Cố đề nghị cấp trên giảm nhẹ kỉ luật cho Trường vừa vui vẻ cả, vừa đỡ vật lộn nguy hiểm. Anh ấy làm tốt hơn hay hỏng đi, uy tín của mình vẫn được những việc làm, những thái độ vừa qua khẳng định kia mà. Trong lúc gay go, trong lúc đại đội trưởng gây ra bao thất thiệt, mình vẫn "vững vàng" vẫn "xốc" được đơn vị, giữ vững chỉ tiêu. Cất nhắc một cán bộ hẳn cấp trên không thể bỏ qua những ngày này, không thể điều một chính trị viên khác về làm chỉ huy mà giam thân mình ở cái cấp phó này mãi. Không thể giữ mãi những thành kiến về khuyết điểm trước kia của mình. Cùng thu về một kết quả như nhau, có ai dại gì không chuyển cái khó khăn một cách hợp tình, hợp lý cho kẻ khác. Nếu Trường đi, chắc mình phải đứng ra gánh chịu lấy cái trách nhiệm của đại đội mũi nhọn. Mà biết đâu, các ông ấy chả đùn mình sang làm quân sự, đưa chính trị viên khác về thay. Lúc này có tiếng rì rầm trong đám chiến sĩ là chính trị phó khôn. Ừ, các chú mày nhận xét cũng khá. Ở đời này chỉ có những thằng ngu, chứ làm gì có thằng dại. Anh biết Trường cũng tính đếm được tất cả, đoán biết được tất cả. Có điều, cậu ấy luôn luôn mong muốn thu lấy tận cùng sự thương yêu của mọi người. Cũng là một cách sống. Quý đấy. Nhưng không thể chấp nhận, không thể làm theo. Và, khi hai người sáp lại với nhau, tất nhiên trở thành mâu thuẫn, cái mâu thuẫn mình đã dại dột để nó nứt rạn, vỡ lở khiến cho chính uỷ, một con người tinh nhạy và thâm trầm đã nhìn ra, đã bực dọc từ hội nghị chi bộ tháng trước. Bây giờ nhân việc của cậu Trường, chính uỷ càng biết rõ mình, cũng là dịp để ông thấy mình biết lắng nghe, biết sửa chữa.

Ai như Trường về kia phải không? Tuy đứng dậy lật đật chui vào ngách hầm lấy gói bột đậu xanh và hộp đường. Mọi người ăn bột đậu thường pha với nước sôi đặc xếnh, còn Trường bao giờ cũng pha nước lạnh. Có nước sôi để nguội, không thì nước suối. Mỗi lần đi đâu về cũng háo khát như thể ruột gan đang cháy và trông người như cái cây héo nỏ. Những lúc ấy được ca nước lạnh pha bột đậu, uống liền một hơi, khi cậu ta "hà" lên khoan khoái, đáy ca chỉ còn những hạt đậu lạn sạn như cát. Và cái cây "khô nỏ" ấy tưởng nảy ra bao nhiêu hoa lá rực rỡ. Con người "nghiện" bột đậu lại chả khi nào có lấy một thìa đường, thìa bột. Tiêu chuẩn lĩnh về chỉ dăm ba phút sau đã nghe gọi nhau ầm ã ở các trung đội. Lính lái xe vốn "thoải mái" ùa ùa chạy đến pha hàng thùng, uống hàng thùng. Tiêu chuẩn lương khô, thuốc, chè, đường, sữa của đại đội trưởng lúc đó chỉ còn lại những mảnh giấy ni lông bóng, những đầu mẩu thuốc lá và bã chè. Húp háp xì xoạp xong cánh lính trẻ vô tư ấy chạy đi. Lại một mình thu dọn, một mình rửa, một mình quét. Lắm lúc đến khốn khổ với cậu ta.

Cái tính rộng rãi cũng thật là quý. Khốn nỗi những lúc phờ phạc mệt não như thế này, mình mà cũng như cậu ấy, có ngửa mặt khấn cụ kỵ, giời đất cũng không lấy được một hớp nước ngọt vào ruột. Vừa giận, vừa thấy tội nghiệp. Nghĩ cho cùng, ngoài cái tính ngang và hiếu thắng ra cậu ấy cũng chả có tội tình gì. Ở đời cũng lắm kiểu sống oái oăm. Cậu Trường cái gì cũng thích lao vào, càng hiểm nguy, càng khó, càng thích. Và, luôn luôn muốn chứng tỏ với mọi người là mình làm được hết, bất cần hết. Chỉ thế thôi. Khi có thành quả không cần nhận lấy, không cần tranh giành, thậm chí quên là việc đó mình đã làm. Đó là sự quên lãng hết sức thành thật, người mới sống phải ngạc nhiên. Biết tính anh thế, tôi xin nhượng bộ anh. Chứ lúc đầu "nhà em" cũng dại dột đi phân tích, đấu tranh thật là mệt. Mà đã đấu tranh thì khó lòng thuyết phục được sự cương quyết đến ngang bướng của cậu ta.

Biết những đòi hỏi lúc này của bạn, Tuy không chạy ra tận đầu dốc đón Trường và kêu: "Giời ơi, đi đâu về, khổ sở thế kia? Đưa các thứ đây, về nghỉ đi. Hôm nay tôi bắt anh phải nghỉ đấy!". Anh vẫn ngồi im khiến Trường vốn hay quên những thành kiến lặt vặt, lúc này thấy vắng. Lên đến đầu lán ăn, Trường đã cuống quýt tìm người phân phát niềm vui vẻ:

- Anh Tuy có nhà không? Anh Tuy đâu rồi?

- Gì đấy anh Trường ơi, cứ bình tĩnh vào đây đã.

Mặc cho nét mặt Trường hớn hở vội vã, Tuy vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra. Anh xẻ nước bột đậu từ hăng gô ra bát, không nhìn Trường:

- Bình tĩnh uống đi đã.

- Nước bột đậu xanh hả anh. Tôi xin anh một bát. Chà tuyệt quá.

Vẫn chiếc thìa nhỏ trong tay khoắng cho bột đậu khỏi lắng, Tuy nhìn chăm chú vòng nước xoáy trong hăng gô. Không cười, không nói và cũng không để ý đến những tiếng cười nói loá toá của Trường.

Khi Trường uống cạn hơi cuối cùng, chiếc bát vừa hạ xuống ngang chừng Tuy đã nghiêng hăng gô đổ nước ra bát và Trường lại háo hức uống:

- Thoả mãn. Tất cả mọi bí bách gỡ ra hết rồi. - Anh cúi nhặt bó ống "thu phát" dựa ở chân ghế: - Tôi sẽ trình bày tác dụng của nó thay cho những chỗ trống trong bản kiểm điểm. Tiếc là tôi không tìm ra ngay hôm ấy. Lát nữa tôi nói anh nghe. Chiều nay hướng dẫn cho anh em, có gì tối ta sử dụng luôn. Dùng âm mưu tinh vi của mày, ông đánh mày. Tôi đã tìm được chỗ cho nó mang bom đến mở đường cho mình để đội hình tấn công ta cứ việc đi đàng hoàng, ít nhất cũng hàng tháng nữa bọn xảo quyệt nhà nghề mới có thủ đoạn mới. Anh còn mẩu thuốc nào cho tôi một hơi. Bây giờ tôi gọi điện báo cáo binh trạm đã.

Cũng áng chừng cái bó ống sắt kia đã làm cho Trường líu tíu như một đứa trẻ, nhưng nó là cái gì có thể quyết định số phận của đại đội này và bản thân Trường đến thế! Đã định hỏi, ba bốn lần định hỏi. Cái ý muốn ấy không vượt thoát qua sự kìm nén đã thành thói quen, anh mặc sự hối hả của Trường, lặng lẽ xếp gọn hăng gô bát đũa.

Trong khi ấy mặt Trường đã đỏ lên, nếu không ghìm lại anh có thể sắp sửa cãi nhau với mấy chiến sĩ tổng đài 3000 về tội chậm trễ cho liên lạc với binh trạm. Hừ mấy con bé đem mà quẳng xuống suối xem nó còn cười sằng sặc được nữa không? Hàng bao ngày nay binh trạm sôi sục lên vì chuyện này, tại sao nó lại không hiểu mình đang cần báo cáo với binh trạm tất cả mọi bí quyết của kẻ địch! Chà, tất cả bọn con gái đều vô tình, có lẽ không dám lấy vợ nữa!

- Alô đây. Vâng! Có 106 rồi phải không? Cám ơn cô! Tôi đây! Trường đây thủ trưởng ạ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #68 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2020, 02:36:01 pm »

3


Cái lý do làm cho binh trạm trưởng Lan, một con người nóng nảy và bộc trực đã trở nên sâu, lặng cũng dễ hiểu. Vài ba năm về trước có ai vô tình nhắc đến vợ ông và thằng Hùng, bỗng nhiên người ông hẫng đi như mất đà. Khuôn mặt gầy guộc vốn đã đen sạm càng xám lại ngăn ngắt và chết đờ ra hàng phút. Còn bây giờ nhắc đến chuyện đó, ông vẫn thấy buốt, thấy xót như nhát dao chém vào vết thương vừa lên sẹo, nhưng người ngoài khó lòng nhận ra. Đấy là sự gắng sức mà ông thấy tự bằng lòng với mình. Vì thế ông rất phục và quý Ngà ở cao điểm Phù Lã. Hôm nghe chính uỷ Quang Văn kể về quá khứ của cô, lớp da mặt ông run lên vì xúc động. Ông thở dài: "Trăm người, trăm cảnh, ai cũng có nỗi đau, có lúc khổ. Càng đứa trẻ tuổi tỉnh bơ được mọi hoàn cảnh, tui càng phục dữ". Ông thầm cảm ơn cô đã hỗ trợ cho sự nén chịu của ông, dù đó là người ông chưa hề gặp. Dẫu thế, đến bây giờ ông vẫn là người sống bằng sức đầy tràn của những cảm xúc. Hai con mắt ông sẵn sàng chớp chớp vụng về trước một cảnh ngộ nào đó. Và, chính đôi mắt ấy có thể thổi ra lửa, tạo nên những cái nhìn lệch lạc, những lời nói chủ quan mà chỉ sau đó vài ba phút, bình tĩnh lại ông đã có thể nhận ra sai lầm và ân hận, ân hận một cách thành thật. Cái đó đã thành thói quen, thói quen nào cũng thành bệnh mãn tính, bệnh mãn tính của người cảm xúc nhạy bén là lười biếng xem xét, phân tích sâu sắc, cân đo, tính đếm trong cách nhìn người, nhìn việc. Ông nhìn ra mình và ngay hôm chính uỷ về binh trạm ông đã dặn đi dặn lại: "Tính tui vẫn rứa, anh có lạ chi. Chừ gần nhau, anh cứ giúp cho tui sửa dần anh à!".

Với tư cách một người bạn hết lòng thương nhau, chính uỷ Quang Văn đã nói thẳng thắn những lời mà ông tự cho là nặng nề: Rằng anh còn bộp chộp quá, rằng anh không nắm cái chất thực sự của mỗi con người, không thấy đằng sau mỗi cử động, mỗi lời nói độ sâu của ý nghĩ, độ rung của tấm lòng, độ bền của sức chịu đựng, độ vững của mỗi quyết tâm ra sao! Vì thế có lúc, có việc anh chỉ ra mệnh lệnh hộ cho một cán bộ tinh ranh nào đó ở cấp dưới và chính mình phục tùng mệnh lệnh đó một cách thoả mãn để cuối cùng sự sai sót không rơi vào kẻ khác thì mình lại hứng chịu lấy một cách nghiêm túc.

Khi những mắc míu ở đại đội ba được gỡ ra, những nghi ngờ được xoá bỏ, sự tìm tòi kiên nhẫn của đại đội trưởng Trường và những kết luận của các phái viên bảo vệ, kiểm tra, kiểm sát v.v... đã làm minh bạch mọi nguyên nhân trong vụ cháy xe hàng loạt của xê ba thì những người phẫn nộ nhiều nhất, ở binh trạm lại thấy ân hận. Cảm xúc nhạy bén của binh trạm trưởng cũng làm ông ân hận. Ông ân hận vì đã gay gắt với Trường quá đáng. Vì tấm lòng thành thật của ông bị Tuy lợi dụng. Tháng trước ông nghe sự phân tích đánh giá về Tuy ở hội nghị thường vụ nhưng không ngờ cậu ta lại có dự định rằng: nếu đại đội trưởng mắc tội gây nên thiệt hại thực sự, cậu ta sẽ tìm cách che giấu, xuê xoa để giữ nguyên chức vụ của Trường do một động cơ cá nhân của cậu ta. Nghe phân tích xong, binh trạm trưởng đứng dậy đập bàn, khiến những chiếc chân chéo xô chùng lại, mặt bàn xiêu đi:

- Rứa là nó thủ đoạn. Nó làm tui đánh giá sai thằng Trường. Chừ nó còn giở trò... Các anh định xử lý ra răng?

- Quan hệ giữa hai người, cậu Trường cũng có sai lầm, như anh đã tìm thấy ở nghị quyết của chi bộ đại đội ba đấy.

Trong lúc chính uỷ nói, Lan quay mặt ra cửa để cho đôi mắt đang cháy đỏ hả hơi, nguội bớt đi. Lúc sau ông quay lại, giọng hạ xuống đầy xúc động, lại xúc động thật sự:

- Tui xin nhận khuyết điểm trước thường vụ tui đã hồ đồ, hồ đồ quá xá mới đưa thằng cha Tuy từ quản lý xuống làm chính trị phó định đào tạo nó. Chừ thì...

- Cậu Tuy có ý định thay đổi đơn vị. Thường vụ họp kỳ trước cũng có ý định chuyển nhiệm vụ cho cậu ta. Ý kiến anh định bố trí cậu Tuy công việc gì thích hợp?

- Chừ đề nghị cho nó ra mặt đường. Nằm ở trạm điều chỉnh giao thông để nó rèn luyện đã.

Chính ủy cười:

- Hạ tầng xuống chiến sĩ công binh à?

- Rứa nó mới thấm, rút ra bài học.

- Anh lại bị xúc động, không bình tĩnh nữa đấy. Anh em phê phán và chúng ta phân tích đã gợi ra trong ý nghĩ sâu xa của cậu ta những điều không tốt đẹp của một cán bộ. Còn những biểu hiện, cậu ta chưa phạm khuyết điểm gì trầm trọng. Kỷ luật một cán bộ là công việc của pháp lý. Không có bằng chứng để mình làm nặng nề thế, theo tôi chưa ổn anh ạ.

Binh trạm trưởng ngồi im. Ông ngồi như thế chưa phải là đuối lý mà chính là ông chưa tìm được lời nói thoát ra hết sự bực bội của mình. Chính uỷ cảm thấy điều đó ở bạn, ông chậm chạp tiếp:

- Mọi công việc giao, nó đều làm đầy đủ. Mà "thằng" xê ba lại làm ăn được. Khuyết điểm chủ yếu của nó là ngại ra mặt đường. Nói thẳng ra, thằng cha này rát. Nhưng những lần nó ở nhà đều có lý do và binh trạm đã đồng ý kia mà! Anh ạ, điều tôi muốn lưu ý là cậu này nó sống thiếu tình người. Tôi nghĩ: lòng thương yêu đầm ấm là điều cốt tử của người lính cách mạng chúng ta. Hai khuyết điểm của cậu Tuy đều gây ảnh hưởng không đẹp giữa những ngày sống sôi sục và phóng khoáng, giàu tình thương yêu và sự hi sinh vô tận của lính lái xe, của chúng ta. Cái đó không những chúng ta gọi ra mà anh em cảm thấy cả. Quần chúng cảm thấy và nói ra thì được. Tổ chức kết luận lại chưa thể được. Thực tế có những cái không hay, không thể chấp nhận, nó vẫn tồn tại mà ta không thể bác bỏ ngay một lúc. Về phía anh, nhận ra lòng tin của mình bị xúc phạm hay như anh tự kiểm điểm chưa đánh giá hết cậu ta là đúng. Nhưng xem kĩ ra, bản thân cậu này rất hoạt bát, có đầu óc tính toán, đầu óc tỉ mỉ. Anh ạ, ta thử bàn xem đưa cậu ấy về binh trạm làm trợ lý tham mưu vận chuyển liệu có thích hợp không? Tôi nghĩ làm như vậy vừa hạn chế được nhược điểm của cậu ta, vừa phát huy được chỗ mạnh của nó và ta không mất cán bộ.

Lan ngồi nghiêng, vẫn nhìn ra phía ngoài và khuôn mặt ông vẫn còn dại đi. Chính uỷ nói xong một lúc, ông mới thở dài:

- Anh để tui nghĩ đã. Việc này quyết định sau. Chà, thằng cha sống không thiệt lòng, tui giận lắm đó. Ta bàn tiếp công việc đã anh hè!
Sau những phút có thể gọi là sôi nổi ấy, lại những phương án, biện pháp đối phó với thủ đoạn mới của địch, đối phó với những cơn lũ hung dữ đang ào ạt đổ xuống Đông Trường Sơn. Hai khuôn mặt lại như nhoè mờ trong mưa lũ của rừng.

Một dòng nước mưa đọng từ chạc ba của cây chò rộng bằng mặt bàn ồng ộc chảy thúc xuống mái lán ni lông làm nó trũng xuống phùng phình chao lóng lánh trên đầu. Chính uỷ ngửa mặt nghe những hạt mưa rơi bồm bộp đều đặn trên mái. Cái nhịp điệu buồn tẻ, dai dẳng ấy cứ xói vào đầu ông. Ông có cảm giác như trong đầu mình đang đầy ong õng nước. Đột nhiên ông đứng nâng cây gậy đẩy mái ni lông phồng lên. Đám nước tràn toá ra xung quanh. Rồi từ chạc ba cây chò lại dốc nước ồng ộc và những giọt mưa trên vòm lá lại rót nước đều đặn trên mái lán. Nhịp điệu lạnh buốt đó lặp đi lặp lại giống những công việc trong mùa mưa thoát lại ồn lên phải dốc toàn lực ra mặt đường, mà kết quả chỉ nhỏ giọt như những hạt mưa toen hoen. Dù sao, toàn binh trạm cũng đeo đuổi dai dẳng giữ nhịp đều đặn cho mức ăn của trung đoàn 60 được mỗi người ngày ba lạng và đủ đạn, đủ trang bị cho các đơn vị đánh dằng dai giữ chân không cho địch lấn chiếm ra mặt đường.

Đấy là những thành tích của ngày hôm trước. Còn lúc này, hai người chỉ huy cao nhất của binh trạm đang ngồi trước con số sốt rét đã lên tới bốn mươi bảy phảy tám phần trăm. Cái quan trọng nhất, phải có ăn. Ăn no. Có sức hồi lại mới chống đỡ được. Đã ra những mệnh lệnh nghiêm ngặt quy định biện pháp chống muỗi đốt, quy định nước uống và cách sử dụng các liều thuốc, vân vân. Nhưng gạo vẫn là số một, cấp cứu số một. Gạo chân hàng có đấy. Nhìn những con sông cứ phồng sủi sùng sục, nước cuốn băng băng, không ai dám rút bớt gạo chân hàng.

Tuần trước vừa xảy ra chuyện, chính uỷ thấy mình chưa bao giờ phải giải quyết cách ấy và khi xong rồi cứ ân hận mãi.

Chiều hôm đó nghỉ lại ở khu trọng điểm Phù Lã. Ông thăm đại đội súng 14,5 ly. Ngắm nghía mãi khu vực đóng quân của họ, ông kéo đại đội trưởng ngồi xuống mỏm đá hỏi:

- Ông có thích núi Yên Ngựa bên kia không?

- Thẳng ngầm Ông Thao lên đấy phải không thủ trưởng?

- Đúng.

- Chỗ ý thì đẹp quá đi chứ. Trận địa chúng tôi chuyển sang đấy mới có thể phát huy hoả lực được.

- Tôi cũng định nói với anh chuyện đó.

- Báo cáo thủ trưởng, anh em có nghĩ cả đấy, nhưng... nhưng khó quá...

- Các anh không đủ sức kéo pháo phải không?

- Vâng! Xin thủ trưởng cho chúng tôi bồi dưỡng ba lạng một ngày. Được ăn như thế trong một tuần mới có sức thủ trưởng ạ.

Lúc đó chính uỷ ngồi lặng đi. Thật là tàn nhẫn nếu từ chối một yêu cầu tối thiểu ấy. Nhưng cũng còn phải tính, phải cân nhắc.

Đưa trận địa sang núi Yên Ngựa, dứt khoát phải làm rồi. Nhưng có được ăn bồi dưỡng không, một mình ông chưa dám quyết định. Ông phải gọi điện về bàn với binh trạm trưởng. Binh trạm trưởng lại phải tham khảo ý kiến các ban tham mưu, tác chiến, ban vận chuyển, ban chính trị, cuối cùng cân nhắc mãi mới quyết định cho họ ăn trong ba ngày, mỗi ngày sáu lạng. Như vậy còn rút được ba lạng một người!

Đến bây giờ bản thân binh trạm không thể vượt quá sức, vượt quá sự hung dữ, tàn nhẫn của mùa mưa này. Chính uỷ đứng dậy:

- Có lẽ anh điện hỏi lại Bộ Tư lệnh xem đề nghị của binh trạm có được chấp nhận không?

Binh trạm trưởng hỏi lại:

- Nếu Bộ Tư lệnh không cho sẽ ra răng anh?

- Thì đảng uỷ chúng ta phải tìm cho ra biện pháp. Cứ xin ý kiến cấp trên rồi ta bàn mới có hướng anh ạ.

- Chà, tui cũng sợ. Bô Tư lệnh mạnh "xúp" lắm đó.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #69 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2020, 02:40:07 pm »

4


Nhưng ông chưa kịp hỏi, đã nhận được bức điện dài đến ngạc nhiên của Bộ Tư lệnh do Tư lệnh trưởng 601 gửi đến nói rằng: "Kể từ ngày 15 tháng 10 các lực lượng chiến đấu thuộc binh trạm 120 ăn tiêu chuẩn gạo 5,5 lạng. Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan và làm công tác gián tiếp ăn 4,5 lạng một ngày. Đoàn sẽ đẩy hàng đến bắc ngầm Ông Thao. Binh trạm 120 phải giữ đúng mức ăn thường xuyên cho trung đoàn 60 là 6,5 lạng một ngày".

Đọc mấy lần bức điện ấy xong, binh trạm trưởng vẫn cầm ở tay, khi chiến sĩ bảo mật xin chữ ký nhận, ông mới vội vàng cầm bút kéo ngoằng một vệt hình thước thợ vào sổ người chiến sĩ rồi quay vào lán hầm quay máy:

- Alô, anh Văn đấy ạ. Lên năm lạng rồi. À năm lạng rưỡi anh à. Vâng! Từ ngày mai. Vâng, đúng đúng. Tui sẽ lệnh cho các đơn vị phải lãnh đạo, có kế hoạch ăn lên từ từ. Tuyệt đối từ từ, không để hiện tượng "say" cơm xảy ra. Chừ còn việc ni phải bàn anh à! Đúng đó. Đúng đó. Đêm nay bàn hả? Tui cũng đang tính gay đó. Tốc độ vận chuyển gấp đôi trong tình hình này thiệt căng. Đúng. Ba mươi xe của thằng xê ba đã qua ngầm Ông Thao rồi. Nó trót lọt là mình chắc chân được đôi chút. Thằng Vũ chỉ huy một trung đội khá lắm anh ơi. Vâng. Tui đang cho bám sát mặt đường.

Sau đó là tiếng quát tháo ầm ã gào trong các máy điện thoại của trực ban nắm đường, nắm xe, nắm địch mặt đất, địch trên trời, nắm suối, nước, nắm kho hàng v.v...

Binh trạm trưởng ngồi bên máy trong khu nhà thùng lưng chừng đồi. Những tiếng nói như gào lên của trực ban vang vọng tứ phía cứ như leo lên chới với lại bị những dòng nước mưa dìm xuống nên nghe nó bập bõm lúc rõ, lúc mờ chìm, ướt át. Nhưng ông vẫn đoán biết những tình huống gay cấn đang xảy ra ở mặt đường. Ông hiểu được cả khả năng xử lý của cán bộ cấp dưới, và sẵn sàng giải đáp những băn khoăn của họ hoặc quay máy chen vào lúc họ đang nói chuyện. Vừa cắm phích kiểm tra, ông đã nghe: "Chờ phản ảnh với tổng trực ban và xin ý kiến của thủ trưởng đã anh Trường nhé" - "Nó sắp quay lại thúc vào đít chúng tôi rồi, anh cứ cho đi, tôi xin chịu trách nhiệm!" - "Không được, bình tĩnh chờ đã anh Trường ạ!" - "Đừng nói "bình tĩnh" nữa. Tôi đợi anh lúc này là tôi vô trách nhiệm. Nếu anh không quyết định, anh cho tôi gặp tổng trực ban đi!".

- Gì đấy ông Trường? - Binh trạm trưởng hỏi chen vào.

- Ai đấy ạ?

- Lan đây, có chuyện chi ông nói mình nghe đi.

- À, báo cáo thủ trưởng, nó đang đánh phía trước đội hình. Theo quy luật, đánh lấn lên hết cao điểm nó quay lại từ đầu.

- Đúng. Anh nói đúng.

- Tôi định tranh thủ cho đội hình "cuốn chiếu" theo nó. Nếu không, với mật độ đêm nay, không lừa được kẽ hở, chúng tôi dễ bị chụp gọn.

- Được anh mần thế được.

Tiếng anh trực ban tác chiến vội vã chen vào.

- Báo cáo thủ trưởng, hiện nay trên đường rất nhiều bom bi, bom nổ chậm, công binh chưa khắc phục, nguy hiểm lắm.

Dường như binh trạm trưởng không chú ý đến đề nghị của trực ban tác chiến, ông hỏi:

Anh Trường đâu. Tui nhất trí cách giải quyết của anh. Chừ kế hoạch như ri: Trực ban công binh có nghe đấy không? 3000 cắm phích cho các trực ban cùng nhận lệnh tui: Công binh đưa ngay máy phóng từ chân cao điểm đi trước đội hình xe, quét bom chậm. Cao xạ và các trạm chỉ huy giao thông bám đánh địch và bám xê ba báo động kịp thời. Tất cả công binh ra mặt đường san lấp cho xe đi. Anh Trường nè. Chỗ nào khắc phục chưa kịp, anh phải tự giải quyết mà đi nghe không?

- Rõ.

- Những xe hỏng, anh đã khắc phục chưa?

- Chúng tôi đã dỡ bốc hàng cho xe khác và sửa xong.

- Rứa là khá. Anh ráng bám địch, lợi dụng chỗ yếu, chỗ hở của nó cho đội hình vượt trót lọt nghe.

- Chúng tôi tìm mọi cách hoàn thành, thủ trưởng ạ.

- Chừ tui trực tiếp bám mặt đường với ông. Alô nè! Thằng Vũ nó mần công việc được không?

- Vẫn tốt thủ trưởng ạ.

- Ủa, rứa là nó khá. Bảo tui biểu dương nó. Gắng ông Trường nhá.

Trường không hiểu tại sao binh trạm trưởng lại "mềm dẻo" và ủng hộ ý kiến của anh một cách đặc biệt như thế! Còn binh trạm trưởng, đặt ống nói xuống rồi, vẫn băn khoăn một nỗi ông không thể nào biểu hiện ngay được sự quý mến có phần ân hận để cho Trường nhận thấy. Quả thiệt, thằng cha nó thẳng. Có chi không thông "đốp" ngay, nhưng có trách nhiệm. Thằng cha chịu đựng hoàn cảnh cũng giỏi. Nghĩ vậy ông lại bực. Không phải bực với mình còn vội vã, không sâu mà do thằng cha Tuy nhăng cuội, tầm bậy. Cán bộ rứa không thể được, nặng đầu óc cá nhân. Và, mặc dầu chính uỷ Quang Văn đã khuyên ông phải bình tĩnh tìm cho hết cái mạnh của nó, sử dụng đúng chỗ thì những khuyết điểm sẽ hạn chế và cái tốt được phát huy, nhưng lúc này nghĩ đến Tuy, khuôn mặt ông nóng lên bừng bừng.

Ông ngồi lặng. Phải nén nỗi tức giận lại, phải cân nhắc xem cho nó về quản lý hay trợ lý vận chuyển. Đang nghĩ về Tuy, hình ảnh Trường tự nhiên xáo trộn trong đầu ông. Soát lại toàn bộ những công việc từ đầu mùa mưa đến giờ ông thấy thằng Trường nó hay. Tự ông lại thấy phải kiểm điểm mình. Đúng là ông còn chấp nhặt những chuyện vụn vặt. Hay vội vã, nhưng lại giữ lâu một định kiến.

Bao ý nghĩ cứ cồn lên khiến ông đang nằm nghiêng trên chiếc giường có trải những miếng đệm xe, bỗng bật nhổm dậy quay máy:

- 87 nè, thằng xê ba đã qua chưa? Bao nhiêu? Bảy à? Răng! Trường chưa qua và nó chặn ở cây số 86 hở? Mấy phút rồi chưa có xe lên? Cho kiểm tra ngay. Răng? Có tiếng xe lên. Gì nữa? Nó đánh từ 88 trở đi à? Anh Trường lên, bảo tôi gặp nghe.

Trường từ chiếc xe đi đầu nhảy xuống mặt đường. Tiếng nổ làm chiếc xe rung lên rào rào. Anh chạy xuống xe thứ năm, nhảy lên bám vào khung cửa quát vào tai trung đội trưởng trung đội một:

- Tiếp cận sát tiếng nổ. Tìm cách vượt. Bom chưa nổ nhiều, không được để ùn. Đi đi.

Rồi anh chạy lại đứng nép vào taluy phải, trước đoạn vào cua. Trước mặt anh là thung lũng, ban ngày chỉ trông thấy màu trắng mù vón lại quẩn quanh bên những cây cháy đen như cột dựng tua tủa, sướp xơ, không thể phân biệt là khói bom hay là mây. Dù có là giữa trưa nắng cũng không thể nhìn dưới đáy thung lũng là đá hay bom, là cây hay xe cháy! Còn nơi tận cùng ở cái vực "nuôi" bom chốc chốc lại loè ra một lưỡi lửa làm hai mắt tối sầm chưa kịp mở, tiếng nổ đã vang ầm ầm ở vách núi xung quanh và mảnh bom, mảnh đá bay đến rào rào. Nhưng nguy hiểm hơn vẫn là những ánh chớp từ phía sau nơi Trường đứng. Mỗi lần thấy ánh xanh lè ở sau mình, anh lại phải cúi đầu dạt vào vách núi để tránh những tảng đá quăng uỳnh uỵch xuống mặt đường, xuống nắp máy nghe bình bịch. Đội nhiên một cục đá văng vào mặt, Trường khuỵu ngã, chiếc áo giáp như đè dúi anh xuống. Xe sau trườn lên. Những lần trước anh nhảy lên quát một tiếng vào buồng lái: "Trái có hố bom, men bên phải. Chú ý!". Anh chỉ cần nhắc thế là chiến sĩ biết ngay chỗ ấy cách đây năm mươi mét. Phía trái có hố bom, men phải không khéo, lăn xuống vực như không. Thằng địch cố sống cố chết bám đánh đoạn này, khiến chỗ đại đội trưởng đứng, ngọn núi đã vẹt dần đi. Tại sao anh ấy lại cứ đứng để "hứng" lấy bom, lấy đá như thế! Nếu anh ấy không đứng lại đấy nhắc, anh nào đến đây cũng gài cầu, gài súp, nhả phanh bò lên được một phân, rồi lại lùi lại vài ba phân, có khi hàng mười "đỏ" mới qua được "cua". Giữa sự gào xé của bom đạn họ vẫn nhận ra vết thay đổi lồi lõm ở mặt đường. Nhưng thành thói quen, Trường vẫn thấy sự cần thiết mà không thể giải thích một cách cặn kẽ. Anh chỉ nhận thấy rất rõ là mỗi chiến sĩ ngồi trong buồng lái nhìn ra khoảng sáng nhấp nhoáng phía ngoài, dù họ đang im lặng, bậm môi lại, không nhìn, không tỏ ra cử chỉ gì là thấy anh, nghe tiếng anh gào lên hay không, nhưng anh chắc chắn là họ sẽ vượt qua "cua" bom một cách bình tĩnh, linh hoạt nhất.

Ráng sức ngồi gượng dậy, mắt anh hơi hoa lên. Anh chưa kịp nói gì, người chiến sĩ trong buồng lái đã quát:

- Đứng đấy nguy lắm. Lên với em anh Trường ơi!

Nghe tiếng nói ấy, anh lại thấy mình cần phải ở lại chỗ này đợi cho tất cả các xe qua "cua" túi bom, đợi nghe tiếng máy xe sau bò lên, dù không nghe thấy tiếng nhau, không thấy rõ mặt nhau nhưng từ lúc này Trường biết chắc chắn là anh em qua đây đều thấy mình, đều nghe rõ những điều mình dặn dò.

Đó là những cử chỉ thay cho tiếng "rõ" đanh gọn, dứt khoát mà khi không có tiếng bom, tiếng người chiến sĩ vang lên mỗi khi nhận xong mệnh lệnh.

Trường vẫn thấy như văng vẳng tiếng nói nhắc nhở, tiếng gọi của người chiến sĩ mời anh lên xe. Sự âu yếm ấy như một trách nhiệm trao cho anh, một sự hằn lại sâu sắc trong những kỉ niệm mai sau. Nếu không có những ngày gian khổ này, không có những phút đứng trên bom đạn này hồ dễ đã có được tình cảm mãnh liệt, con người sống với nhau nóng bỏng một tình yêu tha thiết như thế.

Hai mươi bảy chiếc đã vượt được rồi. Ba chiếc còn lại của trung đội Vũ chưa vượt khỏi vòng vây lửa của nó ở trạm 87. Liệu nó có thoát được đoạn ấy không? Đột nhiên tiếng bom, tiếng máy bay ắng lặng hẳn đi. Đứng giữa sự yên ắng, Trường nhớ đêm anh chia tay Vũ ở đây để Vũ vào phá quả bom chưa nổ. Vũ nhìn anh rất lặng rồi nói nhỏ: "Sao anh lại thế?". Anh biết Vũ không bằng lòng vì cử chỉ của anh khi cậu ta lao vào chỗ nguy hiểm. Lúc ấy anh thấy xấu hổ trước mặt nó. Mới thế, đã qua ba tháng trời rồi. Nó đã trở về hậu phương, đã chứng kiến cảnh mất mát đau đớn bọn giặc Mỹ đem đến trút xuống từng nhà. "Vũ ơi, tao vẫn phục mày, tin ở mày. Tao không ngờ trong hoàn cảnh ấy mày vẫn vào được đây đúng thời gian, mày vẫn nhận nhiệm vụ chiến đấu hăng như thế. Trước đây tao vẫn nghĩ tuổi trẻ còn bồng bột như mày khó lòng chịu đựng được sự khắc nghiệt. Nhưng tao đã nghĩ sai. Không ngờ, thật là không ngờ!".

Hình như có tiếng xe lên. Trường sửa lại tư thế đứng, nghiêng tai nghe. Đúng rồi. Nhưng không phải tiếng máy xe thằng Vũ. Có thể nó đi sau cùng. Thôi thế được rồi. Nó đi sau, mình có thể yên tâm. Nghĩ vậy mà anh vẫn thấy nóng ruột vô cùng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM