Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:48:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trại Đa-vít (Davis Camp) Sài Gòn (phần 2)  (Đọc 76275 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2014, 05:24:30 am »

        Tôi hỏi Phặm Văn Lãi: Lúc đứng trên đỉnh tháp buộc cờ, anh có nghĩ mình có thể nguy hiểm đến tính mạng không? Đứng trên cao, phía dưới còn địch, phơi mình như thế, anh có lo không?

        Rất hồn nhiên, ông trả lời ngay: Ừ, cũng lạ, lúc ấy tội chỉ lo buộc cờ sao cho chắc, chẳng nghĩ gì đến chuyện mình có thể trúng đạn, hy sinh cả anh ạ.

        Lá cờ giải phóng no gió tung bay trên đỉnh cao trong sân bay Tân Sơn Nhất, từ xa hàng cây số đã nhìn thấy, khích lệ bộ đội ta dũng mãnh xông lên tiến công địch. Quân địch ở bộ tổng tham mưu ngụy tại cổng Phi Long cách đó gần 1 cây số, lính sư đoàn dù, đơn vị tăng thiết giáp ngụy đóng gần Trại Đa-vít và tàn quân đang tháo chạy nhìn thấy lá cờ giải phóng, càng thêm hoảng loạn, tan rã.

        Ngay chiều 30 tháng 4 năm 1975, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn được thành lập do Trung tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Trại Đa-vít được điều về Ủy ban Quân quản. Phạm Văn Lãi cùng Ban Chính trị vào dinh Độc Lập, được bố trí ở tầng 2, tại căn phòng trước đây dành cho gia đình tổng thống ngụy. Sáng 1 tháng 5, anh được Thủ trưởng giao nhiệm vụ trèo lên cột cờ dinh Độc Lập, thay lá cờ anh Bùi Quang Thận cắm hôm trước. Lá cờ anh Thận cắm bị mắc dây, không mở ra được, cũng không hạ xuống được. Cột cờ cao, trơn nhẵn, Lãi nhanh trí lấy dây dù buộc vào hai chân như kiểu bà con Nam Bộ leo dừa, trèo lên gỡ dây rối, thay lá cờ mới to hơn, rộng hơn.

        Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đoàn đại biểu quân sự ta chấm dứt hoạt động, anh em mỗi người về một đơn vị mới, lo tiếp quản thành phố, trấn áp tàn quân địch, tổ chức tiếp nhận sĩ quan, binh lính quân lực Việt Nam cộng hòa ra trình diện, tham gia ổn định cuộc sống cho nhân dân và bảo đảm hoạt động bình thường của thành phố. Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn cũng bặt tin nhau. Lãi tiếp tục ở Ủy ban Quân quản, phục vụ các hoạt động của Uỷ ban. Tháng 6 năm 1975, anh được kết nạp vào Đảng và đến năm 1979, được điều về Văn phòng Chính phủ, được phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ sau này.

        Tháng tư này, ông Phạm Văn Lãi đã về nghỉ hưu theo chế độ được 10 tháng, sống vui vầy bên bà vợ và hai đứa con, cả hai đều công tác ở Văn phòng Chính phủ và đều trân trọng lịch sử hào hùng mà bố và những người đồng đội đã góp phần làm nên. Đến tháng 4 năm 2012, ông Lãi mới liên lạc được với Nguyễn Văn Cẩn sau 37 năm bặt tin.

        Xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một bán đảo nhỏ có hình dáng như chiếc lưỡi cày cắm xuống vịnh Cửa Lấp. Bờ vịnh bên kia, cách hơn 1 km là thành phố Vũng Tàu. Căn nhà mái bằng kề bên nhà thờ giáo xứ Phước Tỉnh là nơi gia đình ông Nguyễn Văn Cẩn sinh sống, nhưng ông không có nhà. Gần một tháng nay ông lo sơn sửa hai con tàu đánh cá nên suốt ngày ở ngoài bến, cách nhà vài trăm mét. Hai con tàu đánh cá lừng lững nằm trên ụ, đã phủ sơn xong, chờ đến giờ hạ thủy.

        Lão ngư phủ Nguyễn Văn Cẩn cao gần mét tám, vóc dáng vạm vỡ, nước da bánh mật. Nghe tôi hỏi chuyện cắm cờ, ông cưòi sảng khoái:

        -   Trời, gần bốn chục năm rồi, anh là người đầu tiên hỏi tôi chuyện cắm cờ đó.

        -   Suốt mấy chục năm, anh không liên hệ với anh em đồng đội Trại Đa-vít à?

        -   Dạ không, bận lu bù anh ơi. Tôi đi biển cả tháng, về dăm ba hôm lại ra khơi. Tháng tư năm ngoái, tình cờ coi ti vi thấy phát hình lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng cho hai Đoàn mình ở Trại Đa-vít, thấy có anh Lãi, tôi mừng quá chạy vội sang Đài truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu nhờ liên hệ, xin được số điện thoại của anh Lãi rồi anh em liên lạc được với nhau, mừng quá trời.

        Cuối tháng 4 năm 2012, Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Đa-vít mời ông Cẩn về Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng dự lễ mừng công vói các đồng đội năm xưa. Ông được Quân khu 7 may tặng bộ quân phục đại lễ. Các Thủ trưởng và anh em đồng đội, ông Lãi, ông Bạch Vân, ông Kỳ... ai cũng trách tưởng ông Cẩn chết đâu rồi mà nay lại gặp, sao không tìm về sớm. Gặp nhau, ai nấy mừng mừng tủi tủi.

        Nguyễn Văn Cẩn tuổi Mùi, sinh năm 1955, là con thứ bảy trong 10 người con của hai cụ Nguyễn Văn Lai và Đặng Thị Kính. Theo cách nói Nam Bộ thì ông thứ Tám, Tám Cẩn. Năm 1942, người giáo dân 22 tuổi Nguyễn Văn Lai rời làng quê ỏ Hải Hậu, Nam Định vào làm phu đồn điền cao su Phú Riềng. Năm 1948, cụ Lai đưa gia đình sang Công Pông Chàm, Cam-pu-chia, vẫn làm phu cao su. Năm 1970, Lon Non và Sirik Matak làm đảo chính lật đổ chính quyền Si-ha-núc, thi hành chính sách khủng bố, tàn sát Việt kiều ỏ Cam-pự-chia, Nguyễn Văn Cẩn lúc ấy mới 15 tuổi đã theo 6 anh chị em khác vào Quân giải phóng. Ông nói với tôi: Lúc ấy chỉ có đi giải phóng mới sống được. Trong 10 anh chị em, chỉ có ba người ỏ nhà với ba mẹ. Năm 1973, cả gia đình từ Công Pông Chàm chuyển về sinh sống ở xã Phước Tỉnh. Ba anh của ông Cẩn đã hy sinh trong chiến đấu, còn mẹ anh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2014, 08:33:06 pm »



Ông Nguyễn Văn Cẩn (người thứ 2 từ bên phải) và ông Phạm Văn Lãi (người thứ 4 từ bên phải) vui mừng gặp lại nhau trong Lễ mừng công ở Thành phố Hổ Chí Minh ngày 2 tháng 6 nãm 2012

        Tám Cẩn được phiên vào Đoàn công binh 25, Bộ chỉ huy Miền. Đầu năm 1973, Bộ chỉ huy Miền tổ chức giải bóng chuyền toàn quân tại "Thủ đô" Lộc Ninh. Tám Cẩn trẻ tuổi, thể hình cao lớn, là tay đập xuất sắc của đội Công binh đã "lọt vào tầm ngắm" củạ cấp trên. Giải kết thúc, Cẩn được Bộ Tư lệnh Miền chọn giao nhiệm vụ làm vệ binh cho phái đoàn ta tại Ban Liên hợp quân sự, đi máy bay trực thăng của ngụy từ Lộc Ninh vào Trại Đa-vít.

        Ông nhớ lại

        -   Sáng 30 tháng 4 năm 1975, đang làm nhiệm vụ cảnh giới cho đơn vị, thấy anh Lãi đến Đội vệ binh tìm người đi theo cắm cờ, tôi xung phong liền vì hàng ngày anh em hay chơi bóng chuyền, bóng rổ với nhau, tôi quý ảnh lắm. Lúc đó tôi chỉ đeo một khẩu súng ngắn K54. Hai anh em chạy băng qua sân Trại Đa-vít. Đến chân tháp nước, anh Lãi vừa trèo lên trước vừa quay xuống bảo tôi: Cứ lên đi, không việc gì đâu. Tôi theo anh trèo lên, giúp anh buộc cờ. Anh Lãi đứng trên đỉnh tháp, tôi đứng phía dưới, phần nào được che khuất hơn anh.

        Tôi hỏi Tám Cẩn, vẫn câu đã hỏi ông Lãi: Đứng trên cao thế, lá cờ bay rõ mồn một, anh có lo mình bị địch nó bắn trúng không?

        Ông Tám Cẩn cười sảng khoái: Dạ, cũng có lo. Dưới chân mình, lính ngụy chạy rần rần, quần áo lính, giày trận, mũ... chúng vứt đầy đường, súng ống chĩa cả lên trời. Nhưng mà mạng tôi lớn, anh à. Khí thế cách mạng lớn quá, thằng ngụy nào cũng mặc áo may ô, quần xà lỏn cắm đầu chạy, không dám ngẩng lên. Tôi cứ nghĩ hôm đó nếu không đi với anh Lãi, chắc tôi tiêu rồi. Anh Lãi bình tĩnh lắm, gan cùng mình nên tôi cũng vững tâm. Trong đơn vị, tôi ít tuổi nhất nên được các anh thương, coi như em út.

        Nghe Tám Cẩn nói về tinh thần hoảng loạn của quân ngụy, tôi nhớ đến chuyện Đại tá Đinh Quốc Kỳ kể. Đêm 29 tháng 4, một viên trung tá sư đoàn dù ngụy đóng gần Trại Đa-vít chạy sang xin gặp sĩ quan ta, hỏi: "Pháo của các ông bắn khủng khiếp quá... Xin các ông cho biết bây giờ chúng tôi phải làm gì?". Đồng chí sĩ quan ta trả lòi: "Bây giờ các anh nên trở về đơn vị, hạ vũ khí, khi Quân giải phóng tiến vào thì nộp vũ khí và đầu hàng vô điều kiện". Viên trung tá lính dù ngụy cung cúc ra về.

        Khi đứng trên đỉnh tháp nước bên lá cờ giải phóng đang phần phật tung bay, cả Lãi và Cẩn đều không biết rằng, đúng giờ phút ấy, 9 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn, lên Đài phát thanh tuyên bố "sẵn sàng chuyển giao chính quyền cho đại diện của cách mạng", ra lệnh cho quân đội Sài Gòn ở nguyên tại chỗ. Tuyên bố của Dương Văn Minh không được phía ta chấp nhận. 11 giò 30 phút, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập. 12 giờ trưa, bộ đội ta đưa Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng vô điều kiện.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2014, 01:32:30 am »



Ông Nguyễn Văn Cẩn bộn bề với công việc mưu sinh

        Năm 1976, ông Cẩn phục viên, về Phước Tỉnh sinh sống với gia đình. Ồng bảo những năm đầu cực lắm, đi làm mướn độ thân riết, ai thuê gì làm nấy. May nhờ có sức vóc lại chăm chỉ làm lụng nên dần dà đỡ khổ. Không cam chịu cảnh nghèo và kiên trì nuôi chí, ông tích cóp được một số vốn, rồi chuyển qua nghề biển. Quãng năm 1993, ông đóng con tàu đánh cá công suất 150CV, bốn năm sau đóng tiếp con tàu thứ hai cũng 150CV. Mấy chục năm, hai con tàu của ông cần mẫn ra khơi, mang theo lá cờ Tổ quốc đến các vùng biển xa, giúp ông cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm cho các bạn nghề. Năm 1979, Tám Cẩn cưới vợ. Ông tếu táo: "Tôi đi biển suốt, cả tháng chỉ ở nhà ba, bốn ngày nên lúc nào cũng thấy vợ như mới. Hai vợ chồng có với nhau bốn mặt con nhưng chỉ còn ba đứa, một trai và hai gái ở lại trên đời với cha mẹ. Cậu con trai và hai chàng rể không ai theo cha đi biển, mưu sinh cách khác, tôi phải thuê người làm".

        Năm 2012 là năm đáng nhớ trong đời Tám Cẩn, ông tìm lại được anh Lãi và nhiều đồng đội Trại Đa-vít năm xưa. Cùng năm, ông khởi công đóng hai con tàu lớn, mỗi tàu công suất 500CV. Tiền vốn đóng hai con tàu hơn 6 tỷ đồng ông không phải vay ngân hàng. Ông bảo tôi: "Hạn mức ngân hàng cho vay không đáng bao nhiêu, thủ tục lại không đơn giản, thôi mình ráng lo lấy, vậy cũng xong anh à". Lễ hạ thủy hai con tàu tổ chức đúng 11 giờ 30 phút ngày 7 tháng 4. Không như người ta đập sâm banh, Tám Cẩn đập chai rượu đế Gò Công vào thành tàu lấy may.

        Cả hai người chiến sĩ đã cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh cao giữa sân bay Tân Sơn Nhất của địch sáng sớm ngày giải phóng Sài Gòn 38 năm trước đều chẳng hề nghĩ đến chuyện được hay không được khen thưởng. Không có một tấm huân chương, huy chương nào tặng cho họ về chiến công ấy. Chiến công là của chung tập thể. Lão ngư Nguyễn Văn Cẩn bảo tôi: "Trời phật cho sống khoẻ mạnh đến bây giò, lại có cuộc sống gia đình êm ấm, no đủ là may mắn lắm rồi, anh ạ. Tháng 4 năm ngoái, tôi được gặp lại anh Lãi và nhiều đồng đội cũ. Hơn nữa, tôi cũng đã được nhận Kỷ niệm chương thi hành Hiệp định Pa-ri, do Bộ Ngoại giao trao tặng và được anh Đinh Quốc Kỳ chuyển cho hôm dự Lễ mừng công ở Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy đã là quá may mắn và hạnh phúc rồi, chứ mấy đồng đội của chúng tôi ở Trại Đa-vít đã hy sinh chỉ đúng một ngày trước khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Thương tiếc các anh ấy lắm, nhưng chiến tranh là vậy...". Giọng ông bỗng trùng xuống khi ông kết thúc câu chuyện của mình. Hẳn ông đang bùi ngùi nhớ về những người đồng đội cũ.

        Chuyện hai ông Phạm Văn Lãi, Nguyễn Văn Cẩn cắm lá cờ giải phóng sáng sớm Ngày toàn thắng 38 năm trước, chuyện về cuộc sống bình dị hiện tại của các ông, chuyện các ông tìm lại được đồng đội và nghĩa tình giữa những người đã một thời sát cánh bên nhau, chiến đấu kiên cường, giữa hang ổ quân thù là minh chứng sinh động về nhân cách của những "Anh bộ đội Cụ Hồ". Năm tháng qua đi, chiến tranh và bom đạn đã thôi gầm thét, chỉ còn lại tình người mãi mãi sâu đậm, trong trẻo, sáng tựa trăng rằm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2014, 04:51:54 am »


TRẠI ĐA-VÍT - 823 NGÀY ĐÊM: TẠI SAO LẠI THẾ?
       
TRẦN NGỌC KHA               

        Vì sao lại thế, khi trong cuộc đấu tranh ngoại giao quân sự này, kẻ thù của chúng ta liên tiếp thua hết trận này đến trận khác, trong cuộc chiến bảo vệ và thi hành Hiệp định Pa-ri, để rồi chúng phải chấp nhận một sự thật nhục nhã: Ngày 29 tháng 3 năm 1973, quân xâm lược Mỹ và quân đồng minh của Mỹ phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam. Và, ngày 30 tháng 4 năm 1975, chế độ Việt Nam cộng hoà sụp đổ hoàn toàn, miền Nam được giải phóng, đất nước ta được thống nhất một nhà, đúng như lòi phán quyết năm nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

        Vì sao lại thế, khi được chọn nơi đóng quân cho hai Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ - ngụy lại rắp tâm chọn cho hai Đoàn ta ở khu vực nằm sâu trong lòng địch như vậy hòng đẩy ta vào thế cô lập, giam lỏng ta, dễ bề cản trở
hoạt động cửa ta, thậm chí có thể bắt ta làm con tin hay hủy diệt ta khi cần. Nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại. Ta đã biến cái trại này thành trung tâm đấu tranh ngoại giao quân sự rất mạnh mẽ, quyết liệt và có hiệu quả; ta đã tỉnh táo và chủ động đánh bại kẻ thù.

        Rất nhiều cái sự "Vì sao lại thế?" thật là ấn tượng từ cái trại này mà có lẽ hậu thế còn mãi phải đi tìm lời lý giải...

        Đến "phố nhà binh" Lý Nam Đế (Hà Nội) một chiều đầu đông, tôi gõ cửa nhà Đại tá Vũ Nam Bình (tức Nguyễn Văn Khả). Ồng nguyên là Trưởng ban Bảo vệ an ninh, chính trị và Phó ban Trao trả tù binh của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nay về hưu là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Đa-vít. Trạc ngoại bát tuần mà ông vẫn còn khoẻ và minh mẫn lắm. Ông say sưa kể cho tôi nghe một mạch hơn ba tiếng đổng hồ một cách mạch lạc, rất cụ thể và chính xác về những năm tháng hào hùng mà ông và đồng đội đã tham gia đấu tranh ngoại giao quân sự với địch để bảo vệ và thi hành Hiệp định Pa-ri tại Trại Đa-vít. Cả hai Đoàn đại biểu quân sự ta đã được bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về chính trị, tư tưỏng và tính mạng chiến sĩ trong suốt 823 ngày đêm đối mặt với kẻ thù.

        Đối diện với tôi bây giờ là một ông già có gương mặt hiền từ, nhã nhặn, với nụ cười ánh lên vui vẻ. "Nói là khó khăn bởi đây là công việc diễn ra trong lòng địch. Vả lại, chúng chủ trương phá Hiệp định Pa-ri ngay từ đầu khi thi hành".


Đại tá Vũ Nam Bình (2010)

        Ấy là đoạn ông kể về cái trận địch ném bom sân bay Thiện Ngôn vào đúng thời điểm chúng hẹn đón Đoàn B (Đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thòi Cộng hòa miền Nam Việt Nam) do Trung tướng Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn ở đấy để đưa Đoàn bằng trực thăng từ vùng căn cứ cách mạng vào Sài Gòn ngày 28 tháng 1 năm 1973 - ngày đầu tiên thoả thuận ngừng bắn có hiệu lực. Nhờ cảnh giác cao độ mà ta không bị thiệt hại gì. Hiệp định Pa-ri là Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, nhưng kẻ địch lại chủ trương tiếp tục "Việt Nam hoá chiến tranh". Vì thế, trong suốt quá trình thi hành Hiệp định, chúng chống phá ta liên tục, quyết liệt bằng nhiều thủ đoạn đê hèn. Chúng chỉ thực hiện những điều có lợi cho chúng mà thôi.

        Trường hợp khác diễn ra sau giao thừa Tết Quý Sửu (ngày 2-2-1973). 3 giờ sáng, địch cho 4 trực thăng quần đảo, gầm rít trên trời, chiếu đèn pha sáng choang vào trụ sở hai Đoàn ta ở Trại Đa-vít. Ngoài ra, 6 xe bọc thép của địch cũng được lệnh dẫn xác đến chặn trựớc cổng trại cùng nhiều xe tải chở đầy binh lính, tay cầm súng với lưỡi lê tuốt trần, hùng hổ nhảy xuống bao vây trụ sở ta. Anh em ta rất bình tĩnh, cử người ra xem sao. Thì ra, chẳng có chuyện gì to tát cả. Chỉ có một lá cờ đỏ sao vàng do một đồng chí thông tin treo trước cửa nhà để mừng Xuân, mừng Đảng, mừng thắng lợi của Hiệp định Pa-ri. Một việc như vậy có thể trao đổi với nhau là giải quyết được, vì hai bên hiện đang thảo luận về việc dùng cờ và giấy chứng minh đi lại làm nhiệm vụ ở miền Nam. Nhưng chúng đã ra oai và giở thói côn đồ để làm to chuyện, để uy hiếp ta. Tại buổi họp hôm sau giữa các bên, ta phản đối quyết liệt. Các quan thầy của chúng tỏ vẻ ngơ ngác, làm như không biết chuyện gì. "Những chuyện uy hiếp, gây hấn như thế kể suốt ngày không hết", ông Khả nói: "Có điều là, bao giờ kẻ địch cũng thua".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2014, 03:27:21 am »

        Quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam đúng thòi hạn 60 ngày ghi trong Hiệp định Pa-ri. Ta đã trả hết số tù binh Mỹ (554 tên) và ngụy (hơn 5.400 tên). Địch buộc phải trả cho ta hơn 26.000 nhân viên quân sự và hơn 5.000 nhân viên dân sự. Đây có thể coi là một thắng lợi to lớn vì: "Mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại", cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng viết như vậy trong một bức thư gửi ông Bảy Cưòng (tức đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam lúc bấy giờ) trong tập Thư vào Nam (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986).

        Sau giải phóng, qua khai thác tài liệu cũng như bọn tình báo và an ninh ngụy bị ta bắt được, chúng thú nhận: Tất cả những hoạt động chống phá ta trong thời gian này thực ra đã được chúng lập thành kế hoạch hắn hoi ngay từ trước khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Táo tợn, dã man đến mức trong một mệnh lệnh của đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, phát đi ngày 28 tháng 4 năm 1975 trước khi y tháo chạy khỏi Sài Gòn, còn ghi rõ: Quân lực Việt Nam cộng hoà được phép (1) Bắn pháo và bắn cối, (2) Cho xe tăng và bộ binh tràn ngập, (3) Cho máy bay ném bom và (4) Rải chất độc hoá học vào Trại Đa-vít, khi gió không thổi về thành phố. Chỉ cần nghe tiếng súng bắn ra từ Trại Đa-vít là thực hiện ngay mệnh lệnh này mà không cần xin chỉ thị.

        Bây giờ ngồi đây, giữa Hà Nội Thủ đô thanh bình yêu dấu của chúng ta, ôn lại những chuyện này, người cựu chiến binh năm xưa vẫn không nén được vẻ căm hờn địch trong cả giọng nói và nét mặt. Đoạn, giọng ông trùng xuống: "40 năm đã qua đi, từ quân số tổng cộng hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ của cả hai Đoàn, một số hy sinh tại chiến trường, một số qua đời sau đó, nay chúng tôi chỉ quy tụ được hơn 500 anh em. Ngày ấy sống được là quý, là kỳ lạ, là may mắn đấy! Có người còn hy sinh vô cùng anh dũng chỉ đúng 1 ngày trước 30 tháng 4 năm 1975 Là vì...

        Từ tháng 10 năm 1974, do kẻ địch phá hoại hết sức trắng trợn, nên mọi hoạt động Liên hợp quân sự không còn hiệu quả nữa. Chính phủ ta tuyên bố đình chỉ vô thời hạn các cuộc họp của Ban Liên hợp quân sự 2 bên và Tổ Liên hợp quân sự 4 bên. Nhưng hai Đoàn ta vẫn bám trụ ở Trại Đa-vít. 300 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương tổ chức sẵn sàng chiến đấu. Máy bay địch dồn về sân bay Tân Sơn Nhất rất nhiều, đậu tập trung ngay sát khu hai Đoàn ta ở. Ban chỉ huy đơn vị điện ra Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh để nghị cứ bắn mạnh pháo vào sân bay, không vì thấy máy bay của chúng đậu sát trụ sở của Đoàn ta mà bỏ lỡ thời cơ diệt địch. "Chúng tôi rất lấy làm vinh dự và sẵn sàng chấp nhận hy sinh để chiến dịch toàn thắng, sự nghiệp cách mạng toàn thắng", bức điện ghi rõ.

        Và, hệ thống hầm hào vừa đào xong bằng những vật dụng hết sức thô sơ, tận dụng, thì chiều 28 tháng 4 năm 1975, một tốp 5 máy bay A37 của ta do phi công Nguyễn Thành Trung và đồng đội lái, đã trút mấy loạt bom trúng đội hình máy bay địch, cách trụ sở hai Đoàn ta chỉ một bức tường rào. Trận này hai Đoàn ta vẫn an toàn. Đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau, 29 tháng 4 năm 1975, pháo ta bắt đầu bắn cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất khiến nơi này chìm trong biển lửa. Hai đồng chí trong đơn vị hy sinh, một số đồng chí khác bị thương. Nhưng không vì thế mà đơn vị báo cáo ngay lên Bộ chỉ huy chiến dịch, để các pháo thủ ta không bị ảnh hưởng tâm lý khi bắn...

        Tổng cộng trong 823 ngày đêm tham gia đấu tranh, (từ ngày 28 tháng 1 năm 1973 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975), hai Đoàn đại biểu quân sự ta có 9 đồng chí hy sinh, 25 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

        Vì những thành tích nổi bật trong thời kỳ này mà ngày 20 tháng 4 năm 2012, hai Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, còn các thành viên trong hai Đoàn được Bộ Ngoại giao tặng Kỷ niệm chương vì thành tích xuất sắc trong thi hành Hiệp định Pa-ri.

        Vì sao lại thế? Tôi buột miệng hỏi lại ông Nam Bình câu này, sau tất cả. Dưòng như hiểu được tôi đang nghĩ gì, ông trầm ngâm giây lát rồi nói tiếp: "Vì chúng tôi khao khát độc lập, tự do, hoà bình và thống nhất đất nước - một niềm khao khát đến cháy bỏng, nên mới quên đi cái chết mà chấp nhận đối mặt với kẻ thù, bất chấp mọi hiểm nguy như vậy".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2014, 08:55:24 pm »


TRẠI ĐA-VÍT - TÂN SƠN NHẤT XỨNG ĐÁNG LÀ MỘT DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG
     
Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Đa-vít              

        Trại Đa-vít - Tân Sơn Nhất thuộc thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) chính thức là Trụ sở của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên Trung ương từ ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực 28 tháng 1 năm 1973. Hai Đoàn đại biểu quân sự ta đã trụ vững tại vị trí này trong suốt 823 ngày đêm, cho đến ngày toàn thắng của dân tộc Việt Nam 30 tháng 4 năm 1975.

        Theo quy định của Hiệp định Pa-ri, Ban Liên hợp quân sự Trung ương đóng tại Sài Gòn, các Ban Liên hợp quân sự khu vực đóng tại 7 địa điểm và các Tổ Liên hợp quân sự địa phương đóng tại 26 địa điểm trên toàn miền Nam Việt Nam1. Nhiệm vụ của Ban Liên hợp quân sự là phối hợp hành động của các bên trong việc thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định.

        Ký Hiệp định Pa-ri, Mỹ-ngụy buộc phải chấp nhận một bước lùi chiến lược, nhưng âm mưu sâu xa của chúng là tiếp tục thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" hòng áp đặt chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ ở miền Nam và chia cắt lâu dài đất nước ta. Do đó, chúng rắp tâm phá bỏ Hiệp định ngay từ ngày đầu tiên. Cũng vì vậy, chúng rất sợ sự có mặt của hai Đoàn đại biểu quân sự ta tại những địa điểm mà Hiệp định đã quy định. Tất cả những địa điểm ấy chúng đều bố trí vào các căn cứ quân sự của quân ngụy Sài Gòn hay ở những nơi biệt lập để dễ bề khống chế, phá hoại các hoạt động Liên hợp quân sự và ngăn chặn cán bộ, chiến sĩ ta tiếp xúc với nhân dân.

        Riêng hai Đoàn ta ở cơ quan Liên hợp quân sự Trung ương, chúng bố trí ở rất sâu trong căn cứ quân sự khổng lồ Tân Sơn Nhất. Vị trí đó nằm sát với "Lầu Năm góc phương Đông" của quân viễn chinh Mỹ và chỉ cách bộ tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn khoảng một cây số theo đường chim bay.

        Mỹ - ngụy còn có cả một kế hoạch phối hợp của 5 cơ quan tình báo, phản gián Mỹ và ngụy Sài Gòn để tập trung phá hoại hai Đoàn của "Bắc Việt" và "Việt cộng". Chủ trương của chúng là bủa vây khắp các hướng, khống chế chặt, uy hiếp liên tục hòng đánh vào tinh thần của cán bộ và chiến sĩ ta, làm cho ta giảm sút ý chí đấu tranh, cản trở và làm tê liệt mọi hoạt động Liên hợp quân sự của ta và sẵn sàng bắt làm con tin hoặc hủy diệt hai Đoàn ta khi cần thiết.

        Chúng chống phá quyết liệt việc triển khai cơ quan Liên hợp quân sự các cấp để không hình thành được cơ quan Liên hợp quân sự 4 'bên và 2 bên ở các khu vực và địa phương. Chỉ ở khu vực IV - Phan Thiết là hình hành được cơ quan Liên hợp quân sự 4 bên, nhưng hoạt động không có hiệu quả vì bị chúng phá.

        Riêng ở cấp Trung ương đã hình thành được cả Ban Liên hợp quân sự 4 bên và Ban Liên hợp quân sự 2 bên. Tại trụ sở Trại Đa-vít, hai Đoàn ta đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng và làm cho Trại Đa-vít trở thành một địa danh có tính lịch sử cách mạng hết sức có giá trị, có ý nghĩa rất đặc sắc và độc đáo. Có những yếu tố rất quan trọng, cơ bản làm cho Trại Đa-vít - Tân Sơn Nhất trở thành một di tích lịch sử cách mạng như vậy.

---------------------
1. Điều ll(b) của Nghị định thư về các Ban Liên hợp quân sự quy định 7 địa phương làm nơi đóng trụ sở của Ban Liên hợp quân sự khu vực là: khu vực I - Huế, khu vực II - Đà Nẵng, khu vực III - Plây Cu, khu vực IV - Phan Thiết, khu vực V - Biên Hoà, khu vực VI - Mỹ Tho và khu vực VII - Cần Thơ. Điều ll(c) cũng quy định 26 Tổ Liên hợp quân sự địa phương như sau: Khu vực I: Quảng Trị và Phú Bài; khu vực II: Hội An, Tam Kỳ và Chu Lai; khu vực III: Kon Tum, Hậu Bổn, Phù Cát, Tuy An, Ninh Hoà và Buôn Ma Thuột; khu vực IV: Đà Lạt, Bảo Lộc và Phan Rang; khu vực V: An Lộc, Xuân Lộc, Bến Cát, Củ Chi và Tân An; khu vực VI: Mộc Hoá và Giồng Trôm và khu vực VII: Tri Tôn, Vĩnh Long, Vị Thanh, Khánh Hưng và Quản Long.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Hai, 2014, 10:09:03 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2014, 02:24:46 am »

        1.   Trại Đa-vít - Đó là trụ sở của hai Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự Trung ương, là vùng đất đầu tiên được chính thức và công khai đặt dưới quyền kiểm soát của cách mạng. Đây củng là vùng đất giải phóng đầu tiên nhờ thạng lợi của Hiệp định Pa-ri và trở thành vùng lãnh thổ bất khả xâm phạm giữa trung tâm đầu não của đối phương cho đến ngày cách mạng toàn thắng.

        Do những quy định của Hiệp định Pa-ri, hai Đoàn đại biểu quân sự ta đã vào Trại Đa-vít - Tân Sơn Nhất, để phối hợp thực hiện Hiệp định Pa-ri, nhưng thực chất là ta công khai và trực tiếp đấu tranh với địch để buộc chúng phải thực hiện Hiệp định này.

        Ngay từ lần đầu tiên hai Đoàn ta đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ngụy quyền Sài Gòn đã sử dụng thủ đoạn buộc ta làm thị thực nhập cảnh theo "thẻ nhập nội" của cái gọi là "Việt Nam cộng hòa" và không cho ta rời khỏi máy bay trong suốt 21 tiếng đồng hồ. Nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của ta, cuối cùng chúng buộc phải lùi bước, đưa xe đón hai Đoàn ta về trụ sở tại Trại Đa-vít. Từ đó về sau, việc ra vào theo các chuyến bay liên lạc thường kỳ Hà Nội - Sài Gòn và Lộc Ninh - Sài Gòn không phải làm bất cứ thủ tục xuất - nhập cảnh nào.

        Trong thời gian hai Đoàn ta làm nhiệm vụ ở Trại Đa-vít, mặc dù Mỹ - ngụy có kế hoạch hủy diệt hai Đoàn ta và trên thực tế chúng thường xuyên uy hiếp và gây muôn vàn khó khăn cho cuộc sống của các cán bộ và chiến sĩ ta, nhưng chúng không dám thực hiện hành động nào vi phạm sự toàn vẹn của khuôn viên Trại Đa-vít. Không những thế, mỗi khi chúng muốn làm việc với hai Đoàn ta hay cần tham gia bất kỳ hoạt động nào của Ban Liên hợp quân sự trong Trại Đa-vít, chúng đều phải xin phép và có sự chấp thuận của ta thì mới được vào khu trại này.

        Như vậy, Trại Đa-vít đã trở thành lãnh thổ bất khả xâm phạm của cách mạng ở giữa thành phố Sài Gòn. Không những thế, việc một bộ phận lực lượng quân sự của ta đứng chân được ở đây và mở ra sự liên lạc thường xuyên giữa hai miền Nam-Bắc mà không thông qua một thủ tục mang tính địa lý quốc gia nào đã buộc địch phải thừa nhận về mặt pháp lý và thực tế rằng, "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".

        2.   Trại Đa-vít - Đó là trung tâm đấu tranh ngoại giao quân sự, là Tổng hành dinh của hai Đoàn đại biểu quân sự Trung ương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, từ đó hai Đoàn ta trực tiếp chỉ đạo và điều hành các hoạt động Liên hợp quân sự trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, buộc đối phương thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định Pa-ri.

        Với việc Hiệp định Pa-ri có hiệu lực và hai Đoàn đại biểu quân sự ta có mặt ở Trại Đa-vít, trọng tâm mặt trận ngoại giao của ta chuyển từ Pa-ri về Sài Gòn, với địa bàn hoạt động mới là trên toàn miền Nam Việt Nam, với sự tham gia của 4 bên ký kết Hiệp định, với diễn đàn mới là Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên, và với nhiệm vụ mới là phốỉ hợp hành động của các bên trong việc thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định Pa-ri.

        Tại Trại Đa-vít, hai Đoàn ta đã triển khai nhiệm vụ của mình trong Ban Liên hợp quân sự một cách toàn diện và quyết liệt. Đây là một diễn đàn đấu tranh hết sức sôi động về quân sự, chính trị, ngoại giao, pháp lý và dư luận, ở đó các cán bộ và chiến sĩ ta không sử dụng vũ khí mà phát huy cao độ chính nghĩa của cách mạng và khai thác có hiệu quả pháp lý của Hiệp định Pa-ri.

        Hai Đoàn đại biểu quân sự ta tham gia 125 cuộc họp cấp Trưởng đoàn cả hai thời kỳ Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên. Chúng ta cũng đã tham gia hơn 500 cuộc họp của các Tiểu ban về quân sự, trao trả, triển khai, thủ tục, thay thế vũ khí và Tổ Liên hợp quân sự 4 bên.

        Đây là những diễn đàn đấu tranh chính trị được dư luận trong nước và trên thế giới rất quan tâm theo dõi để nắm bắt và hiểu rõ tình hình thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Chúng ta đã duy trì các buổi làm việc thường kỳ với Uỷ ban Quốic tế để phối hợp công việc theo dõi và kiểm tra của Ban Liên hợp quân sự với công việc kiểm soát và giám sát của Uỷ ban Quốc tế, nhằm đôn đốc các bên thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định Pa-ri.

        Từ Tổng hành dinh Trại Đa-vít, hai Đoàn ta đã thường xuyên, kịp thời chỉ đạo các Đoàn ta ở các khu vực vừa để thi hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ của mình, vừa đốỉ phó có hiệu quả với hành động phá hoại của đốì phương. Chúng ta đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, trong đó có quyết định rất mạnh mẽ về việc rút 2 Đoàn Liên hợp quân sự ta ở khu vực I - Huế và khu vực II - Đà Nẵng về Trại Đa-vít và lên án quyết liệt kẻ địch phá việc triển khai cơ quan Liên hợp quân sự ở các khu vực và địa phương.

        Cũng từ Tổng hành dinh này, hai Đoàn ta đã phái các sĩ quan cách mạng đi theo dõi và kiểm tra tất cả các cuộc rút quân Mỹ và quân chư hầu, theo dõi và kiểm tra tất cả các cuộc trao trả người bị bắt của các bên, và kiểm tra nơi giam giữ cuối cùng tại các trại giam của Mỹ-ngụy ở khắp miền Nam trước khi tiến hành các cuộc trao trả.

        Đặc biệt là, hai Đoàn ta đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Quốc tế và hợp tác có hiệu quả với các bạn Hung-ga-ri và Ba Lan, trong việc thúc đẩy Uỷ ban Quốc tế tiến hành điều tra các hành động vi phạm ngừng bắn của Mỹ - ngụy. Đây là một cuộc đấu tranh hết sức cam go và phức tạp, bởi Mỹ-ngụy trắng trợn phá hoại Hiệp định và rắp tâm ngăn cản tất cả các cuộc điều tra của Uỷ ban Quốc tế. Mặc dù vậy, ta đã gửi đến Uỷ ban Quốc tế 924 công hàm, tố cáo 18.971 vụ vi phạm ngừng bắn của đối phương và yêu cầu Uỷ ban Quốc tế điều tra các vụ vi phạm đó. Trong tổng số 390 cuộc điều tra được tiến hành, Uỷ ban Quốc tế đã kết luận rõ ràng 5 vụ phía ngụy Sài Gòn vi phạm ngừng bắn và không đưa ra bất kỳ kết luận nào về việc ta vi phạm, kể cả những vụ việc mà phía ngụy làm rùm beng là ta vi phạm. Đây là một thành quả không hề dễ dàng, trong bối cảnh Mỹ-ngụy cố tình phá hoại Hiệp định Pa-ri và Uỷ ban Quốc tế bị chia rẽ sâu sắc bởi những bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên.
       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2014, 05:52:32 am »

        3.   Trại Đa-vít - Đó là nơi hai Đoàn đại biểu quân sự ta đã giương cao ngọn cờ chiến thắng của cách mạng, ngọn cờ chính nghĩa của dân tộc, đề cao thiện chí hoà bình thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pa-ri. Và, chính Trại Đa-vít đã trở thành trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và thế giới về tình hình ở miền Nam Việt Nam từ sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết.

        Một mũi quan trọng của hai Đoàn ta trong Trại Đa-vít là đấu tranh báo chí và dư luận. Ngay từ đầu, chúng ta đã dựa vào pháp lý của Hiệp định Pa-ri để đòi bằng được quyền được tổ chức và cố gắng duy trì các cuộc họp báo hàng tuần đến ngày 26 tháng 4 năm 1975, ngày ta tổ chức cuộc họp báo cuối cùng và cũng là ngày đại quân ta bắt đầu cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn. Với sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm dày dạn của những người đấu tranh trực diện với đối phương trên một địa bàn chiến tranh nóng bỏng, ta đã tổ chức hoạt động báo chí một cách đa dạng, sôi nổi và sinh động, đưa đến những tác dụng thiết thực đối với cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

        Điều mà dư luận thế giới hết sức quan tâm là vì sao Mỹ - một cường quốc về kinh tế và quân sự như vậy, lại phải chịu chấp nhận thất bại ở Việt Nam, phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và phải rút hết quân về nước.

        Những tin tức được các nhà chức trách của cách mạng công khai phát đi giữa Sài Gòn có sức hấp dẫn lớn đối với 77 hãng thông tấn, báo chí có đại diện ở Sài Gòn, mà đa số là của các nước phương Tây. Họ đưa tin rất nhanh ra toàn thế giới và "đến tận từng phòng ngủ của các gia đình Mỹ". Dù Trại Đa-vít nằm sâu trong căn cứ quân sự Tân Sơn Nhất và kẻ thù tìm mọi cách cản trở, nhưng ta đã tổ chức hơn 100 cuộc họp báo vào mỗi sáng thứ bảy tại hội trường Trại Đa-vít, với sự tham dự của đông đảo phóng viên quốc tế và miền Nam. Các đồng chí lãnh đạo và đại diện thông tấn, báo chí của hai Đoàn ta đã trực tiếp trả lời hàng nghìn câu hỏi của các phóng viên về mọi vấn đề liên quan đến việc thi hành Hiệp định Pa-ri và tình hình miền Nam.

        Tiếng nói xác thực, cụ thể, rõ ràng và có sức thuyết phục của ta đã thu hút sự quan tâm và hứng thú của các phóng viên. Họ đã từng bước hiểu ta hơn và thể hiện những chuyển biến về thái độ đốỉ với ta, có thiện cảm với ta hơn. Họ đưa những tin tức ngày càng có lợi cho ta nhiều hơn. Những tin tức phong phú, nóng hổi và kịp thời của họ làm cho dư luận rộng rãi trên thế giới ngày càng đồng tình, ủng hộ hoặc ít ra là thông cảm với từng bước đi của cách mạng, kể cả quyết tâm của ta trừng trị những hành động của đối phương vi phạm Hiệp định Pa-ri cũng như những hoạt động quân sự của ta đi đến thắng lợi cuôl cùng. Đây cũng là một nét nổi bật của di tích lịch sử cách mạng Trại Đa-vít.

        4.   Trại Đa-vít - Đó là một cuộc chiến thật sự quyết liệt và căng thẳng trên bàn Hội nghị Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên cùng những hoạt động Liên hợp quân sự, đã gắn kết rất chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để thực hiện Hiệp định Pa-ri, đặc biệt là phối hợp và hỗ trợ có hiệu quả cuộc chiến đấu của quân ta trên chiến trường.

        Dưới sự lãnh đạo hết sức sáng suốt của Đảng ta trong thời kỳ từ sau khi ký kết Hiệp định Pa-ri, trong đó có sự chỉ đạo chặt chẽ từng bước đi của cuộc đấu tranh ngoại giao quân sự, hai Đoàn đại biểu quân sự ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Những thành quả trên mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự đã góp phần làm cho thế và lực của cách mạng có những thay đổi nhanh chóng và cơ bản có lợi cho ta.

        Điều quan trọng nhất là hai Đoàn ta đã góp phần tích cực buộc quân Mỹ và quân các nước chư hầu phải rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam đúng thời hạn 60 ngày kể từ ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, góp phần thực hiện lời dạy "đánh cho Mỹ cút" của Bác Hồ. Đây là yếu tố rất căn bản làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trưòng có lợi cho ta, để ta từng bước tiến lên "đánh cho ngụy nhào" ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2014, 05:48:05 am »

        Hai Đoàn ta đã tổ chức việc trao trả tù binh Mỹ rất chặt chẽ và nghiêm túc. Đây là đòn xeo mạnh mẽ thúc đẩy quân Mỹ phải rút hoàn toàn, đồng thời có tác dụng rất tốt trong việc đề cao chính sách nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với tù binh Mỹ. Nó còn tác động mạnh mẽ đến việc Mỹ-ngụy buộc phải trao trả cho ta trên 31.500 nhân viên quân sự và nhân viên dân sự của ta bị chúng giam giữ.

        Một điều nữa cũng có tác dụng to lớn là hai Đoàn ta tại Trại Đa-vít, bằng cuộc đấu tranh trực tiếp của mình, đã góp phần thể hiện rõ tiếng nói chính nghĩa và thiện chí hoà bình của dân tộc Việt Nam. Và, chính từ đó, những tiếng nói tố cáo, lên án, vạch trần những mưu mô và hành động của đốì phương phá hoại Hiệp định Pa-ri càng được chứng minh có sức thuyết phục trước dư luận trong nước và trên thế giới.

        Trại Đa-vít còn là nơi hai Đoàn ta đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để hiểu sâu sắc hơn tình hình của Mỹ-ngụy, góp phần phục vụ cuộc đấu tranh chung của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Về vấn đề này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: "Cũng có thể coi đây là một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị, quân, sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch". Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: "Trong thế trận chung to lớn mà ta đã hình thành bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, các đồng chí của ta ở Tân Sơn Nhất củng có thế riêng của mình, thế đứng công khai hiên ngang giữa lòng địch. Thế đứng đó không những tiêu biểu cho cách mạng, cho đại nghĩa về mặt chính trị mà còn giúp cho Đảng hiểu được thêm lòng dân đối với sự nghiệp giải phóng và hiểu kẻ thù trước những ngày chúng giãy chết".

        Những ngày cuối cùng của chiến tranh, Trại Đa-vít trở thành một trận địa cách mạng kiên cường. Chỉ trong vòng 10 ngày và với những công cụ hết sức thô sơ, các cán bộ, chiến sĩ ta đã khẩn trương, âm thầm và bí mật xây dựng xong một hệ thông địa đạo hoàn chỉnh và kiên cố dài hàng nghìn mét để sẵn sàng chiến đấu, ít nhất cũng trụ vững được 5 ngày, chờ đại quân ta đến hỗ trợ. Đó là một công trình của lòng yêu nước sâu sắc và ý chí chiến đấu quả cảm.

        Trại Đa-vít còn là một mũi nghi binh chiến lược trong chiến dịch Hồ Chí Minh, làm cho đối phương không phán đoán được ý đồ và kế hoạch chiến lược của ta. Đây cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng được cấp trên giao phó và được hai Đoàn ta thực hiện một cách linh hoạt, khôn khéo để đánh lừa đốì phương.

        Và, trong những giờ phút cuối cùng đó, Trại Đa-vít đã nổi lên là địa chỉ đỏ của cách mạng mà những kẻ cùng đường trong hàng ngũ chóp bu của đối phương tìm mọi cách để gặp gỡ, cầu cạnh, bấu víu, thăm dò hòng kéo dài, gỡ gạc sự thất bại thảm hại của chúng.

        Trại Đa-vít còn có vinh dự cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trên đỉnh tháp nước vào 9 giò 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đây là một trong những lá cờ giải phóng đầu tiên được kéo lên ở thành phố Sài Gòn trong giờ phút lịch sử huy hoàng này của dân tộc ta.

        Ngay sau ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975, Trại Đa-vít là địa điểm an toàn nhất của cách mạng giữa thành phố Sài Gòn mới được giải phóng và là nơi đặt chân đầu tiên của tất cả các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị là Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng, cùng các tướng lĩnh chỉ huy 5 cánh quân vào Sài Gòn họp bàn triển khai nhiệm vụ của quân đội ta để phát triển chiến đấu và bảo vệ vùng giải phóng. Trong cuộc gặp gỡ ngày 2 tháng 5 năm 1975 với các cán bộ, chiến sĩ hai Đoàn ta tại Trại Đa-vít, Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh và Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, khẳng định: Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh công nhận Đoàn đại biểu quân sự ta trong Ban Liên hợp quân sự ở Trại Đa-vít - Tân Sơn Nhất là đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Qua hoạt động thực tiễn của Đoàn bên cạnh 5 mũi tiến công quân sự vào Sài Gòn, Đoàn xứng đáng được coi là mủi tiến công thứ 6; đó là mủi tiến công ngoại giao quân sự, một nét hết sức độc đáo và đặc sắc của cuộc chiến tranh nhân dân.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Hai, 2014, 09:24:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2014, 02:41:39 am »

        5.   Trại Đa-vít - Đó là nơi hai Đoàn đại biểu quân sự ta đã đứng vững trên vị trí chiến đấu của mình, đã thể hiện bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam, nắm vững tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến", nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Pa-ri và đã được Nhà nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Mặt trận tiến công ngoại giao, gắn chặt với mặt trận đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự buộc đế quốc
Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri và sau đó mở ra trận tuyến đấu tranh ngoại giao quân sự buộc đối phương phải thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định. Đó là một sự sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Hai Đoàn đại biểu quân sự ta được Đảng giao nhiệm vụ đấu tranh để thực hiện các điều khoản về quân sự. Đây là một loại nhiệm vụ đặc biệt, một đơn vị đặc biệt cắm giữa trung tâm đầu não của địch, đã đấu tranh công khai và trực diện với kẻ thù để phát huy thắng lợi của Hiệp định và đã giành được thắng lợi rất xuất sắc.

        Phát biểu trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của hãi Đoàn đại biểu quân sự ta, đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã "nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương tinh thần đấu tranh kiên quyết, tỉnh táo, khôn khéo, sáng tạo cùng với thành tích xuất sắc, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam".

        Trong diễn văn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đọc tại buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã khẳng định: "... Các đồng chí là những người con kiên trung của cách mạng, của Tổ quốc, đã sống, chiến đấu và cống hiến hết mình cho ngày toàn thắng của dân tộc; là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về sự mưu trí, sáng tạo, lòng quả cảm và ý chí sắt đá, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước".

        "Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước phong tặng cho Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là phần thưởng cao quý, ghi nhận những thành tích và đóng góp đặc biệt xuất sắc của các đồng chí cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hai Đoàn trong đấu tranh ngoại giao quân sự kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo ngay giữa sào huyệt của kẻ thù".
 
*

*       *

        Năm yếu tố cơ bản trên đây đủ để khẳng định rằng, Trại Đa-vít - Tân Sơn Nhất rất xứng đáng là một Di tích lịch sử của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không những thế, Trại Đa-vít còn xứng đáng được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

        Di tích Trại Đa-vít này cần sớm được chính thức công nhận và được xây dựng xứng tầm với giá trị lịch sử cách mạng của nó, gắn liền với một tập thể anh hùng đã vững vàng đứng chân làm nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự tại vị trí này. Rất cần phải tôn vinh một địa danh có giá trị lịch sử sâu sắc như vậy, nhằm góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

        Công văn số 685/BQP ngày 5 tháng 3 năm 2003 của Bộ Quốc phòng gửi Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nói rõ:... Liên bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Bộ Quốc phòng tại Thông tư liên bộ số 1083/TTVH-BQP ngày 26 tháng 12 năm 1986 đã xác định: "Trại Đa-vít, trụ sở của hai Đoàn đại biểu quân sự ta trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên Trung ương, là một trong 4 di tích lịch sử quân sự đặc biệt quan trọng, là một trong những điểm tiêu biểu của khu di tích chiến dịch Hồ Chí Minh".

        Đã đến lúc cần hiện thực hoá Thông tư liên bộ số 1083/TTVH-BQP và Công văn số 685/BQP bằng việc chính thức công nhận Trại Đa-vít - Tân Sơn Nhất là một địa danh lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM