Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:12:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trại Đa-vít (Davis Camp) Sài Gòn (phần 2)  (Đọc 76263 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2014, 05:39:47 am »


VỀ NAM THĂM ĐỒNG ĐỘI CŨ
     
NGUYỄN NGỌC SƠN và PHAN ĐỨC THẮNG1              

        Ngày 2 tháng 6 năm 2012, các sĩ quan, chiến sĩ Trại Đa-vít năm xưa từ khắp các địa phương ỏ phía Nam tụ hội về Thành phố Hồ Chí Minh để dự Lễ mừng công sau khi Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thòi Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên từ năm 1973 - 1975. Trước đó, buổi lễ chính thức đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai Đoàn đã được Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng tổ chức long trọng ở Hà Nội ngày 20 tháng 4 năm 2012.

        Chúng tôi là một nhóm các sĩ quan, chiến sĩ đại diện cho Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Đa-vít ở phía Bắc vào dự lễ mừng công cùng các đồng đội phía Nam. Ngay sau khi tới Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đến thăm Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 2 bên Trung ương năm xưa. Ông đang điều trị bệnh tim tại nhà. Tuy ông đã gần 90 tuổi và bệnh tình khá nặng, nhưng Thủ trưởng của chúng tôi vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Chúng tôi bảo nhau chỉ đến thăm hỏi sức khoẻ của ông và nói chuyện thân tình, ngắn gọn rồi ra về để ông được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Nhưng được gặp lại các chiến sĩ của mình và nói đến buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của đơn vị cũ, ông bỗng trở nên sôi nổi, hăng hái như ông hãy còn trẻ trung và không hề mang bệnh trong người.


Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

        Thiếu tướng dường như không kìm nén được cảm xúc của mình khi nói về những đồng đội cũ, những sự kiện cũ... của thòi kỳ ông công tác trong Ban Liên hợp quân sự 2 bên. Hai năm làm việc trong Trại Đa-vít không phải là dài, thậm chí là quá ngắn ngủi, so với cuộc đời chinh chiến hơn 50 năm của ông, nhưng đã để lại trong ông những kỷ niệm hết sức đặc biệt và sâu sắc, như ông từng tâm sự "Chỉ hơn 2 năm thôi mà dài hơn 12 năm lăn lộn trên chiến trường"1 . Trong hơn 2 năm đó, ông và các đồng đội của ông đã chiến đấu giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù, không được phép sử dụng vũ khí mà phải phát huy lòng quả cảm, trí thông minh cùng với tính pháp lý của Hiệp định Pa-ri, sức mạnh chính nghĩa của cả dân tộc và tình đoàn kết quốc tế. Có người ví cuộc "đột nhập" của ông và các đồng đội vào Trại Đa-vít như chuyện Quan Công dự tiệc Bàn Đào thời Tam Quốc hai nghìn năm trước. Quả là một sự so sánh vừa có lý, vừa đầy thi vị.


Chụp ảnh lưu niệm với Thiẽu tướng Hoàng Anh Tuấn ngày 1 tháng 6 năm 2012
------------------
1. “Tôi vào Trại Đa-vít”, Trại Đa-vít - 823 ngày đêm, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, trang 60. Trước khi vào Trại Đa-vít, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã có nhiều năm tham gia chiến đấu ỏ chiến trường miền Trung - Tây Nguyên.
Tôi vào Trại Đa-vít http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,7565.msg285705.html#msg285705
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Giêng, 2014, 02:15:27 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2014, 02:17:20 pm »

        Với giọng nói hăng hái, mạch lạc và đầy nhiệt huyết, ông ôn lại những kỷ niệm sâu sắc về cuộc chiến đấu cạm go, quyết liệt giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù để buộc chúng thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Pa-ri và đấu tranh dư luận để đồng bào trong nước cũng như bạn bè trên thế giới hiểu rõ thiện chí của chúng ta trong việc thi hành Hiệp định cũng như quyết tâm của ta giáng trả những hành động phá hoại Hiệp định của Mỹ - ngụy. Với kinh nghiệm từ hơn 300 ngày làm việc ở Liên khu 5 cho Uỷ ban Liên hợp đình chiến thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông lường trước được những khó khăn, phức tạp mà ông sắp phải đương đầu khi ông nhận nhiệm vụ làm người đại diện cao nhất của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 2 bên thi hành Hiệp định Pa-ri. Ông cũng thấu hiểu được giá trị to lớn, tác động lan toả của những thành quả mà ta giành giật được trong quá trình thi hành Hiệp định, mặc dù những thành quả đó chỉ đáp ứng một phần những gì phía ta mong muốn... Tất cả những điều đó giờ đang tái hiện trong ông như một cuốn phim được chiếu trên màn hình, rõ ràng, sống động và tươi rói như mới xảy ra ngày hôm qua. Tâm tư, tình cảm của ông như bị cuốn hút hoàn toàn bởi dòng suy nghĩ dâng trào về những kỷ niệm của một thời hào hùng đáng nhớ, làm ông quên hết bệnh tật. Giờ phút bên những người lính của mình, ông trẻ ra, khoẻ ra và tràn đầy sức sống.

        Cuộc chuyện trò vui vẻ, sôi nổi và đầy cảm động giữa những người đồng đội năm xưa đã kéo dài hơn chúng tôi dự định ban đầu. vả lại, Thủ trưởng của chúng tôi cũng đã có dấu hiệu mệt mỏi, dù ông vẫn còn muôn tâm sự nhiều hơn nữa với những người đồng đội trẻ hơn của mình. Chúng tôi lưu luyến nói lời tạm biệt ra về, nhưng ông vẫn trầm tư với những suy nghĩ của riêng mình.

        Cuối cùng, ông xúc động chia sẻ với chúng tôi: "Thời gian đơn vị chúng ta sống trong Trại Đa-vít giống như ngồi trên một quả bom khổng lồ mà người nắm kíp nổ là phía chính quyền Sài Gòn. Vậy mà chúng ta vẫn thản nhiên ngồi trên quả bom nóng bỏng ấy suốt 823 ngày đêm để làm sáng tỏ chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam ta. Từ nơi đây, chúng ta đã góp phần buộc Mỹ rút hết quân đội khỏi miền Nam, buộc đối phương trao trả hơn ba chục nghìn người của ta bị chúng đày đọa trong các nhà giam trên khắp miền Nam, đồng thời vạch trần và kiên quyết lên án đối phương phá hoại Hiệp định Pa-ri trước toàn thể nhân dân ta và bạn bè trên thế giới. Chính quyền Sài Gòn muốn làm nổ tung chúng ta lắm chứ, nhưng họ đã không làm được điều đó. Kết cục là, chúng ta vẫn bám trụ vững vàng đến ngày Sài Gòn được giải phóng, để hoà nhập vào đoàn quân chiến thắng. Đó chính là tính anh hùng của đơn vị chúng ta mà Đảng, Nhà nước và Quân đội đã ghi nhận". Ông đã kết thúc cuộc trò chuyện hết sức thân tình và ý nghĩa hôm đó bằng mấy câu ngắn gọn và đầy hình tượng như vậy.

        Về Sài Gòn để dự lễ mừng công cùng đồng đội và được gặp lại Thủ trưởng cũ, chúng tôi vừa vui mừng khôn xiết, vừa xúc động dạt dào. Nhưng lòng chúng tôi vẫn canh cánh nhớ về ngươi đồng đội năm xưa vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Anh hy sinh khi tuổi đời mới trọn đôi mươi, vào giờ phút cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngay trước khi những đơn vị Quân giải phóng đầu tiên tiến vào Sài Gòn và chiến sĩ Giải phóng đầu tiên tiếp quản Trại Đa-vít để bảo vệ an toàn cho đơn vị chúng tôi.

        Anh là chiến sĩ vệ binh Nguyễn Quang Hoà, hy sinh rạng sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975 khi những loạt đạn pháo đầu tiên của ta dội vào sân bay Tân Sơn Nhất và một vài viên lạc vào Trại Đa-vít khi anh đang làm nhiệm vụ cảnh giới cho đơn vị. Cùng với Hoà còn có anh Kiên (tức Đại uý an ninh Nông Văn Hưởng) cũng hy sinh và 5 đồng chí khác bị thương. Trong cuộc chiến ác liệt ấy, đại pháo ta từ khoảng cách hàng chục cây số bắn cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất mà lạc vào nơi đơn vị chúng tôi đóng quân là chuyện khó tránh khỏi. Điều đó cả đơn vị đã xác định từ trước, nhưng chúng tôi một mực yêu cầu Bộ chỉ huy mặt trận tiến công quyết liệt vào Tân Sơn Nhất, làm tê liệt hoàn toàn sân bay chiến lược này, không vì đơn vị chúng tôi ở đó mà nương tay với quân địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2014, 08:12:30 am »

        Khi xe chúng tôi đến gần nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đồng đội của chúng tôi yên nghỉ, những cảm giác gần gũi, thiêng liêng gắn bó những người đồng chí cùng chiến hào bỗng ập đến. Lúc chúng tôi xuống xe, trong yên lặng, tôi tâm sự với Hoà: "Hoà ơi, chúng tôi đến thăm Hoà đây, sau 37 năm chúng tôi mới có dịp trở về thăm Hoà đây... Hoà nhìn xem này, Nguyễn Ngọc Sơn, Lương Đình Thành, Nguyễn Văn Thuật, Đặng Trọng Lương... toàn là những đồng đội thân quen, chí cốt ngày ấy...". Chợt gai ốc nổi khắp người, hơi thở bỗng trở nên gấp gáp, hầu như là hổn hển, cảm giác như được ôm chầm, ghì chặt đến nghẹt thở. Nước mắt chảy tràn, nóng hổi hai gò má, giống như gặp lại người ruột thịt sau nhiều năm xa cách. Không chỉ riêng tôi mà các đồng đội cùng đi với tôi đều có những cảm giác như thế.

        Chúng tôi như thấy thấp thoáng bóng dáng Hoà, chàng trai miền quê Nông Cống, Thanh Hoá, người cao dong dỏng, nước da đen sạm, đôi môi thâm tái do hậu quả của những trận sốt rét rừng triền miên. Nhưng đôi mắt của Hoà luôn tràn đầy sức sông và tinh thần lạc quan của người chiến sĩ. Đôi mắt ấy bây giờ đẫm lệ nhưng ánh lên niềm vui vô bờ bến. Vậy đấy, Hoà vẫn đón chúng tôi thật nhiệt tình, thật nồng hậu, hệt như những ngày anh còn sống, chiến đấu bên cạnh chúng tôi.

        Chúng tôi thắp những nén hương thơm, sắp những món quà đem từ miền Bắc lên nấm mộ đơn sơ của anh. Chúng tôi lặng đi như thấy Hoà nước mắt vòng quanh, tay anh nâng niu những món quà giản dị nhưng đầy tình nghĩa mà quê hương, đồng đội chia sẻ với anh sau nhiều năm không gặp lại. Suốt mấy chục năm nằm lại nơi đây, chắc anh nhớ quê hương, nhớ gia đình, nhớ đơn vị, nhớ đồng đội lắm.


Giây phút bùi ngùi bên nấm mộ đơn sơ của người đồng đội cũ
Liệt sĩ Nguyễn Quang Hòa

        Ngồi bịn rịn bên mộ Hoà chừng một tuần hương, chúng tôi đi thăm mộ các đồng đội đang yên nghỉ xung quanh anh. Có đồng chí hy sinh trước anh bảy năm, như Trần Văn Viết (Kinh Môn, Hải Dương) hy sinh năm 1968, Nguyễn Văn Thương (Ninh Thanh, Hải Dương) hy sinh năm 1968... Họ quây quần bên nhau thành một tiểu đội 8 người, chăm lo cho nhau trong cuộc sống hàng ngày, yểm trợ cho nhau khi chiến đấu, giống như những ngày họ cùng chiến đấu bên cạnh chúng tôi.

        Cả anh Kiên nữa, anh Kiên cũng hy sinh với Hoà vào rạng sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, dẫu anh có may mắn hơn Hoà là hài cốt của anh đã được gia đình đón về quê cha đất tổ. Nhưng chúng tôi vẫn da diết nhớ anh, một người anh gần gũi chỉ bảo chúng tôi cách cư xử trong cuộc sống, cách làm việc, cách chống chiến tranh tâm lý của địch. Khi còn cốc nước lọc cuối cùng, anh Kiên nhường cho tôi: "Cậu cần phải uống cho đỡ khát để làm việc qua đêm nay...". Đồng đội chia sẻ với nhau từng cốc nước, từng điếu thuốc lá cuốn... Nay chúng tôi hội ngộ ở đây, vẫn như thấy anh trong đội ngũ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của đơn vị.

        Anh Kiên và Hoà đã cùng đơn vị chúng tôi chiến đấu dũng cảm, góp phần vào ngày toàn thắng của đất nước, của dân tộc. Các anh xứng đáng được vinh danh, được nhận danh hiệu Anh hùng mà chúng tôi vừa đón nhận. Anh Kiên ơi, Hoà ơi..., danh hiệu cao quý này chúng tôi đón nhận cho các anh đấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2014, 08:20:31 am »


TRẬN NÉM BOM BÊN CẠNH TRẠI ĐA-VÍT
     
NGUYỄN NGỌC SƠN              

        Chúng tôi gồm hơn 300 cán bộ, chiến sĩ công tác trong Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 2 bên Trung ương, cấp bậc cao nhất là Thiếu tướng, Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn, cấp bậc thấp nhất là binh nhất - chiến sĩ vệ binh. Tôi lúc đó là Tiểu đội trưởng, tương đương với cấp Thượng sĩ.

        Mấy ngày nay, chúng tôi được Ban chỉ huy đơn vị thông báo là toàn đơn vị sẽ bám trụ và sẵn sàng chiến đấu trong lòng địch. Tất cả mọi người được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng.

        Buổi sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975, tình hình vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày, tin tức vẫn phát đi, thu lại bình thường, về chiều, tròi Sài Gòn trong vắt, hầu như không có một gợn mây, nắng đã dịu, gió thổi khá mạnh.

        Khoảng 5 giờ 30 phút chiều, chúng tôi bỗng nghe tiếng nổ rung nhà, có tiếng máy bay rít qua đầu. Tôi mở hẳn cửa phòng làm việc nhìn lên bầu trời. Có ba chiếc máy bay A37 bay từ hướng Tây lần lượt bổ nhào xuống sân bay, mỗi lần bổ nhào là tiếng nổ lại rung chuyển cả khu nhà chúng tôi đang làm việc. Còn chiếc thứ tư và thứ năm đang bay vòng lại. Trong thâm tâm tôi nghĩ: "Mấy thằng này giỏi lợi dụng hướng Tây để bọn mặt đất không nhìn thấy vì bị chói nắng mặt trời...". Lại tiếng bom nổ chát chúa. Có cả tiếng va chạm mạnh trên mái nhà, có lẽ là tiếng va chạm của mảnh bom hay gạch đá. Một cột khói bom bốc lên cuồn cuộn ngay phía bên kia hàng rào Trại Đa-vít, nơi đỗ của máy bay chiến đấu các loại và xưởng sửa chữa máy bay của địch.

        Chiếc máy bay thứ ba bổ nhào rồi lại vọt lên. Lúc này súng liên thanh từ khu gia binh phía sân bóng rổ của Đoàn ta bắt đầu bắn lên tốp máy bay, có lẽ hai hay ba khẩu cùng bắn một lúc. Những khẩu đại liên 12,7 ly này được bố trí cạnh hàng rào trên những chòi canh cao chừng 2 đến 3m, thường nhắm vào Trại Đa-vít nơi Đoàn ta làm việc và sinh sống. Chúng bố trí để đề phòng chúng tôi tập kích hoặc khi có lệnh của cấp trên thì chúng sẽ bắn thẳng vào Trại Đa-vít, tiêu diệt đơn vị chúng tôi.

        Khói bom cuộn tròn bốc lên cao, đất đá văng rào rào, bụi đất mù mịt phủ khắp một góc sân bay Tân Sơn Nhất.

        Tôi nhảy vào phòng máy, gửi ngay một bản tin ngắn gọn trực tiếp về Hà Nội. Có năm máy bay A37 đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất. Có lẽ không quân địch phản chiến!

        Tôi nhắc đi nhắc lại ba lần và bắt đầu mô tả nội dung trực tiếp qua những gì tôi nhìn thấy. Tốp máy bay vẫn lượn quanh và một đợt bom nữa bắt đầu. Phòng máy của chúng tôi lại rung lên bần bật vì những quả bom nổ đinh tai gần ngay bên kia hàng rào Trại Đa-vít, cách chỗ chúng tôi chừng 200m. Những cột khói bốc lên mù mịt, tưởng chừng che khuất cả bầu trời.

        Ngoài Hà Nội hỏi: "Báo cáo tình hình tại chỗ ngay!".

        Tôi trả lời ngay: "Máy bay bay vòng từng chiếc ném bom, mặt đất bắn trả yếu ớt bằng đại liên 12,7 ly. Khói bom bây giò bốc cao, mù mịt".

        Ngoài Hà Nội hỏi tiếp: "Có chắc máy bay A37 không?".

        Tôi trả lòi: "Chắc!".

        Đốì với chúng tôi, những người lính đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, hàng ngày thấy cả đàn máy bay đeo bom, đeo rốc-két đi đánh phá vùng giải phóng, từ máy bay F5 đến A37, máy bay trực thăng vũ trang, loại chở hàng Chinook GH47, máy bay vận tải C123, C130 và C141, các loại máy bay dân dụng chở khách Boeing 707 và 727, cả những chiếc C5A vận tải hạng nặng của Mỹ thường dỡ hàng ở đầu sân bay cách nơi chúng tôi ở chừng 300 đến 400m, khó gì mà không nhận dạng được. Hàng ngày, chúng tôi vẫn sang khu nhà hai tầng tại khu tiếp đón cạnh cổng Trại Đa-vít, cùng anh em vệ binh lên tầng hai quan sát các kiểu máy bay địch, các kiểu lắp bom đạn vào máy bay, cách dỡ hàng hoá, nên chúng tôi đã quá quen thuộc với các chủng loại máy bay hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất rồi.

        Có điều, những ngày đầu chúng tôi mới vào đây, tiếng gầm rú đinh tai của máy bay khi khởi động, tiếng rít dữ dội khi chúng cất cánh và hạ cánh đã làm cho mọi người không thể ngủ nổi. Nhưng rồi mọi thứ cũng quen dần.

        Từ ngoài Hà Nội những dòng chữ lại hiện trên trang giấy. Các thủ trưởng cao nhất của đơn vị chúng tôi đã đến đứng cạnh tôi. "Đồng chí báo cáo đi".
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Giêng, 2014, 03:25:56 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2014, 06:47:31 am »

        Tôi trả lời: "Khả năng máy bay A37 của địch phản chiến, tấn công sân bay, ném bom vào khu vực quân sự. Khói vẫn bốc cao lắm!".

        Ngoài Hà Nội lại hỏi: "Có đúng không?".

        Tôi trả lời: "Bom đánh cách chỗ chúng tôi khoảng 200m. Có năm chiếc A37, chúng tôi nhìn rất rõ".

        Sau chừng một phút, Hà Nội điện lại: "Đề nghị xác nhận năm máy bay A37 ném bom Tân Sơn Nhất".

        Tôi trả lời ngay: "Đúng vậy. Năm chiếc A37 vẫn bay trên đầu chúng tôi và tiếp tục ném bom".

        Rồi các loại xe của địch quanh Trại Đa-vít náo loạn. Lính Sài Gòn triển khai lực lượng trong các chiến hào bên ngoài quanh Trại Đa-vít, súng lăm lăm trên tay, mặt căng thẳng, mắt lo lắng hướng theo từng chiếc A37 tiếp tục bổ nhào ném bom.

        Lửa đã bắt đầu bốc lên từ khu vực bị ném bom. Lửa cao dần, khói cũng cao dần. Rồi năm chiếc A37 biến mất khỏi bầu trời Tân Sơn Nhất. Rồi bầu trời lặng tiếng máy bay, nhưng tiếng nổ từ phía sân bay vẫn vọng sang chỗ chúng tôi liên hồi.

        Tôi điện về Hà Nội: "Năm chiếc A37 đã bay khỏi Tân Sơn Nhất. Khói lửa đang bốc cao ở khu vực sân bay quân sự".

        Ngoài Hà Nội trả lời: "Nhận rõ".

        Anh Châu Quỳ chuyển cho chúng tôi bài viết về cuộc tấn công của năm máy bay A37 xuống sân bay Tân Sơn Nhất mà anh vừa viết vội trên giấy một mặt. Tôi thấy anh xoá chữ, đảo câu, vạch ngang, vạch dọc đủ hướng. Điều này rất khác với tính cách cẩn thận, có lớp lang của anh. Mọi người rất phấn khởi cho rằng địch tấn công lẫn nhau, tình hình của chúng có khả năng rốì loạn và phía ta sẽ nhân cơ hội đánh tiếp. Sân bay chắc sẽ bị đóng cửa vì trận bom bất ngờ này, nên các vùng chiến sự sẽ đỡ bom địch, cuộc sống của chúng tôi ở Trại Đa-vít cũng đỡ căng thẳng vì tiếng máy bay địch lên xuống từng phút. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Phản chiến đúng lúc này thì có lợi cho ta lắm.

        Ngoài Hà Nội lại điện vào: "Trên khen ngợi các đồng chí đã chuyển thông tin về Hà Nội nhanh chóng ngay cả lúc tình hình đang diễn biến. Những thông tin này đã được chuyển trực tiếp đến Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước".

        Hơn hai năm làm nhiệm vụ thông tin liên lạc với Hà Nội, đây là lần đầu tiên cấp cao nhất trực tiếp chỉ đạo, theo dõi chúng tôi. Những dòng chữ xuất hiện khi liên lạc hiện ngay trên trang tin nóng hổi được các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước đọc đâu có nhiều. Tôi đã có vinh dự và may mắn được tường thuật tin chiến trường ngay khi sự kiện đang diễn ra.

        Trong chương trình thời sự đầu buổi tốỉ, Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin 5 máy bay A37 mà Quân giải phóng thu được của quân ngụy Sài Gòn và được phi công của ta lái, đã đánh sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều phương tiện chiến đấu của địch. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau sau giây phút ngạc nhiên, trong lòng tràn ngập niềm vui khó tả. Chúng tôi reo hò, nhảy múa. Vậy là không quân ta có cả máy bay A37 hệ 2, hệ vũ khí của địch, đã sử dụng thật đúng lúc, thật hiệu quả.

        Sau đợt ném bom, không có gì xảy ra thêm nên chúng tôi trở lại sinh hoạt bình thường. Anh Hùng Đào nhờ tôi đi lấy đá lạnh ở nhà ăn. Anh mở ba hộp sữa "Con ó" hoà vào khay nước, đợi đá về để làm mát khay sữa, rót ra từng bát lớn cho anh em trong tổ liên hoan. Anh Thanh Hùng phụ trách ảnh khoe với chúng tôi những bức ảnh anh chụp được về tốp máy bay A37 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất hồi chiều. Chúng tôi chúc nhau những điều tốt lành nhất và tiên liệu cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn có lẽ sắp bắt đầu.

        Gần đến đêm 28 tháng 4 năm 1975, chúng tôi nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu. Anh em vệ binh lập tức triển khai lực lượng đến các chốt được bí mật bố trí xung quanh Trại Đa-vít. Tất cả anh em khác trong đơn vị cũng khẩn trương về vị trí của mình.

        Tôi có một khẩu K59 với khoảng 50 viên đạn, một khẩu các-bin và một thùng đạn mà quân Mỹ bỏ lại trên trần nhà và chúng tôi thu được khi sửa chữa đường điện. Bây giờ là lúc sử dụng những thứ vũ khí này để "cư xử" với đám lính Sài Gòn đây. Nếu xảy ra chiến sự, trận đánh sẽ căng thẳng và quyết liệt vì chúng tôi có các vị trí kín đáo, có đưòng hào dưới lòng đất để di chuyển nhanh chóng quanh Trại Đa-vít. Nhưng chắc chắn đó cũng sẽ là một trận đánh hoàn toàn không cân sức, vì chúng tôi chỉ có khoảng 300 con ngưòi, sĩ quan được trang bị súng lục còn chiến sĩ được trang bị tiểu liên với cơ số đạn hạn chế, còn lực lượng và vũ khí của địch thì nhiều vô kể. Nhưng chúng tôi sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Nhưng có ai ngờ...

        Ngay sáng sớm hôm sau, ngày 29 tháng 4 năm 1975, Quân giải phóng bắt đầu pháo kích dữ dội sân bay Tân Sơn Nhất. Cả đơn vị chúng tôi triển khai lực lượng dưới hệ thống địa đạo của mình. Từng tổ, từng cá nhân đều đã sẵn sàng chiến đấu.

        Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Quân giải phóng đã tiến vào Sài Gòn và ngày toàn thắng đã đến. Và khoảng 10 giờ, một đơn vị Quân giải phóng đã có mặt ỏ Trại Đa-vít của chúng tôi.

        Tình hình chiến sự diễn ra quá nhanh, vượt quá sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Chúng tôi vinh dự được tham gia vào cuộc chiến đấu cho ngày non sông thống nhất, cho hai miền Nam - Bắc được sum họp một nhà. Đấy là một vinh dự lớn lao đối với mỗi người trong đơn vị chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2014, 03:39:58 am »


CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH TRẠI ĐA-VÍT THỜI KỲ 1973- 1975
       
TRẦN DUY HIỂN               

        Tháng 1 năm 1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, đã mở ra thời cơ mới cho cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam theo phương châm "Mỹ cút, ngụy nhào". Đầu tháng 2 năm 1973, hai phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ cộng hoà có mặt tại "Trại Đa-vít" trong sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia Ban Liên hợp quân sự 4 bên Trung ương, có nhiệm vụ phối hợp hành động của các bên trong việc thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định Pa-ri. Giữa sào huyệt của địch, phái đoàn ta đã hiên ngang, kiên định đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ - ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đóng góp vào thắng lợi đó, công tác bảo vệ an ninh có vai trò rất lớn. Trưởng ban Bảo vệ an ninh của phái đoàn ta ỏ Trại Đa-vít những năm ấy là đồng chí Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả), năm nay 82 tuổi. Với sức khỏe và trí nhớ hiếm thấy của một người ở tuổi thượng thọ, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi quanh vấn đề bảo vệ an ninh cho phái đoàn ta ở Trại Đa-vít.

        Mưu sâu của địch...

        Theo thoả thuận giữa hai bên, sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, phía Mỹ sẽ đưa trực thăng tới sân bay Thiện Ngôn (phía bắc tỉnh Tây Ninh, do ta kiểm soát) để đón Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn vào Trại Đa-vít. Là một vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến trường và vốn tính thận trọng, đồng chí Trần Văn Trà gọi chúng tôi đến trao đổi: "Cần hết sức cảnh giác, đề phòng với những thủ đoạn của Mỹ - ngụy phá hoại việc thi hành Hiệp định, kể cả việc địch có thể tấn công vào các Đoàn đại biểu ta". Với vai trò là Trưởng ban Bảo vệ an ninh, tôi đề xuất: "Để bảo đảm an toàn, Đoàn ta chưa nên ra điểm hẹn. Đề nghị anh cho một tổ trinh sát đi tiền trạm".

        Đúng như nhận định của đồng chí Trần Văn Trà, đúng giờ hẹn, trên bầu trời Thiện Ngôn xuất hiện 2 chiếc máy bay địch. Chúng lượn vòng rồi trút hàng loạt bom xuống điểm đón Đoàn ta! Nhờ cảnh giác, phía ta không thiệt hại về người. Phái đoàn ta ra thông cáo kịch liệt phản đối hành động đê tiện này và yêu cầu Mỹ - ngụy phải đón Đoàn tại sân bay Lộc Ninh, nơi Mỹ - ngụy đã chịu nhiều thảm bại, trong đó có toàn bộ ban chỉ huy chiến đoàn 8 của ngụy bị ta bắt làm tù binh.

        Để xoa dịu dư luận sau vụ ném bom hèn hạ bị tố cáo, Mỹ - ngụy buộc phải chấp nhận yêu cầu của phái đoàn ta. Sau khi hai phái đoàn ta vào Trại Đa-vít, Ban Bảo vệ an ninh tiến hành ngay các biện pháp bảo đảm an ninh và chính trị nội bộ, vốn đã được xây dựng chu đáo từ vài tháng trước khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Chúng tôi thu được một số thiết bị điện tử địch cài trong các phòng họp, phòng làm việc, thậm chí cả phòng ngủ... Chúng tôi buộc phải xây dựng mới nhiều phòng làm việc bằng vật liệu sẵn có. Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi biết địch có kế hoạch rất chi tiết nhằm theo dõi, kiểm soát hoạt động của Đoàn ta. Địch sẽ triệt để khai thác sơ hở của ta, dùng tâm lý chiến móc nối, lôi kéo, thậm chí bắt cóc người của ta rồi khống chế, vu khống là chiêu hồi, về với "chánh nghĩa quốc gia!". Hầu hết các nhân viên tạp vụ, lái xe, điện, nước... đều là người của cơ quan an ninh, tình báo ngụy cài vào "phục vụ" phái đoàn ta.

        Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Học, nguyên đại tá, trưởng phòng phản tình báo cục an ninh quân đội ngụy, đã khai nhận đúng như vậy. Chúng có kế hoạch tình báo hỗn hợp để đánh vào hai phái đoàn "Việt cộng" và "Bắc Việt". Địch cho rằng, những thành viên của hai phái đoàn ta chắc chắn đã được lựa chọn rất kỹ, hầu hết là những "phần tử trung kiên" nên không dễ dàng bị lôi kéo. Song có thể, một số thành viên của phái đoàn có người thân thích, ruột thịt đang làm việc cho địch, hoặc sống tại vùng kiểm soát của chúng. Hơn nữa, sau bao năm gian khổ kháng chiến, giờ được sống giữa thành phố Sài Gòn, biết đâu sẽ có người dao động trước những cám dỗ... Nguyễn Văn Học còn khai thêm những âm mưu, thủ đoạn hết sức manh động và hèn hạ của các cơ quan an ninh, tình báo ngụy. Trong trường hợp chiến trường có những đột biến bất lợi, chúng sẽ đầu độc nguồn nước, thực phẩm; bắt các lãnh đạo phái đoàn ta; thậm chí cho bọn lưu manh, côn đồ khiêu khích và kiếm cớ tấn công vào trại để tàn sát phái đoàn ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2014, 05:14:18 pm »

        ... Đụng phải những bức tường thép

        Song, với bản lĩnh của từng thành viên trong phái đoàn ta và nghiệp vụ dày dạn của các cán bộ làm công tác an ninh, mọi âm mưu, thủ đoạn của địch đều gặp phải những "bức tường thép". Địch thường nhắm đến các sĩ quan trẻ của ta để tác động, lôi kéo; vì chúng cho rằng họ còn ít kinh nghiệm và chưa được tôi luyện, thử thách nhiều qua chiến đấu. Hôm ấy, nhân giờ giải lao của cuộc họp bàn về trao trả tù binh, viên thiếu tá ngụy Đinh Công Chất (Tiểu ban trao trả) lại gần một Thiếu uý trẻ của ta làm quen. Khi câu chuyện đã bớt khách khí, viên sĩ quan ngụy chặc lưỡi và nheo mắt nửa đùa nửa thật: "Sang với tụi này đi, sung sướng lắm; đủ các mùi, các vị...". Đồng chí Thiếu uý trẻ của ta quắc mắt, đốp trả: "Này, chiến tranh tâm lý kiểu gì đấy? Có mà vứt vào sọt rác thôi!". Tên Chất tẽn tò, vội chuồn thẳng.

        Còn viên đại tá ngụy Dương Đình Thụ thì hỏi với giọng điệu rất ngạo mạn và khiêu khích một Đại uý của phái đoàn ta: "Này Đại uý, cấp trưởng các tiểu ban bên tôi đều là đại tá, cấp trưỏng các tiểu ban bên anh thì toàn trung tá. Chênh lệch cấp hàm và trình độ như thế, tôi thấy khi ngồi họp rất bất tiện...?". Đồng chí Đại uý của ta dõng dạc đối lại: "Tôi xin trao đổi với ông hai vấn để. Thứ nhất, ngay cả tổng thống của các ông cũng không sánh được với chiến sĩ của chúng tôi đâu. Tổng thống của các ông là kẻ bán nước, còn chiến sĩ chúng tôi là người bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai, hiện giờ chỉ huy cấp sư đoàn của chúng tôi hầu hết là cấp trung tá, thượng tá. Nhưng thưa ông đại tá, qua thực tế chiến trường, nhiểu sư đoàn tinh nhuệ do những sĩ quan cấp tướng của các ông chỉ huy, lại có sự giúp sức của cố vấn Mỹ, song đều bị chúng tôi đánh cho tơi tả. Vì vậy, đại tá của các ông cũng không thể so với trung tá của chúng tôi được". Khẩu khí của một Đại uý "Việt cộng" khiến đại tá Dương Đình Thụ tái mặt và phải lánh đi nơi khác.

        Sau ngày 30 tháng 4 nắm 1975, viên đại tá, trưỏng phòng phản tình báo ngụy Nguyễn Văn Học khai: "Chúng tôi đã gặp một đối thủ quá cứng rắn. Tất cả những lần tiếp xúc thông thường thì không sao, nhưng khi đụng vào những nội dung cần thiết thì đều bị đánh bật ra; khiến những sĩ quan có hạng của chúng tôi cũng phải lắc đầu...".

       Câu chuyện cảm động về tình ruột thịt giữa hai người khác chiến tuyến

        Trong số các nhân viên điện nước của địch tại Trại Đa-vít, có một sĩ quan công binh mang quân hàm thiếu tá, tên là Bùi Thiện Khiêm, chừng hơn 30 tuổi. Khiêm tỏ ra mẫn cán, nhiều lần kiểm tra hoạt động của hệ thống điện nước và đến được những nơi "cần đến" trong Trại Đa-vít. Nhưng có điều đáng lo ngại là, mỗi khi gặp ai trong phái đoàn ta, Khiêm đều nhìn người đó rất lâu... Được báo cáo việc này, tôi tạo ra một tình huống ngẫu nhiên để gặp Khiêm, thì đúng như thông tin được phản ánh. Anh em bảo vệ an ninh hội ý và thống nhất nhận định: Có thể Khiêm có ngưòi quen trong phái đoàn ta. Lúc Khiêm còn nhỏ, cha hoặc anh trai của Khiêm đi tập kết, nay cũng có mặt trong phái đoàn...

        Tôi tập trung rà soát toàn bộ danh sách phái đoàn ta thì phát hiện một người có họ, tên đệm trùng khớp với Khiêm; xét về tuổi tác thì có thể là anh trai của Khiêm. Người này là Bùi Thiệu Hùng, làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Nga cho Đoàn ta khi làm việc với Đoàn Hung-ga-ri và Đoàn Ba Lan trong Uỷ ban Quốc tế. Quả nhiên hôm ấy, sau một phiên họp, khi phái đoàn ta tiễn Đoàn Hung- ga-ri và Đoàn Ba Lan ra về, thì bất ngờ Bùi Thiện Khiêm xuất hiện và - có lẽ vì quá xúc động, không thể kìm nén được - đã chạy ào về phía Đoàn ta, ôm chầm lấy đồng chí Hùng rồi kêu lên: "Ôi anh Hùng ơi, em là Khiêm đây!". Hai anh em họ ôm qhặt lấy nhau và trào nước mắt, khiến những ngưòi chứng kiến không khỏi bùi ngùi.

        Đồng chí Hùng sau đó đã báo cáo đầy đủ về mối quan hệ với ngưòi em trai. Khi đồng chí Hùng ra Bắc tập kết năm 1954, Bùi Thiện Khiêm mới trên dưới 10 tuổi/Gần 20 năm sau, anh em họ mới gặp lại nhau trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và hết sức éo le. Khi tôi báo cáo việc này, đồng chí Trần Văn Trà trầm ngâm giây lát và nhận định: "Việc này cũng bình thường thôi,! đó là vì đất nước có chiến tranh và bị chia cắt. Ta cứ cho anh em họ gặp nhau thêm, nhưng phải xin ý kiến cơ quan nghiệp vụ cấp trên". Được sự đồng ý của cấp trên, tôi đã bố trí cho hai anh em họ gặp nhau. Trong cuộc gặp ấy, đồng chí Hùng với tư thế là người chiến thắng đồng thời là người anh trai, đã dành cho đứa em ruột những tình cảm chân thành. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ cha mẹ và những người thân, đồng chí Hùng nhắc nhở Khiêm, đại ý: Gia đình mình có truyền thống tốt, chưa làm gì hại đến Tổ quốc, bản thân em phải ghi nhớ và thực hành điều đó... Trong hoàn cảnh hết sức tế nhị đó, chính anh Bùi Thiện Hùng đã trỏ thành một mắt xích quan trọng, góp phần vô hiệu hoá thủ đoạn nham hiểm của đối phương lợi dụng tình cảm gia đình để phá hoại nội bộ ta.

        Có mặt 823 ngày đêm tại Trại Đa-vít, hai Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao quân sự, đấu tranh đảm bảo việc thi hành Hiệp định Pa-ri. Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí Phạm Văn Lãi cùng đồng chí Cẩn đã cắm lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên đỉnh tháp nước của trại - một trong những lá cờ giải phóng đầu tiên tung bay trên thành phố mang tên Bác trong Ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2014, 06:39:17 am »


TRỎ LẠI CHIẾN TRƯÒNG XƯA
       
ĐỖ VINH               

        Sau ngày miền Nam giải phóng, chúng tôi vẫn ước ao có dịp trở lại Lộc Ninh, thủ phủ một thời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Hồi đó, nhiều anh em trong chúng tôi đang trực tiếp công tác, chiến đấu ỏ miền Đông Nam Bộ, một số được điều động từ các chiến trường khác tới hoặc từ miền Bắc vào để phục vụ đơn vị hậu cứ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia thi hành Hiệp định Pa-ri (Đoàn 315A). Thế rồi, nguyện vọng cháy bỏng của chúng tôi đã trở thành hiện thực khi Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Đa-vít tổ chức chuyến "trở lại chiến trưòng xưa", nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam (30 4-1975- 30-4-2010).

        Đoàn Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Đa-vít có hơn 70 ngưòi, phần lớn là các chiến hữu ở phía Nam và 15 đồng đội từ miền Bắc vào cùng tham gia. Xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh từ sáng sớm, đoàn xe của chúng tôi nhanh chóng ra khỏi Sài Gòn, rồi bắt vào quốc lộ 13, chạy theo hướng Lộc Ninh. Đường rộng thênh thang, phần lớn có bốn làn xe chạy với tốc độ cao. Xe chúng tôi chạy qua nhiều địa danh lịch sử của thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cứ qua mỗi nơi, chúng tôi có dịp ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên của một thời chinh chiến đầy hy sinh và gian khổ.

        Đây Bầu Bàng, từng là địa bàn tác chiến của sư đoàn bộ binh số 1 của quân đội Hoa Kỳ, một thời vênh váo với biệt danh "Anh cả đỏ"; trong trận càn Gian-xơn Xi-ty mùa khô 1966 - 1967, sư đoàn này đã chịu thất bại nặng nề trước các sư đoàn chủ lực của Quân giải phóng, trong những trận đánh đầu tiên ở cấp sư đoàn của quân ta ỏ miền Nam. Kia Chơn Thành, từng nổi tiếng với tên gọi "bức tường thép trên quốc lộ 13", được Mỹ - ngụy coi là địa đầu trấn giữ phía bắc Sài Gòn và là nơi diễn ra những trận đánh giáp lá cà ác liệt giữa quân ta và quân Mỹ ở đó bài học "nắm thắt lưng địch mà đánh" được áp dụng rất hiệu quả trong Quân giải phóng. Rồi thị xã An Lộc, từng là mục tiêu tiến công của quân ta suốt 54 ngày đêm trong chiến dịch Nguyễn Huệ mùa khô 1971-1972. Đi qua An Lộc gần 20km, chúng tôi đến ngã ba Đồng Tâm và rẽ vào lộ 17 dẫn đến khu căn cứ của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam (B2) ở khu rừng già Tà Thiết.

        Trong chiến dịch Nguyễn Huệ, Lộc Ninh là hướng chính của quân ta và được giải phóng tháng 4 năm 1972. Từ đó, Lộc Ninh trở thành biểu tượng chiến thắng của ta và là nỗi nhục thất bại của quân địch. Lộc Ninh cũng trở thành một vị trí quân sự quan trọng và trung 
tâm chính trị ở vùng giải phóng rộng lớn của ta, kéo dài từ phía bắc An Lộc qua thị trấn Lộc Ninh lên tận biên giới với Cam-pu-chia. Do vị trí địa lý độc đáo của mình, Lộc Ninh còn là đầu mối cuối cùng của tuyến vận tải chiến lược "đường mòn Hồ Chí Minh", là hậu phương trực tiếp của chiến trường B2 và là một căn cứ vững chắc của cách mạng miền Nam.

        Vùng đất đỏ ba-zan màu mỡ và điều kiện khí hậu nhiệt đối của Lộc Ninh rất thích hợp cho cây cao su phát triển. Do đó, từ năm 1911, Lộc Ninh đã trở thành nơi đặt trụ sở của Công ty cao su Xét-xô khổng lồ của tư bản Pháp. Vì nguồn lao động tại chỗ không đủ để đáp ứng nhu cầu khai thác nguồn tài nguyên cao su giàu có, các ông chủ người Pháp đã cấu kết với chính quyền tay sai bản địa để mua chuộc và cưỡng bức nông dân từ khắp nước đến đây làm việc cho các đồn điền cao su. Đến năm 1943, ở Lộc Ninh đã có hơn 20.000 đồng bào miền Bắc và miền Trung cùng hơn 8.000 đồng bào các dân tộc thiểu số quanh vùng đến làm công nhân cao su cho người Pháp trong những điều kiện lao động hết sức tồi tệ . Chính từ lực lượng công nhân cao su này mà các chi bộ Đảng đã sớm ra đời và lãnh đạo cuộc đấu tranh kiên cường của công nhân và nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng Pháp. Đó cũng là một trong những tiền đề để Lộc Ninh trở thành vùng căn cứ cách mạng vững chắc của thời kỳ chống Mỹ sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2014, 05:52:15 am »

        Lộ 17 vào rừng Tà Thiết vốn là con đường mòn đất đỏ ít người qua lại, chạy dưới tán lá rừng rậm rì. Để giữ bí mật tuyệt đối cho khu căn cứ, chúng tôi thường cuốc bộ theo hướng phía tây nam thị trấn Lộc Ninh qua sóc Lộc Bình để vào vòng ngoài của căn cứ. Nay thì lộ 17 đã được trải nhựa phẳng lì, khá rộng rãi. Hai bên đường, rừng già đã hoàn toàn biến mất và được thay thế bởi những trang trại cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả.


Trở lại chiến trường xưa

        Đây rồi, khu căn cứ của Bộ chỉ huy Miền! Chúng tôi bồi hồi nhớ lại những ngày sông và chiến đấu ở "miền Đông gian lao mà anh dũng". Thời đó, vùng giải phóng rộng lớn của ta từ bắc An Lộc đến tận biên giới với Cam-pu-chia, trừ thị trấn Lộc Ninh và một sô" điểm dân cư, từng được che phủ bởi những đồn điền cao su ngút ngàn và khu rừng nguyên sinh tầng tầng lớp lớp với nhiều loại gỗ quý, thân cây cao chót vót, có những gốc cây vài ba người ôm không xuể. Dẫu chiến tranh có ác liệt, bom đạn và chất độc hoá học của địch có nhiều, nhưng rừng ỏ đây ít bị tàn phá nên vẫn là thành luỹ vững chắc che chở cho các lực lượng cách mạng. Những ngôi nhà trong căn cứ được xây cất thành từng, cụm cách nhau từ 50 đến 200m. Những ngôi nhà này được làm bằng gỗ rừng, mái lợp bằng lá trung quân, hầu hến được dựng nửa chìm nửa nổi, có một hay hai căn hầm chữ A kiên cố, được kết nối với giao thông hào thành một hệ thống công sự chiến đấu liên hoàn. Các ngôi nhà, căn hầm và giao thông hào đều nép mình dưới tán lá dày đặc của rừng già, kẻ địch khó có thể phát hiện.

        Đơn vị chúng tôi đóng quân ỏ vòng ngoài của khu căn cứ, với những căn nhà đơn sơ, lặng lẽ ẩn mình dưới tán lá rừng rậm rạp. Cảnh vật nơi đây hết sức hoang sơ có lẽ chưa mấy ai qua lại trước khi những người lính, giải phóng đến đây xây dựng căn cứ. Muỗi, vắt, kiến, mối... di chuyển từng bầy từng đàn, chúng là những côn trùng quen thuộc nhưng không hề thân thiện. Tiếng chim hót líu lo suốt ngày, nghe rất vui tai. Cuộc đời ngưòi lính chiến trường dẫu đầy gian khổ và hy sinh nhưng cũng có những phút giây bình yên, lãng mạn.

        Giờ đây, nhiều lối mòn trong khu di tích Tà Thiết đã được trải nhựa, đủ rộng để hai ô tô du lịch tránh nhau. Nhưng toàn bộ khu rừng già mà một thời là "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" nay không còn nữa, chỉ còn lại những bụi cây lúp xúp với lác đác những cây gỗ tạp có đường kính chừng 20 đến 25cm, nhưng tán lá của chúng không đủ dày để che khuất những căn nhà, hầm trú ẩn, giao thông hào nay đã được phục hồi hoặc sửa chữa để phục vụ du lịch. Dưới bàn tay con ngưòi, cảnh vật nơi đây đã thay đổi quá nhiều, nhiều đến mức khó [có thể nhận ra nữa.

        Chúng tôi được các hướng dẫn viên đưa đi thăm phòng trưng bày của khu căn cứ cách mạng, được nghe giới thiệu về lịch sử thành lập và trưởng thành của khu căn cứ. Rồi chúng tôi trồng cây lưu niệm ở lối vào căn cứ. Thời gian còn lại, chúng tôi ghé thăm các căn nhà của Tự lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Lê Đức Anh và Hội trường Bộ chỉ [huy Miền. Tất cả những căn nhà này đều được bảo quản khá chu đáo, nhưng chúng đứng hầu như trơ trọi giữa trời, có thể trông thấy từ cách xa hàng dăm chục mét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2014, 11:06:08 pm »

        Đường 13 từ ngã ba Đồng Tâm đi thị trấn Lộc Ninh hôm nay rộng thênh thang và bằng phẳng, hai bên là khu dân cư đông đúc xen lẫn nhiều trang trại cao su, vườn cây ăn quả, vườn hồ tiêu... Tới ngã ba ở giữa thị trấn, chúng tôi rẽ trái đi chừng 600 đến 700m thì tới sân bay Lộc Ninh. Đường vào sân bay cây cỏ bị đốt trụi, chỉ còn lại một tượng đài nhỏ và một cổng gạch mốc thếch ghi mấy chữ sơ sài "SÂN BAY QUÂN SỰ LỘC NINH" và bên dưới có dòng chữ nhỏ hơn "Đây là nơi trao trả tù binh của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, nơi xuất phát của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn...". Chúng tôi tản bộ trên đường băng sân bay, nay chỉ còn rộng hơn 50m và dài chừng 500m. Những tấm thép dày được dập lỗ tròn xưa trải rộng ngang đường băng để máy bay C130 lên xuống nay không còn nữa. Cả đường băng trông giống như một đoạn đường lớn đang được san ủi để rải đá và nhựa. Sát hai bên đường băng là những cánh rừng cao su hàng chục năm tuổi và đã được khai thác mủ từ dăm năm nay.

        Chính ở sân bay Lộc Ninh đã diễn ra đợt trao trả tù binh đầu tiên vào ngày 12 tháng 2 năm 1973, theo đó Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả cho phía Mỹ 27 quân nhân và chính quyền Sài Gòn trao trả cho phía ta 140 quân nhân. Cùng ngày, ở Hà Nội Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trao trả cho phía Mỹ 116 phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc, và ở Quảng Trị phía Sài Gòn trao trả cho phía Chính phủ Cách mạng lâm thòi Cộng hòa miền Nam Việt Nam 795 quân nhân.

        Theo thoả thuận của 4 bên, việc trao trả tù binh đồng thời bắt đầu lúc 9 giờ sáng ở cả ba địa điểm: sân bay Lộc Ninh, sân bay Gia Lâm và sông Thạch Hãn. cả phía ta và phía Mỹ đều thực sự muốn mọi việc diễn ra suôn sẻ để mở đường cho những đợt tiếp theo, nhưng sự cố nghiêm trọng đã xảy ra. Đã quá giờ quy định 2 tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa thấy chuyến máy bay C130 đầu tiên từ Biên Hoà tới, trong khi Hà Nội liên tục gọi điện vào hỏi tình hình để bắt đầu trao trả tù binh Mỹ ở Gia Lâm. Trưóc sự chậm trễ bất thường này, đại diện ban tổ chức tiếp nhận tù binh của ta (Đoàn 315A) đã chất vấn các sĩ quan trao trả Sài Gòn mấy lần thì được biết anh em tù binh ta ở nhà lao Biên Hoà nhất định không chịu lên xe ra sân bay để đến địa điểm trao trả ở Lộc Ninh!
 

Lối vào sân bay Lộc Ninh ngày nay

        Tại sao anh em tù binh ta không chịu ra Lộc Ninh để được trao trả? Anh em ta có lý do gì để không chịu rời nhà lao? Hay, đối phương âm mưu phá hoại việc trao trả? Ban tổ chức tiếp nhận của ta đòi được đưa đại diện đến Biên Hoà để xác minh sự việc, nhưng phía Sài Gòn một mực không chịu. Đến nước này thì chúng ta phải đánh bài ngửa với phía Mỹ. Đồng chí Trung tá phụ trách ban tổ chức tiếp nhận của ta tuyên bố trước các thành viên Tổ sĩ quan trao trả Hoa Kỳ và đại diện Uỷ ban Quốíc tế: "Phía Việt Nam cộng hòa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự chậm trễ này nếu Chính phủ
Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hoãn trao trả 27 tù binh Mỷ ở Lộc Ninh".

        Bị đặt vào thế bí, Tổ sĩ quan trao trả Hoa Kỳ buộc phải trao đổi riêng với phía Sài Gòn. Cuộc trao đổi đang diễn ra giằng co thì chiếc máy bay C130 đầu tiên xuất hiện trên bầu trời phía nam Lộc Ninh, rồi nặng nề hạ cánh xuống đường băng và chầm chậm lăn bánh về điểm đỗ, theo sự điều khiển của sĩ quan chỉ huy sân bay của ta. Lúc đó là khoảng 14 giò 45 phút. Những ngưòi đầu tiên bước xuống cầu thang chiếc máy bay C130 là các sĩ quan trao trả của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Một cuộc họp chớp nhoáng được triệu tập giữa các sĩ quan ta từ Biên Hoà ra và ban tổ chức tiếp nhận của Đoàn 315A, và nguyên nhân của sự chậm trễ nhanh chóng được làm sáng tỏ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM